Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Đôi bờ vùng vẫy

Đôi bờ vùng vẫy

“Con đường duy nhất đưa những đứa trẻ tự kỉ về với cuộc sống này. Đó là sự yêu thương xuyên suốt của gia đình và sự quan tâm của đồng loại”.
1. Người đàn ông lao về phía tôi. Đôi mắt đỏ sọc. Ông ta nghiến hàm răng sin sít miệng không phát ra lời. Sau mỗi hơi thở gấp gáp, ông ta lại cấu mạnh bờ vai tôi lắc mạnh. Ông ta như một con thú điên lên vì vừa bị cướp mất con mồi. Tôi đã cố nhìn thẳng vào mắt ông ấy. Cố giải thích cho ông ấy là không ai cướp gì của ông cả. Ông hãy bình tĩnh, hãy nghe lấy lời tôi, đừng nghiến răng, đừng cào cấu như vậy nữa. Nhưng tôi càng cố giải thích, ông ta càng điên tiết, đôi tay di chuyển từ bờ vai lên cổ tôi siết chặt như muốn bóp nghẹt những lời giải thích của tôi. Tôi lịm dần. Nhưng trong những mơ hồ ảo ảnh đang trước mắt. Tôi thấy người phụ nữ sau lưng ông ta lao đến. Bà ấy ra sức kéo đôi tay đang lên gân của ông ta ra khỏi cổ tôi. Những la hét, nước mắt, những đôi mắt đỏ sọc, những mạch máu màu đỏ tía hằn qua da, những gân guốc như mạng nhện xô đẩy nhau theo từng nhịp thở gấp. Cho đến khi tôi hoàn toàn không cảm nhận được sự hiện diện của bất kì luồng không khí nào qua cổ họng. Mọi thứ trở nên im bặt.
Nhà văn trẻ Trần Ngọc Đức ở Quảng Nam
2. Tôi sinh ra trong một ngôi nhà tạm nhỏ gia ở ngoại ô thành phố. Nơi mà ranh giới giữa phố và quê chính là con kênh đen ngòm, quanh năm bốc mùi hôi thối. Bên kia kênh, phố xá đông đúc với những con người xúng xính áo quần, soi phấn, vội vội vàng vàng cười nói ở những ngôi nhà cao vút chọc cả nền trời xanh trên kia. Bên này kênh, lúp xúp những căn nhà tạm bợ, ngột ngạt với những đám người quanh năm khẩu trang, khăn trùm đầu kín mít. Họ, những con người bên này, có tốp từ sáng u mờ đã sang bên kia kênh làm việc cho đến khi dãy đèn cao áp nhập nhoạng sáng mới về. Tốp còn lại, lầm lũi cả ngày ở trong những ngôi nhà tạm lụp xụp nóng bức, hì hục hàn xì, hì hục chao nấu, hoặc có khi chỉ là ngồi không trong nhà nhìn ra dòng chảy đen ngòm của con kênh mà đếm thời gian trôi.
3. Thôi nôi tôi xong, bà ngoại về quê, tôi bắt đầu những chuỗi ngày tự lập của một đứa trẻ ở xóm nhà tạm bên này sông. Ba mẹ tôi đều làm công nhân ở bờ bênh kia. Buổi sáng, ông ấy – ba tôi – đánh thức tôi dậy từ rất sớm; bà ấy – mẹ tôi, vắt cạn những giọt sữa trong bầu vú đã nổi gân xanh, cố ép tôi uống thật nhanh. Sau đó, ông ấy bắt đầu múc những muỗng cháo xanh ngắt, nhíu mày, cố dồn nó thật nhanh vào miệng tôi. Tôi cảm nhận được sự vội vả qua nét mặt của họ. Cả đầu tôi lắc lư, miệng lúc nuốt, lúc lè ra chảy cả nước mũi, tay chân huơ loạn xạ. Bửa ăn kết thúc khi mắt tôi trào ngược lên trắng bệch, ông ấy giận dữ hất tô cháo về phía bà ấy. Bà ấy lũi thũi cho tôi uống một ít nước, thả vào cụi cùng mớ đồ chơi. Khi tiếng cửa đóng sầm lại, tiếng xe máy xa dần, đó sẽ là lúc tôi ở với thế giới của mình, thế giới trong chiếc cũi gỗ với vài ba con thú nhồi bông đã nhàu nát. Ở đó, tôi sẽ ngủ, tỉnh dậy sẽ cố hất tung những con thú qua thanh cũi. Và khi con thú cuối cùng được hất ra, tôi sẽ áp sát mặt vào những thanh gỗ ấy, tay cố thò ra ngoài kéo những con thú ấy lại về phía mình. Nhưng chưa lần nào tôi với tới, mặt tôi bao giờ hằn lên hai đường thẳng song song vô định của hai song cũi. Bất lực, tôi khóc. Mệt. Tôi lại ngủ. Mọi thứ, kể cả đại tiện và tiểu tiện đều trong chiếc cũi đó. Qúa trưa. Bà hàng xóm ục ịch bên nhà sau khi đi phụ bếp về sẽ ghé qua nhà, đánh thức tôi dậy. Bà ta nhai từng miếng cơm đựng trong một hộp xốp nhựa, nhèo nhèo những nước miếng, rồi đút nhanh vào miệng tôi. Tôi, lúc đó nếu đang đói thì sẽ ăn thật mau. Còn nếu ương bướng sẽ phải ăn trong nước mắt nước mũi, bởi bàn tay to bè của bà ta bóp vào cạnh hàm. Sáu giờ tối. Khi ông ấy và bà ấy trở về trong những lấm lem của bụi đường. Tôi sẽ được cho đi tắm rửa. Lại ăn trong nước mắt. Không có những tiếng cười nhiều. Họ lại nhìn tôi với ánh mắt bất lực. Tiếng ru của bà ấy chưa làm tôi thiếp giấc thì phía ngoài ông ấy đã ngáy. Tiếng ru lịm dần, có lẽ bà ấy cũng đã mệt. Họ ngủ, có lẽ họ mệt. Còn tôi, sau một hồi tự chơi, u ơ trong bóng tối cũng thiếp dần trong cơn mơ loạn….
4. Cuộc sống kéo dài như thế cho đến lúc tôi năm tuổi. Vào một ngày đầu mùa thu. Họ đánh thức tôi dậy thật sớm, rồi nhanh chóng đưa tôi đến một tòa nhà cao tầng phía bên kia con kênh. Đón tôi trong tòa nhà đó là một người đàn ông cao lớn có bộ ria dày quanh mép. Ông ta nhìn thật kĩ rồi lấy một loại dây có in những con số nhỏ li ti vòng qua chân, tay, và nhất là trán của tôi. Sau đó ông ta dùng những tấm giấy nhiều màu sắc đưa qua đưa lại trước mặt tôi, dùng đèn pin chiếu thẳng vào mắt tôi. Cuối cùng ông ta ghi ghi chép chép gì đấy vào một quyển sổ có chia những cột thẳng dài rõ ràng. Ba mẹ tôi ra về sau khi ông ta mỉm cười, gật đầu với họ. Kể từ hôm đó, cứ phải cuối tuần họ mới đón tôi về căn nhà bên kia kênh. Còn lại, tôi ở đây với rất nhiều những đứa trẻ khác. Chúng tôi ở đây rất đông, nhưng hầu như không bao giờ chơi chung hay nói chuyện với nhau. Mỗi đứa đều cố mang theo những con vật hoặc đồ chơi quen thuộc tại nhà đến và chơi riêng. Đến bửa ăn, có đứa lớn tòng ngỏng nhưng chẳng bao giờ tự xúc ăn được. Có đứa chỉ ăn khi phải khóc thật to, lại có đứa chỉ thích bốc ăn bằng tay và để thức ăn dưới sàn nhà. Mỗi buổi sáng, họ gọi chúng tôi dạy, bày cách vệ sinh thân thể, rồi tập thể dục. Những bài tập dễ ợt, nhàm chán nhưng ở đây chả đứa nào có thể nhớ để ngày hôm sau có thể làm lại. Tôi, tức nhiên là tôi nhớ kĩ, nhưng mỗi sáng họ lại cố tình chỉnh sửa tôi theo ý họ.
5. Lên bảy tuổi. Bố mẹ lại đón tôi về bên kia kênh, lần này họ lại dẫn tôi đến một dãy nhà hai tầng nhiều hoa và hình vẽ, họ gọi nơi đó là trường. Trường có rất đông những đứa trẻ sâm sấp tuổi tôi, với tôi, chúng chỉ như những con vịt đồ chơi của tôi mà thôi. Suốt ngày chúng chỉ biết xếp hàng ngay ngắn, miệng răm ráp đọc theo những gì cô giáo nói trên bảng. Khi có tiếng “tùng tùng” chúng chạy loạn xạ, đứa lò cò trong những vòng ô dưới sân, đứa nhảy lắc lư theo những lọng dây chuông, đứa chăm chú nhìn vào những quyển sổ nhiều hình vẽ. Nhiều đứa tụ tập kể những gì đó, rồi lại phá lên cười khoái trá vang cả góc sân. Dĩ nhiên, với tôi, tất cả chúng đều khác biệt, quái dị. Tôi thích sống như lúc ở cái tòa nhà cao tầng bên kia kênh. Ngồi một mình suy ngẫm, phán đoán những chuyện đang xảy ra. Tôi thấy cái mà nơi đây bọn họ gọi là môn học đều rất dễ. Nào phép tính, nào chữ cái. Chỉ cần cô giáo nói qua một lần là tôi đã hiểu. Nhưng lạ, cô chẳng bao giờ gọi tôi lên bảng làm chúng cả. Cô chỉ chăm chú giảng, sửa bài cho tất cả học sinh trong lớp, nhưng khi bắt gặp ánh mắt tôi cô lại lãng tránh. Tại sao những bài học dễ thế mà chúng nó lại không làm được nhỉ? Tôi sẽ bày cho bất cứ đứa nào, chỉ cần chúng nó hỏi tôi. Nhưng hình như chẳng đứa nào hỏi cả. Thấy tôi ngồi bất động trong lớp, lâu lâu có mấy đứa đến huơ huơ tay trước mắt tôi rồi lại phá lên cười. Chúng nó đâu biết, tôi không chỉ có thể bày chúng nó, mà còn có thể giải được theo nhiều cách khác. Tại sao cô giáo lại không gọi tôi lên bảng?
6. Ngôi trường cuối cùng tôi học là dãy nhà năm tầng bên kia kênh khá đẹp. Lúc này không còn những đứa trẻ, thay vào đó, con người cũng bắt đầu khác biệt. Có người mặc quần áo như cũ, nhưng cũng nhiều người thay bộ quần áo cũ bằng những chiếc áo xẻ tà rất dài, trắng muốt. Những con người này không còn vô tư chạy nhảy như trước. Chơi theo phe nhất định, áo trắng quần xanh một phe và còn lại là phe áo dài. Vẫn những môn học với tôi rất dễ, nhưng sự nhăn nhó, vò tai bức tóc là điều tôi ngày nào cũng thấy ở chúng. Cô giáo vẫn chưa bao giờ gọi tôi lên bảng, và lờ đi ánh mắt của tôi mỗi lần vô tình chạm phải. Một lần có một đứa cố tình lấy đi quyển vở của tôi cầm lên để cô kiểm tra bài tập về nhà. Thú thật, dù mất vở nhưng tôi rất mừng, lần này chắc chắn cô giáo sẽ thấy được những bài giải của tôi, chắc hẳn cô và cả lớp sẽ vỡ òa khi họ biết tôi rất giỏi. Quyển vở cuối cùng được cô cầm lên, đó là quyển vở của tôi. Cô giáo chăm chút đọc, trán nhăn lại, mày nhíu đi, nhưng như tôi dự đoán, mặt cô giãn ra nhanh chóng, nụ cười xuất hiện nhìn xuống cả lớp. Cô giương cao quyển vở của tôi trước lớp, những lời giải được tôi hệ thống hóa theo nhiều chiều có lẽ đã làm cả lớp nức nở. Một tràng vỗ tay vang lên, lòng tôi sung sướng vô cùng. Cô giáo nhẹ nhàng đi về phía tôi, lần đầu tiên cô không lãng tránh ánh mắt tôi. Cô để quyển vở của tôi xuống nhẹ nhàng rồi quay lên. Mọi ánh mắt lại dồn về phía tôi, rồi bỗng chốc cả lớp phá lên cười thật to, có đừa lè lưỡi, có đứa nguệch ngoạc theo những lời giải được hệ thống hóa của tôi trong vở. Cô giáo nghiêm nghị bảo cả lớp trật tự. Nhưng cô lại không gọi tôi lên bảng, nếu được lên bảng tôi sẽ chứng minh cho mọi người thấy rằng họ đã sai. Những lời giải được hệ thống hóa của tôi sẽ chứng minh cho họ thấy rằng việc học rất đơn giản nếu ta biết tịnh tâm tư duy và hệ thống các vấn đề theo bài giảng của thầy cô. Tôi lại ngồi đó trong im lặng, chăm chú nghe những lời cô giáo giảng, tư duy, hệ thống hóa các vấn đề theo cách mà bao năm qua tôi vẫn làm cho đến mùa hè cuối.
7. Họ đón tôi về bên này kênh sinh sống sau mùa hè cuối ở ngôi trường năm tầng. Họ vẫn sáng đi, tối mịt mới về, tóc đã bắt đầu lấm tấm bạc. Những bửa sáng vội vả trước đây được thay bằng một nồi cơm to, đồ ăn được nấu sẵn, đói lúc nào thì ăn lúc ấy thôi. Những bửa cơm tối không tiếng nói cười, ba con người cặm cụi ăn, không ai nhìn ai. Ông ấy, dạo này hay uống rượu, say thì trừng mắt nhìn tôi đôi lúc rồi lại nhanh chóng say giấc. Bà ấy, sau những cơm nước giặt giũ, đấm đấm cái lưng có vẻ đang đau, nhìn tôi âu yếm, xoa xoa vầng trán tôi, tự nói điều gì đó rồi cũng thiếp đi. Tôi lại nằm đó trong bóng tối, lại u ơ với những suy nghĩ riêng của mình trên trần nhà, rồi lại chìm vào giấc ngủ lúc nào không hay. Nhưng với tôi lúc này ở nhà, thay vì ngồi trong cũi, đã chuyển sang ngồi bên cửa sổ nhìn ra dòng nước kênh đen ngòm. Tôi vẫn ngồi đó, tư duy, hệ thống những vẫn đề theo những suy nghĩ của mình. Tại sao mọi người không tin tôi. Rằng tôi là một đứa trẻ bình thường, vầng trán hơi hóp đó chỉ có thể là do thiên tạo. Và tôi sẽ chứng minh cho họ thấy, rằng tôi đúng, rằng cuộc sống của họ sẽ không tẻ nhạt, u ám như thế, rằng dòng kênh kia sẽ sạch hơn nếu chúng ta đem hết thái độ tích cực của mình vào cuộc sống.
8. Tôi bắt đầu mọi việc bằng cách tháo chiếc cụi khỏi vách, lắp cho nó những mảnh phao hai bên và bắt đầu lội xuống dòng kênh đen ngòm trước nhà. Những núi rác ngầm được vớt lên trên cũi để đưa vào bờ, dòng chảy bắt đầu mạnh dần, rút nước về phía cửa xả. Trời về trưa, nắng hầm hập, tôi phải cố vớt cho xong, vì theo dự tính của tôi, khi thủy triều lên, nước về, sau đó rút mạnh chắc chắn dòng kênh sẽ được rửa sạch. Cái nắng cuối hè oi ả, chiều nhanh chóng xuống giông, mây đen xô nhau đuổi gió nờm đi xa. Mưa. Mưa to. Nước bắt đầu trút xuống mạnh. Biển nhanh chóng ngậm nước, triều dâng nhanh hơn thường lệ. Dòng kênh bắt đầu đổi màu. Cái màu đen cố hữu đã chuyển sang xanh lơ. Tôi đứng trơ giữa dòng. Nhìn thấy cá bắt đầu tung tẩy. Những bụi hoa đồng tiền hai bên triền sông hôm qua còn xơ xác, thì chiều nay đã trổ bông, xòe to hứng nước mưa trong sung sướng. Nước tới đùi tôi. Rồi dâng đến bụng. Nước lại dâng đến ngực. Cuộc sống mới dễ chịu làm sao. Mát mẻ quá. Tiếng búa, tiếng hàn xỉ đã tắt lịm. Tôi có cảm nhận được mọi người cùng đổ ra khỏi những căn nhà tạm ngột ngạt, nóng bức. Họ đứng trên cầu la hét vì sung sướng trước sự thay đổi của con kênh. Những tiếng hò reo, chỉ chỏ hướng về phía tôi. Có lẽ họ cảm ơn tôi. Cảm ơn những hành động của một con người lâu nay chỉ ở trong cũi hay chỉ biết ngồi bên cửa sổ nhìn cuộc đời. Tôi vẫy tay về phía họ ra dấu không cần phải cảm ơn tôi. Vì đó là những gì tôi có thể làm cho họ đến lúc này. Nước bắt đầu dâng cao ngang cổ. Nước làm tôi khó thở. Một dòng mạnh xô lấy tôi chới với. Đôi chân bị nhấc lửng lên. Cả thân hình tôi chúi vào lòng nước sâu. Tôi cảm nhận được nước luồng sâu vào khoang mũi, xuống họng, rồi dạ dày mình. Tôi bắt đầu thấy sợ. Chân tay cố gắng vùng vẫy. Phía trên bờ, bặt hẳn tiếng tán dương của mọi người. Chỉ còn tiếng la hét nhỏ dần trong làng mưa xối xả. Rồi mọi thứ im bặt.
9. Tôi tỉnh dậy trong phòng cấp cứu của bệnh viện. Nghe loáng thoáng tiếng của bà mụ béo bên nhà nói với ông ấy và bà ấy rằng tôi đã tự tháo cái cũi trong nhà, mở ổ khóa cửa, đập phá nhiều nhà cửa trong khu nhà tạm để lấy thau, phao, rồi mang tất cả cùng cái cụi lao xuống kênh nhảy múa. Có lẽ nên khóa tôi vào một chiếc cụi lớn hơn, chặc chắn hơn hoặc cũng có lẽ nên gửi tôi đến bệnh viện tâm thần để điều trị. Mụ béo nhắc lại một lần nữa với họ rồi đi nhanh. Tôi nhắm mắt lại. Cho đến lúc ông ấy hùng hổ xông vào phòng tôi nằm, đôi tay cấu mạnh, mắt sòng sọc đỏ tia như muốn cố hỏi tôi tại sao không ở yên trong nhà, không làm bạn với chiếc cụi đã bao năm…?. Khi mọi thứ im bặt dưới bàn tay ông ấy. Tôi chỉ còn nghe trong sâu thẳm tim mình lời ru hụt hơi của bà ấy sau một ngày lao động mệt nhọc. Và rằng ai cũng có thể sống, nhưng sẽ không ai nên người nếu thiếu đi tình yêu thương xuyên suốt của gia đình và sự quan tâm của đồng loại.
11/11/2021
Trần Ngọc Đức
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...