Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Nữ sĩ Tây Nguyên Linh Nga Niek Đam

Nữ sĩ Tây Nguyên
Linh Nga Niek Đam

Linh Nga Niek Đam là người dân tộc Ê Đê, chị sinh ra ở Cưmgar – Đắk Lắk. Có nhiều danh xưng dành cho chị, nhưng nhiều người vẫn thích gọi chị với danh xưng Nữ sỹ Tây Nguyên. Bởi không chỉ thành công trong nhiều lĩnh vực văn hóa – nghệ thuật mà tính từ trước đến nay chưa có một phụ nữ Tây Nguyên nào có bề dày sáng tác và xuất bản nhiều đầu sách như chị.
Nữ sỹ Tây Nguyên Linh Nga Niek Đam
Tôi đã viết nhiều chân dung bạn bè văn nghệ sỹ nhưng khi có ý định viết về nữ sỹ Tây Nguyên Linh Nga Niêk Đam tôi có phần phân vân và dè dặt.  Sự dè dặt ấy có nguyên do là vì chị quá nổi tiếng trên hầu hết lĩnh vực văn hóa nghệ thuật của Tây Nguyên hùng vĩ này. Có nhiều danh xưng dành cho chị: Nhà văn, nhạc sỹ, nhà nghiên cứu và thậm chí là đạo diễn, nhà biên kịch… Ở tâm thế nào chị cũng lừng lững như cây đại thụ, khó có người sánh kịp dù chỉ một trong những danh xưng ấy.
Chị đã và đang là ủy viên BCH của các Hội: Hội Nhạc sỹ Việt Nam; Hội Văn nghệ dân gian Việt Nam và từng là Phó tổng thư ký Hội VHNT các DTTS Việt Nam (Khóa II-II-IV). Dù vậy, tôi vẫn thích gọi chị với danh xưng nữ sỹ Tây Nguyên, bởi tính từ trước đến nay chưa có một phụ nữ Tây nguyên nào có bề dày sáng tác và xuất bản nhiều đầu sách như chị.
Tôi biết đến tên chị từ năm 1983 từ khi bước chân vào Đoàn nghệ thuật Đam San làm họa sỹ thiết kế mỹ thuật. Nghệ sỹ nhân dân Y Brơm thường nhắc đến chị và trân quý chị như một bạn đồng môn tâm đắc. Có lẽ hai người quen biết nhau thời còn là học sinh miền Nam tập kết ra Bắc.
Linh Nga Niek Đam qua nét vẽ của họa sĩ Phùng Sơn
Chị Linh Nga Niêk Đam là người con gái Ê Đê, sinh ra ở Cưmgar tỉnh Đak Lak, chị được đào tạo bài bản ở nhạc viện Hà Nội tốt nghiệp đại học môn thanh nhạc năm 1979 và môn sáng tác âm nhạc năm 1990, nên có lẽ chị khởi ngiệp bằng con đường âm nhạc? Chuỗi tác phẩm âm nhạc đồ sộ từ ca khúc đến các khảo luận về âm nhạc như : Rồi một chiều Ban Mê; Thêm một lần Tổ quốc; Bình minh rừng cao su; Tình ca Cao Nguyên; Trăng chiều Ban Mê; Mưa Cao Nguyên; Cao Nguyên say; Ngã sáu tôi yêu; H Linh hát trên dòng sông…. Những ca khúc ấy đã đi vào lòng người trong cả nước qua giọng ca của các thế hệ danh ca  núi rừng. Từ sáng tác chị nhảy vào lãnh địa nghiên cứu âm nhạc một cách nhẹ nhàng như cuộc dạo chơi trong vườn. Hàng loạt các khảo cứu âm nhạc có giá trị khoa học đã được chị thực hiện: Âm nhạc trong không gian cồng chiêng; Âm nhạc trong đời sống văn hóa truyền thống Tây Nguyên; Một số nhạc cụ truyền thống được cải biên ở Đak Lak…
Cũng từ những đam mê về vùng đất và con người Tây Nguyên nơi Giàng đã nắn ra hình hài của chị, chị đã nói lên tiếng nói và hơi thở của con người chân chất ở đây bằng cách xây dựng cấu tứ bố cục và hình tượng nghệ thuật qua các tác phẩm văn chương: Nỗi lòng M Tao Ama Thuột; Ngày chúa đi vắng; Bóng chiều bảng lảng; Chiếc bầu nước của H Lâm; Rưng rưng cỏ hát; Pơ thi mênh mang mùa gió; Con trai của rừng Xa Nu vân vân và vân vân.
Chị Linh Nga Niek Đam vẫn thường xuyên đi về buôn làng để nghiên cứu sưu tầm văn hóa dân gian
Lĩnh vực nghiên cứu văn hóa dân gian có lẽ mới đúng là sở trường vốn có của chị. Linh Nga Niêk Đam quan niệm sưu tầm và nghiên cứu văn hóa đồng bào các dân tộc thiểu số Tây Nguyên như là một trách nhiệm và chị luôn đặt lên hàng đầu. Chị coi đó như là cơm ăn nước uống hằng ngày không thể thiếu để nuôi cơ thể chị khỏe mạnh, để đôi chân chị rắn chắc như cây Kơ nia hằng ngày hằng tháng có mặt trên khắp núi rừng Tây Nguyên. Vì thế trong lĩnh vực này chị đã để lại biết bao công trình khoa học về vùng đất và con người ở đây: Lễ hội cộng đồng của người Tây Nguyên; Nghệ thuật diễn xướng Tây Nguyên; Lễ cúng hồn lúa của người Sê Đăng; Lễ Chrai của người Mnoong Gả; Lễ hội Tam Nghét…
Tháng hai vừa qua tôi vinh dự được chị mời tham gia cùng tìm hiểu một mảng nhỏ trong phần vật thể của người RMam tại xã Mô Rai huyện Sa Thầy tỉnh Kon Tum. Lần đầu tiên được chứng kiến nữ sỹ Tây nguyên bước vào tuổi thất thập làm nghiên cứu, tôi thật sự bất ngờ và ngưỡng mộ trước sự nhạy bén khoa học trong quá trình khai thác tư liệu của chị. Sự năng động tháo vát để tranh thủ từng thời gian hiếm hoi trên vùng thực địa quả khó có người làm được như chị. Trong khoảng thời gian rảnh ngắn ngủi vì phải chờ nghệ nhân, chị lại lao vào bếp núc để sửa soạn bữa ăn và chăm sóc sức khỏe cho từng thành viên như một người mẹ. Với chị thời gian và công việc là một cặp song sinh được mặc định mà Giàng đã trao cho chị và mặc nhiên chị không thể làm trái ý Giàng. Định mệnh của chị là phải làm và tranh thủ làm để giữ lấy vốn văn hóa truyền thống trên quê hương Tây Nguyên trước khi quá muộn.
6/11/2020
Phùng Sơn
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Khi tri thức bị đánh cắp

Khi tri thức bị đánh cắp Trong nội hàm văn hóa, ăn cắp là lối ứng xử tiêu cực tự hạ thấp mình. Tri thức bị đánh cắp là điều dễ thấy, nhưng...