Thứ Năm, 23 tháng 1, 2025

Cảm thức về cái đẹp và sự tự do của cõi người

Cảm thức về cái đẹp
và sự tự do của cõi người

(Đọc tập thơ “Nghiêng một giấc trưa” của Lê Bá Duy – NXB HNV, 2023)
Tôi có chút ngập ngừng và rồi liền xúc động khi cầm trên tay tập thơ “Nghiêng một giấc trưa” của Lê Bá Duy. Sau một thời gian dài lặng lẽ, giờ anh muốn cất tiếng nói suy tư, trầm lắng của mình về tình đời, tình người bằng thế giới ngôn từ và hình tượng gần gũi, nhưng không kém phần thao thức và day dứt. Đọc toàn bộ tập thơ, tôi nghiệm ra một điều rằng đã đến lúc Lê Bá Duy muốn gạt sang một bên, cố quên những điều quá ư gần gũi, quen thuộc, nhưng rồi không thể buông xuôi mà trái lại, anh luôn nghĩ về chúng với một nhận thức đa phân, phức hợp để từ đó, anh có cái nhìn khác và mới về mọi đối tượng chung quanh. Đấy có thể xem là tư duy song song và đối lập của Nghiêng một giấc trưa mà Lê Bá Duy muốn thông điệp đến mọi người. Vì vậy, trữ tình duy lý và thực chứng ngữ nghĩa là nỗ lực của Duy ở tập thơ này như thơ anh đã từng xác nhận: “Cứ buồn thơ lại đến/ Nhuộm hồn xanh máu tươi/ Hét vang những hiển hiện/ Năm tháng nở hoa cười” (Thơ). Từ đó, tứ thơ trong im lặng tìm về, bừng thức và lay động!
Tôi chú ý bài thơ có tên Quán tưởng, bởi nó như là tư tưởng chính của tập thơ mà nhà thơ muốn thổ lộ, tâm sự để đồng hiện thế giới hiện thực và con người bằng cảm quan của một chủ thể ý thức đã đi qua ngưỡng tuổi “nhi tri thiên mệnh” và sắp tiếp cận ngưỡng tuổi “nhi nhĩ thuận”, tự cho phép mình nói về sự thật và lẽ đúng – sai, sống – chết, còn – mất ở cõi người: “Vào tận lõi của tinh cầu tỷ năm sự sống/ cảm xúc yêu thương không còn chỗ giận hờn/ không còn chỗ tỵ hiềm ganh ghét/ không “tham, sân, si” danh lợi đời thường”. Từ đó, anh hiểu được:
Tận thẳm sâu trái tim thao thức
biết thương yêu hờn giận cõi này
biết bất lực trước thời gian
biết không vô cảm
không sân si….
Đó là lẽ thấu hiểu của những con người biết sống, biết chắt lọc những gì tốt đẹp và minh triết của nhân sinh để được thông diễn và hạnh phúc, trước hết là cho chính mình, sau đó hướng đến quanh đời:
Quán tưởng
Là giữ lại
Là lọc lấy tinh hoa
Để nhân đôi hạnh phúc
(Quán tưởng)
Có thế, người thơ mới thấu hiểu và thông cảm, đồng cảm với tha nhân. Sự tự do, thanh thản của mỗi chủ thể hiện sinh chính là biết tự hiểu mình và sau đó, biết hòa cảm với cõi người: “Đêm/ mang niềm cô độc/ mang hơi thở vũ trụ/ tâm tưởng đi hoang”. Từ đó, con người mới thực sự tự do, thực sự là mình:
Sự tự do của đêm
làm em trăn trở
làm anh hạnh phúc
(Sự tự do của đêm)
Điều quan trọng là mọi chủ thể phải biết loại bỏ những ý niệm xấu, đưa tất cả mọi thứ trả về với tự nhiên hoàn hảo, thì khi ấy, mọi sự xấu đẹp sẽ hiện hữu như chúng vốn có, không ngụy tạo. Cái tốt và cái đẹp sẽ lên ngôi: “Trên thế gian có bao người cô độc/ hãy kiếm tìm hạnh phúc ở quanh ta!” (Bóng chiều trước ngõ nhà ba). Lê Bá Duy đã đến lúc luôn thao thức về quê hương nguồn cội của mình trong tận cùng sâu thẳm với những quan hệ bản chất và quan hệ tương tác bền vững, tốt đẹp:
Từ Tình Giang tôi lớn
từ nỗi đau ông cha tôi ngẫm điều mất mát
cuộc sống kiếp người dẫu thế nào vẫn cứ hát
bài hát yêu thương….
(Từ Tình Giang tôi lớn)
Không phải ngẫu nhiên mà ở thi tập này, Lê Bá Duy luôn nghĩ về quê hương và những người thân với cảm giác níu giữ và hoài vọng, sợ mất mát, hụt hẫng trước dòng thời gian luôn thao thiết chảy: “Từ khi mình biết buồn và nhớ/ quê ngoại An Nhơn gắn bó rồi/ lòng tôi từ ấy thường dậy sóng/ Nơi nào cũng thương mến khôn nguôi” (Quê ngoại). Anh sợ sự đổi thay của cảnh vật và sự nhòa nhạt tháng năm:
Lâu lắm rồi cháu chưa về xóm cũ
giờ phố cao, quán xá mọc lên nhiều
trường mầm non thay vào dòng sông nhỏ
ruộng xưa giờ nhà mới biết bao nhiêu..
(Nhớ An Nhơn)
Mà đau và xót nhất là trong khói hương nhòa nhạt, không còn nhìn thấy hình bóng mẹ dáng lưng còng để giờ giọt mắt lại rưng rưng:
Chiều buông tưởng mẹ lòng chùng xuống
rét run nhang khói ấm lưng chừng
con nghe quạnh vắng niềm cô độc
ước gì… rồi mắt cứ rưng rưng…
(Với mẹ chiều nay)
Với cha cũng vậy, trong cõi vô thường, hình bóng cha luôn ẩn hiện trong ngọn lửa hồng thắp sáng trong đêm: “Chiều tối về nhóm lửa/ thắp những niềm riêng trong cõi vô thường”. Ngọn lửa từ hiện thực lan sang ngọn lửa tâm cảm và tâm tưởng của người thơ để vỗ về, thương nhớ:
Một đời cha mưa nắng dãi dầu
ngọn lửa trong tim vẫn luôn giữ.
(Nhóm lửa)
Lấy tên tập thơ là Nghiêng một giấc trưa đã cho thấy tư thế và tâm trạng của người thơ luôn có sự trăn trở, thao thức nội tâm. Phải vậy không mà thơ Lê Bá Duy thường trực nhạy cảm trước những va đập và sang chấn tâm lý giữa cảnh vật và con người. Mọi diễn biến chung quanh dễ làm anh tổn thương và xa xót. Ví như sự se lòng trước hoàn cảnh đáng buồn của người bán vé số cuối năm: “dẫu biết lẽ đời, lẽ tồn sinh…. cát bụi/ vẫn nhói lòng se thắt tim ơi!” (Những ngày giáp Tết). Nghiêng trở bên nào cũng thấy thơ dường như bất lực. Nỗi buồn từ đó lên ngôi: “Ta về gom nắng đông sang/ sưởi hồn thi sĩ mênh mang nỗi buồn/ muốn lên uống nước thượng nguồn/ phải qua truông thác gió sương bạc đầu”. Vậy nên, tiếp theo trong thơ là sự trăn trở về thế thái nhân tình:
Trăm năm con nước qua cầu
nghìn năm sông núi dãi dầu nắng mưa
ta nằm nghiêng một giấc trưa
trở mình đau cả thân bừa ruộng văn
(Nghiêng một giấc trưa)
Mọi thay đổi hoặc rạn vỡ, dù nhỏ cũng làm cho người thơ hụt hẫng, tiếc nuối và nhiều lúc cảm thấy mình bất lực trước những hy vọng và lựa chọn. Ngay cả tình yêu và nỗi nhớ cũng có gì mong manh, bất ổn khi tựa vào cánh khói: “Tôi theo khói hương/ trên ngọn những cây nhang/ khởi nguồn nỗi nhớ” (Đêm giáng sinh). Hoặc khi soi vào thiên nhiên:
Trong căn phòng ngột ngạt
anh nằm thương nhớ em
ngoài kia trời sắp sáng
trăng chiếc rơi đầu thềm
(Nhớ)
Khi ấy, rượu có thể là chất xúc tác giúp anh phần nào vượt qua mặc cảm bi ai trần thế: “Đã có lúc chúng ta ngồi với rượu/ tâm giao trong lướt khướt men nồng”. Trong men rượu, tháng năm buồn có thể tạm thời lắng lại để nhường chỗ cho nỗi an ủi tạm thời: “Rồi tháng năm đi ngang chân mây/ ta và rượu lúc nhập-tan-vui- khổ/ gặp tri kỷ ly ngang mày tao ngộ/ rượu -thơ -và… tình chấp chới tầm bay…” (Thưa). Rồi sau đó, trở về với sự bình thản, tin yêu:   
Giờ ta xin cốc nước màu tinh khiết
thay rượu mời cạn chén men yêu
xin đừng ép, và đừng nài nỉ…
vẫn bên nhau trong thương mến lâu dài
(Thưa)
Khi ấy, ngôi nhà tâm hồn của chính người thơ lại xuất hiện những cung bậc khác nghiêng về cảm xúc và tâm trạng. Anh hình dung về môt thiên đường mộng ảo. Nơi đó, không có chiến tranh, oán thù, lừa lọc, chỉ có tình người cao đẹp và thăng hoa mọi giá trị tốt đẹp vĩnh hằng: “Nếu một ngày được lên trên ấy/ chắc là đẹp hơn trần gian này/…/hoa vô ưu mọc thơm trên mặt đất/ những nụ cười vang trong không gian…”. Nhưng rồi, nhà thơ vẫn ngờ vực về một thiên đường có thực. Và nhận ra, đó chỉ là mộng mơ, ước khát, nên tốt nhất là phải trở về với thực tế cơm áo đời thường:
Thiên đường ở đâu trong tương lai?
nơi ấy khi nào ta đến được!
thôi hãy dậy và lo cơm nước
để mai rồi phiêu lãng chốn ta mơ…
(Hình dung về thiên đường)
Và như qui luật phản ứng của tâm lý tự vệ, Lê Bá Duy thường níu giữ kỷ niệm và níu giữ những gì mình trót ân huệ ở trần gian để biết mình tồn tại trong nuối tiếc: “ta cầm tóc đắng trên tay/ đi qua muôn nỗi hao gầy tháng năm”. Chỉ có cách thế, may ra đời còn có nơi để yêu thương và nương tựa, để nghe được tiếng thời gian rơi từng giọt trong ngần: “thời gian trôi ngược dần/ tiếng đồng hồ tích tắc/ trong tiếng ca trong ngần” (Tiếng thời gian). Nhà thơ muốn cầm mãi thanh tân để vỗ về ký ức, dù đó là hương khói bóng ngày qua: “Ta cầm khói nhang bay/ giữ chút tình năm cũ/ tiễn nỗi buồn đã rũ/ về cuối xa chân trời” (Ngày ba mươi). Mà ký ức là những kỷ niệm đáng cầm giữ nhất để đồng hiện mình trong hiện tại:
Ta cầm kỷ niệm xa xăm
lấp đầy ký ức tròn rằm mùa Xuân
ta cầm mãi nét thanh tân
biết rằng quy luật… vẫn tần ngần yêu…
(Mùa xuân thơ)
Thơ Lê Bá Duy thuộc về mỹ học của nỗi buồn và cái đẹp bình dị giữa nhân gian nên dễ đồng cảm và sẻ chia với mọi chủ thể tiếp nhận: “ta ngồi ta với lặng thinh/ nghe làn gió hát ru tình tuổi thơ” (Ru tình tuổi thơ). Anh còn nghe được tiếng mùa nhân từ và bao dung đi qua mắt nhìn nhân ái như cổ tích một thời xa:
Mùa trĩu quả trong mắt nhìn xanh thắm
rụng yêu thương năm tháng khôn ngừng
con se sẻ hót cuối vườn cổ tích
lá nhân từ che kín trái bao dung…
(Trái bao dung)
Cũng như ở những thi tập trước, Lê Bá Duy luôn mang khát vọng bơi ngược dòng sông ký ức cội nguồn để tìm thời gian đã mất. Nhìn vào sự vật và hiện tượng nào, anh cũng thấy loang lổ ký ức. Chúng hiện về từng vết, từng mảng và lưu dấu trên từng chứng tích u trầm làm lay thức lòng người:
Xa kia là tháp cổ
ký ức xưa vọng về
vết thời gian loang lổ
trong lòng người xa quê
(Chiều Nhơn Khánh)
Để hóa giải những chao đảo và bất ổn, Lê Bá Duy thường tựa vào thiên nhiên để không ngừng nuôi hy vọng. Cái nhìn sinh thái thiên nhiên tích cực trong anh có khả năng biến thành cái nhìn sinh thái văn hóa tinh thần tốt đẹp để an ủi tâm hồn dễ thương tổn. Khi ấy, thiên nhiên trở nên tương thông và tương cảm với con người một cách nên thơ và hòa quyện: “Mùa đông về nghe tiếng hát gọi xuân/ rung rinh vườn thơ nhè nhẹ/ ngôn ngữ nhảy múa gọi tình” (Đông về). Vì vậy mà mùa xuân vẫn lung linh, lãng mạn: “tháng Hai nụ chớm hình/ xuân dùng dằng nét cọ/ vẽ mây trời lung linh” (Tháng giêng). Đó là cách nhìn đời và cảm nhận thiên nhiên khôn ngoan nhất mà không phải lúc nào ai cũng nhận ra và cảm nhận nó bằng tâm cảm để nghiệm suy về lẽ đời và tình người. Bài thơ Rớt là một minh định như vậy:
Rớt ngày ngồi cõng đêm sinh
rớt đêm nẩy đoá bình minh bên đời
rớt nhau cũng bởi cạn lời
rớt thông cảm rớt những mời mọc đau…
Trước biển Quy Nhơn, nhìn đêm Nhật Lệ phản chiếu ngàn sao, qua đèo Hải Vân, vịnh Lăng Cô bãi đẹp, hay ngước nhìn đỉnh Lang Biang huyền thoại, đứng trước tượng đài Quang Trung uy nghi, trước cảnh đẹp Vũng Chùa – Đảo Yến hoặc lúc trầm ngâm dưới chân tượng Phật…, nơi nào cũng đánh thức trong tâm cảm Lê Bá Duy một liên hệ nhân sinh sâu sắc và hiện lên vẻ đẹp minh triết. Chính nhờ cái nhìn sinh thái nhân văn và sinh thái thiên nhiên nói trên đã giúp nhà thơ liên hệ và đặt chúng trong từng mối quan hệ “thiên nhân tương dữ” cụ thể để suy nghiệm về chính thiên nhiên và con người thông qua cái nhìn tương sinh, tương cảm, có khi là cái nhìn tương hợp, điều bình sinh thái một cách tích cực. Tôi minh chứng bằng một quan hệ. Nghĩ về cuộc đời và sự nghiệp vĩ đại của Võ Nguyên Giáp, nghĩ về nơi an nghỉ vĩnh hằng của vị đại tướng lừng danh, Lê Bá Duy đã nhân đạo hóa và bình thường hóa mối quan hệ giữa non nước biển trời và sự anh minh của một vị tướng luôn sống giữa lòng dân để còn đây: “Vũng Chùa, Đảo Yến rưng rưng tình Người/ nhìn ra biển ngút trùng khơi/ gió đưa sóng bạc ru hời ngàn năm”. Từ đó, nhà thơ đúc rút thành quan hệ giữa con người và thiên nhiên như một sự hô ứng anh minh:
Một đời Người thật anh minh
vì dân nên sống hết mình với dân
đất thiêng hồn lọc trong ngần
khí thiêng lan tỏa vạn lần người ơi!
Và chính người thơ đã bị thu hút với trạng thái ngất ngây, linh thiêng kỳ lạ trước sự tương hợp tâm linh giữa cảnh vật và một vĩ nhân:
Dang tay đón ngọn gió trời
thổi vào con với những lời mê say
Vũng Chùa con đến chiều nay
nén tâm nhang cứ xè cay mắt mình…
(Từ Vũng Chùa – Đảo Yến)
Khép lại bài viết, tôi muốn đề cập đến mảng thơ tình của Lê Bá Duy. Quả là ở tập thơ này, Duy chưa đưa vào những bài thơ tình mãnh liệt, nồng say ở tuổi khát yêu và say yêu như ở các tập thơ trước. Tình yêu trong tập thơ này có thể gọi là kinh nghiệm yêu được sàng lọc qua năm tháng vui buồn, giờ chỉ thêm vào những đánh giá có tính triết mỹ mà trước đây, thơ chưa kịp thức nhận, xúc động sâu sắc và ý vị. Ví như câu thơ: “Nỗi đau nào cũng giúp ta lớn lên” (Nương nhau qua cõi này) là một đúc kết. Hoặc những đúc kết khác: “Băng qua cõi người/ câu thơ không bao giờ vắt cạn hy vọng/ vẫn xanh trong ký ức/ vang trong tim/ lời gọi tình vọng mãi không gian” (Không bao giờ vắt cạn). Bài thơ Gửi em là kỷ niệm những ngày xa mong nhớ đẹp như vầng trăng hư ảo:
Câu thơ nhoi nhói trong tim
mang hồn của lửa đi tìm giá băng
từ trong thương nhớ vĩnh hằng
em như ảo ảnh vầng trăng thuở nào
Và anh rút ra một ý nghĩ rất giản dị, nhưng sâu thẳm nơi cõi trần gian đa đoan và hệ lụy: “Phút chơi trong cõi vô thường/ vui dù nhỏ bé…lượng mong hải hà” (Trong cõi vô thường). Nơi ấy, có mẹ luôn bao dung, che chở: “Cảm ơn Mẹ đã sinh ra con!/ biết hạnh phúc nở hoa trên dòng lệ/ biết phận người như một giấc chiêm bao” (Cảm ơn mẹ). Mẹ và em mãi là nguồn ân tình trong trẻo:
cảm ơn em, cảm ơn em!
cảm ơn cuộc sống gieo thêm ân tình
cảm ơn mẹ sanh ra mình
ta bà dạo bước xùng xình cuộc chơi…
(Cám ơn cuộc đời)
Vì thế, con người phải biết yêu quí và thân ái với thiên nhiên để còn “xùng xình cuộc chơi”, còn mãi niềm tin yêu tươi xanh như hoa cỏ: “Trong dàn hợp tấu đồng thanh/ bài ca thế giới an lành…/ trái đất có còn xanh/ em có còn trong anh?” (Mùa hạ cháy). Một câu hỏi không cần câu trả lời, nhưng hy vọng thì đã rõ!
Trở lên là cái nhìn ngang, phóng lướt về nội dung thơ Lê Bá Duy, dĩ nhiên là chưa đầy đủ. Nhân đây, tôi muốn nói qua về hình thức thơ Lê Bá Duy, cũng ở dạng phóng lướt. Ở các tập thơ trước, anh thường quan tâm đến các thể thơ cách luật như: 5 chữ, 7 chữ, 8 chữ, thơ tự do ngắn và lục bát với cấu trúc phân nhiều khổ, mỗi khổ 4 câu, gieo vần quen thuộc của thơ Việt hiện đại (vần liên tiếp, vần gián cách, vần cổ truyền, vần ôm…). Tiết tấu cũng được chú ý tối đa để cho nhịp điệu/ ngữ điệu tuân thủ theo nhịp hình thức và nhịp nội tâm. Đến tập thơ này, Lê Bá Duy có linh động hơn và chủ yếu là theo nhịp tâm trạng. Vì vậy mà câu thơ tự do, xuống dòng, bậc thang và các liên kết từ ngữ được thể hiện đa dạng, phóng túng hơn. Chúng tôi xem đây là sự đổi mới hình thức theo chiều hướng của các nhà thơ trẻ hiện nay mà Lê Bá Duy quan tâm thể hiện. Vấn đề là anh nên gia tăng tính nghiệm sinh, triết mỹ và tư duy song song, đối lập cũng như các biện pháp tu từ độc đáo thông qua việc sử dụng ngôn ngữ ý tượng giàu biến ảo thì hiệu quả thẩm mỹ sẽ cao hơn, hiện đại hơn. Chỉ có thông qua thơ – thể loại đa hình hài, đa cảm xúc, sẵn sàng cho mọi biến hóa và sáng tạo về hình thức phù hợp với từng cảm xúc và tâm trạng điển hình của nhà thơ thì khi ấy, nhất định thơ sẽ mới, sẽ hay và bất ngờ trong tiếp nhận của người đọc. Công bằng mà nói, ở Nghiêng một giấc trưa, Lê Bá Duy chưa thật sự đáp ứng hết nhu cầu ấy của bạn đọc cao cấp/ đồng sáng tạo một cách tối đa, nhưng anh đã có những bứt phá trong thể nghiệm và bước đầu thành công. Cần phát huy thể nghiệm theo hướng này một cách nghệ thuật, để thơ không tĩnh tại. Và đặc biệt là để thơ không cầu kỳ, tắc tị, làm dáng như một số nhà thơ trẻ mắc phải.
Gần mười năm im lặng, đã đến lúc Lê Bá Duy hiện sinh cảm xúc và thơ tự tách vỏ trong ngôi nhà tâm hồn của mình để cho ra đời “Nghiêng một giấc trưa” với bao suy tư, trăn trở. Nghiêng bên nào cũng thấy hình bóng và nỗi niềm của mình giữa bao nhân tình thế thái. Chung và riêng, đời tư và thế sự, tình người và tình yêu… luôn vỗ vào thơ muôn nghìn lớp sóng. Không cầm bút không đành! Cố quên thì lòng càng nhớ! Quá khứ – Hiện tại – Tương lai luôn quyện vào nhau, sau đó đồng hiện trong cái nhìn bao dung, nhân ái, mong mọi tốt đẹp rồi sẽ lên ngôi, nỗi buồn sẽ vơi bớt để thơ mãi mãi đồng hành cùng niềm vui và nỗi buồn, thơ vực dậy cái đẹp vĩnh hằng giữa thiên nhiên tươi xanh và cõi người nhân hậu.
17/10/2023
Hồ Thế Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Văn hóa chửi

Văn hóa chửi Nhiều lúc tôi cứ tự hỏi sao chưa có nhà văn hóa nào nghiên cứu về cái sự “Chửi” nhỉ? Hôm nay ngồi buồn tôi mở máy vi tính, th...