Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Nguyễn Trãi - Bậc thầy của mỹ học châm biếm

Nguyễn Trãi - Bậc thầy
của mỹ học châm biếm

Châm biếm là một dạng của văn học trào phúng dùng lời lẽ sắc sảo, cay độc, thâm thuý để vạch trần bản chất cái đáng cười. Không phải nhà trào phúng nào cũng có thể sử dụng châm biếm, mà phải thường là người tham bác rộng rãi cả văn và đời, phải là tầm trí tuệ hiểu sâu tâm địa đen tối của đối phương.
Nói tiếng cười là trí tuệ thì trước hết phải nói tới lĩnh vực châm biếm. Chúng tôi xin giới thiệu mỹ học châm biếm Nguyễn Trãi qua tập “Quân trung từ mệnh tập” – một văn kiện ngoại giao nhưng lại mang màu sắc văn hóa châm biếm đuổi giặc độc đáo, đặc sắc, hiếm có.
Chân dung đại thi hào Nguyễn Trãi.
Tác phẩm nổi bật hai tiếng cười châm biếm lớn là châm biếm trí tuệ và châm biếm đạo lý. Chỉ có tầm trí tuệ kiệt xuất mới có thể dùng tiếng cười vạch ra cái ngu và cái tham của kẻ hiếu chiến, hiếu sát của quân Minh một cách đích đáng. Chỉ có tầm hiểu biết, tấm lòng bao dung nhân nghĩa như trời biển mới có thể dùng tiếng cười chỉ ra sự dối trá đáng nguyền rủa và sự hèn hạ thảm hại của kẻ xâm lược một cách rõ ràng, hả hê.
Để tiếng cười tăng cường thêm sức mạnh lột phăng cái mặt nạ giả tạo bóng bẩy “điếu dân phạt tội” (thương dân mà phạt kẻ có tội), làm trơ ra bộ mặt thật đểu giả, gian ác rồi xoáy vào tim đen gan ruột của bọn ăn cướp, Nguyễn Trãi luôn tựa vào những điểm tựa chắc chắn là đạo lý, chân lý chính nghĩa, là một kiến văn uyên bác thật sự hiếm có, một sự thật lịch sử cũng như những sự thật hiển nhiên trong thực tế… Vì thế, mở đầu mỗi lá thư thường có mấy chữ tưởng chừng công thức: “Ta nghe…”, “Ta thường nghe…”, “Cổ nhân nói…”… nhưng chứa đầy sức mạnh của lẽ phải, sự hiểu biết, của lòng yêu hòa bình.
Ông cố ý dùng rất nhiều các từ nói về chân lý, đạo lý như Đạo trời, Thánh nhân, đại nhân, cổ nhân, trí giả, nhân giả, nghĩa giả, quân tử, bực hào kiệt, đạo chí thành, chí nhân, thành thực… để đối lập triệt để, tương phản gay gắt với kẻ thù tàn ác, dối trá, hèn hạ.
Bản chất cái hài là sự mâu thuẫn giữa các mặt đối lập, giữa nội dung và hình thức, giữa đạo đức và phi đạo đức, giữa hèn kém và cao thượng, giữa dốt nát ngu đần và trí tuệ hiền minh… Nhưng để có tiếng cười thì phải đợi đến vai trò quyết định của chủ thể tiếng cười, phải trí tuệ để nhìn thấy những mâu thuẫn hài; phải có sự phẫn nộ của lý trí muốn đòi lại lẽ phải, sự công bằng; phải có trái tim đầy yêu thương con người, căm thù cái xấu bênh vực cái tốt đẹp; phải có năng khiếu trời phú, có tài năng mỹ học về cái hài biết đẩy mâu thuẫn hài đến kịch tính… Nguyễn Trãi có đầy đủ những yếu tố ấy để đưa ông trở thành nhà trào phúng vĩ đại, chỉ qua một tập sách này.
Giặc Minh trắng trợn cướp nước ta, chém giết dân ta với danh nghĩa “Thiên triều” sang “cứu giúp dân”. Đấy là mâu thuẫn khủng khiếp mang tính bi kịch của lịch sử, thách thức cả công lý, đạo lý và chân lý… Lịch sử đã trao cho Nguyễn Trãi sứ mệnh dùng tiếng cười xé toạc, thổi bay cái sự thật mĩ miều bên ngoài, mà thực chất bên trong bẩn thỉu để toàn nhân loại thấy rõ dã tâm kẻ cướp.
Tác phẩm dài chưa đầy một trăm trang sách là sự tập hợp những lá thư luận chiến đanh thép nhưng tần số xuất hiện các chữ lừa dối, dối trá, giả dối cao ở mức rất đáng chú ý (36 lần): “…tính mạng của mấy vạn đàn ông, đàn bà ở trong thành đều bị các ông lừa dối làm hại, làm cho bọn người không tội một mai bị chết”.
Ở tư cách bậc thầy, Nguyễn Trãi giảng cho đối phương về đạo lý trong quan hệ láng giềng lân bang thì chữ “tín” là hạt nhân: “Kể ra, Vương giả không lừa dối bốn biển, Bá giả không lừa dối bốn láng giềng, cho nên Văn hầu không đánh ấp Nguyên, Thương quân không bỏ việc thưởng người dời cây gỗ; người mà không có tin thì làm gì được”.
Ở đây ông dùng “điển cố”, tức nêu những sự việc và con người mang tính mẫu mực đời trước để đời nay làm theo. Theo sách “Tả truyện”, Tấn Văn Công nói sẽ đánh ấp Nguyên trong ba ngày. Vây đúng ba ngày ấp Nguyên không chịu hàng, Văn Công bỏ không vây. Nội gián báo ra ấp Nguyên sắp hàng nhưng Văn Công cứ lui quân vì cho rằng nếu cứ vây nữa là thất tín. Về sau việc này trở thành điển hình cho chữ “tín” trong việc quân sự.
Sử Trung Quốc kể, thời Tần, Thương Ưởng dựng cây gỗ cửa Nam thành, nói ai dời sang cửa Bắc sẽ thưởng 10 lạng vàng. Không ai dám làm. Ông ta nói tiếp, ai dời sẽ thưởng 50 lạng vàng. Có người làm, Thương Ưởng cho ngay 50 lạng vàng để chứng minh chữ “tín” của mình. Các điển cố này có trong văn hóa cổ đại Trung Quốc ai cũng biết. Đó là cách mỉa kẻ thù: Văn hóa cha ông các người như thế mà sao các người thất tín làm vậy!
Mang một tội ác man rợ đến cướp một đất nước nhỏ bé yêu hòa bình công lý thì chúng phải có cả một “chiến lược” lừa dối. Nên chúng phải khoác lác, khoác lác ngay cả khi thế đã cùng lực đã kiệt: “Hẳn nếu giỏi công thủ thì sao không đánh ta ngay thuở ở Khả Lam hãy còn nhỏ yếu, mà bây giờ lại giương vây khoác lác như thế ư?… Huống chi lại bưng bít tai mắt người ta, đặt điều lừa phỉnh nói phao là viện binh sắp đến, Trương Phụ lại sang”.
Nhưng đã phi nghĩa và giả dối thì không thể che mắt được chính nghĩa và sự thật, Nguyễn Trãi vạch ra bản chất lời nói dối: “chỉ lấy lời nói suông cùng lừa dối nhau, muốn đợi quân khác đến cứu viện như ngày trước đã làm, ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến… như thế thì ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được, huống chi tôi là kẻ tuy không có mưu trí mà lại tin thế ư?”.
Tiếng cười ba lần hạ bệ đối phương. Lần thứ nhất, lật tẩy âm mưu trò hề làm trơ ra sự thật “ngoài mặt thì hòa giải mà ngầm có mưu khác, rồi đại quân kéo đến”. Lần hai bị hạ bệ qua mệnh đề “như thế thì ngu phu ngu phụ cũng còn chẳng tin được”. Và lần ba “huống chi…?”.
Nguyễn Trãi đã thay mặt công lý để nói với cả nhân loại rằng kẻ thù này thì lừa dối là bản chất nhưng họ lại coi đó  là một “đắc sách”: “Sau lại bảo ta sai người dâng biểu cầu phong, mà nói rằng “sau khi dâng biểu lập tức rút quân”. Đến lúc biểu đã đệ đi mà quân chưa thấy rút, lại còn dựng thêm rào lũy, sắm sửa đồ binh, tự cho là đắc sách lắm. Bội ước thất tín đến thế là cùng…”.
Lấy điểm tựa “nhân nghĩa” mà Nguyễn Trãi gọi là “nhân giả”, “vương giả” để cười kẻ thù trong tình trạng “vật hóa”:
“Ta nghe: quân của vương giả chỉ có dẹp yên mà không có đánh chém. Việc làm nhân nghĩa cốt để yên dân”. Thế mà kẻ thù thì hoàn toàn ngược lại, gây ra những tội ác tày trời: “chuyên làm hà ngược, sinh linh lầm than, thiên hạ ta oán, đào phần mộ ở ấp ta, bắt vợ con của dân ta, người sống bị hại, người chết ngậm oan”. Chúng không chỉ giết người cướp của, tàn phá di sản văn hóa của ta mà còn làm tổn thương các giá trị đời sống tinh thần như “đào phần mộ ở ấp ta” (người Việt coi trọng cuộc sống tâm linh, sống vì mồ vì mả…).
Tiếng cười vạch ra 4 tội: một là, chống lại lệnh “Thiên triều” (khi Liễu Thăng đã xuất quân, triều Minh hai lần “sắc thư” gọi về, nhưng lấy cớ “Tướng quân toàn quyền tại ngoại” hắn cứ đi). Hai là tội chống lại mệnh trời gặp họa đắm thuyền “trời bảo cho biết” mà vẫn tiếp tục âm mưu gây họa. Ba là tội ngu, là tướng mà “không xét thời trời, không biết việc người”. Bốn là tội hiếu sát “chỉ lấy việc chém giết làm oai”.
Biết thời điểm lá thư này gửi cho Vương Thông, Sơn Thọ cùng “song hổ phù” (một biểu tượng quyền lực) và “ấn bạc” của Liễu Thăng sau khi bị ta chém chết ở Chi Lăng càng thấy rõ hơn mục đích của Nguyễn Trãi là kể tội Liễu Thăng để “uy hiếp” tinh thần, cũng là làm rõ điều hơn lẽ thiệt cho bọn Vương Thông. Còn một mục đích hòa bình xa hơn, như muốn nói: Liễu Thăng chết là do tội của nó, tội đáng chết (chứ không hoàn toàn do ý chúng tôi)!
Trong thư gửi Mộc Thạnh (vào nước ta sau đạo quân Liễu Thăng) có nói kỹ hơn: “Tôi đã hai ba lần gửi thư nói kỹ về thiên thời, về nhân sự, nói đi nói lại không rờm lời, mà Liễu công (tức Liễu Thăng) cho lời nói của tôi là không đáng tin, bèn mạo hiểm tiến quân vào sâu chuyên việc chém giết, ý định giết hết không để sót người nào. Nhưng không biết đạo trời ưa sống, lòng người ghét loạn. Thành hay bại, phúc hay họa, chỉ trong khoảng trở bàn tay thôi”.
Cần nói rõ hơn, Mộc Thạnh đã từng làm quan cai trị nước ta trước đó nên phần nào hiểu tinh thần yêu nước, sức mạnh của quân dân ta, do vậy dù là tướng chỉ huy một đạo quân khác nên hắn tiến quân có phần thận trọng. Càng thấy chiến thuật “tâm công” của Nguyễn Trãi cực kỳ nhân nghĩa, vô cùng linh hoạt, hiệu quả, chiến lược, ngăn ngừa cuộc chiến tranh trả thù sau này!
Một nguyên tắc của mỹ học châm biếm Nho gia là hay dùng hình ảnh để “vật hoá” đối phương được Nguyễn Trãi tận dụng để cười kẻ thù và hạ bệ chúng xuống hàng những con vật nhút nhát, yếu đuối, bất lực như con cá (trên thớt), con chuột (trong xó hang), con bọ ngựa (giơ càng)… Có một ẩn dụ mỉa cực đau đối với các tướng “thiên triều” vốn kiêu ngạo: “Ta e bọn mày không khỏi cái nhục khăn yếm vậy!”. “Khăn yếm” dịch thoát từ chữ Hán “cân quắc” chỉ đồ trang sức chung của đàn bà (không chỉ là khăn yếm!).
Tiếng cười châm biếm Nguyễn Trãi tiêu biểu và đại diện cho một nền văn hóa chính nghĩa và nhân nghĩa cười kẻ thù xâm lược phi nghĩa, hiếu sát, hiểm ác, tráo trở. Đó là một thứ vũ khí cực kỳ sắc bén, quyết liệt mà vẫn thể hiện tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam anh hùng, trí tuệ, sắc sảo mà nhân ái, bao dung, tinh tế. Đó là tiếng cười hai chiều vừa hủy diệt, vừa tái sinh, hủy diệt tính cách lừa dối, tham tàn, bạo ngược để tái sinh kẻ ăn năn hối cải, kẻ biết yêu hòa bình, yêu sự sống!.
12/11/2019
Nguyễn Thanh Tú
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...