Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Đò dọc

Đò dọc

1. “… Có một dòng sông vắt ngang trời. Mặt sông lãng đãng mây trôi. Trên sông có đôi vịt trời đang bơi lội, vẫy vùng, lặn ngụp. Đôi mắt vịt lấp lánh như những vì sao. Chúng có hạnh phúc không? Có. Chúng đang hạnh phúc vì được ở bên nhau!”.
Người đàn ông dừng lời, đắm đuối nhìn người đàn bà. Người đàn bà có vẻ mệt mỏi nhưng mãn nguyện ngả người tựa vào bờ vai người đàn ông. Bà cảm thấy bờ vai ấy không còn vạm vỡ nhưng vẫn rắn rỏi, chắc chắn. Người đàn ông buông lơi tay lái. Ông quặn thắt trong lòng khi nhận thấy rõ hơn sự mong manh ở người đàn bà. Ông rút từ trong ngực áo ra một chiếc khăn voan màu hồng quàng lên vai người đàn bà. Chiếc khăn ông đã vớt lên từ bến sông. Bao nhiêu năm ông vẫn ấp ủ nó trong ngực áo mình như ấp ủ một trái tim mong manh đơn lẻ. Con đò lững lờ trôi theo dòng nước chảy. Hình như triều đang lên. Lòng sông rộng hơn, mênh mang hơn dưới ánh trăng bàng bạc. Đôi bờ như ở đâu xa lắm. Tiếng một con chim đi ăn đêm từ trên không rơi xuống giống như giọt sương trĩu nặng chót lá nhẹ nhàng buông mình lên mặt nước. Tĩnh lặng, hoang vu và lẻ loi xao xác. Người đàn bà khẽ rùng mình, nép sát hơn nữa vào người đàn ông. Người đàn ông khẽ khàng vòng tay ôm thân hình mỏng manh đang nép vào mình:
– Có vẻ lạnh rồi đấy. Mình vào trong khoang nhé Kim!
Tiếng người đàn bà nhẹ như gió thoảng:
– Không, đừng vào. Được tựa vào Duy thế này Kim thấy ấm áp quá! Giá mình được sống mãi như lúc này, như ngày ta chưa xa…
Người đàn ông xoa nhẹ lên bờ vai người đàn bà. Ông càng cảm thấy sự mong manh, yếu ớt trong vòng tay mình. Ông ngửa mặt nhìn lên xa xăm: “Lạy Chúa! Nếu Người đang ngự qua đây, xin ban cho chúng con sự nồng ấm của tình yêu vĩnh cửu!”. Như hiểu điều người đàn ông nguyện cầu, người đàn bà chắp hai tay trước ngực, thì thào: “Amen!…”.
2. Những ngón tay khô, gầy ngừng gãy những hạt gỗ trên chiếc bàn tính soroban đã lên nước bóng loáng, ông Phan Thiện ngẩng lên nhìn chàng trai:
– Có thật anh là người ở tổng Bồng Hải không?
– Dạ. Thật ạ!
– Làm sao anh biết nhà tôi đang thiếu một chân sào?
– Dạ. Ông cậu cháu nói, thưa ông!
Ông Phan Thiện nhìn chàng trai. Chàng trai chậm rãi nói tiếp:
– Cậu của cháu là người được ông giao cho việc quản những chuyến hàng…
Ông Phan Thiện mới nghe tới đó đã gật gù:
– Hiểu rồi! Thì ra anh là cháu ông Tưởng. Người ta tin cậy nhất đấy! Mà tên cậu là gì? Tổng Bồng Hải có nghề dệt chiếu nổi tiếng từ Nam chí Bắc, sao phải đi làm nghề chân sào khổ ải?
Vẫn nhìn thẳng nhưng nét mặt chàng trai thoáng buồn.
– Thưa ông, tên cháu là Duy. Nhà cháu cũng làm nghề chiếu cói đã nhiều năm, nhưng mới rồi, cha cháu bị mắc lừa một người bạn hàng nên lâm vào cảnh vỡ nợ…
Ông Phan Thiện khẽ thở dài, lẩm bẩm: “Làm ăn là thế đấy!”. Chàng trai hỏi lại:
– Dạ. Ông vừa nói gì, thưa ông?
Thấy chàng trai thân hình khỏe mạnh pha chút phong trần, gương mặt sáng sủa, luôn nhìn thẳng người đối diện với ánh mắt sáng và giọng nói trầm, ấm, thái độ từ tốn của con nhà gia giáo, trong lòng ông Phan Thiện nhen lên một chút cảm tình.
– Là tôi muốn hỏi cậu có biết nghề chân sào trong những chuyến dò dọc thế nào chưa?
– Dạ. Cháu đã có mấy tháng làm chân sào cho thuyền hàng đi Phòng. Giờ chủ đã sắm được xe ô tô để vận chuyển bằng đường bộ nên…
Ông Phan Thiện gật đầu.
– Hiểu rồi! Ta nhận cậu vào làm với điều kiện một tháng thử việc hưởng tiền công thấp hơn thợ lành nghề đang làm cho ta hai bậc. Nếu đồng ý thì ba ngày nữa ta có chuyến hàng vào Thanh. Cậu đến làm. Được chứ?
Nét mặt chàng trai rạng rỡ:
– Dạ, được, thưa ông!
Ông gật đầu đáp lại câu chào của chàng trai rồi lại cúi xuống bàn tính tiếp tục gẩy những hạt gỗ. Ông thấy vui vui vì sự cảm mến chàng trai tới xin việc.Tiếng xích xe đạp lạch xạch trong sân, không ngẩng nhìn ông cũng biết đó là Kim, cô con gái rượu đang học lớp mười trường huyện đã về. Sau câu chào cha, Kim hỏi:
– Ai vừa từ nhà mình ra vậy cha?
– Một người đến xin việc con ạ!
Kim không giấu nổi vẻ ngạc nhiên. Tuy không giáp mặt người đó nhưng cô cũng nhận ra đó là ai.
– Xin việc? Xin làm gì hở cha?
– Ừ. Cậu ta xin làm chân sào!
Ông Phan Thiện thấy thái độ của con gái như vậy liền gặng hỏi:
– Có chuyện gì sao, con gái?
– Dạ. Không có gì đâu, thưa cha!
Kim đáp. Cô ôm cặp sách đi về phòng mình. Điều làm Kim bất ngờ vì người đến xin việc vừa rồi, không phải ai khác mà chính là Duy, anh chàng học trên cô một lớp. Ở trường, Kim biết có nhiều anh chàng con nhà khá giả trong vùng vây quanh, nhất là khi cô đoạt danh hiệu hoa khôi trong cuộc thi “Người đẹp cố đô” giữa năm lớp chín. Đã có vài vụ xô xát giữa những gã trai vì cô. Kim biết, nhưng cô lại thầm yêu trộm nhớ Duy. Một anh chàng học trò kiêm thợ dệt chiếu. Duy khác xa những anh chàng kia: ít nói, trầm lặng nhưng đĩnh đạc. Chưa khi nào Kim có dịp nói chuyện với Duy, chỉ có những lần ánh mắt hai người chạm nhau, Kim đã hiểu trái tim mình thuộc về nơi nào rồi. Khi chưa đến kỳ thi tốt nghiệp, Duy bất ngờ bỏ dở việc học mà Kim không hiểu vì sao. Từ ấy đến nay, trái tim cô chưa khi nào thôi thổn thức. Cô cứ tưởng không còn được gặp lại Duy nữa. Giờ bất ngờ gặp lại Duy đến nhà mình xin việc, trái tim cô thắt lại vì hy vọng, vì vui mừng. Kim không dám hỏi xem cha mình có đồng ý nhận Duy vào làm không. Cô sợ câu trả lời của cha làm tan nát trái tim cô. Những ngày sau, Kim thắc thỏm mong Duy trở lại. Nhưng khi anh đến nhận việc Kim lại đang ở trường nên cô cứ khắc khoải mong chờ mà không dám hỏi cha mình. Mãi sau, Kim mới nghĩ ra một cách. Vào một chiều thứ bảy, hai cha con chuẩn bị đi lễ nhà thờ, cô làm như chợt nhớ ra:
– Giờ nhà mình còn khuyết người làm không, thưa cha?
Ông Phan Thiện tỏ vẻ ngạc nhiên pha chút vui mừng:
– Giờ con gái đã biết quan tâm đến công việc của cha rồi cơ đấy!
Kim ra vẻ thản nhiên:
– Tại có một người bạn học của con muốn xin việc cho người nhà. Mà cha không biết đấy thôi. Con vẫn thường quan tâm đến công việc và sức khỏe của cha đấy ạ!
– Con gái khiến cha rất hài lòng! Nhưng hiện nhà ta không khuyết người làm. Cha mới nhận cậu trai bữa nọ vào làm công việc chân sào đò dọc chở hàng rồi!
Kim mỉm cười nhìn cha mình với vẻ biết ơn. Cô thở phào nhẹ nhõm: Duy làm cho nhà mình sẽ có nhiều cơ hội gặp nhau. Kim mang gương mặt tươi rói đi lễ nhà thờ. Những người chung quanh đọc kinh còn cô thầm cầu nguyện xin Đức Chúa ba ngôi và Đức Mẹ đồng trinh cho điều mơ ước của cô sớm trở thành sự thật! Thế nhưng, suốt nửa năm trời, Duy cứ lênh đênh sông nước theo từng chuyến hàng nên họ không thể gặp nhau. Có những đêm trăng sáng, tâm hồn Kim cũng lênh đênh theo con đò chở hàng ra Phòng, vào Thanh. Cô nhớ Duy, chỉ không hình dung được công việc của người chân sào ra sao và tự hỏi, liệu anh có khi nào nghĩ đến cô?
Thế rồi mười năm học phổ thông cũng kết thúc sau kỳ thi tốt nghiệp lớp mười. Hôm liên hoan chia tay lớp, trên đường về, Kim đạp xe ra thẳng bến thuyền gần cầu Trì Chính vì tối qua cô nghe cha mình nói chiều nay thuyền nhà cô chở hàng vào Thanh sẽ trở về. Cô không thể kìm được sự mong mỏi muốn gặp Duy. Từ xa, Kim đã nhận ra thuyền nhà mình. Cô thấy Duy đang cắm sào neo thuyền vào bến. Không biết có phải do ngược sáng hay không mà Duy trông đen như tượng đồng hun và chắc chắn anh cũng không nhận ra cô đang đứng đó. Neo thuyền xong, Duy quay sang nói gì đó với người bên cạnh rồi anh nhanh nhẹn nhảy lên bờ đi thẳng về phía cầu. Kim chưa chuẩn bị để trực tiếp gặp Duy, cô chỉ muốn nhìn anh từ xa nên thấy Duy đi nhanh về phía mình cô đâm ra luống cuống. Kim vội vã dắt xe quay đi. Vừa ngồi lên xe, nhớm dậm chân lên pê đan, gấu quần cô đã bị xích xe nghiến chặt. Cả người và xe trượt theo bờ đê dốc lao xuống sông. Kim chỉ kịp cảm thấy cánh tay mình đau nhói và bị cuốn theo dòng nước lạnh. Khi tỉnh lại, cô thấy chung quanh trắng toát và sặc mùi thuốc tây. Gương mặt cha cô nhuốm vẻ phờ phạc, lo lắng. Thấy Kim rên khe khẽ, ông mừng rỡ:
– Lạy Chúa lòng lành! Con đã tỉnh lại rồi!
Ông cúi sát xuống bên Kim lính quýnh hỏi:
– Con gái! Con thấy trong người thế nào rồi?
Kim khe khẽ cựa mình. Nụ cười thoáng qua trên đôi môi tái nhợt:
– Con chỉ thấy mệt và đau.
Ông Phan Thiện xoa nhẹ vào một cánh tay Kim bó bột cứng ngắc.
– Ổn rồi! Ổn rồi con ạ!
Giờ Kim mới nhìn xuống tay mình. Cô cố giơ lên nhưng cánh tay nặng trịch, không nhúc nhích. Cô hốt hoảng:
– Tay con bị sao vậy?
– Bị gẫy, nhưng bác sĩ nói sẽ ổn. Vài tháng sau sẽ lành con ạ! May mà có cậu chân sào kịp lao xuống vớt con lên…
Kim im lặng. Nghĩ đến kỳ thi đại học sắp tới, cô lặng lẽ khóc làm cha cô cuống lên, không biết an ủi thế nào. Ông chỉ biết vỗ nhè nhẹ vào vai con gái. Ông thở dài nghĩ: Giá như mẹ nó còn sống…
Kim phải nằm viện. Một mình ông Phan Thiện vừa lo công việc làm ăn, vừa chạy qua chạy lại chăm con. Việc làm ăn ông yên tâm vì đã có người quản lý tin cậy nhiều  năm. Việc nhà đã có chị bếp. Riêng việc chăm con gái là ông không nhờ ai cả, chỉ có mấy cô hộ lý ở bệnh viện đôi khi tranh cả phần ông. Nhiều khi ông ở bên con đến tận khuya mới về.
Một lần Kim tỉnh dậy vào quãng nửa đêm. Cô giật mình khi tưởng cha mình vẫn còn ngồi đó, đang định giục ông về thì Kim nhận ra người đang ngồi lặng bên giường chính là Duy. Thấy Kim thức dậy, anh vội đứng lên định quay ra. Kim gọi khẽ:
– Duy! – cô thấy con tim đang loi choi trong lồng ngực.
Duy đứng sững. Anh lúng túng đến tội nghiệp.
– Tôi… tôi tranh thủ vào thăm Kim vì rạng sáng lại đi hàng vào Thanh… Tôi… tôi…
Kim ngồi dậy, mặc cho toàn thân vẫn còn đau nhức, cô bước tới, cánh tay lành lặn ôm choàng lấy Duy. Cô úp mặt vào ngực anh khóc thút thít khiến Duy bị bất ngờ đứng như hóa đá trong khi con tim anh như muốn nhảy ra ngoài lồng ngực vạm vỡ. Một lúc sau, Duy mới hoàn hồn. Anh vòng tay ôm Kim và nhẹ nhàng dìu cô trở lại giường. Họ không nói thêm câu gì nhưng cả hai đều biết trái tim họ đã thuộc về nhau.
Từ hôm đó, Kim bình phục khá nhanh. Cô về nhà và thông không nghĩ đến chuyện thi cử. Ông Phan Thiện cũng hài lòng vì thực chất ông không muốn con gái đi học xa.  Ông muốn Kim ở nhà giúp ông trong công việc làm ăn buôn bán. Kim muốn ở nhà vì nhịp đập của trái tim Duy bữa nào đã níu giữ cô. Vì nữa, cô cũng sợ những cạm bẫy ngoài đời.
Khi tay Kim đã khỏi hẳn, cô xin với cha cho đi theo vài chuyến thuyền vào Thanh, ra Phòng để làm quen với khách hàng. Ông Phan Thiện đồng ý vì những người làm cho ông đều rất đáng tin cậy nhất là ông Tưởng, người quản hàng, đã gắn bó với ông còn hơn cả ruột thịt. Những chuyến đi của Kim cùng với đoàn thuyền được ông Tưởng chăm lo chu đáo. Tuy trong lòng Kim mừng hơn bắt được vàng, cô sẽ được hàng ngày nhìn thấy Duy, ở gần Duy. Tình cảm yêu thương dâng đầy trong lòng, tràn ra khóe mắt nhưng bên ngoài cô vẫn ra vẻ bình thường. Vẻ háo hức như trẻ con được đi chơi xa của Kim làm cho ông Tưởng và những người trong đoàn cũng thấy vui lây. Dọc đường, Kim không hỏi han gì nhiều, chỉ lặng lẽ, say sưa ngắm nhìn cảnh vật hai bên sông và thi thoảng nhìn trộm Duy trong đám thợ chân sào. Là chủ, nhưng Kim vẫn hăng hái giúp những việc phụ trong đoàn. Cô tỏ vẻ thích thú với việc bếp núc trên thuyền. Trong bữa ăn, cô ngồi xới cơm cho từng người, nhìn họ ăn với ánh mắt thông cảm. Sự có mặt của Kim trên thuyền ban đầu làm Duy mất tự nhiên, anh làm gì cũng lúng ta lúng túng. Nhất là khi ánh mắt hai người chạm nhau. Mãi mấy chuyến đi sau anh mới quen được. Có đêm trăng sáng, nước thuận gió xuôi, cánh chân sào được dịp ngồi nghỉ ngơi ngả ngớn trên mui thuyền. Thuyền trước hào hứng gọi sang gẫu chuyện với thuyền sau. Đoàn thuyền đi qua một bến sông có nhiều các bà các cô ra gánh nước, một anh chân sào xứ Nghệ thả câu hò bâng quơ chòng ghẹo. Người con gái nào đấy dưới bến đáp lại cũng bâng quơ. Giọng hò xứ Nghệ  trầm ấm, giọng con gái xứ Bắc trong trẻo pha chút tinh nghịch quấn quyện trong gió, bảng lảng  dưới ánh trăng, dìu dặt như những con sóng lan tỏa mặt sông khiến Kim không thể ngồi yên trong khoang thuyền dành riêng cho chủ. Cô vén rèm nhìn ra. Cảnh sông nước dưới ánh trăng làm cô choáng ngợp. Đoàn thuyền đã đi xa bến sông nọ mà dư âm của tiếng hò còn vấn vít chưa thôi. Ông Tưởng nhắc nhở cánh chân sào lúc thuận buồm xuôi gió tranh thủ ngủ để lấy sức, mỗi thuyền chỉ một người thức canh chừng. Mấy anh chân sào vào hết chỉ còn Duy ngồi lại. Kim cũng trở vào khoang thuyền nhưng không sao ngủ được. Mấy lần cô vén rèm nhìn ra vẫn thấy Duy ngồi tựa cột buồm, anh đang khe khẽ huýt sáo một bài gì đó. Ngập ngừng mãi rồi Kim cũng ra ngồi cạnh Duy. Bàn tay Kim dè dặt tìm bàn tay Duy. Ngỡ ngàng, lóng ngóng một lúc, bàn tay chai sạn, rắn rỏi của Duy mới dám nắm lấy bàn tay bé nhỏ, mềm mại đang đặt trên tay mình. Tay trong tay, hai người ngồi lặng lẽ bên nhau. Kim tin cậy ngả đầu tựa vào vai Duy. Cô cảm thấy rõ vết chai hằn trên vai anh do vết chão kéo thuyền khi ngược nước. Và giấc ngủ đến với cô thật êm đềm. Phía lái thuyền, ông Tưởng nhìn đôi trẻ và trái tim ông chợt rung lên từng nhịp ngắn.  Chừng đêm gần cạn. Một con chim ăn đêm trở về qua thảng thốt cất tiếng gọi bạn làm Kim choàng tỉnh. Cô ngồi thẳng dậy nhìn Duy mỉm cười. Họ nắm chặt tay nhau lần nữa rồi Kim mới trở về khoang của mình.
Những chuyến hàng có con gái đi cùng mọi việc đều thuận buồm xuôi gió nên ông Phan Thiện rất hài lòng. Việc làm ăn buôn bán của ông ngày thêm phát đạt. Ở nhà, ông có nghe loáng thoáng chuyện đồn đoán về tình cảm của con gái rượu với anh chàng chân sào nhưng ông nghĩ, giữa đông người như thế hỏi chúng dám làm gì. Ông đang phấn chấn trong trông việc làm ăn nên cũng không để ý lắm. Vả lại ông tin phẩm hạnh của con gái giống hệt như mẹ nó.
3. Đêm vẫn sâu và trăng vẫn trong. Gió vừa đủ để dìu con thuyền lững lờ trôi. Trên thăm thẳm kia dòng Ngân hà vẫn như dải lụa tinh khôi vắt ngang bầu trời. Những đôi mắt vịt vẫn nhấp nháy. Người đàn ông thấy dường như con thuyền không trôi nữa. Giơ tay xem hướng gió, người đàn ông biết đã là lúc nước ròng. Con thuyền sẽ trôi ngược trở lại. Ông muốn đưa người đàn bà của mình đi thêm một đoạn sông nữa. Người đàn bà vẫn tựa vào vai người đàn ông thiu thiu trong giấc mơ màng. Bà cất giọng yếu ớt:
– Nước ròng rồi hở Duy?
– Ờ! Nước ròng Kim ạ!
Người đàn bà ngồi thẳng dậy, nhìn về phái trước:
– Ồ! Hình như là đoạn sông ngày nào đây phải không Duy?
Người đàn ông nhìn người đàn bà lặng lặng gật đầu. Phải đúng là đoạn sông này đây. Đoạn sông này cách nay mấy chục năm đã chứng kiến cơn cuồng nộ của Chúa Trời giáng xuống mặt đất và đã tiêu hủy hết gia tài của ông Phan Thiện đang hồi phất lên như diều gặp gió. Sau đận ấy, ông Phan Thiện hầu như trắng tay, may được anh chàng chân sào thí mạng với Hà Bá mới giành lại cho ông cô con gái rượu. Từ đấy, ông Phan Thiện chán đời, gia tài còn chút nào ông đem nướng vào bàn đèn và chiếu bạc. Mặc con gái khuyên giải sao cũng không được. Những người thợ làm cho ông Phan Thiện tẩu tán đi mỗi người một nơi để kiếm sống chỉ có mình Duy ở lại. Anh nhặt nhạnh những gì còn lại để giúp chủ, giúp người yêu bởi Duy thấy nếu ông Phan Thiện không nản vẫn có thể gây dựng lại từ đầu. Ông Phan Thiện không chịu. Ông bỏ mặc tất cả. Một đêm, ông thất thểu lê bước về nhà, theo sau là ông chủ tiệm vàng Phục Quý cùng hai người đàn ông bặm trợn. Ông chủ tiệm vàng chìa ra trước mặt Kim tờ giấy gán nợ có chữ ký và điểm chỉ của cha cô. Ông ta lạnh lùng nói:
- Cô đọc đi! Trong này cha cô đã thỏa thuận với tôi rằng một trong hai thứ sẽ thuộc về tôi: Một là tôi sẽ cưới cô làm vợ bé. Hai là ngôi nhà này từ ngày mai sẽ thuộc về tôi. Cha cô muốn để cô lựa chọn, và tôi cũng vậy. Tùy cô. Tôi không có ép!
Kim như chết sững. Ông chủ tiệm vàng tỏ vẻ ân cần:
– Cha cô mệt quá nên tôi phải đưa ông ấy về. Tờ giấy này ông ấy cũng giữ một bản. Tôi muốn cô suy nghĩ cho chín chắn, ngày mai trả lời tôi cũng được! Giờ cô lo cho cha cô nghỉ ngơi. Tôi về!
Sau một đêm khóc cạn nước mắt, hôm sau Kim nhận phần thiệt thòi về mình. Cô không muốn về cuối đời cha cô phải phơi thân già nơi đầu đường xó chợ. Thôi thì Bề trên đã định thế, Kim chỉ biết nuốt nước mắt cúi đầu tuân theo. Thế rồi, không rượu, không hoa, không áo dài ngày lễ, không lời giã biệt, Kim lủi thủi về làm vợ bé người ta trong một buổi chiều tàn gió mưa tầm tã. Khi đi qua bến sông, Kim ném chiếc khăn quàng mỏng như cánh chuồn xuống nơi xưa cô được người ta vớt lên.
Riêng Duy cắn răng âm thầm vật vã với nỗi bất lực. Đã mấy lần Duy tìm cách gặp Kim. Anh van nài Kim bỏ lại tất cả để cùng đi trốn khỏi nơi này nhưng cô sợ hãi chỉ ôm mặt khóc. Anh ôm hận ra đi tới một phương trời nào chẳng ai hay biết.
Cuộc đời của Kim thay đổi từ đó. Trong gia đình vợ cả, vợ lẽ, người vợ cả ghê gớm, đặt điều khiến cho Kim thành phận con ở không công mà không dám chối bỏ cuộc sống tủi cực, nhọc nhằn. Kim cúi đầu vâng theo sự sắp đặt của số phận. Kim sinh được một bé gái là Ngân Hạnh. Ngân Hạnh xinh đẹp giống mẹ. Bà Ngọc Xuân, vợ cả của ông chủ tiệm vàng Phục Quý, âm mưu tách mẹ con Kim. Khi hai mẹ con cô vừa từ nhà hộ sinh về, bà Ngọc Xuân đã làm xong giấy khai sinh cho con bé. Bà đặt tên cho nó là Ngân Hạnh. Trong giấy khai sinh, tên bà Ngọc Xuân viết rất rõ ràng ở phần người mẹ. Ngân Hạnh hiển nhiên là con đẻ của bà. Kim chỉ là vú em và không có tên trong giấy khai sinh của con bé. Bà nói với Kim:
– Biết thân biết phận thì ở trong nhà, bằng không thì ra chuồng lợn, em nhá!
Lòng quặn thắt nhưng Kim không dám khóc, chỉ lẳng lặng vâng lời. Cô xưng với con mình là Vú chứ không dám xưng là mẹ ngay cả khi không có mặt bà Ngọc Xuân.
Vài năm sau, được tin ông Phan Thiện qua đời vì bạo bệnh. Duy tìm về đưa tang ông và cố tìm mọi cách để gặp Kim. Thấy Kim quá tiều tụy, biết cô bị người ta hành hạ cả thể xác và tinh thần, anh lại muốn đưa cô đi với mình. Kim vẫn sợ. Kim cố nén tiếng nấc nghẹn  rồi bỏ chạy, không dám nghe anh nói hết câu. Duy đau đớn nhìn theo dáng liêu xiêu chìm dần trong chiều đông tả tơi mưa gió. Anh tự nhủ sẽ không bỏ cuộc.
Ngân Hạnh lớn lên trong sự giả dối đó nhưng cô bé rất thương vú em, người đã tận tình chăm sóc thương yêu cô và Ngân Hạnh nhận thấy tình  mẫu tử từ người vẫn bị gọi là vú em. Càng lớn Ngân Hạnh càng xinh đẹp. Ngân Hạnh thấy cảnh vú em bị đối xử tệ bạc chẳng khác gì con ở trong nhà. Cô tỏ ra bất bình và có ý phản kháng cách đối xử của mẹ Ngọc Xuân đối với vú em nhưng chả thay đổi được gì. Sống trong cảnh có vợ có chồng mà thân phận tôi đòi, bị bạc đãi, đôi lúc Kim nhớ đến hình ảnh người xưa với một chút gì đó như tiếc nuối, mặc dù chỉ nhớ đến thôi cô cũng thấy mặc cảm tội lỗi. Đôi lúc, Kim muốn đi nhà thờ, muốn được “xưng tội” với Chúa nhưng từ khi ông chủ tiệm vàng cưới cô về làm lẽ, cô chưa được tự mình bước ra khỏi cổng khu nhà.
Thời như dòng nước chảy và theo đó nỗi bất hạnh về thân phận vợ bé cứ ngày thêm chồng chất lên đôi vai mảnh dẻ của Kim, biến cô gái tài sắc một thời thành người đàn bà ốm yếu, bệnh tật. Ngân Hạnh lớn lên đi học xa nhà không thể bênh vực người đã thương yêu, chăm bẵm mình. Rồi ông Phục Quý cũng đột ngột ra đi. Từ đó tất cả quyền hành, tài sản về tay bà Ngọc Xuân. Bà Kim lâm bệnh nặng. Bà Ngọc Xuân gọi Ngân Hạnh về. Khi Ngân Hạnh vừa về tới, bà Ngọc Xuân hất tay bảo:
– Giờ tôi nói cho cô biết. Người này mới chính là mẹ đẻ của cô! Mẹ cô ốm nặng rồi, cô đưa đi đâu chữa thì chữa!
Ngân Hạnh sững người. Chưa khi nào cô nghe bà Ngọc Xuân nói với cô như thế. Bà Ngọc Xuân ném trước mặt cô một cọc tiền, lạnh lùng nói:
– Đấy là phần của mẹ con cô! Bố cô không còn, giờ ở đây mẹ con cô cũng không còn gì nữa!
Nói xong, bà Ngọc Xuân quay vào nhà, bỏ mặc Ngân Hạnh ngơ ngác đứng chết trân giữa sân gạch rộng thênh.
Sau một đêm ngồi ôm người mẹ mà bấy lâu cô cứ tưởng là vú em của mình, Ngân Hạnh đã hiểu ra tất cả. Cô vo tròn những buồn đau, uất hận, nén chặt tận đáy lòng để bình thản dìu mẹ ra khỏi cổng khu nhà mặc dù cô cũng chưa biết đưa mẹ đi đâu. Vừa ra khỏi ngõ, có một người đàn ông mở cửa xe hơi vội vàng chạy tới.
– Trời ơi! Ta chờ đợi đã lâu lắm rồi! Nào, chúng ta đi thôi!
Ngân Hạnh không kịp hiểu, người đàn ông đã vội đỡ lấy bà Kim dìu vào trong xe. Nhìn mái đầu tóc bạc, khuôn mặt vuông vức, kiên nghị, đôi mắt sáng của người đàn ông, cô thấy quen quen. Người đàn ông mở cửa xe, giục:
– Vào đi cháu!
Người đàn ông đóng cửa cho Ngân Hạnh cẩn thận rồi quay về ngồi sau tay lái. Cả ba người đều im lặng. Khi chiếc xe lướt nhanh trên đường, Ngân Hạnh mới nhớ ra từ khi còn bé, cô đã nhiều lần gặp người có gương mặt như này ngồi ở quán nước gần lối vào nhà mình, lần nào cũng hỏi thăm về vú em nữa.
4. Người đàn bà ngả người tựa vào người đàn ông, trên môi nở một nụ cười mãn nguyện. Người đàn ông cầm tay người đàn bà âu yếm ấp lên má mình. Ông thấy sương lạnh buốt một bên mặt. Bàn tay không còn chút ấm áp như lần bà nắm tay ông ở trong bệnh viện nói: “Cả cuộc đời Kim, chỉ những ngày được cùng Duy lênh đênh trên chuyến đò dọc mới thực sự được sống”! Lúc ấy ông đã không kìm nổi để nước mắt khỏi trào ra. Ông đã nâng đôi bàn tay mảnh muốt, xanh xao ấp lên mặt mình, đôi bàn tay một thời ông chỉ ước ao được nắm lấy. Ông thầm hứa sẽ cùng bà lênh đênh với dòng sông để hai người thực sự được sống.   
Nước vẫn ròng. Con thuyền theo nước từ từ trôi về phía cửa sông. Trên cao kia, dòng Ngân đã từ từ lặn vào bầu trời màu xám nhạt. Đôi vịt trời cũng nhấp nháy đôi mắt tinh anh lần cuối. Vầng trăng hạ huyền còn nán lại, tỏa chút ánh sáng yếu ớt vào ban mai.
29/3/2018
Hoàng Phương Nhâm
Nguồn: Văn Nghệ số 5/2018
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...