Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Thiên nhân hợp nhất từ góc nhìn sinh thái

Thiên nhân hợp nhất từ
góc nhìn sinh thái

Trong buổi sơ khai của bất cứ dân tộc hay chủng tộc nào cũng mang nặng tâm thức thần hóa các sức mạnh siêu nhiên mà mình không lý giải nổi, để tìm lấy chỗ dựa và nguồn an ủi. Nhưng sự thần hóa của phương Tây là có  tính chất hướng ngoại, dần dần tập trung vào đấng Thượng đế toàn trí toàn năng nằm bên ngoài con người. Trái lại ở Trung Quốc thì dần dần theo chiều hướng nội – vẫn là ông Trời tương dương với Thượng đế, nhưng lại có sự cảm thông với con người (thiên nhân tương cảm).
Tất nhiên Trời có ba  loại: Thần linh chi thiên, Tư nhiên chi thiên, Đao lý chi thiên. Nhưng nghĩa nào cũng không tự biệt lập, mà luôn luôn gắn bó với con người. Trong thời thái cổ, từ Xuân thu trở về trước, Trời có nghĩa là một vị thần nhân cách, đấng tối cao của xã hội và thiên nhiên, cho nên mối quan hệ giữa Trời và người, thực tế là mối quan hệ giữa con người với thần thánh. Nhưng đến thời Xuân thu, tư tưởng duy vật cũng manh nha dần, con người bắt đầu hoài nghi ông Trời thần linh, nhưng với hai biểu hiện có phần khác nhau. Một là, căn cứ theo quan hệ xã hội của con người, nhào nặn ra ông Trời của mình, rồi trở lại nhấn mạnh lễ nghi và phép tắc của con người là phải tuân theo đấng tối cao nhân tạo đó. Hai là, xem Trời là cõi thiên nhiên bao la vô cùng tận, con người không được khinh suất mà phải tuân theo quy luật của thiên nhiên, nhưng rồi lại cho quy luật đó chẳng khác gì thiên kinh địa nghĩa. Giữa hai loại này không có ranh giới tuyệt đối, vì đều trăn trở để thoát dần ra nguồn gốc huyền bí của Trời để càng gần gũi gắn bó với con người. Ngay Kinh Dịch có màu sắc bói toán cũng dần dần thoát khỏi quan niệm Thần linh chi thiên chuyển sang quan niệm Tự nhiên chi thiên, khẳng định con người là một bộ phận của thiên nhiên: “Có trời đất rồi mới có mọi vật, có mọi vật rối mới có nam nữ”. Cho nên con người phải “pháp thiên” (tuân theo trời), phải “cùng sáng trong với nhật nguyệt, cùng  trinh tự với bốn mùa”. Kinh Dịch đã đặt nền móng Thiên nhân hợp nhất chung cho các học phái Nho, Đạo, Mặc, Thiền vế sau. Nho gia thì chủ trương đạo đức phép tắc phải phù hợp với quy luật tự nhiên, với cái đức lớn của đất trời bất diệt. Mặc gia cho rằng đạo người bắt nguồn từ đạo trời. Thiền gia thì quan niệm loài người phải đối đãi tốt với muôn vật và tôn trọng sinh mệnh của muôn loài. Đao gia còn khẳng định sự quan tâm chung cục đối  với con người chính ở bản tính tự nhiên của nó, mà vô vi mới là quy luật cơ bản của tự nhiên, và cũng là phép tắc tối thượng của đời sống con người. Khái quát lại, có thể thấy giá trị sinh thái học của tư tưởng Thiên nhân hợp nhất ở những mặt sau đây:
Một là, khẳng định con người là bộ phận cấu thành quan trọng của tự nhiên, cùng nguồn gốc, cùng tính chất, cho nên có sự thống nhất hữu cơ với nhau, tạo thành một sinh mệnh nhất thể hóa của vũ trụ. Mạnh Tử nói: “Thân thân nhi nhân dân, nhân dân nhi ái vật-thân thiết với người thân mà nhân ái với nhân dân, nhân ái với nhân dân mà yêu thương mọi vật” (Tận tâm). Như thế là đem lòng yêu thương từ trong gia đình mở rộng ra ngoài xã hội, rồi từ xã hội mở rộng ra vạn vật muôn loài. khiến cho lòng nhân ái cũng mang hàm ý đạo đức sinh thái. Thật đáng quý Á thánh đã sớm nêu cao đạo đức sinh thái, nhưng còn sâu sắc toàn diện ở chỗ không  hế đối lập mà  là dem đạo đức  sinh thái đặt trên cơ sở của đạo dức nhân loại (cá nhân, gia đình và xã hội).
Hai là, nêu cao ý thức bình đẳng, tôn trọng mọi giá trị đời sống, yêu thương vạn vật trong vũ trụ, nhấn mạnh muôn loài đều không ngừng giao tiếp, mãi chung sống hài hòa và trường cửu. Trương Tải nói: “Phẩm tính của muôn loài đều có chung nguồn, chứ không phải chỉ riêng có ở ta. Chỉ những bậc đại nhân mới  có  thể trọn đạo, tức là đứng thì thật vững chân, hiểu biết thì ắt thấu đáo, yêu thương thì phải rộng khắp, thành công không giành riêng cho mình” (Chính mông: Thành minh). Tư tưởng bình đẳng bác ái đến muôn loài rất có ý nghĩa cho công  cuộc khắc phục những nguy cơ sinh thái hiện nay.
Ba là, Thiên nhân hợp nhất không những chủ trương sự hài mà còn có sự tận cùng phát triển giữa con người với thiên nhiên. Sách Trung dung có viết: “Duy phải hết lòng thành cho thiên hạ, thì mới có thể trổ hết phẩm tính của mình. Có thể trổ hết phẩm tính của mình ắt có thể trổ hết phẩm tính của người khác. Có thể trổ hết phẩm tính của người khác ắt có thể trổ hết phẩm tính của mọi vật. Có thể trổ hết phẩm tính của mọi vật ắt có thể tán dương sự hóa dục của đất trời. Có thể tán dương sự hóa dục của đất trời ắt vốn đã tham dự với trời đất vậy”. Nói cho cùng có hài hòa mới cùng phát triển được. Và một khi đã cùng phát triển cao độ, thì lại càng phồn vinh thịnh vượng giữa con ngườii và thiên nhiên.
Những quan niệm mang tính chất sinh thái phương Đông cổ truyền này vô cùng quý báu đối với nhân loại ngày nay. Không  phải ngẫu nhiên mà nó được các học giả hiện đại phương Tây đánh giá rất cao. Triết gia Đức, Herman Keyserling khẳng định: “Về  phương diện điều khiển thiên nhiên, người châu Âu chúng ta đã vượt xa trước người Trung Quốc, nhưng ý thức về sinh mệnh với tư cách là một bộ phận của giới tự nhiên thì mãi đến nay vẫn chỉ tìm thấy biểu hiện cao nhất ở Trung Quốc. Song vô luận là kẻ thống trị hay là thần dân của thiên nhiên, thì xét đến cùng chúng ta cũng chỉ là một bộ phận của thiên nhiên. Sự tổng hợp cơ bản này là không thay đổi. Người Trung Quốc hoàn toàn có ý thức về sự tổng hợp này, trái lại chúng ta thì chưa có. Trên ý nghĩa đó, ít nhiều họ đứng cao hơn chúng  ta”(1). Karl Heinz Pohl, nhà Hán học người Đức cũng đánh giá Thiên nhân hợp nhất là một quan niệm có tầm ảnh hưởng trên thế giới: “Trong tình hình cân bằng về hoàn cảnh và sinh thái đang bị phá hoại nghiêm trọng, thì nhấn mạnh quan niệm Thiên nhân hợp nhất của Nho gia phải chăng rất có thể sẽ tránh cho loài người ngày càng đi xa trên con đường sai lầm”(2). Viện sĩ Viện Hàn lâm khoa học hoàng gia Anh, Joseph Needham, chuyên gia nổi tiếng về lịch sử khoa học kỹ thuật Trung Quốc cũng nhận xét rằng trí tuệ sinh thái của Trung Quốc rất khác với truyền thống chinh phục thiên nhiên của phương Tây. Nhất là tư tưởng thiên nhiên vô vi của Đao gia chủ trương hợp nhất chủ khách  thể, con người với thiên nhiên hòa mục, thân thiên, có thế mới giúp  cho đời sống vật chất  giàu  có  và lâu dài, cho nên người châu Âu nên học tập người phương Đông(3).
Tất nhiên trong bối cảnh  nguy cơ sinh thái cực kỳ nghiêm trọng ngày nay, cho nên chuyện khen chê nói trên không  tránh khỏi sự thiên lệch nhất định, chứ khách quan nhìn lại trong lịch sử thì không phải hoàn toàn như vậy. Trước hết không nên tuyệt đối hóa sự khác biệt giữa Đông Tây trong thái độ đối với thiên nhiên. Đâu phải ở Trung Quốc chỉ có Thiên nhân hợp nhất, mà không có quan niệm chinh phục thiên nhiên. Tuân Tử  chẳng đã chủ trương “Chế thiên mệnh nhi dụng chi” (Khống chế mệnh trời để sử dụng). Mà chuyện này đã thành thơ: “Xưa nay nhân định thắng thiên cũng nhiều”. Như thế Thiên nhân hợp nhất ngay ở phương Đông cũng không hoàn toàn đúng đắn và đầy đủ, làm gì có chuyện hài hòa tuyệt đối giữa trời và người. Thiên tai thì sao? Ngay khi mưa thuận gió hòa, thì chuyện hái lượm săn bắn trồng trọt canh tác đâu phải là há miệng chờ sung. Đó phải  là một quá trinh khai thác, cọ xát gian khổ với thiên nhiên. Tất nhiên nói Trung Quốc (cổ trung đại) thiên về quan niệm Thiên nhân hợp nhất là đúng nhưng không phải toàn ưu điểm, mà có mặt trái của nó. Do nhiều nguyên nhân lịch sử phức tạp, con người chưa dốc sức khám phá khách thể, khoa học kỹ thuật kém phat triển, cho nên đến thời cận đại trở đi đã phải học tập chuyện chinh phục thiên nhiên của phương Tây mà hiển nhiên là cần thiết và tốt đẹp hơn.
Còn phương Tây thật ra ngay trong thời đầu, cũng  có quan niệm thân thiện tương thông giữa con người với thiên nhiên. Trong sử thi Homère theo lối tư duy nhân cách hóa cổ Hy Lạp, các loài vật tự nhiên đều có ý chí và tình cảm của con người. Hơn thế nữa, theo họ “Tự nhiên chính là quá trình sinh thành dần dần một cách sống động chan chứa chất trí tuệ”(4). Cho mãi đến thời cận hiện đại trở đi phương Tây mới ngày càng nhấn manh việc khai thác, chinh phục thiên nhiên. Riêng chủ nghĩa Mác thật ra vốn không nói chinh phục, mà là chi phối (Beherrchen), tất nhiên quan trọng hơn là sự giải thích cụ thể như Engel đã nói: “Chúng ta chi phối giới tự nhiên quyết không phải như những kẻ chinh phục thống trị dân tộc khác, cũng quyết không  phải như những kẻ đứng ngoài giới tự nhiên, trái lại chúng ta và đến cả máu thịt não tủy của chúng ta cũng là thuộc về và tồn tại bên trong giới tự nhiên. Toàn bộ sự chi phối của chúng ta đối với giới tự nhiên chẳng qua là vì chúng  ta vượt qua các loại động vật khác, có thể nhận thức và vận dụng đúng đắn quy luật của tự nhiên…” (Phép biện chứng tự nhiên). Như thế sự chi phối ở đây là phải nắm vững quy luật của tự nhiên, chứ không phải chủ quan duy ý chí. Engel đặc biệt lưu ý. “Chúng ta không nên quá đắc ý với sự chiến thắng thiên nhiên. Với mỗi lần thắng lợi của chúng ta, thiên nhiên sẽ báo thù. Bước đầu của mỗi một thắng lợi đúng là kết quả mà chúng ta mong muốn đạt được. Nhưng bước hai và bước ba thì lại là những kết quả khác hoàn toàn không mong đợi và thường thường là xóa đi kết quả ban đầu” (Phép biện chứng tự nhiên). Như thế ngay chủ nghĩa Mác đã chỉ ra mặt trái của việc chinh phục tự nhiên. Không nói đâu xa, ngay ở nước ta cũng không hiếm thấy việc lấy danh nghĩa chinh phục thiên nhiên nhưng với lòng tham vô đáy lại cực kỳ ngu si đần độn chỉ vì những lợi ích nhóm trước mắt, không biết nhìn xa trông rộng không chịu nghiên cứu kỹ càng để có những phương cách dự phòng, thoát hiểm thì lợi bất cập hại gây ra những thảm họa cho đất nước như hiện trạng.
Bây giờ mới ôn lại bài học Thiên nhân hợp nhất tuy đã quá muộn nhưng chớ nghĩ quẩn rằng nhân loại đã đi lạc đường mấy ngàn năm, bây giờ phải quay lại. Thật ra vấn đề này có liên quan đến hai nền văn minh nông nghiệp và công nghiệp trong tiến trình lịch sử khách quan mà như dự báo thiên tài trong bộ Tư bản của Karl Marx cho rằng nền văn minh tương lai phải là sự tích hợp tinh hoa giữa văn minh công nghiệp với văn minh nông nghiệp(5). Hiển nhiên cái trước là bước tiến dài của nhân loại so với cái sau. Nhưng văn minh công nghiệp với trình độ khoa học kỹ thuật cao càng khám phá, bóc lột thiên nhiên với tư cách bá chủ, dễ bất chấp cả quy luật khách quan, quên hẵn con người là một bộ phận của thiên nhiên. Cho nên ngày càng phải trả giá. Trái lại văn minh nông nghiệp về cơ bản dựa trên nền kinh tế tự cấp tự túc, tự nguyện xem mình là một bộ phận thiên nhiên để sinh trưởng. Cho nên đâu phải vứt bỏ mà phải giữ vững những thành tựu của văn minh công nghiệp, nhưng phải trực diện với  những mặt trái và bổ cứu nó bằng những tinh hoa của văn minh nông nghiệp mà thôi.
Chú thích:
(1) Thế giới danh nhân luận Trung quốc văn hóa, Liêu  Ngự Lâm chủ biên, Hồ bắc nhân dân  xuất bản xã 1991, tr. 309
(2) Nho gia truyền thống địch lịch sử mệnh vận dữ hậu hiện đại ý nghĩa K.H.Pohl, Kinh tế khoa học xuất bản xã, Bắc kinh 1997, tr. 396
(3) (4) Phạm trù dữ phương pháp, Lưu Văn  Cấn, Nhân dân xuất bản xã, Bắc kinh 2009, tr. 11, 33
(5) Từ văn học so sánh đến thi học so sánh, Phương Lựu, Nxb Văn học… 2022. tr. 200.
20/2/2018
Phương Lựu
Nguồn: Văn Nghệ xuân 2018
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...