Thứ Sáu, 24 tháng 1, 2025

Thứ ba học trò XXXXX

Thứ ba học trò

Chương 1
Không biết tự bao giờ các bạn cùng khối phong cho nhóm Nga, Sương, Hà, Dung, Vân biệt danh ngũ quỷ. Lúc đầu Tuyết Dung giẫy nẩy:
Cái tên gì nghe rùn rợn.
Sương lại khoái chí:
- Cái tên đó mới kiêu chứ!
Vân liền hỏi:
- Sao không là ngũ long công chúa?
Nga hét toáng lên:
- Ngũ long? Hổng dám đâu, phá như quỷ sứ ở đó mà đòi làm công chúa.
Hà cười:
- Thôi kệ, tên gì cũng được, miễn sao năm đứa mình vẫn chơi thân với nhau.
Đầu năm, không biết ai ton hót điều gì mà cô giáo chủ nhiệm phân nhóm ngũ quỷ ra làm năm nơi. Lại ác một nỗi nữa là Sương làm lớp trưởng, Nga lớp phó học tập, Dung lớp phó văn nghệ, Hà lớp phó lao động, chỉ có Vân là phó thường dân.
Nhóm con trai nhao nhao phản đối, Việt Sơn đại diện đám con trai lên tiếng:
- Thưa cô, sao dàn cán bộ lớp toàn là nữ không vậy cô?
Cô Mai bình tĩnh giải thích:
- Các em nhìn xem lớp ta sỉ số năm mươi mà nữ hết hai mươi chín, cô bố trí như vậy có gì là không hợp lý.
Việt Sơn cố cãi:
- Nhưng...
Cô Mai ra hiệu cho Sơn ngồi xuống:
- Không nhưng gì hết, các em thử nhìn xem cô là nam hay nữ nè?
Đám con gái vỗ tay tán thưởng:
- Hoan hô cô, ngày tám tháng ba muôn năm!
Cô Mai mỉm cười:
- Cô đùa cho vui thôi, chứ các em nữ mà không nhờ các em nam hổ trợ thì khốn đốn đó!
Tường Lãm hét to:
- Có nghe rõ chưa hội phụ nữ?
Tuyết Dung trề môi:
- Xì, bày đặt lên mặt kìa, mai mốt tới đợt văn nghệ tớ cho các bạn giả gái múa sóc bombo cho bõ ghét!
Tiếng cười dậy lên như sấm, Thanh Hà cũng góp phần:
- Mai mốt lao động, tụi này sẽ ưu tiên cho nam chỗ sình lầy.
Vân chen vào:
- Còn cắm trại ưu tiên nam làm bếp!
Tiếng ai đó nói rất to:
- Hết đời giao cán bộ lớp cho đám ngũ quỷ?
° ° ° Chuông ra chơi giữa giờ vừa reo là nhóm ngũ quỷ tập họp lại liền. Hà rủ:
- Đi căn tin đi?
Dung hỏi:
- Ai bao?
Vân góp lời:
- Đánh tù tì!
Nga gạt:
- Thôi bữa nay mình bao.
Sương kêu lên:
- Tự nhiên xộp à nha, cái vụ gì đây?
Nga nhíu mày:
- Có tiền cho ăn cũng bị điều tra nữa sao?
Hà chu môi:
- Dĩ nhiên rồi, phải tìm hiểu xem đồng tiền đó xuất xứ từ đâu, có phải do lao động mà ra không? Hay là...
Nga hét lên:
- Bà chằn, đang làm văn nói hả, biết đồng tiền này từ đâu không?
Cả bốn cô nhao nhao:
- Từ đâu vậy?
Nga đáp tỉnh bơ:
- Từ ngân hàng nhà nước Việt Nam!
Dung rên lên:
- Trời, vậy mà ta tưởng...
- Tưởng ai con quỷ?
- Tưởng của "ai đứng dưới cây me già..." Dung nhái theo điệu hát "dáng đứng Bến Tre" để trêu Nga. Nga đỏ mặt:
- Bây giờ có đi không thì nói?
Cả bốn đồng thanh đáp:
- Ngu sao không đi?
Năm nàng kéo nhau xuống căn tin, cười giỡn um sùm. Nhác thấy bóng Tuyết Mai, cả nhóm nháy mắt ra hiệu, Sương đếm:
- Một, hai, ba!
Cả năm đồng thanh nói to:
- Điêu Thuyền, Điêu Thuyền!
Lý do là trong lớp Tuyết Mai rất là yểu điệu nên có biệt danh Điêu Thuyền.
Tuyết Mai nghe gọi quay lại nhìn xung quanh, chẳng thấy ai, cô bé lầm lũi đi về lớp. Ngũ quỷ cười lên khoái chí.
- Ghẹo người ta rồi cười coi chừng gió vô đau bụng đó!
Hà ngẩng lên thấy Minh Đại, cô bé nói:
- Đại, đãi tụi này cây cà rem đi!
Đại gật đầu:
- Gì chứ cà rem thì được, mấy cây?
Dung đáp:
- Năm với năm là hai mươi lăm!
Đại trợn mắt:
- Trời ơi, ăn gì dữ vậy, còn để dành tiền viện trợ Cuba nữa chứ!
Nga chu môi:
- Con trai gì hổng biết ga lăng, mời có hai mươi lăm cây cà rem đã la lối. Bây giờ Đại muốn ăn bao nhiêu, tụi này chơi đẹp với Đại liền đó!
Đại gãi đầu:
- Bữa nay xui thiệt, lâu lâu đi căn tin một lần bị trấn lột trắng trợn luôn.
Nhóm ngũ quỷ cười rộ lên làm Đại quê quá chừng, anh chàng móc túi trả tiền hai mươi lăm cây kem mà không biết nhóm ngũ quỷ có ăn hay không.
Dung cầm tiền đếm đếm rồi cười to:
- Trưa nay có cử đá đậu ngon lành rồi tụi bây ơi!
Vân nhắc:
- Lấy chi nhiều dữ vậy, trả bớt cho bạn ấy đi!
Dung cương quyết:
- Trời ơi, Đại là con ông chủ lò hột vịt mà!
Nghe nói hột vịt, Tuyết Nga la lên:
- Chết cha, nghe nhắc mới nhớ, ở đây hoài, lát nữa làm bài kiểm dám có năm hột vịt lắm à!
° ° ° Cô Mai dặn phải thành lập tổ học tập để học thêm, năm nay là năm cuối chương trình trung học. Dĩ nhiên nhóm ngũ quỷ không thể tách rời. Thấy nhà nào cũng bận rộn, nên trong nhóm chọn hội trường làm nơi học tập.
Cũng như mấy lần trước, năm cô nàng tụ tập đã lâu mà chưa hề thấy đụng tới sách vở.
Giọng Dung rền rền:
- Tháng sáu trời mưa, trời mưa không dứt...
Vừa lôi ra túi xơ ri, Vân vừa nói:
- Bộ mi đói bụng lắm hả? Thiệt sai lầm khi bầu mi làm lớp phó văn nghệ, giọng ca gì nghe rầu thúi ruột.
Hà cười ha hả:
- Giọng ca gì nghe muốn viêm màng nhỉ.
Dung bóc một trái xơ ri bỏ vào miệng:
- Kệ tui, tại mấy bồ thấy tui có chức vụ nên ganh tị chứ gì?
Năm cái đầu chụm lại bên túi xơ ri, bài vở bỏ sang bên, tiếng cười lại rộn rịp. Thanh Hà vỗ vai Nga:
- Ê, Nga! Kể chuyện nghe đi!
- Chuyện gì?
Sương háy một cái dày:
- Còn vờ nữa, chuyện gốc me đó!
Dung lại rên lên:
- Ngày đó cây si anh trồng theo lối đi...
Nga đánh Dung thùm thụp:
- Đồ quỷ, dám chọc quê ta hở?
- Tụi này hỏi thiệt mà!
Nga đỏ mặt:
- Có gì đâu!
Vân điểm mặt Nga:
- Hổng có gì mà lại đi xi nê hà?
Nga cãi:
- Nói bậy!
- Nói tầm bậy tầm bạ, thằng Liêm em ta nó nói nó gặp mi đi với...
Nga bịt miệng Vân lại:
- Con quỷ, ăn nói um sùm hổng sợ người ta cười cho!
Dung chống nạnh:
- Ai dám cười, chỉ có muốn khóc mà thôi, trong nhóm chỉ có Nga là tốt số, còn tụi mình ê sắc ế tụi bây ơi!
Nga cáu sườn:
- Tốt số con khỉ mốc, người gì dai như đỉa, làm mình chán muốn chết đi được. Hay Dung chịu đi, mình bát xê cho!
Dung nhảy đổng lên:
- Í ẹ! Em bây giờ mới tuổi mười lăm, em đây còn bé lắm anh ơi!
Cả nhóm cười sặc sụa, Thanh Hà nói:
- Tuyết Nga, mi có muốn chặt cái đuôi đó không tụi này giúp cho. Bảo đảm chỉ một chiêu là văng liền.
Nga gật đầu:
- Nhưng sương sương thôi, làm quá người ta nói con gái gì dữ như bà la sát.
Vân chen vào:
- Ê, bà la sát còn có Ngưu Ma Vương, chứ tụi này dám đóng thùng xuất khẩu sang Irắc lắm à!
Được dịp cả đám cười bò lăn. Vậy là hết giờ học nhóm, năm cô lục tục ra về.
° ° ° Tin từ đâu bay đến làm cả lớp 12P5 nhốn nháo. Chỗ này một nhóm chỗ kia một nhóm bàn tán xôn xao. Duy nhóm của năm cô là nhộn nhất. Sương tuyên bố:
- Ngày mai lớp mình có thầy chủ nhiệm mới.
Dung chớp đôi mắt:
- Nghe nói mới ra trường.
- Tướng tá lịch sự.
- Con nhà giàu, viết chữ to.
Mỗi đứa một câu bình luận người thầy chưa được biết mặt. Sương bày trò:
- Phải có món gì mừng "tân thầy".
Vân nhíu mày:
- Hồi đó đến giờ mình chỉ nghe tân gia chứ có nghe tân thầy bao giờ?
Hà lên giọng:
- Hồi đó không nghe, bây giờ nghe. Thời buổi tiến bộ mà nhỏ.
Năm cái đầu chụm lại xầm xì, bàn kế hoạch đón ông thầy mới.
° ° ° Cô Mai đưa thầy Cường đến lớp để bàn giao. Cô ngạc nhiên khi thấy cánh cửa lớp đóng im ỉm, bên trong lại im lặng như tờ. Cô Mai mỉm cười cho Cường an tâm.
- Cường cố gắng nhé, lớp này thuộc loại phá phách nhất trong khối mười hai đó.
Cường cười:
- Cô đừng lo, em có cách mà!
Cường vốn là học sinh cũ của cô Mai, nên anh xưng hô lễ phép như ngày xưa. Cường mạnh dạn đề nghị:
- Bây giờ cô để cho em!
Cường nắm cánh cửa kéo mạnh ra, bất ngờ: "Đoàng". Cường thối lui, đưa tay bịt mũi nhưng cũng ho khan bụi phấn bay. Cố trấn tĩnh anh bước vào lớp theo sau là cô Mai.
Cường đưa ma°'t quan sát nhóm học sinh mà anh sắp sửa chủ nhiệm, anh toát mồ hôi vì hai phần ba trong lớp là nữ. Cường ngạc nhiên vì cả lớp im phăng phắt nhưng mặt ai cũng đỏ như lên cơn sốt.
Cô Mai ra hiệu cho cả lớp ngồi, cô hỏi:
- Ai bày trò chơi này?
Im lặng!
- Nếu không ai nhận cô sẽ phạt cả lớp!
Im lặng!
- Sương!
- Dạ!
Sương đứng lên lấm lét nhìn cô.
- Em là trưởng lớp, em phải biết, hãy nói cho cô ai là thủ phạm?
Qua một phút yên lặng, cả lớp đều đứng lên cúi đầu tự nhận. Cô Mai gật đầu:
- Đoàn kết ghê há! Thôi được rồi, chuyện này cô để lại đến thứ sáu sinh hoạt lớp, tự các em tự quyết định nhận hình thức kỷ luật. Nào, bây giờ các em ngồi xuống đi.
Nhóm ngũ quỷ đưa mắt nhìn nhau, trong lớp lào xào "thà phạt cho rồi chứ hưởng án treo hồi hộp quá ".
Cô Mai hướng mắt về phía Cường giới thiệu:
- Đây là thầy Cường, giáo viên chủ nhiệm lớp các em, cô mong rằng các em sẽ giúp thầy hoàn thành sứ mệnh.
Cường gật đầu chào cả lớp, cả lớp lại đứng lên nghiêm trang, Sương đếm:
- Một, hai, ba!
- Chúng em xin chào thầy ạ!
Tiếng ạ kéo dài nghe nhừa nhựa như các em mẫu giáo thường nói lúc chào cô giáo. Biết học sinh đang ngấm ngầm thử mình. Cường cũng đáp lễ:
- Tôi xin chào các anh, các chị!
Tiếng cười rộ lên như pháo nổ. Thanh Hà vỗ tay reo:
- Hoan hô thầy tụi bây ơi!
Tiếng vỗ tay vang lên lốp bốp, cô Mai từ giã:
- Bây giờ các em tiếp tục học, cô chúc các em vui vẻ dễ hài hòa với thầy mới!
Cô quay sang chào Cường rồi ôm cặp đi ra, trong lớp lại nhốn nháo như vỡ chợ. Cường ra hiệu im lặng, anh hỏi:
- Tại sao các em lại gài bịt bụi phấn vào cửa:
Tiếng đáp lao nhao:
- Mừng tân thầy đó!
Cường cười:
- Thầy cám ơn các em đã có thành ý, bây giờ chúng ta bắt đầu học!
Trong lớp ào ào phản đối:
- Ngày đầu biết nhau phải tìm hiểu chứ thầy! Bài thì học ngày nào hổng được.
- Đúng đó!
- Đúng đó!
Cường đưa hai tay lên, gật đầu:
- Được rồi, được rồi, bây giờ các em muốn biết gì về thầy, cứ hỏi, lần lượt từng em một. Bây giờ ai trước?
Sương đưa tay, đứng lên:
- Họ tên ngày tháng năm sinh?
Tiếng cưòi rộ lên, Cường cũng không vừa:
- Lý Thế Cường sinh ngày mười lăm tháng tám năm một chín sáu chín.
Học sinh reo lên:
- Ngay ngày trung thu trăng tròn, không biết có phải Thiên Bồng Nguyên Soái không nữa?
Tiếng cười tiếng gõ bàn vang vọng, Thanh Hà đưa tay, đứng lên:
- Hoàn cảnh gia đình, bản thân chủ yếu là có vợ con chưa?
Cường lắc đầu:
- Gia đình trung bình, bản thân chưa vợ chưa con!
Dung đứng lên nói tiếp:
- Có người yêu chưa, tên gì, ở đâu?
Cường đỏ mặt, học sinh bây giờ thật quá quắt coi thầy chẳng ra gì. Cường hỏi:
- Bây giờ các em hãy nói về mình cho thầy nghe đi! Bắt đầu từ dàn cán bộ lớp.
- Em tên Ngọc Sương, lớp trưởng!
- Em Thanh Hà, phó lao động!
- Em Tuyết Dung, phóvăn nghệ!
- Em Tuyết Nga, phó học tập!
Vân đứng lên:
- Còn lại đều là phó thường dân.
Cường lại một phen xẩu mình vì dàn cán bộ lớp toàn là nữ, lại là mấy cô dạn miệng. Qua một tiếng đồng hồ tìm hiểu nhau, Cường cảm thấy lo lắng, anh tự mắng mình xấu số gặp phải lớp học sinh quậy phá này...
Chương 2
Ba chiếc xe đạp chở năm cô gái nhỏ chạy bon bon trên phố.
Hôm nay chủ nhật cả bọn rủ nhau về vườn Hà chơi, chạy ngang cổng trường, Sương đề nghị:
- Ê, tụi mình ghé rủ thầy Cường đi chơi tụi bây!
Cả đám đồng ý, thầy Cường đang ngồi xem tài liệu.
- Thưa thầy!
Cường giật mình nhìn lên, anh thoáng rùng mình khi cả năm cô đều có mặt cùng một lúc. Từ ngày nhận lớp này, Cường có thói quen ứng phó, hình như lúc nào anh cũng cố thủ với mấy trò đùa của các học sinh.
- Các em đi đâu vậy?
Hà đáp:
- Tụi em đi về vườn chơi, định ghé rủ thầy đi chung cho vui!
Cường liền từ chối:
- Không được, thầy còn đang nghiên cứu tài liệu.
Dung bèn cầm xấp giấy đánh máy lên, ngồi vào ghế ngay ngắn, tất cả cũng làm theo Dung. Dung đọc một hơi hết trang này đến trang khác, trước vẻ ngơ ngác của Cường.
Đọc xong, Dung hỏi:
- Giờ tài liệu thầy đã nghe, vậy thầy đi được chưa?
Cường biết mình không thể từ chối lời đề nghị mà các em đã nói, nên bấm bụng:
- Được rồi, nhưng chỉ có bấy nhiêu thôi sao?
Vân hỏi:
- Vậy thầy muốn cả lớp mình lên giày xéo đám nhãn của nhỏ Hà hay sao?
- Ý thầy không phải vậy!
Biết thầy giáo ngại đi với một đám nữ, vì tuổi thầy so ra lớn hơn học sinh vài ba tuổi, nên Hà đề nghị:
- Bây giờ thầy có quyền tìm thêm cho mình một đồng minh!
Cường cười thầm, ngay cả quyền hạn mình cũng bị tước mất, phải tìm ai để trị đám học trò này mới được.
Hà cho địa chỉ và chỉ đường cặn kẽ rồi cả đám đi trước.
°°° Năm cô đang trổ tài nấu bếp để đãi thầy một bữa.
Tiếng Hà vang lên lanh lảnh:
- Ê, lát nữa có khách phải nghiêm chỉnh đó!
Dung trề môi:
- Làm gì quan trọng vậy?
- Dù sao cũng bạn thầy, lỡ tiếng đồn ra bên ngoài thầy mất uy tín sao?
Vân triết lý:
- Trong lớp thì thầy trò, bên ngoài thì anh em, đừng ngăn cách quá mất vui.
Nga đồng tình:
- Nói nghe có lý đó!
Một lúc sau, mùi thức ăn bay lên thơm nức. Sương hít mũi:
- Phải cho thầy biết ngoài học hành, đám này còn nữ công gia chánh chẳng kém ai.
Mỗi người một tiếng rộn rịp bếp ăn.
- Các em ơi!
Năm cô nín thở nghe rồi bật kêu lên:
- Đến rồi!
Năm cô chạy túa ra cổng đón thầy. Vừa trông thấy chàng trai bên cạnh thầy giáo, các cô đứng sựng lại, đồng thanh kêu:
- Anh chàng gốc me!
Cường ngạc nhiên quay sang bạn:
- Bộ cậu quen với các em đây hả?
Dung đáp lời:
- Quen thân nữa là khác!
Cường cười:
- Vậy thì vui rồi!
Hà hấp háy đôi mắt:
- Tụi em thì vui, còn nhỏ Nga bảo đảm bữa nay nó sẽ sụt ký.
- Sao lạ vậy?
Chỉ vào anh chàng, Sương nói:
- Hỏi anh ấy thì rõ.
Lời qua tiếng lại mãi mà Cường chẳng hiểu gì. Cường bèn nói:
- Đây là Thoại, bạn thầy. Còn đây là Sương, Hà, Vân, Dung...
Vân cười rung bờ vai:
- Còn lại khỏi giới thiệu!
Nga đỏ mặt quay mặt đi, Cường chợt hiểu, Cường đấm vào vai Thoại:
- Cũng khá đó!
Hà hối hả mời:
- Thôi vào nhà kẻo thức ăn nguội hết!
Thoại hóm hỉnh:
- Chưa làm gì đã ăn rồi sao?
Sương đáp:
- Ở đây là nhà Hà, nếu là nhà Nga tụi này cho anh làm thoải mái.
Nga đấm vào vai bạn:
- Nói bậy không hà!
Dung ngâm lên: "Người đâu gặp gở làm chi, trăm năm biết có duyên gì hay không?" Cả đám cười bò lăn, Thoại nói qua tai Cường:
- Nhất quỷ, nhì ma còn ba là đây nè!
Vân nghe được liền hét to:
- Phạt anh Thoại một chén chè, tội nói xấu cho "học sinh là người đất nước mong cho mai sau".
- Phạt, phạt, phạt!
Biết mình yếu thế. Thoại đành ăn thêm chén chè phạt, Cường lắc đầu, nhún vai.
Hà đề nghị:
- Bây giờ chơi hỏi đáp, ai thua ăn chè.
Bốn cô đồng ý liền, Hà chia làm hai phe và điều dĩ nhiên là năm cô chung môt. phe. Các cô tấn công tới tấp làm hai anh chàng đầu hàng, ăn hết chén này sang chén khác. Được một lúc, Cường kêu:
- Thôi, các em nể tình thầy trò tha cho hai tên "bị ăn" này một phen!
Nhóm học trò cười như nắc nẻ. Được dịp bắt nạt thầy giáo kể đó cũng là một chiến công đáng ghi vào sổ vàng của nhóm.
°°° Lễ giáng sinh sắp đến, không khí như nhộn nhịp hơn, các học sinh thì chuyền tay nhau tấm thiệp tặng và bàn vô số trò chơi cho ngày ấy.
Trong nhóm có Tuyết Dung là đạo Thiên Chúa, cô bé vẫn thường đi lễ vào ngày chủ nhật. Bốn cô còn lại đâu chịu thua cứ nhè vào một mình Tuyết Dung mà chọc ghẹo, khiến cô bé hờn mát, có lần cô bé giận một tuần lễ không thèm nói chuyện với ai. Gần đến Noel cô bé tíu tít:
- Tụi bây, nhớ ngày đó đến nhà tao nha!
Hà hỏi:
- Đến mần chi vậy?
- Ăn Rờ-vi-dong!
Sương chọc:
- Ăn gì lạ lùng, ai đời mười hai giờ đêm làm sao ăn cho vô? Thôi bỏ túi nylon để dành sáng đem vô lớp ăn.
Dung hờn:
- Tại tục lệ từ xưa đến giờ vẫn vậy, nếu tụi bây muốn ăn sớm thì ra quán mà ăn.
Vân khều vai Dung:
- Nói chơi chút giận hả? Ngoài tụi này còn ai nữa không?
Dung đáp nặng nề:
- Không!
Nga bàn:
- Bây giờ ta tính vầy, Dung cứ đi lễ tụi mình đi chơi, đến giờ tụi mình sẽ kéo đến nhà Dung, chịu không?
- Đồng ý!
Hợp đồng đã được thông qua, các cô bắt đầu bàn đến trang phục. Một chốc Hà vỗ đùi kêu lên:
- Chết cha, bể hợp đồng rồi!
Sương hỏi:
- Sao bể?
- Ba đứa mình thì tốt rồi con nhỏ Nga, rờ móc bỏ cho ai?
Nga đỏ mặt:
- Con quỷ, bỏ cho mi đó!
- Nói rồi đừng hối hận nha! Ta xin tình nguyện làm công chúa Quỳnh Nga để chờ công tử Trần Thân, ủa Trần Minh.
Cả đám cười ồ làm Nga hờn mát:
- Đem chuyện riêng của người ta ra ghẹo hoài còn chuyện mình thì giấu kín.
Cả đám tròn mắt nhìn Hà xoi mói, Sương ra lệnh:
- Đề nghị tự thú, chúng ta đây sẽ khoan hồng!
Hà chối bai bải:
- Có gì đâu, hơi đâu nghe con điên đang yêu nửa mê nửa tỉnh này!
Nga phát vào vai Hà:
- Chịu khai không, nếu không ta sẽ đem chuyện này công khai trước lớp đó!
Hà bịt miệng Nga lại:
- Trời ơi! Bà chằn ơi, có gì mà làm dữ vậy? Tường Lãm chỉ nhờ mình tìm cho cậu ấy vài quyển sách để tham khảo chứ gì đâu mà làm ầm ĩ.
Vân hất mặt:
- Tại sao không nhờ ai lại nhờ mi?
- Vì Tường Lãm biết ba mình có một tủ sách quý, có thế thôi!
Sương đùa:
- Vậy là mày mời chàng về nhà cùng đọc cho vui, phải không?
Hà nạt:
- Tầm phào!
Tiếng chuông vào học reo lên cắt ngang câu chuyện. Thầy Cường ra hiệu cho cả lớp ngồi xuống. Sương vô tình đạp lên thanh ngang gác chân của cái bàn gây âm thanh "tạch - tạch - tạch..." Nghe tiếng động lạ cả lớp cười lên rần rần. Cường hét lớn:
- Các em trật tự!
Cả lớp im phăng phắt nhưng tiếng cười như cố nén vào trong, mặt ai cũng đỏ lên như gấc. Sương lại đạp lên lần nữa: "tạch... tạch... tạch...". Tức nước vỡ bờ, bị nén từ nãy giờ bây giờ mới có dịp tuôn ra, cả lớp cười chảy nước mắt. Có cô bò lăn ra bàn, ôm bụng ngồi xuống đất mà cười.
Cường quát:
- Chuyện gì?
Sương cố nín cười:
- Thưa thầy cái thanh gác chân bàn em bị mất đinh.
Cường càu nhàu:
- Có vậy cũng cười được!
- Dạ tại nó kêu nghe tức cười quá!
Sương lại đáp thêm lần nữa, tiếng cười vừa lắng lại đã tiếp tục ầm ĩ lên... Cường hỏi:
- Bên nam sinh có ai tình nguyện đóng lại thanh cây đó không?
Tường Lãm giơ tay:
- Dạ, để em chữa lại!
Tường Lãm bước ra khỏi bàn hỏi:
- Có bạn nữ nào cho mình mượn chiếc guốc không?
Cả lớp lại nhốn nháo, bốn cô trong nhóm nữ hét lên:
- Ai, lợi dụng thời cơ để làm gì đây?
Tường Lãm không đáp cứ lum khum đi tìm đôi guốc gỗ. Đến bàn Thanh Hà, Lãm reo lên:
- Có rồi!
Đôi chân cô bé bíu chặt xuống nền gạch như sợ đôi guốc gỗ của mình bay mất. Tường Lãm chờ mãi không thấy cô chủ nhỏ mở lòng, anh chàng ngước lên nhìn. Bốn mắt nhìn nhau sượng sùng.
- Guốc của Thanh Hà hở?
Hà nguýt:
- Vậy chứ tưởng của ai? Nói trước Hà không cho mượn đâu.
Tường Lãm năn nỉ:
- Hà cho Lãm mượn chút đi, nếu hư Lãm đền cho Hà đôi guốc mới!
- Thiệt hông?
- Thiệt mà!

Hà lấy chân mình ra khỏi guốc, bất chợt cô bé giữ guốc lại vô tình đạp lên bàn tay Tường Lãm, Lãm kêu:
- Ái da!
Tiếng kêu quá lớn làm cả lớp xúm lại, thầy Cường hỏi:
- Chuyện gì vậy?
Hà mắc cở đỏ mặt, Lãm không dám nói thật nên đáp bừa:
- Thưa thầy hổng có gì!
Lãm cầm chiếc guốc Hà nhanh chóng sửa lại thanh bàn cho Sương rồi cậu trở về chỗ ngồi im không dám nhìn Hà một lần nào.
Tan học, sau khi chia tay với nhóm, Hà ôm cặp trước ngực bước từng bước chậm. Tiếng guốc gõ lộp cộp trên đường, Hà kêu:
- Oái, guốc mình sao thế?
Hà ngồi xuống lật guốc lên xem:
- Chết cha, trốc đế rồi làm sao bây giờ, hễ đi thì nó kêu lên giống như chó tha miểng dừa, quê ơi là quê.
Bất ngờ Hà nghe:
- Hà, Hà ơi!
Hà ngước lên kêu thầm trong bụng "Lại gặp oan gia nữa rồi". Tường Lãm đã đến bên cạnh, Hà vội đứng lên:
- Có chuyện gì vậy Lãm?
Lãm lắc đầu:
- Lãm chỉ muốn xin lỗi Hà thôi!
- Lỗi gì?
- Lãm làm Hà mắc cỡ.
- Tại Hà đạp tay Lãm chứ đâu phải tại Lãm đâu.
- Vậy mình huề nha?
- Ừm!
- Hà, về thôi!
Lãm thản nhiên bước đi, Hà do dự rồi nhấc chân lên nhè nhẹ cố không gây tiếng động. Vì cố kéo lê chiếc guốc nên Hà đi hơi khập khểnh, Lãm ngạc nhiên:
- Chân Hà sao vậy?
Hà xua tay:
- Không sao, không sao, Lãm cứ về trước đi!
Lãm từ chối:
- Để Lãm xem cho, Hà đừng ngại.
Lãm ngồi xuống, cậu cứ muốn lấy bàn chân Hà ra khỏi guốc để xem, nhưng Hà không cho. Hai bên giằng co mãi, cuối cùng Hà đành nói thật:
- Guốc Hà trốc đế nên mỗi lần bước nó cứ gõ cồm cộp nghe kỳ ghê!
Lãm cười phá lên:
- Giống chó tha miểng dừa chứ gì?
Hà đỏ mặt, Lãm bảo:
- Hà bỏ guốc ra đi!
Hà trố mắt:
- Chi vậy?
- Cứ nghe lời Lãm.
Hà luống cuống, Lãm phải tháo đôi dép da của mình ra trước:
- Hà mang đôi dép của Lãm, còn Lãm sẽ mang đôi guốc của Hà!
Hà kêu lên:
- Hổng được đâu, chân Hà nhỏ còn dép Lãm to lắm!
- Ê, phải nói ngược lại mới đúng, guốc Hà nhỏ còn chân Lãm to sẽ làm hư đôi guốc xinh xinh của Hà thôi!
Hà cũng muốn thử xem Lãm làm thế nào với đôi guốc của mình, cô bé bỏ guốc mang dép. Lãm lấy đôi guốc xếp gọn bỏ vào cặp và lấy ra đôi giày vải loại giày thể thao mang vào chân.
- Trả guốc Hà đây.
- Hổng trả.
- Để làm gì?
- Kỷ niệm!
Hà đỏ mặt quay đi, Lãm lẽo đẽo theo sau. Đoạn đường dài còn lại chẳng ai nói với ai lời nào.
°°° Sau khi vợt vài đường bóng, Đại bá vai Lãm đi vào căn tin.
Đưa cho bạn ly rau má Đại hỏi:
- Lãm, mi có cảm tưởng gì với nhóm năm cô gái của lớp mình?
Ngỡ Đại biết lờ mờ chuyện của mình, Lãm hỏi:
- Hỏi chi vậy?
Đại gục gặc:
- Không biết mi thì sao chứ ta thì ta sợ mấy bà đó lắm!
Lãm cười:
- Đáng sợ đến vậy sao?
- Mi chưa bị đám đó quậy nên chưa ngán, còn ta đã mất toi hai mươi lăm ngàn vì cái bẫy giăng sẵn.
Đại kể cho Lãm nghe chuyện mình mắc lừa, Lãm cười:
- Mất hai mươi lăm ngàn đổi lại tình bạn với năm cô gái, ta thấy còn rẻ chán.
Đại đấm vào vai Lãm:
- Mi làm gì bênh vực cho tụi nó vậy?
- Công bằng mà nói thôi!
- Nói thiệt nha, năm con nhỏ đó sau này chắc ở giá quá!
- Sao nói gở cho người ta thế?
- Đại ơi, mi tìm không đúng đối tượng để tâm sự rồi!
Lãm quay ra thấy Minh Quân với Anh Đức bước vào. Đại hỏi:
- Ê, bộ Tường Lãm đang có ý đồ hở?
Đức nhướng mắt:
- Còn phải hỏi!
Đại tò mò:
- Ai vậy?
- Nhỏ Hà đó!
Lãm nạt:
- Thôi, đừng nói chuyện đó nữa, chủ nhật này tụi mình thi đấu với lớp 12A5 phải không?
Minh Quân huých vào vai Lãm:
- Đánh trống lảng há, tụi này ủng hộ thôi mà!
Lãm đứng lên tuyên bố:
- Cử nước này tao bao, chịu chưa!
Bốn cậu cười ha hả.
°°° Sương, Hà, Nga, Vân kéo nhau đến nhà Tuyết Dung. Dung đang trang trí cây thông, cô bé hỏi:
- Nước lụt hay sao mà nghêu sò ốc hến gì đó đủ hết trơn vậy?
Vân ngồi phịch xuống salon:
- Chỉ còn thiếu quan huyện nữa nên chưa mở cửa công đường.
Không ngẩng lên, Dung hỏi:
- Định đi đâu đây?
Nga trách:
- Mi đúng là con chiên ngoan đạo, trong lòng mi bây giờ chỉ có chúa, còn trận đấu bóng đá của lớp mình với lớp 12A5 mi chẳng quan tâm.
Dung đáp thờ ơ:
- Bóng đá có gì vui cơ chứ?
Sương chen vào:
- Mi không thích cũng phải tham gia động viên cho đội banh lớp mình, dù đông cũng đỡ hơn.
Dung đáp yểu xìu:
- Đi thì đi, làm gì lên lớp dữ vậy?
Vân hối:
- Nhanh lên đi con quỷ điệu!
- Hổng dám điệu đâu!
Dung ngoe nguẩy vào thay đồ.
Chương 3
Lúc nhóm ngũ quỷ đến trong sân đã đông người, không khí có vẻ khẩn trương. Học sinh ba khối tập trung khá đông. Năm cô cố chen vào trong để ủng hộ đội nhà.
Dung không mê môn thể thao này, nên cô bé ngồi xổm dưới đất nhìn vào trong sân một cách lơ đễnh.
Trận đấu bắt đầu khai mạc, các nam sinh tham gia cuộc chơi thật hào hứng. Bên ngoài tiếng reo hò như sấm dậy, các cô cũng vỗ tay, hét đến khan cổ. Dung vẫn vô tình không hề nao núng trước sự thắng thua của hai đội. Cô bé đang nghĩ đến các em bé thiên thần của đêm giáng sinh. Bỗng:
- Dung! Coi chừng!
Tiếng hét của Hà vừa dứt, Dung đã thấy vật gì đó đang tiến về phía mình với tốc độ kinh hồn, Dung không còn phản ứng gì khác hơn là tròn xoe mắt mà nhìn.
Cái vật mà Dung nhìn thấy mơ hồ là trái banh, lúc đó sát với mặt Dung thì ai đó đã nhanh chân sút nó bay vèo trở lại sân bóng. Dung đứng bật lên hét to:
- Hay, hay quá!
Từ đó đôi mắt Dung không rời quả bóng, cánh tay cô bé cứ đưa lên cao miệng hét vang dậy "vô, vô".
Lúc trọng tài thổi còi kết thúc trận đấu, đội bóng lớp 12P5 thắng đội 12A5 tỷ số 2-1 cũng là lúc Dung ngồi phịch xuống đất thở hổn hển.
Sương cười:
- Mình không ngờ Dung cũng có máu thể thao ghê!
Hà trề môi:
- Không nhờ quả bóng cảnh tỉnh, chắc giờ này hắn còn mơ lên thiên đàng!
Vân cười khì khì:
- Lúc nhỏ hưởng ứng ta cứ ngỡ nhỏ điên. Cái chân thì giậm thình thịch còn cái tay thì giơ cao quơ lia lịa, cái miệng khỏi tả.
Nga kéo Dung lên:
- Định nằm vạ hở, dậy còn chúc mừng đám cầu thủ lớp mình chứ!
Dung uể oải đứng lên:
- Ta không ngờ nó hấp dẫn đến vậy, nếu biết sớm ta không bỏ lỡ cơ hội tốt đâu.
Hà chớp chớp mắt trêu:
- Đúng là kẻ thức thời!
Vân nhắc:
- Đi thôi!
Dung nhìn xung quanh, mắt tìm kiếm:
- Chết rồi, cái đầu của ta!
Nga ôm đầu cô ả hỏi dồn:
- Sao, chập mạch hở?
Dung phủi tay Nga:
- Làm gì vậy con điên, cái nón của ta mất tích rồi.
Vân ghẹo:
- Hồi chưa mất nó còn phải không?
- Con quỷ khùng! Ta muốn điên mà còn nói xàm hoài!
Bốn cái đầu chụm lại lè lưỡi trêu Dung, cô bé hét um sùm.
°°° Đêm Noel thật náo nhiệt, người đi chật ních hết các con đường. Người đi lễ thì ít mà đi chơi thì nhiều. Bốn cô nữ sinh cũng có mặt góp phần lộn xộn trên đường phố.
Nga xem đồng hồ, gần đến giờ hẹn, cô đề nghị:
- Mình đến nhà thờ xem con chiên ngoan đạo ra sao rồi.
- Hứ, làm như nó bị bắt cóc không bằng.
- Biết đâu, cô ả bữa nay xinh như nàng tiên, lỡ có người rước đi mình mất tong một cô nàng đỏng đảnh.
Vân gạt:
- Nói tầm bậy không hà, Dung mà nghe được nó rủa tụi mình chết cho coi.
Hà suỵt:
- Ê, không biết nhỏ Dung thường cầu nguyện chuyện gì hén?
Tiếng Sương õng ẹo:
- Cầu cho con học giỏi có chồng giàu ngày cơm ba bốn bữa tiền vô như nước.
Cả đám cười rộ lên, Sương tiếp:
- Con nhỏ kín miệng thiệt, hổng biết nó có người tình trong mơ chưa?
Vân hạ giọng:
- Dung nghiêm túc lắm, chắc còn trong sạch.
Sương cười:
- Để ta điểm lại tình hình của nhóm mình xem, nhỏ Nga thì có gốc me, nhỏ Hà thì có Tường Lãm giờ còn nhỏ Vân và Dung.
Vân chỉ vào mũi Sương:
- Ai, vậy ra mi đã có vấn đề, mau khai báo nếu không đừng trách bổn cô nương vô tình.
Sương ngơ ngác:
- Ai nói ta có mèo hồi nào?
- Mới đó, trong bản kê độc thân đâu có tên mi, mau trả lời đi!
- Tại ta quên chứ bộ!
Vân nhắc khéo:
- Hay lớp mình làm sui với lớp 12P6 đi, lớp trưởng bên ấy coi cũng bảnh tỏn lắm!
Sương phát vào vai bạn:
- Nhân danh lớp trưởng đề nghị tắt đài pháp thanh.
Ba cô đồng thanh:
- Nhân danh đại đa số trong nhóm đề nghị lớp trưởng 12P5 phải nhanh chóng tìm hiểu lớp trưởng 12P6.
Tiếng cười rú lên làm người đi đường không hiểu chuyện gì đưa mắt nhìn các cô.
Chương 4
Từ ngày chuyển sang thầy Cường chủ nhiệm, năm cô quậy phá có dịp đổi chỗ. Hà, Vân, Dung ngồi chung một bàn dãy giữa, còn Sương, Nga ngồi hai bên dãy kia.
Sáng nay vào lớp, Sương thấy trong hộc bàn mình một mảnh giấy gấp tư, cô bé ngạc nhiên nhìn quanh. Trong lớp mới có mấy bạn trực nhật đến sớm nhưng ai cũng chăm chú vào công việc, vậy đây là giấy gì đây cà?
Sương tò mò mở ra xem, bên trong nét chữ nghiêng nghiêng: "Chào cô bé 12P5, xin được làm quen, nếu đồng ý nhớ để lại tín hiệu. Chào! Lớp sinh ngữ đêm".
Trái tim mười bảy đập rộn ràng, cô bé cố suy đoán chủ nhân lá thư này là ai có cao to hay thấp bé, mập ốm, lịch sự hay cà chớn, tên gì nhà ở đâu...
Cô lớp trưởng hôm nay ít nói hơn mọi ngày, miệng lại hay mỉm cười một mình, cô dễ dàng hơn với các bạn, quan tâm đến mọi chuyện, dù không phải trách nhiệm của mình.
Thái độ lạ của Sương không qua mắt được bốn cô bạn tò mò. Đợi lúc Sương lên văn phòng, Tuyết Dung thỏ thẻ với Vân:
- Ê, nhỏ Sương hôm nay kỳ lắm, làm gì coi bộ hưng phấn ghê! Bảo đảm có lý do.
Hà nhịp nhịp ngón tay lên bàn, vẻ suy nghĩ:
- Chắc chắn có lý do gì đây. Hay hắn đã nhận được tín hiệu của lớp 12P6.
Nga đưa ngón tay lên miệng:
- Chuyện này mình phải bí mật theo dõi xem nhỏ Sương đến chừng nào mới chịu bật mí!
- Đồng ý!
Bốn bàn tay chặp vào nhau cười nửa miệng. Sương vô tình trúng kế của đám bạn chí cốt. Cô bé bỗng nhiên siêng đột xuất, sáng đi học thật sớm, trưa lại về muộn, đôi mắt lúc nào cũng cảnh giác.

°°° Ngọc Sương hết đi ra lại đi vào, mắt cứ dán vào chiếc đồng hồ đeo tay. Bà ngoại cô bé thấy vậy hỏi:
- Sương à, cháu chờ gì vậy?
Tiếng ngoại êm như vậy mà cô bé giật mình, cô đáp ấp úng:
- Dạ, con chờ bạn!
Ngoại đưa cho Sương chiếc bánh dừa:
- Nè, ăn đi con, bánh này con thích ăn lắm mà!
Cầm chiếc bạnh trên tay, cô bé đáp thờ ơ:
- Dạ!
Ngoại chép miệng:
- Hay con hổng muốn ăn, nếu biết con không thích ăn như vậy, ngoại đâu thèm gói làm gì!
Biết ngoại giận, Sương ôm ngang lưng bà nũng nịu:
- Ngoại, bộ ngoại giận con hở?
Ngoại mắng yêu:
- Hừ, ai thèm giận cô cho mệt!
Sương dìu bà ngồi xuống ghế, ân cần hỏi:
- Ngoại có giận con không?
Xí vào trán cô, bà nói:
- Chó con, bắt đầu nịnh bà phải không?
Sương ôm cánh tay bà làm nũng:
- Ngoại nè?
- Gì hở con?
Ngập ngừng một lúc, Sương mới dám lên tiếng:
- Hồi đó làm sao ngoại gặp ông ngoại con vậy?
Đôi mắt đầy dấu chân chim nheo lại như nhớ về quá khứ, ngoại kể:
- Hồi đó nhà ngoại nghèo đâu có được ăn học như các con bây giờ. Ngoại phải theo ông bà cố đi cắt cỏ bán cho người ta. Đêm về ngoại mới được rảnh rỗi theo đám bạn bè học chữ. Ngày đó ông ngoại con học sinh giỏi nhất trong trường làng, ông học chữ ở trường rồi đêm về dạy lại cho đám học sinh nghèo như ngoại. "Thời gian trôi đi, tình bạn thấm sâu thành thân thiết. Ông cố hứa gả ngoại cho ông ấy vì thấy ông ấy học giỏi lại biết lễ nghĩa. Đó, chuyện của ngoại là vậy, ngày xưa người ta thương yêu nhau rất đơn giản nhưng thật mặn nồng không như các con bây giờ".
Sương trố mắt:
- Bây giờ sao ngoại?
Ngoại vung tay lên:
- Thương thì sống chết gì cũng phải cưới, về ở với nhau rồi giận hờn là đòi ly dị, thật rối rắm!
Sương cười:
- Ngoại ơi, hồi đó ngoại có bao giờ hẹn hò với ông ngoại không?
Ngoại cười hóm hém:
- Thời gian đâu mà hẹn hò con, vả lại ông ngoại muốn nói gì với ngoại thì sau giờ học ông ấy nói liền hà.
Đôi mắt Sương mơ màng theo lời kể của ngoại, bà bảo:
- Tự dưng con bảo ngoại kể chuyện này chi vậy? Năm nay con còn đi học, ráng mà học thành tài, đừng suy nghĩ vớ vẩn mà làm ba mẹ con buồn.
Sương giật mình vì lời phán đoán của ngoại, cô bé thầm phục bà mình. Cố tự nhủ: "Trời ơi, chuyện trọng đại như vậy mà bà cho là vớ vẩn".
Xem đồng hồ, Sương giật thót, trễ rồi. Cô bé lật đật đứng lên:
- Ngoại ơi, con đến nhà bạn một chút nha ngoại!
Nói xong cô bé dẫn chiếc mi ni đạp đi hối hả.
Cổng trường đã hiện ra trong tầm mắt, Sương giảm tốc độ cho xe chạy từ từ vào trong sân trường vắng lặng, mấy lớp bổ túc và ngoại ngữ vẫn còn đèn sáng choang.

Dưới cây bàng, bóng một người thấp thoáng, Sương bước đi nhè nhẹ, tim cô bé đập rộn ràng trong lồng ngực. Dựng xe, Sương lên tiếng hỏi:
- Anh đợi Sương lâu chưa?
Tiếng cười nhỏ:
- Hơi lâu!
- Sương xin lỗi đã để anh chờ!
- Không sao, Sương ngồi đi!
Đêm không trăng, nên Sương vẫn chưa biết được người đối diện với mình ra sao. Ánh đèn của các lớp đêm tỏa ra khoảng sân rộng, tạo nên ánh sáng mờ nhạt. Sương khép nép ngồi xuống ghế đá.
- Sương có khỏe không?
- Dạ, bình thường.
- Bài vở lúc này căng thẳng lắm phải không?
- Gần thi học kỳ nên có phần căng thẳng. Còn anh?
- Cũng vậy thôi, có khác gì Sương đâu. Chắc Sương phải mệt lắm với cái lớp những thành tích quậy hở Sương?
Sương cười:
- Sương quen rồi, vì Sương là tay cầm đầu mà!
- Con gái mà làm lớp trưởng oai ghê há!
- Ai cũng tưởng Sương dữ tợn lắm nhưng thật ra...
- Hiền khô chứ gì?
Trời tối nên không ai nhìn thấy mặt cô bé ửng hồng. Ngoài mấy câu chuyện bâng quơ, hai người ngồi im lặng. Một lúc sau Sương ấp úng hỏi:
- Anh hẹn Sương đến đây có chuyện gì không?
- Í, hổng phải Sương hẹn tôi sao?
- Đâu có, Sương nhận được giấy anh hẹn Sương mà!
- Tôi đâu có viết giấy gì cho Sương.
- Vậy anh đến đây làm gì?
- Theo lời hẹn của Sương mà!
Sương hờn:
- Nói vậy anh không hề muốn biết mặt người mà anh trao đổi tâm sự bấy lâu nay sao?
- Tôi biết Sương từ lâu, hồi Sương còn học lớp mười, đã ba năm nay ngày nào tụi mình không gặp nhau.
Giọng Sương kinh ngạc:
- Gặp đã ba năm?
- Đúng vậy?
- Vậy anh là...
Tiếng cười rộ lên làm Sương giật mình:
- Muốn biết mặt người ta lắm phỏng?
Sương kêu:
- Nhỏ Hà, mi đi đâu đây?
Hà rắn mắt:
- Vậy còn lớp trưởng?
Nhìn mấy cái bóng đen đen, Sương hỏi:
- Có phải lũ quỷ đây không?
Nga cười như nắc nẻ:
- Còn phải hỏi, năm con thiếu một đâu có được.
Sương còn đang thắc mắc về người lạ, lại thêm điên đầu với đám bạn, cô bé ngồi phịch xuống ghế đá.
Vân níu tay người lạ:
- Anh Sơn, từ nãy giờ bàn kế hoạch học tập chưa?
Sơn tự ái:
- Thì ra các cô bày trò này?
Vân giải thích:
- Hổng phải tụi này phá anh đâu, tụi này chỉ có thành ý muốn hai lớp kết nghĩa với nhau.
Sương đứng bật dậy:
- Anh Sơn, lớp trưởng 12P6?
Dung hỏi đố:
- Vậy nãy giờ nói chuyện cả buổi mà hổng biết tên nhau hở?
Ánh lửa lóe lên, dưới cây nến lung linh, Sương nhìn rõ mặt Sơn, cô bé giận dữ:
- Thì ra tụi bây bày trò quỷ này, báo hại...
Vân ngắt lời:
- Trước mặt người lạ mà miệng mồm cứ ong óng, hổng sợ người ta đồn cô lớp trưởng 12P5 dữ như bà chằn sao?
Sương yếu xìu:
- Xin lỗi nha anh Sơn, mình hiểu lầm nhau thôi, mong anh bỏ qua.
Dung phản đối:
- Hổng được, làm như vậy mất duyên con trai của anh Sơn, lỡ người ta biết chuyện này, người ta sẽ cười anh Sơn chết luôn.
Sương nhăn nhó:
- Cũng tại tụi bây, bây giờ biết làm sao?
Nga cười:
- Thì hai người tìm hiểu nhau đi!
Sương giẫy nẩy:
- Hổng được, ta...
Hà đáp thế Sương:
- Có hoàng tử khác phải không?
Sương ngượng ngùng:
- Tụi bây biết rồi hả?
Vấn nói:
- Chẳng những biết mà còn phản đối nữa.
- Sao vậy?
Vân kề tai Sương nói nhỏ:
- Bộ mi định làm chị dâu ta hở?
Sương kêu:
- Chị dâu?
Vân gật đầu:
- Ừm, anh ấy là anh Hai tao đó!
Sương đáp tỉnh bơ:
- Anh Hai thì anh Hai, có sao đâu?
Bốn cô đồng thanh:
- Mi đồng ý?
Liếc về phía Sơn, Sương gật đầu nhè nhẹ. Bốn cô cảm thấy tội nghiệp cho Sơn nên đến an ủi:
- Anh Sơn, đừng buồn nha, tại nhỏ Sương bị Bệnh tim thòng nên khó hiểu lắm!
Sơn cười:
- Nghe tiếng đồn về năm cô đã lâu nay mới biết, thật là vui. Để đánh dấu ngày Việt Sơn này bị các cô dạy cho bài học bây giờ mời các cô đi ăn kem!
- Hoan hô anh bị từ chối! Hoan hô!
Chương 5
Thanh Hà ôm cặp thong thả từng bước, cô bé cứ mỉm miệng cười, đôi mắt rực sáng.
Mải nghĩ đến chuyện vui ở trường, cô bé đến nhà lúc nào không hay. Đang vui, bỗng Hà sững người đứng lại, niềm hân hoan bỗng chốc tan biến thay vào là nét kinh hoàng, hoảng sợ.
Đôi tay cô bé ôm cứng chiếc cặp trước ngực, bước chân cứ lùi dần, lùi dần, mắt nhìn trừng trừng phía trước. Hải, anh Hai cô đang lù lù tiến về phía cô, trên tay lấp loáng con dao Thái Lan. Hải bật cười man rợ khi thấy em gái mình run sợ.
Dằn cái dao xuống bàn, hắn hỏi:
- Hà, tiền đâu đưa cho tao mấy chục?
Thanh Hà giật mình khụy xuống, hai tay ôm chặt cái cặp, mắt nhìn Hải chằm chằm.
- Sao? Có tiền không?
Hà run rẩy:
- Anh Hai! Em... không... có...
Hải đập tay xuống bàn, ly tách va vào nhau kêu loảng xoảng, hắn gầm lên:
- Hừ, không tiền! Tiền mẹ giao cho mày chi tiêu đâu?
Hà luống cuống:
- Anh Hai, bữa naỵ.. hết rồi!
- Láo, mày dám gạt anh Hai mày à?
Hải lao đến níu bên bả vai Hà, kề dao vào cổ:
- Tiền đâu, đưa mau lên!
Hà run lây bẩy:
- Anh Hai, thạ.. chọ.. em!
Hải nhếch mép cười, hình như tình cảm anh em không làm cho hắn xúc động. Đầu óc hắn đang nhớ đến những thước phim bạo lực đấm đá, đâm chém, hắn như quên đi tất cả, đưa tay giật chiếc cặp da.
Hà hoảng loạn, cô bé chồm người kéo chiếc cặp lại, quá đà cô té lăn trên đất. Nước mắt ràn rụa:
- Anh Hai, trả lại cho em!
Hải mở tung chiếc cặp lục soát, tìm kiếm. Hắn thất vọng vì trong cặp Hà chẳng có gì cả. Mắt hắn chợt sáng khi thấy phong thư dán kín bằng giấy học trò, hắn hỏi:
- Cái thư này của ai?
Hà tái mặt:
- Anh Hai trả lại cho em.
Hải cười ha hả:
- Thôi được, đưa tiền đây.
- Em đâu có tiền.
Hải đưa đôi mắt trắng dã vì mất ngủ nhìn Hà, bỗng hắn cười lên khoái trá:
- Đưa sợi dây tao trả liền.
Hà đưa tay lên ôm lấy cổ, miệng lắp bắp:
- Không được đâu.
- Nếu không tao sẽ đọc to cho cả xóm này nghe. Vừa nói Hải vừa xé lá thư, Hà hấp tấp:
- Anh Hai, khoan đã, em bằng lòng.
Hà run rẩy tháo sợi dây chuyền, cô bé cứ ngập ngừng tiếc rẻ. Cuối cùng bằng hành động dứt khoát, cô bé nhắm mắt lại đưa sợi dây chuyền cho Hải.
Hải bật cười to đưa tay định lấy, bỗng khựng lại vì tiếng quát:
- Dừng lại!
Hải lùi lại thủ thế, Hà tròn xoe mắt nhìn người mới đến.
- Tường Lãm, bạn về đi!
Hải nhịp nhịp cái dao, hất hàm hỏi:
- Mày là gì của Hà?
Hà vội chạy đến đứng chắn trước mặt Lãm:
- Anh Hai, bạn ấy học cùng lớp với em!
- Lá thư này của nó phải không?
Hà đưa tay định giật lại, nhưng Lãm ngăn:
- Hà đừng bận tâm, Lãm không có ý gì, chỉ muốn Hà xem Lãm như người bạn mà thôi!
Hải vứt phong thư xuống đất, mắt ánh hằn lên tia dữ dằn:
- Khốn nạn, mày dám đến đây phá đám tao à? Hà, có đưa sợi dây chuyền cho tao không?
Hà nhìn Tường Lãm, Lãm nhỏ giọng khuyên:
- Anh Hải, anh nên suy nghĩ lại, chẳng lẽ vì mấy cuốn phim mà anh lại hành động quên cả Hà là em ruột của anh hay sao?
Hải giật mình, thằng oắt con này, sao nó biết chuyện của mình cà? Đúng là mình đang cần tiền thuê đầu máy với mấy cuốn phim xã hội đen. Cái thằng Dũng khốn nạn, nó rủ mình đến xem, đến hồi hấp dẫn nó nỡ đoạn đành cắt đứt còn lên giọng: Nào là hao điện, không tiền... Đang ghiền đành làm liều với em gái, không ngờ thằng này biết chuyện kể ra vanh vách. Lỡ rồi chơi luôn.
- Ê, mày định dạy khôn tao đó hở? Nói cho mày rõ, nếu còn có ý định can thiệp tao sẽ không khách sáo đó nha!
Hải thò tay vào túi lôi ra con dao ngắn, dứ dứ. Hà sợ hãi, níu tay Lãm:
- Tường Lãm, bạn về đi!
Tường Lãm bình tỉnh:
- Hà đừng lo cho mình, Hà chạy đi!
Hà khóc mếu máo:
- Tường Lãm, nghe lời Hà về đi!
Hải cười khùng khục:
- Hai đứa bây khá lắm!
Bất ngờ Hải hét:
- Hà, đưa sợi dây cho tao!
Theo phản xạ, Hà đưa sợi dây cho Hải, nhưng Tường Lãm đã nhanh tay gạt Hà sang một bên.
Đôi mắt Hà như muốn nổ tung trước cảnh hỗn loạn, cô bé chỉ kịp kéo cánh tay Lãm và trườn người ra phía trước. Hà loạng choạng, chiếc áo dài nữ sinh ướt đẫm máu. Lãm đỡ lấy Hà, kêu lên:
- Hà, Hà... Hà ơi!
Đôi mắt Hà đờ đẫn nhìn Lãm, đôi môi mấp máy rồi tắt lịm. Gương mặt Lãm đanh lại, cậu đặt Hà nằm xuống, lao tới Hải như con thú vồ mồi. Nhưng...
Tường Lãm ngã xuống cạnh xác Hà. Hải cười man dại vang lên:
- Hết đời, đám chống lại ta!
Bỗng Tường Lãm lồm cồm bò dậy, Hải thoáng giật mình, hắn hét:
- À, thì ra mày chưa chết. Được, tao sẽ cho mày theo con Hà cho có đôi.
Hải vội vàng lượm sợi dây chuyền, tháo luôn cái đồng hồ của Lãm thoát ra ngoài biến mất.
Chương 6
Vở kịch vừa kết thúc thì Vân, Dung, Nga, Sương vây quanh Hà reo lên:
Công nhận nhập vai ghê luôn!
Vân trêu:
- Vì bên trong thì đã nhưng ngoài còn e!
Hà càu nhàu:
- Nếu biết trước tụi bây chọc quê tao, tao chẳng thèm nhận lời.
- Ê, coi cái mặt kìa, giận lên thấy mà thương.
Hà đấm vai bạn, cả nhóm la hét om sòm.
Sương kề tai Hà nói nhỏ:
- Tường Lãm chờ mi kìa!
Hà nguýt các bạn rồi đi ra khỏi lều. Tường Lãm đang chờ Hà thật, Hà nhìn Lãm hỏi:
- Lãm tìm Hà có chuyện gì không?
- Mình đi dạo chút đi!
Hà e ngại:
- Còn các bạn?
- Không sao đâu!
- Kỳ lắm!
- Hay mình ngồi ghế đây nè!
Hà đồng ý, cô bé ngồi xuống mắt nhìn chung quanh. Chưa kịp nói gì thì Hải chạy đến:
- Trả lại hai bồ nè!
Hải trao cho Hà sợi dây chuyền và cái đồng hồ cho Lãm. Hắn cằn nhằn:
- Lãm, cậu thật là liều lĩnh, nếu Tuyết Dung không nhanh trí, ta không biết ứng xử ra sao?
Tường Lãm cười, đưa mắt nhìn Hà, Hà thẹn:
- Hải nghĩ coi, Lãm chết nằm đè lên bàn tay Hà, làm Hà đau điếng nên Hà nhéo bạn ấy một cái, ai dè bạn ấy lồm cồm bò dậy.
Hải chắp tay xá Lãm:
- Xin chào sư phọ, đóng kịch với sư phọ có ngày chắc con đứng tim chết luôn quá.
- Có gì mà làm ầm ĩ vậy, nếu không nhờ mình chết thêm lần nữa thì vai Hải tàn ác của cậu đâu có thành công như vậy.
Hải bật cười:
- Ừ há, không hiểu sao mình lại nhập vai ghê vậy đó!
Hà chen vào:
- Nhìn mặt bạn lúc đó thấy ghê lắm, Hải có biết là lúc bạn cầm dao kề cổ Hà, Hà khóc thật, vì Hà sợ cô hồn giục, rủi Hải đâm thiệt chắc Hà tiêu đời.
Hải cười sặc sụa:
- Nói chung vở kịch này thành công nhờ cái thật hào cái giả. Còn Lãm, cậu nhập vai lúc nào vậy?
Tường Lãm nhìn sang Hà mỉm cười:
- Lúc đứng ra che chở cho Hà.
Hà măỔc cở:
- Không thèm nói chuyện với hai bạn nữa đâu!
Hà bỏ chạy vào trại của lớp, hai anh chàng mỉm cười nhìn theo.
Tường Lãm với Hải vừa bước chân vao trại đã bị chúng bạn vây chặt, reo hò ầm ĩ:
- Xin chúc mừng nạn nhân.
- Người hùng!
Mỗi người một câu cười nói ồn ào. Hải thoáng trông thấy Tuyết Dung liền chạy đến nắm lấy bàn tay đưa lên cao:
- Xin cám ơn người trợ lý thông minh!
- Hoan hô, hoan hô!
Tuyết Dung trề môi, liếc Hải và Lãm một cái bén ngót:
- Trợ lý cho quý vị Có ngày độn thổ vì quê!
Hải chỉ Lãm:
- Đó, Dung có mắng thì mắng Lãm đi, chính Lãm cũng làm Hải đứng tim chứ bộ!
Dung nhìn Lãm:
- Sao lúc đó Lãm bò dậy, làm Dung cũng hết hồn.
Hải nói khẽ:
- Đừng hỏi, bí mật quân sự mà!
Dung gạt phăng:
- Ai hỏi Hải, Dung muốn hỏi Tường Lãm thôi, nếu Lãm không nói Dung nhất định không bỏ qua!
Hà kéo tay Dung:
- Dung kỳ quá, đó là chuyện bất đắc dĩ, tại Lãm ngã xuống đè trúng tay Hà nên Hà nhéo Lãm làm bạn ấy bật dậy.
Bí mật được vén lên cả lớp cười ồ. Bên ánh lửa trại tiếng hát vang dậy, bừng lên sức sống của tuổi thanh xuân.
°°° Hai tay chống cằm, mắt mơ màng nhìn ra khung cửa sổ. Giàn hoa nhỏ xanh mướt leo kín rào, từng chùm hoa li ti màu hồng xinh xắn đáng yêu làm sao. Lẫn khuất trong đám hoa ấy là hình ảnh cô bé dễ thương mà Tường Lãm vẫn thường mơ mộng. Nhớ lại vở kịch vừa rồi, bất giác Lãm cười một mình. Không hiểu sao hai lần đối diện với Hà, mình đều làm những chuyện lố bịch thật buồn cười.
Lãm lục trong góc nhà ra đôi guốc gỗ, đây là kỷ niệm duy nhất mà Lãm đã tước đoạt của Hà.
Lãm thoáng buồn vì Tết năm nay Lãm phải vềquê ăn tết với ba mẹ. Nghĩ đến thời gian xa bạn bè, lòng Lãm se thắt.
Đứng tần ngần trước tòa nhà cao hai tầng, Lãm e ngại, rụt rè. Bất ngờ:
- Tường Lãm!
Lãm giật mình quay lại, cậu bắt gặp Hà đi chung với một người. Hà cười:
- Tường Lãm đây là mẹ của Hà!
Tường Lãm gật đầu chào:
- Cháu chào bác!
- Mẹ, đây là Lãm bạn học của con!
Mẹ Hà mời:
- Vào nhà chơi cháu!
Hà dẫn Lãm vào phòng khách, bất chợt cô bé khựng lại nhưng không kịp nữa. Tuyết Dung nhảy ra điểm mặt hai người:
- A, bắt gặp quả tang nha, đi chợ tết vui vẻ để cả bọn chờ mỏi con măỔt!
Nga đế thêm một câu:
- Lúc này tụi mình chỉ còn là tứ quý đâu còn ngũ quỷ như ngày xưa.
Hà đỏ mặt, còn Tường Lãm ngượng chín người:
- Sao các bạn đủ mặt hết vậy?
Sương nói:
- Đủ đâu mà đủ, bạn bắt cóc hết một rồi còn gì?
Hà đáp lời:
- Nói bậy mà cứ nói hoài, ta đi chợ với mẹ về đến nhà thấy Lãm đứng trước ngõ.
Tuyết Dung hét lên:
- Chu cha ơi! Quan trọng là chỗ đó đó. Tụi bây ơi, tụi mình ở đây thừa rồi, đề nghị "biến".
Bốn cô đứng lên. Vân nói nhỏ:
- Chúc vui vẻ nha! Bye!
Tiếng cười ré lên làm hai người ở lại mắc cỡ chẳng dám nhìn nhau. Hồi lâu Hà sực nhớ đến sự có mặt của Lãm, cô giật mình.
- Tường Lãm ngồi chơi!
Lãm cười bẽn le:~n:
- Bạn Hà vui tính quá!
Hà trách:
- Bộ Lãm ngỡ nhóm bạn của Hà ghê gớm vậy sao?
Hai tay nắm vào nhau, đầu hơi cúi xuống, Lãm đáp:
- Thật lòng mà nói nhóm nam sinh lớp mình ai cũng ngán năm cô. Lãm cũng không khác các bạn, Lãm ít khi nào dám trò chuyện với nhóm bạn ấy.
Hà liếc Lãm:
- Còn bây giờ?
- Giờ khác rồi!
- Khác sao?
- Ai cũng hiền và vui tính!
Hà cười, cô bé đưa cho Lãm tách trà:
- Lãm uống nước đi, Lãm tìm Hà có chuyện gì không?
Đang vui, Lãm chợt buồn:
- Tết nay Lãm phải về quê!
Hà tròn mắt:
- Về quê?
- Năm nào cũng vậy, hè hay tết gì Lãm cũng phải về nhà với ba mẹ.
- Vậy à?

Hà tự trách mình từ lâu ít khi tìm hiểu đến bạn bè. Nay được biết thêm gia cảnh của Lãm, Hà thấy xốn xang trong lòng.
Hà nhìn Lãm thân thiện:
- Chắc Lãm vất vả lắm?
Lãm lắc đầu:
- Tuy vất vả nhưng Lãm cảm thấy vui vì mình là niềm mong ước của ba mẹ mà!
Hà tỏ ra quan tâm:
- Vậy trong cuộc sống, Lãm có gì khó khăn không?
- Khó khăn thì nhiều nhưng Lãm cố khắc phục vì ba mẹ Lãm ở quê phải cố gắng lắm mới có tiền cho Lãm ăn học.
- Hai bác ở quê sống bằng nghề gì?
- Ba mẹ Lãm chỉ biết làm ruộng mà thôi!
- Làm ruộng chắc vất vả lắm hở Lãm?
- Ừm!
Tự dưng Hà nói:
- Chắc Hà làm hổng nổi quá!
Nói xong, Hà mới thấy mình vô duyên, má cô bé đỏ bừng. Lãm cười:
- Làm miết rồi quen thôi!
Hà lái sang chuyện khác:
- Lãm về chừng nào lên?
- Mọi năm Lãm lên trước ngày vô học một buổi, năm nay có lẽ lên sớm hơn.
- Chi vậy?
Lãm mỉm cười liếc Hà:
- Hà không thích mình lên sớm sao?
Hai má Hà ửng hồng, Hà cảm thấy tim mình đập mạnh. Mùa xuân năm nay có lẽ sẽ đẹp hơn mọi năm. Ôi mùa xuân của tuổi mười tám.
°°° Sau đợt nghỉ Tết, vào lớp gương mặt ai cũng rạng rỡ hơn. Câu chuyện ba ngày tết vẫn là đề tài rôm rả nhất. Dung ngồi trên bệ cửa sổ:
- Tụi bây biết không Tết năm nay ta được cả nhà ưu tiên cho đi du lịch Đà Lạt mấy ngày, sướng ghê!
Nga lên giọng:
- Xì, Đà Lạt có gì vui, lạnh thấy mồ!
- Hừ, mi thiệt là nhà quê, ở ngoài ấy cảnh thì đẹp mà người thì khỏi chê.
Nga vỗ tay:
- A, vấn đề là ở đây, chấm ai ngoài đó rồi, chắc anh chàng chạy xe ngựa chứ gì?
Tiếng cười rộ lên, Dung đáp tỉnh bơ:
- À, chạy xe ngựa có gì xấu đâu? Anh ấy giới thiệu cảnh trí nghe thật là...
Sương góp phần:
- Còn ta thì tổ chức đám trẻ nhỏ đi chôm đồ cúng ở bàn ông thiêng. Hễ chủ nhà cắm nhang vừa quay lưng thì "biến" trái cây, bánh it' bánh tét gì cũng không chừa.
Vân kéo tay Sương ra ngắm nghía:
- Hèn gì mới ba ngày Tết mà trông hắn béo phị ra, chắc anh Hai ta phải còng lưng vì chở hắn quá!
Sương đấm lia lịa vào vai Vân:
- Đánh cho chừa tội nói bậy!
Vân vừa cười vừa la:
- Bớ làng xóm chị dâu đánh em chồng!
Sương càng đánh nhiều hơn, cô bé rượt Vân chạy vòng vòng. Ba cô còn lại, Nga khều vai Hà:
- Còn bồ, Tết vui vẻ không?
Hà liếc về nhóm nam sinh trong đó có Lãm, cô đáp nhỏ:
- Cũng bình thường thôi!
Nga trợn mắt:
- Bình thường?
Dung tỏ vẻ nghi ngờ:
- Mình không tin, ai lại có bạn trai cùng dạo phố mùa xuân mà bảo rằng bình thường. Trái tim mi bằng inox chắc?
Hà thở dài:
- Thật mà!
- Hay là tụi bây giận nhau?
- Không?
- Hay Lãm có điều gì không tốt với mi?
- Không!
- Hay là hắn đã có bạn gái khác?
- Không!
Dung bực mình:
- Không, cái gì cũng không. Vậy thì sao chứ? Tình cảm sao mà lộn xộn quá, tụi bây làm riết chắc ta điên mất.
Nga có vẻ hiểu biết hơn:
- Theo mình thì một trong hai bạn có chuyện buồn phải không Hà?
Hà gật nhẹ.
- Nhưng chuyện ấy là chuyện gì khiến hai đứa không vui?
Dung trề môi:
- Xí, làm như bí mật lắm vậy, tạm thời ta tha cho mi đó, nếu mi giấu thì tụi này sẽ lôi Tường Lãm ra hành tội cho xem.
Tiếng chuông vào học vang lên cắt ngang câu chuyện. Tất cả lục đục về chỗ ngồi.
Thầy Cường đã vào lớp vì tiết này là tiết sinh hoạt lớp hàng tuần. Trên bàn giáo viên thầy đang kiểm tra sổ đầu bài, xem tình hình học tập của lớp.
Bên dưới Hà khều Vân, Dung chụm đầu lại thầm thì:
- Có kẹo chuối ở quê Lãm mang lên, ăn không?
Vân, Dung liếc lên bàn giáo viên, xong gật đầu:
- Ăn chứ!
Hà chia cho mỗi bạn một ít chuyền sang cho Sương, Nga... đoạn cả ba khum xuống bàn nhai kẹo, miệng cười khúc khích.
Dung khen:

- Cha, kẹo ngon quá, hôm Tết lo đi chơi đâu có thèm ăn, bây giờ ăn mới thấy ngon ơi là ngon!
Vân khều nhẹ:
- Suỵt, nói nhỏ thôi, đã ăn vụng còn la làng!
Bỗng:
- Thanh Hà!
Hà giật thót, theo phản xạ, cô bé đứng lên quên cả nhả viên kẹo ra, Hà đứng im như pho tượng, mặt đỏ bừng vì xấu hổ.
Thầy hỏi:
- Em báo cáo tình hình lớp mình tuần qua.
Hà ấm ứ mãi, Sương biết chuyện nên đứng lên gỡ rối cho bạn:
- Thưa thầy, Hà đau răng!
Cường cười:
- Chắc tại ăn đồ ngọt quá nhiều chứ gì?
Hà xấu hổ cúi gầm mặt xuống, Cường nói tiếp:
- Sương thay Hà báo cáo đi!
Hà véo vào đùi Dung, Dung kêu lên oai oái:
- Ai da, quê rồi bắt ta chịu đòn hở?
- Tại tụi bây đó!
- Hứ, tại sao lại đổ thừa cho tụi này, kẹo là của Lãm cho Hà, Hà cất kín trong cặp ai mà biết đâu chứ?
Hà hờn dỗi:
- Ư, tại Hà xấu, Hà cho các bạn ăn kẹo để giờ Hà xấu hổ một mình, các bạn vui lắm.
Dung cười:
- Thôi nhỏ! Đừng nhõng nhẽo với bọn ta, để dành lát nữa cho Lãm đi!
Hà lại nhéo vào cánh tay Dung. Dung cười khục khục:
- Tuyết Dung!
Dung giật mình đứng lên, đôi mắt cô bé tròn xoe nhìn nhớn nhác không biết vừa rồi thầy nói gì.
Tiếng lào xào nổi lên:
- Văn nghệ!
Chỉ nghe được hai tiếng ấy là Dung sửa lại tà áo dài cho ngay ngắn, hắng giọng cho trong, cười tươi:
- Thưa thầy, để góp phần vui vẻ tiết sinh hoạt hôm nay, em xin hát bài "Bụi phấn".
Tiếng cười, tiếng đập bàn la hét vang trời. Dung ngỡ các bạn động viên tinh thần nên cất giọng:
"Khi thầy viết bảng bụi phấn rơi rơi..." Không biết lý do nào khác mà các bạn cười rũ rượi. Có bạn ngã lăn quay xuống nền gạch, tiếng cười lúc đầu còn rúc rích, nhưng càng lúc càng to rồi tiếng la hét át luôn tiếng ca.
Dung hát xong rồi mà cảnh hỗn độn của lớp còn ầm ĩ mãi. Thầy Cường cố gắng lắm mới bảo học sinh yên lặng được. Thầy nói:
- Lớp các em hôm nay sao vậy?
Sương cố nín cười đáp:
- Thưa thầy vẫn bình thường!
Thầy gọi:
- Tuyết Dung!
- Dạ!
Dung đứng lên thầy tiếp:
- Em có nghe thầy nói gì không?
Dung gật đầu:
- Dạ nghe!
- Nghe gì?
- Dạ văn nghệ!
Thầy cười:
- Giọng hát của em đúng là truyền cảm đó, thêm nội dung bài hát thì rất là xúc động!
Dung cười:
- Dạ thầy quá khen!
- Nhưng em phát huy tài năng không đúng lúc.
Dung tròn xoe mắt nhìn thầy.
- Dạ, thưa thầy...
Thầy gọi:
- Thủy Dung, em nhắc lại lời thầy vừa nói lúc nãy!
Thủy Dung đứng lên:
- Dạ thầy bảo lớp phó văn nghệ baó cáo tình hình văn nghệ của lóp.
Thầy ra hiệu cho Thủy Dung ngồi xuống, quay sang Tuyết Dung, thầy hỏi:
- Em nghe chưa!
Tuyết Dung cúi mặt đáp lí nhí:
- Dạ nghe!
- Bây giờ em báo cáo đi!

Dung cố gắng lắm mới nói được toàn bộ nội dung trong tuần. Cô bé tức anh ách, đứa nào chơi ác, báo hại cô bé một phen quê ơi là quệ.
°°° Thảy cái cặp lên thảm cỏ, Hà cười rũ rượi:
- Nhỏ Dung bữa nay đóng vai này đạt ghê!
Dung càu nhàu:
- Ê, ta đang quê đừng ghẹo ta cắn à nha!
Nói xong, Dung gặm vào vành tai Hà, Hà kêu lên oai oái:
- À, ác quỷ Dracula xuất hiện!
Tiếng cười vang lảnh lót.
Đến lượt Nga, Vân, hai cô vừa dìu nhau vừa nhún nhảy, Vân đếm:
- Chách bùm, chách bùm!...
Cả đám bò lăn ra cười, Sương cười chảy nước mắt:
- Bữa nay nhóm mình có hai sự kiện đáng ghi vào sổ kỷ lục thế giới. Một là lớp phó lao động ngậm kẹo trong giờ học, hai là lớp phó văn nghệ làm trò cười cho thiên hạ.
Dung búng vào má Hà:
- Đó, đáng đời ghẹo ta!
Hà nguýt dài:
- Hứ, cho quý vị ăn bây giờ quý vị lại chọc quê, mai mốt ăn một mình coi ai chết thèm cho biết.
Vân chép miệng:
- Cha, sao nhắc đến ta thấy thèm quá, còn cho ta vài miếng coi!
Vừa hỏi, Vân vừa giật cặp Hà, Hà la:
- Ê, làm gì vậy?
- Lấy kẹo!
- Hết rồi!
- Hông tin! Nếu hết phải để cho ta lục cặp.
Vân mở cặp Hà, Hà giằng lại, Vân hỏi:
- Làm gì thấy ghê vậy, bộ có cái gì nguy hiểm ở trong ấy hả?
Hà hờn:
- Ừ!
Vân nhìn Dung, Sương hỏi ý:
- Tính sao tụi bây?
Dung chen vào:
- Tài sản bất khả xâm phạm, cứ để Hà tự giác.
Nga lườm lườm:
- Ý, nhỏ Hà dám đợi khiêng lắm à, chứ ở đó mà chờ hắn tự giác!
Nói xong Nga ra hiệu, Vân giật cái cặp Hà liệng sang cho Dung, Hà ngoảnh mặt:
- Nếu các bạn làm liều mình tuyên bố bỏ nhóm!
Tuyên bố của Hà làm bốn cô giật mình, Sương gạn hỏi:
- Hà, nói chơi hay nói giỡn vậy?
Hà cương quyết:
- Một trăm phần trăm!
Thấy tình hình có vẻ nghiêm trọng, Sương đề nghị:
- Các bạn trả cặp lại cho Hà đi!
Dung đưa cho Hà:
- Nè, trả cái cặp thời "tiền Hán" lại cho bà nè!
Vân trêu:
- Đem ba cái kẹo để dành ăn một mình đi cho sún hết mấy răng!
Hà không giận, cô bé đáp buồn thiu:
- Các bạn chưa biết đâu!
Vân sáp lại:
- Sao, sao, biết gì, biết gì? Cái cặp mi đáng giá mấy tỷ đô la hở?
Hà không đáp ngồi bó gối thở dài. Dung ngắt cọng cỏ đưa lên môi:
- Có gì khó chịu cứ nói ra đi, đừng để mãi trong lòng, nóng chết mấy con lãi hết.
Sương, Nga, Vân cười khúc khích, Vân huýt vào hông Dung:
- Ê, coi xấu mà bày đặt đóng phim buồn kìa!
Dung đế thêm:
- Chơi mặt hình sự nữa chứ!
Thấy Hà vẫn chưa cười, Sương góp một câu:
- Ngồi bó gối giống con khỉ "Ha nô man" quá!
Cả đám cười rầm lên, Hà cũng cười, cô bé đấm túi bụi vào đám bạn quỷ quái:
- Ghẹo nè, ghẹo nè!
Hà mở cặp lấy ra phong thư viết bằng giấy học trò đưa cho các bạn. Vân đón lấy, vừa nhìn thấy Vân kêu lên:
- A, chữ này bảo đảm là của Tường Lãm tụi bây ơi!
Dung chắc lưỡi:
- Cha, lá thư tình của chàng đây mà!
Hà đỏ mặt:
- Bậy bạ không hà!
Vân để lá thư trước mặt, nhắm mắt khấn:
- Lạy trời cho con đừng đọc phải hai chữ "Hà yêu".
Hà đấm vai Vân một cái:
- Nói xàm!
Sương sốt ruột:
- Đọc lớn lên coi Vân!
- Trời, thư tình mà đọc lớn lên đâu có được. Để ta xem xong rồi kể lại cho quý vị nghe được không?
Dung trề môi:
- Cha, khôn ghê há!
Hà thấy các bạn cứ giằng co mãi, cô bé giật lá thư bỏ vào cặp nói tỉnh bơ:
- Khỏi đọc!
Bốn cô đồng trố mắt nhìn Hà:
- Rồi, chuyển hệ!
Hà đáp:
- Cũng chẳng có gì đáng đọc, Tường Lãm sắp nghỉ học!
Vân kêu to:
- Trời ơi! Chuyện trọng đại vậy mà bảo không có gì à?
Dung nhún vai:
- Không ngờ Lãm tính chuyện tương lai quá sớm!
Hà hỏi:
- Tương lai gì?
Dung nhảy nhót theo điệu lý ngựa ô:
- Anh đưa nàng, anh đưa nàng về quê!
Hà nổi cáu:
- Thiệt, thiệt cái con khỉ! Lãm nghĩ vì ba mẹ Lãm làm ruộng bị thất mùa không đủ khả năng lo cho Lãm ăn học.
Bốn cô kêu lên:
- A, thì ra là vậy!
Bỗng chốc mấy gương mặt xìu xuống như quả bóng xì hơi. Dung gặm gặm vạt áo dài:
- Mình tìm cách giúp hắn đi!
Nga gật đầu:
- Nga sẽ xin ba mẹ ít tiền để giúp bạn ấy.
Vân góp phần:
- Vân sẽ nhịn tiền quà!
Sương chìa vạt áo ra:
- Mình ít may quần áo lại!
Dung bậm môi:
- Mình bớt ăn vặt một chút.
Hà lên tiếng:
- Hà đã có con heo đất.
Sương đề nghị:
- Ngày mai mình bắt đầu gom tiền lại giúp Lãm tiếp tục chương trình học kỳ IỊ Hà đi tới đi lui, vẻ lưỡng lự. Thấy vậy Vân hỏi:
- Ê, còn gì phải suy nghĩ?
- Tính Lãm mình biết, Lãm không dễ dàng nhận tiền mình giúp đỡ của phái nữ. Cha, biết làm sao?
Sương thì thầm:
- Theo mình, chúng ta phải làm như vầy... như vầy...
Cả bọn gật đầu đồng ý.
Chương 7
Lãm chuẩn bị mọi thứ để trở về quê. Đôi mắt Lãm trĩu buồn, cậu tiếc cho việc học dở dang. Là con trai lớn trong nhà, cậu phải gánh vác khó nhọc cho cha mẹ. Lãm đâu nỡ nhìn ba mẹ sống trong cơ cực, em út nhọc nhằn mà ung dung theo con đường học vấn.
Lãm cương quyết trở về quê tìm việc gì đó phù hợp với bản thân để giúp ba mẹ một phần.
Xếp tập vở lại ngay ngắn, Lãm ngồi thừ ra nhìn xung quanh. Ngay mai tất cả sẽ rời xa, kỷ niệm học đường chỉ còn trong quá khứ. Thanh Hà, cô bé mang đôi guốc gỗ từ nay chỉ còn là cơn mơ.
- Lãm!

Tường Lãm giật mình quay lại, cậu không ngờ người đứng trước mặt mình là Hà. Qua một phút bối rối, Lãm cười:
- Hà mới đến?
- Ừm!
- Hà ngồi chơi!
Hà đến ngồi trên chiếc ghế cũ kỹ nhìn hành trang của Lãm:
- Bộ Lãm về quê thật sao?
Lãm gật đầu:
- Hà đã xem thư Lãm?
Hà gật nhẹ:
- Theo Hà chuyện có nghiêm trọng đến nỗi Lãm phải nghỉ học không?
Lãm cười buồn:
- Mỗi người một hoàn cảnh, Hà sống đầy đủ, Hà đâu thể hiểu hết cái khó khăn của người khác.
Hà hờn:
- Lãm cho Hà là tượng đá vô tri à?
- Lãm đâu dám nghĩ vậy!
- Vậy Lãm có thể kể về Lãm cho Hà nghe không?
- Chuyện của Lãm có gì hay ho, kể ra Hà sẽ cười cho.
- Lãm lúc nào cũng áp đặt cho Hà đủ mọi tội danh. Hà có cảm tưởng Hà giống như một bà hoàng hậu độc ác vậy.
Lãm bật cười:
- Hà, Hà có biết mỗi lần Hà giận, Hà...
Hà cướp lời:
- Hà giống bà chằn phải không?
Lãm lăỔc đầu:
- Hà là một cô quỷ dễ thương trong nhóm ngũ quỷ đó!
Hà mắc cỡ, hét lên:
- Bắt đầu nói xấu ngũ quỷ phải không?
Lãm chối:
- Đâu có, Lãm đùa chút mà!
Hà bắt chẹt:
- Nếu sợ nhóm này thì thành thật đi, tụi này sẽ tính giùm cho.
- Tính sao?
Hà đáp bừa:
- Thì cho tiền Lãm đi xe, càng nhanh càng tốt.
Lãm cười:
- Bộ Lãm nghĩ học Hà vui lắm hở?
Hà gật đầu:
- Ừm, bớt đi một đối thủ, phần thưởng cuối năm chẳng ai còn giành.
- Nếu vậy Lãm không về quê!
Hà trố mắt:
- Không về?
- Phải!
- Rồi, rồi...
- Rồi sao?
- Còn chuyện khó khăn của Lãm tính sao?
- Khỏi tính!
- Sao lạ vậy?
- Vì có năm cô tính rồi!
Hà giẫy nẩy:
- Chuyện buồn vậy mà còn giỡn được à?
- Cười cho bớt buồn!
- Nghiêm túc đi!
- Để làm gì?
- Nói cho Hà biết dự tính của Lãm.
Lãm trầm ngâm:
- Lãm muốn về sống với đồng ruộng của mình.
- Còn mơ ước của Lãm?
- Để nó vào dĩ vãng.
- Còn Hà?
Lãm chưng hửng vì câu hỏi đột ngột này. Tuy có cảm mến Hà, nhưng Lãm chưa có dự tính gì về tương lai, bây giờ nghe Hà đề cập đến, Lãm không biết trả lời sao.
- Lãm có coi Hà là bạn không?
- Sao Hà lại nói vậy? Lãm lúc nào cũng muốn Hà mãi mãi là bạn của Lãm mà!
- Nếu Hà nói, Hà muốn Lãm tiếp tục con đường Lãm đang đi thì Lãm nghĩ sao?
Tường Lãm khó xử, cậu đứng lên, đi lại trong phòng. Hà nhìn theo lòng dâng lên niềm cảm mến. Chợt đôi mắt cô bé nhận ra đôi guốc gỗ, cô chồm tới:
- A, đôi guốc của Hà!
Lãm giật mình:
- À, đôi guốc của Hà đó!
Hà tròn mắt nhìn Lãm:
- Lãm giữ để làm gì? Hà cứ ngỡ nó bị Lãm trưng dụng làm nhiên liệu rồi.
Lãm cười:
- Giữ làm kỷ niệm!
Hà hờn:
- Nhắc đến mới nhớ, hôm Lãm cho kẹo Hà chia cho các bạn, rồi rủ nhau ăn vụng, xui cho Hà bị thầy kêu, làm Hà quê muốn chết đi được. Lãm phải đền cho Hà đó nha!
- Đền cái gì, ai biểu ăn vụng làm chi?
- Hứ, mai mốt mỗi lần Tết đến Lãm phải có kẹo đó cho Hà, Hà mới chịu.

Câu nói với dụng ý sâu xa của Hà, làm Lãm xao động. Phải chăng ta đang mơ, tương lai ta ra sao nếu ta tiếp tục liên hệ với Hà. Hà là cô gái sống trong nhung lụa. Còn ta, cái nghèo làm cho ta mất hết ý chí.
Biết Lãm đang động lòng, Hà gợi ý:
- Lãm, Lãm hãy ở lại đi Lãm!
Lãm bối rối:
- Hà không hiểu đâu!
- Ai biểu Lãm không chịu nói!
- Lãm khó nói lăỔm!
- Có nói không? Nếu không Hà giận cho xem!
Hà ngoảnh mặt, Lãm lúng túng:
- À, để Lãm nói. Ở dưới quê ba mẹ Lãm làm ruộng vất vả dành dụm tiền cho Lãm ăn học. Chẳng may mùa màng thất bát, ba mẹ nợ nần còn lo cho đám em nhỏ, nên không có tiền lo cho Lãm tiếp tục học, Lãm thấy thương ba mẹ nên tình nguyện nghỉ học ở nhà phụ giúp ba mẹ lo cho em út. Đó, chuyện là vậy đó!
- Nếu Hà nói, Hà sẽ giúp Lãm để Lãm yên tâm học thì Lãm nghĩ sao?
Lãm xua tay:
- Không, không, Lãm không thể làm như vậy đâu, bạn Hà sẽ cười Lãm.
Hà tức giận:
- Lãm chỉ sĩ diện hảo, bạn bè cười nếu Lãm sống đầy đủ mà bê tha việc học, chứ có ai cười nghèo mà hiếu học bao giờ.
Lãm chẳng kém:
- Hà tính làm nhà hảo tâm chứ gì?
- Hà không nghĩ vậy, Hà chỉ muốn giúp Lãm mà thôi.
- Lãm cám ơn Hà, nhưng Lãm không thể nhận lòng tốt của Hà được.
- Tại sao?
- Bạn bè sẽ nói Lãm lợi dụng Hà, nhất là con trai lại nhờ vả vào con gái, mất hết tư cách.
Tự dưng đang căng thẳng, Lãm bỗng nghe:
- Ai bảo một mình Hà, còn có chúng tôi nữa chi!
Lãm sửng sốt vì hai phần ba lớp 12P5 đều có mặt đầy đủ. Mọi người đang khệ nệ, Minh Quân đặt bó củi xuống nền:
- Cái này của ba tớ đem ở vườn về, tớ tặng cậu một ít.
Minh Đại để túi hột vịt lên bàn:
- Mình khỏi phải giới thiệu, là hột vịt mà!
Nga, Dung, Sương, Vân bốn cô đang thở hào hển:
- Nè, phụ một tay coi!
Đám con trai xúm lại khiêng cái bao to. Vân quẹt mồ hôi, cười:
- Nhóm năm cô gái tặng Lãm bao gạo để dành ăn cho đến khi thi xong tốt nghiệp.
Lãm ngớ người ra trước cảnh tượng xúc động này. Cậu chưa tìm được lời nào để nói thì thầy Cường đến, nắm bàn tay Lãm:
- Còn đây là số tiền các bạn đóng góp nhờ thầy đại diện đưa lại cho em. Thầy mong rằng em dẹp hết mọi tự ti mặc cảm mà đón nhận tấm lòng tốt của các bạn. Phần thầy, thầy có thể đem hết khả năng giúp em tiếp thu kiến thức để đạt kết quả cao trong các kỳ thi sắp tới.
Đôi mắt Lãm cay nồng, môi Lãm run run:
- Em cám ơn thầy, nếu ba mẹ em nhìn thấy cảnh này chắc ba mẹ em sẽ mừng lắm.
Thầy Cường cười:
- Em nên cám ơn các bạn.
Quay sang các bạn Lãm nói:
- Mình cám ơn lòng tốt của các bạn, mình hứa sẽ cố gắng học tập, không phụ lòng tin tưởng của các bạn.
Vân to tiếng:
- Đề nghị Lãm cám ơn Thanh Hà, người quan tâm Lãm nhiều nhất.
Tiếng vỗ tay vang dậy, mặt Hà đỏ lựng, Lãm nói nhỏ:
- Lãm cám ơn Hà!
Chương 8
Chuyện của Lãm đã êm xuôi, mọi chuyện tưởng chừng như không có gì xảy ra nữa. Nào ngờ!
Sương cầm xấp hồ sơ đưa cho các bạn:
- Ê, cầm lấy mà ghi tên và ghi nguyện vọng.
Hà buồn hiu:
- Tụi mình sắp chia tay rồi!
Dung lên tiếng:
- Hay tụi mình cùng thi chung một ngành nghề đi!
Sương ngăn:
- Thơ^i đi, tụi mình mà vô cùng một ngành y, bảo đảm bệnh viện sẽ đóng cửa.
- Sao vậy?
- Còn phải hỏi, có ai dám giao sinh mạng cho lũ tụi mình.
Vân nói thêm:
- Nếu đi sư phạm, e học trò không học vì năm cô giáo vừa trẻ, vừa đẹp lại vừa hiền.
Dung trề môi:
- Í ẹ, thấy ghê! Ta thấy mi nên thi hoa hậu đi, bảo đảm vì giám khảo chín ông đui một ông lé. Ha... ha... ha...
Sương lên giọng:
- Bây giờ mình tính vầy, nhỏ Hà tính hiền lành nên chọn y khoa, phụ trách bên sản, sau này tụi này sinh con sẽ nhờ đến mi. Nhỏ Dung đi sư phạm ngành mẫu giáo để dạy con tụi mình. Còn Nga cũng sư phạm nhưng khối trung học dìu dắt chúng vào đời.
Vân chen vào:
- Ta chọn pháp lý để giải hòa các cặp ly hôn, kẻo tụi bây dữ quá ăn hiếp người ta.
Sương tiếp:
- Còn ta, ta sẽ vào trường nữ công gia chánh, để dạy con gái chúng ta công dung ngôn hạnh.
Vân vỗ tay reo lên:
- Hay ghê, anh Hai ta mà nghe nhỏ Sương chọn ngành này chắc mừng lắm vì sẽ được lên cân đều đều.
Sương phát vào vai bạn:
- Ta mà làm chị dâu mi thì mi biết tay ta!
Vân chìa tay ra:
- Biết rồi, bàn tay năm ngón!
Hà kéo tay Sương nói nhỏ:

- Coi nhỏ Nga kìa, hình như nó khóc!
Sương liếc Nga:
- Sao vậy?
- Ai biết, chắc buồn.
Sương lay vai Nga:
- Nga, Nga chịu làm cô giáo không?
Giọt nước mắt lăn dài xuống má làm bốn cô kinh ngạc:
- Giọt lệ đài trang!
Dung véo tay Vân:
- Con quỷ, phát biểu linh tinh.
Sương gọi:
- Nga, Nga có chuyện gì vậy, có thể nói cho bọn mình nghe được không?
Nga quẹt nước mắt:
- Mình không thể tiếp tục vui chơi với các bạn nữa.
- Lại thêm một tên đòi ly khai nhóm. Nhỏ Hà mở hàng đắc ghê!
Giọng Nga rưng rưng:
- Hà khác, mình khác.
- Chuyện của Nga ra sao?
Nga quẹt nước mắt rồi đáp:
- Ba mẹ Nga cãi nhau.
Vân đưa hai tay lên:
- Chuyện bình thường!
- Nhưng Nga nghe mẹnói mẹ sẽ ly dị ba và dắt Nga đi.
Vân trố mắt:
- Nghiêm trọng vậy à?
Nga gật đầu:
- Mấy ngày nay ba Nga đi đâu mất, mẹ ở nhà viết sẵn đơn ly hôn chờ ba về là dẫn nhau ra tòa.
Dung kêu lên:
- Cha, coi bộ căng thẳng à nha. Bốn cái đầu thông minh làm việc coi nào.
Bốn cô gái trầm ngầm suy nghĩ. Được một lát Vân kéo Hà, Dung, Sương ra nói nhỏ:
- Mình tính như vầy... như vầy coi được không?
Dung nhăn mặt:
- Ổn không đó, đây là chuyện người lớn, lỡ có chuyện gì có nước chết luôn.
- Mình phải liều mạng thôi. Chẳng lẽ mình chịu mất một người bạn.
Sương gật đầu:
- Tuy có hơi mạo hiểm nhưng cứ thử xem.
Bốn cô đến bên Nga rủ rỉ, Nga gật gật lia lịa, đôi mắt cô bé sáng lên.
°°° Nga nghe lời các bạn, làm y theo kế hoạch, cô bé hồi hộp chờ kết quả. Nếu thành công thì tốt, còn không chắc Nga phải no đòn. Cô bé cứ trăn trở mãi.
- Nga à, dậy chưa con?
Tiếng mẹ gọi hôm nay sao êm ái lạ, chắc là tốt rồi. Nga ngồi bật dậy:
- Mẹ gọi con?
- Ừ, con dậy lo dọn dẹp nhà cửa, mẹ đi chợ sớm, nhà mình nay có khách.
Đang phấn khởi, Nga nghe mẹ nói cô bé xìu xuống:
- Khách nào vậy mẹ?
Cốc lên đầu Nga, mẹ mắng:
- Học tính tò mò từ bao giờ vậy? Cứ nghe theo lời mẹ đi! Chốc nữa con sẽ biết.
- Dạ!
Tiếng dạ của Nga nghe nặng trĩu, cô bé lầm lũi đi làm vệ sinh, miệng cằn nhằn:
- Kế hoạch nhỏ Vân hỏng mất rồi!
Nga lau nhà, quét dọn trong ngoài vừa lúc mẹ về tới. Nga thấy mẹ hôm nay khác lạ đẹp và trẻ trung hơn. Cô bé tròn mắt nhìn mẹ:
- Mẹ, hôm nay mẹ đi đám ở đâu vậy?
Mẹ cười:
- Cóđi đâu, đâu! Sao con hỏi vậy?
Nga nghiêng đầu nhìn mẹ:
- Trông mẹ diện hơn hàng ngày.
Mẹ cười ra tiếng:
- Con nhỏ này, hôm nay là ngày quan trọng mà! Giúp mẹ một tay đi con!
Nga đỡ đóa hoa trên tay mẹ, lòng thắc mắc chẳng yên. Khách nào quan trọng đến thế, mẹ diện ra phếch. Lòng Nga thấp thỏm.
Mùi thức ăn bay lên thơm phức, Nga chắc lưỡi:
- Mẹ ơi, bữa nay chắc con ăn phình bụng luôn quá!
Để rổ rau xuống, mẹ chỉ vào mũi Nga:
- Cho con ăn tha hồ luôn, nhưng nhớ giữ eo, chứ con gái mà to như hạt mít là ế chồng đó nha!
Nga nũng nịu:
- Mẹ nói kỳ!
Mẹ nhìn Nga hỏi:
- Nga à, sao hổm rày mẹ không thấy bốn đứa nó đến nhà chơi?
Nghe mẹ nhắc đến đám bạn, Nga phụng phịu:
- Nhà mình đang có chiến tranh, con còn đang né đạn, tụi nó đến con sợ bị văng sao?
- Ái chà, con nhỏ này diễn tả nghe sao rùn rợn quá. Bữa nay con đến mời tụi nó đến đi, mẹ sẽ làm cho tụi nó nhạc nhiên.
- Về chuyện gì?
- Về buổi tiệc đãi khách hôm nay.
Nga nghĩ ngợi, đoạn cô bé giật thót. Hay là mẹ đã có người đàn ông nào khác? Đây là bữa tiệc ra mắt chăng? Chẳng lẽ mẹ không còn một chút cảm tình nào sao? Việc làm của ta không làm cho ba mẹ xúc động sao?
Bao nhiêu câu hỏi cứ ập đến dồn dập, làm Nga lo lắng. Nga không còn hứng thú đến mùi đồ ăn, cô bé ngồi co ro trên ghế.
Mẹ nhìn Nga:
- Nga, con sao vậy?
- Đâu có sao?
- Không sao mà đang vui lại buồn, mi có bị chập mạch không vậy?
- Mẹ à, mẹ có thể nói khách mẹ là ai không?
Mẹ cười duyên dáng:
- Không được, mẹ bảo đảm con sẽ thích mà!
- Đàn ông hay đàn bà?
- Đàn ông!
Nga phụng phịu:
- Con không thích ông khách của mẹ!
Mẹ dừng tay xắt thức ăn:
- Sao vậy?
Mắt Nga rơm rướm:
- Con chỉ thích ba mà thôi!
Mẹ lắc đầu, tiếp tục công việc:
- Con mời bạn đi!
- Không!
- Chuyện gì nữa đây?
- Tụi nó sẽ cười vào mũi con!
- Cái đó tùy con, mẹ không ép!
Nga bỏ về phòng riêng, nằm ôm gối, nước mắt lăn dài. Vậy là đúng rồi, mẹ đã quên ba, mẹ có người đàn ông khác. Tội nghiệp cho ba quá, chắc ba buồn nhiều lắm. Mình phải tìm ba.
°°° Nga đạp xe vòng vèo qua mấy phố mới đến được nơi làm việc của ba. Nga hỏi anh bảo vệ:
- Anh ơi, có ba em ở đây không?
Anh bảo vệ trêu:
- Ba em là ai?
Nga lúng túng:
- Dạ, ba em là...
- Là ai? Tên gì? Làm việc khâu nào?
- Dạ, ba em là ông Đức Thịnh!
Anh bảo vệ vò đầu:
- Cha, em là con gái ông giám đốc đây hả? Xin lỗi nha!
Nga cười:
- Dạ, không sao, ba em có ở đây không anh?
- Ông ấy vừa đi!
- Đi đâu vậy?
- Không biết nhưng ông ấy đi về hướng này.
- Cám ơn anh!
Nga thất vọng vì nỗi buồn không biết tỏ cùng ai. A, hay ta tìm Thoại, mà cũng không được, ai lại đem chuyện gia đình đem bêu rếu.
Nga lại đạp xe vòng vèo, bất ngờ Nga thấy ba đang đứng ở chỗ bán hoa. Nga đậu xe sát bên, reo lên:
- Ba!
Ông Thịnh thấy Nga, nhạc nhiên:
- Ủa, con đi đâu đây?
- Con đi tìm ba!
- Sao không ở nhà với mẹ lại đi tìm ba?
Nga thấy thương ba vì ba luôn dành cho mẹ nhiều ưu ái. Ba luôn sợ mẹ buồn và cô đơn.
- Ba à, ba mua chi bó hoa lớn quá vậy?
Ông Thịnh vò đầu con gái:
- Ba mua tặng bạn!
- Bạn ba ở nước ngoài về hả?
- Sao con lại hỏi ba như vậy?
- Vì người nước ngoài rất thích hoa.
- Con lại coi trọng người ngoài và xem thường người Việt Nam rồi.
- Con đâu dám!
- Nếu không, sao con lại nói câu vừa rồi?

- Vì con không dám nói người được ba tặng hoa là một phụ nữ.
Ông Thịnh tròn mắt:
- Con gái ba thật thông minh!
Tim Nga như ngừng đập:
- Ba, ba vừa nói gì?
- Ba mua hoa tặng cho một bạn gái!
Đang đi, Nga dừng lại:
- Con không tin!
- Nhưng đó là sự thật!
- Chẳng lẽ ba không còn yêu thương mẹ sao?
- Ba đâu có nói điều đó!
- Nhưng tại sao ba lại mua hoa...
Ông Thịnh chặn lời:
- Đừng hiểu lầm ba con gái à. Ba chỉ có mẹ con và con mà thôi!
Nga định cãi lại nhưng ba cô ngăn lại:
- Hãy đi theo ba!
Ông Thịnh bảo tài xế:
- Cậu Quang à, cậu lấy xe đạp con Nga về để tôi lái xe đưa con gái tôi đi được rồi.
Nga lên xe ngồi cạnh ba mình, trong đầu cô bé hàng nghìn câu hỏi hiện ra. Cô bé hình dung mẹ mình chắc đang vui lắm vì bữa tiệc long trọng này. Còn ba, ba vui hay buồn? Nhìn nét mặt ba hôm nay rạng rỡ hơn, chẳng lẽ ba cũng có dự tính riêng. Đóa hoa này ba tặng cho ai, người đó ở vị trí thứ mấy trong tim ba?
- Nga, tới rồi con!
Nga giật mình, cô bé mở cửa chui ra, cô kêu lên thảng thốt:
- Ủa, nhà mình mà!
Ông Thịnh gật đầu:
- Sao con có vẻ ngạc nhiên vậy?
Nga ấm ức:
- Con không vô đâu!
- Tại sao?
- Con ghét mẹ!
Ngẩm nghĩ một lát Nga nhìn ba:
- Bộ ba đem hoa tặng cho mẹ hở?
Ông Thịnh gật đầu. Nga giậm chân:
- Vậy là ba đồng ý cho mẹ tổ chức bữa tiệc hôm nay?
- Dĩ nhiên, ba tôn trọng ý kiến của mẹ con mà!
- Ba không cảm thấy đau lòng sao?
- Đau lòng? Tại sao ba phải đau lòng cơ chứ?
- Vì mẹ...
- Thôi con gái, vào nhà rồi muốn nói gì thì nói!
- Con không vào!
Nga còn đang dùng dằng với ông Thịnh thì Hà, Vân, Sương, Dung kéo tới:
- A, bắt qủa tang đang nhõng nhẽo với ba nha!
Bốn cô bé gật đầu chào ông Thịnh, ông Thịnh cười:
- Chà! Đủ mặt hết, bây giờ bác mời các cháu vào nhà.
Bốn cô xăm xăm đi vào, Nga đưa tay ra chặn lại:
- Ê, đi đâu vậy?
Dung nhìn mặt Nga:
- Bộ mi điếc hả? Tụi này được mời đàng hoàng mà!
- Nhưng...
Vân gạt:
- Không nhưng gì hết!
Nga liếc Vân:
- Hay lắm, vô coi kết quả của mi đi!
Bốn cô chụm đầu lại:
- Mỹ mãn không?
Nước mắt Nga lưng tròng:
- Tan nát hết rồi!
Dung, Vân đưa ngón tay lên miệng ngắt tiếng kêu kinh ngạc, Sương hỏi:
- Chết rồi, bây giờ tính sao đây?
Vân níu áo các bạn:
- Tốt hơn hết là mình vọt lẹ đi!
- Đúng, đúng!
Bốn cô lôi Nga chạy trở ra, bất thình lình mẹ Nga ra tới:
- Ê, đi đâu vậy?
Hà lẹ miệng:
- Dạ, tụi con có công chuyện gấp!
Mẹ Nga đon đả:
- Chuyện gì cũng gác lại, bây giờ các cháu vào nhà vì ngày nay là ngày quan trọng của bác mà!
Nga bặm môi:
- Ăn mừng ngày mẹ lấy chồng chứ gì?
Bốn cô trợn mắt kêu to:
- Mẹ Nga lấy chồng?
Mẹ Nga cười:
- Bây giờ các cháu biết rồi các cháu có còn muốn về nữa không?
Vân ôm đầu:
- Ôi, cái tin khủng khiếp!
Ông Thịnh ra tới, tươi cười bảo:
- Có ai đâu mà khủng khiếp, hôm nay là ngày kỷ niệm hai mươi năm của bác đi cưới bác gái các con mà!
Năm cô tròn xoe mắt nhìn ông bà như nhìn người hành tinh lạ.
Nga hỏi:
- Kỷ niệm ngày cưới của ba mẹ?
Mẹ Nga cười:
- Đúng rồi!
Quay sang ba, cô bé nghi ngờ hỏi:
- Thật không ba?
Ông Thịnh gật đầu, Nga xúc động ôm chầm lấy ba mẹ, bốn cô vỗ tay hoan hô inh ỏi. Vân lớn tiếng:
- Đúng là kế Khổng Minh mà!
Ông Thịnh vò đầu Nga:
- Các con đang nói kế sách gì vậy?
Nga không dám nói, đưa mắt nhìn Sương, Sương hiểu ý đứng lễ phép thưa:
- Thưa hai bác, chuyện này là chuyện của gia đình bác, con mong rằng hai bác khi nghe xong hãy nghĩ đến ngày vui hôm nay mà tha thứ cho tụi con.
Ông Thịnh động viên:
- Có gì các cháu cứ nói, sao cứ rào đón mãi vậy, bác hứa với các cháu là không có gì xảy ra đâu.
Quay sang mẹ Nga, Sương dọ ý, mẹ Nga cũng gật đầu tán đồng. Sương nói nhỏ:
- Chúng cháu là tác giả hai thư cầu hòa.
- Thư nào?
Nga giải thích:
- Một là mang danh nghĩa ba gởi cho mẹ, còn một lá mẹ gởi cho ba!
Hai ông bà nhìn nhau ngớ ngẩn, rồi bật cười:
- À, thì ra là vậy!
Mẹ Nga véo tay chồng:
- Hèn gì, chứ có đời nào ông ấy hạ mình với vợ đâu!
Ông Thịnh xoa xoa chỗ đau:
- Bà có hơn gì tôi!
Nga nũng nịu:
- Bây giờ ba mẹ còn đòi ly hôn nữa không?
Mẹ Nga lên tiếng:
- Chắc chắn là không rồi, vì bữa tiệc còn đang chờ chúng ta mà!
Ông Thịnh chen vào:
- Bây giờ chỉ có cái chết mới chia lìa lứa đôi. Hai bác thành thật cám ơn các cháu!
Năm cô vỗ tay hoan hô ầm ĩ.
°°° Những hạt mưa đầu mùa bắt đầu rơi, rải rác tiếng ve đã kêu hè. Nỗi buồn chia tay đang đè nặng lên khối học sinh lớp mười hai. Không khí khẩn trương mùa thi tốt nghiệp và đại học vẫn không làm lay chuyển nỗi buồn vạn kiếp này. Hà chống tay lên cằm, mắt nhìn ra ngoài trời, những hạt mưa li ti bám lên tóc cô. Giọng Hà buồn rười rượi:
- Hổng biết sau này tụi mình có gặp lại nhau không?
Vân đung đưa đôi chân:
- Nếu tụi mình thực hiện theo hợp đồng bảo đảm gặp nhau hoài.
Dung trề môi:
- Gặp nhỏ Hà hoài đâu có được, vì mỗi người chỉ có từ một đến hai con thôi mà!
Nga nhéo Vân:
- Ta thì không dám gặp mi, vì gặp mi thì gia đình tan nát cả rồi.

Hà liếc Sương, cô bé cũng đang mơ màng nghĩ về tương lai:
- Mình gặp Sương bảo đảm chất lượng.
Vân gật đầu:
- Ừ, đúng rồi, chỗ Sương thế nào cũng có thức ăn và bánh trái, tha hồ mà ăn.
Sương nạt:
- Ăn, ăn cái con khỉ khô, buồn muốn chết đi được ở đó mà bàn ăn uống.
- Làm gì buồn?
- Sợ thi hổng đậu!
- Cóc sợ, mi thi đậu hay không anh Hai ta cũng rước mà!
Sương đỏ mặt lườm Vân, Dung ngâm nga:
- Học giả hảo, bất học giả hảo, học đội chảo, mà không học cũng đội chảo.
Cả đám cười khì khì, Dung nắm đuôi tóc Hà:
- Ê, còn mi có dự tính gì chưa?
Vân cười lớn:
- Khỏi, hắn thì có Tường Lãm lo không sợ cô đơn đâu.
Hà liếc về phía bàn Lãm:
- Nói xàm không hà!
Sương khều Nga:
- Còn chàng gốc me của bồ đâu?
Nga cười:
- Ngày nào ta còn ở đây thì anh ấy vẫn còn đứng gốc me.
Vân mếu máo:
- Dung à! Xem ra nhóm mình chỉ có ta và mi là vô duyên hết cỡ. Hành trang vào đời chỉ có một bóng, ôi ta buồn quá!
Dung cười sặc sụa:
- Nếu sợ ế, mi chịu đại Minh Đại đi, về bán hột vịt vui lắm!
- Xì, hột vịt thúi!
- Í, ế mà còn kén chọn.
Hà đưa tay hứng giọt mưa rơi:
- Không biết mai này cuộc đời của năm đứa mình sẽ ra sao?
Dung đáp gọn:
- Thì lấy chồng, sinh con!
Vân chớp mắt:
- Đơn giản như vậy sao?
- Chứ mi còn muốn gì, phụ nữ tụi mình là vậy, dù mi có lên đến chức vụ cao nhất, về nhà mi cũng là vợ là mẹ, mà trách nhiệm làm mẹ làm vợ mi cũng hiểu rồi mà.
Nga phản đối:
- Xã hội công bằng, nam hay nữ gì miễn có tài là được trọng dụng, về nhà cũng thế, ăn thua mình khéo cư xử.
Vân gục gặc:
- Nói hay! Bây giờ hắn đang đứng chờ mi dưới gốc me, mi hãy tập ẵm con mà chờ chồng trước công sở.
Nga giẫy nẩy:
- Con quỷ, mi lo cho mi kìa, coi chừng ở giá đó!
Sương từ nãy giờ yên lặng, bây giờ mới lên tiếng:
- Đọc quyển lưu bút của nhỏ Hà sao lòng ta thấy buồn làm sao ấy!
Hà sửa lại tư thế ngồi:
- Sau này lúc tuổi trung niên, lật lại từng trang lưu bút chắc ta sẽ khóc vì nhớ tụi bây. Đến chừng đó ta biết tụi bây ở đâu mà tìm?
- Đăng báo!
- Vô duyên, chẳng lẽ ta đăng tin tìm bốn bà già!
Dung cáu:
- Ê, nói chuyện gì nghe nổi óc hết trơn hà, tự dưng đang trẻ đẹp lại nghĩ đến cảnh làm bà già, thấy ghê!
Vân chu môi:
- Trước sau gì cũng đế đó, ta nghĩ nếu mi làm bà già chắc phải là một bà già đỏng đảnh hay làm dáng.
- Già rồi còn làm dáng làm chi?
- Để dụ khị mấy ông già!
Dung hét lên một tiếng đấm vào vai Vân đau điếng.
Năm cô gái tiếp tục mơ về tương lai, không ai bảo ai nhưng lòng họ đang mang chung tâm trạng sợ cảnh chia tay.
°°° Năm tà áo trắng đang lượn lờ bay theo gió. Bên cạnh Tường Lãm tay xách túi da, đôi mắt buồn vời vợi.
Hôm nay, nhóm bạn tiễn Lãm về quê. Đến bến xe, bốn cô tách ra để Hà đi chậm lại với Lãm:
- Lãm về quê phụ hai bác, chừng nào có kết quả, Hà sẽ viết thư cho Lãm.
- Hà ở lại vui vẻ, Lãm mong tin Hà lắm đó!
- Lãm nhớ ôn bài thi đại học.
- Hà cũng vậy, nhớ quậy ít ít thôi, chừa thời gian viết thư cho Lãm nha!
- Bộ Hà quậy lắm hở?
- Nếu không quậy sao các bạn đặt cho cái tên ngũ quỷ.
Hà trề môi:
- Nói sai rồi, ngũ long công chúa!
- À, công chúa cũng được, miễn bớt quậy cho đám con trai nhờ.
- Hừ, không thèm nói chuyện với Lãm nữa.
- Hà...
-...
- Giận hả?
-...
- Mặt Hà giận trông giống...
- Giống con khỉ đột phải không?
Lãm bật cười:
- Học chung với Hà ba năm nay, bây giờ Lãm mới biết Hà hay hờn lăỔm.
- Biết rồi chán lắm phải không?
Lãm mỉm cười nhìn Hà, Hà xấu hổ cúi mặt. Gió thổi tung những sợi tóc may bay lòa xòa trước mặt, Lãm đưa tay vén lại cho Hà.
Hà quyến luyến:
- Ừm, Lãm đi!
Lãm vẫy tay chào Vân, Dung, Sương, Nga.
- Nhờ bốn bạn coi chừng giùm bà chằn cho Lãm nha!
Hà nguýt dài:
Lãm lên xe, năm cô bồi hồi vẫy tay chào tạm biệt, mắt Hà hoe đỏ.
°°° Năm cô ôm năm chiếc cặp trước ngực bước dài trong sân trường, trường hôm nay thật nhộn nhịp, học sinh đến xem kết qủa thi tốt nghiệp chật ních lối đi.
Có cô cười, có cô buồn thiu, từng nhóm từng nhóm bàn tán xôn xao.
Trong nhóm năm cô gái hình như trình độ ngang nhau nên các cô đều đậu ở điểm khá. Ngày các cô lo sợ đã đến, Vân đưa tay chỉ căn tin:
- Ở đây lúc trước mình trấn lột Minh Đại hai mươi lăm ngàn để ăn đá đậu nè!
Dung chỉ ghế đá:
- Còn ở đây nhỏ Sương hẹn hò với anh chàng lớp trưởng 12P6.
Sương chỉ phòng thầy Cường:
- Còn ở đó nhỏ Dung đã đọc tài liệu cho thầy nghe.
Hà nhìn đám cỏ xanh dưới chân:
- Còn thảm cỏ này tụi mình hay đùa giỡn.
Nga lẩm bẩm:
- Ngày mai, ngày mai tất cả sẽ trở thành kỷ niệm.
Sương dừng lại, chìa bàn tay ra, bốn cô làm theo. Năm bàn tay siết mạnh, Sương xúc động:
- Mình tuyên bố tạm chia tay, sau này dù cuộc sống có ra sao năm chúng ta vẫn thân thiết như ngày nào.
Hà nghẹn ngào:
- Chúng ta sẽ gặp nhau hàng năm vào ngày đầu hè để ôn về kỷ niệm. Dù ở đâu các bạn cũng phải về tập trung tại nơi này.
Dung quyến luyến:
- Nếu một trong năm chúng ta có khó khăn gì trong cuộc sống, nhất định chúng ta sẽ giúp đỡ nhau, không bỏ nhau lúc gặp hoạn nạn.
Vân buồn thiu:
- Hãy nhớ về nhau, đừng quên những năm tháng vui vẻ ở học đường.
Nga khóc thút thít:
- Nga chúc các bạn luôn gặp may mắn trong cuộc sống mai sau. Nga cũng cám ơn các bạn đã hàn gắn gia đình cho Nga. Dù năm tháng có trôi đi Nga vẫn nhớ mãi các bạn, những cô bé quậy phá nhưng thật đáng yêu.
Cổng trường đã vắng lặng, người đến xem danh sách thưa dần, nắng lên cao. Năm tà áo dài nữ sinh chia ra nhiều hướng, họ quay lại nhìn nhau lần cuối rồi vẫy tay chào tạm biệt ngôi trường thân yêu.
Hành trang vào đời của nhóm là những kỷ niệm vui buồn thời cắp sách. Tương lai đang chờ họ, những cô gái đáng yêu rất ưa nghịch ngợm.
Bích Vân
Theo http://vietnamthuquan.eu/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...