Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Xa quê

Xa quê

Trời chiều mây đen kéo về, gió thổi mạnh. Rồi mưa ào xuống. Người ta hối hả tìm nơi trú mưa. Con đường đang đông xe bỗng vắng hẳn. Nhưng, mưa nhỏ thôi. Mưa ào xuống rồi rắc giọt mãi. Những giọt mưa lất phất bay với nỗi buồn day dẳng …
- Mưa Sài Gòn chi mò lọa! – Chị Sậy nhìn trời mưa chép miệng rồi cúi xuống thái thịt. Chồng chị, anh Cần, lom khom đút củi vào bếp lò đang bén lửa. Nhúm lò xong, anh Cần đứng lên, nhìn mưa bay theo ngọn gió vu vơ ngoài phố, nói với vợ:
- Chập tạnh. Người ta đói bụng hì?
Trời sụp tối rất mau. Ngọn đèn cao áp ở ngã ba vừa bật lên chiếu ánh sáng vàng vọt xuống hè phố, xuống chiếc xe mì gõ của anh Cần, chị Sậy và xô cái bóng nghiêng nghiêng của con Bùn dọc theo hè phố. Con bé trông nhỏ nhắn, tiếng gõ lóc cóc buồn bã rơi!
Anh Cần và chị Sậy trôi dạt từ khúc eo miền Trung vào Sài Gòn. Trước đây họ làm hồ cực nhọc lại ít tiền. Từ ngày gom góp được một ít tiền sang lại chiếc xe mì, họ về kiếm ăn tại ngã ba nầy với tiếng gõ vui tai của con Bùn, con gái họ. Con Bùn mười tuổi theo ba mẹ vào Sài Gòn lam lũ kiếm sống. Dù mưa hay không, con Bùn vẫn phải đi dọc hè phố rao mì. Nhưng tối nay, con Bùn đi một chóc rồi trở lại.
- Sao hỉ? – Chị Sậy nhìn con rồi thở ra – Ướt hết rồi ha?
Con Bùn tóc tai quần áo ướt mem ngồi xuống cạnh bếp lò, sưởi ấm hai bàn tay.
- Mần chi mà ướt. Mưa rắc rắc mờ? – Anh Cần nhìn trời, nhìn con ái ngại.
- Bị tạt nước! Trên lầu kia … – Con Bùn chỉ tay qua dải phố đối diện. Ý nó nói người ta trên lầu đổ nước xuống trúng nó. Anh Cần nhìn căn nhà lầu sang trọng có ánh đèn, hỏi con:
- Người ta tạt nước mi?
Con Bùn gật đầu nói nó đứng nép vào mái hiên của căn nhà đó mà gõ. Họ nói ồn quá tạt nước cho đi.
Hai vợ chồng người Quảng cùng im lặng sau câu nói của con. Như một thói quen, sự im lặng của họ trở thành nếp chịu đựng, nhẫn nhục trước cuộc sống nơi đất lạ quê người. Vốn bản tính hiền lành, Cần và Sậy trở thành hai cục đất tròn trịa lăn lóc trên đường đời. Đất lăn mãi, mòn dần, vỡ ra  thành những hạt bụi bay theo gió …
Con Bùn định sưởi ấm thêm nhưng chị Sậy lườm nó:
- Mi sưởi chi miết. Có đi gõ không? Chưa “mở hòn” gì hết …
- Tạnh rồi! Đi kẻo ế mì! – Anh Cần vỗ về rồi đẩy con Bùn ra một bên dành chỗ dọn cái bàn xếp duy nhất, hai cái ghế nhựa lùn ra hè đường. Bùn quẹt nước mắt rồi đi. Lại nghe tiếng gõ lóc cóc của nó. Ngoài trời mưa vẫn còn bay …
Một ông xích lô thả trớn vòng qua ngã ba rồi dừng lại trước xe mì.
Chị Sậy vội mời bằng cái giọng trọ trẹ của mình:
- Ế quóa chú ôi! Có hoành thánh nè en một tô chú hỉ?
Ông xích lô cặp xe sát lề đường, vẫn choàng tấm bạt nhựa, ông bước vô ngồi bàn kêu một tô mì ít thịt. Ăn xong, cũng bằng giọng miền Trung, ông nói với anh Cần, chị Sậy:
- Tui độp miết chiều giờ mờ… chưa có đồng bọt nào. Thông cổm hỉ? Mơi ghé… trỏ!
Chị Sậy nghẹn lời:
- Chú ui… tui chưa… “mở hòn”!
Ông xích lô đạp xe đi giấu ánh mắt buồn.
Mưa bổng nặng hạt. Anh Cần nói chuyện để vợ nguôi chuyện ông xích lô ăn thiếu:
- Bữa nay mưa bão sao hì? Chập mưa, chập tạnh. Chù mà bão ngoài mình kinh hỉ? Lại thêm cái lũ trên núi …
Chị Sậy không trả lời. Đứng nấu mì mà tâm trí chị hiện lên cơn bão mấy năm trước cuốn phăng cả làng ném vào đồi cát. Ba chị mất tích trong một chuyến đi biển. Cả nhà chị trôi dạt theo cơn bão vào tận xứ nầy kiếm miếng ăn …
Còn năm nay ngoài Trung bão ít mà lũ nhiều. Lũ trên núi tràn xuống cuốn cây cối, trâu bò và những mái lá xác xơ là gia tài của cả đời người, trôi đi mất. Mưa bão ngoài nớ thiệt dữ dội. Còn ở đây, đêm nay, mưa rất nhỏ. Mưa Sài Gòn nhẹ tênh.
Con Bùn trở lại bưng hai tô mì cho khách bằng hai cánh tay khẳng khiu. Nó bước xuống đường băng qua bên kia con hẽm nhỏ.
Mưa dai. Dưới ánh đèn vàng những giọt mưa mải phất phơ bay.
Rồi mùa mưa qua đi. Những tờ lịch cuối năm rơi dần theo ngày tháng. Gió thổi nhiều hơn. Gió từng cơn nhỏ nhắn lướt qua đường phố cuốn theo nhiều bụi, rác tấp vô hè đường, bay vô con hẽm nhỏ.
Anh Cần nhìn gió chướng thổi qua nói một mình:
- Chướng mạnh rồi hỉ?
Chị Sậy chuẩn bị các thứ cho buổi bán đêm, tưởng chồng nói với mình nên gật đầu:
- Ừ! Gió chướng mạnh rồi. Sắp en Tết?
- Nửa tháng nữa là Tết. Mờ có tiền mô en Tết?- Anh Cần chép miệng trong lúc xếp củi vào thùng xe cạnh bếp lò. Xong việc, anh đứng lên hất đầu hỏi vợ - Xong chưa hì? Đi bón. Trễ rồi! – Không thấy con Bùn, anh kêu – Bùn ơi! Đi bón con ơi …
Con Bùn ngồi ngoài hẽm nghe kêu vội ới một tiếng chạy vô phụ ba mình đẩy chiếc xe mì ra khỏi căn nhà trọ có bề ngang lớn hơn chiếc xe một chút. Gió tràn vào căn nhà khi chiếc xe được kéo hẳn ra ngoài. Bùn che miệng ngáp dài rồi xách cái xô bước theo ba nó.
Anh Cần đẩy xe ra tới chỗ bán. Kê kích xe mì xong, anh nhóm lửa hâm nồi nước lèo. Lửa bén thì anh bầm thịt, vò mấy viên hoành thánh. Chị Sậy ra bằng xe đạp sau khi đến lò mì trả tiền mì vắt lấy hôm qua.
Con Bùn chỉ việc xách xô nhựa đi xin nước, xong là đi gõ. Công việc cứ như vậy và con Bùn không hề phiền hà điều gì cả. Nó không đi học. Dĩ nhiên rồi vì ba mẹ nó nghèo lo cái ăn khá khổ sở, lại còn dành dụm tiền gởi ra quê nuôi bà nội nó. Nó không có bạn, cũng không có quần áo đẹp. Bán mì gõ mà cần gì? Nó tự hỏi rồi trả lời luôn một cách suông sẻ. Nó chấp nhận cuộc sống hiện có như một điều không thể thay đổi, rất khó thay đổi …
- Nhưng mà sắp en Tết! – Con Bùn sực nghĩ. Nó vừa nghe ba mẹ nó nói sắp Tết rồi. Ba nó nói phải gởi tiền về quê cho bà nội … Nhưng sau đó con Bùn chỉ nghe ba nó thở ra. Còn mẹ nó nhìn ra đường khẽ lắc đầu. Cử chỉ của ba mẹ nó vậy là không có tiền. Tiền bạc đối với ba mẹ nó như một điều hết sức cần thiết nhưng luôn luôn thiếu. Cũng như nó chỉ thèm một bộ đồ mới nhưng không thể có. Bắc chước ba nó, nó cũng thở ra.
Đường phố ngày giáp Tết đông vui hơn với nhiều chỗ bán bánh mứt, bán dưa hấu chất cao nghệu. Các cửa hàng treo nhiều quần áo đẹp hơn ngày thường. Quần áo người lớn, quần áo trẻ nhỏ đủ màu sắc trở thành lực hút mạnh mẽ khiến con Bùn đứng lại ngẩn ngơ nhìn. Mãi lâu sau nó mới đi xách cho ba nó một xô nước đầy. Nước tròng trành trong xô, tạt ra ngoài. Nước cũng giống như tâm trí của nó. Bất ổn, xao động dữ dội, đổ tháo… Và tâm hồn nó –dù còn nhỏ bé- cũng thấy nặng trỉu lúc nhìn hai mẹ con một người khách đang lựa mua quần áo đẹp.
- Tiền mô mà en Tết! – Con Bùn lập lại lời ba nó rồi lắc đầu xua đi ước mơ nhỏ nhoi vừa nhen nhúm! Nó bỏ đi không nhìn quần áo mới treo bên cửa hàng nữa. Nó biết ba mẹ nó không có tiền ăn Tết và nó sẽ không có quần áo mới.
Thường thì chị Sậy chỉ mất năm phút để trả tiền mì, nhưng chiều nay chị phải mất nửa giờ ở đó. Chẳng là ngoài quê có người vô, cầm theo lá thư con Mẫn, em anh Cần. Thư cho hay bà nội con Bùn bệnh nặng, đang hấp hối kêu anh Cần sắp xếp về cho kịp…
Đọc xong lá thư ngoằn ngoèo chữ lớn chữ nhỏ, chị Sậy bậm môi mấy lần để khỏi òa lên khóc. Chị thương bà mẹ chồng cả đời cực nhọc xoay vầng quanh cảnh nghèo. Hai vợ chồng chị sống không nổi với vùng cát núi khô cằn, vô đây cũng chẳng khá gì. Mỗi lần nghĩ đến quê, chị Sậy thường nén nỗi nhớ vào lòng “chứ tiền mô mà về thăm”. Bây giờ mẹ anh Cần sắp đi, chẳng lẽ …
Dựng chiếc xe đạp bên vách tường phía sau xe mì gõ, chị Sậy đứng thở dốc vì mệt. Anh Cần chưa biết chuyện cứ luôn tay nấu mì, miệng hỏi:
- Đi chi trễ quá. Bón nhừ tay luôn hè. Thái thịt đi tôi nấu hai tô mì cho khách.
Chị Sậy ráp vô phụ chồng. Chị thái thịt lại thái vô tay. Anh Cần cặm cụi nấu mì cho tới khi thấy mặt vợ mình nhăn nhó mới biết:
- Chù chòa! Thịt không thái thái tay chi?
Ngớt việc, anh Cần cầm cái ka nhựa hớp miếng trà đá rồi ngồi phịch xuống ghế. Lúc này chị Sậy mới đưa thư cho chồng. Anh Cần à một tiếng mừng vì được thư nhà. Anh đọc thư một hơi niềm vui biến dần, biến dần thành tiếng thở dài não ruột. Ánh mắt anh tối lại. Mặt anh sa sầm xuống.
Con Bùn biết ba nó vừa đọc thư ngoài quê gởi vô nên buồn. Phải chi nó biết chữ nó sẽ mượn thư đọc thử để biết ngoài quê có gì vui, có gì buồn. Nhưng mà thôi … Bùn lặng lẽ xách xô đựng tô, đũa dơ đi rửa. Ngồi cạnh bờ tường làm công việc quen thuộc của mình, thỉnh thoảng Bùn nghe tiếng thở dài của ba mẹ nó. Ba mẹ nó biết chữ còn đọc được lời lẽ người thân, còn có nỗi buồn thương nhớ quê xa. Nó không được may mắn như ba nó, có lẽ rồi đây hình ảnh quê nhà sẽ biến mất trong tâm hồn thơ ngây của nó?
Mấy đứa nhỏ bán trứng cút, đậu rang, bánh phồng đồng hương lam lũ của nó cũng vậy! Không đứa nào biết chữ! Không đứa nào có tiền về thăm quê!
Gió chướng lao xao báo hiệu mùa nguyên đán cận kề.
Tết đến nhưng trong lòng con Bùn và mấy đứa nhỏ xa quê làm gì có Tết?.
28/1/2021
Diệp Hồng Phương
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mẹ ơi

Mẹ ơi... XUÂN VỀ NHỚ MẸ TÔI XA… Câu ca dao: “Ngồi buồn nhớ Mẹ ta xưa Miệng nhai cơm búng, lưỡi lừa cá xương”… Còn tôi, mỗi lần Tết đến Xuân ...