Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Đàn chim bay qua mùa thu

Đàn chim bay qua mùa thu
Chim ngói là một kiếp của cá mòi. Cá mòi lại là kiếp trước của chim ngói… Đã lâu không thấy đàn chim ngói nào về. Dạo này cá mòi, hình như dưới bến sông ít thấy thuyền lưới mang vào và trong chợ cũng hiếm… Ông Gâm lẩm nhẩm một mình trên con đường mới rải bê tông dẫn ra cánh đồng. 
Mấy buổi sáng nay, cây bưởi bắt đầu buông những chiếc lá vàng luốm đuốm xuống sân. Theo thói quen dậy sớm, ông đứng một lúc lâu hít thở không gian se se ngọn heo may. Trong bước dịch chuyền của mùa thu, ông nhìn lên vòm trời rồi lững thững đi bộ ra đầu làng. Cánh đồng xanh mở trước mặt không còn bát ngát như ngày xưa nữa, bởi mương máng cắt ngang, nghĩa địa lô nhô, ao đầm loang loáng đây đó… Chẳng khác gì tấm áo vá chằng vá đụp. 
Những vạt gió bấc từ phía núi xa, từ đỉnh Yên Tử lùa về lành lạnh. Bấc ra! Cơ này mọi khi chim ngói đã tới tấp bay về! Ông thốt lên và tưởng tượng thấy từng đàn chim ngói như những chiếc lá, rồi như những đám mây la lả trên vòm trời đáp xuống cánh đồng chuyển màu xanh già đang như mẻ cốm xông hương… Chim ngói là một kiếp của cá mòi. Cá mòi là kiếp trước của chim ngói… Kể cũng lạ! Từ bé, chỉ nghe bà nội và mẹ mình nói thế, không biết có phải không? Ông cũng chưa một lần thấy chim ngói hóa thành cá mòi và cá mòi thoát xác ra chim ngói. Nhưng trong thâm tâm ông vẫn tin là như thế và mong như thế!
Ký ức ông lại hiện lên những tháng ngày bom đạn ì ùng đây đó thời chống Mỹ, nơi chân trời xa hay bên kia sông… Tuổi thơ học ở trường làng dưới mái đình, cậu bé Gâm rất thích đi lối tắt trên cánh đồng ven làng. Về mùa này lúa đang kỳ trỗ đòng hoặc vào độ sậm sữa. Hồi ấy nông dân quê Gâm chỉ cấy các loại lúa tám đồng, lúa dự hương, lúa nếp… Hương lúa thơm khiến bước chân nhẹ nhàng, thơ thới và tâm hồn trong veo như muốn bay lên theo đàn chim ngói vừa lượn qua. Vào lớp ngồi học, hương lúa vẫn còn thoảng nơi vạt áo! 
Những hôm đẹp trời, Gâm thường được theo bác rể-ông xã Thành đi đánh bẫy chim ngói. Hai bác cháu đi trong thảm lúa còn ướt đẫm sương đêm, trong ánh bình minh le lói xòe nan quạt, chiếu tỏa khắp cánh đồng. Gió heo may mơn man vào da mặt da tay. Từng làn thoang thoảng đem theo phấn lúa trôi mênh mang. Gâm giúp bác khuân vác bộ đồ nghề ra bãi sập chim trên cánh đồng sau miếu Tiên Công. Đấy là một gò đượng cao bằng phẳng, xanh tươi thảm cỏ chỉ, cỏ gà, cỏ bánh dày. Giữa gò đượng có một bãi cỏ rất mịn, mát cả bàn chân. Bãi cỏ vuông vức như một bàn xôi vuông, Nơi đây từ lâu là bãi bẫy chim ngói của bác, dân làng thường gọi là đượng Sập Chim. Bộ đồ nghề của bác chỉ mấy thứ đơn giản: Những xấp cành lá của cây móc xanh rờn thường gọi là lá sập chim xòe như cánh chim, hai tấm lưới rộng chục mét vuông đã bó lại, một cuộn dây gai, những cây cọc và chiếc lồng tre nhốt sẵn con chim mồi… Tất nhiên không thể thiếu chiếc lồng to ken rất khéo, đợi để nhốt chim mới, cũng phủ kín bằng lá sập chim. Tới nơi, bác Thành thoăn thoắt lấy những tấm lá lợp mái thành một chiếc chòi nhỏ, ngụy trang cẩn thận, làm chỗ hai bác cháu ngồi. Cửa chòi nhìn về phía bắc, đón nơi sẽ xuất hiện những đàn chim di cư về phương nam tránh rét. Rồi bác bắt đầu sắp soạn các thứ, đóng cọc, đặt bẫy. Hai cánh bẫy đóng khuôn lưới to như hai tấm chiếu lớn được đặt nằm ngả ra hai bên mặt bãi phẳng phiu. Bác thử đi thử lại mấy lần để kiểm tra độ nhạy. Ở giữa hai cánh lưới, bác buộc chân một con chim ngói làm mồi đã khâu kín đôi mắt và đặt nó trên một chiếc vỉ ruồi có nối một sợi dây cước vào chòi để giật từ xa. 
Lần nào bác Thành cũng dặn Gâm: Phải náu mình cho kín trong những tấm lá ngụy trang để quan sát và xem bác giật bẫy. Cháu phải nín thở, không được nói to, không được động đậy kẻo chim phát hiện ra người. Nó bay vượt về phía sau là toi công. Giống chim này đã qua là trượt về phía nam luôn, không quay lại đâu… Có bận sơ đễnh vì thèm thuốc lào, tao tranh thủ rít một điếu, lơ mơ, không thấy đàn chim đằng xa. Thế là để vuột mất. Có hôm về tay không hoặc chỉ được dăm ba con. Nhưng vui. Thú chim trời cá nước thích lắm. Chúng là bạn chơi làm cho mình vơi đi những nhọc nhằn, vất vả… Bác ơi, người ta bảo “Chim ngói là một kiếp của cá mòi. Cá mòi lại là kiếp trước của chim ngói” có đúng không bác? Có lẽ thế! Bác cũng chỉ nghe các cụ nói! Thì cứ tin như thế và tin như thế là tốt cháu ạ! Ở đời phải có niềm tin mới sống được! Bác rể ngừng lại đăm đăm nhìn lên vòm trời. Ông nuốt một cục gì đó xuống cổ nghe đánh ực: Nhưng cũng vì cái thú này mà tao từng điêu đứng, sống dở chết dở đấy cháu ạ! 
Ngồi quì hai gối xuống cỏ, bác Thành thì thầm kể lại chuyện ngày cải cách ruộng đất bị quy địa chủ. Ngày xa ấy, cả nhà bác chỉ lo làm ruộng cày cấy, ngày nông nhàn thì cha con rủ nhau đi lùa chim dẽ gà, đánh bẫy chim ngói, cất vó cá, vó tôm... Với bốn chục sào ruộng, hai con trâu mộng, do ăn chắt để dè mà tậu được, nhà bác còn nuôi một bầy ngan vịt và nuôi cả ngỗng, trong đó có cả việc lo vỗ béo lồng chim ngói… Lúc bấy giờ, làng rầm rộ cuộc moi tìm các gia đình lắm ruộng nhiều trâu, nhà gỗ lim, sập gụ tủ chè để quy thành phần địa chủ. Còn thiếu một hai người nữa mới đủ chỉ tiêu trên giao. Ông Đội Tám đứng giữa sân đình huỳnh tay hô hào: Bà con nông dân cùng khổ thử nghĩ xem các xóm các thôn còn nhà giàu nào bóc lột nông dân, bần cố nông thì nêu ra! Cố gắng không để sót! Xóm Cổ Lũy còn ai? Lâu lâu không ai động tĩnh gì. Đội Tám gợi ý: Đây là cơ hội có ruộng để chia cho bần cố nông. Bà con cố nghĩ xem… Một chốc sau, bà đĩ Hội hàng xóm ở bên nhà bác Thành giơ tay: Còn nhà lão xã Thành đã nhiều ruộng lắm trâu, nhiều cày bừa, lại nuôi lắm ngỗng nhiều ngan, lắm vịt nhiều chim… Ngỗng vịt kêu quàng quạc cả đêm làm xóm láng mất ăn mất ngủ. Chim đánh của giời về làm của mình… Tay cu Mại đi ở theo mùa nhổ mạ, gặt lúa cho nhà bác Thành không biết do ai xúi bẩy cũng theo đó, đứng dậy: Đúng rồi! Còn ông xã Thành! Tôi đi ở tôi biết nhà này nhiều trâu, nhiều vịt, nhiều thóc lắm gạo, lắm ngỗng lắm chim… Người không có cơm mà ăn, nhưng chuồng vịt, chuồng chim nhà ông ta bao giờ cũng rải những thóc là thóc! Ăn lắm đẻ nhiều, lại đẻ toàn con gái... Thóc dư gạo mục cho con rể nó phá… Đội Tám bật cười: Con gái kệ họ. Con rể cũng kệ họ. Nhưng quan trọng là… Đánh đổ giai cấp địa chủ cường hào, đem quyền lợi chia cho bần cố nông. Nếu lắm của cải thế thì ắt do bóc lột bần cố nông mà có. Đích thị địa chủ rồi. Bà con về điệu cổ ông ta ra đây! Vậy là đủ quân số! 
Ông bà Thành bị trói giật cánh khuỷu đứng ngơ ngác giữa sân đình. Vợ chồng  Mại hăm hăm trỏ tay vào mặt: Mày là thằng bóc lột! Chúng tao làm quần quật cả ngày chí đêm, hầu hạ dạ vâng vợ chồng mày, phục dịch đám con gái, cả đàn ngỗng đàn chim. Ngồi mát ăn bát vàng, suốt ngày ngắm vuốt chim cò. Chim với ngỗng với vịt thì căng diều thóc gạo, còn chúng tao bốc cơm nguội, rau khoai… Có đúng không? Dạ đúng! Nhưng chiều nào vợ ông bà cố nông cũng đem một rá gạo của nhà con về nấu cơm cho trẻ con ăn… Đấy là công chúng tao làm, kể ra ông… ơ… mày phải cho một thúng mới phải!... Dạ! Nhưng… 
Ông bà Thành liền bị tay Đội Tám ấn cúi gầm đầu xuống. Nước mắt nước mũi chảy đẫm ngực tấm áo nâu sờn. Cuối cùng, của cải, trâu ruộng, ngan ngỗng bị đem chia hết. Hai cái lồng chim ngói treo ngoài gốc cây bưởi thì Mại nhanh chân chạy ra cắt dây xuống đem về. Nếp nhà gỗ lim năm gian cũng bị xung làm trụ sở hội họp, rồi đến ngày lập hợp tác xã nông nghiệp thì biến thành nhà kho chứa thóc… 
Hai bác cháu ngồi hồi lâu, nén đợi. Bác Thành phóng tầm mắt rất xa. Khi nhác thấy bóng những đàn chim ngói như những chiếc lá nhỏ, rồi to dần, bác bấm vai Gâm im lặng. Lúc chúng bay gần, đoán chừng cỏ vẻ vào tầm bẫy, ông giật giật đoạn dây gắn với vỉ ruồi để thúc chim mồi. Giật mình, con chim mồi vột cánh, hết bay lên lại hạ xuống, lúc trượt, lúc đậu. Cánh nó vỗ sàn sạt như báo hiệu với đồng loại: Nào đỗ xuống chúng bạn ơi! Ở đây có nhiều thức ăn lắm!
Đúng như dự đoán. Đàn chim đang bay bỗng lượn một vòng rộng, rồi thẳng hướng bãi đỗ chỗ chim mồi. Bác Thành mấp máy môi đếm một hai ba... Gâm hồi hộp vô cùng. Nhiều lần Gâm thấy bác chỉ buộc chân con chim mồi rồi để nó đứng trong bẫy. Mỗi khi có đàn chim ngói từ xa hoặc tạt phía đông bay qua, bác lại tung con chim mồi lên rồi giật nhanh xuống. Cứ như vậy, khiến nó xập xòe đôi cánh. Đàn chim ngói đang say mê sắc trời xanh phát hiện ra bóng bạn, không kịp phân rõ gì cả, liền lao xuống, đậu trên bãi cỏ giữa hai cánh lưới. Lập tức, bác giật đánh phập. Hai tấm bẫy úp khít, khép lại rất nhanh trong chớp mắt. Đàn chim đã nằm gọn trong lưới. Chúng nhao nhao giẫy phành phạch, phành phạch muốn tìm lối thoát. Sướng quá, Gâm nhảy cẫng lên vỗ tay, suýt làm xiêu ngửa cả mái chòi. Như muốn cho cháu thưởng thức cái thích thú nhìn những con chim sa bẫy, bác đứng một lúc khá lâu rồi mới giục: Nào! Ta vào việc gỡ chim! Gâm nhanh nhảu giúp bác gỡ lưới bắt những con chim ngói béo mẫm. Những con chim ngói bàng hoàng không hiểu những gì đã xảy ra. Không biết dọc đường di cư đã nhằn được ít hạt lúa non nào chưa? Không biết chất ngọt phù sa, vị heo may có kịp tan trong mỏ trong miệng chúng, đã bị mắt lưới xiết ghì đôi cánh? Mấy chiếc lông biếc trên cổ chúng rụng tứ tung, rơi lả tả trên thảm cỏ, lay phơ phất, gió cuốn bay đi. Những con chim ngói lần lượt bị tóm, nhốt chặt trong lồng. 
Ngắm những chú chim sa bẫy, con nào cũng béo mẫm, Gâm vừa thích thú, song lại vừa nặng lòng suy nghĩ. Ôi! Những chú chim vừa khôn ngoan vừa dại dột! Vừa mới trên bầu trời xanh thẳm, mặt đất vời vợi dưới đôi mắt, sao bây giờ đã thu cánh ở đây? Liệu có chú chim nào từng xổ lồng và bị nhốt lần thứ hai, thứ ba không? Có chú nào vừa từ thân cá mòi thoát xác lên không? Đôi mắt ngơ ngác. Đôi chân run rấy. Chả lẽ một lần vào, đã khép lại trời xanh?… Gâm lại nhớ lời bà nội và mẹ: Chim ngói là một kiếp của cá mòi. Cá mòi là kiếp trước của chim ngói… Cá bơi dưới biển, chim bay trong trời. Mùa thu, chim ngói bay từ rừng ra cửa biển hóa cá mòi. Chúng bay trên dãy Hoàng Liên sơn, đỉnh Tam Đảo, qua sông Hồng, sông Lục Đầu, qua Yên Tử, Bạch Đằng, rồi sông Chanh quê mình… Mùa xuân cá mòi lại bơi từ biển về rừng để biến thành chim ngói... Chúng bơi qua sông Chanh, sông Bạch Đằng, qua sông Luộc, sông Hồng… Gâm hỏi bác rể: Có phải không bác? Bác cũng bảo hình như thế! Bác đã bao giờ nhìn thấy chúng hóa thân chưa? Bác cũng chỉ nghe các cụ nói vậy… Có lẽ là để nhắc nhở con cháu nhớ lấy sự luân chuyển của bốn mùa, mùa nào thức ấy…
Bác rể vỗ vai Gâm: Sập chim thì sập vậy thôi! Cho thỏa cái thú vui chim trời cá nước, cơm làm ruộng cá kiếm ăn… Chiều về bác gái làm thịt xào vài con với mướp và rau rút cho cháu thưởng thức chút hương vị đồng quê. Mồng mười tháng mười có gạo mới tám đồng hay dự hương mà ăn với thịt chim ngói thì chả có gì ngon hơn! Thú quê thuần hức, cảnh quê biết mùi, chứ chẳng bán chác, chợ búa gì đâu!... 
- Thế đám chim này bác để làm gì ạ? 
- Vỗ béo, đợi đến tháng ba “ngày Bụt đẻ”, đem ra dâng nhà chùa làm lễ Phóng sinh cháu ạ! Lại thả về với trời xanh để tồn tại giống nòi chúng nó!
Ôi! Ông bác rể! Gâm vẫn còn nhớ mãi đến tận bây giờ hình ảnh ông bần thần bên chiếc lồng tre nhìn những chú chim ngói đôi mắt long lanh như hạt ngọc huyền cùng vòng cườm trên cổ cũng long lanh! Và Gâm mong sao những chú chim ngói còn sót lại trong gầm trời này cứ nhiều lần vào bẫy lại nhiều lần ra với gió bấc và chao là lượt trên cánh đồng ngậm vị heo may! Ý nghĩ đó cứ ảm ảnh Gâm trong suốt thuở thiếu thời. Mỗi năm ngày Phật Đản đến, Gâm lại sang nhà bác rể và theo ông mang lồng chim ngói ra chùa. Sau những lời khấn vái, bác Thành cởi những mối lạt, mở nắp chiếc lồng tre cho bầy chim. Những chú chim ngơ ngác đảo long lanh đôi mắt theo nhau bay vột ra. Gâm thò tay bắt nhanh một chú, đưa lên mặt ngắm nghía một lúc: Ôi! Mày mịn màng như nắm cơm chiêm và đẹp lắm! Về với trời với núi với sông nhé! Rồi nâng cả hai tay, Gâm tung nó lên rõ mạnh. Chú chim xòe luôn đôi cánh, đập đập vẫy vào không khí lấy đà bay lên màu trời xanh lơ. Bóng bầy chim xa dần, xa dần và mất hút. Không biết chúng sẽ bay về đâu và có đợi được đến mùa xuân hóa kiếp cá mòi không?…
Những năm còn phà chở khách qua sông. Một lần sang phố huyện, đang ngồi trong nhà chờ, Gâm thấy một chiếc xe bình bịch do một người đàn ông đang lái, chở một chiếc lồng đầy chật chim xuống phà. Gâm nhận ra người đàn ông có vẻ quen quen… Hình như… Tay Mại! Nghe đâu tay này, dạo mới vào HTX vợ đi cấy bị cảm nắng chết ngoài đồng; sau chuyển sang Vĩnh Bảo Hải Phòng sống với vợ hai kia mà? Tự nhiên bây giờ lại làm cái nghề buôn chim, về tận đây? Trông to béo ục ặc, mặt mày phì nộn vẻ đàng điếm thế kia chắc cũng thuộc hạng ăn chơi, đàng điếm? Đúng ông ta rồi! 
Gâm liền hòa vào đoàn người và bám theo sau chiếc xe máy xuống phà. Chiếc lồng chật ứ những chim là chim, có cả những con chim ngói, chim chèo pheo. Đám chim chen chúc, giương mắt nhìn ra ngoài nửa sợ sệt nửa cầu cứu. Nhìn thương chúng quá! Gâm lại nhớ lời bác rể kể đoạn hôm Mại trỏ mặt ông ở sân đình: “Ngồi mát ăn bát vàng, suốt ngày ngắm vuốt chim cò. Chim với ngỗng với vịt thì căng diều thóc gạo, còn chúng tao bốc cơm nguội, rau khoai…”
Thừa lúc mọi người dồn mắt, chờ chuẩn bị lên bến, không ai chú ý, Gâm giả vờ bám chiếc lồng như đẩy lên giúp và liền nhẹ nhàng xoay ngược những nút lạt buộc, khe khẽ nhấc chiếc vỉ lồng ngửa ra sau. Anh tụt lại lẫn vào đám đông. Vừa lúc phà cập bến. Gã đàn ông rồ máy, khuềnh khoàng lái chiếc xe vượt qua cầu phà. Chiếc xe xóc khừng khực. Đột nhiên đám chim trong lồng vụt lên túa xúa, tựa làn gió thốc mạnh. Ai cũng bất ngờ dạt ra, ngơ ngác, không hiểu sự gì. Tay lái xe hoảng hốt, làm chiếc xe ngã vật ngay dốc bến. Trong lồng sạch nhẵn, không còn một bóng chim. Đám chim xổ lồng bay mỗi con một phía. Như nhận ra nhau, ra sự tự do bật đến, chúng hợp lại thành bầy, lượn vòng mấy lượt trên khoảng trời cuối phà, định được hướng, bay dọc dòng sông, biến mất về phía dãy núi đá cửa biển, nơi vịnh Hạ Long.
Chỉ có Gâm biết và đàn chim biết!
Bây giờ mùa thu vẫn còn ít nhiều vẻ đẹp vốn có của tự nhiên. Nhưng những đàn chim ngói thì đã thưa vắng khỏi bầu trời, không còn theo ngọn bấc ra… Những chiều vào chợ quê, mọi mùa thu, ông Gâm vẫn thấy những người nông dân bày bán những lồng chim ngói, chim dẽ gà, rồi những con vạc, con bồ nông, con sếu… Gương mặt khắc khổ, tấm áo nâu lam lũ còn dính những vệt bùn. Họ cười nói xởi lởi khi có khách đến xem hoặc hỏi mua những con chim trời vừa bẫy được ngoài đầm bãi. Nhiều hôm tan chợ, vẫn thấy những chiếc lồng còn xào xạo cánh chim đập vào nhau trên đôi gánh họ về làng… Nay không còn hình ảnh ấy, không hề nghe tiếng chim kêu, tiếng chim gù đâu nữa! Trên các cánh đồng, dọc các triền đê, các gò bãi, đầm áng bên sông chỗ nào cũng mành mành những lưới và lưới giăng bắt chim. Người ta còn thu tiếng chim vào băng đĩa, vào thẻ nhớ, cắm vào máy nghe nhạc, đêm đêm phát ra để gọi lừa bẫy chim hàng loạt. Chim vơi nhanh trong lòng trời. Bầu trời vơi nhanh bóng đàn chim bay qua, như nồi cơm đơm nhanh, cơm hết rồi nồi còn bốc khói hơi… 
Ông nghĩ bụng: Bầu trời mùa thu bây giờ thật đơn điệu, nó cứ mờ mờ đùng đục màu khỏi, ít có những hôm nắng đẹp, không gian cao xanh thăm thẳm! Hai chiếc ống khói nhà máy xi măng, nhà máy điện bên kia sông tựa hai con rắn cạp nong nghển cổ phun khói lên bầu trời. Cánh đồng mỗi ngày một thu hẹp dần, lỗ chỗ như tấm thảm loang lổ những gam màu xanh dưới nắng hanh hao. Bầu trời cao mà trống rỗng lạ lùng.
Đằng kia cánh đồng có bóng một cụ già đang đi về phía ông. Dáng người phục phịch, có vẻ nặng nề. Lát sau cụ già tới gần. Mái tóc bạc trắng. Trông béo tốt với khuôn mặt to bè, nhầy nhẫy như cái đĩa. Đôi mắt muốn lồi hẳn ra ngoài. Khi giáp ông Gâm, cụ già chào và hỏi thăm: Đây có phải đường vào thôn Lũy không bác? Vâng! Đúng rồi! Đây là lối vào thôn Lũy! Cụ ở đâu tới và đến nhà ai? Tôi muốn thăm nhà một người quen đã lâu… 
Ông Gâm cố lục trong trí nhớ xem vóc người cùng khuôn mặt cụ già này mình từng gặp ở đâu, bao giờ. Trông quen quen… Dạ khí được ông lão thông cảm! Ông lão thăm ai ạ? Chả giấu gì bác… Tôi bên Hải Phòng, nhưng gốc làng này. Xa quê từ lâu. Thoắt cái đã già nửa cái trăm năm. Định đi theo con đường phía đông, nhưng qua khỏi cầu sông Chanh, thấy quê nhà đang mùa lúa trỗ, tự dưng nhớ ngày xưa tôi từng ở thôn Lũy, liền rẽ con đường phía tây xuống cánh đồng này muốn ngửi lại mùi phấn lúa, mùi cỏ may. Trông thế này mà tôi đang mang một căn bệnh hiểm nghèo. Về già, đeo bệnh càng nhớ nơi chôn rau cắt rốn. Tôi muốn đi đây đi đó cho thanh thản đầu óc, khỏi suy nghĩ nhiều đâm bệnh nặng thêm. Bác sĩ khuyên vậy… 
Đúng rồi! Hình như… cái ông buôn chim, bị xổ lồng chim dưới bến phà hồi mấy năm sau chiến tranh chống Mỹ! Ông Gâm nghĩ thầm, hỏi lại: Cụ thăm nhà ai? Chẳng giấu gì bác, tôi muốn đến thăm ngôi nhà gỗ cổ của ông cụ xã Thành, không biết có còn không? Thuở giai tôi từng ở đấy, đi ở đi cày cho nhà cụ… 
- Ôi! Ngôi nhà bị tịch thu từ hồi cải cách rồi ông ơi! Đến ngày vào hợp tác xã thì làm kho chứa thóc, rồi hội trường hội họp. Sau xã bán cho người dưới Cát Hải. Lúc ấy cửa rả, gỗ lạt rệu rã hết cả… Con cái cụ xã người đi xa Nam Định, Hà Nội, người bên nước ngoài, chỉ còn bác con trưởng bám quê cha đất tổ, nhưng ở trên mảnh đất khác đầu thôn…
- Vậy ư? Tiếc quá bác nhỉ! Rõ khổ cụ xã! Có bóc lột ai đâu mà Đội cùng ông bà bần cố nông điệu ra đình đấu tố địa chủ, đày đọa người ta... 
- Ông lão từng ở nhà cụ? Ông Gâm sững lại khi biết đây chính là “tay cu Mại” trong câu chuyện bác rể đã kể lúc ngồi trong chòi đợi chim ngói. 
- Vâng! Ông lão đáp và không giấu bầu tâm sự: Bác ơi! Thuở ấy tôi từng bị nghe Đội xúi bẩy đứng ra đấu tố cụ xã với những lời xằng bậy, ăn không nói có. Bây giờ nhiều lúc nằm nghĩ lại… ân hận quá. Sao ngày ấy tôi lại ăn cháo đá bát, gắp lửa bỏ tay người, khốn nạn với cụ? Vì vậy, tôi mới bị giời đày giời phạt chăng? Đang nguyên lành tưởng vật đổ cả voi cả giời, nay bỗng bị bệnh ung thư. Già đeo bệnh, đau đớn lắm!... Thực tế, tôi đã làm giàu từ nghề buôn chim. Tôi buôn chim cho các nhà hàng, sang tận Trung Quốc. Tôi giết không biết bao nhiêu triệu, bao nhiêu ức con chim trong mấy chục năm ròng? Không con chim nào vào tay tôi có thể thoát. À… Hình như có một lần tôi qua phà Chanh, không biết do đâu, cái nắp lồng bị tuột, chim xổ ra hết sạch? Duy nhất chỉ có lần ấy… Bác biết không? Tôi từng nằm mơ mình bị chôn vùi, vùi sâu lắm, dưới những cánh chim! Giời còn phạt tôi về tội cướp lồng chim, về tội buôn chim chăng?
Ra vậy! Ông Gâm khẽ thốt trong ý nghĩ: Về cuối đời, người ta thường thực bụng! Lão cu Mại cầm lấy tay ông: Bác có thể dẫn tôi đến nhà bác con trưởng cụ xã được không? Để tôi vái lạy cụ, xin sám hối trước linh hồn cụ hãy tha thứ và phù hộ cho tôi… Được chết nhanh!.
11/5/2017
DƯƠNG PHƯỢNG TOẠI
Theo https://www.quangninh.gov.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Rabindranath Tagore: Người thoáng hiện Thơ Tagore là lời tụng ca với ban mai này cũng như với nghìn ban mai, với đời này cũng như vớ...