“Trường ca chân đất” (2012) là trường ca thứ 10 của
Thanh Thảo vừa làm nên cú hat-tríc 2012: Giải thưởng của Ủy ban toàn quốc Liên
hiệp các Hội VHNT Việt Nam, Giải thưởng Hội Nhà văn Việt Nam và Giải thưởng Hội
Âm nhạc Việt Nam (Hợp xướng “Chân sóng” do Nhạc sĩ Văn Phượng phổ từ một
chương của trường ca này).
Nghe tin anh được giải, tôi đến chúc mừng, anh tâm sự với tôi
mà như nói với chính mình: “Vậy là tính từ tác phẩm anh được Giải thưởng Hội
Nhà văn đầu tiên năm 1979 “Dấu chân qua trảng cỏ” (xuất bản năm 1978) đến bây
giờ mới lại được giải thưởng lần hai với “Chân đất”. Gần 34 năm rồi còn gì, một
đời người làm thơ rồi chứ có ít đâu. Gần 34 năm ấy, có người đã tự bỏ cuộc với
thơ, có người vẫn sống với thơ nhưng không vượt được chính mình. Anh còn giữ được
thơ đến mãi giờ này quả là một sự nỗ lớn vượt lên với chính mình rồi. May quá,
năm 2012, tình hình kinh tế khó khăn không vận động được tài trợ cho
học bổng “Vì trẻ em Sơn Mỹ”... Anh nghĩ, tiền giải thưởng của mình, suy cho
cùng cũng là tiền của dân đóng góp, nên số tiền thưởng này, anh sẽ
dành trao học bổng cho trẻ em Sơn Mỹ vượt khó, học giỏi”.
Với “Trường ca chân đất”, Thanh Thảo lại một lần nữa làm mới
cấu trúc trường ca của mình. Với cấu trúc 9 chương, đều bắt đầu từ chữ “Chân” mà
Chu Văn Sơn gọi là cấu trúc “nan quạt” hoặc cấu trúc “chuỗi tràng hạt”(Japa
mala) (1). Nhưng theo tôi, “Trường ca chân đất” là sự tiếp biến và nâng cao lên
trên nền tảng cấu trúc của hai trường ca trước đó của anh: “Khối vuông ru-bích”
và “Trò chuyện với nhân vật của mình”.
“Khối vuông ru - bích” là cấu trúc chuyển động tròn (theo kiểu
vòng tròn mở không có tâm); tâm chỉ hình thành khi người đọc tiếp nhận bằng
cách “xoay” các “khối vuông thơ”. “Trò chuyện với nhân vật của mình” thì chính
cụ Đồ Chiểu là “tâm thơ” để làm cuộc “trò chuyện” với toàn bộ các nhân vật
trong tác phẩm của mình xoay quanh mình (tác giả của các nhân vật đó) trong một
đêm ở đồng bằng sông Cửu Long qua bút pháp đồng hiện tài hoa của Thanh Thảo.
Còn “Chân đất” là một vòng tròn đồng tâm hẳn hoi. Lấy “Chân đất” làm tâm thơ, từ
tâm “Chân đất” lan tỏa ra (suy diễn ra) 9 chân khác (Chân tre, Chân ruộng, Chân
mưa, Chân núi, Chân cò, Chân tháp, Chân mây, Chân sóng, Chân lũy); rồi từ
9 “chân” kia lại tụ về (quy nạp về) làm nên “Chân đất”. Vì lẽ đó mà “Chân đất”
là tên trường ca mà không đứng thành một “Chân”/chương riêng (và nhất định cả
Thanh Thảo và người đọc đều không ai nghĩ đến cái chương “Chân trời” - đối lập
với “Chân đất” vì như vậy sẽ bị đối trọng, bị lệch tâm, mất “chân”). Vòng tròn
đồng tâm này chuyển động mở ra và thu về liên tục tạo nên “một hào quang thơ
chín tia sáng” lung linh, biến hóa (theo kiểu cấu trúc đèn Led hiện đại) được
“lập trình” một cách hoàn chỉnh, chặt chẽ, không có một “chân” nào có thể bung
ra khỏi cấu trúc, và cũng có thể tự do chuyển hóa, bổ sung, lan tỏa ánh màu lẫn
nhau.
Ở “Trường ca chân đất”, Thanh Thảo xếp theo trật tự các
“chân” từ 1 đến 9 (Từ “Chân tre” đến “Chân lũy”) nhưng lại không
đánh số chương cố định như ta thường thấy ở trường ca theo kết cấu chương.
Thanh Thảo rất có ý thức và anh đã thực hiện cấu trúc của trường ca mình đúng
như vậy. Người đọc khi tham gia tiếp nhận, có thể thay đổi trật tự các
“chân”/chương mà không nhất thiết phải theo trật tự bố trí của nhà thơ. Lúc đó,
với vai trò là một “đồng sáng tạo”, người đọc có thể cấu trúc trở lại các
“chân”/chương của trường ca theo ý thích riêng mình. Người đọc còn có thể bớt
(không đọc) một vài “chân”/chương mà chỉ đọc những chương mình muốn biết (hoặc
mình thích). Hơn nữa, với cấu trúc “vòng tròn đồng tâm lan tỏa” này, những người
đọc thuộc ngưỡng tiếp nhận cao (những nhà thơ) có thể “sáng tạo” thêm nhiều
“chân”/chương nữa (Ví dụ: Chân mạ, Chân đồi, Chân trâu, Chân chim… hoặc mở rộng
ra hơn với những Chân thật, Chân lý, Chân khí, Chân dung…) để thực sự trở thành
một “đồng sáng tạo” khi tiếp nhận tác phẩm văn học. Tất cả đều có thể… mà hoàn
toàn không làm chệch được tâm “Chân đất” của trường ca này. Muốn thu về, bung
ra, xoay quanh, phát hào quang mới tùy theo ý thích và cảm nhận riêng mình. Đó
là tính hiện đại trong cấu trúc các tác phẩm nghệ thuật hiện nay ở cả Việt Nam
và thế giới.
Chính
cấu trúc “vòng tròn đồng tâm lan tỏa” này, mà khiến ở các chương “Trườngca chân
đất”, Thanh Thảo đã tự do lan tỏa cảm xúc để mở rộng bình diện phản ánh từ quá
khứ đến hiện tại và nối cả tương lai; từ tâm “cái tôi chân đất” của quê hương
Quảng Ngãi, chỉ cần rung một nhịp chân là vòng sóng lan tỏa sẽ tỏa lan đến cả
quê hương, đất nước, nối cả biển trời Tổ quốc mênh mông.
Từ quá khứ 600 năm trước, những người trai Việt vào Quảng
Ngãi làm “lưu dân”: Một chàng trai sáu trăm năm trước/ một cô gái sáu
trăm năm trước/ vật vã trên bãi sông Trà/ gió mơn man da thịt/ mùi
bắp non mùi rong rêu mùi bùn nước sông/ ngai ngái/ đằm đằm trai gái
hoang sơ; đó chính là: cái bát người con trai Việt/ lăn lóc tìm
cặp mông người con gái Chàm bên chân Tháp; lan tỏa đến hôm nay, những con
người Quảng Ngãi lại “hành phương Nam” làm lưu dân lần thứ hai với tư thế “mặt
căng bình thản”: mỳ gõ thâu đêm Sài Gòn hoa lệ/ trứng cút thâu đêm
Sài Gòn mưa xé/ bánh xèo thâu đêm liu riu ngọn lửa/ xích lô thâu đêm
từng vòng cô đơn/ đất quê tôi hai lần thất lạc/ người quê tôi hai lần
lưu dân (Chân tháp)…
Về nguồn gốc trường ca, Thanh Thảo từng phát biểu: “Khi những
cảm nhận cá nhân và không khí chung của một xã hội, một dân tộc còn chưa nguôi,
chưa lặng, đó là thời điểm của xuất hiện những anh hùng ca, những trường ca” (2).
Lịch sử các cuộc chiến tranh giữ nước Việt Nam chưa nguôi lặng; biển Đông đang
dậy sóng; Lý Sơn của Quảng Ngãi gắn chặt với Hoàng Sa đang trở thành một mảnh
hình hài thiêng liêng của Tổ quốc, và là tiêu điểm khẳng định chủ quyền Tổ quốc...
Trong những dư chấn ấy, Trường ca thứ 10 của người con tài hoa Quảng Ngãi -
Thanh Thảo đã chào đời, và tạo ra những dư chấn, những vòng sóng lan tỏa làm
sáng thêm lên hình ảnh Quảng Ngãi trong lòng nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế.
Những ba động của sóng nước biển Đông, những dư chấn lịch sử
của vùng đất Quảng Ngãi hào hùng đã dội vào trường ca Thanh Thảo. Đọc “Trường
ca chân đất”, ta nhận ra ngay những gương mặt, những tâm hồn cùng tính khí đẫm
chất Quảng Ngãi. Và với cấu trúc “vòng tròn đồng tâm lan tỏa”, ta nhận ra ngay
cái hồn vía Việt, con người Việt, nhân dân Việt qua những gương mặt Quảng Ngãi
thân quen, qua sự chắt lọc tinh anh tài hoa của một thi sĩ Quảng Ngãi chính hiệu.
Cái cây tre ngâm đậm chất Quảng Ngãi: mắt rạng ngời/ mùi
hơi gắt vì đã được ủ kín trong bùn nhưng lại tỏa bóng về
sau/ không thể sống mà đau/ không thể chết mất gốc (Chân tre) chính
là cây tre Việt, ánh mắt Việt Nam, gương mặt Việt Nam thẳng ngay, cứng rắn,
kiên cường mà nhu hòa, uyển chuyển, nhẹ nhàng vẫy gió, gọi trăng.
Cái “tiếng rên”, “những cú xoay mình” của đôi trai gái Việt -
Chàm Quảng Ngãi 600 năm trước dưới chân tháp: bên bãi sông Trà/ gió mơn
man da thịt cũng chính là một giai điệu quen/ một bài hát không
lời (Chân tháp) hình thành nên, trải rộng ra thành chiều dài trong cuộc
hành phương Nam của cả dân tộc Việt.
Những người già Quảng Ngãi: tuổi ngót trăm ngày tăm xị
rượu/ lưng còng song song mặt đất/ dáng thảnh thơi như một chiếc tàu
bay/ bay chầm chậm qua mây mù u uất/ chở thênh thênh một đời nặng nhọc
(Chân ruộng) cũng chính là gương mặt người nông dân Việt Nam cần cù, chịu
đựng mà độ lượng, bao dung, đầy khát vọng.
Những lưu dân Quảng Ngãi trôi dạt về phương Nam, lòng vẫn hướng
về quê xưa cũng chính là cái bước đi của toàn dân tộc Việt. Tha phương lại nhớ
quê, tết đến lại nhớ quê. Cho nên: xin ba lạy cúi về làng xóm cũ/ ngẩng
đầu lên thấy Thạch Bích tà dương/ thấy đất Cù Trâu thấy bờ xe nước/ những
ống trúm nhốt giùm ta ký ức/ những con đò lơ lửng phía vầng mây/ ăn
tô don mùi nước sông đọng lại (Chân tháp). Đây chính là hồn Việt, người Việt,
tâm tình Việt. Mà tiêu biểu là Bác Năm Trì: lên 7 bác cọc còi theo cha ra
đồng đập đất cục/ thoang thoảng mùi phân bò với hình dong rất Quảng: trán
vồng như luống khoai/ tay chai bánh tráng sượng/…/ mặt đanh rắn đất cục
mùa phơi ải (Chân tre) quen “nói tục, chửi bậy” một cách vô hại
kia cũng chính là cái bản tính đàn ông của nông dân Việt.
Cái người mẹ Mộ Đức của Thanh Thảo, người mẹ Quảng Ngãi đang
“xay lúa” trên chiếc “cối xay tre” để làm nên: bát ngô rang giã lớ/ trộn
chút đường đen/ thơm cả chiều mẹ cho tôi ăn “ trong đầm đìa mưa tong tả” (Chân
mưa) nơi góc vườn cây khế trổ hoa/ người đi đâu mãi biết là đi đâu/
con ra ngõ trước con vào vườn sau/ ngó cây vú sữa lâu lâu mẹ về (Chân
mây) cũng chính là những bà mẹ Việt Nam chịu đựng, hi sinh, yêu Tổ quốc đến
tận cùng, dám hiến dâng cả một bầy con hi sinh cho Tổ quốc.
Cái con cò đứng một chân với người mẹ “nước mắt dòng
thành một chân cò” vì “sinh phải đứa con tật nguyền” (Chân cò) bởi
chất độc màu da cam kia, đó là nỗi đau đến Chúa cũng không thể cứu rỗi của người
mẹ Quảng Ngãi, người mẹ Miền Trung, người mẹ Việt Nam thời hậu chiến.
Thơ chống Mỹ đã cho ra đời “cái tôi thế hệ” mà trong đó
nổi bật nhất là “cái tôi Thanh Thảo”: một thế hệ thức nhiều hơn ngủ/
Xoay trần đào công sự/ Xoay trần trong ý nghĩ/ Đi con đường người trước đã đi/
Bằng rất nhiều lối mới (Một người lính nói về thế hệ mình), nhưng cái tôi
lính ấy, dù có nói theo “giọng nặng dây buồm” Quảng Ngãi thì vẫn là
cái tôi của cả một thế hệ trẻ Việt Nam chống Mỹ: Nhiều năm sau tôi
không nhìn thấy biển/ dù có “vượt trên đỉnh Trường Sơn”/ cũng không nhìn thấy
biển/ suốt thời ấy biển với chúng tôi là tận cùng/ cuộc chiến/ một là được trở
về với biển/ hai là không bao giờ (Chân sóng).
Những
ngư dân Lý Sơn, Quảng Ngãi mỗi bận xuống thuyền lại trực chỉ Hoàng Sa/ như
có ai dẫn/… mỗi lần bị bắt mỗi lần bị đánh/ lại trắng tay trở về dành dụm ra
khơi để vừa mưu sinh vừa cắm những cột buồm làm mốc biên cương Tổ Quốc
cũng chính là gương mặt của con người Việt Nam luôn tuyên bố không
thể sống thiếu Hoàng Sa/ không thể sống thiếu biển. Đó là những người lính Việt,
những anh bộ đội cụ Hồ nối vòng tay giữ đảo Gạc Ma ngày giặc đến, rồi anh
dũng hy sinh kết nên những tràng hoa biển bất diệt: Có những người lính đảo/
đã chết theo vòng tròn/ tay họ giăng ra và siết chặt tay nhau/ như một tràng
hoa biển/ không quỷ ma nào xé nổi/ tràng hoa biển ấy (Chân sóng).
“Trường
ca chân đất” do cấu trúc theo “vòng tròn đồng tâm lan tỏa” nên hơi thở của cuộc
sống hiện tại phả vào trường ca này không ít những trở trăn, âu lo: “(bây
giờ người Tàu sang xứ mình lùng mua đỉa/ đắt bao nhiêu cũng cân/ chắc họ mua về
thả ruộng (Tàu)/ cho đỉa bu sướng chân (Tàu)/ hút máu)/ người Tàu thật lạ/ họ
mua những thứ dân mình vứt bỏ/ và bán cho mình những thứ cả thế giới vứt bỏ”
(Chân ruộng), hoặc “suốt đời tôi cứ va phải những bức tường/ trơ lỳ u
mê/ hung hãn/ hoảng sợ” (Chân mưa)…; nhưng chính từ “chân đất” Quảng Ngãi
kiên cường, chính từ hiện thực những âu lo, trở trăn, thậm chí là hơi buồn ấy,
càng về cuối, trường ca càng lan tỏa một niềm tin về một tương lai tươi sáng, để
cuối cùng, đất nước Việt Nam vẫn vững vàng như “Chân lũy” (Chương cuối của trường
ca), đánh tan kẻ thù, dẹp tan tham nhũng, vươn tới “chân trời”: đừng than
phận khó ai ơi/ còn đá mọc lũy còn chỗi nẩy cây/ còn mình còn bạn còn đây/ ba
lý tang tình/ là còn đổi thay/…/ bình thản/ tươi vui/ đừng than đường khó/ một
viên đá còn góp nên thành/ đừng căng thẳng/ cứ hò lên cho bà lý nhẹ mình/ rồi
qua sông/ rồi qua núi/ rồi qua suối/ rồi qua ta/ chân mình qua chân lũy/ tới
chân trời”… (Chân lũy).
CHÚ THÍCH:
(1) Chu Văn Sơn (2012), “Chân đế ngàn đời chân khí hôm
nay”, Trường ca chân đất, Thanh Thảo, Nxb Hội Nhà văn, Hà Nội.
(2) Theo Lê Xuân Luýt (2001), Cảm nhận và phê bình
văn học, Nxb Đại học Quốc gia, Hà Nội.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét