Chủ Nhật, 27 tháng 1, 2019

Tâm thức Việt trong "Đội gạo lên chùa"

Tâm thức Việt trong "Đội gạo lên chùa"
Trong "Đội gạo lên chùa" tác giả đã gắn lòng thương yêu con người như một bản tính Việt vào tinh thần từ bi hỷ xả ở đạo Phật và coi đây như một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong tác phẩm.
Viết văn từ cuối những năm năm mươi nhưng trong số những đầu sách đã xuất bản, tính chuyên nghiệp trong nghề của Nguyễn Xuân Khánh đã thể hiện rõ ở Hồ Quý Ly, Mẫu Thượng ngàn và Đội gạo lên chùa. Ba cuốn tiểu thuyết với những vấn đề mới mẻ, ra đời trong vòng mười năm đã đưa ông trở thành một trong số những nhà văn viết tiểu thuyết lịch sử tiêu biểu của văn xuôi đương đại Việt Nam những năm đầu thế kỷ XXI.
So với Hồ Quý Ly và Mẫu Thượng ngàn, Đội gạo lên chùa có những điểm khác nếu xét về tính chất của thể loại. Hồ Quý Ly viết về một nhân vật lịch sử cách chúng ta sáu trăm năm về trước. Mẫu Thượng ngàn viết về phong tục và lịch sử dân tộc cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX dưới góc nhìn văn hóa. Đội gạo lên chùa kể về hành trình số phận của hai chị em Nguyệt và An từ sau khi cha mẹ bị giặc sát hại dã man và bị con người quyền lực nhất làng đe dọa, uy hiếp nên đã bỏ quê chạy trốn. Thông qua cuộc đời lưu lạc của hai nhân vật này, Nguyễn Xuân Khánh đã dựng lại lịch sử dân tộc giai đoạn từ giữa cuộc kháng chiến chống Pháp đến hết chiến tranh chống Mỹ, một giai đoạn lịch sử được nhìn từ số phận, tâm nguyện của những người tu hành mà đằng sau sắc màu Phật giáo là đạo sống là tâm thức Việt – nguồn sâu của lòng yêu nước, của sức mạnh khiến cho dân tộc ta dù phải oằn mình trước những biến động của lịch sử vẫn tồn tại và phát triển.
Đội gạo lên chùa được mở đầu vào thời điểm đầu những năm năm mươi. Lúc này lực lượng kháng chiến ở vùng đồng bằng Bắc bộ hãy còn nhỏ lẻ. Nguyễn Xuân Khánh đã dựng nên một không gian cách Hà Nội không xa với các lớp dân quê và bộ máy cai trị khá quy củ: có lý trưởng Phượng, có đồn bốt do người làng là Quản Mật làm sếp, có đại úy Thalan phụ trách P.C. huyện và trung úy Tây lai Bernard phụ trách phòng nhì, có trại giam,… Làng Sọ rồi chùa Sọ nằm trong cái không gian ấy. Cuộc sống của người dân bị kiểm soát gắt gao nhất là những khi kẻ địch muốn chứng tỏ quyền uy, năng lực của mình, những khi đánh hơi thấy sự nguy hiểm đối với chúng. Tuy nhiên bên trong cái vòng kim cô đó, kể cả khi u ám nhất, một mạch ngầm khác vẫn âm thầm tuôn chảy, bất chấp sự hà khắc do chính sách cai trị của bộ máy chính quyền. Đó là mạch sống của đạo lý, của tâm thức Việt tồn tại qua bao thử thách thời gian, không kể giàu nghèo hay sự khác nhau về nhận thức cả trong một gia đình hay trong mỗi dòng họ. Nguyễn Xuân Khánh với bút pháp linh hoạt, di chuyển điểm nhìn liên tục, đã mở ra nhiều tuyến nhân vật trong trong khoảng thời gian ngót ba mươi năm. Và đời sống lịch sử qua lăng kính tôn giáo, được phục chế một cách sinh động.
Nguyễn Xuân Khánh quan niệm Phật giáo, mà cụ thể là từ bi hỷ xả là một lối sống. Con người sống với nhau phải có tình thương yêu, bao dung và tha thứ. Về một phương diện nào đó, có một thời, có người cho rằng triết lý này thủ tiêu đấu tranh giai cấp, mơ hồ thù - bạn, địch - ta, hoặc cho rằng triết lý này không kích thích được nhiệt hứng của con người trong nhịp sống hiện đại. Nguyễn Xuân Khánh khai thác triết lý này ở mặt tích cực, mặt mạnh của nó. Cuộc sống cho thấy tình yêu thương đã kéo con người xích lại gần nhau, xóa bỏ bớt hận thù, định kiến và thuốc thang cho những tâm hồn bị thương tổn. Tình yêu thương ấy, xét ở góc độ mỹ học, là cái đẹp, mà “cái đẹp cứu rỗi thế giới”. TrongĐội gạo lên chùa tác giả đã gắn lòng thương yêu con người như một bản tính Việt vào tinh thần từ bi hỷ xả ở đạo Phật và coi đây như một tư tưởng chủ đạo xuyên suốt trong tác phẩm. Ông đã thể hiện mối quan hệ giữa các nhà sư với những người dân bình thường luôn gần gũi, thân thiện. Họ truyền đạo không chỉ bằng lời mà còn bằng những việc làm cụ thể. Là những công dân nên khi được tham gia vào đời sống xã hội, tâm trạng, suy nghĩ cũng như cách ứng xử của họ đã cho thấy dưới vỏ áo cà sa là tâm hồn Việt, cốt cách Việt, cụ thể hơn, là một thứ Phật giáo đã được thuần Việt. Các nhà sư như Vô Chấp, Vô Úy coi từ bi hỷ xả như một phương châm sống, như một cách hành xử trong đời sống hàng ngày: thâu nạp nhân tâm, giúp đỡ người nghèo khổ, lấy nghĩa tình và đạo lý làm trọng. Cũng do vậy mà họ trở thành cái gai trong mắt của những người trong bộ máy chính quyền thực dân đã đành mà cả thời cải cách ruộng đất, những anh đội cũng không thể lý giải được tại sao khi về bắt rễ không một ai nói điều xấu về nhà chùa. Cho nên mới có chuyện P.C. huyện ép cung, mớm cung, mới có chuyện thầy trò bị nhốt, bị đánh đập, bị đưa đến khu biệt giam,… Nhưng trước sau vẫn chỉ nhận được ở sư Vô Úy câu A di đà Phật và sự nhẫn nhịn can trường. Tấm lòng nhân từ của những con người đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến một lớp người thuộc nhiều thế hệ như như An, Huệ, Nguyệt, Rêu, Trắm, như Chánh Long, như cha con Xuân Hạ,… Giữa cuộc sống đầy bất trắc, họ luôn biết đùm bọc, an ủi nhau. Cái ác không có cơ nảy mầm. Tâm thức Việt, tâm thức Phật giáo hòa chung dòng chảy trong tâm hồn những con người hướng thiện và đạo lý, tình người đã mở ra hướng giải quyết hợp người hợp đạo trong những hoàn cảnh cụ thể.
Trong cuộc chiến đấu giữ nước, Phật giáo luôn đồng hành cùng cách mạng: nhiều chùa chiền là những cơ sở cách mạng, nhiều nhà sư đã nuôi nấng các cán bộ, du kích. Sự gặp gỡ của cách mạng và Phật giáo mà cụ thể là các nhà sư đã được Nguyễn Xuân Khánh nhìn từ nét chung là lòng yêu thương và đồng cảm với nỗi đau của những người nghèo khổ, từ lòng thiết tha với cuộc sống no ấm, yên bình. Sư Vô Úy có người cha tham gia hoạt động cách mạng. Nhưng ảnh hưởng sâu sắc đến nhân cách của ông lại là bà nội, người rất có ý thức trong nuôi dạy cháu từ nhỏ, đặc biệt là từ khi con trai bà phải chịu mười năm tù Côn Đảo. Trải bao năm xuống tóc và cùng chứng kiến, chịu đựng những vất vả, đau thương cùng với dân làng, sư Vô Úy nghiệm ra rằng: “Tất cả những gì làm cho con người bớt đau khổ và sung sướng, đều là đạo cả”. Việc mang trong mình dòng máu yêu nước của người cha đã khiến cho ông và các đệ tử đứng cùng chiến hào với nhân dân và cách mạng như một tất yếu. Nhưng Đạo Phật không cho phép sát sinh. Vậy nên xử lý nhân vật nhà sư như thế nào để họ không là người ngoài cuộc chiến mà vẫn giữ được Phật pháp? Nguyễn Xuân Khánh đã tạo ra những tình huống để giải quyết mâu thuẫn này một cách hợp lý. Tình huống đầu tiên là việc sư Khoan Độ dạy An học võ “để tự bảo vệ mình” sau khi biết An bị ức hiếp. Học, nhưng lúc đầu An vẫn không khỏi băn khoăn. Dần dần, với những trải nghiệm tiếp theo, An mới thấy rằng con người không chỉ biết phải bảo vệ mình mà phải biết ngăn chặn cái ác mới có thể bảo vệ được sự sống. Sau cái chết thê thảm của thầy giáo Hải, việc giết Bernard được đặt ra khẩn cấp vì hắn đã trở nên hết sức nguy hiểm. Với sức khỏe khác thường và mưu mẹo, sư Khoan Độ đã được Nguyễn Xuân Khánh chọn làm đạo diễn. Người trực tiếp xuống tay là Thuồng Luồng. Nhưng, sau vụ việc này sư Khoan Độ có phần trở nên lặng lẽ và đọc kinh sám hối nhiều hơn. Biết được điều đó, sư huynh Vô Úy đã hóa giải cho tâm trạng nặng nề của sư Khoan Độ. Logic của vấn đề là: đứng trước sự lộng hành của cái ác, nhà sư không thể vô cảm, càng không thể vô can mà động thái này là một biểu hiện sinh động về sự kết hợp giữa đời và đạo.
 Con đường hành đạo của một số nhân vật là phật tử và đệ tử, tu tại chùa hoặc tại tâm, đã được Nguyễn Xuân Khánh tạo dựng nên từ một thế giới đa sắc của những người có niềm tin vào tâm linh, vào thuyết lý giao hòa âm dương, luật nhân quả. Bà vãi Thầm có thể coi như người có duyên đi về giữa hai cõi âm dương, mách bảo cho người dương về sự hiện hữu của thế giới tâm linh. Ngày mới vào chùa, sư thầy Vô Úy đã tập cho An khả năng tự độc hành trên đường đời, “tự chữa lành cho vết thương của mình” vì bản thân sư thầy từ ngày bé, với tư chất thông minh và bản lĩnh, đã tự mình tìm lấy đường đi. Lòng từ tâm của sư thầy đã từng cứu sống và thuần hóa được một con hổ - sư Khoan Hòa, một vị sư đặc biệt có thể cảm nhận chính xác tâm địa của người đứng trước mặt, như một biểu tượng đẹp của lối sống dung hòa nhân ái. Bởi sư thầy cho rằng: “đạo Phật đang sống ở thời mới, nên người tu hành cũng phải hiểu cái thời mới nó như thế nào.” Điều đã khiến cho sư thầy trở thành một nhà sư đắc đạo lại vẫn rất đời là bởi tri thức uyên bác mà ông thâu lượm được từ sách vở đã được tiêu hóa dần qua những trải nghiệm. “Phải biết tùy duyên” như ngày xưa Trần Nhân Tông từng hành xử để vẫn giữ được đạo mà không mất nhân tâm. Cho nên rất mong ngày An trở lại chùa để rồi đây thay ông trụ trì, Vô Úy vẫn vui lòng để An về với Huệ - người bạn gái từ thuở thiếu thời, sau chiến tranh trở về từ chiến trường chỉ còn lại một chân, không còn người ruột thịt để nương tựa.
Một cá tính mạnh như sư Vô Trần sau những lần đi chùa, đâm mê, đã bỏ gia đình, bỏ học để lên chùa. Tính cách đó sau hơn mười năm đắc đạo một ngày nọ bỗng xin thoát tục đi theo tiếng gọi của tình yêu cũng là hợp lẽ. Vô Trần đã hòa nhập trở lại với đời thường rồi ít lâu sau trở thành người hoạt động cách mạng lại càng thể hiện rõ đây là một tính cách mạnh mẽ, quyết đoán. Và sự lựa chọn con đường cách mạng của sư Vô Trần như một tất yếu của con người hiểu đời, hiểu đạo. Như sư Vô Chấp đã không quá bất ngờ trước lời đề nghị của Vô Trần dẫu lâu nay sư Vô Trần luôn là niềm tự hào và hy vọng của ông.
Đạo Phật không chủ trương bạo lực và triết lý từ bi hỷ xả có thể coi như một phương thuốc giảm đau để cứu rỗi con người, hướng con người đến với cái thiện, làm điều thiện. Và cái thiện đã cảm hóa con người. Đường đời của nhân vật sư Khoan Độ là lộ trình từ vô thức đến ý thức dầu có lúc ý thức đó có phần nghiêng về bản năng. Dưới vẻ ngoài có phần dị tướng, “giọng nói thô kệch và “đôi mắt trắng dã”, con người này có “những tia mắt dịu dàng” “biết ôm ấp, biết tạo ra một luồng từ khí ấm áp” đã đưa lại sự an tâm cho cậu bé An côi cút. Từ nhỏ, sư Khoan Độ đã nổi tiếng ngỗ ngược và không ít lần đã phải trả giả rất đắt cho những việc mình làm. Không biết cuộc đời của con người này sẽ đi đến đâu nếu như không gặp được sư Vô Úy khi bị trọng thương trong lần tổ chức đồng đảng đi ăn cướp nhà giàu. Khi vết thương thể xác đã lên da non thì Khoan Độ cũng trở thành một con người khác. Có thể ví ông như một con ngựa bất kham đã được thuần hóa. Con người ấy được phép xuống tóc, được trở lại làm người lương thiện bình thường. Phần đời còn lại của sư Khoan Độ được Phật tính - cũng là nhân tính soi đường. Phân tích các trạng thái tâm lý của sư Khoan Độ đối với Nguyệt thì ta thấy chính đạo đức chứ không phải là đạo giới đã giúp cho vị sư này dừng lại ở giới hạn cần thiết để có được sự trong sạch trong một hoàn cảnh đặc biệt khi ông dẫn Nguyệt đi trốn sự truy đuổi của kẻ thù và cư xử với cô như với một người em gái.
Triết lý từ bi hỷ xả còn được Nguyễn Xuân Khánh sử dụng như một chìa khóa đắc hiệu để giải quyết mối quan hệ địch – ta. Vào thời điểm mà cuộc đấu tranh giai cấp đang là điểm nóng, việc Nguyễn Xuân Khánh đã nhìn và giải quyết vấn đề này qua lăng kính của mâu thuẫn thiện - ác có thể xem là một sáng tạo. Nhân vật An có sự thức nhận chín dần theo thời gian và sự trải nghiệm, đặc biệt là sự nhận thức về kẻ địch từ cảm tính sang lý tính. “Thầy tôi vẫn bảo sống ở cuộc đời chính là đang làm một cuộc hành hương. Hành hương không chỉ là tìm đến một nơi chốn, mà là qua cuộc du hành ấy tìm thấy được cái sức mạnh linh thiêng ngay chính trong tâm hồn mình. Rốt cuộc, đó là cuộc truy tìm cái bản lai diện mục của ta” (tr 715).An vào chùa được sư Vô Úy dạy đạo, thầy giáo Hải dạy đời và sư Khoan Độ dạy võ. Ba bài học đó đã được nhập tâm và trở nên đắc dụng với An khi An bị sự ức hiếp của bạn bè lúc còn nhỏ, khi chịu đựng tù tội thời kỳ cải cách ruộng đất và đặc biệt là khi vào chiến trường. An đã bắn lên trời chứ không dám bắn vào “thằng mặc áo rằn ri” vì vẫn ý thức về phật pháp.
Công việc làm anh nuôi tưởng đã cho An sự yên vị “giã từ vũ khí”. Nhưng rồi trận đánh ở đồi 303 “khi những chiếc trực thăng xuất hiện thì lúc ấy tôi không phải hiểu bằng lý trí mà là bằng bản năng. Bản năng sống. Muốn sống”. An đã cầm khẩu tiểu liên nhằm vào chiếc trực thăng, trên đó “tôi trông thấy cả tên lính Mỹ mặt đỏ gay trong buồng lái”, nổ súng. Trực thăng bốc cháy. Cuộc tấn công từ hướng trên trời của kẻ địch bị chặn lại. Rồi khi trận B52 xóa sổ cả điểm cao, còn lại một mình, chạm trán với đối phương cũng chỉ còn một tên sống sót, hai bên đang tìm cách tiêu diệt nhau. Phút mà hình bóng tên địch lọt vào khe ngắm cũng là khi linh hồn người đồng đội hiện về mách bảo, mũi súng của An hạ thấp. An bắn bị thương để đủ bắt sống kẻ địch - một cư sĩ, sinh viên khoa Triết chuyên ngành triết học phương Đông của Đại học Vạn Hạnh bị bắt đăng lính. An đã cho người lính này sự sống để rồi sau đó anh ta cũng lại tha chết cho An khi An mất cảnh giác. Chuyện này An mới được biết sau chiến tranh khi người tù binh bỏ đi trên đường An áp giải, lúc này đã là một giáo sư của một trường đại học ở Mỹ, về nước, tìm mọi cách để gặp anh và kể lại. Phải chăng là triết lý từ bi của hai con người cùng đạo giới đã cứu họ thoát khỏi cái chết. Cuộc sống ở chiến trường đã cho An những nhận thức mới mẻ trên con đường hành đạo của một người tu hành chân chính. Diễn biến của cuộc chạm trán trong chiến tranh đó cũng cho thấy một hướng khác nhằm giải quyết bất đồng về tư tưởng một khi từ bi hỷ xả đã trở thành một cách ứng xử. Nguyễn Xuân Khánh đã để những va vấp, những hạnh ngộ trong cuộc đời An, và xung quanh An là Huệ, là Nguyệt, là Rêu, là Trắm,… những hạnh phúc muộn mằn hoặc những éo le, trắc trở mang tính đời thường, trong vòng quay của số phận và chịu ảnh hưởng của từ trường những sự kiện xã hội. Tuy không ai biết trước số phận nhưng con người vẫn có thể chủ động kiểm soát các hành vi, suy nghĩ của mình. Việc An quay trở lại chùa xin ý kiến sư thầy chỉ như giọt nước làm tràn ly. Tự đáy lòng An biết rõ tình cảm của mình dành cho Huệ cũng như anh cần thiết cho cuộc đời của Huệ biết ngần nào. Sâu xa hơn thì đấy cũng là một cách đưa lại hạnh phúc, sự an bình cho người khác như tâm nguyện mà anh có từ ngày bước chân vào chùa được học những bài vỡ lòng về từ bi hỷ xả của sư thầy Vô Úy.
Nguyễn Xuân Khánh cũng đã có những trang dàn dựng hợp thức về cải cách ruộng đất. Ngòi bút của ông chừng mực trong việc đi vào các nhân vật địa chủ, nhân vật đội, thể hiện sự nhận thức của người nông dân trước một cuộc cách mạng mới. Nhân vật địa chủ kháng chiến Chánh Long với gốc tích, tâm tính và việc không theo Quản Mật vào Nam có thể ông ta không lường hết được cảnh “bão nổi can qua” mà mình sẽ phải hứng chịu, là một hình tượng có sức thuyết phục gây nên những đau xót khi nhà văn chạm tới những sai lầm trong cải cách ruộng đất. Để cho Rêu đi tìm người cha đích thực của mình và cái nghi án ấy nghiêng về cụ Chánh Long, vả chăng cũng là một cách khẳng định cái phần người tốt đẹp trong một bộ phận người mà một thời cách mạng cố đẩy về phía kẻ thù, cố gán cho họ những tội trạng mà hậu thế thời nay thật khó chấp nhận; nó tương phản với phần khuất trong bóng tối của chân dung đội Khoát đang đi “xâu rễ”. Đây là thời kỳ mà cái ác là con đẻ đích thực của sự thiếu hiểu biết, của giáo điều. Người cán bộ năng nổ, tận tâm với bà con, lại là vợ của một cán bộ cách mạng - bà Nấm - đã chết thảm, chết nhục trên đường chạy trốn cải cách ruộng đất.
Còn bà Thêu thì khi tạo ra và thể hiện kịch bản đấu tố rất hoàn hảo đối với Chánh Long cũng cho thấy được cái phẩm chất đàn bà trong những toan tính nhằm trục lợi. Đây là nỗi đau của người “Chém cha cái kiếp lấy chồng chung” hay tầm hiểu biết non kém, tính thực dụng đã tạo nên những khác thường? Nhất là khi miệng lưỡi của anh đội Khoát đã trở nên trở nên có gang có thép, khi mà anh đội này hứa hẹn sẽ đem lại những tốt đẹp về tương lai, đem lại cho bà ta điều mà cụ Chánh chưa bao giờ làm được. Bà Thêu đã có những việc làm tàn nhẫn không thể biện minh. Cái chết của Rêu là sự bức tử tất yếu một khi sự trong sáng, thánh thiện không còn đất sống, một khi mà cô gái mảnh mai yếu đuối ấy không tìm thấy ý nghĩa trong cuộc đời. Cái chết ấy cũng là cái giá mà bà Thêu phải trả cho những việc mình làm. Cả bà Nấm và bà Thêu đều chịu những kiểu chết vì cơ chế: một người chết về thể xác, một người chết về linh hồn dù sau này nhân vật bà Thêu còn có thêm phần vĩ thanh như một an ủi. Chỉ có Trắm là một tính cách hồn nhiên được sư thầy cắt nghĩa là “mang phật tính trong người”. Trắm đã thuộc lòng bốn bước cải cách ruộng đất, từng vui như tết khi biết gia đình mình thể nào cũng được Đội đến thăm, nhưng đã mở cùm cho bà Nấm trốn thoát để rồi Trắm phải trả giá ngồi tù. Trong tù Trắm đã cứu sư thầy kiệt sức vì suy dinh dưỡng bằng… nước ninh thịt. Con người ấy đã xung phong nhập ngũ và khi ở cương vị trung đội trưởng, anh đã ghé vai gánh chịu cùng đồng đội những qui chụp khi bị buộc tôi thiếu lập trường, chia sẻ với đồng đội những khó khăn trong cuộc sống riêng. Trước khi hy sinh, anh còn kịp giao súng và cũng truyền lửa vào nhà sư bộ đội An. Đây là một tính cách năng động, thức thời mà không vụ lợi, một nhân vật tiêu biểu cho lớp thanh niên mới, sẵn sàng làm mọi công việc tùy theo tiếng gọi của lương tâm mà biểu hiện cao nhất của lương tâm vào thời điểm khi có giặc ngoại xâm là cầm súng bảo vệ tổ quốc. Cả sư Vô Trần, An, Tiến, Cường và Trắm đều là những con người lương thiện đến với cách mạng, đi vào cuộc chiến đấu chống Mỹ của dân tộc tùy theo hoàn cảnh và nhận thức của mình và ai cũng cố gắng làm tốt công việc được phân công. Chân dung và tính cách của các nhân vật người lính được Nguyễn Xuân Khánh thể hiện dưới góc nhìn đời thường với các mảng màu đen trắng khác nhau. Họ không được đốt lửa nhiệt tình bằng những bài giảng chính trị. Họ nhập ngũ vì chấp hành mệnh lệnh của cấp chính quyền, vì tạo sự yên ổn cho gia đình, mở hướng tương lai cho các em khi thành phần giai cấp đang trở thành sức ép. Vậy nhưng khi sống cùng trong một đơn vị họ lại hết sức yêu thương và đồng cảm, giúp đỡ nhau để hoàn thành nhiệm vụ. Họ đã cầm súng với danh dự và trách nhiệm của một công dân yêu nước. Đây là một cách nhìn riêng, đặc sắc về người lính của Nguyễn Xuân Khánh, góp vào sự đa dạng của dòng tiểu thuyết viết về chiến tranh từ sau 1986.
 Cuộc đối thoại văn hóa - lịch sử xuyên suốt gần chín trăm trang sách đã đưa lại cho người đọc sự hấp dẫn về vốn văn hóa Phật giáo thông qua những độc thoại và đối thoại cụ thể, được toát ra từ hình tượng nhân vật. Nguyễn Xuân Khánh đã có những trang đặc tả về xúc cảm của nhân vật An vào từng thời điểm khác nhau. Khi thì trong đêm ngủ một mình trong ngôi chùa lạ với nỗi sợ hãi của một đứa trẻ côi cút khi nhớ lại cái chết của cha mẹ “Tôi nằm đấy nghe tiếng chim đêm, nghe giun dế nỉ non và tắm ánh trăng giàn giụa chảy từ mái chùa xuống. Ánh trăng cứ chảy, chảy mãi đến mức đầy ắp cái tâm hồn nức nở của tôi”, khi thì lang thang ngoài đồi muốn khóc mà không thể vì nỗi đau đã cô đặc không thể chảy thành nước mắt, khi thì linh cảm trong đêm Rêu tự tử ở giếng chùa và sau chiến tranh trở lại nơi đây. Những trang văn thấm đẫm tâm trạng với bút pháp trữ tình về thiên nhiên về tâm trạng con người đã đưa lại cho Đội gạo lên chùa những cảm xúc tươi mới.
Đội gạo lên chùa không có những cách tân táo bạo về hình thức nghệ thuật, nhưng với lối viết truyền thống, Nguyễn Xuân Khánh đã làm mới cuốn tiểu thuyết bằng tư tưởng nghệ thuật, bằng tri thức văn hóa về đạo Phật, bằng giọng điệu. Thủ pháp đồng hiện, hồi tưởng đã cho người đọc cảm giác thoáng rộng về không gian tâm tưởng. Là một người có vốn sống phong phú, nhất là khi bản thân ông đã trải qua những tháng năm tuổi trẻ trong chiến tranh, những khó khăn thời bao cấp về kinh tế và tư tưởng, đã it nhiều bị “tai nạn” nghề nghiệp, ông cũng là người chịu đọc, nghiên cứu đạo Mẫu, đạo Phật và văn hóa dân gian, Đội gạo lên chùa thực sự đã tạo được sức hút đối với người đọc. Trong tình hình văn hóa đọc đang xuống cấp, tín hiệu đó chắc chắn là một hạnh phúc đối với ông. Tuy nhiên người đọc kỹ tính cũng muốn ước giá như tác giả có thể đừng ham kể về gốc rễ nhân vật, bớt đi những “trữ tình ngoại đề”, cô gọn hơn phần viết về thời kỳ kháng chiến chống Pháp, cũng như cá tính hóa hơn nữa giọng đối thoại của nhân vật.
Tín ngưỡng và tôn giáo là nhu cầu của một bộ phận nhân dân. Cùng với cải cách ruộng đất và hợp tác hóa, đây là những vấn đề khá nhạy cảm dù rằng cho đến thời điểm này nhiều nhà văn đã không còn né tránh. Từ bi hỷ xả là tư tưởng chủ đạo, được tác giả sử dụng để xử lý toàn bộ hệ thống nhân vật, lý giải những vấn đề sâu xa trong thâm tâm con người và đời sống xã hội. Ở đây nhân dân là Phật mà “Phật cũng chính là nhân dân”, như ý của nhà văn Nguyên Ngọc khi nhận định về Thiều Chửu Nguyễn Văn Kha.
Có nhiều cách để nhìn về quá khứ. Nguyễn Xuân Khánh đã chọn một cách nhìn riêng: cuộc kháng chiến của dân tộc ta đã trải qua nhiều hy sinh gian khổ và trong chặng đường lịch sử ấy Phật giáo đã đồng hành cùng cách mạng. Đội gạo lên chùa đã thể hiện Phật giáo là một lối sống. Cũng có thể nói rằng đây là một cách hướng độc giả tìm về nguồn cội, tìm lại những giá trị đáng quý trong tâm thức con người mà đứng trước những mặt trái của văn minh kỹ trị, một số giá trị văn hóa truyền thống đang bị xem nhẹ, đang có nguy cơ mai một. Khi mà sách báo và các phương tiện truyền thông đang nói nhiều về sự hoành hành của cái ác, khi mà tôn giáo đang bị lợi dụng và biến tướng, từ bi hỷ xả góp phần đưa con người trở về với sự điềm tĩnh, khoan hòa và bác ái. Đây cũng là biểu hiện của hướng thiện trong giáo lý đạo Phật. Trên ý nghĩa ấy, tôi cho Nguyễn Xuân Khánh đã góp phần thực hiện sứ mệnh cao cả đó ở cuốn tiểu thuyết này.
Quan Nhân, tháng 8 năm 2012
Tôn Phương Lan  
Nguồn: tapchinghiencuuvanhoc
Theo http://www.bichkhe.org/


Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Phương Đông và phương Tây từ tầm nhìn văn minh, văn hóa, khoa học

Phương Đông và phương Tây từ tầm nhìn văn minh, văn hóa, khoa học Nói đến sự tiếp xúc giữa phương Đông và phương Tây; người ta thường nói ...