Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Không chỉ từ phía người sáng tác

Không chỉ từ phía người sáng tác

Công nghệ đang tràn ngập khắp các ngõ ngách. Bối cảnh của sáng tác và thưởng thức văn học cũng không ngoại lệ. Văn học mạng Việt Nam đang trong quá trình phát triển không ngừng. Cùng với đó là thách thức: Làm gì để văn học mạng thật sự để lại những dấu ấn lâu dài?
Những lợi thế của văn học mạng, hiện đã được thừa nhận, mà minh chứng sinh động và rõ ràng nhất chính là sự phát triển ngày càng nhanh chóng, muôn hình muôn vẻ của chính nó. Văn học mạng cho phép người ta thấy cụ thể hơn sự tương tác giữa nhà văn và bạn đọc thông qua siêu không gian của sự giao tiếp.
Không ít tác giả trẻ thành danh trên văn đàn thông qua các tác phẩm ban đầu được công bố trên các loại hình truyền thông mạng. Đó là hiện tượng cũng từng xuất hiện trong các lĩnh vực âm nhạc, điện ảnh, khi các tác giả văn học mạng – với tư cách là dòng sáng tác bên lề, sau đó hòa nhập vào dòng sáng tác chính, thậm chí làm chủ trào lưu.
Nhiều người tin rằng văn học mạng, như một tất yếu, đã, đang và sẽ có cơ chế sàng lọc rất riêng, phù hợp với đặc tính riêng có của nó. Và thế là, quyền năng của độc giả được nhiều người nhắc đến thông qua lý luận về quy tắc đào thải theo thời gian. Trong câu chuyện này, niềm tin vào sự lựa chọn của đại chúng trở thành ánh sáng soi lối cho việc quyết định đến với một tác phẩm văn học mạng.
Tuy vậy, ít nhất có hai điều chúng ta rất cần trăn trở suy nghĩ khi nói về không gian tiếp nhận của văn học mạng.
Một là sức mạnh của truyền thông (chứ không đơn thuần chỉ là báo chí). Chẳng còn ai phản đối về sự can dự của truyền thông đối với văn học mạng. Người ta có thể định hướng một cách có chủ đích đối với một tác phẩm văn học mạng. Hoặc dành hàng loạt những mỹ từ sáo rỗng, để nâng tác phẩm lên tận chín tầng mây xanh của khung trời nghệ thuật.
Hoặc ngược lại, không tiếc lời chê bai bằng những câu chữ nặng nề, những lối suy luận khó khăn đến nghiệt ngã. Những độc giả “mới vào nghề đọc”, nếu cứ chăm chăm vào sự đánh giá vô thưởng vô phạt của các bài viết tràn lan trên mạng, hẳn sẽ có chút hoang mang bởi những mê ngữ này. Nhưng đâu là cách để nhận biết một bài phê bình tác phẩm thật sự, một tác phẩm văn học thật sự?
Câu hỏi đó cũng là trăn trở thứ hai cần được nhắc đến. Đó chính là kỹ năng tiếp nhận văn học, hay rộng hơn, là kiến thức phổ thông của độc giả về văn học, về khái niệm văn học cùng những khía cạnh khác liên quan đến đời sống văn học.
Đành rằng, mỗi thời đại, mỗi giai đoạn lịch sử, quan niệm về văn học sẽ có những biến chuyển, thay đổi dựa trên thị hiếu đọc, dựa trên lối sống, văn hóa. Nhưng dù sao đi nữa, văn học – với tư cách là một thành tố cấu thành của văn hóa, rất cần những biểu hiện biến chuyển mang tính tích cực, cho thấy sự đi lên, sự phát triển của nhận thức, của nghệ thuật.
Đã có quá nhiều phàn nàn về chất lượng cả trong nội dung lẫn nghệ thuật của một số tác phẩm văn học mạng, hay nói chính xác là những ấn phẩm khoác áo văn học. Nhưng vì sao, do đâu mà các tác phẩm này vẫn được cộng đồng đón nhận nồng nhiệt? Cần những thay đổi trong bút pháp nghệ thuật của người viết để tác phẩm chất lượng hơn thì cũng cần lắm, những thay đổi từ phía người đọc: kén chọn hơn, yêu cầu cao hơn về thẩm mỹ, về nội dung…
Như vậy, có thể thấy, để xây dựng một hình ảnh đẹp cho văn học mạng, không chỉ nhìn từ góc độ người sáng tác, mà còn cần một môi trường phê bình “sạch”, không vụ lợi bởi các đơn vị xuất bản, của truyền thông; cần một mặt bằng thị hiếu đọc tốt, biết chọn lọc, biết tự sàng lọc của đại chúng độc giả. Trách nhiệm nâng tầm văn học mạng, rõ ràng, không chỉ nhìn từ phía người sáng tác.
16/1/2018
Trần Xuân Tiến
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...