Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Trôi theo dòng đời

Trôi theo dòng đời

Út Đực xuống xe, tay xách giỏ đệm, vai vác chiếc chiếu lát, đi bộ thẳng ra bờ sông. Buổi chiều, bờ sông Cái Bè vắng vẻ, nắng xiên qua tàng cây bã đậu, rọi xuống sông những đốm sáng chói mắt. Sóng nhè nhẹ xô bờ, phập phều rác nổi.
Theo lời dặn của Tám Hòa, Út Đực đứng ở đây chờ người đón mình, mà không biết người đón là ai! Bữa nay, Tám Hòa cưới vợ, Út Đực đi đám cưới nên ăn mặc “lịch sự” hơn ngày thường. Áo sơ mi trắng tay dài, quần dài, mang dép nhựa mới, tay xách giỏ đệm bàng và vác chiếc chiếu lát mới toanh. 3 giờ sáng nay, Út Đực ngồi vỏ lãi ra chợ Cà Mau, đi xe tốc hành lên thành phố, xuống ngã ba Cái Bè, đi honda ôm vào đây. May, còn kịp giờ hẹn!
Rãnh, Út Đực nhìn ra sông, bên nầy là dãy nhà lầu cái cao, cái thấp với vựa trái cây, tiệm tạp hóa, quán cà phê; bên kia có trạm xăng dầu, một ngôi chùa, nhà cửa, cây cối lưa thưa. Nhìn cảnh vật hai bên sông Cái Bè, Út Đực thấy nó không sung túc bằng sông Đầm Dơi ngay thị trấn, nhưng so với đọan sông quê mình thì nó vui hơn nhiều. Ở quê Út Đực, hai bờ sông đước mọc um tùm, nhà cửa lô nhô, bờ đất bị khoét lỏm bởi mấy “thằng vỏ lãi” phóng ào ào trên sông xé nước.
- Phải chú đi đám cưới chú Tám Hòa hông? –Một thằng nhỏ chừng mười ba tuổi, mặc áo thun, quần xà lỏn, hỏi Út Đực. Nó đi từ sau lưng Út Đực, vòng ra phía trước, tay xách cái bịch nylon đen đựng gì trong đó hổng biết.
Út Đực gật đầu, dòm thằng nhỏ đen đúa, ốm nhom. Nó nói nó đi mua đồ cho chú Tám, sẵn đón khách luôn. Nghe vậy, Út Đực cười hỏi:
- Đón khách mà xà lỏn, áo thun hả mậy? Tao là khách quý mà?
Thằng nhỏ không trả lời, nó bước lẹ lại chiếc xuồng máy neo ở bờ sông. Út Đực vội đi theo. Xuồng máy của thằng nhỏ là chiếc xuồng tam bản, gắn máy đuôi tôm. Út Đực xuống xuồng, ngồi trên cái ghế nhựa nhỏ, chân ướt nước lấp xấp. Thằng nhỏ đứng sau lái, vấn sợi dây cước dài vô máy, giựt mạnh. Trong tiếng máy nổ giòn, nó nói trỏng:
- Chạy à nghen!
Út Đực ờ. Chiếc xuống trở mũi lao ra sông.
Út Đực vịn be xuồng, khen:
- Cái thằng lái xuồng “ác” thiệt!
Xuồng ra giữa sông, chạy vài phút là gặp một ngã ba, nơi có dòng phù sa đục đục từ một nhánh sông nhỏ chảy ra. Xuồng quẹo vô ngã ba sông là bắt đầu tới khu chợ nổi Cái Bè.
Giác chiều, chợ nổi vắng tanh. Những chiếc ghe hàng văng giữa mặt sông, hai ba chiếc cạnh nhau, nối đuôi thành một dãy, chiếc nào cũng có cây sào “bẹo” (treo) tòn ten trên cao nào củ sắn, củ khoai; nào trái bí, trái bầu… Không có khách chèo xuống tới lui mua bán nên cảnh chợ buồn hiu. Hàng quán trong bờ cũng vắng hoe.
Thằng nhỏ tắt máy, cho xuồng chạy trớn chầm chậm, từ từ rồi cặp vô một chiếc ghe trong số mấy chục chiếc ghe hàng neo giữa sông. Thằng nhỏ lẹ tay kéo ghịt chiếc xuồng vào ghe bằng sợi dây thừng, cột sơ lại.
- Ghe chú Tám Hòa đây nè, chú lên đi… - Nó nói.
Lúc đó Tám Hòa trên mui ghe bước tới đỡ Út Đực lên, cười kha kha:
- Tao biết mầy sẽ lên mà!
Lâu ngày gặp lại, Út Đực nhìn bạn mình mỉm cười, rồi ôm vai siết mạnh. Anh hưởi được mùi phù sa và thấy những gì kham khổ của cuộc đời đều đọng trên gương mặt già trước tuổi của Tám Hòa.
- Mừng đám cưới mầy chiếu Cà Mau để vợ chồng mầy nằm – Út Đực lại lấy trong bao đệm bàng một bịch ny lon nhỏ, bên trong có gói giấy báo – Còn cái nầy là đặc sản Cà Mau! Khô cá dứa nè! Nhậu “bá phát”.
Tám Hòa để chiếc chiếu bên lườn ghe, cầm lấy bao khô cá dứa, cám ơn bạn bằng cái vỗ vai thân mật:
- Mầy có mặt là mừng rồi. Còn thêm quà cáp “râu ria” chi nữa? Ngồi xuống đây, tí nữa tính!
Út Đực ngồi xuống chiếc chiếu cũ trải trong ghe, đáp:
- Mấy món nầy ở quê tao. Biếu mầy gọi là …tình cảm!
Tám Hòa cưới vợ, nói đúng hơn là gá nghĩa với một người phụ nữ, sau nhiều năm sống cô đơn. Vợ trước của Tám Hòa “theo ông bà” tính ra đã chục năm rồi.
- Mầy nói đám cưới sao vắng hoe vậy? – Thấy chỉ có mình Tám Hòa trong ghe, lại ăn mặc xuề xòa, Út Đực hỏi – Đám cưới đãi ở đâu?
Tám Hòa trả lời tỉnh bơ:
- Đãi trên mui ghe! Khách mời đúng “một bàn”. Toàn là khách … “ruột”! – Nói xong Tám Hòa cười sãng khoái.
Lúc đó, có một người đàn bà mập tròn chui vào ghe, thấy Út Đực liền chào. Tám Hòa giới thiệu:
- Vợ của tao đây! Còn đây là Út Đực, bạn chí thân của tui, dân Cà Mau! – Tám Hòa chỉ chiếc chiếu lát- Nó tặng vợ chồng mình chiếc chiếu Cà Mau nè.
Vợ Tám Hòa tên là Sáu Nhạn, là chủ chiếc ghe hàng cạnh bên, cũng là “dân chợ nổi” như Tám Hòa. Sáu Nhạn góa chồng, Tám Hòa chết vợ. Họ “đụng” nhau trong cuộc sống trôi nổi giữa dòng đời, và theo như Tám Hòa nói, còn do một lý do khác nữa là cả hai đều có “tâm hồn nghệ sĩ”.
- Coi đủ khách chưa anh Tám? Tới giờ rồi… - Sáu Nhạn nói với Tám Hòa rồi day sang Út Đực –
Anh Út đi đường xa, chắc cũng chưa kịp ăn gì. Để lát nữa anh ăn dằn bụng trước, rồi nhậu với vợ chồng tui một bữa nghen.
Sáu Nhạn đứng dậy, trở qua ghe mình lo thức ăn đãi tiệc. Tám Hòa réo thằng nhỏ hồi nảy vô ghe, kêu đi đón ông ngoại Năm. Thằng nhỏ phóng xuồng máy vô bờ. Lúc nầy, Tám Hòa mới nói:
- Thằng Tèo, con của bả!
Nắng chiều nhạt nhòa phía tây. Nước lên, dòng chảy mạnh hơn. Lâu lâu, có chiếc xuồng máy chạy xuôi, tiếng máy ồn ào, mặt sông gợn sóng. Vài làn gió thoáng qua  mang theo mùi sông nước đồng bằng quen thuộc.
Đám cưới chỉ đãi một mâm trên mui ghe Tám Hòa. Chủ khách ngồi xếp bằng thoải mái. Vợ chồng Tám Hòa ăn mặc như thường ngày, chẳng khách sáo. Khách là ông Năm già, cha nuôi cô Sáu Nhạn, Út Đực và anh Ba Nghĩa chủ ghe “hàng xóm”. Thức ăn cũng gọn gàng theo cách “gạo chợ, nước sông” với mấy con cá lóc nướng, tép luộc cuốn bánh tráng rau sống, canh chua và cơm.
Tiệc nhỏ diễn ra giữa chiều êm ả, đậm đà vị đế nếp, tình cảm tràn đầy.
Út Đực là dân Cà Mau, ngược xuôi vùng sông rạch quen rồi, cách ăn cách sống hết sức bình dân. Ăn, ngủ, tắm, giặt trên ghe, trên xuồng là chuyện thường. Nhưng đây là lần đầu tiên trong đời, Út Đực được ăn đám cưới ở vùng chợ nổi, trên mui ghe. Út Đực ngẫm nghĩ, đám cưới gọi là gá nghĩa của Tám Hòa, tuy không phải là dấu chấm hết cuộc đời lang bạt, nhưng ít ra cũng làm cho Tám Hòa ấm lòng những tối mưa giông.
Tám Hòa nói chiếc ghe hàng cũ kỷ của mình đang được rao bán, nay mai anh về sống trên ghe vợ, ngược xuôi vùng đồng bằng mua trái cây, cá mắm về bán chợ nổi Cái Bè. Tám Hòa chỉ cho Út Đực thấy tấm lá dừa khô queo “bẹo” trên cây sào trước ghe của mình, là có ý bán ghe.
Ông Năm già, ông già nuôi của Sáu Nhạn, uống rượu chầm chậm, ăn ít, nhưng trầm ngâm nhiều. Mỗi lần lên ghe hàng chợ nổi, là ông lại suy nghĩ về “ý nghĩa”cuộc đời. Ông Năm già từng là dân thương hồ rày đây mai đó, tuy đã dừng bước nhiều năm nay, nhưng lòng vẫn xôn xao cùng con nước lớn, nước ròng. Khuya, nghe tiếng máy đuôi tôm của ghe xuồng qua lại ngoài sông, hoặc khi nước lên sóng vỗ vô bờ, ông Năm không sao ngủ được. Ông nhớ chiếc ghe, nhớ cây sào “bẹo” trái bí đỏ, trái khóm xanh; nhớ từng bến sông nơi ghe hàng ông neo lại lấy hàng; nhớ vàm sông trời kéo mây “ống khói đèn” báo trước sẽ có mưa giông.
Tiệc cưới có phần rôm rã, kéo dài nên Sáu Nhạn lấy khô cá dứa của Út Đực đem ra nướng, có thêm mồi nhậu. Mùi khô nướng bay quanh quẩn trên mui ghe, giữa cảnh chiều tắt nắng, hết sức lôi cuốn. Dân ăn nhậu miệt đồng mấy khi có được cảnh nầy?
Thêm một chai rượu đế nếp được Sáu Nhạn đem lên, tiện tay Sáu Nhạn rót rượu vào cái ly mắt trâu mời ông già tía. Ông Năm già đón ly rượu, chợt hỏi anh Ba Nghĩa:
- Rượu nầy mầy “dặn” ở đâu Ba Nghĩa? Ngon thấu trời mầy ơi!
Nghe ông Năm hỏi, anh Ba Nghĩa đáp gọn lỏn:
- Rượu đặt!
- À rượu đặt. Mầy đặt ở lò nào, xứ nào? – Hỏi xong, ông Năm nhắp môi, chép miệng mấy cái rồi uống cạn ly rượu. Ông khà một tiếng sãng khoái, khen – Rượu nầy uống vô nó nồng mà cái hậu nó ngọt hết sức!
- Rượu Phú Lễ đó … tía! Có ngon bằng rượu Xuân Thạnh xứ Trà Vinh không? - Ba Nghĩa đón ly rượu từ tay ông Năm, rót tiếp. Nghe Ba Nghĩa hỏi, Tám Hòa vội nói vài chuyện về rượu mà anh từng biết:
- Rượu Phú Lễ là gốc Bến Tre. Còn rượu Xuân Thạnh là gốc Trà Vinh. Rượu hai chỗ nầy đều nổi tiếng như nhau, mỗi nơi ngon một cách, rất khó so sánh. Nhơn dịp đám cưới của con… - Tám Hòa nói với ông Năm, nay là ông già vợ - Anh Ba Nghĩa lặn lội về quê dặn người ta nấu riêng hai chục lít, xách qua đây. Cho nên rượu Phú Lễ vừa ngon, vừa đậm cái tình của anh Ba Nghĩa.
Ông Năm nghe, ờ một tiếng:
- Quan trọng là cái tình. Mầy nói đúng, Tám Hòa.
Lâu rồi ông Năm không được nếm cái vị nồng nàn của rượu Xuân Thạnh, thì bù lại bữa nay được uống rượu Phú Lễ, ông thấy rất ngon và đỡ nhớ mùi vị rượu nếp quê nhà. Nhưng cái vấn đề là uống rượu ngon trong cái hoàn cảnh nào và uống với ai, mới là… “ý nghĩa”! Ông Năm tính nói cái ý nầy ra thì Út Đực đã lên tiếng:
-  Tui với Tám Hòa đây là bạn học hồi nhỏ, ở Cần Thơ. Học hết cấp ba, tui về Cà Mau, cưới vợ Đầm Dơi, rồi ở luôn dưới. Mười mấy năm nay tui an cư lạc nghiệp với căn nhà nhỏ, vuông tôm, mấy hàng đáy sông. Đầm Dơi có ít lò nấu rượu, nhưng tôm tép, khô, cá, cua, ba khía… thì “bạt ngàn”. – Út Đực vừa xé khô, vừa nói -Món khô cá dứa nầy là của Cà Mau, “phối hợp” với rượu đế Phú Lễ, chắc cũng đậm đà tình cảm hén anh Ba, bác Năm?
Ông Năm nghe Út Đực nói, nghĩ bụng: Thằng nầy nói thêm một chuyện có “ý nghĩa” nữa, là uống rượu với mồi gì, đặc sản của xứ nào! Hay… Hay lắm.
Ba Nghĩa biết chút ít về con cá dứa, dù anh không phải dân Cà Mau, xin được góp lời:
- Cá dứa mê ăn trái mắm nhứt trên đời. Khoảng tháng mười, tháng chạp là mùa trái mắm rụng, lúc nước bắt đầu giựt ròng, cá lội ngược đón ăn trái mắm. Đó là lúc người dân ngồi trên xuồng, tay cầm cây ba chĩa, đâm cá. Cá dứa cở hai ba ký lô một con, nấu canh hay kho tộ… đều ngon “hết sẩy”.
Út Đực nghe qua lấy làm khâm phục sự hiểu biết của Ba Nghĩa. Thì ra dân thương hồ kiến thức cũng “bao la”.
Tám Hòa xin phép vắng mặt vài phút. Vợ chồng anh và thằng Tèo có công chuyện phải vô bờ, rồi trở ra liền. Ông Năm già và Ba Nghĩa biết chuyện, gật đầu, nhưng Út Đực có phần thắc mắc không hiểu tại sao. Chờ thằng Tèo lái xuồng đưa vợ chồng Tám Hòa đi rồi, ông Năm già mới nói:
- Chuyện lễ nghĩa á mà! Sáu Nhạn dẫn chồng nó ra doi đất lá dừa đốt nhang ra mắt má nó! Bữa nay con gái lấy chồng!
Út Đực chợt hiểu. Vậy là má cô Sáu Nhạn qua đời, mồ mả ở trong doi đất dừa nước. Nhưng còn vài điều Út Đực chưa biết, ví dụ như má của Sáu Nhạn chính là bà Năm vợ “gá nghĩa” của ông Năm và ngôi mộ của bà Năm là cái sức hút mãnh liệt giữ chân ông lại doi đất nhỏ, khiến ông rời khỏi cuộc đời bèo dạt, mây trôi!
Ông Năm già nói với Út Đực là ngày đó đã xa, mà sao ông nhớ hoài hổng biết, đó là những ngày ông Năm còn sống đời thương hồ gạo chợ nước sông! Ông Năm kể, có một buổi chiều ông neo ghe lại bến Phong Điền miệt Hậu giang, ông đã “chạm” phải tiếng rao hàng của dì Năm bán chè, tuy tuổi đã gần năm chục mà tiếng rao vẫn còn lanh lãnh. Chính tiếng rao hàng ngọt lịm “Ai ăn chè đậu xanh đường c…á…t … h..ô..n”  đã đưa “chú Năm ghe hàng” và “dì Năm bán chè” đến với nhau trong một buổi đờn ca tài tử. Dì Năm bán chè rao hàng nghe ngọt, mà ca vọng cổ thì cũng “một chín, một mười” với cô đào Lệ Thủy ca trong băng cát-sét. Cho nên…
Dì Năm bán chè sau đó không lâu trở thành bà Năm ghe hàng. Chú Năm, tức ông Năm già, tự dưng có đứa con gái là Sáu Nhạn, con của bà Năm và một thằng cháu ngoại “ngang hông” là thằng Tèo.
Từ ngày gá nghĩa với dì Năm, ghe hàng của ông Năm đông người hơn, ấm áp hơn. Lui ghe về miệt dưới, sau chiếc ghe hàng là chiếc xuồng ngày trước bà Năm bán chè, nay thằng cháu ngoại nằm chơi phơi nắng, thây kệ chiếc ghe hàng lôi chiếc xuồng nhỏ trôi đi.
Ôi! Cuộc đời sông nước lênh đênh sao mà đẹp quá!
Rồi cách nay ba năm, ghe hàng gia đình ông bà Năm về bán ở chợ nổi Cái Bè. Bà Năm bệnh rồi qua đời. Tính làm sao đây? Người ta sống có cái nhà, chết có cái mồ. Chết thì chôn, mà chôn ở đâu? Mình sống trên ghe, tính sao cho đặng? May mà có Ba Nghĩa “nhạy bén” chỉ cho một chỗ chôn cất bà Năm. Đó là cái doi đất đầy dừa nước phía cù lao . Rồi thì bà con xóm chợ nổi xúm lại, một người một tay lo cho đám ma, chôn cất người quá cố.
Ông Năm già dứt chuyện bằng cái lắc đầu buồn bã:
- Mấy người láng giềng ở chợ nổi trước đây, nay cũng dời đi nơi khác sanh sống hay cũng từ giả kiếp thương hồ rồi ? Bèo dạt, mây trôi mầy ơi! Ở đây giờ chỉ còn thằng Ba Nghĩa, dân chợ nổi cố cựu, gọi là thân thuộc. Mấy chiếc ghe hàng kế bên là của những người mới đến, chưa thân!
Tám Hòa và Sáu Nhạn trở về, lên mui ghe ngồi lại chỗ cũ. Có lẽ ra mắt má vợ xong, Tám Hòa thấy lòng nhẹ nhỏm, có hứng:
- Nhờ đám cưới tui mà tui gặp lại thằng Út Đực, tui muốn ca tặng nó một bài ca cổ … - Tám Hòa mím môi, chọn bài ca hơi lâu khiến Út Đực chột dạ, nhắc:
- Ca bài “Tình anh bán chiếu” đi Tám Hòa! Ghe chiếu Cà Mau cắm sào…
Ba Nghĩa à một tiếng có vẻ phấn khởi. Ông Năm già nói phải. Ông nói lúc có men rượu là đà, lúc ở cái chốn buồn hiu nầy, nhằm ngay buổi “chiều tà bóng xế” mà không có đờn ca vọng cổ thì cuộc vui nó thiếu tới “tám phần”!
Tám Hòa nghe tía vợ nói vậy, rất vui. Ba Nghĩa kêu thằng Tèo chạy qua ghe hàng của mình cầm cây đờn qua. Thằng Tèo dạ một tiếng, bước lẹ trên mấy tấm ván bắc từ ghe Tám Hòa qua ghe Sáu Nhạn, qua ghe Ba Nghĩa, lấy cây đờn gui-ta phím lõm, chạy về.
Ba Nghĩa ôm đờn, Tám Hòa cất giọng. Bài “Tình anh bán chiếu” nói về nỗi buồn của anh chàng bán chiếu xứ Cà Mau với cô gái ở vùng sông nước Ngã bảy-Phụng Hiệp. Tám Hòa ca dở nhưng nhờ tiếng đờn của Ba Nghĩa vớt lại, nên nghe cũng não ruột.
Sáu Nhạn đến ngồi cạnh Tám Hòa lắng nghe, rồi bất ngờ cô Sáu ca nối cho Tám Hòa mấy chỗ anh bị thiếu hơi. Giọng ca của Sáu Nhạn trong trẽo hơn, ngọt hơn giọng của Tám Hòa.
Ông Năm già khen thầm:
- Nó ca giống má nó quá trời! Biểu sao Tám Hòa không ưng?
Nhưng Sáu Nhạn chỉ ca tiếp chồng mình vài nhịp,  mấy câu sau để Tám Hòa ca đến dứt:
- “… Ngọn gió  đông ơi…, đừng thổi nữa. Lòng tôi lạnh lắm gió đông ơi. Tôi nhổ sào cho ghe chiếu trôi xuôi, lòng trỉu nặng một nỗi buồn tê… tái. Tôi ngồi sau lái, đôi mắt vẫn hướng về nẽo cũ, đường xưa. Hởi ơi con sông Phụng Hiệp chảy ra Ngã Bảy thì lệ của tôi cũng lai láng dâng trào…
… Sông sâu bên lỡ bên bồi. Tình anh bán chiếu trọn đời không phai!”
Ba Nghĩa dứt tiếng đờn đúng nhịp với Tám Hòa khiến mọi người bị bất ngờ rồi à lên một tiếng: Hay!
Út Đực sung sướng vì thằng bạn thân nay cũng biết ca vọng cổ, mà ca nghe không đến nỗi nào. Tám Hòa ca tặng Út Đực bài “Tình anh bán chiếu” làm Út Đực rất vui, nhưng anh lại thấy chạnh lòng vì nghề dệt chiếu ở Cà Mau nay đã dần mai một. Mấy làng chiếu gọi là “có truyền thống” ở Đầm Dơi, Tân Thành… giờ còn lát đát vài nhà nặng nợ với nghề, phần đông chuyển qua nuôi cá chình, cá bóng… Bây giờ còn mấy ai “lựa từng cọng lát, sợi dây”, hoặc là “bỏ công ngồi dệt mấy ngày đêm ròng rã” như anh bán chiếu ngày nào?
Tám Hòa kêu vợ ca một bài góp vui. Cô Sáu nói ca bài “Lá trầu xanh” và đặt bàn tay lên vai chồng trước khi nói lối:
- Thương nhau cau bổ làm đôi miếng- Một lá trầu xanh thắm nợ duyên- Cứ mổi buổi chiều tan buổi chợ-Em còn hoài vọng bóng người thương.
Ba Nghĩa rao đờn mà đôi mắt lim dim. Sáu Nhạn cất tiếng ca. Tám Hòa lắng nghe và hiểu đó là lời tâm sự mà người vợ muốn gởi gấm cho chồng. Anh nghĩ: “Đám cưới mình không có trầu cau thì có bài lá trầu xanh cũng đặng!”
Tiếng đờn của tay “nghệ sĩ giang hồ” Ba Nghĩa đã nâng lời ca của Sáu Nhạn đi vào lòng Tám Hòa khiến anh ngây ngất. Mà thật sự thì Tám Hòa đang ngây ngất men tình, men rượu trong cảnh trời nước hiền hòa, gió thổi liu riu. Đây có lẽ là lúc tâm hồn người ta lắng lại, quên đi những ưu tư, phiền muộn của phần số nổi trôi…
Đêm đó Út Đực ngủ trong chòi lá bên doi đất dừa nước với ông Năm. Ông Năm nằm võng, nhường cái vạt tre cho khách. Thằng Tèo tối nào cũng ngủ với ông ngoại, tối nay xin phép ra chợ huyện coi văn nghệ, sáng về. Ông Năm nghi nó đi “o mèo”, dù tuổi nó mới mười ba.
Nằm trong đêm vắng vẻ, Út Đực bắt đầu thấm thía cuộc đời “gạo chợ nước sông” của bạn mình, của Ba Nghĩa và của ông Năm. Phải nhìn nhận một điều, cuộc sống trên sông là cuộc sống đẹp, dù cho nó cứ phập phìu, rày đây mai đó. Út Đực có nghe ai đó nói “Cuộc đời là dòng đời trôi đi mãi”, quả không sai. Tám Hòa, Ba Nghĩa, Sáu Nhạn và ông bà Năm đã trôi theo dòng đời một cách lặng lẽ, tự nguyện, và có lẽ nhờ vậy mà mọi người sống chan hòa, trọng tình cảm, quý nghĩa nhân.
Nằm hoài không ngủ được, Út Đực nghiệm ra một điều là ai đã vướng kiếp thương hồ thì cuộc sống cứ trôi đi, trôi đi mãi, khó dừng lại được. Như ông Năm tuổi ngoài sáu mươi, vậy mà vẫn quyến luyến, nhớ nhung những ngày trôi dạt làm nhiều đêm mất ngủ. Nếu như bà Năm không đột ngột qua đời, ông Năm và chiếc ghe hàng của ông giờ nầy chắc cũng mê mải lang thang nơi đầu vàm, cuối bãi…
Cái Bè, 3/5/2012
Diệp Hồng Phương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...