Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Dục tính thăng hoa và việc đọc - Cảm nhận hai tác phẩm

Dục tính thăng hoa và việc đọc
Cảm nhận hai tác phẩm

Bài viết này được thực hiện với sự kính trọng và yêu mến sâu sắc đối với tài năng của hai thi sĩ Hàn Mạc Tử và Thảo Phương. Nó không luận bình mà chỉ đưa ra một lối nhìn có thể là khác với hầu hết mọi người trong việc đọc và cảm nhận hai tác phẩm “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mình tôi”.
Đây thôn Vĩ Dạ
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây,
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay…
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó,
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
(Hàn Mạc Tử)
Mình tôi
Tôi vừa chạy vừa ngước nhìn trời
Nhưng bóng tối lướt nhanh hơn tôi
Và mưa quất khuôn mặt rạng ngời
Nước mắt tôi không còn mặn nữa
Mưa rân ran mặn chát đôi môi
Mưa rân ran mời gọi như môi
Tôi bỏ mặc mình tôi giữa trời
Uống vội giọt mưa dần tắt.
(Thảo Phương)
Để tránh làm tốn thời gian người đọc, tôi xin đi ngay vào nội dung. Như tôi hiểu thì dục tính (libido) không hạn hẹp ở quan hệ tình dục, mà là nguồn năng lượng thần thánh trong bản năng con người. Nó quằn quại rên siết, buồn vui cùng tận, và khi tới ngưỡng cảnh giới thì vụt thăng hoa, cho tâm hồn bình yên bất chấp mọi dày vò về thể chất. “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử (1912-1940) và “Mình tôi” của Thảo Phương (1949-2008) hẳn đã được sinh ra như vậy. Nhưng cho dù có sự tương thông về dục tính như là sự khởi đi, thì “Đây thôn Vĩ Dạ” và “Mình tôi” vẫn mang hai sắc thái khác biệt, một trong suốt màu thiên giới, và một trong suốt màu địa giới, bức nào cũng đẹp.
Hẳn chẳng ai lạ “Đây thôn Vĩ Dạ” của thiên tài thi ca họ Hàn. Đã có một rừng bài viết về thân thế và về bài thơ này. Đôi lần tôi về Vĩ Dạ, ngồi ăn cơm hến ở đầu thôn, thấy cảnh sắc nơi đây chẳng khác trong thơ là mấy. Nhưng tôi nghĩ Hàn Mạc Tử không chủ tâm viết về thôn dã. Bằng mật mã riêng, “vườn ai mướt quá xanh như ngọc”, họ Hàn muốn đặc tả người yêu dấu, một cơ thể trinh nguyên như hiện thân vẻ đẹp muôn đời của tạo hóa. Ở đây, thiên nhiên là người. Hàng cau, lá trúc, dòng nước, hoa bắp, trăng, thuyền và bến sông trăng, đều là một phần tương thích của “tòa thiên nhiên”.
Như đã nói ở trên, tôi đồ rằng thi phẩm đẹp huy hoàng này bật mầm trong trạng thái dục tính thăng hoa. Và như một tất yếu, ánh nhìn đầu tiên đã đậu lại trên “hàng cau nắng mới lên”. Có thể đặt ra câu hỏi sao ánh nhìn lại tìm đến hàng cau? Câu trả lời là bởi đó là điểm đến yêu thích đầu tiên thuộc về bản năng giới tính. Theo lối nhìn này thì biểu đạt nam tính “mặt chữ điền” nhất thời bị choáng ngợp bởi “lá trúc che ngang” tiếp đó là rất chuẩn lo-gic, càng phù hợp hơn khi sau khoảnh khắc choáng ngợp ấy mọi thứ chợt lắng lại. Cảm giác xót xa cho thân phận tù hãm “dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay” và sự hàm ơn vô hạn người yêu dấu được đẩy tới tận cùng nhân sinh, chế ngự hoàn toàn dục tính. Những dày vò khao khát không còn gào thét nữa. “Áo em trắng quá nhìn không ra” là một sự xác tín trọn vẹn cho cái nhìn đi qua dục tính, thấy mà không thấy, tất cả đều đã “mờ nhân ảnh”, chỉ còn lại một thứ trong suốt duy nhất là tình yêu chẳng bao giờ phai. Tôi nói “Đây thôn Vĩ Dạ” là bức tranh trong suốt màu thiên giới là bởi ý ấy.
Bài “Mình tôi” Thảo Phương in trong tập “Người đàn bà do đàn ông sinh ra”, Nxb Hội Nhà văn 1993, thì chẳng mấy người để ý. Có gì cơ chứ, chỉ là cơn mưa “quất” vào “khuôn mặt rạng ngời” khiến cho môi miệng mặn chát. Nhưng tôi không thấy vậy. Ở đâu đó, trong tận cùng sâu thẳm, “mình tôi” rơi vào trạng thái bối rối, hụt hẫng, vừa muốn trốn chạy, vừa như có ai níu lại. Nhưng “bóng tối” là phần bí ẩn nhất trong bản năng con người đã khởi lên, “lướt nhanh hơn tôi”, phá vỡ sự cân bằng lý tính. Đọc “Mình tôi”, bằng cách nào đó, người ta không chỉ cảm nhận được vị mặn giọt mưa và nước mắt, mà còn nhìn thấy, nghe thấy âm thanh “rân ran” của va chạm, của môi, của giọt mưa dần tắt. “Và mưa quất khuôn mặt rạng ngời/nước mắt tôi không còn mặn nữa/mưa rân ran mặn chát đôi môi/mưa rân ran mời gọi như môi”, việc hoán vị vị mặn của mưa và nước mắt, của tình ý “mời gọi như môi”, tôi nghĩ không chỉ là việc dụng chữ, rất cao cơ, mà đó là sự thăng hoa của dục tính. Chỉ bằng vào tám câu thơ, “Mình tôi” đã làm sống động một cuộc tình đầu cuối, da diết có thể nói là tới đỉnh. Biểu đạt lối thơ này vô cùng khó. Nó tinh tế đến từng chữ. Giống như khi người ta đu dây, sơ sảy một chút thôi là ngã sấp mặt. Phải rất có tài mới viết ra được như thế. Bởi trạng thái không thấy mà thấy trong “Mình tôi” của Thảo Phương, khác với thấy mà không thấy trong “Đây thôn Vĩ Dạ” của Hàn Mạc Tử, mà tôi nói bức tranh trong suốt màu địa giới là vậy. 
10/6/2019
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...