Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Đất trời tạo ra thơ

Đất trời tạo ra thơ

Nhân đọc Tình chưa muộn
Thể như nghịch lí của đất trời, mà quả thật Đất trời tạo ra thơ, bài thơ vũ trụ hoàn chỉnh tuyệt đối kể cả trong từng sát na. Chỉ có điều cái tứ thơ thuộc sở hữu thi nhân. Cách dụng từ cũng không thuộc ở người trẻ tuổi. Sự bố trí công bằng cho những ai yêu thích thưởng ngoạn. Thơ chỉ được trân trọng và sẻ chia. Tình chưa muộn(NXB. HNV 2023) là tập thơ thứ tư, trong tám tập sách với nhiều thể loại của Nam Thi đã xuất bản từ 2019 đến nay.
Kể ra, tuổi ngoài thất thập của anh gọi là xưa nay hiếm. Cái hiếm cho một quan niệm của thơ cũng không trùng lặp: “Đất trời tạo ra thơ/ Cuộc sống hoài thai thơ/ Người nuôi dưỡng và thu hoạch/ Cơ thể tạo ra máu/ và máu nuôi cơ thể// và đất là nơi nước ở/ Vạn vật sinh sôi nẩy nở/ cho đất phủ xanh/ cho sự sống đời đời”(Nụ hoa nở trên sa mạc)*. Viết đến đây người đọc chợt nghĩ về nhân sinh quan của vũ trụ. Không hề thêu dệt mà khẳng định đất trời bao dung con người, con người hòa trong vũ trụ luôn có sự tương thông nhau. Tình chưa muộn không là trẻ hóa mà chính là cốt cách bậc lão thơ Nam Thi.
Tình chưa muộn là ẩn số khó giải theo phương trình toán học, mà trên mỗi tứ thơ không lặp lại khuôn mẫu cố định. Tự thân mỗi bài thơ như bức họa mưa nắng không làm nhòe câu chữ. Đó là cái hồn cốt văn chương ngoài thiên phú, thi nhân cần dụng nghĩa từ trí tuệ và cảm xúc, ưu ái cho thơ: “Ta mài dũa ngọc từ trong đá/ Ta đánh thức người đẹp ngủ say trong rừng/ Ta chắt chiu thơ/ Như nụ hoa nở trên sa mạc khô cằn/ Ta vắt cạn trái tim mình/ Thơ hiện ra như phép lạ” (Nụ hoa nở trên sa mạc)*. Thơ tỏa hương sắc theo mùa, thơ còn là dưỡng khí chăm chút đời sống tâm hồn không dành riêng cho người sáng tác.
Điểm sáng trong Tình chưa muộn là nỗi khát khao. Khát khao hướng thiện bừng cháy dẫu là giả định:
“Giá như tôi có thể âm thầm cầu nguyện
Tình yêu của tôi thành phép mầu
Dập tắt lửa chiến tranh
Chôn vùi tham vọng cường quyền
Lập lại bình yên cho người lành dưới thế”
(Que diêm cầu nguyện)*
Khát khao hoan ca, khởi đầu mùa xuân, khởi đầu núi rừng sắc đỏ mặt trời, hương thơm cà phê bạt ngàn quyến rũ, vẻ đẹp sơn nữ dậy thì khỏe khoắn trong tầng nghĩa ẩn dụ đắm say : “Niê mặc áo hoàng hôn/ nhuộm màu ráng đỏ/ Nụ cười của lửa đại ngàn/ Tiếng hát suối khe/ Hiền hòa như dã quỳ/ Đằm thắm như ba zan/ Thơm như trà, cà phê/ Nồng nàn như rượu cần/ Anh chưa uống đã say túy lúy”( Chào năm mới Niê)*. Rồi theo mùa đọng lại vẻ đẹp hồi xuân cũng là dấu ấn khó phai: “Ngày em tròn 40. Mùa hạ có nấn ná rồi cũng đi qua. Lá còn xanh như tóc em còn mượt mà. Mặt trời còn rực rỡ trên màu hoa chuối. Và trái tim em còn ươm nồng lửa hạ.”(Ngày em tròn 40)*.
Những sắc thái ráng đỏ, trời xanh, que diêm, màu hoa, men rượu, hương mùa,… thuộc gam màu phấn chấn cung cấp năng lượng trong Tình chưa muộn làm nên chất liệu ngữ cảnh riêng biệt của một Nam Thi. Nên bất kì trong bài thơ nào của anh dẫu là mùa hè vẫn ươm nồng lửa hạ dịu kì, dẫu là mùa đông đầy vơi giá lạnh, bày tỏ với đất rộng trời cao mà gửi gắm: “Có một khoảng trời xanh hiếm hoi mùa đông/ Để tôi gửi ước mơ lên đó/ Mong manh những vệt mây trắng/ Dịu dàng tia nắng ban mai” (Một khoảng trời xanh mùa đông)*.
Tia nắng ban mai trong khoảng trời xanh khơi nguồn cảm hứng cho Tình chưa muộn kết nối trái tim thi nhân gắn bó với đất trời, với gia đình người thân bạn bè, làng xóm và cộng đồng xã hội phong phú và đa dạng mà thể thơ tự do là thế mạnh của Nam Thi. Chân tình và sâu lắng từ những cuộc giao lưu thơ. Ngoài bút danh Nam Thi, lúc thì tán gẫu nhau nickname TXC(Tám Xóm Chùa), lúc thì bày tỏ tâm tình hồn nhiên khích lệ giamahazui, lúc thì thỏa thích chén thù chén tạc giamamatnet,… Nhưng có phải nỗi cô đơn thường ngày gặm nhấm tâm hồn thi nhân minh chứng cho một Lời nguyền của mây*: “Chia tay nhau không báo trước/ Em chỉ quẳng lại cho anh trận mưa/ dàn dụa con đường mùa đông/ ngập úng cánh đồng/ khi anh đưa em về / em mang theo hơi lạnh cao nguyên”.
“Em” trong Tình chưa muộn là nhịp trái tim không nguôi bám víu nài nỉ thường ngày trong suốt chặng đường trai trẻ đến bây giờ càng thâm thúy hơn. Có lẽ không riêng gì Nam Thi, hầu hết những tác phẩm nghệ thuật nói chung, “Em” là đối tượng vô cùng thi vị trong cuộc đời này. Có lẽ cũng phải cảm ơn “Em” cho thi nhân chút tình làm chất xúc tác xóa đi muộn phiền tháng ngày trôi qua, ngỡ quá khứ nằm im cho kỉ niệm muốn quên, mà đâu thể nào quên tình đời lấm láp bụi trần, nhơ nhớp “Sài Gòn mùa mưa./ Mưa tầm tã/ nào thấy mưa ngâu/ Câu thơ hụt hẫng thẹn thùa”(Lũ quét)* cho một dấu trừ buồn, day dứt. Biết rằng bên cạnh mình bao nhiêu dấu cộng tinh túy cho câu thơ mượt mà, thấm đẫm yêu thương hàn gắn với hiện tại chút tâm tình: “Tôi lại có thêm một ngày/ để sống /để nhớ và để quên/ cuộc hành trình vất vả 75 năm/ với tình yêu thắp tuổi thanh xuân/ đến bây giờ còn sáng trong tim/ với chiến tranh và thù hận đã lụi tàn nhạt nhoà ký ức”(Cảm ơn bình minh)*.
Nếu như lời cảm ơn bình minh thắp sáng tứ thơ Nam Thi vẫn chưa đủ. Cái đủ thường ngày là cảm ơn sự luân hồi trời đất xoay vần, thử thách để tôi luyện bản lĩnh tâm hồn dễ gì mai một. Trở lại với Đất trời tạo ra thơ cho con người tiếp nhận tận hưởng, làm nên tập Tình chưa muộn là chủ đề mượn ý phủ định để khẳng định sự thật thơ văn chân tình cho người xích lại, gắn bó và sẻ chia buồn vui trong cuộc đời này, thì giá trị đời sống tinh thần được nâng cao, đó chính là nền tảng văn học Việt xưa nay.
Chú thích:
* Tên các bài thơ trong tập.   
14/10/2023
Nguyễn Thị Phụng
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...