Thứ Tư, 30 tháng 8, 2023

Biển là màu xanh dương

Biển là màu xanh dương

Tôi sang chơi khu nhà của mấy anh bạn đại diện ngành năng lượng. Đại sứ quán với anh em bên ấy vẫn hay qua lại. Ở Tehran người Việt với nhau chỉ đếm trên đầu ngón tay. Đêm khuya, tôi định gọi tắc xi thì một anh bạn bảo để em đưa anh về. Tôi không muốn làm phiền mà anh cứ khăng khăng chạy đi lấy chìa khóa xe và dứt khoát lái xe chở tôi về.
Đường phố Tehran về đêm không đông như ban ngày, nhưng cũng không phải là vắng. Người xứ này hoạt động về đêm. Không có quán rượu không có vũ trường, ban ngày người ta kéo nhau đi leo núi, cắm trại trên núi, hoặc cắm trại bên sông bên suối, nói chung chủ yếu là thể thao và yêu thiên nhiên. Ban đêm các gia đình dẫn nhau đến quán ăn, đến nhà hát, đến rạp chiếu phim. Thêm một thú vui đêm nữa là lái xe đi loanh quanh trong thành phố, cho xe trèo lên sườn núi mà nhìn xuống thành phố như sao sa trong thung lũng. Đêm khuya còn biết đi đâu, xe lại sẵn, xăng lại rẻ, phóng xe đi chơi đúng là một cái thú.
Nhà văn Hồ Anh Thái
Anh bạn đeo kính, lái xe một cách cẩn thận. Cẩn thận đến mức tôi lại nhớ đến một anh bạn khác. Mới tuần trước anh kia lái xe sau khi đã uống rượu với mấy bạn người Việt. Xứ cấm rượu khắt khe, mấy anh em thủ được chai rượu trong va li mang sang, rồi đóng cửa ngồi uống trong nhà với nhau. Đêm khuya may mà đường vắng ngắt. Xe đi qua mấy đường phố nhỏ. Anh lái xe say rượu hoàn toàn chỉ đi theo quán tính. Xe lượn hình chữ chi, uốn éo như rắn lượn. Có lúc bánh xe còn nảy lên vỉa hè thấp. Mấy thanh niên lái xe đi chơi khuya phóng qua kêu oai oái.
Giờ thì khác. Anh bạn này lái xem điềm tĩnh, đúng với tính cách. Đến gần một ngã tư, anh hỏi tôi, đang đèn xanh hay đèn đỏ hả anh.
Đèn vàng đấy, tôi nói.
Thế là anh cho xe đi chậm lại, rồi dừng trước vạch giao thông ở ngã tư. Những người bán rong chìa hàng ra bên ngoài cửa kính. Vài thanh niên bán hoa huệ tây, hoa phải vận chuyển suốt từ phương Nam ấm áp hàng nghìn cây số lên miền Bắc xứ lạnh. Một người đàn bà bế con bán giấy ăn. Anh bạn hạ kính xe mua cho bà ta một tập giấy ăn, mua thêm mấy bông huệ tây. Tuyết bắt đầu rơi, đêm lại khuya, phải ra đường bán hàng thế này, chẳng biết được bao nhiêu mà đứng giữa trời lạnh. Mua giúp. Về cái sự mua giúp thì tôi cũng giống anh. Anh bạn nhận tập giấy, để luôn trong xe, khi cần thì lau. Mấy bông hoa thì anh bảo tôi cầm về sứ quán mà cắm, bên anh không có bình hoa.
Chiếc xe đằng sau bấm còi. Xanh chưa anh, anh bạn hỏi.
Tôi giật mình, thấy đèn xanh đã bật lên. Xanh rồi, tôi bảo.
Đến lúc ấy anh bạn mới thú nhận, hình như em bị mù màu, em không phân biệt được đèn xanh đèn đỏ, em chưa bao giờ đi khám nên không biết chính xác là mình bị làm sao.
Đêm về đến sứ quán rồi, tôi cứ áy náy mãi. Giá biết là anh bạn không phân biệt được màu sắc thì tôi đã không để anh lái xe đưa tôi về. Một lúc sau phải gọi điện thoại hỏi xem anh đã về đến nhà chưa thì mới yên tâm.
Người mù màu ấy có một tính cách nhẹ nhàng bình thản. Cứ bình thản như vậy anh kể chuyện về người cha. Đấy là một thanh niên thuộc thế hệ chiến tranh, được gửi sang Đông Âu du học, trở về với tấm bằng kỹ sư. Chàng trai nhiều khát vọng, tin tưởng rằng có thể đem cái tâm cái trí của mình ra mà làm cho đất nước hùng cường. Nhưng rồi anh bị phân công công tác không đúng ngành nghề. Quanh đi quẩn lại chàng kỹ sư đã thấy mình trở thành người thợ, lăn vào sửa chữa máy cùng với công nhân. Rồi loanh quanh thế nào lại trở thành thầy giáo ở một trường dạy nghề. Mỗi lần thêm một nghề là thêm một lần bị đẩy ra xa chuyên môn, xa ước mơ ban đầu. Mòn mỏi mãi cho đến ngày tổ chức gọi đến tên anh, quyết định điều anh đi làm chuyên gia ở một nước bạn châu Phi. Thời bao cấp thì đi làm chuyên gia nước ngoài cũng là một ao ước, một cách thức để cứu nước cứu nhà. Bị bỏ quên đã lâu, bây giờ mới được tổ chức gọi đến. Nhưng anh đã từ chối. Không, không đi nữa. Không phải anh lựa chọn sống mòn, nhưng anh không còn tin vào chính mình, cũng chẳng tin gì. Rồi trong những tháng ngày lê thê ấy, tai họa đến. Anh đi công tác, cả một cái xe khách không ai bị làm sao, khi xe sa bánh xuống một cái ổ trâu, một chỗ trũng lún trên mặt đường, chỉ mình anh bị tai nạn, bị trật xương sống. Chỉ nghe khực một cái mà đau chết ngất. Kể lại thì nhanh chứ người cha phải nằm liệt giường hơn ba năm trời. Chạy chữa mãi, nhưng người cha đã buông xuôi. Ông nằm lịm và khi tỉnh thì từ chối mọi sự chữa trị. Phật bảo người có bệnh phải muốn được chữa trị cũng như người chưa giác ngộ phải muốn được giác ngộ. Trường hợp không muốn, thì thuốc nào thầy nào cũng bó tay.
Tôi nhìn lại anh. Giọng kể điềm đạm và và vẻ an nhiên trên gương mặt phảng phất nét trầm tư. Về đứa con trai, thì anh bảo, con trai anh mắc bệnh tự kỷ. Cái thật thà khiến tôi hơi ngạc nhiên. Thường thì những chuyện như thế người trong nhà với nhau vẫn giấu, không mấy ai nói ra ngoài. Nhưng anh đã kể. Ban đầu anh không tin. Cô giáo của con nói không tin, vợ nói không tin, người nhà nói không tin. Không tin vì sâu trong lòng không chấp nhận. Rồi cũng phải vài năm thì thực tế mới dần dần thuyết phục được anh. Tin rồi thì càng thương con. Giữ con ở nhà để dạy, tìm đủ phương pháp khoa học để dạy. Đi xa thế này thì ở nhà vợ dạy con. Đi xa thế này nhớ nhất là nhớ con. Cơ quan anh có chế độ cứ ba tháng làm việc ở nước ngoài lại được đổi về nước ba tháng. Về là dắt con đi chơi, chơi mà học, học mà chơi. Chuyển nhà sang một khu tập thể rộng rãi và nhiều cây xanh, ấy thế mà thằng con cứ chiều đến là khóc, đòi về nhà cũ. Quá gắn bó với nhà cũ, đồ vật cũ, đấy cũng là một biểu hiện của bệnh.
Tranh của họa sĩ Lê Trần Thanh Thủy
Ở Tehran tôi với anh thường cùng đọc sách và cùng trao đổi về cuốn sách vừa đọc. Người nhẹ nhàng ấy mà cũng có lúc rất kiên định nguyên tắc. Anh bạn kế toán trong văn phòng bảo anh ký vào một số hóa đơn chứng từ để hợp thức một số khoản chi, nhưng anh dứt khoát không ký. Quả là việc của cơ quan, nhưng hóa đơn không đúng việc thì không thể bắt anh ký.
Tôi chuyển đi nước khác và anh cũng chuyển về một nước Đông Nam Á, gần gặn với Sài Gòn. Anh kể anh đã đưa vợ con cùng sang, như vậy cũng có điều kiện gần gũi chăm sóc và dạy con. Rồi qua mấy năm, công việc hết, anh lại quay về Sài Gòn.
Một lần về thành phố, tôi điện thoại hỏi đường đến thăm thì anh bảo đã chuyển về Bà Rịa. Tôi xuống Bà Rịa. Anh giải thích, quê anh ở ngoài Bắc cơ, không muốn ở Sài Gòn nữa nhưng anh cũng không muốn về Bắc. Nói rất thật, con trai em nó bị tự kỷ, nên em không muốn về quê. Anh đưa cả gia đình về xứ này. Biển bao la, trời bao la, bãi cát mênh mông. Thằng con anh có luôn cả bằng ấy thứ.
Ngồi chuyện trò ở phòng khách. Ở góc nhà cái ti vi vẫn mở. Tôi nhớ dạo trước anh bảo cách xử lý tình huống giao thông khi mà anh không phân biệt được màu sắc. Một là khi đi đến gần cột đèn giao thông, anh sẽ quan sát mọi người, nếu tất cả vẫn đi tức là đèn xanh. Hai là vị trí của đèn: trên cùng là đèn đỏ, giữa là vàng, dưới là xanh, cái nào sáng lên thì tuân theo cái ấy. Ba là có những nơi, mỗi màu đèn là một mũi tên chỉ hướng, thì cũng căn vào đó mà phân biệt màu. Bốn, cái này giống như khi ở Tehran, vừa đi trên đường anh vừa hỏi tôi về màu đèn, tức là nhờ người đi cùng nhắc giúp, nếu như có người đi cùng. Đến thế mà có lúc vẫn sai: ở một số thành phố, vị trí đèn đỏ không phải ở trên cùng mà lại ở dưới cùng.
Nhớ lại chuyện ấy, tôi định hỏi xem bây giờ anh đã chữa được bệnh mù màu hay chưa, vừa lúc trên ti vi xuất hiện một vị quan chức trên diễn đàn. Ông đeo một cái cravat màu đỏ. Lâu nay tôi để ý khắp nơi quan chức đều dùng cravat màu đỏ, đồng loạt đến mức thành ra đồng phục, thế là tôi quyết bỏ hết những cái cravat màu đỏ của mình. Đỏ. Có một cái gì giống như tinh thần mê tín dị đoan đang tràn ngập. Bây giờ ông quan cũng đang màu đỏ. Chả biết ông đang thao thao nói những gì, thì bất chợt anh bạn khen ông có cái cravat đẹp. Màu đẹp, anh nhắc lại.
Tôi hỏi anh, màu gì mà đẹp.
Màu xanh dương. Xanh nước biển là màu ưa thích của em.
Thế mà cũng khen. Tôi không hỏi về bệnh trạng của anh nữa. Không phải là mù màu như trước, mà còn là loạn màu. Thôi, chốc nữa anh có định lái xe đưa tôi ra bến xe khách thì chắc chắn là tôi sẽ từ chối. Giờ thì để yên cho tôi ngắm biển đang dào dạt ngoài kia.
Biển tất nhiên là màu xanh dương.
***
Chuyện của anh, tôi viết thành truyện từ mấy năm trước, chưa gửi đi đâu chưa in ở đâu. Chuyện mới dừng lại ở đấy. Cuộc sống thì không dừng lại. Mọi chuyện với anh dường như bình lặng. Hằng ngày anh dạy con chơi đàn phím điện tử keyboard. Chỉ một chiếc đàn gọn nhẹ mà như có nhiều tiếng đàn khác nhau trong ấy. Anh còn phổ biến kinh nghiệm cho nhóm phụ huynh có con tự kỷ rằng chiếc đàn ấy rất phù hợp với con mình, lại không khó học.
Đùng một cái, anh báo tin đã đưa vợ con lên Đà Lạt. Không phải thành phố Đà Lạt mà khách du lịch vẫn thấy. Từ trung tâm thành phố phải đi xe vào hai chục cây nữa. Giữa rừng luôn. Đến bên một con suối nhỏ có chiếc cầu treo, đi qua chiếc cầu treo ấy leo lên sườn núi. Lác đác dăm ba nếp nhà sàn, đi vài ba trăm mét mới gặp một nhà. Anh thuê thợ làm một cái nhà sàn bằng gỗ. Tầng trên là phòng ngủ và phòng khách, tầng dưới là bếp và phòng ăn. Chuyển hết cả nhà từ Bà Rịa lên rừng Đà Lạt. Nói là cả nhà, chỉ có vợ chồng anh, cu con và bà mẹ vợ.
Đất làm nhà làm vườn anh mua của một người đàn bà từ ngoài Bắc vào đây. Một nữ thi sĩ nhưng biết làm ăn. Nữ sĩ ấy trong ba năm qua làm công việc của người mở đất, khai phá rừng hoang. Đi vận động năm gia đình người dân tộc và lên mạng kêu gọi bạn bè giúp đỡ, mở rộng con đường lên sườn núi. Con đường rộng ra đủ cho xe bảy chỗ lên đến cổng nhà. Quyên góp để kéo điện từ ngoài đường chính vào bản. Làm đường ống nước vào mỗi nhà. Vừa mới xong được mấy việc lớn thì lại đến cái cầu. Một hôm lũ lên cuốn phăng chiếc cầu đi. Lúc ấy bà thi sĩ vừa từ ngoài thành phố mua thêm một ít công cụ về. Con suối thường ngày nhỏ bé và chảy êm, giờ phình to dâng cao, đục ngầu, cuồn cuộn. Phải ngồi chờ bên suối cho đến chiều thì lũ rút. Nước chỉ còn đến thắt lưng, lội qua được.
Mọi việc không phải lúc nào cũng thuận. Vừa mới lên rừng bà bị ngã nước. Bà phải điện thoại sang nhà hàng xóm. Mấy người dân tộc chạy sang, cõng bà chạy xuống núi. Chạy qua chiếc cầu treo, họ đặt bà lên xe máy phi đến bệnh viện cấp cứu. Bà nằm viện một tuần.
Nữ sĩ lại đi vận động các gia đình dân tộc đóng góp. Lại lên mạng kêu gọi bạn bè. Cả những người không quen vào mạng thấy đưa ảnh nhà sàn, con đường vào bản, chiếc cầu cũ đã bị lũ cuốn đi, xem rồi họ ủng hộ để làm cầu.
Lúc anh đến tìm đất làm nhà thì cầu mới đã bắc qua suối. Một chiếc cầu bằng sắt sơn màu nâu. Tôi đến thăm, xe ô tô bảy chỗ đi qua cầu, bò lên một cái dốc, đi qua hai nếp nhà sàn khoảng vài trăm mét mới đến nhà anh. Nhà sàn bằng gỗ nâu bóng chắc chắn. Phòng ngủ và phòng khách đều có cửa kính để giữ ấm những khi quá lạnh. Kéo cửa kính bước ra ban công, ngửi thấy cả mùi mướp mùi bầu từ mấy cái giàn leo bên ngoài. Nghe thấy cả tiếng ong vo ve trên giàn mướp trổ hoa vàng.
Nhà chỉ có vợ chồng anh, bà mẹ vợ, đứa con trai. Trên mặt bàn có cái thời gian biểu của anh cu con. Những bốn mươi mục trong một ngày. Tôi giơ điện thoại chụp ảnh cái thời gian biểu.
1. Thức dậy trước 6g – 2. Mở cửa sổ – 3. Hỏi thăm bà, ba mẹ và người lớn tuổi – 4. Rót nước cho bà – 5. Đánh răng – 6. Rửa mặt – 7. Lau mặt – 8. Lau tai – 9. Lau khô mặt – 10. Chải tóc ngay ngắn – 11. Xem chỗ thoát nước có tóc không – 12. Xem trong nhà tắm có rác không – 13. Gom quần áo đi giặt, nếu có – 14. Phân loại quần áo màu và trắng – 15. Quét dọn nhà – 16. Lau bàn nếu bẩn – 17. Nhắc mọi người để ngay ngắn đúng vị trí – 18. Đổ rác hữu cơ – 19. Đổ rác vô cơ nếu đầy – 20. Dọn bát đĩa ăn sáng – 21. Mang bát đĩa ra bồn rửa – 22. Rửa bát đĩa – 23. Nấu cơm – 24. Học toán – 25. Học tiếng Nhật – 26. Sấy quần áo, hẹn giờ sấy 1g30’ – 27. Sắp mâm bát ăn trưa – 28. Rửa bát – 29. Dọn sạch chỗ rửa bát – 30. Lau bàn – 31. Viết tiếng Việt – 32. Little Fox tự học tiếng Anh – 33. Tưới cây trước nhà – 34. Đi tắm (chuẩn bị quần áo, khăn) – 35. Gấp quần áo, mang lên cho mọi người – 36. Chơi game (một tiếng, không phải nấu cơm, không phải sắp mâm bát cơm chiều) 37. Xem tivi – 38. Đánh răng xong, ngậm nước muối – 39. Ngủ lúc 9g30 tối – 40. Lau nhà (chủ nhật).
Nhìn thì biết, không chỉ là thời gian biểu mà còn là bản hướng dẫn cụ thể từng bước thực hiện. Ví dụ: dọn bát đĩa ăn sáng – mang bát đĩa ra bồn rửa – rửa bát đĩa. Các bước được thực hiện tuần tự.
Giàn mướp giàn bầu được giao cho anh cu con phụ trách. Chăm bón tưới nước hằng ngày. Khi có quả thì theo dõi quả to ra lớn lên từng ngày. Quả đủ lớn thì bắc ghế lên tự tay mình cắt dây hái xuống, vui niềm vui của người chăm bón. Cả sườn núi mênh mông vợ chồng anh và bà mẹ vợ che chắn dựng lên một cái nhà vườn. Hàng trăm chậu hoa cúc, cây sống đời, cây tùng hương. Gần tết, khách mua từ dưới Sài Gòn, Vũng Tàu, Nha Trang lên khuân đi hết.
Tôi nhìn anh như nhìn một người mới gặp. Anh đã thành nông dân. Người làm nông. Người làm trang trại. Vẫn nhớ anh nói anh thích màu xanh dương. Xanh nước biển. Trên rừng này không có màu xanh dương. Khắp xung quanh rừng núi chỉ một màu xanh cây lá. Cũng có thể mắt anh, cặp mắt nhiễu màu ấy, anh lại thấy là bao phủ xung quanh mình chỉ toàn màu xanh dương.
5/2/2022
Hồ Anh Thái
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...