Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Mưa dầm tháng bảy

Mưa dầm tháng bảy

Mấy ngày nay trời mưa dầm. Mưa không lớn, nhưng một lát tạnh, một lát mưa, mưa day dẵng từ sáng đến chiều làm trời đất âm u, làm con sông như chìm trong màn nước. Bên bờ sông, một mái nhà nhỏ nép dưới tàng cây trứng cá ướt sủng, tàng lá run rẫy sau làn gió thu bất chợt thổi qua.
Ông Hai Khá ngồi trong nhà nhìn ra sông, nghe tiếng mưa rì rào mái lá, thở dài:
- Mưa dầm … buồn chết mẹ!
Ông nhìn trời mưa, nhìn con sông nhỏ với ánh mắt đượm buồn làm như đang nhìn vào cõi xa xôi nào đó, tìm kiếm điều gì đó không biết. Cảnh vật chung quanh không còn ý nghĩa với ông Hai Khá, kể cả tiếng kêu của bà Tư Giá vừa bước vào mái nhà vắng vẻ:
- Ông Hai à! Ông Hai ...
Lại có tiếng loẹt xoẹt của áo mưa bà Tư vừa cởi ra, máng lên tấm phên tre.
Ông Hai Khá nghe loáng thoáng có tiếng ai đó, day lại nhìn, nhận ra bà Tư hàng xóm:
- À! Bà Tư đó hả? 
Bước vào nhà, bà Tư hỏi:
- Ngồi cú rủ vậy ông Hai. Mưa mắc gì buồn? Tháng bảy mà…
- Mưa quá … bà hỏng đi bán sao?
- Ối… bán buôn gì hỏng biết. Có con cá lóc mần rồi nè. Đem qua cho ông nấu cháo ăn… - Bà Tư xách con cá lóc bước vào chái bếp. Chái bếp nhỏ xíu, thấp chủm phải khòm lưng – Hỏng ấy tui nấu cháo luôn cho rồi…
- Ờ..! – Ông Hai ờ rồi bỏ lững câu nói thường ngày ông nói với bà Tư Giá “Bà lo cho tui chi dữ vậy? Hàng xóm người ta dị nghị…”. Lúc nào ông nói vậy, bà Tư cũng cự - Người ta dị nghị thây kệ. Chuyện ai nấy lo. Vài lần sau bà thêm câu “Kệ tía nó. Ai nói gì thì nói. Miễn là …”. Lần nầy ông Hai không nói câu đó nữa.
Mưa lớn hơn, nặng hột. Bong bóng nước nổi trên mặt sông rõ hơn, dày hơn và nổi thành dề ở mép nước sát bờ, dưới hàng dừa nước.
Mưa lớn thì không có gió.
Nhưng ông Hai thấy lạnh!
- Củi ướt nhẹp nhúm lửa khó quá trời!– bà Tư Giá cằn nhằn một mình, lui cui một mình vo gạo nấu cháo, nhúm lửa, khứa cá… trong chái bếp úng khói, ngộp ngạt.
Ông Hai Khá nhìn, thây kệ, việc nầy quen rồi. Lâu nay bà Tư thường qua chăm sóc ông Hai, nấu cho ông miếng cháo, nồi cơm. Ngày nào cũng qua, làm như bà mắc nợ ông vậy. Có lúc bà đem qua mấy lít gạo ngon, nói gạo nàng Thơm chợ Đào, miệt Cần Đước Long An.
- Có nợ nần gì đâu? Chẳng qua là cám cảnh … - bà Tư thở dài nhìn ông Hai Khá ngày càng héo hắt. Bà biết ông Hai mang nỗi buồn từ ký ức xa thẳm của ông. Buồn quá sanh bệnh! Vợ ông Hai Khá – cô Sáu Nga – bỏ đi dắt theo đứa con gái, tính đến giờ ba chục năm rồi. Ông Hai Khá sống một mình, rượu chè, chán sống, lần hồi mà ra nông nỗi. Nhà ngoài chợ bán đi, mua nhà trong ấp, rồi cũng bán. Mấy năm nay, ông Hai Khá cất mái lá cuối xóm bên bờ sông nầy, sống một mình với cái tuổi ngoài sáu mươi, tóc bạc trắng, thân hình gầy còm.
Về phần bà Tư thì thú thiệt nhiều năm nay bà có tình cảm với ông Hai Khá. Bắt đầu từ sự thương hại hoàn cảnh đơn chiếc của ông Hai Khá, rồi chuyển thành thứ tình cảm khác không nói ra được. Hoàn cảnh bà Tư Giá ai cũng biết, là gái ở giá lâu nay chẳng ai thèm dòm tới, nhưng trong sâu thẳm thì không ai biết được, từ hơn chục năm nay, sự cô đơn đã làm nước mắt chảy dài trên gò má khô ráp của bà đêm hôm trời mưa, gió rít hàng tre vi vút.
Tên bà là Nguyễn Thị Tư nhưng chết tên Tư Giá từ hồi bà bước qua tuổi bốn mươi lăm mà chưa lấy chồng. Người ta gọi bà Tư là bà Tư ở giá, nói tắt là bà Tư Giá, làm bà thấm thía hơn về nỗi cô đơn.
- Buồn muốn chết! – Có lần bà Tư nói với ông Hai lúc ông là đà cơn say – Nhiều đêm nằm một mình, thấy chiếu giường nó trống trải, rồi khóc mình ên! Ông có thấy buồn vậy không?
Ông Hai lắc đầu, nói như tránh né:
- Không! Buồn là tôi uống xị rượu, rồi lăn ra ngủ bất biết.
- Ông thì vậy cho nên thân thể héo queo.
- Kệ!
Đôi lần, chiều mưa tạnh đã lâu mà nhà ông Hai không có khói bếp, bà Tư lật đật qua coi. Qua thì thấy ông Hai nằm co như con tôm kho trên vạt tre, mép chiếu bị đẩy ra ngoài. Ông say rượu, ngủ mê mệt. Ly chén lăn lóc dưới nền đất. Bà Tư dọn dẹp xong, kéo mềm đắp cho người bạn già, rồi về.
- Ổng uống rượu vậy… mau chết đó! – Bà cằn nhằn ông- Ai đời uống rượu với… mấy trái trứng cá!
Bên sân nhà cây trứng cá rụng những trái chín đỏ. Trái chín là có sâu. Những con sâu đó có vô tình chui vào bụng ông Hai trong dòng chảy nóng hổi của rượu đế nếp hay không? Ông Hai uống rượu à? Không phải rượu. Đó chỉ là nước lã pha với một viên cồn thành thứ nước đục ngầu cay nồng, gọi là rượu. Ông Hai uống, cả xóm đều uống thứ rượu đó, mua ngoài quán bà Sáu Méo.
Ông Hai ngồi trong mái lá hẩm hiu, uống rượu một mình, nhìn ra con sông nước chảy xiết. Ông ngẫm nghĩ cuộc đời như dòng nước kia, cứ chảy đi không dễ gì trở lại. Rồi ông lại nghĩ nỗi buồn của ông sao không chịu trôi đi mà cứ vướng vào trái tim ông khô héo? Tháng bảy mưa dầm cho Ngưu Lang và Chức Nữ gặp nhau, còn ông và bà Sáu Nga sao cứ xa nhau mãi vậy?
- Đánh vợ! Không thể chấp nhập được một thằng đàn ông đánh vợ - Ông Hai Khá hối hận lắm, có lúc ông càm ràm một mình rồi lớn tiếng một mình, với chính mình. Lần đó sau canh bạc thua rất nhiều tiền, ông Hai Khá vùi đầu trong men cay cho lãng quên chuyện đời. Ông về nhà lúc nửa đêm, cự nự vợ con, gào thét và đánh Sáu Nga một bạt tai. Hậu quả là hôm sau vợ ông dắt con bé gái ra đi trong màn mưa dầm tháng Bảy cũng lạnh lẽo như hôm nay.
Ông Hai đã đi tìm vợ con cả chục năm, mệt mỏi quá, chán chường quá, đành thôi. Bóng chim tăm cá!
Mỗi lần mưa dầm như vầy là lòng ông nặng trĩu. Nỗi buồn, nỗi đau và sự ân hận đã gậm nhắm lòng ông ba mươi năm rồi chớ ít đâu! Hỏi sao không lạnh?
Mưa chợt ngưng rồi có gió. Nước đầy sông. Dòng chảy mạnh.
Bà Tư Giá về lúc nào ông Hai không biết. Bếp đã tắt lửa. Nồi cháo nóng hổi, nấp đậy he hé. Con cá lóc và miếng ruột để trên dĩa. Nắm rau đắng đất mới rửa trên mâm. Chén đũa có sẵn rồi. Nhìn thấy thèm.
Ông Hai rót một xị rượu, cầm cái ly mắt trâu, bưng mâm ra bàn, ngồi bên cửa sổ. Không chờ ai cả. Uống rượu một mình, rồi ăn cháo một mình, đêm vẫn ngủ một mình  … Miếng ruột cá day day, chấm nước mắm, đưa cay là ngon lắm.
- Bà Tư giỏi hết sức - Ông Hai khen thầm bà Tư rồi lại nghĩ đến Sáu Nga và đứa con gái lúc mẹ nó dắt đi, mới hai tuổi đầu - Giờ nầy hai mẹ con nó sống ra làm sao? Trôi dạt phương trời nào? Dư dả hay xơ xác như mình? Hồi đó là vợ mình, còn bây giờ Sáu Nga là vợ của ai ? – Ông Hai tự hỏi mà thấy lòng đau nhói- Sáu Nga bây giờ chắc cũng già rồi, trẻ trung gì nữa. Bà Hai Khá ơi! Tui nhớ bà, nhớ con lắm  …!
Từng ly rượu ấm chảy vào cuống họng, thấm vào mạch máu ông Hai Khá làm nỗi buồn hình như có vơi đi. Uống một mình, ông cũng nói chuyện một mình:
- Ú quạ, ông bà nói hay thiệt. Cái tuổi… Ất Dậu của mình! Ất là phải cô độc lúc cuối đời. Còn con mẹ… à không, bà Tư ở giá …tuổi Canh Dần, số cũng quạnh hiu. Tuổi Cọp ai dám cưới. Hứ! Mà mình còn sức nữa đâu mà…
Ông Hai rót không đầy ly rượu vì rượu trong chai xị không còn. Ông ực một cái rồi đi chiết thêm rượu. Miếng ruột cá đã hết, con cá đã dẽ hết phần thịt một bên, rau đắng đất còn năm sáu cọng. Kệ! Mần xị nửa cho quên sầu đời…
Đêm đó trời lại mưa. Cơn mưa day dẵng buồn thấu trời đất.
Lúc bớt mưa thì gió lao xao, xô qua giựt lại làm cho những giọt mưa tạt vô mái lá, rồi hất ra sông vắng.
Sáng sớm, bà Tư Giá bước qua nhà ông Hai thất thần kêu “Trời đất ơi, ông Hai sao vầy nè?” Bà Tư chạy ra ngoài la lớn, kêu mấy người hàng xóm ở mấy căn nhà lá xa xa. Họ kéo tới! Rồi trở lui, thở dài:
- Ông Hai đi rồi!
Ông Hai Khá nằm co ro trên chiếc chiếu trải nửa tấm vạt tre, mép chiếu xô lệch ra ngoài như lần trước bà Tư Giá nhìn thấy. Nhưng sáng nay thì người ông đã lạnh!
Có lẽ ông đi lúc con nước giác sáng vừa đầy bến sông quê.
Chiều hôm đó, người trong xóm đưa tang ông. Chiếc quan tài rẻ tiền, đám tang ít nhang khói, ít người đưa. Bà con chôn ông Hai Khá trên gò đất là nghĩa địa của ấp. Chỉ có một mình bà Tư Giá khóc, nhưng giọt nước mắt chảy ra rất lặng lẽ.
Mọi người ra về. Bà Tư Giá cũng về.
Lúc vắng vẻ, có một cô gái tuổi ngoài ba mươi bước tới nấm đất, cầm theo bó nhang. Cô gái thắp hết bó nhang, quỳ bên mộ ông thì thầm:
- Tía ơi! Mẹ hết hận tía rồi. Trước lúc mất, mẹ dặn con về đây nhìn tía. Nhưng mà… - Cô gái nấc lên, nghẹn ngào - Còn về… muộn rồi tía ơi!
28/7/2018
Diệp Hồng Phương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...