Thoát ly 2
CHƯƠNG 15
Trong năm hôm ấy, ngày hai buổi Hồng lo lắng chờ nhận thư
nhà, lá thư mà nàng chắc chắn sẽ viết toàn bằng những chửi mắng, hay mát mẻ.
Nhưng thư vẫn không tới và nàng vẫn nấn ná ở lại. Ðã có lần nàng chua chát nghĩ
thầm: "Mình đi vắng thì họ mừng, chứ họ cần gì! Mình như cái gai trước mặt
họ. Họ không nhổ được đi hẳn, thì thỉnh thoảng mình xa họ cũng là tự tạm nhổ đi
cho họ ít ngày. Thế thì họ còn mong đợi gì mình mà viết thư viết từ."
Hồng cảm thấy ngay rằng tư tưởng ấy hơi hỗn xược. Vì dù nàng
không có chủ tâm ám chỉ, chữ "họ" vẫn như gồm cha vào trong. Cha
nàng, nàng hiểu thấu thâm tâm, và như có tình cảm báo cho nàng biết rằng cha
nàng không ghét nàng. Hơn thế, có khi thương hại nàng nữa: "Tình phụ tử ai
nỡ!" Nàng luôn luôn tự nhủ thế, và nàng cố ghép một ý nghĩa trắc ẩn, liên
tuất, thân ái vào những lời nói rất bình thường, những cử chỉ rất thản nhiên của
cha. Bị cha mắng nhiếc tàn tệ, nàng tự an ủi bằng một tư tưởng lâu ngày đã hầu
thành như khắc sâu vào khối óc bị thương của nàng: "Thầy mắng mình ở trước
mặt cô ta cho cô ta vui lòng và để mình được yên thân". Và nàng ngầm đáp lại
cha bằng cái mỉm cười để tỏ với cha rằng mình hiểu cha lắm. Cái mỉm cười ấy,
nhiều khi người dì ghẻ có ác tâm cho là rất khinh mạn đối với ông phán và không
ngần ngừ, bà bảo thẳng với chồng.
Nhớ lại những cảnh thường xảy ra, Hồng lấy làm ái ngại cho
cha. Và khi xa nhà, nàng đinh ninh sẽ sửa đổi tính nết, sẽ cố nhẫn nhục để khỏi
làm phiền lòng cha, để gia đình được yên ổn. Nhưng chỉ những thiện ý mà thôi. Ðến
lúc gặp mặt người dì ghẻ, lòng căm tức của nàng lại vụt sôi lên sùng sục khó thể
dẹp nổi.
Hôm nay, Hồng cũng đương có tâm trạng ấy. Lúc đẩy cửa bước
vào trong nhà, nàng bình tĩnh như quên hết những nỗi lo lắng, băn khoăn về cái
lỗi đã ở hơn mười ngày trên Hà Nội tuy chỉ xin phép có ba hôm. Nàng tự nhủ:
"Chà! Thì mình bị chửi mắng đã hầu như cơm bữa, can chi còn phải bận lòng.
Cứ đem sự yên lặng, nhịn nhục mà đáp lại là hơn hết".
Hồng thản nhiên mỉm cười khi biết cha và dì ghẻ đều ngủ trưa.
Mùi chạy ra đón nàng.
Trong lúc sốt sắng sửa đổi cách xử trí đối với mọi người,
nàng vui mừng bế bổng em lên hôn chụt hai bên má.
- Trời ơi, chị thơm quá.
- Thế à, em?
Rồi nàng nhe răng ra cười. Mai vỗ tay reo:
- Ồ! Răng chị trắng quá! Chị mới cạo đấy à?
Hồng vuốt tóc em, ngượng nghịu:
- Ừ chị mới cạo... Răng chị nhuộm vụng quá cạo quách đi cho
khỏi cải mả.
Mùi láu lỉnh:
- Không rồi! Răng chị đen dòn thì có. Cạo thế trông như vợ
tây, chị ạ.
Hồng chau mày lườm Mùi:
- Ai bảo Mùi thế?
- Em thấy mẹ vẫn bảo chị Bình bên bà phủ để răng trắng nhởn
như vợ tây. Em thì em thấy...
Hồng ngắt lời hỏi lảng sang chuyện khác:
- Chị Thảo đâu, em?
- Chị Thảo với anh Tý đi học tư đằng thầy giáo Nhì cơ mà!
- Ừ nhỉ!
Một tiếng kẹt cửa ở buồng bên, Hồng quay lại, bà phán rón rén
bước ra, mắng con:
- Cái Mùi không đi học bài, đứng đấy mà nheo nhéo mãi.
Bà làm như không trông thấy Hồng, tuy Hồng đã chắp tay chào một
câu lí nhí trong miệng.
Bao nhiêu ý định làm vụt biến mất. Chỉ còn lại một lòng căm tức:
Hồng đăm đăm nhìn dì ghẻ như để thách. Cái trán bóp lại dưới vành tóc vấn trần
mỏng mảnh vì không độn, đôi mắt lim dim không nhìn, như còn ngái ngủ, cặp môi mỏng
như căng thẳng ra do một cái văng cài phía trong mồm. Những sự nhận xét hằng
ngày ấy nay Hồng càng thấy rõ rệt và ngạo nghễ mỉm cười.
Mùi chạy lại gần mẹ, mách:
- Mẹ ơi, chị Hồng chị ấy cạo răng trắng như vợ tây ấy.
Một cái tát kêu in vết bốn ngón tay lên má Mùi:
- Tao đã bảo không được nói động đến nó cơ mà! Nó làm gì mặc
kệ nó, đã hiểu chưa?
Mùi sợ hãi lảng xuống nhà. Hồng cũng xách va li vào buồng
trong. Nàng ngả lưng trên giường nằm nghĩ đến mấy ngày gần đây ở Hà Nội. Một mối
tình mới mẻ kỳ dị chiếm lấy cả tâm hồn nàng và khiến nàng lại dửng dưng với câu
chuyện vừa xảy ra. Tuy Lương và nàng chưa ngỏ với nhau một lời thân ái, nàng đã
coi như hai người đã ngầm hiểu nhau rồi: cái nhìn thoáng qua của hai cặp mắt biểu
lộ bao tình tứ, và rõ rệt và âu yếm hơn tất cả những lời nói.
Hồng lấy làm lạ rằng một người như Lương mà trước kia nàng
ghét được. Có lẽ chỉ vì cái duyên thầm của Lương ẩn trong những cử chỉ vụng về,
những ngôn ngữ vụng về. Hồng tin thế, vì nàng chẳng thấy lúc nào Lương dễ
thương bằng lúc Lương cuống quít, lúng túng dưới cái nhìn tươi cười của nàng.
Hôm chàng đưa hai thiếu nữ đi xem phòng triển lãm, chàng cố giở hết tài phê
bình mỹ thuật của chàng ra để giảng cho biết những cái đẹp của một bức tranh.
Nhưng hễ mắt chàng gặp đới mắt chăm chú của Hồng thì chàng lại im rồi đưa vội
hai người đến xem bức tranh khác.
Tiếng quát gọi đầy tớ của bà phán ở phòng khách làm Hồng đứt
dòng tư tưởng và nhớ tới thực tại. Hồng đứng dậy lắng lặng sang chào ông phán
vì vừa nghe thấy một cái ngáp của cha xen lẫn trong lời nói oang oang của dì ghẻ.
Và nàng quả quyết can đảm nhận lấy những lời quở mắng nghiêm khắc.
Ông phán ngồi ở sập, uể oải vò cái khăn bông trong chậu nước
nóng bốc khói đặt trên cái dá gỗ. Nghe tiếng Hồng, ông hơi ngửng nhìn và sẽ gật
một cái rồi thong thả đưa khăn lên vuốt tóc, vuốt râu. Hồng đứng chắp tay, cúi
đầu chờ. Nhưng thấy ông vẫn yên lặng, nàng toan lui vào trong nhà. Ngồi đối diện
ông phán cánh tay phải tỳ mạnh xuống gối xếp, bà phán đưa mắt dữ tợn lườm chồng
để nhắc ông nói một điều gì. Chừng ông phán hiểu, nên vội hỏi Hồng:
- Mày ở Hà Nội làm gì lâu thế?
Ðã xếp sẵn câu trả lời từ trước, Hồng đáp trơn tru, giọng rất
bình tĩnh:
- Bẩm thầy, con đi lị mất mấy hôm, chị con giữ ở lại uống vài
chén thuốc.
Bà phán như nói một mình:
- Hừ! Đi lị mà còn cạo răng trắng được!
Ông phán trừng mắt đăm đăm nhìn con:
- Mấy cạo răng trắng?
Hồng cúi đầu khẽ đáp:
- Bẩm vâng.
Ông phán ném cái khăn mặt vào chậu thau, nước bắn tung tóe cả
ra sập:
- Thế thì giỏi thực! Thế thì mày giỏi thực!... Mày cạo răng để
làm gì, hừ con kia? Ðể đánh đĩ, phải không? Ông quay lại nói với bà phán:
- Ngữ này hỏng!... Nó đến làm điếm nhục gia phong mất thôi.
Hồng đứng im để mặc cha quát tháo.
- Tao không ngờ mày hư đến nước ấy!... Mà cái con Hảo sao nó
để mày càn rỡ như thế ông quay lại nói với bà phán:
- Bà cứ để nó về Hà Nội tự do thì có ngày... thì nguy hiểm lắm.
- Tôi giữ sao nổi chị ấy... Giữ gìn cho chị ấy, để chị ấy oán
rằng tôi ác nghiệt cấm đoán chị ấy nhé!
- Không cấm đoán để nó trát tro trát trấu lên mặt cho!
Rồi ông thét:
- Muốn sống nhuộm lại răng đi... Mày xéo ngay đừng đứng đấy,
gai mắt tao lắm!
Hồng thản nhiên lui vào phòng trong, ngồi lắng tai nghe cha
và dì ghẻ bàn tán đến mình. ông phán bảo bà phán:
- Bà xem có đám nào hỏi thì gả phắt đi thôi. Ðể cái nợ ấy ở
nhà, có ngày đến mang tai mang tiếng vì nó.
Bà phán vẫn một giọng cười tàn ác:
- Ông tưởng nó dễ dàng thế đấy. Nó còn kén chọn chứ! Nó phải
lấy ông hoàng mới xứng đáng... Hừ, tính chả có, có tướng!
Hồng vội đưa tay lên bịt chặt lấy tai.
Từ đó luôn mấy ngày, bữa cơm nào Hồng cũng bị cha mắng nhiếc,
và dì ghẻ nói những câu mỉa mai đau đớn. "Chỉ vì cái hàm răng trắng!"
Hồng nghĩ thầm. Nhưng nàng nhất định không nhuộm lại, dù cha theo lời xúi giục
của dì ghẻ, bắt ép nàng làm việc ấy.
Một hôm, Tý bảo Hồng:
- Chị cạo răng trông đẹp lắm. Thế mà thầy cứ bắt chị nhuộm
răng đen.
Hồng nhìn em tỏ ý cảm ơn. Rồi hé hàm răng soi gương ngắm
nghía, quả nàng thấy vẻ mặt mình xinh đẹp hơn trước nhiều. Nàng cho là dì ghẻ tức
tối bởi lòng ghen ghét. Cái hàm răng trắng của Hồng làm đầu đề câu chuyện cho
bà phán trong gần một tháng. Mỗi bữa cơm, bà lại nói đến nó, mỗi thứ bảy có
khách đến chơi đánh tổ tôm, bà lại gợi chuyện để bàn tới vấn đề răng trắng răng
đen. Không muốn mất lòng bà phủ, vì bà ta cũng có con lớn để răng trắng, bà
phán nói:
- Ðể răng trắng cũng phải tùy từng người. Người ta xinh đẹp
mà lại giàu sang, có nhiều tiền sắm sửa quần áo lịch sự thì bộ răng trắng mới nổi,
chứ ở cái xó Ninh Giang này mà cũng để răng trắng thì chả còn gì lố lăng hơn.
Nhưng lâu dần, cái hàm răng trắng cũng quen nhìn. Quen cả cái
biệt hiệu "Cô răng trắng" mà bà phán đã đặt cho Hồng.
CHƯƠNG 16
Bữa cơm chiều vừa xong. ông phán, bà phán sửa soạn vào phủ
đánh tổ tôm. Hôm nay thứ bảy, ông phủ đã cho mời ngay từ sáng để nhận chỗ.
Ra đến cửa, bà phán quay lại ôn tồn bảo Hồng:
- Chị ở nhà nhé.
Hồng vui vẻ đáp lại:
- Vâng. Chúc cô hôm nay phát tài.
Bà phán cười thớ lợ:
- Ừ, nếu cô phát tài thì cô sẽ đãi chị hai mươi phần trăm. Gặp
vía chị thì thế nào cũng đỏ. Thôi chị ở nhà dạy các em học ôn đi nhé.
- Vâng.
Ông phán ra đường trước, đứng đợi lâu sốt ruột giục:
- Ði thôi bà! Ðừng để người ta phải cho đến mời lại, bất tiện.
Bà phán đáp vội vàng:
- Vâng tôi đi đây...
Bà quay lại mỉm cười, gật Hồng, rồi mới đi. Cái gật ấy nếu Hồng
hiểu thấu, thì nàng đã chẳng hí hửng quay vào vui vẻ trò chuyện với Tý, Thảo,
Mùi. Vì thực sự, lòng tử tế của bà phán chỉ là một mưu sâu, cay độc, tàn ác bằng
mấy mươi những lời mỉa mai, gièm pha, vu khống mà bà thỏ thẻ bên tai chồng.
Ông phán cũng lấy làm lạ về sự thay đổi tính nết và thái độ của
vợ đối với Hồng. Ông ngờ rằng đó chỉ là một thời nghỉ phun lửa của hỏa diệm
sơn, mà thời ấy còn dài thì rồi lửa, lúc phung lên, phun càng mạnh. Vì thế, tuy
ông thầm sung sướng được thấy cảnh gia đình hòa thuận, ông vẫn áy náy lo sợ vẩn
vơ. Ông là một người ích kỷ như phần đông các ông gia trưởng, chỉ muốn được sống
trong sự bình an êm thấm. Chứ quả quyết của ông thương con hay bênh vợ! Chí quả
quyết của con thì đã tiêu tan gần hết sau bao nhiêu phen đương đầu với cái tính
cay nghiệt tự nhiên của vợ và cái tính bướng bỉnh ương gàn của con. Bây giờ ông
không dám phân xử một việc gì giữa vợ và con như ngày xưa nữa. Ông chỉ biết mắng
át mắng tràn con đi. Mắng là mắng, chẳng cần tìm cớ, chẳng cần phải trái, mắng
cho có tiếng mắng, mắng lấy lòng bà phán, mong được bà để cho hưởng chút bình
tĩnh.
Trước kia, cũng có lần ông bênh con, bênh không phải vì yêu
con mà vì thấy vợ vô lý quá. Nhưng làm thế chẳng ích gì cho ai: Hồng càng bị
ghét, nhà càng ầm ĩ, ông càng khổ sở vài nỗi bị vợ dằn vặt suốt ngày đêm. Dần dần
ông hiểu tới công hiệu của sự lặng thinh của sự trung lập, để mặc vợ gào thét,
và áp chế con, để mặc vợ trong chốc lát, trút hết lòng căm hờn bực tức ra lời
nói.
Rồi chẳng bao lâu, ông phán bỏ cái địa vị trung lập mà vào hắn
phe vợ. "Ðó là một diệu kế" ông phán tự phụ nghĩ thầm. Mà quả thực,
thấy được chồng bênh hay biểu đồng tình, bà phán thường dẹp ngay cơn thịnh nộ.
Lần này ông phán không khỏi kinh ngạc về cử chỉ dịu dàng và
ngôn ngữ mềm mại của vợ đối với Hồng trong gần ba tháng. Cử chỉ, ngôn ngữ của một
người mẹ thân yêu, âu yếm săn sóc đến con chòng một cách cảm động.
Sự thực thì tính bà phán không thay đổi, và bà ta vẫn ngấm ngầm
theo đuổi cái chí làm hại.
Chỉ độ một tuần lễ sau hôm Hồng ở Hà Nội về với hàm răng trắng
mới cạo, bà đã khám phá được sự bí mật của nàng: nàng yêu. Khi người ta yêu thì
người ta chỉ giấu tình yêu được với những con mắt không lưu ý đến mình. Thế mà
bà phán thì không những lưu ý đến Hồng, bà còn xét nét Hồng từng li từng tí. Bà
thấy Hồng thỉnh thoảng lại thở dài và có lần cả một buổi chiều đứng tựa cửa sổ
nhìn vơ vẩn ra sông. Bà mỉm cười tự nhủ: "Con bé này sắp chết rồi, bà sẽ
cho chết hắn".
Ngay hôm sau, bà nói với ông phán sai Hồng đi Hà Nội mua gạc
về nấu cao. Hồng sung sướng. Nhưng bà phán còn sung sướng hơn. Chủ tâm bà cho Hồng
đi Hà Nội, là cốt Hồng lầm lỡ. Bà nghĩ thầm: "Bọn gái hai mươi tuổi đầu
đương khao khát tình yêu, lại bị anh chàng trẻ trai Hà thành tán tỉnh thì làm
gì mà không chết?"
Bà ngọt ngào bảo Hồng:
- Cô phải nhờ đến chị giúp việc ấy mới xong. Cô vẫn nói với
thầy rằng về việc mua bán thì chả ai ăn đứt được chị.
Hồng im lặng cúi đầu: nàng ngờ rằng dì ghẻ giao phó cho mình
một việc khó khăn, để khi mình mua hớ, sẽ có kế mà mắng nhiếc. Nhưng cái sung
sướng đi Hà Nội làm cho nàng quên hết các điều lo lắng.
Bà phán phân trần với chồng:
- Không phải tôi nói thế để lấy lòng chị ấy đâu. Ông có nhớ hồi
năm ngoái chị mua mấy chỉ sâm Hoa Kỳ không? Thực tôi chưa thấy chỉ sâm nào tốt
như thế.
Rồi quay lại bảo Hồng:
- Chị cứ chọn cho cẩn thận, có cần phải ở lại Hà Nội vài ba
ngày cũng được.
Bà cười nói tiếp, giọng nũng nịu:
- Có phải không thầy? Chị ấy có ở lại Hà Nội ba, bốn hôm thầy
cũng đừng mắng chị ấy nhé? Nhé?
Ông phán cười:
- Vâng, cô ấy muốn ở Hà Nội đến bao giờ cũng mặc cô ấy. Cô ấy
về nhà thì cô ấy làm được trò trống gì.
Bà phán ghé gần tai Hồng thì thầm, thân mật:
- Ðấy nhé! tôi xin phép thầy được cho chị ở lâu trên Hà Nội rồi,
đấy nhé. Vậy muốn bao giờ về cũng được... chỉ cần chọn kỹ gạc cho tôi, đừng mua
hấp tấp mà phải thứ gạc xấu.
Tuy thế, chuyến ấy Hồng cũng chỉ ở Hà Nội đúng ba hôm. Vì
ngay trưa hôm nàng tới Hà Nội Hảo đã đến một hiệu quen mua giúp nàng, rồi thúc
giục nàng về, lấy cớ rằng sợ vắng nhà lâu "thầy quở". Cái cớ chính
thì lại khác. Hảo thấy Lương và Hồng trò chuyện quá thân mật, đi chơi với nhau
quá tự do nên lo sợ cho em. Cả Nga cũng không yên lòng, vì nàng tự coi như đã
làm môi giới cho tình yêu của hai người. "Lỡ xảy ra chuyện gì, mình sẽ
mang tiếng với chị Hảo". Nàng nghĩ thế, và nàng hết sức giữ gìn bạn, không
để bạn đi đâu một mình với Lương.
Hôm Hồng về, Nga và Lương tiễn nàng ra tận ga. Hồng định đi ô
tô hàng, nhưng Lương vừa khuyên nàng đi xe hỏa thì nàng nghe theo ngay. Nàng
nghe theo để khỏi phải trái ý Lương, chứ nàng không cần hiểu rõ tại sao Lương lại
khuyên nàng đi xe hỏa. Thực ra Lương không muốn trông thấy nàng chen chúc cùng
những người đàn ông trong chiếc xe hàng xếp chặt như nêm. Vả lại chàng cho rằng
tiễn biệt nhau ở sân ga vẫn có vẻ thân mật hơn: người đi sẽ ghi nhớ mãi mãi cái
hình ảnh người ở lại đứng vẫy trong khi xe từ từ rời khỏi ga.
Giọt nước mắt đầu tiên của hai người.
Hồng về tới nhà, dì ghẻ mừng cuống cuồng. Hồng tưởng chừng bà
muốn ôm lấy mình mà hôn. Bà không tiếc lời khen:
- Tôi đã bảo mà, giao cho chị việc ấy thì phải biết. Giá đã rẻ,
gạc lại tốt.
Kỳ thực, bà thừa biết rằng chính tay Hảo đã chọn và mua giúp.
Bà nghĩ thầm: "Chứ ngữ này thì có ăn!" Ông phán đương ngủ trưa, bà
đánh thức dậy để xem gạc và để nghe những lời khen của bà.
Hai tuần lễ sau, bà nhờ Hồng lên Hà Nội lần thứ ba mua
"xa tanh". Rồi cứ cách ít lâu, bà lại tìm ra thức cần phải sắm để sai
Hồng đi Hà Nội. Và bà vui mừng thấy cái mưu kế của mình sâu sắc. Bà tưởng tượng
Hồng ra con chuột nhắt bình tĩnh, không ngờ vực tiến vào trong cái bẫy bà đã đặt
sẵn ở một xó tối.
Nhưng Hảo lờ mờ đoán thấy cái bẫy ấy. Hơn thế, nàng sợ cả cái
bẫy mầu nhiệm mà tạo hóa giương rộng để bẫy những trai gái yêu nhau.
Nàng liền bàn với Nga để tìm cách cứu em. Nàng bảo Nga:
"Một là chia rẽ hai người ra, hai là giúp cho họ lấy nhau ngay". Nga
cho điều thứ nhất hơi khó thi hành, tuy nàng thực bụng không muốn để cho Hồng lấy
cái anh chàng vừa nghèo vừa xấu xí kia mà nàng không ưa. Nàng vẫn khuyên khéo bạn
đừng yêu Lương mà uổng đời thanh niên. Hơn thế nàng thường đem mối tình vô lý của
Hồng ra chế giễu. Nàng bảo Hồng: "Lòng trắc ẩn là một, mà lòng thương yêu
là một không nên lẫn cái nọ với cái kia. Nếu mình yêu người mà mình thương hại,
thời khi nào mình không thương hại nữa, tình yêu sẽ không còn: lúc ấy, mình sẽ
khổ sở phải sống đời ở kiếp với người mà mình tưởng hoàn toàn đáng yêu, kỳ thực
chỉ hoàn toàn vô vị". Nghe bạn nói, Hồng gượng cười và khen cái triết lý
cao siêu của bạn.
Còn điều thứ hai thì dễ dàng lắm. Chỉ việc bảo Lương đến hỏi
Hồng, rồi vợ chồng Căn nói giúp vào. Hay muốn chóng thành công, Hảo sẽ đứng ra
làm mối Hồng cho Lương. Còn gì giản dị hơn! Còn khó khăn gì nữa mà phải bàn định.
Hảo và Nga tưởng thế là vì chưa kịp nghĩ đến, chưa kịp nhớ đến
lòng nham hiểm của người dì ghẻ đã giương bẫy và ngồi chờ xem con chuột kia bị
tan xác, bà ta không thể nào lại để con chuột ấy đứng ung dung mà ngậm miếng thịt
buộc ở trong bẫy. Bởi vậy, bà cố giấu lòng căm tức khi được ông phán cho xem bức
thơ của Hảo gởi và giới thiệu Lương và ngỏ ý muốn làm mối Hồng cho chàng. Bà
tươi cười bảo chồng:
- Gả bán thì cũng phải biết người biết mặt đã chứ, làm gì mà
ông vội vàng cuống quít lên thế?
Sự thực, ông phán chẳng hề vội vàng cuống quít, ông chỉ trình
bày mà ông không dám quyết định.
Bà phán nuốt sự căm tức theo nước chè tàu. Chẳng lẽ cái mưu của
bà bị phá? Chẳng lẽ định làm hại lại hóa ra làm ơn? Người phá cái mưu sâu của
bà chỉ có thể là Hảo, là "cái con trời đánh" ấy mà bà vừa ghét và sợ.
"Phải rồi nếu không có nó giữ gìn, thì em nó làm gì mà không..." Bà
không nghĩ hết câu. Trong mấy tháng bà vẫn để ý ngắm nghía cái bụng của Hồng,
và buồn rầu không thấy sự thay đổi.
"Ðược rồi!"
Ý nghĩ của bà bật lên lời nói. ông phán hỏi:
- Cái gì? Bà bảo được rồi cái gì thế?
Bà phán nới chữa:
- Ðược để xem sao đã. Nếu nên gả thì gả quách.
" - Ðược rồi? Tao sẽ cho mày biết tay tao?"
Ngay buổi chiều bà thì thầm mật sai Thảo dọ thám Hồng và hết
sức làm thế nào lấy cắp được vài bức thư của tình nhân Hồng. Công việc ấy, hôm
nay, trước khi vào phủ đánh tổ tôm, bà đã thầm dặn lại Thảo một lần nữa.
CHƯƠNG 17
Mãi gần mười giờ, ông phán bà phán mới thức dậy, vì tối hôm
trước đánh tổ tôm rất khuya ở trong phủ.
Hai người ra ngồi trên sập, và cùng có vẻ mỏi mệt. Nhưng cái
mỏi mệt của ông phán chán nản và lặng lẽ. Ðầu ông nặng trĩu những ý nghĩ cúi rũ
xuống trước ngực. Mớ tóc lơ thơ màu chì bệch, vì nhiều trắng hơn đen, rối tung
và xỏa xuống mắt, xuống tai. Thỉnh thoảng ông lại há ngoác miệng ngáp một cái
thực dài.
Còn cái mỏi mệt của bà phán thì cau có gắt gỏng. Bà ngồi ở
mép sập, một chân bỏ thõng, một chân chống, cái cánh tay gầy và cứng uể oải gác
trên đầu gối. Ðôi tất trắng và mỏng để lộ đủ các ngón chân, cổ tất chùn lại và
trễ xuống tới mắt cá. Làn tóc rối vấn vội cái độn trắng hở ra từng mẩu làm tăng
vẻ mặt dữ tợn của bà lên, khiến bà na ná giống vai vợ quỷ trong các vở chèo.
Bà thưỡn môi dưới ra đưa mắt lườm nguýt ông phán. Rồi kéo dài
giọng, nói:
- Tôi còn nghĩ đến ván bài bạch định bao giờ tôi còn muốn lộn
tiết lên bấy giờ.
Ông phán không đáp, yên lặng đưa tay vuốt ngược tóc.
- Quân bát vạn giết người... Mà sao hai cái phỗng; tứ vạn,
bát vạn ông lại phá phỗng bát?... Phỗng tứ vạn làm sao ông không phá?... Ừ tôi
hẵng hỏi ông thể... Bát át vạn vừa rẻ vừa mấy, sao ông không bắt?
Ông phán cố nhếch mép cười gượng:
- Thì tôi biết đâu rằng bà thật thành bạch định!
Bà phán co nốt cái chân bỏ thõng lên sập, đặt nốt cánh tay
còn lại lên đầu gối thứ hai, và giọng bà càng kéo dài:
- Ai khiến ông biết, nhưng đánh phải bài thì thôi chứ!
- Biết thế nào là phải bài!
Bà phán đập mạnh bàn tay xuống sập, gắt:
- Thôi mỗi cái ông im đi thì hơn.
Thì ông phán im. Từ đó bà phán tha hồ mà nói, mà bẻ, mà
trách, mà phân tách ra từng ván bài đánh thấp của chồng, từng ván bài đánh cao
của mình. ông phán chỉ yên lặng mỉm cười.
Giữa lúc ấy, Thảo đến gần bà phán thì thầm và dúi vào tay mẹ
một tờ giấy gấp tư. Tức thì bà phán quên hắn câu chuyện tổ tôm, tươi cười mở giấy
nhẩm đọc. Nhưng chữ viết chừng nhỏ và tháu quá, nên bà lần mãi mới được vài
giòng. Bà liền để ông phán ngồi lại với chậu nước đặt trên đá, đứng dậy cùng Thảo
đi lên gác. Nửa giờ sau, bà xuống, vẻ mặt hớn hở, khăn áo chỉnh tề. Thấy vợ hết
giận, ông mừng rỡ hỏi:
- Bà sắp sửa đi đâu đấy?
Bà phán cười:
- Ông chóng quên nhỉ! ông phủ, bà phủ mời ăn cơm sáng, ông
không nhớ?
- Ừ nhỉ! Nhưng mới hơn mười giờ.
- Mười rưỡi rồi.
- Mười một giờ hơn đến cũng vừa.
- Vâng, thì mười một giờ hơn. Ngồi nói chuyện một lát nữa vậy.
Bà phán đã mở ví đựng tiền rút bức thư ra.
Theo thời trang, bà mới dùng ví tay, tuy bà vẫn mặc áo cánh
có túi, và tuy trước kia đã một dạo bà công kích cái "ví đầm" lòe loẹt
của Hồng. Nhưng bà lại bỏ thư vào ví, trù trừ tự nhủ thầm: "Hãy thong thả?"
Bức thư ấy của Lương gởi cho Hồng và Thảo đã lấy trộm được và
đưa nộp bà ban nãy. Phải, bà cần gì vội vàng. Khi con mèo bắt được con chuột nhắt,
nó có chịu vội vàng cắn chết ngay đâu, nó còn đùa giỡn, còn tung lên ném xuống,
thả cho chạy, rồi lại vồ lấy ngoạm se sẽ vào giữa hai hàm răng nhọn, kỳ đến khi
nào con vật khốn nạn mệt nhoài không nhúc nhích được nữa nó mới cắn mạnh một
nhát vào cho tắt thở.
- Dáng chừng bà nóng gỡ?
Bà phán đã quên bẵng câu chuyện tổ tôm, nghe chồng hỏi, bà
không hiểu ngây người đứng nhìn.
- Ông bảo gỡ cái gì.
- Lại còn gỡ cái gì nữa! Gỡ món tiền mười ba đồng thua hôm
qua, chứ còn gỡ cái gì.
Bà vẫn nghĩ đến con chuột nhắt của bà.
- Chị Hồng! Chị Hồng đâu?
Có tiếng Tý ở phòng trong: "Kìa chị Hồng, mẹ đương gọi
chị". Nhưng Hồng ngồi lỳ như không nghe thấy gì. Bà phán mủm mỉm cười, giọng
thân mật:
- Chị Hồng ơi, ra cô nhờ nào.
Một tiếng vâng se sẽ... Rồi Hồng rụt rè bước ra. Bà phán sung
sướng ngắm Hồng: "Chết với bà chưa?" Và bà vui vẻ tìm câu để hỏi:
- Chị, các em học có ra gì không?
Hồng lúng túng, ngập ngừng đáp:
- Thưa cô... các em... học khá đấy ạ.
Muốn Hồng không ngờ vực mưu kế của mình, bà phán đã bảo nàng
dạy các em học thêm. Tối hôm trước, Hồng vừa sắp đọc ám tả thì chợt nhận thấy mất
bức thư, thành thử nàng loay hoay cặm cụi đi tìm kiếm và các em chờ lâu, sốt ruột
bỏ đi ngủ cả. Ðó là bức thư cuối cùng mà Lương gửi cho một người bạn thân của
nàng, nhờ chuyển giao tận tay nàng. Nhân cha và dì ghẻ vắng nhà, nàng lấy ra
xem lại, vì buổi sáng, lúc nhận được thư, nàng đọc giấu giếm vội vàng, có một
đoạn nàng không hiểu Lương định nói gì. Vả lại xem thư người yêu vẫn là một cái
thú.
Suốt đêm Hồng không chợp mắt vì bức thư. Nàng ngờ Thảo lấy,
vì biết Thảo có tính táy máy và tò mò. Nhưng nàng đã lục soát túi áo, và cạy
hòm Thảo ra tìm vẫn chẳng thấy dấu vết gì. Vừa lo lắng, vừa bực tức, nàng bưng
mặt ngồi khóc thút thít. Giữa lúc ấy cha và dì ghẻ ở phủ về: nàng sợ hãi vội tắt
phụt đèn vờ ngủ say không nghe rõ tiếng dì ghẻ gọi cửa.
Luôn một tuần lễ, Hồng sống trong khủng bố. Giữa buổi ăn có
khi nàng bỗng nghẹn không nuốt trôi miếng cơm vì một tiếng cười ghê sợ hay một
câu nói có nghĩa mập mờ của dì ghẻ. Một hôm, bà phán khen Hồng nết na đứng đắn
rồi tiếp liền:
- Chứ chả như nhiều cô con gái mất dạy thời nay viết thư cho
trai và nhận thư của trai đã không biết xấu hổ thì chớ, lại còn cho là hãnh diện
nữa. Hồng cúi gầm mặt xuống để giấu đôi má ửng đỏ, trong khi Thảo và Tý khúc
khích cười.
Thấy vậy bà phán lại nghiêm nghị mắng hai con:
- Tao nói thế chúng bay cười à? Bà lại tát cho vỡ mặt ra bây
giờ!
Nhưng một hôm, câu chuyện kín kia bùng ra ầm ý, kịch liệt.
Sáng hôm ấy, bà phán dậy trưa xuống nhà thấy Hồng chắp tay đứng
bên ông phán: Hồng định xin phép cha đi Hà Nội thăm chị nhưng còn trù trừ chưa
dám nói. Bà phán cho là cha con thậm thọt với nhau. Tức thì cơn tam bành nổi
lên. Chờ chị Hồng vào trong nhà, bà sừng sộ hỏi chồng:
- Nó ton hót ông điều gì thế?
- Ai! Bà bảo ai?
Bà phán càng lộn tiết:
- Lại còn ai! Cô quý tử của ông chứ còn ai?
Rồi bà thét:
- Nó kể xấu tôi với ông, phải không?
Ông phán vội cãi:
- Không, nó có nói gì đâu! Mà tôi cũng không biết có nó đứng
đấy nữa.
Bà phán ngồi phịch xuống sập và thét càng to:
- À ông lại còn giấu giếm cho con ông! Nó nói xấu tôi với
ông. Nó ton hót với bố nó. Ông phải biết, con ông chẳng tất đẹp gì đâu. Tôi mà
không giữ gìn thì nó ễnh bụng ra rồi, còn gì?... Ông không tin phải không? Ðây
không tin thì bằng cớ đây.
Bà sấn sổ chạy lên phòng ngủ, và chỉ một phút sau cầm ném vào
lòng ông phán bức thư mà Thảo đã lấy trộm nộp bà.
- Ðây đọc đi ông sẽ biết con ông tất đẹp, ông sẽ biết con ông
trinh tiết, ông sẽ biết con ông đoan trang. Ông phán cau mày, nói khẽ:
- Bà làm gì mà ầm lên thế? Người ngoài người ta biết chuyện
thì còn ra sao!
Nhưng bà phán vẫn không hạ giọng:
- Tôi cần gì người ngoài. Ðứa nào xấu thì đứa ấy chịu chứ! Nó
là con ông thì ông xấu lây chứ tôi có đẻ ra nó đâu mà tôi sợ.
Ðể mặc vợ gào thét, ông phán giương kính ngồi chăm chú đọc. Dần
dần, tay ông run lập cập và hai giọt lệ từ từ chảy trên gò má: không biết đó là
biểu hiện sự giận hay lòng thương, vì ông không thất một lời, thong thả gấp nhỏ
tờ giấy bỏ túi.
Hồi lâu ông mới bình tĩnh, cất tiếng gọi Hồng. Không thấy con
ra, ông đi vào phòng trong: Hồng đương gục mặt xuống cánh tay khóc nức nở. Ông
đến gần, nghiến răng lại mắng:
- Hồng, tao không ngờ mày hư đến thế!... Tao không ngờ mày
bêu xấu bêu nhuốc tao đến thế!... Thôi, chết quách đi con ạ! Sống nhục sống nhã
thế thì sống làm gì!
Dứt lời, ông giơ tay tát Hồng một cái thực mạnh và co chân đạp
nàng ngã chúi vào khoảng giữa hai cái hòm cưới mà nàng đã sắm để xem về nhà chồng
hai năm trước đây. Ở nhà ngoài tiếng bà phán:
- Thôi ông, tôi xin ông đừng đánh nó nữa. Phải dạy bảo con chứ
sao lại đánh!
Bà chạy vội vào đến phòng lôi chồng ra. Ông phán vừa thở hổn
hển vừa nói:
- Tôi không... ngờ!... Thực tôi... không ngờ.
Bà phán ghé tai chồng thì thầm:
- Ðánh nó làm gì cho đau tay. Mặc kệ!
Ông phán, giọng run run:
- Nào có mặc kệ được!
Ngay chiều hôm ấy, cái tin đồn Hồng chim trai đã đi hết vòng
thành phố Ninh giang. Và bà y sĩ, bà huấn, thím Phồn, lần lượt đến chơi bà phán
để dò la hư thực.
Thím Phồn và bàn huấn giữ gìn kín đáo, còn bà y sĩ thì lấy chỗ
thân tình ghé tai bạn hỏi thẳng:
- Thực đấy à, bà, con Hồng nó đọa kiếp đấy à?
Bà phán khéo ứa nước mắt và đáp một câu úp mở:
- Tôi khổ lắm bà ạ, tôi thương hại ông phán nhà tôi quá.
Bà chỉ nói có thế thôi. Mà bà y sĩ cũng không hỏi một câu thứ
hai về "việc xấu xa" của Hồng nữa.
CHƯƠNG 18
Nhận được thư của bà phủ, bà đốc đi ngay. Bà thừa hiểu bà phủ
tìm về việc gì.
Ở một thành phố nhỏ như Ninh Giang, được biết trước mọi người
một chuyện quan trọng vừa xảy ra là một điều tự hào của các bà vô công rỗi nghề
ngồi chờ những sự thay đổi. Xem báo gặp một tin về hạt Ninh Giang, dù chỉ là một
tin rất tầm thường, các bà ấy cũng vui thích, sung sướng, cảm động. Rồi người nọ
đến nhà người kia để khoe nhau, tay cầm tờ nhật trình trỏ vào những giòng chữ
đã gạch nét chì xanh, đỏ. Họ bàn tán mãi về việc chiếm lấy thời nhàn nhã của họ.
Những người đại lý các báo ở Ninh Giang hiểu cái tâm lý đó – mà ai không hiểu -
nên ra công tìm kiếm nhặt nhạnh tin tức gửi về Hà Nội. Không có tin tức thì bịa
đặt ra, phỏng đã hại gì: đó cũng là cách làm hoạt động biết bao đời buồn tẻ.
Vì thế, một dạo vào khoảng sáu tháng trước, cả Ninh Giang đã
nhao nhao lên vui sướng về câu chuyện đăng báo: "Cô H. lãng mạn". Cô
H... ai cũng đoán biết Hồng. Tác giả dùng chữ bóng bẩy, hoa mỹ để tả cái nhan sắc
"nhạn sa, cá nhảy, nghiêng nước, nghiêng thành của cô, khiến chính Hồng đọc
tới cũng không khỏi mỉm cười.
Hồi ấy, sau bao nhiêu lời mắng nhiếc của bà phán, sau bao
nhiêu bức thư van xin cha của Hảo, ông phán ưng cho phép Lương về chơi để xem mặt.
ông muốn gả quách cho Hồng đi trước là để được êm cửa êm nhà, sau là để tránh
những biến cố mà ông chắc chắn sẽ xảy ra. Cái tính nết bướng bỉnh, liều lĩnh của
Hồng sẽ rất dễ đưa nàng đến... chỗ đó. ông không dám nghĩ đến chữ "phá
thân", để chữ "trụy lạc", nhưng ông nhớ tới những chuyện tình mà
ông đã được nghe ở xóm hồng lâu: biết bao con gái tử tế trở nên đào rượu chỉ vì
không chịu nổi dì ghẻ ác nghiệt phải bỏ nhà trốn đi. Ðiều đó ông rất lo cho Hồng.
Ông biết Hồng có thể liều đến bực ấy. Chi bằng nhân dịp có thể gả chồng ngay
cho Hồng được thì gả phắt đi.
Vả lại gả Hồng cho người Hồng yêu thì sau này Hồng sẽ sung sướng.
Tuy ông phán không tha thiết săn sóc đến tương lai con, tuy ông không thương
yêu gì con, nhưng chẳng phải khó nhọc, tìm kiếm, nghĩ ngợi mà gây dựng được gia
thất cho con, ông cho đó là một cơ hội may mắn.
Dẫu sao, mục đích muốn gả chồng cho con, cái mục đích sâu xa
mà ông phán không dám tự thú, mà ông không dám thành thực, can đảm nghĩ tới, vẫn
là sự yên ổn gia đình. Xưa kia, khi Hồng còn nhỏ, Hảo đã làm cho ông khổ sở về
nỗi không chịu phục tòng dì ghẻ.
Hảo đi lấy chồng xa, ông như trút được khối nặng trên lòng.
Nay lại đến lượt Hồng. Thật số ông là số vất vả vì gia đình.
Ông loay hoay mấy ngày đêm để tìm cách, để lập mẹo gả chồng
cho con. ông biết bà phán sẽ cản trở việc hôn nhân của Hồng như mấy lần trước,
nếu bà không ưng thuận. Vậy cần nhất là làm sao cho bà ưng thuận.
Một hôm ông đánh bạo gợi đến việc khó khăn ấy, sau khi đã
khôn khéo nói xấu người vợ qua đời.
- Con Hồng nó giống mẹ nó đấy. Ðã dở hơi dở hám chả biết gì lại
còn làm bộ làm tịch.
Bà phán im lặng mỉm cười. ông phán nhìn vợ thở dài nói tiếp:
- Không biết bao giờ mới tống được nó đi cho khuất mắt.
Bà phán vờ không hiểu:
- Việc gì lại tống cổ cô quý tử đi? Mà tống cổ sao được! Tống
cổ nó, nó kiện cho ngồi tù ấy à?
Không thấy chồng đáp, bà lại nói tiếp:
- Ông không nhớ ngày nào nó giở luật ra nó bảo tôi rằng: nó
con ông thì nó có quyền ở cái nhà này, không ai đuổi được nó đi đâu.
Ông phán cố giữ cái chau mày, trả lời:
- Thì ai đuổi nó! Tôi nói tống là gả chồng ấy kia chứ.
Bà phán phì cười:
- Gả chồng! gả chồng dễ nhỉ! Ông tính câu chuyện... bậy bạ của
nó đã tung tóe ra như thế, còn ai người ta thèm.
Thấy chồng buồn rầu thở dài bà đổi giọng liền - đổi giọng
không phải vì thương hại hay sợ hãi chồng, nhưng vì muốn chồng thực hiểu theo
những ý tưởng bà bắt hiểu:
- Với lại cũng phải tùy chị ấy chứ!
Bà cười nói tiếp:
- Còn phải xem chị ấy có bằng lòng không đã chứ. Ðấy, ông coi
chị ấy có bằng lòng ai đâu ai chị ấy cũng chê, cũng chối đây đẩy. Tôi không nói
thằng cháu tôi làm gì... ông giáo gì này... ông phán gì này... anh gì nữa này,
cái anh con quan phủ Ðông ấy, nó có bằng lòng ai đâu!
Ông phán thở dài. Bà phán gắt:
- Thì đấy, con ông, ông cố mà gả chồng cho nó. Việc gì mà ông
phải thở ngắn thở dài? Ông làm như tôi ngăn đón nó không cho nó lấy chồng!
Rồi bà quay đi nói một mình: "Có đem mà gả cho voi! cho
voi nó giầy!... Tưởng hãy còn trinh tiết lắm đấy! hãy còn sạch sẽ lắm đấy?"
Ông phán đã nghĩ kỹ về phương pháp đối phó với vợ. Ông đã xếp
sẵn một câu chuyện để đem ra kể cho vợ nghe. Lần thứ ba ông thở dài rất não nuột
rồi ghé gần lại vợ, hạ giọng nói:
- Bà ạ, tôi nghĩ đến danh giá tôi, danh giá bà...
Bà phán lớn tiếng ngắt lời:
- Có danh giá đến ông, chứ tôi, thì can dự gì đến tôi!
- Thì bà hãy để tôi nói đã nào. Phải, chỉ vì tôi nghĩ đến
danh giá chúng mình ở nơi tỉnh nhỏ này, chứ nói thì tôi ghét dơ, chả muốn nói đến
làm gì. Hôm qua đến tòa nghe thấy ông ký Xương với người loong toong họ bình phẩm
chuyện con Hồng chẳng ra làm sao. Mà
họ quy lỗi cả vào tôi... với bà không biết dạy con để nó bậy
bạ... Họ cho là vì bà quá nuông con...
Kể thì ông phán bịa đặt rất vô lý, vì một câu chuyện dài dòng
như thế, ông nghe sao được rành rọt từ đầu tới cuối? Nhưng được phỉnh bà phán
sung sướng không còn dịp nghĩ ngợi gì nữa. Bà ngắt lời chồng:
- Ấy ông ạ, ngoài người ta vẫn cho là tôi quá nuông nó. Cả bà
đốc, bà phủ cũng bảo thế Kể thì tôi chỉ phải cái hay nói thẳng thôi, chứ thực
ra tôi vẫn nuông chiều nó.
Ông phán lại đệm thêm một câu:
- Thì chính vì thế nó mới hư.
Bà phán vờ giận:
- Vậy ra ông qui oán, qui tội cả vào tôi đấy. Nuông nó thì
người ta bảo... nuông nó, mà có dạy bảo, mắng mỏ nó thì người ta lại bảo ác
nghiệt với nó. Còn biết làm thế nào cho vừa lòng thiên hạ?
Biết rằng tính tình vợ đối với Hồng đã dịu hơn trước nhiều,
ông phán liền bàn thẳng tới việc hôn nhân của con:
- Tôi tưởng chỉ có cách này là cứu vớt được danh dự...
- Cách nào?
- Gả quách con bé cho thằng... thằng Lương, cái thằng viết
thư cho nó ấy mà.
Ông phán ngừng lại nhìn vợ, rồi nói tiếp:
- Bà cứ đứng ra gây dựng việc hôn nhân cho hai đứa.
Vì thói quen bà phán nghĩ ngay tới những điều ngoắt ngạo, giả
dối, che đậy, tuy bà thấy bà vụt biến thành một người khác thường, một ân nhân
của những kẻ xưa nay vẫn thù ghét bà. Bà ngập ngừng se sẽ bảo chồng:
- Thế cũng được. Ðể tôi xem... Nhưng ông cứ giả vờ không bằng
lòng... Ông làm như nếu không có tôi thì thế nào việc cũng không xong... Nghĩa
là chỉ có tôi ưng thuận cho hai đứa lấy nhau.
Ông phán vội mừng:
- Ðược. Phải đấy.
Sợ chồng ngờ vực, bà phán nói chữa:
- Không phải là tôi muốn mua ơn mua huệ gì với chúng nó. Tôi
chỉ cốt chúng nó hiểu rằng không phải tôi có ghét gì chúng nó mà thôi.
Giá lúc bấy giờ Lương và Hồng cũng có mặt ở đấy thì có lẽ bà
phán cho phép hai người lấy nhau ngay. Bà sốt sắng muốn làm một việc mà bà chợt
nhận thấy rất nên làm nhất bà lại đương bị lòng tự ái, bị những tính tình giả dối
huyễn hoặc, những tính tình vụt có và, trong một thời gian dài hay ngắn, khiến
ta thành một người khác hắn ta.
Nhưng một đêm, chỉ một đêm suy xét điều hơn lẽ thiệt, lại đưa
ta trở về những tính tình cũ những tính tình thực của ta.
Ðêm hôm ấy, bà phán không ngủ được. Bà trằn trọc, hối hận rằng
đã quá nhẹ dạ, để đến nỗi bị ông phán lừa vào tròng. Bà nghĩ thầm: "Rõ
mình thực thà quá, tự nhiên đi giúp cho chúng nó lấy nhau... Không, lấy đứa nào
thì lấy, chứ không thể lấy thằng ấy được?"
Nhưng đã trót hứa lời thì bà phải giữ lời. Luôn mấy hôm bà
bàn định với chồng về việc hôn nhân của Hồng. Rồi tuần lễ sau bà thúc dục ông
phán viết thư bảo vợ chồng Căn mời Lương về chơi để xem mặt.
Trưa chủ nhật, Lương cùng Căn về Ninh Giang.
Lúc ấy nhà đương có khách đánh tổ tôm. Vừa thấy mặt Lương, bà
phán rú lên cười. Rồi bà bảo bà đốc và nói to để ai nấy đều nghe rõ:
- Người với ngợm! Tưởng thế nào! Trời ơi! thế mà con tôi...
Bà làm như lỡ lời, dừng ngay lại, rồi quay sang hỏi bà phủ:
- Bà lớn không xơi ngũ vạn!
Lương đã hiểu. Chàng cho rằng nếu Hồng thuận lấy chàng là vì
thương hại chứ không phải tình yêu. Lòng tự ái và tự trọng làm cho chàng chán
ghét hết mọi sự, chán ghét cả Hồng mà chàng thấy tầm thường trong một gia đình
tầm thường.
Thế là bà phán lại một lần nữa đắc thắng.
Nhưng Hồng hiểu. Nàng hiểu rằng tương lai của nàng đương bị
lung lay vì sự thâm độc của dì ghẻ. Nàng vội viết cho Lương một bức thư dài tới
tám trang giấy lớn, kể hết tình cảnh của mình, và cái tâm địa có một không hai
của người dì ghẻ. Nàng nhận được thư đáp của Lương, trong thư Lương hứa sẽ cố ở
được xứng đáng với ái tình thành thực của Hồng.
Thế rồi, bẵng hai tháng không nhận được tin tức của Lương. Buồn
rầu, sốt ruột, Hồng không xin phép, bỏ đi Hà Nội. Hai hôm sau trở về nàng bị một
trận đòn đau. ông phán vừa đánh vừa tra khảo ầm ý:
- Mày đã bậy bạ với nó rồi, phải không?
Hồng không đáp, khiến ông càng ngờ và giơ roi vụt càng mạnh.
Chính Hồng cố ý để cha ngờ vực, vì nàng cho may ra nhờ thế mà ông phán bằng
lòng gả mình cho người yêu.
Nàng chỉ tưởng tới một điều: thoát ly gia đình, dù có phải hy
sinh danh dự cũng cam. Huống hồ lại chỉ hy sinh danh dự cho người mình yêu?
Ngày thứ bảy, trên bào Trung Bắc, đăng bài "cô H lãng mạn,
cô H tự do đi lại... với trai".
Từ đó Hồng như người mất linh hồn. Ngày ăn xong hai bữa, ngồi
thừ người nghĩ ngợi, hay lên phiên gác đứng hằng giờ nhìn những thuyền buồm nâu
qua lại trên sông Tranh.
Buổi tối, tiếng còi tàu thúc giục, tiếng rao bánh giầy bánh
giò lanh lảnh, tiếng cười nói, gọi nhau om sòm của hành khách, tiếng khuân vác
huỳnh huỵch của bọn phu gạo tải hàng, lên tàu hay xuống bến. Rồi tàu đi, đèn
báo hiệu từ từ xa dần. Rải rác, nhấp nhô những tia
lửa thuyền nằm ngủ trên dòng nước đen. Và róc rách vỗ mạnh
vào bờ những làn sóng mà guồng máy tàu đẩy lại.
Hồng nhìn theo, nước mắt ứa ra ướt má.
Rồi độ nửa giờ sau, chiếc tàu khác lại tới và trong một lúc lại
làm huyên áo cái bến yên lặng. Hồng mong mỏi vẩn vơ tưởng như những tàu ấy có
thể đem đến trong lòng nàng một chút hy vọng về tình duyên.
Mùa nước to, dòng sông réo ầm ầm, dữ dội. Có lần nàng nhớ tới
câu chuyện thần sông Tranh cướp vợ ông phủ Ninh Giang. Nàng không tin có chuyện
hoang đường ấy, nhưng tự nhiên nàng cũng rùng mình ghê sợ. Ðêm đó, nàng chiêm
bao thấy thần Tranh hiện lên với
bộ mặt hung tợn như mặt tượng Hộ pháp ở chùa. Giật mình thức
dậy, nàng khúc khích cười thầm, rồi buồn rầu tự nhủ: "Giá Lương đến đem
mình đi".
Cái ý tưởng lãng mạn ấy vấn vương mãi trong tâm tư Hồng. Và một
lần Hồng đã viết cho Lương một bức thư rất nồng nàn, để báo cho tình nhân biết
rằng nàng sẽ trốn nhà đi theo chàng. Nhưng thư ấy, trong lúc thân hành đem bỏ tại
nhà bưu chính, Hồng lại xé vứt
đi mình như nàng còn đương đo đắn, suy xét, chưa dám quả quyết.
Trong khi ấy người dì ghẻ, biết nàng có lợi, càng mắng nhiếc,
khinh bỉ, hành hạ nàng hơn trước. Nàng mặc kệ, chằng nói lại, cãi lại, hay phàn
nàn nửa câu. Có lần đứng nghe những lời dạy bảo nhiêm nghị của cha, nàng dựa
vào khe cửa thiu thiu ngủ. Nàng như không cần gì, không biết gì nữa, không thèm
cho sự gì ở đời là quan trọng nữa. Thấy thế ông phán lại tức giận và đánh đập
nàng, nhưng ông đánh đập một cái xác không hồn: Hồng không kêu khóc, không van
xin, hai con mắt thản nhiên lãnh đạm.
Bỗng chiều hôm trước, Hồng vụt khác hắn, đổi hắn thái độ. Như
vừa có một luồng điện mạnh chạy trong mạch máu nàng, làm cho nàng trở nên điên
cuồng. Ăn cơm xong, bà phán gọi bảo người nhà khiêng bàn, ghế mây ra hè đường để
ngồi hóng mát, vì tuy đã gần hết tháng chín mà tiết trời vẫn còn oi nồng như
đương mùa hè. Hồng đi qua, nghe thấy trả lời lại rất hỗn: Tôi không phải đầy tớ
cô mà cô sai được tôi". Thế là hai người cùng lớn tiếng. Hồng nói những
câu mà một lát sau bình tĩnh ngồi nhớ lại, nàng cũng phải cho là quá láo
xược. May cho Hồng, ông phán vắng nhà, nếu không, nàng đã bị
một trận đòn.
Nửa đêm ông phán về, bà phán thuật lại tấn kịch xảy ra bằng
những lời tức giận và dằn vặt. Hồng vẫn thức và nghe hết câu chuyện om sòm của
cha và dì ghẻ. Sau cùng ông phán bảo vợ: "Ðược, để mai tôi tống cổ nó ra
khỏi cái nhà này. Tôi chằng bố con gì với nó
nữa. Nó bêu xấu hổ tôi nhiều lắm rồi?"
Hồng nằm cắn mạnh răng lên môi dưới, nghĩ thầm: "Thầy
không cần phải tống cổ. Mai con xin từ giã cái nhà này".
Quả thực sáng hôm sau, Hồng viết mấy chữ lại cho cha, nói sẽ
không bao giờ trở về nhà nữa, rồi lẻn ra đi chuyến ô tô năm giờ, lên Hà Nội.
CHƯƠNG 19
Câu chuyện gia đình ông phán Trinh, bà y sĩ không rành rọt như
thế. Bà chỉ rõ một điều: Hồng bỏ nhà trốn đi. Nhưng bà sẽ thêm thắt, đặt để cho
câu chuyện có đầu đuôi.
Gặp bà phủ, bà không kịp chào nữa, vội nói to:
- Ðấy bà lớn coi, tôi đã bảo có sai đâu.
Bà phủ chẳng nhớ bà đốc đã bảo thế nào, nhưng cũng khen liều,
chừng để bà kia thuật lại ngay cho nghe:
- Vâng, bà lớn thánh thật!
- Con bé tính nết như thế thì thế nào chẳng có ngày theo
trai?
Bà phủ ghé gần lại thì thầm hỏi:
- Hồng nó theo trai thực đấy à, thưa bà lớn?
- Vâng, nó theo trai.
- Tội nghiệp!
Bà đốc cười:
- Bà lớn có biết nó theo thằng nào không?
- Không.
- Cái thằng người chằng ra người, ngợm chằng ra ngợm, dẫn xác
đến một hôm chúng mình đánh tổ tôm ở nhà bà phán ấy, bà lớn không nhớ?
- Có tôi nhớ ra rồi.
Bà đốc lại cười làm thích chí lắm:
- Thế mới biết con người ta lúc đã say mê nhau thì liều lĩnh
chằng còn sợ hãi gì nữa. Nhưng giá cái thằng chết giẫm kia đẹp trai thì đã đi một
lẽ, đằng này nó xấu như ma ấy cơ, thế mà cô ả cũng say mê được.
- Hay thằng ấy nó có bùa mê?
Bà đốc cười càng dòn:
- Bùa bèn gì! Con bé nó đĩ thõa sẵn thì thằng nào tán mà chằng
chết; cứ gì đẹp, với xấu.
Bà đốc thời còn ít tuổi, có lắm kẻ săn sóc, chiều chuộng phỉnh
phờ nên bà đã hiểu thấu cái đức tính tán gái và tâm lý sâu xa của đàn ông.
- Bọn chúng nó thấy gái như mèo thấy chuột cứ lăn vào. Chuột
muốn thoát chết chỉ có cách chui rúc vào lỗ.
Bà phủ dõng dạc bình phẩm:
- Xét cho kỹ thì nền luân lý á đông mình vẫn hay. Con gái phải
ở trong gia đình, phải dạy dỗ nghiêm khắc. Cho tự do quá, thế nào cũng có ngày
xảy ra tai nạn bất ngờ.
Bà đốc cười phì:
- Bất ngờ! Bà lớn tính còn bất ngờ gì nữa. Thì tôi vẫn nói với
bà lớn rằng con Hồng sớm muộn thế nào cũng theo trai.
- Bà biết thế mà bà chằng bảo bà phán, để bà ấy giữ gìn.
- Giữ gìn gì! Nó hư thì cho nó chết. Với lại con bé ấy nó có
coi bà phán ra quái gì đâu. Thực là đồ bạc bẽo, bà phán nuôi nấng nó từ khi còn
bế ngửa đến giờ, mà nó xử với bà ấygchẳng còn ra sao...
Một dịp cười the thé ở cửa. Hai bà quay lại.
- Kìa, bà Thông!
- Lạy hai bà lớn.
Người mới đến là bà Thanh, vợ ông thơ ký sở Thương chánh người
trong Nam lấy chồng ngoài Bắc, thời ông Thông còn làm việc ở Sài Gòn.
- Tôi đến đằng bà lớn, người nhà nói bà lớn vừa đi, tôi đoán
bà lớn lại đây. Y như rằng.
Bà phủ mời:
- Bà lớn xơi nước.
- Mời bà lớn.
Bà Thông nay đã quen phong tục miền Bắc rồi chứ ngày bà mới về
Ninh Giang, ai gọi bà là bà lớn như thế, bà giận liền, coi như người ta mỉa mai
mình. Chỉ vì không kêu bà phán Trinh là bà lớn, mà bà đã bị bà kia bắt bẻ rồi
thù ghét. Hai bên vẫn còn hiềm khích nhau không đi lại chơi bời với nhau.
- Thưa bà lớn, tôi nghe người ta đồn chị Hồng con ông phán
Trinh bỏ nhà theo trai nhưng tôi không tin, chị Hồng ngoan ngoãn thế mà lại...
Bà đốc vốn ghét Hồng, ghét Hồng vì thân và a dua với bà phán
Trinh, liền ngắt lời:
- Chưa ngoan đâu, chờ ít nữa đã mới thực ngoan.
Bà phủ cười vui vẻ. Nhưng bà không thuộc ca dao tục ngữ An
Nam, nên ngạc nhiên không hiểu, bà đốc đọc luôn:
Không chồng mà chửa mới ngoan,
Có chồng mà chửa thế gian chí thường.
Bà Thông thực thà hỏi:
- Tội nghiệp! Chị Hồng có chửa? Chị Hồng chửa hoang?
- Chưa chửa, nhưng thế nào rồi cũng chửa!
Bà đốc quay sang bảo bà phủ:
- Hay nó có chửa rồi nên sợ hãi bỏ nhà trốn đi?
Bà Thông bênh vực Hồng:
- Chằng khi nào lại thế! Chị Hồng là người có học thức hắn
hòi, không lẽ.
- Không lẽ! Học dở dang càng bậy! Bà còn lạ gì những cô tự do
rởm đời.
- Nhưng bà phán ấy cũng ác nghiệt với chị Hồng lắm kia. Ai chịu
nổi được cảnh dì ghẻ con chồng!
Bà đốc nguýt dài:
- Chà! đèn nhà ai nấy rạng. Bình phẩm làm gì!
Bà Thông phân trần với bà phủ:
- Thưa bà lớn, chính vợ chồng nhà tôi cũng đương chịu cảnh dì
ghẻ tai ngược. Nhà tôi càng ở ra người con hiếu thảo, thì người dì ghẻ càng xui
xiểm thầy tôi xử tệ với chúng tôi. Tết mới rồi tôi về sửa cho một trận nên
thân...
Bà phủ vẫn không ưa vợ lẽ, thích thú cười hè hè:
- Thế cụ ông có nói gì không?
- Thầy tôi nói gì! Thấy tôi vác dao dọa chém tôi. Từ đấy, tôi
không về nhà nữa. Giá chị Hồng cứ liệu như tôi thì can chi chị ấy khổ sở, bị áp
chế hành hạ mãi.
Bà đốc mỉm cười chua chát:
- Mỗi cảnh gia đình một khác. Bà bỏ nhà thì đi ở với chồng,
chứ Hồng mà nó bỏ nhà thì chỉ có thể đi theo trai.
- Theo trai thì theo trai, cần gì!
- Thì đấy, nó theo trai đấy!
Bà phủ buồn rầu nói:
- Sao dì ghẻ lại cứ ghét con chồng đến thế nhỉ?
Bà đốc thành thạo đáp:
- Bà tính không ghét sao được. Con không phải mình đẻ ra mà
chồng mình thương yêu thì bảo mình chịu sao nổi.
- Nhưng ông phán có thương yêu con riêng đâu cho cam.
- Bà biết đâu cảnh gia đình người ta. Con người ta khi nào
người ta lại không thương yêu. Mà thương yêu thầm vụng lại càng chọc tức người
đàn bà hơn là thương yêu đàng hoàng.
Bà Thông giọng căm giận:
- Chỉ tại ông phán nhu nhược! Ngày nhà tôi làm việc ở Hải
Phòng, chúng tôi có quen biết ông phán Trang. ông ta góa vợ, có bốn đứa con.
Sau lấy một người vợ tây giàu xụ. Ông ta hết sức chiều vợ, yêu vợ, nịnh hót vợ
nữa. Nhưng hễ vợ đụng đến lũ con ông ta thì phải
biết! Ông ta mắng nhiếc vợ thậm tệ, có khi đánh đập nữa. Ông
ta thường nói: "Những đứa con mất mẹ sớm, đến chúng nó là người dưng nước
lã mình còn phải thương hại, huống hồ chúng nó lại là con mình!" Thế rồi
vì mấy đứa con mồ côi mẹ ấy, hai bên bỏ nhau. Ông Trang không thèm tiếc bốn năm
tòa nhà đồ sộ của vợ.
- Cảm động nhỉ?
Bà đóc bảo bà phủ:
- Tôi còn lạ gì lão phán Trang, một kiện tướng làng đào mỏ. Hắn
bỏ người vợ tây mới được một tháng đã lấy ngay một người đàn bà góa giàu gấp
hai.
Bà Thông nói:
- Nếu thế càng đáng phục.
Bà đốc cười:
- Bà phục cái đức tính đào mỏ?
- Tôi phục một người ham tiền tài, mà vẫn không vì tiền tài đến
nơi ruồng bỏ lũ con thơ mất mẹ.
Thấy bà đốc hằn học, tức tố bà Thông, bà phủ liền xoay câu
chuyện ra ngả khác:
- Thôi việc nhà ai mặc nhà nấy. Chỉ biết ai chết đi thì người
ấy thiệt, thiệt lây cả cho con cái. Chị em chúng mình đừng chết là hơn hết.
Rồi bà hỏi:
- Tài bàn nhỏ chơi một lúc nhé?
Bà Thông không biết đánh tài bàn đứng dậy cáo từ xin về. Bà
phủ liền rủ bà đốc đến thăm bà phán Trinh. Bà tìm bà đốc đến chơi chỉ có việc ấy.
Nhưng bà Thông còn ngồi lại, bà không tiện ngỏ lời vì biết bà ta với bà phán
không bằng lòng nhau. Bởi vậy bà mới bày ra
chuyện mời đánh tài bàn để đuổi khéo bà kia về.
Bà bảo bà đốc:
- Dệu kế đó, bà biết chưa? Hễ khi nào muốn tống con mẹ Thông
đi, chỉ việc mời nó đánh tài bàn hay tổ tôm.
Hai bà nhìn nhau cười ngất, vì cả hai đều ghét bà Thông.
CHƯƠNG 20
Lúc mới ra đi, Hồng sung sướng bồng bột tự ví như con chim xổ
lồng thẳng cánh bay vút lên trời xanh. Cảm động và lãng mạn, nàng muốn hô to
hai tiếng "Thoát Ly?" như kẻ tù tội vừa trốn khỏi nơi ngục thất, muốn
thét lên hai tiếng "tự do"? Và nàng nghĩ thầm: "Thôi lần này thì
đi hắn, không bao giờ quay về cái gia đình... " Nàng cố tìm một hình dung
từ có nghĩa chua chát để ghép vào chữ gia đình, nhưng không thấy chữ nào đích
đáng.
Nàng lại nghĩ tiếp: "chắc thầy khổ sở vò đầu, bứt tai
khi đọc thư của mình". Và nàng thích chỉ về nỗi đã trả thù được cha. Nàng
biết tính ông phán rất sợ hãi dư luận: Dẫu ông không thương con, ông cũng phải
lo cho danh dự của nhà ông. Hồng tưởng nghe thấy tiếng
ông than phiền với người dì ghẻ: "Trời ơi! có đứa con
gái theo trai! còn mặt mũi nào nữa!"
"Còn dì ghẻ?" Hồng tự hỏi thế và tự đáp lại bằng một
tiếng thở dài. Chắc cái tin nàng bỏ nhà ra đi sẽ là một tin mừng đối với
"người đàn bà khốn nạn" ấy. Nhưng nàng cũng đoán biết trước rằng
"người ta" sẽ dùng những lời thân thiết giả dối để an ủi cha. Và nàng
cười
lên tiếng vì nhớ tới cái vẻ mặt thường làm ra phiền não của
"người ta", tuy sự sung sướng hớn hở vẫn lồ lộ trên cặp mắt khô khan,
trên đôi môi mỏng dính.
Tới đò Mía, trời sáng rõ. Hành khách theo sau ô tô đi xuống
phà. Một người đàn bà nhận được Hồng chào hỏi:
- Thưa cô, cô đi Hà Nội?
Hồng thản nhiên đáp:
- Vâng, tôi đi Hà Nội.
Người ấy là vợ anh chạy giấy ở tòa vẫn thường đến phỉnh hót
bà phán. Hồng bình tĩnh nghĩ thầm: "Thế nào chiều nay về, nó cũng thuật
chuyện gặp mình để tâng công, nhất khi cái tin mình bỏ nhà đã lan khắp Ninh
Giang."
Hồng mỉm cười như để tỏ rằng mình không chút lo lắng sợ hãi:
"Ðã nhất định, đã quả quyết đi thì còn cần gì?"
Ý nghĩ ấy làm cho Hồng càng thêm can đảm, càng có lòng tin ở
tương lai. Và nàng xếp đặt một lần nữa cái đời mộng mà nàng đã xếp đặt không biết
bao nhiêu lần, trước khi ra đi. Còn gì dễ dàng hơn! Và có gì là tệ hại đâu, là
mất danh dự! Nàng sẽ đến ở nhà anh Căn, sẽ nhờ Nga báo tin cho Lương. Hai người
sẽ lấy nhau, dù ông phán bằng lòng hay không bằng lòng cũng mặc kệ. Vả cần gì
phải cưới xin mới lấy nhau được? Cốt yêu nhau, yêu nhau thành thực là đủ rồi.
Mà ái tình của Lương thì nàng không còn ngờ vực nữa.
Cảnh sáng trong một ngày thu bình tĩnh, cái khung cảnh thích
hợp với một đời mơ mộng êm ái của Hồng. Màn trời xanh thăm thắm cao, màu lúa
vàng rực rỡ bao la gợi trong trí Hồng cái ý nghĩa ái tình trinh tiết, và cái biểu
hiệu gia đình đầm ấm. Hồng say sưa với mùi lúa chín thơm ngát. Và nàng chỉ chực
kêu to lên: "Sung sướng quá!"
Nhưng khi xe lửa tới gần Hà Nội, Hồng vụt cảm thấy buồn man
mác dần dần thấm vào tâm hồn. Nàng cũng không hiểu tại sao. Có lẽ đó là một sự
thường xảy ra, lúc người ta sắp phải quả quyết thực hành những ý định quan trọng.
Lúc ấy lòng tin của người ta bị lung lay, người ta không dám nhìn thẳng vào
tương lai, và bao nhiêu điều khó khăn hiện ra một cách rất mau chóng.
Hồng nhìn về phía cầu Hà Nội, loay hoay tự hỏi: "Lỡ chị
Hảo sợ cho ta mà khuyên ta, ép ta về nhà? Ta có can đảm quay về Ninh Giang
không? Lỡ Lương không còn yêu ta nữa? Ðiều ấy tưởng cũng không lấy gì làm vô
lý, vì đã mấy tháng nay ta không nhận được cái thư nào của Lương. Lại điều này
nữa: Nếu thầy ta tự ý hay bị vợ lẽ xúi giục làm đơn trình đồn để nhờ nhà chuyên
trách tìm hộ đứa con thất lạc?"
Nàng mỉm cười nghĩ tiếp ngay: "Ta còn bé nhỏ gì mà thất
lạc! Nhưng nếu thầy ta cứ trình đồn thì ta còn ra cái quái gì!"
Lòng băn khoăn lo lắng, Hồng đi xe tới nhà Căn. Nàng đã suy
tính định trước những câu sẽ nói với Hảo. Nhưng khi gặp mặt chị, nàng luống cuống
mất hết trí minh mẫn và tài biện bách. Hảo vui mừng hỏi:
- Em lên chơi đấy à? Lên chơi hay có việc gì?
Hồng cúi mặt khẽ đáp:
- Em lên chơi...
- Thầy vẫn mạnh chứ?
- Thưa chị... thầy vẫn mạnh.
Hảo ngắm nghía Hồng:
- Em sao thế? Trông em xanh quá.
- Em đi đường hơi mệt.
- Vậy em lên buồng nằm nghỉ.
Không đợi chị giục một lần nữa, Hồng vâng lời xách va ly lên
gác. Tự nhiên nàng sợ hãi và muốn lánh mặt chị, không phải nàng hối hận về việc
đã làm, nhưng hiện nàng đương áy náy do dự giữa hai ngã đường nên theo. Một là
tìm cách nói dối, giấu quanh để dò ý tự chị. Hai là nói thẳng cho chị biết hết
mọi điều đã xảy ra và mọi điều nàng dự định sắp sửa thi hành, nói thẳng rồi nhờ
chị giúp.
Trông thấy cái bàn đánh phấn của Nga, Hồng mới kịp nhớ đến
người bạn thân mà nàng sắp cầu cứu. Và nàng mở cửa ra bao lơn đứng nhìn xuống
đường, mong ngóng, tuy chẳng rõ đã tới giờ tan học chưa.
Nghĩ đến Nga, Hồng lại tưởng tới Lương. Chốc nữa Nga sẽ nói
chuyện Lương cho nàng nghe. Và nàng cảm thấy không bao giờ nàng yêu Lương bằng
lúc này.
Nàng bỗng có tư tưởng âu yếm, muốn gặp Lương, muốn nhìn thấy
mặt Lương ngay. Nàng liền vào trong nhà giở gương và phấn ra sửa lại nhan sắc:
Lương sẽ thấy nàng xinh đẹp lộng lẫy nữa. Nàng đã quả quyết, bỏ nhà theo Lương
thì cuộc gặp gỡ này quan trọng
lắm. Một chút ngần ngại, một chút do dự của Lương có thể làm
đổ cả tương lai.
Trang điểm xong nàng mở va ly lấy cái áo đẹp nhất ra, cái áo
đẹp nhất ra, cái áo nhung đỏ may kiểu mới mà ở nhà không bao giờ nàng dám mặc,
cái áo thắt đáy và nở ngực, khiến nàng trẻ hắn đi mấy tuổi. Lâu nay nàng vẫn có
cảm tưởng rằng nàng già: "Hăm ba
rồi, còn gì!" Những người bạn xưa của nàng, và kém tuổi
nàng nay đã có chồng cả, và có con nữa.
Nàng mỉm cười nghĩ thầm: "Cái đó chằng quan hệ gì. Sự
quan hệ là làm thế nào chóng thoát ly được cái gia đình ăn gửi nằm nhờ".
Nàng vui sướng vì vừa tìm được một hình dung từ "ăn gửi nằm nhờ"
thích hợp với cái gia đình của nàng hay đúng hơn, với cái gia đình của
ông phán và người dì ghẻ.
Ngắm nghía trong cái gương đứng mới mua của Nga, nàng thấy
nàng vẫn xinh tươi. Và nàng không khỏi có lòng tự cao rằng nhan sắc của nàng ít
ra cũng xứng đáng với tình yêu nồng nàn và chân thực của Lương.
Mắt nàng bỗng để tới chùm chìa khóa cắm ở cánh cửa tủ:
"Chị Nga lơ đãng đến thế thì thôi?" Nàng tò mò mở tủ
ra lục lọi. Một bức ảnh vứt trong một ngăn kéo, lẫn với những mụn giẻ rách.
Nàng lôi ra xem thì đó là bức ảnh chụp của giáo viên trường Ðông Kinh. Bức ảnh ấy
mọi khi nàng vẫn thấy lồng trong khung treo ở tường, nàng không hiểu sao nay
Nga lại tháo ra bỏ vào xó tủ. Và nàng mỉm cười: "Hay Nga có chuyện gì bất
bình với một anh chàng nào đứng trong ảnh?"
Hồng hơi ghen hơi tức khi thấy Lương đứng bên Nga. Mọi lần,
nàng không để ý tới điều đó nhưng hôm nay trong lúc bồng bột yêu Lương, nàng bỗng
ngơm ngớp lo sợ có người chiếm đoạt mất chàng. Nhưng nàng nhận thấy ngay rằng
mình trẻ con, và vội vàng đóng khóa tủ lại, bỏ chìa khóa vào túi bước xuống
thang gác.
Hảo ngước nhìn lên hỏi:
- Em đi đâu đấy?
- Em đi đón chị Nga.
- Cô ấy sắp về đến nhà, em còn đi đón làm gì.
Hồng vui mừng cười đáp:
- Thế à chị? Em cũng chằng biết mấy giờ nữa.
Hảo nhìn đồng hồ treo:
- Mười một rưỡi rồi, em ạ.
Hồng vơ vẩn nhìn ra đường:
- Vâng, thế có lẻ chị Nga củng sắp về, cả anh Căn nửa. Nhưng
em cũng đi lững thững hễ gặp giữa đường thì cùng về.
Thấy em có vẻ mặt hân hoan, Hảo mĩm cười khẽ gật:
- Thôi cũng được. Vậy em đi nhé.
Rồi Hảo chạy vội xuống nhà bếp bảo người nhà đi mua thêm thức
ăn.
Quả thực, mới tới trại lính Khố xanh, Hồng đã gặp Nga. Nghe
tiếng gọi, Nga quay lại rồi vội vàng xuống xe, đi bộ với Hồng. Thấy Nga không
vui đùa như mọi lần, Hồng hỏi:
- Độ này chị không được mạnh?
- Vâng tôi hơi mệt...
Rồi như tìm câu nói, Nga ngập ngừng hỏi:
- Chị... về chơi?
- Vâng, tôi về chơi... Chốc nữa tôi nói chuyện... lôi thôi lắm,
rắc rối lắm...
Nga đăm đăm nhìn bạn:
- Lại... người dì ghẻ.
- Vâng.
Hồng lảng ngay qua chuyện khác, hỏi thăm Nga về việc dạy học,
về việc nhà trường. Nàng cốt ngợi chuyện Lương, nhưng hình như Nga cố tránh. Chẳng
đừng được, Hồng phải hỏi thẳng:
- Anh Lương vẫn dạy cùng trường với chị đấy chứ?
Nga quay đi trả lời khe khẽ:
- Vâng.
Hồng chau mày ngẫm nghì: "Quái, chị ấy có tình ý gì mà
coi như bẽn lẽn mỗi khi nói đến anh Lương?" và nàng nhìn thẳng vào mắt Nga
hỏi:
- Lâu nay anh Lương có đến chơi... với anh Căn không?
- Không.
Hồng lo lắng:
- Tôi hỏi câu này chị đừng cho là tò mò nhé? Hình như chị với
anh Lương giận nhau?
Nga thở dài:
- Có thế.
Rồi nàng buồn rầu bảo Hồng:
- Thôi đừng nói chuyện đến anh Lương nữa.Anh ấy bây giờ tệ lắm...
Chả đáng được chị thương yêu đâu.
Hồng tái mặt đi, dừng bước yên lặng nhìn bạn, Nga kinh hoảng
nắm lấy tay nàng, ghé tai thì thầm:
- Về nhà nói chuyện...
Từ đó, Hồng như thấy mọi vật nhảy lộn trước mắt, và nghe những
tiếng huyên náo vang động trong tim, trong óc. Nàng phải bám vào cánh tay Nga
mà đi.
Về đến nhà. Hồng bước qua cửa hàng, chẳng để ý đến một ai.
Mãi lúc căn hỏi, nàng mới kịp chào. Rồi víu chặt lấy tay vịn, nàng lần từng bực
lên thang gác.
CHƯƠNG 21
Hồng ngồi yên lặng, chú hết tinh thần bào câu chuyện của Nga.
Khi Nga ngừng kể, nàng thét lên cười như một người điên.
Nhưng nàng cũng chỉ biết nay Lương cùng ở với một gái nhảy
mà, đối với anh em bạn, chàng coi như một người vợ, tuy không có cưới cheo gì hết.
Nàng có hiểu đâu rằng vì đau đớn, vì phẩn uất mà Lương sinh ra chơi bời rồi say
mê người vũ nữ.
Hôm ở Ninh giang về, Lương phải cố trấn tĩnh mới giữ được
không rơi lụy giữa đám hành khánh quê mùa trên ô tô chợ.
Tới Hà nội, Lương đi ngũ liền. Thiện vừa giận vừa tức anh vì
anh đến nhà Hồng mà chàng rất ghét, nên anh về, Thiện chẳng buồn hỏi một câu.
Khi nghe thấy tiếng thở dài não ruột của anh, Thiện mới biết
rằng anh chưa ngủ, và đoán anh đương có sự đau đớn. Thiện liền hỏi:
- Anh sao thế?
Lương đáp lại bằng một tiếng thở dài thứ hai.
Rồi không thể chôn sâu sự phiền muộn trong lòng, Lương ngập
ngừng thuật lại cho em nghe hết mọi điều đã xảy ra ở nhà ông phán Trinh. Thiện
sung sướng muốn cười phá lên, nhưng cố làm mặt buồn rầu an ủi:
- Anh cứ tưởng thế thôi đấy, chứ ai người ta lại cười vào mặt
anh như thế?
Lương, giọng ướt đầy nước mắt:
- Còn tưởng gì nữa!
- Biết đâu người ta không cười vì một nước bài đánh thấp.
Lương mĩm cười chua chát vì lời nói ngây thơ.
- Còn câu của bà phán, dễ thường em cũng cho vì một nước bài
đánh thấp?
Và chàng cười to để giấu cảm động.
Ngồi suy nghĩ một lát, Thiện ôn tồn hỏi Lương:
- Anh có ngờ rằng họ bàn mưu lập mẹo với nhau để phá việc hôn
nhân của hai người không?
Lương chợt tỉnh:
- Ừ, có lẽ... bà phán... chứ ông phán thì chắc không khi nào.
Thiện nói với anh những lời dịu dàng và âu yếm để cố làm cho
anh quên người yêu. Nhưng Lương quên sao được Hồng? Chàng cố cho rằng chàng lầm
về thái độ, về tính tình của bà phán đối với chàng. Nhưng sau khi đọc bức thư của
Hồng, chàng không còn ngờ vực gì nữa, và chàng lại biết hơn một điều: bà phán
là dì ghẻ chứ không phải là mẹ Hồng.
Biết thế phỏng có ích gì! Dù người ta là mẹ hay là dì ghẻ,
chàng cũng không lấy được Hồng, vì cứ theo lời Hồng viết trong thư, thì ông
phán, cha nàng để hết quyền bính trong tay người vợ. Mà người đàn bà ấy không
ưng gả Hồng cho chàng, bắt chồng không được gả Hồng cho chàng và trước mặt
chàng đã thốt ra những lời độc địa, đau đớn, có thể giết chết người ta được, chứ
đừng nói tống cổ người ta đi vội.
Nhưng chàng cũng phúc đáp thư Hồng để tỏ hết lòng hy vọng, chờ
mong. Thư sau của Hồng cho chàng biết rằng từ nay Hồng không được phép đi Hà nội
nữa. Hồng dùng hết những chữ trào lộng nặng nề, để tả chân dung hình thức và
tinh thần của người dì ghẻ, của người đàn bà thô bỉ, kiểu cách tàn ác, ích kỷ.
Lương lại phúc thư an ủi Hồng khuyên Hồng nên cố nhấn nại.
Giá Lương đem câu ấy tự khuyên mình thì đúng hơn, vì lòng tự cao tự đại của
chàng đã bị tay người đàn bà kia đâm một nhát thương sâu, một nhát thương không
bao giờ hàn được. Mỗi khi chàng nhớ tới Hồng, nhát thương ấy lại đau trội lên.
Mà chàng nhớ tới Hồng luôn.
Để quên, chàng theo anh em đi chơi, đi nhảy, đi hát. Rồi chẳng
bao lâu chàng say mê Yến, người có cái dung nhan na ná giống Hồng, khiến buổi gặp
mặt đầu tiên chàng gọi đùa: "Hồng của anh", Yến lại giống Hồng về gia
cảnh: cứ theo lời nàng than thở thì gia đình nàng cũng tan nát vì người dì ghẻ.
Không chịu nổi sự áp chế hành hạ, Yến đã phải bỏ nhà, liền dấn thân vào nghề
gái nhảy. Lương tin ngay và cho ngay nàng nhập hội với mình, hội "bị tai nạn
dì ghẻ tàn ác và mất dạy", cái tên hài hước mà chàng đã đặt ra từ lâu.
Vì Hồng, vì nghĩ đến cưới Hồng, Lương đã chăm chỉ dạy học và
đã xin được dạy thêm giờ, mỗi tháng kiếm nổi ngoài trăm bạc. Chàng lại ăn tiêu
cần kiệm nên để dành được món tiền năm sáu trăm bạc. Nay cho việc cưới Hồng
không thể có được nữa, chàng liền dùng món tiền kia trả nợ chủ cho Yến và thuê
nhà sắm đồ đạc cùng ở với nàng. Thấy thế, Thiện buồn rầu đến trọ một nhà quen
và xin đi dạy học, vì chàng đã đậu bằng thành chung.
Trong khi ấy, Lương vẫn nhận được thư của Hồng, và vẫn phúc
đáp những lời tha thiết, yêu đương. Thực ra không bao giờ chàng quên được Hồng.
Với Yến, chàng chỉ sống những ngày tạm bợ, chàng chỉ hưởng chút tình yêu tạm bợ.
Nhưng cái tình xác thịt ấy đã thành thói quen khó lòng mà rời bỏ được. Vì thế,
mỗi khi nhận được thư Hồng, chàng lại hối hận muốn lìa Yến ra, nhưng hôn sau,
chỉ hôm sau, đâu lại hoàn đấy.
CHƯƠNG 22
Thấy Hồng cười vui vẻ, Nga cũng vui vẻ cười theo. Nàng mừng rằng
bạn đã quên Lương và nàng nghĩ thầm: "Muốn được người ta thương nhớ lâu
ngày hay mãi mãi, tất phải đẹp trai hay ít ra cũng có tài lỗi lạc. Lương thì đã
xấu người, lại tầm thường? Chẳng qua Hồng chỉ cảm động khi nghe câu chuyện cảm
động của Lương, và có chút cảm tình mà hai người đều tưởng lầm là tình
ái".
Ðể bạn quên hắn Lương, Nga bắt đầu nói xấu chàng, thuật những
hành vi gàn dở, những cử chỉ và ngôn ngữ dớ dẩn của chàng, Hồng nghe chuyện, cười
chảy nước mắt.
Bữa cơm sáng Hồng ăn rất ít, nói vì đi đường mệt nhọc. Uống
nước xong nàng từ biệt anh chị, bạn, đi chơi một lát. Nga ngờ Hồng đến tìm
Lương và sợ sẽ xảy ra chuyện lôi thôi, liền bảo:
- Chị chờ tôi đi với.
Hồng trù trừ đáp:
- Vâng, càng hay. Vậy chị đợi tôi một tí nhé. Tôi chỉ chạy lại
đằng này độ dăm phút thôi.
Dứt lời, nàng vội vàng đi ngay. Nhưng mười phút sau vẫn không
thấy nàng về. Nga đã hơi lo lắng, tưởng mình ngờ vực không sai. Nàng chợt nghĩ
ra và mủm mỉm cười "Hồng đến nhà Lương sao được! Chẳng những không ai rõ
bây giờ anh ấy ẩn ở xó nào, mà đến nơi ở cũ của anh ấy, chị Hồng cũng không biết
nữa. Thế thì gặp sao được anh ấy?"
Quả thực Hồng không tìm gặp Lương. Nàng cũng không nghĩ đến
Lương nữa. Nàng chỉ nghĩ đến nàng, đến tình cảnh nàng, đến số phận nàng. Lòng
chán nản đối với hết mọi sự ở đời đã lên đến tột điểm, nó đã hiện ra trong cái
cười đau đớn của nàng mà Nga cho là cái cười vui vẻ vô tư lự Trong một giây,
nàng cảm thấy nàng trông thấy rõ ràng việc mà nàng định làm, mà nàng quả quyết
sẽ làm, mà nàng cho thế nào cũng phải làm: tự tử.
Ra ngoài đường, Hồng càng quả quyết với ý định ghê gớm của
mình. Bây giờ nàng không bối rối nữa. Tâm hồn nàng trở nên bình tĩnh. Muốn
không do dự nhút nhát, sợ hãi, nàng ôn lại cái đời dĩ vãng và hiện tại của
nàng, cái đời mà nàng cho không đáng sống, cái đời đày đọa khổ sở không ai có
thể tưởng tượng được.
Nàng nhớ lại hết mọi sự lôi thôi xảy ra trong gia đình nàng,
từ ngày nàng bắt đầu biết ghi nhớ. Không một hành vi nào của dì ghẻ nàng thấy
có ngụ một chút cảm tình với nàng. Không một lời thành thực, chứ đừng nói âu yếm
tử tế. Toàn những sự thù hằn nhỏ nhen, những lời bóng gió, nhiếc móc. Giá được
cha thương yêu, thương yêu thầm vụng thôi? Nhưng tìm mãi trong trí nhớ nàng chỉ
thấy cha lãnh đạm nếu không a dua với dì ghẻ mà mắng chửi, đánh đập nàng. Chung
quanh hai người ấy, hai vai chính của tấn thảm kịch gia đình lại còn mấy đứa em
ngang ngạnh, tai ngược, những quân do thám.
Thực là một cái địa ngục?
"Thà vào ngồi tù, thà dấn thân vào nơi hồng lâu, thanh
lâu còn hơn quay về cái gia đình ấy?"
Hồng mãi suy nghĩ không lưu ý tới mọi người, mọi vật chung
quanh, khi qua đường Tràng Tiền để sang phía hồ. Một cái ô tô tấn còi điện inh ỏi
mà nàng cũng không nghe thấy gì cứ việc nhìn thẳng tiến bước. Xe hãm bánh, tiếng
kêu rít lên rồi chúc đầu vào thành hè trước dãy bục của những hàng hoa. Người
Pháp lái xe quát mắng ầm ý. Hồng quay lại mỉm cười vơ vẩn rồi thản nhiên đi
vòng ra bờ hồ. Một cô bán hoa, vẻ sợ hãi còn lộ trên nét mặt, đăm đăm nhìn Hồng,
nói:
- Tí nữa thì mất mạng nhé!
Một người đàn bà khác nói tiếp:
- Gặp phải tay lái non không hãm kịp thì còn gì!
Hồng vẫn mỉm cười, khởi hài đáp lại:
- Thì chết, chứ còn gì nữa!
Người kia cũng cười:
- Thực cô còn tốt số đấy!
Hồng vừa bước mau vừa lẩm bẩm: "Tôt số! Nếu nó nghiến chết
mới là tất số!... "
Nàng bật cười nghĩ đến câu chuyện một người muốn tự tử mà
nghèo quá không xoay được tiền mua dây thừng hay thuốc độc. Và nàng bình tĩnh
quay về với cái chết đã dự định, đã quả quyết dự định. Một thiếu niên đến gần
nàng cất mũ chào rồi hỏi:
- Thưa cô, có việc gì không?
Hồng quay lại nhìn, lộ vẻ khó chịu:
- Cám ơn ông, tôi không sao cả.
- Thưa cô, cái thằng ấy mất dạy quá. Ðã suýt đè chết người ta
không biết xin lỗi thì chớ, lại còn thất ra những lời thô bỉ! Nhất lại đối với
một thiếu nữ.
Hồng yên lặng, đi thủng thỉnh, người trẻ tuổi vẫn theo bên,
nói tiếp:
- Thưa cô, tôi toan lại cho nó một bài học, thì nó vội cút mất!
Hồng không thể giữ nổi cái mỉm cười, vì thấy người kia mảnh
khảnh, bé nhỏ, chỉ gần bằng nửa người Pháp lái xe. Và nàng nghĩ thầm:
"Chẳng rõ bài học ấy là mấy câu vẩn vơ hay là một quả đấm?"
Chừng cho cái mỉm cười của Hồng có ngụ chút tình cảm, người trẻ tuổi đi gần lại
hỏi:
- Thưa cô đi đâu bây giờ?
Hồng chau mày yên lặng rảo bước. Người kia hiểu, đứng lại rồi
gọi xe mặc cả đi thẳng. Hồng thở dài quay nhìn sang phía hồ, và chợt nhớ tới buổi
gặp gỡ lần đầu của mình với Lương, ở bên hồ này, giữa ngày hội Sinh viên.
"Thực con người tệ bạc! Ðồ nhơn nạn! thế mà còn dám cứ viết thơ mãi cho
mình?"
Nàng không ngờ, không thể ngờ một người yêu nàng như Lương mà
lại quên nàng chóng thế được. Và nàng đoán chắc người vũ nữ hiện ở với Lương
xinh đẹp lắm.
Hồng trả lời lại cái ý nghĩ đó ngay: "Lương thì xinh đẹp
gì mà sao mình cũng yêu!" Nàng cố nhớ lại nét mặt Lương, tưởng tượng ra hết
những cái xấu của Lương để không yêu Lương nữa, để ghét Lương. Vả sự thực, nàng
yêu Lương không phải vì cảm cái vẻ khôi ngô tuấn tú của chàng. Nàng yêu Lương
là do một sự huyền bí hiện ra ở một phút, một giây trong tâm hồn nàng, có lẽ do
số mệnh. Thì nay cũng vì số mệnh mà hai người không yêu nhau nữa, hay đúng hơn,
Lương không yêu nàng nữa: "Ở đời, trăm sự chẳng qua là do số
mệnh cả!"
Ý nghĩ ấy đưa bình tĩnh vào trí não nàng, không phải sự bình
tĩnh thản nhiên khi nàng quả quyết đi tìm cái chết, nhưng sự bình tĩnh kết quả
của luân lý, của lẻ phải. Bây giờ nàng thấy cái chết của nàng vô lý. "Con
người ấy không đánh được ta vì hắn mà chết".
Sự sống dần dần tràn ngập tâm hồn và nàng thấy một lúc một xa
cái chết. Mỗi bước của nàng như đưa nàng gần tới sự giải thoát. Nàng nhìn rặng
cây lá lăn tăn, mùa thu đã nhuộm sắc vàng, thấy một vẻ đẹp êm dịu. Xe điện qua,
cái cần sắt hút lấy sợi dây đồng, tiếng kêu chun chút như tiếng hôn của hai cặp
môi âu yếm. Những thiếu nữ xinh tươi hớn hở nói cười và nhìn nàng bằng con mắt
đầy tình cảm.
Ðời vui lắm! Mà đáng sống lắm!
Và Hồng chợt có ý tưởng sợ chết. Một ý tưởng thoát qua, lờ mờ.
"Thôi, bây giờ ta quay về nhà". Hồng định nghĩ:
"về nhà anh Căn", nhưng hai tiếng "về nhà" trong tâm tư
nàng gợi ra một ý nghĩa khác hắn: Nàng nhớ đến nhà nàng ở Ninh Giang.
Về nhà? Về bằng cách nào? Liệu có về được nữa không? Bao
nhiêu câu hỏi khó trả lời! Hai chân Hồng run không bước vững. Cách đấy một
quãng có cái ghế xi măng. Hồng đi lại ngồi nghỉ, quay nhìn ra hồ. Nàng bỗng để
ý đến hàng cây xoan tây rủ là là xuống mặt nước. Ngày nàng còn đi học, một chị
bạn lớn tuổi có bảo nàng rằng những nơi có người chết đuối hay tự tử cành cây
bao giờ cũng nằm rạp xuống như bị hồn người thiệt mạng hút lấy.
Hồng lại nghĩ đến cái chết.
Nàng đứng dậy, tới vịn thân cây xoan tây, thản nhiên ngắm làn
nước xanh giống như nước lá dành dành mà người dì ghẻ thường ngắt để đắp lên mắt
đau. Bất giác, nàng rùng mình lẩm bẩm: "Thà chết chứ không thể nào lại
quay về sống bên cạnh người dì ghẻ ấy được." Tâm linh nàng thì thầm bảo
nàng: "Chỉ việc nhảy tòm một cái xuống hồ. Thế là xong". Nhưng lẽ phải,
hay đúng hơn, cái lẽ phải nhút nhát cũng thì thầm khuyên nàng: "Ðừng! Vì
nhảy xuống cũng không chết được. Người ta sẽ vớt lên ngay!" Hồng ngoái cổ
ngơ ngác nhìn từng bọn người rầm rập qua lại.
Nàng thở dài trở về chỗ cũ: "Ta sẽ chết. Vì chết là hết".
Những tư tưởng về linh hồn, về xác thịt lộn xộn ở trong đầu nàng. Nàng tin chắc
rằng có linh hồn và linh hồn người ta sau khi chết sẽ hiện về dương gian. Vậy
nàng phải chết và sẽ hiện hồn về mà bóp cổ, mà hành hạ người dì ghẻ. ý nghĩa ấy
làm cho Hồng vừa sung sướng vừa buồn cười.
Bây giờ chỉ còn tìm xem nên chết bằng cách gì và chết ở đâu.
Quanh hồ Hoàn Kiếm, nàng thấy khó lòng mà chết được, vì ở đó người qua lại suất
ngày đêm. Xưa nay biết bao kẻ gieo mình xuống hồ này, nhưng đã mấy ai thoát nợ
đời? Vậy tất phải đến nơi khác, hồ Tây hay hồ Trúc Bạch chẳng hạn.
Trong lúc sốt sắng, Hồng đứng ngay dậy gọi xe lên đường Cổ
Ngư. Nhưng tâm hồn lười biếng, nàng, vẫn như dán xuống ghế. Rồi nàng lại loay
hoay nghĩ tới tình cảnh của nàng. Nàng nhận thấy sống cũng khó khăn như chết.
Ðã viết thư để lại nói đi không về nhà nữa, chẳng lẽ bây giờ lại quay đầu về, lại
vác mặt về! Ê chề lắm! "Người ta" sẽ coi nàng ra cái gì? "Người
ta" sẽ khinh bỉ nàng đến đâu? "Người ta" sẽ hành hạ nàng hơn trước.
Thế thì chết là phải lắm rồi, còn do dự gì nữa!
Hồng vịn ghế đứng dậy. Người nàng lảo đảo. Ðầu nàng nhức nhối
ở hai thái dương. Nàng gọi liều: "Xe!" Một anh phu đặt càng lên rìa
hè. Hồng hỏi ngớ ngẩn:
- Anh có đi không?
- Thưa cô có.
Hồng tưởng trả rẻ để anh phu xe từ chối:
- Sáu xu lên đường Cổ Ngư.
- Xin cô tám xu.
- Sáu xu anh kéo thì kéo, không thì thôi.
Anh kia nhì nhằng:
- Xin cô bảy xu thôi. Cô ăn tiêu về nhiều, làm gì một đồng
xu.
Hồng gắt:
- Không, tôi chỉ trả sáu xu. Anh không kéo thì đi đi.
Nhưng nàng kinh ngạc, sợ hãi biết bao, khi nghe anh xe trả lời:
- Vâng, mời cô lên.
CHƯƠNG 23
Hồng cố không nghĩ nữa để khỏi loay hoay với những câu hỏi thầm:
"Chết bằng cách gì? Bao giờ chết? Chết ngay hay thong thả để suy tính kỹ
đã? Liệu có chết được không?" Nàng nhìn những cửa hiệu, nhìn những người
đi trên vỉa hè, nhìn những biển hàng kẻ chữ Pháp, chữ Nam hay chữ nho, để hết
tâm trí vào cuộc đời hoạt động náo nhiệt ngoài phố. "Còn cái chết, chốc nữa
hãy bàn đến". Nhưng ý nghĩ bạo dạn này chằng trấn tĩnh được lòng nàng, vì
nó lại kéo nàng về gióng tư tưởng hắc ám.
Nàng áy náy quá, sốt ruột quá, toan xuống xe, trả tiền rồi đi
bộc, đi thực nhanh, cho toát mồ hôi ra, cho thực mỏi chân. Nhưng nàng vẫn không
quyết định. Nàng không còn trí quả quyết nữa. Ðến vườn hoa hàng Ðậu, nàng bỗng
rùng mình, do dự, lo sợ. Nàng không hiểu tại sao, và cũng không rõ lo sợ cái
gì. Bất giác nàng kêu:
- Ðỗ!
Anh xe dừng vội, quay lại hỏi:
- Cô xuống đây?
Hồng trù trừ đáp:
- Thôi... cũng được 1
Anh kia định đặt càng xe xuống rìa đường thì nàng lại giục:
- Ði đi chứ!
Anh xe vừa bước bước một vừa lẩm bẩm:
- Ðỗ lại rồi lại đi đi.
Hồng gắt cho có câu gắt, vì nàng đương tìm làm việc gì để
tránh được cái ý định ghê gớm, để thoát được áp bách mỗi lúc một mạnh.
- Tôi mặc cả anh xuống đường Cổ Ngư chứ đến vườn hoa hàng Ðậu
à?
Anh xe yên lặng thở dài cắm đầu rảo bước. Hồng nhắm mắt đếm từ
một đến hai mươi; nàng mở mắt ra nhìn. Rồi lại đếm tiếp...
- Cô xuống chỗ nào?
Hồng giựt mình kinh hoảng, trông sang hai bên hồ:
- Ðến nơi rồi à?
Anh xe đứng lại đáp:
- Phải.
Rồi làu nhàu:
- Sáu đồng xu, còn định đến đâu nữa?
- Anh muộn đỗ vô đây thì đỗ cũng được.
Hồng mỉm cười vơ vẩn bước xuống đường, trả tiền.
- Quái! qua đền Chấn Võ lúc nào tôi không biết đấy.
- Ðền Quan Thánh kia. Cô xuống đền Quan Thánh thì sao không bảo
đền Quan
Thánh, lại bảo đường Cổ Ngư. Cô làm tôi kéo xa mất mười bước.
Hồng thủng thẳng đi trở lại, vào đền, cất để anh xe khỏi lưu
ý đến mình. Nàng tưởng anh ta ngờ nàng đi trầm mình. Kỳ thực anh ta chỉ đoán rằng
nàng đến đó chờ đợi tình nhân.
Người đàn bà bán hương hoa chào mời. Hồng mua một thẻ hương,
một chục vàng và một gói hoa. Trả tiền xong, nàng ngơ ngác không hiểu mình mua
những thứ ấy để làm gì.
Nàng ngớ ngẩn hỏi bà hàng:
- Ngày thường có lễ được không, nhỉ?
Người kia nhanh nhầu đáp:
- Ðược chứ! Cô vào mượn ông từ cái khay. ông ấy sẽ đưa cô vào
lễ. Cô xin thẻ?
- Phải, tôi xin thẻ.
Kỳ thực, mãi lúc bấy giờ người kia nhắc, Hồng mới tưởng tới
xin thẻ. Và nàng nghĩ thầm "Ừ, ta thử xin một quẻ xem Thánh dạy ra
sao".
Thấy lễ vật sơ sài, ông từ chỉ cho Hồng mượn cái khay, rồi để
nàng một mình lên đền. Hồng đưa mắt nhìn quanh một vòng: mấy gian đền cao rộng,
không thấy bóng người nào. Nàng lại gần bệ tượng, tò mò ngắm nghía hai bàn chân
đồng đen. Bỗng nàng rùng mình khiếp sợ: Nàng vừa ngước nhìn lên và gặp đôi mắt
trắng dữ tợn của pho tượng.
Nàng vội lùi ra, đến trước hương án ngồi lễ, vừa lễ vừa khấn.
Câu khấn của nàng dài lắm, vì lúc nàng cầm ống thẻ vái xin một quẻ, câu khấn vẫn
chưa dứt. Nàng kể lể hết việc nhà, việc riêng với ông Thánh, coi ông Thánh như
một người bạn thân yêu có thể an ủi được mình. Rồi nàng lắc ống thẻ. Tiếng kêu
đều đều khiến nàng chợt nhớ tới cái ống thẻ của các hàng bán kẹo rong.
Hồng phải xin hai lần mới xong, vì lần đầu, lắc mạnh và hấp tấp
quá làm ba, bốn thẻ tre cùng rơi ra ngoài một lúc.
Nàng đem thẻ xuống nhà dưới đưa cho ông từ và ấp úng:
- Thưa cụ... đây ạ.
Ông từ đọc: "bốn chín", rồi trao cho Hồng một mảnh
giấy vàng:
- Năm xu!
Hồng kính cẩn nộp tiền, vái chào quay ra, vừa đi vừa gấp quẻ
thẻ bỏ vào ví da, không buồn nghĩ xem trong đó Thánh bảo những gì.
Khi Hồng qua chỗ người đàn bà bán hương hoa người này hỏi:
- Quẻ thẻ có hay không, cô?
Hồng đáp liều:
- Cũng khá.
Người kia giọng nói đầy tín ngưỡng:
- Lạy Thánh, chứ Thánh dạy sao thì y như rằng là thế.
Hồng mỉm cười nghĩ thầm: "Chắc hắn Thánh không dạy mình
nên tự tử". Và nàng vui vẻ bước mau trên đường vắng. "Phải vui vẻ mà
chết! Buồn thì không chết nổi đâu, vì buồn hay sinh ra nhút nhát". Hồng thấy
mình can đảm lên bội phần, và có lúc toan chạy ra ven bờ nhảy tòm xuống hồ Trúc
Bạch. Nhưng sắp sửa gieo mình, nàng bỗng kinh hãi lùi lại. Hình như có ai, có một
sức mạnh thiêng liêng, huyền bí nắm chặt hai vai nàng kéo về phía sau. Nàng ngồi
xuống cỏ, lười biếng nghĩ tới phép oai nghiêm của thần thành: "Biết đâu
không phải đức Thánh cảm lòng thành kính của mình hiện về ngăn cản không cho
mình chết!" Hồng mở ví lấy quẻ thẻ ra ngắm nghía những dòng chữ nôm:
"Không hiểu thánh dạy những gì? Mình rõ cũng khờ, sao không nhờ ông từ ông
ấy đọc và giảng cho". Nàng có ý muốn quay về đền để làm việc ấy, và có lẽ
để lùi lại ít lâu sự quyết định dữ dội.
Nàng uể oải đứng dậy... Nhưng nàng lại uể oải ngồi xuống.
Hình như bao nhiêu nghị lực nàng đã dùng hết lúc định nhảy xuống hồ. Và nàng lắc
đầu, thở dài nghĩ thầm: "Chết khó quá đi mất thôi!"
Tiếng chim sẻ đánh nhau ríu rít trong lá đa cao su, Hồng ngửa
mặt nhìn lên. Hai con chim con rơi xuống cỏ, hung tợn mổ nhau tiếng kêu chích
chích, Hồng toan lại vồ đôi chim đang xoắn xuýt lấy nhau. Nhưng chúng đã bay vụt
lên cây.
Hồng quên bẵng cái chết, và cảm thấy tâm hồn bình tĩnh hắn lại.
Sự bình tĩnh ấy chỉ có trong một phút, và nhường chỗ ngay cho sự chán nản hoàn
toàn. Chán nản vì không biết quyết định ra sao, không dám quyết định ra sao. Bực
tức, khổ sở, đau đớn, nàng bưng mặt ngồi khóc, khóc rất lâu.
- Chị Hồng đấy, phải không?
Hồng vội vàng lau nước mắt và nhớn nhác, sung sướng quay lại
nhìn. Nàng cho người mới tới đó là trời sai đến cứu mệnh nàng, như người ta kéo
người chết đuối ra khỏi nước. Nàng mừng không phải vì người ấy đến ngăn cản
không cho nàng chết, nhưng vì nàng đã bất ngờ ra khỏi được chỗ băn khoăn đương
khó nghĩ khó quyết định.
- Chị ngồi đây làm gì thế?
Hồng giật mình, hoảng hất nhìn người trẻ tuổi, tay dắt xe đạp.
Nàng thì thầm? "Yêm! Yêm...!" Yêm là con dì ghẻ, người em cùng bố
khác mẹ của nàng. Trong gia đình nàng, chỉ có Yêm là tử tế với nàng, có khi lại
tỏ lòng thương hại nàng nữa. Nhưng nàng vẫn cho hắn là giả đạo đức và vẫn khinh
bỉ không thèm gần, không thèm chuyện trò với.
- Thưa chị, chị lên Hà Nội hôm nào?
Hồng vẫn ngồi im, không đáp.
- Thưa chị, ở nhà bình yên đấy chứ?
Câu này làm cho Hồng phát cáu vì đã nhắc nàng nhớ tới gia
đình. Nàng lớn tiếng mắng Yêm:
- Mày xéo ngay! Tao không nói chuyện, nói trò gì với mày!
Yêm toan nhảy lên xe đạp đi thẳng. Nhưng thoáng trông thấy mắt
Hồng ướt và đỏ hoe, Yêm hiểu ngay rằng Hồng khổ sở mà hắn là khổ sở vì mẹ mình,
liền ghé lại gần Hồng, thì thầm:
- Em xin lỗi chị!
Hồng cảm động, lại thổn thức khóc. Yêm cũng không cầm được nước
mắt. Chàng bảo Hồng:
- Chị khổ lắm, phải không? Ở nhà đã lại có chuyện gì thế chị?
Hồng nức lên một tiếng. Một lát sau, nàng mới nói được:
- Chị chết đây, em ạ.
- Chết! Sao chị lại nghĩ lẩn thẩn thế?
- Lẩn thẩn gì! Sống khổ, sống nhục thì sống làm gì?
- Ðầu đuôi câu chuyện ra sao?
Hồng đăm đăm nhìn Yêm, vẻ mặt căm tức:
- Ra sao! Mày lại còn không biết ra sao à?
Yêm thở dài:
- Chừng mẹ em lại lới thôi với chị, chứ gì.
Hồng toan đáp "chính thế!", nhưng thấy Yêm tất bụng
quá, không nỡ thất ra câu ấy, mà cũng không dám kể lại những việc đã xảy ra
trong gia đình.
- Thưa chị, em còn lạ gì mẹ em. Chả cứ đối với chị đâu, đến đối
với em, mẹ em cũng... cũng hành hạ, chửi mắng... coi như quân thù, quân hằn. Có
khi... Ðấy chị coi, mỗi lần em bênh chị và khuyên can mẹ em, thì trong nhà có
ra sao đâu. Em nghĩ em chán quá, chả muốn về nhà nữa.
Nghe Yêm nói, Hồng cảm thấy sự dịu dàng thấm dần tâm hồn.
- Chị đã gặp chị phán chưa?
- Chị Hảo đấy ư? Ðã... Tôi ở nhà chị Hão vừa ra đây.
- Chị đi chơi quanh một vòng với em nhé?
Yên lặng. Hồng đứng dậy, quất thắng những vạt áo:
- Ði đâu bây giờ?
- Hay em gọi xe, đưa chị về chị phán?
- Cũng được.
- Ồ thế thì em sung sướng quá? Vậy em đi gọi xe nhé?
Yêm vui mừng thành thực nhảy lên xe đạp, khiến Hồng quên hết
phiền muộn, mỉm cười nhìn theo. Yêm quay đầu lại dặn:
- Chị đứng chờ em một chút nhé, em trở về ngay.
Thực vậy chỉ một phút sau. Yêm trở lại, đi kèm bên một cái xe
kéo. Hồng hấp tấp lên xe như để đi trốn, trốn cái chết.
Hai người về đến nhà thì vừa gặp Căn ra đi làm. Chàng ngả đầu
đáp lễ hai em vợ.
Hồng cho cử chỉ ấy quá lãnh đạm vì nàng tưởng ai ai cũng biết
nàng vừa thoát chết. Và ai ai cũng phải vui mừng cho nàng.
Thấy nàng, Hảo gọi rồi nói liền liền:
- Kìa em Hồng! Em đi chơi đâu về thế? Em bảo em đi năm phút
làm cô Nga với chị chờ mãi không thấy em về, suất cả ruột.
Hồng nghĩ thầm: "Chị em ruột thịt có khác!"
- Em đến đằng kia... gặp Yêm, em rủ lại chơi.
- Ồ! Cả cậu Yêm cũng đến chơi đấy à?
- Vâng, cậu ấy gặp người bạn ở đầu phố, còn đương đứng lại
nói chuyện. Rồi nàng hạ giọng bảo chị:
- Chị ạ, em không ngờ, thằng Yêm thế mà còn khá.
- Ðấy chị vẫn bảo thế, em có tin chị đâu.
- Em ghét người mẹ, em ghét lây cả lũ con.
- Chà, cũng được một mình thằng ấy. Còn mấy đứa bé ở nhà thì
chúng nó dễ chẳng kém mẹ chúng nó mấy tí. Thực chúng nó đối với em không khác bọn
cô bên chồng.
Hảo cười:
- Như cô Nga đối với chị, chẳng hạn... kìa cậu Yêm đã đến đó.
Yêm vừa đạp xe đạp vào chồng cánh cửa hàng vừa nhanh nhảu
chào:
- Lạy chị ạ!
- Cậu vào chơi, hôm nay cậu nghỉ học?
- Không, em đến trường bây giờ đây.
- Bây giờ chưa đến trường thì muộn mất. Anh Căn đi làm đã lâu
rồi.
- Thưa chị chậm một tí cũng được. Em sẽ xin lỗi, nói gặp nạn
xe đạp chẳng hạn. Vả lạitừ đây đến trường, em phóng chỉ mất độ năm phút.
- Vậy cậu đi học thôi. Chằng muộn.
- Vâng, em xin đi đây. Lạy hai chị ạ. Chốc tan học em lại đến
nhé?
- Ừ chốc cậu đến chơi.
Yêm chào lần nữa rồi nhảy phắt lên xe cắm đầu đạp. Hồng nhìn
theo, lẩm bẩm:
- Có học cũng có hơn. Ngày còn bé nó có ra gì đâu!
Hảo nói:
- Phải, ở gần người đàn bà tàn ác ấy thì còn ai tất sao được!
Nghe Hảo nhắc đến dì ghẻ, Hồng lại nhớ tới sự đau khổ của
mình. Nàng ứa nước mắt bảo chị:
- Em chết hụt đấy, chị ạ.
Hảo sợ run lên:
- Chết chửa! Sao thế, em?
- Chị lên buồng, em nói chuyện.
Hảo vội gọi vú già ra trông hàng, rồi cùng em lên gác.
Vừa ngồi xuống ghế, Hồng nước nở khóc liền. Và nàng kể hết mọi
sự đã xảy ra. Hảo cũng khóc theo. Rồi an ủi, khuyên can:
- Sao em dại dột thế? Chị vẫn bảo em rằng thằng Lương không
ra gì, em không nghe chị. Thế cũng xong, em ạ. Còn việc nhà thì chị cam đoan với
em rằng không sao. Chị sẽ đưa em về xin lỗi thầy. Chị bảo Yêm cùng về. Nó sẽ
răn bảo mẹ nó, nó sẽ làm cho mẹ nó xấu hổ mà sửa đổi lại tính nết... Thôi bây
giờ thì em đi nằm nghỉ một lát cho tỉnh người lại, nhé?
Hảo dục em cởi áo, dắt em lên giường Nga nằm, âu yếm xoa đầu
em, và kéo chăn đơn đắp cho em. Hồng thấy lòng đỡ thổn thức, rồi dịu dịu dần.
Nàng nhắm mắt nằm im. Hảo tưởng nàng ngủ, rón rén bước xuống nhà.
CHƯƠNG 24
Vú Hà vừa đi khỏi nghĩa địa tây thì gặp Sen, đầy tớ gái bà
Thông, và Sửu, anh bếp trong phủ. Hai người này đón đường hỏi thăm chuyện cô Hồng
để chốc nữa về thuật lại cho chủ nghe. Nếu lượm được nhiều tin hay thì dẫu họ
có ăn bớt tiền chợ một cách quá đáng, chủ biết cũng sẽ làm ngơ. Vì thế, xưa nay
họ vẫn có tài đi do thám việc từng nhà, việc quan trọng cũng như việc tầm thường,
quý hồ có cái mà kể với chủ dù phải bịa đặt thêm thắt vào cho vui, cho nổ câu
chuyện.
Vừa nhác trông thấy vú Hà, Sen chạy ngay lại chào, rồi đỡ lấy
cái rổ, nói:
- U đưa tôi cắp cho nào.
Sửu khôn ngoan bắt đầu cuộc do thám bằng một câu chuyện làm
quà, vì anh bếp già hiểu tâm lý bọn đồng nghiệp lắm: Muốn họ kháo việc nhà họ,
trước hết mình phải kháo việc nhà mình.
Anh ta bảo vú già:
- Hôm qua cai Lợi bị quan tát cho một cái nên thân.
Cặp mắt vú Hà vội nheo lại:
- Ồ! Thế à? Tại sao thế bác?
- Tại hắn ta ghẹo vú cậu, quan bắt gặp…
Vú Hà cười gập người lại, đánh rơi mất miếng trầu đương ngậm ở
một bên hàm.
- Cho chết! Ai bảo lẳng lơ lắm!
Sen tinh quái hỏi:
- U bảo ai lẳng lơ? Bác cai Lợi hay chị vú Ðông?
- Bảo cai Lợi đấy chứ?
Sửu láu lỉnh gợi chuyện:
- Tưởng chỉ con gái thì mới lẳng lơ thôi chứ! Như chị Hồng
nhà vú chẳng hạn…
Sửu ghé lại gần vú Hà, hạ giọng hỏi:
- Nghe nói hôm qua bà cho chị ấy một trận nên thân, phải
không?
- Không, bà tôi có đánh chị ấy bao giờ đâu.
- Thế còn ông nhà?
Rồi vú Há thuật lại cho hai người nghe đầu đuôi câu chuyện:
- Hôm trước mãi nhá nhem tối, Hảo, Hồng và Yêm mới về nhà.
Lúc bấy giờ ông phán đương ở chơi trong phủ. Bà phán nằm nghỉ trên gác, nói
thác nhức đầu không xuống. Nhưng Yêm đã chạy vội lên chào mẹ.
Kể đến đây, vú Hà cảm động bảo Sửu:
- Bác bếp ạ, cậu Yêm cậu ấy thế mà tốt bụng. Tuy khác mẹ đấy,
nhưng cậu ấy thương chị Hồng lắm. Chả biết cậu ấy nói những gì với bà tôi, mà
bà tôi làm ầm cả nhà lên, rồi bà tôi khóc, rồi bà tôi đập mất một cái chén với
một cái ống nhở sứ, rồi bà tôi cho đi tìm ông tôi về ngay lập tức.
Sửu tò mò hỏi:
- Vậy u không biết cậu Yêm nói những gì với bà?
- Không. Tôi chỉ nghe thấy bà tôi thét: “Trời ơi! thằng Yêm
nó nhiếc tôi! Ông phán ơi, ông về mà xem con ông nó chửi tôi đây này.”
Sem mỉm cười, thích chí:
- Vậy ra cậu Yêm bênh cô Hồng?
- Ðã bảo không biết cậu ấy nói những gì với bà tôi mà lị.
Sự thực, Yêm chỉ khuyên mẹ nên ăn ở tử tế với Hồng, nên thành
thực thương yêu Hồng như con đẻ, thì Hồng sẽ thương yêu kính mến lại mình như mẹ
ngay.
Ông phán ở phủ về giữa lúc bà phán gào thét, đập phá, khóc
lóc. Ông lên thẳng trên gác và chẳng nói chẳng rằng, ông tát cho Yêm hai cái rồi
đuổi xuống nhà.
Một lát sau ông và bà phán cùng xuống phòng khách, Hảo dắt Hồng
ra chào và vừa mếu máo vừa xin lỗi cho em đã trót dại. Nhưng ông phán không
thèm nghe, ông túm lấy tóc Hồng và co chân đạp một cái thực mạnh, khiến nàng
ngã ngồi xuống đất.
- Mày còn vác mặt về làm gì, hở con đĩ?
Hảo ấp úng:
- Bẩm thầy, thầy thương em con, em con nghe tin con mệt, vội
lên thăm, không kịp xin phép…
Một tiếng cười gằn của bà phán khiến nàng ngừng lại. Ông phán
như giải nghĩa cái cười của vợ:
- Thì bức thư có để lại còn kia. Trong thư nó nói không thèm
trở về cái nhà nầy nữa mà! Mày còn bênh vực em mày nữa thôi?
- Bẩm thầy, thầy tha tội cho em con, em con trót dại.
Lần thứ hai bà phán cười gằn:
- Trót dại!
Ông phán tiếp luôn:
- Trót dại! Ði theo trai rồi cũng kêu trót dại, phải không?
Nghe thấy nhắc đến việc theo trai, Hồng lại chợt nhớ đến
Lương, người đã tình phụ nàng khiến nàng phải quay về gia đình, không thoát nổi
nơi “địa ngục” ấy. Nàng liều lĩnh nói với cha:
- Bẩm thầy, mỗi cái nếu thầy không thương con nữa thì thầy cứ
giết ngay con đi cho con thoát nợ đời.
Bà phán lại cười:
- Sao cô xui dại thầy thế? Giết cô để mà ngồi tù nhé? Con đi
làm đĩ không đủ xâú hay sao, lại còn muốn bố ăn cơm ống bơ nữa?
Câu mỉa mai quá đáng khiến ông phán phải chau mày và Hảo ứa
nước mắt.
Hồng sừng sộ:
- Cô không có phép vu cáo…
Bà phán vẫn cười mát, ngắt lời:
- Hùng hồn nhỉ? Chả đi học mà làm thầy kiện cũng hoài!
Hồng toan cãi lại nhưng Hảo đưa mắt ra hiệu bảo im, rồi lại gần
dì ghẻ thì thầm:
- Em nó dại dột, cô làmơn xin với thầy hộ cho nó, nó sẽ không
dám quên ơn cô.
Bà phán nói to như để phân vua:
- Thì đấy, có chị đấy nhé, không lại bảo tôi đặt điều ra cho
nó. Nó cãi lại tôi sa sả, nó có coi tôi ra gì đâu… Ðến thầy nó, nó còn chả coi
ra gì nữa là tôi.
Ông phán thở dài, chừng để biểu đồng tình một cách lẵng lẽ.
Bà phán lại nói, giọng cố làm ra cả động:
- Chị tính tôi khổ sở, đau đớn, nhục nhã vì nó. Mấy hôm nay
tôi có dám vác mặt đi nơi nào đâu. Tôi sợ người ta cười, người ta mỉa mai. Chị ạ,
thực trong nhà chưa tỏ ngoài ngõ đã hay, một tí gì mà người ta không biết? Người
ta biết cả tên cái thằng quyến rũ nó là Lương đấy chị coi.
Hồng phần xấu hổ, phần căm tức, khóc nức lên đi vào nhà
trong:
- Trời ơi! Sao tôi không chết quách cho rồi, còn trở về cái
nhà này làm gì?
Ông phán mắng chửi ầm ỹ, và nếu không có bà phán giữ ông để tỏ
lòng tốt với Hảo thì ông đã lại túm lấy Hồng mà đánh.
- Ðấy chị coi, nó có chịu nhục đâu!
Yêm đăm đăm nhìn mẹ, rồi cũng bỏ vào nhà trong để an ủi Hồng.
Ông phán thấy vậy gọi giựt lại:
- Yêm! Bỗng dưng mày nghỉ học về nhà để làm gì?
Yêm quay lại, cúi đầu đứng im lặng. Sao tao hỏi, mày không
nói thằng kia?
- Bẩm… Hôm nay thứ năm.
- Thế mai?
Yêu trả lời liều:
- Sáng mai con có cả ba giờ “permanence”. Bẩm ở lớp nhất bao
giờ cũng có nhiều giờ nghỉ.
Rồi, chừng để gợi tình trắc ẩn của cha mẹ, Yêm nói tiếp:
- Bẩm… với lại con về để xin thầy mẹ cho chị Hồng… Hôm nọ
không có con… thì chị con chết rồi còn gì.
Yêm thuật lại buổi gặp Hồng ở bên hồ Trúc Bạch, thêm thắt vào
câu chuyện trở nên ghê sợ, bi đát. Ông phán cố dấu tiếng thở dài, và lạnh lùng
nói:
- Sao mày không để cho nó chết? Chết đi còn hơn là sống mà
làm điếm nhục gia phong.
Bà phán hằm hằm nhìn con:
- Cả mày nữa. Mày cũng chết đi cho rảnh mắt tao: Tao không muốn
có thằng con bất hiếu bất mục như mày!
Yêm rùng mình sợ hãi vì như đoán thấy trong cặp mắt thù oán của
mẹ, cái ác ý ghê gớm của một người đàn bà tàn nhẫn.
CHƯƠNG 25
Hảo nấn ná ở chơi nhà hơn nửa tháng. Ở nhà để bênh vực em, để
an ủi và khuyên bảo em nữa. Nàng vẫn còn lo sợ. Câu chuyện định tự tử của Hồng
lúc nào cũng lảng vảng trong óc nàng. Có đêm nàng mơ thấy em gieo mình xuống nước,
khiến trong giấc ngủ nàng khóc òa lên.
Nghe nàng thuật lại giấc chiêm bao, Hồng cảm động và cười chảy
nước mắt. Rồi từ lúc đó cho tới sáng hai chị em thì thầm nói chuyện, sau khi đã
lắng tai nghe tiếng ngáy đều đều của Tý và Thảo nằm ngủ ở hai cái giường kê gần
đấy: Hảo thừa biết con dì ghẻ luôn luôn để ý do thám chị em mình.
Một đêm nàng đã lợi dụng sự do thám ấy: Nàng nói những câu mà
nàng cốt Tý và Thảo nghe rõ để chúng mách lại với dì ghẻ. Nàng bấm cho Hồng hiểu
ý định của nàng, rồi nàng đem những lời hơn lẽ thiệt ra nói với em, khuyên em
nên để cha được yên tuổi già trong cảnh gia đình êm ấm. Còn “cô” tuy không đẻ
ra mình nhưng đẻ ra đàn em cùng một huyết thống với mình, thì mình có thể thành
thực yêu gần như một người mẹ được, như một người mẹ thứ hai của mình.
Hồng toan cãi lại, nhưng Hảo bưng vội lấy miệng nàng và nói
tiếp luôn. Thấy thế Hồng nằm im để mặc chị thuyết lý để mặc chị dạy những bài
luân lý thông thường, những bổn phận con đối với cha mẹ và chị đối với em. Mãi
khuya mới biết chắn chắn rằng Tý và Thảo đã ngủ say, Hảo mới bảo cho Hồng biết:
- Chị cốt nói cho chúng nghe thấy.
Hồng bật lên tiếng cười to. Hảo vội lay mạnh cánh tay em…
- Chết! Lỡ chúng nó thức dậy…
Nhưng hai người lắng tai nghe không thấy tiếng động đậy:
trong yên lặng hầu hoàn toàn của ban đêm, tiếng ngáy vẫn đều đều và se sẽ. Hồng
thở dài bảo chị:
- Khổ thực, chị ạ, mình ở nhà mình mà hình như lạc vào đám
quân thù… giữ gìn từng tí, lúc nào cũng sợ sọ hãi hãi, sợ hãi từ đứa ở trở lên,
chung quanh rặt giống mật thám… Một nơi địa ngục chứ gia đình gì lại thế!… Chị
đã rõ vì sao em muốn tự tử chưa.
Hai tiếng tự tử lại làm cho Hảo rùng mình.
Nàng ngập ngừng bảo em:
- Ở đời cần phải nhẫn nại… Người ta sẽ nghĩ lại… tự thấy lỗi
người ta…
Hồng ngắt lời:
- Nghĩ lại! Không bao giờ người ta nghĩ lại đâu, chị ạ.
Rồi nàng hậm hực:
- Sao bây giờ chị sinh ra nhút nhát, nhu nhược đến thế. Trước
kia, chị bướng bỉnh chửng chạc biết bao.
Hảo ôn tồn đáp:
- Trước khác, bây giờ khác.
Nàng định nói: trước kia nàng chỉ tưởng đến nàng, đến tự do của
nàng, nhưng nay nàng nghĩ đến tính mệnh của Hồng. Sợ em hiểu những ý thầm kín của
mình, nàng giải nghĩa:
- Trước kia chị còn dại, làm việc gì cũng bồng bột hấp tấp. Vả
lại bây giờ thầy già yếu, chị em mình cũng nên khéo ăn ở cho thầy vui lòng, cho
thầy đỡ khổ với người ta; vì mình kình địch với người ta thì người ta lại giầy
vò thầy…
Hồng nức nở khóc:
- Chị ở xa chị không biết đấy, em chả kình địch với người ta
bao giờ, người ta cũng vẫn bêu xấu, bêu nhuốc em như thường.
Thấy Hồng nói mỗi lúc một to hơn và sợ nàng khóc ầm nhà, Hảo
dịu dàng vỗ về khuyên dỗ, rồi một lát sau nàng cất tiếng ngáy làm như đã ngủ
say.
Sáng hôm sau thấy dì ghẻ đổi hẳn thái độ với mình. Hảo hiểu
ngay rằng bọ do thám đã mắc mưu. Vừa thoáng thấy nàng đi qua sân sau, bà phán vội
gọi:
- Chị phán vào uống nước.
Hảo kéo ghế ngồi hầu chuyện cha và dì ghẻ, rắp tâm tìm cách để
ân cần xin lỗi cho Hồng.
Bà phám mỉm cười nhìn nàng, khẽ gật, rồi quay sang nói với chồng:
- Bao nhiêu cái tử tế, cái khôn ngoan, cái phúc, cái hậu dồn
cả vào chị phán, chị Hồng chả còn được lấy một tí.
Hảo lễ phép đáp:
- Thưa cô, em nó dại dột lắm, tiếng có lớn mà chẳng có khôn,
thôi thì điều hơn lẽ thiệt xin cô dạy bảo cho. Bây giờ cô cũng như mẹ…
Ông phán kinh ngạc. Lần đầu ông nghe thấy Hảo nói với bà phán
những lời kính cẩn, từ tốn. Ông đăm đăm nhìn, như để thầm cám ơn con: “Thầy
sung sướng lắm, con có thấy không?” Và ông âu yếm bảo nàng:
- Uống nước đi, con.
Hảo nâng chén, nói:
- Xin mời thầy, mời cô xơi nước.
Bà phán niềm nở:
- Chị uống đi.
Rồi quay lại hỏi vú Hà:
- Ðã pha sữa cô phán xơi chưa?
Hảo lấy lòng bà phán để vì nể mình mà thôi không hành hạ em nữa.
Và nàng mừng rỡ nhận tháy bà ta dần dần bớt cay nghiệt độc ác đối với Hồng.
Nhưng nàng vừa đi Hà Nội buổi sáng thì ngay buổi chiều đâu lại
hoàn đấy. Những tiếng chửi cạnh, chửi khoé lại vang lên trong hàng giờ. Những
câu nhiếc móc mỉa mai lại suốt ngày tuôn ra. Bà phán vẫn không thay đổi: Người
ta thay đổi sao được một thói quen!
Trái lại, Hồng đã thay đổi hẳn tính nết: Nàng chỉ đem sự yên
lặng thản nhiên ra đối đáp lại sự tàn ác ầm ỹ của dì ghẻ. Nàng thay đổi không
phải vì những bài học luân lý, những lời khuyên răn của Hảo đã cảm hoá được
nàng. Nàng thấy Hảo cái gương phản kháng mà nàng vẫn noi theo, nay vì nàng, vì
muốn cứu vớt nàng, đã hạ mình phục tòng dì ghẻ. Ðó là một sự hy sinh rất lớn của
chị, một sự hy sinh phạm tới lời thề mà một hôm quá phẫn uất, chị đã thốt ra: Hảo
thề rằng đến ngày chết, không bao giờ còn quay lại nói một câu tử tế với dì ghẻ
nữa. Thế mà nay nàng tử tế với dì ghẻ, phục tòng dì ghẻ, Hồng suy nghĩ tới điều
ấy, trong mấy hôm liền và cảm thấy tình yêu rào rạt trong lòng, không phải tình
yêu ích kỷ của trai gái, nhưng một tình yêu thiên về trắc ẩn đối với khắp mọi
người. Vì thế, nàng quả quyết theo gương chị và quy thuận ngưòoi dì ghẻ, cũng
như ngày xưa nàng đã theo gương chị mà phản đối người đàn bà ấy.
Còn một điều nữa khiến nàng thay đổi tính nết, điều mà mỗi lần
tưởng tới nàng không khỏi lấy làm tự thẹn: Là nàng đã tìm một lần thoát ly gia
đình bằng cách bỏ nhà trốn đi, một lần thoát ly cái đời khổ sở bằng cách tự
sát. Nay suy đi nghĩ lại, nàng mới thấy sự thoát ly không dễ dàng, giản dị như
nàng tưởng hay như những nhà tiểu thuyết lãng mạn tưởng tượng ra.
Chi bằng không tìm thoát ly nữa mà cứ coi như mình đã thoát
ly rồi. Nàng thường ví gia đình nàng với nơi ngục thất. Song những tù nhân có mấy
người tự sát để thoát ly được đâu, kể cả tù nhân bị kết án chung thân? Nàng nhớ
một lần Nga đọc cho nàng nghe câu tư tưởng của một nhà hiền triết nào đó: “Có một
linh hồn tự do thì dù sống trong ngục thất, sống trong địa ngục, mình vẫn coi
như không bị giam hãm, xiềng xích”. Câu tư tưởng ấy trước kia nàng không lưu ý
đến, nhưng nay nàng thấy có một nghĩa rõ rệt và sâu xa.
Huống hồ trong cái ngục thất gia đình của nàng còn có cái mà
nàng yêu được: làm việc; còn có người mà nàng yêu được: cha nàng. Cha nàng,
nàng cho là cũng một tù nhân như nàng, và cùng nàng cùng sống trong một ngục thất.
Lần đầu nàng cảm thấy hết cả sự khổ sở, sự đau đớn của người cha tốt, nhưng nhu
nhược, bị vợ áp chế, hành hạ.
Cho nên nàng quả quyết sống một đời mới, một đời khác hẳn trước,
một đời khoáng đục, không thù, không ghét, không ghen, không tức ai. Và nàng bắt
đầu thực hành ngay những ý định của nàng.
Sáng hôm ấy nàng thức dậy sớm lấy áo cũ ra mạng những chỗ
rách và khâu lại những đường sứt chỉ. Ðoạn nàng đánh thức hai em dậy học ôn
bài. Tý và Thảo cau có gắt gỏng, nàng chỉ tươi cười đáp lại bằng những lời dịu
dàng.
Nghe tiếng dì ghẻ quát tháo gọi vú Hà, không những nàng không
lấy làm khó chịu, mà nàng vội vàng chạy lên gác và lễ phép nói:
- Thưa cô, vú Hà đi mua bánh tây ạ.
Bà phán trừng trừng nhìn nàng, cho cử chỉ của nàng là láo xước,
là khiêu khích. Bà càng căm tức khi nghe Hồng ôn tồn nói tiếp:
- Thưa cô, cô bảo vú Hà điều gì ạ?
Bà phán hằm hằm quay ngoắt đi:
- Tôi cámơn.
Hồng rón rén bước xuống thang gác.
Từ đó, bà phán càng ghét Hồng. Bà không hiểu sự yên lặng,
lòng nhẫn nại của Hồng mà bà cho là giả dối.
Và luôn luôn bà bảo chồng: “Ông coi, nó cứ lì lì cái mặt nó
ra”, hay “ông thấy không, nó trêu tức tôi đấy!”. Lâu ngày, ông phán cũng tin rằng
Hồng định trêu tức dì ghẻ.
CHƯƠNG 26
Hồng ốm đã hơn hai tuần lễ.
Chiều nay cũng như mọi buổi chiều, nàng đăm đăm mong Tý đi học
về. Từ hôm bà phán thấy bệnh nàng trầm trọng và sợ lây sang hai con, bắt dọn buồng
kho ở trên gác cho nàng nằm thì nàng sống cách biệt hẳn mọi người. Một ngày, trừ
vú Hà hai lần bưng cơm lên, nàng chỉ còn gặp mặt Tý chiều chiều đem báo hôm trước
lên cho nàng, thỉnh thaỏng đến bên giường hỏi thăm.
Trong hai đứa em xưa kia vẫn thù ghét nàng và vẫn bị nàng thù
ghét, nay nàng đã được lòng Tý. Có nhiều lúc nàng tưởng Tý yêu nàng nữa: không
phải nàng đã lấy lòng Tý để mong được dì ghẻ nghĩ lại mà thương hại nàng hay ít
ra để cho nàng được yên thân. Không phải. Sự yên thân nàng chỉ hy vọng ở nàng.
Nàng đã nhận thấy, đã hiểu rõ rằng chỉ khi nào chính mình quả quyết để cho mình
yên thân thì mình mới yên thân. Sự bình tĩnh của tâm hồn không ai có thể cho
mình, cũng không ai có thể cướp của mình được. Nàng còn nhớ một hôm bỗng dưng
nàng cảm thấy sung sướng – cái sung sướng hồn nhiên mà người ta thường vụt có.
Giữa lúc ấy bà phán thét mắng đầy tớ om sòm, cốt để chửi cạnh nàng và làm cho
nàng khổ sở. Nhưng nàng vẫn dửng dưng, như không để ý tới. Như không nghe thấy
gì hết. Ngày nay không những nàng không nghĩ để tìm nghĩa xa xôi những câu bóng
gió của dì ghẻ mà những lời sâu cay độc địa dì ghẻ nói thẳng vào mặt nàng cũng
không làm cho nàng động lòng nữa.
Vậy nàng tử tế với Tý và Thảo là chỉ vì nàng muốnt ử tế, chỉ
vì nàng đã nhận thấy khi nào mình tốt, tốt với khắp mọi người, cả với kẻ thù
thìmình sung sướng, thì mình bằng lòng mình, thì tự nhiên sự bình tĩnh sẽ thấm
sâu vào trí não vào tâm hồn mình. Xấu bụng, ác nghiệt, làm cho kẻ khác khổ sở,
mình có được lợi lộc gì đâu! Ðiều ấy, nàng đã nhiều lần nghĩ đến và nay trên
giường bệnh, tâm trí nàng nhọc mệt nhưng sáng suốt hơn lúc khoẻ mạnh, càng thấy
rõ rệt lắm. Những sự xảy ra, những lời nói, việc làm hằngngày của bà phán và những
người sống chung quanh nàng mà trước kia nàng không lưu ý tới, lúc này như bỗng
hiện thành hình, tựa cuốn “phim” đem chiếu trên màn ảnh. Vì thế, nàng nhớ lại
tường tận những hành vi ngôn ngữ của dì ghẻ, nhớ lại không phải để oán ghét
nhưng để nghĩ đến tấm lòng tốt móoi có và sự sung sướng mới có của mình.
Một hôm - Nàng nhớ cả là một hôm thứ ba - nàng giảng cho Tý
bài học luân lý “Bổn phận của chúng ta đối với tôi tớ”. Nàng cũng chỉ dịch
nghĩa bài chữ Pháp, và thỉnh thoảng chêm một câu thí dụ cho Tý dễ hiểu. Nhưng
bà phán đứng ở hiên nghe thấy cho là nàng nói cạnh mình. Tức thì bà bước vào
trong phòng, cười mát bảo Hồng:
- Tử tế, dễ dãi quá với tôi tớ để chúng nó bợm đĩ trai gái
thì cửa nhà còn ra sao nữa!
Hồng ngưng lại nhìn hai em, rồi dịu dàng nói:
- Em đã hiểu chưa?
Tý nhanh nhẩu đáp:
- Ðã. Chị giảng thế thì ai không hiểu?
Hôm ấy, không những bà phán ghét Hồng, bà còn giận lây cả Tý
nữa. Bà gọi con vào buồng để đay nghiến: “ở trường thầy giáo không giảng nghĩa
cho mày hay sao mà mày phải nhờ đến cái con trời đánh ấy?”
Hồng mỉm cười khi được Tý thì thầm thuật lại cho nghe lời nói
của dì ghẻ! Và bây giờ ôn lại câu chuyện, nàng vẫn không giữ được cái mỉm cười
thương hại: “Những kẻ ác, những kẻ xấu bụng không bao giờ sung sướng được. Họ
luôn luôn chỉ những chạnh lòng vì tức tối!”
Qua kính cửa sổ, ánh hoàng hôn một ngày đông khô ráo chiếu
bóng gợn nước sông Tranh lên trần nhà. Những mầm cầu vồng chạy đuổi nhau. Thỉnh
thoảng bóng đen một cái xe tay lướt qua.
Hồng vừa tò mò ngắm nghía cái cảnh tưởng sắp tàn ấy, vừa suy
nghĩ miên man đến chuyện đời. Bỗng nàng rùng mình. Một luồng gió mạnh vừa thổi
bật mảnh giấy nhật trình dán che lỗ hổng của mảnh kính vỡ. Vội vàng Hồng kéo
chăn trùm kín đầu, và nhắm mắt cố ngủ vì nàng đã thức hai ngày và một đêm liền.
Nhưng nhắm mắt Hồng càng trông thấy rõ những người, những vật thường gặp và những
việc đã xảy ra hằng ngày: Một bàn tổ tâm hiện bật lên như một bức tránh khắc nổi
với những màu sặc sở, trong đó cử động ba người đàn bà: bà phán, bà phủ và bà đốc.
Bà đốc! Hồng cố tìm hiểu vì sao bà ta lại ghét mình. Chẳng lẽ
vì bạn mà ghét lây con chồng của bạn! Không một lần nào Hồng được bà ta nói với
nàng những câu dịu dàng hay thẳng thắn: bà ta không cằn nhằn gắt gỏng thì cũng
ý tứ mỉa mai. Và khi nào Hồng bị dì ghẻ mắng hay nói xấu thế nào bà ta cũng đế
thêm vào.
Còn bà phủ, Hồng không biết bà ta có những ý nghĩ gì về mình,
cũng không rõ vắng mình thì bà ta có xui xiểm dì ghẻ điều gì không. Nhưng chỉ
trông thấy cái bộ mặt kín đáo và nghe những câu “quan lớn có xơi không, bà lớn
phán bốc hộ xin một cây” cũng đủ khó chịu rồi. Lại cái cười nữa, cái cười hở
hai hàng lợi của bgà ta, sao mà ghê sợ thế! Ghê sợ cả cái giọng hời hợt: “Cô Hồng
đấy à? Lâu nay cô có đi Hà Nội thăm cô phán Căn không?” Mỗi khi nghe thấy câu hỏi
ấy, Hồng chỉ lí nhí đáp lại một tiếng “không” rồi lảng ngay vào nhà trong, để
khỏi phải trông thấy cái nhìn chế nhạo của bà đốc và cái lườm dữ tợn của dì ghẻ…
“Ðàn bà!”
Tiếng oán trách ấy tự thâm tâm Hồng thốt ra. Bao nhiêu người
đàn bà ghét Hồng như quân thù quân hằn! Thấy nàng qua hai bên phố họ chỉ trỏ. Gặp
nàng họ quay mặt đi, có khi họ nhổ bọt nữa. Mà nàng có làm gì họ đâu! Nhiều lần
nàng đã muốn bảo vào tận mặt họ rằng: Họ ác, họ xấu, rằng lòng nhân đạo của họ
còn đáng bỉ, đáng khinh bằng mấy tính lẳng lơ của nàng nếu quả thực nàng lẳng
lơ như họ tưởng hay cố ý tưởng thế.
Nàng chẳng rõ bọn đàn ông có khinh bỉ nàng không. Mâý ông trưởng
phố gặp nàng vẫn lễ phếp chắp tay chào. Còn ông giáo Huyến thì thoáng trông thấy
nàng là cất mũ ngả đầu và nhoẻn miệng cười tình. Có lẽ sắc đẹp của nàng đã làm
cho họ cảm động mà không dịp nghĩ đến “nết xấu” của nàng chăng? Vì không bao giờ
nàng tin được rằng họ có lòng trắc ẩn. “Mình thử xấu ngưòi xem họ sẽ cư xử với
mình có ác gấp mấy bọn đàn bà không?”
Hồng nghĩ đến một việc xảy ra năm trước: một thiếu nữ, một
đêm trăng, nói chuyện với tình nhân ở trong sân trường nữ học, bị bọn đội xếp
và viên quản phố bắt giải phủ. Mãi sáng hôm sau cha mẹ người khốn nạn mới vào
được phủ xin con về.
Hồng khúc khích cười trong chăn: “ở đây sao mà người ta trinh
tiết đến thế!”
Bên phồng ông phán, bà phán có tiếng động mà Hồng nhận ngay
được là tiếng giầy lê gót của dì ghẻ. Từ hôm nàng ốm, đã hai lần bà phán vào buồng
thăm nàng, mỗi lần hỏi được một câu: “Thế nào hôm nay có đỡ không!” Nàng chỉ lo
bà lại thăm một lần thứ ba nữa. Nàng lắng tai chú ý, và vui mừng sung sướng khi
nghe tiếng giầy thong thả xuống thang gác.
Một lát sau, nàng hé chăn ra nhìn: trời sắp tối. Những làng
và ruộng ở bên kia sông đã lờ mờ bằng phẳng trong ánh chiều ta. Trên sông mấy cột
buồm cao. Hồng toan ngồi dậy để ngắm mặt nước sông, thì chợt nghe có tiếng giầy
rón rén ở phòng ngoài. Ốm, nàng thính tai hơn lúc khoẻ và nhiều đêm khuya nàng
nhận được cả tiếng róc rách se sẽ của nước sông Tranh mà nàng ví với tiếng thì
thầm trò chuyện.
Hồng sợ hãi nghĩ đến Thảo: dì ghẻ thường sai Thảo dọ thám
nàng, nàng vẫn biết. Ðã bao lần nàng nghe thấy động ở cửa buồng và tưởng như
trông thấy con mắt đen láy của Thảo dòm qua lỗ khoá.
Bổng cánh cửa từ từ mở. Hồng vội hỏi:
- Ai đấy?
Tiếng Tý đáp:
- Em.
Hồng mừng rỡ:
- Em đấy à? Sao hôm nay em đi học về trễ thế? Em có cầm báo
lên cho chị đấy chứ?
- Có, nhưng tối quá rồi, chị xem sao được? Hôm nay em đi đá
bóng nên về muộn.
- Thế à? Cám ơn em nhé! Chốc có đèn, chị sẽ xem.
Tý ngồi xuống thành giường, hỏi:
- Chị có đỡ không?
- Cũng dễ chịu vì hôm nay không lên cơn.
- Dễ thường bị sốt rét cách nhật.
- Chính thế, chứ còn dễ thường gì nữa. Mà chắc chắn
làpaludisme .
Tý suy nghĩ:
- Paludisme là sốt rét rừng, phải không chị?
- Phải đấy, em ạ.
Nhưng ở đây có rừng đâu mà chị mắc bệnh ấy?
Hồng cười:
- Gọi sốt rừng cho tiện chứ ở đâu cũng có thể mắc được. Giống
muỗianophèle mang bệnh đi khắp các nơi.
Tý yên lặng kính phục nền học vấn và sự biết rộng của chị.
- Bài tính của em đã chấm chưa?
- Ðã. Cả lớp có mỗi mình em làm đứng.
Hồng cười:
- Thế à? Khá nhỉ!
Tý cũng cười:
- Chị làm hộ em, chị còn khen. Bài tính khó quá.
- Có chuyện gì lạ không, em?
- Không.
Tý trả lời lơ đãng vì còn mãi nhìn quanh phòng, để tìm xem
gió thổi từ đâu vào.
- Ở đây lạnh quá, chị ạ.
- À, chị quên bẵng đi mất, chị đương mong em về để nhờ em dán
lại hộ chị tờ giấy kia bị gió thổi rách.
- Ðâu chị?
- Ở cửa kính ấy.
Tý đứng dậy:
- Ðược, để em dán. Hồ đây rồi.
Tý móc túi lấy ra một miếng keo, giơ lên khoe chị Hồng cười
vui vẻ:
- Rõ tích cốc phòng cơ, tích y phòng hàn!
Tý đổ ra đĩa ít nước, còn thừa ở trong cái chén đặt trên mặt
hòm, rồi vừa chấm keo phết vào khung kính vừa nói
- Hôm nay em nhận được thư của anh Yêm. Anh Yêm cũng biết chị
ốm, dặn em phải chăm nom chị.
Hồng cảm động ứa nước mắt, nằm im lặng nhìn Tý:
- Chốc nữa có đèn em sẽ đưa cho chị xem thư… Có lẽ lễ Noel
anh yêm cũng về…
Nghe thấy tiếng giầy bà phán lên gác, Tý ngưng bặt giơ tay
làm hiệu trỏ bảo Hồng. Nhưng Hồng không trông thấy gì, không nghe thấy gì, tâm
trí liên miên nghĩ đến bức thư của Yêm.
Dán xong, Tý lại ngồi xuống thành giường thì thầm:
- Mẹ lên đấy… Thôi em xuống nhà.
Tý đã vặn quả nắm cửa, còn quay lại bảo Hồng:
- Hôm ấy em gặp chị Thêm. Chị ấy nói đã hai lần đến thăm chị,
nhưng vú Hà đều bảo chị ốm và không cho lên.
- Thế à?
- chị ấy nói chị ấy đến đưa trả chị cái gì ấy chả biết. Em bảo
cứ đưa cho em, nhưng chị ấy không đưa.
Hồng nghĩ ngay đến Lương. Từ ngày xảy ra câu chuyện bỏ nhà ra
đi, nàng đã nhận được hơn hai chục bức thư của Lương, bức nào cũng nồng nàn
tình yêu. Trái lại những bức thứ phúc đáp của nàng, lời văn bình tỉnh, thản
nhiên tuy vẫn thân mật, cái thân mật của người bạn đối với một người bạn: Nàng
chỉ còn coi Lương như một người bạn khổ sở. Nàng không còn oán trách Lương, vì
biết rằng hai người không lấy được nhau lỗi không phải ở Lương.
- Chắc lại thư của anh Lương chứ gì, em ạ.
- em cũng tưởng thế.
Hồng không giấu giếm Tý, có khi lại đọc thư của Lương cho Tý
nghe. Hiểu tình cảnh Hồng, Tý càng thương chị.
- Em cầm cái giấy này đưa cho chị Thêm, chị ấy sẽ trao thư
cho ngay.
Vừa nói, Hồng vừa cầm bút chì nguệch ngoạc mấy chữ lên một mảnh
giấy rồi đưa cho Tý.
- Thôi em xuống nhà, bảo vú Hà bưng cơm lên chị xơi nhé.
- Ừ, em xuống nhà. Nhưng đừng bảo gì cả thì hơn.
Nằm lại một mình, Hồng nhìn qua cửa kính ra cảnh trời gần tối
hẳn: Lác đác, nhấp nháy vài ba ngôi sao, ánh sáng lờ mờ ra run run.
CHƯƠNG 27
Một lát sau nghe tiếng vặn quả nắm cửa, Hồng giật mình quay
ra. Khung cửa sáng bật lên và trong khung, vú Hà đứng sững, tay cầm cái đèn búp
măng. Hồng mỉm cười nhớ đến bức tranh ác tiên trong chuyện “giấc ngủ trăm năm”
của Perrault.
- Vú đấy à?
Vú Hà đặt đèn lên bàn, nói:
- Bà truyền chị thu dọn buồng cho gọn ghẻ để quan đốc tờ lên
thăm bệnh.
Hồng chau mày:
- Ông đốc!… Ai bảo mời ông đốc thế vú?
- Tôi cũng chả biết ai bảo. Chừng lại bà bảo chứ còn ai.
Hồng cười nhạt:
- Ừ, chừng bà bảo đấy! Vậy vú làm ơn vắt hộ cái màn này lên,
rồi ấn hộ tôi đống quần áo bẩn kia xuống gầm giường.
Vú già yên lặng làm các công việc ấy, rồi yên lặng khép cửa
đi ra.
Hồng tò mò ngắm cái thông phong đèn ám khói vì đặt lệch và vơ
vẩn nghĩ ngợi: “Lạ! hơn hai tuần lễ chẳng thuốc men gì, bây giờ bỗng dương lại
đón đốc tờ!” Nàng mỉm cười nghĩ tiếp: “Mời lão đốc tờ ấy… Hừ!… Thôi mình cứ để
xem sao đã… hay họ sợ mình chết?…”
Sự thực không những không ai sợ Hồng chết, mà cũng chẳng ai
nghĩ đến nàng hay để ý đến bệnh trạng của nàng. Trong hơn nửa tháng Hồng ốm, thỉnh
thoảng đến bữa ăn ông phán mới nhớ tới và hỏi:
- Còn con Hồgn đâu?
Lần nào bà phán cũng trả lời:
- Cô ả ốm.
Và ông phán cũng kinh ngạc:
- Chưa khỏi kia à?
Bà phán lãnh đạm:
- Bệnh hoạn gì! Chắc lại ốm tương tư anh chàng đấy thôi!
Rồi bà cười vui vẻ nói lãng sang việc khác ngay.
Nhưng hôm nay, chiều thứ bảy, nhà có khách đánh tổ tôm. Trong
bọn khách cố nhiên có vợ chồgn ông phủ và vợ chồng ông y sĩ Canh. Mọi người
đương ngồi uống nước trà khai vị, bỗng bà phán gọi người nhà giục bưng cơm lên
gác cho chị Hồng. Chừng bà muốn khoe với người khác rằng mình vẫn trông nom săn
sóc đến con chồng. Bà phủ liền hỏi:
- Cô Hồng làm sao thế bà lớn?
Bà phán dịu dàng đáp:
- Bẩm bà lớn, cháu nó cảm xoàng thôi đấy ạ.
Bà đốc bĩu môi:
- Lại bỏ cơm, phải không? Các cô tiểu thư động một chút tí là
bỏ cơm.
Ông phủ bàn:
- Bà lớn bảo nấu cho cô ấy một bát cháo hành thực nóng, ăn hết
bát cháo là giải cảm ngay.
Bà phủ cười, nhìn chồng:
- Rõ ông lang băm. Ðã có quan đốc đó, chứ ông thì biết cái gì
mà cũng mách thuốc.
Ông Canh tính hay khôi hài, đáp lại:
- Thuốc quan phủ hay đấy chứ! Cảm thì chả thuốc gì công hiệu
bằng một bát cháo hành nóng… Hay một bát phở tái nạm càng tốt hơn. Nhưng hãy
xem cô Hồng có cảm thực không đã.
Vì thế, ông Canh nói với bà phán đưa lên gác coi bệnh Hồng.
Bà phán sợ sau này phải trả tiền thuốc, liền nói gạt:
- Xin để ngày mai, nếu bệnh cháu không bớt, tôi sẽ cho mời đến
quan lớn.
Bà đốc cười nói tiếp:
- Bây giờ thì đánh tổ tôm đã. Ðánh hết một hội rồi hãy ăn
cũng vừa.
Nhưng ông đốc nhất định đòi lên thăm bệnh Hồng, ông nói:
- Nên cẩn thận! Ninh Giang này là nơi sào huyệt của vi trùng
Paludisme đấy.
Chẳng dừng được, bà phán phải theo lời cho vú Hà lên gác trước
để quét dọn buồng kho, vì bà biết nơi đó bề bộn không được sạch sẽ.
Khi đã bước vài bực thang, bà phán còn giữ ông Canh lại:
- Hay là quan lớn hãy ngồi chơi thong thả, để tôi bảo cháu xuống.
- Ðược, bà lớn cứ để tôi lên thăm bệnh cô Hồng.
- Vâng, thế thì xin rước quan lớn lên.
Bà phán mời ông Canh ngồi lại phòng ngoài, rồi vào buồng Hồng,
Hồng chổi dạy lí nhí chào:
- Cô ạ…
- Em cứ nằm… quan đốc lên thăm bệnh em đấy… Thế nào, hôm nay
có đỡ không? Ðỡ nhiều phải không?
- Vâng.
- Vậy em có thể ra ngoài để quan đốc xem không?
Ông Canh đã tiến đến cửa phòng:
- Thôi được bà lớn cứ để cô Hồng nằm trong buồng.
Rồi lại bên giường bệnh. Hồng cố ngồi dậy.
Ông Canh vộinói:
- Cô cứ nằm, cô sốt?
- Vâng.
- Tôi xem lưỡi nào!
Hồng thè lưỡi. Ông cầm đèn và, vì cận thị, ghé sát mắt vào miệng
Hồng. Bất giác Hồng ngả đầu về phía sau như để tránh một cái hôn. Bà phán yên lặng
mỉm cười đứng ngắm. Nhưng lúc bà để ý tới cái thông phong ám khói và cái bấc
đèn cháy lệch thì bà chau mày tỏ vẻ khó chịu.
- Sao không bảo nó gạt cái bấc đi hử?
Hồng còn mãi thè lưỡi nên không kịp trả lời.
- Thôi được!
Ông Canh đặt đèn lên mặt bàn, rút khăn hỉ mũi ra lau tay.
- Hiện bây giờ cô có sốt không?
- Bẩm không.
Bà phán vui mừng:
- Cháu đỡ nhiều rồi đấy ạ.
Ông Canh vừa bắt mạch, vừa hỏi:
- Lên cơn vào hồi mấy giờ.
- Bẩm cách một hôm lại có cơn, vào buổi chiều. có lẽ con bịPaludisme
.
- Còn có lẽ gì nữa!
- Bẩm vì thế nên mấy hôm nay con vẫn uống kí-nin.
Ông Canh mỉm cười:
- Cô sốt đã mấy hôm nay.
- Hơn nửa tháng!
Bà phán ngượng vì sợ ông đốc cho là mình không săn sóc đến Hồng.
Bà liền vờ kinh hoảng kêu theo ông Canh:
- Hơn nửa tháng! Chết chửa thế mà nó giấu chẳng cho ai biết.
- Hừ hừ!
Ông Canh gật gù có vẻ e ngại:
- Cô có thấy đau ở ngang thắt lưng bên phải không?
- Bẩm có, đau lắm. Ðau chói lên. Con sợ đaufoie .
- Ðừng sợ thì hơn… thôi được, không can gì… cô nằm nghĩ… Mai
tôi đem thuốc hay cho thầy khán hộ mang lại.
Ra phòng ngoài, bà phán cố làm vẻ mặt lo lắng thì thầm hỏi:
- Thưa quan lớn có hề gì không ạ?
- Không việc gì, nhưng bệnh… hơi nặng.
Hai người thong thả xuống nhà.
Khay bài đã đặt lên sập. Bà phủ, bà đốc ông phủ đã ngồi vào
chỗ và đều có ý mong đợi hai chân còn thiếu. Vừa nghe tiếng lộp cộp ở chân
thang gác, bà đốc đã vội kêu:
- Vào bắt cái đi mình.
Rồi cười bảo mọi người:
- Nhà tôi bắt cái bao giờ cũng ù to.
Nhưng ông Canh vẫn không vội vàng, đứng chậm chạp sát sà
phòng rửa tay. Bà phủ nhìn bà phán hỏi:
- Thế nào, bệnh tình ra sao?
Bà đốc cười the thé khôi hài:
- Hay bệnh ái tình đấy?
Bà phán buồn rầu đáp:
- Quan đốc bảo bịnh cháu hơi nặng.
Ông Cạnh ngồi xuống ghế, và như nói một mình.
- Bệnh paludisme năm nay nặng lắm.
Rồi quay ra hỏi bà phán:
- Quan lớn đâu?
- Nhà tôi chừng lại đi bách bộ ngoài sông. Sao ạ?
- Tôi biên thứ thuốc tiêm này, sáng mai bà lớn cho lên Hải
Dương mua sớm.
- Vâng.
Ông Canh rút bút máy viết mấy hàng chữ vào cái danh thiếp vào
đưa cho bà phán.
Nhưng chỉ năm phút sau, mọi người, cả ông Canh, như đã quên hẳn
bệnh nặng của Hồng, ai nấy chăm chú xoay bài hay thi nói khôi hài và cười đùa ầm
ỹ.
Trong khi ấy, ở buồng Hồng, Tý ngồi nói chuyện với chị. Hồng
cảm động nằm nghe Tý đọc xong bức thư của Yêm. Rồi thở dài bảo em:
- Chị lo chị chết, em ạ.
- Chị chỉ nói dại dột!
- Ông đốc bảo chị bệnh nặng lắm… chị đau đến gan rồi. Thảo
nào da chị vàng như thị rụng.
Tý nhìn Hồng an ủi:
- Chị đừng sợ hãi gì hết. Rồi ông đốc sẽ chữa cho chị khỏi.
- Em đã lấy bức thư của…
Thấy Hồng như nghẹn ngào, Tý đỡ lời:
- À, bức thứ… ấy, bức thư ở đằng chị Thêm. Em vừa lại nhà chị
Thêm, nhưng chị ấy đi vắng, đi thu tiền họ.
- Thôi, cũng chả cần… Chắc cũng chả có điều gì can hệ đâu… Em
chưa xuống ăn cơm?
- Chưa. Em bảo bưng cơm lên chị ăn nhé?
Hồng không đáp, lắng tai nghe tiếng cười, nói oang oang từ
nhà dưới đưa lên.
- Thầy có nhà không, em?
- Không. Thầy đi chơi. Chắc cũng sắp về ăn cơm, vì nhà có
khách.
- Có bà phủ và bà đốc phải không?
- Vâng, có cả ông phủ nữa.
Hồng vẫn vơ nhìn theo con mối chạy đuổi con vờ đương bay tung
tăng ở trần nhà. Thấy con mối sắp sửa đớp mồi, Hồng nín hơi nằm chờ, vì lo sợ
muốn kêu: “kìa nó bắt!”
Và nàng thở ra khoan khoái khi thấy con vờ thoát nạn bay nơi
khác.
Tý đứng dậy:
- Thôi, chị nằm nghỉ. Em xuống bảo sắp cơm chị xơi.
- Cám ơn em. Nhưng có lẽ chị nhịn cơm thì hơn.
Giữa lúc ấy vú Hà vào, cầm đưa cho Hồng một hộp sữa:
- Bà bảo tôi mua cho chị đấy. Tý nữa tôi đem cốc với nước sôi
lên.
Tý đỡ hộp sữa đặt lên bàn mà hỏi:
- Ông đốc bảo mua, phải không?
- Phải, quan đốc bảo chị Hồng phải kiêng cơm. Hộp sữa tôi đã
đục hai lỗ rồi đấy. Tý nữa cậu pha cho chị ấy uống nhé?
- Ðược, cứ để mặc tôi. Vậy vú xuống mang nước sôi lên đi.
Lòng tốt của Tý như làm cho Hồng nhẹ bớt đau đớn thân thể và
tâm hồn. Nàng cảm động ứa nước mắt và muốn nức lên. Vội vàng kéo chăn trùm kín
đầu để Tý khỏi trông thấy nàng khóc.
Tưởng chị ngủ, Tý rón rén xuống nhà.
CHƯƠNG 28
Chiếc ô tô của Canh lượn một vòng trên sân cỏ, để đỗ sát bên
hàng rào lan can xi măng, trong cái bóng nhạt của bệnh viện. Tiếng máy rú lên rồi
im lìm trong yên lặng của một ngày chủ nhật mùa rét ở một nơi vắng.
Viên khán hộ ra hiên cất tiếng chào:
- Lạy quan ạ.
Canh nhảy ra ngoài ô tô ngửng lên hỏi:
- Thế nào?
- Bẩm quan, vẫn thế.
Canh đánh diêm châm thuốc lá hút, rồi thỏo mạnh một luồng
khói cùng một tiếng thở dài:
- Liệu có qua được ngày hôm nay không?
Viên quan hộ bĩu môi lắc đầu:
- Bẫm quan khó lòng, thực quan đoán không sai, khéo lắm thì
được đến tối.
Ông y sĩ tự đắc:
- Ðã nói ngày hôm nay, thì ngày hôm nay chứ ngày mai sao được!
Ông thong thả bước lên hiên đứng yên lặng kéo luôn mấy hơi
khói rồi ném mẩu thuốc lá qua lan can xuống sân cỏ. Ðoạn, ông thủng thỉnh đi về
phía cuối hiến.
Viên khán hộ vội tiến lên trước, đến mở cửa một gian phòng nhỏ,
và nói chõ vào phía trong:
- Quan đốc đến đấy!
Ðương ngồi khóc sụt sịt ở một góc phòng, Hảo rút khăn lau nước
mắt rồi đến bên giường bệnh cúi sát vào tai em thì thầm mấy câu. Hồng bỗng tươi
tỉnh hẳn, đôi mắt sáng lên trong hai quần sâu. Nàng quay nhìn về phía cửa, và cặp
môi chậm chạp nhách một nụ cười để đón chào y sĩ. Bao hy vọng lộ trên cái mặt gầy
gò vàng xạm của người sắp chết.
Vì Hồng vẫn hy vọng ông đốc sẽ cứu được nàng. Nàng tin ở tài
của ông, tin ở lời nói quả quyết của ông. Không bao giờ nàng yêu đời, không bao
giờ nàng thích sống bằng trong thời kỳ nàng mắc bệnh nặng, sau những ngày dài đằng
đẵng nằm một mình suy xét tới nguồn hạnh phúc của người ta. Những lúc tâm hồn
quá sốt sắng, bồng bột, nàng cảm thấy nàng thành thực tha thứ và yêu mến bà
phán. Ðến nỗi một hôm bà đến thăm - đến thăm chiếu lệ - nàng mỉm cười nhìn bà
và âu yếm nói với bà, như con nói với mẹ: “Ðộ này cô gầy lắm, cần phải tĩnh dưỡng
mới được”. Làm bà cảm động vì nàng mấy phút.
- Hôm nay trông cô đã khá lắm!
Lời thầy thuốc như một luồgn điện chạy khắp người Hồng. Nụ cười
của Hồng càng tươi, và đôi mắt càng sáng. Nàng hơi nghiên đầu nhìn Hảo như để
trả lời cái ý nghĩ thầm kín của chị: “Ðấy chị coi, em không chết đâu, việc gì
chị cứ khóc mãi?” Sự thực sáng hôm nay, vẳng nghe trong năm phút đã lo lắng tưởng
đến cái chết. Bây giờ thì nàng lại hy vọng, nàng lại tin chắc rằng nàng sống. Một
ý nghĩ thaóng hiện ra trong khối óc sáng suốt của nàng: “ Thầy thuốc nói dối để
yên lòng người ốm”. Nhưng nàng cố quên ngay sau khi đã tự trách thầm rằng mình
hay ngờ vực hão huyền.
Ông Canh xem qua cái bản nhiệt độ, dặn viên khán hộ sắp sửa
tiêm cho người ốm, rồi vội vàng quay ra: ông đương đánh tổ tôm ở trong phủ chợt
nhớ tới Hồng, nên ông nhờ một người cai lệ cầm hộ để chạy về nhà thương một
lát.
Hảo theo ra ngoài, hỏi:
- Thưa ông, liệu có…
Nàng như tắc họng không nói dứt câu được.
- Bà cứ yên lòng.
Vừa nói ông Canh vừa bước xuống sân cỏ. Hảo cũng bước xuống:
- Thưa ông, có sao ông cứ, bảo thực cho tôi biết thì hơn…
Thưa ông…
Ông Canh bực về nỗi Hảo cứ theo lải nhải mãi, liền đứng dừng
lại cười:
- Vậy thì tôi nói thực: Cô Hồng không sống được đâu. Khéo thì
chỉ tối nay là…
Thấy câu nói của mình quá sống sượng làm mặt Hảo tái đi, ông
Canh hối hận tiếp luôn:
- Tôi đã hết sức chữa, nhưng biết làm thế nào… Bệnh nặng rồi
mới cho tôi biết. Ðuối sức quá, không còn đủ máu để mà sống… Tôi đã ngại ngay từ
hôm đưa cô Hồng vào nhà thương. Thôi, bà cũng chẳng nên phiền muộn, chẳng qua số
cô ấy…
Rồi ông quay máy, lên xe đi thẳng. Hảo gục đầu xuống lan can
nức nở khóc. Nghe tiếng giầy lộp cộp, nàng mơ tưởng ông Canh quay lại, liền ngửng
lên. Ðó chỉ là viên khán hộ một tay cầm cái bếp rượu đốt, tay kia cầm cái xoang
nhỏ.
- Ông tiêm cho em?
- Vâng.
Viên khán hộ nhìn Hảo, ái ngại:
- Quan đốc nói thực cả với bà rồi?
Hảo khóc không đáp.
- Thưa bà, tại để quá ra rồi mới chữa đấy mà.
Hảo rút khăn lau nước mắt.
- Không biết có cách gì cứu được nữa không nhỉ?
Viên khán hộ bĩu môi nhún vai:
- Chả còn cách gì.
- Hay tôi xin em về chữa thuốc ta?
- Tùy bà. Nhưng thiết tưởng thuốc thánh cũng không cứu được nữa.
Bà đem cô Hồng về cũng vô ích mà lại phụ lòng quan đốc đã hết sức trông nom cho
hơn tuần lễ nay.
Viên khán hộ vào phòng bệnh. Hảo cũng theo vào, đến ngồi ở
cái ghế đặt sát bên giường em.
Hồng mỉm cười nói thì thào. Hảo phải ghé gần lại nghe.
- Chị đã mua hộ em một phiếu số Ðông Dương chưa?
Hảo nghẹn ngào muốn khóc oà lên. Nhưng nàng cố trấn tỉnh trả
lời em:
- Ðã, chị mua rồi. Ðây.
Nàng đưa cho Hồng cái phiếu của nàng. Hồng vui vẻ nói:
- Chị giữ hộ em. Nếu trúng thì chia đôi nhé? Nếu trúng số
mưòoi vạn thì chúng ta cho chị Nga một vạn, Yêm một vạn, Lan năm nghìn, Tý năm
nghìn, vị chị ba rưỡi, về phần hai chị em ta mỗi người hai vạn rưỡi, còn bao
nhiêu để làm phúc… Em dùng tiền của em làm một cái nhà thực đệp, trồng thực nhiều
hồng, đủ các thứ hồng, với lại làm một giàn thiên lý. Cổng em cho tầm xuân leo.
Chị có thích tầm xuân không?
Hảo cười:
- Có, chị thích tầm xuân lắm.
- Ở cá cửa sổ em treo những lẳng phong lan cho hoa vàng hoa
tím rũ xuống…
Hồng phải ngừng lại để tiem. Trông thấy chân em khẳng kheo và
héo hắt như một cành củi khô. Hảo vội quay đi. Tiêm xong, viên khán hộ bảo Hồng:
- Cô nằm nghĩ, đừng nói chuyện nữa. Quan đốc cấm, không cho
cô được nói chuyện.
Hảo đứng dậy:
- Vậy em nằm nghỉ nhé.
Rồi theo viên khán hộ ra ngoài hiên, hỏi:
- Hay tôi cứ xin cho em tôi ra?
- Bà nghĩ cho kỹ xem có nên đưa cô Hồng ra không? Tôi chị sợ
ra gần cụ… cô Hồng càng chóng… Hôm nay được vào đây cô ấy mừng rỡ bệnh bớt hẳn
đi.
Chàng hóm hỉnh nói tiếp:
- Cụ thét mắng cả ngày bên tai thì cô ấy chịu sao được!
Lúc đó ở cổng nhà thương, một cái xe kéo vừa đỗ. Hảo chăm chú
nhìn, rồi vội chạy đến: nàng đã nhận được Nga.
- Cô về thăm em?
- Vâng. Thế nào?
Hảo mếu máo:
- Em nguy mất rồi cô ạ.
Hai người yên lặng đi đến phòng bệnh. Thấy Nga không nói gì với
mình, cứ lẳng lặng tiến qua hiên, viên khán hộ liền giữ lại.
- Không vào được đâu. Chỉ mình bà phán vào được thôi.
Hảo phải nói mãi, viên khán hộ mới nể lời bảo nàng:
- Vậy chỉ ở trong độ hai mươi phút thôi. Quan có lệnh không
cho người lạ vào phòng cô Hồng.
Gặp mặt Nga, Hồng vui mừng hỏi, nhưng giọng nhỏ quá, không ai
nghe rõ:
- Chị về thăm em đấy à?
Nga bảo Hồng:
- Anh Lương đã bỏ… đã đuổi người gái nhảy đi rồi.
Hồng ra hiệu cho Hảo ghé gần lại để nói chuyện, rồi mệt nhọc
bảo chị:
- Em gửi lời vĩnh biệt anh Lương nhé?
Hảo ứa lệ đáp:
- Em chỉ nói dại!
- Chị Nga xơi cơm chưa, chị?
Hảo quay hỏi Nga:
- Chị đã đến đằng nhà chưa?
- Ðã, nhưng ông bà cùng đi vắng, vào phủ đánh tổ tôm.
Hảo chau mày,nhìn Nga như để bảo: “Ðấy, chị coi, có ai nghĩ tới
em tôi đâu, tuy em tôi sắp chết?”
Nhưng viên khán hộ đã mở cửa phòng đi vào:
- Xin mời bà ra cho, không lỡ quan biết, tôi sẽ phải quở.
Mắt Hồng đưa nhìn như thầm van lơn. Nga cuối xuống nói nhỏ với
Hồng:
- Vậy chị nằm nghĩ nhé, cố uống thuốc cho chóng khỏi.
Buổi chiều Hồng lên cơn sốt, mê man, nhiều lần đã tắt thở rồi
lại sống lại, Hảo vội vàng về mời ông phán bà phán đến. Cả Tý và Thảo cũng theo
ra. Thiếu mặt có Yêm, vì tuần lễ trước bà phán vừa viết thư cho Yêm nói Hồng đã
bớt nhiều sắp khỏi, Yêm không về.
Thấy Hồng nằm im lịm không cựa cậy, bà phán chắc nàng chết rồi,
liền khóc oà lên:
- Ới, Hồng ơi, cô có tưởng đâu đến nông nổi này, Hồng ơi… con
đi mà chả kịp trối trăng lại với thầy với cô một câu nào, ới Hồng ôi! Ðau lòng
cô lắm Hồng ơi.
Ông phán ngồi rũ trên chiếc ghế mây, đầu cúi gục xuống ngực.
Nga quỳ bên giường, bàn tay nắm chặt tay Hồng. Còn Hảo và Tý
thì đứng quay mặt vào tường mà khóc.
Bỗng Hồng mở mắt tò mò nhìn mọi người, như người vừa mới ngủ
dậy.
Ai nấy xôn xao chạy lại gần:
- Em đã tỉnh!
- Chị đã tỉnh!
- Chị Hồng ơi!
Bà phán yên lặng đứng sững. Thấy Hồng khẻ gật, bà ghé sát tai
vào miệng nàng để nghe. Bỗng bà thẳng người lên, thét:
- À ra con này láo thực. Bà tội lỗi gì với mày mà mày bảo tha
lỗi cho bà, hử con kia? Bà quý hoá mày, bà nâng niu mày như hòn ngọc trên tay…
Hảo, Nga và Tý cùng khóc ầm lên.
Ông phán đứng dậy bảo vợ:
- Ô hay! Sao bà lại thế! Tôi xin bà đi!…
Nhưng bà phán vẫn thét:
- Ông tính nó bảo nó tha thứ cho tôi mọi điều, và chết đi nó
sẽ phù hộ cho tôi… Thế thì trời đất nào…
- Kìa! Bà trông!
Ông phán trỏ Hồng bảo vợ.
Hồng bằn bặt thiếp đi, cặp mội vẫn tươi cười và mấp máy mấy
câu gì không rõ.
Phải chăng đó là hai tiếng Thoát Ly?.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét