Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Tản mạn chuyện "Chiêu hiền, đãi sĩ"

Tản mạn chuyện
"Chiêu hiền, đãi sĩ"

Đầu xuân, xin dẫn lại câu văn bia thảo vào năm 1483 của Tiến sĩ Thân Nhân Trung được đề trong Văn miếu - Quốc Tử Giám: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia, nguyên khí thịnh thì thế nước mạnh mà hưng thịnh, nguyên khí suy thì thế nước yếu mà thấp hèn. Vì thế các bậc đế vương thánh minh không đời nào không coi việc giáo dục nhân tài, kén chọn kẻ sĩ, vun trồng nguyên khí quốc gia làm công việc cần thiết…”.
Từ thế kỷ XV, vị Thượng thư – Đông các Đại học sĩ được vua Lê Thánh Tông hết sức coi trọng đã chính luận hết sức sâu sắc về vai trò trí thức trong xây đắp nguyên khí quốc gia và gửi “lời khuyên” các bậc đế vương cần chăm chút, tôn trọng sự đóng góp của kẻ sĩ cho đại nghĩa dân tộc và sứ mệnh của vương triều…
1. “Nãi công cư mã thượng nhi đắc thiên hạ, an sự thi thư” (Ông mày ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ, cần gì học hành, đọc sách). Đó là câu nói của Hán Cao Tổ Lưu Bang, người sáng lập nên cơ nghiệp gần năm trăm năm của nhà Hán. Lưu Bang xuất thân bình dân, là một ông vua thô lỗ và ít học. Vị hoàng đế lừng danh ấy đã từng có lúc lật mũ các nhà nho và đái lên để làm nhục vì ngộ nhận rằng trí thức và tri thức không đóng góp được gì cho sự nghiệp bá vương của mình. Nhưng Hán Cao Tổ vốn là một dũng tướng cơ mưu, bao nhiêu năm gò mình trên lưng ngựa, sự tĩnh trí và thông minh đã cho ông kịp nhận ra rằng: Có thể ngồi trên lưng ngựa mà lấy được thiên hạ nhưng không thể ngồi trên lưng ngựa mà cai trị thiên hạ. Ông kịp nhận ra được chân giá trị, sự cống hiến của trí thức và tri thức, biết chiêu hiền đãi sĩ và trọng dụng nhân tài đương thời để ổn định quốc gia, mở mang nghiệp đế. Bởi vậy, nhiều nho sĩ tài năng đã được thu nạp về dưới trướng Lưu Bang như Lịch Tự Cơ, Lục Giả, Thúc Tôn Thông và các bậc thức giả ấy đã góp nhiều công sức cùng Hán Cao Tổ xây dựng một vương triều thịnh trị kéo dài trong lịch sử Trung Quốc…
Chuyện ngày xưa – thời phong kiến, trật tự “trên – dưới” là một nguyên tắc bất di bất dịch. Kẻ dưới gặp người trên là phải “hạ mã” (xuống ngựa) vái chào. Thế nhưng, sử sách còn ghi, có những “người trên” đã phải xuống ngựa để thu phục nhân tâm “kẻ dưới”. Thời Tam Quốc, Lưu Bị chỉ là anh chàng dệt chiếu kém học nhưng chính nhờ biết nhún mình “tam cố thảo lư” (ba lần đến lều cỏ), một dạ chân thành trọng thị mà đã được Khổng Minh – Gia Cát Lượng đền ơn tri ngộ. Chỉ những võ tướng dũng mãnh như Quan Vân Trường, Trương Phi chưa đủ, Khổng Minh về bên Lưu Bị, trở thành bậc quân sư – mưu sĩ số một giúp Lưu Huyền Đức gầy dựng thành công sự nghiệp vào đời Hậu Hán…
2. Đó là trong lịch sử Trung Hoa, còn lật lại sử ta không ít chuyện về thái độ khiêm nhường của các bậc đế vương khi họ biết vì đại nghĩa mà sẵn sàng “hạ mình” trước các bậc danh sĩ. Thái độ cầu hiền của Bắc Bình Vương Nguyễn Huệ mà sau này trở thành Hoàng đế Quang Trung là một ví dụ. Người anh hùng áo vải đất Tây Sơn đã lấy tâm đức, khí chất, tài thao lược của mình để thu phục sĩ phu Bắc Hà trong sự nghiệp đánh đuổi ngoại xâm, dẹp yên loạn tặc và canh tân đất nước. Về dưới trướng Quang Trung là đông đảo các danh sĩ vốn một mực chỉ phò nhà Lê, đặc biệt là Ngô Thời Nhậm. Dưới triều Lê, Nhậm chỉ là một viên quan bình thường, nhưng với “biệt nhãn” của Quang Trung, ông đã trở thành một nhà tham mưu vô song của triều Tây Sơn.
Với La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp cũng vậy. Giữa Quang Trung và Nguyễn Thiếp là một mối quan hệ đặc biệt độc đáo, không thực sự là “vua – tôi” vì Phu Tử vẫn giữ lòng trung với nhà Lê, không hẳn theo Tây Sơn, có lẽ giữa Quang Trung và Nguyễn Thiếp là mối giao tình tri âm vì có chung lý tưởng vì dân, vì nước. Đó là sự gặp gỡ có một không hai trong lịch sử Việt Nam. Cuộc tâm giao vĩ đại vì đại nghĩa giữa một đại sĩ phu chối bỏ công danh lui về sơn thôn ẩn dật và một vị anh hùng dân tộc chí lớn tài cao, có một tấm lòng chân thành thực tâm đãi sĩ, chiêu hiền. Đọc lại những sử liệu của học giả Hoàng Xuân Hãn trong sách La Sơn Phu Tử và các tài liệu khác như Lê mạt tiết nghĩa liệt, Dã sử nhật ký, Thối thực ký văn càng hiểu thêm về tài năng, nhân cách của danh nhân Nguyễn Thiếp và thái độ cầu hiền nhất mực khiêm cung của Hoàng đế Quang Trung. Điều đó cũng được thể hiện từ nội dung những bức thư trao đổi qua lại và những đối đáp trong cuộc tiếp kiến giữa hai nhân vật kiệt xuất trong lịch sử nước mình dưới chân núi Phượng Hoàng, vùng Chân Lộc cũ.
Truyền thống Việt Nam qua nhiều thời đại vốn giữ tròn đạo lý tôn vinh kẻ sĩ, trọng dụng nhân tài. Nhắc lại mối quan hệ và cách hành xử đặc biệt của vua Quang Trung với đại danh sĩ La Sơn Phu Tử Nguyễn Thiếp như là một câu chuyện nổi bật về tư tưởng kính trọng và quyết tâm thu phục những bậc thức giả tài năng của vị hoàng đế anh minh tâm lớn, chí cao.
Đọc lại sử cũ cho chúng ta nhiều điều suy ngẫm. Đó chính là những bài học đầy ý nghĩa về vai trò kẻ sĩ và cách sử dụng họ theo đạo lý “phi trí bất hưng”, “tìm lẽ trị bình, lấy tuyển nhân tài làm gốc” của các nhà cầm quyền. Chính tâm lực của nhà cầm quyền và văn hóa trong ứng xử của họ đóng một vai trò rất lớn trong việc thu hút nhân tài, chất xám chứ không hoàn toàn phụ thuộc vào chính sách ưu đãi về kinh tế.
3. Điều vừa nói trên càng được chứng minh rất rõ bởi ví dụ trong thời đại chúng ta, thời đại Hồ Chí Minh. Tấm lòng thiết tha kêu gọi và sự tỏa sáng trí tuệ và nhân cách vĩ đại của Bác Hồ kính yêu đã có sức hấp dẫn rất lớn, khiến cho các nhân sĩ tài cao, đức trọng trong chế độ trước đã tích cực hợp tác với Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa non trẻ. Đó là những tên tuổi nổi tiếng, từng là quan lại tối cao như Bùi Bằng Đoàn (Thượng thư Bộ Hình Triều Nguyễn), Phan Kế Toại (Khâm sai đại thần Bắc Bộ của Chính phủ Trần Trọng Kim), Phạm Khắc Hòe (Đổng lý Ngự tiền triều đình Bảo Đại), Tham tri Đặng Văn Hướng, cựu Tổng đốc Thái Bình Vi Văn Định, cựu Tổng đốc Hà Đông Hồ Đắc Điềm, cụ Ưng Úy (thành viên hoàng tộc nhà Nguyễn, thuộc hàng cha chú vua Khải Định), nhà Hán học nổi tiếng Bùi Kỷ, luật sư Phan Anh (Tổng trưởng Thanh niên Chính phủ Trần Trọng Kim)…
Đặc biệt, những trí thức chân chính, các nhà khoa học đang sinh sống và làm việc ở nước ngoài sẵn sàng từ bỏ sự đãi ngộ và cuộc sống cao sang xứ người, trở về với Tổ quốc và Nhân dân, tích cực tham gia kháng chiến, kiến quốc trong điều kiện vô cùng gian khổ và hiểm nguy của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược. Tấm lòng thành tâm “chiêu hiền, đãi sĩ”của Bác đã gặp gỡ, khơi dậy tinh thần yêu nước và con đường chính nghĩa mà đất nước đã được đón về các bác sĩ, kỹ sư, nhà nghiên cứu nổi tiếng và chính họ đã cùng đội ngũ trí thức Việt Nam góp nhiều công sức cho sự nghiệp cách mạng; có thể kể tên: Hoàng Minh Giám, Vũ Đình Tụng, Tạ Quang Bửu, Trần Đại Nghĩa (Phạm Quang Lễ), Trần Hữu Tước, Lương Định Của, Nguyễn Văn Huyên, Nghiêm Xuân Yêm, Nguyễn Xiển, Nguyễn Hữu Thọ, Huỳnh Tấn Phát, Phạm Ngọc Thạch, Đặng Văn Ngữ, Trịnh Định Thảo, Trần Đức Thảo, Ngụy Như Kon Tum…
Trong hồi ký của mình, Viện sĩ Trần Đại Nghĩa từng viết: “Đặc biệt đối với chúng tôi là những trí thức ở nước ngoài về, sắp sửa bước vào cuộc đấu tranh gian khổ, Bác chú ý đi sâu vào tâm tình, khơi gợi lòng yêu nước, củng cố niềm tin ở bản thân, tin ở tập thể, tin ở cách mạng nhất định thắng lợi. Lời nói tin yêu của Bác đã cảm hóa và chinh phục trái tim chúng tôi.” Còn giáo sư Tôn Thất Tùng đã từng bày tỏ: “Tôi ở một thành phần mà con đường duy nhất là đi đến phản cách mạng, thế mà nhờ sự giáo dục của Đảng, tôi lại được thưởng huân chương. Hôm nay ở ngực tôi không chỉ một huân chương mà nhiều huân chương, tôi lại được tuyên dương là Anh hùng Lao động. Làm sao tại buổi này tôi lại không cảm động được, không nhắc đến công ơn của Đảng, của Bác…”.
Mùa xuân, nhắc lại đôi dòng từ sử liệu cũ, chuyện cũ để suy ngẫm và cảm nhận ý nghĩa tiếp nối trong thời đương đại. Trong thời đại ngày nay, thời của hội nhập quốc tế sâu rộng, thời của kinh tế tri thức và Cuộc cách mạng kỹ thuật 4.0, thì vai trò của trí thức lại càng vô cùng quan trọng. Bởi vậy, đội ngũ trí thức cần được hết sức tôn trọng, cần được tập hợp tạo thành một nguồn lực mạnh mẽ. Họ cũng rất cần không gian, cơ hội, điều kiện làm việc và cống hiến tốt; cần một nguồn lực đầu tư, sự ưu đãi về đời sống và môi trường dân chủ để được đóng góp trí tuệ, công sức vào sự nghiệp kiến thiết, dựng xây đất nước. Vì mãi mãi, luận đề của chí sĩ Thân Nhân Trung được bia đá Quốc Tử Giám lưu lại vẫn vô cùng sâu sắc và phù hợp: “Hiền tài là nguyên khí của quốc gia…”.
1/3/2023
Uông Thái Biểu
Nguồn: Báo Lâm Đồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...