Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Nguyên Hồng: Đời là một khối tinh khôi

Nguyên Hồng: Đời là
một khối tinh khôi

Chả biết vô tình hay hữu ý mà cô em gái tôi lại mời Nhã Nam, con gái thứ năm của nhà văn Nguyên Hồng, đến gặp tôi tại quán cà phê Bao cấp trong một con hẻm thuộc đường Giảng Võ. Trong cái quán chật chội chỉ lác đác vài ba người khách hoài cổ, hiện ra rất nhiều những kỷ vật của một thời xa vắng. Nó được treo trên tường, trưng lên nóc tủ: những cái quạt tai voi được tầm từ thời Liên Xô cũ, cái Ra điô cổ màu xỉn xỉn, cái máy khâu cổ đã long tróc lớp sơn… Hay chăng vì cuộc đời và văn chương Nguyên Hồng được mặc định với một chữ Khổ. Khổ từ tấm bé cho đến khi đột ngột từ giã cõi đời, văn chương toàn viết về những người cùng khổ nên vô tình mới có cuộc hẹn gặp ở quán này chăng?
Nhà văn Nguyên Hồng
Nhà văn Nguyên Hồng và hai người con trai của ông là Vũ Giang và Vũ Sơn là một phần ký ức tuổi thơ của tôi thời ở phố Bà Triệu, đoạn đối diện Bệnh viện Mắt Trung ương. Ngày ấy tôi đã sống một tuổi thơ mơ mộng, nghịch ngợm và đã được chứng kiến cái khổ của gia đình nhà văn Nguyên Hồng. Tuổi thơ với những con cánh cam xanh lè, con cà cuống loạng quạng dưới ánh đèn điện mờ ảo, con chuồn chuồn bay cao thấp trỏ lối nắng mưa, tiếng gáy của chú dế mèn đen trũi chỉ đường ra bãi cỏ nơi có tiếng gáy cất lên, con ve sầu tấu lên gióng dả bắt ta phải ngước nhìn. Thiên nhiên tuổi thơ của tôi còn cả những cây cơm nguội khẳng khiu trên đường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cây bàng xanh mướt trên đường Hồ Xuân Hương và cây liễu rủ buồn bã bên hồ Thiền Quang. Hình ảnh những người bán hàng rong lần lượt giễu qua tuổi thơ tôi. Tiếng rao khàn khàn đùng đục của ông già người Tàu trong đêm khuya khoắt: “Phát xa… phát xa nóng giòn đây..”. Tiếng rao góa bụa của người đàn bà bán nước mía nóng đẩy chiếc xe lóc cóc vào những buổi chiều mùa đông. Hồi ấy nhà tôi ở số 126 phố Bà Triệu, nhà bác Nguyên Hồng ở số 32 phố Trần Nhân Tông. Gọi là nhà cho nó oai chứ hai ông nhà văn “vụng” là Nguyên Hồng thuê được một căn gác xép, phía dưới người ta gò tôn ầm ầm rền rĩ suốt ngày, và nhà văn Bùi Hiển thì thuê được cái chái bếp trên mái còn ám đầy bụi mạng nhện khói bếp. Chỉ một quãng đường hình thước thợ dài non nửa cây số là đến nhà nhau nên anh tôi và tôi cùng Giang, Sơn con bác Nguyên Hồng rất thân thiết, và nhà văn tôi được gặp đầu tiên chính là Nguyên Hồng. Cho đến bây giờ bao năm tháng trôi qua tôi vẫn nhớ mãi một hình ảnh ông thường xuất hiện với một cái cặp và một cái làn mây, trong đó thể nào cũng có một cái chai…
Ông nội tôi vốn là một tiểu chủ chuyên sản xuất nước mắm. Ông mất năm 1948 nhưng bà con họ hàng vẫn theo nghề truyền thống của vùng biển, sản xuất nước mắm, mắm tôm, mắm tép. Và thỉnh thoảng gửi ra tiếp tế cho gia đình tôi. Ba mẹ tôi chỉ phải nuôi bà nội và ba anh em. Bữa cơm nhà tôi thường có mấy con cá trích, hai quả trứng vịt luộc, rau muống luộc hoặc bát canh rau đay, rau mồng tơi. Nhà bác Nguyên Hồng thì quá nặng gánh. Mẹ già, vợ ốm và năm đứa con thơ. Anh Nguyễn Vũ Giang, con trai thứ hai của nhà văn Nguyên Hồng kể lại: “Tôi đã mấy lần cầm thư của mẹ sang nhà bác Tưởng vay gạo, vay tiền. Chai nước mắm tép của người nhà bác Hiển mang từ quê ra, đến bây giờ tôi vẫn không quên hương vị. Lúc còn nửa chai, mẹ tôi phải thay đổi cách ăn. Cứ mỗi bữa chỉ lấy vài thìa, cho thêm muối, nước lã, ít gừng đem chưng lại chấm với bắp cải luộc. Không thằng nào được rưới mắm không, bữa nào bà cũng nhắc các con như vậy”. Những chai mắm “viện trợ” của ba tôi cho bác Nguyên Hồng đã giúp cho gia đình bác tăng thêm hương vị đậm đà cho bữa ăn.
*
Kể về cái Khổ của bác Nguyên Hồng và gia đình bác thì không biết bao giờ mới hết. Nhà văn thời ấy ai cũng khổ nhưng có lẽ bác Nguyên Hồng vào loại khổ nhất. Lần này gặp Nhã Nam, cô kỹ sư xây dựng công tác ở Viện thiết kế – Bộ Giao thông vận tải đã nghỉ hưu, tôi đã được tặng cuốn Nhật ký Nguyên Hồng mà lâu nay đã nghe giới thiệu và háo hức muốn đọc để hiểu thêm một số phận văn chương, một cá tính sáng tạo. Quả thật cuốn sách quý như một thùng rượu vang được ngâm ủ dưới các lớp thời gian đến bây giờ mới được trưng ra nên dường như mới đủ độ nồng đượm. Hai cô con gái rượu của nhà văn Nguyên Hồng là Nguyễn Thị Thanh Thư và Nguyễn Thị Nhã Nam đã làm cuốn sách nhân dịp kỷ niệm 100 năm ngày sinh của cha (5/11/2018) ròng rã bảy tháng trời với “tất cả lòng biết ơn, tình yêu thương và nỗi ân hận muộn màng”. Tôi hiểu đó như một nghĩa cử báo hiếu, do ngày xưa đã không có điều kiện chăm sóc phụng dưỡng cha, dẫu muộn nhưng vô cùng trân trọng. Tôi đã đọc cuốn sách trong năm tháng, mỗi ngày nhấp một ngụm quá khứ và dần dà thấy say ngây ngất. Và tôi phát hiện ra một Nguyên Hồng ngoài những điều mà người ta thường nói: khổ đau, sáng tạo, chủ nghĩa nhân đạo thống thiết, nhà văn của những người cùng khổ, người lao lực trái đất… còn là một khối tinh khôi văn chương!
*
Thế hệ vàng của văn học Việt Nam có nhiều quả núi lớn án ngữ trong khoảng giữa thế kỷ 20, điều kỳ lạ là những quả núi này mọc lên sừng sững khi tuổi đời còn rất trẻ. Nguyên Hồng là một trong những quả núi đó với hai cái đỉnh Bỉ vỏ và Những ngày thơ ấu. Sau này sự nghiệp đồ sộ của ông còn được bồi đắp bằng rất nhiều tác phẩm khác nhưng người ta không thể nào quên hai cái đỉnh thời trẻ. Nhờ uy tín và tài năng ông được giao phụ trách báo Văn. Đến năm 1958 thì gặp vụ Nhân văn Giai phẩm. Trong hồi ký Cát bụi chân ai nhà văn Tô Hoài kể lại: giữa những bão tố, u uất vây quanh trong thời kỳ ấy, Nguyên Hồng đưa ra một quyết định bất ngờ: Về Nhã Nam…
Trong lúc các nhà văn Hà Nội sống vật vờ với đồng lương, với chế độ tem phiếu, sống leo lét với đồng nhuận bút còm thì Nguyên Hồng một mình một cõi đã “nông dân hóa” toàn bộ gia đình. Sự chống cự yếu ớt của vợ con đã dẫn đến việc di dời hàng loạt những tài sản hầu hết không có giá trị gì của một nhà văn vô sản từ căn gác 32 Trần Nhân Tông về Ấp Cầu Đen, xã Quang Tiến huyện Tân Yên tỉnh Bắc Giang. Nhưng di dời tài sản là cái dễ nhất, chỉ cần phương tiện và sức người. Còn di dời tư tưởng, thói quen tập quán làm ăn mới là cái khó. Và ở đây Nguyên Hồng nghệ sĩ tính hơn bao giờ hết. Tác giả Bỉ vỏ, Cửu Long Giang ta ơi nhẩm tính: “Tôi và Lân, Tưởng thảo luận rất gay về có thể sống bằng ra biên chế được không. Tôi đem cả lợn, bò và nhắc lại cái hội nghị với với vợ con ở gác Trần Nhân Tông ra để chứng minh thế nhà tôi đang lên. Tôi khỏe, thằng Hà sẽ giúp bố, Giang chăn bò…” (Nhật ký Nguyên Hồng, tr.202). Sự thực lại diễn ra phũ phàng khiến gia đình nhà văn lâm vào cảnh khốn đốn, bầm dập. Vợ con ông lâu nay chỉ quen nếp sống thị thành, từ bó rau, con cá, cân gạo đều phải mua nay theo chế độ tự cung tự cấp. Người duy nhất trong nhà còn được hưởng 75% lương là Nguyên Hồng. Sức khỏe của các con không là tất cả, còn phải kỹ năng kỹ thuật, sự thích nghi nữa. Thế là vợ con của ông, những nông dân nửa mùa từ cày cấy, gặt hái đến chăn trâu, chăn bò đều thua kém những xã viên hợp tác xã nông nghiệp thực thụ. Chính vì thế cảnh túng bấn, thiếu trước hụt sau, đến mùa giáp hạt phải khoai sắn diễn ra thường xuyên. Người đau xót dằn vặt nhất không phải ai khác mà chính là ông chủ gia đình. Không ân hận vì quyết định của mình mà là nỗi day dứt vì đã để vợ con lâm vào cảnh lam lũ, nhếch nhác, điều mà đáng lẽ ra họ không phải chịu đựng. Không ai bắt Nguyên Hồng phải đày đọa gia đình mình như vậy nhưng bản chất trong sáng khảng khái đã đẩy ông và vợ con vào con đường đau khổ này. Ông cay đắng nhận ra sự mù mịt trên con đường ăn học của các con: “Tôi sắp ra biên chế. Làm sao cho các con tiếp tục ăn học đến nơi đến chốn bây giờ” (tr.203). Nguyên Hồng đau xót khi rời xa Hà Nội các con thiệt thòi về hấp thụ văn hóa, ông gắng gỏi cho con ra nhà nhạc sĩ Đỗ Nhuận, vốn là người bà con để học đàn, nhưng đường xa cách trở, tiền nong tốn kém đành ngậm ngùi bỏ dở. Còn đây, với người vợ tào khang, tất bật lo cho chồng con lại bị bệnh hen nặng, lòng ông luôn chua xót khi chưa làm tròn bổn phận của người chồng. Đi dự Đại hội nhà văn ông day dứt: “Nhà tôi mê mệt không biết gì. Tôi để dành nước, phích lên mặt tủ, nhìn nhà tôi hen muốn gọi dậy dặn dò nhưng lại thôi. Ra đi, bỏ vợ ốm, con bé ở nhà, trời lại mưa bụi, hơi buồn” (tr.221).
Đọc 649 trang Nhật ký Nguyên Hồng không hề có những ý nghĩ hằn học, căm phẫn hay ghen ghét nào thể hiện. 649 trang nhật ký nặng trĩu ưu tư, giằng xé, tình thương yêu với đất nước, nhân dân, với văn chương, bạn văn, với vợ con. Nó đậm một chất Thiện lành vô cùng cao thượng, đẹp đẽ. Tôi cũng để ý dò xem nhà văn có viết gì về Nhân văn Giai phẩm không thì thấy có viết lác đác nhưng rất trung thực khách quan, không hề có sự hằn học bức bối. Không những thế, Nguyên Hồng đặc biệt rất yêu quý bạn văn, mỗi người mỗi vẻ nhưng đều có tâm có tài. Đây là Tố Hữu: “Chiều ăn cơm với anh Tố Hữu, Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan. Anh Tố Hữu có khá nhiều nhận xét sâu sắc về Nguyễn Sáng, Sỹ Ngọc, Trần Văn Lắm và bản chất của nghệ sĩ” (tr.213). Còn đây là những bạn văn thân thiết sau cuộc họp bù khú với nhau: “Họp nghe Nguyễn Đình Thi phổ biến sáng tác. Trưa ăn cơm ở cơ quan… Tối cùng vợ chồng Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân đi xem mấy cuốn trong “A Phủ”. Phim chưa có tiếng nhưng rất thú. Về nhà Nguyễn Tuân uống rượu. Say quá… Nguyễn Tuân, Tô Hoài và tôi ký vào chai Champagne để kỷ niệm” (tr.212). Và đây nữa, Chế Lan Viên: “Nói chuyện với Chế Lan Viên. Khả năng của tôi và điệu tâm hồn có thể đóng góp một phần nào tốt đẹp cho nhân loại. Tôi phải viết cẩn thận, cẩn thận hơn nữa” (tr.195)…
*
Nếu chỉ cho rằng Nguyên Hồng bất mãn, phản kháng với sự lãnh đạo bóp chết văn nghệ để rồi quày quả dắt vợ bìu con ríu về Ấp Cầu Đen thì lại là tầm thường hóa ông. Lý do ấy là thứ yếu. Cái chính cho cuộc trở về làm nông dân lớn lao hơn nhiều, cao cả hơn nhiều. Nguyên Hồng ghi trong Nhật ký: “Nhưng phải quyết tâm ra đi để viết. Khổ, tôi cũng phải cho xong bộ tiểu thuyết” (tr.202). Nếu cứ bám víu Hà Nội, quẩn quanh với công việc hành chính sự vụ, eo sèo chuyện áo cơm, nhỏ nhen chuyện đố kỵ gièm pha thì sao mà viết nổi. Từ lâu Nguyên Hồng đã ấp ủ một bộ tiểu thuyết trường hơi dài sức viết về thành phố biển Hải Phòng. Quê ở Nam Định nhưng cuộc đời Nguyên Hồng đã bện vào Hải Phòng, Hải Phòng là máu thịt, là tâm hồn, là chất keo kết dính của Nguyên Hồng từ khi còn trẻ đến khi giác ngộ cách mạng. Cuốn tiểu thuyết với tựa đề Cửa biển sẽ gồm bốn tập với vài chục nhân vật gồm tư sản, địa chủ, trí thức nhưng đa số là người lao động lam lũ. Nếu ở Bỉ vỏ Nguyên Hồng có xu hướng dồn hết khổ đau, bất hạnh lên nhân vật nghèo khổ khiến ông cứ muốn mô tả nhân vật của mình theo hình ảnh của Chúa chịu nạn, hứng hết mọi nỗi đọa đày cho thế gian thì ở bộ tiểu thuyết Cửa biển đã thấy niềm tin vững chắc của nhà văn vào những phẩm chất tốt đẹp, cao cả của nhân dân lao động và sẽ có ngày họ vùng dậy đấu tranh, tạo dựng nên cuộc đời mới. Để làm nên bộ tiểu thuyết trường hơi dài sức nhất Việt Nam này tác giả là một thủ kho đã xuất dần trong cái kho dự trữ vốn sống vào trang giấy, lại là một kiến trúc sư sắp xếp các chương hồi để tạo nên ngôi nhà đồ sộ. Nguyên Hồng còn là một cán bộ tổ chức huy động vợ con ngày lo cày cấy gặt hái, chăn bò nuôi gà, phơi lúa trồng rau, tối ngồi chép bản thảo. Ông viết cẩn thận, sửa đi sửa lại nhiều lần một bản thảo mà thời đó chỉ là viết tay và chép lại cũng bằng tay (làm gì có vi tính như bây giờ) nên vợ con thường phải chép bản thảo đỡ cho ông. Cơn hưng phấn có tên Cửa biển nếu không kể thời gian thai nghén đã lấy trọn của Nguyên Hồng 15 năm trời (1961-1976). Xung quanh ông là những người nông dân ít chữ, chỉ đơn giản tối về làm bát cơm gạo mới với dưa cà, thắp ngọn đèn dầu sột soạt tính công điểm. Để cho đời lên hương thỉnh thoảng bắt con gà mái kêu cái oác làm thịt nấu nồi cháo, xé phay bóp gỏi làm mấy chén rượu gạo. Giữa những người nông dân ít chữ ấy bỗng mọc lên một ông nhà văn từ Hà Nội về viết hàng ngàn trang “cứ như bỡn”. Ngày xưa khi viết Bỉ vỏ trong xóm Cấm bên cái chuồng lợn ngập ngụa phân gio và vũng nước đục ngầu, xung quanh là đàn muỗi đói vo ve như trấu, thỉnh thoảng mẹ đi chợ về nếu hôm nào bán hết hàng mới có tiền mua thếp giấy rẻ tiền cho con viết. Nay ngồi viết trong căn nhà tuềnh toàng ở Ấp Cầu Đen, xung quanh là hương đồng cỏ nội, hoa khế rụng tím ngần, tiếng gà cục tác xao xác cả buổi trưa. Ngồi viết mà như nghe tiếng sóng biển vỗ liên hồi vào vách đá trơ lì, nhẵn thín, mùi tôm cá mặn mòi. Viết mà thấy hiển hiện trước mặt những nhân vật nói cười, nhíu mày nhăn trán, đi lại. Thỉnh thoảng Nguyên Hồng buông Cửa biển xả hơi bằng tùy bút (Sức sống của ngòi bút – 1964), bút ký (Bước đường viết văn – 1970, Một tuổi thơ văn – 1973) và thơ (Sông núi quê hương – 1973). Mỗi cuốn cũng vài trăm trang chỉ có thơ thì mỏng hơn. Viết Cửa biển mà vẫn ấp ủ bộ tiểu thuyết lịch sử về cuộc khởi nghĩa của cụ Đề Thám Núi rừng Yên Thế. Sau những ngắt quãng như thế lại đắm mình vào Cửa biển, chữ nghĩa cứ tuôn ra như thác lũ. Một sức viết thật kỳ diệu. Thời điểm ấy Nguyễn Đình Thi đã có hai tập Vỡ bờ. Tổng thư ký Hội Nhà văn viết thư khuyên bạn nên tiết chế, rút gọn lại. Nhưng Nguyên Hồng cứ điềm tĩnh nhả bốn tập hoành tráng. Có như vậy mới nói được hết cái ý mình định nói. Nhưng để làm ra Cửa biển đâu chỉ có tài năng, tâm huyết phải có tiền để sống nữa chứ. Cái quẫn bách cơm áo cứ đè nặng. Nguyên Hồng viết trong Nhật ký: “Ngày 2-3-1959. Gặp Thi. Không vay được quỹ. Càng phải cố gắng vượt lên những gian khổ của kỳ giáp hạt này. Nhất là những khó khăn của sáng tác và tổ chức. Thi khuyên tôi là viết kịp thời để giải quyết sự sống. Tôi thấy không sao được. Thà cay đắng, quẫn bách thế nào cũng khắc phục để viết Cửa biển” (tr.197). Nhà văn thời ấy muốn cứu đói phải viết theo thời vụ, viết bài ca ngợi một hợp tác xã nông nghiệp hay xí nghiệp nào đó là có tiền, thậm chí có quà. Đó là cách lấy ngắn nuôi dài nhưng Nguyên Hồng với bản tính cương trực làm vậy sao đành. Phải cắn răng nuốt nước mắt vào trong mà viết. Ngày nay nếu có ai dè bỉu: “Ông ấy viết dài thế ai mà đọc” thì xin hãy đọc những dòng Nhật ký trên mà rơi nước mắt. Để làm nên một bộ tiểu thuyết có giá trị Cửa biển nhà văn đã lao tâm khổ tứ, cay đắng tủi nhục ra sao… Nguyên Hồng ca thán trong Nhật ký: “Chế độ tiền bài thảm hại” (ông thường dùng tiền bài thay cho nhuận bút). Thậm chí còn giận dữ: “Chế độ bản quyền ăn mày! Mạnh Phú Tư được có 100 đồng về tiền Sống nhờ. Cả Nguyễn Tuân, Nguyễn Công Hoan đều phản đối” (tr.203). Viết là đam mê sáng tạo, là nói tiếng nói về cuộc sống, đóng góp cho văn hóa dân tộc chứ viết không thể tạo ra sự giàu sang hay xóa đói giảm nghèo – Nguyên Hồng hiểu rõ điều đó. Tuy nhiên lao động nhà văn là lao động viết vậy thì kiếm được đồng nào đỡ đồng đó. Viết được nhiều, được in liên tục, cho đến ngày đột ngột từ giã cõi đời Nguyên Hồng có khoảng 25 đầu sách được xuất bản. In ở trong nước có, dịch ra nước ngoài có nhưng tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống. Trong bốn đứa con tinh thần của bộ Cửa biển thì chỉ có “thằng con đầu” Sóng gầm là hiếu đễ nhất, nó mang về cho ông một cục tiền để ông xây nhà. Ba “thằng con” sau chỉ giúp bố trang trải nợ nần, chắp vá thiếu hụt, chả có thằng nào đưa được tiền vào sổ tiết kiệm cho bố phòng thân!
*
Từ khi ở Ấp Cầu Đen có một ông nhà văn lắm chữ nghĩa trở về sinh sống, căn nhà ông bỗng thành một địa chỉ văn hóa. Mặc dù thời kháng chiến chống Pháp nơi đây đã từng là nơi sinh sống và hoạt động của các nhà văn, các họa sĩ  Ngô Tất tố, Kim Lân, Tạ Thúc Bình, Nguyễn Đình Thi, Nguyễn Tư Nghiêm… Bà con xung quanh chắc không ai biết Nguyên Hồng là cha đẻ Năm Sài Gòn, Tám Bính, là người đã có một tuổi thơ cay nghiệt và trong sáng, người đã tham gia Văn hóa cứu quốc những năm đầu tiên 1941-1943. Ông là nhà văn lớn Nguyên Hồng, thuộc thế hệ vàng của văn học Việt Nam. Trong không khí tĩnh mịnh của làng quê bỗng có những ngày xôn xao vì khách đến rầm rập, xe lớn xe nhỏ mà toàn những tên tuổi lớn: Huy Cận, Nguyễn Đình Thi, Tô Hoài, Nguyễn Tuân, Kim Lân… rồi cả những người trẻ như nhà văn Triệu Bôn cũng ghé đến ở lại đôi ba ngày. Bữa cơm đạm bạc với chén rượu, đĩa trứng, tươm tất thì có con gà. Ngôi nhà tuềnh toàng tràn ngập một không khí văn chương. Đôi lúc lại có cả những ông bà từ Liên Xô, Tiệp Khắc xa xôi viếng thăm Nguyên Hồng. Họ tóc trắng như sợi cước, óng vàng như sợi tơ, mũi hếch cao, mắt xanh như mắt mèo, nói xi la xi lô, đi ra đi vào tay bắt mặt mừng với ông nhà văn Việt Nam nhỏ bé có bộ râu dài phơ phất đã điểm bạc. Rồi họ ra sân chụp ảnh cùng nhà văn, mẹ ông, vợ con ông để lưu lại khoảnh khắc thiêng liêng khi được chứng kiến cuộc sống, lao động nhọc nhằn mà vô cùng đẹp đẽ và cao quý của nhà văn Nguyên Hồng. Nhiều thầy cô giáo và các em học sinh ở Bắc Giang và các tỉnh khác lần lượt đến địa chỉ văn hóa này để tận mắt chiêm ngưỡng, học hỏi về một nhà văn lớn đã đi lên từ những khổ đau của kiếp người mà tạo dựng nên một nhân cách văn chương cao đẹp, thánh thiện… Tôi không phải là một nhà tạc tượng, nhưng tôi nghĩ, nếu làm tượng Nguyên Hồng bằng chất liệu đồng hay thạch cao thì thường quá. Nên sử dụng chất liệu trong suốt. Như pha lê chẳng hạn.
30/9/2020
Bùi Quang Tú
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...