Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Đọc thơ của Hội 3D

Đọc thơ của Hội 3D

Ở Sài Gòn, và Hà Nội có lẽ cũng vậy, các thi sĩ thường chơi theo nhóm. Thấy ai hạp cạ thì chơi, hết duyên thì ai lại đi đường nấy. Có khi đang rất thân thiết, một buổi sáng đẹp trời đột ngột chẳng giao du với nhau nữa. Có rất nhiều nhóm chơi. Hội 3D là cách tôi gọi một nhóm các nhà thơ nữ của Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, gồm Phạm Phương Lan (PPL), Tô Minh Yến (TMY), Nhật Quỳnh (NQ), và một người nữa. Không giống như những nhóm khác, nhóm nữ sĩ này có tên hẳn hoi, gọi là “Hội 360 độ yêu”.
Hội 360 độ yêu
Tôi biết về nhóm 3D khi dự một buổi ra mắt sách của nữ sỹ PPL. Tôi không biết đã có nhóm chơi nào có tên chưa, hay “Hội 360 độ yêu” là nhóm đầu tiên. Tôi luôn cho rằng giữa thơ và người có sự liên kết bí ẩn. Thơ là tiếng hát cất lên từ trong hồn người. Càng mất mát, khổ đau thì tiếng hát càng đằm thắm. Chẳng phải người, mà chính là những câu thơ đã cứu rỗi cho tâm hồn con người. Điều này lý giải tại sao trong những giây phút hiểm nguy cận tử, thơ lại bật ra một cách đầy kiêu hãnh. Chắc hẳn, với “360 độ yêu”, các nữ sỹ đã đi qua chẳng ít giây phút cận tử, và họ đã biến những khoảnh khắc ấy chết chóc thành thơ sau khi may mắn sống sót.
Viết về thơ của nhóm 3D phải kể đến nhà thơ Trần Quang Quý và nhà văn Kao Sơn. Tôi đồng tình với những nhận xét, chia sẻ, đánh giá của hai tiên sinh về thơ PPL và TMY. Tựu chung là họ viết thơ tình và thơ tình của họ đứng được. Tôi muốn chia sẻ đôi ý, gọi là góp thêm chút gió vào hồn thơ yêu của họ. Phải nói rằng, trạng thái yêu “360 độ” có gì rất lạ. Nó không phơi phới, nhưng rất lắng đọng. “Xin chào nhé tháng 12 yêu dấu/ta gói năm qua vào giấy bảy màu/chuyện buồn cho vào gói giấy nâu/vùi sâu lắng trong lòng đất mặn/…câu chuyện tình yêu như biểu đồ bất biến/gói làm sao cho kín những trang thơ/dẫu bao lần đau vẫn chưa hết dại khờ/say đắm cứ như chưa bao giờ yêu vậy” (Tháng 12 yêu dấu-PPL); “Giá tớ cứ liều gọi cậu là anh/ngày chắc sẽ xanh như mùa thu Hà Nội/giá tớ cứ liều gọi cậu là anh/biết đâu sẽ viết nên điều tựa như cổ tích” (Mãi là giấc mơ-PPL); “Yêu thương biết mấy cho vừa/dù không gặp gỡ vẫn chờ mong nhau/tóc xanh dẫu có thay màu/một giây thôi/mấy bể dâu cũng đành” (Bể dâu cũng đành-PPL); “Anh là con ngựa hoang/em chỉ là bãi vắng/tình mênh mang mênh mang” (Tình anh là ngựa hoang-TMY); “Duyên em xin chớ hững hờ/tình em trong sáng tựa thơ học trò” (Sài Gòn mưa nắng-TMY). Để tôi nói thêm một chút. Say đắm như chưa bao giờ yêu là một trạng thái hưng phấn khi gặp người hạp cạ. Nó khiến u ám tình si cũ tan biến đi. Đọc Mãi là giấc mơ của PPL, bất chợt tôi nghĩ sao PPL không “cứ liều gọi cậu là anh” đi, biết đâu, nói như PPL là “sẽ viết nên điều tựa như cổ tích”, nhưng thế thì “đời” mất rồi, còn lại gì cho thơ nữa. Tôi cho rằng đây là một áng thơ đẹp bởi sự trong trẻo, nhuốm chút buồn man mác. Ai cũng đi qua cái người ta gọi là tuổi học trò. Cũng có những người không có tuổi học trò, nhưng chỉ cá biệt. Ở tuổi ấy gì cũng đẹp. Áo trắng tựu trường. Thơ chép giấy kẻ ô-li. Lối ví von “tình em trong sáng tựa thơ học trò” vừa thực lại vừa mộng. Nó hồn nhiến lắm. Cả cái lối ví “anh là con ngựa hoang/em chỉ là bãi vắng/tình mênh mang mênh mang”cũng vậy.
Sự hụt hẫng tình cảm, thật trớ trêu, lại là nguồn nhựa dồi dào cho thơ. Những gì chết thì chết rồi, chỉ còn lại tinh túy nảy mầm. Người ta bỗng cảm thấy nhớ quê hương, nhớ mẹ cha, nhớ khúc nhạc du dương của biển, nhớ hương hoa chanh lẩn quất giữa phố. Một người bạn tôi bảo bây giờ chẳng có thời gian để đọc những bài thơ nhiều thâm ý. Cứ nghĩ sao viết vậy, thấy sao viết vậy. Có thể đọc xong rồi quên. Hoặc nhớ đôi câu. Nhưng ý tình của bài thơ hoặc câu thơ thì thấm. Giờ viết dông dài, nhiều thâm ý có khi chẳng ai đọc, ngoại trừ người biên tập sách. Tôi cho rằng người bạn nói có lý của mình. “Anh ở nơi nào đó/có nghe mùi hoa chanh/em cài đầu buổi sáng/hương lẫn trong thị thành” (Em và ngày không anh-PPL); “Em chẳng biết mình tồn tại trên cuộc đời này là vì điều gì nữa/bởi trên môi đã tắt những nụ cười” (Yêu thương đã cũ-PPL); “Anh à/người ở nơi đâu/em lạnh lắm” (Thương bóng em nghiêng-PPL); “Mưa phùn ướt nón len em/ướt khăn gió ấm, ướt hoen môi hồng/ước vòng tay ấm bâng khuâng/ôm cho trọn những tháng năm mặn nồng” (Mưa phùn-PPL); “Thôi đừng tìm em nhé/kẻo lướt qua đời nhau/nghe trái tim gõ nhịp/vẽ tình yêu muôn màu” (Đừng tìm em nhé-PPL); “Ta chỉ ước mình làm cây cỏ để mà xanh/được vuốt ve bàn chân dẫu chỉ nhành cỏ héo/còn hơn yêu mà nhạt nhẽo giữa yêu thương” (Thà được làm phận cỏ-TMY); “Hôm nay/ngày lễ Vu lan/con buồn nhớ mẹ lang thang trên đường/hiếu mẹ/thì trả từng ngày/chứ đừng để mất như đây lại buồn” (Nhớ mẹ mùa Vu Lan về); “Phố đông lòng vẫn đơn côi/biển người tấp nập chơi vơi giữa dòng” (Tắt đường trong mưa); “Kiên Giang một thuở mình xa/nhớ lắm lắm/ngày bôn ba/xứ người/nay về đem kỷ niệm phơi/vấp chân quá khứ/một lời yêu xưa” (Kiên Giang ngày về). Những câu thơ tôi vừa dẫn như xát muối, như lấy cật nứa đâm vào da thịt. Nó đau lặng lẽ, âm thầm, nhưng tuyệt nhiên không oán hận. Biểu cảm này, trong tập Em kiêu hãnh vì được làm đàn bà, nữ sỹ Trầm Hương có những câu rất hay. “Giữa mắt hồng má hồng môi hồng/anh có nhận ra em/con thiên nga ngơ ngác giữa đầm lầy/hoa cúc trắng niềm khát khao trinh bạch/là lúc em nhận ra anh/là lúc ấy trong em anh đã chết” (Thư gửi người tình đã chết-Trầm Hương). Tình yêu đích thực là vậy chăng? Ngôn ngữ thơ ở đây thật giản dị mà thấm. Giá buốt, mưa phùn, ước một vòng tay ấm, lạc lõng giữa phố đông, tình mẫu tử, đầm lầy, con thiên nga ngơ ngác, hiển hiện ngay trước mặt.
Cuộc đời chẳng lấy hết tất cả của ai bao giờ. Nó vẫn chừa ra một lối cho những trái tim tan vỡ đi qua. “Ta mang tình ủ/thành men rượu nồng/chuốc ngày mông lung/chuốc đêm cô quạnh/chuốc mùa sóng sánh/vào bài thơ say/chuốc đôi má thắm/mặc người có hay” (Khâu tình-PPL); “Cho ta một thoáng bình yên/thả hồn vào ngọn gió hiền xa xôi/tìm vầng trăng bạc mồ côi/kết lời hẹn ước tình tôi với người” (Kết lời cùng trăng-TMY); “Nhớ về nhau ta ngọt ngào thêm hiện tại/trả cho người tình còn lại với kẻ đến sau” (Chẳng cần mẫu mực để yêu anh-TMY); “Tình như vỏ cây/cháy khô bờ ngang trái/nỗi buồn cỏ dại/không tưới mà xanh um/đêm rỗng khôn cùng/bơ vơ lòng phố vắng/ngày dài vô tận/đẩy đợi chờ lên ngôi” (Đợi chờ lên ngôi-TMY). Bằng vào những câu thơ này, tôi đồ rằng quá khứ dang dở đã ở lại phía sau họ. Và không chỉ ở lại phía sau. Cái đẹp, cái làm nên hồn vía những câu thơ trên tôi nghĩ là ở ngoại biên. Họ đem tình ý cũ để làm ngọt ngào hơn tình ý sau. Chất đời, chất người ở đây thật đẹp. Thơ PPL và TMY nhiều gió, trăng, hoa, biển. Hẳn đấy là một phần quê hương trong họ. Nhạc điệu trong đôi bài khá du dương. “Thôi đừng tìm em nhé/kẻo lướt qua đời nhau/nghe trái tim gõ nhịp/vẽ tình yêu muôn màu” (Đừng tìm em nhé-PPL); “Nhịp tim bỏng rát khô bờ môi ngoan/lời em vụng dại sao chạm thiên đàng/đời anh là gió trăm miền lênh đênh/nụ hôn thoáng đó làm sao bắt đền/làm sao em giấu được anh vào em/nồng nàn hơi thở để đêm không tàn” (Giấu anh vào em-TMY). Các nhạc sỹ Nguyễn Văn Hiên, Kiều Tấn Minh, Phạm Tường Long, Mặc Tuân, Cao Hồng Sơn, Cù Duy Kim, đã phổ hàng chục bài thơ của PPL như: Ru tình, Nênh nổi tôi ơi, Ngược vào miền gió, Xuân trên phố hoa, Khúc tình ca của biển, Nhớ thương Hà Tĩnh quê mình, Đồng Văn mùa tình, Nỗi nhớ và phép màu, Tháng tư về, Hoa hồng vẫn nở, Bước chân & con đường, Hôm nay ra phố…
PPL đã xuất bản các tập thơ Không là gió mây, Góc trọ hồn người, Giữ lửa thời @, Khâu tình, TMY có Nửa mảnh trăng gầy, Đêm gạ lòng với phố. Có người cắc cớ tình sao phải “khâu”, và sao “Đêm gạ lòng với phố”. Ôi chao, hỏi gì mà khó. Trong bài viết “Xác tín lời ru” và “Em vịn gió qua mùa bão khát”, hai tiên sinh Trần Quang Quý và Kao Sơn đã kiến giải về cắc cớ này. Trong bài viết của mình, tôi chủ yếu trích dẫn thơ của PPL và TMY trong các tập Khâu tình, Nửa mảnh trăng gầy, Đêm gạ lòng với phố. Còn Nhật Quỳnh và một nữ sỹ nữa thì chưa. Để tôi nói thêm đôi dòng. Nữ sỹ NQ là cây ngâm thơ hạng nhất, giọng vô cùng đặc sắc. Hiện tại, tôi chưa thể đọc hết hàng ngàn bài thơ của họ. Ở Chi hội Bến Nghé thuộc Hội Nhà văn Thành phố Hồ Chí Minh, bên cạnh mấy cây đa cây đề, có nhiều tay viết trẻ, như Phùng Hiệu, Văn Nguyên Lương,… đều đang sung sức. Tôi muốn dành thời gian cho thơ của họ.
Giờ tôi xin trở lại với Hội 3D. Mặc dù đọc chưa thật nhiều nhưng tôi cho rằng PPL và TMY đã có giọng. Như tôi hình dung một cách đơn giản thì giọng là khi thơ mình không bị lẫn vào người khác. Ngay đôi câu, chủ quan tôi cho là hơi phô, PPL và TMY cũng biểu đạt chẳng giống ai. “Anh à/ngoài vườn luống cải đã đơm hoa/gió đông bớt làn hơi lạnh thổi/hây hẩy tóc em thơm mùi tắm gội/nức những ái ân” (Thơm mùi tắm gội-PPL); “Em tìm anh trong lối sương mù/nơi cỏ úa mưa thu còn đọng/đôi chân nhỏ không giang được rộng/vẫn trốn tìm lạc lõng giữa chơi vơi” (Em tìm anh-TMY). Chung quy cái sự phô ở đây là việc tắm gội thơm nức mùi ái ân, là đôi chân nhỏ không giang được rộng. Cụ Nguyễn Tiên Điền nhà mình bảo “rõ ràng trong ngọc trắng ngà/dày dày đúc sẵn một tòa thiên nhiên” cơ mà. Nhưng ngay ở trong cái phô, tôi vẫn đọc thấy sự chân tình. Chính là sự chân tình ấy, bằng thơ, và bằng cuộc đời, họ kết với nhau để sáng tạo. Tôi viết về Hội 3D bởi lý do đó.
23/5/2019
Cao Chiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...