Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Lạnh lùng

Lạnh lùng
TỰA
Lẽ phải dạy ta rằng một người đàn bà góa có thể vì tình yêu ở vậy suốt đời, không một ngày quên người đã mất. Trái lại, không yêu chồng mà lúc chồng qua đời, còn thủ tiết cho đến khi nhắm mắt, chỉ là hy sinh vô nghĩa cho một tục lệ trái với thiên đạo.
Tục lệ ấy là một tục lệ được người xưa hoan nghênh, kính trọng. Theo nền luân lý thường ngàn năm để lại, đã là đàn bà thì chỉ có thể lấy một chồng. Tình yêu không có nghĩa lý gì. Ngay từ hôm cưới, người vợ đã thành ra thuộc quyền sở hữu của ngườì chồng, của gia đình chồng, và nếu chồng khuất núi, bổn phận của vợ là phải thủ tiết hết đời, dẫu đối với chồng, không có mẩy may thương nhớ.
Cô Nhung trong truyện "Lạnh lùng" chính ở trong cái cảnh huống ngang trái ấy. Chung quanh cô, là mẹ đẻ cho đến mẹ chồng, ai nấy đều có cho bổn phận tự nhiên của cô - một người đàn bà góa đương xuân - là chịu sự lạnh lùng của một đời lẻ loi đề giử tiếng thơm cho hai họ. Nhưng ở trong một xã hội nệ cổ thế, với một tâm hồn yếu ớt, không đủ chí như cương quyết để chống với hoàn cảnh lẽ tự nhiên là bi khuân theo hoàn cảnh.
Bỗng tình yêu đến. Nhưng bỗng cảm thấy sự trống trải của một đời quá phụ: Nhung bỗng nhận ra rằng cả đời cô không phải là để hi sinh cho một tiếng thơm hão. Cả tâm hồn cô lúc ấy chỉ là hi vọng, hi vọng sống mội đời đầm ấm tình yêu.
Trát lại, hoàn cảnh cố giam cầm Nhung trong cỏi đời lạnh lẽo cô độc. Tục lệ, thành kiến của những người chung quanh đều bắt buộc Nhung dập tắt ngọn lửa ái tình đã nhóm trong lòng cô - ái tình mà người ta coi là đốn mạt - và nếu Nhung không dập được tắt, lại cố bắt buộc cô giấu diếm để giữ lấy tiếng thơm, lấy thể diện cho nhà mình, cho nhà chồng. Nhung không đủ can đảm và vì quá thương mẹ, đã tự dấn thân vào một đời sảo quyệt, gian trá, giả đạo đức.
Nhưng lỗi ấy không phải tội Nhung. Lỗi cũng không phải tội bà Án. Mà cũng không tại ai cả. Lỗi là lỗi của nền luân lý chật hẹp muốn khuôn hết tính tình của người ta vào những mẫu nhất định, bất di dịch, một nền luân lý đã coi rẽ hạnh phúc "con người".
HOÀNG ĐẠO
PHẦN THỨ NHẤT
I
Nhung áp gối bông vào mặt để cho làn vải êm mát làm dịu đôi má nóng bừng. Nằm yên được một lúc, nàng lại vật mình xoay người, hai tay ôm ghì chiếc gối vào ngực, rồi mở to mắt nhìn ra phía có ánh trăng lọt vào, lẩn thẩn đếm từng bóng lá cây lay động trên bức màn the. Một cơn gió thổi qua rào rào trong rặng tre sau nhà. Nhung thở dài:
- Không biết đêm nay mình làm sao thế này?
Nàng thở dài thật mạnh một lần nữa cho khỏi thấy cái cảm giác nặng nề đè nén trên ngực, rồi nhắm mắt lại cố ngủ. Nhưng nàng không sao ngủ được, thấy đứa con nằm bên cạnh, nàng ngồi dậy, phe phẩy quạt cho con.
Nét mặt ngây thơ của đứa bé ngủ một cách bình tĩnh dưới bóng trăng làm cho Nhung tự thẹn về những ý nghĩ bất chính dồn dập trong tâm trí nàng lúc đó. Những ý nghĩ này, nàng thấy mang máng là bất chính, nhưng nàng không hiểu tại sao lại bất chính, và cũng không muốn tìm xem cho rõ là những ý nghĩ gì.
Nhung lại nằm xuống và vô tình quen tay với cái gối ôm vào lòng. Nằm được một lúc, tự nhiên nàng hất cái gối ra, vứt mạnh vào góc màn, rồi ngồi nhổm dậy, bước xuống đất có vẻ bực tức. Thấy trong người nóng bừng mà cơn gió mát ban đêm cũng không làm bớt được. Nhung mở hòm lấy quần áo và cầm chiếc khăn mặt bông ra phía bể nước mưa.
Nàng cởi áo cánh rồi vội vàng lấy gáo múc đầy thau nước, dội mạnh từ cổ xuống chân. Nhung thấy hơi dễ chịu, nước mưa mát dội vào làn da làm cho nàng có cái cảm tưởng được mặc một chiếc áo lụa mềm mỏng, êm mát. Dưới bóng trăng, hai cánh tay tròn trĩnh của nàng đã trắng lại càng trắng hơn, mấy dòng nước từ từ chảy từ vai xuống bàn tay lấp loáng ánh sáng. Một cơn gió thổi qua mơn man cánh tay như một cái hôn nhẹ nhàng. Nhung rùng mình, nhắm mắt, cúi đầu úp mặt vào chậu thau, lấy tay vỗ nước lên trán lên má.
Nghe tiếng động, Nhung ngửng lên. Bà Án đứng bên kia bể nước, hỏi:
- Con tắm đấy à?
Nhung đáp:
- Thưa mẹ vâng. Trời nóng quá... Mẹ có rửa mặt con lấy thau nước mẹ rửa, nước mưa mát lắm.
Bà Án nhìn con dâu âu yếm nói:
- Thôi, con liệu tắm mau mà vào, khéo không cảm. Ai lại một hai giờ đêm còn tắm như thế.
Rồi bà ra ngồi chiếc ghế mây dài đặt ở góc sân, dưới giàn thiên lý. Nhung mặc quần áo xong, bắc ghế ngồi cạnh bà Án. Nàng rút lược, rũ tóc ra trước gió cho chóng khô, rồi đưa mắt nhìn vớ vẩn. Gần chỗ nàng ngồi, mấy luống huệ nở hoa đều, mỗi lần gió thoảng qua, trông những bông huệ như một chùm sao trắng rung rinh. Hương thơm hoa huệ lẫn với hương thơm hoa lý, hoa lài tản mạn trong không khí thanh tịnh ban đêm, phản phất quanh chỗ Nhung ngồi khiến Nhung tưởng như tóc nàng, áo nàng và cả da thịt nàng cũng đượm hương thơm ngát. Nàng ngây ngất nhớ lại đêm động phòng hoa chúc năm năm về trước hồi nàng mới mười tám tuổi, vì hương thơm mấy thứ hoa đêm nay phảng phất giống mùi nước hoa mà các chị em phù dâu đã vẩy trên chăn, gối cưới của nàng.
Ngày ấy đối với nàng đã xa lắc: Chồng nàng - người chồng mà nàng chỉ kính chứ không yêu - mất đi đã gần ba năm - đến nay không còn để lại cho nàng một chút nhớ thương gì, mà chỉ để lại cho nàng cái dư vị chua chát của một quãng đời ái ân chưa thỏa mãn.
Thấy hai người ngồi đã lâu không nói, Nhung cúi đầu nhìn qua rặng cam, bảo bà Án:
- Ở bên kia có đèn sáng, không biết đèn của ai?
Nàng nói câu đó cho có câu mà nói, chứ thật ra nàng đã thấy bóng đèn của ông giáo dạy học lũ con trong nhà. Bà Án đáp :
- Chắc đèn thầy giáo. Độ này sắp đến kỳ thi nên phải thức khuya học.
Rồi nhân tiện bà nói chuyện về tính nết ông giáo khen ông giáo ngoan ngoãn, chăm chỉ. Nhung vui thích ngồi nghe bà Án khen ông giáo, nhưng nàng vẫn lấy làm lạ rằng bà mẹ chồng trước mặt nàng lại kể lể tính nết tốt ông giáo, một cách rất tự nhiên như vậy. Nàng khó chịu vì bà Án đã quá tin nàng đến nỗi mời ông giáo về nhà dạy trẻ, coi như một sự bình thường, không kể đến rằng trong nhà có một nàng dâu góa trẻ. Nhung nói nửa đùa nửa thật:
- Lúc ông ấy học ông ấy chẳng nghĩ gì đến tiền đâu.
- Dầu đèn là mấy tí. Cốt người ta hết lòng dạy trẻ.
Nhung tự nói như vậy nhưng ngay từ khi ông giáo chưa đến ở dạy học, còn thỉnh thoảng đến nhà chơi với em chồng nàng, nàng đã đem lòng thương hại, vì biết ông giáo đang học ở trường bách nghệ thì bị đuổi, nhà nghèo lại không kế sinh nhai. Cách đó ít lâu, vì trong nhà đông trẻ cần một ông giáo, nên em chồng nàng đưa bạn về dạy học tư ở nhà mình. Đến nay đã hơn một tháng mà Nhung vẫn coi như là không có ông giáo ở trong nhà, thỉnh thoảng gặp, nàng cúi chào lấy lệ, rồi lại thôi không để ý đến nữa.
Nhưng hôm qua... một sự tình cờ đã làm rối loạn cả tâm hồn nàng.
Chiều mát, nàng ra đứng tựa cửa hóng gió, mải cúi mặt ngắm mấy chậu lan. Lúc ngẩng lên, Nhung thấy ông giáo đứng ở bên kia đường đăm đăm nhìn mình. Nhung không sao quên được vẻ hai con mắt ông giáo nhìn nàng lúc đó, tuy ở góa đã lâu, chung quanh lúc nào cũng có người săn đón mà không lần nào thấy mình cảm động một cách mãnh liệt như thế. Nàng vội cúi mặt cho ông giáo khỏi ngượng, rồi quay vào nhà, nhưng từ lúc đó nàng đã mất cả sự bình tĩnh trong tâm trí, sinh ra mong ước vẩn vơ và bắt đầu nhận thấy đời mình đương sống là một đời thiếu thốn và ngang trái. Nhưng không phải nàng yêu vì cái cảm giác dịu dàng, êm ái của một người bắt đầu yêu, nó là một nỗi lo sợ viển vông về những việc không thể tưởng tượng được.
Nhung liếc mắt nhìn vào trong nhà, dưới ánh đèn để ở bàn thờ lờ mờ hiện ra bức ảnh chồng nàng đặt bên cạnh bài vị. Nhung nhìn chăm chú vào bức ảnh chồng như người đương đi trong đêm tối nhìn ánh lửa đằng xa để đoán lối bước lên. Nhung nhìn bức ảnh chồng, nàng vẫn thấy dửng dưng như không, chồng nàng đã mất đi là mất hẳn, không còn một chút liên lạc gì đến đời nàng nữa.
Có tiếng trẻ khóc trong nhà, bà Án bảo con dâu:
- Thằng Giao nó khóc, mợ vào với nó một tí.
Nhung bế con ra ngoài hiên, đi đi lại lại, miệng se sẽ hát ru. Ôm đứa con trong lòng, Nhung thấy tâm hồn rạo rực, nàng nhìn con nựng :
- Con tôi hôm nay quấy quá, không được ngoan ngoãn.
Nhung nhận thấy câu đó chỉ vào mình rất đúng: nàng tình cờ mượn câu mắng yêu con để tự trách mình.
Lúc qua cửa buồng khách, nàng đưa mắt nhìn lên bức hoành phi treo trên tủ chè đề bốn chữ vàng:
TIẾT HẠNH KHẢ PHONG
Bà Án đã nhiều lần nói chuyện khoe khoang với mọi người quen thuộc, hoặc kể lại cho nàng nghe lai lịch bà Tổ mẫu ở góa thờ chồng nuôi con, sau được nhà vua phong tặng.
Bốn chữ "Tiết hạnh khả phong" to lớn ở bức hoành, tuy ngày nào nàng cũng trông thấy, nhưng đêm nay nàng phải để ý nhìn kỹ và nghĩ ngợi bâng khuâng.
II.
Bà Án vào buồng thấy con dâu đang ngồi ở đầu giường xoay mặt vào trong. Bà lên tiếng gọi:
- Kìa mợ Tú không ra cho các thím ấy ăn cơm.
Nhung vẫn yên lặng không đáp. Nhìn kỹ biết là con dâu đương ngồi khóc, bà Án thấy mình cũng rươm rướm nước mắt. Nhưng bà khóc chẳng qua vì cái khóc đối với đàn bà rất hay lây, chứ không vì thương con dâu, hay vì nhằm ngày giỗ, bà động lòng nhớ đến con. Những lúc ấy thì bà cần phải nói gắt gỏng để che ngượng:
- Thôi ra thôi, mợ.
Nhung lấy gương soi quấn lại tóc. Nàng rút khăn lau vội nước mắt, và có ý lau qua loa để cho mọi người nhìn nàng còn biết là nàng vừa mới khóc.
Lúc nàng đi ngang qua buồng khách, những người đang ăn cỗ với em chồng nàng đứng dậy chào. Mắt hoa lên, tuy toàn là bạn thân của chồng nàng, thường ngày vẫn đến chơi nhà, mà nàng không nhận ra một ai, nàng chỉ biết những người ngồi đó là những người đàn ông trẻ tuổi, đang chăm chú nhìn mình. Nàng nóng bừng mặt, ngượng nghịu chào lại, rồi cúi đầu đi sát bên tường. Có một điều không biết tại sao nàng chắc chắn tuy nàng chưa kịp nhìn khắp mặt là trong số những người ấy, không có ông giáo.
Mấy người em dâu và em họ Nhung với lũ trẻ đã ngồi xúm quanh mâm cổ, Phương, em ruột Nhung, đăm đăm nhìn chị đi vào rồi cất tiếng nói :
- Chị tôi lại nhớ anh ấy rồi. Khóc đỏ cả mắt lên thế kia...
Hòa em dâu nàng, tươi cười tiếp theo:
- ... và đỏ cả má.
Hòa nói thế là muốn nhắc mọi người để ý đến đôi má đánh phấn hồng rất nhẹ của Nhung. Sau mấy năm, Nhung mới bắt đầu đánh phấn vài hôm nay, nhưng đánh rất ít, cốt không cho ai nhận thấy. Nghe Hòa nói vậy, nàng chột dạ và hơi ngượng, nàng khó chịu vì thấy không một cử chỉ cỏn con nào của mình là không có người để ý đến, nhưng nàng vừa khó chịu, vừa có cái vui nhận thấy trong vẻ mắt các chị em nhìn nàng, cái ý khen phục và thèm muốn nhan sắc của mình. Nàng tưởng như ai cũng muốn nói:
- Trông chị Nhung hãy còn xuân lắm...
Nhung cúi đầu so đũa trong khi các chị em nói chuyện ồn ào. Ai cũng có vẻ mặt vui tươi và cũng sung sướng được dịp hội họp đông đủ. Tuy là ngày giỗ chồng nàng, mà Nhung không thấy ai nhớ đến nữa, chính ngay nàng cũng vậy, gặp ngày giỗ thì nàng theo bổn phận một nàng dâu làm cỗ bàn và cúng lễ cũng như mọi ngày giỗ khác.
Thấy chị em giục, nàng cầm đũa gắp lấy lệ. Tuy đói, nhưng nàng ăn không thấy ngon. Nàng cũng không dựa vào câu chuyện của mọi người bàn về việc nhà cửa, chồng con. Càng những ngày nhà có việc, mọi người về đông đúc, Nhung cảm thấy mình lẻ loi, những lúc ấy, nhân dịp nhà đông không ai để ý đến mình, nàng thường lánh ra một nơi vắng như một người buồn mà cứ thích yên lặng ôm ấp lấy cái buồn của mình không muốn để ai khuyên giải.
Bỗng nàng ngừng đũa lắng tai. Ở phòng bên có người nói đến tên ông giáo. Nhung nghe kỹ thì ra tiếng Thường, bạn của em chồng nàng:
- Sao bây giờ mà không thấy Nghĩa về.
Tiếng một người khác tiếp theo:
- Hay là rớt, sợ xấu hổ không dám về.
Tuy mới là lời dự đoán, nhưng Nhung đã thấy mừng, vì lời dự đoán Nghĩa rất hợp ý mong mỏi ngấm ngầm của nàng. Từ hôm Nghĩa đi thi, nàng lấy làm khó chịu và vẫn thầm trách Nghĩa nghĩ đến sự thi cử để tìm cách rời bỏ nhà này, tuy nàng vẫn biết rằng trách ông giáo như vậy là vô nghĩa lý.
Hòa nghe buồng bên nói chuyện ông giáo chưa về nên bảo Nhung:
- Ông Nghĩa chưa về, nhưng không biết nhà tôi có mời các ông ấy ăn cơm trước không? Ông Nghĩa về ăn cơm sau cũng được.
Nhung thẫn thờ đáp:
- Họ đương ăn bên ấy. Đợi làm gì?
Thấy mọi người nói đến Nghĩa là một cách coi thường, nàng cũng cố làm ra như vậy. Vừa lúc đó Nghĩa đi ngang qua ngoài hiên, Hòa vui vẻ nói:
- Kìa! Ông Nghĩa đã về, vừa nói đến ông ấy xong...
Câu nói tự nhiên của Hòa như diễn hộ Nhung cái mừng thấy Nghĩa về. Nàng thì nàng không thể nào thốt ra được một câu như thế. Nghĩa quay đầu lại và tình cờ nhìn vào chỗ Nhung ngồi.
Nhung thấy cái cảm giác lẻ loi biến đâu mất. Nhìn các chị em ngồi quanh mâm nói chuyện vui vẻ, không nghĩ gì đến cái ý nghĩa của một bữa cỗ giỗ, Nhung không thấy làm lạ nữa, cho là một sự tự nhiên, tự nhiên như cái vui trở lại trong tâm hồn nàng lúc đó, song Nhung vẫn giữ vẻ mặt hơi buồn. Nàng đưa bát cơm lên miệng, nhưng không và vội, lắng tai nghe tiếng nói chuyện ở buồng bên:
- Thế nào, rớt hay đỗ?
Tiếng trả lời nói rất khẽ, Nhung không nghe rõ.
Hòa hỏi Nhung:
- Thế nào, chị tôi ăn đi chứ. Ngồi nghĩ gì vậy...
Thoa, một người chị em bạn nói tiếp:
- Hay lại nghĩ đến anh ấy đấy...
Nhung khó chịu. Nàng muốn quên hẳn người cũ, nhưng một câu nói, một cử chỉ của nàng là một người đàn bà góa đáng kính phục vì không lúc nào không thương tiếc chồng.
Nàng đương trầm ngâm với cái ý tưởng chua cay ấy, thì ở buồng bên, Thường vừa cười vừa nói:
- Thế nào anh Nghĩa? Rớt mà vui thế kia ư? Hay nói dối chúng tôi đấy?
Nghĩa cũng cười theo:
- Rớt mới đáng cười chứ. Nếu tôi đỗ người ta bổ lên mạn ngược, thì hết cả ở đây với các anh, hết cả vui vẻ.
Nhung thấy Nghĩa nói câu ấy, giọng cao hơn giọng nói lúc thường. Nàng đoán:
- Có lẽ định bụng để cho mình nghe thấy chăng?
Nàng mỉm cười, hai con mắt mơ màng nhìn ra ngoài vườn, nàng ngẫm nghĩ đến cái sung sướng riêng của mình.
Buổi chiều, bên một cái bàn phủ khăn trắng để giữa sân, Nhung ngồi gọt táo cho con ăn. Em chồng nàng ngồi cạnh, hai tay chống vào cằm, ngửa mặt nhìn lên, vớ vẩn đếm những ngôi sao bắt đầu mọc trên nền trời sáng. Nhung ngừng tay hỏi em cho có chuyện:
- Chú Lịch không đi chơi với ông ấy à?
Lịch thấy vợ ở trong nhà đi ra, mỉm cười bảo chị dâu:
- Nhà tôi giữ riệt, đi đâu được.
Hòa lườm chồng, rồi nũng nịu ngồi sát bên cạnh.
- Đi đâu thì cũng chẳng bằng ở nhà.
Ba người lại ngồi yên lặng. Sau những giờ đông đúc, mệt mỏi vì tiếp khách, dọn cỗ, người nào cũng lấy làm dễ chịu được trở lại cái đời bình tĩnh ngày thường.
Dưới sân gạch, một con chuồn chuồn ớt bay vòng quanh rồi đậu ngay gần bàn, Giao rời mẹ, rón rén ra bắt, nhưng cứ gần đến nơi thì con chuồn lại bay chỗ khác, Lịch cười xòa, nói:
- Giao đuổi nó làm gì? Bắt thế nào được nó.
Hòa nói tiếp:
- Khéo, kẻo đi bắt chuồn lại vồ được ếch đây, chú Giao ạ.
Nhung ngắm nhìn phong cảnh quanh nhà, phong cảnh không bao giờ thay đổi, trong bao năm nàng nhìn đã quen mắt, nàng thuộc đến cả hình dáng từng cây mọc ở trong vườn, hay lộ sau các mái nhà, các bức tường. Những mảnh trời và những làn mây phớt hồng trôi nhẹ sau những thân cây cau trắng, nàng nhìn thấy có vẻ thân mật như một người bạn quen từ lâu, mây tuy mỗi lúc một khác nhưng nàng tưởng như chiều nào cũng giống như chiều nào, cũng vẫn những đám mây hôm qua bay nguyên ở góc trời cũ: hình ảnh cuộc đời bằng phẳng của nàng êm ả, nhẹ nhàng trôi theo ngày tháng.
Xa nữa, trên mấy nóc nhà tranh, ngọn một rặng nhãn, lá xanh đen in lên nền trời: chỗ ấy là nhà của cha mẹ nàng. Nhà nàng và nhà chồng nàng đời đời an nghiệp ở đây, trừ mấy năm đi học xa, còn từ bé nàng sống trong cái xã hội nhỏ như con cá cả đời sống trong một cái ao con, chung quanh toàn người quen thuộc và yêu trọng nàng. Nàng lấy ông Tú vì hai nhà quen thân với nhau, vì đó là một sự rất tự nhiên, phải thế. Nàng không hề nghĩ ngợi gì và không bao giờ tưởng đến ý nghĩa của ái tình.
Ông Tú mất đi, nàng vẫn ao ước được yên ổn mãi mãi với nhà chồng, được luôn luôn sống gần gũi bố mẹ đẻ và nuôi con cho thành người... Sự mong mỏi sống như vậy trước kia nàng tưởng dễ dàng lắm.
Nhung tự hỏi thầm:
- Nhung bây giờ?...
Nghĩ đến Nghĩa, đến cái cảm giác mới mẻ của một thứ ái tình bắt đầu nhóm trong lòng, Nhung lo sợ. Nàng đoán thấy hạnh phúc đợi chờ nàng, mà nàng không dám tìm đến cái hạnh phúc đó. Nàng cúi nhìn con nàng vẫn cứ cặm cụi rình bắt con chuồn chuồn, không biết rằng chẳng bao giờ bắt nổi nó.
Muốn tránh mối lo sợ về mai sau, Nhung đành tự lừa dối mình, chỉ nghĩ những phút thần tiên của hiện tại. Nàng cho rằng không bao giờ có sự thay đổi. Nàng tưởng tượng Nghĩa suốt đời ở cạnh nàng, rồi hai người cứ yêu nhau một cách kín đáo như bây giờ, mãi mãi. Nàng cho là có thể như thế được lắm. Cái ý tưởng ấy đã làm cho nàng bình tĩnh trong tâm hồn, vì nó vừa giúp nàng quên cái lo sợ về một sự thay đổi mãnh liệt, nó vừa thỏa được lòng khát khao tình ái của nàng.
Lịch nhác thấy Nghĩa đứng hên kia đường hoa bèn lên tiếng gọi:
- Anh Nghĩa sang đây ăn lê, táo.
Bên bàn còn mỗi cái ghế để không ngay cạnh chỗ Nhung, Nghĩa ngồi vào ghế và cố giữ vẻ tự nhiên, chàng với điếu thuốc lá, nhưng không hút vội, tay cầm bao diêm táy máy nhấc lên lại bỏ rơi xuống bàn.
Không ai nói câu gì, vì câu chuyện đáng nói nhất lúc đó là câu chuyện Nghĩa rớt mà ai cũng tránh không muốn đả động tới, sợ Nghĩa buồn.
Nhung gọi con lại, cúi đầu ve vuốt tóc con. Nàng nhấc mũi giầy lên ấn xuống, muốn đứng dậy đi ngay chỗ khác, nhưng vẫn ngồi yên đầy. Tuy lúc đó, Nghĩa đương nhìn bao diêm mà nàng tưởng như Nghĩa nhìn nàng. Nhung không dám cử động chân tay sợ người ta nhận rõ cái bối rối của mình, nhưng nàng cũng không muốn ngồi yên, vì càng ngồi yên, Nhung càng thấy mình không có vẻ tự nhiên và càng khó giữ nổi những ngón tay nàng rung trên nền áo.
Hòa hỏi vẩn vơ:
- Chiều hôm nay thế nào mà không có gió.
Nghĩa nói:
- Có gió hơi hơi. Cứ nhìn cây đề thì biết ngay.
Nhung ngẩn nhìn ra phía cây đề, một cây đề cao lớn mọc ở cạnh ao. Nghĩa nói tiếp:
- Ngọn các cây khác yên tăm tắp, chỉ có một mình cây đề là rung động.
Lịch nói:
- Anh Nghĩa nhận xét cũng khá đúng.
Nhung cho rằng vì Nghĩa đoán được cái cảm động của nàng, nên nói một câu có ngụ ý để ám chỉ nàng.
Giao nghển cổ giơ tay với quả lê để ngay cạnh bàn, quả lê rơi lăn xuống gạch. Nhung nghiêng mình với theo, nhưng Nghĩa nhanh chân chạy ra cầm lấy quả lê trước. Nhung ngập ngừng nói:
- Xin ông.
Nghĩa vừa đặt quả lê vào lòng bàn tay Nhung vừa nhìn đăm đăm vào hai mắt nàng, và cố ý để yên bàn tay lâu một chút.
Nửa vì cúi xuống với quả lê, nửa vì hổ thẹn, Nhung thấy nóng bừng hai bên má. Nàng bối rối mắng con:
- Thế là giập mất quả lê, chú mình hết ăn. Thôi để mợ cất đi cho Giao hết táy máy.
Nàng lấy cớ cất đĩa quả để đứng dậy đi ra chỗ khác. Nàng vội vào buồng mình và đến trước cái gương tủ đứng. Có một lẽ Nhung không muốn tự thú vì nàng sợ mình thẹn với mình, là nàng muốn vào buồng soi gương xem vẻ mặt nàng lúc đó ra sao. Nàng mím môi, nhìn vào hai con mắt mình trong gương, đứng yên lặng một lúc ngắm nghía, rồi thong thả đưa tay sửa lại mái tóc. Nhung có cái sung sướng, ngây thơ nghĩ đến rằng Nghĩa đã nhìn nàng trong một lúc nàng có nét mặt xinh đẹp khác thường.
Bỗng nàng lắng tay nghe tiếng bà Án nói chuyện với ai ở buồng khách. Nghe được một lúc, nàng cau mày khó chịu, bà Án đương khoe nàng với một người khách lạ. Lần này cũng như bao nhiêu lần trước, nàng lại nghe thấy cũng những câu khen ấy, hình như bà Án đã thuộc lòng hễ động ai nhắc đến con trai và con dâu là đem ra kể lể.
Bà khách - mà Nhung nghe tiếng chưa đoán ra được là ai - thỉnh thoảng lại chêm vào một câu:
- Ồ, quý hóa quá! Thật là nhà tốt phúc.
Yên lặng một lúc lâu rồi bà khách hỏi:
- Mợ ấy cũng người làng này?
Bà Án đáp:
- Vâng, mợ cháu con cụ Nghè Kinh, chắc cụ có quen.
- Có, tôi hơi quen, quen từ độ ông cụ còn ở trên Bắc, nhưng tôi không biết mặt những người con.
Bà Án lên tiếng gọi:
- Mợ Tú.
Nhung biết là mẹ chồng gọi đến để bà khách xem mặt. Nàng rón rén đi thật nhẹ ra ngoài hiên cho xa, rồi mới khẽ "dạ" một tiếng và làm bộ tự nhiên đi vào. Thấy bà khách, nàng nghiêng mình chắp tay chào rất có lễ phép, kính cẩn ra vẻ một con nhà nề nếp. Bà Án dịu dàng bảo Nhung:
- Con vào lấy chai chè ướp sen để pha nước cụ xơi.
Nhung đáp:
- Thưa mẹ, con lấy thứ chè ướp hoa sen sao nhà. Thứ ấy ngát.
Nhung nói với mẹ chồng làm như không biết bà khách đương nhìn mình, ngắm nghía mình. Nàng tưởng nàng lúc đó như một thứ hoa quý trong nhà, hễ có khách đến đem ra khoe cho khách thưởng ngoạn để lấy tiếng khen. Tuy vậy, Nhung cũng thấy dễ chịu mỗi lần được người ta ngỏ ý kính phục: những lời khen tuy đã nhàm nhưng vẫn làm thỏa được lòng tự cao của Nhung về nhân phẩm mình.
Nàng dọn ấm chén vội vàng, trong lòng thầm mong Lịch và Nghĩa còn ngồi nói chuyện ở đó. Nhưng lúc ra đến nơi thì chỉ còn trơ cái bàn phủ khăn trắng và mấy cái ghế bỏ không.
Nắng đã tắt hẳn. Ánh sáng trời chiều êm dịu tỏa mờ trên cây sân gạch. Nhung đứng dựa vào cột nhà. Nhìn mấy cái ghế không nàng thấy buồn bã lạ thường, cái buồn vô cớ tự nhiên đến. Nào có gì đâu mà nàng như mang máng tiếc rằng vừa bỏ qua những giây phút đáng sống nhất trong đời, nàng như ngẩn ngơ thấy một vật gì rất quý mất đi không phương vớt lại được nữa.
Nhung ra sân. Nhìn về phía ao, nàng thấy hai vợ chồng Lịch và Nghĩa đương đứng ngắm hoa sen.
Hòa giơ tay chỉ trỏ rồi nàng nghiêng mình về phía Nghĩa, cười cười nói nói với Nghĩa một cách rất tự nhiên. Nhung ao ước được như Hòa. Nàng muốn chạy ra ngay bờ ao sen với ba người, nhưng không dám, vì nàng thấy cử chỉ ấy không tự nhiên lúc nào.
Nhung đứng tựa vào bàn yên lặng ngắm bóng ba người in nổi bật lên giải sen lốm đốm hoa trắng. Gió chiều đưa lại thơm ngát mùi hoa.
III.
Nhung thong thả đẩy cánh cổng, một con chó sồng sộc ở trong nhà chạy ra có vẻ dữ tợn, nhưng thấy người quen thì đứng lại ngay, ve vẩy đuôi mừng rỡ. Con chó ấy chính tay Nhung mua về, hơn mười năm trước. Nàng không ngờ nó sống được đến tận bây giờ. Nhìn con chó mình đã nuôi nấng, chăm chút từ hồi còn bé, nay già yếu hai con mắt nó lờ đờ, mỏi mệt, Nhung thương hại cất tiếng gọi:
- Bông lại đây.
Vú già đương hái rau trong vườn nghe tiếng Nhung ngửng đầu lên khỏi dậu dâm bụt:
- Cô về chơi, may quá!
Nhung lo lắng hỏi:
- Sao lại may?
Nàng đoán là trong nhà mới xảy ra chuyện gì không hay. Vú già mừng rằng có nàng về mọi việc sẽ yên ổn. Chỉ có nàng là cả nhà ai cũng nghe, cũng nể, Nhung cũng biết vậy, nên cứ một, hai ngày nàng lại về thăm nhà để bàn tính mọi công việc như khi hãy còn là con gái ở nhà.
Nhung vào buồng chào mẹ. Bà Nghè không đáp, cũng không quay mặt ra hỏi chuyện nàng vồn vã như mọi lần. Nàng đoán là mẹ nàng giận Phương, vì đã hơn một năm nay, Phương cứ nhất định không chịu lấy con cụ Tuần người cùng làng. Nhung yên lặng ngồi xuống phản, những lúc mẹ nàng giận dữ, nàng không hỏi bao giờ, cứ việc ngồi đợi bà cụ nói trước.
Một lúc lâu, bà Nghè mới cất tiếng hỏi:
- Con sang chơi.
Nhưng bà vẫn không quay mặt. Bà lấy khăn tay lau mắt, rồi vừa thổn thức vừa nói một mình:
- Tôi chịu cô ấy thôi.
Biết là chuyện gả chồng cho Phương, nên cũng như mọi lần, Nhung nói như an ủi mẹ bằng câu:
- Mẹ hãy thong thả, rồi liệu dần dần.
Bà Nghè quay mặt ra bảo Nhung ngồi sát gần mình rồi nói tiếp :
- Cô chưa biết chuyện. Còn tôi, tôi có ngờ đâu ra nông nỗi này...
Bà kể chuyện cho Nhung biết rằng Phương không thuận lấy con ông Tuần, vì đã một năm nay Phương phải lòng Lũy. Nhung sửng sốt hỏi:
- Lũy, con nuôi...
Bà Nghè tiếp luôn:
- Ừ, Lũy con nuôi Phó Bạt.. Đê điếu chưa, con!
Nhung lặng người đi, bà Nghè nói :
- Tao có ngờ đâu... đến bây giờ thằng Minh nó mới cho tao hay. Mà nó lại còn bênh con Phương chầm chập. Nó bảo chúng nó đã yêu nhau thì cho chúng nó lấy nhau... Dễ dàng chưa.
Nhung vừa nghe mẹ nói vừa ngẫm nghĩ. Nàng cũng cho em nàng nói là phải, hai người yêu nhau thì cho hai người lấy nhau, dễ dàng lắm. Song tuy nghĩ vậy mà nàng vẫn thấy có cái gì bảo nàng thế lá trái, không thể được, Bà Nghè bảo Nhung:
- Cô liệu lấy lời hơn lẽ thiệt mà khuyên con Phương để khỏi xấu đến gia phong nhà mình. Tôi, tôi chỉ tin ở cô... Nếu con Phương nó cũng biết nghĩ đến danh giá, đến liêm sỉ như cô, thì đâu nên nỗi...
Bỗng bà Nghè ngừng lại, đăm đăm nhìn vào mặt Nhung và tỏ vẻ ngạc nhiên: Nhung biết là mẹ để ý đến mặt phấn của mình. Nàng ngượng quay đi, cúi với chiếc quạt để ở đầu phản rồi vừa quạt thật mạnh vào mặt vừa nói:
- Gớm mấy hôm nay, trời nóng quá... con bị rôm mọc đầy mặt, cả cháu Giao cũng vậy, con phải lấy phấn xoa cho cháu mới thấy đỡ.
Nhưng nàng vẫn không bỏ được cái cảm tưởng rằng giá trị của mình đối với mẹ đã bị giảm bớt. Nàng hỏi mẹ:
- Thầy con đã biết chưa?
- Có, biết rồi. Ấy, thầy vừa gắt thằng Minh ầm nhà lên đấy.
Bà than thở:
- Mẹ già nua tuổi tác, cũng mong cho con lấy được chồng tử tế ở cùng làng để hôm sớm mẹ con có nhau.
Bà rươm rướm nước mắt, dịu giọng nói với Nhung:
- Mẹ thương con góa bụa, nhưng nghĩ rằng bấy lâu con đã biết đường ăn ở, trong họ, ngoài làng, ai ai đều kính nể, nên mẹ cũng được chút thơm lây và vui vẻ lúc tuổi già. Bây giờ em con như thế, mẹ thật lấy làm buồn lắm...
Nhung nghiệm ra rằng bà Nghè nói đến việc Phương muốn lấy Lũy như là nói đến một việc đã quá lỡ rồi: bà chỉ than thở, chứ không tỏ ý quả quyết ngăn ngừa. Nhung cũng cho rằng việc đó không sao tránh được, vì nàng biết tính em nàng rất ương ngạnh.
Nàng vừa phe phẩy quạt cho mẹ, vừa nói an ủi:
- Xin mẹ cũng đừng lấy thế làm phiền.
Nhung định nói tiếp thêm rằng nàng sẽ mãi mãi ở cạnh mẹ để cho mẹ vui tuổi già, nhưng nàng thấy ngượng mồm nên lại thôi. Bà Nghè hỏi:
- Sao con không cho thằng Giao theo sang?
- Thưa mẹ, con sợ mưa.
Nhung mừng rằng bà Nghè đã nói sang chuyện khác. Nàng lấy cớ trời sắp mưa, đứng dậy xin phép về. Khi qua ngang nhà thấy Minh đang đi đi lại lại, nét mặt cau có, Nhung tạt vào, Minh hỏi:
- Chị có gặp Phương bên ấy không?
- Không.
Hai chị em nhìn nhau hồi lâu, rồi Nhung nói:
- Tôi vừa biết chuyện. Mẹ giận chú lắm đây.
Minh đáp:
- Để thầy mẹ giận một lần còn hơn là giận mãi... chị thì chị nghĩ thế nào?
Nhung chưa kịp nghĩ ra sao, nên nói vẩn vơ:
- Tôi cho rằng điều cốt nhứt là đừng làm phiền lòng thầy mẹ vô ích. Chú cứ hay thẳng tính quá.
Minh tắc lưỡi:
- Tôi nghĩ sao nói vậy, còn hơn là giả dối.
Nhung hai con mắt mơ màng thong thả nói:
- Nhiều cái khổ mình phải chịu lấy một mình. Ai chẳng biết sung sướng lấy thân, nhưng nhiều khi cũng phải nghĩ đến nhà mình, đến danh giá...
Nhung thấy em chăm chú nhìn mình như dò ý tưởng, nên không nói hết câu. Nàng nhận thấy câu nàng nói có vẻ giả dối, giả dối như đời nàng sống bấy lâu: nàng nghĩ một cách mà sống một cách khác.
Nhung vừa đi ra vừa nói:
- Chắc Phương sang chơi bên tôi.
Minh dặn với:
- Chị có gặp Phương xin chị đừng đả động gì tới việc ấy.
Trời bắt đầu lấm tấm mưa. Nhung chạy vội về nhà, một tay để lên trán che những giọt nước mưa khỏi rơi vào mặt. Đi hết rặng chuối, Nhung quặt sang con đường nhỏ hẹp để về ngõ nhà. Bỗng nàng bước chậm lại vì thấy Nghĩa đứng ở cổng. Nàng đoán là Nghĩa ra đây cốt đợi mình về để được nhìn mặt.
Lúc nàng đi qua, Nghĩa nép mình vào cánh cửa nhường lối. Một cơn gió thổi mạnh rồi bỗng mưa xuống như trút nước. Nhung vừa thở vừa đứng dừng lại dưới mái cổng. Trong lúc bối rối, nàng nói không nghĩ ngợi.
- May quá, vừa đến đây thì mưa to.
Nói xong, nàng mới biết là mình lỡ lời. Nghĩa nói:
- Để tôi gọi người nhà lấy nón, bà vào cho đỡ ướt.
- Thôi ông ạ.
Nhung sợ người nhà ra thấy hai người cùng đứng dưới mái cổng e không tiện. Nàng cúi nhìn những hạt mưa ở mái rơi ở mái rơi xuống làm nổi bong bóng trên những rảnh nước đục ngầu. Một cơn gió hắt mưa vào chỗ Nhung đứng và thổi lật tà áo, nàng thấy hơi lành lạnh. Nghĩa nói:
- Bà đứng dịch quá vào trong này kẻo mưa ướt.
Nhung vẫn đứng yên chỗ cũ. Sau một phút yên lặng khó chịu, Nghĩa nói:
- Ít khi mưa ngâu mà to thế này.
Hai người cùng nghĩ đến Ngưu Lang và Chức Nữ. Nhung đoán Nghĩa đang nhìn mình: nàng rút khăn chấm những giọt mưa đọng trên tóc, trên má rồi thong thả quay lại. Hai người lặng lẽ nhìn nhau. Nhung không hiểu sao lúc đó mình bạo dạn đến có thể nhìn vào mặt Nghĩa lâu được như vậy. Song đến khi nàng bắt đầu chớp mắt thì nàng cũng bắt đầu thấy thẹn, thẹn một cách lạ thường. Hai má nàng bừng bừng nóng và quả tim nàng như ngừng đập. Nàng quay mặt đi, rồi cắm đau bước xuống vườn mê man quên cả mưa, đi vội vã như người đi trốn.
Vào đến hiên nhà khi đứng lại thở, Nhung mới hối hận rằng đã bỏ chạy một cách vô lý: làm như thế tức là đã ngỏ cho Nghĩa biết rõ lòng mình, đã thú với Nghĩa rằng mình yêu Nghĩa. Nghĩ vậy, nàng lại thấy cái thẹn tăng hơn lên.
Nhung rú mưa, đi vào buồng khách. Phương đương ngồi nói chuyện với Hòa, nhìn ra hỏi:
- Chị đi đâu về mà ướt tầm tã thế kia?
- Tôi vừa về thăm nhà.
Phương nhìn chị chăm chú để xem chị đã biết chuyện thì ý chị ra sao. Nàng rất cần Nhung bênh nàng, rất cần những lời an ủi và biểu đồng tình của Nhung trong khi nàng đau khổ, bứt rứt. Nhung đoán được ý nghĩ của em, nên vội dịu nét mặt nhìn em một cách âu yếm như có ý bảo:
- Chị đã biết chuyện rồi, đã hiểu nỗi lòng của em. Chị sẽ tìm cách giúp.
Phương vui vẻ nhìn mưa, nói:
- Mưa thế này thì rồi về ra làm sao?
Nhung biết là em nói câu ấy để cho người ta giữ lại, nên vội mời:
- Cần gì về. Dì ở đây ăn cơm rồi ngủ luôn đây nói chuyện cho vui.
Hòa nói tiếp:
- Phải đây, chiều hôm nay mát trời, tôi đã bảo nó làm cháo ám. Con cá quả to béo lắm.
Có tiếng người đi ngoài vườn Nhung lắng tai nghe thấy tiếng Nghĩa nói chuyện với ông hậu Đôn, người anh họ chồng nàng.
Lịch ở buồng bên thấy Đôn đến liền chạy ra nói đùa:
- Trời mưa ngâu mà ông anh tôi sang chơi đây. Hay là ghé thăm bà nào rồi nhân tiện tạt qua.
- Bà nào hôm nay cũng đi vắng cả.
Nói xong, Đôn cười để lộ cả hai hàm răng, cái cười ngây ngô của một người chưa bao giờ phải lo nghĩ, cả đời chỉ bận bịu tìm những cái vui thú tầm thường. Mới ngoài ba mươi tuổi mà Đôn đã có ba vợ. Giàu có không biết làm gì, nên Đôn thấy người nào vừa ý là cưới lấy vợ, tậu cho ít ruộng nương, làm cho cái nhà để lấy chỗ đi lại. Cứ mỗi lần cưới một cô vợ mới thì Đôn lại có công việc trong ít lâu. Ai có con thì Đôn chính thức nhận làm vợ bé. Chàng lấy vợ cũng như người khác chơi cây cảnh cái đó là một cái thú tự nhiên và lịch sự.
Đôn nói:
- Ở nhà cứ ăn cơm đi thôi, thím không về đâu. Thím ăn cơm rồi ngủ ở nhà tôi với bác, để nửa đêm gọi dì. Có bà dì hay lắm.
Hòa nói:
- Ồ thế chị Tú phải sang mới được. Sang để gọi anh ấy lên.
Đôn nói đùa:
- Nhất là một đêm mưa ngâu gọi thế nào chú ấy cũng lên.
Nhung giật mình nói:
- Mải chuyện quên cả lấy nước cúng.
Theo lệ thường, nàng ra cái chum để ở đầu nhà múc nước. Thấy trong bát nước có cặn, nàng đổ đi và cầm cái gáo khoáng nước thật kỹ, để mặc cho những giọt mưa trên mái nhà rỏ xuống tóc, xuống cổ. Bỗng nàng ngừng tay nhìn lại. Nghĩa từ lúc vào vẫn đứng tựa ở cửa, chàng để tai nghe những người ở trong nhà nói chuyện, thỉnh thoảng lại nói chêm một câu, nhưng mắt chàng thì nhìn ra chỗ Nhung đứng. Tuy trong bát nước mưa hãy còn cặn, Nhung cũng đặt gáo xuống, quay vào. Nàng đi rón rén, hai con mắt chăm chú nhìn vào bát nước khỏi sóng ra ngoài. Nàng tìm bóng nàng trong đáy bát để xem mình thẹn ra sao, nhưng nàng chỉ thấy lóng lánh những vòng tròn ánh sáng. Vào đến trong buồng có nhiều người, Nhung mới đỡ ngượng. Nàng nói:
- Trời mưa, nước chum có nhiều cặn quá. Không được trong.
Nhung gượng nhẹ đặt bát nước lên bàn thờ và rút hương châm đốt. Mắt nàng lúc nào cũng cúi xuống, vì nàng không muốn thấy ảnh chồng trong lúc nàng biết Nghĩa đương nhìn theo ngắm nghía mình.
Nghĩa vào ngồi gần Lịch nói:
- Gió lạnh và ngửi mùi hương thơm, có vẻ tết lạ.
Lịch tiếp theo:
- Nói đến tết lại nhớ đến tam cúc. Đến đêm rang ngô ăn, rồi đánh tam cúc chơi.
Hòa vui mừng nói:
- Thế thì tuyệt.
Lịch nói:
- Ăn ngô rang lại nhớ những cảnh vợ chồng mới cưới.
Rồi chàng quay lại nói với Đôn:
- Chỉ có bác Hậu là lúng túng. Chẳng có lẽ lại ăn ngô rang với cả ba bà.
Mọi người đều cười ồ. Nhung cũng cười theo, nhưng hai con mắt nhìn ra ngoài mưa, nàng nghĩ vớ vẩn. Tuy vẫn biết Đôn có ba vợ mà mãi đến bây giờ, khi nghe Lịch nói đùa, Nhung mới để ý đến. Trước kia nàng thấy việc đó tự nhiên quá, tự nhiên đên nỗi nàng coi như là không có nữa. Nhung ngẫm nghĩ:
- Sao họ lấy vợ chồng dễ dãi đến thế.
Hòa gọi người nhà bảo dọn một mâm cơm cả nhà ăn chung, nàng nhìn Nghĩa, nói:
- Như thế cho vui.
Nhung vui vẻ lại gần bàn ăn sửa soạn. Nàng nói:
- Giá có bình hoa thì hay quá.
Lịch cười tiếp theo:
- Chị làm như là một bữa tiệc cưới vậy. Nhưng cưới ai?
Nghĩa đáp:
- Cưới Ngưu Lang và Chức Nữ, cả năm mới được gặp nhau một lần.
Nhung nói:
- Tiệc cưới thì phải có rượu chứ. Để tôi đi lấy chai rượu vang đỏ.
Nhung sang buồng bên mở tủ lấy chai rượu và mấy cái cốc, nàng vội vội vàng vàng, trong phòng phấp phỏng lo, chỉ sợ mẹ chồng về, không được ngồi ăn cơm với Nghĩa, mất cả cái thú vui đánh tam cúc, ăn ngô rang nó đương đợi nàng và làm nàng hồi hộp như đứa trẻ gặp ngày hội.
Ngoài nhà đã lên đèn. Nhung gượng nhẹ xếp đặt mấy cái cốc chung quanh ria bàn. Trên tay nàng, ánh đèn xanh chiếu xuống vành cốc thủy tinh trong làm lấp lánh những tia sáng. Nhung tránh sang một bên đứng lẫn trong bóng cái bình hoa đặt cạnh đèn để được tự do nhìn Nghĩa.
Thấy Nghĩa đương mãi nói chuyện với Lịch, Nhung cất tiếng khen mấy bông hoa cắm trong bình: cốt ý của nàng là để cho Nghĩa nhìn đến mình.
Bỗng Nhung lắng tai, lo lắng. Nàng thấy ở ngoài nhà mưa như muốn ngớt. Nhưng chỉ một lúc sau, tiếng rào rào nghe lại to dần. Nàng thầm mong mưa như thế mãi suốt đêm, trái hẳn lại mỗi khi hễ cứ thấy mưa to, gió lớn là nàng rất sợ, nôn nao khó chịu trong người.
Hòa mời mọi người ngồi vào bàn ăn. Đến lúc ngồi xuống ghế rồi, Nghĩa nhận thấy Nhung ngồi khuất sau cái bình hoa.
Người nhà bưng mâm lên, tìm chỗ đặt các đĩa đồ ăn. Nhung bảo:
- Thôi, anh cất hộ cái lọ hoa ra nơi khác cho rộng chỗ.
Bình hoa vừa cất khỏi, Nghĩa thấy gian phòng bỗng rực rỡ lạ thường và trên nền bức tường mờ tối, khuôn mặt của Nhung hiện ra, diễm lệ, tươi sáng và hai con mắt đem lóng lánh nhìn chàng.
Nghĩa nhấc cốc rượu, đặt sát môi như mời thầm Nhung, rồi uống một hớp nhỏ, khẽ nói:
- Uống đến đâu thấy trong người ấm áp đến đấy.
Nhung cúi mặt định nâng côc rượu uống bỗng ngạc nhiên nói:
- Sao tôi lại những hai cốc? Không lẽ chưa uống đã trông một hóa hai rồi.
Đôn lấy ngón tay đếm cốc, nói:
- Thím lấy thừa một cốc.
Hòa nhìn Nhung mỉm cười nói:
- Trông chị cả tôi như người mất hồn... Chị có thấy nóng ruột không?
Nhung không hiểu, Hòa tiếp theo:
- Chắc là ở bên bác, bà dì đương gọi anh Tú lên, vì thế nên xui khiến chị lấy thừa một cốc. Cốc này là để phần anh ấy đấy.
Nhung cau mày, tức giận về câu nói của Hòa, nhưng vì biết rằng tỏ cái giận ra với em là một sự rất vô lý, nàng phải vội vàng uống một hớp rượu để nói lảng:
- Không uống bao giờ, nhắm mắt uống liều xem sao.
Uống được một ít rượu, Nhung trở nên bạo dạn cười nói luôn miệng. Hơi men bốc lên làm nàng choáng váng, nóng bừng mặt, trên trán như có cái gì nặng đè lên khiến nàng phải luôn luôn cau đôi lông mày lại - nhưng nàng thấy trong người bàng hoàng một cách dễ chịu, mê man không nghĩ ngợi gì. Hòa nói:
- Uống rượu vào quên cả buồn. Chẳng trách nào đàn ông họ hay mượn rượu để giải khuây.
Nhung cầm cốc uống một hơi dài rồi mỉm cười, nói tiếp:
- Nhưng đàn bà thì hình như không được phép quên buồn. Đàn bà chẳng có cách gì để giải khuây. Khi nào buồn phải ngồi yên khóc cho đến khi hết buồn thì thôi.
Lịch nói:
- Bà chị tôi diễn thuyết hùng hồn quá. Rượu vào lời ra có khác.
Hòa nói:
- Ở đây chỉ có chị Tú là đỏ mặt nhất... thứ nhì đến bác Giáo.
Câu nói vô tình của Hòa khiến hai người cùng mỉm cười. Nhờ hơi mem, Nhung nhìn Nghĩa không thấy thẹn nữa. Nàng nhấc cốc rượu lên môi, nhưng không uống ngay, trong lòng phơi phới đợi đến khi Nghĩa cùng nhấc cốc lên. Hai người đắm đuối nhìn nhau và cùng uống một lượt. Nhung nhắm mắt lại, đôi môi nàng ngậm lấy thành cốc như mềm hẳn đi và nàng thấy rung động cả mình mẩy.
Phương nhìn cốc rượu của chị, kinh ngạc:
- Chị đã uống cạn cốc rồi à? Chị uống ít chứ, chốc lại còn đánh tam cúc cơ mà!
Nghe lời em, Nhung không uống nữa, nhưng nàng cũng đã say lắm rồi. Khi đánh tam cúc, nàng thường cho Phương chơi một cửa, ngồi ngoài xem. Lúc đó, nàng mới nhận ra rằng trời không còn mưa nữa. Bỗng có tiếng gọi cửa, Nhung hốt hoảng:
- Ấy chết! Mẹ về.
Hòa nói:
- Mẹ về thì mẹ về, làm gì mà chị sợ hãi thế.
Nhung ngượng quá, vì câu nói ấy đã tỏ cho người khác biết rằng nàng coi những cuộc vui đêm nay, những cuộc vui vụng trộm, mà cái sợ hãi của người giả đạo đức. Nhung đứng lên toan đi lảng ra chỗ khác. Nhưng không phải bà Án về, chỉ là con sen, bà Án sai về lấy ít hương vòng. Nhung lảo đảo ra bàn thờ lấy hương đưa cho con sen, rồi vừa mệt vừa say, nàng về buồng mình nằm gục xuống giường ngủ thiếp đi. Lúc nàng tỉnh dậy thì ngoài nhà đã tắt đèn.
Phương ngồi bên nàng khẽ nói:
- Chị ngủ nói mê nhiều quá.
Nhung lo sợ vội hỏi:
- Chị nói những gì thế?
Ngồi nhớ lại những cảnh hỗn độn trong giấc mơ, Nhung thấy mình tự thẹn với mình. Nàng giơ tay vặn đèn lên để ánh sáng làm tan những hình ảnh trong giấc mơ như còn phản phất trước mắt nàng. Nhung bảo em:
- Chị khô cả cổ, khát nước quá. Em ra lấy hộ chị bát nước cúng trên bàn thờ.
Nhung đỡ lấy bát nước uống một hơi cạn.
- Mát ruột quá. Trong người chị hình như có lửa đốt.
- Tại chị uống nhiều rượu quá.
Nhung đặt bát nước xuống đất, uể oải ngồi dậy quấn tại tóc. Hai chị em ngồi yên lặng một lúc lâu. Đoán là em muốn hỏi nàng về câu chuyện ban chiều, Nhung cất tiếng hỏi, gợi chuyện:
- Em chưa đi ngủ à?
Phương thở dài:
- Em cố nhắm mắt mà không sao ngủ được.
Đến bây giờ Nhung mới cảm thấy nỗi khổ của Phương không được nhà cho phép lấy người yêu của mình. Trong lúc bắt đầu thấy yêu, nàng muốn nghe một người khác hiện đương yêu kể chuyện cho nghe để xem ra làm sao và để so sánh. Nàng nói:
- Ban chiều, khi chị sang bên nhà, mẹ có nói chuyện cho chị biết.
- Thế chị nói ra làm sao?
Nhung trả lời mập mờ:
- Chị chẳng nói ra sao cả.
Phương nghẹn ngào than thở:
- Em khổ lắm, chị ạ... Chỉ có chị là có thể giúp em được, vì chị hiểu em và thầy mẹ nể có chị thôi. Em vừa định nói chuyện với chị thì Minh đã cho thầy mẹ biết ngay.
Nhung hỏi tò mò:
- Em biết Lũy từ bao giờ?
- Đã hơn một năm nay.
Nàng ngồi yên lặng nghe em nói chuyện lại và ngẫm nghĩ đến tình cảm riêng của mình. Nàng thấy một cách rõ rệt, sau khi cha mẹ nàng bằng lòng cho Phương lấy Lũy thì nàng không bao giờ có thể lấy Nghĩa được. Nàng nghĩ cả đến cách cuối cùng bỏ nhà trốn đi với Nghĩa, nhưng mới nghĩ đến nàng đã sợ hãi, cho là một việc táo bạo không bao giờ dám làm. Nàng nhắm mắt yêu Nghĩa, đắm mình trong cái thú ngây ngất của tình yêu, không khác gì một người lạc vào rừng đã biết không có lối ra, mà vẫn cứ mê man với những cảnh đẹp quanh mình.
- Chị sẽ tìm hết cách giúp em.
Nhung thấy mình nói bằng một giọng thờ ơ như không tin ở công hiệu việc mình làm, nhưng Phương khi nghe câu ấy sung sướng lộ ra nét mặt.
- Chị nói thì thế nào mẹ cũng nghe.
Nàng nhìn chị, ngập ngừng nói tiếp:
- Chị thương em, chị cố giúp, nhưng em chắc chị buồn về em lắm, phải không chị?
Nàng nhắc lại:
- Em chắc chị buồn về em lắm, em vẫn muốn theo chị mà không thể theo được. Vả lại ở đời, một trăm người mới có một người như chị.
- Nhưng chị có nết gì đâu?
Nhung nói câu ấy nghĩ ngay đến cách ăn ở của mình trong ba năm mới đây. Nàng nghiệm ra rằng nàng chỉ có một cái nết là không biết gì đến tình yêu. Nàng mỉm cười vì cái nết của nàng chỉ là cái nết của một người sư nữ. Nàng hỏi Phương:
- Nhưng em có tội gì? Yêu nhau sao em lại cho là một nết xấu.
Tuy nói vậy, nhưng nàng vẫn tin chắc rằng nếu Phương biết được nàng mấy tháng nay, nàng đã ngấm ngầm yêu trộm Nghĩa thì thế nào Phương cũng khinh rẻ nàng như tất cả những người khác.
IV.
Nhung đứng dừng lại bên cạnh chỗ cắm cờ, đưa mắt nhìn vòng một lượt khắp sân chùa để tìm Nghĩa. Lúc nãy khi nàng sắm sửa ra chùa xem đúc chuông với bà Án, nàng thấy Nghĩa hấp tấp mặc áo đi trước. Không thấy Nghĩa đâu, Nhung lách đám đông người xuống nhà trai, nàng khó chịu không được thấy mặt Nghĩa trong khi biết Nghĩa đương đứng ở một góc nào đó nhìn theo mình, không bỏ sót một cử chỉ.
Biết vậy, Nhung càng thấy ngượng mỗi khi đi đứng ở chỗ nào vắng người, nàng tìm đám đông len lách để cho dáng điệu được dễ tự nhiên. Nàng vừa đi vừa gật đầu chào lại những người làng quen thuộc, mấy tốp thiếu niên Âu phục ở tỉnh về xem hội, thấy nàng đi qua, chăm chú nhìn nàng từ đầu đến chân. Bên tai nàng văng vẳng những câu bình phẩm và trầm trồ khen ngợi sắc đẹp của nàng. Thỉnh thoảng nàng phảng phất nghe thấy tiếng "góa chồng" trong câu chuyện thì thào của họ, hình như họ cho sự góa bụa của một người đàn bà đẹp là một đặc điểm đáng chú ý.
Nhung bước lên thềm và vừa lúc đó nàng trông thấy Nghĩa đứng ở cạnh gốc một cây ngâu, trên đường đi sang đền Mẫu. Nàng ngừng lại nhìn Nghĩa một lúc lâu như cố tỏ cho chàng biết rằng nàng có ý tìm mãi bây giờ mới được thấy mặt.
Một vị sư nữ mời nàng vào ngồi ở phản, hỏi:
- Thưa bà, cụ đã ra chưa?
- Đã, mẹ tôi đương lễ trên chùa.
Nhung ngồi lùi vào trong để cho nhà sư khỏi che khuất và nhìn ra chỗ cây ngâu. Nghĩa vẫn đứng yên ở chỗ cũ.
- Sao bà không cho cháu ra xem hội?
- Cháu nó mệt.
Nhà sư rót nước mời:
- Bà xơi nước.
- Nhà sư để mặt tôi.
Không muốn để nhà sư lôi thôi, nàng đặt tay trên trán, nói:
- Mấy hôm nay tôi ngây ngất khó chịu quá. Đi lễ có mấy nơi mà thở không được.
Như có một sức thôi miên bắt nàng nghĩ đến việc sang lễ đền Mẫu. Nàng hỏi nhà sư :
- Bên đền Mẩu có đông người không?
Thấy nàng đứng lên, nhà sư nói:
- Bà ngồi nghỉ cho đỡ một đã.
- Không sao, đi lễ thì quên cả mệt ngay.
Nàng không biết rằng vừa nói một câu trái ngược hẳn câu nói lúc nãy.
Nàng đi lẩn sau một giậu cúc tần có tơ hồng leo cho không ai để ý đến mình, rồi len qua mấy cái tháp, đi đường tắt sang nhà Mẫu. Sắp đến chỗ rẽ vào con đường hẻm, biết chắc sẽ gặp Nghĩa, nàng trù trừ đi thong thả lại.
Không thấy Nghĩa đứng ở gốc cây ngâu nữa, Nhung vừa đi lần theo giậu cúc tần vừa đưa mắt tìm. Đến nửa đường nàng mới thấy Nghĩa ở bên đền Mẫu đi ngược lại phía nàng. Lúc hai người gặp nhau, Nghĩa ngượng nghịu, cúi chào:
- Bà ra lễ chùa.
Chàng hơi tránh sang một bên nhường lối, nhưng từ vẻ mặt cho đến dáng vấp cử chỉ, cái gì cũng như muốn van Nhung đứng lại. Ở chỗ hai người đứng, giậu cúc tần lên cao tới ngực, nên Nhung nhìn thấy rõ đám đông người ở sân chào. Nàng vững tâm và lễ phép cúi chào Nghĩa như chào một người quen tình cờ gặp ở đường. Nàng nhắc lại câu nàng đã hỏi nhà sư lúc nãy:
- Ở bên đền có đông không, ông giáo?
Nghĩa luống cuống không đáp, Nhung cũng bối rối, nhưng cũng không hiểu tại sao nàng vẫn cứ đứng đây, ngập ngừng đợi Nghĩa đi trước. Nàng thấy Nghĩa ngoảnh nhìn, rồi đưa ra một tờ giấy vàng in chữ như một lá số. Nghĩa nói gì, nàng nghe không rõ, nàng cầm vội lấy lá số như thấy đưa thì cầm, không từ chối vì nể, vì không kịp từ chối. Rồi hai người cúi chào nhau.
Nhung cất ngay tờ giấy vào túi áo cánh vừa đi thật nhanh, vừa đưa tay sửa lại vành khăn. Tay run run, hai chân nàng bước như muốn chạm vào nhau. Tới sân đền thấy đông người, nàng mới đỡ hồi hộp. Mỗi lần cúi lễ xong, nàng lại đưa mắt nhìn quanh người, chỉ sợ tờ giấy trong túi rơi ra. Tuy đã biết chắc là một bức thư mà nàng cũng tìm chỗ tối giở ra xem: ở trong lá số là một tờ giấy trắng có biên chữ. Nàng vội gấp ngay lại, cho vào túi áo, đặt lẫn với mấy tờ giấy bạc và lấy kim băng cài cẩn thận.
Vừa quay ra thì nàng gặp ngay bà Án, bà Án nhìn con dâu lo sợ hỏi :
- Mợ làm sao mà người tái đi thế kia?
Nhung vội đáp:
- Chắc con bị cảm. Con thấy choáng váng cả người.
Bà Án dịu dàng bảo Nhung:
- Con về nhà nghỉ, kẻo lại ốm. Con phải giữ gìn, năm nay năm tuổi đấy.
Bỗng bà sực nhớ ra điều gì, bảo Nhung:
- Mẹ vừa xin quẻ thẻ. Con ra với mẹ nhờ thầy số đoán hộ xem tốt xấu thế nào.
Nể lời mẹ chồng, nàng theo ra, trong lúc thầy số giảng, nàng lơ đễnh nhìn những người qua lại. Nhưng một câu nói của thầy số làm nàng lắng tai:
- Bẩm cụ, xem câu này thì dương phù mà âm oán. Có lẽ phải cúng để giải oan thì trong nhà mới yên.
Nhung lo lắng tự hỏi:
- Âm hồn nào?
Bà Án thấy con dâu vẻ mặt bơ phờ, liền bảo:
- Thôi con về nằm ngủ. Sáng nay mẹ ăn cơm chay ở chùa, chiều mẹ mới về.
Nhung mừng rỡ đứng lên chào mẹ chồng.
Dọc đường mỗi lần gặp người quen hỏi, trong lúc đứng trả lời, nàng luôn luôn cau mày có vẻ một người bị cảm, vì nàng sung sướng quá nên cứ sợ mọi người trông rõ thấy cái sung sướng của mình trên nét mặt.
Ngoài đồng ruộng gió thổi mạnh. Nhung phải để ý giữ lấy mép áo cho khỏi thổi lật tà áo cánh cài kim trong có bức thư.
Nhung nhìn thấy trời cao và rộng hơn mọi ngày. Sau những ngọn tre non, lấm tấm lá xanh, nghiêng ngả trước gió, mấy đám mây trắng bay lẹ làng và trông như rung động trong ánh sáng rực rỡ.
Về đến nhà, Nhung thấy vú già đứng chơi với Giao ở cổng. Nàng chạy vội lại, cúi nhấc con lên rồi ôm ghì vào ngực hôn lấy hôn để. Nàng thấy trong người bồng bột lạ thường, nàng ôm con hôn không phải vì thấy yêu con hơn mọi ngày mà chỉ muốn cử động để cho cái sức bồng bột trong lòng được nhẹ bớt đi. Nàng hỏi vú già:
- Còn ai ở nhà không?
- Thưa mợ nhà đi vắng hết. Chỉ còn mình con ở lại trông nhà.
Nhung mong cho vú già xin phép đi chơi để được ở lại nhà một mình. Nàng nói với Giao:
- Chú Giao không được đi xem hội.
Nhân câu ấy, vú già đánh bạo thưa:
- Mợ cho phép con đi ra chùa.
Vờ lưỡng lự một lúc rồi nàng nói:
- Được, cho vú đi để tôi trông nhà cho. Nhưng có đi cho cả chú Giao đi, cho chú xem hội.
Nàng đứng đợi cho vú già bế Giao đi khuất, rồi quay trở vào, đóng cửa và cài then cẩn thận. Nàng lên tiếng gọi thằng nhỏ. Không trả lời, nàng mới dám chắc rằng ở nhà chỉ có một mình nàng thôi.
Khi vào buồng, nàng bất giác khóa trái cửa lại. Thoáng thấy bóng mình trong gương, nàng vội cúi mặt xuống rồi ra khép cửa sổ lại cho trong buồng đỡ sáng. Nàng ngồi xuống đầu giường và lấy bức thư ra đọc...
... Nhung không biết mình nằm gục trên giường đã bao lâu. Tay nàng nắm chặt lấy bức thư và cái gối bông nàng ôm ghì bên má ướt đẫm những nước mắt. Nàng thở dài một cái thật mạnh, quay mặt nhìn về phía tủ gương và ngắm nghía bóng mình như ngắm nghía một người đàn bà khác. Nàng nhìn vào hai con mắt long lanh ướt lệ của nàng trong gương, mỉm cười sung sướng và lẩm bẩm:
- Thưa quý nương...
Nàng nhớ đến mấy chữ đầu trong bức thư của Nghĩa, nàng hơi hé đôi môi như chờ đợi một cái hôn âu yếm, và tưởng có một cánh tay dịu đàng ôm vòng lấy cổ nàng và khẽ nhấc đầu lên... Nhung nhắm mắt lại rùng mình, hai tay nàng mê man ôm ghì cái gối bông mềm vào ngực. Cử chỉ ấy khiến nàng sực nhớ đến đêm hôm mưa ngâu, nằm mê thấy Nghĩa...
Bỗng nàng mong, mong một cách tha thiết Nghĩa về, về ngay bây giờ, trong lúc nhà không có ai, chỉ có mình nàng với Nghĩa, nàng biết trước rằng nếu Nghĩa về thì... Nhưng nàng vội lắc đầu không dám nghĩ đến sự xảy ra ấy. Nàng ngồi dậy mở bức thư ra đọc lại, rồi lẩm bẩm:
- Nửa đêm hôm nay...
Nàng gấp bức thư lại, ra tủ toan cất đi, nhưng để vào đâu nàng cũng tưởng sẽ có người lục đến xem. Nàng cho vào một cái hộp sơn khóa lại, nhưng nàng nghĩ lẩn thẩn nếu mình chết một cách bất ngờ, thì tất thể nào người ta cũng biết đến.
Có tiếng gõ cửa. Nhung giật mình, nhét bức thư vào túi và ra gương quấn vội lại khăn. Bỗng tim nàng đập mạnh.
- Hay là Nghĩa về.
Trước khi mở cửa, nàng hỏi khẽ:
- Ai đây?
Có tiếng đáp lại:
- Tôi.
Nhung cố hết sức mới kéo được then cửa. Tuy nghe rõ là Nghĩa, nàng cũng ngạc nhiên nói:
- À, ông giáo.
Nghĩa mím cười ngượng nghịu:
- Xin lỗi bà. Phải phiền bà ra mở cửa.
- Vì nhà không có ai cả.
Nhung nói câu ấy thật mau, và hạ giọng xuống như một câu vụng trộm. Hai người cùng cúi xuống toan cài cửa. Nghĩa nói:
- Bà để tôi.
Nhung quay trở vào. Gần đến hiên nàng nghe thấy tiếng bước chân theo sau. Nàng không dám quay nhìn lại, đi vội vàng về buồng ngủ. Nàng đặt mình xuống một cái ghế. Nhìn về phía cửa, nàng thấy cái sứ từ từ quay, nhưng cánh cửa không mở ra, sau một lúc yên lặng, có tiếng gõ rất khẽ. Nhung vẫn ngồi ở ghế không nhúc nhích, bàn tay ôm lấy trán và mấy ngón tay xòe theo điệu thở, tuy trong buồng tối mờ mờ mà nàng vẫn thấy ánh sáng rõ, nàng nhắm mắt lại, nín hơi đợi. Có tiếng giày đi rón rén lại phía nàng.
Nhung định ngửng đầu nói mấy câu bảo Nghĩa ra ngay khỏi buồng, nhưng nàng không đủ can đảm để ngửng đầu lên, nhìn rõ mặt Nghĩa lúc đó. Thấy bàn tay Nghĩa đặt lên cổ tay nàng, nàng mới giật mình và trở nên bạo dạn, toan cất tiếng đuổi Nghĩa ra, nhưng Nghĩa đã quỳ xuống bên cạnh ghế, hai tay nắm lấy tay nàng và đắm đuối van xin. Nhung làm bộ đuổi Nghĩa ra để khỏi ngượng với Nghĩa, cho nên đến khi thấy Nghĩa đã biết mình có ý định rồi, thì nàng hết ngượng và nhìn lại Nghĩa như nhìn một người tình nhân đã yêu từ lâu. Nàng tưởng như đang mê man sống trở lại cái giấc mơ đêm hôm mưa ngâu. Nghĩa vẫn nắm lấy tay nàng, và mỗi lúc nắm chặt hơn. Nhung ngây dại cả người, nàng mơ màng thấy Nghĩa đứng lên nhẹ đặt bàn tay lên vai nàng, rồi cúi xuống nói mấy câu thì thầm không rõ. Nhung chỉ thấy quả tim nàng đập mạnh, và tiếng thở của Nghĩa bên tai nàng. Cũng như ở trong những giấc mơ, Nhung ngửa mặt lên, đôi môi hé nở như đợi một cái hôn, trong khi cánh tay Nghĩa âu yếm ôm vòng lấy cổ nàng và nhấc đầu nàng lên...
Nhung sẽ đẩy Nghĩa ra, đứng ngay dậy. Nàng hốt hoảng, như vừa thấy một sự sợ hãi ở đâu tự nhiên đến. Nghĩa hiểu ý nên không dám khẩn khoản, lùi lại sau và nhắc lại câu hẹn trong thư.
- Nửa đêm hôm nay...
Nhung nói:
- Tôi van ông, xin ông lại ra chùa, chiều hãy về...
Thấy Nghĩa vẫn còn lưỡng lự đứng đấy, nàng luống cuống nói tiếp:
- Ông ra ngay cho. Xin ông thương tỏi...
Khi Nghĩa sắp bước ra, hai người đứng yên lặng nhìn nhau như hẹn hò trước cuộc gặp gỡ về nửa đêm.
Nhung ngồi lắng tai nghe tiếng mở then và đợi cho Nghĩa đi khỏi thật lâu rồi mới dám khép cổng. Nàng lo sợ nhìn ra ngoài đường làng, bác nhiêu Tính, một người đàn bà ở bên láng giềng đứng ở cổng chào và hỏi:
- Mợ không đi lễ chùa?
Nhung đáp:
- Tôi vừa đi về đây.
Bác nhiêu Tính đứng yên một lúc rồi nói cho có chuyện:
- Tôi vừa thấy ông giáo đi về phía này. Chắc ông ra chùa xem.
Nhung nói vẩn vơ :
- Ra bây giờ chắc họ đã đổ khuôn rồi.
Nàng vừa nói vừa nhìn bác Tính, tự hỏi:
- Không hiểu bác ta có biết gì không?
Nhung quay vào gọi thằng nhỏ, mặc dầu nàng đã biết nó đi vắng, cốt ý nàng muốn tỏ cho bác Tính biết rằng trong nhà không phải chỉ có một mình nàng thôi. Nhung quay vào, vừa khép cửa lại vừa nói:
- Không biết nó dở bận gì mà mãi không ra đóng cửa ngõ lại.
Khi đi qua vườn vắng, nhìn hóng mình lướt trên cỏ, Nhung nghĩ đến cái thú của những đôi tình nhân kề vai nhau dưới bóng cây nói chuyện. Nàng hối hận rằng đã trót bảo Nghĩa đi và lấy làm tiếc bỏ mất một dịp tốt, ít khi họ gặp được nữa. Nàng lại bực mình vì cứ vẫn quanh quẩn nghĩ đến bác Tính và tự hỏi xem bác ta có nghi ngờ gì không. Nàng lo sợ, tưỏng tượng bác Tính sẽ đi nói chuyện với người khác, rồi tiếng đồn lan dần, khắp làng ai cũng biết... lúc đó nàng không còn mặt mũi nào mà sống được. Khi đi ngang qua bàn thờ, Nhung đưa mắt nhìn ảnh chồng rồi nhìn cái ghế ngồi lúc nãy, cái ghế mà khi ngồi trên đó, lần đầu nàng phạm tội với chồng. Nàng đỏ mặt bên tai như văng vẳng có tiếng mắng:
... Con đàn bà khốn nạn!.
V.
Nhung trở dậy, vặn to đèn lên và rút ngăn kéo lấy ra một tập giấy trắng. Ngẫm nghĩ một lát, nàng lại nằm vật xuống giường, cúi đầu vào gối bông, cố ngủ. Nàng ngẫm nghĩ:
- Nếu mà ngủ được thì thoát.
Nhung thấy mình như một người đứng bên một cái dốc và biết đặt chân lên chỗ dốc thì sẽ bị tuột xuống vực sâu, nên đương cố hết sức giữ chân lại, nàng nhắm mắt cố ngủ để quên việc viết thư cho Nghĩa, quên cuộc hẹn hò về nửa đêm. Nàng biết rằng nếu không ngủ được tất thế nào nàng cũng tìm để gặp Nghĩa đêm nay, mà rồi cứ phải gặp Nghĩa mãi, dẫu muốn lùi cũng không được nữa. Nàng lẩm bẩm:
- Nếu mình ngủ được!
Nàng nhắm nghiền mắt lại, duỗi hai tay yên lặng đợi giấc ngủ đến. Nhưng ngay trong lúc đó cố ngủ nàng đã biết chắc rằng nàng không sao ngủ được rồi. Tuy vậy nàng cũng cố nằm yên trong nửa giờ đồng hồ, rồi mới ngồi dậy. Lần này nàng không áy náy nữa, vì nàng vịn lấy cái cớ cố ngủ mà không ngủ được để mình tự tha lỗi cho mình.
Ngoài nhà, ai nấy đều ngủ yên cả, thấy đồng hồ bắt đầu gõ chuông. Nhung tẩn mẩn đếm theo mười tiếng rành rọt điểm trong sự yên lặng của ban đêm. Nhung với tập giấy trắng để trên bàn, kê lên mặt gối và ngậm đầu bút chì ngẫm nghĩ tìm câu bắt đầu bức thư. Nàng thấy có nhiều ý không thể nói ra khi đứng trước mặt Nghĩa, mà nếu viết vào thư thì dễ dàng lắm. Nhưng vì nàng không viết quen, nên loay hoay mãi chưa xong được một câu.
Bên kia vườn có tiếng ho. Biết là tiếng Nghĩa, nên Nhung ho theo một tiếng rất khẽ. Nàng ho để bảo cho Nghĩa biết rằng mình còn thức, nhưng ho xong, nàng lại sợ Nghĩa đoán được ý mình và tự nhiên thấy thẹn.
Hơn một giờ đồng hồ, Nhung mới viết xong được nửa trang giấy. Viết xong nàng lại toan xé đi, vì nàng biết không bao giờ dám đi qua vườn để đưa cho Nghĩa. Nàng gấp bức thư bỏ vào túi áo rồi cứ nằm yên trên giường.
Có tiếng động lá cây. Nhung ngồi vội dậy, xỏ chân vào dép, rồi làm bộ rất tự nhiên đi thong thả ra phía cửa sổ như người ra hóng mát. Nàng vừa hé cánh cửa nói một mình:
- Không có hơi một tí gió nào.
Nhưng câu ấy nàng nói cốt để Nghĩa nghe thấy, vì nàng biết rằng Nghĩa đương đứng đợi nàng ngoài vườn. Nàng chống tay xuống thành cửa, ngước mắt nhìn lên trời đầy sao. Bỗng nàng quay trở vào và khẽ thổi tắt đèn. Trong buồng tối, nàng đi lần từng bước cho khỏi chạm vào bàn ghế. Biết là Nghĩa đã đợi ở cửa sổ, Nhung ngừng lại, nép vào cánh cửa đứng im một lúc lâu. Nàng thấy lờ mờ bóng Nghĩa ngồi trên thành cửa lẫn với bóng đen những cây ngoài vườn. Cũng như buổi sáng, bên tai nàng văng vẳng mấy tiếng:
- Con đàn bà khốn nạn!
Nhưng chân nàng vẫn tiến lên. Đến khi hai bàn tay Nghĩa nắm lấy tay nàng và nhẹ kéo về phía cửa sổ, thì lúc đó nàng biết không có sức gì giữ nàng lại được nữa. Nhung cúi mặt xuống, theo đà tay ngoan ngoãn đặt đầu vào ngực Nghĩa. Bàn tay nàng vẫn nằm trong bóng tối. Không ai nói một tiếng, hai người cùng yên lặng như đêm khuya yên lặng, và cũng tưởng thân hình như không có nữa, đã tan đi, hòa lẫn với bóng tối ban đêm.
PHẦN THỨ HAI
I.
Rời chỗ bóng tối giá lạnh, Nhung cầm gương ra ngồi ở bàn về phía có ánh nắng lọt vào. Nàng thong thả chải tóc rồi mở hộp phấn mà đã lâu lắm nàng chưa dùng đến. Nàng cầm quả bỗng chấm nhẹ lên hai gò má rồi cởi cúc áo cánh chấm dần dần xuống cổ, xuống vai. Trên da lạnh, nàng khoan khoái đưa đi đưa lại cái quả bông êm ấm, trước mặt nàng bụi phấn thơm bay tỏa ra trong ánh nắng và làm mờ bóng nàng trong gương.
Nghe tiếng động trong màn, Nhung quay lại nói đùa với con:
- Thôi chú mình dậy thôi chứ. Dậy sang xem dì Phương mặc áo đẹp. Dậy xem cô dâu.
Thấy vú già vào, nàng bảo lấy quần áo mặc cho Giao. Vú già nhìn Nhung mỉm cười:
- Đã lâu lắm con mới lại thấy mợ đánh phấn. Trông mợ trẻ hẳn đi.
Nhung không ngượng vì câu bình phẩm của vú già: nhân dịp Phương về nhà chồng, nàng cho việc đánh phấn và trang điểm là rất tự nhiên, là một việc cần nữa.
Vú già nói:
- Một nhà này đi đủ hai họ.
Nhung hỏi:
- Ai đi đến nhà trai?
- Bẩm mợ, ông giáo.
Hỏi vậy, song Nhung đã biết Nghĩa đi phù rể từ lâu, hai người đã bàn bạc và đã định trước với nhau sẽ coi đám cưới của Phương như đám cưới tưởng tượng của riêng hai người. Nghĩa bảo Nhung:
- Anh sẽ là chú rể mà em sẽ là cô dâu.
Nhung may một chiếc áo mới để đi đưa dâu và nàng có ý chọn một thứ lụa màu phớt hồng tương tự như màu áo của Phương định mặc hôm về nhà chồng. Nhung mặc áo mới, ngắm nghía bóng mình trong gương, tự bảo:
- Trông mình như một cô dâu. Nhưng bao giờ cho thành cô dâu thật sự?
Thấy bà Án đứng ở hiên. Nhung dắt con ra xin phép mẹ chồng sang bên nhà. Bà Án ngắm nghía con dâu, vừa cười vừa nói, giọng thành thực cảm động :
- Con dâu tôi, bao nhiêu năm mới lại mặc chiếc áo màu.
Nhung cúi xuống xoa đầu con. Nghe câu nói khoan dung của bà Án, nàng thấy trong người nhẹ nhõm: Hình như mẹ chồng nàng chỉ mong cho nàng được sung sướng và sẵn lòng để cho nàng tự tiện muốn xoay xở cuộc đời ra sao thì xoay, bao nhiêu cái bó buộc như không có nữa, cuộc đời thành ra giản dị, dễ dãi, ai muốn sống thế nào tùy ý, miễn sao thấy được hạnh phúc.
Mắt nàng tình cờ nhìn vào đôi giày của nàng, đôi giày kiểu mới, mũi lấp lánh cườm bích và chiếc quần lụa kim cương trắng nõn, bóng loáng rủ xuống che khuất bàn chân. Vì chưa quen nên nàng thấy những thứ ấy sang trọng quá. Nàng lo lắng tự hỏi:
- Mình ăn mặc thế này thái quá chăng?
Nhung ngửng lên xem ý tứ mẹ chồng và nhấc tà áo vân vê trong hai ngón tay nói:
- Thứ nhiễu này họ bán "son" rẻ lắm mẹ ạ. Có tám hào một thước. Nhưng họ chỉ còn có hơn ba thước, vừa đủ một áo.
- Tao trông thứ hàng này hơi giống cái áo của cô Phương mới may hôm nọ.
- Thưa mẹ, giống màu nhau.
Bà Án nói đùa:
- Khéo không người ta trông mợ lại lẫn mợ với cô dâu nhé?
Tuy là câu nói đùa nhưng Nhung chắc rằng mình còn trẻ lắm, trẻ như Phương, nên bà Án mới thốt ra câu nói đùa như vậy. Bà Án sợ mình nói câu ấy không được đứng đắn, nên vội chữa:
- Hai chị em ăn mặc giống nhau như thế, cô dâu đỡ ngượng.
Ngẫm nghĩ một lát bà lại nói tiếp:
- Màu áo đẹp, nhưng phải cái rợ quá. Ngày thường không mặc được. Thôi con đi, không chậm.
Nhung đã hiểu là bà Án muốn bảo khéo nàng rằng chỉ được phép mặc hôm nay, còn những lúc khác, nàng không nên mặc chiếc áo màu rực rỡ và trai lơ ấy. Muốn tỏ cho mẹ chồng rằng mình cũng đồng ý với mẹ chồng, nên trước khi đi, nàng nhìn áo nói:
- Con mặc chiếc áo lòe loẹt khó chịu quá. Mai lại bỏ hòm thôi.
Tuy đã nói câu ấy rồi, mà nhìn vẻ mặt bà Án, nàng vẫn còn tưởng như bà Án đương lo lắng ngẫm nghĩ:
- Hình như mợ Tú độ này khác trước nhiều.
Nhung dắt con đi nhanh qua vườn, ra đến ngoài đường làng, khi đã khuất mắt bà Án, Nhung đi thong thả lại, thở dài để cho mất cái cảm giác khó chịu nó như đè lên ngực nàng.
Một người đàn bà ở trong ngõ đi ngang qua, giật mình nói:
- Chết chưa, mợ, cháu lại ngỡ cô nào.
Đi dọc đường, Nhung thấy người làng người nào cũng đứng lại nhìn nàng ngạc nhiên.
Câu nói của mẹ chồng và cử chỉ của người làng đã làm cho Nhung nhận thấy rõ ràng nàng không được tự do trong các việc hành động cỏn con của mình, việc nàng mặc chiếc áo màu không phải là một việc nhỏ, chỉ có liên can đến một mình nàng mà thôi.
Nàng cố xua đuổi cái ý nghĩ khó chịu ấy đi, ngẫm nghĩ:
- Lâu rồi cũng quen mắt.
Một lúc sau, nàng lại chép miệng nói một mình:
- Chi bằng mai không mặc nữa là xong.
Câu ấy làm cho nàng yên tâm.
Thế là ngay từ lúc ban đầu, bước lên được một bước nhỏ, Nhung lại nhút nhát muốn lùi lại ngay xuống chỗ cũ.
Đến trước cổng nhà, Nhung hồi hộp ngắm nghía xác pháo đã đốt mấy hôm trước, rải rác khắp sân. Nàng nghĩ đến Phương, em nàng, đã trải bao nhiêu lo lắng, khổ sở mới được thấy cái ngày sung sưứng hôm nay. Được như vậy một phần lớn là nhờ ở Nhung. Nàng đã nhiều lần tha thiết nói với mẹ rằng có nàng ở gần thì mẹ nàng không nên buồn về nỗi Phương lấy chồng xa. Còn như Phương lấy chồng con nhà hèn hạ, làm hại đến thanh danh nhà nàng? Nhung vẫn hiểu rằng sở dĩ mẹ nàng không để ý lắm đến điều đó nữa là vì có nàng. Cái tiếng tốt của nàng, thờ chồng nuôi con, ăn ở phải đạo trong gia đình đã như cứu vãn được cái tiếng xấu của em nàng và an ủi mẹ nàng đỡ phải buồn lòng và ngượng mặt với mọi người.
Nàng vừa thoáng buồn nghĩ đến cuộc tình duyên của nàng với Nghĩa thì những đứa cháu ở trong nhà chạy ra reo lên:
- Cô đã sang, cô đã về.
Có đứa đứng lại ngơ ngác, vì nó thấy cô nó ăn mặc khác hẳn mọi ngày nên hơi là lạ. Vú em đứng trong hiên nhìn ra, tươi cười nói:
- Cô con hôm nay đẹp quá.
Một người chị họ lấy tay chỉ Nhung bảo đứa bé ẵm trên tay:
- Em trông, dì mặc áo đẹp.
Nhung cuống quít: trong một ngày vui vẻ, nàng thấy ai nhìn nàng cũng như ân hận thương nàng, quần áo mới, xác pháo đỏ và những chậu hoa rực rỡ càng như nhắc mọi nghĩ đến và buồn cho tình cảm góa bụa của nàng. Nhung vừa bước lên thềm vừa hỏi:
- Cô dâu đã trang điểm xong chưa? Đã có cô phù dâu nào đến chưa?
Rồi nàng nói tiếp để phân trần với mọi người về sự sang trọng và việc ăn mặc đỏm dáng.
- Đi đưa dâu không lẽ lại luộm thuộm... làm dáng không quen, thành thử lúng túng mãi bây giờ mới sang được.
Mấy tiếng "làm dáng không quen" Nhung nói lướt mau qua và điểm nụ cười làm như nói đùa, để mọi người khỏi cho mình là làm bộ.
Nhung bước vào buồng cô dâu, ngạc nhiên kêu:
- Sao mà tối um thế này?
Nàng lờ mờ thấy Phướng nằm xoay mặt vào tường, chung quanh quần áo vứt bừa bãi. Nhung đến gần, sẽ hỏi:
- Lại làm sao thế?
Không thấy Phương nói gì, Nhung giơ tay lên vai, toan kéo dậy. Phương, giọng đầy nước mắt đáp:
- Chị để mặt em.
Nhung nhớ lại những việc xảy ra mấy hôm trước: Phương bị bà Nghè mắng nhiếc, Phương lại gặp nhiều chuyện làm nàng tủi nhục. Nàng phẫn uất đến nỗi không biết gì đến cái vui sướng được lấy một người yêu nữa. Nhung ngồi xuống nhắc lại câu nàng vẫn dùng để an ủi Phương:
- Thôi, em chỉ cố một tí nữa thôi. Chỉ một lát nữa là hết. Em đi xa thì rồi sẽ quên đi.
Trong lúc nói câu ấy nàng nhận thấy một cách rõ rệt, sự đè nén khốc liệt của cái xã hội nhỏ quanh mình. Em nàng vài hôm sau nữa sẽ đi với chồng xa hẳn được, nhưng còn nàng thì nàng không biết bao giờ mới thoát khỏi. Nào cha mẹ đẻ, nào mẹ chồng, nào họ hàng làng nước bao nhiều thứ bắt nàng không thể sống theo ý muốn của mình được. Nàng biết rằng mọi người đã muốn cho nàng là một người đàn bà góa ở vậy thờ chồng thì nàng phải ở vậy thờ chồng. Nàng thấy thoáng hiện ra trước mắt bức hoành phi treo ở buồng khách nhà nàng có mấy chữ "Tiết Hạnh Khả Phong" cái phần thưởng cuối cùng của những người biết ăn ở phải đạo như nàng.
Mấy cô phù dâu bước vào làm Nhung thôi nghĩ, nàng quay ra mỉm cười, nói:
- Cô dâu chưa chi đã nhớ nhà. Các cô vào dỗ giùm tôi với.
Nhung bước ra nhà ngoài giúp mẹ dọn dẹp buồng khách và bàn thờ. Nàng nóng lòng đợi họ nhà trai đến như một cô dâu đợi chú rể. Kim đồng hồ vừa chỉ mười giờ thì Nhung nghe thấy tiếng còi ô tô ở ngoài đường cái. Bà Nghè bảo Nhung giọng khẩn khoản:
- Cô phải ở luôn đây tiếp khách hộ tôi.
Trong lúc nói chuyện với khách nhà trai, bà Nghè gọi Nhung mà gọi hơi to hình như cốt cho mọi người để ý đến nàng. Nhung hiểu ý mẹ nên lại gần đứng hầu ngay bên cạnh. Nàng muốn đứng đó vì một lẽ nữa là ở chỗ ấy nàng có thể nhìn thấy rõ Nghĩa đương ngồi uống nước với mấy người phù rể ở tràng kỷ. Mấy người phù rể chốc chốc lại quay mặt nhìn nàng, rồi thì thầm hỏi nhau. Nàng đoán họ hỏi xem nàng là ai. Chắc có người biết bảo họ, một người ghé tai Nghĩa nói mấy câu làm Nghĩa cau mày khó chịu.
Nhung nghĩ thầm:
- Chắc Nghĩa ghen, không muốn họ đả động đến ta.
Nàng đứng tránh sang một bên để cột nhà che khuất bọn phù rể và để nàng được tự do nhìn Nghĩa. Hai người đang đắm đuối nhìn nhau, bà Nghè bảo Nhung:
- Cô vào nói với các cô phù dâu đưa em đi lễ gia tiên.
Các cô phù dâu đưa cô dâu ở buồng tối ra trông như một chùm sao quây quần một ngôi sao quý. Gian buồng khách bỗng như sáng hẳn lên: Hương thơm ngào ngạt của phấn và nước hoa khiến các người phù rể bàng hoàng tưởng vừa thấy hiện ra cái hình ảnh của một mùa xuân đầy hoa tươi thắm. Nhung đi lẫn các cô phù dâu cho khỏi ngượng, vì nàng thấy ai cũng chăm chú tới nàng hơn cả.
Sau một cuộc du lịch cỏn con từ nhà thờ nọ đến nhà thờ kia, và sau khi đã mỉm cười nhiều lần giễu chú rể lễ vội vàng hay cô dâu thẹn đi không vững, bọn phù rể và phù dâu bắt đầu hơi thân mật với nhau, dáng dấp đã có vẻ tự nhiên và nhìn nhau không sép nép như trước nữa.
Lúc cô dâu cuối lễ ông Nghè bà Nghè, Nhung đứng đối diện với Nghĩa. Bà Nghè nói mấy câu khuyên con về nhà chồng, nhưng bà vẫn không quên tìm mấy tiếng khéo để diếc móc con.
Nói đến mấy chữ "biết ăn ở phải đạo", bà đưa mắt nhìn Nhung. Song Nhung không thấy lời mẹ nói, nàng đương mê nhìn Nghĩa trong lòng sung sướng và mỉm cười như hỏi thầm Nghĩa:
- Anh trông em có giống một cô dâu thực sự không?
Thấy mọi người nhìn Nhung mà Nhung không biết, vẫn cứ mỉm cười trông về phía chàng, nên Nghĩa quay hẳn lại vờ hỏi chuyện bạn đứng sau lưng. Nhung chợt hiểu và muốn tránh sự nghi ngờ, nàng mau trí khôn yên lặng ra bảo anh người nhà đem bánh pháo cắm vào chỗ khác để làm cho mọi người tưởng rằng lúc nãy nàng nhìn ra vườn, chứ không phải nhìn Nghĩa, Nhung trở vào, vừa yên tâm vừa có cái tự cao để mắt đến khắp việc lớn, nhỏ trong nhà.
Lúc đưa dâu ra, hai họ phải đi bộ một quảng mđi tới chỗ đậu ô tô ngoài đường cái. Người làng kéo đến xem đứng chật cả ngõ, trẻ con theo bám lấy cô dâu mà hò:
- Cô dâu chú rể đội rế lên đầu.
Một người phù dâu bảo Nhung:
- Chị mặc cùng một màu áo với cô dâu, vậy chị đi lẫn vào đây.
Nhung cười đáp:
- Người làng thì họ lạ gì mặt cô dâu.
Bỗng Nhung thấy lạnh toát cả người. Nàng vừa thoáng nghe thấy người đứng xem nói mấy tiếng:
- Tâm ngẫm tầm ngầm... ai biết đâu ma ăn cổ đấy.
Nhung toan quay nhìn lại, nhưng không dám, nàng lấy tay che miệng gượng cười lên mấy tiếng. Đến lúc ngồi trên xe ô tô, Nhung mới thấy tỉnh trí lại. Nàng tự mắng:
- Rõ có tật giật mình, sao lại vô lý cho là họ nói chuyện đến ta.
Nhung nhận ra rằng cái sợ của nàng khi làm lỗi không thấm đâu với cái sự thấy lỗi của mình có người biết.
Từ lúc từ biệt em, đi xe trở về, Nhung thấy buồn bã lạ thường. Nhưng không phải nàng buồn vì nhớ em hay nghĩ đến em lấy chồng nhà nghèo: nàng biết rằng Phương sẽ sung sướng. Tuy Phương vất vả nhưng sống có vợ có chồng cùng nhau hợp sức để kiếm ăn. Nhung cho cuộc đời đó có giá trị hơn cuộc đời của nàng, sống chỉ để cốt nêu lên một cái đức tính mập mờ, dối trá.
Khi khách khứa đã về hết, Nhung ở rốn lại cho mẹ khỏi buồn. Trong khi dọn dẹp nhà cửa, thấy mẹ ngồi chống tay ủ rũ rươm rướm nước mắt, Nhung cười đùa nói:
- Hôm nay nhà có việc, dọn dẹp thế này, con tưởng như khi còn là con gái ở nhà.
Bà Nghè bảo:
- Tối hôm nay cô ngủ bên này cho tôi khỏi buồn.
Nghe lời mẹ nói, Nhung nghĩ ngay đến cuộc hẹn hò của nàng với Nghĩa, từ mấy hôm trước hai người đã định đêm nay sẽ gặp nhau ngoài vườn. Nàng tìm cớ nói với mẹ:
- Con xin phép mẹ, ăn cơm xong phải về, vì vú già vừa cho biết mẹ con bên nhà hơi khó ở.
Nhung mừng rằng tự nhiên lại có được cái cớ bà Án ốm để xin phép mẹ về nhà, không mếch lòng mẹ.
Ra đến ngoài đường làng, Nhung thấy gió đêm thổi lạnh buốt. Nàng nghĩ tới Phương và mỉm cười lẩm bẩm nói một mình, có ý thèm muốn.
- Trời hôm nay chiều cô dâu chú rể quá.
II.
Nhung nằm xuống và tung chăn đắp, thấy lạnh, nàng kéo chăn lên tận mặt, nằm yên đợi cho hơi nóng trong người làm ấm chỗ. Mùi băng phiên ở tấm chăn vừa lấy trong gương ra xông lên khiến nàng nhớ lại hồi chồng nàng mới mất, một đêm thu lạnh đầu tiên, nàng giở chăn cưới ra đắp một mình. Nhung còn như thấy cả lại cái cảm giác quạnh hiu lạnh lẽo của đêm hôm đó. Nàng thở dài ngẫm nghĩ:
- Nếu ai bắt mình phải sống lại mấy năm vừa qua đây, thì mình không tài nào chịu được.
Nàng nghĩ đến cuộc hội họp với Nghĩa ngoài vườn đêm nay và thấy man mác trong lòng. Kể từ hôm nhận bức thư đầu tiên tủa Nghĩa đến nay, nàng đã nhiều lần lẩn lút gặp Nghĩa: trong mấy tháng, nàng cứ để mặc ái tình lôi cuốn đi, nàng không hiểu rồi sẽ ra làm sao và cũng không định liệu xử trí thế nào. Có một điều làm nàng yên tâm và mình lại tự cao với mình là ái tình của hai người từ trước đến nay nàng vẫn cố giữ được trong sạch. Nàng nghĩ đến những lúc ngồi với Nghĩa ngoài vườn tối, không khí nặng những mùi thơm ngây ngất của các thứ hoa nở ban đêm, hai người cầm lấy tay nhau yên lặng như trong giấc mộng: sao lúc đó nàng thấy nàng coi nhẹ như không những điều mà ban ngày cho là rất quan trọng. Nhung lo lắng tự nhủ:
- Nhưng khó lòng mà giữ mãi được!
Vú già mở cửa, bế Giao vào. Nhung khó chịu quay ra gắt:
- Tôi đã bảo tôi mệt, sao vú lại không để yên tôi nghỉ.
- Thưa mợ chú Giao quấy, cứ đòi vào ngủ với mợ.
Sợ vú già lại vào lần nữa, giữa lúc nàng ra vườn với Nghĩa, nên Nhung bế con đặt nằm cạnh mình rồi bảo vú già:
- Thôi để chú ấy ngủ đây cả đêm với tôi. Cho vú đi ngủ. Khi nào tôi gọi hãy vào.
Nhung se sẻ hát ru con, và khi thấy đứa bé đã ngủ, nàng nằm lùi ra cho nó khỏi chạm vào người. Tuy đã dặn cẩn thận mà nàng vẫn lo vú già trở lại buồng mình nếu Giao khóc trong lúc nàng ở ngoài vườn.
Một tiếng ho ở bên nhà học đưa sang. Nhung cũng ho theo một tiếng. Đó là hiệu lệnh của hai người đã định trước với nhau để khi nào trốn ra vườn thì cùng một lúc. Nhung vặn nhỏ đèn, lấy tay lay lay vai Giao xem con có ngủ say không. Nàng sang bên buồng bà Án, đi rón rén và lên tiếng sẽ hỏi:
- Mẹ có khát nước con đi rói.
Không thấy bà Án đáp, Nhung thong thả khép cửa lại. Bỗng nàng lại nghĩ ra được một kế hay. Nàng lại chỗ bàn thờ cầm lấy cây đèn hoa kỳ và một bó hương. Khi ra vườn, nàng tắt đèn đi, rồi lần đến chỗ cây hương, đặt chiếc đèn và bó hương trên bệ thờ.
Nhung hồi hộp, đi về phía cuối vườn, chỗ lờ mờ có bóng đen mấy cây khế. Nàng vừa đi vừa rẽ những cành lá đã bắt đầu ướt sương, trong không khí phảng phất mùi cỏ thơm và mùi đất mới xới.
Nhung đứng lại vì thấy cành lá động bên mình. Một cánh tay nhẹ giữ lấy nàng và một tiếng rất nhỏ đưa ra:
- Vào đây mình.
Nghĩa vừa nói vừa kéo Nhung vào trong bóng đen của khóm cây, Nhung giật tay ra nhưng cũng theo Nghĩa vào. Nghĩa nói:
- Chỗ này kín nhất, Nhung sao ra chậm thế?
Nhung giơ tay ra hiệu :
- Nói se sẽ chứ. Mẹ tôi mệt nên tỉnh ngủ lắm đấy.
Nghĩa hỏi:
- Em đã ngủ được tí nào chưa?
- Chưa.
- Anh cũng vậy. Từ tối đến giờ! Sao mà lâu thế? Em đứng quá vào đây....
Nhung ngồi xuống một cành ổi thấp, làm ngọn lá rũ xuống rung động nước ao. Nghĩa đứng sát lại gần, cúi xuống, âu yếm nói:
- Sáng nay sao em đẹp thế?
Nhung ngửng lên đáp :
- Trông em có ra dáng một cô dâu không?
Nghĩa cầm lấy tay Nhung, kéo về phía mình, nói đùa:
- Trông em sáng nay đẹp quá làm anh chỉ ao ước được hôn em trước mặt mọi người.
Chàng ngồi xuống cành ổi khiến Nhung giật mình lùi ra.
- Khéo không gẫy. Ở trong nhà biết thì chết.
Nhân lúc nói rối, Nghĩa đặt đầu Nhung vào ngực mình, hôn vội mấy cái lên tóc, lên cổ. Thấy Nghĩa yên lặng một lúc lâu như đang nghĩ ngợi điều gì mà hai tay vẫn giữ chặt lấy người nàng, Nhung sợ hãi gỡ tay bạn ra, đứng phắt dậy.
- Anh đã quên lời hứa với em rồi à? Nếu anh cợt nhả không chính dính thì em đi vào ngay bây giờ.
Ngỏ lời quả quyết kháng cự, nhưng giọng nói run run của nàng thì như thú thật với Nghĩa rằng nàng hãy còn hồi hộp sung sướng về mấy phút được Nghĩa ôm trong lòng. Nghĩa đứng dậy van lơn:
- Anh xin lỗi em. Anh nhớ quá, biết bao nhiêu mong mỏi khi xa em.
Nhung mỉm cười nhắc lại:
- Xa em!
Nghĩa nói:
- Không xa nhưng bằng mấy xa nhau hẳn. Ít ra em cho anh một chút hy vọng để chờ đợi...
Nhung lại đến ngồi xuống cành ổi. Nghĩa nói tiếp:
- Anh chỉ có mỗi một cái ao ước được lấy em làm vợ.
Câu nói của Nghĩa làm Nhung bứt rứt, vì lúc nàng yêu, nàng chỉ muốn quên hẳn điều đó đi. Bao nhiêu cản trở đã khiến nàng coi việc lấy Nghĩa là một việc không thể được. Muốn an ủi Nghĩa làm như bấy lâu nay vẫn băn khoăn mãi về việc đó mà chưa tìm thấy cách nào ổn thỏa, nàng hỏi Nghĩa:
- Biết làm thế nào bây giờ?
Nghĩa hơi lấy làm lạ vì câu hỏi của Nhung. Chàng không hiểu:
- Nếu em thật yêu anh thì em cần gì phải nghĩ ngợi. Anh chắc không bao giờ nghi ngờ cái tình của anh đối với em. Anh nghèo nhưng chúng ta yêu nhau, chúng ta sẽ cùng làm việc. Anh cứ nghĩ đến cũng đã thấy bao nhiêu sung sướng.
Nhung ngồi nhìn ra phía ao, yên lặng nghe Nghĩa nói, hai con mắt mơ màng.
Trên mặt ao, mấy con bọ nước chạy loăng quăng làm tan ánh sao bên một cuống lá sen khô.
Nhung buồn rầu nói:
- Nếu anh thấu được nỗi khổ của em trong bấy lâu. Nếu em được gặp anh khi em chưa có chồng thì đâu đến nỗi. Bây giờ em là một người đàn bà góa... khó khăn lắm.
Nghĩa có vẻ giận đỗi:
- Em sợ những điều dị nghị đến thế kia à?
Ngập ngừng một lúc, Nhung mới kể lể:
- Không phải thế. Nhưng anh nghĩ xem dẫu yêu anh đến bực nào em cũng không thể bỏ cha mẹ, anh em, làng nước một cách thản nhiên. Mẹ em đã đau lòng nhiều lắm vì em Phương rồi, nếu lại em nữa, thì được hai lần hai cô con gái làm nhơ nhuốc đến thanh danh cả nhà, cả họ. Đấy anh nghĩ xem.
Nhung cúi mặt úp vào lòng bàn tay, Nghĩa cau mày khó chịu vì thấy câu chuyện xoay ra vẻ sầu não. Chàng nói gay gắt:
- Yêu nhau như thế thì chỉ làm khổ nhau vô ích.
Nhung ngẩng lên bâng khuâng nhìn Nghĩa, nhưng vì đêm tối nên nàng không nhận thấy vẻ tức bực trên nét mặt bạn. Nàng nói không nghĩ ngợi:
- Hay là cứ để thế mãi.
Rồi nàng vội chữa ngay:
- Nhưng cũng không được. Thế nào rồi cũng có người biết.
Nhung nghĩ đến câu bình phẩm thoáng vào tai nàng hôm đưa dâu, Nghĩa nói:
- Hay là để anh đi khỏi nhà này, đi xa em hẳn ít lâu cho khỏi tai tiếng. Rồi ta sẽ liệu sau.
Nhưng thấy nói đến chuyện đi, bất giác sợ hãi: Nàng có cái cảm tưởng rằng Nghĩa đã xa nàng là xa hẳn và sẽ quên nàng đi. Bối rối, nàng nói:
- Hay là chúng mình hãy đợi. Anh để em nghĩ ít lâu đã. Nếu anh yêu em thì anh giúp em với, giúp em có đủ can đảm, vì em là đàn bà nhút nhát, em không quả quyết được. Em đã khổ nhiều lần lắm rồi.
Nàng ngồi né ra một bên, bảo Nghĩa:
- Anh ngồi xuống đây.
Nghĩa cầm lấy tay Nhung và dịu giọng hỏi để đổi câu chuyện:
- Sao tay em lạnh thế này, trong người em có lạnh không?
Nhung kéo Nghĩa ngồi xuống cạnh. Rồi như tiếc phí mất bao nhiêu thì giờ bàn bạc những chuyện chán nản, hai người kề nhau và cùng yên lặng để hưởng nốt lấy hết cái thú gần nhau trước khi phải chia rẽ. Nhung âu yếm nói:
- Đêm nay bắt đầu lạnh. Nhưng gần anh em không biết là lạnh nữa.
Một cái hôn nhẹ trên mi mắt đáp lại câu nói tình tứ của Nhung.
Có tiếng động ở trong nhà, Nhung hốt hoảng đứng lên, lấy tay rẽ lá cây vừa nhìn vừa bảo Nghĩa:
- Anh về ngay đi.
Đợi cho Nghĩa về đến nhà học, Nhung rón rén lại chỗ cây hương. Nàng đánh diêm châm đèn và thắp hương cắm trên bàn thờ. Ở trong nhà có tiếng bà Án nói:
- Gọi hết hơi mà không có đứa nào cả.
Bà Án mở cửa ra ngoài vườn và cất tiếng hỏi:
- Sao ngoài cây hương lại có đèn sáng thế kia. Ai đấy?
- Thưa mẹ, con.
Bà Án ngạc nhiên:
- Mợ làm gì ngoài ấy?
Nhung đáp:
- Thưa mẹ, con ra lễ. Con vừa phải một mẻ sợ quá.
Không để bà Án hỏi, nàng kể luôn:
- Con vừa nằm mê thấy một người râu dài, mặt đỏ, cưỡi ngựa đen đi qua đây bắt lính. Con quỳ xuống van lạy thì ông ta bảo: phải lễ tạ, ông ta sẽ tha cho. Con tỉnh dậy, mồ hôi ra như tắm. Con sợ quá, sang buồng mẹ xem, thấy mẹ vẫn ngủ yên. Con vội lấy hương ra lễ tạ ngay.
Bà Án nói:
- Tao cũng mê hoảng cả đêm, nhưng không nhớ rõ những gì.
Thấy nét mặt Nhung bơ phờ, đầu tóc rối bời, bà Án lo lắng và âu yếm bảo con dâu:
- Con vào nghỉ kẻo sương đêm xuống lại cảm. Mẹ khỏe chưa thấy đâu, lại thấy ốm cả hai mẹ con.
Lên giường nằm, đắp chăn cẩn thận. Nhung mới nhận thấy chân nàng lạnh giá. Nàng kéo con lại gần rồi ôm lấy con mà nựng, tưởng tượng như nói với Nghĩa:
- Nằm dịch lại đây. Ấm áp nhỉ.
Nhung tự nhiên mỉm cười, nghĩ đến cái mưu mẹo lễ tạ mà nàng cho là thần tình. Bỗng nàng mím môi, nhìn vào khoảng không, nghĩ đến cái tính giả đạo đức của mình. Nàng lẩm bẩm, đau đớn:
- Mình muốn tốt mà ra thành xấu! Chỉ vì muốn giữ cái tiếng tốt hão ấy mà mình bắt buột thành ra khốn nạn đâm ra xảo quyệt, gian trá...
III.
Một tràng pháo nổ bên hàng xóm làm Nhung giật mình mở mắt. Trên bàn thờ đèn nến sáng trưng, khói trầm ở trong đỉnh đồng tỏa ra như một làn mây là là bay lùa trong cành đào đầy hoa. Nhung mở mắt mà tưởng như đương bắt đầu một giấc mơ.
Thấy bà Án ra bàn thờ rót rượu cúng, Nhung hỏi:
- Thưa mẹ đã đến giao thừa rồi cơ ạ? Con ngủ một giấc ngon quá!
Bà Án quay lại nói:
- Thôi con dậy thôi, cúng rồi, còn sắm sửa ra chùa lễ. Năm nay xuất hành giờ Sửu tốt.
Nghe bà Án nói ra lễ chùa, Nhung mừng rỡ.
Nàng nhớ lại một năm khi còn ở nhà cùng em ra chùa hái lộc, lúc trở về gặp một chàng trai trẻ tuổi lạ mặt buông lời đùa cợt:
- Mùa xuân, cây đương nẩy mầm, các cô nỡ nào dang tay bỏ đi như vậy.
Mất mấy hôm, Nhung quanh quẩn nghĩ đến người lạ mặt đó là lần đầu tiên nàng được thấy lòng rung động về thứ tình mơ màng, êm ái thường bắt đầu nhóm trong lòng các cô thiếu nữ đến tuổi dậy thì khi mùa xuân đã tới. Đã mấy năm, Nhung không nghĩ đến việc đi hái lộc nữa, mỗi năm tết đến không mang lại cho nàng chút mong mỏi gì. Nhưng tết năm nay đối với nàng hẳn là vui, vì có Nghĩa ở lại đây để ăn tết với nàng.
Nhung vào buồng đánh phấn và mặc thêm chiếc áo nhung. Thấy lạnh, nàng lấy tấm khăn san phủ quàng lên đầu.
Hòa đẩy cửa vào, hỏi:
- Chị sắm sửa đi đây à? Còn hơn một tiếng đồng hồ nữa mới đến giờ xuất hành kia mà.
Nhung lấy làm khó chịu thấy Hòa không đánh phấn. Nàng đưa mắt nhìn bóng mình trong gương, gần màu trắng của tấm khăn, màu hồng phấn trên đôi má nàng nom rõ quá. Nàng vội rút khăn tay lau cho nhạt bớt, Hòa nói:
- Chị có lạnh ra mà sưởi.
Nhung lại gần lò sưởi ngồi hơ tay lên lửa. Lịch loay hoay xếp lên bàn một chai rượu sâm hanh và sáu cốc. Chàng nói với Nhung:
- Uống một cốc rượu này rồi ra chùa tha hồ ấm.
Nhung hỏi:
- Nhưng sao lại sáu cốc?
- Mẹ này, chị với tôi, nhà tôi, anh Hai, anh Nghĩa.
Nhung đã biết trước rằng cốc thứ sáu để phần Nghĩa và đã đoán trước câu trả lời của Lịch, nhưng nàng cũng cứ hỏi thế, vì nàng chỉ thích nghe nhắc đến tên Nghĩa, Nhung nói giọng thờ ơ:
- Ừ nhỉ, còn ông giáo nữa.
Nhung lắng lai nghe. Ngoài sân có tiếng bà Án hỏi:
- Ông giáo còn thức à?
- Thưa cụ vâng. Con không sao ngủ được.
Bà Án cười, nói đùa:
- Hay ông giáo nhớ nhà đây... Nhưng mà ăn tết ở đây cũng vui chán.
Nghĩa đáp :
- Thưa cụ con có nhà cửa gì đâu mà bảo nhớ.
Nhung nóng ruột muốn ra ngoài sân. Thấy Lịch cầm bánh pháo ra vườn đốt, nàng cũng đứng dậy bước vội theo.
Tiếng pháo nổ ran khiến Nhung phải bịt hai tai lại, lờ mờ trong đám khói xanh, nàng thấy Nghĩa đương nhìn nàng. Sau tiếng pháo nổ, cảnh ban đêm như yên lặng hẳn: một lúc lâu mới lại nghe thấy xa xa tiếng pháo liên tiếp nhau ở các nhà trong làng.
Không có hơi một ngọn gió. Trên sân, những làn khói của chiếc pháo chưa hẳn bay là là như quấn lấy chân người, những đám lá cây con phản chiếu ánh đèn nổi bật lên nền trời đen sẫm trông như bằng thủy tinh pha màu. Mấy cánh hoa đào lỏa tỏa bên chỗ Nhung đứng, rồi rơi xuống lẫn với xác pháo rải rác.
Nhung bước ra sân, lại đứng gần bên Lịch và nghiêng mình chào Nghĩa.
Nghĩa cất tiếng nói:
- Năm mới...
Chàng ngập ngừng không biết nên chúc câu gì. Nhung vội tiếp ngay theo cho Nghĩa đỡ ngượng:
- Năm mới, chúc ông giáo được mạnh khỏe quanh năm.
Rồi hai người quay đi, mỗi người nhìn về một phía. Như muốn diễn cái sung sướng ấm áp trong lòng, Nhung nhìn lên trời thẫn thờ nói:
- Đêm giao thừa năm nay trời sáng và êm ả quá.
Bà Án tiếp:
- Không có tiếng gà gáy, chó cắn nào. Năm nay chắc dễ làm ăn.
Hòa ra mời mọi người vào uống rượu. Nhung thấy Lịch cầm lấy cánh tay Nghĩa rồi hai người cùng đi, Lịch nói:
- Xong rồi ta ra chùa chơi. Anh đi không?
Nhung đi lùi lại sau cùng. Khi vào trong nhà, nàng đến bên cạnh lò sưởi, cầm lấy cốc rượu của Hòa đưa cho, và nhắm mắt cố uống mấy hụm để cho bàng hoàng say.
Hòa nói:
- Vừa lúc nảy có bốn bông hoa thủy tiên nở, giờ đã thành năm. Hoa nở trông thấy.
Nhung nhìn bông hoa thủy tiên và tưởng như thấy nó đang nở. Lúc đó nàng muốn cho thì giờ ngừng lại để nàng được mãi mãi hưởng những giây phút êm ái nàng đương sống. Nàng thấy hạnh phúc của nàng đẹp đẽ như ánh lửa lấp lánh trong cốc rượu đương sóng sánh trên tay nàng. Nhưng cái hạnh phúc ấy nàng đã biết rằng nó chỉ mong manh như một cái ảo mộng. Không biết tại sao nàng có cái cảm tưởng rằng Nghĩa sắp phải rời bỏ nhà này, và đã thấy trước những mùa xuân khác trong đời nàng lạnh lẽo nối tiếp nhau mà đến.
Khi ra đến ngoài đường làng, Nhung thấy lạnh buốt, nàng phải đi sát bên Hòa và giục Hòa đi mau cho ấm.
Hai bên đường, ánh đèn cúng ở các nhà lấp lánh sau rặng cây. Thỉnh thoảng một ít khói pháo thơm còn rớt lại đưa thoáng qua. Cứ đi một quãng đường lại gặp một bọn người ra hái lộc chùa về, tiếng cười nói trong bóng tối mỗi lúc một to dần. Tay người nào cũng cầm một bó hương để soi đường, khi đi ngang qua, tiếng chúc mừng nhau ồn ào nổi lên một loạt lẫn với mùi nhang thơm thoang thoảng.
Đến chùa khi lễ xong, bà Án bảo Nhung:
- Con ra vườn nhà hái lộc, mẹ còn dở bận.
Nhung rất mừng vì nàng đã biết Nghĩa đợi mình sau vườn chùa. Thấy Lịch và Hòa đương đứng ở bén gian thờ Long thần, Nhung đi lánh xuống dưới sân rồi qua một cái cổng ngách, đi khuất sau giậu dâm bụt, mạnh bạo cúi mình đi luồn qua một rặng ổi, đến chỗ nàng đã hẹn trước với Nghĩa, Nghĩa cầm lấy tay Nhung và hôn nhọ lên trên má. Nhung bất giác quay lại nhìn về phía chùa sáng.
- Lỡ ai biết thì chết.
Nghĩa cười nói:
- Em bao giờ cũng chỉ được cái hay sợ hão. Thế nào em đã nhất định chưa?
- Nhất định? Em chưa nhất định gì cả.
Nàng buồn rầu nói tiếp:
- Em đã bảo anh mấy lần đừng nhắc đến làm gì. Năm mới anh chưa chúc mừng em được lấy nửa câu...
Nghĩa nghĩ đến lời Lịch nói với chàng hôm trước, nắm chặt lấy tay Nhung, khiến Nhung giật mình hỏi:
- Gì thế anh?
Nghĩa ngập ngừng một lúc rồi mới nói:
- Anh thấy em đương vui nên không dám nói, sợ làm buồn lòng em. Nay mai có lẽ anh phải rời bỏ em đi khỏi nhà này.
Nhung thấy quả tim đập mạnh, nàng đoán có sự gì rất không hay đã xảy ra vội nói:
- Vì cớ gì thế, anh?
- Không vì cớ gì cả. Nhưng anh đã đoán thì chắc đúng. Anh rất có lỗi với em, anh phải đi trước khi xảy ra những chuyện rất không hay cho em... làm hại đến danh tiếng em.
Nhung lo lắng hỏi dồn:
- Có ai nghi ngờ, có ai biết hở anh?
Nghĩa nghiệm thấy Nhung lo sợ có người biết hơn là buồn phải xa chàng. Chàng tức tối nói:
- Hình như thế... mà em cũng chẳng cần phải nhất định gì nữa. Nếu yêu nhau chỉ khổ vì nhau thì thà xa nhau mà quên đi. Thế là hơn. Anh không thể nào cứ yêu em mà không có ngày để tiếng xấu cho em.
Nhung thấy mặt mày tối tăm. Hình bóng các cây trong vườn biến đi hết, chỉ còn một màu đen như mực trước mắt nàng. Nàng nói như người liều:
- Em sẽ đi với anh.
Nghĩa sung sướng. Chàng vội nói để cho Nhung vững tâm:
- Thế nào anh cũng đi khỏi. Nhưng vì ông Hai sắp đổi đi xa, đem cả mấy đứa cháu đi, chứ không phải có ai nghi ngờ gì đâu. Em đừng vội lo.
Trong lúc đó, bà Án đứng nấp sau một cây ngọc lan. Bà vờ giơ tay níu cành bẻ lộc, mắt nhìn đăm đăm về phía vườn tối, lúc nãy nhìn theo bà thấy Nhung đi về phía ấy, nhưng vì khuất cây nên bà không rõ Nhung đứng chỗ nào và có Nghĩa ở đấy không. Bà toan vào hẳn vườn, nhưng bà sợ Nhung bắt gặp sinh ra nghi ngờ.
Cũng may vừa lúc ấy có tiếng Lịch gọi Nghĩa. Bà nghe tiếng lá cây động và một bóng đen đi quặt ra sau chùa. Bà đoán chắc đó là Nghĩa. Một lúc lâu, bà lại thấy một bóng đen nữa ở trong rặng cây đi ra. Bà Án nhìn rõ biết là Nhung, liền vội vàng quay trở vào chùa. Bà mỉm cười vì thấy mình đã đoán trúng, nhưng trong lòng lo lắng, bối rối:
- Còn độ mười ngày nữa thì ông giáo đi.
Nghĩ vậy, bà hơi yên tâm. Điều cần nhất đối với bà là phải giữ kín câu chuyện này không để cho một người nào ngoài bà ra được biết. Bà lẩm bẩm tức tối:
- Thật là nuôi ong tay áo. Hai đứa đốn mạt!
Biết là Nhung đã vào đến hiên chùa, bà quay ra cố giữ vẻ bình tĩnh hỏi :
- Con đã hái lộc chưa?
Thấy Nhung cầm một cành ổi trong tay, bà mỉm cười:
- Ai lại hái lộc ổi bao giờ. Sao con không ra cây đa mà bẻ?
Bà cúi mặt xuống ngay vì bà sợ Nhung nhìn vào mặt mình lâu nhận thấy vẻ nghi ngờ chăng. Bà ngẫm nghĩ:
- Phải làm thế nào cho nó không biết được rằng mình đã rõ chuyện. Nếu nó biết đâm ra liều thì nguy lắm.
Bỗng bà nghĩ đến nỗi buồn của bà trong mấy năm sau khi ông Án mất, bà đưa mắt nhìn theo Nhung đi lẹ làng dưới sân, dáng người mềm mại uyển chuyển.
- Tội nghiệp. Nó còn trẻ mà góa bụa đã mấy năm rồi.
IV.
Bà Án cho Nhung trở lại chỗ cũ, cầm kim khâu rồi mới cất tiếng gọi to:
- Nhài ơi!
Gọi xong bà quay lại bảo Nhung:
- Con Nhài nó đến đây. Mẹ thấy nó lên tỉnh đã năm sáu hôm nay, bây giờ nó mới vác mặt đến.
Nhài không dám vào, đứng ở cửa, bà Án quát:
- Mày lên đây làm gì?
Nhài ngập ngừng thưa:
- Bẩm, đầu năm con lên hầu cụ, hầu mợ con.
- Con này mới học được cái thói điêu. Hôm nọ tao vừa gặp mày ở cửa chợ đi với thằng nào? Hừ thế mà nói lên hầu cụ, hầu mợ... cảm ơn cô.
Nhung khó chịu, nhưng cố mỉm cười ngồi nghiêng đầu nhìn ra cửa bảo Nhài:
- Sao mày không vào quá trong này cụ hỏi.
Nàng thấy Nhài gầy gò xanh xao, động lòng thương toan hỏi, thì bà Án đã gắt:
- Quân này lại trốn đi theo trai đây thôi. Muốn yên lành thì về với nó ngay, nếu không tao gọi nó lên lôi cổ về thì rồi không ra gì đâu.
- Bẩm cụ, con xin lên trên này để ở hầu cụ.
- Không được. Tao không nuôi đâu. Mang tiếng cả đến tao, rồi thằng chồng mày nó mất vợ, nó lại trách cả tao đây.
Bà ngọt ngào tiếp theo:
- Thôi biết điều thì về với chồng con cho phải đạo vợ chồng. Đừng có học cái thói lăng loàn ấy nữa, làng nước người ta cười cho. Chúng mày tưởng rằng nhà hạ lưu thì không cần gì cả sao? Người sang thì tiếng lớn, người hèn thì tiếng nhỏ, nhưng ở đời ai cũng có danh tiếng của mình, ai không có liêm xỉ.
Nhung vờ chăm chú đưa mũi kim. Nàng lưỡng lự, không mắng thì sợ ra vẻ bênh Nhài, mà mắng thì nàng ngượng, sợ sau này không khác gì Nhài. Nghe tiếng sụt sùi khóc, Nhung ngửng lên: Nhài vừa lấy vạt áo lau nước mắt vừa nói:
- Cụ không thương cho con ở trên này hầu hạ, con về nó đánh chết mất.
- Nó đánh là phải lắm. Còn kêu ca gì nữa. Mày thì còn chết nếu mày không chừa hẳn cái tính đĩ thõa của mày đi. Tao còn lạ gì tính mày... Rõ thật bao nhiêu năm ở với chủ mà không học được mảy may tính nết của chủ.
Bà muốn ám chỉ Nhung và khen Nhung một cách gián tiếp, vì Nhài trước kia ở hầu hạ Nhung hơn ba năm trời.
Bà Án rất yêu Nhài, con Nhài như một người trong họ nên bà tự cho mình có quyền mắng sỉ Nhài tàn tệ. Lúc mắng bà chỉ nghĩ đến Nhung. Thật là một dịp may mắn cho bà được dùng những lời mắng một người khác để cảnh tỉnh con dâu đương đi vào lầm lỗi. Nhài đợi bà Án nói xong, rồi vừa khóc vừa kể lể:
- Bẩm cụ, cụ ở xa không rõ, không có một ngày nào là nó không lôi con ra nó đánh. Con đã hết sức chiều... hồi năm ngoái, sắp đến ngày ở cữ, vì nó đá con hai cái vào bụng, con bỏ mất đứa bé. Con vẫn phải cắn răng chịu, nhưng trong những lúc con ốm, nó cũng chưa tha...
Nhài nấc lên một tiếng to nghẹn ngào tiếp theo:
- Con không hiểu làm sao con lại gặp phải số phận như thế.
Nhung nghe chuyện tức quá, nhưng làm như không để ý đến, vẫn đưa mũi kim khâu. Bà Án nói:
- Mày nói lạ! Ruột gan ai cũng là người. Tự nhiên vô cớ, mày không bêu xấu nó, làm mất tiếng nhà nó, đâu nó lại đánh mày...
Nhung đoán rằng Nhài bị chồng đánh là vì Nhài có nhan sắc, lại vẫn có tính trai lơ, gặp ai cũng cười cười nói không biết giữ gìn. Nàng phân vân cân nhắc hai cảnh mà từ trước đến nay chưa bao giờ nàng để ý tới: một đằng thả lỏng, tai hại đến luân thường, một đằng giữ gìn đè nén bằng một cách vô nhân đạo.
Nhung thấy bà Án chỉ để ý đến việc nhà Nhài làm xấu tiếng nhà chồng, mà không hề mảy may tức tối về lối dạy vợ tàn nhân của chồng Nhài.
Lịch ở phòng bên bước sang. Chàng đã nghe rõ đầu đuôi câu chuyện nên nói luôn với bà Án:
- Thưa mẹ, con tưởng cứ cho con Nhài ở đây rồi gọi chồng nó lên bảo cho chồng nó biết. Thà chúng nó bỏ nhau còn hơn để chồng nó hành hạ, đánh đập vợ như vậy.
Nhung thấy câu nói của Lịch rất hợp với ý nghĩ của mình. Nàng cũng vừa muốn khuyên bà An như vậy, nhưng không dám nói ra.
- Thà rằng Nhài bỏ chồng còn hơn. Không thể vì cái tiếng suông, bắt một người đàn bà chịu đau khổ một cách khốn nạn như vậy.
Lúc nghĩ thế, Nhung không ngờ rằng trong lòng nàng mới nảy ra một quan niệm mới đặt nhân đạo lên trên luân thường.
Nàng cũng vì một cái tiếng hão huyền mà phải chịu bao nhiêu sự đau khổ. Song những nỗi đau về tinh thần của nàng không rõ rệt bằng những nỗi đau khổ về xác thịt của Nhài.
Lắm lúc nàng muốn bà Án ăn ở ác với nàng chửi mắng nàng để nàng có cái cớ đích đáng bỏ nhà ra đi lấy Nghĩa mà vẫn giữ trọn vẹn cái danh tiếng ấy.
Sáng ngày, Nhung thấy Nghĩa rục rịch đi. Mấy đứa con ông Hai không học ở nhà nữa, thì việc Nghĩa đi là một việc rất tự nhiên. Nhung sợ mình lộ vẻ cảm động để mọi người nghi ngờ, nên từ sáng nàng đem kim chỉ ngồi khâu không ngừng tay. Mấy lần nàng đã cố nén mới khỏi sa nước mắt. Từ bữa tết, nàng đã có ý lánh không muốn gặp Nghĩa nữa, vì nàng chưa định cách xử trí ra sao. Tuy buồn, nhưng nàng vẫn thầm mong Nghĩa đi khỏi nhà này, sớm ngày nào hay ngày ấy.
Những lời bà Án mắng Nhài vừa rồi lại làm cho nàng biết rõ rằng nàng không thể nào bỏ đi theo Nghĩa được. Nàng đành chịu buồn khổ ít lâu, rồi có ngày nàng sẽ quên đi: tiếng thơm của nàng, của nhà chồng nàng, sẽ được toàn vẹn. Nàng cũng sẽ được yên thân. Nàng đã êm ả trong lòng, tự hỏi:
- Không biết có được như thế mãi không?
Nhung ngửng lên nhìn Lịch rồi cất tiếng nói mấy câu lộn xộn mắng Nhài. Nàng không rõ nói những gì, nàng chỉ biết những tiếng lẳng lơ, đĩ thõa nhắc đi nhắc lại hai ba lần mà mỗi lần nhắc đến, nàng lại thấy ngượng mồm. Thật ra nàng chỉ dùng những tiếng đó để tự mình mắng mình và giữ gìn mình trước, khỏi bị xiêu lòng về sau. Nàng cho rằng khi đã mắng một người khác là đĩ thõa thì không thể nào mình lại sa vào cái tật xấu ấy nữa.
Bà Án nghe con dâu nói, mừng rỡ vô cùng. Bà thấy những lời của Nhung rất chân thật, chân thật đến nỗi làm cho bà ngờ ngợ không biết có phải Nhung dan díu với Nghĩa thực không. Có lẽ đêm giao thừa bà đã trông lầm hay bị một sự tình cờ đánh lừa: ngoài hai bóng đen ở trong vườn, bà không có một tang chứng nào chắc để buộc tội con dâu. Bà động lòng thương Nghĩa có lẽ bị mất chỗ làm oan, nhưng bà cho là một việc bắt buộc phải thế để phòng xa.
Nhung mắng Nhài xong, thu dọn rổ khâu rồi về phòng khóa cửa lại. Nàng nghẹn ngào muốn khóc, mệt mỏi ngồi chống tay xuống bàn nhìn ra cửa sổ. Đôi mắt nàng hé mở như để đón lấy sự đau đớn và mắt nàng bị nước mắt ứa ra mờ dần dần...
Nàng cầm khăn tay vừa chấm lên mắt vừa lẩm bẩm:
- Khóc lại đỏ cả mắt, ai biết thì nguy...
Nhung thấy lau không xuể, đành để mặt cho nước mắt giọt nọ theo giọt kia chảy ròng ròng trên má.
Ngay lúc đó, ngoài nhà có tiếng bà Án nói:
- Ông giáo hãy ở lại ít lâu đã. Khi nào tìm được chỗ làm chắc chắn hãy đi.
Tiếng Nghĩa đáp lại:
- Thưa cụ, con có người anh em mách cho việc trên mỏ Tĩnh Túc ở Cao Bằng.
- Xa thế, trên ấy nước độc lắm đầy.
- Thưa cụ, con cũng không chắc đi. May ra có thể tìm được việc làm ngoài tỉnh.
Yên lặng một lát, có tiếng Nghĩa tiếp theo:
- Hôm nào tìm được công việc yên ổn, con xin lại hầu cụ.
Nhung thấy Nghĩa đứng lại nói chuyện với Lịch lâu lắm.
Nàng nghĩ:
- Chắc Nghĩa lần khần ở lại đợi ta ra.
Nhung lấy khăn lau nước mắt nhìn vào trong gương, lắc đầu. Nàng lên giường nằm, kéo chăn trùm kín không muốn nghe tiếng nói chuyện ở ngoài nhà. Vì đêm trước thức khuya nên Nhung ngủ thiếp đi. Lúc nàng tỉnh giấc, trời đã về chiều. Nàng ngồi dậy, nhìn ra mấy ngọn tre gió đưa lắc lư lên nền trời mây xám mờ lờ, Nhung như vừa tỉnh giấc mơ đau đớn, và trong người thấy nhẹ nhàng vì sự đau đớn đó đã qua rồi.
V.
Nhung đương ngồi trong buồng tự nhiên thấy quả tim đập mạnh. Nàng vừa thoáng nghe tiếng Hòa ở ngoài hiên nói:
- Chào bác.
Không hiểu tại sao nghe giọng chào của Hòa nàng biết ngay người đến chơi là Nghĩa, tiếng Lịch nói:
- Mợ bảo nó pha nước. Chúng tôi đi bộ khát quá.
Nhung lấy làm tiếc rằng đã nhút nhát không ra nhà ngoài ngay lúc Nghĩa mới đến để được nhìn thấy mặt Nghĩa. Trong lúc Nghĩa ngồi nói chuyện với bà Án, Nhung không dám ra nữa vì sợ không được tự nhiên, đành ngồi lại trong buồng lắng tai nghe. Nàng mừng rằng Nghĩa đã tìm được công việc làm, nhưng cái lãng mạn của nàng lại muốn rằng Nghĩa thật khổ sở để nàng thương và để nàng có dịp cứu giúp.
Nhung khẽ ho lên một tiếng. Một lúc sau có tiếng ho của Nghĩa đáp lại, Nhung mỉm cười vì lại dùng đến cái hiệu lệnh kín đáo mà hai người trước kia vẫn dùng để hẹn nhau ra sau vườn.
Ở ngoài nhà, Nghĩa cố xoay câu chuyện để nói cho Nhung biết rõ số nhà mình ở:
- Thưa cụ, con thuê được cái nhà của người anh em nhường lại giá rẻ quá... phải cái phố con ở hơi hẻo lánh. Nhiều khi đi xe bảo kéo về ngõ 260, phu xe không biết chỗ nào mà tìm.
Ngừng một lát, Nghĩa cười rồi bảo Lịch:
- Anh cũng tài thật. Anh làm thế nào mà tìm ngay được nhà tôi ở. Cái biển số nhà treo ở cửa có hai con số bốn thì rỉ đã mất một con số rồi.
Nhung hồi hộp lẩm nhẩm
- Số bốn mươi tư, ngõ hai trăm sáu mươi.
Nghĩ được một cớ rất hay, nàng mở tủ lấy chiếc áo nhung đen mặc vào người. Nàng định sang bên bà Nghè chơi và khi đi qua buồng khách sẽ thừa dịp gặp Nghĩa. Nhung lại đứng trước tủ ngắm qua vẻ mặt mình trong gương, rồi toan mở cửa phòng. Bỗng nàng nghĩ được điều gì, quay trở lại, mở ngăn kéo tìm tòi. Nàng lấy ra cái bút chì rồi cặm cụi viết hai con số bốn lên thành ngăn kéo. Sợ lộ quá nàng lại xóa đi và ra mở cửa, nhưng nàng có ý viết số nhà một chỗ và viết số ngõ vào một chỗ khác.
Nghĩa thấy Nhung ra, đứng dậy chào. Nhung lễ phép cúi đầu chào lại, nói giọng thản nhiên:
- Ông giáo, tôi lại tưởng ông khách lạ nào, ông vẫn ở trên tỉnh?
Rồi nàng không đợi câu trả lời của Nghĩa, quay lại phía bà Án nói:
- Thưa mẹ, con sang chơi bên nhà. Hai em con có lẽ hôm nay ngược.
Nói xong, nàng đến gần bàn cầm chén nước uống để được đứng lại ít lâu nữa. Nhưng cả hai người đều không dám nhìn nhau: Nghĩa quay đầu hỏi chuyện Lịch, còn Nhung thì cúi nhìn vào chén nước, uống vội vàng.
Nhung đặt chén nước xuống, quay lại nhìn Nghĩa nói:
- Ông giáo ngồi chơi.
Nghĩa vờ giật mình, ngửng lên nhìn Nhung rồi đứng dậy chào. Nghĩa khó chịu nhìn vẻ lạnh lùng trên nét mặt Nhung.
Chàng thấy Nhung có vẻ thờ ơ và đối với chàng xa xôi như một người đàn bà chưa quen biết. Lòng ích kỷ xui chàng tiếc rằng đã bỏ mất những dịp tốt. Chàng ngẫm nghĩ:
"Ở cùng một nhà với một người đàn bà góa mà mình cũng ngu ngốc giữ gìn một cách vô lý. Biết đâu người ta đã yêu mình. Bây giờ thì thật hết hy vọng?"
Tuy nhìn thoáng qua, song Nhung cũng nhận thấy vẻ căm tức, oán hận trong hai con mắt Nghĩa.
Khi ra đến ngoài đường, một người làng cung kính chắp tay chào, nàng mỉm cười đáp lại và thẳng thắn nhìn người đó.
Từ hôm Nghĩa đi, nàng sống trở lại cái đời đầy đức hạnh trước: nhìn mọi người chung quanh nàng không thấy ngượng nghịu, và cử chỉ của nàng, nàng không phải giữ gìn nữa.
Nhung bâng khuâng nghĩ đến cuộc đời nàng cứ êm ả như thế rồi kéo dài mãi cho đến khi tóc bạc trên đầu. Nàng tự hỏi:
- Như thế để làm gì?
Nhìn giậu duối bên đường, Nhung nhớ lại một đêm trời sáng ở tỉnh về gặp Nghĩa. Hai người cùng đi song song một quãng như đi trên một con đường mơ mộng. Nàng như còn thấy rõ trước mắt cái cảnh huyền ảo đêm hôm đó, hai hàng giậu duối mới cắt, vì có những lá duối báng ướt sương đêm, phản chiếu ánh trăng, nên trông lấp lánh như nở đầy hoa trắng. Nàng thấy lại cái cảm tưởng ngây ngất khi Nghĩa giơ tay ôm lấy người nàng và bạo dạn một cách liều lĩnh đặt trên môi nàng cái hôn nồng nàng... trong khi trên đường sáng mờ mờ bóng đen của hai người hợp lại thành một.
Bất giác Nhung lẩm bẩm:
- Bốn mươi tư, hai trăm sáu mươi...
Nhung đến cổng nhà lúc nào không biết, Phương mừng rỡ:
- Em vừa định chạy sang nhà chị. May quá chị lại sang đây.
Nhìn Phương vui cười, ngồi trên phản gấp quần áo trong khi Lũy lúi húi xếp va li, Nhung có ý thèm muốn cái cảnh hai vợ chồng trẻ yêu nhau đương sắm sửa để cùng đi xa.
Bà Nghè nói:
- Bảo nó ở lại mãi, nó không chịu nghe. Vợ chồng nó cứ nhất định đem nhau đi hôm nay.
Ngừng một lát, bà buồn rầu nói tiếp:
- Mai nhà lại vắng tanh.
Phương vừa cười vừa giật lấy cái va li của Lũy vì thấy lúng túng xếp mãi không gọn mắt. Nàng nhìn chị và đáp lại lời bà Nghè:
- Đã có chị con ở nhà.
Nhung tự nhiên thấy thoáng hiện ra trong trí cái cảnh bà Nghè ngồi khóc sáu tháng trước đây khi biết tin Phương phải lòng Lũy. Nàng chắc rằng bà Nghè hiện giờ đương sung sướng thấy vợ chồng Lũy yêu nhau, hẳn đã quên cái giận ấy rồi, và không bao giờ nhìn trở lại để nhận thấy sự thay đổi đó. Ngắm hai em rồi lại nghĩ đến thân phận mình, Nhung lẩm bẩm:
- Cứ bạo là được.
Ngay từ hôm cưới, Nhung đã thấy trước rằng sẽ có cái cảnh vui vẻ như thế này, vì đó là một cảnh rất hợp lý lẽ của sự sống không câu thúc, tự nhiên. Đáng lẽ Phương phải chịu khổ nhục cả một đời - vì lấy con ông Tuần, Nhung cho là một sự khổ nhục - chỉ vì biết bạo khi nào cần phải bạo nên đã thấy được hạnh phúc.
- Mà như thế đâu có hại đến thanh danh của nhà.
Lúc đó, nàng thấy việc nàng lấy Nghĩa cũng giản dị như việc Phương, Lũy lấy nhau. Nàng ngẫm nghĩ:
- Liều, mình cũng phải biết liều mới được.
Nhung tiễn hai vợ chồng Lũy ra dể nhân tiện về qua nhà xem Nghĩa còn ngồi chơi đó chăng, Phương âu yếm nói với chị :
- Hôm nào mời chị lên chơi. Em sẽ đưa chị đi xem hồ Ba Bể. Đẹp lắm cơ, chị ạ. Để đến mùa thu sang năm, vì hồi đó tạnh ráo, đường dễ đi.
Nhung đáp:
- Chị thì đi thế nào được. Chị bận luôn.
Nói vậy nhưng nàng cũng không hiểu rõ là nàng bận gì, Phương và Lũy cùng cất tiếng chào:
- Thôi, chị ở lại.
Nhung đứng ở đầu ngõ nhìn theo cho đến khi xe khuất sau vườn cây. Nàng cúi đầu đi bước một trên con đường lát gạch, những bông hoa soan rụng rải rác khắp nơi, nàng trông như xác những con bọ sau một đêm mưa to gió lớn. Nàng buồn rầu nhắc lại mấy tiếng chào của hai em:
- Thôi, chị ở lại.
Khi Nhung về đến nhà thì Nghĩa đã đi rồi. Mọi người đương ngồi trên sập, sắp cầm đũa ăn cơm, hơi nóng ở mấy cái bát canh bốc lên nghi ngút. Cái cảnh gia đình đoàn tụ một buổi chiều mùa xuân làm Nhung nghĩ đến thân phận lẻ loi của nàng, suốt đời ở trong gia đình mà bao giờ cũng như không có gia đình.
Bà Án ngồi lùi vào, dịu dàng bảo Nhung:
- Con ngồi đây, bên cạnh hỏa lò cho ấm.
Nhung ngồi ghé xuống một mép sập, bưng bát cơm ăn. Nàng thấy mọi người từ bà Án cho đến Hòa, không ai thật lòng yêu nàng, nhưng người nào cũng cố hết sức để nàng được yên thân, có lẽ vì thế nên Nhung có cái cảm tưởng rằng mình sống ở trong nhà như một cái bóng yên lặng, và đời nàng, nàng thấy nhạt nhẽo như miếng cơm trắng nàng đang nhai trong miệng.
PHẦN THỨ BA
I.
Nhung quay lại nói với vú già đương đứng đợi ở ngoài:
- Thôi vú cứ về trước đi. Mợ còn mua vài thứ rồi mợ về sau.
Nhung thấy buồn và biết rằng về nhà cũng không có việc gì, nên định đi thăm các cửa hàng mua một vài thứ lặt vặt. Khi vú già đã đi xa Nhung trả tiền rồi bước ra hè phố.
Đi một mình lẫn với những người qua lại rộn rịp, không ai quen biết, Nhung thấy mình như người vừa thoát khỏi nhà tù ra, ngây ngất sống cái đời tự do, không bó buộc. Nhưng trong lúc đi lẫn với người khác, nàng thấy một nỗi buồn ngấm ngầm ở trong lòng, nàng vừa đi vừa cố nhớ đến tên một vài người bạn học cũ để lại chơi, vì nàng chỉ muốn có được một người bạn tâm giao, nói vài câu chuyện cho khuây khỏa. Song nghĩ mãi nàng cũng không thấy có người bạn nào có thể an ủi được nàng.
Đi ngang qua một hiệu sách, Nhung đứng lại lẩm nhẩm đọc tên những cuốn tiểu thuyết bày ở cửa hàng. Bỗng nàng để mắt đến một bản đồ treo ở trong cùng, nàng cúi mặt, đặt bàn tay lên trán che ánh sáng cho khỏi chói, rồi đưa mắt nhìn theo những con đường ngang dọc tìm trên phố. Nàng bàng hoàng khi đọc đến mấy chữ:
- Đường số hai trăm sáu mươi.
Thấy có một bọn học trò lại đứng bên cạnh, Nhung giật mình ngửng lên rồi bỏ đi nơi khác.
Nàng cắm đầu đi thật nhanh lẫn vào đám đông để khỏi nhận thấy lòng nàng đương hồi hộp và quả tim nàng đương đập mạnh. Nhung đi vội nên chạm vào một người đàn ông. Người ấy quay lại toan cự, nhưng chắc cảm vẻ sắc đẹp của nàng, nên mỉm cười nói:
- Xin lỗi cô.
Nhung giữ nét mặt nghiêm nghị không đáp lại, nhưng trong lòng nàng rất vui thích được người ấy gọi mình là cô. Tự nhiên nàng nhìn sang bên cạnh để ngắm bóng mình trong mặt kính cửa hàng. Gần đấy có đặt một chiếc gương lớn, song đến nơi, Nhung phải quay mặt đi, vì nàng sợ nhìn rõ nét mặt trong gương, nàng sẽ ngượng với những ý tưởng bất chính đương rạo rực trong lòng nàng lúc đó.
Tới đầu phố, Nhung nhìn ngang ngửa xem có gặp ai quen không, rồi vẫy một cái xr tay lại. Nàng hỏi người phu rất sẽ:
- Lên Ô mấy xu?
Thấy người phu cất tiếng rất to nhắc lại tên phố và đòi giá rất cao, Nhung vội vàng nói bằng lòng, lên xe ngồi không muốn cho người phu xe hỏi lôi thôi.
Tới Ô, nàng trả tiền rồi đi quặt sang bên tay trái. Tìm một lúc, nàng thấy biển đề đúng tên phố.
Nhìn qua số mấy cái nhà trước mặt, nàng đã đoán được nhà Nghĩa ở vào quãng nào.
Nàng rẽ sang bên hè về phía số lẻ, khi trông thấy biển đề số hai mươi tám. Nhung thong thả đi lại và nhìn chăm chú vào cái nhà cách đây hai nhà.
Nàng lưỡng lự không biết nên tiến hay quay về, nhưng chân nàng vẫn bước đều đều. Nhà Nghĩa ở là một cái nhà đã cũ, mái lợp ngói, cột gỗ, tường đất chát vứa. Nhà xoay trái ra đường, trước cửa có một cái sân nhỏ và dài ăn thông từ cổng vào trong cùng nhà. Qua khung cổng nửa mở nửa khép. Nhung thoáng thấy mấy cái chum nước đặt dưới một cái giàn nho đã xiêu lệch. Trên dây thép buộc ngang hai cây cau, có phơi mấy cái khăn mặt và một cái áo chăn màu tím lấm chấm trắng. Cái chăn ấy trước kia đã nhiều lần nàng thấy phơi ở nhà nàng, ngoài vườn, ngay trước cửa lớp học.
Nhung bước vội sang bờ hè bên kia và đứng núp sau cánh cổng nhìn vào trong nhà. Nàng giơ tay gõ cửa, hồi hộp đợi. Không thấy ai ra, sợ đứng ở ngoài mãi có người trông thấy, Nhung bước qua cổng, khép cửa lại. Bỗng nàng giật mình, ngẫm nghĩ:
- Lỡ Nghĩa có khách đến chơi thì nguy.
Vừa lúc đó một đứa bé con chạy ra. Nhung hỏi:
- Ông giáo có nhà không em?
Đứa bé đoán chắc là người khách lầm nhà:
- Ở đây không có ông giáo nào cả.
Nhung toan hỏi đến tên Nghĩa thì đứa bé đã nói tiếp ngay:
- Ông chủ cháu đi vắng.
Nhung thấy nhẹ hẳng người. Nàng hỏi luôn:
- Thường lúc nào thì ông có ở nhà?
- Bẩm, buổi trưa và tối.
Muốn cho khỏi ngượng với đứa bé, nàng hỏi bịa:
- Ông đi dạy học.
- Bẩm không, ông chủ cháu làm việc nhà buôn.
Nhung quay ra:
- Thế thì tôi hỏi lầm nhà.
Rồi như sợ đứa bé theo ra hỏi giúp nhà làm hàng phố chú ý, nàng gọi cái xe, không mặc cả, bước lên bảo kéo về phía Ô. Khi ra nàng càng sợ có người quen nom thấy hơn vì không gì khó chịu bằng mang tiếng oan. Nàng thấy mình đã quá ư dại dột và mừng thầm rằng Nghĩa đi vắng. Nghĩ đến lúc về tới nhà, bà Án hỏi, nàng lo lắng:
- Không biết nói là đi chơi đâu bây giờ?
Nhung bảo xe kéo lại nhà Ninh, một người chị em bạn.
Ninh hỏi: 
- Chị đi đâu về thế?
Câu hỏi đột ngột làm Nhung luống cuống không biết trả lời sao. Ngồi vào ghế, nàng thở dài lấy bàn tay đập đầu gối, nói:
- Đi mỏi cả đầu gốì mà không mua được thức gì, vì thức gì cũng muốn mua... Định vào rủ chị xuống chơi dưới tôi đây.
Ninh hỏi:
- Có việc gì đây? Tôi lại mắc bận.
Nhung khẩn khoản mãi. Ninh hơi lấy làm lạ không hiểu vì cớ gì hôm nay Nhung lại tha thiết đến mình và mời mình như vậy. Nhung thấy Ninh nhận lời, mừng rỡ vô cùng. Khi về tới nhà, có người chị em bạn đi bên cạnh, Nhung không còn sợ bà Án xét hỏi xem đi chơi nơi nào nữa. Ngồi mãi không biết nói gì, Nhung nhận thấy việc mời Ninh về nhà là vô lý hết sức. Nàng cố tìm một cuộc vui giải trí, nhưng không tìm ra, sau cùng nàng phải bịa câu chuyện rủ Ninh mở một cửa hàng buôn bán để đem ra bàn bạc.
Dầu sao, Nhung vẫn lo cái mưu ấy chỉ dùng được một lần thôi, và ngồi tư lự cố moi trong óc xem còn cách gì khác để cho mẹ chồng khỏi nghi ngờ. Nàng yên trí còn phải lại nhà Nghĩa nhiều bận đến nỗi đã vô tình lo viển vông. Tuy không dám tự thú nhận, nhưng nàng đã biết trước rằng thế nào nàng cũng đến nhà Nghĩa, những mối lo sự không đủ ngăn cản được nàng. Nhung lại gặp những nỗi băn khoăn lưỡng lự như hồi mới yêu Nghĩa. Nàng nghĩ đến tiếng thơm của mình, của nhà, để khỏi bị cám dỗ, nhưng tiếng gọi của sự ân ái có sức mạnh hơn, lúc nào cũng tha thiết vẳng bên tai. Mỗi lần nghĩ đến cái thú lẩn lút tới nhà Nghĩa, được gặp Nghĩa, nàng thấy hoa cả mắt và trong lòng rung động một cách êm ái.
Nhung không khác gì một người tự tử, lúc ngã xuống nước buột miệng kêu cứu, nhưng thật tình không mong có người khác nghe thấy, khoan khoái nhắm mắt lại để hưởng lấy cái cảm giác êm mát của làn nước nó sắp đưa mình đến cõi chết thoát ly.
II.
Nhung đứng chống tay vào thân cây cau đợi Nghĩa cài then cổng. Khi Nghĩa đi lại phía nàng vẻ mặt Nghĩa và nụ cười thoáng qua trên môi chàng. Nhung thấy giống vẻ mặt và nụ cười của chồng nàng trước kia, khi bước vào buồng nàng hôm động phòng hoa chúc.
Nhung nhìn ngang ngửa hỏi:
- Cái nhà này anh thuê bao nhiêu?
- Có ba chục đồng bạc, nhà của anh em bạn nhường lại.
Nhung chợt nghĩ đến thằng nhỏ ra mở cổng hôm trước, nhìn vào trong bếp nói:
- Anh không có người nhà?
Nghĩa đáp:
- Anh cho về quê... vì anh đoán trước được rằng hôm nay có tiên đến chơi.
Nhung mỉm cười nghe câu nói văn hoa của Nghĩa, nàng quay mặt nhìn vào trong nhà một tay táy máy những mảng mốc trắng trên thân cau, một tay sửa vội vành khăn:
- Nhà này kể cũng mát.
Nghĩa không để tai nghe nên không nhận thấy ý mỉa mai của tiếng "mát" nói vào giữa lúc trời rét như cắt.
Chàng âu yếm bảo Nhung:
- Ta vào trong nhà thôi, đứng ở ngoài này gió lạnh.
Hai người vừa đi về phía cửa vừa hỏi nhau những câu tầm thường để cốt tránh sự yên lặng khó chịu.
Sắp bước lên thềm, Nhung cúi nhìn một cái chậu cây đặt ở gốc nhỏ:
- Cây gì lạ thế này, anh?
- Cây trinh nữ.
Nhung đứng lại ngây thơ nói:
- Lạ quá nhỉ, cây ray rút, thân đỏ mà lại mọc trong chậu. Sao lại gọi tên nó là trinh nữ?
Nghĩa lấy ngón tay búng một chiếc lá cho nó cụp xuống rồi nói:
- Tại nó biết thẹn... biết thẹn như em.
- Nhưng em có thẹn bao giờ đâu?
Nàng vừa cười vừa bắt chước Nghĩa búng những lá khác, vờ như mê mải với cái trò chơi mới lạ ấy.
Nàng bảo Nghĩa:
- Thử đợi xem bao lâu thì nó dựng lên.
Nhung cố kéo đài quãng thời gian đứng ở ngoài ánh sáng cho bạo dạn, vì nàng hãy còn lo sợ khi nghĩ đến lát nữa vào trong nhà chỉ có một mình nàng với Nghĩa.
Nghĩa kéo tay Nhung, gắt yêu:
- Thôi vào kẻo lạnh, em.
- Anh đừng chạm vào người em, em lại như cây trinh nữ rũ cả chân tay không đi được nữa.
Nàng vừa nói đùa vừa theo Nghĩa vào. Nghĩa bảo nàng ngồi ở ghế rồi ra khép cửa lại.
Ngồi trong gian nhà tối lờ mờ, Nhung tưởng mình không còn liên lạc với xã hội bên ngoài, mê man quên hết cả, và thật tình nàng thấy sung sướng, một cái sung sướng đầy đủ không mảy may lẫn chút hối hận. Đã trong bao lâu nay, lần đầu tiên, nàng mới thấy vượt ra ngoài cái sống giả dối hằng ngày, và tuy ngồi ở nhà một tình nhân mà nàng không hổ thẹn trong lương tâm, nàng không cảm thấy nhân phẩm của nàng bị sút kém chút nào.
Nàng không nhút nhát như trong những cuộc lẩn lút gặp Nghĩa ở vườn nhà. Khi Nghĩa đến cầm lấy tay, Nhung dịu dàng đặt đầu mình vào ngực Nghĩa, tự nhiên như một người vợ âu yếm chồng. Thấy Nhung có vẻ tin cậy mình, coi mình như một người bạn tình cao thượng, Nghĩa cảm động và hối hận rằng lúc nãy khi thấy nàng đến, trong lòng đã nẩy ngay ra cái ý tưởng khinh rẻ nàng với những sự thèm muốn tầm thường về vật dục.
Nhung nói có vẻ buồn rầu:
- Em cứ muốn ở đây thế này cả đời.
Nghĩa đứng ra sau ghế, cúi mình, vòng tay qua cổ Nhung, cầm lấy hai bàn tay nàng ép vào ngực:
- Hay là em ở đây... Đấy em xem, chúng mình không thể nào sống xa nhau được: mới có một tháng mà anh liên tưởng như đã mấy năm rồi.
Nghĩa đặt một cái hôn nhẹ lên má Nhung, nói tiếp:
- Em quả quyết đi, đừng để anh thương em mãi. Chúng ta sẽ đi, đi thật xa...
Thấy Nhung ngồi yên có vẻ tư lự, Nghĩa giục :
- Em nghĩ sao? Chúng mình sẽ sống như đôi vợ chồng. Ai cấm chúng mình? Như thế này không là hai vợ chồng rồi à?
Nghĩa nắm chặt lấy tay Nhung khiến Nhung giật mình quay lại, lo sợ. Nghĩa hiểu ý, vội nói:
- Anh chỉ muốn coi em như một người vợ thôi. Từ độ chúng mình biết nhau, anh không lúc nào có ý gì khác vì bao giờ anh cũng thương em và kính trọng em.
Nhung nói:
- Em không muốn ai kính trọng em nữa vì em có đủ hết các nết xấu. Đủ hết. Tiếng thơm của em? Anh biết rồi đây, nếu những người vẫn kính phục em mà cũng biết rõ như vậy thì không hiểu họ nghĩ sao!
Có tiếng động ở ngoài cổng. Nghĩa nhìn qua cửa sổ nói:
- Không sao. Trẻ con nó nghịch. Anh không bao giờ có khách đến chơi cả.
Chàng kéo một cái ghế lại gần. Nhung nói:
- Anh ngồi xuống đây kẻo đứng mãi mỏi chân.
Rồi nàng kể cho Nghĩa biết những nỗi khổ của nàng ở nhà, những nỗi khổ của một đời giả dối, không tài nào thoát khỏi.
- Em phải sống mãi như thế, vì em biết không bao giờ em có can đảm để mà thoát ra... Giá ngặt từ trước, em liều lĩnh cho mọi người quen đi, không để họ kính trọng em như thế đâu đến nỗi sinh chuyện. Bây giờ hơi một tí là ầm ĩ lên ngay.
Nhung nói xong cười nhạt. Nghĩa nói đùa:
- Thế là em tự giam em vào tù. Đáng thương thật.
Chàng kéo đầu Nhung đặt vào vai mình, dịu dàng nói:
- Bây giờ em lại bị giam vào cái nhà tù của anh, một cái nhà tù êm ái... Anh tưởng em cứ mặc hết là xong. Việc gì, việc gì em phải giả dối mãi. Vài hôm nữa, em nói rõ cho cụ Án biết ý định, rồi em sẽ xin phép thầy mẹ. Còn gì dễ dàng hơn...
- Thầy mẹ em không bao giờ cho phép rồi.
- Nói mãi rồi thầy mẹ cũng đến bằng lòng.
Nhung chép miệng:
- Vô ích, vì em biết lắm. Thà em trốn đi cho khuất mắt còn hơn là ở nhà trông thấy mẹ em khổ vì em.
Nghĩa nói:
- Thế thì em định ngay đi, vì đợi, đợi mãi rồi cũng không khác gì cơ mà. Chỉ làm chúng mình đau khổ vô ích thôi. Tai tiếng...
Nhung ngắt lời :
- Tai tiếng, em không cần gì tai tiếng nữa... Em muốn người ta khinh em còn hơn kính trọng em như thế này. Người ta biết em theo trai, em cũng không lấy làm xấu gì.
Nhung ngượng mồm khi nói đến hai chữ "theo trai". Nghĩa nhận thấy điều đó vội nói:
- Chúng mình đã có tội tình gì cho cam. Sao chúng mình lại cứ cho việc chúng mình làm đây là lẩn lút, xấu xa. Bắt đầu từ phút này chúng mình cứ coi như là một đôi vợ chồng chính thức. Cần gì phải cưới xin. Anh chưa có vợ, em góa cho chồng...
Mấy lời Nghĩa nói làm Nhung trong lòng êm ả. Nàng nhìn Nghĩa, hai mắt long lanh, và bất giác giơ tay vịn vào vai Nghĩa như đối với người chồng, bâng khuâng nói:
- Em cũng nghĩ như anh, việc gì mà phải giả dối.
Hai người im lặng và không ngờ rằng những câu vừa nói chỉ là những câu để thú với nhau cái ý muốn ngấm ngầm trong lòng, cái ý muốn không tránh được của cuộc đời trai gái ngồi tình tứ với nhau, không có gì ngăn cản. Nhung lo sợ không dám nhìn vào mắt Nghĩa, vội cúi đầu xuống, thong thả kéo tay ra, đứng dậy hỏi:
- Nhà anh không có nước cho em uống?
Nàng lại gần một cái bàn để sát ở tường cầm ấm rót một chén đầy mời Nghĩa:
- Anh uống.
- Em uống trước đi.
Nhung uống một hơi cạn, rồi nói với Nghĩa:
- Thôi, em về nhé.
Nghĩa nhìn Nhung không đáp. Nhung ra phía cửa, quay lại nói:
- Thỉnh thoảng em lại đến chơi.
Tuy nói vậy và tuy đã cầm lấy quả nắm, nàng vẫn biết rằng chưa về được. Từ lúc ra bàn uống nước nhìn qua cửa, một luồng gió lạnh thổi lọt vào đưa theo mấy hạt mưa. Nghĩa đứng lên ra khép cửa lại rồi cầm tay Nhung:
- Trời mưa. Em về làm làm gì vội.
Nghĩa đưa tay đỡ lấy người Nhung đẩy vào âu yếm thỏ thẻ bên tai:
- Em nỡ nào để anh ngồi một mình buồn trong lúc trời mưa.
Nhung vừa đi theo đà tay Nghĩa vừa nói:
- Thôi, anh để em về. Thiếu gì lúc, anh vội gì.
Câu nói vô tình ngụ hai ý khiến Nghĩa yên trí rằng Nhung bằng lòng. Chàng mê man nói:
- Thật là một trận mưa tình cờ quý hóa cho anh, cho vợ chồng ta.
Nhung thấy Nghĩa vừa nói vừa thở mạnh và nắm chặt lấy cánh tay nàng. Lúc đó nàng tưởng quả tim ngừng hẳn lại, hai con mắt nàng vẫn nhìn ra phía cửa sổ có ánh sáng như người cầu cứu, Nhung biết chắc rằng lần này thì nàng không thể giữ gìn được nữa và nàng thấy không cần phải giữ gìn nữa. Lòng khát khao ngấm ngầm bấy lâu không có sức kiềm chế bùng ra như một ngọn lửa không thể nào dập tắt. Tiếng Nghĩa nói bên tai mỗi lúc một van lên tha thiết. Nhung thở dài một cái mạnh, nuốt nước bọt rồi vờ giật mình bảo Nghĩa:
- Kìa mưa hắt cả vào nhà. Anh không ra đóng cửa sổ lại.
Mưa mỗi lúc một to. Lúc Nghĩa tiễn Nhung ra cổng thì trời đã chiều. Nhung lo lắng nói:
- Không biết khi về nói ra sao đây?
Nghĩa giơ tay cầm lấy bàn tay Nhung nhìn thẳng vào mặt nàng, mỉm cười sung sướng:
- Cảm ơn em. Em nhớ giữ lời hứa đấy đừng để anh đợi.
Chàng mở cửa gọi xe. Nhung nói:
- Anh hỏi thuê lên chợ, anh ạ.
Trời mưa nên phố vắng: Nhung cẩn thận sợ có người trông thấy, vội phủ vạt áo sau lên đầu và có ý để vạt áo rũ thấp che khuất hai con mắt.
Ngồi trong xe, nhìn ra cảnh hàng phố và những người qua lại dưới mưa tầm tả, Nhung rạo rực hối hận, nàng thấy nàng là một người hư hỏng và đời nàng là một đời bỏ đi, tan tác, rã rời như những cây ướt mưa bị gió dập hai bên đường. Nàng không ngờ đâu có ngày lại sa xuống thấp đến như thế này được. Nàng rưng rưng muốn khóc. Nhưng cùng với giọt lệ ứa ra ở khóe mắt, Nhung thấy một nỗi sung sướng man mác nảy ra ở trong lòng với những điều ước vọng mơ màng về cuộc đời mới mẻ, đáng sống và tốt hơn cái đời nhơ nhuốc của nàng hiện giờ. Nàng ngẫm nghĩ:
- Có gì mà nhơ nhuốc... vả lại nếu mà xấu nữa thì cái xấu ấy còn hơn cái đẹp giả dối, đánh lừa mọi người.
Nàng tìm hết cớ để tha thứ cho cái tội của mình.
- Mình làm gì có tội... nếu mình coi Nghĩa như một người chồng. Khác gì đâu?
Bỗng Nhung thốt lên lo sợ mình có thai. Nàng thấy tối tăm mặt mũi, ngồi lặng đi một lúc lâu, rồi như người không cần gì nữa, nàng chép miệng:
- Có thế mới bắt buộc mình liều được.
III.
Nghĩa đã hẹn trước đưa Nhung về thăm quê nên từ sáng sớm hai người ra ô tô đi Trung Hà để về Hưng Hóa.
Hai người bàn định sau này sẽ trốn về ở Hưng Hóa, nên Nhung nhân dịp đi chơi muốn về thăm chỗ ở sau này của nàng. Nhung chỉ mặc xuềnh xoàng một chiếc áo lương cũ, lên xe nhìn không thấy ai là người quen nên hai người ngồi cạnh nhau nghiễm nhiên như một đôi vợ chồng. Khi xe ô tô qua phố, Nhung ngồi xoay mặt vào trong và cúi mắt xuống. Nàng vui vẻ ghé vào vai Nghĩa, mỉm cười nói:
- Giá cứ thế này đi không về nữa thì hay nhỉ?
Người phát vé hỏi:
- Ông bà lấy vé về đâu?
Nhung mau miệng đáp:
- Về Hưng Hóa.
- Thưa bà, xe này chỉ về đến Trung Hà.
Nhung lo lắng rồi hỏi Nghĩa:
- Thế thì làm thế nào... cậu?
Nghĩa đáp:
- Qua đó rồi đi xe tay. Chỉ có xe thư là đi suốt, lỡ mất rồi.
Nghĩa lấy ví bảo Nhung:
- Mợ để tôi trả.
Hai người nhìn nhau, trên má Nhung hơi nhuộm vẻ hồng. Lần đầu gọi nhau bằng cậu mợ, trước mặt mọi người, Nhung và Nghĩa thấy thẹn thùng một cách sung sướng.
Tới bến Trung Hà, hai người thuê riêng một chiếc thuyền để được tự do nói chuyện. Khi thuyền ra giữa sông, nhìn dải nước rộng rãi bao la chạy dài đến tận những rặng núi màu lam sẫm chắn ngang về mạn Hòa Bình, Nhung ngây ngất lảo đảo như con chim ở lâu trong lồng được thả ra nơi đồng ruộng. Nàng cầm lấy tay Nghĩa nói:
- Đã lâu em không đi chơi xa.
Lềnh đềnh trên chiếc thuyền con giữa dòng sông, Nhung thấy trời có vẻ cao rộng hơn, nàng ngồi yên, lắng tai nghe tiếng róc rách ở mạn thuyền, tiếng kêu nhỏ và thanh của mấy con nhạn lượn ngang phơi bụng trắng trên mặt nước.
Nghĩa đã lâu lắm chưa về quê nên nhìn phong cảnh cũ bồi hồi nhớ lại những kỷ niệm của thời kỳ còn đi học ở trường Sơn Tây, đã bao lần qua bến đò này. Chàng kể chuyện lại với Nhung và Nhung cũng chú ý thích nghe hình như nàng vẫn sống bên cạnh chàng từ lâu và những kỷ niệm đó là kỷ niệm chung cả hai người.
- Lát nữa qua đò, em sẽ thấy đầm Thượng Nông và xóm Liên Hòa ở làng anh. Ở làng anh chỉ còn mỗi một cái nhà tranh và một ít vườn, từ độ thầy mẹ anh mất thì để cho một người trong họ trông coi. Anh còn nhớ rõ những đêm sáng trăng ngày hè đi thuyền đánh cá với những làng trên đầm Thượng Nông...
Nhung hỏi:
- Cảnh đẹp lắm phải không anh?
Nghĩa chỉ tay về phía núi Ba Vì:
- Những đêm nào không có sương, trông thấy rõ núi Ba Vì. Sao thuở bé, anh trông núi ấy to lạ, to hơn bây giờ nhiều.
Chàng ghé vào tay Nhung nói khẽ:
- Để đến hôm ấy anh sẽ đưa em về quê nhà anh. Em trốn ở đây thì chẳng còn ai biết mà tìm nữa. Em không lo ngại gì.
Hôm ấy nghĩ là Nhung trốn đi hẳn với chàng. Nhung nhìn Nghĩa và thấy Nghĩa đã nghĩ trước mọi việc một cách chu đáo nàng rất vững tâm và tin cậy ở Nghĩa, coi Nghĩa như một người có thể gửi thân suốt đời được. Bỗng nàng lo lắng hỏi Nghĩa:
- Nhưng chú Lịch có biết nhà anh không?
- Không, từ độ quen nhau, anh chưa về quê lần nào. Vả lại mải đi tìm công việc làm ăn, anh coi như là không có quê nữa và nếu không có em thì cũng chẳng bao giờ anh tưởng đến việc về làng, về làm gì, buồn chết.
Chàng đắm đuối nhìn Nhung, nói tiếp:
- Bây giờ có em thì quê cũ đối với anh mới có ý nghĩa. Chốn quê hẻo lánh ấy sẽ là cái tổ êm ấm để anh với em... hai con chim lạc đàn khổ sở đã nhiều có chỗ dung thân.
Hai con mắt Nhung sáng lên khác thường. Nàng trông thấy rõ trước cái cảnh đời sống giản dị, bình thường bên cạnh người yêu, ở một chốn xa xôi không còn liên lạc gì với cái xã hội nặng nề cũ. Nhung nóng ruột muốn biết liền hỏi Nghĩa:
- Qua đò rồi ta vào đấy chứ?
Nghĩa đáp:
- Bây giờ chưa thể được. Qua đò rồi, chúng mình thuê xe về Hưng Hóa. Ta sẽ vào một hàng cơm, rồi anh lại nhà một người cậu ở đấy để thu xếp chỗ dạy học. Có thế, đưa em về quê anh mới tiện. Phải nghĩ đến cách sống chứ, chẳng lẽ ngồi uống nước lã nhìn nhau.
Nhung mỉm cười:
- Uống nước lã cũng được, miễn là có anh bên cạnh.
IV.
Như mọi lần, khi qua cổng, Nhung đi rẽ vào ngõ con về nhà. Lúc bây giờ trời đã xâm xẩm tối. Suôt ngày đi Hưng Hóa với Nghĩa, nàng thấy đầu óc nặng nề và chân tay mỏi mệt. Nhung vừa đi trên đường làng vừa nhớ lại những cảnh vui vẻ đẹp của cuộc đi chơi vụng trộm mà nàng thấy ngắn ngủi quá. Con đường hai bên trồng soan tây từ bên Trung Hà vào Hưng Hóa và quả đồi làng Nghĩa bên kia đầm Thượng Nông với những nóc nhà tranh ẩn trong lũy tre. Nhung tưởng như những cảnh của một thế giới sáng lạng, về gần tới nhà, Nhung mất hết cả bạo dạn như khi còn ở bên cạnh Nghĩa. Bao nhiêu những điều đã quyết định nàng thấy khó lòng thành được sự thực, những ước vọng khi nói chuyện với Nghĩa mãi mãi cũng chỉ là những ước vọng hão huyền. Đời không dễ dàng và tốt đẹp như nàng tưởng.
Một người quen gặp nàng, nhìn gói giấy nàng cầm ở tay mỉm cười hỏi:
- Mợ lại mua thức gì?
Nhung giơ gói lên, cười gượng:
- Mua cái áo len cho cháu.
Lần nào khi ra tỉnh thăm Nghĩa, nàng cũng cố tìm thức mua để khi về có cớ nói với bà Án, nên nàng thấy câu hỏi của người kia có ý mỉa mai. Nàng không quay lại nhưng biết rằng người đó đương đứng tò mò nhìn theo nàng.
Nhung về đến ngõ nhà, thấy cửa đã đóng. Vú già vừa mở cổng vừa nói:
- Hôm nay mợ về muộn quá.
Câu nói vô tình của vú già làm nàng khó chịu. Bà Án, Lịch và Hòa lúc đó đương đứng ở sân cùng nhìn ra, Nhung nhận thấy rõ vẻ ngạc nhiên trên nét mặt mọi người trong nhà về việc nàng đi vắng suốt một ngày. Bà Án cũng nhận thấy vậy, bà lại đau lòng nữa vì bà biết là Nhung đã đến nhà Nghĩa. Sợ đầy tớ hiện đứng quanh đây sinh ra nghi ngờ, nên bà hỏi Nhung có ý làm như chính mình đã sai con dâu lên tỉnh:
- Thế nào, mợ đã thu xếp xong việc tôi dặn chưa?
Ba hỏi vậy vì bà nhớ mấy hòm trước có dặn Nhung một việc khi nào lên tỉnh nhớ thu xếp hộ. Song Nhung đã quên hẳn việc mẹ chồng dặn. Nàng ngơ ngác nhìn, và một lúc lâu mới hiểu cái thâm ý của bà Án. Nhờ câu ấy, nàng đỡ ngượng. Nàng trả lời một cách mập mờ:
- Thưa mẹ, chưa ngã ngũ ra sao cả.
Thấy bà Án và Hòa nhìn mình như dò xét, Nhung ngượng nghịu cúi mặt. Nàng giở gói, đưa chiếc áo mà nàng đã vội vàng mua trong một lúc đỗ xe cho mẹ chồng xem:
- Mẹ xem chiếc áo len con mua cho thằng Giao. Đi chọn mãi mới được đấy.
Nàng thấy hai má nóng bừng và nói luôn:
- Chị An cũng đi với con cứ chê mãi. Chị ấy thích chiếc áo đỏ, nhưng con trông nó lòe loẹt làm sao ấy.
Nhung nghẹn ngào ở cổ. Nàng thấy nàng đã chán những sự giả dối. Nàng muốn kêu to lên một tiếng, nàng muốn ngay lúc ấy nói rõ sự thực, tất cả sự thực. Giá nàng có đủ can đảm nói hết được :
- Tôi thế đây, cần gì phải giấu diếm ai nữa!
Nàng tưởng giá nói được câu ấy thì nàng sẽ sung sướng, nhẹ nhàng xiết bao!
Bà Án mỉm cười ngọt ngào bảo Nhung:
- Thôi con vào rửa chân tay rồi ăn cơm. Bụi cát đầy người thế kia.
Nhung giật mình nhìn vạt áo lương nhầu nát và đôi mũi giầy mờ bụi, ngẫm nghĩ:
- ... Không ai ngờ đâu là bụi đường Hưng Hóa và vạt áo nát vì ngồi thuyền ở Trung Hà với tình nhân.
Lịch vào buồng khách cầm ra một phong thư đến cho Nhung. Nhung nhìn nhìn nét chữ nói:
- Thư của cô Hai trên Bắc Cạn.
Nhung về phòng dở thư ra xem. Trong thư Phương hỏi thăm nhà cửa, kể qua loa về cái đời nàng sống ở trên Bắc Cạn và báo cho chị biết rằng sắp có tin mừng. Nhung đọc thư thấy rõ ràng Phương được sung sướng và nàng có cái cảm tưởng rằng Phương sống biệt lập hẳn một cuộc đời khác, nàng hỏi thăm đến việc nhà nhưng không tha thiết, coi như là không can dự gì đến nàng nữa.
Nhung đọc lại câu: "Chị được cái may ở gần nhà đi lại thăm mẹ luôn. Mẹ vì thế cũng đỡ buồn mà em ở xa cũng an tâm".
Có tiếng động, Nhung ngửng lên. Giao ở ngoài đi vào, hai chân lê sệt sệt trên nền nhà, người ưỡn ra đằng trước, như khi nó bắt chước xe hỏa chạy, Nhung gấp thư lại, hỏi:
- Bà vừa mặc áo đẹp cho Giao đây phải không? Ai mua áo đẹp cho Giao đấy?
Giao đáp không lưỡng lự:
- Mợ mua.
- Sao Giao biết?
Giao nhảy lên ngồi vào lòng mẹ, nói:
- U già bảo mợ đi vắng để mua áo đẹp cho Giao.
Lúc bấy giờ Nhung mới hốì hận đã đi suốt cả ngày không nghĩ gì đến con, và chột dạ nghĩ đến những lúc Giao ở nhà khóc đòi mẹ khiến mọi người chú ý đến sự đi vắng của mình. Nhung tưởng nghe thấy rõ những lời nhắc nhở của bà Án: "Mợ ấy đi đâu mãi không thấy về để con quấy thế kia. Mợ ấy độ rày làm sao ấy" và những câu thêm vào của Hòa "... Chị con độ này chắc buồn việc gì nên thấy đi vắng luôn". Đã ít lâu nay Nhung thấy cái oai quyền của mình ở trong nhà có phần giảm bớt. Trước kia, nàng ăn ở giữ gìn, đức hạnh của nàng sáng tỏ quá nên Hòa vẫn dành lòng không ghen tị với nàng. Bây giờ nàng thấy Hòa tuy chưa hẳn ra mặt, nhưng đã có cái ý ngầm muốn dìm nàng xuống để cho mình nổi lên, Nhung thở dài lẩm bẩm:
- Nhưng mà tranh nhau như thế để làm gì?
Giao dứt áo mẹ nũng nịu:
- Mợ cài cúc áo cho Giao.
Thấy con sung sướng được mặc chiếc áo đẹp, chiếc áo mà nàng đã mua để cho mọi người khỏi nghi ngờ mình đi với nhân tình, Nhung mỉm cười chua chát, bế con lên. Nàng nhớ lại câu Nghĩa nói với nàng khi nhắc đến việc đem Giao trốn đi.
- Con em cũng như con anh.
Nhung cũng còn ngần ngại vì nàng thấy con nàng không phải chỉ thuộc về mình nàng. Nàng cũng không biết rằng mình có quyền đem Giao đi không. Để hôm nào nàng thử hỏi Nghĩa lại cho cẩn thận về việc đó. Dẫu sao, có quyền hay không cũng thế thôi, vì nàng biết rằng vẫn có quyền bỏ đi lấy chồng, nhưng có những cái khác mạnh hơn ngăn cấm. Có quyền đi lấy chồng nhưng nếu lấy chồng thì hóa ra một người mất hết hạnh phẩm, một người đi theo trai. Nhung hôn con rồi áp má mình vào má con, hai mắt mơ mộng, lẩm bẩm bên tai Giao như muốn nói:
- Còn con tôi này nữa, lớn lên biết nghĩ chắc rồi nó cũng khinh mẹ nó.
Tối hôm ấy, khi mọi người đã đi ngủ, trong buồng bà Án và Nhung vẫn còn ngồi nói chuyện. Hỏi vẩn vơ ít câu rồi bà dịu dàng nhắc đến việc Nhung hay đi chơi vắng một mình.
Nhung trong người đã mỏi mệt vì cuộc đi chơi xa, liền vừa lấy tay che những cái ngáp, vừa đáp lại uể oải. Nàng làm như không quan lâm đến những câu hỏi của bà Án, cho đó là những lời thông thường của một bà mẹ chồng răn bảo con dâu:
- Thưa mẹ, không biết sao độ này con cứ làm sao buồn bã trong người nên chỉ muốn đi chơi cho khuây khỏa.
Nàng không để ý nên không nhận thấy rằng nỗi buồn vô cớ của nàng và những cuộc đi chơi để giải buồn lại trúng ngay vào giữa lúc Nghĩa thôi dạy học ở nhà được ít lâu.
Bà An lạnh lùng nói như nói đến một việc quan trọng khiến Nhung phải nghiêm nét mặt lại.
- Tôi thương mợ, cũng muốn cho mợ đi chơi chỗ này chỗ khác. Tôi có cấm đâu, cần gì mợ phải giấu diếm một mình thế.
Bà dằn lừng tiếng:
- ... E không tiện, mợ ạ.
Nhung nói:
- Con xin lỗi mẹ.
Bà Án ngắt lời:
- Mợ không có lỗi gì mà phải xin tôi... Nghĩa... nghĩa là...
Nhung đã giật mình tưởng bà Án nhắc đến tên Nghĩa. Bà ngập ngừng rồi nói tiếp:
- Nghĩa là... mợ không để ý đến. Mợ phải biết mợ khác mà các chị em bạn của mợ khác. Mợ phải nghĩ đến thân mình, một người đàn bà góa không thể đua đòi chị em, đi chơi nay chỗ này mai chỗ khác như họ được.
Nhung mừng biết chắc bà Án không mảy may nghi ngờ nàng đi với Nghĩa. Bà chỉ muốn khuyên nàng để phòng xa giữ tiếng. Từ nay nàng không còn có cách gì đến thăm Nghĩa nữa hay chỉ còn một giản dị nhất là: trốn đi hẳn. Nàng vô tình đặt tay lên bụng, thầm mong:
- Giá mà mình có thai!
Nàng nghĩ nếu bà Án đã biết hết cả chuyện thì thật là một cách rất hay giúp nàng liều được. Thầm mong có chửa, thầm mong bà Án chưa nghi ngờ, lại mong bà ngăn cản để mình khỏi sa mãi vào vùng lội lỗi, có thể lại quay về với cái đời đức hạnh, bao nhiêu trái ngược nhau loạn xạ trong óc. Nhung thấy mình lúc đó như cái chong chóng quay đủ chiều không nhất định chiều nào. Nàng nghĩ thầm:
- Không bao giờ mình có thể thành một người cương quyết. Mình do dự mà khổ vì do dự.
Nhung nói với mẹ chồng:
- Thưa mẹ, con thật là vô tâm để mẹ phải nhắc. Từ nay con xin có ý tứ hơn.
Bà Án lộ vỏ vui mừng:
- Mợ nghĩ thế là phải. Họ khác, họ tự do được. Còn mợ, không phải mợ chỉ giữ gìn cho nhà chồng, cho nhà mợ lại còn làng nước người ta trông vào nữa.
Khi bà Án ra khỏi, Nhung nằm vắt tay lên trán nhìn đỉnh màn.
Nàng nhớ lại câu nàng nói với Minh hôm ở nhà có chuyện lôi thôi về Phương.
- Ai chẳng biết sung sướng lấy thân, nhưng nhiều khi cũng phải nghĩ đến danh giá của nhà mình.
Câu của nàng hôm đó giống hệt câu của bà Án vừa nói nàng lúc nãy.
Nhung lại nghĩ đến những lời Minh bênh vực Phương, bảo nàng không hiểu được cái khổ của Phương và nói cho nàng biết không gì khổ hơn là cứ luôn luôn phải sống trong sự giả dối.
Nhung thấy mình cứ quanh quẩn với hai ý tưởng trái ngược nhau ấy không sao thoát ra được, lấy bàn tay đập lên trán, nhăn mặt khó chịu.
- Cứ ngủ đi là xong chuyện.
Nhung nhắm mắt, úp mặt xuống gối và nàng thấy hiện ra cái cảnh sáng láng của đầm Thượng Nông với bên kia bờ, trên một trái đồi, những nóc nhà tranh ẩn núp sau lũy tre. Nhung như còn nghe vẳng bên tai câu nói của Nghĩa:
"Chốn quê hẻo lánh ấy sẽ là cái tổ êm ấm để hai con chim lạc đàn, khổ sở đã nhiều, có chỗ dung thân."
V.
Hòa nhìn vào đĩa trứng tráng, Nhung vừa thái xong, nói với bà Án:
- Chị con thái quả trám thành ra vuông mà thái vuông thành ra quả trám.
Nhung mỉm cười đưa con dao cầm ở tay cho Hòa:
- Thím thái hộ, tôi càng chữa càng hỏng.
Trút được việc đó cho Hòa, Nhung nhẹ hẳn người vì nàng thấy không đủ can đảm ngồi tỉ mỉ cắt những miếng trứng cho vuông vắn trong khi óc nàng rối loạn.
Bà Án lắc đầu nói:
- Từ sáng đến giờ, mợ ấy như người mất hồn mất vía.
Rồi bà giơ ngón tay trỏ về phía Nhung nói giọng thân mật:
- Cô đánh vỡ của tôi mất hai cái bát con phượng. Tôi chưa kể tội cho đấy.
Nhung ra bể múc nước rửa tay. Có tiếng cánh cửa kẹt ngoài ngõ, nàng cúi đầu nhìn qua lá cây, trong lòng phấp phỏng. Song người khác đi vào không phải là Nghĩa mà nàng đương mong mỏi. Đã hơn hai tháng, nàng ở luôn nhà không đến thăm Nghĩa để cho tan hết những mối nghi ngờ. Nàng cũng muốn tạm quên Nghĩa đi và mừng rằng thấy lòng mình dần dần dịu.
Nhưng sắp tới ngày giỗ chồng, biết thế nào Nghĩa cũng lợi dụng dịp tốt để đến gặp mặt nàng, Nhung hồi hộp mong đợi. Lần đầu nàng mong đợi ngày giỗ chồng.
Từ bốn giờ sáng dậy làm cỗ bàn và dọn dẹp bàn thờ, Nhung chỉ cử động như một cái máy. Trong lòng nàng vui sướng bâng khuâng, nàng thấy thời giờ đi một cách rất chậm chạp và luôn luôn nhìn lên chiếc đồng hồ treo trên tường. Miệng nàng nói giục mọi người:
- Nhanh tay nhanh chân lên mới kịp được, đã mười giờ rồi đấy.
Bụng nàng lúc đó nghĩ: 
- Hôm nay chủ nhật, thế nào Nghĩa cũng đến sớm. Còn một giờ nữa thôi.
Nàng tưởng giá lúc nào cũng nóng ruột như thế thì không sao chịu nổi. Nếu Nghĩa không đến, tất thế nào ngay chiều nay hay chậm lắm là hôm sau, nàng cũng phải tìm lại nhà Nghĩa.
- Chắc anh ấy giận mình lắm, mà giận nhất vì không có cách gì gặp mặt mình hay viết thư cho mình... Nếu có thể gặp được thì chỉ có hôm nay.
Nghĩ đến đây, nàng lại biết chắc chắn rằng thế nào Nghĩa cũng đến.
- Nếu quả thật Nghĩa yêu ta, còn nhớ đến ta. Cũng là một dịp tốt để nàng thử lại tình yêu của Nghĩa.
Nhung lau khô tay rồi bước lên nhà trên. Khói trầm nghi ngút và trên bàn thờ mấy mâm cỗ đã tốn bao nhiêu công phu sửa soạn càng làm cho Nhung thấy rõ cái vô lý của bữa giỗ. Lòng mong mỏi gặp Nghĩa mạnh đến nỗi nàng không biết áy náy rằng đã có ý dùng ngày giỗ chồng làm ngày hội kiến tình nhân.
Nhung rót rượu vào cốc. Bỗng nàng ngừng tay nghe ngóng rồi quay mặt nhìn ra phía cửa chính. Nghĩa và Kiểm, một người bạn của chồng nàng, cùng bước vào. Kiểm cúi mình chào Nhung:
- Chào bác.
Nghĩa cũng chào theo và ngượng nghịu gọi Nhung bằng bác. Nhung mỉm cười nói:
- Mời hai bác ngồi chơi.
Trong lúc đó Nhung thấy Nghĩa nhìn mình có vẻ tức giận oán trách. Nhung sợ hãi nhưng trong lòng rất sung sướng. Hai con mắt nàng mơ màng nhìn lại Nghĩa như muốn nhận lấy những lời mắng thầm của người yêu, như muốn báo Nghĩa:
- Anh mắng em nữa đi, em đáng tội với anh lắm, nhưng em đáng thương.
Nhung vờ cặm cụi xếp lại những đồ ăn trong mâm vì thấy bà An đi ở dưới bếp lên. Kiểm lúc đó vừa ra ngoài sân đứng xem vườn, trong buồng khách chỉ còn lại một mình Nghĩa. Bà Án nói:
- Quý hóa quá, ông còn nhớ ngày giỗ em mà đến.
Bà quay lại bảo Nhung:
- Mợ không gọi nó pha nước để ông giáo xơi.
Rồi bà vồn vã và hỏi chuyên Nghĩa:
- Sao ông giáo không lại chơi luôn với em?
Nhung thấy câu nói của bà Án nhiễm đầy vẻ mỉa mai. Nàng hơi khó chịu về những câu hỏi ân cần của bà Án, nàng vờ bận xếp dọn bàn thờ làm như không nghe thấy lời mẹ chồng dặn pha nước.
Khi bà Án đi khuất, Nhung cầm mấy lá trầu không đem ra rửa ngoài chum nước. Nàng đi sát gần chỗ Nghĩa ngồi và trù trừ đứng lại nói:
- Ông giáo xơi thuốc lá.
Nhung hạ giọng nói tiếp theo luôn:
- Xin lỗi anh, không thể nào đến thăm anh được.
- Thế bao giờ?
- Để em viết thư sau.
Hai người yên lặng nhìn nhau đắm đuối hình như bấy lâu vắng mặt nên thèm khát không muốn bỏ phí một giây phút nào. Nhung nói liều:
- Em đã nhất quyết đi rồi.
Thật ra nàng mới nhất quyết từ lúc nói câu ấy.
VI.
Nhung uể oải lấy ít giấy má bỏ vào túi rồi nhìn quanh phòng một lượt. Biết rằng lần này đi không bao giờ trở về nữa mà cũng không mảy may cảm động phải rời bỏ chốn ăn nằm bây lâu, nàng hơi lấy làm lạ thấy lòng mình thản nhiên đến như vậy. Lúc đi chỉ có hai bàn tay không, nàng biết bấy lâu ở nhà chồng chỉ sống như một người ở gửi, mà đồ đạc bao nhiêu thứ, bây lâu nàng dùng không phải là đồ đạc của nàng.
Nhung mới nhất định về nói với mẹ để bỏ đi được nửa giờ đồng hồ. Việc đi, nàng biết là phải từ lâu, nếu nàng lấy chồng thì bao nhiêu những tội lỗi của nàng từ trước tới nay đều không còn là tội lỗi nữa. Nàng sẽ thoát được hẳn cái đời tốt đẹp giả dối để sống một đời bình thường, nhưng ngay thẳng.
Biết vậy nhưng lần lữa mãi, Nhung cũng chưa nói với bà Nghè. Nàng thương mẹ quá nên không biết đến bao giờ nàng mới đủ can đảm. Nàng cứ phải luôn luôn nhắc tới lời Nghĩa khuyên nàng:
- Em thương mẹ, nhưng em phải nhớ rằng chúng mình thương yêu nhau lẩn lút thế nào rồi cũng có người biết. Muốn giữ mãi tiếng tốt cho mẹ mà lại thành bị tiếng xấu không bao giờ rửa sạch. Như thế đâu phải là thương mẹ.
Mỗi lần nghĩ tới câu của Nghĩa thì một ý tưởng khác vụt ngay ra óc nàng:
- Nhưng sao không nghĩ đến cách: dừng yêu nhau nữa?
Rồi nàng lại tự hỏi:
- Nhưng một người đàn bà góa sao lại không được phép đi lấy chồng như một người con gái? Sao cứ phải ở vậy mới được tiếng thơm cho cha mẹ, cho gia đình?
Nghĩ vậy rồi Nhung lại như bao nhiêu lần trước không biết ngả về mặt nào. Càng nghĩ ngợi, càng đo đắn, Nhung lại càng không quyết định được. Đã bốn, năm lần như thế rồi.
Chiều hôm nay, tự nhiên Nhung thấy phải nói với mẹ, phải đi. Không như những lần trước băn khoăn mãi vẫn không có kết quả gì, lần này ý tưởng ấy nó đến một cách êm thắm bình thường, hình như một trái cây mưa gió mãi không rụng, đến lúc chín cứ tự nhiên rơi xuống đất, rơi trong lúc yên lặng nhất. Nàng với áo mặc thản nhiên như sắp đi chơi quanh trong làng. Nàng gọi Giao rồi dắt con ra vườn đi lững thững ngắm cây cối.
Trên hiên, Hòa đương ngồi khâu, Lịch đứng hên cạnh giơ tay làm hiệu gì gọi Giao. Lúc đó Nhung thấy Hòa và Lịch đối với nàng chỉ như hai người xa lạ, nàng bỏ đi không chút nhớ tiếc. Bà Án vừa đi chơi về, chạy bế Giao. Nhung lo lắng sợ bà Án bế con mình vào trong nhà, vì nàng đã quyết cùng đem con đi với mình.
Nàng cố lấy giọng tự nhiên:
- Giao xin phép bà đi chơi một lát rồi về kẻo tối.
Lúc nói nàng cúi mặt, rứt lá cây, chỉ sợ bà Án đọc rõ được trên mặt mình cái ý tưởng đi trốn. Bà Án đặt Giao xuống, Nhung xoa đầu con:
- Xin phép mẹ.
Câu ấy có lẽ là câu cuối cùng nói với mẹ chồng. Nàng thấy quả tim đập mạnh và hai tay run run.
Về đến nhà, khi bà Nghè mời ăn cơm, Nhung nhận ngay. Nàng bảo vú già sang nói với bà Án để khỏi đợi cơm. Tuy đã nhiều lần như vậy mà Nhung cũng nghĩ ngợi, ngập ngừng mãi mới dám bảo vú già. Ăn cơm xong, Nhung có ý lánh mặt bà Nghè. Trước khi thú tội, nàng không muốn nói chuyện với mẹ, sự xảy ra sự gì cản trở hay làm nàng mất can đảm.
Nằm với Giao trên phản cạnh giường bà Nghè, Nhung trằn trọc mãi không sao ngủ được. Mỗi lần bà Nghè thức giấc, Nhung toan sang bên giường mẹ, lại thôi, nàng vẫn nằm yên chờ đợi dịp tốt hơn. Đã quá nửa đêm, Nhung biết rằng nếu đêm nay không nói được với mẹ thì là hết, mai chắc nàng không còn đủ can đảm nữa.
Thấy tiếng két bên phản Nhung nằm, bà Nghè hỏi:
- Con thức đấy à? Dậy rót cho mẹ hớp nước.
Nhung xuống giường, ra bàn rót nước và rót một cách rất thong thả để lấy thì giờ nghĩ trước cách bắt đầu câu chuyện.
- Mẹ xơi nước.
Nhung vén màn đưa chén nước cho bà Nghè rồi ngồi xuống cạnh giường đợi. Bà Nghè đưa cho nàng cái cối trâu nói:
- Con giã hộ. Tao mỏi tay quá... độ này trong người yếu, giã chưa giập miếng trầu đã mỏi rời cả cánh tay.
Nhung lấy que giã ấn mạnh xuống cối. Đôi mắt nhìn mẹ, nàng luống cuống không biết có nên nói không. Nàng giơ tay vặn nhỏ đèn cho khỏi nhìn thấy nét mặt bà Nghè.
- Con đã ngủ được tí nào chưa?
- Thưa mẹ chưa?
Nhung kéo hai chân lên giường, cài màn lại cẩn thận. Nàng ngồi gần lại bà Nghè sẽ hỏi:
- Thưa mẹ ở ngoài nhà có ai nằm không?
- Không, u già nằm ở dưới bếp. Có chuyện gì thế?
- Câu chuyện con nói với mẹ đây, con không muốn ai nghe thấy.
Nàng nói luôn để cho bà Nghè biết ngay là câu chuyện gì và nhất là để nàng không có thể lùi được nữa.
- Mẹ còn nhớ ông Nghĩa. Hôm nay con về đây xin phép mẹ ở hẳn ở nhà. Xin mẹ thương con để tâm nghe, con đã khổ sở hơn một năm nay, giờ mới dám thưa với mẹ...
Nàng nghẹn ngào không nói được nữa, cúi đầu xuống. Trong phòng yên lặng chỉ còn tiếng que chạm vào cối trầu. Một lúc lâu có tiếng bà Nghè thong thả nói:
- Thế ra hôm nay cô về xin phép tôi đi lấy chồng?
Nhung thấy bà Nghè nói câu đó bằng một giọng nửa mỉa mai nửa đau đớn như khi nói chuyện về Phương hồi năm ngoái. Nàng đã biết rằng bà Nghè không thể nào hiểu được thấu hết cái khổ của nàng cũng như trước kia không hiểu được Phương.
- Thưa mẹ, bổn phận con, con phải nói. Giấu mẹ mới có lỗi. Con khổ lắm. Con biết là không thể nào ở vậy suốt đời được. Nói với mẹ để tùy mẹ định liệu cho con hơn là làm liều để tiếng xấu lây đến cha mẹ.
- Thế cô tưởng đi lấy ông giáo Nghĩa, một người đã ở dạy học ở nhà chồng mình hơn một năm trời, không là tiếng xấu sao? Không hiểu sao con độ này lại đổi tính đổi nết chóng như thế?
Yên lặng một lúc rồi bà đau đớn bảo Nhung:
- Thế ra bấy lâu tôi vẫn tưởng cô đứng đắn, có ngờ đâu cô cũng như con Phương, cá mè một lứa cả. Thực là con giết mẹ.
Thấy bà Nghè khóc nức nở. Nàng lo lắng. Nàng cầm lấy tay mẹ vội nói:
- Xin mẹ nghe con. Mẹ đừng khóc lỡ ai biết thì sao.
Bà Nghè ý chừng cũng sợ vậy nên ngừng ngay lại. Nhung vì thấy mẹ khóc, trong lòng tự nhiên thổn thức, hai hàng nước mắt chảy ròng ròng trên má. Nàng rút khăn lau thầm không muốn cho mẹ biết. Nàng nhất định không để lòng mình cảm động, nàng nói luôn :
- Thưa mẹ, con vẫn định tái giá đã lâu. Vì con chưa tìm được ai vừa ý, nên chưa nói với mẹ. Cha mẹ bằng lòng, có cưới xin cẩn thận, con tưởng lấy chồng một cách chính dính như vậy, có gì là làm xấu đến gia phong. Mẹ chỉ thương con, mẹ bằng lòng cho một tiếng...
- Cô muốn lấy ai thì lấy. Cô cần gì phải tôi bằng lòng hay không bằng lòng. Nhưng nếu cô biết thương thì cô đã chẳng nghĩ như thế. Cô đã nghĩ đến mẹ cô, đến nhà cô... Cô muốn cho tôi còn sống khỏi ngượng mặt với trong họ, ngoài làng. Nếu cô đã muốn lấy chồng thì cái đó tùy... Cho phép lấy ông giáo thì tôi không bao giờ cho phép. Cô đã hỏi thì tôi cho cô biết vậy.
Nói xong, bà lại nức nở khóc. Nhung ngồi bó gối nhìn ngọn đèn leo lét. Nàng biết rằng mẹ không thuận thì thế nào nàng cũng liều, và sáng mai nàng cũng bế con đi, không cần gì nữa.
Nàng buột miệng nói:
- Con có quyền đi lấy chồng.
- Tôi vẫn biết.
- Thưa mẹ, trong bao lâu con đã cố giữ tiếng. Con thưa với mẹ biết cũng là để khỏi làm cho mẹ phiền lòng về sau. Chứ con, con đã nhất định rồi. Thầy mẹ không cho lấy, thì con sẽ trốn đi. Chúng con sẽ cưới xin cẩn thận rồi đi cho khuất mắt thầy mẹ. Tiếng xấu ấy thầy mẹ phải chịu lấy.
Bà Nghè ngắt lời:
- Ra cô định làm thế?
- Con có muốn thế đâu. Nhưng...
Nàng toan cho mẹ biết rằng nàng nàng đã phải lòng Nghĩa từ hồi Nghĩa còn dạy học ở nhà bà Án và kể cho mẹ nghe những nỗi băn khoăn của nàng, trong hơn một năm nay. Nàng vụt nghĩ ra một cách để bắt buộc mẹ phải bằng lòng, là nói dối rằng đã có thai với Nghĩa, muốn tránh một tiếng xấu to, tất mẹ nàng phải đành chịu nhận lấy tiếng xấu nhỏ. Nghĩ vậy nhưng thương mẹ quá, Nhung không nỡ. Mẹ nàng không còn sống được bao lâu nữa, mẹ nàng đã đau khổ nhiều về Phương nay lại đến lượt nàng, có hai cô con gái đều hỏng cả. Nhất là nàng, mà mẹ tin cẩn xưa nay vẫn giúp cho mẹ nàng giữ bến được tiếng thơm là một nhà gia giáo nhất vùng. Nhung bắt đầu hối hận rằng đã nói với mẹ. Mỗi một tiếng nức nở của bà Nghè lại làm Nhung trông thấy rõ nỗi đau khổ của bà: có hai người con ngoan đều đã lăng loàn vượt ra ngoài gia pháp.
- Con khổ lắm. Con cũng nghĩ thương mẹ cho nên mãi bây giờ con mới nói với mẹ. Nhưng biết làm thế nào... Tiếng tốt của con... nhưng nếu mẹ biết rõ thì mẹ sẽ hiểu. Thà rằng để cho mọi người biết cái xấu của mình, còn hơn là xấu thật mà đánh lừa người ta. Con không muốn thế nữa. Không gì khổ bằng sống mãi trong sự giả dối...
Nghĩ lại thấy mình đã tự nhiên có ý muốn kể lể với mẹ cái tình uẩn khúc của mình để làm mẹ đau lòng vô ích. Nhung ngừng bặt. Lúc đó nàng lưỡng lự không biết rồi sẽ xử trí ra sao. Óc nàng rối loạn. Nàng ngập ngừng nói như là để mình tự hỏi mình:
- Nhưng biết làm thế nào bây giờ...
Nàng đau đớn thầm nhắc lại cái ý tưởng hy sinh vì mẹ.
- Hay là ta hãy đợi cho đến khi mẹ ta qua đời...
Khổ đến nỗi phải mong mẹ chết!
Thấy Giao khóc, nàng bế con sang, rồi ẵm con trong lòng, ru ngủ. Tiếng hát ru khe khẽ lẫn với tiếng con mối kêu trên mái nhà gợi Nhung nhớ đến hồi thơ ấu. Nàng tưởng như còn nghe thấy văng vẳng bên tai tiếng mẹ nàng hát ru nàng ngủ. Nàng còn nhớ lại cả câu thơ đầu trong truyện Phật Bà Quan Âm mẹ nàng vẫn thường hát theo câu đó để ru con:
- Chân như đạo Phật rất mầu.
Tâm trung chữ hiếu niệm đầu chữ nhân.
Bà Nghè giọng đầy nước mắt, bảo Nhung:
- Con đặt nó xuống đây.
Nhung nói:
- Để lát nữa, cháu chưa ngủ say.
Nhờ có đứa bé, hai mẹ con nhãng được câu chuyện buồn trong một lúc.
- Nhung ơi.
Thấy mẹ gọi mình bằng tên tục, Nhung rùng mình vì tự nhiên nàng nhớ đến những khi có người ngất đi réo tên tục để gọi cho tỉnh.
- Con phải nghĩ lại thương mẹ và thương thằng Giao nó còn bé nhỏ. Con nỡ nào đầy đọa nó như thế, nó đã tội tình gì cho cam. Bao nhiêu người khổ vì con... lại còn thầy nữa. Thầy đã già yếu lắm. Thầy mà biết tin này thì thầy chết mất Nhung ạ.
Nhung ngồi yên lặng nghe mẹ nói. Ánh nhạc nhẽo của mặt trăng hạ tuần in mờ mờ hàng chấn song xuống góc nhà. Nhung nhớ lại những đêm ngồi ở cửa sổ đợi trăng lặn để ra vườn với Nghĩa. Nàng không thấy việc trốn đi là cần kíp nữa. Nàng tự nhủ:
- Bấy lâu lẩn lút được thì sao không đợi được ít lâu nữa.
Nàng không nghĩ đến bỏ hẳn Nghĩa, mà chỉ nghĩ tìm cách nào cho ổn thỏa nhất. Tiếng bà Nghè vẫn đều đều lọt và tai nàng:
- Con không biết, chứ tiếng con to lắm. Không phải mẹ không biết thương con, nhưng người ta ở đời không gì quý hơn là tiếng thơm. Mẹ không nỡ nào để con trong một lúc dại dột mà làm mất cả công trình của con, của thầy mẹ dạy dỗ con.
Ánh trăng chiếu lọt vào giường, làm lấp lánh mấy sợi tóc trên vành khăn bà Nghè. Nhung lại nhìn rõ nét mặt mẹ và động lòng thương. Nàng nói để an ủi mẹ:
- Vì con vẫn biết thế nên con phải nói ngầm với mẹ, có dám để ai biết đâu. Mẹ con bên nhà cũng không nghi ngờ một tí gì cả. Xin mẹ chớ vội lo. Câu chuyện này chỉ có con với mẹ biết mà thôi.
Bà Nghè xổ tóc quấn lại khăn. Nhung nhìn thấy rõ vẻ vui mừng lộ trên nét mặt mẹ. Thấy Giao vừa thức dậy mở mắt nhìn ngơ ngác, Nhung vội lau nước mắt và bế con quay mặt ra phía ngoài cho nó khỏi biết là bà Nghè khóc, nàng nói với mẹ:
- Xin mẹ đừng lo phiền... Con sẽ xin tuân theo lời mẹ dặn. Mẹ đừng lo, con đã nói, thế nào con cũng xin giữ lời hứa.
Nàng bế con đứng dậy.
- Thôi, sang phản để yên bà ngủ, chú Giao nhé!
Nàng nghĩ thầm:
- Thế là đâu vẫn hoàn đấy.
Nhưng nàng thấy trong lòng nhẹ nhõm. Có lẽ từ nay nàng không áy náy nữa.
Sáng hôm sau, Nhung dậy muộn. Ông Nghè bà Nghè đương ngồi uống nước ở trên sập. Quanh một mâm cháo nóng hơi nghi ngút, mấy đứa cháu nàng quây quần ngồi ăn. Bà Nghè âu yếm bảo Nhung:
- Con ăn bát cháo nóng cho tỉnh.
Nhung lấy thau ra bể nước. Con chó bông già nằm trên bực gạch, quay lại nhìn Nhung bằng hai con mắt, đầy rử. Biết là người quen, nó lại đặt đầu xuống hai chân rồi từ từ nhắm mắt lại. Nhung múc nước rửa mặt, nước mưa mát làm nàng tỉnh hẳn và có cảm tưởng rằng câu chuyện nói với mẹ đêm qua chỉ là một câu chuyện trong giấc mộng. Cảnh đời yên ổn ngày thường lại hiện ra trước mắt nàng. Nàng nghĩ giá có nhất định đi thì lúc này cũng hết cả nhất định, tự nhiên, không cái gì bắt buộc, nàng nỡ nào làm tan một cảnh gia đình êm ấm như thế kia, làm náo động đến cái cảnh già của cha mẹ nàng đầu tóc đã bạc phơ, chỉ còn mong sống được ngày nào hay ngày ấy.
Ăn cháo xong, Nhung xin phép cha mẹ dắt con về. Tới nhà cũng như mọi lần bà Án hỏi Nhung:
- Ông bà bên nhà vẫn được mạnh?
Nhung đáp:
- Thầy con hơi mệt, nhưng sáng ngày đã đỡ nhiều.
Nàng về phòng. Cái gối của nàng và chiếc quạt vứt ở góc giường hôm qua vẫn còn nguyên chỗ cũ.
VII.
Nhung ra gương quấn lại khăn. Nghĩa lại gần kề má Nhung, âu yếm nhìn vào hai con mắt bạn trong gương, mỉm cười nói:
- Anh vừa mới mua cái gương mới vì cái cũ đục quá không xứng với hai con mắt trong của nàng tiên.
Nhung với chiếc khăn "san" quàng trên cổ, rùng mình:
- Thôi, em về kẻo muộn.
Nghĩa nhìn ra ngoài trời, nói:
- Em về lạnh lẽo một mình... Hay là đêm nay lạnh, em ở luôn đây đừng về nữa.
Nhung mỉm cười, nói đùa:
- Không về thì còn gì là tiếng thơm của em nữa. Thôi tạm biệt, để đến kỳ thu tiền tháng sau.
Nhung đã ra đến cửa, sắp mở cửa thì Nghĩa chạy theo, cầm tay kéo mạnh vào. Nhung gắt:
- Khéo không anh lại làm sổ khăn em lần nữa.
Nghĩa vẫn nắm chặt lấy bàn tay Nhung, đắm đuối nhìn bạn nói :
- Lần nữa... Sao em nói lắm câu ngớ ngẩn mà tình tứ thế! Lần nữa, lẳng lơ như vậy chẳng trách...
Nhung ngắt lời:
- Chẳng trách mê anh...
Nàng nghiêm nét mặt tiếp theo :
- Anh khinh em lắm, phải không anh Nghĩa?
- Sao em lại còn nghĩ vậy? Anh chỉ thương em thôi. Chúng mình đã bảo coi nhau như vợ chồng rồi cơ mà... Có khác gì đâu. Chúng mình là vợ chồng, vợ chồng chính thức. Không ai có lý gì buộc tội chúng mình, buộc tội em cả. Sao em lại còn hay nghĩ lẩn thẩn thế?
- Em vẫn biết vậy. Lẽ phải là thế nhưng mà em vẫn cứ làm sao ấy.
- Việc quái gì. Ai không thế.
Nhung đứng dựa lưng vào cánh cửa, một tay quặt ra sau vặn đi vặn lại cái quả nắm:
- Nghĩa là ai cũng giả dối như em cả... Mà khó chịu nhất là muốn có tiếng tốt, không có cách gì tốt hơn là giả dối. Chỉ có giả dối mới ổn thỏa được mọi đường... ổn cho chúng mình, chiều được thầy mẹ em, chiều được má chồng, chiều được hết cả mọi người.
Nhung mở hé cửa, một chùm hoa mộc rơi từ trên tóc xuống vai nàng. Nghĩa giơ tay cầm lấy đưa lên mũi:
- Hoa mộc thơm như một cô con gái quê mới dậy thì.
- Tiếng thơm của em đây. Em ngắt ở cây mộc ngay cạnh buồng anh ở ngày trước. Anh còn nhớ không?
- Em cho anh xin để khi em đi rồi còn phảng phất chút hương thừa.
Nhung khẽ ngâm tiếp theo:
- Hương thừa nhường vẫn ra vào đâu đây...
Nàng bước ra ngoài hiên, tay vẫn cầm quả nắm, nũng nịu giơ má để Nghĩa đặt cái hôn từ biệt:
- Đến tháng sau, vợ chồng mình lại họp mặt.
Khi về đến làng, trời đã chiều. Nhung không hề mảy may sợ hãi. Đã mấy tháng nay thấy Nhung hay đi chơi luôn, tìm hết cách cũng không sao ngăn cản nổi, nên bà Án giao cho Nhung việc đi thu tiền họ và tiền nhà trên tỉnh để tránh tiếng. Nhung tự hỏi:
- Có lẽ mẹ chồng mình đã biết là mình đi đâu chăng?
Nhưng nàng không cần.
- Dầu bà có biết nữa cũng vậy thôi. Bà phải giữ cho mình hơn là mình giữ lấy mình.
Về tới nhà Nhung đi thẳng vào buồng khách. Bà Án đương ngồi nói chuyện với bà Nghè và một bà khách lạ. Nhung thấy mẹ nhìn nàng có vẻ lo sợ, bất giác nàng giơ tay sửa lại vành khăn và vuốt mái tóc. Nhung chào bà khách và thấy bà khách nhìn mình có ý dò xét. Bà Án vội vàng hỏi nàng, giọng âu yếm:
- Có mấy nơi họ trả đủ, con... Khổ quá, mẹ đã bảo đừng đi, con cứ không nghe. Con có thuê xe giờ đi đây chứ?
Nhung đáp:
- Thưa mẹ không. Từ nhà nọ sang nhà kia cũng không xa gì mấy. Con đi bộ cho khỏe người... Vả lại thưa mẹ, đi thế nhưng nghỉ luôn. Vào mỗi nhà lại nghỉ một lát.
- Thôi con đi rửa mặt. Bảo vú già lấy nước mùi mà rửa. Mẹ vừa gội đầu xong, hãy còn đấy.
Nhung lại bàn thờ chồng thắp hương rồi đi ra; vừa đi khỏi, tiếng bà khách làm nàng ngừng lại sau cánh cửa, lắng tai nghe:
- Mợ ấy còn trẻ quá nhỉ. Tôi trông chỉ độ hai mươi tuổi.
Tiếng bà Án nói tiếp luôn:
- Mợ cháu góa năm hai mươi, năm nay đã hăm lăm.
Nhung thấy mẹ chồng tăng tuổi nàng lên hai năm, không biết vì quên hay hữu ý. Bà Án cho bà khách biết cái tuổi góa chồng của nàng chắc là để bà khách nhận thấy nàng ở góa đã lâu, và từ năm còn trẻ lắm. Nhung không thấy mẹ mình nói gì. Nàng nghĩ thầm:
- Cái tiếng tốt của mình cứ thêm một năm lại tăng thêm một ít.
Một lúc lâu, bà khách vừa cười vừa nói :
- Mớ ấy không nhận ra tôi. Hồi tôi đến thăm bà thì độ lên mười... Hình như còn một cô em nữa, không biết bây giờ đã lấy chồng chưa?
Bà Nghè đáp:
- Cháu vừa lấy chồng năm ngoái.
Rồi bà Nghè hỏi tiếp ngay sang câu chuyện khác. Nhung biết là mẹ nàng sợ bà khách hỏi lôi thôi về Phương. Bà khách nói:
- Chóng thật. Đã mười năm trời rồi đấy. Thấm thoắt mà các cô ấy đã có chồng có con...
Nhung đi rón rén về phòng.
Chiếc gối lẻ loi bên cạnh tấm chăn bông cuộn tròn đặt ở góc giường làm Nhung rùng mình nghĩ đến những đêm đông dài lạnh lẽo. Nghĩa vẫn thường nói:
- Ban đêm chúng mình chỉ gặp nhau ở trong mộng. Anh muốn một đêm nào, mộng đó sẽ thành sự thực.
Mùi nhang ở bàn thờ chồng nàng theo gió đưa sang. Ngửi mùi nhang thơm, Nhung nhớ lại đêm giao thừa năm ngoái cùng Nghĩa ra chùa bẻ lộc, vì nghĩ đến lời hẹn của Nghĩa mới đây:
- Tết năm nay, giao thừa anh sẽ về chùa làng em. Anh sẽ hẹn em ở vườn sau chùa, đúng chỗ năm ngoái, để vợ chồng mình mừng tuổi lẫn nhau năm mới.
Bỗng Nhung lắng tai. Xen lẫn với những tiếng nói chuyện khác, nàng vừa nghe thấy bà khách nhắc đến hai tiếng: "Danh thơm". Hai tiếng đó lần này nàng nghe thấy không biết đã bao nhiêu lần, vừa làm nàng rung động êm ái trong lòng, lại vừa như mai mỉa nàng, mai mỉa cả đời nàng.
Nhung gọi vú già lấy thau nước. Khi rửa mặt nhìn vào gương, nàng thấy trong lòng vui sướng.
"Mợ ấy trẻ quá nhí. Tôi trông chỉ độ hai mươi tuổi".
Câu nói của bà khách hãy còn như du dương vẳng bên tai. Nhung mỉm cười ngẫm nghĩ:
- Nghĩa đã không nói dối ta khi khen ta còn trẻ như con gái mười tám, đương tơ...
Mặc dầu trời rét, Nhung cởi cả áo trong để lộ ra hai cánh tay trắng, tròn trĩnh. Nàng té nước, nhắm mắt để nhận thấy rõ cái hơi ấm của làn nước trên cánh tay và tự nhiên nàng nghĩ đến những cái hôn nồng nàn của Nghĩa mới đặt trên da thịt nàng.
Một cơn gió lạnh lọt vào trong phòng. Bỗng Nhung đột nhiên thấy trong lòng buồn man mác, nhìn vẻ mặt tươi đẹp của mình, Nhung nghĩ đến rằng không bao lâu nữa ngắm lại dung nhan, nàng sẽ thấy mái tóc nàng điểm sương, mắt nàng mờ, và cũng như đôi gò má hồng, tình yêu của Nghĩa có một ngày kia sẽ phai nhạt. Tháng đi, năm đến, mùa xuân của đời nàng đi qua không bao giờ trở lại nữa!
Nhung thấy hiện ra rõ ràng trước mắt bốn chữ vàng.
TIẾT HẠNH KHẢ PHONG
Cùng với hai hàm răng long, mái tóc bạc, cái phần thưởng quý hóa ấy sẽ đến để kết liễu đời nàng, đời một người đàn bà góa trẻ, ở vậy thờ chồng, giữ được vẹn toàn tiếng thơm.
1935-1936
Nhất Linh
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Ngài Yến và kẻ du hành Nhân viên soát vé mời mi lên tàu với nụ cười đông cứng, một nụ cười được lập trình qua công việc lặp đi lặp lại h...