Thứ Tư, 27 tháng 11, 2019

Một lần đi dọc giòng sông

Một lần đi dọc giòng sông
Giòng sông chảy giữa lòng thành phố, một giòng thẳng và phẳng lặng. Một thời có khi mộng mị với giòng sông, có khi đi dọc đi ngang lại lơ đãng, thờ ơ vì sự hiện diện thường xuyên của nó trong đời sống thường nhật. Khi đã đi quá xa và quá lâu nhớ về chỉ lãng đãng với giòng nước xanh biếc, hai bên bờ yên tĩnh, những chiếc cầu và những kỷ niệm mơ hồ thời tuổi trẻ. Đã nhiều lần trở lại vậy mà mãi đến khi tóc đã hai màu mới có được một lần một mình đi cạnh giòng sông.
Đi bên bờ tả ngạn, không thể khác được, chỉ bên nầy mới chứa đầy ký ức của một vùng đã sống quá quen thuộc, đi trong một chiều từ một khởi đầu lại rất tình cờ. Chiều mùa Hạ trời trong vắt, ngang qua ngôi trường Trung học những năm đầu, cái hồ nước trước trường không còn, trường đã xây lại mới khác xưa, nhớ bạn bè một thời rất nhỏ và nay còn một số vẫn thân tình. Đi vòng qua một vùng một thời chiến tranh gây dấu ấn tang tóc đầy dẫy xác người, lâu quá rồi thôi cố quên, vòng lên đi một đoạn trên con đường cũ, nay không thay đổi mấy và rồi rất ngỡ ngàng đi vào con đường mới dọc bờ sông.
Con đường mới mở ngang qua một vùng trước đây đầy lau lách và những căn nhà lụp xụp tạm bợ của những người nghèo, dân ngụ cư từ tứ xứ với đủ thành phần nghề nghiệp phức tạp nằm sát ngay cạnh trung tâm thành phố. Nhớ hồi học năm đầu trung học có một thằng bạn ở đây, từ chân cầu vào ngoằn ngoèo đi qua những vũng lầy lội, cây cối lẫn cỏ dại um tùm sâu đến gần sát bờ sông, không có nó dẫn đường chắc khó lòng tìm được, thằng bạn học rất khá dù mỗi đêm phải lặn xuống sông vớt rong, xúc tôm cá để giúp gia đình kiếm sống, vẫn còn nhớ thân hình ốm mà mạnh khỏe, tóc suốt ngày phơi nắng hoe hoe đỏ, gương mặt đen điu hay cười với hàm răng sún, bây giờ không biết lưu lạc về đâu.
Khu vực nay đã được giải tỏa và cải biến sạch sẽ, nhà cửa khá khang trang và con đường được mang tên người nhạc sĩ nổi tiếng với những lời ca trữ tình, đầy ẩn dụ và dụ hoặc. Ai chọn và đặt tên con đường cũng hay, từ một nơi tăm tối nay trở thành sáng sủa phong quang, nơi đã có nhiều người con gái hành nghề kỷ nữ trên sông với phận đời chỉ “nghe những tàn phai” nay thế hệ nầy đã có thể bâng khuâng với “mưa hồng” hay xao xuyến “gọi tên bốn mùa”.
Cố đi rất chậm để nhìn, nói đi là đi xe gắn máy, thời buổi nầy đi bộ một mình lang thang chỉ có những kẻ tâm thần hay lập dị, con đường vẫn đang được hoàn thiện dần, phía bờ sông sẽ là công viên, phía khu nhà vẫn chưa là phố còn lưa thưa vài căn nhà mới; một vị trí đẹp nên thơ xứng tên người nhạc sĩ, nhưng khi nhìn loáng thoáng đã có một vài quán nhậu lại nghĩ thầm, với lối sống thực dụng hiện tại không lâu sau nơi đây sẽ trở thành “phố nhậu”, e rất khó lòng cưỡng lại được, tự dưng lại thẩn thờ, tiêng tiếc cái không gian cũ dẫu biết rằng đó là một cảm giác ích kỷ của một người cứ luôn muốn giữ mãi một hình ảnh xưa trong tâm thức mà quên đi cái vận hành của thời gian và thời cuộc đổi thay.
Bờ sông sau khu phố chợ chính bây giờ là những quán nhậu kéo tận chân chiếc cầu biểu tượng, choán mất một đoạn sông, nhậu thì ở đâu cũng vậy, ồn ào náo nhiệt, cho dù là nhậu với giòng sông đẹp. Qua khỏi cầu là một công viên nay đẹp nhiều lần hơn xưa, nhìn những đôi trai gái bên nhau lại ước gì được trở lại đôi mươi. Tuổi trẻ ngày xưa làm chi được vậy, những thành kiến, giáo điều cố hữu đã đè nặng lên nhiều thế hệ, yêu nhau lén lút, muốn gặp nhau phải dàn xếp, ngụy trang đủ điều đừng nói là đi bên nhau hay kề nhau trong công viên ghế đá là chuyện chỉ nghe có ở trời Tây, yêu thì yêu nhưng cứ phải ứ trong lòng nên yêu càng mãnh liệt, ấm ức bật thành thơ, ai biết chữ là biết làm thơ, mà cũng lạ nhớ chẳng có bài thơ tình nào ra hồn cả, toàn là sông nước, núi non, có tình trai gái cũng vòng vo Tam quốc chẳng hầu như chẳng có mấy những vần thơ tình tứ nồng nàn, tình tứ kiểu như “ mắt em là một hồ thu/thuyền anh bơi lội trong hồ mắt em” hay “đời biết anh là kẻ tình si”..., thơ tình mà rồi cũng cứ ngại ngùng với thành kiến gia đình xã hội.
Có một chỗ đứng lặng nhìn nhớ một kỷ niệm cũ, nơi nhìn xuống chiếc cầu rất xưa màu xám bạc nổi bật trên giòng nước xanh biếc, ngước nhìn lên chiếc cầu mới màu trắng như kẻ thẳng một đường, cầu cũ có một khoảng thời gian dài với lịch sử, cầu mới có tuổi ngắn hơn nhiều nhưng cầu nào cũng đã từng gắn liền với những biến cố chiến tranh, nơi đây đã từng có một xóm đò kỹ nữ ven sông, một sản phẩm của thời chiến, một hiện diện trần tục trong một không gian trầm mặc, thanh nhã đậm chất thơ, nhớ thời trai trẻ lén cùng bạn bè đi tìm cảm giác “người lớn”, có một lần cả bọn liều lĩnh thuê luôn chiếc đò đi ngược thượng lưu hát hò suốt đêm, sáng trở về vào luôn lớp học.
Xóm đò đã biến mất từ lâu, những chiếc thuyền đò hình dáng cũ cũng mất dần, trên sông bây giờ là những chiếc thuyền rồng sơn son thếp vàng rực rỡ chở du khách, văng vẳng vọng lên giọng ca những khúc nhạc cổ xưa lại chẳng gây được cảm xúc gì cả, cứ như hát xẩm ăn tiền. Đi thêm một đoạn và khi đến nơi đây thì trời đã hoàng hôn, nước sông đã sẫm lại, ngôi đình  lầu cổ nhìn xuống giòng sông như một nổi quan hoài, ở đây trên bến sông ngày xưa có một người ngồi câu cá mà muốn câu cả vận nước, câu không thành gây ai oán cả giòng sông, bên kia đường kỳ đài như một khối đá sừng sững nổi bật sắc cạnh trên nền trời, một màu nâu đậm, cũng là màu máu khô đã lâu của biết bao người đã đổ xuống nơi đây, trong bóng chiều, khoảng không gian như chứa đầy thần linh, gió nhè nhẹ gây một cảm giác rờn rợn trong lòng.
Đi dọc giòng sông, dù chỉ một đoạn ngắn, một chút kỷ niệm nhỏ không đâu, thật ra là đang mang theo toàn bộ cảm xúc về một nơi chốn, một thời đã sống, một nơi định hình cho tâm hồn một người, chỉ là vụng nói. Mà đó chỉ mới là đi dọc, còn đi ngang giòng sông, sợ không chừng lại còn nghe tiếng thở dài não nuột của Huyền Trân.

Hà Thủy
Theo https://www.vanchuongviet.org/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Tôi sinh ra giữa vũ trụ Mường Xứ sở tôi câu ví lượn trong mây/ Nhà sàn hàng ngàn năm khói lên cong cong bạc/ Khung cửi hình chim Lạc/ Yê...