Thứ Năm, 31 tháng 8, 2023

Tính mở trong "Một mai gió chở tôi về" của Hoàng Vũ Thuật

Tính mở trong "Một mai gió
chở tôi về" của Hoàng Vũ Thuật

Bàn về thơ Hoàng Vũ Thuật, có người ví như một khối vuông ru bích, có người lại xem như một cấu trúc đèn led hiện đại muôn màu huyền ảo, đan xen sáng tối, trùng trùng những hình ảnh tưởng tượng… Với riêng tôi, mỗi bài thơ Hoàng Vũ Thuật như một ô cửa nhỏ mà nếu vội vàng lướt qua, ta sẽ bỏ lỡ cả một thế giới…
Trong tập thơ Tháp nghiêng, nhà thơ Hoàng Vũ Thuật đã từng tâm niệm: “Những con chim sẻ bay về phương bắc/ anh một mình lên phương nam/ nơi có hồ nước mắt em ngăn ngắt xanh”. Đây cũng chính là tuyên ngôn nghệ thuật rất kín đáo của nhà thơ. Hơn nửa thế kỷ một lòng với thơ ca, bay “một mình, một bóng”, ông luôn có ý thức tìm tòi, đổi mới, tạo nên một lâu đài thơ cho riêng mình. Ta bắt gặp ở đó những vần thơ ăm ắp tình đời, tình người, đậm chất suy tưởng, siêu thực, một thứ triết lý sâu xa mà cũng rất gần gũi, dung dị, đời thường. “Một mai gió chở tôi về” là một ví dụ.
Tác giả Vi Huyền Vi
1. Lâu nay bạn đọc thường bắt gặp những vần thơ lấy cảm hứng từ chất liệu đời sống cụ thể, mà người ta thường gọi là đề tài “nóng hổi mang tính thời sự”, phản chiếu một vấn đề nào đó đang diễn ra… thì trong Một mai gió chở tôi về lại bàng bạc một giọng điệu trữ tình, một góc khuất thân phận, đời thường trong tình cảm con người. Góc khuất ở đây chính là cảm quan về tình yêu, niềm vui và nỗi buồn rất cá thể giản đơn và gần gũi, phản chiếu con người ông, từ đó nhìn thấy thế giới rộng lớn đang trải trong thơ: “anh là hạt muối được vớt lên từ lòng biển/ mặn trên môi em/ như một phiến hoa hồng trầm cảm/ chiếc gai biết nói/ xuyên thủng cả nụ cười nước mắt/ ngày ra đi/ cuộc sống đã đóng băng trong chiếc quan tài trống rỗng/ …/ chúng ta thường xuyên tranh cãi/ như sóng vẫn thường xuyên tranh cãi với bờ/ những nỗ lực cho cuộc đời vo tròn giống hạt nước trên lá sen/ tới khi rớt xuống/ cái gì rồi cũng phải qua đi…” (Phiến hoa hồng trầm cảm )
2. Ông giúp cho độc giả hiểu thêm rằng, thơ không phải là cái nhìn thấy, cái nghe được bằng lối kể lại, tường thuật lại. Báo chí, nhiếp ảnh thời sự, tranh tuyên truyền đã làm việc đó. Thơ cao hơn mọi hiểu biết, sờ thấy hay trông thấy. Thơ đằng sau sự hiểu, cao hơn sự hiểu. Cho nên Hoàng Vũ Thuật luôn dùng biểu tượng, trò chơi ẩn dụ tạo nên tính đa chiều trong thơ. Ông nói việc này, chuyện này, nhưng để độc giả hiểu chuyện khác, việc khác. Ta có thể thấy trong nhiều bài như Biến tấu, Ẩn ngữ, Mặc định, Hoài nghi, Người hành khất, Viết ở quán coffe Sơn ca…
3. Có một con người thứ hai mơ hồ trong thơ Hoàng Vũ Thuật, không bằng câu chữ mà bằng cảm xúc, không bằng xương bằng thịt mà bằng ấn tượng, ma mị. Người ấy là ai? Nhân vật linh diệu ấy như đang đối thoại với ông, đi bên ông. Có phải là tâm hồn ẩn khuất như người tình, như hình với bóng trong ông? Tôi nghĩ, giải mã được vấn đề này là tìm được chìa khóa vạn năng để mở ra cánh cửa thơ Hoàng Vũ Thuật. Nhân vật ấy, không ai khác chính là ông. Một trái tim lãng đãng đa tình, lại rất lý trí khi cần thiết. Sự phân thân này, không phải là chia ra hai ngăn trong tâm hồn thi sĩ, trái lại rất thống nhất, đồng điệu. Đó là tâm cảm chua xót, niềm đau khi con người đang bị cuộc sống xâm hại: “thượng đế là ai/ chúng ta đón câu trả lời của thế hệ ngoài thế hệ/ ngoài khu vườn nhỏ bé/ ngoài chen lấn giành giật/ ngoài cướp bóc hãm hiếp nụ cười tiếng nói/ ngoài đọa đày hơn cả đọa đày/ ngoài ngoài nữa/ thượng đế chính ta” (Thượng đế).
Đó là niềm khát khao được sẻ chia  đồng cảm giữa cuộc đời đầy biến động và mong manh như làn gió: “em đến không năm mươi năm sau/ nơi anh nằm bình yên trên thảm cỏ/ tóc và mây thi nhau trắng xóa/ mây rồi sẽ bay/ tóc em thì dừng lại/ đừng khóc làm chi/ mà cũng đừng buồn/ chẳng có gì dài lâu chẳng có gì vĩnh viễn/ …/ ai đưa em về lay phay mưa rơi/ ai đưa em về đường dài chơi vơi” (Năm mươi năm sau).
Nhà giáo Vi Huyền Vi trình bày tham luận tại tọa đàm thơ, ra mắt tập thơ “Một mai gió chở tôi về” của Hoàng Vũ Thuật ở TPHCM, 8.12.2019.
4. Thơ ông trữ tình, nhưng đầy triết lý. Tính triết lý trong thơ Hoàng Vũ Thuật không đao to búa lớn, không hô hào sáo rỗng, không cao giọng mà nhẹ nhàng thủ thỉ như một lời tâm tình. Ông nói về thời cuộc, về nhân tình thế thái bằng ngôn ngữ trừu tượng nhưng không đánh đố, chơi trò ú tim với người đọc. Chỉ cần ta khẽ khàng lật giở từng trang thơ, hòa mình trong từng con chữ, tự khắc “những phần chìm của tảng băng thơ Hoàng Vũ Thuật” sẽ hiện lên rưng rức, sống động, như cây vẫn xanh ngoài lời.
5. Theo dõi ông trên các báo, tạp chí văn nghệ và các phương tiện truyền thông khác, bạn đọc đều thấy các nhà thơ, nhà phê bình trong và ngoài nước đều nhìn nhận Hoàng Vũ Thuật là người luôn ráo riết đổi mới thơ mà nhiều nhà thơ cùng tuổi đã bỏ qua. Ông không viết theo lối cũ, chạy theo thời thượng chung chung, cảm xúc giống nhau hoặc lẫn vào nhau – vốn là di chứng một thời còn sót lại của nền văn học sắp sẵn, khuôn mẫu, định hướng nghệ thuật một chiều. Vì thế thơ ông được độc giả muôn nơi và người phê bình tin cậy tìm đến. Hình ảnh người nghệ sĩ tài hoa của mảnh đất miền Trung gió Lào cát trắng ngày ngày cặm cụi, cần mẫn gieo lên những mầm xanh giữa hoàng hôn cuộc đời luôn là nguồn cảm hứng lớn lao cho độc giả và những người viết trẻ.
Tôi đã đọc đâu đó trong một cuốn giáo trình, rằng đầu những năm 60 của thế kỉ trước, nhân dịp người Nga phóng con tàu vào vũ trụ, người ta đã phát động một cuộc trưng cầu ý kiến lớn rằng, liệu con người có cần đến văn học nghệ thuật nữa không? Ngày hôm nay, giữa thời đại công nghệ số và trí tuệ nhân tạo, câu hỏi đó lại tiếp tục xuất hiện và câu trả lời vẫn chỉ một: “Dù con người có bay lên vũ trụ đi chăng nữa, thì trong con tàu vũ trụ ấy vẫn cần một nhành hoa lila”. Đó cũng là lí do mà những người nghệ sĩ như nhà thơ Hoàng Vũ Thuật cứ cặm cụi viết, cặm cụi in, cặm cụi gửi tặng độc giả gần xa, mặc đây đó vẫn có người thờ ơ, kẻ lạnh lùng, nhìn nhận đánh giá chưa đúng mức thoả đáng.
Tp.HCM, 8/12/2019
Vi Huyền Vi
Theo https://vanhocsaigon.com/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...