Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2019

Phạm Duy và Văn Cao

Phạm Duy và Văn Cao
(Nhân đọc bài Phạm Duy nhìn từ phía con trai của Văn Cao)
Thời gian gần đây, trên các mạng truyền thông có phổ biến một bài tựa đề: Phạm Duy nhìn từ phía con trai của Văn Cao, phỏng vấn Văn Thao, con trai nhạc sĩ Văn Cao. Bài phỏng vấn này có những lời liên quan đến hai nhạc sĩ Văn Cao, Phạm Duy và cả chính tôi qua bài Văn Cao (1923-1995) [1] nên tôi buộc lòng phải lên tiếng.
1- Anh Văn Thao viết:
"Thụy Khuê đã trích dẫn hồi ký của nhạc sĩ Văn Cao về bài Tiến quân ca in trên tạp chí Sông Hương số 26 tháng 7&8 năm 1987 để gán cho Phạm Duy là người có công tham gia trực tiếp trong những ngày Cách mạng tháng Tám - điều mà chính Phạm Duy cũng không dám nghĩ đến! "Cha tôi viết hồi ký "Tại sao tôi viết Tiến quân ca?" vào ngày 7-7-1976 tại Hà Nội. Một nhân vật trong hồi ký mà cha tôi viết tắt nguyên là chữ “Ph.Đ”. Do lỗi đánh máy, Sông Hương in mất dấu thành “Ph.D”. Vì vậy mới có chuyện để nhà văn Thụy Khuê suy diễn thành Phạm Duy…"
Nhận xét:
- Anh Văn Thao cho rằng tôi "gán" cho Phạm Duy cái "công tham gia trực tiếp trong những ngày Cách mạng tháng Tám" là điều mà "Phạm Duy cũng không dám nghĩ đến".
Thực ra, Phạm Duy chẳng màng gì đến cái "công" này cả, mà trong hồi ký ông còn cố tình viết trại đi, để độc giả hiểu là ông không hề có mặt trong ngày "Việt Minh cướp chính quyền", ông chỉ tham gia kháng chiến kể từ ngày "Toàn quốc kháng chiến" mà thôi.
Việc này tôi đã viết rõ trong bài Văn Cao (1923-1995), như sau:
"Phạm Duy viết: "Sau khi Nhật đầu hàng, quân đội Nhật ở Việt Nam trao trả phủ toàn quyền cho phủ Khâm Sai Bắc Bộ. Để tỏ ý chí bảo vệ đất nước, vào ngày 17 tháng 8, công chức Hà Nội được lệnh của vị Khâm Sai Phan Kế Toại đứng ra tổ chức một cuộc mít tinh ở trước nhà Hát Lớn Hà Nội. Cuộc mít tinh của các ông các bà công chức đang diễn tiến thì bỗng nhiên một lá cờ đỏ sao vàng rất lớn được thả từ bao lơn của Nhà Hát xuống, rồi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao. Thế là cuộc biểu tình của tổng công đoàn công chức bỗng nhiên biến thành cuộc biểu tình của Mặt Trận Việt Minh (...)". Trong đoạn hồi ký trên đây, Phạm Duy viết rất ngắn và rất chi tiết, nhưng ông không nhắc đến vai trò của mình trong ngày 17/8/1945, ông chỉ ghi một người leo lên khán đài cướp micro để hô khẩu hiệu và hát bài Tiến Quân Ca của Văn Cao và trong cuốn hồi ký, ông còn cho biết những ngày ấy ông ở trong Nam. Điều đó dễ hiểu vì Phạm Duy không thể công khai nhận mình có "vai trò lịch sử" trong những ngày Việt Minh cướp chính quyền cũng như Lê Đạt không thể công khai nhận mình đã theo Quốc Dân Đảng" [2].
Nhưng Văn Cao, ngày 7/7/1976, tức là hơn một năm sau ngày thống nhất đất nước, đã viết về việc này, như sau:
"Ngày 17 tháng Tám 1945, tôi đến dự cuộc mít tinh của công chức Hà Nội. Lá cờ đỏ sao vàng được thả từ bao lơn Nhà Hát Lớn xuống. Bài "Tiến Quân Ca" đã nổ như một trái bom. Nước  mắt tôi trào ra. (...)
Tôi đã đứng lẫn vào đám đông quần chúng trước cửa Nhà Hát Lớn. Tôi đã nghe giọng hát quen thuộc của bạn tôi, anh Ph. D qua loa phóng thanh. Anh là người đã buông lá cờ đỏ sao vàng trên kia xuống và cướp loa phóng thanh hát" [3].
- Anh Văn Thao tuyên bố: báo Sông Hương đã in lầm chữ Ph.Đ thành Ph.D.
Vậy Ph.Đ là ai? Anh giải thích:
"Ph.Đ" là Phạm Đức - người làng Kim Liên, Hà Nội. Một làng nghề có truyền thống cắt tóc. Gia đình Phạm Đức có một tiệm cắt tóc tại Hải Phòng (...) Sau này ông thường lên thăm cha tôi tại 108 Yết Kiêu, bao giờ cũng có quà cho anh em tôi."
- Nhận xét:
Nhạc sĩ Văn Cao không có lý do gì phải giấu tên một người bạn làm thợ cắt tóc, nhất là trong cả bài hồi ký, ông chẳng viết tắt tên ai, không những thế Văn Cao còn nói rõ nghề nghiệp của các đồng chí:
"Ngày hôm sau anh [Ph. D hay Vũ Quý] đưa tôi lại nhà một đồng chí thợ giày ở đầu ngõ chợ Khâm Thiên để ăn cơm tháng".
Và Văn Cao cũng viết rất rõ ràng:
"Tôi thường nhìn Ph. D. mỗi lần anh đóng gói đi xa và lắng nghe tiếng còi tàu ngoài ga Hàng Cỏ để chờ một chuyến tàu đêm".
Văn Cao là người rất thận trọng trong chữ nghiã: Nếu Ph.D là ông thợ cắt tóc Phạm Đức, thì Văn Cao sẽ nói rõ ông Đức còn làm nghề gì nữa, nên mới hay "đóng gói đi xa". Nhất là ông Đức có tiệm hớt tóc ở Hải Phòng, sao mỗi lần đi, về, ông lại đón tầu ở Ga Hàng Cỏ?
2- Anh Văn Thao lại viết: "Trong gánh hát, lúc đầu Phạm Duy chỉ là một anh chàng chuyên làm những công việc tạp vụ: dọn phông màn, bán vé, xếp chỗ ngồi, vẽ quảng cáo… Sau một vài đêm diễn, phát hiện Phạm Duy có một giọng hát hay, ông chủ gánh hát bèn bổ sung tiết mục, cho Phạm Duy ra hát lấp chỗ trống trong thời gian thay cảnh".
Anh Văn Thao sinh năm nào mà biết rõ "lúc đầu" Phạm Duy làm những gì trong rạp hát? Sau đó anh còn xác định những chuyện Phạm Duy và Văn Cao làm trước khi anh sinh ra đời rất nhiều năm, vì vậy không tránh khỏi sai lầm.
3- Anh Văn Thao viết: "Phạm Duy gặp Văn Cao khi đó chỉ là một ca sĩ mới vào nghề, có một sáng tác đầu tay chưa được ai biết là bài Cô hái mơ (1942), phổ thơ Nguyễn Bính. Trong khi đó Văn Cao đã là một nhạc sĩ nổi tiếng Hải Phòng trong nhóm Đồng Vọng với hàng loạt ca khúc: Buồn tàn thu (1939), Thiên thai (1941), Trương Chi (1942), Suối mơ (1942), Thu cô liêu (1942), Bến xuân (1943), Cung đàn xưa (1943)… Cho nên không có chuyện "một vài bài hát… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy" như một số người đã đề cập".
Câu này phạm nhiều sai lầm:
- Trước hết có lẽ anh Văn Thao không biết câu đề tặng nổi tiếng của nhạc sĩ Văn Cao: "Tương tiến nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của tôi khắp chốn".
- Sau nữa, đến câu này cũng của Văn Cao: "Đầu năm nay, nó [Phạm Duy] xuống Hải Phòng. Và Buồn Tàn Thu đã được nó lôi đi hát vang lên trên các nẻo đường xứ Bắc. Và thế là người yêu nhạc chốn Hà Thành đã biết có một Văn Cao tiếp sau Đặng Thế Phong" (Nguyễn Thụy Kha, Văn Cao người đi dọc biển, trang 17).
- Trong hồi ký, Phạm Duy cũng viết y như vậy: "Trong một không khí nhạc tình lãng mạn toàn nói về mùa thu như vậy, chàng tuổi trẻ Văn Cao cũng soạn ra những bài hát mùa Thu như Thu Cô Liêu, Buồn Tàn Thu... nhưng chưa bao giờ anh ta có cơ hội để phổ biến. Tôi sẽ là người đầu tiên đem nhạc của Văn Cao đi... nói theo lời Văn Cao đề tựa trong một bài hát - gieo buồn khắp chốn. Danh từ người du ca đầu tiên cũng do chính Văn Cao đã gán cho tôi với một sự thèm sống cuộc đời xướng ca vô loài như tôi lắm lắm!" (Hồi ký I, trang 96)
- Và câu sau này nữa của hoạ sĩ Tạ Tỵ: "Phải thừa nhận rằng, nếu không có giọng hát của Phạm Duy, nhạc Văn Cao cũng khó mà phổ biến. Trái lại nếu không có Văn Cao, chưa chắc Phạm Duy đã sáng tác! Cả hai hỗ trợ cho nhau, cùng dìu nhau đi vào bất tử" (Tạ Tỵ, Những khuôn măt văn nghệ trong đời tôi, trang 39).
- Còn về việc sáng tác chung, anh Văn Thao viết: "không có chuyện "một vài bài hát… Văn Cao sáng tác cùng với Phạm Duy" như một số người đã đề cập", cũng lại sai.
Bởi vì anh không biết câu này của hoạ sĩ Tạ Tỵ: "Khi 2 nhạc phẩm [Suối Mơ và Bến Xuân] in ra, tên Phạm Duy xuất hiện lần thứ nhất trước công chúng cùng với tên Văn Cao " (Tạ Tỵ, Phạm Duy còn đó nỗi buồn, trang 47).
Trên Internet hiện nay, ta vẫn còn tìm thấy hình chụp bản nhạc Bến Xuân (Đàn Chim Việt) do nhà Tinh Hoa in lần thứ ba năm 1954 ở Hà Nội, đề tên Văn Cao và Phạm Duy.
Bản nhạc Bến Xuân (Đàn Chim Việt) T.H. 282,
do nhà Tinh Hoa in lần thứ ba năm 1954 - Hà Nội
Sau này ở Sài Gòn, Phạm Duy rút tên mình ra khỏi hai bản nhạc sáng tác chung có lẽ vì ông muốn dành trọn vẹn cho Văn Cao. Nhưng công chúng và văn nghệ sĩ vẫn coi hai bản nhạc này là sáng tác chung của Văn Cao và Phạm Duy, từ năm 1942. (Xem Internet)
Khi Đỗ Hữu Ích tranh chấp về bản quyền Tiến Quân Ca, tôi hỏi nhạc sĩ Phạm Duy về vụ này, ông cho biết: "Thời đó hay sáng tác chung. Chắc nó [Đỗ Hữu Ích] có viết mấy câu, nhiều ít thế nào moa không nhớ rõ."
4- Anh Văn Thao lại còn viết: "Kể lại cho tôi nghe sự kiện này, tôi thấy giọng cha tôi nghèn nghẹn: "Bố bất ngờ nhất là việc bác Đức đen nhảy xuống cướp loa phóng thanh, hát vang bài Tiến Quân Ca. Và hàng vạn quần chúng nhân dân cùng đồng thanh hát ầm vang cả quảng trường. Nước mắt bố trào ra... Vậy mà sau này vẫn có người nhận mình là người treo cờ hôm đó ". Cha tôi lặng đi. Chén rượu trên tay run rẩy..."
Nhạc sĩ Văn Cao khó có thể nói câu: "Vậy mà, sau này vẫn có người nhận mình là người treo cờ hôm đó" vì chẳng có ai nhận xằng như vậy cả.
Trong suốt thời gian ở hải ngoại, Phạm Duy là người đã viết những bài hay nhất và đúng nhất về Văn Cao, ông luôn luôn tương kính và nhún mình: Văn Cao tài hơn tôi, giỏi hơn tôi.
Văn Cao cũng đã đáp lại tình bạn cao cả ấy.
Khi sửa lại Ph.D là Phạm Đức, và đổ lỗi cho báo Sông Hương in nhầm, anh Văn Thao đã vô tình hạ thấp giá trị của cha mình: được hát bởi một ông thợ hớt tóc vô danh thay vì nhạc sĩ Phạm Duy.
5- Anh Văn Thao vẫn tiếp tục lối kể những chuyện "xẩy ra" khi anh chưa ra đời hoặc anh vẫn còn nằm trong bụng mẹ (Văn Cao làm lễ cưới  sau ngày toàn quốc kháng chiến 19/12/46, ở Liên Khu Ba, thôn Ba Thá), anh Văn Thao lại viết:    
"Cuộc chia tay giữa hai người lần này [quán Biên Thuỳ năm 1947] không vui vẻ lắm vì trong thời gian này Phạm Duy “phải lòng” một cô gái nhảy xinh đẹp là nhân viên hoạt động trong đội điều tra của Văn Cao. Không chấp nhận được điều đó, Văn Cao tức giận, đuổi Phạm Duy đi."
Không những thế anh còn ghi nhớ được cả những lời cha anh khuyên nhạc sĩ Phạm Duy, cũng trong khoảng thời gian này: 
"Ông đã thẳng thắn khuyên Phạm Duy: "Thế mạnh của mày là ở dân ca. Hãy khai thác và đưa chất liệu dân ca vào những sáng tác của mình. Tao tin mày sẽ thành công. Cần tìm cho mình một con đường, một phong cách riêng…". Sau cuộc gặp gỡ này, hàng loạt những ca khúc của Phạm Duy đã ra đời."
Rồi những năm sau, khi anh đã trưởng thành ở miền Bắc, anh Văn Thao còn ghi nhận được cả những lời Phạm Duy tuyên bố ở Mỹ nữa:
"Sau này ở miền Nam, trong một lần được mời sang Mỹ giảng dạy về Âm nhạc phương Đông, Phạm Duy đã phát biểu: "Tôi được vinh dự này, xin cảm ơn một người bạn và cũng là một người thầy của tôi là nhạc sĩ Văn Cao hiện đang sống ở miền Bắc Việt Nam".
Nhất là câu cuối cùng trong bài phỏng vấn, người phỏng vấn người được phỏng vấn đồng lòng với nhau để đưa vào miệng Văn Cao câu nói sau này:
"Nhạc sĩ Văn Cao đã nhận xét về thái độ chính trị của Phạm Duy "Ai cũng có điểm dừng, chỉ có Phạm Duy là không có giới hạn" ý nói về những bài ca, những phát ngôn của Phạm Duy (ở Sài Gòn và ngoại quốc). Ông có nhận xét gì về những nhận xét đó của cha mình?
Văn Thao: Cha tôi đã nhận xét đúng về Phạm Duy. Về một khía cạnh nào đó mà tôi được biết, nhận xét này của ông còn có phần nương nhẹ đối với Phạm Duy"
Ai dám tự cho mình quyền phán xét Phạm Duy, mà nhẹ hay không nhẹ?
Nhạc sĩ Văn Cao từ giã cõi đời năm 1995. Chắc không bao giờ ông có thể ngờ rằng năm 2019, sẽ có người đưa vào miệng ông những câu nói như thế này về nhạc sĩ Phạm Duy, kẻ du ca đã gieo nhạc buồn của ông đi khắp chốn.
Chú thích:
Bài Phạm Duy nhìn từ phía con trai của Văn Cao, có thể đọc được ở điạ chỉ sau đây:
Bản 2017: http://honvietquochoc.com.vn/
Bản 2019: http://www.lethieunhon.vn/
Bản 2019: http://thoibao.com/
[1] Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, chương 13, Văn Cao (1923-1995), nxb Tiếng Quê Hương, Virginia 2012. Bản điện tử trên Internet.
[2] TK, Nhân Văn Giai Phẩm và vấn đề Nguyễn Ái Quốc, chương 13, Văn Cao (1923-1995) trang 332-333.
[3] Văn Cao, Hồi ký, Bài Tiến Quân Ca, Sông Hương số 26 tháng 7&8 năm 1987.
9/7/2019
Thụy Khuê
Theo http://thuykhue.free.fr/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Nguyễn Huy Thiệp và một chiến lược kể chuyện khác Trong cơn gió văn chương lan theo chiều rộng thì truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp là một l...