Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Cha, gian bếp ấm và những cây đèn vỏ chai tháng Chạp

Cha, gian bếp ấm và những
cây đèn vỏ chai tháng Chạp

Cách đây một năm, tác giả Nguyên Hậu (Nguyễn Thị Hậu - Phú Yên) đã giành được giải thưởng cao nhất với bài viết “Cha, gian bếp ấm và những cây đèn vỏ chai tháng Chạp” trong cuộc thi “Nhớ thương mùi Tết” 2019 do báo Thế Giới Tiếp Thị Online tổ chức. Nhân dịp Tết mới đến, VHSG xin giới thiệu lại bài viết xúc động này…
Nhà văn trẻ Nguyên Hậu phát biểu tại lễ nhận giải “Nhớ thương mùi Tết”
Trong cái rét se của những ngày cuối cùng tháng Chạp mờ hơi sương núi, cha vẫn giữ thói quen dậy sớm nhóm lửa. Cha gom hết những cây đèn vỏ chai, lau chùi sạch sẽ, thay lại những tim đèn, mùi bấc cháy hòa cùng mùi khói bếp lẩn khuất trong gian nhà chái bằng cũ kỹ. Tôi gọi đó là mùi của cố hương bởi qua bao tháng năm, qua bao bước đường cơm áo, mùi hương ấy luôn hiện diện trong tâm thức, gọi tôi về bên cha trong những ngày cuối cùng tháng Chạp.
Tết của người quê tôi đủ đầy hay không phụ thuộc vào thời vụ. Năm nào mưa thuận gió hòa, đủ xoay vần giáp hạt thì năm ấy trẻ con được tấm áo mới, nhà nhà thơm mùi bánh men bánh thuẫn… Gặp năm nắng hạn mưa nhiều thì Tết đơn sơ hơn song nỗi ngóng chờ của lũ trẻ cúng tôi thì luôn nguyên vẹn. Với cha, trong dăm ba ngày Tết, vật chất có thể thiếu nhưng mọi thứ phải tinh tươm sạch sẽ và gia đình phải đoàn viên sum họp. Bởi vậy nên trong những sáng mai cận kề ngày Tết, cha thường ngồi se tim đèn và lau chùi những cây đèn vỏ chai. Cha nâng niu từng cái một, lau vỏ chai bóng xanh màu nước biển, trông thấy rõ mực dầu đầy hay vơi và sợi tim đèn trắng nằm trầm mình đợi lập lòe ánh sáng.
Cha khơi bếp lửa nổ li ti tàn đỏ, cho nồi cơm đồng sôi tràn miệng. Những âm thanh rất nhỏ và rất đỗi bình yên ấy đánh thức tôi dậy cùng cha. Cha chắt bớt nước sôi cơm ra cái chén đất màu nâu sẫm, tôi ngồi bên hóng đợi thổi từng đợt khói trên miệng bát sóng sánh, để cho vị béo và thơm của nước nhựa cơm nấu từ loại gạo lúa đỏ trôi qua đầu lưỡi. Rồi cha bắt bông từ một khe nứt của trái gòn khô, se từng sợi nhỏ, cẩn thận tẩm dầu hỏa, đợi nắng lên hong khô rồi cất trong chiếc hộp đồng cũ kỹ. Mỗi khi tim đèn cháy lên tận miệng, tôi lại thay bằng sợi khác. Bởi vậy tôi thường lấy mốc thay tim đèn để ngóng chờ những ngày Tết vì khi tháng Chạp cạn ngày thì số tim cũng cạn, cha lại cần mẫn làm cho năm kế tiếp.
Trong gian bếp, cha lau chùi những cây đèn vỏ chai chuẩn bị đón Tết – Ảnh: Nguyên Hậu
Trong lúc se tim, cha thường kể về những ngày xa lắc. Lúc ấy, khi hừng đông vẫn còn ngái ngủ, chưa nhìn thấy đất, cha đã tay cày tay cuốc, dong hai con bò vàng cho kịp buổi cày đồng nơi chân núi. Cha treo ngọn đèn vỏ chai có bóng chụp lên đòn gánh, ánh sáng leo lét dẫn đường đồng hành chùng cha qua bao năm dài tháng rộng.
Trên gian bếp, cha treo đầy những chùm bắp tẻ vàng để giống cho vụ sau và những ngọn cây dáy, cây chà rang hong khói. Cha chọn từng cành nhỏ, dùng dây lạc của thân cây tre tẻ già đã chuốt mỏng, bó lại thành những cây chổi lớn nhỏ khác nhau để dọn nhà đón Tết.
Không chỉ riêng tôi mà hình như mọi thứ quanh cha đều lấy tín hiệu bếp lửa bập bùng để báo cho một đêm dài vừa hết, lấy mùi khói bấc và tiếng chùi đèn của cha làm mốc cho ngày giáp Tết. Ngay cả cánh vạt kêu sương bên thềm cũng cũng tỉnh cơn ngái ngủ đập cánh bay đi, ngơ ngẩn trước chồi xanh lộc biếc của mùa Xuân mới, bỏ lại tiếng lá rơi trong thinh không rất nhẹ. Tiếng cuốc gọi bạn thâu đêm hay tiếng chim dũ dĩ mang điệu bộ đầy nhớ nhung cũng thôi khắc khoải, bắt đầu ngày mới.
Nhà văn Trần Nhã Thụy, nhà thơ Phan Hoàng và ông Nguyễn Hoàng Nam – Ủy viên BBT Thế Giới Tiếp Thị Online trao giải nhất cuộc thi “Nhớ thương mùi Tết” cho tác giả Nguyên Hậu – Ảnh: Thiên An.
Tuổi thơ tôi trôi êm đềm qua bao ngày bình yên như thế. Nhưng tôi như cánh vạc kêu sương, đập cánh bay đi rồi không hẹn ngày trở lại. Mải mê trên bước đường chữ nghĩa công danh, quê nhà chỉ còn bóng cha in trên bức vách của gian bếp cũ. Rồi điện thắp sáng về làng, cha cất những cây đèn vỏ chai vào góc tủ, những câu chuyện vụ mùa xa lắc cũng nằm yên trong tiềm thức bởi chẳng còn ai cùng nhóm bếp vào mỗi hừng đông nơi chân núi.
Chỉ còn bếp lửa mỗi sớm mai như người tri âm bền tình bầu bạn cùng cha, để mỗi lúc gọi về thăm, cha giấu đi sự quạnh hiu bằng bao câu chuyện xóm chuyện làng gần gũi. Tôi rưng rưng nghĩ về những cây gòn quanh chân núi. Chúng vẫn đúng mùa ra hoa kết trái, đúng mùa đổ bông trắng bay đi trong một chiều mênh mông gió, liệu chúng có chút gì nhớ nhung đôi tay chai sần của cha từng vân vê bắt bông từng sợi, để chúng cháy hết mình trước khi thành tàn tro trong gian bếp ấm?
Rồi tháng Chạp lại về như đã hẹn, tôi bỏ lại mọi thứ sau giấc mơ dài đầy mùi khói của bấc đèn năm cũ, ra ga lên tàu về với cha. Tôi muốn tự tay lau bóng chụp của cây đèn vỏ chai đã cũ, sẽ nhặt những trái gòn khô ngồi nhìn cha bắt bông từng sợi luồn tim, tự tay gom những củi cành khô trong khu vườn đầy cây tạp để cùng cha nhóm bếp. Và tôi sẽ ngủ quên trong không gian ám khói, thơm mùi khói bấc đèn mới tinh tươm và mùi bồ hóng trong gian bếp xưa đầy kỷ niệm.
25/1/2020
Nguyên Hậu
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...