Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Hà Quảng - Thao thức những miền quê

Hà Quảng - Thao thức những miền quê
(Lời bạt tập thơ "Thao thức" 
của Hà Quảng, Nxb Văn học, 2013)
Thơ là tiếng vọng cuộc đời qua gạn lọc từ trái tim thống thiết của nhà thơ. Nhưng từ cổ chí kim cũng không ít người làm thơ chỉ vì thơ. Những nhà thơ này thường chuyên chú làm dáng thơ, dày vò câu chữ thơ cho dù sự dày vò đời còn chưa thấm. Chỉ là thơ khi thấm nỗi đau đời, thấm tận cùng vào lòng thơ để bật ra câu chữ. Câu chữ luôn chỉ là công cụ diễn đạt của tiếng lòng, nó cứ tuôn ra tự nhiên, hồn nhiên, vô tư như con trẻ khóc cười. Nhưng trẻ con khóc thì cũng có tiếng khóc thật vì đau, vì không vừa lòng một cái gì đó (cho dù là rất vu vơ), rồi cũng có tiếng khóc giả vì làm nũng, vì không là một cái gì cả… khiến người lớn bật cười. Rồi khi trẻ thơ cười, cười hồn nhiên vô tư cả những chuyện người lớn thấy chẳng có gì là đáng cười (có khi lại gần như muốn khóc). Ừ ! Thì thơ là thế. Hãy cứ cười khóc vô tư, hồn nhiên đừng để ai thấy mình gượng ép nước mắt, gượng ép nụ cười, gượng ép câu chữ… và muôn thứ gượng ép vô hình khác nữa. Tình thật là thơ. Hoa ngữ, hoa ngôn lòe loẹt, múa may (cho dù rất mô-đen), chẳng ai có thể gọi là thơ. Xưa nay, tôi cũng làm thơ, tôi cũng thích thơ hay, khâm phục những người làm thơ hay. Và tôi cũng biết thơ dở, nhưng chưa bao giờ dám nói thẳng với ai là thơ họ dở. Vì anh thấy dở, đó là quyền của anh. Dở thì anh đừng đọc, còn với người làm thơ thì tiếng khóc, tiếng cười của họ nó vô tư, thật thà như tấm lòng họ vậy (Tất nhiên, trừ những người cố làm cho ra thơ một cách vần vè). Tôi đến với thơ Hà Quảng bằng một tâm thế như vậy. Và tôi phục Hà Quảng vì anh là người rất chân thật cùng thơ. Không làm dáng. Không điệu đàng. Cứ thật thà như đếm. Thấy rung động lòng là rung động thơ. Chẳng một chút cố ý làm dáng thơ, cố “cách tân thơ”. Lòng mình sao, sức mình sao, cứ vậy mà viết. Vừa nhẹ nhàng vừa khỏe re như một cuộc chơi chẳng cần lỗ lời, chẳng cần cân đong đo đếm, chẳng cần vì một cái danh gì, chỉ miễn đó là tiếng lòng mình rung động cùng bộn bề thương, bộn bề buồn, bộn bề lo toan (có lúc cũng vui cùng) với muôn mặt của cuộc sống muôn màu yêu yêu ghét ghét.
Xưa nay, thơ của các nhà giáo thường hiền hơn thơ của các nhà thơ. Âu đó cũng là bản chất người, bản chất nghề mà có. Thơ nhà giáo hồn nhiên, lãng mạn mà hiền hậu, thiệt lòng, ít muốn phá phách, lại càng không bao giờ muốn làm người giả dối. Hà Quảng là nhà giáo thứ thiệt, học Sư phạm Văn, và dạy văn cho mãi đến bây giờ. Xét theo triết lý Âm Dương thì đây là một nghề Âm tính (trọng tĩnh, trọng tình). Có phải thế chăng mà mỗi lần được di động, xê dịch (Dương tính) là Hà Quảng lại “quân bình Âm Dương” với những rung động của lòng mình trước những mới lạ mà mình bắt gặp trên cuộc du hành thơ ca bất tận. Anh thao thức với thơ, thao thức với tình (mà với tình thì Hà Quảng hiền lành quá, ít “đột phá” quá),  nên đau đáu trong anh là thao thức với những miền quê - những nơi anh đến và anh yêu. Phải yêu mới ra thơ chính là vì lẽ đó.
Nhà triết học nói: - Tôi tư duy là tôi tồn tại. Hà Quảng cười: - Tôi thơ là tôi tồn tại. Tôi lại thêm: - Ông cứ thơ đi, dù ông không tồn tại. - He !he!… Đã…
Đến với những vùng quê xa, anh mê đắm nó, thao thức nó… Bỗng có tiếng thét: - Nó nào?- Nó, của những vùng quê xa tôi đến và tôi yêu. - Yêu à? Làm gì có chuyện mới gặp mà yêu? Nóng vội thế? - Tôi không biết! Thưa đ/c. Tôi chỉ làm thơ… - Làm thơ thì được. Yêu thì không được! Vội lắm đ/c ơi! Không được nóng vôi nhé, nhé! - Vâng, tôi xin tuân lời, nhé… Chỉ yêu mà không… nóng. Nhé!
Và vậy là anh thỏa lòng thao thức (Dù ai cũng biết thao thức là nỗi khổ nhất trên đời vì… mất ngủ)… Anh đi về phương Nam, nào là Bà Rịa: trời Bà Rịa mưa rơi/ chúng mình/ uống rượu (Uống rượu với bạn đồng hương tại Bà Rịa); nào là các em sông Tiền mênh mông: Ngày em về có thấy/ Dòng sông Tiền ngẩn ngơ (Mai em về)... Rồi Sài Gòn hè: Anh viết bài thơ chầm chậm vào hè/ Có cái gì nao nao trời Sài Gòn mơ mộng (Tháng tư); Sài Gòn nhớ: Rưng rưng lệ em thấy mình bỡ ngỡ/ Trời Sài Gòn mang nỗi nhớ rất sâu (Khoảng lặng)…
Phương Bắc với đơn côi trước sân ga chiều Nghệ An: Anh đơn côi trước gió/ trước ga Vinh/ chiều buông! (Đơn côi), rồi hướng về Thủ đô với huyền sử một nghìn năm Thăng Long - Hà Nội:Bầu trời rực sáng/ khu tam quan chùa Ứng Tâm/ rung chuyển/ hương thơm ngào ngạt/ Phạm Thị trở dạ/ Lý Công Uẩn chào đời/ cây gạo sét đánh ghi lời truyền sấm/ đến nay đã nghìn năm (Trái tim hồng Tổ quốc)…
Lên Tây Nguyên với một chiều Đaknông cùng nỗi nhớ chất chồng:  Rồi một chiều anh chậm bước/ để nỗi nhớ chất chồng như núi/ khe suối Đăk Điên Clou em có còn gội tóc/ mà yêu thương vách đá mõi mòn (Chiều Nâm Nung)… Hướng về biển đảo thương yêu, nơi đang dậy sóng chủ quyền, nơi đang nối kết ngàn xưa với hôm nay và mãi nghìn sau… Với Hoàng Sa: Hải đội Hoàng Sa bao đời không quản nắng mưa/ Cứ dong thuyền ra khơi giữ đảo (Hải đội Hoàng Sa)… Với Trường sa: Tiếng chuông chùa trên quần đảo Trường Sa/ ngân vang/ ngàn âm thanh lan tỏa giữ cột mốc chủ quyền/ ngàn âm thanh lan tỏa giữ đảo chìm đảo nổi/ bình yên (Tiếng chuông chùa trên quần đảo Trường Sa)…
Tất nhiên! Mới mà không yêu sao được? Nhưng khi Hà Quảng đang sa đà theo nỗi thao thức về các miền quê xa anh mới đến… thì bỗng có một lời cảnh cáo bằng giọng lưỡi của nhà phê bình: - “Có mới nới cũ” à? Anh cười hiền bằng một giọng toàn vần bằng (cứ như kiểu “lưng chừng trời” cuả tiền bối Bích Khê): - Tôi “tri tân” thôi ông ơi! Nhà phê bình vì ít thuộc thơ nên phán ngay: - Sai rồi! “Ôn cố tri tân” chứ? - Thì tôi “tri tân” vì nhờ tôi đã từng “ôn cố”. - Vậy ông bảo tôi là “ôn cố” theo kiểu “miliket” à? Đừng coi thường tôi nhé! - Tôi làm thơ chứ có biết gì đâu mà dám coi thường với lại coi “không thường” ai…
Hà Quảng thiệt thà vậy đó, biểu thơ Hà Quảng làm sao giả dối cho đành. Anh “ôn cố” những miền quê gần, cả chính quê mình. Anh trăn trở vì nó, thao thức vì nó, và thơ vì nó… Đó là những con đường quê anh gắn chặt với bước chân tuổi nhỏ: Bây giờ con đường ngày ấy/ Đi cùng hoài niệm tuổi thơ/ Thương cha lưng còng vất vả/ Âm thầm mẹ đắp ước mơ (Con đường ngày xưa). Là dòng sông Vệ thân thương gắn chăt với một đời thơ anh: Bao kỷ niệm ùa về xa xăm quá/ Sông Vệ mùa này con nước đầy vơi/ Để anh nhớ đêm trăng vàng Vạn Mỹ/ Anh ngập ngừng đếm từng giọt sao rơi (Sông Vệ). Rồi một làn gió mặn mòi của biển quê hương: Bâng khuâng chiều Đức Lợi/ Gió biển nồng thoảng bay/ Mùa thu về phía trước/ Hỡi ai người có hay? (Một chiều thu)…
Với những vùng quê ngoài Mộ Đức (nơi anh đang dạy học và sinh sống), hầu như đến đâuHà Quảng cũng có thơ. Anh rung động với một chiều Tư Nghĩa quê anh: Con sóng lòng lênh đênh/ dáng ai chiều Cửa lở/…/ mưa xuân giăng giăng/ ngày anh về/ âm vang Thu Xà xưa/ xa…/ đã xa! (Âm vang Thu Xà xưa). Tư Nghĩa với Thu Xà có Bích Khê thì Bình Sơn với sông Trà Bồng có Tế Hanh. Hà Quảng đến Bình Sơn, và thơ lên tiếng: Sông Trà Bồng chảy qua thơ Tế Hanh/ Người đọc nghe tiếng chim trên lũy tre buổi sáng (Sông Trà Bồng). Nhưng Bình Sơn đâu chỉ có Tế Hanh. Bây giờ đã có cả một Khu Kinh tế đồ sộ gây tiếng vang trên cả nước. Đến Bình Sơn mà không đắm say cùng Dung Quất thì không thể là Hà Quảng:  Anh yêu em đến tận cùng ngày tháng/ Để nhớ nhung Dung Quất biển chiều (Bầu trời Dung Quất). Anh yêu thương đến bao dung “chín bỏ làm mười” cùng Lý Sơn: Đường lên chùa Đục quanh quanh/ Đỉnh Thới Lới nắng vàng xanh cuộc đời/ Yêu nhau bỏ chín làm mười/ Người thương khác họ thắm tươi nụ hồng (Lý Sơn quê em). 
Một quãng đời tuổi trẻ, một quãng đời dạy học gắn bó với Lý Sơn, anh đã “chộp” được những câu thơ da diết, đậm đà như từng viên tỏi một: anh có những ngày mùa đông Lý Sơn/ lúc thiếu gạo đèn dầu không thắp được/ và anh có em như có niềm ao ước/ kỷ niệm dồn về bão tố mùa đông (Mùa đông Lý Sơn). Lên Nghĩa Hành, Hà Quảng đã kịp chắt lọc được những dòng thơ biết làm cho “đá cuội” vô tri cũng nói được lời yêu thương, ân ái: Ai thả hồn vào tận giấc mơ/ để đá cuội biết nói lời ân ái/ nơi thượng nguồn có xuôi về biển rộng/ anh yêu em yêu đêm hội ở Trũng Kè (Đêm hội ở Trũng Kè). Lên với vùng cao Ba Tơ, anh đã dành những câu thơ trong như nước đầu nguồn để ngẩn ngơ cùng người bạn gái đồng nghiệp:  Chiều Ba Tơ đầy vơi/ Sao lòng ai ngơ ngẩn (Cô giáo vùng cao). Về lại với thành phố bên dòng sông Trà thân thuộc, anh lại cũng tìm được một địa danh rất thơ, rất tình và cũng rất “thương” để gửi gắm tình vương: Người con gái mộng mơ/ Chiều Tam Thương có biết/ Cánh buồm nâu tha thiết/ Tình vương vương sông Trà (Sông Trà)…
Gắn lòng với quê mình, anh cũng không quên quê vợ. Nhưng ai lại tự đi ca ngợi quê vợ mình dù thừa biết “thơ mình, vợ người”. Vậy là anh “nịnh vợ” bằng cách nhờ con nói hộ: Mẹ con quê Hà Tĩnh/ Tuy đất hẹp khô rang/ Nhưng tình người chan chứa/ Biết yêu chồng thương con (Quê hương). Đâu chỉ có “nịnh vợ”, anh “nịnh” cả quê hương vợ (quê ngoại con mình) bằng những lời thơ mộc mạc, chân thành như những đặc sản ẩm thực của vùng quê hương ấy: Quê ngoại con có cà/ Có nhút tương làm mắm/ Có cam vàng chín mọng/ Đợi con về bà vui (Quê hương)…
Thao thức thơ là thao thức tình. Tình thơ Hà Quảng trải khắp những vùng quê anh đã qua. Có thể nói, thơ Hà Quảng là ngọn đèn dầu mãi cháy sáng (dù rất âm thầm) nhưng đầy sức lan tỏa…
Quảng Ngãi, những ngày nắng 
sau Nguyên Tiêu 2013.
 Mai Bá Ẩn
Theo http://www.bichkhe.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Những Vầng Trăng Xưa Đêm về khuya, dù thời tiết đã vào xuân, ngoài trời vẫn còn rất lạnh, cái lạnh của vùng đất ôn đới. Không gian về ...