Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Giáo dục và lòng tin xã hội

Giáo dục và lòng tin xã hội

Có thể nói giáo dục không chỉ là thước đo sự phát triển, thịnh vượng của một quốc gia, nó còn là hàn thử biểu cho những biến động kinh tế – xã hội tương lai. Vì thế, không một nhà chính trị nào, không một tập thể, không một cá nhân nào không mong muốn giáo dục phát triển, giáo dục đi trước một bước, đặt nền móng cho tương lai.
Từ những năm 70 – 80 của thế kỷ trước, các nhà kinh tế học giáo dục Hoa Kỳ đã tính toán được lời lãi trong đầu tư cho giáo dục, tại thời điểm đó, một đồng đầu tư vào giáo dục sinh lãi cho xã hội 8 đồng. Người Việt, khi nói về sự lời lãi trong buôn bán, câu của miệng là một vốn bốn lời. Sinh lãi như cách đầu tư vào giáo dục vừa kể trên gấp đôi cái lãi kỳ vọng trong buôn bán của người Việt. Xem ra, đầu tư cho giáo dục đáng được lưu ý, và lao động trong nghề dạy học là một trong những ngành nghề lao động đáng kính và không phải ai cũng làm được.
Năm rồi, TPHCM dự định bỏ học phí bậc phổ thông. Đó là một ý tưởng tốt, nhất là khi thu nhập bình quân của người dân thành phố lớn nhất cả nước ngày càng được nâng cao. Giảm hoặc bỏ khoản thu học phí đối với đối tượng học sinh phổ thông cũng chính là giảm gánh nặng nỗi lo chi phí giáo dục cho các gia đình có thu nhập trung bình hoặc thấp, đồng thời thể hiện được sự quan tâm của TPHCM đối với giáo dục phổ thông, phù hợp với mong muốn của xã hội. Chỉ vài ngày nữa (15-2-2020) Luật Giáo dục đại học sửa đổi sẽ được thực thi. Giữa năm 2020, Luật Giáo dục 2019 cũng có hiệu lực. Cả xã hội trông vào những biến đổi của giáo dục nước nhà sau những điều chỉnh của Luật Giáo dục đại học sửa đổi và Luật Giáo dục 2019. Cũng trong năm học 2020-2021, chương trình giáo dục lớp một phổ thông mới sẽ được thực thi trên phạm vi cả nước. Những sách/bộ sách giáo khoa mới đã được biên soạn theo tinh thần của Nghị quyết 88 của Quốc hội. Một chương trình, nhiều bộ sách giáo khoa sẽ được thực thi sau nhiều năm bàn cãi. Giáo dục phổ thông sẽ bước sang trang mới. Người học, phụ huynh và xã hội có quyền đặt kỳ vọng vào đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, phương pháp kiểm tra đánh giá trong dạy học. Thầy cô giáo, học sinh sẽ đứng trước những thử thách mới ngay từ năm đầu của thập niên 20.
Sự phát triển của giáo dục là sự cộng hưởng của người dạy (thầy cô giáo), người học, cha mẹ học sinh (đối với bậc học phổ thông), nhà nước và xã hội. Nếu chỉ có một bên hoặc một hai bên cố gắng thì khó có thể có hiệu quả cao. Vì thế, ngoài sự cố gắng của thầy và trò còn cần những chính sách phát triển giáo dục của nhà nước, sự quan tâm của phụ huynh và cộng đồng. Chỉ khi nào tất cả những thành tố vừa nêu, đều quan tâm đúng mức đến giáo dục thì những thành quả sẽ tới.
Bước sang những năm 20 của thế kỷ 21, thành quả của trí tuệ loài người, nhất là trong lĩnh vực trí tuệ nhân tạo (AI) sẽ tác động đến mọi mặt của đời sống, trong đó có giáo dục. Điều đó đòi hỏi thầy cô giáo phải không ngừng học tập, sáng tạo và lao động một cách có hiệu quả, giúp học sinh nắm vững tri thức, khả năng tự học, sáng tạo, đổi mới – hình thành năng lực cho mỗi học sinh, giúp học sinh đứng vững và phát triển cá nhân, góp sức mình cho xã hội ngay trong và sau khi học.
Tương lai của mỗi cá nhân phụ thuộc vào khả năng học tập của họ. Nhà nước, các tổ chức xã hội, các cá nhân trong đó có thầy cô giáo chỉ là người tạo điều kiện tốt nhất cho mỗi học sinh phát triển. Nhưng nếu thiếu sự đầu tư của Nhà nước, của xã hội, của tập thể và cá nhân quan tâm tới giáo dục thì giáo dục không thể phát triển.
Thầy cô giáo, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, họ trước hết là người thấm nhuần những tư tưởng mới trong chương trình, biết cách tìm kiếm và giúp học sinh tìm kiếm tài liệu học tập, biết tổ chức dạy học, thay đổi phương pháp dạy và kiểm tra đánh giá mới hy vọng đáp ứng được yêu cầu mới trong giáo dục phổ thông.
Năm học mới 2020-2021 đang chờ đón các em học sinh lớp 1, chờ đón thầy cô cùng các em thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhà nước và xã hội có quyền hy vọng và đòi hỏi sự thành công của đổi mới giáo dục lần này. Tương lai đất nước ở trong tay các em. Hãy cùng cố gắng để các em, những công dân lớp một năm nay và những năm tiếp sau sẽ là nguồn lao động có chất lượng cao.
Cả xã hội đặt niềm tin vào giáo dục. Tương lai đất nước phụ thuộc vào các em - lứa học sinh đầu và các năm tiếp sau.
1/2/2020
Nguyễn Kim Hồng
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...