Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Những cây đào đá nơi núi rừng biên cương

Những cây đào đá
nơi núi rừng biên cương

“Cô ơi, dậy đi leo núi với chúng con nào!” Giọng mè nheo của lũ học trò kéo tôi ra khỏi chăn ấm và phá tan ý định ngủ “nướng” của tôi trong buổi sáng cuối tuần lạnh giá.
Bên ngoài cửa, khí lạnh xộc vaò khiến tôi rùng mình. Vậy mà lũ học trò “nhất quỷ nhì ma” vẫn phong phanh chiếc áo phông, vài đứa khoác thêm chiếc áo nỉ mỏng. Tôi quát: “Rét thế này sao không mặc áo ấm vào”. Một đứa bẽn lẽn: “Con không có áo ấm cô ơi, hết áo rồi”. Một đứa khác lại đế vào: “Với lại chút nữa leo núi rồi, lại nóng toát mồ hôi ra ý cô ạ”. Mắt tôi bỗng cay cay, tôi giả vờ quay vào trong để lũ trẻ không thấy mắt tôi đã hoen đỏ. Tôi bảo chúng: “Ra cổng trường trước đi, đợi cô thay quần áo rồi ra ngay!”
Nhà thơ Sơn Ca – Nguyễn Thị Cúc
Ở ngôi trường Hiền Kiệt vùng cao Thanh Hóa này có tới hơn tám mươi phần trăm học sinh thuộc hộ nghèo và cận nghèo. Nhiều em ở bản xa, đến trường đi học đã là may mắn lắm rồi. Nhiều em hoàn cảnh khó khăn quá, chỉ cố học xong tiểu học là nghỉ ở nhà giúp bố mẹ làm nương rẫy, có em học dở lớp 7, lớp 8 thì bỏ giữa chừng về lấy chồng sớm. Đa phần những em nhà ở cách xa trường từ 7 – 10 cây số trở lên phải ở bán trú tại trường. Cái lũ trẻ “ăn còn chưa no, co còn chưa ấm” nhưng phải tự lo hết cho mình trong cuộc sống sinh hoạt thường ngày. Từ nấu cơm, vệ sinh cá nhân, giặt giũ quần áo. Cuối tuần lại lũ lượt dắt nhau đi bộ về lấy thêm lương thực, thực phẩm cho tuần học mới. Bữa ăn của chúng chỉ có rau dại, măng rừng chấm muối chẻo. Sang lắm thì được thêm vài con cá khô, quả trứng luộc chia nhau. Có hôm cô trò kéo nhau ra ruộng đi bắt ốc, mò cua hái rau để cải thiện cuộc sống. Có hôm lại rồng rắn lên rừng hái măng… Tuy mệt nhưng nụ cười luôn nở trên môi.
Mỗi lần về xuôi, tôi thường bớt chút phần tiền lương mua thêm cho các em khi thì vài bò lạc, lúc ít con cá mắm. Nhưng học trò thì đông, đồng lương giáo viên thì eo hẹp, lại luôn phải đi đi về về chăm lo cho gia đình ở thành phố, nên biết chia sao cho đủ.
Mùa đông đến, tôi thường huy động bạn bè ở thành phố gom áo ấm cũ mang lên cho các em, hoặc xin ở các tổ chức từ thiện. Nhưng thường thì số lượng quần áo có hạn và chỉ nhiều áo của nữ, còn các em nam gần như là rất ít. Nên mỗi lần chia quần áo xong, lũ học trò nam níu tay tôi tị nạnh: “Cô chỉ thương các bạn nữ…” nghe mà thương đứt ruột gan.
* * *
 Lũ trẻ chạy ào khỏi phòng tôi như một cơn gió. Chợt trong điện thoại tôi có tin nhắn, mở ra xem là của anh T.K, một người bạn làm doanh nhân ở Đà Nẵng. “Đợt này rét đậm vậy, cô trò lạnh lắm phải không em? Anh gửi tặng thầy trò nhà trường một ít áo ấm mới, em nhận giúp anh nhé!” Mừng quá, tôi vận vội đôi giày leo núi rồi đi như chạy ra cổng trường, nơi lũ trò đang nô đùa ầm ĩ để báo tin vui: “ Thứ hai tới, các con sẽ có áo ấm mới nhé”. Bọn trẻ ôm vai bá cổ nhau và đu lấy tôi reo hò sung sướng.
Cô giáo Sơn Ca – Nguyễn Thị Cúc với học trò trường Hiền Kiệt vùng biên giới Quan Hóa, Thanh Hóa năm 2017
Cô trò chúng tôi háo hức đi bộ vượt dốc. Lần này rủ tôi leo núi, lũ trẻ muốn đi tìm đào đá, lan rừng để tặng cô mang về chơi tết. Leo một lúc, tôi mệt muốn đứt hơi, vậy mà lũ trẻ không hề biết mệt, vẫn cười đùa luôn miệng, chạy nhảy như sóc vậy. Thấy tôi hổn hển chùn bước, chúng đứa kéo đằng trước, đứa đẩy đằng sau, miệng liên tục hô: cố lên cô ơi. Cuối cùng thì cô trò cũng vượt qua được ngọn núi cao tít để sang sườn núi bên kia, nơi có những cây đào đá khẳng khiu, mốc thếch đầy gai góc…
Bọn trẻ ngồi bệt xuống bên dưới gốc đào, râm ran trò chuyện. Những bờ vai gầy nhô lên dưới làn áo mỏng, những làn môi tím ngắt vì giá rét, duy chỉ có những đôi mắt long lanh tươi cười… giống như những cây đào đá kia có vẻ khô cằn nhưng tràn đầy sức sống. Những cô bé, cậu bé nơi núi rừng biên giới này tuy gầy gò, yếu đuối là vậy nhưng luôn vui vẻ hồn nhiên, yêu đời. Đôi lúc tôi không cắt nghĩa nổi giữa mùa đông giá rét này, chỉ những tấm áo mong manh, chỉ những bữa cơm đạm bạc, sức mạnh nào giúp các em bám lớp, bám trường? Phải chăng vì niềm khát khao được học tập, được bay cao, bay xa vào bầu trời tri thức mà các em vẫn miệt mài vượt suối băng rừng, chịu đứng sương giá, nắng mưa để đến lớp.
Sáng thứ hai đầu tuần, trong tiết chào cờ, lũ trẻ xúng xính khoác những chiếc áo mới. Tôi thấy mình thật hạnh phúc vì được làm nhịp cầu nối những trái tim thiện nguyện đến với các em, để mùa đông vùng cao bớt lạnh giá hơn.
Học kì một kết thúc cùng những ước mơ màu hồng tươi đẹp của lũ học trò. Đứng trên bục giảng, nhìn những ánh mắt trong veo của các em, tôi luôn căn dặn: Muốn trở thành những người có ích cho quê hương, cho xã hội sau này, nhất định các em không được bỏ học, chỉ có học tập tốt mới giúp các em thoát khỏi sự đói nghèo… Nhất là không được bỏ học để lấy vợ, lấy chồng sớm… Không biết lời của tôi thấm được vào tâm can học trò bao nhiêu, nhưng tôi tin rằng, khi biết ước mơ và có lòng quyết tâm, các em sẽ có một tương lai tươi sáng.
Hôm nay lại thêm một buổi leo núi cùng lũ học trò. Đứng trên sườn núi cao nhìn trời đất bao la, tôi ngẫm nghĩ: Không biết mình còn ở nơi núi rừng biên giới này bao lâu nữa? Cha mẹ ngày càng già yếu, các con thì vẫn phải gửi ông bà chăm nom, hàng tuần vẫn cứ phải tất tả ngược xuôi; không về thì nhớ con, về rồi lại thấy thương lũ học trò nơi núi rừng giá rét. Có áo khoác mới rồi nhưng bọn trẻ vẫn co ro. Khí hậu vùng cao vô cùng khắc nghiệt, mỗi đợt rét nhiệt độ thường thấp hơn miền xuôi cả chục độ. Lòng tôi lại chộn rộn không yên.
Nàng xuân đang ẩn mình trong muôn loài cỏ cây còn ủ rũ trong sương giá. Tôi biết, bên trong những cành đào đá sù sì, quặn thắt giữa sương giá tái tê và từng cơn gió bấc rợn người kia, vẫn cuồn cuộn chảy một mạch sống trẻ trung, mạnh mẽ. Để rồi ngày mai, những chồi non, lộc biếc, nụ hồng bật lên trên các nhánh khô gầy, phơi phới giữa đất trời…
Tôi thì thầm với lũ trẻ trong tâm tưởng: “Ngày mai, nếu cô không còn ở bên các con, cô vẫn tin rằng, các con sẽ như những cây đào đá kia, mạnh mẽ, kiên cường, vươn lên giữa đất trời biên cương để dâng cho đời những mùa hoa xuân tươi đẹp”.
20/3/2020
Sơn Ca
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...