Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Bảy mươi tác phẩm vừa thu hoạch tại trại sáng tác văn học ở Phú Yên

Bảy mươi tác phẩm vừa thu hoạch
tại trại sáng tác văn học ở Phú Yên

Trại sáng tác Văn học về lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng do Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Phú Yên và Công ty TNHH Du lịch Sao Việt phối hợp tổ chức từ ngày 10 đến 19.5.2020 tại Khu du lịch sinh thái Sao Việt (TP Tuy Hòa), có gần 30 nhà văn nhà thơ, nhà phê bình văn học đến từ 6 tỉnh, thành phố trong nước tham gia. Kết quả bước đầu thu được gần 30 truyện ngắn, 2 trường ca, hơn 30 bài thơ và 6 bài phê bình văn học.
Số lượng tác phẩm “thu hoạch” được khi tổng kết trại sáng tác là kết quả “bề nổi”. Theo Đại tá – nhà văn Nguyễn Bình Phương, Tổng Biên tập Tạp chí Văn nghệ Quân đội, điều cần hơn cả là sự lâu dài, bền bỉ của các nhà văn trong nghề, và sự cộng tác của họ với Tạp chí Văn nghệ Quân đội.
Các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình văn học tham quan, chụp ảnh lưu niệm tại Di tích lịch sử Bến – Tàu Không số Vũng Rô. Ảnh: XUÂN TÙNG
Nhà văn Nguyễn Bình Phương cho biết, tổ chức trại sáng tác văn học là một trong những nhiệm vụ mà Tổng cục Chính trị giao cho Tạp chí Văn nghệ Quân đội. Đây là dịp để các cộng tác viên thân thiết và những cộng tác viên mới của Văn nghệ Quân đội gặp gỡ, giao lưu, học hỏi về nghề, cũng là dịp để những người đến từ nơi khác tìm hiểu về lịch sử, văn hóa của địa phương, tạo cảm hứng sáng tác.
Theo tác giả Những đứa trẻ chết già, Trí nhớ suy tàn, Kể xong rồi đi…, thành công của trại sáng tác là các nhà văn từ những vùng miền khác, những lứa tuổi khác, nghề nghiệp khác, đẳng cấp khác… gặp nhau trao đổi về nghề viết. Khi có cảm hứng thì mọi người sáng tác, ban tổ chức thu tác phẩm về và in. Nếu chưa sáng tác được thì sau này sáng tác. “Văn chương là câu chuyện lâu dài. Có thể các nhà văn từ xa đến có những cảm nhận về vùng đất Phú Yên và “giấu” ở trong tim, chưa viết. Rồi lúc nào đó hình ảnh của Phú Yên trở lại trong tác phẩm, thì cũng là thành công. Chúng tôi không căn cứ nhiều lắm vào con số cụ thể, như kết thúc trại thu được bao nhiêu bài thơ, bao nhiêu truyện ngắn, bao nhiêu bút ký. Đó là những con số cơ học, chúng tôi cũng cần, nhưng cần hơn cả là sự lâu dài, bền bỉ của các nhà văn trong nghề, và sự cộng tác của họ với Tạp chí Văn nghệ Quân đội”, nhà văn Nguyễn Bình Phương chia sẻ.
Làm việc tại Ban Văn xuôi của Tạp chí Văn nghệ Quân đội, Thượng tá – nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng được giao nhiệm vụ “tổng quản” trại sáng tác. Anh nhắc các bạn viết chia sẻ, trao đổi với nhau về tác phẩm để hoàn thiện, sau đó mới nộp cho ban tổ chức trại đọc và góp ý một lần nữa, như vậy tác phẩm sẽ “tròn trịa” hơn. Đọc kỹ, anh thẳng thắn góp ý, tập trung vào những điểm chưa được để tác giả có thêm góc nhìn và hoàn thiện đứa con tinh thần.
Nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, trại sáng tác của Tạp chí Văn nghệ Quân đội có sự tiếp nối giữa các thế hệ, gồm những nhà văn có tên tuổi – những người đã đi qua chiến tranh, các bạn viết có tay nghề và một số cây bút tiềm năng. Những người đã đi qua chiến tranh có nhiều vốn sống, trải nghiệm, còn các bạn trẻ thì có cảm xúc tươi mới, viết theo phong cách hiện đại. “Tham gia trại sáng tác, các bạn trẻ được tiếp cận với nguồn tư liệu cực kỳ quý của những người đi trước. Ngược lại, qua các cuộc trao đổi về văn chương với lớp trẻ, những người đi trước như nhà văn Nguyễn Trọng Luân, nhà văn Trung Sỹ… cập nhật thêm về xu hướng văn chương. Thứ hai là trong quá trình diễn ra trại, không chỉ kênh của ban tổ chức mà còn có một kênh khác để nhận xét, là kênh của những bạn viết, giúp các tác giả có những góc nhìn khác nhau về tác phẩm và hoàn thiện tác phẩm của mình. Trong trại sáng tác này, kể cả người viết lão luyện như nhà văn Đỗ Phấn vẫn gửi tác phẩm cho những người khác đọc”, nhà văn Nguyễn Mạnh Hùng cho biết.
Do đặc thù, lực lượng viết phê bình bao giờ cũng ít hơn lực lượng sáng tác. Theo Đại úy – nhà phê bình văn học Đoàn Minh Tâm (Ban Lý luận phê bình, Tạp chí Văn nghệ Quân đội), cộng tác viên của ban đa phần là giảng viên ở các trường đại học, nhà nghiên cứu ở các viện. Những người viết phê bình thường sống và làm việc tại các trung tâm lớn, như Hà Nội, Huế, TP Hồ Chí Minh. Trại sáng tác là cơ hội để Ban Lý luận phê bình tìm kiếm những gương mặt mới từ các hội văn nghệ địa phương và các trường.
Nhà văn Nguyễn Trọng Luân – người lính của Sư đoàn 320 năm nào – là một trong những gương mặt nổi bật ở trại sáng tác. Tác giả Bóng đổ nhà mồ, Rừng đói… chia sẻ: “Tôi thấy lớp trẻ có cái mình cần phải học. Cách viết của lớp trẻ bây giờ hừng hực, bỏ những tiểu tiết lằng nhằng không cần thiết. Một cây bút trẻ nói với tôi trong bữa cơm rằng văn của chú rất hay rồi, rất đẹp rồi, chú chỉ cần viết khẩn trương lên thì tuyệt vời lắm. Tôi nhận ra cách viết của lớp trẻ bây giờ khác, rất mạnh dạn, đột phá. Cách viết văn của bọn tôi quả thực là rườm rà hơn”.
Nhà thơ trẻ Trương Thị Bách Mỵ (Hội Nhà văn TP Đà Nẵng) chia sẻ rằng đến với vùng đất Phú Yên, chị có rất nhiều cảm xúc. “Phú Yên đẹp quá, đẹp đến mức không muốn rời! Tôi có những trải nghiệm mà trước giờ chưa từng có. Là người ít tiếp xúc, tham gia trại một thời gian, tôi dạn dĩ, trải lòng nhiều hơn. Các bác, các anh chị cũng đã chia sẻ tác phẩm của họ với tôi, và tôi học hỏi được nhiều điều. Lúc trước tôi nghĩ gì thì viết nấy, chừ thấy mình cần phải chắt lọc hơn khi viết”, Bách Mỵ thổ lộ.
Phát biểu tại lễ bế mạc trại sáng tác, ông Phan Đình Phùng – Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phú Yên trân trọng cảm ơn các nhà thơ, nhà văn, nhà nghiên cứu đã có những tác phẩm, trong đó chứa đựng cảm xúc, tình cảm dành cho vùng đất, người dân Phú Yên. Ông cảm ơn Tạp chí Văn nghệ Quân đội đã mở trại sáng tác tại Phú Yên, một vùng đất giàu truyền thống cách mạng, đồng thời ghi nhận và đánh giá cao sự thành công của trại sáng tác văn học. Ông cũng tin tưởng rằng qua hoạt động này, mối quan hệ giữa Tạp chí Văn nghệ Quân đội và tỉnh Phú Yên sẽ càng thêm gắn bó.
Sau đây là một số hình ảnh giao lưu, sinh hoạt giữa các thành viên của trại và khách mời.
20/5/2020
Yên Lan
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...