Sự tha hóa trong những cuộc
đi tìm bản thể
đi tìm bản thể
“Ma trận tình” mới đọc qua lần đầu tưởng đâu chỉ là một truyện tình… Nhưng các Ma trận tình ở trong đó cũng chính là Ma trận đời mà tác giả đã xác định cái la bàn để khỏi lạc đường bằng mấy lời phi lộ: “Người viết chỉ muốn gửi một thông điệp, cội rễ của tình yêu là đức tin, không có đức tin thì đừng mong có một tình yêu đẹp.” Song, xem ra cái la bàn đó “đánh lừa” người đọc qúa rõ nên ở trong một trang sách, tác giả đã “tạ lỗi” bằng một lưu ý rằng, "chúng ta đều lạc trong ma trận tình, ma trận tình giăng mắc trong ma trận đời. Đời loạn thì tình loạn, không phủ được thì đành nương theo ma trận mà yêu mà sống"…
“Ma trận tình” là cuốn tiểu thuyết không thể chỉ đọc một lần; nó có sự hấp dẫn buộc người đọc phải nín thở theo dõi cuộc chiến tâm lý giữa cha cố Đức Minh và giám đốc Bẩy Trọng quanh một người con gái, xem kết cục ai thắng ai, song người đọc sẽ thấy cần phải đọc lại, phải tiếp tục ngẫm nghĩ về những cái nằm đằng sau và rộng lớn hơn nhiều “cuộc chiến” ấy - cái “cuộc chiến” khi thì được lý giải bằng một cuộc “cạnh tranh”: “Còn bây giờ, theo Cha, cạnh tranh ngoài xã hội hầu như không có, nhưng lại xuất hiện những cạnh tranh mới, cạnh tranh trong cơ chế cai trị, trong thế lực phe đảng, trong lòng tham và quyền lực, trong thói dối trá. Cạnh tranh này theo nghĩa đen là đấu đá. Và cũng theo Cha, cạnh tranh đấu đá đó mới thật tội lỗi, nó xô đẩy cả một tập thể, một cộng đồng vào cái hố nghèo đói và tội ác”, khi thì bộc lộ trong tâm sự bất lực đau xót của Bẩy Trọng: “những người anh hùng một thời của anh giờ đang múa kiếm giữa chợ chiều. Đau lòng lắm. Chúng ta quá say mê chiến thắng, tự hát cho nhau nghe mãi một khúc chèo, dù hay mấy cũng phải chán. Chủ nghĩa xã hội chẳng thể đẹp hơn chủ nghĩa tư bản trong lý thuyết mà hòng thuyết phục được con người”.
Nhà văn trong những năm tháng xa đó đã nhìn ra được những vấn đề xã hội còn nhức nhối đến hôm nay mà gióng lên hồi chuông thức tỉnh.
“Ma trận tình” trước hết có thể nói là một cuộc thám hiểm đầy gay go và dũng cảm của tác giả vào hiện thực của một thời kỳ đầy những biến động bão tố thời cuộc nửa sau thế kỉ 20, nơi giao tranh giữa hai chế độ xã hội, hai đối cực tư tưởng… Nhưng tác giả không cần vẽ lên một “Hội chợ phù hoa” náo nhiệt, chỉ xoay quanh bối cảnh tại một nhà máy giấy và một xưởng in ấn do vị cố đạo xây dựng từ trước năm 1975 trên đất Sài Gòn, và mượn một mối quan hệ tình tay ba tay tư để làm xương sống cho tiểu thuyết; có điều, cái mượn đó thật điệu nghệ, nếu không để ý thì không thể nào nhận ra cái dụng ý “mượn” này. Anh mượn tình để nói về đời, cụ thể hơn- cái cơ chế quái gở của đời như một sản phẩm của chủ nghĩa duy ý chí, của sự bất chấp quy luật phát triển tự nhiên cũng như xã hội, chúng còn gây tác hại nhỡn tiền ngày hôm nay… Cái cơ chế làm méo mó nhân cách, làm biến mất dần dần sự hồn nhiên, thẳng thắn, trung thực – kể cả trong tình yêu nguyên sơ mà ở đó con người ta có thể sống thật nhất với bản thân mình! Bẩy Trọng có thể nói là một nhân vật được tác giả quan sát, chiêm nghiệm qua nhiều năm tháng, qua nhiều nguyên mẫu đời thực - và chắc hẳn có cả hình bóng tác giả!
Ở anh ta, tính tích cực xã hội và vẻ đẹp tâm hồn không chỉ bộc lộ qua hành động cương quyết, khéo léo, tự tin trước mục đích cao cả, mà còn được thể hiện qua sự ngưỡng mộ rồi đi tới thầm yêu trộm nhớ của cô gái xinh đẹp xưng “tôi”, thể hiện qua thái độ kính nể của “đối phương” là cha cố Minh Đức - một nhà kinh doanh giỏi trong ngành in. Nhưng, sự cố tình vờ vịt của anh ta để che giấu tình cảm thật, sự cân đong lựa chọn của anh ta giữa rung cảm tự nhiên với những toan tính, ngụy biện, cái mánh khóe anh ta sử dụng để “thoát hiểm” khỏi dư luận, trong cái định kiến nặng nề của một xã hội dở ta dở tây rơi rớt phong kiến nhiễm đầy thứ đạo lý tuyên huấn của thời đại mới, Bẩy Trọng đã dần tự đánh mất chính bản thể của mình lúc nào mà không tự biết! Như lời phán xét nghiêm khắc của cô gái thầm yêu anh: “Anh đã chấp nhận đời sống địa ngục bán cả vợ con cho danh lợi, tức là anh chỉ yêu anh, yêu cái anh gọi là lý tưởng, anh chẳng hề yêu ai”. Nhưng cũng thực tội nghiệp, Bẩy Trọng chỉ là một nạn nhân của tình trạng “Gốc đạo lý nhiễm độc thì bảo sao hoa trái không thui chột”, một con người nuôi chí lớn mà phải sống trong cái môi trường xã hội có “những cuộc họp phút chốc biến thành chợ hàng bán tôm cá”, một xã hội như cha cố Đức Minh bàn luận: “do sự băng hoại về đạo đức thường tình trong quan hệ giữa con người với con người, nên dối trá đã thành một nết xấu”, trong hoàn cảnh ấy, “làm sao ông ta có thể thu phục được nhân tâm, làm sao ông ta có thể gạt được những đồng chí của ông ta co cụm lại cản phá. Nhân tâm tan rã thì đừng hòng mưu cầu sự nghiệp.” GĐ Trọng cay đắng nói về Thanh tra như sau:” Nếu nhà máy chúng ta phá sản, họ sẽ tới với vòng hoa chia buồn. Còn như nhà máy ăn nên làm ra họ sẽ tới với còng số tám. Một kiểu quản lý quái gở…” Cái kiểu bi kịch này ở nhân vật chính diện chưa được văn học chính thống của ta coi trọng, nhưng trong “Ma trận tình” nó đã được khai thác một cách khá triệt để! Dễ nhận thấy là nhà văn ngụp lặn rất sâu trong thực tế đời sống và đắp da thịt cho suy nghĩ, tư tưởng của các nhân vật chính Bảy Trọng, Long, cha Đức Minh nên nhân vật đã không biến thành cái loa phát ngôn tư tưởng cho tác giả mà không ít tác phẩm văn học của ta trong giai đoạn ấy (và cũng không chỉ ở giai đoạn ấy) mắc phải!
Ở anh ta, tính tích cực xã hội và vẻ đẹp tâm hồn không chỉ bộc lộ qua hành động cương quyết, khéo léo, tự tin trước mục đích cao cả, mà còn được thể hiện qua sự ngưỡng mộ rồi đi tới thầm yêu trộm nhớ của cô gái xinh đẹp xưng “tôi”, thể hiện qua thái độ kính nể của “đối phương” là cha cố Minh Đức - một nhà kinh doanh giỏi trong ngành in. Nhưng, sự cố tình vờ vịt của anh ta để che giấu tình cảm thật, sự cân đong lựa chọn của anh ta giữa rung cảm tự nhiên với những toan tính, ngụy biện, cái mánh khóe anh ta sử dụng để “thoát hiểm” khỏi dư luận, trong cái định kiến nặng nề của một xã hội dở ta dở tây rơi rớt phong kiến nhiễm đầy thứ đạo lý tuyên huấn của thời đại mới, Bẩy Trọng đã dần tự đánh mất chính bản thể của mình lúc nào mà không tự biết! Như lời phán xét nghiêm khắc của cô gái thầm yêu anh: “Anh đã chấp nhận đời sống địa ngục bán cả vợ con cho danh lợi, tức là anh chỉ yêu anh, yêu cái anh gọi là lý tưởng, anh chẳng hề yêu ai”. Nhưng cũng thực tội nghiệp, Bẩy Trọng chỉ là một nạn nhân của tình trạng “Gốc đạo lý nhiễm độc thì bảo sao hoa trái không thui chột”, một con người nuôi chí lớn mà phải sống trong cái môi trường xã hội có “những cuộc họp phút chốc biến thành chợ hàng bán tôm cá”, một xã hội như cha cố Đức Minh bàn luận: “do sự băng hoại về đạo đức thường tình trong quan hệ giữa con người với con người, nên dối trá đã thành một nết xấu”, trong hoàn cảnh ấy, “làm sao ông ta có thể thu phục được nhân tâm, làm sao ông ta có thể gạt được những đồng chí của ông ta co cụm lại cản phá. Nhân tâm tan rã thì đừng hòng mưu cầu sự nghiệp.” GĐ Trọng cay đắng nói về Thanh tra như sau:” Nếu nhà máy chúng ta phá sản, họ sẽ tới với vòng hoa chia buồn. Còn như nhà máy ăn nên làm ra họ sẽ tới với còng số tám. Một kiểu quản lý quái gở…” Cái kiểu bi kịch này ở nhân vật chính diện chưa được văn học chính thống của ta coi trọng, nhưng trong “Ma trận tình” nó đã được khai thác một cách khá triệt để! Dễ nhận thấy là nhà văn ngụp lặn rất sâu trong thực tế đời sống và đắp da thịt cho suy nghĩ, tư tưởng của các nhân vật chính Bảy Trọng, Long, cha Đức Minh nên nhân vật đã không biến thành cái loa phát ngôn tư tưởng cho tác giả mà không ít tác phẩm văn học của ta trong giai đoạn ấy (và cũng không chỉ ở giai đoạn ấy) mắc phải!
Nếu tác giả (theo lời nhà văn Tô Hoàng) là “người luôn luôn biết linh hoạt, cơ động cải biến hoàn cảnh; làm chủ được cuộc đời mình, để biến báo khôn lường, để thoát hiểm trong những tình thế ngặt nghèo” (“Lạc vào Ma trận tình của thầy Bảy”) thì trong tiểu thuyết “Ma trận tình”, các nhân vật chính đều không thể “thoát hiểm” trong những tình thế ngặt nghèo” bởi họ đã bị một cái vòng kim cô nào đó vô hình thít chặt. Không chỉ Bảy Trọng - một sản phẩm của “chế độ mới”, mà cả cha Đức Minh - một sản phẩm của “chế độ cũ” (nói theo cách của giới truyền thông chính thống) cũng vậy. Họ đều bị một cái gì đó mạnh hơn ý chí tự do của họ nhiều lần buộc thần phục, buộc họ phải nhu nhược đớn hèn. Chính sự đớn hèn đó cũng là một biến thái của “tha hóa”- không dám sống thật với mình, không dám công khai những chính kiến, những yêu ghét cá nhân, trước tình yêu trần thế phải giả khoác áo thầy tu, trong khi đó thì thầy tu thật lại muốn phá đạo để hoàn tục mà không đủ lòng dũng cảm vượt qua vòng nô lệ của đức tin… Cha cố Đức Minh bộc bạch: ”Ta giao cho con bổn phận quyến rũ người đàn ông ấy, bắt người đàn ông ấy phải quỳ ngã dưới chân con… Đời ta không là bỏ đi, nếu như con vẫn là bạn ta, vẫn như ta đào luyện, đã mong đợi”. Điều bộc bạch thầm kín và bất ngờ này vượt ra khỏi phạm vi của một cuộc xưng tội thông thường, chợt hé lộ sự thật: cô gái thật ra chỉ một thứ phương tiện để phần quỷ dữ ẩn sâu trong cha cố sai khiến nhằm thực hiện một tham vọng dù có nhân danh gì chăng nữa cũng khiến người ta ghê sợ…
Đây cũng là một mạch ngầm sâu nhất của tiểu thuyết khiến nó tạo nên không chỉ nội dung triết lý mà còn là cái động lực bên trong của kết cấu cuốn tiểu thuyết thúc đẩy dòng chảy số phận các nhân vật!
Đây cũng là một mạch ngầm sâu nhất của tiểu thuyết khiến nó tạo nên không chỉ nội dung triết lý mà còn là cái động lực bên trong của kết cấu cuốn tiểu thuyết thúc đẩy dòng chảy số phận các nhân vật!
Nhân vật trung tâm xưng “tôi” không chỉ là một cô gái có nhan sắc mà còn có nhân cách, có bản lĩnh, song cô cũng không thể thoát khỏi nguy cơ bị nhấn chìm trong cơn lũ thực dụng và âm mưu của cái xã hội kỳ quái khiến “Tình yêu đối với anh cũng là một tội lỗi cần lên án, bị cả cũ lẫn mới xua đổi”, và có lúc cô đã kêu lên chua xót: “Tôi ơi, phận dơi, không thuộc họ chim cũng không trong họ chuột!”
Sự xuất hiện của nhân vật Tư Cơ - bồ của vợ Bẩy Trọng (mà tác giả đã cho nữ nhân vật chính gọi là “Lãnh tụ”) đã tình cờ và nhanh chóng giải tỏa mọi xung đột giữa các nhân vật, điều này giống như một trò đùa của số phận! Chúng ta hãy nhớ lại nhân vật “quan thanh tra” * trong hài kịch tuyệt tác cùng tên của văn hào Nga N.Gôgôn để thấm hơn ý nghĩa xã hội thâm trầm mà tác giả NNB gửi gắm và tô đậm thêm nội dung triết lý của “Ma trận tình”.
Hai Sĩ - anh chàng xe ôm si tình nghĩa hiệp - King giang hồ được miêu tả không nhiều nhưng có thể nói là một vệt sao băng lướt qua trong đời nhân vật nữ chính và để lại âm hưởng gần như “anh hùng ca” của cuốn tiểu thuyết thế sự! Nhân vật Hai Sĩ, cùng với nhân vật Trinh, một cô gái sống theo bản năng nhưng tốt bụng, lương thiện đã tạo nên một nét folklore khỏe khoắn, trong trẻo nhưng không hề lạc điệu ở tác phẩm, giữa trùng trùng điệp điệp những suy tư dằn vặt cùng những âm mưu, những trò đấu đá của các nhân vật!
Như thế là, “Ma trận tình” đã thoát ra khỏi thân phận của một cuốn tiểu thuyết diễm tình lấy nước mắt của các cô các bà, bởi đằng sau, bên cạnh những trăn trở yêu đương của nhân vật nữ chính (Long), nhân vật nữ phụ (Trinh) là những suy tư của chính tác giả thổi hồn vào người đọc những vấn đề về ý nghĩa cuộc sống, về chính nghĩa công bằng, về giá trị đích thực của con người trong xã hội, về cái hoàn cảnh nhân đạo cần có để con người trở nên “Người” hơn… Nhưng nó không rơi vào cái bẫy của một cuốn tiểu thuyết luận đề; mà xét cho cùng, nếu có là luận đề thì cũng là luận đề một cách tận cùng và thực “đáo để” về sự tha hóa nhân cách của những “nhân vật thời đại” theo lối của Lermotov (tác giả tiểu thuyết nổi tiếng: “Một nhân vật của thời đại ta”, được dịch sang tiếng Việt là “Một anh hùng thời đại” **)
Cái xưởng in và hoạt động của nó ở “Ma trận tình” không cần được miêu tả kỹ càng theo lối văn xuôi thế kỷ XIX như các xưởng in của Đavit và anh em nhà Quanhtê trong tiểu thuyết “Vỡ mộng” của H. Banzăc, song cũng đủ để tạo nền cho những xung đột số phận, và ta cần lưu ý rằng, tác giả chỉ tập trung tả về cái máy phân tích màu điện tử- nhưng chủ yếu lại thông qua thái độ phản ứng của hai nhân vật về nó, để từ đó có dịp khai thác kỹ thêm đời sống tâm hồn, dáng vẻ nhân cách ở tận bề sâu của nó.
Ma trận tình” dù được viết dưới hình thức “tôi tự sự” song lại rất giàu chất Cinéma, nó gần giống loại tiểu thuyết - điện ảnh của nhà văn Pháp đương đại Marguerite Duras. Tôi nghĩ, “Ma trận tình” có thừa chất liệu hình ảnh và xúc cảm để xây dựng thành một bộ phim truyện dài hấp dẫn về mặt hành động, lôi cuốn về xung đột nội tâm và làm ngây ngất người xem bởi chất thơ tràn ngập trong nhiều tình huống, trong nhiều lời đối thoại và độc thoại…
Các nhân vật của cuốn tiểu thuyết đều được đặt trong một trạng thái tinh thần căng thẳng, trong vòng xoáy của các số phận đan cài - người đi tìm tình yêu đích thực, người đi tìm sự ủng hộ từ nhiều thế lực, người hy vọng được cứu rỗi từ những ước vọng mơ hồ, những chờ đợi mong manh… Ở đây, ngòi bút của nhà văn NNB chứng tỏ một năng lực phân tích tâm lý sắc xảo, và chúng ta có thể tìm thấy ảnh hưởng từ truyền thống của văn học hiện thực thế giới với L. Tônxtôi, Đốtxtôievski, Stăngđan, Flôbe… - những bậc thầy về nghệ thuật phân tích tâm lý con người. Nhưng, NNB đã không dừng lại ở đó! Vào những năm mà văn học ta còn chạy theo đề tài và đang mầy mò với những hướng đi mới trong cách thể hiện để thoát khỏi vòng kim cô Hiện thực XHCN, thì NNB đã vô tình (?) đi theo một phương cách tự sự có hơi hướng của trường phái Tân tiểu thuyết phương Tây mà Natalie Sarraute là một trong những đại diện. Với sáng tác của nữ nhà văn Pháp này, cốt truyện lui xuống hàng thứ hai để ưu tiên cho các chuyển động của ý thức; theo bà, vật liệu của tiểu thuyết từ nay chủ yếu là “những chuyển động trong phạm vi của ý thức, những chuyển động bên dưới ngôn ngữ, cái ở dưới độc thoại nội tâm”, bà đi tìm những hiện tượng đời sống chỉ với tư cách là “những nguồn gốc các hành vi và lời nói của chúng ta, nguồn gốc những tình cảm mà chúng ta biểu lộ, mà chúng ta tin rằng chúng ta cảm thấy.” (Theo Patrick Brunel: “Văn học Pháp thế kỷ XX”, Nguyễn Văn Quảng dịch, NXB Thế giới, 2006 - trg. 288-289)
Nhà nghiên cứu văn học lỗi lạc người Nga M.Bakhtin đã đưa ra những khái niệm lý luận mới mẻ: “Nó là ai?”, “nhân vật tự thú”, “sự tự ý thức”, “thực thể độc thoại”, v.v... trong các công trình viết về thi pháp tiểu thuyết của mình; và theo tôi có một luận điểm ông viết về Đôxtôievski mà chúng ta có thể vận dụng để có thể hiểu thêm về “kiểu” tự sự của nhân vật xưng “tôi” trong “Ma trận tình”: “Cái sự thật mà nhân vật cần phải đạt tới và rốt cục đã thật sự đạt tới khi giải thích các biến cố cho mình… Về thực chất, chỉ có thể là sự thật về ý thức của chính mình… Qua miệng người khác, cũng chính những lời nói đó, với nội dung như thế, một nhận định như thế chắc sẽ có một ý nghĩa khác, giọng điệu khác, và sẽ không còn là sự thật nữa.” (“Những vấn đề thi pháp Đôxtôievski” - Trần Đình Sử - Lại Nguyên Ân - Vương Trí Nhàn dịch, NXB Giáo dục, 1998 trg.53)
Chúng tôi chưa bàn đến việc nhà văn NNB đã thành công đến mức độ nào trong kiểu “tự sự” mà trong đó “nhân vật tự thú” như thi pháp tiểu thuyết hiện đại đòi hỏi, nhưng có một điều rõ ràng là: hình thức đó xuất phát từ một nhu cầu cần thiết của chính tác giả nhằm bộc lộ tất cả những gì đang nung nấu trong nội tâm mình!
Theo tác giả, “Ma trận tình” viết ra vào những năm 1986-1987, và tác phẩm đã không được cấp phép in từ bấy đến giờ chắc bởi được viết theo kiểu “Ma trận” về những vấn đề xã hội nhạy cảm, nhất là với một thái độ không né tránh! “Ma trận tình” có thể được coi là một đỉnh cao văn xuôi của NNB và cần được có một vị trí thích đáng trong văn học Việt Nam kể từ 1975 với những đóng góp đáng kể - không chỉ là những vấn đề nhân bản được đặt ra ở tác phẩm mà còn là sự tìm tòi đầy căng thẳng của nhà văn trong nghệ thuật tiểu thuyết hiện đại.
Chú thích:
*. Tóm tắt nội dung hài kịch "Quan thanh tra": Một viên công chức tầm thường được bọn quan lại ở một thị trấn nọ tưởng nhầm là quan thanh tra từ Pêtecbua tới. Bọn chúng cực kỳ lo sợ nên tìm cách mua chuộc, hối lộ "quan lớn". Chúng tố cáo lẫn nhau để tâng công. Viên thị trưởng còn định lợi dụng cả vợ và con gái hòng leo cao hơn trong sự nghiệp hoạn lộ... Tác phẩm "Quan thanh tra" đã phơi bày toàn bộ chế độ mục nát của Nga hoàng với bộ máy công chức toàn phường vô lại và trộm cướp.
**. Pétsôrin - nhân vật chính của tiểu thuyết này là một thanh niên sống trong nhung lụa, thông minh và nhạy cảm, nhưng lại là một kẻ tàn tật về tinh thần, tự hủy hoại đời mình và phá hoại không biết bao cuộc đời tươi trẻ khác...
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét