Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Mấy kỷ niệm nhỏ với Quang Dũng

Mấy kỷ niệm nhỏ với Quang Dũng

Lần đầu tiên tôi gặp anh Quang Dũng là tại nhà anh Nguyễn Bính, cũng là trụ sở Báo Trăm Hoa. Năm ấy, tôi đang là cậu học trò từ tỉnh nhỏ ra Hà Nội, đang học lớp đệ nhị (chắc bằng lớp 11 bây giờ).
Nhà thơ Quang Dũng (1921 – 1988)
Gặp Quang Dũng, tôi rất xúc động và tự hào. Lẽ thứ nhất, anh là nhà thơ của những bài thơ mà tôi từng được đọc và rất yêu: Mắt người Sơn Tây, đặc biệt là bài thơ Tây Tiến, hình như ai đọc cũng thích nhưng lại cứ mạnh miệng chê bai là tiểu tư sản, anh hùng cá nhân… Lẽ thứ hai là dáng dấp anh thật đúng với hình ảnh mà tôi từng mường tượng về nhà thơ: một tráng sĩ, anh hùng mà hào hoa, một chàng trai Hà Nội, như mấy câu thơ Chính Hữu:
Rách tả tơi rồi đôi giày vạn dặm
Bụi trường chinh phai bạc áo hào hoa
Thật ra, Quang Dũng quê Sơn Tây, cũng như Chính Hữu quê xứ Nghệ.
Tôi thấy mình thật hạnh phúc. Rồi sau này, tôi còn gặp Quang Dũng nhiều lần nữa ở nhà anh Lê Đạt. Nhớ có một lần, sau khi tôi được in một bài thơ tình trên tờ tuần báo Văn, có mấy câu nói về tâm trạng một anh con trai đang yêu:
Không biết vì sao vô cớ mỉm cười
Nói chuyện cả với cầu thang gác
Quang Dũng nói đùa:
Cậu nhìn cái cầu thang gác thì muốn nói chuyện, tớ mà nhìn thì phải xem nó đã sắp mục chưa để xin về làm củi!
Lúc ấy tôi hơi ngạc nhiên, nhưng sau thì biết ra rằng anh đang rất nghèo, cái nghèo của một người trí thức nghèo giữa Hà Nội.. Một hôm Phùng Quán còn nói với tôi rằng, những đêm lạnh, anh thường nhường chăn cho vợ con, còn tự mình chỉ đắp một cái paraverse (áo mưa)
Sau này tôi vào Sài Gòn, ít khi có dịp ra Hà Nội, chỉ thỉnh thoảng mới có người quen vào Sài Gòn để hỏi. Rồi tôi biết tin rằng anh Quang Dũng bị bệnh phải nằm một chỗ. Thương anh ấy quá, chưa được hưởng chút niềm vui nào.
Còn nhớ, hồi dạy cho học trò cấp 3, theo yêu cầu của sách, tôi phải đọc mấy câu thơ trong bài Tây tiến nhằm chứng minh một thời mà thơ còn lệch lạc, xa rời cuộc sống chiến đấu, buồn rớt, mộng rớt, nhất là những câu như:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Giảng cho học trò, tôi không chỉ đọc hai câu ấy, mà còn đọc thêm nhiều câu nữa. Kết quả là học trò của tôi, không những không chê thơ Quang Dũng, mà còn khoái. Và chúng nó nhớ mãi. Sau này, nhiều đứa gặp tôi, vẫn còn khoái chí nhắc lại.
Rồi năm ấy, Phùng Quán vào Sài Gòn. Tôi hỏi Quán:
Lâu nay cậu có gặp anh Quang Dũng không?
Trước khi đi mấy ngày, tớ có đến nhà. Anh ấy bây giờ nằm một chỗ. Khi tớ mở cửa bước vào, nhìn thấy anh ấy nằm trên giường, tớ bèn đọc to lên:
Anh bạn dãi dầu không bước nữa
Anh ấy tưoi hẳn lên, chống hai tay , định ngồi hắn dậy, nhưng lại đổ người xuống, tớ phải vội chạy lại đỡ.
Tôi rất xúc động, nghĩ là đến hè sang năm thế nào cũng phải đi Hà Nội và gặp Quang Dũng. Chưa đến hè sang năm thi đã có tin Quang Dũng từ trần. Buồn quá.
Thế rồi một chuyện bât ngờ: Gần cuối năm học đó, tự nhiên Nhà xuất bản Giáo dục bỗng phát hành một tập sách mỏng, gọi là phụ lục cho sách giáo khoa Văn học lớp 12! Trong tập sách này có đến cả hơn chục tác phẩm chưa bao giờ được đưa vào nhà trường! Mừng quá, bắt đầu “tan sương trước ngõ vén mây giữa trời” rồi đây!
Rất nhanh nhạy , một nhà sách ở Sài Gòn quyết ra ngay một tập sách bình luận, bình giảng về những tác phẩm mới ấy. Và để cho quyển sách mau được ra, họ bảo chúng tôi lập một nhóm ba người chia nhau mà viết. Tôi tuyên bố ngay :
Bây giờ thế này: ai thích bài nào thì cứ chọn đi, bài nào không thích thì để lại cho tớ. Chỉ riêng ba bài này thì phải dành riêng cho tớ: Tây tiến, Đây thôn Vĩ Dạ, Tương tư. Tất cả đều vì những những ràng buộc tình nghĩa mà tôi phải trả.
Trong những bài tôi chọn, không phải bài nào tôi cũng viết thành công, có bài tôi chỉ đạt ở mức trên trung bình. Riêng với bài về Tây tiến thì tôi viết cứ như đang ngồi đồng, viết như đang nhìn thấy Quang Dũng trước mặt để trả món nợ tình cảm lớn lao đối với anh.
May quá , bài viết thành công. Bạn bè và học trò tôi đều thích.
Tôi nhớ như in mấy câu này:
Có một thời người ta cho những câu thơ “Tây tiến đoàn binh không mọc tóc, quân xanh màu lá dữ oai hùm” là tiểu tư sản, là anh hùng cá nhân. Anh hùng thì có, nhưng cá nhân thì không. Bởi cái anh hùng ấy vô tư lắm, đẹp lắm!
Đọc và bình những câu thơ như thế này thì hạnh phúc nào bằng:
Nhớ ôi Tây tiến cơm lên khói
Mai Châu mùa em thơm nếp xôi
Rồi:
Tây tiến đoàn binh không mọc tóc
Quân xanh màu lá dữ oai hùm
Mắt trừng gửi mộng qua biên giới
Đêm mơ Hà Nội dáng kiểu thơm
Đúng là người lính chiến một thời, và đúng là người lính chiến ra đi từ Hà Nội, những chàng trai Hà Nội, ngang tàng mà hào hoa, dũng mãnh mà đa tình!
Rồi những câu thơ có vẻ buồn mà rất đẹp:
Tây tiến người đi không hẹn ước
Đường lên thăm thẳm một chia phôi
Ai lên Tây tiến mùa xuân ấy
Hồn về Sầm Nứa chẳng về xuôi
Nghe oai hùng như những tráng sĩ Kinh Kha sang Tần, quyết một đi, không hẹn ngày trở lại.
Rồi đã đọc Tây tiến thì không thể không đọc Mắt người Sơn Tây. Vẫn đầy hồn Quang Dũng:
Em ở Thành Sơn chạy giặc về
Tôi từ chinh chiến cũng ra đi
Xa cách bao ngày quê Bất Bạt
Chiều xanh không thấy bóng Ba Vì
Hai người con của Sơn Tây vì loạn lạc mà cùng xa Sơn Tây, gặp nhau ở một nơi “không thấy bóng Ba Vì” thì còn gì buồn bằng, còn gì đau bằng!
Bài bình giảng của tôi về Tây tiến không chỉ được in vào tập sách này, tôi còn đưa vào nhiều nơi nữa. Có lẽ trong đời dạy văn của mình, từ phổ thông lên đại học, chưa có bài bình giảng nào mà tôi thích thú và tự hào như bài này.
Có lẽ vì thế mà khi kênh HTV 9 của Sài Gòn mở ra chương trình Bình thơ, chính từ bài này mà họ tìm đến tôi, mời tôi lên phòng thu của họ.
Còn việc này nữa. Khi tôi tham gia viết quyẻn sách giáo khoa Làm văn lớp 12, ở phần phụ lục là phần mà các tác giả sách phải chọn từ những tác phẩm của những tác giả đã thành danh và đã in trong những tác phẩm mà ai cũng biết, thì tôi lại làm một việc mới: chọn ngay bài viết của tôi về Tây tiến. Cũng hơi lo. Nhưng may mắn bất ngờ: nhóm duyệt, chủ biên duyệt, hội đồng duyệt, cả đến cái nơi duyệt cuối cùng của Bộ cũng duyệt!
Tôi cảm thấy nhẹ người: món nợ với anh Quang Dũng, tôi đã trả được!
Có một chuyện vui vui. Vào đúng năm 2000, tôi được gọi ra Hà Nội, tham gia việc chỉnh sách chuẩn bị cho việc thống nhất sách giáo khoa, để không còn có chuyện “đất nước đã thống nhất mà sách giáo khoa thì hai miền Bắc Nam”.
Chiều đó, rảnh rang, tôi lững thững đi bộ từ phố Trần Hưng Đạo qua phố Hàm Long để thăm một người bạn thân của anh Quang Dũng: nhà thơ Trần Lê Văn. Anh cũng từng là bạn thân của anh Nguyễn Bính, nên cũng có hơi thân với tôi từ năm 1956.
Lâu quá mới gặp nên thoạt đầu hơi ngờ ngợ nhưng rồi anh cũng nhận ra .
Có một chuyện mà ngay từ ngày đầu quen anh tôi đã biết. Ấy là, sau khi Hà Nội giải phóng , Trần Lê Văn về Hà Nội với người vợ dân tộc Thái của núi rừng Tây Bắc. Đúng là một bông hoa của núi rừng giữa cảnh Hà Nội phồn hoa.
Có một chuyện mà một anh bạn kể lại, nghe vừa buồn cười vừa thương. Ấy là sống ở Hà Nội, lương ba cọc ba đồng , vợ lại không quen tính toán, nhiều lúc anh Văn cũng cau có gắt gỏng (ai mà chả thế). Bởi vậy mà một hôm, trước mặt một người bạn chông, có mặt cả anh Văn, vợ anh như ngậm ngùi than:
Không biết sao mà từ khi về Hà Nội anh Văn nhiều lúc cau có, có lúc còn mắng em, đâu còn như cái thời yêu nhau trên núi rừng Tây Bắc!
Anh Văn phì cười, bạn cũng phì cười. Bởi vậy lần này tôi cũng có ý gặp lại người con gái của Tây Bắc ngày xưa. Tôi hỏi:
– Chị đâu anh?
– À, hôm nay cô ấy theo mấy bà bạn hàng xóm đi lễ chùa.
Nghe thế tôi đã ngạc nhiên. Một lát sau thì anh Văn thông báo:
– Kia, nhà tôi về rồi.
Rồi anh giới thiệu:
– Này em, có chú Hà Nhật trong Sài Gòn ra ghé chơi…
Tôi đứng lên chào chị và ngạc nhiên vô cùng. Không còn là một cô gái của núi rừng Tây Bắc hoang sơ nữa. Đích thực trước mặt tôi là một phu nhân, một quý bà Hà Nội, dong dỏng, xinh đẹp quý phái trong tà áo dài nhung màu huyết dụ!.
24/11/2021
Hà Nhật - Lương Duy Cán
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...