Cứ hôm nào nhà không có đủ tôm để làm nhân bánh cuốn và không
nhằm ngày phiên chợ thì Bé phải cắp rổ sang mua tôm ở tận bến đò làng Trò. Những
ngày như thế ít khi xảy ra nên buổi sáng nào thấy nhà không có tôm là Bé bắt đầu
mong chóng đến giờ cô Mùi về nhà để Bé đi mua tôm và gặp anh Đỗi chở đò và bán
tôm.
Bé và Đỗi gặp gỡ nhau lần đầu tiên, cách đây đã gần nửa năm.
Gặp lần đầu, Bé để ý ngay đến Đỗi vì Đỗi đã để ý ngay đến con mắt của nàng. Bé
đứng trên bờ cất tiếng hỏi mua tôm, nhưng Đỗi hình như không nghĩ gì đến việc
mua bán. Đỗi thấy có con gái đến mua tôm có đôi môi xinh và tươi nhưng mắt vì
có khăn che nên chàng không biết ra sao. Đỗi nhìn vào chiếc khăn trắng che mắt
rồi lại cúi đầu để cố tìm hai con mắt dưới khăn nhưng tìm không thấy; chàng cất
tiếng hỏi:
- Đau mắt à?
Bé mỉm cười vì thấy anh chàng bán tôm lại tự nhiên hỏi về đôi
mắt đau của mình; nàng đáp:
- Trông thì biết.
- Nhưng chẳng trông thấy gì cả.
Rồi Đỗi vẫy Bé bảo xuống thuyền:
- Xuống đây.
Bé chưa biết nghĩ sao nhưng giọng nói của Đỗi thẳng thắn, quả
quyết làm cho Bé phải nghe theo và xuống thuyền mặc dầu lúc đó bến đò vắng
không có ai.
- Lại gần đây. Ngồi xuống người ta xem cho.
Rồi Đỗi cũng ngồi sát bên cạnh Bé. Đỗi hình như chỉ để ý đến
con mắt nên chân Đỗi dẵm lên cả chân Bé, Bé phải vội vàng rút chân mình ra. Đỗi
giơ tay từ từ nhấc miếng vải trắng lên, nhìn một lúc:
- Hừ, đau nặng. Đau từ bao giờ rồi?
- Chẳng biết đau từ bao giờ!
Đỗi mỉm cười:
- Đau mà không biết đau từ bao giờ. Rõ ngớ ngẩn.
Bé cũng mỉm cười:
- Nhà bác mắng tôi đấy à?
- Thế nhà chị có ngớ ngẩn không?
Tuy mới gặp có mấy phút mà hai người đã thấy như thân nhau từ
lâu.
- Tồi không đùa nữa. Để tôi xem cho, đau lâu không khéo đau mắt
hột.
Bé hốt hoảng:
- Đau mắt hột thì sao?
- Đau mắt hột thì mù, chẳng sớm thì muộn, mà thuốc của tôi
cũng chịu không chữa được. Nào đưa mắt đây...
Rồi Đỗi lật cả hai mi mắt trên của Bé lên xem: thấy không phải
đau mắt hột chàng lại cho hai mi mắt xuống. Bé lo sợ, quả tim đập mạnh; Đỗi đã
buông tay ra rồi mà nàng vẫn còn ngửa mặt, mắt nhìn ngược lên trời và hai làn
môi hé mở, hồi hộp đợi. Bỗng Đỗi lặng người nhìn Bé; không phải chàng thấy Bé đẹp
nhưng chàng thấy cả người Bé tỏa ra một thứ gì nồng nàn, hơi là lạ mà chàng ưa
thích, thấy hợp với mình lắm. Chàng để mặt mình sát gần thêm mặt Bé, ngây ngất
về mùi tóc, mùi da thịt và nhất là về hơi ấm ở cô, ở vú nàng đưa nhẹ lên có vẻ
thân yêu ngay. Đỗi khẽ đưa bàn chân mình dẵm lên chân Bé, nhưng lần này không
phải vô tình. Chàng lại giơ hai bàn tay lên để ngón tay vào mắt nhưng lần này
không phải để xem mắt mà chỉ cốt cho lòng bàn tay được áp vào hai má mịn màng
và nóng của nàng.
- Không phải đau mắt hột, may quá.
Rồi chàng bỏ tay ra, sợ để lâu Bé sinh nghi.
Bé vui mừng nhắc lại câu của Đỗi:
- May quá nhỉ.
Đỗi nói:
- Đau mắt này thì tôi chữa được.
Nhưng giọng Đỗi đã mất vẻ tự nhiên lúc đầu. Thực tình mới
trông thấy Bé, chàng chỉ nghĩ đến một người đau mắt mà chàng muốn thử cái môn
thuốc lá riêng của chồng.
Trước kia, Đỗi cũng đau mắt ròng rã đến sáu bảy tháng và đã
chữa đủ mọi thứ thuốc. Nhà nghèo lại tốn nhiều tiền mà mắt vẫn không khỏi,
chàng ra vườn sau gặp lá gì hái lá đó, đem về giã rồi đắp lên mắt:
- Một là khỏi hai là mù thì mù quách đi.
Hôm sau mắt chàng đỡ; chàng lại ra vườn hái đúng những lá ấy
đem về đắp, trong vòng năm hôm bệnh khỏi hẳn. Từ độ ấy, hễ gặp ai đau mắt chàng
lại đem thử thuốc và cũng có một vài người khỏi, chỉ trừ đối với những người
đau mắt hột thì thuốc lá của chàng vô công hiệu: vì thế hễ gặp ai đau, muốn thử
thuốc lá của chàng, bất kể đàn bà con gái; việc đầu tiên của Đỗi là vạch mắt, uốn
mi xem. Còn đắp bằng những thứ lá gì thì chàng giấu kín vì nghĩ nếu chữa khỏi
nhiều người chàng sẽ lấy tiền.
Đỗi ngồi kể hết ra với Bé và cả cái hy vọng của chàng được trở
nên một ông lang chữa mắt.
- Giỏi hơn cả ông lang Hàn nữa. Rồi chị xem. Bây giờ ngày nào
nhà chị cũng đến đây, tôi đẳp lá chỉ năm hôm là khỏi. Khỏi thì thích biết bao,
không cần phải lúc nào cũng che khăn...
Đỗi mỉm cười nhìn Bé rồi tiếp theo:
- Chẳng ai nhìn được mắt mình.
Đỗi thích trí tìm được câu có nghĩa ngầm: ai đây tức là chàng
và mình đây là tiếng thân yêu chàng gọi Bé.
Bé thì không chú ý đến chỗ đó nàng hỏi:
- Ngày nào cũng đến đây? Sao nhà bác không bảo tôi hái lá gì,
tôi ở nhà đắp tiện hơn.
Đỗi đáp, tiếng tự nhiên nhỏ hẳn đi như là sợ có người người
nghe thấy:
- Đối với đằng ấy thì tôi cũng chẳng cần giấu nhưng sợ đằng ấy
đi hái lá người ta biết mất. Vậy thế này thì tiện, chiều nào cũng giờ này đến
đây tôi giã sẵn lá chỉ việc đem về đắp. Chiều nào cũng đến nhé?
Bé hỏi lại:
- Chỉ năm hôm là khỏi?
- Cái đó chị cứ tin ở tôi.
Bé sung sướng thầm cảm ơn anh chàng bán tôm mà nàng cũng bắt
đầu thấy hơi mên mến.
- Thích nhỉ, chỉ năm hôm?
Bỗng Bé lặng người, nhấc một bên mép khăn nhìn Đỗi. Nàng vừa
nhận ra là chân Đỗi lại dẵm lên chân nàng. Nhưng lần này, Bé để yên không rụt
chân lại.
Ngày hôm sau Bé đến thì Đỗi đã để sẵn một gói lá giã ở thuyền.
Chàng lại bảo Bé ngồi xuống bên cạnh và nói:
- Cho tôi xem.
Bé ngoan ngoãn nhấc hai mép chiếc khăn lên để Đỗi xem mắt;
nhưng Đỗi "nhìn" chứ không xem vì hôm nay đã có gì khác hôm qua đâu
mà phải xem. Bé lại thấy chân Đỗi dẵm lên chân mình.
Cứ như thế luôn năm hôm mà mắt Bé vẫn không đỡ chút nào. Đỗi
bảo Bé cố chữa thêm năm hôm nữa. Bé chỉ thất vọng là mắt không khỏi, chứ chữa
thêm năm hôm hay mười hôm nữa Bé cũng không ngại. Bé đã bắt đầu thấy thinh
thích mỗi khi chân Đỗi đặt lên chân mình song nàng vẫn làm như mải về con mắt,
không biết tới chỗ đó.
Mỗi lần đến là Bé ngồi ngay xuống cạnh Đỗi và không cần Đỗi bảo,
nàng đã nhấc chiếc khăn lên để hở mắt cho Đỗi xem. Nhưng bây giờ thì về phần
riêng Đỗi, Đỗi biết là mình không xem xét gì cả và về phần riêng Bé, Bé cũng
không phải giơ mắt cho Đỗi xem. Trong một lúc, hai người "nhìn lẫn
nhau". Hai người đường hoàng nhìn nhau ở một nơi vắng người mà không ai thẹn
ngượng cả.
Dần dần hai người sau khi "nhìn lẫn nhau" xong,
cũng không nói đến đau mắt và thuốc đau mắt nữa. Họ nói đến những chuyện xa gần
đâu đâu, hay có khi cũng không cần nói chuyện gì. Sau khi nhìn nhau và sau khi
chân Đỗi đã đặt lên chân Bé một lúc khá lâu thì Bé đứng dậy cầm gói lá giã,
chào Đỗi đi về. Đến hôm thứ mười, Đỗi mới hỏi Bé:
- À quên, đằng ấy tên gì.
- Thế còn nhà bác tên gì?
Mặc dầu Đỗi gọi Bé là "đằng ấy" ngay từ đầu mà Bé
cũng chưa lần nào dám gọi Đỗi là "đằng ấy". Hai người hỏi nhau thế
nhưng cũng không nói tên của mình ra. Lúc Bé đứng dậy ra về, mặc dầu đã biết
ngày hôm ấy là ngày thứ mười chàng cũng cứ bảo Bé:
- Mai lại đến.
Quả nhiên ngày hôm sau Bé lại đến. "Bé đến tức là Bé đã
ưng mình", Đỗi nghĩ thế và hôm ấy bạo dạn hơn mọi ngày. Bến đò vắng người
vì giờ ấy ngày nào cũng ít người qua lại. Cũng như mọi lần, chàng xem mắt và để
chân lên chân Bé. Một lúc lâu sau, bỗng Bé tự nhiên quay mặt cúi nhìn xuống nước
sông; nàng vừa nhận thấy mấy ngón chân Đỗi ấn xuống chân nàng rồi lại khẽ nhấc
lên rồi lại ấn xuống, ấn rất nhẹ nhưng nàng cũng nhận rõ. Nàng thấy cả người
nóng ran, nóng từ đầu ngón chân nóng lên. Người nàng phiêu phiêu và quả tim như
ngừng đập. Bé lo sợ và đứng thẳng ngay lên:
- Thôi tôi đi về, thuốc đâu?
Đỗi cũng rụt mau chân lại, quả tim vẫn còn hồi hộp:
- Hôm nay quá mười ngày rồi.
Bé nói nhanh mắt vẫn nhìn xuống sông:
- Mai tôi không phải lại nữa.
Từ hôm ấy Bé không đến nữa cách những dăm ngày sau, nhà không
có tôm lại không gặp ngày phiên chợ, Bé lại phải sang bến Trò, nàng thấy mình
vui sướng khi cắp rổ ra. Mới lờ mờ trông thấy Đỗi đằng xa, Bé đã vội nói ngay:
- Hôm nay tôi sang để mua tôm.
Đỗi cũng sung sướng nói to:
- Hôm nay tôi có nhiều tôm lắm.
Khi Bé đến bờ sông, Đỗi bảo:
- Xuống đây tôi xem mắt cho. Cách mấy hôm có khi đỡ đi chăng?
Giọng chàng tự nhiên và thẳng thắn như lần đầu tiên và Bé
cũng thấy việc ấy rất tự nhiên: nàng ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi lật khăn
lên cho Đỗi xem mắt. Nhưng lần này Đỗi xem thật, chứ không phải
"nhìn" và Bé ngạc nhiên không thấy Đỗi dẵm lên chân mình. Xem xong Đỗi
nói:
- Đã đỡ được một tí.
Thế rồi cứ hôm nào có dịp mua tôm là Bé lại đến. Tuy ngày nào
cũng vậy, cứ độ bốn giờ cô Mùi về nhà rồi là Bé đóng cửa hàng không có việc gì
làm nữa, muốn đi gặp Đỗi lúc nào cũng được nhưng chưa một lần nào nhà có tôm mà
Bé dám đi.
Có một lần, lâu không thấy Bé sang, Đỗi nhờ mẹ chở đò thay,
đánh bạo ra xóm Cầu Mới thăm Bé. Cũng may sáng hôm ấy cô Mùi vào chơi trong ấp
cụ Án, chỉ có mình Bé ngồi hàng. Đỗi vào ngồi, lật bát nước chè rồi với cái điếu
cày hút làm như một người khách thường. Nhìn chung quanh, chắc chắn không có
ai, Đỗi bảo Bé:
- Lâu ngày quá cho xem nào.
Ý ngầm của Đỗi là định nói lâu ngày nhớ quá muốn nhìn mắt Bé
một tí cho đỡ nhớ. Bé đưa mắt nhìn sang nhà trước cửa rồi khẽ lật khăn lên nhìn
lại Đỗi. Tuy là xem mắt nhưng hai người ngồi cách nhau một cái trõng và xa nhau
đến hai thước. Bàn chân Đôi và đặt lên bực cửa. Như thế một lúc lâu, Đỗi nói:
- Thôi đủ rồi.
Câu ấy có thể muốn nói xem mắt đủ cẩn thận rồi nhưng cũng có
thể muốn nói "nhìn" thế đủ nhớ rồi. Bé nói:
- Ăn vài chiếc bánh cuốn nhân tôm. Bánh ngon lắm.
Đỗi cười nói to:
- Không có tiền.
Bé ngắt:
- Nói khẽ chử.
Nhưng cả hai người đều không chú ý đến chỗ vô lý; tại sao phải
nói khẽ. Bé muốn lấy bánh mời Đỗi ăn nhưng không dám, vì lúc trước khi Mùi đi,
Bé đã đếm bánh xem còn bao nhiêu và bảo cho chủ biết. Bỗng nàng sực nghĩ ra, khẽ
bảo Đỗi:
- Cứ ăn đi, tôi có tiền đây.
Đỗi lấy làm lạ sao bé không mời mình ăn lại nói là trả hộ?
- Thôi chịu thôi, với lại tôi sợ ăn tôm lắm rồi.
- Thế thì ăn bánh nhân thịt. Ngon lắm có cả cà cuống ở Hà Nội
mới về.
Câu ấy Bé bắt chước lời cô chủ vẫn nói với khách hàng. Đỗi
nói:
- Ừ thì ăn.
Bé gắp bánh ra đĩa vui sướng nhìn Đỗi ăn, Đỗi chưa bao giờ được
ăn thứ bánh ngon như thế.
Đỗi đi rồi, Bé lần hầu bao lấy sáu xu rón rén đặt ở cạnh đĩa,
rồi lại nhặt lên và cho xu vào khe hòm thu tiền của cô chủ, cố ý làm cho những
đồng xu rơi kêu to để mọi người chung quanh nghe thấy.
Lần thứ hai Đỗi đến thì gặp lúc có cả cô Mùi và Bé ở cửa
hàng. Chàng khó chịu vì có cô Mùi ở nhà; nhưng đã chót rẽ vào cửa hàng mất một
bước và thấy cô Mùi đã biết là mình định vào cửa hàng rồi nên chàng không dám
quay ra. Trong khi Đỗi uống nước, Bé khó chịu thấy Mùi cứ nhìn Đỗi không chớp mắt,
Bé nghĩ thầm:
- Hay cô ấy biết rồi.
Bé lại thấy tự nhiên Mùi mỉm cười nhìn Đỗi rồi lại nhìn Bé một
cái. Bé thấy hai tai nóng bừng. Mùi nói:
- Tôi trông bác quen quen?
Đỗ chưa kịp trả lời thì Mùi lại nói tiếp:
- À phải rồi, bác chở đò ở bến Trò.
Nàng vừa nhớ lại trước đây lâu lắm đi qua bến đò Trò, thấy
người chở đò có nhiều tôm, nàng có hỏi chuyện và chính nàng bảo Bé đến mua khi
nào thiếu tôm. Nàng chỉ vào Bé:
- Chị này vẫn sang mua tôm của bác luôn.
Nàng gọi Bé và làm Bé giật mình:
- Chị vẫn sang mua tôm của bác ấy có phải không? Thế sao bác ấy
vào mà không chào hỏi gỉ cả. Chị này lạ quá.
Đỗi đáp hộ bé:
- Tại chị ấy đau mắt, không nhìn thấy.
Truyện xảy ra chỉ có thế thôi nhưng ngay chiều hôm sau đợi
Mùi trở về nhà, Bé chạy vội sang bến đò Trò mặc dầu hôm ấy nhà có tôm. Nàng bảo
Đỗi giọng như cự:
- Đừng đến nữa.
Đỗi cũng gắt, đáp lại:
- Thế sao lâu không đến?
Thế là hai người đã ngỏ tình yêu cho nhau biết mà không ai định
tâm cả. Nhưng cả hai người chỉ thấy vui sướng chứ không thẹn vì cả hai đều làm
như không chú ý đến nghĩa ngầm ẩn trong những câu nói ấy, Đỗi nói tiếp:
- Bánh cuốn ngon quá. Mai lại phải đến.
Bé gắt:
- Con khỉ, người ta đem đến cho mà ăn.
- Mai nhé.
- Mai không được. Sao đằng ấy nóng nảy thế?
Lần đầu tiên Bé gọi Đỗi là "đằng ấy" và lại mắng cả
Đỗi là "con khỉ". Nhưng còn đến với Đỗi luôn mà không có cớ mua tôm
thì Bé chưa dám. Không phải Bé ngượng với Đỗi nàng chỉ ngượng với mọi người
trong phố và nhất là sợ họ đoán biết.
Bé đợi mấy hôm bên nhà mẹ nàng mới không có tôm. Bé vội đem cất
đi một chạc chiếc bánh. Bé không sợ Mùi nghi ngờ vì từ lúc đến ở với Mùi chưa lần
nào nàng lấy vụng bánh. Hôm ấy, lại may Mùi có việc về nhà sớm hơn mọi khi.
Nàng hạ những cái phên đóng cửa hàng rồi lấy bánh ra. Nhưng Bé không biết cất
bánh ở đâu và không dám để ở cái rổ mua tôm trống trải quá. Bé nghĩ mãi mới tìm
được một cách; nàng gói cẩn thận từng cái một vào trong lá chuối khô rồi cho
vào thắt lưng buộc tròn quanh bụng; ở ngoài buộc thêm hai cái thắt lưng nữa.
Đũa thì không cần, ăn bốc cũng được những phải đem đi cái đĩa đựng nước mắm chấm;
Bé bỏ một cái đĩa vào trong túi áo cánh. Nàng đi tìm một cái chai nhỏ để đựng
nước mắm nhưng tìm khắp nhà không có cái chai nhỏ nào cả. Chỉ có một cái chai
nước chanh cũ. Bé rót nước mắm vào trong chai nước chanh và cho chai vào thắt
lưng cuộn lại buộc nút ở hai đầu cho khỏi rơi rồi bỏ thõng lẫn với những đầu
dây thắt lưng khác.
Ra đến ngoài đường Bé mới bắt đầu thấy khó chịu, phải đi chậm
bước lại vì lá chuối khô gói bánh cứ lạo xạo chung quanh bụng cái đĩa cứ đập
vào sườn và khó chịu nhất là cái chai lủng lẳng lúc thì va vào đùi bên trái,
lúc va đùi bên phải.
Khi đi qua cửa nhà cụ Huế hai, cụ gọi giật lại:
- Chị Bé đi mua tôm đấy à? Mua cho tôi một mớ với.
Bé đi tạt vào, hỏi:
- Cụ làm bánh sèo?
- Ừ, lâu lắm chưa làm. Chị sang ăn, tôi để dành cho hai chiếc.
Tuy chỉ có một mình và rất hà tiện nhưng vì nhớ Huế và nhớ lũ
cháu ở quê nhà nên mỗi lần làm bánh cụ làm đến hai chục chiếc cụ chỉ ăn có một
chiếc đầu rồi ra cửa hễ thấy đứa trẻ nào là cụ gọi lại cho ăn. Thành thử mỗi
khi làm bánh sèo nhà cụ đông như cái chợ; trẻ con ngồi la liệt đợi và đứa nào đến
trước thì được ăn trước. Thấy số trẻ con đủ số bánh rồi, cụ ra đóng cửa lại.
Bé nhận lấy tiền rồi đáng lẽ đi thẳng nàng lại quay trở về bảo
cho lũ em ở nhà biết để chúng đến nhà cụ giữ chỗ, và làm giúp đỡ cụ và như thế
được ăn hai chiếc. Khi tôm về cụ rán bánh ngay, nên Bé phải quay lại báo trước
các em mới kịp. Thấy Tý, em nàng đứng xem con yểng của cụ Hai hàng cơm, Bé bảo:
- Hôm nay bên cụ Huế hai làm bánh sèo.
Tý vui mừng chạy đi.
- Về bảo các em mày nữa chứ. Mày chỉ biết ăn một mình.
Tý hỏi:
- Hôm nay chị sang bến Trò?
- Ừ tao sang bến Trò mua tôm.
Bé khó chịu thấy Tý cứ nhìn vào chỗ thắt lưng mình.
- Mày hỏi làm gì?
Tý không trả lời lại hỏi thêm:
- Chị sang bác Đỗi?
Bé giật nẩy mình, lo sợ; vội nhấc khăn che mắt để nhìn rõ mặt
Tý:
- Mày biết bác ta à?
- Thì ngày nào em cũng sang học bác ấy cách thức câu tôm. Bác
ấy bảo bác ấy có thuốc đau mắt hay lắm. Sao chị không chữa?
Bé hết lo nhưng vẫn còn khó chịu; nàng vội quay đi sợ đứng
lâu Tý có thể nhìn thấy cả những chiếc bánh cuõn chung quanh bụng mình.
- Nó ranh mãnh lắm.
Bé vừa đi ra bến Trò vừa tức Đỗi; nàng lẩm bẩm luôn miệng.
Đỗi thấy Bé đến với cái rổ không vội hỏi:
- Bánh đầu?
Bé không trả lòi, quăng mạnh cái rổ không xuống thuyền. Đỗi
cười nói:
- Người ta hỏi ăn bánh lại cho người ta ăn cái rổ.
Bé gắt:
- Sao lại cho thằng Tý nó đến?
- Thì nó cứ đến, cấm thế nào được nó.
- Sao lại dạy nó câu tôm?
- Nó đến, nó bảo dạy nó thì dạy nó. Nó chịu khó lắm, chịu khó
nghe, chịu khó hỏi. Tôi thích nó lắm.
Nghe mấy tiếng "chịu khó hỏi" Bé lại giật mình.
- Mai đừng dạy nó câu nữa. Nó tinh lắm.
- Nó tinh thì mới dạy nó chứ.
Bé gắt:
- Con khỉ, đùa mãi. Tôi về đây.
Đỗ vội nói:
- Ừ thì mai không dạy nó câu nữa.
- Mai đừng cho nó đến nữa.
- Ừ thì mai không cho nó đến nữa.
Bé bước xuống thuyền, nhìn hai bên bờ sông, nói:
- Nào ăn bánh.
Dưới con mắt ngơ ngác của Đỗi, Bé rút ở túi ra một cái đĩa đặt
trên sàn thuyền, mở nút thắt lưng lấy ra một cái chai đổ nước mắm vào đĩa, rồi
nói:
- Ăn đi.
Đỗi nhìn vào hai túi áo cánh của Bé tìm, nhưng hai túi đều dẹt,
không có hình bóng một chiếc bánh nào cả. Đỗi lại nhìn vào mắt Bé, hất đầu một
cái.
Bé cười:
- Thong thả đã.
Đỗi thấy Bé cởi dây lưng ngoài rồi lại cởi cả dây lưng trong,
cho tay vào lần cái dây lưng thứ ba và rút ra có một cái gói lá chuối đưa cho
mình. Đỗi hỏi:
- Chỉ có một cái?
- Ăn đi. Không cần đếm. Cô Mùi biết thì chết.
Đỗi mỉm cười, nghĩ đến truyện ma só ở đường ngược và cô Mùi
là còn ma só.
Đỗi chấm bánh vào đĩa rồi ngửa mặt cho cả chiếc bánh vào mồm.
Bé rút cái thứ hai, ngồi nhìn Đỗi ăn ngon lành, trong lòng sung sướng. Nàng chợt
nghĩ nếu Mùi biết thì chắc chắn nàng sẽ bị đuổi; về nhà, nhà cũng không chứa nữa
và nếu lại biết cả là ăn cắp bánh đem cho trai thì... Bé không dám nghĩ đến chỗ
đó, định tâm lần sau không chiều Đỗi như thế nữa và cất tiếng bảo Đỗi:
- Ăn thế thôi nhớ.
Đỗi tưởng lầm, vội nói:
- Chỉ có hai cái thôi à?
Bé rút luôn ra ba bốn chiếc nói:
- Còn nhiều, ăn cho chán chê đi.
Ăn đến sáu bảy cái, Đỗi mới sực nhớ mời Bé:
- Hai người cùng ăn mới ngon.
Trong lúc Bé cầm miếng bánh cắn từng miếng nhỏ, Đỗi khẽ rón
rén đưa chân mình lại gần chân Bé và dặt chân mình lên bàn chân Bé. Bỗng Bé giật
nẩy mình kêu "ấy chết" lên một tiếng to làm Đỗi sợ rụt ngay chân lại.
Bé đặt vội cái bánh xuống sàn thuyền còn bao nhiêu bánh cuốn trong người trút
ra hết, giơ hai tay với các đầu dây lưng, rối rít buộc lại và trong lúc cuống
quýt buộc lẫn cả đầu dây nọ với đầu dây kia, thành một mở lung tung ở trước bụng.
Bé vừa sực nghĩ đến việc ngồi ngay trước mặt một người con trai mà dây lưng
trong dây lưng ngoài lại cởi tung hết cả ra. Bé bảo Đỗi:
- Thôi ăn mau lên người ta về đây.
Nghĩ đến hai cái nguy hiểm ăn cắp bánh và ngồi ăn bánh với Đỗi
Bé nói tiếp:
- Con khỉ, lần sau đừng có hòng người ta đem bánh cho mà ăn nữa.
Đỗi thì cho là Bé giận mình, dẵm lên chân. Chàng tự hỏi mình
đã dẵm lên chân Bé không biết bao nhiêu lần rồi mà sao bây giờ Bé mới biết và mới
giận; chàng nghĩ thầm:
- Mà dẵm chân thế thì thích chết người, có việc gì mà phải giận.
Tuy nghĩ vậy nhưng từ hôm đó, Đỗi không dám dẵm lên chân Bé nữa
và lại đến lượt Bé lấy làm lạ không biết vì sao tự nhiên Đỗi lại bỏ hẳn cái
thói rất lý thú ấy đi.
Một buổi sáng trước khi đi câu tôm, Tý bảo Bé:
- Từ rày có thiếu tôm thì chị phải đi mua lấy. Em không đi
câu tôm ở bến Trò nữa, em tìm được một chỗ nhiều tôm lắm cơ.
Ngừng một lát, Tý lại nói:
- Với lại bác Đỗi bây giờ bác ấy khó chịu làm sao ấy.
Nghe Tý nói vậy, Bé nhẹ hẳn người và cái ý nghĩ chiều nay lại
có thể đến thăm Đỗi ở bến Trò làm tim nàng thổn thức. Mới cách mặt độ hai mươi
hôm mà Bé tưởng đã lâu như một năm. Nàng tức Đỗi không tìm đến cửa hàng để gặp
mặt nàng. Ngày nào Bé cũng đợi và ngày nào cũng thất vọng và càng lâu ngày cái
tức càng tăng. Bé định bụng nếu Đỗi đến thì sẽ đứng ngay lên chạy vào trong bếp,
không thèm tiếp để Đỗi tức và nàng hả giận. Bé tưởng tượng lúc Đỗi đến cửa
hàng, vào ngồi ở ghế; nàng để Đỗi ngồi vào ghế hẳn hoi, lật xong bát nước chè,
lúc đó nàng mới đứng lên và đi vào trong bếp, nhất định không thèm nói nửa lời
và nếu Đỗi cả gan dám gọi thì nàng nhất định không đáp, đợi cho vừa đúng lúc Đỗi
đi ra đến đường cái nàng lại ra hàng và hắng giọng cho Đỗi nghe thấy để Đỗi phải
tức uất lên. Bé thấy trước là sẽ thích lắm nếu làm được như thế và từ ngày nghĩ
ra được cách ấy, mỗi buổi chiều không thấy Đỗi đến nàng lại càng tức mình hơn trước
và càng khổ hơn.
Suốt ngày hôm ấy Bé lưỡng lự không biết có nên đến tìm Đỗi
không, hay là không đi, cương quyết đợi cho Đỗi đến. Theo lý ra thì Đỗi có lỗi
phải đến trước, nàng sẽ không tiếp để cho Đỗi tức rồi sau đó nàng mới đến bến
Trò gặp Đỗi và xí xóa hết cả những truyện cũ đi. Nhưng Bé thấy mình khó lòng
nén được cái ý muốn đến ngay chiều hôm nay, đến để mắng Đỗi một trận cho hả tức.
Đợi Đỗi đến thì lâu quá và cái tức cứ kéo dài ra mãi không biết tới bao giở. Đến
chiều Bé quả quyết hẳn là sẽ đi đến bến Trò để cự Đỗi ngay.
Bé thấy cô Mùi đã mở hộp đếm số tiền thu được trong ngày. Cô
Mùi sắp về nhưng vừa lúc đó thì ôug giáo Đông lại vào hàng gọi một chai bia. Bé
thì không hiểu hai người nói chuyện gì. Nàng khó chịu thấy Mùi mải nói truyện
chưa về để nàng có thể đi sang bến Trò; ông giáo Đông còn một ít rượu trong cốc
cũng mải nói chuyện quên không uống cạn. Bé đâm ra tức ông giáo Đông vì ông
giáo Đông còn ngồi đây thì cố nhiên Mùi không bỏ về được. Nàng dứt cái khăn che
mắt, vứt xuống ghế để tỏ sự tức của mình và đưa mắt nhìn ông giáo Đông tưởng
như làm thế thì ông giáo Đông phải bỏ đi ngay. Đông thì chú ý nhìn cái khăn trắng
nằm trên ghế cũng giống như cái khăn trắng chàng tưởng là khăn tay của Mùi và
nhặt bỏ túi hôm nọ để đem về làm kỷ niệm. Chàng sực nhận ra mùi thuốc ở khăn
tay mà hôm nọ chàng cho là hơi hướng của da thịt Mùi, con gái một ông Lang, thì
chỉ là mùi thuốc đau mắt và chiếc khăn tay chàng tưởng của Mùi chỉ là một chiếc
khăn bẩn Bé dùng để che mắt đau. Chàng thấy một sự ngượng làm cả người chàng rờn
rợn như bị nổi gai ốc. Đã không biết bao nhiêu lần trước khi đi ngủ, chàng đã
hôn hít một chiếc khăn che mắt bẩn. Chàng đứng lên nói với Mùi:
- Thôi cô ngồi hàng, tôi phải về, có tí việc.
Đông trả tiền rồi đi thẳng về nhà, đóng cửa lại chắc chắn.
Chàng lấy bao diêm rồi đến đầu giường lật cái gối lên và dón dén đưa hai ngón
tay cầm nhẹ lấy góc khăn đem xuống bếp đốt. Đông thấy gai gai ở mắt như là đã bị
lây đau mắt của Bé rồi. Chàng sợ cả cái mùi khét của vải đốt và thấy hơi lợm giọng.
Đốt xong, Đông nhẹ hẳn người tháo cái áo gối đem giặt ngay và giặt đến ba bốn
nước xà phòng. Chàng nghĩ lại giá lúc lấy trộm khăn giấu vào túi mà Bé trông thấy
thì thật là suốt đời không bao giờ chàng quên được cái xấu hổ đó: nghĩ đến chỗ ấy,
Đông thấy lạnh ran cả ở sống lưng.
Bé lấy làm ngạc nhiên rằng cái lối vứt khăn và nhìn ông giáo
Đông lại có hiệu nghiệm làm ông vội vã đi ngay. Bé nghĩ thầm chắc ông ấy sợ
nhìn vào mắt đau thì sẽ bị lây. Cô Mùi về rồi nàng lấy cái khăn lụa hoa trắng mới
khâu xong che lên mắt, rồi móc lúi lấy cái gương con lật khăn lên soi và ngắm
nghía một hồi lâu. Cái khăn lụa hoa trắng đắt tiền thật, nhưng đeo lên mắt thật
là xinh và nhẹ quá. Bé lại mong cho cái khăn vải thường cũng mất để nàng có cớ
mua cái khăn lụa hoa nữa thay đổi và lúc nào cũng được đeo khăn đẹp.
Tuy nhà có tôm, Bé cũng xách cái rổ để đi qua phố cho khỏi
ngượng. Bé thấy ai cũng nhìn mình và cho là họ nhìn cái khăn lụa mới. Ông giáo
Đông đương đứng ở bực cửa thấy Bé đi qua vội vàng quay vào nhà khép cửa lại.
Đi khỏi nhà bà Ký Ân, Bé bỗng nhiên đứng dừng lại một lúc. Quả
tim nàng lại đập mạnh lên, hai tai nóng bừng và tuy không có ai, Bé cũng thấy xấu
hổ như có người đương nhìn mình và biết rõ là mình có tính đĩ thoa.
Đỗi thấy bóng Bé ở đàng xa đi lại, vội ngồi soay lưng về phía
Bé. Đỗi cũng đã từ lâu tức Bé không đến và Đỗi không hiểu vì cớ gì. Tuy ngày
nào cũng có Tý đến câu tôm nhưng Đỗi không dám hỏi thăm về Bé và cứ chiều đến,
Tý về là Đỗi bắt đầu ngồi đợi và tức Bé. Đỗi chắc không phải Bé giận mình dẵm
lên chân hôm ăn bánh vì sau hôm đó Bé còn đến nhiều lần và hôm cuối; cùng gặp
đây còn cho mình xem mắt và mỉm cười với mình. Nghe Tý nói, chàng biết là Bé
không ốm đau gì thế mà mua tôm cũng nhờ Tý mua hộ. Thấy tự nhiên vô cớ Bé không
đến nữa, Đỗi cho là Bé đã quên mình và lại càng tức hơn. Hôm nay Bé đến giữa
vào ngày Tý đi nơi khác câu tôm, Đỗi mới hiểu là Bé không đến chỉ vì Tý và Đỗi
mừng rỡ, quả tim dập một cách sung sướng.
Bé thấy Đỗi ngồi quay mặt đi vội hắng giọng nhưng vẫn không
thấy Đỗi nhúc nhích. Nàng bước mạnh xuống thuyền như để tỏ cho Đỗi biết là mình
bực tức lắm. Đỗi quay lại cười, Bé quăng cái rổ trúng chân Đỗi:
- Cười gì, bán cho một ít tôm, mau lên người ta phải về ngay,
bận lắm.
Đỗi nói:
- Tôm với tép gì. Ngồi xuống đây người ta xem mắt cho.
Bé vẫn đứng yên, mặt quay nhìn ra chỗ khác. Đỗi nhìn thấy mặt
Bé giận mình, phụng phịu trông vừa đáng ghét vừa đáng yêu, chàng mỉm cười rồi
giơ tay kéo mạnh tay Bé:
- Ngồi xuống đây.
Bé ngoan ngoãn ngồi xuống cạnh Đỗi và lật khăn che mắt lên.
Nàng định mắng Đỗi nhưng không tìm ra được câu mắng nào đích đáng; chính nàng
lúc đó lại thấy rõ ràng là Đỗi không có lỗi gì để mắng cả. Nhưng mặt Bé vẫn hầm
hầm đầy tức giận Đỗi nhìn lâu vào hai con mắt Bé, chớp nhanh mấy cái, mỉm cười
nói:
- Ừ, mắt độ này đã khá.
Chàng lại để ý đến cái khăn lụa hoa mới và nói tiếp:
- Đẹp nhỉ. Sao lâu lắm, đằng ấy không đến?
Bé vẫn lầm lì nét mặt, không trả lời và ngón chân nàng đã đặt
lên một ngón chân Đỗi. Đỗi định rút chân mình lại vì tưởng chính chàng đã vô ý
chạm vào chân Bé nhưng chàng ngạc nhiên thấy ngón chân Bè ấn mạnh vào chân mình
rồi lại nhấc lên ấn xuống. Đỗi sung sướng không nói được nữa; chàng ngồi đờ ra
một lúc rồi khẽ kéo ngón chân mình ra đặt lên ngón chân Bé và bạo dạn đặt hẳn cả
bàn chân lên, nhè nhẹ thoa chân mình vào chân Bé. Cả hai người đều thở mạnh. Bỗng
có tiếng nói ở gần. Đỗi vội đứng dậy, cúi người cầm lấy cái rổ, tay run run vừa
đi ra cửa khoang thuyền vừa nói cao giọng:
- Nào, mua bao nhiêu nào?
Bé hất cái khăn che mắt xuống và nói:
- Bán cho như mọi lần.
Đỗi định kéo cái giỏ tôm ở dưới nước lên, vội ngừng lại vì thấy
người di đường rẽ xuống bến. Đỗi nhổ sào nói:
- Bác Phát đi đâu về đấy?
Có người khác cùng đứng ở thuyền lúc đó. Cả Đỗi cả Bé đều thấy
dễ chịu và đỡ ngượng. Bác Phát đi rồi, Đỗi đẩy thuyền trở lại chỗ đậu cũ; chàng
đưa rổ tôm cho Bé nói:
- Hôm nay tôi bán rẻ đấy.
Nói vậy nhưng Đỗi không nghĩ đến việc đòi tiền Bé và Bé cầm lấy
rổ tôm, cũng không nghĩ gì đến việc trả tiền. Bé vội vã đi ngay. Đỗi chống cây
sào, nhìn theo Bé đi. Chàng có cái cảm tưởng như Bé là vợ mình rồi.
Đỗi đặt chân lên mũi thuyền và thẫn thờ đưa chân soa đi soa lại
trên tấm ván, mỉm cười chớp mắt một lúc.
Một buổi sáng
Cả gia đình bác Lê đã dậy. Vì công việc bác Lê gái sáng nào
cũng phải dậy thật sớm, nhưng bác lại bắt cả những đứa con nhỏ tuổi của bác phải
dậy một lúc với bác mặc dầu chúng nó không có việc gì. Bác vẫn nói:
- Như thế cho chúng nó quen đi, khỏi lười.
Sáng hôm nay cả nhà lại dậy sớm hơn mọi sáng. Chiều hôm trước,
bác Lê trai có người mời đi uống rượu. Lúc thường bác rất hiền lành nhưng lúc
say rượu bác có cái thói xấu là đánh chửi vợ con. Cả nhà đêm qua bị một trận lục
đục phải thức khuya quá, nên bác Lê gái lo phấp phỏng chỉ sợ ngủ trưa lỡ cả mọi
việc. Vừa chợt tỉnh, bác vội châm đèn con, đánh thức các con dậy mặc dầu không
biết lúc đó là mấy giờ; vả lại có trăng nên bác yên trí là trời đã tờ mờ sáng.
Bác tung chăn của Thêm và Nữa hai đứa con sinh đôi mới lên bốn
tuổi và vứt chăn ra thật xa. Vì hà tiện quần bác Lê gái bắt chúng nó ngủ truồng;
khi mẹ tung mất chăn, chúng nó không biết làm gì hơn là ngồi dậy, xếp bằng tròn
trên ổ rơm còn nóng hơi người cho ấm mông, hai tay thủ vào bọc. Út vì là con
gái, lại nhớn hơn nên không phải ngủ truồng và là con gái yêu nhất của bác Lê
gái, nên được ngủ chung với mẹ. Cả nhà chỉ có Thêm, Nữa và Thôi được đắp chăn
nghĩa là đắp mấy cái bao tải cũ khâu lại với nhau, thực ra lạnh hơn chiếu nhưng
có cái tiếng là ấm vì có thế gọi nó là cái chăn.
Bác Lê gái cốc đầu Út một cái; bao giờ bác cũng đánh thức Út
bằng cách ấy; được cái Út có nhiều tóc độn đầu nên không thấy đau. Bác không
bao giờ đánh con nhưng bác hay cốc đầu chúng nó bất cứ chúng nó có lỗi hay
không có lỗi gì và bất cứ lúc nào bác tức mình hay có cái gì thích trí. Lũ con
bác thật đã khổ sở rất nhiều về cái tính ấy; chúng cho là mẹ cầm roi đánh còn
hơn, đau tuy có đau nhưng đánh roi phải đánh ra trận, không dễ dàng như cốc đầu.
Chính cái cốc đầu chúng không sợ lắm nhưng chúng khó chịu vì lúc nào cũng nơm nớp
như người đi ngoài trời mưa bão, trên đầu sấm sét đùng đùng mà không biết lúc
nào sét bổ xuống đầu mình. Chỉ có Thôi chưa đầy tuổi tôi và các thóp chưa liền
xương nên chưa bị bác cốc đầu.
Bác Lê hiện có tất cả tám người con còn sống nhưng đã đẻ bao
nhiều lần rồi thì đến bác, bác cũng không nhớ nữa. Đã bao lần vì nhà nghèo quá
bác định cai đẻ nhưng vẫn không cai được. Đẻ đến lần thứ chín thứ mười bác nhất
quyết cai nên đặt tên đứa bé là Út để tỏ ý ấy. Nhưng chỉ vài năm sau, bác lại đẻ
thêm hai đứa sinh đôi và vì thế đặt tên chúng nó là Thêm và Nữa. Rồi đến đứa bé
sau cùng nhất bác đặt tên nó là Thôi vì lần này nhất định thôi.
- Già rồi còn gì, muốn đẻ cũng không đẻ được nữa.
Đưa mắt sang góc nhà bên kia, bác thấy chồng cũng đã thức giấc,
nằm yên quay mặt về phía bác. Bác Lê trai thấy vợ nhìn, bác cũng nhìn lại một
lúc nhưng bỗng vụt nhớ ra cái lỗi mình tối hôm trước bác vội quay ngay mặt đi
nhìn thẳng lên mái nhà. Bác Lê gái đã hết tức chồng về việc xảy ra đêm qua; thấy
chồng không dám nhìn mình, có vẻ ngượng ngập hối hận, bác cũng hơi chạnh lòng
thương. Tuy hết tức nhưng không bao giờ bác làm lành trước. Bác nhìn xuống đứa
con đương bú, nói nựng:
- Cả nhà chỉ có một mình bé là no thôi.
Bác nói bóng nhắc đến việc đêm qua cả nhà phải nhịn đói vì
bác Lê say rượu. Lúc thường bác không dám mắng chồng bao giờ vì biết chồng hiền
lành nhưng hay cục và nhất là lúc có lỗi lại dễ cáu hơn lúc thường. Bác chỉ nói
cạnh và cho thế là một cách phạt chồng thấm thía hơn.
Tý, đứa con lên chín của bác cũng đã tung chiếu ngồi dậy vì sợ
mẹ đến cốc đầu đánh thức. Đầu nó mới nhờ bác Thảo cạo sáng hôm qua nên trông nhẵn
bỏng và trắng như cái sọ đầu lâu. Sáng nay dậy, Tý thấy có cái gì khang khác mọi
ngày. Nó ngồi ngẫm nghĩ một một lát rồi sực nhớ ra là có cái đầu mới cạo và lúc
đó nó mới bắt đầu thấy lành lạnh ở đầu, ở gáy.
Tý hít hít cái mùi thơm của nhân thịt sào từ ở bên cửa hàng
bánh cuốn của cô Mùi thoảng đưa sang. Cái mùi quen thuộc ấy sáng hôm nay nó thấy
thơm ngon hơn. Tý nuốt nước rãi và nghếch mũi hít mạnh một cái dài. Tý lại nghĩ
ra một điều nữa là hôm qua nhịn cơm tối và Tý bắt đầu thấy đói bụng. Nó tưởng
tượng giá lúc này được ăn một chiếc bánh cuốn nhân thịt thơm béo kia, chỉ một
chiếc thôi, ăn ngập đầy mồm, nhai qua rồi nuốt đến ực một cái... nghĩ thế Tý
cũng nuốt đến ực một cái, rồi hả miệng thở hắt ra như là đã có cái khoan khoái
ăn xong chiếc bánh cuốn thực. Nhưng ăn giả cách xong, Tý lại thấy mình thèm
hơn. Tý bò đến cạnh mẹ, xem em bú, sữa ứ ra thành một viền trắng quanh môi. Vì
Tý đói nên Tý thấy em bú vội vã và ngon lành lắm, Tý ngắm nghía đứa bé và ngẫm
nghĩ - Tý hay có tính ngắm nghía và ngẫm nghĩ luôn - rồi Tý tìm ra và nói to:
- Nó bú chùn chụt y như một con lợn ăn cám.
Bác Lê gái sực nhớ ra điều gì giơ tay cốc vào đầu Tý một cái:
- Ông tướng: có ra nhà sau cho lợn ăn cám không. Mày không nhắc
thì tao quên mất. Thằng Nhỡ hôm nay đi vắng.
Bác Lê gái ghét Tý nhất nhà vì bác cho nó có tính dở hơi,
đãng trí, làm việc gì cũng không nên thân và ăn nói ngớ ngẩn.
Tý giơ tay lên xoa đầu rồi đứng ngay dậy đi về phía cửa,
nhưng tới cửa, Tý ngừng lại. Nó vừa nhận ra là trời chưa sáng. Xuống chuồng lợn
phải đi qua gốc cây đa, nổi tiếng trong bọn trẻ con là có nhiều ma, và có những
cái bình vôi trông như những cái sọ người treo lủng lẳng mà Tý lại sợ ma hơn cả
sợ mẹ. Trời sáng trăng có chỗ tối chỗ sáng Tý càng sợ hơn vì nó cho là có ánh
trăng thì ma có thể trông thấy nó. Tý quay trở vào:
- Trời chưa sáng, bu ạ.
Bác Lê gắt:
- Trời sáng rồi.
Tý quay ra một lúc rồi lại trở vào:
- Lợn còn ngủ bu ạ.
- Nó ngủ thì đánh thức nó dậy. Đồ lười!
Hai tiếng "Đồ lười" Tý không biết mẹ chỉ vào lợn
hay chỉ vào mình. Bỗng nó thấy mẹ trợn mắt và giơ tay lên:
- À thằng nói láo, mày chưa ra khỏi cửa mà dám bảo là lợn còn
ngủ. Thằng chết tiệt.
Tý đành đi ra vì lần này mà quay trở vào nữa thì không sao
tránh khỏi một trận cốc đầu cũng ghê sợ như ma quỷ.
Gió lạnh mà Tý cũng không thấy rét. Nó đi khỏi được qua gốc
cây đa là đã sợ đến nỗi tưởng như cả người nó không có nữa, chỉ còn lại một quả
tim đập thình thình. Mấy con lợn thấy động, biết có người đến cho ăn, hình hịch
chạy ra. Tý trong lúc không còn hồn vía, nghe tiếng hình hịch cho ngay là tiếng
ma, sợ dựng ngược tóc gáy (mặc dầu gáy nó không còn sợi tóc nào vội quay trở lại,
chạy thẳng về nhà. Thấy có ánh đèn và có bóng người nó hoàn hồn nhưng lại thấy
mẹ đương quắt mắt nhìn ra, nó cười gượng gạo rồi vừa thở hổn hển vừa nói:
- Lợn nó dậy rồi bu ạ.
- Ừ thì nó dậy rồi. Xuống cho nó ăn. Thằng ngớ ngẩn.
Mấy tiếng "thằng ngớ ngẩn" lần này Tý thấy rõ ràng
chỉ vào mình. Tý lại đành ra nhưng xuống chuồng lợn thì nó không dám xuống nữa;
ngay như đứng ở gần cửa, lưng xoay ra phía chuồng lợn mà nó cũng đã thấy lành lạnh
sợ ở sau lưng. Tý vừa nghĩ ra tiếng hình hịch lúc nãy có lẽ là tiếng lợn chạy,
nhưng nghĩ thế chỉ cốt đứng đấy cho khỏi sợ thôi. Tý đi lần qua chỗ cửa sổ nan
rồi ghé nhìn qua khe cửa vào những người ở trong nhà và cách ấy làm cho nỗi sợ
của nó bớt chút đỉnh.
Một lúc lâu, Tý mừng rỡ thấy mẹ đã đưa Thôi cho Út bế, ra
cóng đong gạo. Mẹ nó sắp xuống bếp thổi cơm mà bếp lại ở cạnh chuồng lợn; Tý hết
cả sợ và chạy vụt một mạch ra chuồng lợn. Nó đổ nồi bèo cám nấu hôm qua vào cái
ang cho lợn ăn rồi đứng đợi mẹ nó đến. Nhìn cái ang còn đầy cảm nó nghĩ cách
nói để mẹ khỏi ngờ là nó vừa mới xuống:
- Bu ạ, hôm nay lợn nó lười ăn.
Bác Lê giật mình đến thót một cái, hoảng sợ như là có người
báo tin một đứa con bác chết hay là hơn thế nữa, lợn mà lười ăn rồi toi thì phải
nhịn đói trả nợ cả năm không hết. Bác chạy vội đến chuồng nhìn vào: ba con lợn
đang chúi mũi vào cái ang, chen nhau ăn lấy ăn để. Bác không để ý đến cái ang
còn đầy cám, bác chỉ cáu Tý đã cho bác một mẻ sợ. Tý thì cứ yên trí là vì cái
ang còn đầy nên bị mẹ cốc; nhưng tại sao mẹ nó lại cốc cho nó luôn hồi một cách
tức giận, hằn học hơn mọi lần. Tý ngẫm nghĩ xem vì sao chỉ cho lợn ăn chậm một
tí mà bị mẹ giận đến thế nhưng Tý ngẫm nghĩ mãi không ra. Nó đành soa đầu đi
vào trong nhà để dọn dẹp. Bác Lê trai tung chiếu ngồi dậy. Bác với cái điếu cầy
nhưng tìm đến thuốc lào thì thuốc lào hết, bác cất tiếng gọi:
- Nhỡ ơi.
Tý đương xếp chiếu ngừng lại, ngạc nhiên:
- Thưa thầy,anh Nhỡ hôm qua không về.
- Thế à?
Bác thất vọng, cố vét những thuốc vụn cho vào điếu, kéo một
hơi mạnh rồi với khăn đi ra phía bờ sông rửa mặt. Bác đi còn chập choạng say,
người hơi mệt nhưng mệt một cách phiêu phiêu dễ chịu.
Bác thích uống rượu đã lâu nhưng bác không nghiện. Bác không
nghiện không phải vì bác muốn thế; nếu không có cái thói đánh đập vợ con thì
chiều nào bác cũng uống vì ở đời bác chỉ có ba cái thú: về thăm làng, uống rượu
và ăn của ngon. Giá chiều nào bác cũng được uống rượu và ăn của ngon thì có lẽ
cũng khuây khỏa được đôi chút tất cả những lo phiền vất vả của một đời nghèo
kéo dài hơn hai mươi năm trời. Ăn của ngon thì bác không dám màng tới vì đắt
quá, vả lại bác cũng không yên tâm ăn một mình trong khi cả lũ con đông đúc của
bác phải nhịn thèm. Rượu thì rẻ, chỉ một cút bác cũng đủ say rồi; chiều nào
cũng uống một cút với mấy củ lạc rang, thế thôi, nhưng cái ao ước đơn giản ấy
cũng không được thỏa mãn.
Mỗi khi bác uống rượu vào bác thấy trong người khoan khoái và
càng uống càng khoan khoái hơn cho đến khi bác tưởng là bác mê thiếp đi và khi
tỉnh rượu bác không nhớ lại mình đã làm những việc gì. Cả những lúc chửi vợ
con, bác cũng chỉ nhớ lại là có đánh chửi, nhưng đánh ai, đánh ra làm sao thì
bác chỉ nhớ một cách rất mơ màng như là truyện xảy ra trong một giấc chiêm bao.
Sáng hôm sau thấy vợ sứt một mảng da ở trán hoặc thấy con tím bầm cả mặt, bác mới
nhận rõ cả sự thực ghê sợ và thương vợ con. Uống rượu ở nhà thì khổ đến vợ con
mà bác yêu quý, đi nơi khác uống đợi tỉnh hãy về nhà thì ai dám chứa một người
say như thế.
Nhưng chừa thì bác vẫn không chừa được; những lúc thèm bác đi
la cà các nhà quen để tìm dịp uống nhưng dịp ấy cũng hiếm lắm vì ai cũng sợ bác
Lê gái trách móc. Còn mua rượn uống vụng thì cả vùng ấy không ai dám bán. Hôm
qua đươc uống rượu ở nhà cụ Hường cũng là do bác định tâm; hôm kia cụ Hường cho
gọi bác chữa lại cái giàn hoa nhưng biết hôm qua nhà cụ mừng thọ, bác để chậm lại
một ngày mới tới.
Bác Lê ngồi xuống bờ sông. Bác gật gù luôn mấy cái rồi ngẩn
người ra một lúc:
- Bữa cỗ ngon quá. Hừ mình được uống rượu tây. Được ăn yến.
Bác chép miệng, há môi như đương lấy làm lạ trong đời sao lại
có cái may ăn một bữa cỗ sang như thế, bác một người cùng đinh trong xã hội. Có
một món trông như tép bưởi; chắc là yến. Thảo nào mà ngon ghê. Bác người nhà lại
lấy trộm một chai rượu tây ở bàn thờ, để giấu ở gậm phản rồi bảo bác và những
người cùng mâm:
- Rượu tây đấy. Cứ uống đi không sợ.
Bác thì bác sợ lắm nhưng cũng muốn nhắp một tí cho biết mùi.
Nhắp một tí bác lại đưa chén uống thử thêm tí nữa và càng thử cái sợ càng bớt
đi. Rượu tây thực là lạ lùng: trong vàng như hổ phách, uống vào chỉ thấy thơm,
giọng rất êm và cái say cũng khác hẳn cái say của rượu ta. Bác mềm môi uống
mãi, uống say hơn mọi lần.
Bác lẩm bẩm nhắc lại mấy tiếng "rượu tây" "yến"
như để nhắc lại cái thú ít khi có trong đời, chiều hôm qua. Bỗng bác sực nghĩ đến
vợ: lúc nãy nhìn vợ một lúc, tuy quên không để ý xem mặt vợ có xây sát, thâm
tím chỗ nào không nhưng bác cũng biết là vợ mình không việc gì lắm. Bác đứng
lên đi vội về nhà để xem có đúng thế không.
Khi bác trở vào thì mâm cơm đã đặt ở giữa nhà, khói bốc lên
nghi ngút. Mâm cơm chỉ có một đĩa dưa rau má và một bát nước muối để chấm. Cả
nhà cũng đã ngồi quanh mâm đợi bác. Bao giờ cũng vậy, chỉ trừ khi bác đi vắng
còn không ai dám ăn trước bác cả. Nữa và Thêm đã đói lắm nhưng cũng không dám nhúc
nhích cầm đũa, Bác Lê trai lúc thường không đánh con bao giờ nhưng lũ trẻ sợ bố
hơn sợ mẹ nhiều.
Bác ra chỗ phên, tay tìm cái que để vắt khăn nhưng mắt thì
nhìn mặt vợ; quả nhiên vợ bác không có thương tích gì. Thấy thế bác tươi hẳn
nét mặt, Bỗng bác giật mình vì tay nắn vào chiếc khăn còn cứng khô nguyên: bác
đã quên không rửa mặt. Bác mỉm cười với vợ, lẩm bẩm:
- Hừ, mình hãy còn say.
Nhưng bác không muốn trở ra sông rửa mặt sợ vợ con phải đợi.
Bác đến ngồi xuống cạnh mâm. Bác lại nhìn vợ mỉm cười một lần nữa nhưng lần này
cười một cách ngượng ngập. Bác biết có lỗi song không bao giờ tự hạ mình xin lỗi
vợ; bác cho một cái mỉm cười để làm lành cũng đủ lắm rồi. Bác nói trống không
như nói cho cả nhà nghe:
- Ừ, hôm qua uống rượu tây. Lại có bát đồ ăn, cái gì như tép
bưởi, không khéo là yến.
Bác quay lại phía vợ, hỏi giọng đùa:
- Bu mày dễ chưa được ăn yến bao giờ?
Biết là chồng đã làm lành, nhưng muốn phạt chồng thêm ít nữa,
bác Lê gái cúi mặt lặng yên gắp dưa.
Sau một đêm lục đục và đói bụng cả nhà ăn một bữa cơm ngon
lành ít khi có.
Ăn gần xong bữa, bỗng có tiếng Mùi từ bên cửa hàng đưa sang:
- Bác Lê, bác Lê, hôm hay dễ được đến bốn năm hào chỉ cá.
Cả nhà không ai hiểu Mùi định nói gì. Tiếng Mùi lại tiếp
theo:
- Tội nghiệp anh Nhỡ, rét thế này mà ngồi suốt đêm ngoài lưới.
Bác Lê gái thốt ra mấy tiếng "Thế à cô?" vui sướng.
Chắc Nhỡ kéo xe về nhà từ tối hôm qua, thấy cha mẹ đánh nhau, phải ra ngồi
ngoài lưới suốt đêm để kéo lưới thay cha. Ra tiếng hát chèo lúc nãy khiến bác
ngờ ngợ quả thật là tiếng Nhỡ. Bác rối rít lên vì thấy được nhiều cá đến thế và
bác cốc vào đầu Tý:
- Thằng vô tích sự, thằng ăn không, có ra sách cá về hộ anh
mày không?
Bác dí ngón tay vào trán chồng:
- Đấy thầy mày xem, yến mấy rượu tây mãi vào để nó phải ngồi
suốt đêm ngoài lưới. Giá nó không ngồi thì lấy gì mà tọng vào miệng. Tội nghiệp
thằng Nhỡ!
Những lúc bác có sự gì vui sướng quá thì bác thường nói chồng
thậm tệ không sợ hãi vì bác biết chồng không giận bác những lúc đó. Bác Lê trai
không những không giận mà lại thích nữa; thấy vợ đã dí ngón tay vào trán mình,
đã nói truyện với mình (cho dẫu là nói những câu riếc móc nữa bác biết vợ hoàn
toàn hết giận mình. Bác cúi đầu cười xòa:
- Đâu mà mãi, chỉ có một lần.
Bác Lê gái nguýt một cái dài:
- Một lần cũng đủ chết con tôi rồi, ông ơi.
Thêm và Nữa ngay từ lúc đầu bỏ bát chạy sang cửa hàng để xem
cá vì chúng tưởng cá đã đem về bên cửa hàng rồi. Bác Lê gái sực nghĩ ra là Nhỡ
chưa ăn cơm và lúc nãy không thổi phần cơm Nhỡ. Bác vội đổ cả hai bát cơm còn đầy
của Thêm và Nữa vào nồi; thấy Út toan xới cơm bác lấy đũa chặn lại:
- Thôi đừng ăn nữa.
Rồi bác đậy nồi cơm cất lên trên cao. Út không hiểu gì nhưng
sợ mẹ không dám hỏi; Thêm và Nữa trở về mâm, ngơ ngác nhìn hai bát cơm tự nhiên
không có cơm, còn nồi cơm cũng biến đâu mất. Chúng nó cùng òa lên khóc một lượt,
như hai cái máy. Bác Lê trai thấy vợ bắt chúng nó ăn đói, để dành cơm cho Nhỡ
là vô lý nhưng giữa lúc vợ vừa hết giận mình, bác không nói gì. Bác dỗ Thêm và
Nữa:
- Thôi nín đi. Hôm nay phiên chợ.
Bác nói vắn tắt thế nhưng chúng cũng hiểu và nín ngay. Phiên
chợ nào chúng nó cũng được ăn ngon suốt ngày vì đi la cà các cửa hàng bán bánh
nhặt những tấm lá còn vưởng ít bánh gậm ăn hay đứng đợi ở các cửa hàng bán mía
nhặt những khoang mía sâu hay những gốc mía người ta vứt đi.
Nhỡ, Tý sách lưới và giỏ cá về, đặt ở cửa. Bác Lê gái chạy ra
nhìn vào giỏ rồi nói với Mùi:
- Dễ được đến năm hào thật, cô Mùi ạ.
Bác bảo Nhỡ:
- Trong nhà có cơm đấy. Vào mà ăn không đói. Bây giờ tao phải
đi.
Nhỡ đáp:
- Con không đói, chỉ mệt thôi. Con ăn mấy chiếc bánh rồi đi
ngủ đây.
Bác Lê gái bực mình vì đã mất công lấy cơm của những đứa khác
để phần mà Nhỡ không ăn, lại thấy Nhỡ đòi ăn bánh là một thứ tốn tiền:
- Ăn thế thì cũng như ăn hết cả chỗ cá này đi.
Nhưng bác cũng chiều Nhỡ nói:
- Tùy mày.
Bác dí ngón tay vào trán Nhỡ:
- Mày thì rồi cũng như bố mày thôi. Con nhà lính tính nhà
quan. Bố thì yến, rượu tây, con thì bánh cuốn nhân tôm, nhân thịt. Tao cũng đến
chết. Thôi tao đi.
Chợt thấy Tý bác trỏ vào mặt:
- Mày không đi nhặt lờ. Còn đợi tao nhắc à?
Tý nói:
- Con đương ăn dở. Con vào ăn nốt đã.
- Hết cơm rồi... À nhưng bây giờ còn cơm. Mày gọi cả các em
ăn với. Tội nghiệp chúng nó. Tối qua nhịn cơm, sáng nay lại ăn đói.
Tý không hiểu mẹ nói gì, đến lúc vào nhà hỏi Út mới rõ. Nó lại
bưng nồi cơm xuống, xới cơm vào bát rồi chạy đi tìm Thêm và Nữa. Thêm, Nữa trở
về, nhìn vào mâm ngạc nhiên thấy bát lại đầy cơm như cũ. Không có bố mẹ ngồi ở
mâm chúng nó và lấy và để và tranh nhau gắp dưa. Thoáng một cái nồi cơm đã sạch
nhẵn còn mồm và mũi Thêm, Nữa thì đen sì những cháy. Ăn xong chúng vẫn thấy
đói; mặc dầu nhịn cơm chiều hôm qua nhưng mẹ chúng vẫn đong đúng ngữ gạo như mọi
bữa mà ăn như mọi bữa thì chúng không bao giờ thấy no cả.
Tý dọn mâm nhưng không đem rửa vội. Nó nhìn ra phía sau nhà
thấy Út, Thêm và Nữa đương chăm chú ngồi nhìn cha phơi lưới, Tý đi sang cửa
hàng bánh cuốn. Cứ lúc nào đã làm hết công việc bác Lê gái giao cho mà lại đúng
vào lúc bác ấy đi vắng, không ở nhà để bịa ra công việc bắt nó làm, cho nó khỏi
đứng không ngứa mắt bác, thì Tý ra đứng xem chim sẻ, Tý biết rõ cả có mấy đàn
chim sẻ, nói cho đủng mấy tốp vì chỉ có một đàn nhưng chia ra từng tốp, mỗi tốp
đến ăn ở một cửa hàng cân gạo, Tý nhớ rõ cả những con nào bạo nhãt, con nào rát
nhất. Tý thấy tốp chim bao giờ cũng bay xà xuống đất ở thật xa chỗ có gạo rồi
chúng cứ nhảy dần đến gần, con bạo nhất đi đầu ngừng lại nghe ngóng, nhìn ngang
nhìn ngửa. Tý hồi hộp khi chúng nó đã gần đến nơi.
- Này nó sắp ăn, nó sắp ăn này.
Tý cũng hồi hộp như khi Tý trèo cây ăn trộm quả, giơ tay sắp
với tới. Có tiếng động con đi đầu bay lên, cả tốp cũng bay lên đậu trên mái nhà
gần đấy, kêu rỉu rít như thất vọng rồi chúng bay chuyền từ mái nhà nọ sang mái
nhà kia cho đến khi đã khá xa chỗ cân gạo lại bay xa xuống đất và bắt đầu tấn
công lần nữa. Khi nào tốp chim đến nơi và được ăn là Tý vui sướng như là chính
Tý được ăn quả hái trộm.
Nhưng sáng hôm nay mắt Tý nhìn chim sẻ mà óc Tý thì chỉ nghĩ
đến phía sau lưng Tý. Không quay lại nhưng tiếng chân bước Tý cũng biết là Nhỡ
đương đi sang cửa hàng. Tý hồi hộp đợi.
Nhỡ ngồi vào ghế, lật bát nước chè, rồi nói:
- Cô bán cho cháu một hào nhân bánh thịt.
Mùi nhìn Nhỡ ngạc nhiên:
- Anh Nhỡ hôm nay hoang ghê!
- Vâng, hôm nay được nhiều cá phải ăn một bữa cho bõ.
Tý vẫn đứng nhìn chim sẻ và đợi. Cũng may chỉ mình nó nghe thấy
Nhỡ nói sang ăn bánh cuốn nhưng tại sao ăn đã lâu mà Nhỡ không gọi mình: có một
mình Tý thì Tý còn hy vọng anh cho ăn chứ nếu cả Út Thêm và Nữa chạy sang, chừng
ấy đứa em thì không còn sơ múi. Tý đâm ra tức anh, tức cả Mùi nữa.
- Sao lại không ai gọi mình mà ăn lâu thế không khéo ăn hết rồi.
Tý thấy nhói ở ngực một cái rồi nó tính nhầm vội vội vàng
vàng chỉ sợ không kịp:
- Một hào tất cả mà ba xu hai chiếc, hai chiếc thì ba xu, một
chiếc thì một xu rưỡi, một hào thì bao nhiêu?... bao nhiêu? À một chiếc thì xu
rưỡi, hai chiếc thì ba xu, một hào thì...
Tý chịu tính không ra. Nó chỉ biết một hào thì mua được nhiều
lắm và cũng còn đôi chút hy vọng. Tý lại đưa mắt nhìn chim sẻ rồi không quay lại
nó nói với Mùi:
- Cô Mùi ạ, chim sẻ hôm nay con nào cũng béo tròn.
- À, Tý đấy à?
Mấy tiếng ấy của Nhỡ, Tý nghe sao mà vui tai thế. Nó vội quay
mặt lại:
- Anh gọi gì em?
- Lại đây ăn bánh. Tao mải ăn nên không biết có mày đứng đấy.
Tý đến ngồi ở ghế vẻ mặt nghiêm trang, đợi Mùi mở quả hấp, gắp
ra một chiếc bánh bóng loáng, hơi bốc nghi ngút, và đặt vào đĩa trước mặt Tý.
Tý giơ cả hai bàn tay toan cầm lấy chiếc bánh, thế là cái ao ước của nó lúc nãy
đã thành sự thực. Nó định bỏ tất cả chiếc bánh vào mồm rồi nhai qua và nuốt đến
ực một cái như lúc nãy ăn giả vờ. Bỗng Mùi giơ đũa chặn tay nó lại:
- Nóng chết. Eo ơi bẩn. Để tao bảo cho cách ăn. Mới đầu phải
sắn ra đã rồi gắp từng miếng chấm vào nước mắm; ăn bánh cuốn mà không có nước mắm
chanh ớt thì phí cả bánh cuốn, mà phải ăn thong thả. Tý lớn rồi phải tập ăn cho
chỉnh tề.
Nội các trẻ ở xóm, Mùi yêu Tý nhất vì nàng biết nó thông minh
và có óc nhận xét. Nàng hiểu nên không thấy những câu nói, những điều nhận xét
của nó là ngớ ngẩn. Như lúc nãy, trong lúc ngồi nhìn vơ vẩn, nghĩ đến Siêu,
nàng cũng vừa nhận thấy những con chim sẻ sáng hôm nay con nào cũng béo tròn. Mới
đầu nàng chỉ thấy chúng khác mọi ngày, nhìn mãi nàng mới thấy là chúng béo tròn
và khi nghe câu Tý nói về chim sẻ nàng hơi ngạc nhiên về trí nhận xét của Tý.
Mùi đã phải nghĩ một lúc mới tìm ra được lại sao hôm nay chim sẻ lại béo, nàng
toan hỏi Tý xem Tý có biết không nhưng nghĩ ra được điều gì nàng lại thôi.
Ăn xong Nhỡ với cái điếu cầy hút một hơi rồi về nhà; Tý vẫn
ngồi yên ở ghế đợi may ra Mùi có cho thêm một chiếc không. Nhưng Mùi không bao
giờ cho trẻ con ăn bánh. Tuy nàng rất thương hại lũ trẻ nghèo bên nhà bác Lê
nhưng vì chúng nó đông quá, cho một đứa phải cho tất cả nên nàng đặt cái lệ rất
nghiêm và cấm ngặt cả Bé: không bao giờ cho trẻ con ăn bánh.
Bỗng Mùi đưa mắt tìm Bé, thấy Bé đã ra phía sau bếp, nàng hỏi
Tý:
- Đố Tý biết tại sao sáng hôm nay chim sẻ lại béo tròn thế?
Nói đúng, tao cho một cái bánh.
Tý vui mừng đáp:
- Thưa cô lại giời rét.
- Thằng này giỏi.
Tý thấy Mùi nhìn nhanh xuống bếp một cái, mở vội cái nắp quả
hấp cho tay vào bốc một chiếc bánh chứ không dùng đũa rồi đưa cho Tý:
- Ăn đi.
Tý đặt bánh xuống đĩa, toan lấy đũa sắn theo cách Mùi vừa dậy
thì nó ngơ ngác thấy Mùi ra hiệu bảo cho cả chiếc bánh vào mồm:
- Nhai đi.
- Thưa cô, còn nóng.
- Nóng gì, nuốt ngay đi.
Nghe có tiếng chân ở dưới bếp bước lên, Mùi bảo khẽ Tý:
- Thôi đừng nhai. Ra ngoài kia mà nhai.
Tý không hiểu vì sao Mùi sau khi dạy nó cách thức ăn tử tế,
thong thả thì lại bắt nó ăn ngấu ăn nghiến. Nó cũng phải nghe lời đi ra, miệng
còn đầy bánh, sợ có các em trông thấy nó đi ngược mấy bước sang phía nhà cân gạo
bên cạnh rồi đứng lại nhai thong thả vừa nhai vừa ngẫm nghĩ. Nuốt xong miếng
sau cùng, nó há miệng thở hắt ra một cái y như lúc mới ngủ dậy ăn giả vờ nhưng
lần này nó đã có cái khoái ăn bánh thật.
Cúng rượu
Tý thò đầu ra khỏi chiếu; thấy trời sáng, không phải sáng
trăng, rõ ràng sáng ban ngày, nó vội rụt ngay đầu vào trong chiếu như để tránh
một cái cốc đầu của mẹ nó phạt nó ngủ trưa. Tý định ngủ lại thêm một giấc nữa
vì đằng nào cũng sẽ bị mẹ cốc đầu rồi. Nhưng một lúc sau, Tý lại thò đầu ra khỏi
chiếu, vì nó cảm thấy có một sự gì khác thường: nó ngủ trưa thế mà sao chưa bị
cốc đầu. Nó nhìn sang chỗ Thêm, Nữa nằm và ngạc nhiên thấy hai đứa em nó cũng
còn ngủ, chưa bị mẹ tung chăn như mọi buổi sáng.
- Tại sao thế này?
Nó tự hỏi thế và nhìn ra cửa; rõ ràng trời sáng hẳn rồi,
không phải nó ngủ mê. Tý nhìn sang chỗ mẹ nằm và lần này thị không hiểu gì nữa;
mẹ nó vẫn còn ngủ, ngáy đều đều. Một là mẹ nó ngủ quên, hai là ốm, nó nghĩ thế
và tung chiếu ngồi dậy. Tý định đến đánh thức mẹ nhưng nó lại ngồi xuống vì
nghĩ nếu mẹ nó ngủ quên, đến đánh thức chắc mẹ nó sẽ cốc đầu và mắng tại sao nó
lại ngủ trưa, sáng bảnh mắt rồi mới gọi mẹ dậy và nếu mẹ nó ốm đến đánh thức
cũng là một tội nặng. Tý định cứ dậy và ra cho lợn ăn như mọi lần. Nhưng nếu dậy
mà không đánh thức mẹ nó dậy, chốc nữa tất sẽ bị đòn. Không biết nên làm thế
nào, nó lại chui vào chiếu vì việc làm ấy nó thấy thích nhất, hợp lý và hợp với
ý nó lúc đó. Tý lại ngủ thiếp đi.
Một lúc sau Tý sực tỉnh vì cài gì động vào vai. Nó mở một bên
mắt và lạ lắm nó thấy bác Lê gái lay vai nó rồi gọi bằng một cách nghe rất êm
tai:
- Tý ai, dậy đi thôi con.
Nhất là cái tiếng "con" thêm vào sau cùng, sao mà
Tý nghe êm ái thế. Nó mở cả hai mắt nhìn mẹ và nhe răng cười với mẹ. Bác Lê gái
thấy tự nhiên con cười với mình, bác không hiểu vì sao nhưng bác thấy cái cười ấy
có vẻ ngốc và vì thế bác mỉm cười. Tý dụi mắt vì thấy mẹ lại mỉm cười cả với
mình mà như thế đúng vào một hôm ngủ trưa nhất từ trước tới nay. Tý sung sướng,
tưởng như mình ở trong một giấc chiêm bao, nhưng rõ ràng không phải chiêm bao,
Tý biết chắc như thế.
Thêm, Nữa cũng đã thức giấc nhưng vẫn còn nằm trong chăn; Út
đương ngồi bế em bên cạnh, Bác Lê gái với cái bồ đựng quần áo treo trên mái nhà
xuống, trút hết quần áo ở trong đổ ra ổ rơm rồi bác ngồi nhặt từng cái xem xét
và đếm. Hôm qua bác lái Tinh làng Hàn ghé qua, bác Lê gái đã bán ba cọn lợn được
một giá rất hời. Bác định để chậm lại đến gần Tết hãy bán vì có thể được giá
cao hơn nhưng mấy hôm trước bác thấy lợn lười ăn mất một ngày. Bác sợ vì trước
kia bác đã bị toi mất một con lợn hai ngày trước khi người dạm mua đến bắt. Tuy
lợn đã trở lại như thường bác cũng bán ngay và may lại bán được giá cao. Hôm
nay bác lái Tính đến bắt lợn và trả tiền. Thế là chắc chắn có tiền để về quê ăn
Tết. Cứ mỗi lần bán lợn thì cả nhà lại nghỉ một ngày, vì thế sáng hôm nay bác
không dậy sớm và không đánh thức lũ con dậy. Tý mon men đến ngồi gần xem mẹ soạn
quần áo, Bác Lê miệng vừa đếm vừa giơ tay làm hiệu bảo Tý đừng sờ đến quần áo,
Tý thấy mặt mẹ mình nghiêm trang và miệng lẩm bẩm y như khi cúng Phật. Đếm xong
rồi bác xếp những quần áo vào thành từng bộ một. Tý hỏi:
- Hôm nay về quê ăn Tết hở bu.
Nó nhớ năm ngoái mẹ nó lấy quần áo mới ra mặc cho nó và hôm ấy
cả nhà ra ga về quê ăn Tết. Bác Lê đáp:
- Thằng ngớ ngẩn, Tết gì bây giờ mà về... Đứng lên.
Tý đứng lên và tưởng mẹ đuổi toan bước ra chỗ khác. Mẹ nó lại
nói:
- Đứng đấy.
Rồi Tý thấy mẹ mình lấy gang tay đo một cái quần rồi lại đặt
bàn tay vào chân nó và xoay tay đo từ bàn chân trở lên; khi bàn tay bác Lê lên
đến cạnh sườn nó co rúm cả người vì nó có máu buồn. Thấy mẹ lại đo một cái quần
khác và sắp đặt tay vào người nó đo một lần nữa, Tý vội nói:
- Sao bu không cầm cái quần lên ướm vào người có nhanh không?
Bác Lê gái toan đo chân Tý, vội vàng cầm cái quần lên ướm.
Bác hừ một cái rồi nói:
- Cái thằng này tinh hơn tao.
Tý sướng nở mũi; hôm nay mẹ nó lại lần đầu tiên khen nó nữa.
Rồi Tý thấy mẹ bảo:
- Cửi quần ra.
Tý ngập ngừng vì nó đã lớn, đứng ngay trước mặt mẹ mà cửi quần
nó sợ hỗn và ngượng. Bác Lê dục:
- Cửi ngay ra!
Rồi bác lấy cái quần mới ướm mặc cho Tý và ngửa mặt ra đằng
sau ngắm nghía một hồi rồi nói:
- Tọng cho nhiều vào để bây giờ mặc quần ngắn cũn thế này ả?
Lại mất mấy hào chỉ với mày thôi. Thằng ranh, cửi áo ra.
Tý cửi ngay áo và thấy lạnh ran cả người. Bác Lê lấy một cái
áo cánh lên ướm rồi thấy không vừa lại lấy lên một cái khác; bác ngừng lại lấy
ngón tay cạo cạo một cái tổ rán dính ở lưng áo Bác cạo mãi mà không sạch; Tý đứng
rét run.
Được mẹ khen, Tý đâm ra bạo rạn, nên lại nói:
- Sao bu không ướm trước để con khỏi lạnh.
Bác Lê gắt:
- Thằng hỗn, mày lại dạy khôn cả tao à? Mới lạnh có một tí thế
mà đã dám mắng cả mẹ.
Nhưng Tý đợi mãi không thấy mẹ cốc đầu mình.
Bác Lê mặc áo xong, ngửa đầu ngắm nghía rồi lại cầm hai vai
quay Tý một vòng rồi lại quay Tý một vòng nữa, sau cùng bác lẩm bẩm:
- Thế mà cũng vừa.
Tý thì thấy tay áo ngắn cũn, ống quần lên đến nửa bắp chân thế
mà cái quần đã bỏ chùng xuống tận dưới rốn, cái áo cánh thì lại chưa xuống che
kín rốn thành thử nó thấy lành lạnh ở bụng; Tý nghĩ mặc thế này mà về quê ăn Tết
thì trẻ con làng nó cười chết. Nhưng lần này Tý đứng yên, buồn rầu không nói
gì.
Bác Lê đẩy Tý ra bên cạnh, nói:
- Nào bây giờ đến lượt thằng Thêm, thằng Nữa.
Thêm và Nữa tung chăn rồi vội đến đứng chờ; sắp được ướm quần
mới nên tuy cửi truồng mà chúng cũng quên không thấy lạnh. Bác Lê cúi mặt loay
hoay tìm cái quần của Thêm bác bảo:
- Thêm, cửi quần ra.
Thêm và Nữa đêm ngủ hà tiện quần nên cửi truồng, Thêm đứng tô
hô mà mẹ thì cứ bảo cửi quần ra, Tý không nhịn được bật lên cười. Bác Lê ngửng
nhìn Thêm rồi cũng bật cười. Nhưng bác quay mặt về phía Tý:
- À thằng này lại cười cả tao à?
Nhưng bác không giữ được nghiêm trang, bác vừa nói thế vừa cười
to hơn; Tý lại nhìn Nữa nói như ra lệnh:
- Còn thằng Nữa cũng phải cửi quần ra nữa.
Thấy anh nói vậy, Nữa bất giác đưa hai tay xuống bụng như người
muốn cửi quần làm bác Lê bò lăn ra cười:
- Mày làm tao không chịu được nữa.
Út không hiểu gì nhưng cũng thích chí cười theo mẹ; nó lắc lư
người và đụng đầu bé Thôi vào cái bồ làm Thôi khóc thét lên.
Bác Lê trai ở phía ổ rơm bên kia, thò đầu ra ngoài chiếu:
- Mẹ con mày làm gì mà cười, khóc rộn cả nhà lên thế?
Bác Lê gái ít khi hay cười, nhưng lúc nào có gì vui vẻ trong
lòng thì một chuyện cỏn con cung làm bác cười đến không thở được nữa. Nhưng
trong đời bác ít có ngày sung sướng nên bác cũng ít có ngày cười như hôm nay.
Bác Lê gái mặc quần áo cho Thêm, Nữa xong, ngắm nghía Tý thấy
quần áo Thêm và Nữa cũng ngắn như quần áo Tý. Bỗng bác Lê gái nói:
- Chúng bay cửi hết quần áo ra.
Tý, Thêm và Nữa lại vội vàng cửi hết quần áo ra, đứng truồng
tô hô như ba cái tượng lạnh.
Tý hiểu và sung sướng hy vọng không phải mặc bộ quần áo ngắn
cỡn được mẹ may cho quần áo mới và cũng vì Tý hiểu nên vừa cửi xong nó vội lấy
bộ quần áo cũ mặc ngay vào người Bác Lê gái lấy quần áo của Tý mặc cho Thêm.
Đúng như Tý đoán bác gật gù lẩm bẩm:
- Sang năm thì vừa.
Bác nghĩ dài còn hơn ngắn, ống tay có thể lật lên được, quần
có thể buộc cao lên, và quần áo của Nữa sau này có thể để Thôi mặc. Bác bảo Tý:
- Còn mày, tao may cho bộ mới. Thôi bây giờ chúng bay cửi quần
ra và đi chơi để tao khâu vá.
Tý sung sướng đi ra phố xem chim sẻ. Một ngày dậy trưa mà
không bị cốc đầu lại được mẹ mỉm cười với mình và may cho quần áo mới. Tý không
hiểu vì cớ gì nhưng nó thấy rõ là ngày hôm nay không phải làm việc gì cả và muốn
làm gì thì làm. Bỗng nó chợt nghĩ đến bác Đỗi:
- Phải đấy, câu tôm cả một ngày, thích biết bao.
Tuy bác Đỗi đã cấm nó đến và không dạy nó câu nữa - nó không
hiểu vì cớ gì - nhưng đã lâu nó không đến nên lần này đến may ra bác ấy cho câu
chăng. Lần này nó đến không phải để là học câu nữa nhưng mà là để câu lấy tôm.
Câu cả ngày, chiều lại đem một giỏ tôm về, chắc mẹ nó phải bằng lòng; nghĩ thế
Tý chạy thẳng về nhà lấy cái giá con và đi thẳng về phía bến đò làng Trò. Đi
qua ấp cụ Án, gần tới lăng cụ Quận, Tý mới sực nghĩ ra là chưa ăn cơm, những nó
cũng cứ đi thẳng. Đã có lần nó thấy cụ Nhiêu đem ra cho Đỗi một giỏ cơm đầy và
có cả thịt; nó hy vọng bác Đỗi sẽ cho nó một bát và hy vọng lại được ăn thịt nữa.
Bác Lê gái lấy kim chỉ ra ngồi khâu lại những chỗ tuột chỉ. Nửa
giờ sau, bác Lê trai ngồi dậy với điếu hút. Bác nhìn vợ rồi lại nhìn xuống bếp,
nhưng vẫn không thấy khói:
- Này đằng ấy, nghỉ làm thì nghỉ cả ăn nữa à?
Bác Lê gái giật mình, bác cốc vào đầu Thêm một cái, mỉm cười
nói với Thêm:
- Sao mẹ mày lú gan lú ruột đến thế.
Bác đem quần áo ra phơi, rồi xuống làm cơm. Mâm cơm vẫn như mọi
lần, chỉ có một đĩa dưa. Bác Lê bảo chồng:
- Này đằng ấy, chiều bán lợn xong thì có lòng lợn ăn. Bác lái
ngả ngay một con và đã hứa cho tôi xin một ít lòng tiết.
Bác Lê nuốt nước bọt nghĩ đến bữa lòng lợn buổi chiều, nhưng
lòng lợn lại gợi bác nghĩ đến rượu và khiến bác băn khoăn. Bác ngồi vào mâm ăn
cơm, đãng trí quên không biết là mâm cơm sáng hôm nay thiếu mất Tý. Nhỡ thì đi
kéo xe xa chiều mới về. Bác Lê gái lại đãng trí hơn bác Lê trai nên cũng không
nghĩ đến thiếu Tý. Út nhớ nên bảo Thêm chạy ra gọi Tý. Thêm đi một lúc lâu lắm
rồi trở về nói:
- Anh Tý anh ấy đi đâu ấy.
Bỗng bác Lê gái buông cả đũa bát xuống:
Bác đứng lên chạy vội xuống chuồng lợn. Quả như bác đoán, cái
ang cám còn đầy nguyên. Ba con lợn thấy người sùng sục chạy ra vì đói. Bác gọi
to:
- Tý ơi Tý, thằng chết ranh chết tiệt, chết dấp chết dí, chết...
Bác bảo chồng:
- Thằng Tý nó quên không cho lợn ăn. Lợn đói mấy tiếng đồng hồ
rồi mà chốc nữa người ta đến mua lợn; thế có chết tôi không.
Giận ứ lên cổ, bác chạy vội sang bên hàng bánh cuốn, hiệu
Ninh Ký, hàng cơm cụ Yếng, bác hai Vinh, bà cụ Huế cả, bà cụ Huế hai... bác chạy
khắp phố vừa lùng Tý, vừa réo tên. Mọi người lo sợ tưởng Tý bị chết đuối. Chỉ
có Mùi lo sợ cho Tý nhất nhưng không phải sợ Tý chết đuối; nàng nhìn vào hai
bàn tay bác Lê run run lên vì giận và những ngón tay co quắp lại vì lấy gân và
nàng sợ nếu lúc này mà bác tóm được Tý thì cái đầu bóng nhẵn của Tý có thể vỡ
tan tành. Nhưng may bác Lê không tìm thấy Tý. Bác đành trở về nhà: những ngón
tay của bác lại mền dần dần và bác ngồi vào mâm vác bát ăn.
Ăn xong, bác Lê trai xuống xem lợn vì bác nghĩ đến bữa lòng lợn
buổi chiều. "Con lợn có béo thì lòng mới ngon". Bác nhìn thấy ba con
đều béo cả, bác lại nuốt nước bọt rồi bác nhìn đến cái ang cám và ngạc nhiên thấy
cái ang cám vẫn còn đầy. Bác đặt ang vào chuồng cho lợn ăn rồi đi lên, đứng
nhìn bác Lê gái đương ngồi uống nước xỉa răng ở cạnh mâm. Bác nhìn vợ, mỉm cười.
Bác Lê gái thấy chồng nhìn mình mỉm cười luôn, tưởng chồng cũng thích vì hôm
nay bán lợn; bác cũng mỉm cười lại chồng. Bác nghĩ đến cái sung sướng về thăm
nhà, ăn tết đánh bạc, xem hội và nghĩ đến con lợn cúng thần to béo bằng cả ba
con lợn của bác; giá sau này bác cũng có đủ tiền nuôi lợn cúng thần thì sung sướng
đến đâu. Bác gật gù mỉm cười với chồng nói:
- Sang năm cố nuôi lợn cúng thần, đằng ấy ạ.
Bác Lê trai cũng mỉm cười hỏi:
- Thế đằng ấy đã cho lợn ăn chưa?
Bác Lê gái giật mình đến thót một cái và đặt ngay bát nước xuống
mâm. Bác Lê trai giơ tay cản:
- Tôi vừa cho nó ăn rồi.
Lúc nãy bác Lê trai cũng lo sợ cho Tý, nhưng Tý có lỗi bác
không thể bênh được. Lần nào cũng vậy, bác thì bênh Tý còn bác gái thì đổ tội
cho Tý và bao giờ bác gái cũng thắng. Lần này thấy vợ đã nguôi nguôi giận bác cố
tìm cách chống chế để Tý có về khỏi bị đánh và được ăn cơm:
- Đấy mình cũng còn quên nữa là trẻ con.
Bác Lê gái nói:
- Lại sắp binh nó phải không. Việc cho lợn ăn là việc của nó.
- Thế sao bu mày lúc nãy cũng quên không thổi cơm.
Bác Lê gái không biết trả lời thế nào; bác đứng dậy:
- Thôi đừng bênh nó nữa đi! Nó quên cho lợn ăn vào giữa hôm
người ta đến mua lợn.
- Đến cho mình ăn cơm mình còn quên nữa là cho lợn ăn.
- Thế còn cái tội đi chơi bỏ cả cơm mà đến bây giờ chưa về.
Bác Lê gái dí một ngón tay vào trán chồng:
- Binh nữa thôi.
Bác Lê trai mỉm cười; cả lần này nữa bác cũng chịu thua. Sự
thực bác Lê gái cũng đã nguôi tức; nếu Tý có về ngay lúc đó cũng chỉ bị cốc đầu
qua loa và được ăn cơm. Nhưng Tý lại không về ngay lúc đó. Tý còn câu tôm...
Mặc dầu là ngày bán được lợn và sắp được ăn lòng lợn, bác Lê
trai cũng băn khoăn bứt rứt trong lòng cả buổi sáng và buổi trưa. Lòng bác băn
khoăn chính vì lòng lợn. Sau cùng bác không thể chịu được nữa nhất quyết đi mua
rượu để cho hết băn khoăn. Nhưng mua rượu là một việc khó vô cùng vì bác Lê gái
đã đi dặn bất cứ hàng rượu nào ở vùng quanh đó đừng bán rượu cho bác trai. Giá
có thằng Tý ở nhà thì công việc có thể dễ dàng đôi chút. Út thì về bè với mẹ,
nó lại phải bế em, còn Thêm với Nữa thì còn bé quá. Lúc đó bác cũng đâm ra tức
cả Tý đã bỏ cơm đi chơi bạt mạng và bác cũng cảm thấy như bác gái cái tội đó là
nặng, cần phải đánh dòn, bắt nhịn cơm.
Sau cùng bác nghĩ đến ông Năm Bụng. Sang tới nơi, may quá ông
Năm lại có nhà:
- Ông bán cho tôi một cút rượu.
Ông Năm Bụng ngạc nhiên lắm, nhưng ông không tỏ vẻ ngạc nhiên
ra. Ông chỉ gật gù mấy cái. Bác Lê cho là ông nghĩ đến những câu chửi của vợ
mình sáng mai. Bác vội tiếp:
- Tôi mua rượu về để cúng.
Ông Năm lại gật gù rồi hỏi:
- Ngày mai có cúng nữa không?
Nghe câu hỏi mát ấy, bác Lê biết là ông Năm không tin mình.
Biết là không mua được rượu, bác Lê hơi tiếc nhưng tự nhiên hết băn khoăn...
Bác toan quay ra và về thẳng nhà vì ông Năm Bụng mà không dám bán thì không ai
dám bán. Bỗng ông Năm Bụng bảo bác:
- Bác đợi tôi một lát. Tôi đi lấy rượu.
Bác Lê ngồi xuống phản đợi. Lúc đã biết chắc là mua được rượu
rồi, tự nhiên bác lại thấy áy náy. Uống vào thú thì cũng thú thật nhưng lại làm
khổ vợ khổ con vào giữa ngày bán lợn. Bác chợt nảy ra cái ý nghĩ; cai hẳn rượu.
- Phải đấy cai hẳn cả đời chứ không phải cai mà thỉnh thoảng
vẫn uống. Khổ nhất là thèm mà cứ phải nhịn, mà nhịn lại càng thấy thèm hơn. Định
bụng cai hẳn thì không nghĩ đến rượu nữa, không thèm nữa và hết bứt rứt, hết khổ
vợ con.
Ông Năm Bụng trở về rút ra một chai rượu con, và làm hiệu bảo
bác Lê đứng lên. Ông Năm lật áo cánh đưa chai rượu vào bụng bác Lê, rồi gạt gạt
mấy cái vào áo cho nếp răn tự nhiên:
- Thót bụng vào.
Bác Lê vội thót bụng vào.
- Phải đấy cứ vừa đi về nhà vừa thót bụng như thế. Mới đầu
cũng hơi khó chịu sau lâu cũng quen đi. Ấy là nói về tôi, chứ bác thì chỉ thót
một lần này, về sau thôi đừng thót nữa nhé.
Bác Lê định bụng cai hẳn nhưng bác không nghĩ đến việc trả lại
rượu ông Năm. Bác lại cần phải mua hơn trước vì bác nghĩ mua về để đấy, có lòng
lợn ngon mà cũng không uống thì là chắc chắn cả đời cai được, rồi mấy ngày sau,
bác sẽ đưa vợ con xem chai rượu mua từ hôm ăn lòng mà vẫn còn nguyên, như thế vợ
con từ nay về sau hết lo và sẽ phục bác "lăn đùng cả ra". Bận về những
ý nghĩ ấy nên bác Lê không để ý đến sự mỉa mai của việc mà bác cùng ông Năm Bụng
đương làm vì rõ ràng bác đã nói là mua rượu về cúng cần gì phải giấu kỹ thế.
Ông Năm Bụng thì không nhớ rõ lời bác Lê lắm nên phải cố chọn cái chai nhỏ để
giấu cho dễ kín.
Bác Lê chào ông Năm rồi vừa thót bụng vừa đi. Bác đi thong thả
và lúc đó bác mới thấy phục ông Năm Bụng đã giắt nổi năm chai lớn mà đi lại vẫn
tự nhiên, ngay cả trước mặt Tây đoan. Bác nhìn xuống bụng và tuy chỉ là một cái
chai bé, nó cũng cứ lồ lộ phồng ra trông rõ ràng là một cái chai: bác vội thốt
bụng lại nhưng nếu thót nhiều quá, cái chai mà rơi xuống vỡ tan ở giữa phố thì
thật là ê. "Lúc này mà có chó dữ chạy ra cắn mình", bác nghĩ thế và
hiểu vì sao ông Năm phải sợ chó. Gần về đến nhà bác lại sợ hơn; vợ bác nếu nhìn
biết thì cái "mưu mô" của bác hỏng hết. Bác sẽ bị vợ cốc đầu và nhiếc
chứ không phải chỉ bị dí ngón tay vào trán và nguy nhất là lỡ ra như vậy thì
bác lại không cai được hẳn rượu. Bác đã tính sẵn nếu vợ bác biết thì bác cố giữ
lấy chai rượu, tu một hơi hết chai để say đi và quên hết cả rồi ngày hôm sau muốn
ra sao thì ra.
Bước đến cửa nhà, bác thấy vợ vừa ở dưới bếp đi lên.
- Thầy mày đi đâu về đấy?
Bác thấy bác lúc đó sợ vợ hơn ông Năm Bụng sợ chó. Câu hỏi bất
ngờ làm bác bối rối; bác vội thót bụng mạnh làm cái chai tụt xuống một tí. Trời
rét mà trán bác tưởng như toát mồ hôi vì bác vừa nhận thấy cái bầu chai đã tuột
xuống dưới thắt lưng chỉ có cái cổ chai còn vướng và hình... hình... hình như
nó sắp rơi...
- Hừ... tôi sang xem... xem bà cụ Huế.
Miệng bác nổi câu ấy còn chính bác, bác không biết mình nói
gì và cũng không biết là mình nói nữa. Bác Lê gái cho là chồng nói đùa; hôm nay
thì bác tưởng ai cũng vui vẻ cả. Giá hôm khác thế nào bác cũng đâm nghi và
khám: nhưng hôm nay vừa bán lợn xong, bụng bác còn đương nặng những bạc đồng một
cách thinh thích thì bụng chồng có phồng bằng hai thế bác cũng không nom thấy.
Bác cười và cũng nói đùa lại với chồng:
- Hừ... bà cụ Huế thì có gì lạ mà xem. Sao không về xem cái bụng
này có hơn không?
Bác vừa nói vừa vỗ vào ruột tượng, chỗ có dắt tiền. Bác Lê
trai nhìn nhanh vợ một cái, thấy nét mặt vợ vẫn vui tươi. Bác cũng bắt chước vợ
cho tay lên bụng mình:
- Bụng tôi không có gì, lát nữa đưa tôi một nửa tôi giữ hộ
cho.
Nhờ cách ấy nên bác để tay lên bụng được tự nhiên và lấy một
ngón tay ấn cái đáy chai lên một tí. Thế là bác đi được, đến ngồi xuống ổ rơm,
và thở dài một cái nhẹ nhõm.
Bác Lê gái tháo cái ruột tượng đưa cả cho chồng:
- Này, giữ hộ để tôi đi lấy lòng lợn. Hay đằng ấy cùng đi một
thể.
- Thôi, tôi chịu thôi, tôi mệt.
Bác Lê gái lo lắng, nhìn chồng:
- Ừ, tôi trông thầy mày như người mất hồn. Nếu mệt thì thôi đừng
ăn lòng lợn nữa. Lòng lợn độc lắm.
Bác Lê trai vội cười:
- Nói đùa đấy thôi, cho bu mày lo một tí. Tôi không đi vì hai
vợ chồng đi đôi thế, xấu hố chết.
Hai vợ chồng bác không bao giờ dám đi đôi, nếu có việc gì bất
đắc dĩ phải cùng đi thì hai bác đi cách nhau đến mấy chục thước, kể cả những
khi qua cánh đồng vắng không có ai.
Bác Lê trai đợi cho vợ đi thật lâu rồi mới đứng dậy, bước vội
vào trong buồng sép tối và rút chai rượu đặt ra đằng sau một cái hũ không. Bác
phủi tay rũ những màng nhện, rồi đứng lên đi ra. Tuy hôm ấy nghỉ cả mọi việc,
nhưng bác cũng đem cái lờ đan dở ra đan; bác muốn làm việc để thì giờ chóng
qua.
Bác Lê có hai nghề chính: đánh cá và đan tre, nhưng cả hai
nghề cũng không kiếm được bao nhiêu tiền. Vợ bác thì đi đặt lờ ở các ruộng và
đi bắt cua, mò ốc. Tuy đông con nhưng người nào cũng có việc làm và chịu khó
làm nên cũng đủ ngày hai bữa cơm rau. Gánh nặng nhất đối với bác là tiền đóng
góp việc làng; tuy xa làng đã hơn hai mươi năm nhưng bất cứ một số tiền đóng
góp nào bác cũng nộp đủ. Một năm cả nhà bác phải còng lưng làm để đợi đến ngày
Tết về thăm làng xóm và nộp tiền đóng góp. Mấy năm nay xóm Cầu Mới lại thịnh vượng,
bác cũng có nhiều công việc làm hơn. Bác nắn cái ruột tượng; số tiền bán lợn
năm nay, trừ tiền trả công nợ đi rồi, là một số tiền vốn lớn nhất của bác từ
khi đến ở xóm. Bác nghĩ nếu năm nào cũng như năm nay cả thì ngày rầm mồng một,
ngày kỵ ngày giỗ có thể ăn thịt gà thịt vịt được, có đồ nhắm ngon và... Óc nghĩ
liên miên đến đấy, bác lại vội lắc đầu, nghĩ sang việc khác. Bác nghĩ đến cái
tính viển vông của vợ bác đào đâu ra tiền mà lúc nãy lại đòi nuôi lợn cúng thần;
có lần vợ bác lại muốn có cả cái nhà tây hai từng như cụ Hường làng Trò. Thật
là đàn bà... Bác cũng thương vợ lúc nào cũng phải nhịn ăn nhịn tiêu và thương cả
lũ con đứa nào cũng gầy gò xanh xao vì thiếu ăn thiếu mặc. Bác lại nghĩ thương
cả bác nữa: có mỗi một cái thú... Thấy ý nghĩ lẩn quẩn lại quay trở về chỗ cũ
bác ngửng lên nhìn ra phố để khỏi nghĩ thêm nữa.
Một lúc sau, bác Lê gái trở về thấy chồng ngồi đan lờ, bác gắt
yêu:
- Đan với điếc gì. Ra đây mà xem.
Bác đặt cái rổ trước mặt chồng:
- Tha hồ ăn.
Bác Lê giai nhìn vào rổ, ngạc nhiên một cách kinh hãi. Ngoài
lòng và tiết ra còn có cả gan, có cả thịt và cả một cái chân giò:
- Sao họ cho nhiều thế này?
Bác Lê trai ngước mắt nhìn vợ, tưởng vợ hóa điên. Bác gái lại
lấy ở túi ra một gói giấy bản vứt xuống rổ:
- Nấm hương đấy. Lòng luộc, thịt sào nấm và chân giò giả cầy.
Tha hồ mà ăn một bữa cho sướng miệng... À, còn thằng Tý đâu, nó về chưa?
Bác trai giật mình vì Tý đi lâu một cách bất thường mà lại
không ăn cơm sáng nữa. Vừa lúc đó bác Bút đi vào cười nhe cả lợi vừa nhìn tròng
trọc vào cái rổ thịt lợn vừa chắp hai tay vái vái cái chân giò, miệng suýt soa.
- Cỗ bàn linh đình thế này...
Bất cứ ai ở xóm hay ở làng Hàn, bên phố Phủ, làng Trò, làng
Nâu, làng Yên Ninh, hễ đâu có cỗ là có mặt bác. Bác không biên sổ vì bác không
biết viết, nhưng nhà nào những ngày nào có giỗ bác đều thuộc lòng cả.
Bác Lê gái dí ngón tay vào trán bác Bút:
- Cười mới vái thì cũng chẳng được ăn. Hễ cứ thấy đâu có ăn
là có mặt nhà bác...
Bác Bút lại cười và lại vái hai bác Lê rồi đi lùi dần ra cửa.
Bác chưa bao giờ được ăn cỗ ở nhà bác Lê cả vì bác Lê còn nghèo hơn bác. Bác
trai bảo vợ:
- Không khéo nó chết đuối!
- Chết đuối gì, nó biết bơi cơ mà.
- Biết bơi mà không bị à...
Bác Bút ra đến cửa quay mặt lại hỏi:
- Ai chết đuối cơ?
- Thằng Tý.
- Tôi vừa mới gặp nó câu tôm ở bến đò Trò.
Rồi bác lại xoay người vái vái mấy cái về phía bến đò Trò như
là vái Tý vì phục Tý ham chơi đến nỗi bố mẹ ở nhà tưởng chết đuối.
Bác Lê gái hất hàm bảo chồng:
- Còn bênh nó nữa thôi. Chốc nữa về thì đừng hòng ăn.
Bác Lê trai nhìn rổ thịt, rồi nhìn vợ:
- Thế này mà bắt nó nhịn thì tội nghiệp.
Bác Lê gái cầm cái rổ xuống bếp nấu đồ ăn. Bác ít khi được ăn
của ngon nhưng làm đồ ăn ngon thì cũng tàm tạm được vì hồi u già của Mùi về quê
mấy tháng, bác đến ở thay và được Mùi dạy cho.
Bác Lê trai lại cặm cụi đan lờ. Được một lúc, bác ngửng lên
nhìn vào cái buồng sép trong đó có chai rượu rồi lại nhìn xuống bếp. Bác đứng
lên, đi xuống bếp xem vợ nấu đồ ăn nhưng chân giò mới chặt xong chưa cho vào nồi,
chẳng có gì đáng xem bác lại lên nhà ngồi đan lờ.
"Chân giò ninh rừ thì cũng mất hai tiếng đồng hồ".
Rồi trí nghĩ bác lại đi từ những miếng giả cầy béo ngậy đến
những miếng lòng tràng ròn và những miếng dồi thái to chấm đẫm mắm tôm chanh ớt
ăn vào đầy chắc cả mồm; bác nuốt nước bọt đến ực một cái đưa mắt nhìn vào cái
buồng sép và thở dài. Rồi bác lại cúi xuống cặm cụi đan.
Thấy ở bếp có khỏi, Út bế em về để ngồi cạnh bếp sưởi và xem
mẹ nấu đồ ăn.
Thêm với Nữa cũng đã đi chơi về và xuống bếp. Bác Lê trai thấy
mình ngồi đan cũng đã lâu, nghĩ chắc bây giờ giả cày đã rừ và các món lòng dồi
đã luộc chín nên cũng vứt lờ chạy xuống bếp. Thấy vợ vừa cắt xong mấy khúc dồi
hơi còn bốc nghi ngút, bác cầm một miếng nếm thử, nhai thong thả và gật gù:
- Bu mày làm đồ ăn cũng khéo như bên nhà cụ Hường. Hừ, dồi
này ăn ngon như yến...
Bác định nói chỉ còn thiếu rượu tây nhưng không dám nói ra.
Trời đương nắng bỗng nhiên tối sầm lại:
- Giời muốn mưa chăng?
Bác vội chạy ra nhìn; về phía tây và phía bắc trời đầy mây
nhưng mây không đen lắm. Bác lại trở về bếp và ngồi xuống đùa với con. Thỉnh
thoảng bác lại nhìn ra ngoài. Một lúc thấy trời tối hơn, bác lại chạy ra đứng
nhìn trời. Ở phía bắc đằng sau lá mấy cây núc nắc trên con đường sang Phướn có
một đám mây đen và ở viền có mấy chỗ mây lở ra lả tả, rớt xuống nhưng không phải
mưa. Bác quay trở vào bếp, giơ tay lên soa trên lửa nói với vợ:
- Mưa xuống thì lại càng rét, ăn lại càng ngon.
Lá đa rơi xuống lộp độp ở sân. Bác Lê trai nhìn ra và sung sướng
thấy trời nổi gió to. Bác Lê gái nói:
- Trời gió to, lại khổ tôi quét lá thôi.
Bác Lê trai vội chạy ra nhìn trời. Lần này bác đi ra tận phía
sau nhà để nhìn rõ chân trời. Mây bốc lên từ chân trời, chạy vùn vụt qua đầu
bác nhưng vẫn là mây trắng và rời rạc. Bác lại quay trở về bếp. Bác gái đương lấy
đũa cắm vào miếng giả cày xem đã rừ chưa bỗng ngừng lại hỏi chồng:
- Này làm sao thế. Thầy mày đi ra rồi lại chạy vào dễ đến chục
lần rồi. Thịt cầy rừ rồi đấy, liệu dọn mâm trước đi thì vừa... Ồ, sao thằng Nhỡ
đi kéo xe mãi vẫn chưa về.
Bác Lê trai đặt mâm xuống ổ rơm, rồi bỗng đứng yên lắng tai
nghe. Rõ ràng có tiếng giọt mưa trên mái nhà. Bác nhìn ra sân, các hạt mưa đan
nhau, mới đầu thưa thớt rồi mau dần. Trời đổ mưa rào.
- Thế là số giời.
Bác vừa lẩm nhẩm trong miệng vừa đi ngay xuống bếp ngồi sưởi
một lúc; khi đi lên bác với cái khăn mặt và đi thẳng vào buồng sép. Ngay từ khi
trời bắt đầu tối lại bác đã định ngầm với bác là nếu trời mưa thì bác phải uống
rượu, trời không mưa thì thôi. Có đồ nhắm ngon, có sẵn rượu ở bên cạnh mà trời
lại đổ mưa, đến thánh cũng không chịu được nữa là bác. Bác ngầm thấy, nhưng
không tự thú với mình, là nếu trời không mưa bác cũng uống rượu, uống chỉ cốt
cho khỏi phải bứt rứt khổ sở vì cái chai rượu để cạnh người, uống cho mất hẳn
chai rượu ấy đi và lần sau cạch không chơi cái trò dại ấy nữa. Ngay từ khi còn
ngồi đan rổ, trước khi trời có mây, bác đã nghĩ kỹ về cách thức uống thế nào
cho vợ con không biết; bác uống rượu vào da mặt không đỏ, nếu có đỏ thì cũng chỉ
đỏ hơi hơi, vậy trước khi uống, bác sẽ xuống ngồi ở bếp một lúc. Hơi rượu sẽ bị
mùi thịt giả cầy đánh át đi. Cả đến cách uống rượu bác cũng đã nghĩ đâu vào đấy;
nếu uống hết cả cút rượu trước khi ăn, sợ say quá, lúc ăn có thấy ngon đi nữa
mà hôm sau không nhớ lại được thì cũng như là không ăn. Nếu vừa ăn lại vừa thỉnh
thoảng chạy vào làm một tợp thì lộ ngay. Bác sẽ uống làm ba bận, bận đầu trước
khi ăn, bận thứ nhì giữa bữa ăn và bận thứ ba ngay sau khi ăn. Vì vậy bác phải
đem cái khăn mặt treo ở buồng sép, lúc nào cần uống thì làm cho tay rây bẩn để
vào buồng lấy khăn lau cho tự nhiên.
Bác ngồi xuống cạnh cái hũ không, với chai rượu giơ lên chỗ mờ
mờ sáng ở mái nhà và lấy ngón tay cái bấm vào chai đánh dấu ngữ rượu uống một bận.
Rồi bác uống từ từ từng ngụm nhỏ một. Uống xong một ngụm bác lại ngừng lại nghe
ngóng; bác nghe hơi rượu chạy thấm vào trong người và làm bác bắt đầu bâng
khuâng. Bác giơ cao chai rượu như mời vọng ông Năm Bụng và nói thầm:
- Mời ông sơi.
Rồi bác đặt miệng chai lên môi bác nhếch mép nói:
- Mời tôi sơi...
Và bác cười khì một cái, sung sướng.
Vừa lúc ấy Nhỡ kéo xe về; thấy có mùi thơm chàng chạy xuống bếp.
Bác Lê gái thấy Nhỡ về mừng rỡ:
- Hôm nay mà mày không về thì tao ăn mất cả ngon.
Nhỡ nhìn vào những miếng lòng gan, những khúc dồi, nhìn cái
chảo thịt sào nấm hương rồi lại mở vung nồi giả cầy hít hơi mấy cái:
- Cuộc phù thế nhân sinh ơi...
Chàng quay mặt hỏi mẹ:
- Ai cho mà nhiều thế này?
- Ai cho? Rõ thật con như bố, tưởng người ta cho dễ dàng thế.
Tao mua đấy. Hôm nay bán lợn rồi.
Nhỡ thấy mẹ quay mặt đi vội cầm một miếng dồi bỏ tọt vào mồm
và ngậm môi lại ngay yên tắp, rõ ràng mẹ không nhìn thấy. Bác Lê gái quay lại
và cốc lên đầu Nhỡ một cái:
- Mày tưởng tao không biết à? Rõ thật con như bố, toàn giỏi
khoa ăn vụng, uống vụng...
Bác Lê trai đương tu rượu nghe tiếng vợ nói ở dưới bếp vọng
lên, giật nẩy mình một cái, bị sặc rượu ho sù sụ. Bác đút nút đặt chai rưọu xuống
rồi đi ra. Tuy là chia rượu làm ba phần nhưng lần đầu bác đã uống hết ngay nửa
cút vì bác cần phòng xa nhỡ chốc nữa xảy truyện gì bất ngờ không uống được nữa.
Bác ngồi xuống ổ rơm, nhìn mâm cơm, nhìn xuống bếp lại nhìn trời mưa và rung
đùi. Bác với điếu hút, vì bác ngà ngà say, hút thuốc ngon hẳn lên. Đời bác dễ
không mấy khi được sung sướng như lúc đó. Lần trước bác được nhắm rượu tây với
yến, lần này bác được nhắm rượu với lòng lợn, giả cầy. Đùi bác rung mạnh hơn;
bác ruỗi hai cánh tay cho bàn tay thủ vào bọc và rùng mình một cái. Môi bác mỉm
cười một cách ngây ngô, những vết rỗ hoa trên má trên mũi bác cũng như tươi cả
lên, hai lỗ mũi bác nở rộng ra, cánh mũi rung rung và con ngươi của bác sáng hẳn
lên dưới làn nhài quạt trắng mờ.
Ở dưới bếp, bác Lê gái đã sào xong thịt. Bác quay lại bảo Út:
- Thôi bế em lên nhà. Lấy cái nón che cho em, không ướt. Cả
Thêm, Nữa cũng lên nhà thôi.
Nhìn Nhỡ vẫn còn đứng chờ như muốn rình ăn vụng một miếng nữa,
bác bảo:
- Còn mày nữa, ra miếu dọn sạch để tao ra cúng.
Rồi bác cất tiếng gọi Bé ở bên cửa hàng, bảo sang ăn. Nhìn
quanh bếp không có ai, bác lấy một cái nồi đất mở vung, vội vã gắp mấy miếng giả
cầy, lòng gan thịt cho vào, đậy vung lại và treo lên cái quang ở mái bếp. Bác
đem mâm đồ ăn ra miếu gốc đa rồi thắp hương cúng. Mặc dù trời mưa nhưng bác
cũng khấn cẩn thận và lễ thật lâu làm cả nhà nóng ruột chờ.
Mọi người đã ngồi quanh mâm chỉ còn thiếu Tý. Bé hỏi:
- Còn thằng Tý đâu?
Bác Lê gái vội nói:
- Cứ ăn đi, mặc xác nó. Sáng nay nó quên không cho lợn ăn lại
đi chơi quên cả cơm sáng, nó lại sang tận bến Trò câu tôm.
Nhỡ nói:
- Thế là nó đi câu tôm chứ nó có đi chơi đâu!
- Mày cũng bênh nó à. Thôi ăn đi.
Bác đưa mắt nhìn chồng, mỉm cười mời:
- Thầy mày...
Bác Lê trai cũng mỉm cười lại vợ:
- Bu mày... Ăn đi các con.
Ở ngoài trời lại mưa to hơn. Út áy náy vì bữa cơm có thịt mà
Tý lại không được ăn. Nếu lúc trước biết là anh nó sang bến Trò thì thế nào nó
cũng chạy đến gọi về. Nhưng bây giờ thì chậm quá, vả lại trời mưa. Nó giơ đũa gắp
miếng dồi to nhất đĩa, bỏ vào mồm nuốt trửng và thôi không áy náy vì Tý nữa. Khắp
mâm, người nào vẻ mặt cũng nghiêm trang; cả Thêm và Nữa cũng ăn thong thả không
phải vì sợ bố mẹ mắng - nhưng vì chúng thấy nhiều đồ ăn quá không cần tranh
nhau.
Giữa lúc đó Tý đương đứng rét run ở lăng cụ quận. Nó vừa cắp ổ
tôm đi khỏi bến Trò một quãng thì trời đổ mưa và chỗ ấy ngoài mấy cây thông ở
lăng không có chỗ nào để trú ẩn. Nhưng đứng đấy cũng không tránh được ướt, nó đội
cái rổ tôm lên đầu và đi về nhà. Nó sợ lỡ mất bữa cơm chiều thì nguy vì nó đã
đói lắm. Bác Đỗi có cho nó ăn cơm nhưng chỉ được ăn một bát và cũng ăn với dưa,
chẳng có miếng thịt miếng cá nào cả. Nhưng tôm thì nó câu được đến hai ba chục
con và vì thế nó quên không nghĩ đến về.
Càng về gần tới nhà, cái lo của Tý càng tăng. Nó nhớ lại là
đã quên không cho lợn ăn sáng và đi cả ngày không về nhà để cho lợn đói. Tý
không dám về cửa trước; nó đi ra phía sau đến đứng ở đầu nhà bếp để tránh mưa
và nghe ngóng. Quần áo Tý đã ướt hết.
Ở trên nhà mọi người đều ăn cơm xong, mâm đã dọn. Bác Lê trai
đã vào tu cạn hẳn chai rượu và cử chỉ bác đã khác nhiều khiến Nhỡ chú ý, lấy
làm lạ và hỏi mẹ:
- Lúc nãy ở nhà, thầy uống rượu đấy à?
Bác Lê gái nhìn Nhỡ ngạc nhiên hỏi:
- Mày mê ngủ.
Rồi bác đưa mắt nhìn chồng và thốt ra một câu:
- Lạ nhỉ, không uống rượu mà say rượu.
Bác chợt nhớ đến lúc ở bếp lên nhà trên gặp chồng vừa đi đâu
về.
- Phải rồi, đi mua rượu.
Trong một giây, bác nhớ lại cả bộ điệu ngượng ngập và vẻ mặt
mất hồn của bác trai. Bác lấy tay dí vào trán chồng:
- Giời đất ơi. Hừ, này, đi xem bà cụ Huế này! Xem, xem cái...
Bác giận ứ lên cổ không nói được nữa. Bác Lê trai gạt mạnh
tay bác gái ra, chửi lên một câu, giọng nói líu lại. Bác Lê gái đau nhói ở tay
và lại càng tức hơn, định nắm lấy tóc chồng nhưng đã bị bác trai ẩy một cái mạnh
ngã lăn xuống ổ rơm. Bác Lê trai cúi người xuống và nắm tay giơ lên. Bé trở về
bên cửa hàng, Út bế em ngồi lui vào góc nhà; Thêm và Nữa cửi vội quần rồi cả
hai đều chui vào chăn "bao tải" cùng một lúc.
Ngay khi đó thì Tý vác rổ tôm bước vào Bác Lê gái nhìn thấy
Tý hừ một tiếng rồi ngồi nhỏm dậy giơ tay với lấy Tý; bác Lê trai cũng đứng thẳng
người lên quắc mắt nhìn Tý. Cả hai vợ chồng quên hẳn đánh nhau và giận đều đổ dồn
cả vào Tý.
- Này tôm với tiếc...
Bác Lê gái hất cái rổ văng ra và tôm của Tý rơi hết cả xuống
đất rồi bác giữ chặt lấy vai Tý và cốc một thôi một hồi. Tý giơ hai tay ôm đầu
van lạy mẹ vì mẹ nó cốc lâu và nhiều quá. Tý khóc thấy tôm mình văng khắp đất.
Sau cùng bác Lê gái đẩy nó một cái, ngã dúi vào cột nhà. Bác Lê trai quát to:
- Tý, lại dây... sao mày lại không cho lợn ăn...
Bác tát vào má Tý luôn hai cái:
- Sao mày lại đi chơi cả ngày để... để tao phải đến ông Năm Bụng
mua rượu lấy...
Bác đấm vào ngực Tý một cái khiến Tý co dúm người ôm ngực. Nhỡ
vội chạy đến, cố giằng được Tý ra và bảo Tý:
- Chạy ngay đi.
Nhỡ cũng bị bác Lê trai đấm phải mấy cái. Tý chạy ngay xuống
bếp; rồi lại chạy ra chuồng lợn vì chuồng lợn xa và ẩn kín hơn. Bỗng Tý giật
mình, lấy tay gạt nước mắt, và chớp chớp luôn mấy cái, và cố nhìn cho rõ. Ba
con lợn đã biến đâu mất cả. Tý nghĩ:
- Mình không ăn cả ngày cũng không chết, lẽ đâu lợn lại chết.
Tý biết là không phải lợn chết nhưng nó cũng mang máng thấy
đã có một sự rất không hay xảy ra ở nhà trong lúc nó bỏ đi chơi liều lĩnh. Mà
cái việc không hay ấy đã xảy ra là vì nó đi chơi và bởi vậy cả bố mẹ đánh nó
đau đến như thế. Đứng mãi ở chuồng lợn thấy rét và đói, Tý lại trở về bếp.
Nhưng bếp rơm chóng nguội, Tý cũng không ăn thêm được tí nào. Chợt thấy cái nồi
cơm, Tý chạy lại lật vung. May quá trong nồi còn cơm, Tý cho tay vào bốc ăn lấy
ăn để. Tý lấy làm lạ sao hôm nay lại ăn cơm trắng; mỗi một miếng bỏ vào mồm thấy
thơm ngon vô cùng và chỉ một lúc sau nồi cơm đã hết nhẵn. Thấy bụng đã no, Tý
thở dài một cái khoan khoái. Ở ngoài trời đã ngớt mưa và bắt đầu tối. Mắt Tý
nhìn vào gốc đa và những cái bình vôi. "Ngồi đây chốc nữa tối sẫm, ma nó đến
thì nguy". Nghĩ vậy Tý đánh liều đi lên nhà, vả lại đã một lúc lâu trên
nhà không có tiếng đánh chửi nhau rầm rầm nữa.
Bác Lê gái đương ngồi rủa ông Năm Bụng nên cũng không để ý đến
Tý. Bác Lê trai đã quấn chiếu nằm nhưng thỉnh thoảng bác lại líu lưỡi thét lên
một hồi dài. Rồi tự nhiên bác lại cười òa lên một mình. Bác đấm vào quãng
không, đá tung cái chiếu ra một bên rồi bác lại kéo chiếu đắp và nằm yên được một
lúc. Tý cầm cái giỏ của nó lên và trong bóng tối mờ mờ nó loay hoay nhặt tôm
cho vào giỏ. Tý về chỗ mình nằm, với cái chiếu đắp. Nằm vào trong chiếu rồi Tý
lại càng thấy lạnh vì quần áo ướt; nhưng nó chỉ có một bộ áo còn bộ mới thì nó
không dám đụng đến. Tý nghĩ nằm một lúc rồi quần áo sẽ khô đi.
Tý chợt thấy Út thong thả bò đến gần mình và Út ghé vào tai
nói thầm:
- Ở nhà lúc nãy ăn thịt giả cầy, có cả lòng lợn, nhiều lắm cơ
anh Tý ạ.
Nói thế xong Út lại bò ngay về chỗ nằm sợ mẹ biết. Tý nuốt
mãi nước bọt.
Lòng mẹ
Năm giờ sáng, bác Lê gái sực thức dậy, nhưng bác không đánh
thức Út và tung chăn của Thêm với Nữa như mọi buổi sáng. Bác khẽ bước sang chỗ
Tý nằm, cúi xuống cốc vào đầu Tý mà cốc rất nhẹ. Sau một đêm, cơn tức chồng của
bác đã hết; bác lại hơi hối hận đã mắng chồng quá thậm tệ đêm qua. Chính bác đã
mua những thức ăn ngon về như xui chồng nhớ đến rượu và chính bác cũng đã có
lúc nghĩ đến mua một ít rượu cho chồng uống vì là ngày bán lợn lại có thức nhắm
ngon. Bác cũng hối hận đã đánh Tý một trận đòn quá đau, còn về chỗ Tý không được
ăn lòng, ăn thịt lợn thì không sao vì bác đã để phần riêng cho nó. Bác định đến
đánh thức riêng Tý rồi dắt nó xuống bếp cho nó ăn trong khi cả nhà còn ngủ. Nồi
cơm bác cũng đã để sẵn ở dưới bếp rồi. Bác không muốn một ai trong nhà biết là
bác cho Tý ăn. Dưói ánh trăng mờ mờ, bác thấy Tý cựa quậy nhưng vẫn không dậy.
Bác cho tay xuống lay vai và bác giật nẩy mình: vai Tý nóng như lửa. Bác vội
cho tay lên trán sờ rồi kêu lên:
- Thằng Tý nó sốt, thầy nó ơi.
Bác ra thắp đèn rồi quay về bế Tý vào lòng. Hai mắt Tý mở to
nhìn bác. Bác gọi, nhưng Tý không trả lời, vẫn cứ nhìn chừng chừng vào bác.
- Thầy nó ơi, dậy mau, nó mê man không biết gì nữa. Cô Mùi
ơi! Thằng Tý nó sốt mê không biết gì nữa. Mời cô sang ngay. Nhỡ ơi, Tý nó sốt.
Út ơi, dậy. Bé ơi, Tý ơi, tỉnh đi con! Cô Mùi ơi, mời cô sang.
Bác lại lấy tay lay người Tý; nhưng Tý vẫn không tỉnh, mắt cứ
nhìn ngược lên làm cả nhà càng sợ hơn. Mùi chạy sang. Mọi người đều dãn ra để
Mùi xem bệnh. Tuy Mùi không biết một tí gì về thuốc nhưng cả nhà cũng đổ dồn hy
vọng vào Mùi vì nàng là con gái một ông lang, lại đứng chủ một cửa hàng bán thuốc.
Mùi đến sờ tay lên trán Tý, ngẫm nghĩ một lát rồi nói:
- Hỏa nó bốc.
Câu nói ấy cũng không khác gì câu nói: "Tý nó sốt",
(mà ai không biết là Tý sốt nhưng nghe Mùi nói thế bác Lê gái nhìn chồng một
cái và nhắc lại một các đầy trịnh trọng:
- Hỏa nó bốc thầy mày ạ.
Mùi lại nói tiếp:
- Bây giờ phải cho nó hạ hỏa.
Mùi đứng lên chạy sang cửa hàng để lấy một liều thuốc sốt.
Bác Lê gái lại lay đầu Tý:
- Tý ơi, tỉnh mau, uống thuốc hạ hỏa thì khỏi ngay. Cô Mùi đã
bảo thế.
Nhưng Tý lúc đó đương nghĩ ngợi cố hiểu xem tại làm sao cả ruột
gan phổi của nó, lại chạy ra ngoài người nó, nhưng nó nghĩ không ra; người nó
như chơi vơi trên quãng không một cách rất khó chịu và óc thì rức như búa bổ.
Tý nói với mẹ:
- Bu ơi, ruột con làm sao lại chạy ra ngoài bụng thế?
Bác Lê gái nhìn chồng nói:
- Không khéo nó chết mất, thầy mày ạ. Đấy, đã đến lúc nó mê sảng
rồi...
Nói xong bác òa lên khóc, rối rít gọi tên thằng Tý, Mùi đi
sang cầm gói thuốc, bảo Bé đi lấy chén nước. Nghe bác Lê gái khóc, Mùi vừa hòa
thuốc, vừa duơm dướm nước mắt đến lúc nàng nhấc đầu Tý và thấy hai con mắt của
Tý nhìn ngược lên, - một triệu chứng mà nàng tin là triệu chứng của những người
sắp chết - Mùi lại khóc nhiều hơn nhưng lúc đó nàng khóc không phải vì nghe bác
Lê gái khóc mà vì thương Tý sắp chết, thằng Tý mà nàng vẫn yêu nhất đám trẻ con
ở xóm và nàng càng yêu hơn từ khi đã vụng trộm cho nó ăn bánh.
Bé biết tính Mùi nên bảo mẹ:
- Bu có nín đi không để cô Mùi chữa...
Nhưng cả nhà thì tưởng Bé bảo mẹ nín sợ làm rối trí Mùi. Mùi
cho Tý uống xong cất tiếng hỏi:
- Tý ơi, Tý có biết ai đây không?
Mùi vừa hỏi vừa lấy ngón tay chỉ vào mình. Tý thấy cô Mùi vừa
khóc vừa hỏi nó thế, nó chẳng hiểu vì sao nhưng cũng đáp:
- Cô Mùi.
Mùi tươi nét mặt nhìn bác Lê gái. Bác Lê gái cốc một cái lên
đầu Thêm ngồi bên cạnh.
- Nó tỉnh rồi. Thuốc cô hiệu nghiệm thật.
Mùi muốn biết rõ hơn nên lại hỏi:
- Tại sao hôm nọ Tý lại được ăn bánh cuốn?
Tý yên lặng một lúc lâu rồi nói:
- Cô cho ăn.
Mùi biết Tý không nhớ lại được duyên cớ nhưng nó cũng còn nhớ
lại là nàng cho nó ăn. Thế đã khá. Mùi bảo bác Lê cứ hai giờ cho Tý uống thuốc
một lần, rồi đứng lên đi về hàng. Nhỡ xuống thổi cơm. Ăn xong bác Lê trai đi nhặt
lờ thay vợ; Nhỡ kéo xe sang phố Phủ đón khách chuyến xe lửa sớm. Đã cho Tý uống
thuốc rồi chỉ còn đợi thuốc ngấm và Tý đã tỉnh nên mọi người yên tâm đi làm
công việc hằng ngày, Út cũng bế em ra chợ chơi với Thêm, Nữa. Chỉ còn một mình
bác Lê gái ngồi bế Tý ở nhà.
Một lúc sau, bác Lê gái thấy Tý chỉ lên đầu:
- Bu ạ, con cứ rức nhói ở đầu.
Bác lấy tay xoa nhẹ lên đầu Tý. Bỗng bác sực nghĩ đến có lẽ
vì đêm qua cốc đầu mạnh quá nên nó long óc và đâm ra sốt. Nghĩ như vậy, bác ứa
nước mắt, ôm Tý vào lòng chặt hơn:
- Con đừng chết. Từ rày bu không bao giờ cốc đầu con nữa.
Tý nói:
- Bu cho con uống nước.
Nhìn thấy nét mặt Tý đã tỉnh táo, hai con mắt đã nhanh nhẹn
không lờ đờ như trước nữa, bác Lê vui vẻ. Con bác lại thèm uống nước và uống ừng
ực nghe ngon lành lắm. Nghĩ ra điều gì bác mỉm cuời đặt Tý xuống ổ rơm.
Bác chạy ra chỗ thờ ở gốc đa, vái lia lịa và lâm râm khấn rồi
bác đi xuống bếp. Lúc lên, bác đặt trước mặt Tý một cái dĩa đầy thịt và lòng:
- Tao để phần cho mày đêm qua đấy.
Rồi bác nhìn Tý một cái như để bảo cho Tý biết là tuy hay
đánh mắng Tý luôn nhưng bác vẫn thương Tý trong lòng. Rồi bác bế Tý lên, cầm
đũa gắp miếng thịt lợn sào đút vào mồm Tý:
- Ăn đi, ăn được thì chóng khỏi. Còn lòng lợn thì độc không
ăn được, hôm nào khỏi tao mua riêng cho mà ăn.
Tý nhai miếng thịt nhưng không thấy ngon gì. Nó cũng cứ cố
nhai và nhắm mắt nuốt cho được miếng thịt vì Tý thấy mẹ bảo cố ăn cho chóng khỏi.
Nuốt hết bốn miếng thịt, Tý lắc đầu:
- Con không ăn được nữa bu cho con uống nước.
Vừa lúc ấy Mùi chạy sang để nhắc bác Lê cho Tý uống thuốc vì
đã được hai giờ rồi. Mùi giật mình nhìn thấy đĩa thịt đặt ở trước hai người và
tay bác Lê còn cầm đũa:
- Chết, bác cho nó ăn lòng lợn đấy à?
- Không tôi cho nó ăn thịt thôi, Thịt sào lành mà.
- Thịt gì ăn vào thì cũng nguy.
- Thế à cô?
Bác lại lo sợ nói với Mùi:
- Nhưng nó có ăn được đâu. Đây là hôm qua nó đi cả ngày sang
câu tôm bên bến Trò giờ ăn cơm cũng không về, tôi để phần cho nó.
- Thế nó có bị ướt mưa không? Chiều hôm qua mưa to.
- Tôi không để ý nhưng chắc là ướt.
- Thôi thế nó bị cảm rồi. Cảm thì không sao.
Bác Lê nhẹ hẳn người, một là vì Mùi nói cảm không sao hai là
vì không phải nó sốt vì bác cốc đầu long óc. Mùi về rồi. Bác vừa bế Tý vừa
thong thả gắp các miếng lòng, miếng giả cày ăn vã. Bác thấy ăn ngon và ăn hết cả
dĩa lúc nào không biết. Nhưng đến hai giờ chiều. Tý lại sốt nặng hơn: nó nẳm
thiêm thiếp, thở mạnh và nói lảm nhảm luôn mồm.
Nghe bác Lê gái gọi, Mùi lại phải sang, rất bực mình vì thuốc
của mình không công hiệu. Vừa sang đến nơi thì Tý cũng vừa nôn ra đầy chiếu nào
cơm nào thịt. Mùi nhìn vào những miếng thịt, lấy làm mừng rằng không phải vì
thuốc không công hiệu nhưng vì tại bác Lê gái đã cho nó ăn thịt và vì thế nó bị
sốt nặng lên. Nhưng Mùi không nói cho bác Lê biết sợ bác Lê áy náy. Bác Lê cũng
nhìn vào chỗ cơm nôn ra và lấy làm ngạc nhiên cả ngày hôm qua Tý nhịn đói, cơm ở
đâu mà nôn ra nhiều thế kia. Bác Lê trai hỏi vợ:
- Tối hôm qua cho nó ăn lòng vào thảo nào nó sốt.
- Rõ thật ngủ mê. Ai cho nó ăn lòng. Tại hôm qua thầy mày say
rượu đánh nó nên nó sốt. Từ rày còn uống rượu vào thì cả lũ con cũng chết dần
chết mòn hết mà cả tôi cũng chết quách đi cho xong truyện! Tý ơi, tỉnh đi con.
Nhưng Tý vẫn nói mê sảng: "... con tôm... lăng cụ quận..."
Bác Lê gái nói với Mùi:
- Cô Mùi, nó nói lảm nhảm như bị ma làm.
Nói đến đây bác Lê gái sực nghĩ ra:
- Phải rồi, cả ngày hôm qua nó đi câu tôm, chắc lúc đi qua
lăng cụ Quận bị ma làm. Thầy mày trông nó, để tôi chạy đi lễ tạ.
Thế rồi bác chạy ra cây đa lễ chỗ thờ thân đa, lễ cái bình
vôi rồi bác đi thật nhanh ra bến đò Trò. Giọc đường thấy bụi cây nào bác cũng đứng
lại lễ và khấn; đến lăng cụ Quận bác lễ mộ cụ Quận, lễ hai con chó đá ở cạnh
lăng và lễ đủ cả năm cây thông. Ra bến đò Trò thấy không có gì để ma ẩn nấp,
bác lễ đất, lễ trời, lễ sông, vái huyên thuyên.
Đỗi ngồi ở thuyền nhìn lên thấy bác Lê đương thì thụp lễ
mình, lâm râm khấn làm như mình là một ông thần sống, chàng tưởng bác Lê vừa
phát dại, vội đứng lên hỏi:
- Làm sao thế bác Lê?
Bác Lê nhìn thấy Đỗi:
- Anh Đỗi ơi, Tý nó bị ma làm, sốt nói mê nói sảng.
Thật ra lúc đó, thấy nét mặt hốt hoảng của bác Lê, miệng vẫn
lẩm bẩm khấn, tay vái trên trời dưới đất, Đỗi cho chính bác Lê bị ma làm. Đỗi
nói:
- Tý nó ốm à, để tôi chạy lại thăm nó một tí.
Đỗi vừa mới sực nhớ đã lâu Bé không đến và Tý ốm là một cớ
chàng đến thăm Bé rất tự nhiên.
Bác Lê thấy lễ đã đủ khắp nơi, quay trở về. Lúc đến phố, bác
rẽ sang tay trái, đi về phía nhà ông Năm Bụng bán rượu lậu. Lúc đó thì bác
không nghĩ đến ma quỷ nữa, bác cho mọi sự đều do ông Năm Bụng gây nên. Vì ông
Năm Bụng bán rượu nên chồng bác mới đánh con đến phát sốt, bác mới đánh Tý đến
long óc, Tý mới chết mà không được ăn lòng, ăn thịt chả cầy. Lúc thường bác sợ
ông Năm Bụng lắm, sợ và trọng nữa vì có người nói với bác rằng ông Năm Bụng là
con một ông Bố ở Sơn Tây. Nhưng cơn tức bác lên thì ai bác cũng không sợ. Thấy
ông Năm Bụng đứng ở trong nhà bác tiến thẳng vào, lấy tay dí vào trán ông Năm Bụng.
- Làm sao cái nhà ông lại bán rượu cho chồng tôi. Con tôi chết,
tôi cho ông thì tù mọt gông.
Ông Năm Bụng thấy bác Lê gái vào, không lấy làm lạ; ông vẫn đợi
bác đến, nhưng nghe bác Lê nói thế ông biết là bác Lê trai say rượu đánh con gần
chết. Ông hối hận và sợ hãi. Bác Lê gái thấy thế càng làm già:
- Ông cậy ông con ông Bố à?
Rồi bác ấn mạnh ngón tay vào trán ông Năm Bụng làm ông Năm phải
lùi lại một bước và cho hai tay ôm bụng sợ rơi năm chai rượu dắt ở trong.
- Con ông bố, con ông mẹ gì thì cũng kệ bố, kệ mẹ ông.
Bà Năm Bụng ở trong nhà chạy ra, nhưng bà không nhìn bác Lê
gái, giơ tay chỉ vào mặt chồng:
- Nhục nhã chưa? Mấy năm giời khổ thân này lắm rồi. Đã bảo về,
không về; ở đây để bất cứ một con đĩ dại nào có cũng mắng được vào mặt mình.
Bác Lê gái chạy lại gần bà Năm:
- Bà bảo ai là đĩ dại. Chồng bà bán rượu cho chồng tôi uống
đánh con tôi sắp chết, bà lại còn mắng tôi là đĩ dại à? Bà cậy thế à?
Bà Năm Bụng làm như không nghe thấy bác Lê gái nói và bà cũng
không quay nhìn bác Lê, tiếp lời nói với chông:
- Ê chưa, không về thì mai tôi về một mình tha hồ ở đây mà
nghe người ta chửi bố chửi mẹ cho.
Bác Lê gái thấy ông Năm Bụng rút cả năm chai rượu dắt ở bụng
ra đặt xuống phản rồi từ từ đi đến phía bà Năm và bà Năm thì cứ lùi lùi dần vào
cửa buồng. Ông Năm vẫn không nói gì giơ tay ấn mạnh vào má vợ một cái. Bà Năm
khóc òa lên.
- Cứ đánh chết người ta đi, đồ vũ phu.
Ông Năm Bụng vẫn không nói gì, đẩy mạnh vợ vào trong buồng rồi
khép cửa buồng lại. Ông thong thả cầm năm chai rượu đút vào trong bụng; mắt ông
lúc đỏ, bác Lê gái thấy đỏ thắm hơn cả chỗ tiết lợn mua hôm qua. Bác Lê vội
quay trở ra và hối hận. Bác tưởng ông Năm đánh vợ vì vợ mắng mình là con đĩ dại
và bác phục ông Năm là người lớn biết điều.
- Con ông Bố có khác.
Và sự tức mình của bác lại đổ dồn cả vào bà Năm mà bác cho là
khinh người và hợm mình.
Lúc bác về tới nhà thì Tý đã tỉnh và sõt nhẹ hẳn người đi.
Mùi nói:
- Tại nó nôn ra được.
Bác Lê gái thì cho là vì bác đi lễ và đã lễ đúng vào cái bụi
cây hay đống đất mà Tý đã nghịch. Bác bế Tý vào lòng, nói lẩm bẩm một mình:
- Ông Năm Bụng thật là người tốt, biết điều.
Bác Lê trai nhìn vợ một cái. Bác biết là vợ mình vừa rẽ qua
nhà ông Năm để mẳng ông ta bán rượu cho mình nhưng còn tại sao lại biết là ông
Năm Bụng bán rượu cho mình và tại sao khi về lại khen ông Năm là người tốt thì
bác không hiểu. Bác thấy ngầm sung sướng vì bác vừa chợt nghĩ ra là lần sau có
thèm rượu thì có thể lại đến ông Năm mua được.
Đỗi bước vào nhà bác Lê ngạc nhiên thấy nét mặt mọi người đều
vui vẻ; tự nhiên Đỗi cũng vui vẻ vì đoán Tý đã khỏi và nhất là thấy Bé cũng ngồi
đấy đương nhấc một bên khăn trắng lên nhìn mình. Đỗi lại hồi hộp vì lần đầu
tiên vào nhà bác Lê mà chàng coi như là vợ mình. Chàng nhìn vào mặt mọi người cất
tiếng chào chỉ trừ riêng Bé là chàng làm như không nhìn thấy. Đỗi hất hàm hỏi
Tý:
- Khỏi rồi à?
Rồi Đỗi nhe răng cười với Tý. Bác Lê gái nói:
- Sao anh lại không bảo nó về để nó câu cả ngày quên cả ăn
cơm.
- Thì nó bảo tôi là chính bác cho nó đi chơi.
Bác Lê gái lúc đó mới sực nhớ ra:
- Thật là mình lú gan lú ruột, đánh oan con một trận.
Bác mủi lòng ứa nước mắt.
Tý hỏi:
- Chỗ tôm của con hôm qua đâu?
- Ăn rồi, sáng ngày anh Nhỡ đem rang.
Bác Lê gái nói thế rồi quay nhìn Đỗi hỏi:
- Tự nó câu được nhiều thế hay là anh cho thêm?
- Một mình nó câu được. Trước cháu chỉ dạy nó cách thức câu
có một hai lần, nó tinh ý và học chóng lắm.
Bác Lê gái nghĩ chỗ tôm ấy cũng bán được đến bốn năm xu và định
bụng để nó đi câu tôm lại có lợi hơn là ở nhà làm việc khác. Bác cúi xuống bảo
Tý:
- Cố chóng khỏi đi, thầy mày vót cho ít cần câu đi câu tôm cả
ngày cũng được.
Tý mỉm cười nhìn lại mẹ.
Mùi đứng lên đi về nhà; nàng mừng rằng Tý đã đơ, khỏi phải mời
làm phiền cha mình ra. Bé cũng đứng lên sang bên cửa hàng. Đỗi cũng muốn đứng
lên đi về nhưng không dám vì sợ cùng đi một lúc với Bé; trừ khi mới vào, còn
thì không một lần nào Đỗi được nhìn mặt Bé cả. Chàng định gợi chuyện nói với
hai bác Lê để làm thân nhưng không biết nói về chuyện gì? Chàng nghĩ mãi không
ra câu bắt đầu. Thấy tay Đỗi cứ vặt mãi những cái đầu cói làm chỗ rách ở chiếu
to dần ra, bác Lê gái nói:
- Rứt mãi làm chiếu rách to ra bây giờ.
Đỗi giật mình ngửng nhìn bác Lê gái và đứng lên:
- Thôi, cháu về đây.
Lúc đi qua cửa hàng bánh cuốn, Đỗi đánh liều nhìn vào và thấy
Bé lại khăn lên để hở cả hai mắt cho chàng nhìn và mỉm cười nhìn lại chàng. Lần
đầu tiên Đỗi thấy Bé lật khăn cho mình nhìn mà chàng không cần bảo mà lại lật
những hai lần và lại mỉm cười cả với chàng nữa. Đỗi sung sướng bàng hoàng và đi
chập choạng như người say rượu.
Ngày hôm sau Tý không sốt nữa và cách ba hôm sau Tý khỏi hẳn
và khỏe khoắn như thường. Bác Lê gái mua lòng và dồi về cho Tý ăn, và bữa cơm
nào cũng có nồi trứng chưng để riêng cho Tý. Buổi sáng nào Mùi cũng gọi Tý sang
cho ăn hai chiếc bánh cuốn nóng, nhưng không cho Tý ăn ớt và cà cuống. Bác Lê
trai lại ngồi vót cho Tý đến chục cái cần câu... Tý mới ốm khỏi trong người dễ
chịu, khoan khoái lại thấy cái gì cũng khác hẳn trước, nó như sống một đời đổi
mới. Mẹ nó lại không cốc đầu nó nữa và cũng không cốc đâu các em nó.
Hôm đầu tiên đi câu tôm, Tý trở nên nghiêm trang. Nó thấy
không phải là đi chơi nữa mà là đi câu để được nhiều tôm đem về bán lấy tiền;
nó nghĩ nó cũng sắp được như anh Nhỡ nó mỗi buổi chiều kéo xe về đưa cho mẹ bao
nhiêu là tiền. Nó cũng có thể để dành riêng một ít tiền, thỉnh thoảng ra chợ ăn
bánh đúc riêu của bác Mành.
Ăn cơm sáng xong, bác Lê gái đập nhẹ một cái lên vai Tý nói:
- Chiều về cố đem thật nhiều tôm về. Đừng đi chơi loăng
quăng, và thấy có cái đống hay bụi cây thì đừng có nghịch, đừng có đái vào mà lại
sốt như hôm nọ.
Mùi thấy Tý đi qua, vai vác cần câu tay xách giỏ, vội gọi vào
và cho ăn hai chiếc bánh.
- Bây giờ khỏi rồi thì mai không có bánh ăn nữa đâu.
Bé hỏi Tý đi câu ở đâu. Tý đáp:
- Em sang bến đò Trò, ở chỗ ấy nhiều tôm lắm.
- Ngày nào mày cũng đi câu ở bến Trò?
- Vâng ngày nào cũng thế. Chị hỏi làm gì cơ?
Bé giật mình nhưng cũng tìm ngay được câu ứng phó:
- Như thế tao không phải thỉnh thoảng sang bến Trò mua tôm nữa.
Tý đi khỏi, Bé chạy ngay xuống bếp vò đầu vò tai, miệng lẩm bẩm:
- Đã bảo đừng cho nó câu lại cho nó câu để bây giờ thế này?
Còn mình nữa, tự nhiên lại nói câu ấy ra với Tý để bây giờ không còn cớ gì sang
bến Trò nữa.
Bé tức Đỗi và tức cả chính mình. Nàng dứt mạnh cái khăn che mắt
xuống, ngồi thừ người ra một lúc:
- Thì cần gì sang bến Trò! Đáng ghét cái mặt.
|
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét