Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Chiến tranh như là nó đã xảy ra

Chiến tranh như là nó đã xảy ra

(Nhân đọc tiểu thuyết “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” của Nguyễn Một NXB Hội Nhà văn, tháng 6 năm 2023)
Bộ sách Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ 9
Chiến tranh như là nó đã xảy ra, và vẫn tiếp tục xảy ra không bao giờ dứt!
Cảm giác rất thật khi đọc từng con chữ của Nguyễn Một. Tràn ngập tiểu thuyết “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” là không khí chiến tranh đậm đặc, căng cứng, đôi khi đến nghẹt thở. Không khí chiến tranh trong tác phẩm không chỉ đặc quánh ở các đoạn miêu tả sa trường chiến trận, và cả ở phía sau. Phía sau là: “… những lệnh tổng động viên hay đôn quân ban ra,… các ca khúc gọi là phản chiến của Trịnh Công Sơn được phát liên tục ở các quán cà phê,… báo chí cứ lặp đi lặp lại những tên gọi như “Đại lộ kinh hoàng”, cùng những câu thơ:“…Mai kia trong những ngày ngưng chiến. Ta chắc rằng không thể yêu ai. Nhà thương điên nếu còn chỗ trống. Xin chiếc giường; cho thân xác tàn phai…”; của Nguyễn Bắc Sơn được chuyền tay nhau… thì chiến tranh không còn mơ hồ hay xa xôi đối với người dân thị xã nữa…”. Phía sau mà tràn ngập những lời hát, lời thơ đầy không khí chiến trận, chết chóc, chán nản: “Tây Ninh nắng nung người mà trận địa loang máu tươi…”; “Bạn bè anh theo lớp tuổi ra đi, dăm đứa thân nghe tiếng chẳng trở về…”; Ta hỏng Tú tài, ta hụt tình yêu, thi hỏng mất rồi ta đợi ngày đi, đau lòng ta muốn khóc…”. Phía sau mà vẫn thấy chết chóc: “Những đoàn xe chở tử sĩ, những đoàn xe chở lính người Việt, lính Mỹ, Đại Hàn, Phi Luật Tân và cả lính Thái Lan chạy sầm sập trên các đường phố”.
Chiến tranh đeo bám từng con người cá nhân, xộc vào cả trường học, ngõ phố, xóm nhỏ làng quê, xông vào từng gia đình ở phía sau tưởng như rất đỗi bình thường. Họ đến “xóm Sở Mỹ” để nhặt rác Mỹ hoặc làm công trong các sở làm của quân đội Mỹ… Mỗi buổi chiều, bọn trẻ mang theo xô đứng chờ lính Mỹ đổ xúp thừa để mang về nuôi heo, hoặc bán cho các nhà nuôi heo. Đôi khi trong các thùng xúp ấy có cả đồng hồ, bút máy… mà nhiều người làm công đánh cắp bỏ vào nhưng chiều chưa lấy kịp. Người lớn thì nhặt phế liệu bán lại”.
Hiện thực chiến tranh của Nguyễn Một không chỉ phân tuyến bên này bên kia với những hủy diệt tương tàn, mà đan xen, chồng chéo, nhằng nhịt, mờ nhòa, thậm chí có lúc không biết đâu mà lần. Người này cứ tưởng là “chính nghĩa quốc gia”, hóa ra không phải, mà là “lý tưởng cộng sản”. Người kia là học trò, là đại gia lại hóa ra người cách mạng. Người kia là nông dân, là lính cách mạng hóa ra lại chiêu hồi, chỉ điểm cho lính quốc gia khui hầm bí mật…, sống bên cạnh nhau mà không biết ai là “ta”, ai là “địch”. Chẳng biết đâu mà lần. Người em đi lính quốc gia đem thuốc trụ sinh và kim tiên về cho cha để tiêm người anh lính quân giải phóng bị thương phần mềm, viên đạn xuyên qua đùi đang giấu dưới hầm để khỏi nhiễm trùng. Lành vết thương, người anh lại trở về đơn vị. Để rồi trong một trận giao tranh sau buổi gặt đầu trên động ruồng quê hương, anh và em đối mặt nhau… Để rồi, cũng gia đình này, bố mẹ cùng lúc chôn hai người con đi lính quốc gia, một người con đi lính quân giải phóng. Mất mát như nhau, được hưởng tiền tuất, tiền trợ cấp hàng tháng của bên kia, và sau bố mẹ lại được hưởng của bên này. Những đứa con ở hai trận tuyến bắn giết lẫn nhau, và khi chết đều được thờ cúng chung một bàn thờ, an táng trong cùng nghĩa địa dòng họ. Chiến tranh, bên nọ bắn giết bên kia, nhưng chiến tranh cũng là cơ hội để những người nông dân bình thường thanh toán nhau bởi oán thù. Mặc nhiên, những cái chết vô lý mà không vô lý này cũng là một hiện thực chiến tranh của Việt Nam…
Có quá nhiều cái chết trong “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9”.  Bố mẹ ông Điền, bố mẹ ông Xí đi chợ chết bởi máy bay thả bom. Ông Nguyễn Xí chết bởi “bất ngờ viên đạn từ đâu bắn tới không rõ, xuyên qua đầu từ sau ót trổ ra trước làm nứt toác cả mặt”. Con ông là Nguyễn Đó chiêu hồi, dẫn lính quốc gia đi khui hầm bí mật cũng bị chết khi đêm về, bí mật viếng mộ cha, mà không biết ai giết. 12 người Việt Cộng chui hầm bí mật… chết. “Ông bà Quản Trạm mất tích trên đường chạy trốn”; “Cha mẹ của bà Thu cũng chết thảm trong trận Mậu Thân ở Huế”; Bố mẹ Trang… chết… Cái chết nào cũng khổ. Cái chết nào cũng thương tâm. Không kể hết.
Nhưng, qua “giờ thứ 9” rồi mà chiến tranh vẫn còn tiếp diễn. “Hết chiến tranh, hết chết chóc…”, không phải thế. Chiến tranh chưa ngừng vẫn tiếp diễn, chỉ có điều nó xảy ra với một hình thái mới. Bom đạn còn sót lại… chết. Lòng người ly tán… thì vẫn còn xung đột và… chết. Người cha có 2 con đi lính VNCH và 1 con đi lính cách mạng bị chết, ông lại bất hòa với người con cả là cán bộ cách mạng. Ly tán ngay từ trong gia đình, cha con. Hai dòng họ, gia đình vốn trước đây sống chết san sẻ cả tình cảm và vật chất trong bom đạn, thì kết thúc chiến tranh lại không nhìn mặt nhau. Chết chóc, thù hận triền miên như thế…
Người chết thì cũng chết rồi, nhưng tất cả những người đi qua chiến tranh thì đều bị thương tật. Kẻ bị tàn tật thân xác, người bị tật nguyền tâm hồn. Vợ chồng ông thiếu tá Trần Văn Duy và bà Thu bị mất nhà. Diễm mất nhà, mất người yêu, phải di tản. Sơn mất người yêu, lấy vợ vì sự sắp đặt của anh hai, làm đến vụ trưởng, vợ bỏ. Người yêu là Trần Văn Tâm bị báo tử, Trang gá vào người lính Mỹ, đẻ con mắt xanh tóc vàng, cuộc đời vạ vật làm đĩ khổ sở, ê chề. Hùng biệt động, sau là công an, bị bắt vì tổ chức cho người vượt biên, bị tử hình. Anh Hai đi lính Quân giải phóng bị thương mất cả bộ hạ, rồi bị chất độc da cam, chết khi không còn mặn mà với lý tưởng suốt đời đeo đuổi…
Cuộc chiến kết thúc, lại mở ra một cuộc chiến mới. Thế mới biết hậu quả của chiến tranh nó dữ dội, triền miên, dai dẳng và tác hại khủng khiếp biết chừng nào.
Lấy nhân vật trốn lính là Sơn và mối tình học trò với Diễm làm cốt truyện. Sơn chia tay những con trâu – con Cò, con Xe, con Xanh, con Pháo vào thị xã Thủ Biên – miền Nam trọ học, để rồi rớt tú tài, phải đi trốn quân dịch và mối tình của anh đặt trong bối cảnh xã hội thời chiến rộng lớn, bề bộn, ngổn ngang sự kiện, nhân vật. Rất nhiều câu chuyện chiến tranh qua lời kể của Sơn, của Diễm, của các nhân vật, của tác giả nữa, Nguyễn Một có tham vọng dựng lại một cuộc chiến tranh tương tàn, khốc liệt theo quan niệm, và cái nhìn của riêng ông. Có thể nói “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” là nghệ thuật chuyển đổi điểm nhìn chiến tranh. Với tư cách nhà văn, ông nhìn chiến tranh bằng con mắt của thi sĩ Hoàng: “… cuộc chiến chúng ta chán chường như tiểu thuyết của Remarque hơn là nỗi buồn của Camus!”. Nhân vật Sơn trốn lính và hành trình trốn lính cũng là cái cớ để nhà văn trình bày quan niệm về chiến tranh. Ông còn sắm vai thi sĩ Hoàng nhìn thấy: “… con quái vật mang tên “chiến tranh” rồi đây sẽ nuốt chửng tất cả bạn bè anh!”. Ông không chỉ nhìn thấy mà còn xây dựng thành hình tượng nghệ thuật anh em ruột thịt cùng một nhà tương tàn, đối mặt nã súng vào nhau trong cuộc chiến, chết cùng nhau và người lính chung sự lo hậu sự cho lính cả hai bên. Cái nhìn nhân đạo cũng là cái nhìn hiện thực bất bình thường trong chiến tranh Việt Nam.
Nguyễn Một không chỉ nhìn chiến tranh bằng điểm nhìn nghệ thuật của nhà văn, mà ông còn nhìn chiến tranh bằng cái nhìn của người nông dân bình thường – người mẹ người cha chân lấm tay bùn. Bà Kha Ly: “Tôi cũng có hai đứa con theo Quốc gia, hai đứa theo Việt cộng; tôi yêu thương tất cả các con!”. Cho nên, bà lấy thuốc nam chữa cho hàng trăm lính Bắc Việt bị sốt rét quật ngã bằng tấm lòng người mẹ có con đi lính cả hai bên. Còn ông Hai Ruộng chồng bà – người nông dân thợ cày thì đã thấy cuộc chiến tranh cần phải đến lúc chấm dứt: “Ai thắng cũng được, miễn chiến tranh kết thúc là được rồi! Chết chóc thương tật khiếp quá!”. Người nông dân Hai Ruộng lựa chọn để đứa con trai cuối cùng chưa đến tuổi cầm súng đi trốn quân dịch để không theo Mỹ, cũng không theo Quốc gia, chẳng theo Cộng sản, không theo ai cả, chỉ giữ mạng sống để lo hương hỏa cha ông, tổ tiên. “Bằng mọi cách phải trốn lính, không được đi lính với bất kỳ bên nào!”. Cái nhìn này là riêng tư, là khao khát nỗi dõi tông đường rất văn hóa truyền thống, tâm linh.
Có thể nói Nguyễn Một (và cả người biên tập nữa) như một diễn viên xiếc đi chênh vênh trên sợi dây thừng vắt qua vực sâu xung đột của hai ý thức hệ và cũng là tiêu chí xuất bản cần thiết. Nếu ngả về phía bên này một chút, nghiêng bên kia một tí đều sẽ thành cực đoan, giáo điều, chủ quan. Tác giả rất điềm tĩnh và tỉnh táo biết giữ thăng bằng và bước qua một cách ngoạn mục. Cách viết “đi giữa hai làn đạn” này không phải là “dĩ hòa vi quý”, chọn lối an toàn, mà chỉ là thủ pháp nghệ thuật và cách nhìn, cách giải quyết nội dung câu chuyện quá phức tạp, lớn lao. Không thế, không xuất bản được! Cho nên, tiểu thuyết này sẽ được bên “ta” cũng yêu mà bên “địch” cũng quý. Đó là cái nhìn thân phận con người bên này hay phía bên kia đều ở góc độ con người bình thường – con người bình thường bị con ngáo ộp chiến tranh nuốt chửng, mà không có cách gì thoát nổi. Dĩ nhiên là cái nhìn nhân đạo của một nhà văn độ lượng, nhân từ. Không thế, không xuất bản được!
Vẫn lối viết “rời rạc”, “tản mạn”, thậm chí “lỏng”, giằng dịt, rậm rạp… vốn là cái tạng của Nguyễn Một trong văn xuôi mà dễ nhận thấy nhất là truyện ngắn, tiểu thuyết. Ở tiểu thuyết “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” mới nhất này, Nguyễn Một không dùng thủ pháp huyền ảo như “Ngược mặt trời”, “Đất trời vần vũ” mà là kéo hồi ức hiện thực về trang sách. Một hiện thực chiến tranh miên man, đan xen, chồng chéo, có chỗ tưởng như là rối mù…, để rồi rạng dần, sáng rõ và ngã ngũ. Đọc trang viết nào cũng thấy một tấm lòng chân thành, dù tác giả viết về tình yêu học đường lãng mạn, hoặc làng quê A Đông, hay nỗi đau xót xa của thân phận người trong chiến tranh. Đọc chương nào cũng thấy một giọng nói thầm thì, đôi khi thủ thỉ dù là khi đối thoại xung đội, hay miêu tả cảnh sắc, con người nhỏ bé bị chiến tranh hủy diệt, ly tán, hay đoàn tụ,… Nguyễn Một như dòng sông Đồng Nai độ lượng, nhân từ chảy dọc miền đất đau thương, cảm và hiểu, và ứng xử với con người, mong muốn con người dù bầm dập, mất mát trong chinh chiến điêu linh cũng đi đến cái kết nhân ái, có hậu: Trần Văn Tâm còn sống trở về sống vợ chồng với Trang. Gia đình ông Hai Ruộng và bà Kha Ly tưởng như tuyệt tự vì con cái chết chóc, tật nguyền vô sinh vì chiến tranh, thì cuối cùng lại có đứa cháu nối dõi là con của Sơn và Diễm. Hàn gắn vết thương chiến tranh, gắn kết những mảnh vỡ số phận nhân vật là những trang viết dạt dào tình yêu thương con người ở cuối tiểu thuyết đã làm cho tác phẩm bớt ảm đạm, thê lương và làm cho người đọc hy vọng, tin vào những tốt đẹp đã và diễn ra thời hậu chiến.
Tôi thật sự mừng vì tiểu thuyết chiến tranh “Từ giờ thứ 6 đến giờ thứ 9” của Nguyễn Một ra mắt bạn đọc. Mừng cho bạn có sức sáng tạo lớn, lại mừng cho người viết văn chúng ta. Mừng cho Nhà xuất bản Hội Nhà văn có con mắt xanh tinh tường và đầy bản lĩnh để biên tập và cấp phép in. Nhưng, cũng mừng cho ngành xuất bản chấp nhận để cuốn sách của Nguyễn Một ra đời, bắt đầu một đời sống, một số phận riêng của nó. Tôi tin rằng cuốn sách cũng có linh hồn, nó đang vui mừng vì đã được đến với thế giới chúng ta. Tôi cũng hy vọng sẽ có “một thời đại xuất bản mới” xuất hiện trong nền văn học mới.
20/9/2023
Sương Nguyệt Minh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...