Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Cháy lòng hoa gạo tháng ba

Cháy lòng hoa gạo tháng ba

Hoa gạo thắp lửa cháy trời tháng Ba, thắp sáng tinh khôi trời xuân yên ả, thắp ước mơ xanh một thời vụng dại, thắp cả nỗi lòng khao khát tình quê. Xưa gần mà thương, nay xa thấy nhớ.
Hoa gạo bé nhỏ đượm sắc bình yên, đượm tình thôn dã đã làm cho bao kẻ mộng mơ phải bâng khuâng xao xuyến, phải nghiêng ngả tâm hồn để rồi chẳng thể cầm lòng mà cho ra đời những vần thơ thương nhớ đến vô cùng: “Bao năm thân thuộc gạo ơi! /Hồn quê thắp lửa cháy trời tháng ba /Nửa đời lưu lạc phương xa/ Nhớ mùa hoa gạo lòng ta bồi hồi…”.
Với tôi, có lẽ chẳng bao giờ tôi có thể quên được những kỷ niệm ngày ấu thơ với hình ảnh những bông hoa gạo cháy đỏ con đường đến trường một thời gian khó.
Tác giả Lê Gia Hoài ở Vĩnh Phúc
Cứ đến cuối Giêng đầu Hai trên những cành gạo lộc non lại mọc lên chi chít, mỗi nụ lộc ấy lại nở thành một quả gạo. Gạo non lúc to bằng ngón chân cái nhìn rất giống hình chiếc cúp – biểu tượng chiến thắng dành cho các nhà vô địch. Những “cúp gạo” phát triển đến lúc to bằng cái ly (chén) thì đài hoa trong lòng cúp trồi lên khum khum, úp mặt vào nhau như hình năm ngón tay chụm lại, trẻ con chúng tôi vẫn gọi là “ngẳng gạo”. Cuối tháng Ba đầu tháng Tư là thời điểm giao mùa giữ Xuân với Hạ của trời đất. Cây cỏ, thiên nhiên cũng khoác lên mình tấm áo mới. Đây cũng là lúc hoa gạo bung nở, xòe ra thành bông trông như một ngôi sao đỏ chót treo lơ lửng trên cành. Hoa nở đến độ, cả cây gạo như một tháp đèn khổng lồ soi sáng khung trời Xuân cuối, gọi bao chim muông về đây tình tự.
Giá trị của cây gạo không chỉ là những vị thuốc từ rễ, vỏ, lá hay những cành tầm gửi trên thân cây mà hoa gạo còn ăn được, nước đọng trong hoa uống rất ngọt, rất mát. Để được thưởng thức hoa gạo lũ trẻ chúng tôi thường dùng “thang lang” đứng dưới gốc cây ném lên cho hoa gạo rụng xuống. Thang lang là những mẩu gậy dài khoảng khoảng 60 cm được chặt ra từ những cây tre đực, cành xoan hay những chiếc song cửa sổ gỗ đã cũ… Những đứa khỏe mạnh, cánh tay chắc chắn và cứng cáp nhất được chọn để ném gạo, những đứa yếu hơn thì đi nhặt thang lang ở phía đối diện mang trở lại cho người ném. Bọn con gái chân yếu tay mềm đi nhặt “thành quả” rơi dưới gốc.
Cầm những chiếc thang lang rồi ném lên ngọn gạo giống như các vận động viên ném lao rèn luyện kỹ năng thi đấu là một niềm vui mà bất kể đứa trẻ nào cũng muốn thử sức. Kỹ thuật ném gạo rất dễ thực hiện. Người ném cầm thang lang, uốn cong người về phía sau như hình một chiếc cầu vồng lộn ngược rồi dùng hết sức bình sinh rướn người về phía trước, tay vung lên trên, sau đó nhả tay ra cho thang lang bay lên. Có những lần ném vào đúng cành sai hoa, cả mấy trục bông gạo rụng xuống, gặp gió quay tít như những trận mưa hoa đỏ rực trông thật lãng mạn, thật thích mắt. Những “chiến lợi phẩm” thu được chúng tôi đựng vào nón hay những chiếc mũ cối rồi túm năm tụm ba cùng nhau liên hoan trong niềm vui sướng vô cùng.
Thưởng thức hoa gạo; có đứa thích ăn “cúp” bởi nó tươi giòn, đủ vị (đắng, cay, chua, chát); có đứa thích ăn “ngẳng” bởi cánh hoa giòn, ngọt và rất đượm; có đứa thích ăn “hoa”đã nở bởi phần nhụy “tăm gạo” béo mà dai, ngậy mà thơm, càng nhai, càng bùi, càng ngọt. Gia vị để làm cho hoa gạo ngon hơn chẳng có gì ngoài túi bột canh được lấy ra từ các gói mì tôm (Miliket).
Hoa gạo ăn nhiều có khi thành nghiện. Tôi nhớ vào khoảng năm học lớp tám, trong một buổi đi lao động tập trung ở trường chúng tôi dừng lại ở một gốc gạo rất to, nằm giữa cánh đồng, hoa sai chúc chỉu. Chuẩn bị ném gạo thì phát hiện ra không thằng nào mang theo thang lang nên rất có thể sẽ chẳng có hoa gạo để thưởng thức ngày hôm ấy.
Định bỏ cuộc thì thằng Quý “Gạo” – đứa to khỏe và ném gạo “siêu đẳng” nhất hội thấy thằng Tuyến “Ngoáy”- thằng này rất giỏi đào khoai lang và gốc mía, có mang theo một con dao rựa. Thằng Quý đã dùng con dao rựa ấy làm thang lang ném gạo. Ba lần ném đầu những bông gạo to tròn, mập mạp, tươi rói rụng xuống như mưa. Những trận mưa hoa rơi vào lòng chúng tôi niềm vui hân hoan vô bờ bởi nó chính là thức quà đặc biệt mà thiên nhiên ban tặng cho những đứa trẻ quê mùa như chúng tôi. Nhưng đến lần ném thứ tư thì hỡi ơi! Chỉ có hoa gạo rụng xuống còn con dao rựa thì cắm phập vào cành mắc lại trên ngọn cây rất cao.
Trước mắt là không có dụng cụ lao động làm ảnh hưởng đến điểm thi đua của lớp. Thứ nữa, con dao rựa này không phải của nhà thằng Tuyến mà là của nhà ông Vở – hàng xóm nhà thằng Tuyến. Ông Vở rất quý con dao bởi nó được rèn bằng thép từ xích xe tăng ông mang về khi còn trong quân ngũ. Do được thầy giáo phân công phải mang dao rựa mà gia đình thì không có nên bố thằng Tuyến phải sang nhà ông Vở nài nỉ mãi ông mới cho mượn để nó mang đi lao động. Nếu con dao vẫn nằm trên cây, chiều về có lẽ thằng Tuyến sẽ “no đòn” còn bố thằng Tuyến thì sẽ “nhục mặt”.
Thấy thằng Tuyến bật khóc nức nở, những giọt nước mắt sợ sệt rơi xuống làm tan úa nỗi lòng của bọn con gái chân yếu tay mềm đang hí hửng nghĩ đến một buổi liên hoan hoành tráng làm tôi, thằng Quý và cả lũ bạn ngẩn ngơ không biết làm cách nào để lấy lại con dao còn “ngự” trên cây. Chúng tôi không thể trèo lên cây gạo để gỡ con dao ra được vì: Không giống như những loài cây khác, trên thân cây gạo được bao bọc bởi một lớp gai chi chít , những chiếc gai hình thoi như tấm áo giáp vững trãi, thách thức mọi sự can đảm của người muốn trinh phục trên ngọn của nó.  Đã đến giờ lao động chúng tôi phải đi đến trường nhưng không ai trong nhóm làm được việc gì ra hồn. Trong đầu chúng tôi chỉ váng vất hình ảnh con dao rựa đang nằm trên cành gạo. Làm sao cho nó rơi xuống bây giờ mới là quan trọng.
Rất may buổi lao động cũng tan sớm, thằng Tuyến chỉ bị nhắc nhẹ vì lý do “mang nhầm dụng cụ”. Vừa ra khỏi cổng trường chúng tôi chạy ùa về nhà lấy hết thang lang ra cây gạo ban trưa tìm cách “giải cứu” con dao. Những “tay ném” cừ khôi đã rất nhiệt tình, chỉ nhằm chỗ con dao rựa mắc trên cây mà ném lên. Hoa gạo rụng tơi tả, đỏ ngàu cả gốc cây nhưng chẳng ai muốn nhặt. Sau khoảng mươi phút ném thì tuyệt vời làm sao! Chính chiếc thang lang của thằng Quý đã chạm mạnh vào con dao làm nó rời cành rơi xuống. Thằng Tuyến cười như bị “ma làm”, bọn tôi thở phào nhẹ nhõm, còn thằng Quý thì bị “sai cơ” tay hơn một tuần mới khỏi. Theo thời gian, vết dao trên thân cây gạo ấy đã liền da, chúng tôi đã làm cha, làm mẹ nhưng mỗi lần nhớ về tháng Ba, nhớ về mùa hoa gạo, vết dao ấy giống như một vết hằn đậm sâu trong tim không gì có thể xóa được.
Những kỷ niệm buồn vui trong quá khứ đã khép lại, nỗi niềm xưa cũ đã ngủ yên trong kỷ niệm. Cây gạo vẫn sừng sững giữa đồng làng, âm thầm lặng lẽ nhưng không đơn độc. Nó vẫn là nhân chứng, chứng kiến bao thế hệ học trò lớn lên rời làng đi xa. Mỗi tháng Ba về bao thế hệ lại gặp nhau ở những mùa gạo nở, nhặt lấy, nâng niu, giữ gìn những kỷ niệm xưa để yêu hơn tuổi thơ, trân trọng hơn vẻ đẹp quê hương mình.
6/3/2022
Lê Gia Hoài
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...