Mùa hè đỏ lửa 72, sau hơn một tháng cùng gia đình sơ tán vào Đà Nẵng một mình tôi trở lại Huế trước. Dân tản cư đang dần dần trở về, tuy vậy thành phố còn vắng lặng thưa thớt người, không khí chiến tranh vẫn còn bao trùm khắp thành phố cho dù chiến trận thực sự ở tận ngoài Quảng Trị và dường như đã tạm thời kết thúc. Nắng gắt, những chùm hoa phượng vô tư đỏ rực, giòng sông xanh biếc lặng lờ thản nhiên, các cửa tiệm đóng cửa im lìm, cả không gian ngột ngạt và yên lặng lạ thường chỉ có thỉnh thoảng tiếng ầm ì của những chiếc xe nhà binh di chuyển trên đường phố để lại bụi mù phía sau, những người lính vẻ mệt mỏi, áo quần lấm bụi và còn khét mùi thuốc súng ngồi trong những quán cà phê, quán nhậu hay đi tìm vui trên những con đò dọc bờ sông. Đang trên đường về nhà dọc phố chính, một người lính đi ngược chiều nhìn tôi chăm chú, cả hai dừng lại, một thoáng ngỡ ngàng rồi nhận ra anh Th. bạn tình cờ của ông anh họ, đã gặp một đôi lần nhưng gây một ấn tượng khó quên.
Cách đó hơn một năm, trên chuyến bay quân sự từ Sài Gòn ra Huế ông anh họ ngồi gần và làm quen với anh Th, cả hai người gia đình đều sống trong Nam ra nhận đơn vị mới lại cùng giọng Huế nên dễ thân thiện, chuyến bay muộn đến Huế đã chiều tối, ông anh rủ luôn người bạn mới về ghé nhà tôi ở lại. Chỉ ăn uống ngủ lại một đêm, sáng ra đi với lời mời ân cần của mẹ, khi nào rãnh ghé nhà chơi tự nhiên, lời mời của bất cứ bà mẹ nào luôn đầy tình cảm với những người lính xa nhà như một điều tự nhiên không chút đắn đo khách sáo. Bẵng đâu mấy tháng sau cũng một chiều anh Th. lại ghé nhà, phải một lúc mới nhớ ra và được biết anh bị thương nhẹ nằm viện đã một tuần, thành phố chẳng có ai thân quen, nhớ không khí thân tình của gia đình lần trước nên tìm đến chơi; mời anh ở lại và biết thêm được một người hết sức thú vị.
Dạo đó tôi được sở hữu cả căn gác khá rộng, lúc nào cũng có năm ba đứa bạn ở lại nhà vừa học hành vừa văn nghệ văn gừng của tuổi mới lớn, đêm đó anh dẫn cả bọn đi uống cà phê. Anh Th lúc đó đã gần ba mươi lớn hơn gần chục tuổi còn độc thân, người tầm thước, da ngâm đen, gương mặt hiền dễ gây cảm tình, có cặp mắt buồn nụ cười lại tươi với hàm răng trắng bóng trên gương mặt vốn đã đen lại càng đen hơn vì đời chinh chiến, ít nói giọng nhỏ nhẹ. Anh vốn người Quảng Trị vào Huế học, đang học đại học thì bỏ đi lính lăn lộn khắp bốn vùng chiến thuật, cả bọn tuổi học trò đang gò bó trong một thành phố nhỏ trầm lặng, ở cái tuổi đã chớm mộng giang hồ, nên gặp người như vậy là vừa nễ vừa tò mò nên vừa nghe kể vừa hỏi không dứt những chuyện bốn phương. Nhớ anh với giọng rất ấm, đều đều và lưu loát kể chuyện nầy chuyện nọ không dứt, từ chuyện vui đời lính cho đến chuyện gian khổ nguy hiểm cận kề chết trên chiến trận cũng vẫn một nụ cười hiền hiền cứ như chuyện nào xem cũng như nhau.
Trở về cùng nằm trên căn gác, căn gác trống trải chỉ một chiếc bàn học, vài chiếc ghế, bạn bè muốn trải chiếu nằm ngang dọc tùy thích, mền gối ngổn ngang. Chuyện trò vẫn còn tiếp tục, anh thấy cây đàn guitar cầm lên hỏi:
- Tụi em cũng chơi đàn?
Anh hỏi nhưng lại chăm chăm nhìn vào góc phòng đàng xa, nơi đó cây đàn mandolin dựng đứng đã lâu không ai dùng, cây đàn của một ông anh trước đây ở trọ học để lại, cây đàn nhỏ nhắn khó chơi, nhớ ông anh cứ cầm phím rung lên dây đàn những âm thanh tưng tưng, chắc chơi không hay nên nghe chán phèo, ngay cả ông thầy dạy nhạc và chuyên về mandolin ở trường thỉnh thoảng mang đàn vào lớp dạy xướng âm, với những ngón rung điêu luyện, âm thanh rộn rã nghe cũng chẳng mấy chú ý, cây đàn guitar vẫn dễ đàn và hát hơn. Anh vẫn nhìn, tần ngần một lúc rồi mới nói:
- Cho anh mượn cây đàn madolin một chút.
Cây đàn giờ đầy bụi, bốn cặp tám giây đã đứt mấy sợi, miếng gảy đàn sứt một góc, tôi chùi vội cây đàn đưa cho anh rồi hỏi:
- Bộ anh cũng chơi đàn nầy hả.
- Ừ, anh chơi từ nhỏ nhưng cũng lâu rồi không chơi lại.
Và rồi ngạc nhiên trố mắt nhìn anh nối giây, chỉnh giây đàn, thử âm thanh một cách thành thạo cứ như một nhạc công chuyên nghiệp.
Những âm thanh dạo đầu của bản nhạc Giòng sông xanh đã khiến cho cả bọn sửng sờ, lần đầu tiên nghe và thấy được một ngón đàn lão luyện, mà tiếng đàn lạ lắm, rộn rã mà dịu dàng, âm thanh tung tăng chảy liên tục không dứt, lên ở những bậc cao nghe vẫn ngọt, cứ rung lên tự nhiên mềm mại như giòng chảy của sông, bản nhạc cổ điển khó chơi mà người chơi đàn lại thong thả như không, đàn ôm gọn vào lòng, bàn tay trái chạy lên xuống cần đàn nhịp nhàng, bàn tay phải lại như yên một chổ chỉ những ngón cầm phím gảy nhẹ rung trên giây đàn. Anh đàn mê mãi từ những bản luân vũ nhẹ nhàng như Thu vàng, Ngày xưa Hoàng thị…, rồi Tình nhớ, Bây giờ tháng mấy, …cho đến cả những bản nhạc thời thượng về lính Đêm buồn tỉnh lẽ, Phiên gác đêm Xuân…bản nào nghe cũng diễn đạt được hồn bài nhạc, cứ tưởng rằng cây đàn nầy chỉ dành cho những bài vui tươi, có buồn thì cũng nhẹ nhàng phơn phớt nên thật không ngờ. Khi đàn anh như một người khác, dường như không chú ý chung quanh, mắt nhắm lại như chỉ có một mình đàn cho mình nghe. Cả bọn ngồi nghe mê mãi và yên lặng chừng như tôn trọng cái cảm xúc riêng của anh, rồi anh bảo tắt đèn đi ngủ, mấy đứa vẫn nằn nì đòi nghe tiếp, anh bảo:
- Ừ, thì tắt đèn đi, một bản cuối rồi ngủ.
Còn nhớ là bài Hạ trắng, có lẽ đây là bản nhạc anh thích nhất hay là có một người con gái nào đó “ cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau” nên tiếng đàn nghe cũng khác. trong bóng đêm tiếng đàn liu riu những nốt nhạc nghe buồn đến nao người, cái âm thanh đó cứ chập chờn rồi đi sâu dần vào giấc ngủ. Sáng mai anh trở ra đơn vị và từ đó không thấy trở lại.
Giờ thì gặp lại anh, cũng nụ cười hiền hiền, hàm răng trắng bóng, cũng giọng nói ấm nhỏ nhẹ cho biết:
- Anh cũng vừa về từ trận chiến ờ Quảng Trị, may mắn thoát chết, về Huế nghỉ mấy hôm, anh vừa ghé nhà em thấy khóa cửa nên đi về và may gặp em đây.
- Hai anh em kiếm quán cà phê chuyện trò, nghe ông anh họ đã tử trận tại Hạ Lào năm trước anh chợt sửng người, té ra từ hôm đầu tiên ghé nhà ngủ lại sáng ra chia tay ai về đơn vị đó và chưa hề gặp lại nhau. Nghe anh kể trận chiến thảm khốc vừa qua mới thấy rằng đời lính chết sống mong manh còn hơn khói thuốc, có khi chỉ một cái ngẩng đầu là chết, một xê dịch tình cờ là sống, hèn nhát vẫn chết, liều lĩnh lại còn…quá nhiều ngẫu nhiên nên chỉ còn tự trấn an bằng niềm tin vào số mạng.
- Tôi lại mời anh về nhà ở lại, nhà trống, căn gác thiếu vắng bạn bè, qua khung cửa nhìn xuống giòng sông nhỏ, nắng chiều chói loà mặt nước, Hạ nầy với nhiều thằng bạn sẽ là Hạ cuối cùng đời học sinh, sau mùa thi đậu hỏng gì cũng phải nhập ngũ, phận người phải theo phận nước, tuổi còn chông chênh giữa mộng và thực có đứa sẽ buồn có thằng sẽ hào hứng, đứa xem là may mắn còn ở lại chắc rồi cũng sẽ phân vân. Uống với anh chai rượu anh vừa mua về, cay xè, lâng lâng và nói với anh:
- Nhớ lần trước anh ở lại đây em và tụi bạn nghe anh đàn thật hay, tụi em nhắc mãi.
- Anh trầm ngâm trả lời:
- Ừ nhớ, lần đó cũng đã sau hơn mấy năm anh mới chơi đàn lại. Anh chơi đàn nầy từ nhỏ nhưng rồi có nhiều chuyện phiền toái khiến đã có lúc anh thề không đụng đến cây đàn nữa.
- Tò mò hỏi tiếp và rồi nghe anh kể. Nhỏ anh sống với gia đình ở ngoại ô thành phố Quảng Trị, lúc 10 tuổi anh được một cha xứ thấy anh có năng khiếu nên dạy nhạc, anh chơi được piano, organ trong nhà thờ, sau đó không hiểu sao anh thích đàn mandolin với âm thanh rung rung réo rắc, nằm ngồi chổ nào chơi cũng được lại gọn nhẹ dễ mang theo nên từ đó đi học về là anh tự học đàn và say mê luyện tập hàng năm ròng. Điều khác biệt là anh chơi đàn như là một đam mê để thỏa mãn cho chính mình, chưa bao giờ nghĩ để thành một nhạc sĩ hay là một nhạc công nên rất ngại ngùng trình diễn trước đám đông, ngay cả với bạn bè cũng chỉ thỉnh thoảng. Lên đệ nhị cấp trường thiếu lớp anh phải vào Huế học, đã ở trọ vừa bận học lại vừa đi dạy kèm nên chỉ có những tháng hè về nhà mới được dịp chơi lại đàn và ba tháng hè xa nhà đầu tiên đầy háo hức sau một năm học dài, nhớ đàn nhiều hơn nhớ nhà.
- Mùa Hạ ngày nóng đổ lửa thêm ngọn gió Lào mang theo đầy cát, chỉ khi đêm về anh mới ôm đàn chơi ở chái sau căn nhà có khi cao hứng đàn đến nửa đêm, cứ vậy suốt mấy tháng ngày phụ gia đình buôn bán đêm ôm đàn, gia đình chẳng phiền hà gì, xa nhà vẫn học khá lại còn chịu khó dạy kèm, mê đàn vẫn hơn mê gái hay chạy lông bông ngoài đường. Nhà anh nằm sát cạnh một tu viện nữ tu nhỏ, vườn ở phía trước, mặt sau căn nhà gần kề hông của tu viện ngăn cách bằng một tường gạch cao nên như một thế giới riêng biệt và kín đáo vẫn tưởng chẳng có trở ngại gì. Một chiều vừa về nhà thì ba anh cho biết Mẹ Tu viện trưởng vừa qua nhà nhẹ nhàng yêu cầu anh kiếm chổ khác chơi đàn, tiếng đàn ảnh hưởng đến tu tập của các nữ tu sĩ, đêm nào cũng thức theo tiếng đàn của anh. Chuyện tưởng chẳng có gì lớn nhưng với gia đình theo đạo giòng như anh thì dù rất vô tình cũng cảm thấy như phạm tội, bức tường cao không thể ngăn được cái âm thanh tiếng đàn tài hoa đầy dụ hoặc, niềm đam mê đột nhiên tắt ngấm, chán và là lần đầu tiên anh quyết bỏ chơi đàn, cũng may là mùa hè cũng sắp dứt. Và quả là anh bỏ không đụng đến đàn suốt gần năm năm cho đến ngày đi lính, thực ra bỏ đàn cũng chẳng phải vì ân hận gì nhiều lắm, tuổi trẻ chóng quên chẳng qua đời còn nhiều việc cần hơn.
- Lần chơi đàn lại khi anh đóng quân dài ngày trên một thành phố Tây nguyên, xứ lạnh và buồn, loanh quanh cũng chán, rãnh rổi chẳng có việc gì nên xuống phố tìm mua cây đàn về chơi lại. Đàn như ở trong máu nên chỉ cần một tuần là tìm lại được giọng đàn xưa, đã trải qua nhiều truân chuyên lận đận nên không chừng tiếng đàn còn lão luyện già dặn hơn.
Không rõ tình tiết chỉ biết rằng cũng trực tiếp từ tiếng đàn anh quen một cô giáo xinh xắn, yêu nhau tha thiết, bị cản trở nặng nề từ nhiều phía nhưng cái chính là khi buông đàn xuống chỉ còn là người lính, cho dù là sĩ quan cũng chẳng đảm bảo gì cho một người con gái con nhà khuê các vốn hiếm hoi trên xứ nầy nên đành chia tay và rồi cũng may đơn vị bắt đầu di chuyển, đàn vất lại, chinh chiến liên miên mãi cho đến đêm trên căn gác nầy mới chơi lại.
Không rõ tình tiết chỉ biết rằng cũng trực tiếp từ tiếng đàn anh quen một cô giáo xinh xắn, yêu nhau tha thiết, bị cản trở nặng nề từ nhiều phía nhưng cái chính là khi buông đàn xuống chỉ còn là người lính, cho dù là sĩ quan cũng chẳng đảm bảo gì cho một người con gái con nhà khuê các vốn hiếm hoi trên xứ nầy nên đành chia tay và rồi cũng may đơn vị bắt đầu di chuyển, đàn vất lại, chinh chiến liên miên mãi cho đến đêm trên căn gác nầy mới chơi lại.
- Anh uống rượu mạnh, một mình gần hết cả chai mà cứ tỉnh như không, cây đàn vẫn còn đó trong góc gác anh cũng chẳng buồn nhìn, rầu rầu nói:
- Trận chiến kinh hoàng quá, cả tháng trời chiến đấu ngay trên quê mình, cả thành phố tan hoang, căn nhà xưa đã thành bình địa. Suốt mấy đêm ngủ cứ chập chờn những gương mặt đồng đội ngã xuống, khi thức dậy mới biết mình còn sống, chẳng còn thiết cái chi nữa.
- Cũng như những lần trước chỉ tình cờ qua một đêm, sáng cùng anh uống cà phê, chia tay lại đi và lần nầy không hề gặp lại.
- Đã gần bốn mươi năm ngồi nhớ lại, quá lâu, nhớ thì có nhớ nhưng không chắc có còn chính xác, gương mặt nhân dáng e không chừng còn lẫn lộn với người khác, căn gác ngày xưa như quán trọ bạn bè anh em, những người tình cờ như anh Th. đến rồi đi liên tục không dứt, có tài trời cũng không thể nhớ hết. Duy chỉ có chắc một điều là dù trong đời đã nghe rất nhiều tiếng đàn nhưng tận đến nay tôi vẫn còn nhớ mãi tiếng đàn của anh, hay thì đã đành nhưng lạ lắm, một âm thanh lãng đãng khi gần khi xa, gần như rót vào tai, xa như tiếng vọng, cứ ray ray rức rức như một lần trong bóng đêm năm nào với bài Hạ trắng. “Áo xưa dù nhàu, cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”, nhớ một tiếng đàn, lại nhớ một thời xa xưa có những mối tình thật đẹp, những mối tình giờ thì quá hiếm hoi gần như tuyệt chủng.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét