Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Đỗ Nam Cao - Cô đơn và khắc khoải

Đỗ Nam Cao
Cô đơn và khắc khoải

Những năm cuối cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, chúng tôi cùng sống và chiến đấu trên chiến trường Miền Đông gian lao mà anh dũng. Nhà thơ Đỗ Nam Cao công tác ở Ban Tuyên huấn Trung ương Cục, còn tôi là lính chiến thuộc Công trường 5 (Sư đoàn 5). Rừng Miền Đông bạt ngàn, bom đạn tàn phá, chất độc hóa học trắng rừng, nhưng chúng tôi thường xuyên gặp nhau qua Đài Phát thanh Giải phóng và chương trình Phát thanh Quân Giải phóng miền Nam. Đôi khi, hành quân giữa khuya, nghe đọc bài hoặc ngâm thơ Đỗ Nam Cao trong chương trình văn nghệ, tiếp sức cho cánh lính trẻ chúng tôi xông lên phía trước.
Trái đất tròn, năm 2003 từ báo Quân đội nhân dân tôi chuyển ngành về Bộ Văn hóa Thông tin. Cơ duyên, tôi và nhà thơ Đỗ Nam Cao sinh hoạt chung chi bộ báo chí thuộc Đảng bộ Khối cơ sở Bộ Văn hóa Thông tin tại Thành phố Hồ Chí Minh.
Mới đây, nhân kỷ niệm năm thứ 12 năm ngày mất của nhà thơ Đỗ Nam Cao (2011-2023), tôi được nhà văn Bích Ngân, Chủ tịch Hội Nhà văn Tp HCM gửi tặng tập thơ “Hỡi cô cắt cỏ” của nhà thơ Đỗ Nam Cao và bảo, anh có thể viết về kỷ niệm với nhà thơ.
Đọc Hỡi cô cắt cỏ – tuyển tập thơ Đỗ Nam Cao, tôi như gặp lại người đồng nghiệp bậc đàn anh một thời.
NỖI CÔ ĐƠN 
Ai đó đã nói nỗi buồn, sự cô đơn là thuộc tính và quyền sở hữu của nhà thơ. Thơ là tiếng lòng là sự chưng cất của tâm hồn nên nỗi buồn càng sâu, sự cô đơn càng lâu sẽ là nguồn cảm hứng bật ra những vần thơ để đời của nhà thơ.
Tuyển thơ “Hỡi cô cắt cỏ” (**) của Đỗ Nam Cao dày 140 trang với trên 100 bài thơ tràn ngập nỗi cô đơn xen lẫn sự khắc khoải.
Cô đơn và nỗi buồn nên hiểu theo hướng mở. Đó không chỉ là nỗi cô đơn của nhà thơ vì cái riêng mà bao gồm cả cái chung, nhân tình thế thái.  Là chàng trai có dáng lãng tử, mái tóc lúc nào cũng rối bời, quăn tít, tốt nghiệp khóa 11 khoa ngữ văn Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đỗ Nam Cao cùng đồng đội vượt Trường Sơn vào chi viện cho chiến trường Nam Bộ. Trong đội ngũ điệp trùng, nhưng tâm hồn chàng lãng tử cử nhân văn chương này nặng nỗi buồn và sự cô đơn. Và đó chính là lý do ùa dâng những vần thơ. Đỗ Nam Cao không ngại, bày tỏ:
Thơ tôi đã từng hứng khởi
Đã từng hát khúc hùng ca
Tôi bay lướt đỉnh hào khí
Trường Sơn ngút ngàn, mù xa. 
Và, nỗi buồn vì chiến tranh, chết chóc, tàn phá. Cô đơn vì thân phận con người trước binh đao khói lửa, nhà thơ bày tỏ các chiều kích cảm xúc:
Để rồi từ từ đáp hạ
Đậu trên đỉnh mái nhà ta
Quê hương ôi rơm với rạ 
Mẹ cha vách bùn, cột tre.
(Thơ tôi)
Những câu thơ, bài thơ với ý tứ như thế ta gặp nhiều trong “Hỡi cô cắt cỏ”. Văn là người. Thơ là hình bóng, tâm hồn của người sinh ra nó. Nỗi cô đơn trong thơ Đỗ Nam Cao từ cái riêng thầm kín sang cái chung lan tỏa.
Có lúc nỗi buồn vu vơ của tác giả thấm chuyển sang người đọc:
Ngong ngóng người lại qua
Tìm một gương mặt biết
Dòng sông đời chảy xiết
Không ai chờ đợi ta
(Không ai)
Không ai chờ đợi ta, đến chỉ một mình ta, nỗi cô đơn càng lạnh lẽo, da diết:
Ai tìm kiếm khao khát
Một ai một kín thầm 
Ai đứng đó bồn chồn.
(Sân ga)
Và:
Khóc một mình nuốt ực
Cười một mình, bật rên 
Một mình đi thâu đêm
Một mình.
(Một mình)
Phải cô đơn lắm mới viết được những câu thơ như thế. Như bậc tiền bối – ông hoàng thơ tình đã từng viết: “Tôi buồn không hiểu vì sao tôi buồn” (Xuân Diệu).
Rõ ràng sự cô đơn, nỗi buồn là thuộc tính, đặc quyền của nhà thơ.
Từ nỗi buồn, sự cô đơn “không hiểu vì sao tôi buồn” ấy đến cái cụ thể thầm kín của riêng mình. Mặc cho dòng đời chảy xiết, nhà thơ có nỗi buồn riêng:
Nghĩ cho cùng anh với em đều tốt 
Sao chúng mình không ở được cùng nhau 
Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ 
Thì tình yêu chưa thể yên nằm.
(Ly hôn)
Câu thơ bước ra từ trái tim, từ thực tế phũ phàng như lý giải một cách triết lý về hiện thực. Tình yêu là một lĩnh vực. Còn đời sống vợ chồng lại là một lĩnh vực khác. Không phải hai người tốt sẽ sống ăn đời ở kiếp với nhau. Điều quan trọng nhất hai người tốt, cực tốt ấy có cùng nhịp đập trái tim?
Đọc thơ Đỗ Nam Cao, người đọc, đặc biệt người đọc trong cuộc thấu hiểu nỗi buồn, nỗi cô đơn sâu kín, thầm lặng của nhà thơ. Và, không chỉ thế, hiểu thêm về số phận con người. Thực tế trên cõi đời này, không ai tốt đến quá tốt và không ai xấu đến quá xấu. Mọi vinh quang và hệ lụy đều có căn nguyên của nó. Đọc thơ Đỗ Nam Cao, người đọc thêm một lần chia sẻ, cảm thông. Đỗ Nam Cao có những câu thơ thấm đậm nhân văn, tình người, đặc biệt là tình yêu.
Lặp lại:
Rồi anh sẽ yên nằm dưới cỏ 
Thì tình yêu chưa thể yên nằm.
Rõ ràng, Đỗ Nam Cao là lãng tử xứ Hà thành, nhưng đó là một chàng trai chung tình. Đã yêu, yêu đến tận cùng sự sống. Và, không chỉ khi sự sống vãn mãn mà còn mãi mãi: “anh nằm dưới cỏ, còn tình yêu chưa thể yên nằm”. Anh mãi mãi yêu em!
Viết đến đây, tôi không thể quên nụ cười của Đỗ Nam Cao mỗi lần nghiêm túc họp chi bộ cũng như mỗi lần thăng hoa “trà dư tửu hậu”.
Rõ ràng con người ta không chỉ đo giá trị bởi sự thành đạt về vật chất, danh vị mà phải chính bằng nhân cách và nhân văn. Hai yếu tố cơ bản tạo nên cốt cách, chân dung một con người.
NIỀM KHẮC KHOẢI
Từ tuyên ngôn về thơ, Đỗ Nam Cao nhất quán cách biểu đạt trong suốt quá trình sáng tác thi ca:
Thơ tôi lộn đầu xuống đất
Giơ chân lên đỡ sao trời 
Thơ tôi trái điều lộn hột 
Bao nhiêu tình chất phơi ngoài
Thơ tôi đè nặng ngọn bút 
Nặng đè ngực nhức buốt tim
Vụt chói lòa là mất hút
Ngẩn ngơ em sợ hãi tìm.
(Thơ tôi)
Thơ Đỗ Nam Cao là thế. Đậm nét nhất thông điệp của nhà thơ trong bài thơ cùng tên của tuyển tập thơ này – Hỡi cô cắt cỏ.
Hỡi cô cắt cỏ chiếm diện tích hơn 10 trang in trong tập sách có thể coi là trường ca (mini) mà Đỗ Nam Cao muốn gửi tặng mọi người.
Thông điệp tác giả muốn trao gửi cho người đọc nói chung và hậu thế nói riêng là: Mọi thứ có thể qua đi, tiền tài, danh vọng có thể qua đi. Chỉ có ký ức đẹp và tình người còn mãi. Ký ức đẹp là cây đa, bến nước, sân đình, là “Hỡi cô cắt cỏ”; ký ức đẹp đó là:
Mưa rào rạch nước, cá rô
Tôi bơi ngược đến kiệt khô sức mình…
Áo tơi rủ xuống mặt đồng
Mẹ đi cấy mạ mãi còng cả lưng.
Đó là hình ảnh tạo nên dáng vóc một thời không chỉ của riêng tác giả mà của tất cả chúng ta, những người đã sống thời đại ấy.
Cái tình mà Đỗ Nam Cao muốn gửi gắm trong “Hỡi cô cắt cỏ” cũng khá đặc sắc, không lẫn vào đâu được:
Hỡi cô cắt cỏ trên trời 
Làm cho chú Cuội tuột rơi xuống làng
Nên tôi phải tự dối lòng
Nên tôi phải nói dối nàng của tôi
Đeo con cóc kiện ông giời 
Đeo con kiến kiện củ khoai làm gì.
Có thể nói khác với các bài thơ trước, Đỗ Nam Cao viết “Hỡi cô cắt cỏ” trong trạng thái thăng hoa của chàng lãng tử xứ Hà thành. Thể thơ đa dạng, mạch thơ lúc bay bổng, lúc trầm tư; chất dân gian, trữ tình thấm đậm đã truyền cảm hứng mãnh liệt đến người đọc.
Nỗi khắc khoải với kỷ niệm, ký ức một thời vốn là cái cớ, bệ đỡ, nguồn cảm hứng vô tận của  nhiều nhà thơ. Đỗ Nam Cao không ngoại lệ.
Đã quá mười mùa xuân Đỗ Nam Cao rời cõi tạm. Hương hồn nhà thơ đang phiêu du cùng các bận tiền nhân nơi viễn xứ. Cọp chết để da, người chết để tiếng. Hỡi cô cắt cỏ là tiếng lòng của Đỗ Nam Cao để lại cho chúng ta và hậu thế!.
Chú thích:
(**) NXB Sân khấu - 2021
10/10/2023
Trần Thế Tuyển 
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...