Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Hoàng Thoại Châu - Nhà thơ của tình biển nghĩa sông

Hoàng Thoại Châu - Nhà thơ
của tình biển nghĩa sông

Nhà thơ đi về phía đô thành giữa lúc bóng đen khổng lồ của chiến tranh không chỉ thấp thoáng như trước mà đã bao phủ cả miền Nam. Thời ấy, Tuổi trẻ làm thơ phần đông đều kêu than thân phận (Phong Sơn). Thơ Hoàng Thoại Châu lại là tiếng kêu đau đớn về chiến tranh, về nỗi chia cắt đất nước: Gió đưa bụi chuối sau hè” Ai khơi lửa hận cho me héo gầy… / Những đứa trẻ chết khi đang ôm vú mẹ… / Tiếng khóc khàn thêm, lửa cháy mỗi ngày…
Nhà thơ Hoàng Thoại Châu
* Dòng tiểu sử
Sau năm 1954, do đấu tranh chống chiến tranh, đòi thống nhất đất nước, từng bị chính quyền đương thời bắt giam. Tháng 11-1966,  để trốn quân dịch và các cuộc bắt bớ tại quê nhà, vào Sài Gòn, nương nhờ nơi cửa Phật, theo học các khóa kỹ thuật xét nghiệm Y khoa.
Cuối năm 1973, bị cảnh sát bắt tại buổi đọc thơ chống chiến tranh và giới thiệu tác phẩm mới của nhóm văn nghệ Hướng Dương. Tòa án chế độ Sài Gòn kết án, đưa vào khám Chí Hòa, rồi đày ra Côn Đảo cho đến ngày 30-4-1975.
Trước năm 1975, góp mặt với nhiều tờ báo: Chánh Đạo, Quyết Thắng, Dân chủ Chủ nhật, Tiểu thuyết thứ Năm, An Lạc. Xuất bản các tập thơ: Áo trắng ngày xưa, Tình biển nghĩa sông (1) và (2) do Âu Cơ xuất bản. Tình biển nghĩa sông (1) được gửi dự thi Giải Văn học – nghệ thuật 1967-1969 của Tổng thống Việt Nam Cộng hòa. Đầu năm 1970, tác phẩm được trao giải Nhất. Đây là năm đầu tiên giải thưởng văn học – nghệ thuật ở miền Nam trong chế độ Sài Gòn được mang tên này.
Ngoài thơ, Hoàng Thoại Châu còn sáng tác truyện ngắn, đã in chung với các tác giả của nhóm Hướng Dương: Những trái tim hồng (năm 1973). Tập truyện ngắn Khói cỏ ngoài đồng được giới thiệu sẽ in ở nhà Hướng Dương nhưng chưa xuất bản thì bị bắt, đày đi Côn Đảo.
Sau năm 1975, hoạt động báo chí chuyên nghiệp với bút danh chính: Ba Thợ Tiện, bắt đầu từ Tuổi Trẻ, đến Lao Động, Lao động và Xã hội… Xuất bản các tập tạp văn: Thả cửa (Trẻ, năm 1992); Tạp văn (Đồng Nai, năm 2006); Viết từ hồi ấy (Hội Nhà văn, năm 2017) và tập tự truyện:  Sâu thẳm buồn vui (Hội Nhà văn, năm 2015).
* Đôi chân bước vội…
Tập thơ đầu tiên Áo trắng ngày xưa của Hoàng Thoại Châu xuất bản tháng 5-1969. Khi đó, anh còn ở ngoài quê Quảng Nam, tuổi mới đôi mươi.
Áo trắng ngày xưa rất gần với thơ Mới, từ cấu trúc đến điệu hồn của thi nhân, thật phóng khoáng, tự do, gần gũi, thân mật, như để giãi bày bằng hết nỗi lòng của chủ thể trữ tình. Đó là thơ hôm nay, thơ của những người yêu trẻ, rạo rực, thổn thức, đem hết trăng, sao, mây, gió, bướm, hoa, trời, đất vào tình yêu của mình. Hoàng Thoại Châu góp thêm một nỗi sầu tình vào muôn vạn nỗi sầu của nhân gian từ vạn cổ.
Nhưng Áo trắng ngày xưa không hoàn toàn là thơ Mới, khi bóng dáng của một thời đoạn lịch sử khốc liệt được phô bày: Quê hương mình quá điêu tàn/ Nên tim anh hận như vàng lá thu… Chàng trai trẻ làng Giáp Ba xa xôi bước vội về phía đô thành đâu chỉ với một tình yêu hoa mộng của tuổi học trò mà có lẽ trong lòng chàng còn ngổn ngang lắm nỗi.
* Tiếng khóc và tiếng hát
Nhà thơ đi về phía đô thành giữa lúc bóng đen khổng lồ của chiến tranh không chỉ thấp thoáng như trước mà đã bao phủ cả miền Nam. Thời ấy, Tuổi trẻ làm thơ phần đông đều kêu than thân phận (Phong Sơn). Thơ Hoàng Thoại Châu lại là tiếng kêu đau đớn về chiến tranh, về nỗi chia cắt đất nước: Gió đưa bụi chuối sau hè” Ai khơi lửa hận cho me héo gầy… / Những đứa trẻ chết khi đang ôm vú mẹ… / Tiếng khóc khàn thêm, lửa cháy mỗi ngày…
Chiến tranh có muôn ngàn gương mặt. Gương mặt nào cũng bất thường và phi nhân. Trong tâm hồn nhà thơ, những gương mặt ấy hiện lên, bám lấy, đeo đẳng không rời: Quê mình đó: từng đêm nghe súng nổ…/ Quê mình đó: mái tranh chiều nhuốm khói…
Thơ Hoàng Thoại Châu hiện lên hai khung trời đối lập: hòa bình và chiến tranh; ngày xưa và bây giờ. Tiếng kêu uất hận trong thơ anh bật lên từ những đối nghịch đó!
Ở bài thơ Đóa hoa đại buồn, Hoàng Thoại Châu có câu thơ như lời nói thường mà hay đến lạ lùng: Khóc tình như khóc quê hương.
Tưởng đâu khóc tình là tiếng khóc ảo não nhất rồi, nhưng khóc quê hương mới muôn phần xót xa, đau đớn!
Chiến tranh đối với Hoàng Thoại Châu là thế đó!
Anh đã thấy. Anh đã nghe. Anh đã sống. Và, anh đã khóc!
Anh chờ mong. Anh khát khao. Anh nguyện cầu. Rồi anh van xin: Mặt trời chín giữa phương Đông/ Em trong áo mới, ruộng đồng nở hoa/ Trăng lên giỡn bóng tre già/ Anh đi hái mộng làm quà tặng em (Hòa bình).
* Tình biển nghĩa sông
Từ ngày về phố thị, phần nhiều, thơ Hoàng Thoại Châu là lời giãi bày hướng đến số đông, rất đông: Việt Nam sông núi ba miền/ Cùng nhau ghi nhớ cho liền thịt da… Vì thế, thơ anh từ tiếng nói trữ tình đôi lứa đã thành tiếng nói trữ tình công dân; từ tiếng hát giao duyên đã thành lời tình tự dân tộc: Tôi muốn nói về phiên buồn đất nước/ Xóm thôn nghèo và chứng tích thương đau…
Là nhà thơ. Anh ngồi đây. Anh đứng đó. Anh khóc than cho quê hương đổ nát, cho nòi giống lầm than, cho đồng bào máu chảy ruột mềm! Tiếng nói của anh, là Những day dứt chân thành/ Của một người/ Của hơi thở trong tim. Anh là người Việt Nam, mang trong mình dòng máu Tiên Rồng, nhịp thở trong tim là nhịp thở đồng bào. Người thôn quê hay thành phố, dù Nam – Bắc – Đông – Đoài vẫn là tình ruột thịt mẹ Âu Cơ. Với nhà thơ, giống nòi, dân tộc, đất nước, đồng bào là điểm tựa và hội tụ, là nguồn cội và nguồn sống, là nơi thẳm sâu cũng là chốn tìm về của tất cả con người Việt Nam. Tiếng thơ ấy đã đem đến cho mọi người những gì thân thuộc và yêu thương nhất, đánh thức trong lòng họ những ngày cũ nồng nàn mà say đắm.
Là người làm thơ, chỉ với cây bút trong tay, Hoàng Thoại Châu tha thiết: Có tình nào hơn tình sông, nghĩa biển/ Có tình nào hơn tình nghĩa đồng bào…
Tuy đau đớn, khóc than, tủi hận, nhưng chưa bao giờ nhà thơ mất niềm tin ở dân tộc và đồng bào: Việt Nam ngàn đời, máu đỏ trong tim/ Nam Bắc vang danh: lịch sử bốn nghìn/ Không nô lệ, không ươn hèn mất gốc. Hơn thế nữa, anh thúc giục mọi người: Hãy thức dậy các anh/ Xin cầm lấy tay nhau dựng lại cuộc đời/ Đòi lại những gì chúng ta bị cướp…
Hỏi bạn, có ai đòi hỏi nhà thơ của chúng ta, chỉ với cây bút trong tay, phải làm gì có ý nghĩa hơn thế?
* Điệu ru hời cao ngất
Đọc thơ lục bát của Hoàng Thoại Châu, ta nghe như đó là những bài ca dao mới. Đó là lời của Phong Sơn trong bài tựa cho tập Tình biển nghĩa sông (1), xuất bản năm 1969, cách đây vừa tròn 50 năm.
Nhận xét ấy rất gần với những người cùng thời. Với Phương Đài: Thơ Hoàng Thoại Châu não nùng, tức tưởi như tiếng độc huyền. Với Kiên Giang, đó là những bài thơ đượm màu sắc quê hương. Mấy năm sau, trong lời bạt Tình biển nghĩa sông (2) xuất bản năm 1972, Sơn Nam biểu lộ sự vui mừng bởi Hoàng Thoại Châu đã đánh tan thành kiến về thơ của lớp trẻ trong thời chiến thường giống nhau với ngôn ngữ khó hiểu, với thứ triết lý chán đời giả tạo của kẻ thích hưởng thụ, và nhất là thái độ kênh kiệu. Tác giả Hương rừng Cà Mau còn cho rằng: Còn gì dễ thông cảm cho bằng tình yêu Tổ quốc, một Tổ quốc rất cụ thể với “Biển ôm vách đá, đèo hanh da trời”. Còn gì đơn giản hơn tình đồng bào với lời dặn dò “Thiếu cơm thì được, thiếu thơ xin đừng”.
Hẳn Hoàng Thoại Châu không có ý làm ca dao. Khi nhà thơ cất lên lời tình tự dân tộc, cả một vùng ca dao, cổ tích bừng dậy với giếng nước đầu làng, ruộng sắn, nương dâu, với cây đa bóng mát trưa hè… Và nhất là, với tình quê, tình người nồng nàn, thấm đượm: Đói lòng ăn chén canh rau/ Uống lưng gáo nước cho nhau trọn tình.
Làm thơ, tác giả của Tình biển nghĩa sông giãi bày với quê hương, với đồng bào, người Việt, nước Việt. Anh không chọn điệu thơ. Hồn anh neo đậu, nương tựa vào những gì có thể lay động, cảm thông hồn người: Quê mình đó: điệu ru hời cao ngất/ Rừng ca dao lịm ngọt bóng ngôi chùa.
Điều khiến thơ Hoàng Thoại Châu trở thành lời tình tự dân tộc không chỉ ở thể thơ lục bát mà chính là ở lối nói, điệu nói của anh: Bao giờ suối bạc, mây trong/ Bao giờ xóm nhỏ hết đong đưa sầu…; Anh đi em tiễn lời này: /Dù ra sao cũng giữ ngày HÙNG VƯƠNG…
Hoàng Thoại Châu là nhà thơ của tình biển, nghĩa sông. Tình ấy, nghĩa này, thấm đượm vào hồn anh, ở mãi cho đến bây giờ, khi chàng trai của làng Giáp Ba ngày xưa không còn trẻ nữa: Ta về hỏi chuyện hôm qua/ Ngày mai khẽ đáp còn xa lối về/ Chập chờn/ Sương khói/ Hồn quê/ Rưng rưng nỗi nhớ, câu thề biệt tăm!.
Một bài thơ về Bác Hồ xuất hiện giữa Sài Gòn năm 1969
Theo lời kể của Hoàng Thoại Châu, trưa ngày 5 hoặc 6-9-1969, khi đang trên đường đến nhà in ở Sài Gòn để sửa bài cho tập thơ Tình biển nghĩa sông, tác giả được một Phật tử áp sát vào người, nói thật nhỏ: “Bác Hồ Chí Minh mất rồi!… Hôm ngày 3”! Anh bắt gặp đôi mắt trũng sâu của ông ướt đẫm và đỏ hoe, còn mình “nghe như đất trời tối sầm”. Bài thơ dưới đây được viết tại phòng sắp chữ của nhà in, là bài thơ vốn không có trong tập bản thảo của Tình biển nghĩa sông và như thế, giữa lòng chế độ Sài Gòn, bài thơ khóc Bác được xuất bản công khai:
Mặt trời ngủ yên
Vũ trụ chuyển mình,
Địa cầu rung động,
Để báo hiệu sau bảy mươi chín vòng quay
Bây giờ:
Ba chín sáu chín mặt trời ngủ yên.
6/11/2020
Bùi Quang Huy
Nguồn: Báo Đồng Nai
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...