Thứ Sáu, 29 tháng 11, 2019

Trống mái 1

Trống mái 1
Chương 1
Sầm sơn, 15 tháng 6 năm 193...
Chère Oanh, 1
Chị tha lỗi cho em nhé. Em hẹn viết thư cho chị ngay thế mà ra đây đã được năm hôm em mới có bức thư này về thăm chị.
Em vừa viết vừa loay hoay- nghĩa là chẳng loay hoay tí nào, chỉ tìm cớ để xin lỗi chị về sự chậm trễ đó là ngẫu nhiên. Em tưởng tới luận đề quốc- văn cô giáo ra cho chúng ta hồi 4ème année 2: “Xin lỗi bạn về sự phúc đáp chậm trễ”.
Em còn nhớ ngày ấy cúng mình cười mãi về cái đề tài ngớ ngẩn và một câu văn tinh quái nghịch ngợm của chị Kha: “Cha tha lỗi cho tôi, tôi mải ngồi ngắm mây bay và mơ màng tới sự sống êm đềm nên quên lãng biên thư phúc đáp...”.
Em thì không mơ màng ngồi ngắm mây bay, nhưng em lại khó chịu về nỗi buồn và ‘cái nóng’! Ở Hà Nội mẹ em sợ nóng, trốn vào trong này. Nhưng ở đây cũng chẳn mát với ai, nhất là vào khoảng từ 12 giờ trưa đến 4 giờ chiều thì lại càng khó chịu với những cơn gió tây như đốt mà những giại, những phên nứa đan mắt cáo không đủ sức cản nổi.
Hôm nào không có gió thì cũng chẳng sung sướng gì hơn. Chị cứ tưởng tượng đứng trước một bức ảnh màu vĩ đại... Phải, một bức ảnh vì bao vật xanh tươi hồng thắm cho đến mây trắng trời lam đều đứng im phăng phắc như in trong một tấm hình vậy. Đến cả rặng phi lao, ngọn mềm như thế mà cũng không rung động mảy may. Vạn vật như sợ hãi nín thở trước sự hung tợn ầm ĩ của sóng biển ngày đêm lăn lộn gầm thét không thôi... Thơ mộng không?
Hết cái khó chịu về nóng, đến cái khó chịu về các hàng vặt. Suốt từ sáng đến chiều luôn luôn nghe những câu chào hàng qua bờ giậu. Nào mua “trấng mua chúi”, mua thuyền, mua tôm rồng. Thôi thì không còn một thứ gì họ không mời mình mua! Hôm đầu em còn cáu kỉn gắt gỏng, nhưng vì em thấy họ coi thường những lời cự tuyệt của mình nên em để cho họ tha hồ muốn mời, muốn gào mỏi miệng mặc kệ, không buồn đáp lại nữa. Chị đừng tưởng làm thế mà thoát đâu! Họ còn thò tay qua phía trong mở chốt cổng để vào sân, vào vườn mà mời mình mua cho bằng được. Một hôm em đùa, thấy hàng nào hoặc đội, hoặc gánh cũng bảo ngồi đợi đấy rồi em mua. Một lát sân nhà em thành cái chợ nhỏ có đủ các thứ hàng bày la liệt. Bấy giờ em mới vào mời mẹ em ra. Mẹ em không thể nín cười được.
Nhưng thôi, viết dài dòng quá bắt chị đọc khổ thân. Để hôm nào em về em sẽ thuật lại cho nghe vì cứ xem nông nỗi này thì em cũng không ở đâu được đâu, chỉ độ tuần lễ nữa là em chuồn thôi.
Kính thư,
Hiền
Sầm Sơn 16 tháng 6 năm 193...
Chị Oanh,
Hôm qua viết xong thư, em thân hành ra bỏ tận hộp nhà bưu điện. Gìữa đường gặp Lưu và Miện, trường Luật. Thấy tay em cầm phong bì, họ tủm tỉm cười. Chắc họ yên chí rằng đó là một bức thư tình nên em mới chịu khó thân đem đi bỏ, nhất họ lại biết villa 3 em cách nhà bưu điện rất xa. Có lẽ vì thế mà họ xăm xăm sấn lại hỏi chuyện em chăng? Thấy mắt họ lơ láo nhìn tay em, em trêu tức bỏ ngay phong bì vào ví làm hai cậu càng thêm ngờ vực.
Cho thế mới bõ ghét, chị ạ! Từ hôm em ra đây tới nay, hai tướng lượn quá đi mất, làm em đến phát cáu lên ấy! Đi đâu cũng thấy hai người lẽo đẽo theo sau. Mà hễ em tắm chỗ nào là họ lởn vởn lại gần liền. Hôm kia tức mình em bơi ra xa làm hai cậu theo không nổ, đành phải quay vào bờ. Chị tính, bộ ấy thì bơi ở ao cũng vị tất được mấy chục thước chứ đừng nói ở biển có sóng lớn. Bơi được một quãng, em leo lên cái mảng đứng vẫy tay gọi họ ra, họ chỉ lắc đầu. Em buồn cười quá! Hừ! Thế mà cũng học ‘đòi chim gái’!
Em rõ lẩn thẩn, đương chuyện nọ kể xọ sang chuyện kia. Em nói hai tướng thấy em giấu vội bức thư vào ví thì tò mò đa nghi lắm, đưa mắt nhìn nhau. Hẳn ‘hai ngài’ cụt hy vọng vì tưởng em gửi thư cho người tình nào mà hai cậu biết chắc chắn rằng không phải là hai cậu.
Chẳng thế, mỗi lần hễ gặp em là chuyện nở như gạo rang, mà lần này thì tiu nghỉu như mèo bị cắt tai, hỏi thăm mấy câu nhạt nhẽo rồi ngả đầu chào đi thẳng.
Tưởng tối về, ‘hai ngài’ hẳn ngồi nhà mà than vãn cùng nhau về mối tình tuyệt vọng. Nhưng không chị ạ, đêm hôm qua em vừa kéo dứt bài “Ville d’Amour” đã nghe thấy tiếng cười khúc khích của hai tướng ở ngoài hàng giậu rồi. Em bực mình quá tắt đèn đi ngủ liền.
Tóm lại em xin nói trước để chị biết rằng thế nào vài hôm nữa em cũng về Hà- Nội vì những lẽ này:
1/ Nóng.
2/ Buồn
3/ Không có bạn.
Nói tóm lại là bơ vơ quá!
Bạn chị,
Hiền
Tái bút: Em sắp dán thư thì Hồng đến chơi. Hồng cửa Đông chứ không phải Hồng hàng Nón đâu nhé. Trông giờ nó gầy quá chị ạ, chẳng còn tí ngực nào nữa, mà người thì đét đèn đẹt. Em bảo nó tập Muller chẳng biết nó có nghe không.
Sầm Sơn 20 tháng 6 năm 193...
Ma Oanh Chérie, 4.
Thư chị gửi vào em đã nhận được rồi, mừng quá. Mà may quá, vì em đã định gần nhất định mai từ biệt đất nước Sầm Sơn. Nếu thư chị gửi chậm một hai hôm thì có lẽ nó sẽ phải khứ hồi, về lại Hà- Nội, và sẽ cùng em gặp nhau ở phố hàng Da.
Thế à chị? Ở Hà Nội nóng thế kia à? Ừ, chẳng lẽ mất công đi nghỉ mát lại không mát bằng ở nhà! Nhưng nếu chị bảo Hà Nội là một cái lò thì Sầm Sơm là một cái lò nhỏ hơn.
Chị tính, nóng như thế mà sáng hôm nay em đi chơi núi đấy. Em đi với mẹ em và chị Hồng. Chị Hồng yếu quá chị ạ, trèo dốc cứ thở hổn ha hổn hển mãi.
Chúng tôi đem theo con gà quay và một chai bia, ra khe Thờ tắm rồi lên hòn núi Trống Mái ngồi chén. Ở đó cũng khá mát, nhưng đến lúc nóng thì không thể tả được! Thôi, cũng bõ! Ở Hà Nội có ai lòe, khoe hòn Trống Mái đẹp hay lạ thì cũng biết nó ở đâu, nhất là em lại chụp được một tấm hình “cặp gà đá” ấy. Rồi em sẽ đưa cho chị coi, và chị sẽ thấy nó chẳng đẹp mấy.
Thế là đã xem được núi. Còn rừng nữa. Em định chiều nay đi nốt để mai về. Em về thì chắc mẹ em ở lại một mình buồn lắm đấy. Nhưng lạy cụ thôi, cụ đi nghỉ mát để khỏe người, nhưng con, con chỉ mong đến bãi biển để vui đùa. Mà bãi biển Sầm Sơn thì vắng ngắt như bãi sa mạc, còn vui đùa sao được! Rõ em giận mẹ em quá! Nói cụ đi Đồ Sơn thì cụ không nghe!
Có lẹ em sẽ theo chị huyện Đài lên nghỉ ở Chapa ít ngày. Chị ạ, Chapa thì chắc cũng buồn, nhưng đi cho biết thôi mà. Với lại em muốn chụp mấy bức ảnh vận Mèo, chị ạ. Em được xem ảnh chị Đài chụp năm ngoái ở Chapa mà em thích lên đó quá.
Thôi, chào chị. Em phải mặc Maillot 5 đi tắm đây. Mẹ em đương giục kia. Kính chúc chị mạnh khoẻ.
HIỀN
Chú thích:
1.
Chère: tiếng Pháp có nghĩa là thân mến; Chère Oanh nói chung là “Oanh thân mến”. Đây là lối viết thư của rất nhiều ‘dân Việt trường Tây’ thuở trước.
2.
Tức lớp Đệ Ngũ thời đó, ngày nay là lớp 8.
3.
Villa: tiếng Pháp, có nghĩa là biệt thự.
4.
Ma chérie: tiếng Pháp, có nghĩa là người thân yêu dấu; không bắt buộc phải là người tình. Trong trường hợp này vì người nhận là phái nữ nên mới dùng “ma chérie”; giả sử là phái nam thì phải viết là “mon cher”.
5.
Maillot: tiếng Pháp, có nghĩa là áo lót. Nhưng trong trường hợp này có lẽ là áo tắm.
Chương 2
- Vâng, con xin đi đây.
Hiền gấp vội bức thư bỏ vào phong bì rồi đứng dậy vào buồn thay áo tắm. Mặc xong, nàng đưa tay nắm cặp đùi chắc nịch và xoa bộ ngực nở nang khoan khoái, sung sướng thở ra một hơi dài. Cử chỉ ấy nhắc nàng nhớ đến tập thể thao. Nàng liền đứng thẳn người phưỡn ngực, mềm mại đưa đôi cánh tay lên xuống và hít vào, thở ra thật mạnh.
Bỗng nàng ngừng lại và nhếch một nụ cười: nàng vừa thoáng thấy bóng mình lờ mờ in nghiêng vào một bên cửa kính. Tuy những miếng kính phản chiếu không được rõ ràng tấm thân đầy đặn, cân đối của nàng, nàng cũng ngắm thấy đường lưng thẳng, nét ngực phồng và cái bụng thon thon. Kết quả ấy nàng đã tốn nhiều công phu lắm mới có được.
- Hiền!
- Dạ!
- Mặc xong áo chưa? Sao mà lâu thế?
- Xong rồi đây ạ.

Hiền từ trong buồng ngủ vội bước ra, cúi rạp đầu xuống chào theo điệu ca kịch trên sân khấu. Bộ áo tắm màu xanh non, rất ngắn để hở cặp đùi hồng hào, cái ngực trắng bóng và cái lưng lằn những bắp thịt khiến bà mẹ hơi chau mày:
- Sao con không mặc bộ như thường ngày?
Nghiễm nhiên Hiền đáp:
- Hôm nay con thích dùng bộ này.
- Mẹ trông nó hơi ngắn một tí... Nhưng thôi, cũng được!
Bà tham Hậu vẫn có tính nuông chiều con. Mà nuông chiều quá hoá nhát, hễ thấy con tỏ ý giận dỗi là hoặc dấu dịu, hoặc làm theo ý con ngay. Bà nhà giàu, góa chồng sớm, có được hai đứa con gái. Con lớn đã có chồng và đã sinh được một trai, một gái. Còn Hiền, con út thì tuy tuổi đã ngoài hai mươi nhưng vẫn nhất định chưa bằng lòng ai. Hơn nữa, Hiền thường ‘nửa thật nửa bỡn’ bảo bà Hậu:
- Mẹ ạ, con chẳng muốn lấy chồng. Con chỉ ưa theo chủ nghĩa độc thân.
Nghe con nói, bà chỉ mỉm cười. Những người quen thuộc, những chỗ họ hàng, bà con thấy Hiền quá tự nhiên từ ngôn ngữ cho đến cử chỉ thì đều tức cười, cho rằng bà Hậu không chịu uốn nắn dạy con. Nhưng ai nói gì bà mặc kệ. Vả lại, bà cũng biết đối với Hiền, bà không đủ uy quyền để dạy bảo.
Tuổi bà quá gấp đôi tuổi Hiền, nhưng tính nết bà vẫn trẻ như Hiền. Chẳng thế, hôm đến một hiệu Tây mua áo tắm, bà lại vui vẻ nhờ Hiền chọn hộ một bộ. Bà biết rằng những kểu áo Hiền ưng bao giờ cũng dễ coi và hợp thời trang.
Chương 3
Hai người lẳng lặng đi ra bãi biển. Bà Hậu trong cái áo khoác vải bông trắng dài chấm mắt cá, trông còn có dáng khỏe mạnh, cứng cáp. Đi bên cạnh bà, Hiền như một cây non đương bồng bột lớn và chứ đầy nhực buổi đầu xuân: một tấm nhan sắc hoạt động hùng tráng, thanh khiết, trái ngược với thứ nhan sắc nhu nhược ủy mị, kín đáo, biểu hiệu của dục tính. Qua một quãn đường, một khoảng trồng đầy phi lao, hai người tới bãi cát.
Bấy giờ, gió đông nam bắt đầu thổi mạnh và đều, đã rủ rê hầu khắp dân tắm Sầm Sơn ra đùa giỡn với những làn sóng bạc đương ầm ầm xô đẩy nhau vào bờ. Nhưng nửa bãi khu trên vẫn vắng, lác đác chỉ có độ dăm người. Bà Hậu ở vào khu ấy nên hôm nay cũng phải cùng con gái đi mãi xuống chỗ mỏm đá đông người Việt- Nam tắm hơn, mà bãi cát lại bằng phẳng chứ không gồ ghề, có nhiều hố sâu như ở phía kia.
- Hôm nay tắm ở đây thôi mẹ ạ.
Hiền chán nản chống tay vào cái mảng phơi bên làn nước và nũng nịu, uể oải nói với mẹ. Bà Hậu nhìn con đáp:
- Con mỏi chân rồi sao?
Hiền mỉm cười:
- Không mẹ ạ! Nhưng tắm đâu chả thế! Ở đây có cái mảng này sạch sẽ, vắt áo khoác tiện lắm.
- Nếu con không mỏi thì nên đến đằng kia tắm hơn. Vả lại hôm qua, mẹ đã trót hẹn với các bà ấy.
- Vâng cũng được.
Nhưng chẳng bao lâu, sự chán nản biến mất ngay trong tâm hồng cô thiếu nữ. Hiền vừa liếc thấy một bọn người Pháp, cả đàn ông lẫn đàn bà nhìn mình bằng cặp mắt khen ngợi, thèm muốn, ghanh tị nữa. Nàng nghĩ thầm:
- “Muốn bìng đảng, phải đồng đẳng. Mà trước hết cần nhất phải đồng đẳng về thân thể tráng kiện!”.
Nàng sung sướng cất tiếng hát một bài ca Pháp theo gần hệt một cô đào Harvey.
Seratice un rêve?
Un Joli rêve?...
Mọi người đều quay lại nhìn nàng. Bà Hậu mắng yêu con:
- Sao con lại hát to thế?
- Con thích quá mẹ ạ. Hơi nước bể thơm quá!
Bà Hậu cười:
- Tanh thì có!
Một đứa bé con người Pháp trỏ Hiền bảo với mẹ nó:
- Me, kìa!
Hiền đứng lại tươi cười hỏ bỡn bằng tiếng Pháp:
- Sao cứ trông người ta mà cười thế?
Cô bé chẳng ngần ngừ trả lời liền:
- Vì người ta đẹp, mà người ta lại tân thời!
Thật vậy, nhờ kiểu áo tắm tối tân ăn khít vào tấm thâm luyện tập, Hiền nổi hẳn trong đám người ở bãi biển khiến ai gặp nàng cũng dừng bước tò mò nhìn.
- Chị Hiền!
- Ồ, Hồng đấy à?
Hồng bẽn lẽn lại chào bà Hậu, bắt tay Hìền rồi đưa mắt ngượng nghịu thầm so sánh thân thể bạn với thân thể mình gầu gò trong bộ áo tắm xám màu và quá rộng, quá dài. Hiền cũng hiểu vậy nên chữa thẹn cho bạn:
- Chị ốm mãi nên độ rày hơi sút. Nghỉ ít lâu lại béo lại như thường, lo gì.
Bà Hậu cười, nói tiếp:
- Mày chẳng san sẻ cho chị Hồng một tí?
- Thưa mẹ, con sắp tiếp máu cho chị Hồng đấy ạ. Nhưng kìa, chị đi đâu đấy?
Hồng chạy vội lên chỗ cát khô lấy cái áo khoác choàng vào mìnnh. Tuy biết rằng bạn cốt giấu tấm thân mảnh dẻ. Hiền vẫn làm như không lưu ý tới điều đó.
- Vẽ! Để vậy có mát hơn không?
Lúc đó một người Pháp đi qua, Hiền gặp dịp an ủi bạn:
- Chị trông cô đầm kia thì chẳng hơn gì chị.
Rồi nàng tiếp luôn:
- À, em nhờ chị trông coi mẹ em hộn nhé!
Bà Hậu cười:
- Mày làm như tao còn bé dại lắm ấy!... Nhưng mày không tắm à?
- Con xin phép mẹ nghỉ tắm hôm nay. Con bận phải đi đàng này một lát.
Nàng ôm lấy mẹ vừa cười vừa hôn:
- Mẹ tha lỗi cho con nhé!
Chung quanh, kẻ cười mát, người bĩu môi. Những bà đứng tuổi cho là Hiền ‘tây’ quá, quay lảng đi thì thầm nói chuyện với nhau để tỏ ý khinh bỉ.
Thấy thế, Hiền càng làm già, nhảy theo nhịp khiêu vũ quanh mình mẹ, đoạn ngả đầu chào rồi cắm cổ chạy thật mau về phía nhà khách sạn lớn.
- Cô tập chạy để dự thi khoa điền kinh đấy phải không?
Hiền đứng lại, vừa thở vừa đáp:
- Khoa điền kinh là khoa quỷ gì thế?
Nàng nhận ra là Lư và Miện, cặp bạn mà nàng chưa từng thấy xa nhau.
- Hai ông chưa thay quần áo để đi tắm?
- Hôm nay chúng tôi không tắm!

- Cả hai ông?
- Vâng.
Hiền cười:
- Khéo bảo nhau nhỉ! Tắm cùng tắm, nghỉ cùng nghỉ.
Lưu cũngg cười:
- Chính vậy. Chúng tôi đồng tâm, đồng ý, đồng tính, đồnh tình.
Hiền bĩu môi, chế nhạo câu nói kiểu cách:
- Đồng lằm thứ thế? Giá là cặp vợ chồng thì tốt duyên lắm nhỉ?
Dứt lời, nàng lại chạy. Lưu gọi với, nhưng Hiền vờ không nghe tiếng, rảo bước trên làn cát ướt. Khi đến một chỗ đã xa bãi tắm, nàng đứng kiễng chân vươn tay khoan khoái thở mạnh. Mấy giọt nước biển bắn lên mặt khiến Hiền quay nhìn ra khơi ngắm những mảnh buồm nâu khi ẩn khi hiện đương rập rờn theo đợt sóng. Trước vạn vật hùng vĩ, nàng vut buồn rầu cảm thấy mình bé nhỏ yếu ớt.
Song chỉ vài phút sau nàng đã cười phá lên vì thấy những lớp sóng rầm rộ dữ dội từ nẻo xa đến, tưởng sắp nuốt chửng nàng đi, nhưng khi tới chân nàng đều nằm ép xuống như lặn lẽ quy hàng. Nàng nhớ tới những chuyện thần tiên của Perrault mà nàng đã đọc, và tự ví mình với một nàng tiên nữ tay cầm cái thước mầu nhiệm để ra phép chế ngự một con quái vật hung tàn.
Những tiếng ‘dô ta’ làm cho Hiền tỉnh mộng, quay nhìn về phía xóm Trường Lệ. Một đám dân chài đương xúm nhau khiêng một chiếc thuyền lên bãi cao.
Nàng đi lại gần, tò mò đứng xem. Sáu người từ 17- 18 tuổi tới ngoài 30 lực lưỡng, mập mạp, da sẫm đen và bóng như màu gỗ lim trên nước cùng gò sức cố nhấc bổng cái thuyền mành lên bằng ba cái đòn tre già và những dây thừng to. Mỗi lần họ kêu ‘dô ta’ sau câu hát ngắnn hai ba chữ của một người trong bọn thì những bắp thịt tròn ở tay, ở ngực, ở lưnng họ lại nổi lên một cách rõ rệt, trông như những quả lựu rám nắng vậy.
Luôn bốn năm lần họ dùng sức, chiếc thuyền vẫn không nhúc nhích. Thỉnh thoảng, một đợt sóng ở ngoài khơi chạy tới xô mạnh vào thân thuyền làm tung tóe nước mặn lên mặt họ khiến họ buông tay ra đứng cười, cái cười mộc mạc, vô nghĩa.
- Các bác yếu lắm nhỉ?
Nghe lời chê bai của Hiền, có người vui vẻ đáp:
- Vậy nhờ cô một tay.
Một người khác bảo:
- Trông cô ấy sức lực đấy chứ.
Hiền tay cầm đòn, tay cuốn dây thừng. Ai nấy tưởng nàng khiêng giúp thật, toan cũng gghé vai vài đòn thì nàng dã vội buông ra cười ngất:
- Nói đùa đấy thôi, chứ thôi yếu lắm!
Mọi người đương hì hục đào và xan thoai thoải cát ở phía trên để kéo thuyền lên thì bỗng có tiếng kêu vui mừng:
- May quá! Vọi kia rồi! Vọi mà giúp thì đến hai cái thuyền cũng xong chứ đừng nói một.
Quả thật, một người vạm vỡ từ trong xóm đi ra.
- Hộ một tăy, anh Vọi ơi!
Vọi yên lặng cởi áo, xắn quần. Hiền kinh ngạc. Nàng thấy hiện ra một nhà lực sĩ cường tráng, mỹ lệ như một pho tượng cổ Hy- Lạp. Nàng không lưu ý đến màu da rám nắng ma chỉ ngắm nghía những nét nhịp nhàng cân đối của một tấm thân thể hoàn toàn. Vọi lại có khuôn mặt đều đạn, cặp mắt hơi xếch và sáng, cái cằm vuông và lồi khiến chàng nổi hẳn trong bọn dân chài nặng nề, kém thông minh.
Có lẽ sự xét đoán của Hiền cũng bị trí tưởng tượng làm sai đi vài phần. Nhưng một điều chắc chắn là Vọi đẹp, đẹp theo nhà hội họa, nhà điêu khắc, nhà thể thao...
Chương 4
Hiền yên lặng đứng ngắm Vọi ghé vai vào đằng lái thuyền và đẩy mạnh trong khi những người chài lưới khác hết sức khiêng bổng thuyền lên. Hai chân Vọi dậm lõm cát thành hai cái hố, mà môt lớp sóng rào lên tràn ngập.
Bỗng thuyền từ từ tiến lên phía cao... Hiền buông một hơi thở dài khoan khoái, vì nhìn mọi người cố sức, nàng cũng thấy bắp thịt của mình cứng lại, nổi lên như những lúc tập thể thao nàng lấy gân.
Bây giờ cái thuyền đã nằm yên ở chỗ cát khô. Mồ hôi chảy thành dòng trên những tấm thân màu đồng mắt cua. Anh em chài lưới cười nói vui vẻ... Rồi kẻ thì bứt cái khăn bông nâu thắt cái mỏ rìu ở đầu để lau từ trán đến ngực, kẻ thì cúi xuống đưa hai bàn tay vốc nước biển rửa mặt.
Vọi thản nhiên thong thả mặc áo, rồi không để ý đến ai hết, không chào hỏi ai một câu, xăm xăm đi về phía Sầm Sơn. Hiền đùa gọi:
- Anh Vọi!
Vọi dừng bước, quay đầu lại miệng há hốc, mắt ngơ ngác nhìn, không hiểu sao cô kia lại gọi tên mình. Nhưng Hiền đã chạy đến gần hỏi:
- Anh đi đâu bây giờ?
Vọi tò mò ngắm nghía cô thiếu nữ:
- Thưa cô, tôi về nhà.
- Nhà anh ở đâu?
- Nhà tôi ở xóm Sơn.
- Xóm Sơn ở đâu?
- Ở đàng kia.
Vọi vừa bước vừa giơ tay trỏ về phía mỏm núi. Hiền bước theo bên cạnh cười hỏi:
- Có gần hòn Trống Mái không?
Vọi cũng cười, cái cười bẽn lẽn, đáp lại:
- Đi qua hòn Trống Mái thì tới.
Hai người yên lặng. Vọi hơi khó chịu, không rõ tại sao cô kia lại ưng đi ngang hàng với mình. Vì thế có lúc chàng đi chậm lại, cốt để Hiền vượt lên trước. Nhưng Hiền cũng bước chậm theo, hỏi hết chuyện nọ đến chuyện kia: nào chuyện đá cá, chuyện bắt ngao, chuyện đi thuyền, chuyện gặp bão... Đối với những câu hỏi liên miên của thiếu nữ, anh chàng lười chỉ trả lời nhát gừng. Có lẽ vì chàng quá chất phác không biết nói chuyện, mà cũng có lẽ vì đi bên một cô gái trắng trẻo xinh đẹp, chàng ngượng ngùng bẽn lẽn.
Bỗng Hiền dừng lại, nhìn lên đường bảo Vọi:
- Anh đứng đây đợi tôi một lát nhé?
Vọi trù trừ:
- Nhưng tôi phải về kẻo ở nhà mẹ tôi mong.
- Một tí thôi mà!
Nàng vừa nói vừa chạy qua bãi cát khô, lẩn vào dưới rặng phi lao. Vọi lẩn thẩn nhìn quanh. Thỉnh thoảng chàng lại đưa mắt nhìn lên đường xem cô kia đã trở ra chưa và hình như chàng tự hỏi:
- “Đứng chờ cô ta làm gì mới được chứ?”.
Thế rồi chàng bỏ đi. Nhưng chỉ được mươi bước lại quay về chỗ cũ, vẻ mặt ngần ngại, lo lắng sợ hãi, không dám quả quyết.
Có ai gọi tên mình, chàng quay lại. Một cô thiếu nữ chạy tới, tay cầm giơ lên một vật nhỏ xinh xắn, có giây da buông lònh thòng.
Đó chính là Hiền, nhưng Vọi không nhận ra vì nàng đã vận trùm ra ngoài bộ áo tắm một bộ ‘pyjama’ (đồ ngủ) rộng.
- Anh Vọi, anh đứng tôi chụp ảnh.
- À cô, tôi cứ tưởng ai.
- Vì tôi mặc ‘pyjama’ phải không? Bây giờ anh đứng quay lưng ra biển để tôi chụp ảnh.
- Vậy ra cô cầm ở tay là cái máy chụp ảnh đấy?
Hiền vừa đáp vừa ngắm kính mờ, tay vặn ốc để lấy hình cho rõ.
- Ấy, đứng im!

- Vậy cô chụp thật đấy à? Nhưng tôi ăn mặc xấu xí thế này thì cô chụp làm gì!
Hiền cười:
- Nếu sợ xấu xí thì anh nên cởi phăng ra.
Vọi bẽn lẽn không dám cười nhìn xuống chân thì Hiền lại nhắc:
- Anh cởi áo ra chứ. Mau, không tối quá mất!
Vọi ngớ ngẩn:
- Cởi áo ra?
- Phải, cởi áo và xắn quần lên như ban nãy anh kéo thuyền ấy mà.
Vọi có dáng băn khoăn:
- Ai lại thế?
- Một tí thôi mà, rồi mặc vào ngay.
Vọi vẫn còn trù trừ:
- Nhưng sao lại cứ phải cởi áo mới chụp được?
- Vì thân thể anh đẹp lắm.
Vọi không hiểu nhưng cũng vâng lời.
- Ừ! Đẹp lắm! Bây giờ thì anh xắn cao và bệ ống quần lại. Mau! Kẻo hết ánh sáng!
Vọi thấy cô kia gắt thì sợ hải làm theo ngay.
- Được! Thôi xong rồi!...
Hiền chụp luôn hai lần cho được chắc chắn. Lúc quay ra nàng mới biết nhiều người đứng chung quanh tò mò nhìn mình và trong bọn có cả Lưu và Miện. Người đánh cá buông ống quần và mặc áo rồi hỏi Hiền:
- Thưa cô chụp xong rồi?
- Xong.
- Có thế thôi?
- Phải, có thế thôi. Tôi đã bảo anh rằng chỉ một tí là xong.
- Vậy cô cho tôi xin một cái nào.
Hiền cười:
- Còn phải rửa rồi in ra giấy đã chứ. Mai đến nhà, tôi biếu một cái.
- Ô, hay nhỉ! Tưởng chụp thì được ngay hình chứ lị.
Hiền đã đưa ống ảnh ra phía biển ngắm một bọn bốn năm người đang nô đùa với làn sóng. Vọi thấy vậy hỏi:
- Cô chụp nữa à?
- Phải, chụp nữa.
- Sao? Cái máy bằng một tí mà cô chụp được hai cái một lúc?
- Chụp được mười hai cái kia!
Anh chàng đánh cá kinh ngạc:
- Mười hai cái?
Rồi chàng ghé đầu nhìn vào kính mờ:
- Ồ! Đẹp quá cô nhỉ?... Nhưng sao người không ngược như ở cái máy của ông thợ ảnh?
- Cái máy này nhìn không ngược.
Chờ cho Hiền chụp xong, Lưu và Miện tiến lại gần mỉm cười, ngả đầu chào. Lưu nói:
- Cô cho chúng tôi xin một cái ảnh nhhé?
- Ảnh anh Vọi?
- Anh Vọi nào thế? Không, chúng tôi nhờ cô chụp cho một cái ấy chứ.
Hiền ngẫm nghi rồi trả lời:
- Để khi khác các ông mặc quần áo sang trọng đã.
Vọi lấy làm lạ. Ban nãy nàng vừa bảo Vọi cởi áo xắn quần để nàng chụp thế mà bây giờ với hai người ấy nàng lại không chịu chụp, vì hai người ấy mặc áo tắm. Anh chàng đánh cá thật thà ngây thơ, có hiểu đâu rằng cô thiếu nữ kia chỉ cần giữ vẽ thẹn thùng đối với hạng người có học vấn, có trí thức, còn đối với một anh dânn chài, nàng coi như đứng trước một người kiểu mẫu; hơn nữa, như đứng ngắm một pho tượng thiên nhiên. Chính Miện cũng có ý nghĩ ấy nên chàng cười, bảo Hiền:
- Nếu cô xấu hổ không muốn chụp chúng tôi mặc ‘may- ô’ (maillot) thì cô làm ơn cho chúng tôi mượn máy ảnh. Chúng tôi chụp lẫn cho nhau vậy.
Hiền cười phá lên:
- Xấu hổ! Ông bảo tôi xấu hổ, thì xấu hổ về nỗi gì mới được chứ? Tôi không muốn chụp các ông mặc may- ô chỉ vì các ông mặc may- ô không đẹp mà thôi. Một ông thì vai lệch, còn một ông thì bụng xệ. Đây này, ông nom anh Vọi, tôi vừa chụp anh ấy ở trần xong.
Lưu đưa mắt đứng nhìn người đánh cá trong lòng căm tức. Hiền lại nói tiếp:
- Khi nào người ta có tấm thân nở nang, đều đạn như thế thì chụp cởi trần mới bõ.
Miện khinh bỉ, bĩu môi:
- Ý hẳn cô sắp vào trường Mỹ- thuật?
Hiền vẫn cười đáp:
- Không, nhưng tôi có nhiều bạn học ở trường ấy.
Lưu hỏi với giong chua chát:
- Bạn trai?
Hiền như không tưởng tới ý chế diễu của câu hỏi, nghiễm nhiên trả lời:
- Phải, bạn trai. Họ đã vẽ và nặn tượng cho tôi trông khá lắm.
- Hẳn là khá!
Vọi đứng lơ đãng ngắm biển. Rồi cho là không ai cần đến mình nữa, chàng bảo Hiền:
- Thưa cô, tôi xin về thôi.
- Ừ, anh về nhé! Nhớ mai lên nhà, ttôi biếu anh bức ảnh.
- Nhà cô ở đâu cơ?
- Ở kia kìa.
Nàng trỏ tay về rặng phi lao:
- Bên cạnh nhà mấy chị em người dầm lai ấy mà!
- Thế thì tôi biết rôi. Vậy sáng mai tôi xin đến. Thôi xin chào cô, chào hai ông.
- Không dám, anh về.

Lưu mỉm cười nhìn theo anh chàng đánhh cá rồi quay lại bảo Hiền:
- Thằng cha đẹp trai đấy chư?
- Thì cố nhiên là đẹp! Ông đã nhìn thấy anh ta cởi trần chưa nhỉ?
- Đã, ban nãy, lúc cô chụp ảnh.
- Đấy, có phải không? Thật xưa nay tôi chưa từng thấy ai có tấm thân đẹp như anh ta.
Lưu, Miện đưa mắt liếc nhau tủm tỉm cười, lấy làm lạ rằng một cô con gái dám nói năng tự do đến thế. Hiền cũng thừa biết là hai người lặng lẽ bình phẩm mình. Nàng lạnh lùng ngả đầu chào rồi đi về phía làng Trường Lê...
Chương 5
Từ biệt Hiền ra đi, Vọi coi như vừa tránh thoát được một người rất khó chịu. Vọi sinh trưởng trong đám dân quê, hơn nữa trong đám dân quê chài lưới, nghĩa là những người chỉ chó đức tính giản dị, chất phác thật thà. Tuy ở gần một thành phố ăn chơi đầy những bậc phong lưu đài các, nhưng Vọi không mấy khi giao thiệp với bọn họ, không mấy khi tò mò tìm hiểu họ là hạng người gì. Cũng có lần lúc kéo mẻ cá lên, họ dừng bước, yên lặng ngó qua nhưng lại đi liền chứ không bao giờ chịu hỏi lẩn thẩn, lôi thôi như thiếu nữ kỳ dị kia.
‘Cô chụp ảnh’, đó là cái tên Vọi vừa thầm đạt cho Hiền. Vọi không từng nghĩ bình phẩm tới cô ta, vì chàng cũng không chịu ảnh hưởng xem nhan sắc và tính tình của Hiền ra sao. Cái óc không bao giờ biết nhận xét còn lưu ý đến một sự cố gì? Nhưng Vọi hiểu lờ mờ rằng cô ta là một người rất lạ.
Vọi vui vẻ rảo bước trên bãi cát mong cho chóng về nhà để thuật lại câu chuyện chụp ảnh cho em gái anh ta nghe.
- “Chắc nó phải buồn cười nôn ruột”.
Nghĩ thế, chàng cũng bật lên tiếng cười thật lớn. Bấy giờ bãi biển đã vắng, không ai tắm nữa, chỉ còn lại ít người tụ năm tụ ba đi thung thăng hóng gió mát. Vọi tò mò nhìn mấy cô thiếu nữ choàng áo khoác đứng hỏi chuyện, tưởng như trong đó có cô chụp ảnh vì chàng chẳn biết phân biệt ai là ai. Nhưng khi đến gần thì những cô ấy toàn là người Pháp, hoặc là Pháp lai cả, vội cúi đầu đi mau vì chàng rất sợ các ‘bà đầm’ mà không bao giờ chàng dám nhìn thẳng vào cặp mắt xanh và cái mũi lõ.
Gió thổi mỗi lúc một thêm mạnh. Những ngọn sóng cao lớn văng vào mõm đá tung tóe lên và trắng xóa như thủy ngân. Vọi đứng lại vơ vẩn nhìn ra biển xa.
Phía đông nam, nơi chân trời mặt nước, những đám mây nặng nề, đặc sệt từ từ đùn lên và phản chiếu ánh chiều tà trở nên sắc tím hung, phớt màu vàng thắm da cam. Vọi lắc đầu lẩm bẩm:
- Không khéo đêm nay mưa mất. Trời này thì đi khơi sao được!
Hai tiếng ‘đi khơi’ nhắc Vọi nhớ lại biết bao sự đau đớn!...
Năm ấy Vọi vừa chín tuổi. Em gái Vọi, cái Vòi mới lên năm. Một buổi chiều người ta đến báo tin cho mẹ Vọi biết rằng anh Bật, thầy Vọi chết rồi.
Chị Bật òa lên khóc rầt thảm thiết. Hỏi duyên cớ vì đâu thì người kia thuật lại rằng tờ mờ sáng, Bật cùng với người ấy và hai người nữa thả hai cái mảng lớn, thứ mảng ba cột buồm, ra đánh khơi. Anh em kêu sóng hơi dữ chỉ nên đánh lõng. Nhưng Bật là tay can đảm nhất ở vùng duyên hải, cả bọn đàn ông chài lưới ở khắp mấy làng đánh cá quanh bãi Sầm Sơn không ai sánh kịp tài đi biển, tài bơi lặn cùng cái sức quăng lưới kéo lưới của chàng. Nay há vì mấy đợt sóng xoàng kia mà chịu lùi hay sao?
Song, dân chài lưới không thể mạo hiểm vô lý bao giờ. Họ nhìn trời, họ nhìn sắc nước; họ đoán thế nọ thế kia... Bật ngẫm nghĩ rồi bảo mọi người:
- Anh em cứ vững tâm mà đi. Trận gió tây này chỉ có đủ sức đưa ta ra khơi mà thôi. Mặt trời chỉ lên cao bằng con sào là gió đứng. Lúc ấy, ta cứ việc bình yên kéo cá đầy mảng.
Xưa nay ai cũng phải tin lời nói của Bật vì mấy khi khoa thiên- văn của chàng lại sai lầm. Vì thế, ba người vui vẻ cùng Bật khiêng mảng thả xuống biển rồi khuân xuống đủ các dụng cụ đi khơi như: nồi, mâm, bát, đĩa, gạo và khoai đủ sống trong ba bốn ngày phòng khi ra khơi gặp bão hay không có gió đưa mảng vào bờ ngay.
Ra đến khơi được một lát, quả nhiên gió tây ngừng thổi. Anh em hạ buồm, buộc níu hai mảng vào nhau rồi bắt đầu quăng lưới. Nhưng một lát sau lại phải giương buồm đi nữa, đi mãi ra xa mới gặp nơi có cá. Bật thấy lưới nặng tĩu như vướng vào vật gì, không sao lôi lên được. Mọi người xúm lại toan hợp sức cùng Bật để kéo cho bằng được lưới lên. Nhưng Bật gạt đi, bảo làm thế rách mất lưới vô ích, để chàng thử lặn xuống xem lưới mắc vào cái gì, và nếu có gỡ ra được thì vẫn hơn. Chàng liền cởi quần áo nhảy tỏm xuống nước rồi biến mất...
Ba phút... Năm phút... Mười phút vẫn không thấy chàng nổi. Ai nấy bỗng đăm đăm nhìn mấy cái bọt nước từ từ ngoi lên mặt biển. Một người thất sắc kêu:
- Chết rồi! Cá mập!
Mặt ai người nấy tái xanh, mắt trợn trừng kinh hoàng nhìn nhau. Biết rằng bạn gặp nạn nhưng không người nào dám nghi đến chuyện cứu. ‘Xuống thời chết!’, họ thì thầm bảo nhau.
Vơ vẩn, lo sợ, chờ đến hơn nửa giờ không thấy gì, họ mới buồn rầu thu xếp đồ đạc và giương buồm vào bờ, vì lúc ấy gió đông nam bắt đầu thổi mạnh...
Người đánh cá thuật lại câu chuyện ghê gớm như người ta kể chuyện cổ tích, giọng thong thả, thản nhiên. Mà chị Bật và Vọi há miệng ngồi chăm chú ngồi nghe cũng không kip nghĩ đến biểu lộ sự đau thương. Mãi đến lúc người kia ngừng kể, hai mẹ con mới lại cất tiếng gào khóc.
Chị Bật chẳng cần suy nghĩ cũng nhận thấy cái chết của chồng là một tai biến to cho gia đình chị. Bấy lâu nay chỉ trông vào chồng mà đủ ấm no sung túc. Bây giờ thì trông vào ai? Con trai mới chín tuổi chưa biết ‘đi nghề’. Con gái còn bé quá, không thể cho ở mướn được. Nông nỗi này có khi đến chết đói cả ba mạng!
Chị Bật vội lo buồn, chán nản là vìchị không nghĩ đến lòng rất tốt của anh em chài lưới. Họ chỉ chờ dịp để cưu mang lẫn nhau. Ngay sáng hôm sau, mấy người bạn đồng phường đến thăm chị Bật. Thấy chị chít khăn ngang đương vừa khóc vừa đặt bát cơm quả trứng lên bàn thờ chồng, anh em liền an ủi chị và nói cho chị biết rằng chồng chị trước có chung lưng vốn với họ thì nay phần lợi vẫn về chị được hưởng, tuy chị là đàn bà yếu đuối chỉ biết đánh rút chứ không thể đi lõng, đi khơi với họ. Ho lại mang đến viếng chồng chị một gánh gạo và một thúng khoai lang. Chị cảm động quá, ngồi xuống đất ôm mặt khóc kể lể:
- Anh Bật ơi! Anh đi đâu không về mà trông thấy mặt anh em bạn anh. Họ tử tế với anh như thế này, anh ở suối vàng có thấy cho chăng?
Tuy lúc bấy giờ Vọi còn nhỏ nhưng đã hiểu cả. Nghe em khóc gọi ‘thầy’ luôn mồm, Vọi cũng đã biết dỗ, dắt ra ngoài bãi biển mhặt vỏ ốc cho chơi. Thấy con ngoan, chị Bật vui mừng, thầm khấn chồng phù hộ cho chúng ăn khỏe chóng lớn...
Thế rồi mỗi năm một khôn biết, Vọi dần dần thạo nghề. Trước còn bắt ngao và câu cá song, cá tráp ở khe Thờ, bãi Nít, bãi Lãn... Khi sức vóc đã khá, Vọi theo phường bạn đi đánh rút.
Năm Vọi 18 tuổi thì chàng trở nên lành nghề, đi lõng, đi khơi đều chẳng chịu kém một ai. Vọi đã nhận được phần di sản của cha là cái sức khỏe với tấm thân nở nang, vạm vỡ, lại có khuôn mặt tươi tắn, tròn trĩnh của mẹ khiến chàng khác hẳn bọn dân chài nét mặt nặng nề, thô lỗ, hay ngắn ngủi cộc cằn.
Vọi có mọi tính nết mà ai ai cũng chế nhạo: cái tính bẽn lẽn thẹn thùnng. Thấy chàng đẹp trai, nhiều cô trong làng thường trêu ghẹo hoặc đi sát vào chàng, hoặc hát ve vãn. Vì gái quê vùng Sầm Sơn chẳng mấy cô không biết hát, và hát được rất nhiều giọng. Nhưng Vọi chỉ đỏ mặt, cúi đầu chạy lánh xa. Phải tay khác, họ đã đứng lại đối đáp. Được gái hát ghẹo là môt cái hân hạnh chẳng nhỏ...
Năm nay Vọi đã ngoài 20 tuổi đầu rồi mà chàng vẫn chẳng hiểu ái tình là gì. Mẹ chàng nói đến dạm vợ cho chàng thì chàng gắt gỏng với mẹ, có khi giận mẹ đến ba bốn ngày liền. Vì thế, chị Bật cũng thôi không dám bàn chuyện vợ con với Vọi nữa. Biết thế, người ta càng giễu cợt chàng.
Vọi vừa đi vừa nghĩ đến những lời đùa bỡn độc địa của phường bạn, nhởn nhơ leo hết con đường dốc lúc nào không biết. Mãi khi trông thấy hòn Trống Mái, chàng mới kịp nhớ ra rằng lần nào về nhà, đến đó chàng cũng trèo lên tảng đá chênh vênh ngồi nghỉ.
Mặt trời đã gần lặn. Một làn ánh sáng vàng úa còn phảng phất, chập chờn lẩn quất trên những khối đá đứng nằm ngổn ngang để đợi giờ tan đi, tan vào trong đêm tối.

Vừa ngồi được mấy phút, Vọi chợt nghĩ đến mẹ đương mong ngóng ở nhà liền đứng dậy đi về. Lên một cái dốc, xuống một cái khe, Vọi trông thấy xóm Sơn lờ mờ nằm dưới chân núi Đầu Câu. Chàng chạy một mạch về đến nhà. Mẹ và em quả nhiên đương băn khoăn lo lắng chờ đợi.
Vọi hấp tấp vui vẻ cười nói:
- Mẹ ạ, con gặp một cô hay quá đi mất thôi! Cô ấy lại chụp cho con một tấm ảnh.
Vòi nhìn anh kinh ngạc. Mọi khi hễ bạn gái của nàng nói đùa anh một câu là nàng thấy anh xấu hổ bẽn lẽn, thế mà lần này dám đi chơi với một cô và để cô ấy chụp ảnh cho nữa. Nàng có ngờ đâu rằng đối với Vọi, ‘cô chụp ảnh’ kia cao sang quá, lạ lùng quá đến nỗi chàng không coi như là một người con gái!
Cơm tối vừa xong, Vọi đứng dậy cào mẹ ra đi. Vòi nói đùa một câu để trêu anh:
- Chừng anh vô phố Cầu hát đối?
Vọi không them trả lời toan đi thẳng, nhưng mẹ chàng giữ lại hỏi:
- Mai mày đi nghề dưới anh Trà phải không?
- Không đâu mẹ! Anh Trà ốm, mẹ không hay sao? Ban nãy con sang ăn giỗ bên cậu, cậu dặn tối nay lại ngủ lều với cậu rồi vào đầu canh ba đi nghề sớm.
- Đi khơi chứ?
- Vâng, đi khơi. Chuyến này cậu định đến tận hòn Mê, vì mấy bữa bữa nay biển động, tôm cá chắc vào ẩn ở núi nhiều lắm.
Chị Bật lo lắng, ngước mắt nhìn trời. Một đám mây đen viền vàng vừa che khuất mặt trăng. Rặng phi lao ngăn bãi đất với những ruộng lúa xóm Sơn lờ mờ in hình lên nền trời xám nhạt để lộ ở khoảng giữa những thân cây thưa lá một làn nước biển lấp lánh gợn vàng lăn tăn chạy đuổi nhau. Gió mạnh thổi lạt sạt hàng lá gồi to bản xếp chen nhau thành cái bình phong trước xóm và uốn bạt ngọn phi lao khiến ta có cái ảo tưởng rằng chúng vẫn có cái hình cong hoặc nghiêng tự nhiên vì trong ánh sáng lờ mờ, ta như thấy đám lá mỏng mảnh đứng im tăm tắp.
Chị Bật thở dài, trỏ tay về phía đông nam hỏi con:
- Hòn Mê ở thẳng đây ra phải không?
- Thư mẹ, chính đó! Cái đảo hình trông như mái nhà ấy mà.
Chị lại thở dài nhớ anh Bật. Chồng chị thuở xưa mất tích ở gần đấy. Rồi chị hỏi vơ vẩn:
- Vậy mà mày đến đó?
- Vâng, đến đó. Thôi, con đi...
- Ừ! Mày đi cho được may mắn nhé!...
Vọi rời nhà, nhanh nhẹn leo khe núi Đường Trèo, trong lòng vui mừng rằng sắp sửa được ra khơi. Ít lâu nay biển động nên chàng chỉ ro ró ngồi nhà. Sáng, chiều vác thuổng ra bãi cát đào dã tràng về làm thức ăn tạm bợ. Đó là sự tiêu khiển buồn tẻ của chàng trong gần nửa tháng. Nay biển lặng, sóng lại yên, chàng lại sẽ cùng bạn nghề thả mảng vượt khơi sung sướng biết bao! Kẻ đi nghề yêu biển như trai gái yêu nhau. Lâu ngày không gặp nhau thì nhớ nhung phiền muộn.
Song tuy vội vàng mặc lòng, khi qua hò Trống Mái Vọi không thể không dừng bước. Hình như có mãnh lực gì giữ chàng lại. Rồi tự nhiên chàng trở nên mơ mộng, hồi tưởng đến thời còn nhỏ cùng bạn bè đánh ô trong bóng rợp hòn đá Mái. Những lỗ ô chính tay chàng đục nay bị nước mưa chảy xiết lau chùi đã nhẵn thín.
Thời gian! Đó là hai chữ không bao giờ Vọi nghĩ tới. Ngày ấy như ngày khác, chàng dần dần lớn trong khoang thuyền biển, trên chiếc mảng ngoài khơi... Nào chàng có biết thời gian qua! Cho đến sự thay đổi của bốn mùa, nếu không có các thứ cá phân biệt thì chàng cũng chẳng buồn để ý. Cái nghề nặng nhọc của chàng, cái thân thể như đồng như sắt khiến chàng chẳng thấy rét khi gió bấc thổi và chẳng thấy nực khi kéo lưới dưới lửa trời hè. Mỗi năm, chuyến đi khơi lần đầu cất được cá ó, cá sủ hay cá vược, chàng lại mỉm cười nghĩ thầm:
- “Họ đã sắp ra nghỉ mát rồi!”.
Cũng như cá rầu, cá bẹ, cá sâu, cá thu nhắc chàng rằng trời sắp mát, biển sắp trong, cá sắp sẵn. Thế thôi...
Bỗng Vọi rùng mình. Trăng vừa từ trong đám mây đen ló ra gieo ánh vàng lóng lánh xuống mặt biển, ngoài bãi khe Thờ, ở khoảng giữa hòn Buồn và núi Gầu Cao.
Bóng hòn Trống in xuống tảng đá bệ và gối lên đầu hòn Mái. Bóng Vọi cũng nằm dài theo song song bóng tảng đá chênh vênh. Cảnh tượng ấy đã quá quen với mắt Vọi...
Chương 6
Hôm sau khi Hiền ra biển thì mặt trời vừa mọc và ẩn sau đám mây tím rải ngang trên làn nước đủ màu, từ màu lam sẫm, lam nhạt ngoài xa cho đến các màu hồng, màu vàng ở gần bờ.
Trên nền trời sắc da cam chói lọi những vạch đỏ thắm xòe ra như bộ nan quạt làm bằng ngọc lựu.
Quay lại nhìn về phía thành phố Sầm Sơn, ánh sáng đèn điện chưa tắt và nhợt nhạt lấp ló trong lá phi lao như những ngôi sao buổi sớm mai lờ mờ sau làn mây mỏng.
Hiền dừng bước dưới hàng cây mỉm cười, lắng tai nghe giọng hót đổ hồi và trong trẻo của con chim chích chòe đậu trên ngọn lá. Mãi khi chim thôi hót, chừng vì thấy mặt trời mọc đã cao, Hiền mới lững thững đi ra bãi cát.
Biển ra đã xa. Mực thủy triều ở Sầm Sơn lên xuống không cách nhau mấy nhưng bãi biển hơi thoai thoải nên lúc lui trông rất rộng.
Hiền tuy không mặc áo quần chẽn song thấy có gió mát, mà bãi biển lại ướt nên nàng cũng tập chạy để cho mệt mà thở. Những vạt áo và ống quần lụa đồng màu cốm non, gió thổi ép vào thân thể làm nổi hẳn bộ ngực nở và hai cái đùi tròn của Hiền.
Hai giải khăn choàng mỏng như mạng nhện giữ cho tóc vấn trần khỏi xổ bay lượn như hai làn khói nhạt. Môi lát Hiền đứng lại thở mạnh, hai tay vươn ra, co lại thong thả, nhịp nhàng, mềm mại.
Bỗng nàng để ý tới mấy người lom khom từ trong một túp lều chui ra, vai vác chèo, tay ôm lưới. Nàng vội đến gần xem thì đó là hai cái mái tranh sơ sài ghép lại với nhau, hồi sau vít kín, còn hồi trước làm cửa ra vào.
Hiền tò mò cúi nhìn vào trong. Trên cái chõng tre, bó chiếu để ngổn ngang bên một cái nồi đồng to hết cơm và một cái mâm gỗ tròn trên đặt lỏng chỏng những đĩa bát rếch. Một người cởi trần, da bóng như đồng mắt cua đang quỳ xuống cát xếp lưới vào cái sọt đan thưa.
Ngay cạnh lều, hai cái mảng lớn nằm gối đầu lên cái chống. Trên một cái, một người đang kỳ cạch lấy dao tháo cái chốt ở đằng lái. Hiền đăm đăm ngắm nghía. Bỗng nàng vui mừng kêu lớn:
- Ô kìa, anh Vọi!
Nghe gọi tên mình, Vọi ngẩng đầu lên:
- Cô...
- Cô Hiền!
- Ảnh của tôi cô đã vẽ xong chưa?
Hiền buột miệng:
- Mới xong cái ‘négatif’..
Rồi nàng mỉm cười nói chữa ngay:
- Mới xong phim, xong... kính, chốc tôi in ra giấy rồi tôi biếu một cái... Anh đi đánh cá đấy à?
- Vâng.
- Đi sớm thế?
Vọi cười:
- Thưa cô, muộn đấy ạ. Tôi nằm trong lều từ tối hôm qua chờ đến canh ba chở mảng ra khơi. Không ngờ đầu canh ba trời đổ mưa tầm tã, mãi sáng mới tạnh.
- Phải, mưa to quá! Vậy anh nằm trong cái tùm hụp này mà không ướt hết?
- Thưa cô, ướt cũng chịu chứ!
Rồi Vọi nhìn trời nói tiếp:
- Có khi ra khơi gặp mưa từ sáng đến tối cũng được nữa là!

Hiền rùng mình tưởng tới tình cảnh người đánh cá ngồi trên cái mảng không mui trôi lênh đênh trên mặt sóng dưới gió mưa, sấm sét. Nàng nhìn Vọi thương hại:
- Vậy anh không sợ chết?
Vọi ngây thơ đáp:
- Không! Không bao giờ chết được.
Hiền nhớ đến những chiếc thuyền to nằm trên bãi Lưu Trung, trông có vẻ bề thế, vững vàng.
- Anh không có thuyền?
- Có chứ! Nhưng mà mảng vững hơn. Thuyền gặp bão thì chìm, đi chạm phải đá ngầm thì vỡ. Còn mảng chẳng bao giờ chìm được. Nước đánh vào trong lại theo kẽ cây bường mà trôi ra đằng lái hết. Mà ống bường kín thế này thì chìm thế nào được!
Bấy giờ một người quảy gánh nặng từ trong lều đi ra, theo sau là một người nữa vác buồm và bơi chèo, mỏ neo. Họ đạt các thứ ở bên làn nước rồi quay lại gọi:
- Anh Vọi! Xong chưa?
- Xong rồi đây.
Hiền hỏi:
- Anh đẽo cái gì cong cong như cái cung thế?
- Cái nạng.
- Cái nạng dùng để làm gì?
- Để gác buồm.
Tính Hiền hay hỏi tẩn mẩn. Nhưng nghe Vọi trả lời nhát gừng thì biết rằng chàng đương bận nên chỉ đứng yên lặng tò mò nhìnn hết thứ nọ đến thứ kia cho mãi tới lúc họ khiêng hai cái mảng thả xuống nước và xếp đồ đạc vào trong. Sắp bước lên mảng, Vọi còn quay lại nói với Hiền:
- Vậy chiều tôi đến xin cô ảnh nhé?
- Được, chiều anh lại. Nhưng sao anh bảo mỗ lần đi khơi những năm, sáu ngày mới về?
- Khôi, tôi đi lõng thôi. Vì những đám mây cao mà đen kia bám chặt lấy da trời thì tối nay hay sáng mai, chẳng bão táp cũng gió lớn mưa to. Đi khơi chưa được đâu!
Hiền chưa kịp hỏi thêm câu nữa thì hai cái mảng đã ra xa. Nàng đứng đó tới gần một giờ nhìn theo những cánh buồm nâu sẫm biến vào nơi chân trời nhấp nhô...
Chương 7
Cũng như mọi ngày, buổi trưa hôm nay rất oi nồng. Thỉnh thoảng mới có một cơn gió thoảng qua, nhưng là gió tây đem hơi nóng tới. Làn không khí như yên lặng để lắng xuống những chất đặc nặng nề đè ép lên ngực ta làm cho bứt rứt khó thở. Ngoài kia biển vẫn réo. Tiếng ồn ào rầm rộ khiến người ta tưởng tượng có luồng gió dữ gầm thét trong lá phi lao.
Trên cái sập quang dầu kê ở đầu hiên, bà Hậu thiu thiu ngủ, mắt chập chờn lim dim, tay luôn luôn phẩy cái quạt giấy. Ngoài sân bên chiếc lõng tre dưới tàn lá xanh của cây khế lấm tấm cài nhữnggg chùm hoa đỏ tía. Hiềnn thiêm thiếp nằm trong cái võng gai mắc vào hai thân cây long não ngọn cao vượt hẳn lên từng không. Ánh nắng len qua kẽ lá chạy chấp chới trên bộ quần áo lụa mỗi khi có hơi gió nhẹ lướt qua.
- Ngủ đấy à?
Nghe câu hỏi, Hiền choàng thức giấc, mắt chớp bỡ nghỡ nhìn. Hồng cười:
- Trời ơi! Nóng thế này mà ngủ được! Đi chơi không?
Hiền cũng cười:
- Đi chơi càng nóng. Nhưng đi thì đi.
Hiền mời bạn uống nước dừa rồi thản nhiên đứng tháo võng gấp lại. Hồng hỏi:
- Tháo võng làm gì thế?
- Đem vào rừng.
Hồng hoảng hốt:
- Em không vào rừng đâu. Năm ngoái xảy ra chuyện gì chị không nhớ à?
Hiền đầu đội nón lá, tay ôm võng yên lặng tiến bước đi ra cổng. Hồng nói thì nói vậy nhưng cũng lững thững theo sau. Trong bằng hữu vẫn thường thế. Có hạng người rất nhu nhược đối với bạn hay nói trái lại, nhưng bao giờ cũng tự bắt buộc làm theo. Nhất là khi người kia có tánh quả quyết và bướng bỉnh. Tới con đường giáp bãi cát, Hiền bỗng trỏ tay ra biển bảo Hồng:
- Kìa, hình như có một cái thuyền đánh cá đương vào bờ. Có lẽ thuyền anh Vọi đấy.
Hồng nhìn theo:
- Không phải thuyền. Mảng đấy!
- Phải rồi! Mảng! Mảng anh Vọi!
Mãi lần này Hồng mới kịp để ý đến cái tên lạ lùng ấy, ngơ ngác nhìn bạn hỏi:
- Anh Vọi nào thế?
- À, chị chưa quan với anh Vọi nhỉ? Ta xuống xem đi. Nếu phải anh Vọi thì em sẽ giới thiệu chị với anh ấy nhé? Rồi chị sẽ biết, anh Voi đẹp lắm kia.
Cặp má Hồng hây hây đỏ. Thấy thế, Hiền càng cười to:
- Không trách được bọn họ cứ mắng nhau ‘bẽn lẽn như con gái’! Từ nay mà động nghe nói đến con trai hay đứng trước mặt đàn ông chị còn đỏ ửng cặp má lên thì em xin tặng ngay một quả đấm móc vẹo quai hàm để nhắc chị điều đó.
Hồng gượng cười nhưng trong lòng không được vui, miễn cưỡng theo bạn ra bãi biển. Chỉ trong khoảnh khắc, hai cánh buồm nâu vừa nhấp nhô ở ngoài xa đã cỡi ngọn sóng trắng vùn vụt phi vào gần bờ. Rồi người ta chưa kịp lưu ý tới, đôi đuồm đã hạ từ lúc nào, và cái mảng đã gối trên mũi đá.
Hiền vội chạy lại reo mừng:
- Đúng rồi, đúng anh Vọi rồi.
Vọi vừa cúi xuống buông trùng ống quần vừa ngước mặt nhìn:
- Kìa! Cô...
Hiền vẫn cười, vui vẻ trách:
- Cô Hiền! Có thế mà mãi không nhớ!
Rồi nàng quay lại vẫy bạn đứng ở khoảng cát trắng khô:
- Lại đây Hồng! Đấy, chị coi Vọi đẹp không?
Anh đánh cá nghe cô thiếu nữ khen mình đẹp vội ngồi xuống bới thúng cá vụn, nhặt những con ốc và những con bạch tuột nhỏ vứt đi. Còn Hồng trái lại, nàng không thẹn thùng nữa, chỉ rũ ra cười. Ban nãy nàng vẫn tưởng Vọi là tên thực hay tên gọi đùa của một trang công tử ra nghỉ mát ở Sầm Sơn, chứ với một anh dân chài thật thà đần độn kia, khi nào nàng còn phải giữ gìn e lệ?
Lưng nửa sọt các thứ cá lớn, cá lỡ và một thúng đựng lộn xộn vừa cá vụn, vừa tôm cua, trai, mực, đó là kết quả của cuộc đi lõng.
Cá chưa kịp quẫy lên bãi, mấy người lái đã xuốn mảng xoắn xít mặc cả rồi trả tiền và trút cả sang thúng của mình gánh đi. Hiền thương hại, phàn nàn:
- Ngần ấy mà có một đồng bạc! Sao rẻ thế?
Hai người đánh cá thu xếp lưới và thúng sọt, dùng chèo gánh về nhà. Hiền và Hồng đi liền bên. Thấy Vọi có chiều không vồn vã tiếp chuyện mình. Hiền nhắc ngay đến ảnh. Quả nhiên Vọi hớn hở:
- Thưa cô, ảnh của tôi xong rồi à?
- Xong rồi! Nhưng tôi để ở nhà. Chốc nữa anh lại tôi biếu vài cái.
- Thưa cô, ngay bây giờ có được không?

Hiền cười:
- Bây giờ không được vì hôm nay tôi không muốn tắm, mà về thì bà tôi bắt tôi đi tắm mất!
Vọi tỏ vẻ kinh ngạc:
- ‘Bà Cậu’ vẫn đi với cô là bà cô đấy à? Thế mà còn trẻ nhỉ?
Hồng và Hiền cùng cười rú lên khiến Vọi xấu hổ cuống quít rảo bước. Hồng giảng nghĩa:
- Anh lẩn thẩn lắm! Bà nghĩa là mẹ kia! Người ta thường gọi mẹ bằng bà như thế là thường chứ.
Từ đó Vọi lại im thin thít. Còn người bạn cùng nghề thì hai cô thiếu nữ có thể tưởng là câm vì chưa nghe thấy chàng nói một câu hay cười một tiếng. Bỗng Hiền thốt nghĩ đến những nỗi nguy hiểm ngoài khơi, ngập ngừng hỏi Vọi:
- Sáng hôm nay hai cái mảng cùng đi sao chỉ có một cái trở về?
- Cáì kia về từ nãy rồi.
Hai người chài lưới đi rất mau hầu như chạy. Hồng không sao theo kịp bèn dừng lại rồi cùng bạn rẽ vào rừng phi lao.
Hiền tìm nơi cây mọc dày để mắc võng cho được rợp. Một bọn con gái kiếm củi khô nghe tiếng động ù té chạy tán loạn. Mãi sau, một người quăy lại trông thấy Hiền và Hồng mới hoàn hồn cười khanh khách gọi bạn:
- Không phhải đâu!
Hiền chợt nghĩ đến những cái biển gỗ quét vôi trắng có chữ ‘rừng cấm’ đóng vào thân cây phi lao suốt dọc bãi từ Sầm Sơn ngược lên cửa Sông Mã. Chỉ thoánh nhìn vẻ khiếp sợ hiện trên nét mặt cá cô gái quê và con em bọn thuyền chài, nàng cũng đoán biết được sự trừng phạt nặng nề của thầy đội kiểm lâm đối với bọn đi kiếm củi. Nàng ngỏ ý tưởng ấy với Hồng thì nàng ta cười đáp:
- Nhưng giá cứ để mặc họ thì chẳng bao lâu họ chặt hết rừng. Rồi vài chục năm sau ruộng nương vùng này se biến thành toàn đồi cát.
Giữa lúc ấy, ai cất giọng hát lanh lảnh ngân nga. Hai người không nhận rõ được một tiếng, song chừng là một câu ví có nghĩa tinh ranh lắm. Và lời ca vừa dứt thì cả bọn củng thét lên cười có vẻ khoái trá.
Hiền và Hồng còn đương đưa mắt thầm hỏi nhau cái cớ khiến họ cười như thế thì từ con đường hẻm xóm khuất một người vận quần áo nâu đi ra.
- Kìa, anh Vọi!
Người đánh cá toan đi thẳng nhưng Hiền gọi giật lại hỏi:
- Này anh Vọi! Các cô hái củi vừa hát bài gì thế?
Vọi hàm răng trên cắn lên môi dưới, cặp má tự nhiên đã đỏ càng đỏ thêm. Hiền đoán chắc rằng câu hát ví của cô kia có nghĩa trêu ghẹo, bỡn cợt anh chàng đẹp trai nên anh ta mới bẽn lẽn xấu hổ đến thế. Hiền thương hại hỏi sang chuyện khác:
- Sao anh bảo anh ở mãi bên kia hòn Trống Mái mà hôm nay lại thấy anh về đây?
Vọi chau mày lẩm bẩm mắng tụi cắt cỏ đương ranh mãnh nhìn mình cười rồi quay lại trả lời Hiền:
- Thưa cô, hôm nay tôi đi nghề với cậu tôi. Cậu tôi ở làng Lưu Trung ngay gần đây.
Vừa nói chàng vừa giơ tay trỏ:
- Vậy bây giờ anh về nhà?
- Vâng, tôi về nhà... kẻo mẹ tôi mong ngóng.
Thấy lần nào nói đến về nhà Vọi cũng thêm vào câu ‘kẻo mẹ tôi mong ngóng’ Hiền phải bật cười, không nhịn được. Anh dân chài cuống quít ngơ ngác nhìn:
- Thôi, chào hai cô. Tôi xin về.
Hiền chềm luôn:
- Kẻo mẹ anh mong ngóng.
Vọi thật thà, không hiểu đó là câu chế giễu nên cũng lập lại:
- Vâng, kẻo mẹ tôi mong ngóng.
Một cô cắt cỏ ranh mãnh ghé vào tai Hiền thì thầm:
- Cô thử hỏi anh ấy có vợ chưa mà coi.
Tò mò muốn biết sự hiệu nghiệm của câu bí mật ấy, Hiền làm theo lời:
- Anh Vọi, anh đã có vợ chưa?
Tức thì Vọi cắm đầu rảo bước đi thẳng. Sau lưng chànggg, bọn cắt cỏ, kiếm củi phá lên cười vang cả một góc rừng. Hiền đứng vịn vào vai Hồng ngồi đu đưa trên võng mỉm cười khẽ nói:
- Trong bọn gái quê này thế nào chẳng có vài cô chết mệt vì anh đánh cá đẹp trai.
Hồng như không nghe rõ, ghé mắt nhìn qua rừng phi lao ra nơi biển xa:
- Về tắm nhé chị Hiền?
- Tắm làm gì? Lên hòn Trống Mái chơi có hơn không... Ồ, suýt nữa quên!
Hiền hoảng hốt chạy thật mau về phía Sầm Sơn. Một lát, nàng trở lại. Vọi lững thững theo sau. Hiền cười bảo bạn:
- Tháo võng cất đi về rồi cùng anh Vọi lên Trống Mái.
Nàng quay lại phía Vọi nói tiếp:
- Về nhà tôi đưa ảnh cho.
Vọi nghe nói đến ảnh quên cả câu chuyện bực mình ban nãy, nhanh nhẹn tháo võng bỏ vào cái nón rồi mang theo hai cô thiếu nữ, nét mặt thản nhiên như không thèm lưu ý đến tiếng cười ròn rã ở sau lưng...
Chương 8
Sầm Sơn 23 tháng 6 năm 193...
Chị Oanh,
Chị chờ em à? Thì ra em có viết thư hẹn với chị rằng em về mà em quên bẵn hẳn đi. Xin lỗi chị nhé.
Vâng, quả có thế. Em vẫn dễ đổi ý kiến như khi còn đi học tuy ngày nay em đã già hơn thuở ấy những hai, ba tuổi. Vì thế, tuần trước em chỉ muốn về, bây giờ lại không muốn về nữa. Hay chị vào đây nghỉ mát chio vui?
Thế nào chị cũng vào đấy, vì Hồng ra Hà Nội sáng hôm qua thành thử ở trong này em trơ trọi, không bạn. Rõ em giận chị Hông quá đi mất thôi! Bảo thế nào cũng không chịu nghe! Không biết về làm gì vội thế, làm em nhớ nó từ hôm qua đến giờ cứ ngơ ngẩn cả người chẳng khác gì nhớ tình nhân! Em nói thế không biết tình nhân nhớ nhau thế nào?
May quá có anh Vọi, không thì em buồn chết. À, em chưa nói chuyện anh Vọi với chị lần nào nhỉ. Anh Vọi không phải là một công tử hợp thời, cũng không phải một nhà văn- sĩ có tâm lý học hay triết lý học vẩn vơ, nhất lại không phải là một thi sĩ đa sầu đa cảm, đa tình đa tứ. Anh Voi chỉ là một anh đánh cá rất thật thà, hiền lành.
Mấy hôm trước lúc Hồng còn ở trong này, anh ấy đưa chúng tôi đi xem đủ các nơi quanh vùng... Nào rừng thông, nào núi Đường Trèo... Anh ấy còn hứa đem chúng tôi ra khơi nhưng Hồng nhát quá không dám nhận lời cùng đi nên lại thôi.
Em xin nhắc một lần nữa: thế nào chị cũng phải cố mà vào chơi. Em mong đấy.
Bạn của chị,
HIỀN
Hiền cho thư vào phong bì, mỉm cười tự nhủ thầm:
- “Chị Oanh biết Vọi là ai mà mình nói chuyện Vọi với chị ấy!”.
Có một điều nàng không nghĩ đến là trong thư nàng không khoe tấm thân nở nang, vạm vỡ, cân đối của Vọi như mọi khi nàng đã khoe với hết thảy mọi người. Có lẽ vì hai hôm trước đây, nhờ một sự tình cờ, nàng nhận ra rằng anh dân chài không phải chỉ có những vẻ đẹp về hình thể và tâm hồn anh không phải có những đặc tính thành thực, chất phác, ngây thơ.

Hôm ấy vào ba giờ chiều, ba người lên chơi hòn Trống Mái. Cùng đi với một người con trai đến nơi vắng vẻ, Hồng hơi ngượng tuy biết Vọi chỉ là một người quê mùa không đáng sợ. Nhưng vì quá nể Hiền, nàng không muốn trái ý bạn.
Trời nóng như thiêu như đốt. Lên hết cái dốc gần đường phố Cầu, Hồng phải ngồi lại nghỉ mệt dưới bóng một tảng đá lớn bên chùa Sầm Sơn. Nàng vừa cầm nón quạt vừa thở hổn hển. Hiền mỉm cười đưa mắt nháy Vọi để thầm bảo cho chàng biết rằng cô bạn của mình yếu đuối quá. Vọi không hiều nghĩa cử chỉ ấy mà chỉ bẽn lẽn đỏ mặt cúi đầu.
Nhưng chàng lại vui vẻ ngay được vì chàng thấy Hiền và Hồng không chút giấu diếm lấy gương và phấn ra trang điểm để sửa lại nhan sắc bị mồ hôi làm hoen ố.
- Các cô đánh phấn làm gì! Ở đây có ai đâu?
Câu nói rất hợp lý và rất ngộ nghĩnh khiến Hồng phải ngẫm nghĩ. Còn Hiền thì cười lớn bảo Vọi:
- Chẳng có anh là gì?
Vọi không hiểu, cũng cười theo. Gần đấy, trong một khoảng đất bằng phẳng, dăm con bò thản nhiên đứng gặm cỏ non. Bọn trẻ mục đồng vào ẩn nắng trong chùa nghe tiếng cười chạy ồ cả ra tò mò nhìn. Hiền khó chịu, giục Hồng đứng dậy đi.
Qua chùa, ba người xuống một cái dốc. Trời nóng bức nhưng Hiền vẫn luôn miệng hỏi chuyện Hồng dù bạn mình đã thở phào hơi tai và chỉ trả lời nhát gừng. Vọi thì đi rất mau, vượt hẳn lên trước. Chừng muốn tỏ cho anh đánh cá biết rằng mình cũng chẳng ươn hèn gì, Hiền rải bước đi kịp chàng và cách một quãng lại cùng chàng đứng chờ Hồng.
Trong khi ấy, hai người nói chuyện liên liên về hết các mọi thứ. Trông thấy ngọn núi, đống đá, thung lũng nào Hiền cũng hỏi tên. Mà Vọi cũng thích giảng nghĩa. Hình như khắp vùng này chứa đầy những kỷ niệm êm đềm về quá khứ của chàng nên chàng chỉ mong có người nhắc đến để nói, và nói thật nhiều.
- Đây là khe nước, hễ mưa to thì nước tràn lên thành cái suối nhỏ. Ngày còn bé tôi vẫn ra đó thả thuyền chơi.
- Thế núi này là núi gì?
- Đó là hòn Đá Lớn. Chắc cô chẳng trèo được vì cao và khó leo lắm.
Hiền mỉm cười hỏi:
- Anh đã leo lên ngọn lần nào chưa?
- Đã nhiều lần rồi.
- Vậy chốc nữa tôi cũng leo lên đến tận ngọn cho anh coi.
Vọi kinh ngạc nhìn Hiền rồi chàng nở một nụ cười ngờ vực:
- Nó dốc mà nhọn, trông như cái vú con gái.
Đến lượt Hiền kinh ngạc trố mắt nhìn Vọi. Nàng không ngờ trước mặt cô thiếu nữ Vọi lại ‘dám’ sỗ sàng như thế. Nhưng câu nói sỗ sàng đối với Hiền chỉ có nghĩa tự nhiên, thẳng thắn đối với khối óc người chất phác của một anh dân quê. Vì vậy, Vọi ngơ ngác không hiểu tại sao Hiền lại cười ngất réo bạn mà khoe rằng:
- Hồng ơi! Anh Vọi bảo hòn Đá Lớn kia giống cái vú con gái. Chị trông có hệt không?
Hồng xấu hổ không đáp. Vọi nghiễm nhiên nói tiếp:
- Nhất lá đứng dưới đường nhìn lên lại càng giống lắm! Tất cả dãy núi này người ta đặt tên là núi ‘Người Nằm’ hay núi ‘Cô Con Gái’. Hòn Gầu Cao là cái đầu. Hòn Đá Lớn cùng hòn Buồm là hai cái vú. Đường trèo chạy thẳng xuống dưới kia là đùi và chân.
Hiền rũ ra cười và chờ cho Hồng theo kịp. Nàng bảo bạn:
- Chị đã thấy chưa? Dãy núi này là người con gái trần truồng hay mặc may ô nằm phơi mình dưới ánh mặt trời.
Rồi nàng quay hỏi Vọi:
- Thế xóm Sơn của anh ở vào chỗ nào người con gái?
Anh chàng đánh cá không hiểu đó là câu nói cợt nên ngớ ngẩn đáp:
- Thưa cô, tôi cũng không rõ. Tôi chỉ biết xóm tôi ở chân núi Đầu Câu.
- Đầu Câu? Ồ, tên hay nhỉ!
Hồng chau mày, thì thầm trách bạn:
- Sao chị cứ đùa anh ấy mai thế? Người ta hiền lành, không nên chế nhạo người ta như thế!
Nhưng Vọi vẫn thật thà giảng nghĩa:
- Vâng, núi Đầu Câu. Người Tây thường gọi là núi Con Voi vì nó cũng hơi giống cái đầu voi thò xuống hút nước biển.
Hiền nghe lơ đãng vì đương mãi đăm đăm nhìn một người đàn bà lom kkhom từ trong túp lều tranh lụp sụp đi ra. Theo sau là một con chó mực xổ ra sủa dữ dội. Bà lão đuổi chó rồi ngửa tay xin tiền.
Hồng chun mũi ghê tởm vì bà ta ăn mặc vừa lôi thôi, vừa bẩn thỉu. Hiền cho cái lối xin tiền như thế là đê tiện quá, nhất là nàng lại thấy một người đàn bà khỏe mạnhh ý chừng là con dâu bà lão đương ngồi thái khoai lang ở sân. Nàng nghĩ thầm:
- “Con cái kiếm ăn được sao lại để bà già tự hạ mình xin tiền khách qua đường?”.
Nhưng Vọi đã tiến lại gần chào hỏi:
- Bác ơi! Anh Đa đã đỡ chưa ạ?
Bà lão ngẩng nhìn:
- Anh Vọi đấy à? Nhà nó vẫn thế đó anh ạ!
Hiền tò mò nhìn vào trong nhà. Ở gian bên, một người đáp chiếu nằm rên trên một cái giường tre xiêu vẹo. Dưới gầm giường là môt đống khoai lang để ngổn ngảng. Cái giường ấy với cái phản thấp kê gian bên kia và cái ổ rơm ở gian giữa là tất cả đồ đạc trong nhà. Sự nghèo nàng làm cho Hiền rùng mình ghê sợ, không hiểu sao ở vào cảnh trơ trụi đến thế mà người ta sống nổi! Nàng thì thầm bảo Hồng:
- Trời ơi! Một mẹ già, hai vợ chồng với sáu, bảy đứa con lúc nhúc trong gian nhà chật hẹp hôi hám!
- Mà chị trông kìa! Những đứa con, đứa thì gầy, bụng thì ỏng, mắt thì toét!
Hiền ngắm Vọi nói chuyện với con dâu bà lão và bảo bạn:
- Trẻ con vùng này coi yếu đuối cả mà sao những người đi đánh cá thì khỏe mạnh vạm vỡ thế?
Sau khi cho mỗi đứa bé một xu, Hiền và Hồng cắm đầu đi thẳng không dám quay cổ trở lại nhìn túp lều tranh tồi tàn nữa. Vọi theo sau bảo hai người:
- Anh Đa ốm đã năm, sáu hôm nay mà không đi nghề được. Túng thiếu, đói lắm! Sáng nay qua nhà thương tôi có xin cho anh ấy mấy viên thuốc sốt đấy nhưng coi bộ chẳng ăn thua gì!
Hiền hỏi:
- Lúc nnãy anh đưa thuốc cho vợ người ốm phải không?
- Chính phải. Với lại tôi giúp chị ấy một hào.
Hiền cảm đợng nhìn Hồng. Vọi nói tiếp:
- Anh ấy túng bấn lắm, nhà đất bán cả, phải lên ở nhờ nhà nước, trồng qua quít, ít khoai, ít ngô lấy cái ăn.
- Nhưng anh ta cũng đi nghề mà?
- Đi nghề là khi nào người ta thuê. Hai cô tính, đi nghề phải có vốn sắm mảng. sắm lưới chứ. Vốn ấy nhiều thì hai, ba trăm bạc, mà ít ra thì cũng phải hai, ba chục bạc. Anh Đa đâu còn bao nhiêu tiền dư nên chỉ đi bắt ngao, câu cá nhì nhằng. Tôi thương anh ấy lắm. Một mẹ già với đàn con mà không có nghề thì đến chết đói mất! Vì thế tôi thường bảo anh ấy đi nghề với tôi; kiếm được nhiều thì tôi chia cho nhiều, kiếm được ít thì lấy ít vậy. Độ này anh ấy ốm không đi nghề được thì họa hoằn tôi cũng phải giúp anh ấy một vài hào, dăm ba xu.

Hai cô thiếu nữ lấy làm kính phục tấm lòng thương người của Vọi, đưa mắt nhìn nhau lẳng lặng nhìn nhau cảm động...
Chương 9
Cũng như mọi buổn sáng, hôm nay Hiền ra bãi biển rất sớm... Ra biển để hóng gió mát và để có cảm tưởng rằng biển là của con nhà nghề, của những người đánh cá bắt ngao kiếm sống chứ không phải của bọn khuê các, công tử thừa tiền, thừa thời giờ ra đó chơi bời thỏa thích.
Thật vậy, vào giờ ấy trên bãi cát rộng chỉ thấy toàn dân chài vận quần áo nâu hay cởi trần đóng khố. Chỗ này mấy người nngồi sửa sang cải mảng hoặc buộc lại những nút lạt mục, hay đóng lại những cái chốt lỏng lẻo. Chỗ kia từng đám sáu, bảy người đứng đánh rút. Họ chia hai tốp cầm kéo hai đầu dây lưới. Vì lưới dài và nặng nên họ hết sức ngả người co mạnh mà vẫn không đi lùi được chút nào tuy hai bàn chân họ luôn luôn dẫm bành bạch như lính tập ‘dậm chân tại chỗ’.
Hiền đi thơ thẩn bên những cảnh tượng quá quen mắt vì sáng nào cũng nhìn thấy. Đã ba hôm nay nàng không thấy bóng Vọi đâu nên nàng hơi băn khoăn, nhớ anh đánh cá và những câu chuyện rất ngớ ngẩn của anh ta. Ngẫu nhiên, nàng nhìn ra biển xa để tâm hồn phiêu phiêu lướt theo những cánh buồm nâu nhấp nhô gợn sóng. Và nàng nghĩ thầm:
- “Có lẽ Vọi đi khơi!”.
Phải, những cuộc đi khơi đầy lạc thú. Vọi thường kể cho nàng nghe. Nàng vẫn mơ ước đi liều một chuyến xem sao... Đi để được nếm những đêm trăng sao ngủ trên chiếc mảng bồng bềnh... Để ‘được’ ăn những bát cơm hẩm chan canh cà luộc với nước biển... Nhất là để được cùng bạn trai trẻ lực lưỡng vừa hát nghêu ngao vừa kéo lưới.
Xưa nay nàng vẫn hay nghĩ đến những sự khác thường, thích làm những việc mà người ta không làm được hay không dám làm. Chẳng thế, một lần trước mặt Hồng nàng đột nhiên hỏi Vọi:
- Giá tôi lấy anh rồi chúng ta làm nhà ở bãi Lãn này cùng nhau chuyên nghề chài lưới thì anh có bằng lòng không?
Cho là một câu bông đùa để trêu ghẹo anh nhà quê hiền lành, Hồng nằm bò ra cười. Còn Vọi thì xấu hổ bẽn lẽn cúi gầm mặt xuống.
Nhưng câu hỏi của Hiền quả là thành thật..., thành thật trong một thời gian ngắn ngủi. Ngồi trước biển rộng bao la sóng gầm đầu mỏm đá thì đối với nghề đánh cá, các nghề khác không còn có nghĩa gì nữa. Rồi trong khối óc ham thể thao, ưa sự sống hoạt động, phiêu lưu vẽ ra những cảnh hùng vĩ của một cuộcc đời hợp lý tưởng, cái lý tưởng viễn vông của ít bạn thanh niên hiện thời. Nàng mơ màng được chung sống với một chàng An Tiêm hay Lỗ Bình Sơn (Robinson Crusoe) ở nơi hoang đảo, tự kiếm lấy cái ăn, tự chế tạo lấy cái mặc và các khi giới để chồng cự các loài thú dữ. Đưa mắt nhìn Vọi lăẫm liệt uy nghi đứng bên, nàng như thấy lờ mờ hiện ra một tương lai sung sướng, đầy đủ cả hai phương diện tinh thần và vật chất.
Rồi một cảnh trái ngược đồng thời cùng hiện ra một cảnh nhỏ nhen, lụi xụi trưởng giả: chồng già đời mài đũng quần trên ghế các công sở... Nào bị người trên quở mắng... Nào phải tự hạ mình nịnh nọt kẻ nõ kẻ kia... Trong khi ấy thì vợ vênh vang xe nhà, ô tô, ra vẻ bà lớn bà bé với những bộ cánh sặc sỡ lòe loẹt. Cho đến những nghề mà người ta gọi là tự do nào đã lấy gì làm tự do? Người theo nghề buôn, nghề thầy lang, thầy kiện cũng phải chiều khách hàng, chiều người bệnh, phỉnh người sính tụng..., có khi phải xoay xở hết lối đủ vành.
Đến như các người theo nghề văn thơ thì lại càng khổ sở hơn nữa. Ở ngoài cảnh sắc tốt tươi mà tự nhốt mình vào trong phòng để tưởng tượng vẽ ra những cảnh sắc ấy..., rồi tưởng tượng mãi, tưởng tượng cho tới khi đôi mắt cận thị phải mòn mỏi... Tấm thân xưa kia nở nang phải khô héo, tâm hồn xưa kia sáng suốt phải mờ tối đi. Họ cắm cúi thêu lời ca tụng cài đẹp, cái tươi của vạn vật muôn năm không già, mà vạn vật thì không bao giờ cần đến họ ca tụng...
Hiền cảm thấy rõ ràng cả một đời nên thơ của kẻ sống trong vạn vật, sống với vạn vật. Mỗi cử chỉ của mình, mỗi câu nói của mình đều liên lạc nhịp nhàng với cỏ cây, với đất nước, với ánh sáng, với không khí bao bọc quanh mình. Một một hành vi của mìnhh có một nghĩa, một triết lý sâu xa. Cái hành vi không gỉa dối vì nó vừa cần phải có để nuôi sống tấm thân, vừa làm cho tấm thân nở nang khỏe mạnh, đẹp đẽ thêm ra.
Hiền vừa đi vừa nghĩ đến buổi sáng ngồi nói chuyện với Hồng và Vọi ở bãi Lãn. Những ý tưởng quá bạo tuy chỉ nung nấu ngấm ngầm trong tâm trí nàng mà chưa hề dám bày tỏ với bạn hay bất cứ ai, nhưng nàng vẫn suy đi xét lại mà nhận thấy rất hợp lý dù nhận thức có lờ mờ.
- “Ừ, họ cứ nói, cứ bàn suông rằng không nên phân đẳng cấp. Vậy sao ta không thể là vợ anh Vọi đuợc? Anh Vọi và ta đều không thuộc đẳng cấp nào cả vì đã không chia đẳng cấp thì còn làm gì có đẳng cấp. Hay lấy trí thức mà chia đẳng cấp? Nhưng nếu người chồng có trí thức không làm ta sung sướng bằng người chồng kém trí thức?”.
HIền mơ mộng nhìn ra xa rồi nghĩ tiếp:
- “Khônng thế được! Ta yêu ai thì ta quyết lấy người ấy. Ta quyết xin mẹ ta cho phép lấy bẳng được người ấy, dù người ấy là một anh chàng đánh cá chất phác thơ ngây.”.
Rồi nàng mỉm cười kết luận:
- “Nhưng bây giờ thì hình như ta chưa yêu ai, kể cả anh chàng đánh cá chất phác thơ ngây. Vậy hãy xếp câu chuyện triết lý ấy vào một xó”.
- Chị Hiền!
Hiền nghe có tiếng gọi quay lại. Lưu đầu cải bóng, mặc áo lót hở tay, từ dưới dãy phi lao chạy ra.
- Anhh Lưu dậy sớm nhỉ?
- Ra sau chị mà cònn bảo dậy sớm?
Hiền mỉm cười nhớ lại câu chuyện xảy ra mấy hôm trước. Hôm ấy Hiền cáu kỉnh, thấy Lưu chợt nhả thì sinh ghét tìm cớ để cự tuyệt cho hả lòng tức giận. Nhân Lưu gọi nàng là cô, nàng liền mai mỉa hỏi:
- “Vì lẽ gì tôi gọi anh là anh mà anh gọi tôi là cô? Anh coi tôi như em anh phải không?”.
Thì ra Lưu sợ hãi, vâng lời nàng mà kêu nàng là chị rồi. Hiền sung sướng nghĩ thầm:
- “Đối với bọn họ, mình phải quả quyết đòi đứng ngang hàng thì tự nhiên đươc đứng ngang hàng ngay.”.
Lưu tiến đến gần:
- Chị không tắm sớm?
- Không!
Hiền nhìn vào phía trong hỏi:
- Hôm nay sao anh đi một mình? Còn anh Miện đâu?
- Miện về Hà Nội rồi.
- Ủa! Về Hà Nội?
- Vâng, về Hà Nội hôm qua. Anh ấy gửi lời chào chị.
- Xin cám ơn. Thương hại anh lẻ loi nhỉ! Tưởng hai người không bao giờ chịu rời nhau ra đấy.
- Anh em bạn trai dù thương nhau đến đâu cũng không quyến luyến nhau bằng bạn gái.
Lưu cười rất ‘tình’ rồi nói tiếp:
- Nhất là môt người bạn trai và một người bạn gái, phải không chị?
Hiền nghĩ thầm:
- Anh này khác ca anh Vọi. Một đàng thì tinh quái bóng bẩy, một đàng thì thật thà ngây thơ”.
Nghĩ đoạn nàng tìm cáchh trêu ghẹo Lưu:
- Tôi cũng chưa ‘thí nghiệm’ anh ạ!
Lưu tủm tỉm cười:
- Chả biết bười nào sẽ có diễm phúc được chị thí nghiệm?
- Anh nói văn hoa lắm nhỉ? Chả bù với anh Vọi thật là trái ngược hẳn!

Lưu vờ không hiểu:
- Anh Vọi nào thế?
- Anh Vọi rất đẹp trai tôi chụp ảnh bữa nọ ấy mà!
Mà như chợt nghĩ ra điều gì nên nói tiếp:
- Ừ phải, tôi thí nghiệm rồi đấy. Anh Vọi đi đâu bặt tin từ ba hôm nay thế mà tôi vẫn không nhớ anh ấy. Đấy anh coi, mộtt người bạn trai và một người bạn gái có thể không quyến luyến nhau được.
Lưu cười ngất, cho đó là một câu bông đùa. Nhưng Hiền nghiêm trang nói tiếp:
- Anh Vọi tốt bụng lắm anh Lưu ạ. Hôm nọ anh ấy dám cho một người đồng nghiệp nghèo ốm những một hào!
Lưu không tin hỏi:
- Ai bảo chị thế?
- Chính mắt tôi trông thấy ở mạn núi gần hòn Trống Mái.
- Trước mặt chị hắn giở ngón đạo đức giả ra đấy!
Hiền cười:
- Anh tưởng ai cũng giả dối được cả sao? Một anh đánh cá có phải là một trang công tử khéo lòe gái đâu?
Lưu không chịu thua, mạnh bạo cãi:
- Nhưng chính giả dối ấy là sự lễ phép để phân biệt người trí thức với kẻ vô học. Một thằng mọi không bao giờ biết lấy lòng một mỹ nhân bằng một sự giả dối vô hại.
Hai người vừa đi theo làn nước vừa nói chuyện, Bỗng Hiền đăm đăm nhìn một bọn người kéo lưới và bảo Lưu:
- Anh Trông, hình như có anh Vọi ở đàng kia.
Rồi nàng chạy lại kêu:
- Ồ đúng rồi. Anh Vọi!
Vọi không ngừng tay kéo lưới vừà giẫm chân theo nhịp với mọi người khác vừa chào:
- Thưa cô đi chơi?
- Mấy hôm nay anh đi đâu biền biệt thế?
- Thưa cô, tôi đi khơi.
Lưu nói kháy, bảo Hiền:
- Kìa, anh Vọi gọi chị bằng cô sao chị để vậy?
Hiền không đáp, thản nhiên hỏi Vọi:
- Đi những ba hôm liền? Chắc là đánh được nhiều cá?
- Vâng, cũng khá. Chúng tôi kéo được một mẻ cá thu, bán được nhiều tiền lắm.
Lưu chêm một câu mai mỉa:
- Để dành tiền mà cưới vợ anh Vọi ạ.
Vọi đỏ mặt vì thấy anh em bạn nghề nhìn mình tủm tỉm cười. Không biết Vọi vẫn có tính nhút nhát bẽn lẽn khi người ta hỏi đến chuyện lấy vợ, Lưu tưởng ngay rằng anh đánh cá có tình ý với Hiền. Trong lòng vừa căm tức vừa khinh bỉ, chàng giục Hiền lêm mỏm đá ngồi chơi. Nhưng nàng không nghe, nhất định giữ Lưu đứng lại xem kéo lưới...
Chương 10
Bà Hậu và Hiền ngồi trên một cái mảng ngắm ánh trăng nhảy lộn với làn sóng biển. Hai người cùng yên lặng theo những ý tưởng riêng của mình. Bỗng bà Hậu bảo con:
- Mai về Hà Nội thôi Hiền ạ.
- Vâng, tùy mẹ.
Bà Hậu còn nhớ hôm mới ra Sầm Sơn, Hiền chỉ nặng nặc đòi về... Nào kêu buồn, nào nóng không ngủ được, ôi thì đủ thứ!... Thế mà từ đó tới nay đã gần một tháng, không một lần Hiền nhắc đến chuyện về nữa. Bà ghĩ thầm:
- “Hay nó...”
Bà thường thấy Lưu đến nhà bà luẩn quẩn quanh con gái bà. Cả một thời niên thiếu của bà hiện lại với những tiến cười đùa ròn rã trong khoái lạc. Muốn dò ý con, bà hỏi:
- Lưu học trường Luật phải không con?
- Vâng.
- Nghe chừng là người hiền lành?
Hiền cười:
- Vâng, hiền lành lắm.
Rồi nàng đứng dậy cúi lom khom ghé nhòm trên mặt cát.
- Mày tìm cái gì thế?
- Thưa mẹ, con cua.
Dứt lời, nàng chạy đuổi. Nhưng vụt một cái, con dã tràng đã lẩn trong lớp sóng đương cô vào bãi cát. Con ấy biến đi, con khác hiện ra tức khắc. Và Hiền vừa đuổi, vừa đi ngược mãi lên phía mỏm đá.
Biết con vật chỉ cắm đầu chạy thẳng xuống nước, Hiền rón rén ra phía biển đứng ngắm rồi săn ngược lên làm nó cuống quít chui vào một cái lỗ để ẩn thân. Cái cảnh tượng hiện ra và biến đi trong chớp mắt của con cua trên khoảng ánh trăng in làn cát khiến nàng ngây người tìm môt sự so sánh. Nhiều khi nàng cảm thấy sự sung sướng chẳng biết từ đâu vụt hiện ra trong tâm hồn nàng rồi chỉ một phút sau đã bị một ý nghĩ buồn tẻ xóa mất ngay không còn để dấu vết chẳng khác nào bóng con cua lướt qua ánh trăng.
Rồi từ hạnh phúc, Hiền nghĩ tới thời thơ ấu. Mới ngày nào nàng còn bé dại mà nay đã 20 tuổi rồi. Ngày tháng trôi mau chóng quá!
Có một nhóm ba người đang dạo mát. Khi đi ngang qua liền dừng lại tò mò nhìn nàng. Một người cười hỏi:
- Chị Hiền tìm gì mà cúi lom khom thế kia?
Nhận được tiếng của Lưu, Hiền đứng thẳng lên đáp:
- À, tôi ngắm những con cua. Chúng nó chạy hay lắm!
Lưu trỏ vào Hiền:
- Kìa, đàng kia có một con.
Rồi chàng đuổi bắt nhưng không cúi xuống nên ánh trăng phản chiếu lên mặt làm cho chàng quáng lòa chẳng biết con vật chạy đàng nào nữa, chỉ biết đứng ngơ ngác tìm. Mọi người cười rội lên.
Lưu rủ Hiền nhập bọn nhưng nàng từ chối, vịn cớ mỏi chân. Thật ra, nàng hẹn với Vọi đêm nay lên bãi Sầm Sơn đánh rút nên đứng đó để chờ. Đã hơn tuần lễ nay, Vọi không kéo cá ở bãi xóm Sơn. Chiều chiều, Vọi chỉ đem phần lưới của mình đến kéo chung với cậu của chàng.
Đêm nào Hiền cũng ra xem, nhất lại gặp thời kỳ có trăng. Một lần đứng nói chuyện với Vọi, nàng bỗng bật cười vì nghĩ đến cái cảnh hẹn hò của cặp tình nhân. Và nàng nói đùa:
- Sao độ này anh hay đánh cá ở đây thế?
Nàng chắc rằng câu hỏi sẽ làm cho Vọi bẽn lẽn thẹn thùng. Nhưng trái với sự tiên đoán của nàng, Vọi vẫn thản nhiên trả lời:
- Thưa cô, vì ở đây sẵn cá hơn. Với lại, vì tôi nể lời cậu tôi.
Thì ra không phải vì nàng mà Vọi đến bãi Sầm Sơn. Hiền lại bật cười tự nhủ thầm:
- “Vì mình thế nào được? Anh dân chài kia khi nào dám mơ tưởng đến mình! Và anh chàng đã hiểu tình yêu là cái quái gì!”.
Hiền đương nghĩ ngợi liên miên thì bà Hậu lại gần bảo về ngủ.
- Thưa mẹ, hãy còng sớm. Ở đây hóng mát đã!
Bà Hậu vừa gặp Lưu nên ngờ rằng Hiền đứng đó chờ đợi chàng ta. Nhưng giữa lúc ấy, một người đánh cá đi đến. Hiền nhận ngay ra Vọi nên vui mừng hỏi:
- Anh Vọi đi đánh rút đấy phải không?
Vọi lễ phép chào bà Hậu rồi nói cho Hiền biết rằng cậu của chàng cùng hai con và phường bạn đương thả lưới ở mạn dưới.
- Nhưng sao anh lại không ở đây?
- Tôi muốn dao mát một lát.
Câu trả lời của Vọi đang làm cho Hiền nghĩ vẩn vơ đến nhiều chuyện thì Vọi lại nói:

- Thưa bà, thưa cô. Bàn chân đặt lên cát ướt sáng loáng như bạc.
Sự nhận xét của chàng rất đúng và lại rất tình tứ khiến Hiền phải kinh ngạc. Bà Hậu cúi xuống nhìn đáp:
- Ờ nhỉ!
Hiền cười:
- Thưa mẹ, anh Vọi làm thơ đấy.
Bà Hậu nói đùa:
- Vậy mai kéo được cá, ‘thi sĩ’ đem đến bán cho tôi nhé!
Vọi thật thà đáp:
- Thưa bà, xin vâng.
Chương 11
Đêm hôm ấy khuya lắm Hiền mới ngủ được. Hai cảnh tượng của bãi biển trăng soi còn rõ ràng hiện ra trong trí nhớ nàng: bóng con cua chạy nhanh như bay biến vụt vào cõi mộng và nguyên cái thân thể của Vọi in lên nền trời xanh trong. Một cảnh bé nhỏ và một cảnh hùng tráng. Ngoài kia tiếng thủy triều đang lên như than thở không ngừng...
Tuy không ngủ được mấy, Hiền cũng dậy thật sớm ra biển. Dậy sớm đã thành một thói quen đối với nàng. Thấy Vọi đứng kéo lưới, nàng chạy lại hỏi:
- Anh làm việc luông từ tối hôm qua đến giờ?
Vọi cười:
- Thưa cô, không. Đêm qua thả lưới. Sáng nay dậy kéo lưới.
- Dậy từ bao giờ?
- Từ sớm, lúc gà chưa gáy cơ.
Hiền yên lặnng đứng nhìn. Trừ vài bọn chài lưới ra, bãi biển vắng ngắt không còn một ai ra tắm. Rồi Hiền đi đi lại lại, ngắm nghía những tấm thân đầy bắp thịt rắn chắc. Vọi không những cao hơn, nở nang hơn mà còn có vẻ sáng sủa thông minh nhất trong đám.
Vọi vừa làm việc vừa nhìn Hiền mỉm cười. Cô thiếu nữ dễ dãi tử tế Vọi đã quen lắm rồi. Gặp nàng, Vọi không bẽn lẽn xấu hổ như buổi đầu nữa.
- Đã sắp có cá chưa anh Vọi?
- Sắp có đấy cô ạ.
Hiền vừa nói vừa quay đi:
- Nếu có cá ngon đem đến bán cho tôi nhé!
Thấy có gió thổi đến, Hiền nhớ đến một trò chơi khi Hồng còn ở Sầm Sơn: chơi đấu xe cỏ kim. Nay chỉ có một mình nàng mà không có ai chơi chung, Hiền ra bẻ hai cành lá cỏ cho chạy thi rồi cũng như mọi lần vừa cười vừa chạy theo sau. Lúc gió thổi mạnh, cỏ lăn thật mau, loáng loáng ánh trăng xiên ngang, trông y hệt như con cua chạy dưới bóng trăng đêm hôm trước, rồi cũng như con cua, bị nước biển tràn lên cuốn lấy trôi đi...
Mất hai lá cỏ, Hiền bẻ hai cái khác tiếp tục chơi... Mãi lúc mặt trời lên cao, nàng mới trở về nhà ăn sáng.
Một lát sau, Vọi đến, tay xách hai con cá chim thật to. Thoáng thấy bóng chàng, Hiền mừng rỡ ra mở cổng hỏi:
- Anh đem cá bán cho tôi đấy à?
- Kéo lưới được hai con cá chim lớn, tôi đem biếu cô.
Hiền cảm động. Nàng vẫn nhận thấy rằng đa số người vùng Sầm Sơn ham lợi. Có khi nhờ họ việc cỏn con, họ cũng chìa tay xin tiền không chút ngượng ngập. Hiền cũng không trách gì họ, vì biết rằng họ nghèo lắm.
Một anh dân chài đem đến biếu hai con cá là chuyện nàng không thể tưởng tượng được, không bao giờ ngờ đến có sự việc lạ lùng đến như thế!
- Tôi trả tiền anh thôi, chứ anh kiếm ăn vất vả khó nhọc, tôi nhận không của anh làm gì? Như vậy coi sao được!
- Thưa cô, chả là bao. Hôm nọ cô cho mấy viên thuốc sốt, em gái tôi uống khỏi ngay, mẹ tôi với tôi vẫn mong tìm được vật gì quý để tạ ơn. Nay có hai con cá tươi xin cô nhận cho chứ đừng từ chối mà buồn lòng tôi lắm!
Hiền bật cười:
- Ra anh đến ơn tôi đấy! Nhưng thuốc của tôi chỉ có hai xu một viên mà anh cho tôi hai con cá đáng những mấy hào. Làm ơn thế này thì tôi làm ơn đời...
Rồi nàng xách hai con cá vào trong nhà khoe với bà Hậu:
- Mẹ ạ, anh Vọi biếu mẹ hai con cá chim đây này.
Bà Hậu chau mày bảo con:
- Sao lại để cho anh ấy biếu không vậy con?
- Anh ấy tạ ơn ‘thầy lang’ đấy chứ!
Bà Hậu chẳng hiểu Hiền nói gì, nhưng vì chiều con nên bà cũng cười cho con bằng lòng. Vọi vui mừng, cúi chào ra về. Hiền nói cảm ơn rồi đưa Vọi ra cổng. Nàng dặn:
- Chiều nay anh lại cho tôi thuê mảng nhé!
- Vâng. Tôi xin đến đây đón cô...
- Rồi anh chở tôi sang bãi Nít hay bãi Sơn cũng được. Ở đây đông người, tắm không thích. Nhân tiện tôi đến thăm ‘cái Vòi’, em anh.
- Cám ơn cô, em nó khỏi hẳn rồi, đã đi chợ phiên trước.
Dứt lời Vọi đi thẳng, trong lòng sung sướng được bà Hậu và cô Hiền nhận cho hai con cá...
Chương 12
Hiền nằm trên võng mơ màng. Dưới cái vòm màu xanh chen tím, đôi bướm nhỏ cánh lam trong biếc nhịp nhàng bay lượn rất mau chung quanh những cành nna nặng trĩu quả sắc xanh um. Chung quanh, những chùm hoa khế rung rinh lấp lánh trong tia ánh nắng chiếu qua kẽ lá.
Hai con bướm đuổi nhau, gặp nhau rồi lại xa nhau... Lúc hiện ra, lúc biến đi, lúc một con vơ vẩn bay tìm bạn... Hai điểm hoạt động trong một cảnh hầu như hoàn toàn yên lặng, như thu lấy hết cẳ tâm trí của Hiền.
Giữa lúc ấy có tiến Vọi ở cổng. Hiền chạy ra vui vẻ vẫy chàng vào sân và thì thầm dặn chàng nói khẽ để bà Hậu, mẹ nàng ngủ.
- Cô chưa chuẩn bị đi tắm mảng?
- Mới ba giờ, còn nắng lắm, đi sao được!
Thì ra quen làm việc bất cứ vào giờ nào về mùa nào, Vọi không mấy khi tưởng đến rét nên đã đem mảng đến, chờ Hiền từ hai giờ trưa. Hiền trỏ chõng bảo Vọi ngồi rồi đi thay áo tắm. Một lát sau nàng trở ra, khoác trùm cái áo bông dài. Thấy Vọi đang nhìn theo đôi bướm, nàng nói:
- Ở Hà Nội tôi chưa từng thấy có giống bướm đẹp như thế, màu cánh xanh lam như thế.
Vọi yên lặng ngẫm nghĩ, Hiền lại nói tiếp:
- Rõ chúng nó ngốc quá nhỉ? Đuổi bắt nhau hai ba giờ rồi đấy!
Vọi thật thà đáp:
- Thưa cô, đó là một con đực và một con cái.
Hiền cười:
- Đã cố nhiên.
Rồi nàng táo bạo nhìn Vọi khiến chàng xấu hổ chết đi được! Vọi đứng dậy nói lảng:
- Thưa cô, đi thôi chứ!
- Còn sớm đi gì vội? Hãy ngồi chơi đã! Tôi có ăn thit đâu mà anh sợ!

Vọi lại bẽn lẽn ngồi xuống chõng, đăm đăm nhìn ra hàng giậu trồng toàn cây hoa tai lấm tấm đầy bông đủ màu rực rỡ dưới ánh mặt trời chói lọi. Bỗng Hiền khẽ vỗ vai chàng rồi giơ tay trỏ vào bốn cây da hổ thì thầm:
- Kìa anh coi! Con thằn lằn đẹp quá!
Vọi ngơ ngác:
- Cô nói cái gì?
- Con thằn lằn kia kìa.
Vọi trố mắt nhìn rồi cười bảo Hiền:
- À, con mồn mồn.
Hiền cũng cười:
- Anh gọi nó là con mồn mồn?
- Chính nó là con mồn mồn.
- Ừ, cái tên hay nhỉ! Ở Hà Nội thì nó là con thằn lằn. Nhưng giốn thằn lằn này đẹp hơn nhiều.
Quả thật, con thằn lằn rất đẹp, vừa to, vừa cao, vừa óng ánh nhiều sắc. Trông nó như con tắc kè, nhưng da tắc kè xù xì và xám xịt như da cóc, còn loài thằn lằn ở Sầm Sơn da lưng màu nâu tía điểm những chấm xanh, chấm đỏ. Khi nó chống hai chân trước đứng rình mồi, cái đuôi và hai chân sau rất thấp ẩn trong cỏ rậm thì trông nó giống như một con chim sẻ với đôi cánh nâu cà cái bụng trắng. Nhất là lúc nhảy lon ton đuổi bắt bướm, nó lại càng giống hệt lắm.
Hiền rón rén lại gần con vât xinh xắn thì một con nữa nhỏ hơn màu nâu nhạt hơn chẳng biết từ đâu hiện ra lướt theo con kia. Hiền đứng nấp sau thân cây long não quay lại vẫy Vọi. Nhưng Voi bước mặnh quá khiến hai con vật thấy động chạy vụt chui vào lỗ. Vọi cười hỏi:
- Lần đầu cô trông thấy mồn mồn hay sao?
Hiền như không để ý đến câu nói của Vọi mà hỏi lại:
- Con nhỏ là con cái phải không?
- Vâng, chính thế! Con cái bao giờ cũng nhỏ, cũng xấu hơn con đực.
Hiền nhìn Vọi:
- Ở Sầm Sơn, giống đực gì cũng đẹp hơn giống cái, kể cả giống người nữa. Con trrai đẹp quá, mà con gái thì coi ít ai ra hồn phải không anh Vọi?
Vọi không đáp, đi thẳng ra cổng. Hiền cũng theo ra...
Chương 13
Quả thật còn sớm quá! Khi hai người tới biển chưa một ai ra tắm. Bãi cát vắng ngắt nằm dài dưới ánh nắng gay gắt của buổi trưa hè.
Vọi kéo mảng xuống biển rồi mời Hiền bước lên. Chàng đi dưới nước, ấn mẳng ngược lên phía mỏm đá. Mỗi lần bị sóng đánh, nước lại bắn tung tóe lên mặt Vọi, Hiền thương hại bảo:
- Ướt hết cả áo anh rồi!
Vọi cười:
- Thưa cô, càng mát.
Hiền ngắm Vọi nghĩ thầm:
- “Thân thể kia mà mặc may- ô thì đẹp biết bao!”.
Nhìn Vọi, nàng ân cần hỏi:
- Anh không đội nón thế có nóng không? Hay tôi cho anh mượn cái nón của tôi? Để tôi trùm áo tắm lên đầu cũng được.
Vọi từ chối, nói rằng chịu nắng đã quen không sao. Bỗng chàng đăm đăm ngẫm nghĩ, bảo Hiền:
- Cô muốn ra xa không?
Hiền vui mừng đáp:
- Còn nói gì nữa!
- Vậy để tôi đi lấy buồm nhé!
- Lấy ở đâu?
Vọi vừa chạy vừa quay lại đáp:
- Ở trong lều của cậu tôi.
Một lát sau, Vọi vác đến một cánh buồm nâu cuộn lại và một cây tre. Không thấy Hiền đâu, chàng nhớn nhác nhìn quanh, trong bụng lo lắng. Cái đầu đội mũ cao- su nhô lên làn sóng và loang loáng phản chiếu ánh mặt trời khiến Vọi biết rằng Hiền đang bơi. Bấy giờ chàng mới có dịp để ý đến cái nón của Hiền mà bên trong đựng chiếc áo khoác bông. Chàng liền mang các thứ xuống mảng rồi chở ra xa để đón.
Hiền leo lên mảng, lấy áo khoác choàng vào mình, vừa cười vừa thở rồi bảo Vọi chèo mạnh ra khơi.
- Cô có biết chèo không?
Hiền đáp:
- Tôi chưa chèo mảng bao giờ.
- Vậy cô giữ vững lái cho mũi quay ra phía ngoài để tôi dựng cột buồm nhé?
Khi cánh buồm đã giương, mảng lưới như bay là là trên mặt biển. Tiếng sóng vỗ vào những cây bương kêu lép bép. Bọt sóng trắng phau văng vào đằng mũi bắn vọt lên.
Mảng chạy rất mau, để một vạch dài phía sau lái như luống rãnh cày trong ruộng nước. Hiền đang tự phụ rằng mình cũng có chút công ngồi giữ lái thì Vọi bảo nàng:
- Cô cứ việc ngồi chơi. Tôi vừa lái bằng buồm, vừa lái bằng chèo tiện hơn.
Hiền nhận ra rằng khi mái chèo đã ở trong tay Vọi thì mảng đi trái và ngược được chiều gió. Thấy nàng đứng dậy, Vọi kêu lớn:
- Cô ngồi xuống kẻo ngã!
Hiền ngoan ngoãn làm theo vì nàng ngắm Vọi có vẻ hùng tráng, oai phong lẫm liệt như một ông tướng trên một chiến- hạm đang truy sát địch quân, mà nàng là một tên thủy- quân tầm thường, chỉ biết vâng lời.
- Thưa cô, đi nữa không?
Hiền trỏ tay về phía trước mặt:
- Ra tới cù lao kia có được không?
- Ra sao được? Trông thế mà còn xa lắm đó! Từ đây đến núi Mê...
Hiền ngắt lời:
- Núi ấy là núi Mê?
- Vâng, núi Mê. Từ đây ra đó bằng từ đây ra tới Hà Nội kia!
Hiền mỉm cười vì nàng nghe anh đánh cá nói vu vơ, chẳng biết Hà Nội ở về phía nào và cách Sầm Sơn bao nhiêu dặm đường.
- Vậy đỗ lại đây có được không?
- Thưa cô được chứ! Cô muốn đỗ lại đây?
Chàng liền hạn buồm và bỏ neo. Tức thì cái mảng liền đứng im. Hiền toan nhảy xuống nước nhưng lại tỏ vẻ sợ hãi nên hỏi Vọi:
- Ở đây có cá nhám không?
- Không. Cô hỏi làm gì vậy?
- Sợ nó ăn thịt.
Vọi cười phá lên:
- Không, cá nhám không ăn thịt người! Người ăn thịt nó thì có. Loài cá ăn thịt người to hơn, mà chúng tôi gọi là cá quịt, cá mập hay cá nhà táng.
- Vậy biển Sầm Sơn có cá quịt không?
- Không! Không bao giờ có. Nó ở tít mãi đằng xa kia.

Nhưng Hiền vẫn lo sợ, bơi ra một quãng gần rồi lại trở về mảng ngay. Vọi khen:
- Cô bơi giỏi nhỉ!
- Anh có biết bơi không?
Vọi cười:
- Rõ cô hỏi! Con nhà chài lưới lại không biết bơi?
- Vậy sao anh không bơi với tôi?
Vọi bẽn lẽn đáp:
- Thôi, mời cô tắm.
Mọi khi ra khơi mà cần phải bơi lặn để gỡ lưới thì bao giờ Vọi cũng chỉ đóng sơ sài có một cái khố nâu nếu không cởi truồng. Chàng hiểu lờ mờ rằng ở trước mặt một cô thiếu nữ, chàng không được phép khiếm lễ như thế.
- Anh không tắm? Thật đáng tiếc cho anh! Ở đây sóng yên, bơi thú lắm... Nhưng về thôi! Tôi vẫn nơm nớp sợ cá quịt của anh ăn thịt.
Thức thì hai người xúm nhau kéo neo lên. Rồi Vọi giuơng buồm cho mảng chạy vào bờ. Hiền ngồi ngắm phố Sầm Sơn ẩn lộ trong rừng phi lao trỏ tay bảo Vọi:
- Kìa anh trông! Lũ người tắm biển như đàn kiến lí nhí bò trên bãi cát.
Trong khoảnh khắc, mảng đã vào tới bờ. Vọi hỏi:
- Cô về Sầm Sơn?
- Không, tôi đến khe Thờ.
- Nhưng ở khe Thờ nước trùm kín cả bãi cát rồi! Ở đó chỉ tắm buổi sáng được thôi.
- Vậy đến bãi Sơn.
Chương 14
Khi Vọi theo Hiền rời mảng bước lên bờ thì mặt trời đã ẩn trong làn mây tím sẫm rải ngang trên núi Đường Trèo, sau rặng núi phi lao. Ánh bụi vàng lướt qua cành lá thưa như những tia nhọn xiên tua tủa và chênh chếch xuống bãi cát màu nâu sạm.
Lúc đó là giờ anh em phườngg bạn đi mảng ra khơi thả lưới. Những cánh buồm phất phới gần xa như bươm bướm là là bay lượn từngg đàn trê mặt nước. Vọi chợt nhớ đến công việc của mình liền bảo Hiền:
- Cô lên mảng tôi đưa về để tôi còn đi nghề.
Hiền quay lại mỉm cười đáp:
- Không, hôm nay anh nghỉ đi nghề.
Vọi xua tay kêu lên:
- Thưa cô, không được đâu! Không đi nghề thì lấy gì nuôi mẹ, nuôi em?
Giọng ngăây thơ và câu nói văn vẻ như lời ca dao làm Hiền không nhịn được cười. Nàng hỏi:
- Mỗi lần đi nghề anh kiếm được bao nhiêu?
- Thưa cô, cũng tùy! Có khi hai, bao hào; cũng có khi một hai đồng không biết chừng.
- Vậy tôi trả công cho anh một đồng.
Vọi ngớ ngẩn:
- Thưa cô, công gì cơ? Tiền thuê mảng thì mọi hôm cô vẫn trả hai hào! Như thế đã nhiều rồi!
- Nghĩa là tôi trả anh một đồng để anh coi như đi đánh cá và kiếm được số tiền ấy.
Vọi chau mày ngẫm nghĩ, lững thững theo cô thiếu nữ. Qua bãi cát, hai người đi vào một khu ruộng nhỏ rộng độ vài mẫu... Mạ mọc thưa, úa vàng, gầy yếu vì bị cát khô và nước mặn làm cho không tươi tốt lên được.
Ở một góc ruộng, ngay chân núi Đường Trèo, nhà Vọi, một nếp nhà tre rợp lá gồi, ba gian hai chái, và một cái nhà ngang vừa thấp lụp sụp, vừa trống trải không cửa, không phên che đứng rụt rè bên cạnh mấy cây xoan khẳng kheo và những khóm chuối lá to bản màu xanh vàng. Chung quanh nhà và vườn, một cái giậu nứa đan thưa xiêu vẹo ngả nghiêng với sức nặng của dây bìm bìm đầy hoa tím.
Vừa đến cổng, Hiền kinh hãi lùi lại vì một con chó trắng đang nằm trên nền nhà chạy xô ra sủa. Vọi lên tiếng, tức thì con vật lại gần chủ phe phẩy đuôi.
- Không sợ, cô cứ đi.
Trên một cái sào dài bắt đầu từ cổng đến nhà ngang treo rũ những sợi lưới trông như hệt một cái màn thưa Nhật- Bản che cửa sổ hay cửa buồng, Vọi lấy tay gạt lưới ra một bên để Hiền qua cổng.
Trong sân, dưới cái giá gác buồm để ngổn ngang nào mỏ neo, nào dây thừng, nào tre nứa dùng làm nẹ và lạt buộc mảng.
Bên cạnh giá, có hai người phụ- nữ đang ngồi thái khoai bằng một cái bào lớn. Thấy có khách lạ vào nhà, họ ngừng tay trông ra cổng. Vọi bước tới gần, lên tiếng:
- Mẹ ạ, cô Hiền đấy!
Vòi vui mừng đúng dậy chắp tay chào:
- Lạy cô ạ.
Còn người mẹ thì chạy đi lấy chiếu mới trải lên giường mời Hiền ngồi.
- Được, đẻ mặc tôi. Bà cứ tự nhiên làm việc.
Trỏ vào Vòi, Hiền hỏi Vọi:
- Cô này là em anh?
Bà Bật, mẹ Vọi nhanh nhẩu đỡ lời:
- Thưa cô vâng, cháu Vòi đấy. Hôm nọ nhờ ơn cô cho mấy viên thuốc, nó uống khỏi bệnh liền. Tôi vẫn định cho cháu đến tạ ơn cô mà cháu nó khó bảo quá! Nay cô lại đến chơi...
Hiền nghĩ thầm:
- “Chắc anh Vọi nói chuyện mình với mẹ và em nhiều lắm nên bà cụ vừa nghe tên mình đã hiểu ngay.”.
Quả thật Hiền đã đoán đúng. Bà Bật nói liên tiếp không để cho Hiền có cơ hội lên tiếng.
- Cháu Vọi vẫn khen cô tốt bụng tử tế chứ không như các cô khác khinh rẻ bọn đi nghề nghèo nàn. Thật là quý hóa quá! Thế nào rồi Trời Phật cũng phù hộ cho cô sau này lấy được chồng quan sang, giàu có, con cái đầy dàn.
Hiền phá lên cười, còn Vọi thì chau mày và bẽn lẽn nhìn mẹ như ngụ ý bảo im đi. Nhưng bà Bật chỉ để ý đến lời nói của mình mà thôi.
- Thuốc của cô hay quá nhỉ! Nếu cô có mang theo thì xin cô cho dăm viên nữa mà để dành.
Vọi cười bảo mẹ:
- Cô Hiền mới đi tắm về, mang thuốc thì đựng vào đâu!
Lúc bấy giờ bà Bật mới để ý ngắm kỹ Hiền:
- Ồ, cái áo bông của cô đẹp quá. Cô mua bao nhiêu tiền thế?
Hiền đáp:
- Tôi cũng không nhớ rõ lắm, nhưng độ hơn chục thôi.
Cặp mắt bà Bật trợn lên, miệng thì há hốc:
- Trời ơi! Hơn chục bạc! Thế còn bộ áo tắm bao nhiêu nữa?
- Bảy đồng.
- Thế thì tất cả dễn thường đến hơn hai chục! Hơn hai chục, cái vốn đi nghề đấy.
Trong bụng bà Bật tấm tắc khen:
- “Giàu! Giàu thật! Một bộ áo tắm bằng cả vốn đi nghề!

Và hai tiếng ‘đi nghề’ lại khiến bà ta nhớ đến công việc của đứa con trai mình.
- Ô này! Vọi! Sao mày không đi nghề?
Vọi buồn rầu đưa mắt nhìn Hiền. Nàng hiểu ý bèn nói với bà Bật:
- Tôi thuê anh Vọi đi chở mảng cho tôi đấy mà.
Nghe cô thiếu nữ nhà giàu nói tiếng ‘thuê’, người góa phụ nghĩ ngay đến ‘tiền’ nhưng còn vờ vĩnh nói:
- Cô muốn đi chơi thì bảo cháu nó chở mảng chứ việc gì phải ‘thuê’.
- Ai lại thế! Mất một ngày công của anh ấy chứ phải chơi! Tôi phải trả tiền thuê sòng phẳng mới thấy yên tâm.
Vẻ mặt bà Bật như vẫn có gì lo lắng vì chẳng biết món tiền ‘cô gái nhà giàu’ kia trả cho là bao nhiêu mà con mình phải bỏ phí cả một buổi đi nghề để đưa cô ta đi chơi. Chừng Vọi cũng đoán được ý nghĩ của mẹ nên lại gần ghé ta thì thầm:
- Cô ấy hứa trả con một đồng bạc tiền công.
Bà Bật nghe nói không dằn được kêu lên:
- Một đồng bạc!
Quay sang ‘cô khách quý’, bà ta ra vẻ săn đón thật ‘kỹ lưỡng’:
- Rước cô vào ngồi chơi tạm trên giường.
Nhưng Hiền thoáng hiểu và lấy làm khó chịu với ‘cái lòng tử tế’ của bà Bật, mẹ Vọi.
- Thôi, tôi về thay quần áo không lạnh. Áo khoác của tôi ướt cả rồi!
Quay sang Vọi, nành bảo”
- Anh đưa tôi về thôi.
Trông theo bóng hai người đi ra cổng, Vòi nhìn mẹ láu lỉnh mỉm cười...
Chương 15
Ra đến ngoài ruộng, Hiền bỗng đổi ý, muốn theo đường núi trở về nhà. Vọi tuy khuyên nàng nên đi đường biển cho chóng kẻo về trễ ‘bà cậu’ chờ cơm. Nhưng chàng lấy làm sung sướng vì được ở bên cạnh nàng lâu thêm một chút. Nỗi sung sướng ấy cẳng một lần nào Vọi nghĩ đến và tìm hiểu xem cỗi rễ từ đâu. Chàng chỉ biết rằng hôm nào không gặp cô thiếu nữ ‘có lòng tốt’ thì chàng buồn rầu chẳng còn thiết làm gì. Ngày ngày chàng đánh rút bên kia làn nước, mắt lơ đễnh, tay chân rời rạc, tâm thần bâng khuâng. Nhưng nếu cô Hiền chỉ đi qua một lượt và nhìn chàng khẽ gật một cái là đủ khiến chàng trở nên vui vẻ làm việc nhanh nhẹn.
Có một buổi trưa Vọi đứng ủ rũ hàng giờ dưới bóng phi lao để chờ đợi. Hễ gặp Hiền ra tắm là chàng mãn nguyện trở về nhà chẳng ao ước gì hơn nữa, và cũng chẳng cần biết rằng Hiền có trông thấy mình không.
Đó có lẽ không phải là ái tình, và Vọi hình như chẳng hiểu ái tình là gì. Vả lại, anh chàng đánh cá nào dám mơ màng đến cô thiếu nữ giàu sang có bộ áo tắm đáng giá bằng cả một cơ nghiệp dân chài! Nhưng đó là cảm tình. Vọi cảm vì tấm lòng tử tế của Hiền. Chàng không bao giờ tưởng tượng một cô con gái cao quý lại dễ dãi, tự hạ mình đoái nghĩ đến đám dân nghèo như thế.
- Anh nghĩ gì thế anh Vọi?
Vọi kinh ngạc giật mình, ngỡ là Hiền đoán biết được tư tưởng của mình.
- Thưa cô, không...
- Cái Vòi, em anh trông mặt lanh lợi lắm nhỉ?
- Thưa cô, nó láu lỉnh lắm kia đấy. Mẹ tôi thấy cô tốt bụng thương kẻ nghèo nên cứ bảo tôi đưa nó đến hầu bà với cô.
Lúc nãy Hiền thất vọng về cử chỉ của bà Bật khi nghe con nói cho biết rằng nàng sắp trả công cho một đồng bạc. Giờ nghe Vọi nói vậy, nàng cũng thất vọng không kém! Nàng vẫn yên chí rằng người nhà quê yêu cảnh nhà quê, yêu nghề của họ. Ai ngờ họ chỉ ao ước một cảnh khác. Nàng nghĩ thầm:
- “Đang theo một nghề tự do, tuy không giàu nhưng đủ ăn sao lại mong con mình ‘được’ hầu hạ kẻ khác?”.
Nàng lại nghe Vọi nói tiếp:
- Tôi bảo mẹ tôi rằng tôi còn kiếm đủ tiền nuôi được cả nhà thì can chi phải cho em đi ở? Nhưng mẹ tôi không yêu nó đâu, vì nó cứ ốm luôn nên chỉ muốn tống cổ nó đi thôi. Tôi thì thương nó lắm. Cô tính, thầy tôi mất đi, chúng tôi chỉ có hai anh em.
Hiền cảm động, nhìn Vọi khen thầm rồi nói:
- Anh nghĩ thế là phải. Có một nghề trong tay vẫn được tự do sung sướng. Dù giàu hay nghèo cũng vậy. Đi ở làm gì?
Bấy giờ hai người đã trèo hết con đường dốc bên cái miếu con. Hiền đứng lại nhìn xuống xóm Sơn ẩn khuất trong những bụi tre, khóm chuối. Đàng xa sau rặng phi lao, trăng mười bốn lấp ló trong đám lá thưa chiếu xuống mặt biển lăn tăn gợn sóng.
Hiền nhìn Vọi bằng cặp mắt mơ mộng, nói:
- Anh chọn đúng chỗ. Ở đây phong cảnh đẹp lắm!
Vọi đã bắt đầu mạnh dạn, đã dám ‘bàn’ với cô thiếu nữ tên Hiền này những vấn đề ngoài chuyện làm ăn.
- Thưa cô, có gì mà cô khen đẹp?
Hiền mỉm cười:
- Anh không thấy đẹp? Có lẽ vì anh nhìn mãi nhàm mắt rồi! Tôi tưởng những đêm trăng tròn khi ăn cơm chiều xong lên ngồi đây nói chuyện thì còn gì thú bằng? Tiếng sóng rạt rào không ngớt làm cho lời mình nói có ý nghĩa thầm kín... Những ngọn phi lao nghiêng theo chiều gió như khúc khích cười cố lắng tai nghe. Đàng xa, làn nước trắng xóa dưới ánh trăng vàng như nụ cười bất tuyệt của một giai nhân...
Hiền bỗng ngừng lại phá lên cười. Quang cảnh êm đềm làm cho nàng thốt ra những lời văn quá lãng mạn ở trước mặt một anh dân chài chất phác. Nàng lại ậm ừ hỏi:
- Anh có hay ngồi đây ngắm trăng lên không?
- Thưa cô, có. Nhưng đó là ngày còn bé thôi chứ bây giờ tôi chả lúc nào rỗi. Đêm có trăng là nhữn đêm phải làm việc nhiều. Kìa cô coi! Mảng đi thả lưới đầy như lá tre. Đáng lẽ ra phải ngồi trên mảng rồi.
- Vậy ra tôi làm anh mất một buổi đi nghề! Anh có tiếc không?
Vọi không đáp, vơ vẩn nhìn theo những cánh buồm nâu ngoài biển. Thật ra, không những Vọi không tiếc mà còn ao ước thỉnh thoảng được nói chuyện với Hiền ở nơi vắng vẻ như hôm nay. Nghe những lời dịu dàng thanh tú của nàng, Vọi có những cảm giác mới lạ. Đó là sự sung sướng bồng bột trong lòng làm máu nóng đưa lên mặt nóng bừng hai má.
Sự yên lặng có sức huyền bí làm cho Hiền rùng mình:
- Thôi, đi về kẻo trễ anh Vọi ạ.
Nhưng khi đến hòn Trống Mái, Hiền không thể không leo lên được. Nàng đứng thẳn người, hai tay cầm dang hai đầu vạt áo khoác cho gió thổi bay phất phới đập vào tảng đá rêu mờ xanh. Theo cái ngách trống hổng ở giữa hai sườn đá, luồn gió đều và mạnh. Hiền thở khoan khoái và cảm thấy các thớ thịt như đang hô hấp, sinh sôi nảy nở thêm ra.
Thấy Vọi lững thững đi đi lại lại dưới đồi, Hiền vẫy gọi:
- Anh Vọi!
- Chuyện gì, thưa cô?
- Lên đây chứ!
Vọi ngước mắt nhìn Hiền, dáng ngần ngừ:
- Nhưng cô về thôi... kẻo tối.
- Đã có trăng! Thì anh cứ lên đây một tí đã nào.
Vọi cười vơ vẩn:
- Vâng, thì lên.
Mặt trời đã lặn hẳn. Phía tây, đám mây tím mỗi lúc một trở nên xanh đen. Phía đông, trăng mọc đã cao. Bóng hai người song song nnằm dài trên bệ đá. Hiền ngắm nghía hàng lỗ nhỏ ở dưới gầm tảng đá bảo Vọi:

- Nước chảy đá mòn, thật đúng. Anh trông những giọt nước mưa khoét đá trũng xuống thành một hàng lỗ
Vọi cười:
- Thưa cô, không phải nước mưa khoét đâu, chính tôi đục nó, đục để đánh ô. Cô coi, hai mươi lỗ đều đặn là hai mươi cửa.
- À, ra thế. Ừ mà cũng có lý, nếu nước mưa đục thì sao chỗ khác không có nhỉ?
- Vâng, chính thế. Giá còn sớm thì tôi dạy cô đánh ô. Nhưng tối mất rồi, cô về thôi.
- Anh sợ ma?
Vọi yên lặng, quay nhìn vào vách đá. Thực ra, Vọi chỉ sợ Hiền, sợ đến nỗi không bao giờ dám trái ý nàng.
- Thưa cô, người ta cứ vẽ thế kia để làm gì?
Vừa nói Vọi vừa trỏ tảng đá đầy những tên viết tắt hay viết đủ chữ, hoặc bằng sơn trắng, sơn xanh, hoặc dùng thỏi sắt nhọn đục sâu vào đá. Hiền nhoẻn hàm răng trắng đáp lại:
- Đó là người ta ký tên để giữ kỷ niệm. Một cặp tình nhân chẳng hạn đến đây chơi rồi khắc tên vào đó, ý mong muốn cho ái tình của hai người lâu bền với vạn vật.
Mỗi khi Hiền nói giọng văn hoa quá thì nàng lại không nhịn được cười vì nàng chợt hiểu và nghĩ thầm:
- “Ai lại đi nói những câu ấy với anh Vọi?”.
Chương 16
Hiền và Vọi vừa ở hòn Trống Mái bước xuống thì đàng trước mặt có người đi tới, đi rất mau, hầu như chạy. Quen nhìn xa, Vọi trông thấy trước liền bảo Hiền:
- Thưa cô, hình như ông gì... vẫn đi với cô.
- Ông gì?
Hiền dừng lại, mắt lim dim cố nhận xem ai.
- Á! Phải rồi! Anh Lưu!
- Vâng, ông Lưu.
Vọi vẫn nhớ tên ‘ông bạn’ của Hiền nhưng vì không ưa cái tính kiêu hãnh của Lưu nên không muốn đọc tên ra. Những lần thấy Lưu đi bên cạnh Hiến buông câu bông đùa lơi lả, Vọi không tránh khỏi chau mày. Nhưng vốn ôm sẵn mặc cảm của thân phận ‘kém hèn’ nên hễ Lưu hỏi chuyện thì bao giờ chàng cũng ôn tồn lễ phép đáp lại. Biết Lưu sinh trưởng ở nơi quyền quý, chàng vẫn không vì Lưu mà ghét lây tất cả những người giàu sang, nhất là trong đám giàu sang ấy lại có ‘cô Hiền’, người mà chàng cho là đáng quý, đáng trọng hơn bất cứ ai ở trên đời.
Trong khi Vọi suy nghĩ lẩn thẩn thì Lưu đã tiến đến gần. Chẳng kịp chào hỏi Hiền một câu, chàng ta đã cau có, vừa thở vừa gắt như trách mắng:
- Bà đang tìm cô. Cô đi đâu mà gần tối chưa về?
Hiền cười khinh khỉnh:
- Ô hay! Anh làm như là anh ruột tôi không bằng!
Lưu cười gượng:
- Xin lỗi chị. Bà sốt ruột vì đi khắp cả bãi biển không thấy chị đâu nên bảo tôi tìm hộ. Tôi nói có lẽ chị đi chơi mảng thì bà càng sợ hãi. Nhưng về sau, tôi đoán chắc chị lên hòn Trống Mái thì... quả nhiên!
Lưu quay lại, tức tối nhìn Vọi trừng trừng như muốn tặng cho anh chàng đánh cá mấy cái tát. Vọi bẽn lẽn cúi mặt. Cử chỉ ấy càng làm cho Lưu thêm ngờ vực rằng chàng ta thầm yêu Hiền. Lưu cố trầm tĩnh, nhưng cặp mắt ướt và đỏ ngầu của chàng như ném những tia lửa vào Hiền và Vọi:
- Chị táo bạo quá! Liều lĩnh quá!
- Ô hay! Có gì là táo bạo và liều lĩnh? Tắm xong đi dạo mát một lúc mà anh bảo là táo bạo và liều lĩnh thì anh quả thật là lạ lùng!
Hiền không chút bối rối, sung sướng đứng ngắm nghía, so sánh hai người. Một người nét mặt rất là vô tư, không có một ý nghĩ xa xôi gì. Còn một người thì nóng nảy, mong đạt được mục đích của mình, tức tối ghen tuông. Nàng mỉm cười nói một mình:
- Sóng biển và bãi cát!

- Chị bảo gì thế?
- Không! Đi về thôi!
Vọi hiểu rằng mình là thừa liền chắp tay chào, miệng nói lí nhí chẳng ra câu. Hiền gọi giật lại:
- Không, anh phải đưa tôi về chứ!
- Thưa đã có ông...
- Ông Lưu à? Ông Lưu khi nào lại thèm đưa tôi? Tôi thuê anh kia mà!
Lưu lãnh đạm, thọc hai tay vào túi quần, bĩu môi khinh bỉ nhìn trời. Rồi chừng muốn ‘cho anh dân chài một bài học’ hay để dọa nạt anh ta. Lưu thong thả bảo Hiền:
- Hôm qua ở bãi biển xảy ra một chuyện buồn cười lắm, chị có biết không?
Hiền uể oải đáp:
- Không.
- Một anh đánh cá chả biết đùa bỡn gì một người vú em bị bà chủ người Pháp bảo chồng bà choảng cho một trận nên thân.
Hiền hỏi:
- Lúc bấy giờ anh có đấy?
- Có.
- Vậy thì anh chẳng ‘hảo hán’ một tí nào!
- Chị bảo tôi làm gì được?
- Không làm gì được? Chẳng lẽ anh không biết can ngăn, để họ bức hiếp kẻ yếu hay sao?
Lưu cười:
- Nào người ta có yếu? Với lại cũng đáng kiếp! Ai bảo chơi trèo!
Hiền nhìn Lưu nói bằng một giọng khinh khỉnh:
- Đùa bỡn một cô vú đầm mà anh bảo là chơi trèo? Thật anh chẳng biết tự trọng! Đúng là đầu óc ‘nô lệ’!
Lưu hiểu rằng câu chuyện đã đi hơi xa nên vờ cười đánh trống lảng. Vọi một lần nữa lại tỏ ý từ tạ ra về.
- Không! Anh phải đến nnhà tôi để tôi lấy tiền trả anh.
- Mai cô cho cũng được.
- Không! Tôi không ưng thế! Anh phải đưa tôi về đến tận nhà.
Thật ra Hiền sợ phải đi một mình với Lưu trên con đường hèo lánh. Nàng tuy có tính hay đùa nghịch táo bạo nhưng chẳng khi nào quên việc để cao cảnh giác. Nhưng rồi nàng lại chợt nghĩ:
- “Sao đối với Vọi ta không nghĩ đến chuyện giữ gìn như đối với Lưu hay hạng người như Lưu?”.
Lưu yên lặng đi bên cạnh Hiền. Chàng đã định bụng không nói một câu, nhưng thấy Hiền luôn luôn hỏi anh đánh cá những điều mà chỉ hai người hiểu với nhau thì chàng lại mất hết cả bình tĩnh. Lưu bất chợt cố ý hỏi Vọi để phá ngang câu chuyện của hai người:
- À, anh Vọi! Cái người bị tù năm ngoái đã được tha chưa?
- Người nào thế, thưa ông Lưu?
- Một người đánh cá trêu ghẹo... một người đầm.
Lưu tưởng thế là đã làm mất thể diện Vọi ở trước mặt Hiền aì ngờ Hiền lại hồn nhiên phá lên cười:
- Chưa biết ai trêu ghẹo ai! Tôi chẳng tin rằng một anh đánh cá lại có thể đi trêu ghẹo một ‘người đàn bà Âu Châu’.
Vọi cũng cười vì không hiểu được ý định thâm hiểm độc địa của Lưu...
Khái Hưng
Theo https://vietmessenger.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Thơ Rabindranath Tagore: Người thoáng hiện Thơ Tagore là lời tụng ca với ban mai này cũng như với nghìn ban mai, với đời này cũng như vớ...