Thứ Hai, 20 tháng 1, 2025

Trăng và nỗi cô đơn bất tận trong hành trình thơ của Hạc Thành Hoa

Trăng và nỗi cô đơn bất tận
trong hành trình thơ của Hạc Thành Hoa

Nhận được tập thơ “Chỉ Còn Những Ngày Chủ Nhật” của nhà thơ Hạc Thành Hoa ký tặng khi tôi đến thăm anh ở căn nhà nhỏ ở Bình Thạnh, tôi rất vui và xúc động bởi lẽ khi quyết định in tập thơ nầy anh đã bước qua lứa tuổi 80.

Nhưng tâm hồn thơ của anh vẫn mải miết xuôi về biển lớn dù bây giờ dòng sông thơ ấy chỉ còn lững lờ trôi một cách chậm rải, thong dong từ lâu lại có lúc nghẻn dòng không còn ào ạt và tràn đầy phù sa lấp lánh như thuở nào nhưng điều đó cũng thật đáng mừng vì từ lâu sức khỏe của anh không được tốt, đi đứng lại khó khăn nên anh đã thưa viết cũng như gởi bài tham gia trên các trang văn học nghệ thuật, các báo mạng thân thiết.

Nhà thơ Hạc Thành Hoa tên thật Nguyễn Đường Thai, sinh năm 1938, sinh quán tại Xuân Phổ, Thọ Xuân, Thanh Hóa, sống bằng nghề dạy học, Hạc Thành Hoa làm thơ từ những năm đầu thập niên 60 của thế kỷ trưước, có nhiều thơ đăng trên các báo, các tạp chí văn học thời danh trước năm 1975. Tính đến nay anh đã xuất bản được 6 tác phẩm thơ. Ngoài tập “Chỉ Còn Những Ngày Chủ Nhật”mới xuất bản anh còn có 5 tập khác là: Trong Nỗi Buồn Vàng(Nxb Nguyễn Đình Vượng-1971), Một Mình Như Cánh Lá(Nxb Giao Điểm 1973, Thư Ấn Quán tái bản 2006 tại Hoa Kỳ), Phía Sau Một Vầng Trăng(Nxb Thanh Niên-1995), Khói Tóc(Nxb Lao Động-1996), Tuyển Tập Thơ Hạc Thành Hoa(Nxb Văn Học-2013) được công chúng yêu thơ đón nhận.

Có thể nói tập thơ Chỉ Còn Những Ngày Chủ Nhật là tập thơ thay thế cho tập Những Vần Thơ Màu Huyết Vụ mà anh dự định ra mắt sau tập Tuyển Tập Thơ Hạc Thành Hoa in năm 3013 lúc còn ở Cao Lãnh nhưng vì một lý do nào đó anh không thực hiện được, đến lúc chuyển về sống ở Sài Gòn được sự động viên của bạn bè văn nghệ và sự giúp đở tích cực thực hiện bản thảo của anh Đặng Châu Long và cô em gái Ngô Thị Mỹ Lệ cùng nhà in của anh Nguyên Minh mới được xuất bản. Tác phẩm nầy gồm nhiều bài thơ mới anh làm chưa có điều kiện phổ biến đồng thời tập thơ cũng đưa vào một số bài thơ anh yêu thích đã in trong các tập thơ trước đánh dấu một chặng đường thơ của anh, theo lời nói đầu của sách có lẽ cũng là tác phẩm thơ sau cùng của anh được ra mắt bạn đọc, bản thân anh nhận biết mình thực sự mình đã mệt mỏi và sự hưng phấn trong việc tìm tòi, sáng tạo, dấn thân vào thi ca thời trẻ trải qua bao biến động của thời cuộc và những khó khăn của cuộc sống không còn làm cho anh thích thú và cạn dần đi niềm đam mê. Điều đó cũng dễ hiểu và ta có thể thông cảm với tâm trạng của anh hiện tại nhưng dù sao ta cũng vui mừng chúc đứa con tinh thần của anh ra đời trong sự đón nhận nồng nhiệt của anh em văn nghệ. Tập thơ chỉ dày khoảng 140 trang với gần 60 bài thơ, thêm phần phụ lục có 3 bài thơ của bạn văn viết về anh là Cao Thoại Châu, Vũ Hữu Định, Nguyễn An Bình và 1 bài viết cảm nhận về tập thơ của nhà văn Đặng Châu Long.

Đọc Chỉ Còn Những Ngày Chủ Nhật điều đầu tiên chúng ta nhận ra hình ảnh trăng là một thực thể bàng bạc tồn tại trong suốt hành trình thơ của anh. Trăng trong thơ anh vừa là bóng gắn liền với hình, vừa là người tình không chân dung, vừa là người bạn gắn bó để anh gởi gấm nỗi niềm, tâm sự của mình mà không ai có thể quấy rầy cái không gian riêng tư anh luôn tìm kiếm trân trọng, chẳng phải các nhà thơ trước anh và sau anh ai mà không ít nhất một lần mượn hình ảnh trăng để bày tỏ tấm lòng tri kỷ: Lý Bạch uống rượu say nhảy xuống sông ôm trăng mà chết, Hàn Mặc Tử muốn bán trăng trong tâm hồn điên loạn của mình là gì… Bước chân của Hạc Thành Hoa không biết bao nhiêu lần theo dấu trăng soi bên bờ giậu, ngồi mơ mộng dưới ánh trăng vàng, trên sân thượng giặt áo chờ trăng lên, trong quán cà phê màu vàng, khi không còn biết nhớ đến ai, chan chứa nỗi buồn mênh mông trong đêm nguyệt tận, đôi khi cho rằng chỉ tại một vầng trăng suông. Nỗi lòng ấy, tâm trạng ấy đầy vơi như con nước lớn ròng, như mưa khuya chan hòa cùng nắng sớm, như ngọn sóng đùa trên dòng biển xanh dù đôi lúc có những cách ngăn không đáng có.

Trăng thành nước lạnh xối trên da

Vàng phai từ độ bóng nguyệt tà

Những đêm mặt đất hoang vu quá

Một bóng ta dài xa rất xa.

(Ngồi dưới trăng tan)

Đối với nhà thơ,Trăng cũng có một tâm hồn, cũng biết thương biết nhớ, biết thao thức như người thiếu phụ chờ chồng trên bến sông mà ngày về thì vô định:

…Chỉ thương tình một nhánh sông

Người đi là để cả dòng nước đau

Đêm thao thức dưới chân cầu

Nhìn trăng thiếu phụ ôi sầu mênh mang.

(Trăng thiếu phụ)

Vẩn vơ nỗi sầu mênh mang trong một đêm trăng phơi áo như phơi cả nỗi quạnh hiu của một kiếp người:

Cố thức giặc cho xong quần áo

Ngậm ngùi vắt những ánh trăng trong

Trăng theo nước chảy về vô tận

Từng giọt trăng dư rụng xuống lòng.

Đêm nay phơi áo trên sân thượng

Phơi cả đời ta giữa quạnh hiu

Phơi cả hồn ta trong sương lạnh

Một trời trong vắt bóng trăng treo”

(Đêm trăng phơi áo)

Chẳng thế mà nhà văn Đặng Châu Long trong bài viết cảm nhận cho tập thơ mới “Chỉ Còn Những Ngày Chủ Nhật” anh đã có nhận xét khá hay đầy góc cạnh: “Với Hạc Thành Hoa, người đọc có thể cảm nhận trăng ở quanh anh.Với tôi, tôi lại thấy trăng chỉ là một người bạn đường cho anh gởi gắm nỗi cô đơn giữa nỗi đời bất động này, Trăng di chuyển quanh đời anh, quấn quít cùng anh, ra dáng vô tình như một cái nhếch mép trên môi Ca Diếp, từ đó nụ hoa vô thường đã tình cờ dịu tỏa :

Một vầng trăng từ đêm ấy nhô lên

Biển nở một đóa hoa vàng rực

Trên bãi cát lõa thể

Tôi cõng trăng chạy suốt đêm

Biển tràn ngập trong tôi đêm hôm ấy

(HTH, trăng biển)”

   Với nhà thơ Trần Hoàng Vy trăng trong thơ Hạc Thành Hoa lại là vầng trăng huyễn mộng: “Là vầng trăng cố xứ hay quê người, của một thời đam mê huyễn mộng cùng trăng, dầu là “một vầng trăng héo” song người thơ, cùng với câu thơ vẫn cứ “thẩn thơ trôi trong bóng nguyệt hoang đường” (trang 17). Thơ và người thơ Hạc Thành Hoa vẫn luôn khẳng định: “Có lúc chẳng biết mình là ai nữa/ Vẫn mang theo vầng trăng ở trong lòng…” (trang 53), mà trăng thì ai cũng thích nhìn và ngắm…”.

Nhà văn Nguyễn Lệ Uyên có một thời gian sống khá dài bên Hạc Thạnh Hoa ở Sa Đéc nên những ngóc ngách trong thơ Hạc Thành Hoa anh tường tận biết rất rõ, anh viết một bài khá dài và kỹ lưỡng về trăng trong hành trình thơ của Hạc Thành Hoa từ trước 1975 và cả giai đoạn sau nầy:

“Có thể nói, cả 4 tập thơ đã ấn hành của ông luôn thấp thoáng Trăng là Nguyệt là màu vàng rụng xuống hồn ông. Có cả hàng chục tựa bài thơ và hàng trăm câu thơ dát bóng trăng lạnh xa gần chiếu dọi như là những nỗi niềm trải dài, che kín cả một màu chia ly ở đôi bờ khắc khoải, nhớ nhung. Chừng như với ông, Trăng là nỗi ám ảnh một kiếp lưu đày, là nguyệt vàng nhuốm màu thời gian trước và sau của những mất mát, tìm kiếm, khao khát… vây phủ cả đời cuộc ông vậy. Trăng với ông là mối tình câm lạnh. Nguyệt vàng trăng là tâm cảm triền miên những con sóng vỗ vào bờ đá “tình người”:

 Tình người bờ đá trăm năm

Sóng tình tôi cuộn trên dòng nước trôi.

(Trên bờ đá tình người)

           Khoảng thời gian ấy, không bao giờ những vò rượu Lai Vung, Lấp Vò nhấn lút được những câu thơ từ chốn sâu thẳm tâm hồn ông tha thướt bước ra như một thiếu nữ khuê các. Nàng đẹp đến não nùng. Nàng Lục Bát của ông khoác áo màu hoàng yến tắm trăng. Mảnh xiêm y rơi nhẹ. Trăng ướt đẫm nàng, ve vuốt nàng rồi trần truồng phơi ra những thiên hà ngập ngừng bên cạnh con nước sông Tiền lên xuống.

Bên kia con rạch là Trăng vàng và bên này là nhà thơ, để trăng chụp úp lên thơ, quấn quít nhau hơi thở dồn dập của đôi tình nhân.

 Một đời con suối lang thang

Mây thu cánh mộng trong khoang thuyền tình

(Vàng đôi cánh biếc)

           Màu trăng lạnh huyễn hoặc kia chừng như không bao giờ rời xa ông, chỉ vì nó thật gần, cách nhau bằng tiếng thở của con sóng nhỏ lăn tăn, cách nhau chỉ mấy bước chân ngập ngừng, nửa quen nửa lạ. Lúc trăng xa, ông ngỡ như gần. Lúc trăng ẩn nấp đâu đó trong khoảng lặng của thời gian thì ông tưởng như Trăng đã Vàng Nguyệt rời xa ông mãi mãi, khiến ông sợ hãi cái thời khắc kinh khủng kia, thời khắc của mộng mị và những ảo giác mệt nhoài trong cơn mê lú, để, khi tỉnh lại, nỗi trống vắng càng lồ lộ như cảnh “người đàn bà ngoại tình” của Albert Camus trên terrasse quán trọ vùng sa mạc cận Alger, một mình, hoàn toàn cô độc. Nếu như người đàn bà của Camus cô đơn giữa bầu trời đầy sao trong đêm sâu thăm thẳm, thì ông, Hạc Thành Hoa bị người tình là Trăng vàng Nguyệt kia quay gót, bỏ lại cái hình hài thực giữa muôn trùng giun dế về đêm.

 Hồn từ giã biệt cơn mê

Trăng đi bỏ lại bốn bề quạnh hiu

Đèn lu lòng ngại không khêu

Sợ trăng lên cánh rừng treo áo vàng

(Trong cánh rừng thiên thu)  

Ông yêu tha thiết cái màu vàng trăng là nguyệt kia đến độ gần như phát cuồng

 Có con rắn lục nằm trong lá

Rít một hơi dài lạnh buốt xuân…

Trăng bỏ người đi đêm nguyệt tận

Ly rượu hề môi chạm tảng băng…

Ai mang áo lụa vàng năm ấy

Mỗi cánh mai giờ một nỗi đau

 (Đêm nguyệt tận)

           Ông viết bài này năm 1990 bằng những hồi tưởng về một nỗi đau, mất mát đã ám suốt cuộc đời như lớp bồ hóng đen bóng trên gác bếp. Ông như một người chiến binh ngoài mặt trận, đang ngã ngựa. Bóng trăng đã xô ông té nhào đến thê thảm:

 Ta chẳng còn là mây mùa thu trước

Em không còn là trăng của thu xưa

(Lại một mùa mưa sắp đến)

           Không, rõ ràng ông không là một Hàn Mặc Tử thứ hai để say trăng, để điên vì trăng. Bởi màu trăng của Hàn Mặc Tử là màu trăng huyết, nhuốm đỏ cả khung trời, trước mắt nhà thơ. Đó là những cơn đau đớn vật vã đến cuồng loạn. Còn trăng của Hạc Thành Hoa là màu trăng của “Áo lụa Hà Đông, là trăng hoàng yến, là cánh mai vàng… Nó có đó, thật gần trong cái với tay nhưng lại vô cùng xa cách để cuối cùng, màu Nguyệt vàng Trăng ấy biến những khoảng cách nồng nàn kia trở thành những cơn mộng huyễn. Ông đuổi bắt, tìm kiếm hình bóng lay lắt có không kia đến mỏi mòn…

Ông đi tìm bóng, mỏi mòn tìm bóng đến hụt hơi.

Ông say mộng chỉ vì say nhan sắc màu trăng, theo ngày tháng đã tẩm liệm hồn mình.

Ông say trăng trong cõi mộng mị ta bà suốt những năm tháng dài.

Cuối cùng ông say thực:

 Thức ăn và rượu đều ra hết

Còn lại trong ta một nỗi buồn

Nỗi buồn lớn quá xô ta ngã

Nằm dài như xác chết chưa chôn

(Cơn say tuyệt vời)”

*

Bên cạnh người bạn trăng mà ta vừa nhắc đến, nỗi cô đơn cũng là người bạn đồng hành trong suốt cuộc hành trình thơ của anh, nó tràn ngập khắp nơi vây kín anh, nỗi cô đơn làm anh sống trong cơn đồng thiếp, giữa mộng và thực, trong ngọt ngào lại xen lẫn cay đắng, trong đau khổ lấp lánh niềm vui ẩn nắp đâu đó mà nhà thơ không thể nắm bắt được:

…Bên đường anh đang trú mưa

Giá mà có em

Thì trận mưa sẽ dễ thương biết mấy

Sài Gòn sẽ dễ thương biết mấy

Và anh…

Vẫn đứng đây trú mưa

Như mười mấy năm về trước

Dưới hàng bông giấy nầy

Chỉ có cổ họng khô

Còn tất cả đều ướt

(Nói với mình trong khi trú mưa)

Hình ảnh người thổi saxophone một thời tiếng kèn vang dội, hấp dẫn biết bao nhiêu người nghe trên sân khấu bây giờ lại tàn tạ đáng thương trong sự già nua cô độc biết nhường nào:

Bây giờ chỉ còn anh chỉ còn anh

Một hơi thở mòn

Bên chiếc kèn hỏng hóc

Anh khóc

Khóc cho sự bất lực của tuổi tác

Cây kèn khóc

Khóc cho sự hủy hoại của thời gian

Chằng còn gì chẳng còn gì

Ngoại chiếc bóng dưới chân

(Người thổi kèn saxaphone)

Ai là người có thể chia sẻ niềm vui nỗi buồn, ai là người đợi chờ mình trở về trong đêm tàn mưa lạnh, ai là kẻ rong chơi quên lãng tháng ngày, không có ai, chỉ có mình đối diện một mình với biển:

3- cứ ngỡ đang chia sẻ niềm vui với người

biển dạt dào sóng vỗ

biển nồng nàn với từng đợt sóng

hôn mãi hôn mãi lên bờ cát

có biết đâu những giọt mưa

những giọ mưa đang thầm rụng trên môi một người

trong một đêm với biển

(Một đêm với biển)

Thơ anh có sự liên tưởng kỳ lạ về số phận con người gắn với con tàu “mở mắt ra thấy con tàu chạy xuôi, nhắm mắt lại thấy con tàu chạy ngược” thì kết quả cũng chỉ là chia xa, đổ vỡ:

“2- tôi nhắm mắt hình dung

giữa đám đông

như hai chiếc bóng

mình ôm nhau như đôi tình nhân

lâu ngày gặp lại

ôm chặt lấy nhau như đôi tình nhân

vì sợ mất nhau

nhưng nào có giữ được nhau

vì mỗi chúng ta đều gắn với một con tàu”

(Trong toa tàu số 1)

Đứng trước sông nước bao la, buổi chiều tà đang dần xuống, cánh chim cô độc đang bay về hướng trời xa, người ta có thể cảm nhận được nỗi cô đơn ấy qua nét hiu quạnh của bến nước dìu hiu, sương mờ nhân ảnh:

Chín năm chim đậu bến người

Thu đôi cánh biếc lạn ngoài rừng mơ

Đáy sông in bóng trời mờ

Nước lên mấp mé đôi bờ quạnh hiu

Tôi còn lại được bấy nhiêu

Bến hoang vu lạnh những chiều tàn đông.

(Nỗi hiu quạnh của dòng sông)

Ngoài kia từng cánh mai vàng nở

Én bay rợp cả một trời xuân

Ta nằm co rút trong chăn mỏng

Kín đầu không kín nổi đôi chân.

 

Ba ngày lâm bệnh không giọt nước

Đôi môi như một cánh hoa khô

Thăm ta đôi lúc cơn gió lạnh

Thổi tạt mùa đông xuống đáy mồ.

(Ngày xuân trên giường bệnh)

Nhà thơ Trần Tuấn Kiệt nhận xét sự cô đơn trong thơ Hạc Thành Hoa:

“Hạc Thành Hoa vẫn làm thơ lục bát, vẫn ngồi trước hàng hiên của mình để làm thơ, cái hàng hiên hay cái hành lang đó được Hạc Thành Hoa ghi nhận :

Riêng nghĩ mình là chiếc lá bay ngoài phố đêm thì đìu hiu đơn độc thật. Tâm hồn Hạc Thành Hoa như thế đó. Thơ anh toàn các cảnh u hoài khá buồn, khá cô đơn. Dù người ta nói cô đơn của thiên tài : “Cô đơn là một hình tượng của con người cao vời vợi trong niềm kiêu hãnh vô song.”

… Ta hãy đọc bài Bến sương mù :

Chỉ có sương là sương thế thôi

Bến xa như lẫn với mây trời

Phà đưa ta trở về bên ấy

Một bóng trăng chìm giữa nước trôi”

Mặc dù thơ Hạc Thành Hoa phần lớn sử dụng thể thơ truyền thống như thơ năm chữ, bảy chữ, lục bát… để thể hiện nhưng khi tìm hiểu thêm tôi lại khám phá ra anh đã cố gắng tự làm mới mình với những bài thơ tự do chẳng hạn như trong tập thơ nầy có hơn 10 bài và ngay cả loại khó nuốt như thể tân hình thức anh cũng thử thể nghiệm. Tôi đã bắt gặp một bài thơ của anh trên trang Tân Hình Thức Việt viết khá lâu khoảng 2010 thì phải:

Bất ngờ rớt xuống từ

những đám mây màu chì

tích tụ khỏi đèn bao

nhiêu năm như sao rơi

 

sao rơi in trên cát

những đóa quỳnh không thực

tôi bàng hoàng khi chạm

vào những hạt mưa chạm

 

vào sức nóng đôi môi

chạm vào cái lạnh bầu

trời ôi những viên kim

cương bảy sắc cầu vồng

 

vừa chạm vào tay đã

vội tan thành nước chỉ

còn một bàn tay một

bàn tay đang khóc.

(Những viên kim cương của bầu trời)

Nhưng thể thơ vắt dòng nầy không phải ai cũng thích, người khởi xướng nó luôn tìm mọi cách hô hào và lôi cuốn người khác tham gia nhưng xem ra loại thơ nầy hình như không hợp với thể tạng của anh và với nhiều người làm thơ Việt khác nên tôi không thấy anh viết thêm bài nào nữa.

Thử đọc một đoạn thơ tự do của anh cũng thấy lạ cho sự cách tân đổi mới trong anh:

1- đó là chuyện một đôi dép

gắn với một chuyện tình thời trẻ

của cô gái có đôi mắt său thẳm lấp lánh như sao

và cái nhìn như chạm trái tim người

chàng trai ở một căn nhà

mà mọi ngày hị có thể nhìn thấy nhau

nhiều lần cô đã nhìn chàng bằng đôi mắt đó

đôi mắt có màu thép biếc

nhiều lần trái tim chàng

là trái tim chín rục

là trái tim bị trúng tên.

(Đôi dép và chuyện tình)

Cái tình trong thơ của Hạc Thành Hoa rất dào dạt, đằm thắm nhưng không kém phần mãnh liệt, nhớ nhung nhưng không quá yếu mềm ủy mị, gắn bó nhưng không xa cách, đôi lúc trầm tư lại không tuyệt vọng mơ hồ,… là nhà giáo nên ý tứ, lời thơ anh luôn biết chọn lọc, tiết chế diễn đạt trong sáng mẫu mực, sự bức phá trong thơ Hạc Thành Hoa không nhiều nhưng chúng ta đòi hỏi chi quá đáng với một nhà giáo yêu thơ như thế:

Mắt sầu theo những đường xe

Mây đi rồi cũng trôi về vấn vương

Xa nhau khi mộng chưa tròn

Tình tôi em giữ để buồn tôi mang

Từ tim đã biết yêu đàn

Anh vừa dựng một lầu vàng tin yêu.

(Bài thơ cho em)

Ngay cả trong bài thơ Chỉ Còn Những Ngày Chủ Nhật đọc lên thấy thật buồn, khi con người ta không còn có khái niệm thời gian thì ngày nào cũng như ngày nào, ngày nào cũng là ngày chủ nhật để thấy ta nhàn rỗi, thấy ta vô ưu, thấy ta trông ngóng một ngày đi về một nơi vô định nào đó không cần giấy thông hành thì cái tình ấy lại rất mỏng manh:

1- Bây giờ ngày nào cũng là Chủ nhật

nên quên mất thứ Hai, thứ Ba, thứ Tư…

thời gian không còn là của mình

mỗi ngày qua là một ngày phải chờ đợi

lúc đến hạn phải rời căn nhà thân yêu để

mãi mãi ra đi

với mảnh hồn tơi tả

không cần giấy thông hành

Đôi khi anh cũng có một vài bài bằng cách viết ẩn dụ anh nói về cuộc sống với vẻ bi quan, nhẫn nhục chỉ biết chịu đựng làm việc trong nỗi thống khổ của kiếp ngựa trâu, làm sao khác hơn cái thân phận con người trong thời buổi chiến tranh loạn lạc chết chóc như thế. Chiến tranh làm giàu cho nhừng kẻ có quyền lực, xem mạng người như vật tế thần thì xót xa nào hơn cho thân phận loài bò kia chứ:

…2- con bò bị lùa lên xe cùng với những con bò khác

sau lần tên lái buôn vô nghì đã nhận tiền

của một kẻ mệnh danh là chủ nó

ôi đồng tiền tên lái buôn thụ hưởng

đã phải trả bằng máu bằng xương bằng thịt loài bò

vì thế con bò thở rất khó nhọc

vai chiếc sừng nặng như hai hòn núi

bốn chân run run đứng không vững

và cất lên tiếng kêu thống thiết của loài bao…

(Con bò trên chiếc xe hàng)

A group of men sitting at a table

Description automatically generated

 Cần nói thêm một chút về tình cảm đời thường của Hạc Thành Hoa: Đối với bạn bè anh sống rất chân tình cởi mở, luôn vui vẻ, thậm chi anh còn xuề xòa cảm thông với những khó khăn của bạn. Ngồi trong căn nhà nhỏ ở Bình Thạnh cùng anh cả một buổi sáng, bên tách cà phê bốc khói mà con gái anh vừa pha cho chúng tôi, anh nói về văn chương, bạn bè một cách say mê: chẳng hạn như việc anh suýt làm em rể Trần Phong Giao, thư ký tòa soạn báo Văn lúc bấy giờ, những lúc bù khú rượu chè với anh em văn nghệ như trong lời kể của Nguyễn Lệ Uyên:

“Nếu như những ngày lang bạt ở sông nước miền Tây, không gặp ông, không ăn đậu ngủ nhờ ở căn gác trọ của ông thì tôi không thể tin nổi ông là một con người đa cảm, đa đoan đến vậy. Mà căn gác ấy, căn nhà bên con rạch Cái Sơn, Sa Đéc đâu chỉ riêng mình tôi, còn có cả Vũ Hữu Định, Nguyễn Tôn Nhan, Hà Nghiêu Bích, Yên Bằng… kẻ trước người sau đến với ông như chút ấm áp của những que củi nhỏ buổi tàn đông, như hơi thở nguội sau những đêm dài đông cứng những cốc rượu tràn. Căn phòng nhỏ nhìn ra con rạch êm đềm, đầy bóng râm mát, đầy tiếng ve trên những tàn cây cổ thụ và tiếng đàn và thơ.”

Hoặc câu chuyện về Vũ Hữu Định: Lúc đó Vũ Hữu Định sống lang bạt kỳ hồ nên hầu như bao giờ cũng viêm túi, mỗi lần có thơ Hạc Thành Hoa đăng trên Văn thường đến tòa soạn xin ứng tiền nhuận bút của Hạc Thành Hoa cho mình, khi được Trần Phong Giao nói lại anh hề hà cho qua. Câu chuyện nầy tôi có đọc trên facebook của nhà thơ Phạm Thanh Chương đăng ngày 13 tháng 3-2021 là một minh chứng:

“Buổi chiều đi làm, tôi giao căn phòng cho Vũ Hữu Định, anh tắm giặt, viết rồi nằm lăn ra ngủ.

Chiều tối trở về tôi không thấy Vũ Hữu Định đâu cả, anh đến rồi đi bất chợt như một cơn mưa giông ở Sài gòn.

Bẵng đi hơn tuần lễ, một buổi sáng Vũ Hữu Định đến tìm tôi:

– Sáng nay mày làm gì? Gần đây có cái quán nào không?

– Chi vậy ?

– Đi uống với tao chai bia

– Sao hôm nay chơi “sộp” vây?

– Tao vừa ghé tòa soạn Văn nhận nhuận bút bài thơ của Hạc Thành Hoa.

Tôi với Vũ Hữu Định vào cái quán nhỏ trong khuôn viên của thành Ô Ma. Vũ Hữu Định nói mỗi đứa uống một chai thôi, nhưng cứ vừa uống hết anh lại kêu thêm chai nữa… và cứ như vậy cho đến lúc nhuận bút bài thơ của Hạc Thành Hoa bay theo những chiếc vỏ chai nằm lổn ngổn dưới góc bàn Vũ Hữu Định mới chịu ra về”

 (Phạm Thanh Chương-Thi sỹ Vũ Hữu Định, gã giang hồ lãng tử”

         Trần Dzạ Lữ thì lại có một kỷ niệm khác: “Tôi và anh(HTH) chỉ gặp nhau có một lần ở Sài Gòn nhưng thư từ qua lại thì thường xuyên. Nhớ năm 1995, khi tôi in tập thơ đầu tay: Hát Dạo Bên Trời. Lời chúc mừng của HTH là bài viết ( viết tay) dài 2 trang giấy A 4. Chữ nhỏ như con kiến nhưng đẹp lạ thường. Tôi cảm động biết chừng nào và giữ kỷ vật ấy đến bây giờ. Mọi buồn vui trong cuộc sống anh đều kể cho tôi nghe. Có lần anh về Đà Nẵng chấm thi được bạn bè văn nghệ tiếp đón niềm nở và đưa đi tham quan cùng khắp. Khi lên tàu vào lại miền Nam, anh đã điện thoại kể cho tôi nghe và ứa nước mắt khi chia tay ĐN. Đấy, một con người sống tình cảm như thế mà ai không thương? Lại có lần đâu thập niên 90, Hạc Thành Hoa nghe ai kể có một nhà văn nữ ở SG gặp khó khăn, anh đã viết thư kêu tôi cố gắng vận động giúp đỡ. Tôi trả lời anh là tôi biết nhà văn ấy đang có nhà mặt tiền ở quận 3 và đang có quán cà phê để kiếm cơm chưa đến nỗi phải chở từng bó rau đi bán như tôi và ở nhờ nhà vợ trên một căn gác chưa tới 12 mét vuông. Thế là anh im. Vậy đấy, nhà thơ HTH rất dễ mũi lòng… và trong sáng đến lạ!”

 Qua nhà thơ Thai Sắc, một nhà thơ cùng Hội VHNT Đồng Tháp, sống gần nhà anh ở đường Trương Định Cao Lãnh đã ghi lại một số giai thoại khá thú vị về anh, tôi xin được trích vài mẫu chuyện các bạn đọc cho vui, qua đó phần nào thấy được tích cách và tâm hồn thơ đầy hồn hậu của anh:

1– Nhà thơ trăng mà chỉ biết đi bộ:

Hạc Thành Hoa là tác giả của tập thơ về trăng vừa được Nhà Xuất bản Thanh niên ấn hành năm 1995. Anh cũng là một Nhà giáo Ưu tú mà xa gần đều biết tiếng bởi những giờ dạy Văn hấp dẫn.

Thơ cũng như bài giảng của anh luôn bay bổng, tìm đến với bầu trời, với trăng sao xa vời…Nếu buộc phải chở những ý tưởng ấy của anh lên bao la vũ trụ, hẳn phải dùng tàu liên hợp!

Anh sống phóng khoáng và giàu lòng nhân ái.

Có điều, đến giờ đã ngót lục tuần mà anh vẫn chưa hề biết đi xe đạp, nói chi đến xe máy… Chỉ “ham” mỗi phương tiện giao thông bền, chắc, không mất tiền mua là xe…”hăng cải”. Nghe đâu có lần, vì một lí do nào đó, nhà thơ trăng đã đi bộ từ chợ Bến Thành ra Xa cảng Miền Tây, lên xe đò về Cao Lãnh.

Nếu xe đò hết, chưa biết chừng…

Giá thống kê được số km đi bộ của thi sĩ Hạc Thành Hoa trong gần sáu chục năm qua trên cõi Trần này, biết đâu, đó là một con số đáng đưa vào sách kỷ lục của ngành giao thông thế kỷ XX?

2– “Gã cô đơn”:

Hạc Thành Hoa, Thai Sắc cùng Hoàng Đình Huy Quan (Phú Yên), Phù Sa Lộc (Cần Thơ) và Hồ Thanh Điền (An Giang) đi uống bia, dạo mấy nhà thơ xứ khác về Đồng Tháp chơi.

Chẳng hiểu trời đất xui khiến thế nào mà “đi lạc” vào quán bia có mấy cô gái phục vụ rất nhiệt tình và hơi bị… xinh.

Mới xuất hiện, các nàng đã “lăm lăm” khăn lạnh, nhằm cái bản mặt phong trần của các nhà thơ mà lau. Mà các nhà thơ vốn hiền lành và rất dễ mủi lòng, nên cũng lặng yên để mặc cái mặt mình cho các em “chăm sóc”…

Duy mỗi Hạc Thành Hoa là thao tác ngược lại!

Dịu dàng chiếc khăn lạnh trên tay, chàng thi sĩ từ từ đưa lên tấm dung nhan đầy son phấn của của cô gái trẻ.

Trời đất, có phải chàng tính nom cho rõ khuôn mặt người đẹp? Hay vì chàng quá xúc động mà động tác đâm ra bối rối, vụng về ở những nơi như thế này?

Bông hoa giật nảy mình, vụt đứng dậy, thót ra ngoài.

Từ lúc đó, Hạc Thành Hoa trở thành “gã cô đơn” trong căn phòng lạnh, rúc rích tiếng nói cười và cả những vần thơ bay bổng…

 (41 giai thoại làng văn nghệ Đồng Tháp – Thai Sắc)

   Tôi nhớ một câu nói của nhà thơ Gibran người Li Băng: “Thơ không phải là một ý kiến suông. Nó là một ca khúc được cất lên từ miệng vết thương hoặc từ một nụ cười.”, vết thương mà nụ cười không phải do nhà thơ tự tạo ra mà do hoàn cảnh, thế sự, nỗi đau, hạnh phúc cuộc đời mang lại và hạnh phúc biết bao khi những vần thơ ấy được cất lên từ những vết thương và nụ cười cuộc đời mang lại. Thơ Hạc Thành Hoa trước sau đã đạt được điều đó.

Tham khảo:

1- Hạc Thành Hoa, người phơi áo đêm trăng của Trần Hoàng Vy

2- Thế giới thi ca của Hạc Thành Hoa – Trần Tuấn Kiệt

3- Hạc Thành Hoa những ám ảnh trăng vàng nguyệt – Nguyễn Lệ Uyên

4- Những bài thơ không giới hạn dành cho cô đơn- Đặng Châu Long

5- 41 giai thoại làng văn nghệ Đồng Tháp – Thai Sắc

6- Hạc Thành Hoa – Người của tình văn nghệ vô biên – Trần Dzạ Lữ

7- Hạc Thành Hoa bóng đời choáng ngợp nỗi cô đơn – Đặng Châu Long.

Bên bờ Kênh Tẻ, 2/3/2021

Nguyễn An Bình

Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân"

Một chút tâm tình về nhà văn Võ Hồng, tác giả của "Hoài cố nhân" “Ngày 24/04/2022 Trường đại học Phú Yên đã tổ chức buổi hội thả...