Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Thừa tự 2

Thừa tự 2
Phần thứ hai
I
- Cúc! Con đã cho nó sang chùa mời cụ Giáp chưa?
- Bẩm me đã ạ.
Bà Ba ngắm con, mỉm cười, lặng lẽ sung sướng, khiến Cúc bẽn lẽn quay mặt đi. Vì cũng như mẹ, nàng đương nghĩ tới buổi hội kiến với “cậu cử Phan”, và cái mỉm cười của bà Ba nàng cảm thấy có ngụ một ý nghĩa vợ chồng.
- Con đã bảo nó đun nước rồi chứ?
- Bẩm me, họ đến rồi đun nước cũng kịp. Đun trước để nguội đi mất.
- Thì cứ bảo nó đặt sẵn. Sư cụ đến ngay bây giờ đấy.
Quả thực, năm phút sau sư cụ tới, nhanh nhẹn trèo thang gác, tuy tuổi cụ đã ngoài sáu nhăm.
Nhà tu hành chắp tay lễ phép chào:
- Lạy cụ lớn ạ.
- A di đà Phật! Lạy cụ.
Bà Ba bước xuống dép, đặt lại cái ghế mây có tay dựa, phủi bụi cái đệm nhung đỏ:
- Xin rước cụ ngồi.
- Bẩm không dám, xin cụ lớn để mặc chúng tôi ạ.
- Bạch cụ, tôi mới về, hơi mệt, không đến chùa thăm cụ ngay được nên mời cụ sang chơi.
- Dạ.
Mục đích bà Ba cho tìm nhà sư là muốn để nhà sư ngồi chứng kiến việc gặp gỡ của bà ta với Trình và Khoa. Vì sáng nay vừa ở Hà Nội về, bà ta nhận ngay được mấy chữ của Khoa nói hai anh em muốn sang chơi có chút việc hơi quan trọng.
Bà đoán rằng việc đó chỉ là việc thừa tự. Nhưng bà không khỏi kinh ngạc. Những chuyện lôi thôi xảy ra trong gia đình hai anh em Trình, bà biết hết. Mỗi lần về làng, bà chẳng cần hỏi dò ai, tự nhiên họ kéo nhau đến mà tưng công, mà kháo với bà đủ mọi điều về bọn con chồng. Bà chỉ yên lặng ngồi nghe, thỉnh thoảng lại thở dài một tiếng như để phàn nàn cho sự bất hòa mà bà muốn không có. Kỳ thực, bà rất lấy làm sung sướng. Và bà luôn luôn nghĩ thầm: “Cho chúng mày chết! Chưa ăn thua đâu, chúng mày đã lục đục rồi. Được lắm! Chuyến này thì hết cả khí khái...”
Xưa nay bà ta thường tỏ ra ghét cái tính khí khái của vợ chồng Khoa. “Khí khái rởm!” bà bảo cho mọi người biết thế. Tuy trong thâm tâm bà vẫn thành thực muốn nuôi một người con chồng để cho hưởng thừa tự sau này, nhưng ghét, ghét cả bọn, thì bà vẫn ghét, bà thù hằn nữa. Việc thừa tự, bà cho là một việc có lợi cho bà, mà lại có hại, có hại đến danh dự bọn con chồng. Bà thừa hiểu rằng ở ngoài người ta chỉ trích bà nhiều lắm, người ta cho bà là một con yêu quái đến phá hoại gia đình ông án Nguyễn. Vậy thì việc lập thừa tự này đủ trả lời lại hết thảy những câu dèm pha vô căn cứ. Người ta sẽ bảo nhau: “Đấy! Bà ta tốt thế đấy! Mà quân tử không! Bọn con chồng đối đãi với bà ta có ra gì đâu, thế mà bà ta để ráo của cải cho. Nào xem còn ai dám ngờ vực nữa không!”
Được tiếng khen ấy, phỏng bà Ba có mất gì, có thiệt hại mấy tí. Chẳng qua, như Trình đã bàn với Bỉnh và Khoa, bà ta chỉ bỏ ra vài chục hay dăm chục mẫu ruộng là cùng. Kể thì đó cũng là một gia tài khá to, nhưng có thấm vào đâu với cái sản nghiệp hằng chục vạn của bà ta, như lời người ta đồn. Cái sản nghiệp ấy, lẽ dĩ nhiên, bà ta sẽ cho con gái bà ta. Nếu muốn che mắt thế gian thì cũng chẳng khó; cùng lắm, bà ta chỉ việc sang tên, hay hơn nữa, viết văn tự bán cho con rể, thế là không ai sẽ có thể dị nghị bà ta được, mà anh chàng ăn thừa tự cũng chẳng sơ múi vào đâu, ngoài số mấy chục mẫu ruộng hương hỏa.
“Đừng hòng những tòa nhà ở Hà Nội, Hải Phòng mà nhỡ!”
Y nghĩ ấy làm bà Ba mỉm cười và nhớ tới chàng rể mà bà đã kén. “Sắp sửa cử nhân luật nay mai rồi! Chỉ vứt đi một cái nhà ở Hải Phòng cũng đủ lo cho cậu cử ra tri huyện!”
Bà Ba tưởng tượng ngay ra một cảnh huyên náo ở công đường, dân sự tấp nập vào hầu, kẻ khúm núm, mang cái dĩa đựng lá đơn với một tờ giấy bạc, người khệ nệ bưng cái mâm trên đặt sáu chai sâm banh và một hộp bích quy tây. Trong khi ấy bà ngồi vắt vẻo trên sập gụ nơi tư thất, chơi vài hội tổ tôm với con gái và các cô lục, cô thừa kéo ghế ngồi hầu “cố” và bà lớn.
Nếu cậu cử còn trẻ chưa muốn xuất chính vội thì cưới xong bà sẽ cho cậu, mợ sang Pháp, để cậu học thi tiến sĩ, mợ học các cách ăn chơi lịch sự của người Âu. “Với lại nó đi theo để nó giữ chồng nó nhân thể. Hai, ba năm sau về, với cái bằng tiến sĩ, ít ra cậu Phan cũng phải Tri phủ!”
- Bẩm cụ lớn, ông cử sắp thi ra chưa ạ?
Câu hỏi hợp với ý nghĩ của bà Ba khiến bà giật mình: Bà vẫn tin rằng sư cụ có phép ngoại và bấm độn đoán biết tư tưởng của người ta.
- Bạch cụ vâng. Cậu cử định đỗ xong cái cử nhân là xin cưới ngay. Cụ tính có nên cho cậu cử sang Tây học thi tiến sĩ không nhỉ?
- Bẩm cụ lớn nên lắm! Đương tuổi trẻ, ông cử cũng chả cần xuất chính vội. Đi tây về rồi nhảy ngay một bước lên chức đường quan như cụ lớn thiếu thời xưa...
Nhà sư cười he hé, hai con mắt híp chặt lại.
Bà Ba cũng cười:
- Cậu cử dở hơi quá, cụ ạ. Cứ định ra làm trạng sư. Cụ tính làm trạng sư thì danh giá quái gì! An Nam mình họ chưa quen cái tên trạng sư, họ chỉ gọi là thầy kiện thôi. Mà cái tên thầy kiện tôi nghe nó làm sao ấy, như thầy cò thầy cốc vậy.
Bà lại thích trí cười tít:
- Phải không cụ, tội gì làm được quan lại chả làm quan?
- Dạ.
- Vả lại số tử vi của cậu cử là số ông bốn lọng kia.
- Bẩm cụ lớn, khi nào quan cử về chơi, chúng tôi xin lấy hầu quan cử một lá số tử vi. Chúng tôi lấy thì chẳng bao giờ sai một ly.
-Bạch cụ, thế thì hay lắm! Trong lá số tử vi của cháu Cúc, cháu cũng đứng ngôi mệnh phụ.
- Bẩm cụ lớn, chính thế. Cô thì còn phải nói! Rõ quý hóa quá, mới một tí tuổi đầu đã bà lớn rồi.
- Mà bạch cụ, lạ quá. Nó là con cầu tự, cậu cử cũng là con cầu tự. Thì ra... quả thực có tiền định, duyên tiền định cụ ạ.
- Bẩm cụ lớn chính thế. Chúng tôi đã thưa cụ lớn, khuôn mặt bà lớn cử giống như đúc khuôn mất đức Phật Quan Âm. Cả đôi mắt phượng, cả cái miếng cười tươi như hoa, cả cái mui dọc dừa. Thực là như truyền thần vậy.
- Vâng, quả có thế. Hôm nọ sang bên chùa, tôi nhìn kỹ tượng đức Quan Âm, tôi cũng nhận thấy giống lắm, giống như mẹ với con.
Bà Ba sung sướng cười the thé rồi cất tiếng gọi Cúc, chừng để ngắm nghía lại mặt con. Cúc nghe thấy mẹ và nhà sư nói chuyện mình đã lảng ra bao lan từ nãy. Nàng trở vào với vẻ mặt ngây thơ và bẽn lẽn.
Bà Ba nói với nhà sư:
- Đấy cụ coi, có phải như hệt không?
- Dạ, hệt lắm.
Cúc bỡ ngỡ hỏi:
- Dạ, me truyền gì, ạ?
- Con xuống giục nó đun nước mau lên.
Cúc vừa bước xuống thang gác, bà Ba đã thì thầm hỏi nhà sư:
- Cái bùa ấy cứ để cháu đeo mãi?
- Vâng, đeo mãi. Bùa ấy làm công trình lắm đấy ạ. Bà lớn cử mà đeo bùa ấy thì chẳng sợ sau này quan cử tình phụ; dù có mặt hay vắng mặt, quan lớn cử lúc nào cũng phải tâm tâm niệm niệm nghĩ đến bà lớn cử.
Bà Ba vội xua tay bảo nhà sư im; bà đã nhận được tiếng guốc cao gót của Cúc lộp cộp lên thang gác.
- Cái gì đây, con?
Bà hỏi, lúc trông thay trong tay Cúc một cái phong bì trắng.
- Thưa me, thư của anh Trình ạ.
- Thư gì thế?
Bà không khỏi kinh dị: Buổi sáng bà vừa nhận được thư của họ hứa ba giờ chiều sẽ sang chơi. Bây giờ gần ba giờ rồi, vậy bức thư này có lẽ là bức thư từ chối không đến chăng?
Bà Ba đoán không sai. Trong thư chỉ có mấy giòng vắn tắt:
“Chúng tôi có hứa sang thăm cô để nói câu chuyện riêng. Nhưng thiết tưởng chẳng cần sang, vì câu chuyện ấy có thế này: Chúng tôi cảm ơn cô và nói để cô biết rằng chúng tôi không thể chiều ý cô được. Xin lỗi cô”.
Mặt bà Ba dần dần đỏ bừng lên, rồi dần dần trắng tái đi. Nhà sư nghe Cúc đọc, thừa hiểu đó là việc gì rồi, nhưng cũng vờ hỏi để bà Ba khỏi ngượng:
- Bẩm cụ lớn cho tìm hai ông sang chơi.
Bà Ba giọng cố thản nhiên:
- À, bạch cụ, tôi cho tìm hai anh ấy chiều nay sang ăn cơm, nhưng ý chừng nhà lại mới có khách nên các anh ấy xin kiếu.
Rồi bà vui vẻ tiếp luôn:
- Các anh ấy khách khứa luôn luôn ấy mà!
San bưng nước ra. Bà Ba mời tận tay nhà sư một chén, rồi cầm một chén khác ghé gần vào miệng. Hơi nóng thơm bốc lên làm cho bà hơi dễ chịu, vì bà đương ngây ngất như người bị cảm hàn. Bà tìm chuyện để nói lảng:
- Bạch cụ, mới vào rét mà đẫ rét quá!
- Bẩm vâng, năm nay rồi không khéo đại hàn.
Một phút im lặng. Nhà sư nhìn ra bao lan cho Cúc đang đứng mơ mộng, gợi một câu để dò ý tứ bà Ba:
- Bẩm cụ lớn, hôm nọ quan huyện về chơi có sang thăm chùa.
Bà Ba sửng sốt hỏi:
- Anh huyện nó về à, bạch cụ?
- Bẩm vâng.
Bà Ba nghĩ thầm: “Thảo nào! Chắc lại đã xảy ra chuyện gì đây. Ừ quái lạ, ban nãy mình đã ngờ ngợ. Sao hai thằng đương thù ghét nhau mà lại cùng sang chơi. Bà tưởng chúng nó sang đôi co nhau, sang phân trần với mình, sang nhờ mình làm chứng hay khu xử hộ... Có ngờ đâu hai thằng cùng ký tên vào một bức thư lời lẽ cộc cằn... Thôi đích thị là có tay con mẹ huyện dúng vào... Mà có lẽ cả tay con Thu nữa, con Thu đáo để lắm cơ đấy!”
- Bạch cụ, chị giáo Bằng nó lâu nay cụ có thấy về chơi không?
- Bẩm cụ lớn không ạ.
Thu lấy chồng xa làm giáo học, nên ít khi về thăm nhà. Nàng là người hiền lành nhưng tính rất nóng, rất cực: đã nhiều lần nàng cãi nhau với bà Ba về việc gia đình, nhất khi còn sinh thời cụ án Nguyễn.
Thấy bà Ba băn khoăn nghĩ ngợi, nhà sư đứng dậy xin về.
- Ấy, mời cụ ngồi chơi xơi nước đã.
- Bẩm xin phép cụ lớn, chúng tôi về sửa soạn mai cúng Phật.
- Ồ! Mai rằm nhỉ! Thế mà suýt nữa tôi quên.
- Bẩm mai mời cụ lớn ra chùa lễ phật... Lạy cụ lớn ạ.
- Không dám, lạy cụ. Cúc!
Cúc ở ngoài bao lan thong thả đi vào.
- Lạy cụ đi, con.
- Lạy cụ.
- Tôi không dám, lạy bà lớn.
Cúc xấu hổ lại chạy ra bao lan.
- Cái con bé thế thì thôi. Sắp bà lớn nay mai rồi mà còn bẽn lẽn rụt rè như trẻ con.
Bà Ba tiễn nhà sư xuống thang gác.
- Bẩm cụ lớn, bao giờ cụ lớn cho cưới bà lớn cử ạ?
- Bạch cụ, họ xin cưới ngay sau kỳ thi này...
- Bẩm cụ lớn thế thì hay lắm. Đại đăng khoa rồi tiểu đăng khoa liền.
- Nhưng bạch cụ, tôi muốn để thư thả. Cháu còn bé dại lắm ạ. Chả biết rồi giao thiệp với các bà phủ, bà huyện ra sao, vì thế tôi lo lắm.
- Bẩm cụ lớn, con tông cháu giống thì bao giờ cũng chóng khôn hơn người thường, cụ lớn chả phải lo.
Bà Ba tiễn nhà sư ra tận cổng ngoài, rồi vội vàng, hấp tấp trở vào, gọi:
- San! Tỉu!
Tiếng dạ ran. Tíu chạy lại.
- Đi tìm ngay chị lý Thuận đến tao bảo cái này.
- Dạ.
Tĩu cắm đầu chạy thẳng ra cổng. Bà Ba lững thững lên gác: “Quái thực! Mình vẫn biết hai thằng ngờ vực nhau, gầm gừ nhau, chưa thằng nào dám nhận nhời... Mình cứ tưởng chúng nó làm ra giận nhau để dễ nhận nhời hơn. Vì đã đến nước ghét nhau thì còn cần gì nhường nhau nữa. Sao nay bỗng dưng lại có chuyện lạ thế này? Một cái thư hai thằng cùng ký tên! Phải hỏi cho ra mới được.
Bà mỉm cười nghĩ tiếp: “Được! Thoát sao nổi, các con ơi! Bao giờ con mèo ghét mỡ, con lợn ghét cám thì con người mới ghét tiền!”
II
Nửa giờ sau, bà lý Thuận đến. Cứ lời bà ta thì cách đây dăm hôm nhân dịp Bỉnh về làng, ba anh em và hai chị em dâu có cùng nhau họp mặt và ăn uống vui vẻ ở nhà Trình.
Thì ra họ đã hòa thuận nhau rồi, và Bỉnh về chỉ cốt để khuyến khích sự đoàn kết. Bà Ba tức tối nghĩ ngay đến điều đó, trong khi ngồi nghe người đàn bà thuật lại bữa tiệc long trọng, mà người ấy diễn tả như một cuộc hội họp ám muội, một âm mưu nguy hiểm.
- Bẩm cụ, con cứ tưởng ông huyện về thì thế nào cũng xảy ra chuyện lôi thôi tay ba. Không ngờ các ông ấy lại tử tế với nhau ngay được.
Bà Ba vẻ mặt cố làm ra hớn hở:
- Ồ, thế thì khá quá nhỉ! Trong gia đình có sự hòa thuận, còn gì vui bằng! Chị tính, tiền của mà làm gì, chỉ cốt cái lòng tử tế... Vậy ra hôm ấy chị cũng có đấy.
- Vâng.
- Chẳng hay đầu đuôi câu chuyện ra sao?
- Bẩm, lúc con đến thì các ông các bà ấy đương ăn cơm. Họ bàn bạc gì với nhau từ trước con chả rõ, nhưng lúc con đến thì họ nói lảng sang chuyện khác ngay. Con có ngồi dốn lại hỏi gợi một vài câu, nhưng cũng chẳng biết hơn điều gì. Con cho cái Tẹo dăm hào để hỏi dò thì nó bảo con rằng, ông huyện về, ông ấy mắng ầm lên, ông ấy khóc nữa, rồi ông ấy dàn xếp, khu xử thế nào chả rõ mà ngay buổi trưa vợ chồng ông Ba chịu xin lỗi vợ chồng ông Hai, thế rồi buổi chiều có bữa tiệc linh đình. Bẩm, tiệc to quá cơ ạ. Quay cả một con lợn...
Bà Ba mỉm cười:
- Lợn sữa chứ gì!
- Vâng lợn sữa. Cái Tẹo nó bảo cả hai mợ ấy cùng xuống bếp làm thức ăn. Bẩm không ngờ họ hòa thuận với nhau chóng thế.
Bà Ba buột miệng thốt ra một câu bình phẩm mỉa mai:
- Chà! Tử tế đấy rồi lại chửi nhau đấy. Rõ đồ trẻ con! Thế rồi sao?
- Bẩm cụ, con cũng chỉ biết có thế. Ấy là nhờ có dăm hào cho cái Tẹo đấy.
Bà Lý cười, nói tiếp:
- Bẩm cụ việc gì có tiền cũng xong. Để rồi con hỏi lại cái Tẹo một lần nữa.
Hiểu ngay rằng bà lý muốn xin tiền, bà Ba tìm cách nói chặn ngay:
- Việc gì phải cho nó? Rõ chị lẩn thẩn quá. Nó lấy tiền mà nó lại còn cười vào mặt.
Câu ấy bà Ba chưa cho là đủ hiệu lực để khiến bà lý không dám mở miệng đòi tiền phí tổn, nên bà thêm:
- À, chị lý, chỗ trăm thùng thóc quá hạn đã lâu rồi, giả cho tôi lấy thóc ăn chứ.
- Lạy cụ, cụ hãy khoan cho con một hạn nữa, để con lấy cái vốn làm hàng sáo kiếm gạo nuôi các cháu.
Cái số một trăm thùng thóc, bà lý nợ bà Ba có tới sáu, bảy năm nay, bà Ba vẫn để lửng đấy, tuy bộ coi như đã cho hẳn rồi. Đó là một ngón khôn khéo của bà, vì bà bỏ ra một lúc bốn năm chục bạc như thế, là cốt để rồi thu lợi vào không biết gấp mấy. Cứ một cái lợi bà lý Thuận đi đòi nợ chỗ này chỗ khác giúp bà cũng đã đáng cả gốc lẫn lãi món tiền thóc kia rồi. Ấy là chưa kể những khi bà sai bà lý đi đây đi đó, mà không cho lấy một xu nhỏ tiền lộ phí. Còn việc do thám thì bà Ba không bao giờ cần ngỏ lời nhờ, bà lý, cũng như nhiều ngưởi đàn bà khác trong làng, trong tổng, tự nhiên nỗ lực tìm kiếm chuyện về trình để tâng công.
Bà Ba ngồi suy nghĩ một lát như tính nhẩm những điều gì ở trong đầu. Rồi bà cười bảo bà lý:
- Động nhắc đến nợ là chị lôi lũ con chị ra thì còn ai nỡ đòi nữa!
Bỗng bà Ba làm như chợt nhớ tới bức thư của Trình và Khoa, tuy từ nãy đến giờ mấy giòng chữ ấy vẫn chiếm lấy tư tưởng bà:
- Này chị lý ạ, hai anh ấy vừa viết giấy cho tôi để nói về việc thừa tự...
Cúc đứng gần đấy chau mày ngắt lời mẹ:
- Thôi me, nhắc lại làm gì nữa.
Bà Ba mắng con:
- Cô này hay nhỉ! Dễ cô cấm tôi nói chuyện đấy chắc?
Cúc phụng phịu không bằng lòng, đi xuống nhà dưới. Bà lý ngập ngừng hỏi:
- Bẩm cụ, có phải ông Hai nhường ông Ba như lời con đoán không?
Bà Ba lặng thinh nhìn qua cửa kính, mắt đăm đẵm mơ mộng. Bà lý tưởng mình đoán đúng, nói luôn:
- Vâng, thế là phải, vì thế nào ông Hai cũng còn phải thờ cụ Hai. Cụ nuôi ông Ba làm con thế là đúng phép, là hợp nhẽ hơn.
Bà Ba nhíu đôi lông mày tỏ vẻ khó chịu: Xưa nay bà vẫn không ưng ai nhắc tới cái tên “cụ Hai” vì bà cho người ta cố ý gọi như thế để ám chỉ bà là “cụ Ba”.
- Bẩm bao giờ ông Ba sang đây ở hầu cụ?
- Ô hay, ai bảo chị thế?
Bà lý im lặng tìm hiểu, mắt ngơ ngác, liếc qnanh phòng. Va bà run sợ khi nghe bà Ba dằn từng tiếng:
- Vậy ra chị chẳng biết gì hết... Thế mà dám nói thánh nói tướng!
Bà Ba mắng mấy câu cho hả cơn giận, chứ thực ra bà cũng nhận thấy rằng mình vô lý, vì người đàn bà kia làm thế nào mà biết được những điều viết trong thư? “Người biết việc này hơn ai hết, phải là con Tẹo hay con Xiêm”, bà Ba vẫn suy nghĩ.
Ngay sáng hôm sau, bà mật cho tìm Tẹo, kẻ nội công của bà trong gia đình Khoa: Muốn phòng ngừa những sự bất trắc, bà đã không ngại công, tiếc của để chăng một lớp lưới dầy chung quanh nhà bọn con chồng.
Cứ lời đứa ở gái thuật lại, thì trước khi Bỉnh về nhà, Trâm đã viết cho hai em chồng một bức thư dài tới tám trang giấy khổ lớn. Trong thư, nó không biết Trâm nói những gì, nhưng nó thấy chủ nó buồn phiền mất hai ngày.
Hôm Bỉnh về, Trình và Khoa biết tin trước cùng toan đi trước để lánh mặt anh, nhưng không biết nghĩ sao, cả hai lại vẫn ở nhà.
Bà Ba thưởng cho Tẹo năm hào, và hứa sẽ cho hai đồng nữa nếu lấy cắp được bức thư đem sang cho bà ta xem. Bà băn khoăn về bức thư lắm, vì chắc đó là đầu mối của bao sự lạ lùng mới xảy ra.
Bà đoán quả không sai. Bức thư của Trâm gửi cho hai em chồng chính Bỉnh đã đọc cho vợ viết và đã cảm hóa được cả đôi bên, vì không những lời lẽ thấm thía, mà lý luận lại xác đáng nữa. Trong thư có đoạn này:
“Cô ta thành thực hay xảo trá, điều đó không cần bàn vội. Nhưng việc cô ta dự định và ngỏ với anh em mình là thế này: Cô ta muốn một người trong hai chú ăn thừa tự cô ta. Có lẽ vì cô ta hối hận về cái đời quá khứ, muốn chuộc lại những tội ác mà cô ta đã gây nên trong gia đình chúng ta. Có lẽ vì cô ta sợ sống cái đời tương lai trơ trọi khi con gái đã về nhà chồng rồi, nên cô ta muốn gia đình một chú sớm khuya trông nom săn sóc đến cô ta, đến cái tuổi già nua ốm yếu của cô ta sau này. Cũng có lẽ cô ta định che mắt thiên hạ và đóng một vai nhân từ trên sân khấu đại gia đình chúng ta. Ba điều phỏng đoán ấy, cũng chẳng quan hệ gì. Chỉ biết hiện giờ cô ta nêu ra một việc: ‘thừa tự’.
Nhận hay không nhận, đó mới là điều quan hệ.
Trước kia, anh bàn với các chú nên nhận là vì anh thành thực yêu mến các chú, chứ, không khi nào vì anh nể lời khẩn khoản của người đàn bà ấy.
Anh cũng tưởng rằng người ấy nhờ đạo Phật mà cải ác vi thiện, tự biết ăn năn tội lỗi, thì mình hẹp gì không tha thứ cho người ta. Vả, tôi nói điều này, hai chú với hai thím đừng giận nhé, hai chú cũng chẳng giàu có gì, thầy mất đi, gia sản còn có gì đâu! Anh thì đã an phận, tháng tháng có lương bổng đủ tiêu, chứ hai chú, tôi không dám nói thiếu thốn, nhưng giá tự nhiên có thêm vài vạn bạc thì thiết tưởng cũng chẳng nên bỏ, nhất số tiền ấy lại là tiền cô ta đã bón của thầy, nghĩa là đã chiếm đoạt của anh em chúng ta...
Ấy là anh thiển nghĩ thế.
Nhưng hai chú cùng không bằng lòng ăn thừa tự cô ta. Không bằng lòng thì thôi, chỉ có thế. Việc gì lại đi ngờ vực nhau, gỉận dữ nhau, thù ghét nhau? Mỗi khi nhận được thư của hai chú và hai thím viết lên để mách tội lẫn nhau, anh lại buồn phiền có khi anh ngồi anh khóc rưng rức và anh bảo tôi: ‘Tưởng anh em nhà này thì không bao giờ còn có thể bị cái sức mạnh gì làm ly tán nổi. Dù giận nhau, dù ghét nhau đến đâu, chúng ta cũng phải tha thứ cho nhau ngay, khi chúng ta thoáng nghĩ đến cái quãng đời dĩ vãng khổ sở cùng nhau sống dưới sự khinh nhờn, sự áp chế, sự độc ác của người đàn bà ấy’.
Tôi hết lời khuyên giải anh. Tôi nói với anh rằng hai chú thì nóng, hai thím thì khí khái, nên nghe thấy người ta nói đến ‘tiền’ đến ‘thừa tự’ đều quá tức giận mà lỡ lời nói nặng nhau một vài câu nhưng rồi thế nào các chú, các thím cũng lại hòa thuận như trước, hơn trước nữa.
Vả hai bên ngờ vực nhau là chỉ muốn cho nhau thằng thắn, trong sạch, như mình. Kỳ thực cả hai thẳng thắn, trong sạch. Vậy còn ngờ vực nhau làm gì nữa? Nay thiết tưởng chẳng còn cách nào phá tan ngay được sự ngờ vực bằng cách này: là hai chú, hai thím cùng sang chơi cô ta, và trước mặt nhau, trước mặt đông đủ mọi người, nói cho cô ta biết rằng cả hai cùng không nhận ăn thừa tự. Việc giản dị đến thế, có gì mà phải để bụng và ngấm ngầm ngờ vực nhau...”
Đọc thư của Trâm, Tính và Chuyên đều xấu hổ. Mấy hôm liền, cả hai cùng im hơi lặng tiếng, không thốt một lời châm chọc, mỉa mai nhau. Còn Trình và Khoa thì đều tỉnh ngộ. Họ cùng nhận thấy tính trẻ con của họ và họ chỉ mong chóng có dịp để xin lỗi nhau.
Vì thế nên Bỉnh vừa về tới nhà là hai bên làm lành với nhau ngay. Và vì thế mới có mấy giòng vắn tắt gửi cho bà Ba.
III
Đưa bức thư cho bà Ba xong, bốn người băn khoăn ngồi chờ tin tức. Và họ nói chuyện phiếm để khỏi có vẻ mong đợi. Hai ba lần Tính đã liếc mắt và khẽ hất hàm ra hiệu hỏi ý kiến chồng. Nhưng thấy Trình vẫn không hiểu, Tính bấm chàng ra hiên để bàn xem có nên giữ em và em dâu ở lại ăn cơm chiều không. Trình bằng lòng ngay và mỉm cười gật luôn mấy cái để tỏ ý khen ngợi và cảm ơn. Rồi quay vào trong nhà, chàng vui mừng bảo Khoa:
- Mời chú thím chiều nay xơi cơm xoàng với chúng tôi nhé?
Khoa nhìn Chuyèn bẽn lẽn, ngập ngừng:
- Thôi... anh chị cho... khi khác.
Cử chỉ, ngôn ngữ của nàng chưa được tự nhiên, thái độ của nàng đối với anh chồng và chị đâu, nhất là chị dâu, chưa trở lại thẳng thắn và thành thực như trước kia. Những câu mỉa mai chua chát của nàng, cũng như những lời bóng gió độc địa của Tính, nàng cố quên, nhưng vẫn luôn luôn như còn văng vẳng bên tai.
Có ĩể Trình và Khoa cũng nhận thấy chỗ khó khăn của hai người đàn bà nên cùng cố làm ra vui vẻ. Vì thế, vừa nghe vợ từ chối, Khoa vội cười, nói át ngay:
- Thưa anh chị, nhà tôi từ chối lấy lệ để được anh chị mời một lần nữa rồi mới nhận lời đấy ạ.
Trình cười theo, giọng cười ầm ĩ để che ngượng nghịu:
- Vậy xin mời chú thím lần nữa, và lần nữa và lần nữa. Thôi chả còn từ chối vào đâu được nhé!
Chuyên không giữ nỗi nghiêm trang, cũng phải bật cười lên tiếng.
- Vâng thì chúng em xin nhận lời. Nhưng thế nào mai cũng mời anh chị sang xơi cơm sáng với chúng em.
Trình nhanh nhảu:
- Xin vâng. Mời ăn thì ai nỡ từ chối bao giờ!
Tính liền đứng dậy đi xuống bếp. Khoa quả quyết muốn làm lành, khẽ bảo vợ:
- Kìa mình, xuống giúp chị một tay.
Nhưng Chuyên lơ đãng ngồi nhìn ra sân, yên lặng không đáp. Giữa lúc ấy, bà lý Thuận hốt hoảng từ ngoài cổng chạy vào:
- Ông Hai, ông Ba có nhà không?
Trình lo lắng nhìn Khoa. Chuyên đứng dậy ngơ ngác:
- Cái gì thế, bà lý?
Bà lý vừa thở vừa kể:
- Cụ đương... ngồi nói chuyện... với tôi... bỗng dưng cụ... ngất đi...
Chuyên cười mũi, lạnh lùng hỏi:
- Cụ nào thế?
- Cụ ấy mà!... Cụ ngất đi.
Giọng Chuyên càng lạnh lùng hơn, hỗn xược nữa:
- Thế à? Ngơ chuyện gì!
Ngượng vì cái cử chỉ kém lịch sự, kém nhân đạo của vợ đối với một người gặp nạn. Khoa giữ vẻ mặt thương xót, hỏi bà lý:
- Đầu đuôi câu chuyện ra sao?
Tính nghe thấy ồn ào, từ dưới bếp chạy lên:
- Chuyện gì thế, bà lý?
Chuyên mỉm cười, liếc chị dâu:
- Người ta ngất đi. Cái ngất của người ta thì còn ai lạ?
Khoa khó chịu, đã hơi có giọng gắt:
- Thì mợ hãy để bà lý kể cho biết đầu đuôi đã nào.
- Thì kể đi!
Tính sốt ruột vội giục:
- Thế nào, bà lý?
- Ấy, cụ cho tìm tôi đến, cụ phàn nàn, rồi cụ khóc mãi... Rồi cụ ngất đi.
Chuyên quay đi để giấu cái mỉm cười, vì ngắm nét mặt trang nghiêm của chồng, nàng đã hơi nhụt. Nhưng Tính không giữ nổi vẻ vui mừng hài hước, ghé vào tai chồng thì thầm nói theo giọng tuồng:
- Phu nhân lai tỉnh! Ớ phu nhân lai tỉnh!
Trình chau mày chậc lưỡi, rồi sợ bà lý Thuận nghe rõ lời vợ, chàng hỏi lảng một câu ngớ ngẩn:
- Có việc gì không?
Bà lý thúc giục:
- Xin mời hai ông, hai bà sang ngay cho... Chứ một mình cô Cúc thì cô ấy chẳng biết xoay xở thuốc men ra sao.
Chuyên nguýt dài một cái. Tính đùa bỡn hỏi:
- Thế thằng San với cái Tĩu đi đâu cả?
Chuyên cũng tiếp luôn:
- Còn bà lý đấy nhá!
Bà lý Thuận chẳng phải tay vừa, đối chọi lại liền:
- Thưa bà, nói con cháu trong nhà cơ, chứ tôi là người ngoài thì kể làm gì?
- Người ngoài, nhưng là đầy tớ chân tay.
Trình cắt đứt hẳn chuyện:
- Chú Khoa với tôi thử sang xem sao đi!
Chuyên vội kêu:
- Giời ơi! Còn sang làm gì?
Khoa thì thầm bảo vợ:
- Cứ để chúng tôi sang xem cô ta giở những trò gì.
Rồi quay ra nói với anh:
- Đi, chúng ta sang.
Tính nói:
- Có sang thì cũng ăn mặc tử tế đã chứ, đừng đánh cái áo cánh cộc như thế kia mà người ta khinh cho.
Chuyên mỉm cười:
- Cô ngất, còn biết gì mà khinh với trọng.
Bà lý thực thà:
- Bẩm, bây giờ cụ tỉnh rồi, cụ đương ngồi khóc... Có cả sư cụ cũng ở đấy.
Ít lâu nay, Chuyên đã hết kính nể sư Giáp. Nàng bĩu môi nói:
- Cố nhiên là có sư cụ.
Quần áo chỉnh tề - Chuyên đòi được chồng thắng âu phục nữa - Trình và Khoa cùng bà lý Thuận ra đi. Chuyên không chống nổi lòng tò mò thì thầm hỏi Tính:
- Chị có đoán được vì việc gì không? Hay ta cũng thử sang xem?
Tính trù trừ suy nghĩ, rồi giọng liều:
- Ừ, cần gì! Ta cứ sang xem sao.
Thế là hai người đi liền, dấn bước để kịp chồng. Lũ con, Nam, Phiên, Đạc và Liên đương nô đùa ở sân, tưởng có chuyện gì vui ở bên “bà Hà Nội” - cái tên mà chúng đã đặt cho bà Ba, vì mẹ chúng cấm chúng gọi bà kia là bà. Chúng ồn ào bảo nhau:
- Cậu mợ sang bên bà Hà Nội, chúng mình cũng sang đi.
Chúng chạy ùa ra cổng. Chuyên quay lại sua về, nhưng chúng cố lẩn lút theo cho bằng được.
Vừa bước được mấy bực thang gác, bọn Trình đã nghe thấy tiếng khóc òa. Kế tiếp những lời kể lể dài dòng.
- Bẩm cụ, hai ông với hai bà đã sang đây ạ.
Bấy giờ bà Ba mới ngửng đầu lên, và giọng đầy nước mắt, làm như đáp lại câu chào của những người mới đến:
- Không dám, các anh các chị sang chơi đấy à?
Bà cầm khăn tay, vừa lau mắt vừa gọi:
- Cúc ơi! Bảo lấy ghế mời anh chị ngồi đi, con.
Cúc ở bao lan vào, thì Tửu đã bày xong ở cạnh hai phía sập một hàng bốn cái ghế mây có tay vịn. Bà Ba cười buồn nói:
- Mời hai anh, hai chị ngồi chơi.
Rồi làm như chợt nhìn thấy lũ con của Trình và Khoa:
- Cả các cháu cũng sang chơi... thăm bà đấy à? Cô Cúc, mở hộp bích quy chia cho các cháu, nhé?
Chuyên gạt phắt:
- Thôi ạ.
Rồi nàng quắc mắt nhìn lũ trẻ:
- Đã bảo ở nhà, thế mà cũng cứ theo sang. Có về ngay không?
Bà Ba đã niềm nở ngay được:
- Chị để mặc chúng nó. Các cháu ra đây với bà. Già trẻ vẫn ưa nhau.
Tính quay đi giấu cái chau mày. Nhà sư đứng dậy cáo từ, vì không thấy ai lưu ý đến mình. Bà Ba vội đứng dậy theo:
- Ấy, mời cụ ngồi chơi xơi nước đã. Với lại tôi còn bạch cụ một câu chuyện riêng cơ mà.
Sư cụ lại lẳng lặng ngồi xuống. Mấy đứa trẻ được chia bánh đã xuống cả dưới sân.
Bà Ba đăm đăm nhìn khoảng trời xanh qua ngọn cây trúc đào trồng bên cửa sổ. Bỗng bà sụt sùi khóc, kể lể:
- Các anh, các chị có thấu tình cảnh cho tôi không?... Tôi nghĩ mà tôi buồn quá... Tôi làm bạn với thầy trong mười mấy năm giời... được một em Cúc...
Chừng không tìm ra ý gì để nói, mà có lẽ cũng chưa biết rõ mình định đưa câu chuyện đến đâu, bà Ba lại nức nở.
Trình hơi cảm động:
- Có điều gì, xin cô cứ nói cho chúng tôi biết.
- Cực nhục lắm các anh, các chị ạ...
Bà quay sang phía nhà sư, nói tiếp:
- Cụ Giáp đây cũng như người trong nhà, tôi mới dám tỏ rõ câu chuyện nhà ở trước mặt cụ. Cụ biết đấy, quan lớn tôi thực phúc đức quá!
Không bỏ qua một dịp nào có thể lợi dụng được, nhà sư cúi đầu, lễ phép ngắt lời:
- Nam mô A di đà Phật, bẩm cụ lớn ông giá Giời Phật để thọ thêm độ vài năm nữa thì nhà chùa đã có cái cửa võng hậu cung thếp vàng rồi. Bẩm, cụ lớn ông sắp sửa cho khởi công thì ngài tịch, thành thử cái cửa võng cứ để mộc mãi đến ngày nay.
Bà Ba quên cả buồn, cả khóc, vội kêu:
- Thế à? Sao cụ không bảo. Được! Để rồi tôi xin đứng...
Nhà sư tưởng bà Ba hứa sẽ bỏ tiền ra, nhưng bà ta tiếp luôn:
- Tôi xin đứng ra quyên trong hội Phật Giáo làng ta kẻ ít người nhiều để lấy tiền thếp vàng cái cửa võng hậu cung.
Nhân tiện, nhà sư nhắc đến “việc hậu” mà nhà sư ngờ rằng bà Ba đã quên bẵng đi rồi:
- Bẩm cụ lớn, cả cái cửa võng ở gian thờ hậu lâu ngày cũng đã cũ lắm, mà ngày xưa các cụ lại thếp bạc chứ không thếp vàng. Giá đủ tiền xin cụ lớn cho sửa sang luôn một thể.
Ngừng một giây, nhà sư lại nói:
- Bẩm cụ lớn, các ông các bà vào hậu từ trước cúng vào nhà chùa cũng chưa được mấy. Có mỗi một bà nhiêu Tề cúng được hai mẫu ruộng là to nhất, thì nhà chùa lại dựng riêng một cái bia để kỷ niệm công đức, còn bà hội Khoai...
Sợ câu chuyện nhà chùa đi xa quá, bà Ba ngắt lời:
- Vâng, rất nên vào hậu. Còn gì bằng được các cụ cúng cho, tụng kinh niệm Phật cho, để vong linh được siêu sinh tịnh độ. Tưởng ai ai cũng nên vào hậu, chứ chả cứ những người vô tự...
Nhà sư vui mừng chấm câu:
- Dạ.
- Nhưng tôi nghĩ đến lúc sống hơn đến lúc chết, cụ ạ. Vẫn biết sống gửi thác về, nhưng mà cảnh già trơ trọi thì khổ sở lắm, bạch cụ. Vì thế mà...
Bà Ba lại ngừng, và nước mắt ở đâu ứa ra rất mau.
- Vì thế mà tôi muốn được một anh trong hai anh cháu... Bây giờ tôi già rồi, cụ ạ... Tôi muốn có người để giao các hết công việc cho... Tiền của đấy, cơ nghiệp đấy, tôi chết thì tôi có mang đi được đâu... Cháu Cúc rồi nó đi theo chồng nó... Cái nghề con gái trông cậy gì được... Nó về nhà người ta, nó khuân của về làm giàu cho nhà người ta...
Như chợt nhớ ra, bà Ba gọi:
- Cúc!
- Dạ!
Cúc ở bao lan đi vào.
- Con xuống nhà chơi với các cháu, chẳng nhỡ nó ra bờ ao mà xẩy chân thì khốn đấy.
- Vâng.
Cúc lặng lẽ xuống thang gác. Bà Ba hạ giọng:
- Con bé nó oán tôi lắm cơ đấy...
Bà bỏ lửng câu, thành thử không ai hiểu Cúc oán bà về việc gì. Rồi bà tiếp sang chuyện khác ngay:
- Kể ra thì tôi cũng chẳng cần phải xin một anh ăn thừa tự, vì con quan lớn tôi, tôi cũng coi như con tôi cả...
Chuyên giận dữ, yên lặng đưa mắt liếc Tính.
- Nhưng, tôi đã nói, tôi muốn có một anh ở hẳn với tôi như con đẻ với mẹ thực ấy kia... Lạy giời lạy phật, tôi chỉ có một lòng thẳng thắn... Vì thế... (bà Ba nức nở) vì thế nhận được mấy chữ... của hai anh... tôi khổ sở... tôi đau đớn... tôi uất lên...
Và bà lại uất lên. Hai mắt lim dim, bà ngả người về phía sau rồi nằm vật lên đống chăn bông bọc nhiễu đỏ cạp nhiễu xanh. Nhà sư đứng dậy:
- Bẩm cụ lớn, bẩm cụ lớn...
Bà lý Thuận chạy vội lại, đỡ bà Ba:
- Thưa hai bà, hai bà nâng cụ một tí này!
Nhưng Tính và Chuyên chỉ ngồi nhìn. Sợ cái ngất của mình sẽ trở nên khôi hài, bà Ba làm như cố gượng ngồi dậy, tựa lựng vào tường, rên khừ khừ, một tay chống xuống sập, một tay vuốt ngực:
- Giời ơi, khổ sở thân tôi, sao tôi không chết quách đi để làm phiền biết bao người... Ới quan lớn ơi, quan lớn có khôn thiêng thì quan lớn cho tôi chóng được đi theo... quan lớn...
Lúc bấy giờ người nhà bưng nước chè tầu lên. Uống cạn chén nước nóng, bà Ba bỗng thấy tỉnh táo. Bà lại ôn tồn nói tiếp câu chuyện bỏ dở:
- Tôi vẫn tưởng các anh các chị ưng thuận rồi chỉ còn bàn với nhau xem ai nên nhận lời. Đến lúc tiếp được thư của hai anh, tôi mới ngã ngửa người ra...
Nhưng lần này, bà Ba không ngã ngửa người ra nữa. Sư cụ bàn chêm một câu:
- Thôi, hai ông chả còn phải nghĩ ngợi gì, cụ lớn quý mến hai ông như vàng như ngọc, nên cụ lớn mới khẩn khoản ngỏ lời, chứ trong hàng cháu có thiếu người đâu, cụ lớn nuôi ai mà chẳng...
Bà Ba cướp lời:
- Cháu thì nói làm gì! Với lại, trước con rồi sau mới đến cháu, cụ ạ, nhân tâm ai chả thế, phải không, bạch cụ?
- Dạ. Bây giờ, thưa hai ông, thế này này: ông Hai thì thờ cụ lớn bà... đã quá cố... còn ông Ba thì ở... hầu cụ lớn... đây...
Trình trừng trừng nhìn sư cụ:
- Thiết tưởng việc nhà chúng tôi, sư cụ biết thế nào mà bàn.
Sư cụ cười khô khan, hai đuôi mắt nheo dài và xếch lên thái dương, cặp môi mỏng sẽ rít lại và hé ra một lỗ sâu, khoảng chiếc răng gẫy: toàn dung mạo nhiễm đầy vẻ hỗn xược.
- Thưa bà, nhà chùa cũng bàn góp thế thôi, còn quyền định đoạt thì ở cụ lớn kia chứ!
Thấy tình thế trở nên gay go, bà Ba liền phỉnh bọn con chồng một câu:
- Kể ra thì quyền định đoạt ở các anh các chị ấy, các anh các chị ưng là xong ngay.
Liếc nhìn nét mặt dữ tợn của Tính và nét mặt lạnh lùng của Chuyên, bà Ba cho rằng nhà sư đã vô tình nói hớ. Nhưng sự thực, nhà sư không vô tình, mà chính cố ý thốt ra những câu chua chát, đau đớn. Vì bao giờ người tu hành ấy cũng nhớ đến mục đích của mình trong những lúc “hầu chuyện cụ lớn”. Mục đích ấy là việc “vào hậu” với tất cả quyền lợi của chùa trong việc đó. Không lúc nào nhà sư thấy cần phải phấn đấu cho quyền lợi bằng lúc này.
Quyền lợi! Hai tiếng ấy đã hầu như mọc rễ trong khối óc sư cụ. Mà sư cụ cũng không giấu diếm ai rằng mình nghĩ đến quyền lợi của nhà chùa. Trái lại, sư cụ còn khoe khoang nữa, khoe khoang cái tài làm giàu của mình với các ông kỳ hào, tộc biểu.
“Đấy, các cụ coi, lúc tôi đến thì chùa xiêu, tượng nát. Bây giờ tôi đã xây lại chùa, tô lại tượng, đúc lại chuông, tậu thêm ruộng thêm vườn”.
Đừng nói đến thuyết “diệt dục” với sư cụ, sư cụ chẳng hiểu gì đâu. Đạo Phật của sư cụ không phải là cái đạo huyền bí, cao siêu, cái đạo thoát tục của Thích Ca. Nó chỉ là mấy câu kinh câu kệ học thuộc lòng, nó chỉ là những cái bùa yểm mả và sự chí thú làm giàu cho nơi mình chụ trì.
Nhưng điều sau cùng này, người ta rất ngờ vực. Và người ta thì thào với nhau rằng sư cụ nói đến quyền lợi của chùa để lấy cớ thu quyền lại về cho mình, cho nhà mình. Vì người ta thấy nhà sư cụ một ngày một thêm giàu, và thằng cháu sư cụ năm nào cũng tậu ruộng, hoặc sửa sang lại nhà cửa.
Người cháu ấy thỉnh thoảng có đến thăm sư cụ. Người ta đồ là đến thúc tiền, đến bòn của. Và cho bõ ghét, người ta bảo nhau: “Cháu gì, con cụ đấy! Các bà xem, giống nhau như lột!” Có người lại quả quyết rằng mẹ người cháu nhiều lần đến chùa, đêm khuya mò vào phòng sư cụ.
Chẳng rõ những chuyện ấy thực hay hư, nhưng một điều ai ai cũng biết chắc chắn là sư cụ thích tiền, thích làm giàu, dù làm giàu cho nhà chùa hay làm giàu cho nhà mình cũng vậy. Những thiện nam tín nữ của sư cụ, sư cụ chia ra làm ba hạng: hạng giàu, hạng đủ ăn và hạng nghèo. Hạng trên mời cụ đến cúng, cụ sốt sắng và thân hành đi ngay. Hạng giữa, cụ cho sư bác đi thay. Còn hạng dưới thì có đừng hòng “thỉnh cụ”, và, nếu muốn xin bùa xin dấu, phải cúng tiền ngay, cái lệ mà không bao giờ cụ thi hành với người giàu.
“Giàu có sung sướng thực!”
Câu ấy luôn luôn ở trong miệng người tu hành. Nhưng sư cụ thường thêm ngay:
“Tha hồ làm phúc làm đức, đi lễ đi bái, dựng chùa dựng chiền. Thực phú quý sinh lễ nghĩa”.
Và sư cụ không quên kể những chuyện hằng sản hằng tâm, những tấm lòng nhân đức đối với đạo Phật. Cái tên “bà Hưng Ký” người làng Giáp không ai không thuộc, tuy trong bọn thiện nam tín nữ, chẳng mấy người đã đặt chân tới Hà Nội, chứ đừng nói tới chùa Hưng Ký vội. Dù thế mặc lòng, họ vẫn kể đi kể lại cho nhau nghe những cái đẹp, cái lạ của ngôi chùa, làm như chính mắt mình đã trông thấy chứ không phải thuật theo lời khoác lác của sư cụ:
- Úi giời ơi! Các bà ạ, cụ Hưng Ký bỏ ra mười vạn để xây một ngôi chùa. Những đất cũng đã đến hàng vạn rồi! Các bà tính đất người ta bán thước chứ có phải bán mẫu, bán sào như ruộng dưới ta đâu. Mười mấy đồng một thước đấy!
Một người nghe tròn xoe mắt nhìn và kêu:
- Mười mấy đồng một thước? Chừng thước tây đấy chứ!
- Ừ thì thước tây nữa. Thế mà đất chùa rộng tới ba mẫu. Còn chùa thì chả phải nói! Xây một cái tam quan cũng tốn hơn dựng cả một ngôi chùa khác rồi.
Dựa vào lời sư cụ, họ thêm thắt, bịa đặt những điều vô lý. Họ trộn lẫn loạn xạ những sứ, những vàng, những tượng, những kiểu tàu, kiểu tây.
Ngoài bà Hưng Ký, sư cụ còn tán dương công đức một người nữa: ông Thanh Hương. Ở làng Giáp không ai biết tên thực ông ta là gì, Thanh Hương là tên hiệu của ông ta, một hiệu bán thuốc lào rất có tiếng ở Hà Nội. Nhờ về việc thương mại ấy mà ông ta có một cái tài sản to. Người ta cũng không biết to bao nhiêu, chỉ biết ông Thanh Hương đã bỏ ra bốn, năm vạn - có người nói mười lăm vạn - để cúng vào chùa này, chùa nọ và nhất là để dựng một ngôi chùa tuy không lớn bằng chùa Hưng Ký, nhưng cũng lớn lắm, nếu cứ tin ở lời huyên truyền của người làng Giáp.
Ông Thanh Hương, không như bà Hưng Ký mà người ta chỉ biết tiếng, ông Thanh Hương, ai ai cũng đã gặp mặt, một vẻ mặt lù dù, và đã nghe thấy giọng nói, một giọng nói lù dù. Ông ta người hạt Bắc Ninh. Thỉnh thoảng ông ta về làng Giáp chơi không phải vì ông ta mến đức cụ Giáp hay để xin bùa của cụ. Ông ta chỉ về thăm, về “hầu cụ án bà”. Ngày xưa cụ án đã tri nhậm huyện ông ta, sau lại làm án sát Bắc Ninh, và đã trông nom cho ông ta nhiều lần, nhất là lần ông ta ra tranh lý trưởng. Nhớ ơn, ông ta năm năm về làng Giáp cúng, giỗ, lễ tết, ngay từ hồi cụ án mới hồi hưu. Và sau khi cụ án qua đời, ông ta vẫn không quên lệ cũ.
Bà Ba quý trọng Thanh Hương một cách đặc biệt, quý trọng vì ông ta giàu cũng có, nhưng nhất vì muốn dương oai với người làng: “Ông Thanh Hương, thầy tớ quan lớn ngày trước”, bà nói với khắp mọi người, cả trước mặt ông Thanh Hương. Và nhà trọc phú có lẽ cũng coi sự làm “thầy tớ” cụ án là một hãnh diện, một danh giá đối với bọn người làng Giáp.
Giới thiệu Thanh Hương với sư cụ là một việc không cần cho bà Ba. Lần đầu về làng Giáp, Thanh Hương đã ra chùa lễ rồi: Một người mộ đạo Phật như Thanh Hương đi tới đâu mà nhãng quên được cái việc quan hệ ấy, huống chùa Giáp lại là một chùa có tiếng, có tiếng vì sư cụ cao tay, và vì bà Ba quảng cáo.
Thanh Hương đã cúng vào chùa Làng Giáp rất hậu, nhưng không phải vì thế mà mỗi lần hầu chuyện bà Ba, nhà sư nhớ nhắc đến các việc phúc đức của ông ta; sư cụ chỉ muốn bà Ba theo gương Thanh Hương mà trở nên rộng rãi đối với chùa làng Giáp như ông kia đã bỏ tiền ra không tiếc cho chùa làng ông ta. Sự cụ còn ngấm ngầm ao ước hơn thế nữa: làm chủ nhân số một trăm mẫu ruộng của bà Ba ở làng Giáp. Sự mong mỏi ấy nhà sư không cho là viển vông, nhưng cũng nhận thấy khó khăn vì đã biết rõ cái tính chặt chẽ, bo siết của bà Ba.
Nhà sư đã hầu thất vọng thì xảy ra việc “thừa tự”. Việc ấy không những không đi ngược, mà trái lại, còn giúp cho quyền lợi của sư cụ. Là vì để tự nhiên thì bà Ba không thấy “vào hậu” là cần cho linh hồn bà sau này. Việc thừa tự trong một gia đình lộn xộn, lục đục, sẽ mở rộng mắt bà ra và sẽ làm bà lo sợ, kinh hoảng cho tương lai, cho vong linh bà. Miễn là khéo xoay!
Khéo xoay! Tất cả tâm lực, tất cả thông minh, tất cả xảo trá, nhà sư đều để vào đấy. Và trong óc nhà sư nảy ra không biết bao nhiêu cơ mưu quỷ quyệt. Có đêm nhà sư thức suốt sáng để tìm kế, và nhiều lần, lẩm bẩm nói một mình: “Khi nào bà ta tha thiết việc vào hậu hơn việc thừa tự là được!”
Vì thế nhà sư thấy cần phải năng ở bên cạnh bà Ba, để luôn luôn đem những cái đẹp, những cái hay, những cái đáng sợ, nhất là những cái đáng sợ của đạo Phật mà dụ bà. Và nhà sư mừng thầm rằng hiện đang đi đến sự đắc thắng. Hai anh em ngờ vực nhau, hai chị em dâu ganh ghét nhau, nhà sư cũng không phải không có chút công lao vào đấy. Còn như cái việc thừa tự mà bà Ba vẫn xoắn lấy, nhà sư không coi là một việc nguy hiểm cho quyền lợi của mình nữa. Nhà sư thừa biết rằng thực ra, trong thâm tâm, bà Ba vừa thù, vừa ghét hai anh em Trình. Vả hai người đàn ông nhu nhược ấy, nhà sư cho không phải là tay địch thủ. Địch thủ gì hạng người không quả quyết bao giờ, nhất lại không bao giờ có chí làm giàu!
Nhưng hai người vợ thì hơi đáng sợ. Nhà sư cho rằng tuy ngoài mặt họ làm ra không thiết của, kỳ thực, lòng dục vọng của họ đã lên tới cực điểm. Vì thế họ tức tối, oán giận nhau, người nọ chỉ sợ người kia chiếm mất cái gia tài mà cả hai cùng thèm muốn.
Ban nãy, được tin bà Ba ngất đi, nhà sư hấp tấp đến thăm, trong lòng băn khoăn nửa mừng nửa lo.
Việc đầu tiên của nhà sư là đốt dấu và thư phù vào bát nước mưa rồi đưa cho bà Ba uống sau khi đã ngầm bỏ vào đấy một ít bột thuốc “giải nhiệt tán” mua ở một hiệu bào chế Tàu. Rồi khi bà Ba đã thuật lại cho nghe đầu đuôi câu chuyện vừa xảy ra, nhà sư khéo não nuột thở dài và phàn nàn:
- Lạy Phật tổ, thực các ông, các bà ấy không biết điều một tí nào, chỉ làm phiền cụ lớn.
Bấ Ba cũng thở dài phàn nàn:
- Bạch cụ, lắm lúc tôi chán gia đình quá. Đấy cụ coi cảnh gia đình nhà quan án tôi. Các cụ bỏ cửa bỏ nhà đi tu thực cũng phải... Gia đình như thế thà chẳng có gia đình còn hơn.
- Dạ, đức Phật Thích Ca là con vua mà cũng bỏ nhà đi tu đấy ạ.
- Bạch cụ, đức Phật là Phật là Giời, tôi chẳng dám ví nhưng trong cảnh gia đình nhà tôi lắm lúc tôi cũng thấy tôi khổ như đức Phật.
Câu chuyện ngớ ngẩn của hai người chẳng ăn nhập gì với hoàn cảnh hiện tại. Sự thực, cả hai cùng đương theo đuổi một ý nghĩ thầm kín: bà Ba cốt tỏ với sư cụ rằng mình coi hai người con chồng như con mình. Còn sư cụ thì muốn đưa bà Ba tới chỗ “vào hậu”, tới chỗ đem gia sản cúng chùa. Vì thế, sư cụ đáp lại bà Ba:
- Bẩm cụ lớn, gia đình thực phiền phức, thực khó chịu như lời cụ lớn truyền, bẩm cụ lớn nghĩ mà xem, ông Thanh Hương thì ông ấy thiếu gì cháu. Anh ông ấy con đàn cháu đống, hai em ông ấy cũng gia đình đông đúc. Thế mà ông ấy có thiết gì đến gia đình! Giời bắt hiếm hoi, ông ấy có nuôi cháu để cho ăn thừa tự đâu? Ông ấy chỉ nghĩ đến làm việc phúc, hết cúng chùa này, lại xây dựng chùa kia, rồi nào đúc chuông, nào tô tượng, thôi thì đủ các việc phúc việc đức. Ông ấy bảo chúng tôi rằng để tiền cho các cháu chúng nó chơi bời lêu lổng, không bằng đem dâng cúng Phật...
Bất giác bà Ba mỉm cười. Bà thấy sư cụ quá vụng về. Bà hiểu thấu sư cụ cũng như hiểu thấu bọn con chồng. Nhưng bà vẫn tưởng sư cụ là người rất mực khôn ngoan, khéo léo, chứ có đâu lại tán tiền một cách trống trải như thế? Người đời, lúc nào bà cũng nhìn thấy họ quay cuồng, lừa lọc. Lòng người, bà thường trông thấy rõ các màu của nó hiện ra trong cuộc thí nghiệm.
- Bạch cụ, cụ nói rất phải.
Câu nói như buột miệng thốt ra. Bà Ba đã để cả tâm trí vào việc khác, vào việc đối phó với bọn con chồng. Vì lúc ấy, bà nghe thấy tiếng giầy anh em Trình trên thang gác.
Một lát sau, nhà sư về chùa. Một phút im lặng. Rồi bà Ba bắt đầu:
- Phúc đức quá, năm nay cụ sáu mươi bảy tuổi đầu mà vẫn khỏe mạnh... như hạng trẻ giai.
Chuyên mỉm cười rất xược, chừng để mai mỉa tiếng trẻ giai mà bà Ba đã dùng một cách rất tự nhiên và thẳng thắn.
- Người ta đồn sư cụ có chán con đấy.
Bà Ba cặp mắt trợn trừng:
- Chết! Bậy quá. Tội chết... Sao chị nỡ....
Chuyên chẳng chịu nhụt:
- Thưa cô, thì tôi cũng nghe thấy người ta đồn thế... Vả thời buổi này, như thế là thường.
- Sao chị biết?
Lòng căm tức khiến bà Ba ném ra câu trào phúng gọn gàng ấy. Nhưng bà chợt nghĩ lại và nói lảng ngay:
- Sư cụ chùa ta thật là một vị chân tu đắc đạo. Đấy, hai chị coi, từ ngày cụ về tu ở chùa ta, cụ đã tu bổ chùa hai lần rồi. Lại tậu được thêm ruộng, thêm vườn.
Khoa mỉm cười, nghĩ thầm:
“Vậy ra tậu ruộng tậu vườn, là chân tu đắc đạo”?
Thấy câu chụyện đã trở nên nhạt nhẽo, buồn tẻ, Trình đứng dậy chào xin về. Ba người kia đứng lên theo. Tức thì bà Ba lại nhớ đến vở kịch đương đóng giở và mếu máo nói:
- Khổ quá, nào tôi đã nói xong câu chuyện với hai anh, hai chị đâu mà đòi về được.
Bốn người đưa mắt nhìn nhau. Bà Ba nói luôn:
- Thì mời các anh, các chị hãy cứ ngồi xuống một tí nữa đã nào.
Bà quay bảo bà lý Thuận chắp tay đứng phía sau:
- Chị lý, chị đưa hộ tôi hộp bích quy.
Rồi mở nắp ra mời:
- Anh chị xơi tạm. Ăn thừa các cháu cũng chẳng sao, phải không?
Trình và Khoa cùng đỡ lấy chiếc bánh và cùng lí nhí nói:
- Cám ơn cô.
Còn Tính và Chuyên thì cùng giơ tay ra gạt:
- Cám ơn, cô.
Chuyên tiếp luôn:
- Tôi hơi đau bụng.
Bà Ba tươi cười:
- Cả hai chị cùng đau bụng? Khéo bảo nhau nhỉ?
Đương chuyện ấy, bà nhảy ngay sang chuyện khác:
- Hai chị ạ, lắm lúc tôi chán quá, tôi định đem hết tài sản cúng vào chùa, cúng hết vào chùa.
Rồi bà lại cười:
- Kìa hai anh xơi nữa đi chứ.
- Xin đủ ạ.
- Đủ gì mà đủ! Anh phải ăn nữa.
Vừa nói, bà vừa ấn vào tay mỗi người đàn ông một cái bánh.
Chờ mãi không thấy bà Ba, trong câu chuyện huyên thiên, quay về việc thừa tự và nhất là việc cúng hết tài sản vào chùa, hai người đàn bà lại đứng dậy chào:
- Thôi, chúng tôi xin về.
Bà Ba cũng đứng dậy theo:
- Các anh các chị nhất định về à? Vâng thì các anh các chị về. Thỉnh thoảng sang chơi nhé!
Lần này bà quả quyết không giữ nữa.
IV
Bà Ba giục giã Cúc sửa soạn để đi Hà Nội. Bà vừa nhận được tin trúng tuyển của con rể, trong một bức điện tín dài giòng: “Đậu cử nhân luật hạng bình. Sẽ xin về Giáp bái yết me và thăm em Cúc - Phan”.
Để chiều cái tính háo danh của bà Ba, Phan đã không tiếc tiền, và đã coi thường nụ cười chế nhạo của người giữ việc đánh dây thép ở sở Bưu chính, khi người ấy nhẩm đọc cái văn chương khoe khoang của chàng.
- Thế cậu ấy đề gửi chọ me hay cho con?
Bà Ba vui vẻ hỏi miệng mụm mĩm cười với bóng mình trong gương đứng, vì bà đương đội khăn. Cúc bẽn lẽn, đỏ ửng hai gò má.
- Cậu ấy đề gửi cho con à?
- Không... gửi cho me.
- Đề thế nào cơ, hử con?
Cúc cầm bức điện tín đọc:
- “Cụ lớn án, làng Giáp...”
Sung sướng tràn ngập trong lòng, và lộ ra trên nét mặt bà Ba.
- Người có học thức bao giờ cũng giữ lễ độ. Me đến ghét những đứa học hành dở dang chẳng biết phép tắc phép tiếc gì cả. Viết thư cho người An Nam với nhau mà đề bà đầm nọ bà đầm kia là cái nghĩa lý quái gì? Lại mấy cái thằng nhãi ranh con dì phán cả nữa, lần nào viết thư cho mình, cũng bày vẽ bà đầm vơ bà đầm viếc nhắng nhít lên. Còn lão phán, thằng bố chúng nó thì chẳng biết kiêng nể gì, có lần nó đề toẹt ngay tên thầy con lên phong bì. Me đã mắng cho mất mặt đi...
- Bẩm me, theo cách đề phong bì của người Tây...
Bà Ba bĩu môi:
- Tây với Tàu! Có tây nửa mùa ấy! Cậu Cử dễ cậu ấy không thuộc pháp luật tây à? Thế sao cụ ấy không đề bà đầm Thân?
Bà Ba là người đa nghi. Giá lúc khác, và giá người khác gửi thư cho bà mà ngoài phong bì viết dài giòng như cái điện tín của Phan, thì chắc, trong thâm tâm, bà đã ngờ vực rằng người ấy nịnh hót bà, tuy ngoài mặt bà vẫn phớn phở sung sướng. Nhưng người gửi là Phan vừa đậu xong cử nhân, nên bà không kịp nghĩ ngợi xa gần: cái mừng con gái sắp được thực thọ lên bà lớn đã chiếm lấy cả tâm hồn bà, làm bà mê man, cuống quýt.
Song, không phải vì nóng được mừng con rể mà bà Ba vội vàng đi Hà Nội. Vả bức điện tín của Phan cũng chỉ chứng thực cái tin đã hầu chính thức: Anh người nhà trên Hà Nội, mà bà Ba cho chầu chực bên cạnh Phan trong những ngày thi, đã về làng Giáp từ hôm trước để báo tin cho bà biết rằng Phan vào xong các kỳ vấn đáp rồi và kỳ nào cũng rất khá.
Bà Ba vẫn đi lại hay cho người nhà lại hỏi thăm săn sóc đến Phan một cách thân mật, cảm động như thế. Ngay từ hôm chạm mặt, bà đã coi Phan là chàng rể của bà rồi, nay cho thức này, mai cho thức nọ. Sau lễ hỏi, Phan đã được phép nói chuyện với Cúc ở trước mặt bà, làm thế để ra vẻ con nhà gia giáo cũng có, nhưng nhất là để bà có thể nâng đỡ con trong câu chuyện thử thách hay khoe khoang. Buổi đầu Phan còn cố ý làm ra ngượng ngập, bẽn lẽn.. Nhưng sau thấy bà Ba luôn luôn xưng me với mình, chàng trở nên mạnh bạo, kêu bà là me và gọi Cúc là em bằng một giọng rất tự nhiên, âu yếm nữa.
Vậy bà Ba hấp tấp đi Hà Nội, ngay sau khi nhận được bức điện tín, thực không phải vì sự đắc thắng của Phan mà bà đã chắc từ trước. Chỉ vì bà không muốn để Phan về làng Giáp. Trong những câu chuyện với con rể, bà thường nói đến gia đình ông án, cố tỏ cái oai quyền của bà trong đám con chồng bang cách xưng hô hách dịch, bằng cách khoe mẽ quá đáng. “Bẩm me con thế này, con thế nọ”. Có khi bà lại đi quá xa trong sự hãnh diện đối với con rể “Thằng Khoa, nó thế mà khá hơn thằng Trình. Tôi không đẻ ra nó, chỉ có công nuôi nấng nó thôi, nhưng nó coi tôi chẳng khác gì mẹ nó”.
Vì có những lời khoác lác ấy, nên bà Ba rất sợ cuộc gặp mặt của Phan với bọn con chồng. Còn đâu là thể diện của bà, nếu đứng trước mặt chàng rể, Khoa thốt một câu vô lễ, hay Trình lộ vẻ mặt lạnh lùng. Nói gì đến Tính và Chuyên nhất là Chuyên! Bọn ấy đương lập tâm hạ bà xuống, bêu xấu, bêu nhuốc bà, thì nhân dịp chàng rể về làng, họ nể nang gì mà không giở hết cái tàn ác thô lỗ của họ ra.
Những điều ấy bà Ba thường lo sợ nghĩ tới. Và việc thừa tự bà nêu ra không hẳn không phải là một mưu kế khôn ngoan để dứ bọn kia mà bà ngờ rằng có thể làm khó dễ cho nhân duyên của con gái bà.
“Quý hồ công việc xong xuôi đã! Sau này dù bọn chúng nó có định tác ác, mình cũng chẳng cần. Mình sẽ bảo Phan rằng mình tuyệt tình với chúng nó, ‘từ’ chúng nó vì một câu chuyện bất bình gì đó. Rồi cấm hẳn vợ chồng Phan không cho lai vãng chơi bời với chúng nó. Thế là ổn thỏa... Nhưng bây giờ thì thế nào cũng phải giữ kín... cũng phải khôn khéo lắm mới được...”
Cái tính giả dối, trí trá, cái lòng ác nghiệt lúc nào cũng định phá hoại việc này, mưu xử việc khác đã làm cho bà Ba trở nên đa nghi, luôn luôn tưởng tượng trông thấy những cạm bẫy người ta ngầm đặt chung quanh cuộc hôn thú của Phan và Cúc.
- Cúc!
- Dạ.
Cúc vẫn không ngừng tay đánh phấn.
- Con cũng chẳng cần nói cho ai biết rằng Phan đã đỗ xong cử nhân luật, nghe?
Cúc bẽn lẽn không đáp, tuy lòng bồng bột sung sướng.
- Nhất với các anh, các chị ấy con lại càng không nên nói.
Bà Ba sợ hãi, sợ hãi vô căn cứ. Nhưng bà cũng cố xoay thành một bài luân lý, - cái tính giả dối của con người ta không mấy khi bỏ qua một dịp nào có thể biểu lộ được mà lại không biểu lộ ra:
- Chả nên để ai ghen ghét mình, con ạ. Ở đời nhũn nhặn thì thường tránh được lòng tức tối của quân tiểu nhân.
Cúc hơi có giọng gắt:
- Con nói làm gì!
- Thì me cũng dặn con thế.
- Với lại cần gì phải giấu diếm. Tức tối thì tức tối! Tức tối, dễ các anh các chị ấy ăn thịt được con hay sao?
Bà Ba im lặng ngồi suy nghĩ. Bà ngờ vực tưởng đến những bức thư nặc danh mà người ta có thể gửi cho Phan để nói xấu mình và con mình, để hòng phá việc hôn nhân của Cúc.
Cúc bỗng cười sằng sặc:
- Me tính giấu nổi ai? Hôm nọ anh Lung ở Hà Nội về, anh ấy bảo chắc Phan đỗ thủ khoa...
Cúc lại cười, trong lòng khoái trá. Tiếng máy ô-tô vào sân. Bà Ba giục:
- Xong chưa, cô cử? Sắp sửa đi thôi chứ, đứng đấy mà cười mãi à?
Thằng San và cái Tĩu, mỗi đứa đội một cái va-li đi xuống gác. Bà Ba và Cúc theo liền xuống.
Một lát sau, cái xe hòm yên lặng ra khỏi làng Giáp. Những người láng giềng nghe thấy tiếng còi điện, mới biết rằng bà Ba đi Hà Nội.
Ngồi trên xe, bà Ba vẫn còn áy náy, lơ đãng trông ra hai bên đường, chẳng kịp nhớ như mọi lần thét mắng lũ trẻ chạy theo bám vào tai xe, hay định nhảy lên cái hòm chứa ở phía sau.
Nhưng chỉ khoảnh khắc bà đã cười, nói một mình:
- Rõ mình cũng lẩn thẩn.
Cúc quay lại hỏi:
- Me bảo gì cơ ạ?
- Không, con ạ.
Bà Ba vừa chợt nghĩ đến cái tính nhu nhược bọn con chồng. Và bà thấy bà quá sợ viển vông: “Cứ xếp ngay họ vào một xó là xong. Ngữ ấy thì còn làm nổi trò trống gì?”
Một câu nói của Cúc kéo bà sang việc khác, việc thiết thực hơn:
- Cái xe của me kêu dữ quá, mẹ ạ.
Bà Ba mỉm cười nhìn con gái yêu:
- Chà, đi được thì thôi! Dùng tám năm rồi còn gì.
- Hôm nọ anh cử anh ấy bảo tài xế bẩm me sắm cái xe khác.
Chính Phan đã xui Cúc xin bà Ba đổi xe mới. Nhưng nàng nói chệch đi là Phan bảo tài xế. Bà Ba lặng thinh không đáp. Bà tưởng tới người con rể. Câu bắn tin của Phan khiến bà nghĩ ngợi: “Chưa cưới mà cậu ta đã đòi ngầm thứ nọ thứ kia rồi!” Nhưng bà tự trấn tĩnh ngay: “Chừng đó cũng là một câu nói cho vui miệng!”
- Giá me đổi cho hiệu lấy cái xe mới...
Bà Ba trừng trừng nhìn Cúc:
- Đổi lấy xe mới?
- Vâng, chỉ các độ hơn một nghìn là cùng.
- Hơn một nghìn! Thì hãy hơn một nghìn. Làm gì ra hơn một nghìn bây giờ?
Cúc phụng phịu nhìn qua bên cửa kính ra bên đường. Ba Ba cũng nhìn theo, và giơ tay trỏ bảo con:
- Kia kìa mày trông, người ta đi chân còn được, nữa là.
Rồi bà trở nên nhân đức:
- Con phải biết mình có cái xe mà đi đã là sung sướng lắm rồi. Ở đời có bao nhiêu người khó nhọc, khổ sở, sao con không nghĩ đến người ta, mà chỉ nghĩ đến mình?
Cúc cười xòa, nũng nịu:
- Con vẫn nghĩ đến người ta, nhưng con nghĩ cả đến cái xe ô-tô mới của me nữa.
Bà Ba nói dỗi:
- Thì nhà đấy, vườn ruộng đấy, cô bán đi lấy tiền mà mua ô-tô. Chứ tiền sẵn thì tôi không có. Cô tưởng một nghìn bạc ít lắm hay sao! Cô đã trông thấy đấy, bán thóc nài mỏi mồm mới được mỗi thùng thêm một trinh... Đấy rồi cô ra giao thiệp với đời, cô mới biết rằng kiếm được đồng tiền là khó khăn. Khôn khéo cũng có, nhẫn nại cũng có, nhiều khi phải thật thà mà nhiều khi cũng phải lừa lọc.
Bà Ba nói đến mánh khóe làm ăn để lảng chuyện sắm ô-tô mới. Ít lâu nay bà hơi nhu nhược đối với con gái, nhất từ khi con chính thức trở nên vị hôn thê một sinh viên trường luật sắp sửa thi đậu cử nhân.
Mới tháng trước bà đã phải bỏ ra hơn hai trăm bạc mua cho Cúc một cái nhẫn kim cương và một cái vòng ngọc thạch, vì Cúc nằng nặc đòi cho bằng được.
Cúc ngồi chú ý lắng tai nghe những lời chí thú của bà Ba. Nhưng lúc bà ngừng nói, nàng lại quay về việc ô-tô:
- Giá cứ ở lỳ xó làng Giáp thì cũng chả sao. Nhưng vác cậi ô-tô tã này đi Hà Nội... con tính chả tiện tí nào... Con thấy người ta đứng lại nhìn xe nhà chạy qua, mà con ngượng ngượng là.
- Cô ngượng thì cô đừng ngồi nữa... Chờ khi nào chồng cô đi làm quan, có tiền bỏ ra mà mua xe đẹp... Chứ gái già này chỉ có thế.
Cúc im hẳn, đương tìm chuyện để nói lảng thì bà Ba lại tiếp luôn:
- Với lại, cô phải biết, đó là cái kỷ niệm của thầy, nên tôi muốn giữ nó hết đời tôi. Mỗi lần ngồi vào xe tôi lại nhớ đến thầy. Cô thì cô biết gì. Cô chỉ nghĩ đến sang, đến ăn, đến chơi. Ngày giỗ thầy cô chả được lấy một giọt nước mắt. Rồi nay mai về nhà chồng, cô quên nốt cả tôi đi... là xong.
Bà Ba cảm động, hai giòng lệ trào ra hai bên má.
Hơn ba giờ sau, xe tới Hà Nội. Bà Ba mặt hơi tái, run lập cập bước xuống dìa hè, bảo Cúc:
- Mới sang tháng Mười mà đã rét thế.
- Chắc lại bão rớt đấy, me ạ. Tháng trước chẳng rét mấy hôm rồi lại nóng ngay đấy thôi.
Cúc mỉm cười nói tiếp:
- Với lại cũng một phần vì cái xe hở lung tung gió mới lùa vào. Ấy là không kể cái tội dầu khét, đóng kín cửa thì ngạt hơi không thở được, mà mở cửa thì rét.
Bà Ba không thèm để ý đến những lời dai dẳng của Cúc nữa. Bà hớn hở chào lại bà cả! Cấp vừa cùng hai đứa con nhỏ và bọn người nhà chạy ra cửa đón bà.
- Dì cả đấy à?
Cúc chắp tay và hai nghiêng đầu:
- Lạy dì ạ.
Bà cả Cấp là em cùng mẹ khác cha với bà Ba. Chồng bà ta làm thư ký ga Hà Nội, trước nhà ở gần nhà bà Ba. Nhưng từ khi góa mà lại thường phải xa vắng Hà Nội, bà này đã bảo vợ chồng em đến ở hẳn nhà mình cho vui.
- Thế nào dì, hai bát họ dì vẫn đóng cho tôi đấy chứ?
- Vâng, em vẫn đóng.
- Món nợ đằng hàn Tư dì có thúc cho tôi không?
- Đã, bà ta hứa mai kia đem đến nộp chị.
Cúc vội hỏi:
- Món nợ bao nhiêu thế, dì?
- Cữ hai nghìn, cháu ạ. Bà hàn giựt tạm để mua tơ.
Cúc vỗ tay reo:
- A! Thế me mua ô-tô mới nhé!
Bà Ba quắc mắt lườm con:
- Mua vái bán gì! Tiền làm ăn của người ta đấy.
Rồi bà quay sang bảo bà Cả:
- Có phải không dì, nó muốn đi ô-tô sang thì rồi nó bảo chồng nó mua cho nó. Chúng mình, già rồi, dùng ô-tồ móm mém cũng được.
Bà Cả chợt nhớ ra:
- A, thưa chị, cụ huyện vừa cho người lại hỏi đường đất đi làng Giáp. Nghe đâu cụ định mai cùng đi với cậu cử về Giáp thăm chị.
- Thế à! Vậy dì cho người lại ngay nói với cụ huyện rằng tôi đã lên Hà Nội, và mời cụ lại chơi nhé?
- Vâng. Em xin cho đi ngay... A, em nghe nói chị định nuôi vợ chồng cậu Khoa làm... thừa, tự, phải không?
- Ai bảo dì thế?
- Việc ấy người ta đồn ầm cả lên. Hôm nọ bà Hai, bà mối ấy mà, đến chơi, bà ấy hỏi em, em cũng bảo chị chưa định ra sao, mà cũng chưa bao giờ ngỏ cho em biết, em nói thế có được không?
- Dì nói thế, phải đấy. Vậy dì cho nó đi báo tin cụ huyện biết ngay rằng tôi đã lên Hà Nội nhé!
- Vâng.
Bà Ba theo bọn người nhà khuân vác hòm siềng và va-li lên gác, vì mỗi lần đi Hà Nội hay về làng Giáp, bà thường đem theo đủ các thức cần dùng xếp chật ních lên cái ô-tô cũ.
V
Một lái sau nghe tiếng léo xéo ở nhà dưới, bà Ba đã tưởng mẹ con chàng rể đến. Nhưng đó chỉ là bà Hai.
Bà Hai, một người bé nhỏ, hầu loắt choắt trong cái áo mền the lót nhiễu kỳ cầu may chẽn. Nét mặt đều đặn, chân tay xinh xắn, bà trẻ hơn tuổi nhiều. Bà cũng biết thế và vẫn lấy làm tự hào. Trong những bàn tổ tôm không mấy khi bà quên thuật một câu chuyện về tuổi bà, mà mỗi lần bà thay đổi đi đôi chút cho được tự nhiên. Chẳng hạn bà thượng nọ, bà án kia hỏi năm nay bà đã đến năm mươi chưa. Hay con mẹ phủ B. tưởng bà mới bốn nhăm là cùng. Rồi bà cười the thé tiếp liền:
- Thế mà năm tư rồi đấy, các cụ ạ. Già lắm rồi còn gì!
Sự thực, bà Hai chưa già, và cũng chưa muốn già. Lượt phấn dầy bà dùng để che lấp những nét dăn trên má đủ chứng tỏ điều ấy. Nhưng cũng không phải bà trang điểm để được người ta ngắm nghía. Không, đó chỉ là một thói quen của những bà đồng. Vì bà Hai là một đệ tử rất trung thành của các cửa đền, cửa phủ: Mỗi khi hầu bóng, trong khuôn chữ nhật chiếc gương dá cái mặt trắng bợt dưới những nếp khăn xanh khăn đỏ hiện ra dịu dàng, thân mật, khiến những lúc thường, bà Hai vẫn say đắm nhớ tưởng cái hào nháng trẻ trung tươi tắn ấy như người ta nhớ tưởng mặt tình nhân vậy: Đó là cái cớ xui giục bà chăm chú vào việc phấn sáp điểm tô.
Sau cái thú ngồi đồng, phải kể cái thú tổ tôm của bà Hai, tổ tôm góp từ một cho đến năm đồng. Chỉ nhìn bà căng thẳng cặp môi mỏng ra để đọc câu “máu mê cây bài lá bạc” hay ngắm đôi mắt một mí của bà cười nheo ra hai bên thái dương khi bà trông thấy “chân thứ năm” tới họp, người ta đủ rõ bà thích tổ tôm đến bực nào.
Cây bài không hẳn đã giới thiệu bà với số đông các bà quý phái và trưởng giả. Vả chính bà cũng sinh trưởng ở trong đám ấy. Bà là con một ông huyện, là vợ lẽ một ông phủ đã quá cố và là mẹ vợ một ông phán tòa sứ - bà chỉ có một con gái. Nhưng dẫu thế mặc lòng, tổ tôm vẫn giúp cho sự giao du của bà một ngày một thêm rộng. Và nhờ đó bà đã nghiễm nhiên trở nên một bà mối.
Làm cái việc “thay ông Tơ bà Nguyệt” ấy, bà thường nói, bà chỉ cốt giúp bà con, chứ chằng hòng kiếm chác, tuy bà cũng không từ chối những số tiền lớn mà người ta cho bà dựt tạm để bà không hoàn lại. Những món nợ ấy cả hai bên - người vay và người cho vay - đều ngầm hiểu rằng không bao giờ nên nhắc đến nữa.
Hôm nay nhân bà huyện nhờ bà đến bà Ba để nói nhiều câu chuyện có liên can tới việc cưới xin, bà không quên, lúc ra đi, những việc riêng của bà. Bà biết rằng bà Ba ưng Phan lắm, nhất từ hôm anh chàng ấy đậu xong cái bằng cử nhân luật. Vậy thì lúc này chính là lúc bà phải cần đến một món tiền để trả nợ ai đó, hay để lấy cái nhà nào đấy bằng một giá hời. Lúc này hay không lúc nào hết. Bà Ba giàu lắm, không ai còn lạ điều ấy. Nhưng cũng không ai lạ rằng bà ta chặt chẽ, keo bủn nữa. Cưới xong con bà ta rồi, bà ta sẽ không còn thấy chút liên lạc gì giữa bà ta với bà mối.
“Bấy giờ thì còn hòng gì?”
Bà Hai vừa đi vừa nghĩ thầm. Và, khi tới cổng nhà bà Ba, bà đã vội xếp đặt sẵn những mưu mà bà sẽ đem ra thi thố. Bà thành thực cho rằng “chú rể” nay đã lên giá, và nếu bà không làm cao thì bà thực ngốc, thực vô lý.
Vì thế bà vào ngay chuyện bằng một câu khoác lác:
- Thưa cụ, - đối với những chỗ thân, bà Hai thường không dùng tiếng cụ lớn - cậu cử cậu ấy thi như đùa mà cũng đỗ.
Bà Ba cười sung sướng, vẻ mặt hớn hở:
- Thưa cụ, cụ biết đâu rằng cậu ấy thi đùa?
- Thưa cụ, vì hôm nọ tôi đến chơi đằng nhà gặp cậu ấy ra đi, tôi hỏi: “Sắp thi rồi, cậu cử không ở nhà học, lại đi chơi à?” Cậu ấy bảo: “Cụ tính thi cử nhân thì hỉ mũi một cái cũng xong, cần gì phải học!”. Ấy thế mà thực học chơi học bời cũng đỗ được mà lại đỗ đầu nữa cơ chứ! Gớm thật! Chịu cậu ấy thông minh. Sức ấy rồi có thể đỗ tiến sĩ, thạc sĩ, trạng nguyên đấy, nếu sang Pháp mà học thêm được... Mới một tí tuổi đầu!
- Chỉ sợ cậu ấy không thích sang Pháp thôi.
Bà Ba khoe giàu một cách kín đáo, nhưng bà Hai cũng hiểu ngay.
- Nghe nói cưới xong, cụ cho cậu mợ sang Pháp, phải không ạ?
Bà Ba cười he hé:
- Tôi vẫn nghĩ thế. Nếu cậu cử muốn học nữa thì tôi cũng phải lo đủ tiền cho cậu ấy học chứ.
Bà Hai cười theo, giọng cười ầm ỹ để che sự nhạt nhẽo và giả dối.
- Cụ thì việc gì phải cố mới cho được cậu cử sang Pháp!
Rồi không một ý tưởng liên lạc, bà nhảy ngay sang câu chuyện hỏi vợ cho Phan - Cái lối nói chuyện đầu Ngô mình Sở ấy, bạn bè của bà thường cho là có tính cách đồng bóng, nhưng kỳ thực đó chỉ là một lối xã giao khôn khéo.
Bà kể câu chuyện ấy với bà Ba đã nhiều lần, thế mà nay bà vẫn thuật lại dài giòng với một giọng rất tự nhiên, coi như bà Ba chưa từng nghe bao giờ.
Đó là một thói quen của nghề nghiệp. Mỗi một đám bà làm mối, bà lại thêu dệt nên một câu chuyện văn hoa. Câu chuyện về Phan thì như thế này:
Cậu cử Phan khó tính lắm. Cậu thường ngỏ với cụ huyện rằng một là lấy được người vợ thực vừa ý, hai là suốt đời ở vậy. Còn cách kén chọn của cậu cử thì lạ lùng quá. Năm kia cụ thượng Bùi bắn tin muốn gả một cô con gái cho cậu. Cụ có hai cô, cô Ngọc mười chín, và cô Kim mười tám. Bà Hai đưa ảnh hai cô cho cậu Phan xem, nhưng cậu mỉm cười chê: “Các cô ấy mới quá, tân thời quá. Mà nghe đâu lại sính nhảy đầm lắm”. Thế là hỏng một đám.
Mấy tháng sau lại một đám khác, con gái một ông Hàn cự phú xứ quê. Cậu Phan xem ảnh chê đần. Bà huyện nói đùa: “Người ta đần nhưng người ta có mấy vạn hồi môn”. Mà sự thực, lời bà Hai, ông Hàn hứa cho con rể hai cái nhà ở Hà Nội và một trăm mẫu ruộng...
Đến đây, cũng như nhiều lần trước, bà Ba ngắt câu chuyện, bảo bà Hai:
- Người ta giàu thực! Cho những hai cái nhà với một trăm mẫu ruộng! Những hạng cóc vàng xứ quê, chị em mình ở thành phố bì sao được, phải không bà nhỉ?
Bà Hai mắt liếc, miệng chúm chím, cái điệu bộ của một bà đồng trong khi hầu giá, đương khoái trí vì một câu nịnh của bọn tín nữ:
- Rõ khéo, việc gì phải lôi người ta vào! Chúng mình thế quái nào được, cả cơ nghiệp nhà tôi không bằng cái... chuồng chim nhà bà nói chúng mình làm tôi thêm thẹn.
Rồi bà kể tiếp, câu chuyện bỏ dở:
- Lấy nhau thực tại duyên số cả, cụ ạ. Hôm tôi đưa cho cậu Phan xem ảnh của cô Cúc...
Bà Hai nhìn Cúc, mỉm cười gật luôn mấy cái se sẽ, và nói lẩm bẩm:
- Tốt đôi thực!
Câu khen ngợi làm bà Ba cảm động ngồi lặng ngắm con. Cúc bẽn lẽn cúi đầu rồi chạy vào gác trong. Bà Ba vội gọi:
- Cúc!
Cúc đứng lại, quái cổ hỏi, giọng hơi gắt:
- Me bảo gì ạ?
Bà Ba ngượng với khách vì cái cử chỉ vô lễ của con mình, nên nói tuế tóa:
- Thôi, mời cô cứ vào trong ấy, tôi không cần nhờ cô việc gì ở ngoài này hết.
Cúc là con nuông của bà. Ngay từ thủa nhỏ được thả lỏng, không bị bắt ne bắt nét dạy vào khuôn vào dịp, thành thử nàng không có cái thông minh lanh lẹn, hóm hỉnh, hay nghịch ngợm của bọn cắp sách đi nhà trường, mà cũng không có cả cái ngoan ngoãn nết na tuy đần độn của phần đông các thiếu nữ vô học.
Bà Hai thừa biết chỗ nhược điểm ấy của cô con gái mà hiện giờ bà cần phải trông thấy hoàn toàn. Bà nhìn theo nàng và như nói một mình:
- Thực là tốt đôi!
Rồi bà lại kể tiếp câu chuyện bịa đặt, thêu dệt bằng những lời văn hoa lòe loẹt. Không thấy bà Hai nhắc tới một câu mà nhiều lần trước bà ta đã thuật rất rành mạch và lần này có lẽ bà ta nhãng quên đi, bà Ba liền hỏi:
- Sao cụ bảo cậu Phan nói nếu không lấy được Cúc thì thề không lấy ai?
- Vâng, chính thế. Cậu ấy khen nhà cụ là một nhà đại gia. Cậu ấy đáo để lắm cơ đấy, cụ ạ. Kén vợ đã đành, nhưng còn kén cả nơi môn đăng hộ đối...
Bà Hai ngừng lại, suy nghĩ, rồi thốt nhiên hỏi:
- Thưa cụ, dễ cụ có đến mười cái nhà ở Hà Nội đấy nhỉ?
Bà Ba giọng nói nhún:
- Có đâu!... Sáu cái thôi... Mà chỉ có hai cái là mỗi tháng cho thuê được hơn trăm bạc một cái. Còn bốn cái kia tiền thuê có ra gì đâu, chỉ từ bốn đến sáu chục...
Bà Hai cười, ngắt lời:
- Thì hãy thế! Dễ chỉ những tiền thuê nhà ở Hà Nội, mỗi tháng cụ cũng đã thu tới năm trăm rồi. Gấp rưỡi lương quan Tổng đốc còn gì!... A, cụ huyện định sang Giêng xin đón mợ cử đấy, xin thưa để cụ rõ, và xin cụ cho biết cụ cho dẫn những gì?
- Thôi bây giờ văn minh, thế nào xong thôi, cụ ạ, giản dị là hơn hết, chứ kể ra thì nhà tôi quen khắp các quan ở Bắc kỳ, biết dẫn bao nhiêu cho đủ được.
Bà Hai lại cười he hé như lúc bóng cậu thích trí sắp ban thưởng cho bọn chân nhang, và giọng bà nửa đùa bỡn nửa trang nghiêm:
- Thế nào! Hôm cưới cụ định cho cậu cử mợ cử những gì?... Một cái ô-tô kính nhé? Hai cái nhà nhé?
Bà Ba mắt mở to đăm đăm nhìn bà Hai:
- Còn phải cho chác gì nữa! Thì của tôi là của cậu mợ ấy cả, chứ còn là của ai vào đấy mà phải bày vẽ...
Nhìn vẻ mặt tưng hửng của bà mối và hiểu rằng mình nói hớ, bà Ba liền chữa:
- Vâng, nếu cậu cử muốn tôi mừng thì rồi tôi mừng, mừng gì cũng được. Miễn là cậu cử ra làm quan thì mừng gì thì mừng... Cả cơ nghiệp đấy.
Bà Hai trầm ngâm hỏi:
- Thế sáu cái nhà ở Hà Nội, cu định cho cậu cử mợ cử những cái nào còn những cái nào cụ cho cậu Khoa?
Bà Ba ngơ ngác hỏi lại:
- Cho cậu Khoa? Sao lại cho cậu Khoa?
Bà Hai thản nhiên:
- Sao tôi nghe nói cụ cho cậu Khoa ăn thừa tự... cụ định gây dựng cho cậu Khoa?
Bà Ba cười:
- Nào đã có gì đâu!... Người ta cứ đồn ầm lên thế đấy thôi, cụ ạ... Chứ tôi nhờ giời cũng được một mụn con. Thời buổi này con gái cũng như con giai, với lại theo luật mới thì con gái cũng được giữ việc hương hỏa như con giai...
Bà Hai vui mừng:
- Vâng, cụ nghĩ thế rất phải.
Và bà cho rằng công việc bà mối đến đấy đã ổn lắm rồi, bây giờ bà nên kíp nghĩ đến quyền lợi của bà. Bà đứng dậy cáo ra về. Để được tự nhiên, bà định bụng tới phút cuối cùng mới nói câu chuyện riêng. Quả thực tới cổng, bà như chợt nhớ ra, bảo bà Ba:
- Cụ ạ, có món tơ của một chỗ quen thuộc họ đem cầm nhưng họ giấu tiếng... Tơ tốt, giá cầm lại hời, lãi phân rưỡi mà họ chỉ cầm lửa, độ một tháng trở lại. Tôi thu xếp nhặt nhạnh chỉ được hai nghìn, thiếu mất có năm trăm, giá cụ có cho giựt tạm thì hay quá.
Bà Ba giọng xuýt xoa:
- Thưa cụ, thế thì hời thật đấy. Rõ tiếc quá. Giá cụ hỏi hôm qua thì tôi sẵn. Năm trăm chứ một nghìn cũng đủ... vì món tiền bán thóc mới sáng nay tôi cho một cho quen thuộc vay mất rồi.
Bà Hai tươi cười đáp lại:
- Vâng, tôi cũng biết các cụ thì tiền nong xuất nhập luôn luôn mấy khi để nằm không. Thôi, tôi lên hỏi cụ bố hàng Đào vậy... À, cụ có biết cụ bố hàng Đào không nhỉ?
- Thưa cụ, cụ bố hàng Đào thì ai không biết?
Bà Hai mỉm cười nháy mắt, hạ giọng, bảo bà Ba:
- Ấy, cô Huyền con gái cụ bố cũng đã ngấp nghé cậu cử mãi đấy. Cô ả thì được cả nhan sắc lẫn học vấn, nhưng phải cái...
- Phải cái sao, thưa cụ?
Bà Ba vội hỏi. Bà Hai chậm rãi đáp:
- Phải cái hơi tự phụ... Mà bà mẹ thì chắt bóp quá.
Bà chép miệng nói tiếp:
- Nhưng thử cứ hỏi xem. Thôi, lạy cụ.
- Không dám, lạy cụ.
Bâ tưởng bà Hai đi hẳn, nhưng không, bà còn quay lại hỏi nữa:
- À, thưa cụ, về câu chuyện “thừa tự” tôi cứ nói với cụ huyện rằng cụ cũng chưa nhất định ra sao.
- Vâng... A, cụ nói... không có gì cả... Với lại... hay là cụ hãy ngồi chơi, tôi hỏi dì phán chán xem.
- Hỏi điều gì ạ?
- Hỏi xem có sẵn tiền, tôi giựt tạm giùm cụ.
Cố nhiên bà Ba giựt tạm được, vì món tiền giựt tạm ấy chỉ là tiền của bà. Nhưng từ năm trăm, nó đã rút xuống hai trăm. Hơn một điều là bà ngỏ ý cho bà Hai hiểu rằng hai trăm bạc ấy bà biếu hẳn. Bà nói:
- Cụ hay cầm tạm, khi nào sẵn tôi sẽ xin đưa nốt. Hai trăm bạc này cụ cứ giữ hộ, rồi bao giờ tiện vào Thanh có việc gì, cụ mua giúp cho ít quế tốt. Nghe nói cụ sành quế lắm.
Bà Hai cười, sung sướng:
- Vâng, thưa cụ, tôi mua quế thì khó lòng mà nhầm được.
- Thế thì cụ để tâm giúp cho nhưng xin cũng đừng vội.
Trước khi từ biệt, hai người còn vái chào nhau hai, ba lần nữa. Bà Ba tiếc của, buồn rầu bước lên gác, miệng lẩm bẩm nguyền rủa bà Hai.
VI
Từ buổi hội kiến ở nhà bà Ba, Tính và Chuyên, hai chị em dâu lại áy náy, khó chịu. Không hẳn là ngờ vực, ghen ghét như xưa, nhưng là một tính tình làm cho người ta tức tối, uất ức không duyên cớ. Hình như có cái gì đè nặng trĩu bên lòng, mà hai người cùng không bao giờ dám hé môi thổ lộ với ai, vì thế sự bực bội thầm kín càng tăng lên mãi.
Đã nhiều lần, Chuyên bỏ cơm vào buồng nằm. Đầu nàng nóng ran, tim nàng đập mạnh, khiến Khoa tưởng nàng ốm. Nhưng đó chỉ là biểu hiệu của sự căm giận cực điểm. Nàng giận ai? Nàng tự hỏi, và tìm mãi xem đáng giận người nào nhất, và vì sao mình lại giận. Nhưng nàng chỉ thấy những ý nghĩ, những cảm giác, những cảm tưởng của nàng lờ mờ chung quanh mấy nhân vật: bà Ba, sư Giáp, và Tính.
Đối với Tính, tuy ngoài mặt Chuyên tỏ tình niềm nở, thân mật nữa, nhưng trong thâm tâm, nàng vẫn đinh ninh rằng hai người khó lòng còn có thể trở lại hòa thuận như trước. Đôi bên đã nói nhau những câu thô lỗ, đã xử với nhau một cách tàn tệ, thì những ngôn ngữ, cử chỉ ấy đến ngày chết cũng không quên nhãng được.
Chuyên cho là thế, yên trí là thế. Tính cũng cho là thế và cũng yên trí là thế. Mà khi đàn bà họ đã yên trí một điều gì thì không ai còn có tài khiến được họ nghĩ khác. Khoa và Trình đều ngầm hiểu rằng tình thế vẫn khó khăn, vẫn gay go, ngay từ hôm sự hòa thận trở lại trong hai gia đình, sự hòa thuận mà hai người cùng mong lâu bền, nhưng cùng cảm thấy bấp bênh, mỏng mảnh. Họ cười bảo nhau: “Hai ngọn hỏa diệm sơn tạm im không phun lửa. Ta đừng vội mừng”.
Nhưng họ không thất vọng, cùng nhau quả quyết và khôn khéo cố gây lại cảnh bình tĩnh, êm ấm đã mất vì “bọn đàn bà”. Trong câu chuyện riêng họ thường dùng ba tiếng “bọn đàn bà” để tỏ hết lòng tức giận và khinh ghét của họ. Và có lần giữa một bàn tổ tôm, Khoa nửa đùa nửa thực đã ném ba tiếng ấy vào mặt Tính và Chuyên:
- Chà! Ai thèm chấp bọn đàn bà làm gì!
Tức thì hai chị em dâu nhao nhao lên phản đối:
- Bọn đàn bà làm sao?
Trình phải vui cười giảng giải, câu chuyện mới không thành ra to. Sự thực, Tính và Chuyên có lúc cũng nhận thấy những cái nhỏ nhen của mình và của tất cả “bọn đàn bà”. Nhưng họ không ưng để người khác, để một người đàn ông dù là chồng họ, chỉ trích, chế riễu. Lúc bấy giờ thì hai người đàn bà ghét nhau đến đâu cũng hợp sức lại để tự bênh vực lấy danh dự chung.
Thấy vợ và chị dâu thường lồng lộn lên vì câu trêu tức của mình, Khoa mỉm cười nghĩ thầm: “Nếu lúc nào họ cũng thực bụng vào cánh với nhau như lúc nào thì hai gia đình sẽ yên ổn biết bao!” Và chàng lập tâm giả tảng về hùa với Trình để cùng công kích hai người đàn bà: “Làm thế để họ thân nhau”.
Nhưng lần nào cũng vậy, sau sự sốt sắng bồng bột chốc lát, sự lạnh lùng cố hữu lại trở vào hai tâm hồn cứng cỏi kia ngay.
Một hôm Chuyên đỏ bừng mặt trả lời lại chồng:
- Đàn bà cũng năm bảy hạng, tôi không như ai đâu, cậu đừng vơ đũa cả nắm.
Khoa cho là một câu hồn nhiên, không ám chỉ ai. Nhưng Tính lại không cho là thế. Nàng nguýt dài quay đi, khiến Trình trông thấy, và sợ vợ cáu kỉnh đối đáp lại em dâu, chàng vội vui vẻ nói chữa:
- Vâng, chúng tôi nói là nói chung một số đông đàn bà, chứ hai bà thì cố nhiên không như bọn họ.
Rồi lảng sang chuyện khác ngay.
Từ hôm ấy, trong những bàn tổ tôm hay bàn chắn mà Trình và Khoa lập nên để gây tình hòa hợp, hai người đàn ông càng giữ gìn lời nói, nhất thiết không đá động tới bà Ba với việc “thừa tự” của bà ta. Hễ thấy Tính hoặc Chuyên nhắc đến tiếng “troisième” thì Trình hay Khoa đã gạt phắt:
- Thôi, tôi xin các bà, còn nói đến cô ta làm gì nữa!
Tức khắc hai người đàn bà im ngay.
Nhưng nếu có mặt bà lý Thuận hay anh cả Thiện thì không còn ai có thể giữ nổi Tính và Chuyên: Họ tranh nhau gợi chuyện và thuật những điều không hay về bà Ba. Vì họ cho rằng hai người kia đến chơi chỉ có một mục đích do thám, nên họ nói bắn tin cho về mà “tâu nịnh với bà khọm”.
Cả Thiện là một người trong họ ông án, được bà Ba giao cho trông nom những ruộng vườn ở làng Giáp. Chàng ta đã nổi tiếng khéo nói, và Chuyên cho rằng chỉ nhờ sự xu mị mà chàng ta được lĩnh chân quản lý của bà Ba.
Một hôm, nhác thấy Thiện đến cổng, Chuyên vội gọi người nhà đun nước rồi rất niềm nở mời chào:
- Bác lên gác chơi với nhà tôi.
Thế rồi dăm phút sau, Tính và nàng vờ thẳng thắn, vô tâm hỏi Thiện những câu rất hóm hỉnh.
- Bà Ba sắp cho cưới cô Cúc, phải không? Bà Ba đi đâu cũng khoe khoang chàng rể, phải không?
Thiện đáp qua quít cho xong và cố nói lảng sang chuyện khác.
Nhưng khi nào hai người đàn bà kia chịu để cho chàng lẩn thoát; họ kéo chàng cho bằng được vào trong câu chuyện bà Ba. Và nếu chàng không trả lời thì Chuyên sẽ kể một câu chuyện cho mà nghe, một câu chuyện về chú rể chẳng hạn.
Cứ theo chỗ biết của Chuyên thì chú rể không những là một anh đào mỏ, mà còn ở trong một gia đình chuyên môn đi đào mỏ nữa, vì hai người anh Phan đều sống về gia tài của vợ và của gái.
Khoa cau có cự vợ:
- Mợ lôi thôi lắm, đèn nhà ai nhà ấy rạng, có được không. Can chi lại cứ đi kháo chuyện nhà người ta!
Chuyên gắt lại:
- Thì việc gì đến cậu!
Rồi quay sang bảo Thiện:
- Tôi nói bác biết vậy thôi nhá. Đừng kể đi kể lại với bà Ba làm gì.
Câu chuyện lại nối. Chuyên thành thạo tả rõ từng người trong cái gia đình bà huyện. Bà này đáo để lắm, dạy khôn dạy khéo cho con biết đường mà đào mỏ, mà khảo của vợ. Cái mặt bà ta phèn phẹt, cặp môi bà ta mỏng dính, hai hàm răng khít lại nhau khi bà ta cười cũng như khi bà ta nói. Chuyên vẽ bà huyện như theo kiểu mẫu mà nàng đã ngắm nghía nhiều lần. Kỳ thực nàng chưa hề gặp mặt bà ta, chỉ tả theo những lời đã được nghe, và thêm thắt vào cho bức tranh của mình có vẻ hoạt động.
Kể đến người con trai cả, Chuyên chỉ nói qua là một anh chàng đào mỏ, vì về người này, nàng không biết chuyện mà cũng chẳng rõ đời sống ra sao. Nhưng đến người anh Hai của Phan thì Chuyên tả bằng những lời rành mạch, tỉ mỉ và cố nhiên chua chát. Đó là một anh đào mỏ “có bằng cấp” hẳn hòi, vì chàng đỗ kỹ sư. Và Chuyên thêm luôn “kỹ sư mỏ” tuy người kia chỉ có cái bằng kỹ sư hóa học tại một trường tư ở bên Pháp. Đem mảnh bằng cao cấp ấy về nước, chàng ta đi hỏi vợ đâu mà không đắt, vì thế năm nay mới ngoài ba mươi tuổi, chàng ta đã hai lần bỏ vợ, toàn con nhà giàu và sang nữa. Hiện nay chàng đương ở với một cô tình nhân cũng giàu lắm, vợ một người bạn của chàng.
Không bao giờ Chuyên vui vẻ bằng những lúc nàng thuật lại chuyện xấu của người khác, nhất của người mà nàng ghét sẵn. Má nàng hồng hào, mắt nàng long lanh và đưa đi đưa lại rất mau. Tính cũng vui sướng như em dâu, và tin rằng những lời vừa được nghe toàn là sự thực cả. Nàng không kịp để ý đến những chi tiết mà mỗi lần thuật lại, Chuyên đều thay đổi, thêm bớt chút đỉnh - câu chuyện nàng kể có tới hằng chục lần rồi. Nhưng Trình nhận thấy những chỗ mới bịa đặt. Và chàng mỉm cười nghĩ thầm: “Lâu dần có ngày thím ấy sẽ kể thành một câu chuyện khác hẳn”.
Cách đó nửa tháng, bà Ba bỗng đến chơi. Có lẽ Thiện đã mách bà những điều nói xấu của bọn Trình nên bà cần cải chính. Bà đã cho Tỉu báo trước rằng bà sắp sang chơi nên hai anh em sửa soạn tiếp bà ở phòng khách nhà Trình. Tính và Chuyên băn khoăn hỏi nhau:
- Không biết cô ta sang làm gì thế?
Thấy hai người đàn bà nhắc đi nhắc lại mãi câu ấy, Trình phát gắt:
- Thì sang làm gì rồi sẽ rõ, can chi phải lo sợ...
Chuyên quắt mắt cự lại:
- Ô hay! Anh ăn nói hay nhỉ. Việc gì tôi phải sợ ai?
Ngay lúc ấy có tiếng bà Ba và Cúc ở cổng. Chuyên bảo Tính cứ ngồi yên, không cần phải ra đón! Nàng tiếp:
- Làm bộ, lần nào cũng hắng dặng.
Tính nói trống không:
- Mà đi đâu cũng lôi con gái đi theo. Chưa thấy lần nào cô ta đi một mình.
Khoa vẫn nhanh nhảu và có tính hay nể, nhất đối với đàn bà, dù người già hay người trẻ - cái tính ấy đã làm cho chàng nhiều lần cãi nhau với vợ. Thấy bà Ba đi vào sân, chàng bước xuống thềm chào lí nhí:
- Cô.
Liếc qua mành mành vào trong nhà biết Tính và Chuyên có ngồi ở đấy, bà Ba liền đứng lại:
- Không dám, anh.
Cúc chắp tay vào ngực nghiêng đầu, cái lối chào mà nàng cho là rất Hà Nội:
- Lạy anh ạ.
- Không dám, cô.
Bà Ba đậm đà hỏi để bọn Tính sửa soạn ra chào:
- Lâu nay anh có được mạnh không?
- Cảm ơn cô.
- Anh Trình có nhà không anh?
- Có đấy... ạ.
Tiếng ạ, Khoa như ngần ngại, miễn cưỡng thêm vào, cho lời nói của mình đỡ cứng cỏi, đỡ cộc cằn hỗn xược.
- Còn hai chị đâu? Các bà ấy lại tổ tôm chứ gì! Lâu lắm không được đánh tổ tôm với hai chị, nhớ quá.
Đến đây, hai người đàn bà không thể gan hơn được nữa. Tính nhìn Chuyên. Chuyên quả quyết đứng dậy ra hiên. Tính cũng theo ra. Không để Chuyên nói trước mình, Tính vội vàng:
- Cô sang chơi!
Cho cách chào của Tính là vô lễ, Tính mà xưa kia, còn sinh thời ông án, bà vẫn coi thường và khinh bỉ nữa, bà Ba hất cằm hỏi Chuyên:
- Kìa chị Ba, sao bảo chị khó ở?
- Tôi cảm mất mấy hôm, nhưng đã khỏi.
Sự thực, Chuyên không ốm bao giờ. Chẳng qua bà Ba hỏi cho cô chuyện, và Chuyên đáp liều cho xong chuyện.
Mọi người vào phòng khách. Trình ở trên nhà thờ cũng vừa xuống. Bà Ba vào ngay chuyện:
- Tôi đến để nói cho các anh các chị biết rằng tôi định gả em Cúc cho cậu cử Phan, con cụ huyện.... hàng Bông. Người ta cũng là con nhà “trâm oanh”... Vậy trước khi nhận lời người ta, tôi đến hỏi ý kiến các anh, các chị.
Khoa mỉm cười nghĩ thầm: “Trâm oanh là cái quỷ gì/ Mà ngày nay làm quái gì còn có trâm với anh?”
Chuyên quay nhìn Tính, như để phân trần: “Ăn hỏi rồi, mới hỏi ý kiến, vô lý quá!” Và nàng thốt ra lời mai mỉa:
- Thường đã ăn hỏi rồi!
Bà Ba không chút ngượng ngập:
- Đành thế, vì tôi chắc tôi đã ưng thì các anh, các chị cũng ưng. Vả lại, nếu bây giờ các anh các chị không bằng lòng, cũng chưa muộn quá kia mà.
Câu nói đãi bôi của bà Ba làm cho mọi người cùng bất giác mỉm cười.
- Đấy, em các anh, các chị đấy. Quyền các anh, các chị...
Rồi cho bọn kia biết rằng bà không làm việc gì ngang trái, bà Ba thêm luôn:
- Anh huyện, chị huyện thì tôi đã hỏi ý kiến rồi. Anh huyện, chị huyện bằng lòng lắm, yêu em Phan lắm. Hôm đến chào anh huyện, anh ép em uống rượu say mềm cả người.
Vừa nói bà vừa liếc quanh một vòng để ngầm bảo:
“Tao chỉ cần anh huyện bằng lòng là được rồi. Còn chúng mày, tử tế thì tao bảo qua cho mà biết. Hạch sách gì?”
Một làn không khí lạnh lẽo như bao bọc lấy bốn người. Bà Ba lại thớ lợ liền:
- Các cháu đâu cả? Đi vắng lâu, nhớ các cháu quá. Già trẻ bao giờ cũng tương đắc.
Tính đáp nhạt nhẽo:
- Chúng nó đi học cả.
- Vậy em Cúc để hộp bánh lại cho các cháu nhé?
- Vâng.
Bà Ba đứng dậy:
- Thôi các anh các chị ở lại.
Trình tưởng nên mời một câu:
- Cô xơi nước đã.
- Cám ơn anh, tôi không khát.
Nhưng bà Ba cũng ngồi xuống nói, làm như đó là một câu chuyện mua vui:
- Buồn cười quá, các anh, các chị ạ. Có người mách với tôi rằng cậu kỹ sư, anh cậu cử, là người thế nọ thế kia. Tôi còn lạ gì cậu ta nữa... Hiền như bụt. Cậu ta đã hai đời vợ là vì lấy phải vợ không ra gì đấy thôi... Với lại, anh khác, em khác chứ, phải không hai chị?
Tính đưa mắt nhìn Chuyên. Chuyên bĩu môi quay đi: nàng biết rằng bà Ba ám chỉ mình.
Rồi bà ta đứng dậy, lần này dễ đi hẳn chứ không trùng trình nữa. Ra đến cổng, bà như chợt nhớ ra, nói to bảo Khoa:
- A, anh Ba, anh có bức thơ người ta đưa nhầm đến đằng tôi.
Cúc tiếp luôn:
- Vì phong bì người ta đề: chez Madame veuve án sát...
- Vậy chốc anh sang, tôi đưa cho. Với lại, tôi còn nhờ anh xem hộ cái giấy giao kèo cho thuê nhà viết bằng chữ tây kia.
Dứt lời, bà dắt tay Cúc đi thẳng.
Tính khó chịu nhìn Khoa. Và cái câu mà nàng đã nhiều lần muốn nói nhưng vẫn chưa nỡ, lần này nàng quả quyết ném ra, sau mấy tiếng cười khô khan mà nàng cố làm ra tự nhiên:
- Nghe đâu sư Giáp vẫn khuyên cô ta nên để chú ăn thừa tự đấy mà. Ngay hôm nọ, chú thím hẳn còn nhớ...
Câu nói vừa buột miệng, Tính hối hận ngay, và chữa:
- Vô lý quá!... Khi nào chúng mình lại chịu thế kia chứ.
Giữa lúc ấy bà Ba trở lại, trở lại một mình, lững thững đi vào trong sân. Gặp Trình, bà cười nói:
- Phải đấy, anh chị cho tôi uống nước đã. Có câu chuyện mà suýt nữa tôi quên.
Mọi người lại cùng vào ngồi ghế trường kỷ, trong phòng khách. Bà Ba bắt đầu:
- Xin nói để các anh, các chị biết: năm nay tôi không về nhà ăn tết được.
Kể thì thỉnh thoảng mới có năm bà Ba ở làng vào dịp tết.
- Vậy năm nay nhờ các anh, các chị cúng thầy cho.
Giọng bà ta trở nên thân mật, cảm động.
- Vì bên nhà giai họ nhất định xin cưới vào mồng tám tháng Giêng, người ta đã chọn được ngày lành tháng tốt, nên tôi cũng phải bằng lòng, chứ biết sao.
Ai nấy yên lặng ngồi nghe, vẻ mặt không biến đổi.
- Hôm ấy thế nào các anh các chị cũng lên Hà Nội mừng cho em nhé...
Đến đó nước mắt dễ dàng chảy ra. Và bà Ba sụt sùi nói tiếp:
- Nó đi lấy chồng rồi thì tôi trơ trọi một mình, các anh, các chị ạ. Tôi còn ở Hà Nội làm gì nữa... Thế nào tôi cũng về ở nhà... với các anh các chị, với các cháu tôi.
Nhận thấy vẻ lãnh đạm trên mặt Tính và Chuyên, bà Ba cười, đổi giọng ngay:
- À, mà các cháu đâu nhỉ?
Khoa đáp:
- Các cháu đùa nghịch cả ở bên chùa.
Bà Ba ngồi im một lát, rồi lại thở dài nói:
- Buồn! Tôi nghĩ mà tôi buồn, em nó đi lấy chồng rồi thì... chỉ còn các anh, các chị... Thế mà các anh, các chị chả thấu lòng cho tôi...
Ai cũng biết bà Ba muốn nhắc đến việc thừa tự, nhưng đều lặng thinh. Bà Ba cũng ngừng lại đăm đắm nhìn ngọn rặng cau trồng bên tường hoa. Bỗng bà như quên hết phiền muộn, đứng dậy. vui vẻ nói:
- Mai tôi lại phải đi Hà Nội sớm, các anh, các chị ạ. Thôi các anh, các chị ở lại nhé.
Không ai nghĩ đến giữ bà ta lại uống nước, nhưng cũng đều đứng dậy tiễn bà ta ra tới cổng. Hình như những nỗi đau đớn mà người đàn bà ấy vừa thổ lộ ra đã làm dịu lòng căm hờn của bọn cừu địch.
Trước khi từ biệt, bà Ba còn quay lại dặn Khoa:
- Anh nhớ sang nhà, tôi đưa cho bức thư. Với lại anh sang giúp tôi việc ấy...
Bà cười, nói tiếp:
- Sau khi em Cúc về nhà chồng, tôi sẽ phải nhờ đến các anh... các chị luôn... Các anh, các chị chả... nghe lời cũng chả được với tôi.
Rồi bà đi thẳng, để lại trong trí nghĩ bốn người một câu cuối cùng rất mờ nghĩa, mà họ đều đoán có dính dáng đến việc thừa tự.
VII
Xong việc cưới con gái, bà Ba coi như hoàn thành một công cuộc to tát, khó khăn, phi thường. Bà đã để hết tâm lực vào đó trong gần hai năm trời.
Thấy bà quá chăm chú săn sóc tới việc gia thất của con gái, Tính nông nổi đoán rằng bà sợ Cúc ế chồng. Nhưng sự phỏng đoán ấy thực chẳng căn cứ vào đâu, và không hợp lý một chút nào. Cúc mới mười bảy tuổi mà lại rất có duyên tuy không đẹp lắm thì thiếu gì kẻ cầu cạnh. Ấy là chưa kể cái tài sản kếch-sù của bà mẹ.
Nhưng sự thực, bà Ba vẫn lo lắng, lo lắng vẩn vơ. Tính đa nghi lại ngoắt nghéo, bà không thể nghĩ đến và tin ở sự bằng phẳng, thẳng thắn của cuộc đời lẫn người đời. Ai cũng có thể là kẻ thù của bà. Ai cũng có thể phản bà được. Vì thế lúc nào bà cũng phòng bị, e ngại.
Và vì thế, từ năm Cúc mười lăm, nghĩa là, theo ý bà, đã đến tuổi hiểu ái tình, bà không một lúc nào xao nhãng trông coi, giữ gìn con. Một dạo, ở làng Giáp, một việc đã làm cho bà mất ăn mất ngủ.
Nghỉ hè năm ấy, Can, em trai Chuyên, về làng Giáp ở chơi nhà anh rể ít lâu. Can theo học lớp nhất trường trung học Albert Sarraut, người rất tráng kiện vả xinh đẹp. Một hôm gặp bà Ba và Cúc trên đường làng, Can cất mũ chào. Cúc mỉm cười lấy dáng chào lại.
Buổi chiều, ngẫu nhiên Cúc đến thăm hai chị dâu. Thế là bà Ba lo sợ cuống quít. Bà cho rằng Chuyên đưa em về để định làm hại bà, để lập tâm phá hoại danh tiết con bà. Bà không ngờ vực nữa, bà tin chắc như thế. Trong óc bà hiện ra một thiên giai ngẫu với hết cả các thứ cạm bẫy của ái tình. Ngay hôm sau bà đem con đi Hà Nội, vội vàng, hấp tấp như đi trốn, như đi lánh nạn.
Mai nay Cúc yên bề gia thất rồi, bà mới vững dạ. Và về làng Giáp bà sung sướng, huênh hoang kể cho hết mọi người nghe những sự rực rỡ, long trọng, cao quý trong cái đám cưới của con bà, tuy nhiều người làng Giáp đã được bà mời lên Hà Nội dự tiệc, và đã được mục kích những sự rực rỡ, long trọng, cao quý ấy.
- Thực tôi chưa thấy đám cưới nào có nhiều ô-tô các quan khách như đám cưới này.
Bà quay ra hỏi bà lý Thuận:
- Đố chị biết bao nhiêu ô-tô?
- Bẩm mười hai cái.
Bà Ba gắt:
- Ồ! Đấy là xe nhà giai. Người ta hỏi ô-tô các quan cơ mà.
Bà lý Thuận đếm nhầm rồi đáp:
- Bẩm dễ đến hai chục.
- Hơn chứ! Ngoài ba chục. Xe cụ thượng Hoàng này, xe cụ thượng Nguyễn này, xe cụ thượng Lê này... gần đủ các quan đầu tỉnh.
Kể thì số người dự tiệc cũng khá đông thực, phần là bạn cũ ông án, phần là bạn của Bỉnh mà bà Ba đã khéo léo mua chuộc mấy tháng trước ngày cưới con.
Vợ chồng Trình và Khoa, hai ba lần bà khẩn khoản mời, nhưng bọn họ đều từ chối, khiến bà lấy làm căm tức lắm, nhất bà lại nghe thấy những cho quen biết nhao nhao lên hỏi: “Ông Hai, ông Ba đâu ạ?” Câu trả lời, bà đã sắp sẵn từ trước nên bà thản nhiên đáp ngay: “Anh Hai anh Ba cháu cùng ốm, mắc bệnh sốt rét cách nhật, anh Ba hơi đỡ thì anh Hai lại lây...” Và trong lòng bà thì thầm: “Rủa cho chúng nó ốm, cho chúng nó chết tiệt đi! Mình chiều chúng nó như chiều vong trong... bao nhiêu tháng giời chỉ cốt ngày cưới con mình chúng nó đến để mình che mắt thế gian...”
Che mắt thế gian, đó là điều bà Ba luôn luôn nghĩ tới, nhưng chẳng bao giờ bà che kín được hẳn. Cái mà bà muốn che đậy nhất là cái biển lận của bà. Bà giàu, bà muốn ai ai cũng biết. Bà kiệt, bà muốn ai ai cũng không hay. Nhược điểm ấy bà đã biểu lộ ra một cách rõ rệt trong đám cưới Cúc, và bắt đầu ngay từ hôm bà thách cưới với bà mối.
- Thách cưới!
Bà cười, bảo bà Hai. Rồi bà này chưa kịp trả lời, bà đã tiếp luôn:
- Chẳng thách gì hết, tôi cho không con đấy.
Bà mối tất phải mừng thầm. Nhưng bà Ba lại nói:
- Nghĩa là toi không thách tiền thách bạc gì hết.
Bà Hai tưởng nên nịnh một câu:
- Dạ, cụ thì còn thiếu gì tiền bạc nửa!
- Không phải thế, nhưng trong việc cưới xin mà nói đến tiền, nghe nó đê tiện lắm, phải không thưa cụ?
- Dạ, có thế.
- Nào có phải tôi bán con tôi đâu.
- Dạ.
- Nhưng dẫu sao... cũng phải cho... nó không lụi xụi...
- Vâng, lụi xụi thì coi sao được.
- Vì sẽ có đông các quan đến, người ta cười cho thì còn ra làm sao. Vậy... tôi cần hai mươi cái ô-tô.
Bà mối nhắc lại như để nhớ:
- Hai mươi cái ô-tô.
- Vâng, thế là ít đấy. Nhưng không sao, ô-tô các quan đi ăn cưới cũng đã đông lắm rồi. Có lẽ tất cả đến ba chục hay hơn thế.
Bà Ba vẫn lấy làm thích mắt được ngắm đoàn ô-tô thực dài đi riễu phố. Và bà thường theo số ô-tô nhiều hay ít mà đánh giá từng đám cưới.
Bà mối tưởng bà thách có thế, đương toan nhắc đến món hồi môn thì bà lại tiếp:
- Còn các đồ tư trang thì nhà giai sắm cho thế nào cô dâu sẽ dùng như thế. Nhưng tưởng cũng chẳng nên luộm thuộm mà người ta cười... Với lại mình sắm ra thì là của mình, của con mình, còn đấy chứ mất đi đâu, phải không, thưa cụ?
- Dạ.
- Cho con trước thì khỏi phải cho con sau.
Bà Hai víu ngay lấy câu ấy:
- Vâng, chính thế. Như cụ chẳng hạn, nhà cửa ruộng vườn của cụ sau này là của con gái cả, cho bây giờ cũng như sau này để lại cho. Trước sau cũng thế.
- Vâng, thì tôi vẫn nói với cụ thế.
Bà Hai chẳng nhớ bà Ba đã nói thế nào, nhưng cũng tiếp luôn:
- Vâng, thưa cụ, tôi vẫn nhớ, cụ có bảo thế. Vậy hôm cưới cụ cho...
Lần thứ hai, bà Ba ngắt lời:
- À, cụ biết giờ đón dâu rồi đấy chứ? Mười giờ, mười giờ sáng. Như thế được sớm sủa mà tiện. Vả ngày mồng mười cũng chỉ được có giờ ấy là tốt.
Sự thực, giờ ấy tốt nhất cho bà là vì bà sẽ đỡ được một bữa cỗ nấu. Sợ bà Hai nghĩ đến điều đó, bà nói chặn trước:
- Tôi rất ghét những bữa cỗ đón dâu. Chả ai ăn, chỉ bày ra để khoe khoang. Vì thế, tôi chỉ đặt tiệt trà. Nói là tiệc trà, nhưng chính là tiệc sâm-banh... Thế còn long trọng hơn cỗ bàn, mà văn minh biết bao.
Lảng được món hồi môn, bà Ba quay về món tư trang:
- Vậy cụ nhớ nói với cụ huyện may cho cô dâu... Thôi tùy cụ, cụ sắm nhiều thì con dâu cụ sang, cụ sắm ít thì con dâu mặc ít; còn vòng, nhẫn kim cương và các đồ tư trang khác cũng tùy cụ huyện cho thế nào thì được thế. Các đồ tư trang chỉ tốn cho cụ độ nghìn bạc là cùng... Thế nào xong thôi ấy mà.
Bà hai nghĩ thầm: “Rồi bà ấy khắc hiểu, mình ép nài quá bất tiện. Nhà con một thì người ta còn cho ai, mà sợ, vì hôm nọ bà ta đã nói với mình một lần nữa rằng câu chuyện cậu Khoa ăn thừa tự chỉ là một câu chuyện bịa đặt” Bà liền đứng dậy xin về để nói cho bà huyện rõ.
Nhưng hôm cưới, bà Hai lại khôn khéo nhắc tới món hồi môn. Bà ta đã dặn dò Phan từ trước nên lúc cùng cô dâu xin vào làm lễ, bà Ba từ chối thế nào chàng cũng nhất định không chịu lùi. Ở ngoài, bà Hai nói chêm:
- Lễ đi để cụ lớn mừng cho.
Rồi bà làm như nói một mình:
- Thế nào cụ lớn chả mừng cho vài cái nhà.
Nhưng bà Hai đáo để thì bà Ba cũng chẳng vừa. Bà đã lập mưu sẵn, để khỏi phải cho một tí gì.
Chỉ nghĩ đến phải cho, bà đã lo sợ, rùng rợn cả người. Bà Hai và nhiều người bảo bà: “Của mình là của con, giữ làm gì, cho trước có rảnh rang hơn không, mà lại được tiếng”. Những người ấy bà Ba liệt vào hạng không hiểu “cho” là cái gì: “Họ không làm ra tiền thì họ có gì mà cho. Nói thì dễ dàng lắm, ai chả nói được. Nhưng mà cho? Khó lắm!” Bà tốn bao nhiêu công lao, mưu kế trong bao nhiêu năm trời mới có được cái tài sản ngày nay. Cái tài sản to tát ấy bỗng đem cho đi. dù là cho con nữa, vô lý quá. Khi bà chết rồi, tha hồ người ta muốn làm gì thì làm, bán đi, tiêu đi, cho đi, mặc kệ.
Nhưng nay bà còn sờ sờ ra đấy, lại đem của mồ hôi nước mắt mà cho chúng nó để chúng nó bán ư? Để chúng nó phá ư? Không, không thể được.
Bà Ba nhất định giữ cho bằng được cái tài sản mà bà quý hơn tính mệnh: “Thà chết đi còn hơn là ngồi đấy mà dương mắt nhìn người ta bóc lột!” Bởi vậy, bà đã thức trong nhiều đêm để tìm cách ra thoát một bước khó khăn. Khó khăn, vì nói trắng ra với bà mối rằng mình không cho con rể gì hết thì việc nhân duyên của con gái chắc sẽ không thành, mà hứa một lời rành rọt thì rồi thế nào cũng phải giữ lời hứa: Bà khôn khéo chơi cái nước đôi, không chối hẳn rằng không cho, cũng không hứa rõ là cho, nhưng vẫn nói úp mở để bên nhà trai hy vọng.
Song cái món mừng chủ rể, bà thấy khó tránh quá: “Một là mừng một vài cái nhà, hai là bỏ hẳn cái món mừng ấy đi, chứ cho mấy trăm bạc chẳng bõ làm trò cười cho bên nhà giai”. Bà quả quyết không mừng gì hết, và bà nhờ bà phán Cả giúp một tay, vì thường thấy bà này nói xấu bà huyện mà bà ta cho là một nhà đào mỏ chuyên môn. Quả nhiên bà Cả nhận lời.
Mưu mẹo? Nói ngay là một tấn kịch mà kẻ giàn cảnh khéo léo chính là bà Ba.
Chú rể và cô dâu vừa bước vào chiếu để làm lễ, bà Ba liền chu chéo lên khóc và kể lể:
- Có phải là tôi không muốn nhận lạy của con tôi đâu... Nhưng tôi lại nhớ tới quan lớn tôi... Ông án ơi, đó, con ông đã thành gia thất, rồi đó... Ông chả sống mà nhìn thấy con ông và con rể ông... Cực nhục cho tôi chưa?... Tôi sung sướng lấy một mình...
Bà Hai đương định chen vào một câu nói tuế tóa thì bà phán Cả bước lại gần, đỡ lấy chị, và thì thầm: “Thôi chị, chả nên thế, ngày vui mừng của con”. Nhưng bà Ba vẫn nức lên:
- Con tôi nó vui sướng... chỉ mình tôi là khổ... Nó có chồng nó rồi... nó cần gì đến tôi.
Ba Hai toan nói, nhưng bà Cả vẫn giơ tay lên gạt:
- Bà án tôi vẫn thế đấy, dễ cảm động lắm; để yên một lát, bà án tôi sẽ trấn tĩnh ngay.
Một lát sau, quả thực bà Ba đã trấn tĩnh, vui cười như không từng xảy ra việc gì. Nhưng cái món hồi môn không ai nhắc đến nữa cho tới lúc đón cô dâu lên ô-tô. Chú rể tự an ủi nghĩ thầm: “Đi đâu mất mà sợ!” Bà mối cũng nghĩ thầm: “Bà huyện bà ấy cứ nóng con giàu ngay. Thì cái kho báu đã về tay con bà ấy rồi đấy, việc gì mà phải hấp tấp”.
Sự thực, cái kho báu vẫn y nguyên ở trong tay cố chủ. Bà Ba vui thích, hí hửng như được của, như bỗng rưng đào được chum vàng. Bà vừa tỉnh một giấc mộng dữ dội. Một tí nữa bà mất nhà. Bà không ngờ thoát khói cái cạm bẫy ấy một cách dế dàng như thế.
Bà sung sướng quá trở nên rộng rãi. Hôm nhị hỉ, bà thết tiệc rất trọng thể. Rồi bà đem cho chú rể hết cả các đồ ngọc quý giá nằm ngủ trong chiếc tủ kính kiểu Nhật bản mà từ khi ông án qua đời bà không mở ra xem lại một lần nào. Bà cho không tiếc: Bà không thích ngọc, bà chỉ thích có ba thứ: tiền, nhà và ruộng. Vả lại, các đồ châu bảo kia đều của ông án, bà chỉ có thể chuộng những vật chính tay bà sắm, chính tay bà tậu mà thôi.
Phan cảm động, vì chàng yên trí rằng mẹ vợ phải yêu mình lắm mới cho mình những vật đắt tiền, những kỷ niệm của chồng khi xưa. Sợ con rể không biết giá ngọc, bà Ba trỏ một cái khay và bốn chiếc chén bằng thạch tinh, bảo chàng:
- Bộ này thầy mua những hơn ba trăm bạc...
Rồi bà trỏ luôn những đĩa, bát, lọ, thống sứ cổ bảo Phan:
- Cậu muốn lấy thứ gì tùy ý. Bây giờ cái gì ở trong nhà me cũng là của cậu.
Phan nịnh khéo một câu:
- Dễ con phải thuê một cái camion để chở các thức me cho.
Bà Ba và Cúc cười sung sướng.
VIII
Từ đấy trở đi, câu chuyện “đào mỏ” của Phan dần dần lưu truyền trong khắp các xóm làng Giáp. Người ta bàn tán, khen chê, phàn nàn, nhưng hơn hết người ta vui thích.
Cái sào huyệt truyền bá tin tức cố nhiên là nhà Trình và Khoa, hay đúng hơn nhà Tính và Chuyên, vì bao chuyện lượm lạt được đều nhờ ở tài hai người đàn bà ấy.
Bây giờ họ không thù ghét nhau nữa, hay đúng hơn, họ bẵng quên lòng thù ghét, để lưu tâm cả vào việc đào mỏ của mẹ con chàng rể nhà bà Ba. Họ đem kể cho nhau nghe những điều mà một người biết, rồi họ cùng cười khoan khoái, sung sướng.
Việc thừa tự, họ không nghĩ đến nữa. Một đôi khi họ có nhắc tới nó thì cũng để làm tăng cười chứ không ai còn tưởng đem nó ra làm đầu đề câu chuyện châm chọc lẫn nhau như trước kia.
Trước kia, ngay sau hôm bà Ba nhờ Khoa, sang xem hộ bản giao kèo cho thuê nhà, hai gia đình đã suýt lại to chuyện với nhau. Hai người đàn ông phải giở hết tài khôn khéo, phải đem hết tính nhẫn nại ra mới cứu vãn nổi hòa bình.
Chính hôm ấy, - một sự không may - Khoa đến nhà một người bà con ở xóm ngoài có chút việc riêng, mãi tối mới về. Trong khi chàng vắng mặt, Tính săn đón hỏi thăm Chuyên xem chàng đi đâu. Chuyên thật thà đáp không biết vì nàng không biết thực. Nhưng Tính không tin, mỉm cười nói khích bác. Chuyên chẳng chịu nhịn, trả lời lại, thế là đôi bên cùng lồng lên. Và ngay bữa ăn chiều, Chuyên không sang bếp chung thổi nấu. Lúc Khoa về, chàng viện đủ mọi sự thiêng liêng ra thề rằng không hề có đặt chân tới nhà bà Ba, nhưng Tính nhất định không tin chỉ cười mát.
Cách đó ít lâu, nghe theo chồng, hai người đàn bà làm lành với nhau để rồi gặp câu chuyện bất bình lại giận dữ, khích bác, thù ghét nhau như thường.
Nhưng một hôm bà Ba lủi thủi một mình về làng Giáp. Lần đầu người ta không thấy Cúc đi kèm bà ta. Và cũng lần đầu, vì buồn phiền, không duyên cớ bà ta sang chơi nhà Trình và Khoa. Hai người đàn ông tỏ ý thương hại cái cảnh cô độc của bà ta, nhất lại thấy bà ta như già thêm mấy tuổi, mặt dăn deo, má hốc hác, mắt mờ xạm.
Tính và Chuyên thì không bao giờ vui bằng, vui đến nỗi như trở nên thân mật với kẻ thù xưa. Họ soắn xuýt ân cần trò chuyện, mục đích chỉ để dò la tìm biết những điều bí ẩn, những điều mà họ chắc tự nhiên bà Ba không dám thổ lộ ra.
Sau khi bà Ba về nhà, Chuyên quên hẳn chuyện xích mích, vịn tay vào vai Tính gập người lại mà cười. Nàng đoán thấy nhiều điều hay hay và nàng sung sướng, vì biết chắc rằng bà Ba đương khổ sở.
Rồi trong mấy hôm liền, hai người đàn bà lần đến chơi bà lý Thuận, anh cả Thiện, làm thân với họ nữa. Lại bỏ tiền ra mua chuộc cái Tỉu, đứa đầy tớ gái theo hầu Cúc và vừa bị bà huyện đuổi về. Làm bao nhiêu công việc nhỏ nhặt và khó khăn ấy để dò chuyện nhà bà Ba.
Quả họ thành công, vì ai mà không thích thuật lại những điều mình biết cho những người không biết nghe, nhất khi những người này lại cầu cạnh, ân cần muốn nghe.
Chắp nối các mẩu lại, hai người đàn bà, nhất là Chuyên, - vì Chuyên rất có tài thêu dệt - dựng thành một câu chuyện có đầu, có đuôi, có cả những đoạn thắt, mở như một thiên tiểu thuyết vậy.
Câu chuyện đại khái thế này:
- Anh chàng rể tấp tểnh hy vọng được mẹ vợ mừng cho vài cái nhà và được vợ mang theo về ít ra cũng một vài vạn bạc tiền hồi môn. Chàng hí hửng nghĩ đến nhiều món tiêu to tát, mà món học phí bên Pháp là một - học phí nghĩa là kể cả tiền ăn chơi.
Đến lúc nghe theo bà mối và quả quyết cùng cô dâu vào lạy mẹ vợ hai lạy, Phán đã yên trí rằng sắp sửa được làm chủ nhân một cái tài sản kếch sù. Lần đầu chàng thất vọng. Chàng cho hai cái lạy của chàng hoàn toàn vô ích..
Nhưng Phan không tuyệt vọng, nhất hôm nhị hỉ chàng lại thấy mẹ vợ xử hẳn ra một người rộng rãi, thân yêu đối với con và rể. Và chàng nghĩ thầm: “Thôi, chẳng trước thì sau, vội gì!”
Vì thế, không những Phan tạm không lưu tâm đến những tòa nhà của bà Ba và món tiền hồi môn của Cúc, chàng còn tránh không một lần nhắc nhỏm hay nói xa xôi để hỏi dò ý tứ vợ.
Và vì thế, Cúc bồng bột sung sướng trong tháng trăng mặt. Nàng cảm động biết bao, khi thấy mỗi lần nàng gợi đến chuyện tiền nong, tài sản của nhà mình, Phan lại nồng nàn hôn nàng và ghé tai nàng âu yếm nói: “Của cải quý sao bằng em. Em là tất cả kho báu của anh rồi!”
Cúc tin lời chồng và càng sung sướng, vì trước kia nghe người ta thì thào bên tai những chuyện mai mỉa về nhà Phan, nàng vẫn áy náy không yên, tuy không bao giờ hé môi than phiền một lời với mẹ. Việc gả chồng, nàng cho là hoàn toàn thuộc quyền mẹ. Mới lớn lên nàng còn ngây thơ, đã biết gì. Nghe nói đến chuyện chồng con nàng đã xấu hổ rồi, còn dám đâu bàn tán, kén chọn.
Nay Cúc thấy những điều lo sợ của mình vô căn cứ: Phan không phải là một tay đào mỏ như người ta huyên truyền. Trái lại, chàng chỉ là một người ngay thẳng, không biết lừa dối ai, một thiếu niên đa cảm đặt tình yêu lên trên hết mọi sự ở đời. Kỳ thực, Cúc chỉ nhận xét đời bằng khối óc lãng mạn, bằng tâm hồn lãng mạn. Thiếu nữ nào mà không lãng mạn, dù thuở nhỏ đã sống những ngày vô vị và nhận được một nền giáo dục tầm thường, như Cúc chẳng nữa.
Nhưng trong thời Cúc đang mê man với ái tình mới mẻ, một hôm bà huyện bảo nàng!
- Có cái nhà đằng kia vừa làm xong mà người ta cần tiền nên phải bán, rẻ lắm, mợ cử nên mua đi.
Cúc khép nép thưa:
- Bẩm mẹ, con có tiền đâu mà mua.
Bà huyện giọng âu yếm:
- Vốn riêng thì mợ để làm gì?
- Bẩm mẹ con không có vốn riêng.
Bà huyện cười:
- Thôi, cô đừng nói òn! Cái nhà này mẹ thấy nên tậu lắm mẹ mới mách...
Cúc vẻ mặt sợ hãi:
- Bẩm mẹ, con quả thực không có vốn riêng.
Bà huyện yên lặng ngồi nhai trầu. Thỉnh thoảng bà vừa liếc nhìn Cúc vừa đưa chiếc khăn đỏ lên lau mép.
Bẵng đi ba hôm, bà lại bảo Cúc:
- Có cái đồn điền ở mạn Thái Nguyên bán rẻ lắm, rộng tới gần bảy trăm mẫu mà giá chỉ độ hơn một vạn thôi, thiết tưởng mợ cử nên về xin tiền cụ mà tậu.
Cúc dạ lí nhí trong miệng, rồi hỏi ý kiến chồng mà nàng cho là một ngươi không thiết của. Nhưng nàng kinh ngạc biết bao, khi Phan ngẫm nghĩ rồi trả lời nàng:
- Mẹ nói cũng phải. Cái đồn điền ấy mà không mua thì thực bỏ mất một dịp tốt. Em thử về hôi me bên nhà xem.
Thấy Cúc trù trừ, ngần ngại, Phan tiếp luôn:
- Giá mẹ sẵn tiền thì mẹ cũng tậu rồi đấy, nhưng hiện mẹ không sẵn. Vậy em cứ về bên nhà bẩm me tậu cho em rồi sau không thích thì để lại cho mẹ cũng được.
Chẳng đừng được, Cúc phải đem việc tậu ruộng nói vơi mẹ, tuy nàng biết trước rằng thế nào cũng không xong. Nàng còn lạ gì cái đức kiệt của mẹ. Lúc nàng tay không trở về nhà chồng, bà huyện vẫn niềm nở không hề tỏ vẻ tức giận hay nói một câu đay nghiến.
Nhưng mấy hôm sau, trong câu chuyện với con và dâu, bà đem việc nhà những ngươi quen biết ra thuật bằng một giọng rất tự nhiên, như không định ám chỉ ai: Đó toàn là những chuyện tiền hồi môn hàng vạn mà các nàng dâu đem theo về nhà chồng.
Cúc đã hơi hiểu ý mẹ chồng. Nhưng nàng biết làm sao! Đã nhiều lần nàng về nhà khóc lóc với mẹ, năn nỉ xin mẹ một cái nhà hay một ít vốn, để khỏi bị nhà chồng khinh bỉ. Nhưng bà Ba tìm đủ cách từ chối. Nào: “Cho cậu mợ để cậu mợ phá tán đi, tôi giữ chẳng qua cũng chỉ là giữ cho cậu mợ”. Nào: “Bây giờ còn ở nhà với cụ huyện, thì cậu mợ cần gì tiền”. Thấy Cúc kêu nài mãi, bà cáu tiết nói thẳng một điều mà bà vẫn nghiền nghĩ bấy nay:
- Về bảo cậu ấy cứ lo ra làm quan, lo ra Tri huyện đi đã, tốn bao nhiêu... rồi mẹ... giúp.
Chờ ba tháng vẫn không thấy nảy ra một tia hy vọng cỏn con, bà huyện chán nản và bắt đầu một chương trình hành hạ. Thoạt tiên bà bắt Cúc đuổi con Tĩu. Bao nhiêu công việc nặng nề Cúc phải cáng đáng lấy hết, làm cơm, khâu vá cả đi chợ. Chỉ có hai việc bổ củi và gánh nước là Cúc được phép sai đầy tớ, giúp mà thôi.
Cúc cũng không được màng tới điểm trang nữa. Bà huyện bảo nàng:
- Có chồng rồi, còn cần làm dáng với ai?
Cúc tự an ủi thầm rằng bị mẹ chồng ghét nhưng đã được chồng yêu và bênh vực kéo lại. Chẳng bao lâu, nàng ngờ vực nốt tình yêu của chồng, vì hễ nàng liều cãi lại bà huyện thì bao giờ Phan cũng về hùa với mẹ mà mắng át nàng đi.
Cứ tin lời Chuyên kể thì Phan đã có lần tát nẩy đom đóm mắt cô vợ bé bỏng. Nhưng Tính quả quyết rằng cái tát ấy của bà huyện, chứ không phải của Phan, vì dẫu sao Phan cũng không nỡ và không dám tát một người đàn bà.
Chuyên, giọng mỉa mai, cãi lại:
- Chà! Khi người ta chủ tâm đào mỏ vàng mà đào phải rặt một giống đá sỏi thì người ta khỏi sao không cáu tiết!
Trình cười và như phân trần:
- Đấy nhé! Con người ta đẻ ra mà người ta còn chẳng cho gì để đến nỗi bị nhà chồng đầy đọa, huống hồ là...
Chàng ngượng ngùng, không dám nói dứt câu. Khoa phá lên cười nói luôn:
- Huống hồ là chúng mình, phải không? Em nghĩ đến câu chuyện thừa tự của cô ta mà em vừa tức mình vừa tức cười.
Chuyên giọng tự đắc:
- Còn ai lạ tính nết cô ta!
Tính thở dài nhìn Chuyên:
- May mà hai anh em không ai nhận lời, chứ nếu nhận lời thì thật là một cái bẽ lớn. Cô ta chỉ cốt đem miếng thừa tự ra dứ.
Chuyên tiếp liền:
- Để con cô ta đi lấy chồng cho êm thắm.
Khoa thêm:
- Nhưng rút cục không êm thắm tí nào, thế mới chết chứ!
Mọi người cười reo, Trình kết luận:
- Chung quy chỉ sư cụ là đáng thương nhất: đi lại nịnh hót mãi mà vẫn chưa xơ múi gì!
Khoa nghĩ thầm:
- Kể đáng thương thì đáng thương tuốt, từ bà Ba, Cúc, Phan, bà huyện cho chí cả anh em mình.
Khái Hưng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Nguyễn Tấn Việt - Quyền lực của sự im lặng Có hai câu thơ của nhà thơ Nguyễn Tấn Việt mà tôi nghĩ đó là nguyên lý cho mọi sáng tạo n...