Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Những bài thơ về hoa của Chế Lan Viên

Những bài thơ về
hoa của Chế Lan Viên

Chế Lan Viên (1920-1989) là nhà thơ lớn của dân tộc, một gương mặt tiêu biểu, độc đáo của thơ ca Việt Nam hiện đại. Ông để lại một di sản văn chương đồ sộ, nhiều thể loại, tiếp tục gây ngạc nhiên cho nhiều thế hệ đi sau. Năm 2020, kỷ niệm 100 năm sinh nhà thơ Chế Lan Viên (1920-2020). Xin giới thiệu bài viết về các loại hoa, sinh thời nhà thơ yêu mến và trân quý.
Osawa (Nhật Bản) trong Minh triết của hoa rất có lý khi cho rằng: Hoa có tiếng nói của hoa (Văn Nghệ, Xuân Nhâm Thân, số 5 và 6, ngày 8/2/1992). Điều này đúng với mảng thơ viết về hoa của Chế Lan Viên. Trong toàn bộ sáng tác của mình, Chế Lan Viên đã dành cho hoa một tiếng nói riêng (1). Nhà thơ nói đến những loài hoa quen thuộc chung quanh mình với một tình yêu nồng thắm, sâu lắng. Chỉ riêng điểm này, ông đã khác nhiều so với những nhà thơ đồng thời. Năm 1985, tại Cộng hòa Liên bang Đức, trả lời Giiter Giesenfeld, ông đã nói rõ quan niệm sáng tác: “Thơ tình, thơ về hoa, về cuộc đời bình thường rất cần thiết. Cần núi cao của chủ nghĩa anh hùng nhưng cũng cần các đồng bằng của đời sống hàng ngày“. Chế Lan Viên cho đó là khía cạnh hằng ngày của cuộc sống con người (côté quotidien de la vie). Có điều là, lâu nay, ta quen nhìn Chế Lan Viên dưới góc độ chính luận, triết học mà bỏ qua hoặc ít nói đến những tiếng nói thầm, dễ yêu của tác giả. Và, ở khía cạnh này, Chế Lan Viên cũng tạo được một thành tựu đáng trân trọng và tự hào.
Thơ về hoa của Chế Lan Viên thường là những bài thơ ngắn, chỉ vỏn vẹn 4 câu. Nó nằm giữa những bài thơ dài viết về những chủ đề lớn. Theo cách nghĩ của Chế Lan Viên, thơ về hoa là một loại sujet quotidien (đề tài ngày thường). Dầu là thế, qua mấy chục bài thơ viết riêng về hoa, người ta dễ nhận ra thế giới tâm hồn của nhà thơ. Ở đây, câu chữ bình dị, sáng trong, không có chút gì kiêu sa nhưng lấp lánh sau đó là những rung động tế vi, trùng trùng diệu vợi. Mong manh một màu sắc, xao xuyến một mùi hương, nhưng sao bâng khuâng lòng người kỳ lạ. Dường như là, với những bài thơ về hoa, Chế Lan Viên muốn trở về với nguồn cội của phương Đông. Đó là Nguyễn Trãi trong Môn hoa mộc với những mai, cúc, tùng, hoa đào, mẫu đơn, hoa nhài, hoa sen, hoa mộc. Đó là Tản Đà:
Tin xuân đến ngọn cây đào
Bảo cho hoa biết ra chào chúa Xuân …
  (Vui Xuân – Báo Ngày nay, Xuân 1939)
Đối với người phương Đông, hoa là nhịp cầu tri âm giữa con người với vũ trụ, là thông điệp giữa thế giới trần gian này với đất trời mênh mông, bao la. Hoa là biểu tượng của cái Đẹp, của tinh anh, là tiếng nói của tình đời. Huy Cận, trong Vũ trụ ca, có một bài thơ nói rõ quan niệm này:
Hoa về
Mỗi năm hoa về đây
Hoa nói gì với người
Lòng đời chắc nặng lắm
Hoa nói hoài không thôi.
Với Chế Lan Viên, ở những bài thơ về hoa, như tác giả thường nói, vẫn thẩm thấu hai yếu tố: yếu tố trữ tình (élément lyrique) và yếu tố triết học (élément philosophique). Hoa gạo son là một bài thơ triết luận về thời gian. Seneca, nhà triết học cổ đại La Mã, đã nói: “Mọi của cải trên đời đều là của người khác, chỉ có thời gian là của tôi”. Ý nghĩa thời gian gắn liền với ý nghĩa đời người. Biết vậy, nhưng mấy ai chủ động chiếm lĩnh được quy luật này. Năm tháng vô tình đi qua. Tháng ngày biền biệt trôi. Mùa xuân đến, không hay. Một bông hoa gạo đỏ thắm, thình lình nở, khiến con người quay nhìn lại đời mình. Chế Lan Viên diễn tả rất hay cái thảng thốt của con người trước khắc nghiệt của thời gian. Mùa xuân sắp qua mau, đừng mong ngóng những chân trời xa, những bến bờ mơ mộng.
Chế Lan Viên nói nhiều đến các loài hoa, nào là hoa đào, hoa sứ, hoa hồng, hoa dại, hoa súng, hoa sữa, cả đến các loài hoa ít người đề cập như: hoa chạc chiu, hoa lau, hoa táo, hoa xoan… Ở mỗi tên hoa, với màu sắc và hương thơm riêng, nhà thơ thổi vào đấy những cung bậc tâm hồn.
Tháng ba ta, khi mùa đông đã rũ áo ra đi, gặp tiết xuân, những cành xoan mơn mởn với bao chùm hoa trắng phủ đầy các cành. Một sáng nào, trong khu vườn quen thuộc, mùi hương lạ lan toả. Mùi hương ấy không người sẻ chia, nên:
Không em anh ngại qua vườn
Sợ mùi hương, sợ mùi hương… nhắc mình
(Hoa tháng ba)
Một lần nhìn thấy những hoa súng hồng nở thắm trên mặt hồ, nhà thơ đặt câu hỏi như ngỡ ngàng, rồi cũng trả lời:
Sáng nay ra đường gặp ai? Gặp đóa súng hồng
Hồng như chưa có môi nào hồng được vậy
Có gì đó ở đóa súng hồng để nhà thơ qua rồi, quay ngoắt lại, hỏi tiếp:
Hỏi “Hoa súng hồng, hoa súng hồng, mày có phải hoa không?”
(Hoa súng hồng)
Chút thẫn thờ đáng yêu ấy là hương vị riêng của bài thơ. Hỏi rồi đáp, đáp rồi hỏi, cái xao xuyến đó mấy ai trong đời được gặp. Bài thơ xinh xắn, tinh tế, nói lên lòng yêu hoa tha thiết của tác giả. Cũng lại có khi, với hoa súng tím, Chế Lan Viên đi vào một ngõ ngách khác của đời thường. Không hiểu sao, mỗi lần nhắc đến hoa súng. Chế Lan Viên thường bộc lộ những tâm sự riêng tư.
– Mỗi lần đau, anh lại đến Tây hồ
Chữa lành anh là hoa súng tím
(Hoa súng tím)
– Người ta chỉ biết màu sen anh đỏ rực
Còn nỗi buồn hoa súng tím biết cho đâu!
(Hoa súng – Di cảo thơ II)
Phải chăng, với những câu thơ như thế, ẩn bên trong một tâm trạng kín đáo. Tuổi sáu tư, tôi mới biết màu hoa dân dã – Biết hoa rồi, tôi đã sáu mươi tư (Hoa súng An Giang). Không phải đến tuổi ngoài sáu mươi, nhà thơ mới tìm đến và yêu hoa súng. Chẳng qua, đó chỉ là một cách nói. Song, hình như là, mỗi chặng đường đời, dẫu vinh quang hay cay đắng, nhà thơ đều tìm thấy ở hoa một người bạn tri âm. Hoa súng An Giang viết trước ngày mất hơn một năm. Bài thơ phảng phất dư âm của những dòng tự sự. Cái đỏ rực của màu sen, ai cũng thấy, nói khác đi đấy là một Chế Lan Viên chính luận, còn nỗi niềm riêng tây – cái mặt dấu đi của tháp Bayon bốn mặt – ai hiểu và thông cảm. Cuộc đời với nghìn trò cười khóc, nhưng rồi những chuyến xe không có khứ hồi – Nguyễn Trãi, Nguyễn Du từng đi chuyến trước không phải là những điều đáng nói lắm sao ? Mùa bệnh 1988, Chế Lan Viên viết hai bài thơ về hoa. Hoa sữa, nói đến cái cô đơn, lạnh lẽo của một người nằm bệnh. Trăng sáng với mùi hương ngạt ngào, nhà thơ bỗng rùng mình nhớ đến sự hữu hạn của đời người :
Nằm một mình anh sợ
Hương và trăng đến soi
Nhưng, cũng ở những phút giây ấy, Chế Lan Viên nhớ về một loài hoa của thời đánh giặc – hoa chạc chìu. Sắc hương nghèo, cành khô quắt, nằm trong đáy xắc, được cất mang theo như một hình ảnh quê hương với nhiều kỷ niệm. Thì ra, vẫn một Chế Lan Viên yêu quý cái đẹp của một thời – một thời kiêu hùng không thể nào quên.
Vâng, cái thời ấy làm sao quên được. Những người lính trên đảo Long Châu, mười năm rời đảo, vẫn nhớ mãi những cánh hoa hoài. Tên hoa và nỗi nhớ như đan vào nhau. Cũng như một cành mai trên chốt trong thời chống Mỹ. Chốt chỉ có 3 người. Mùa xuân lại đến. Để thưởng xuân, phải đổi bằng một giá :
Chặt nó về phải vượt qua bãi bom dày đặc
Và công khiêng hết một ngày trời
(Cành mai ở chốt)
Cành mai đem lại cái ấm áp cho mùa xuân, cho lòng người. Nhân vật thứ tư ấy, sự có mặt của nó, nói rõ lý do tồn tại của dân tộc. Mùa xuân lớn lao của đất nước bắt nguồn từ những mùa xuân của ba người lính trên chốt. Bài thơ ngắn nhưng hàm ý sâu. Cũng như những ngàn hoa lau trắng nơi biên giới. Nơi ấy, suốt một đời cùng với gió giao tranh, chỉ trắng có một mình, bạt ngàn trắng ở tận cùng bờ cõi là hồn thiêng sông núi. Chính vì lẽ đó, tác giả :
Ai đi biên giới cho lòng ta theo với
Thăm ngàn lau chỉ trắng có một mình..
(Lau biên giới)
Cái ngàn lau xao xác trắng (Lau mùa thu) thường được liên hệ với thiên tài văn học Nguyễn Du. Trong Truyện Kiều, Nguyễn Du nhiều lần nói về hoa lau. Đó là :” Một loài thảo, mọc ở chỗ đất hoang, hoa sắc trắng, cũng gọi là lau lách “(Đào Duy Anh, Từ điển Truyện Kiều, NXB Khoa học xã hội, Hà Nội,1974, trang 214). Một lần về  Hà Tĩnh, nhà thơ viết:
Man mác hoa lau trắng
Đường về thăm Nguyễn Du 
Ngàn lau từ Nguyễn thấy 
Bạc xóa đến bây giờ.
(Hoa lau trắng)
Một cành hồng còn sót lại trên trận địa, trên một thị trấn hoang tàn sau trận bom dội. Cành hồng phân chia hai cực: cái đẹp và sức sống với cái huỷ diệt và man rợ. Đóa hồng đã chịu ba nghìn trận lửa để giữ lại chút bình yên cho con người, chuẩn bị cho cuộc chiến đấu mới.
Có thể nói, trong chùm thơ về hoa. Chế Lan Viên đưa người đọc đến những miền cảm xúc mới lạ. Văn chương ít ai nhắc đến hoa táo. Mùi hương táo không thơm, vị hắc. Vậy mà nhà thơ đợi mùa hoa suốt tuần, đợi đến lúc :
Quả non dần đậu thay hoa trắng
Đợi lúc em về chĩu trước sân
(Hoa táo)
Ở Huế, về hè, những hồ trong khu thành nội, sen thường nở. Những cánh sen trắng muốt, bọc ven cổ thành, làm nên nét riêng của Huế. Chế Lan Viên gọi đấy là sen Huế. Huế với nhà thơ như người bạn cũ. Sen nở như chờ tác giả. Tình cố tri đó khiến cho người nghệ sĩ muốn mượn một tà áo lụa bọc lấy mùi hương ấy để dành. Suy nghĩ thật độc đáo. Người ta chỉ có thể bọc bàn, bọc ghế, bọc sách, bọc vở, vậy mà có người tính đến việc bọc lấy mùi hương (Sen Huế). Lòng yêu hoa, yêu người, yêu Huế đến thế là cùng. Những mùa xuân phương Nam, chỉ với mai vàng, tác giả lại đau đáu nhớ cành đào đất Bắc. Bài thơ ngắn, thể 5 chữ, ghi giữ tâm trạng:
Đứt ruột nhớ hoa đào
(Đào và Mai)
Đây cũng là cảm nghĩ chung của nhiều người : Khi ta ở chỉ là nơi đất ở. Khi ta đi, đất bỗng hoá tâm hồn (Tiếng hát con tàu).
Cả Đông lẫn Tây, con người đều gắn hoa với đời sống. Song, ở Chế Lan Viên, độc đáo hơn cả là nhà thơ đã lấy sắc màu của hoa để so sánh với các cung bậc tình cảm:
Hạnh phúc màu hoa huệ
Nhớ nhung màu hoa lau
Biệt ly màu rách xé
Lãng quên đâu có màu
(Màu)
Không lãng quên với đời, cho nên, hoa gạo son ở ngã ba đường như một người tình đỏ chót môi son, để đến nỗi xe qua rồi, qua mãi… cái màu đỏ ấy vẫn chói đỏ trong hồn.
Với chùm thơ về hoa, Chế Lan Viên đã gửi vào văn học một tiếng nói mới. Tiếng nói ấy vừa thực vừa mơ, lẫn giữa mộng và đời, thật là thú vị. Sắc hương của mỗi loài hoa được nhà thơ tạo dựng bằng một cái nhìn riêng, đầy cá tính, đầy cảm xúc.
Chú thích:
(1) Các bài thơ về hoa trích từ Chế Lan Viên, Di cảo thơ, Tập I, NXB Thuận Hóa, 1992 - Tập II, NXB Thuận Hóa, 1993 - Tập III, NXB Thuận Hóa, 1996.
6/12/2020
Huỳnh Văn Hoa
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...