Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Trang sách mạch đời

Trang sách mạch đời

Tôi lấy tên cuốn sách “Trang sách, mạch đời” (Nxb Văn học, 2017) làm cái tít cho bài viết của mình bởi tôi thiển nghĩ, từ trang sách đến cuộc đời có những mối liên hệ mật thiết; cũng như từ cuộc đời tác giả đến trang sách luôn gắn chặt với nhau ở rất nhiều góc độ mà người đọc muốn biết.
Trong lời mở đầu, chính tác giả cũng đã nói tới “cấu trúc hơi lạ” của cuốn sách, ấy là đi kèm bài viết (phê bình) là những bài phỏng vấn một số nhân vật cụ thể liên quan đến cuốn sách, trong đó có chính “cha đẻ” của các tác phẩm được đề cập. Theo tôi, đây cũng là một cách làm linh hoạt để bạn đọc “nhiều cách tiếp cận hơn” đối với tác phẩm, cũng là một cách làm thể hiện tư duy năng động, dân chủ, khách quan trong quá trình thẩm định, đánh giá các tác phẩm văn chương, nghệ thuật.
Nói về văn chương Đỗ Chu, Phạm Khải cho rằng ông thuộc tốp nhà văn “viết chậm và kỹ, câu văn nghiêng về cái đẹp mảnh mai, “kiêng khem” nhiều”. Một nhà văn tên tuổi ở ta đã từng đề xuất một công trình nghiên cứu quá trình sáng tác từ Đỗ Chu đến Nguyễn Huy Thiệp – từ văn chương nghiêng về cái đẹp, cái hồn nhiên, trong sáng, giàu chất thơ đến văn chương nghiêng về mô tả cái xấu, cái ác… đến tận cùng bản ngã con người. Đó là hai tài năng văn chương của hai thời kỳ khác nhau trên đất nước chúng ta. Đến “Thăm thẳm bóng người” cũng là một Đỗ Chu ấy, nhưng sâu xa hơn, minh triết hơn.
Do cách làm vừa bình, vừa phỏng vấn, vừa hỏi chuyện nên nhà phê bình Phạm Khải nắm bắt được khá chính xác cái “tạng” của từng nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình, để từ đó mà cái “thần” trong tác phẩm của họ dần dần hiển lộ. Nhiều “tình” trong “Vô tình” của Nguyễn Phan Hách; chất nghệ sĩ của nhà phê bình Nguyễn Đăng Mạnh “Mạnh hơn lý thuyết”; Tuyển tập của Quách Tấn với độ dày 800 trang, ôm trong tay nặng trĩu, nhưng cái phiêu du trong sáng tác của ông chính là tâm hồn thanh nhẹ của ông nên Phạm Khải đã đặt tên cho bài viết về ông “Sách nặng, hồn thanh nhẹ”. Với Ngô Văn Phú thì “Cuộc du hành từ văn đến sử” đã góp phần tạo nên bề dày sự nghiệp của ông…
Phạm Khải “bắt mạch” các nhà văn và tác phẩm của họ khá chuẩn. Bài Phạm Khải viết về thi sĩ Bùi Giáng được đặt tên là “Cùng giải mã đời thơ Bùi Giáng”, giải mã vì cuộc đời thi sĩ và văn thơ của thi sĩ Bùi Giáng nếu không GIẢI MÃ ắt bạn đọc khó cảm nhận hết cái hay cái đẹp cũng như những cái chưa hoàn thiện trong những sáng tác của ông. Nói về nhà phê bình Nguyễn Hòa, Phạm Khải dùng hình ảnh cái “búa đã gõ” (tên bài “Phím đã rung và búa đã gõ” tôi cho là rất được, bởi người ta còn gọi Nguyễn Hòa bằng cái biệt danh khó chịu hơn, và bên cạnh phần khẳng định những đóng góp cụ thể của Nguyễn Hòa, Phạm Khải cũng đã thẳng thắn chỉ ra “có những chỗ anh cực đoan… dẫn tới bắt bẻ hơi quá”.
Tập “Trang sách, mạch đời” của Phạm Khải
Có thể kể ra nhiều tác giả và tác phẩm trong “Trang sách, mạch đời” được nhà phê bình Phạm Khải nắm bắt, chỉ ra những nét riêng… mà tôi cho là rất cần thiết. Bởi, trong văn chương nghệ thuật, tạo được cái riêng cho mình rất khó. Và cũng vì cái riêng đích thực này mà mỗi nhà văn, nhà thơ đều có chỗ đứng của mình trong lòng bạn đọc, không ai thay thế được ai. Khi nhà thơ Xuân Diệu viết “Ta là một, là riêng, là thứ nhất…”, câu thơ một thời bị phê phán nhưng tôi cho là chuẩn khi nói về người nghệ sĩ và tác phẩm của họ. Người nghệ sĩ phải là một, là riêng, là thứ nhất trong tác phẩm thì mới sống được với thời gian, với bạn đọc.
Có một thời mà ta gọi là “ấu trĩ”, người viết phê bình thường chỉ nhìn nhận một chiều; hoặc là khen – khen hết lời; hoặc là chê – chê không thương tiếc. Không những thế, có không ít bài viết còn chụp mũ, suy diễn, quy cho tác giả hay tác phẩm những điều nhiều khi nằm ngoài văn chương nghệ thuật. Bây giờ, hiện tượng này tuy ít nhưng không phải là không còn. Đọc “Trang sách, mạch đời”, tôi tâm đắc với tác giả ở nhiều điều, nhưng điều mà tôi muốn nói hơn cả là tính khách quan, công bằng và sự nhìn nhận đa chiều, không hề áp đặt ý kiến của mình cho người đọc. Và, cũng như các tác phẩm khác của Phạm Khải mà tôi có trong tay như “Giai thoại và đời thực”; “Kể chuyện bút danh nhà văn”; “Một người đâu phải nhân gian”; “Giới cầm bút – chuyện thật như đùa” (Phạm Khải đã xuất bản trên hai mươi tác phẩm gồm thơ, phê bình – tiểu luận, bút ký, phóng sự, chân dung văn học, thời luận, chuyên luận, tản văn…; một sức làm việc đáng nể trong lúc phải lo công việc quản lý, phụ trách nội dung nhiều ấn phẩm của báo).
Tôi tâm đặc nhất ấy là tính nhân văn trong các bài viết, các tác phẩm của Phạm Khải. Văn học nghệ thuật cũng như mọi thứ trên đời này cuối cùng cũng chỉ nhằm phục vụ con người, hướng con người đến CHÂN, THIỆN, MỸ.
Trong những năm tôi trực tiếp làm Trưởng Ban giám khảo các cuộc thi Hoa hậu Việt Nam, tôi đã nhận ra một điều mà tôi vẫn thường trao đổi với các thành viên trong Ban giám khảo và Ban tổ chức, ấy là: Một trăm lời đồn chưa phải là sự thật. Và biết đâu đằng sau sự thật còn có một sự thật khác. Khi tôi đọc cuốn “Giai thoại và đời thực” của Phạm Khải, tôi càng thấm thía điều này. Những chuyện đồn thổi ngoài đời cũng như những giai thoại được kể trên báo chí về các nhà văn, nhà thơ, nhà phê bình dù thiện chí hay không thiện chí, nếu không có được những minh chứng xác thực nhiều khi sẽ làm thiên lệch cách nhìn nhận của độc giả.
Qua cuốn sách, Phạm Khải đã dày công tìm hiểu, hỏi chuyện, phỏng vấn những người “trong cuộc” và cả “nhân chứng”, những người ít nhiều liên quan để có cách nhìn chuẩn xác nhất, trung thực nhất. Từ chuyện thần đồng Trần Đăng Khoa học tiếng Nga; nhà văn Kim Lân… sợ chó; nhà thơ Vũ Quần Phương “đọ” thơ in trên báo Tết với Xuân Diệu; nhà thơ Bằng Việt bị người yêu “nhắc nhở”; hay món quà nhỏ của cố nhà thơ lớn Huy Cận; Xuân Diệu với những bài thơ tình tặng các em trai; cố nhà văn Tô Hoài đi nước ngoài nhiều lần… Trong đó, tôi tâm đắc nhất là bài viết “Người suốt đời chỉ “vị” thơ hay”. Đó là bài viết nói về nhà phê bình văn học Hoài Thanh với mấy câu nhà thơ Xuân Sách viết về ông bị nhiều người cho là “hơi ác”. Nhà phê bình Phạm Khải đã trực tiếp hỏi chuyện nhà văn Từ Sơn, dịch giả Phan Hồng Giang – hai người con trai của Hoài Thanh và cô con dâu trước đây của ông là bà Minh Tâm. Qua những cuộc đối thoại này, bạn đọc đã hiểu rõ thực hư của câu chuyện, cũng như nhân cách đáng trọng của nhà phê bình Hoài Thanh.
Tôi có may mắn gặp nhà phê bình Hoài Thanh trong những năm 70 của thế kỷ trước, khi tôi đi lấy tài liệu làm luận văn tốt nghiệp đại học. Qua câu chuyện với ông cũng như khi đọc các bài viết của ông, tôi thấy ông là người “vị” thơ hay, vị cái đẹp, là một nhà phê bình tinh tế trong thẩm định thơ. Trong một bài viết về thơ đã đăng trên báo cách đây khá lâu, tôi cho là Hoài Thanh có công rất lớn trong việc phát hiện các tài năng thơ và “Thi nhân Việt Nam” là cuốn sách để đời. Tôi rất thích khi đọc bài ông viết về thơ Lưu Quang Vũ khi Lưu Quang Vũ mới xuất hiện trên thi đàn, còn ít người biết đến.
Có lần vào Vũng Tàu gặp nhà thơ Xuân Sách (báo Tiền Phong thời đó đã có bài viết rất trân trọng, phỏng vấn và nói về cuốn sách gây tranh cãi của ông), tôi cũng định nói với nhà thơ Xuân Sách điều mà tôi cảm nghĩ về Hoài Thanh, nhưng vì hôm ấy đông người không tiện nói, lại thôi. Rồi Xuân Sách ra đi, tôi không có dịp nói lại nữa. Giờ đọc bài viết của nhà thơ, nhà phê bình Phạm Khải, tôi rất mừng. Tôi cho rằng sau Hoài Thanh có Vũ Quần Phương, sau Vũ Quần Phương có Phạm Khải thẩm định thơ tinh tế, mà tôi tâm đắc.
Người xưa thường nói “Văn mình, vợ người”. Trong văn chương, nghệ thuật, phục nhau, công nhận nhau là khó. Đọc những bài viết trong các tác phẩm của Phạm Khải mà tôi có, rất mừng vì tính khách quan, thẳng thắn, không né tránh trong nhiều vấn đề nhưng lại rất thể tất nhân tình. Có lẽ đó là điều mà tôi tâm đắc nhất khi viết những dòng này.
12/2/2018
Dương Kỳ Anh
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...