Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

"Ngày như chiếc lá" và những chiêm nghiệm sinh thái

"Ngày như chiếc lá" và những
chiêm nghiệm sinh thái

Tôi đọc Trần Lê Khánh lần đầu vào những năm tháng hồn nhiên nhất trước khi bước qua tuổi 20. Tôi đã từng phải lặng im mà nhìn vào những con chữ nằm ngay ngắn, gọn ghẽ trong một mặt giấy và tự hỏi vì sao ngôn linh của chúng lại thiêng liêng đến vậy. Thơ anh Khánh không dễ đọc, và chắc chắn là không dễ thích. Thơ anh thuộc dòng thơ buộc chúng ta phải ngẫm, không đọc vội được và do đó nó đòi hỏi ở bạn đọc cả sự kiên nhẫn lẫn tình tri âm.
Bìa tập thơ “Ngày như chiếc lá”
Cầm tập thơ của Trần Lê Khánh trên tay, bạn sẽ bất ngờ trước khoảng lặng của nó. Anh luôn chừa những chỗ trống, mà để có thể đi vào nó, người ta đồng thời phải đi vào chính mình. Anh không hô hào, không dồn nén, không vội vã như một số thi nhân khác. Anh chọn cho mình một giọng điệu bình tĩnh và chậm rãi. Do vậy, bạn hoàn toàn có thể lật ngẫu nhiên một bài thơ nào đó, chiêm ngưỡng những con chữ được đặt thật khéo ở đuôi trang sách và lắng nghe thanh âm rất khẽ của cuộc đời.
Giống như “Lục bát múa” và “Dòng sông không vội”, tập thơ :Ngày như chiếc lá” vẫn được in rất đẹp, dày hơn 280 trang, bìa cứng và có tranh minh họa màu của họa sĩ Nguyễn Quang Thiều. Đây không phải một tập thơ bỏ túi để bạn có thể mang đi bất cứ đâu, nó sẽ thích hợp hơn với những phút giây nhẹ nhàng, lúc ta chậm rãi nhâm nhi một tách trà và thoảng nghe một mùi hương thơm dịu.
Tôi lần giở những trang thơ trong tập “Ngày như chiếc lá”, mong tìm thấy một triết lí sâu xa. Song càng đọc, tôi càng nhận ra thơ anh Khánh không chỉ mang lại không khí thiền đạo mà nó còn đặt ra các vấn đề sinh thái giữa con người và tự nhiên. Tác giả không đứng trên tự nhiên để làm cao hay chỉ đạo, cũng không hạ mình xuống thấp lu mờ trong chốn cỏ cây. Đọc “Ngày như chiếc lá”, ta nhận ra vị trí của mình đương trôi bềnh bồng theo một ngọn gió, một áng mây, một tia nắng mờ tỏ. Đọc “Ngày như chiếc lá” là đọc một chiêm nghiệm sinh thái của một nhà thơ nặng tình với cuộc đời ngoài kia, xanh, rất xanh…
Trông ra ngọn cỏ lá cây
Trần Lê Khánh “sinh thái” từ chính cách anh đặt tên cho tập thơ của mình và từ chính những hình ảnh anh lựa chọn để viết. Con người không chiếm vị trí độc tôn như trong những sáng tác của một số tác giả trẻ khác. Trần Lê Khánh đi ngược lại để tìm về cái cội nguồn tự nhiên của mỗi kiếp nhân sinh. Ngày dài như một chiếc lá, rơi rụng khi nào ai hay, xanh vàng thế nào ai tỏ? Anh ngước nhìn một đám mây ngả lưng (tr.11), dõi theo một dòng sông mang theo bao nhiêu chiều muộn (tr.87) và chiêm ngưỡng một con bướm đập cánh trong chiều đông (tr.151).
Tập thơ Ngày như chiếc lá làm tôi không khỏi liên tưởng đến thể thơ haiku của xứ sở Phù Tang. Nó cũng chỉ có vài câu thơ nho nhỏ, cũng chỉ vài hình ảnh be bé. Anh Khánh viết về thiên nhiên dưới quan điểm: nhân thế là một phần của tự nhiên. Vì vậy lời thơ cứ dung dị, mượt mà, không khoa trương, không diễn. Trong thời đại mà con người đang cảm thấy có lỗi với tự nhiên và ra sức bảo vệ nó, Trần Lê Khánh vẫn bình thản viết những dòng thơ như hoa cỏ, không màng đến lo toan, không cho thấy một sự hoảng sợ. Đọc thơ anh, người ta không cảm thấy thiên nhiên đang dần chết để e dè. Đọc thơ anh, người ta tìm thấy chính mình trong một vốc nước đầy trăng (khổ thân, tr.83), người ta nghe được thời gian trong những chiếc lá vàng rơi rụng (mình là mình, tr.115).
Đọc Ngày như chiếc lá, ta không cần phải cố gắng liên hệ đến một tư tưởng triết học hàn lâm, khó hiểu nào. Ta cũng không cần ép câu chữ phải trở thành thứ mà ta kì vọng. Với Ngày như chiếc lá, ta có thể thả lỏng tâm trí và thử đọc thơ như nó vốn dĩ là mà không cần nghiêm trọng hóa nghệ thuật. Ta đọc để thấy rằng thiên nhiên cũng có tâm hồn của nó, nó cũng vận hành theo nhịp đập thời gian:
đôi khi
đêm
cũng dè dặt trôi
trong bóng tối
(tâm hồn, tr.199)
Trong thời buổi này, rất nhiều nhà thơ gượng gạo “ép” mình viết những chủ đề “câu khách”. Có rất nhiều tác giả trẻ “chuyên” kể chuyện thất tình và phơi bày suy nghĩ ra trang giấy một cách quá hào phóng. Trần Lê Khánh không như thế, anh chọn cho mình một nguồn cảm hứng cổ điển nhưng kén người đọc: thiên nhiên. Vả chăng đôi lần mỏi mệt, ta cũng có thể đọc để mường tượng ra một thiên nhiên trong mắt nhìn của tác giả, chưa cần phải suy tính đến cái khuất lấp bên trong. Thiên nhiên, trước tiên và trên hết sẽ luôn là chính nó. Vì vậy, tôi đã đọc Ngày như chiếc lá như khám phá một khu vườn chữ nghĩa, trong đó có ánh sáng, bóng tối, có trăng, có sao và có cả những chiếc lá bé xinh:
em
rị buổi chiều xuống
chiếc lá rơi nhẹ
bớt phai màu
(lại câu chuyện cũ, tr.231)
Tôi cứ thích tưởng tượng ra rằng đương có một thi nhân ngoài kia dõi theo cảnh chiều tà, trông thấy một chiếc lá nhẹ nhàng đậu xuống hư không mà lặng lẽ xúc động cầm bút làm thơ. Tự nhiên thấy lòng mình thanh thản và cuộc đời này thoáng chốc trở nên thi vị hơn nhiều. Khoảnh khắc đó, tôi muốn mình được hòa vào cỏ cây rồi an nhiên mà sống. Tôi bỗng hiểu rằng trong cõi trần gian, chỉ có thiên nhiên là không lừa dối chúng ta bao giờ. Đứng trước thiên nhiên mầu nhiệm, sẽ có người nao lòng mà vẽ một bức tranh, gảy một khúc nhạc hay đơn giản mà hé chiếc môi cười. Còn với Trần Lê Khánh, anh chọn cách tái hiện chúng bằng thơ ca.
… Kiếp người đã đến thế này thì thôi
Nhưng nếu chỉ tái hiện thiên nhiên thuần túy thì xem chừng văn chương sẽ không khác gì một bản sao hạng thường của một thứ vốn không thể làm giả. Phía sau thiên nhiên đó, Trần Lê Khánh còn gợi ra niềm trăn trở về kiếp nhân sinh. Chẳng hạn, anh viết về thời gian tuần hoàn:
xuân
thả mình xuống
đôi lần
trên một nụ hoa
(quy trình, tr.193)
Từ “quy trình” của mùa xuân, ta trông thấy “quy trình” của đời người. Theo quan niệm Đông phương, thời gian là tuần hoàn, do vậy mà xuân có thể quay lại đôi lần trên trần thế. Song nụ hoa kia không còn là nụ hoa những mùa xuân trước. Và mùa xuân này đây có phải là mùa xuân ta đã từng trải qua không? Thế gian tuần hoàn, nhưng nó không lặp lại bởi vì cuộc sống này bắt buộc phải đổi thay. Con người cũng vậy, chẳng qua chỉ như nụ hoa nọ sống kiếp phù du. Trần Lê Khánh nhìn thiên nhiên như nó vốn-dĩ-là chứ không phải như anh muốn-nó-là và do đó, anh không cố tách mình ra khỏi đời thảo mộc. Có chăng anh chính là nụ hoa kia, đương hé mắt nhìn đời, ngát hương ngôn từ cho nhân thế ngẩn ngơ.
Đọc Ngày như chiếc lá, ta phát hiệnTrần Lê Khánh có thể đặt những nhan đề rất “con người”, đọc qua dễ nhầm tưởng đây là một bài thơ nói trực tiếp về tư tưởng nhân sinh của tác giả.Trong tập thơ này, anh có viết bài đàn bà (tr.119):
nhìn mây mây có thấy gì
quanh năm mây cứ hoài nghi mặt mình
Nếu chỉ nhìn vào lớp vỏ ngôn từ, ta sẽ đọc ra một bài thơ tả mây với thủ pháp nhân hóa. Nhưng nếu nhìn vào nhan đề, lập tức trong tâm trí độc giả hiện ra một trường liên tưởng khác. Đám mây với tính chất lãng du, thay đổi khôn lường được sử dụng để gợi nhắc số phận của phụ nữ. Là đám mây đang nhìn chính nó hay chăng chính là đàn bà đang nhìn mây vậy. Mây muôn hình vạn trạng, đàn bà cũng lắm lúc đổi thay, đến độ ta không thể phân biệt được đâu mới là con người thật của mình. Đám mây kia, hay đàn bà, hay Trần Lê Khánh, hay cả chúng ta nữa phải tự hỏi rằng liệu mình có một cá tính nào không?
Ngày như chiếc lá còn rất nhiều bài cũng mang cùng một kiểu đặt tên như vậy, rằng nhan đề là của thế nhân, nhưng hình ảnh trong đó lại là tự nhiên. Muốn hiểu được nhân thế, ta phải nhìn vào quy luật của vạn vật tuần hoàn. Trông thấy một đám mây thoáng trôi, một ngôi sao nhìn anh không chớp (starring, tr.219) thì ta mới thấy được sự vô thường của thời gian, mọi thứ đều chỉ mang tính tương đối: một khoảnh khắc có thể chỉ là hư ảo, lại cũng có thể kéo dài như vô tận.
Tôi không nói rằng Trần Lê Khánh có ý thức rõ ràng việc anh viết tập thơ này theo kiểu sinh thái. Nếu anh làm thế vì một mục đích, hẳn tôi sẽ cảm thấy vô cùng gượng ép và khó chịu. Song với Ngày như chiếc lá, tôi thấy mình được dìu dắt bởi một hồn thơ sâu nặng với cỏ cây, sao trời. Những hình ảnh này hẳn phải được viết bởi một người có mối liên kết chặt chẽ với tự nhiên bởi nếu chỉ là những câu cửa miệng đơn thuần thì e khó có thể làm ta trăn trở. Ý thơ có thể không mới, nhưng dám viết kiểu thơ như thế này trong thời buổi hiện tại thì quả là can đảm.
Hãy đọc Ngày như chiếc lá, không phải để tìm kiếm tri âm, mà để tự vấn lại mình. Ta là ai giữa cuộc đời này, con người là gì trong thế giới tự nhiên? Tại sao ta không dám đặt mình vào trong tự nhiên mà cứ đứng bên ngoài chỉ trỏ? Cảm xúc của ta có hơn gì một nhành cỏ dại, một áng mây bay? Thời gian của ta có dài hơn là bao một bông hoa nở? Ngày của ta có tươi xanh hơn gì một chiếc lá?
Trần Lê Khánh với chiêm nghiệm sinh thái của anh không giúp độc giả giải đáp toàn bộ những câu hỏi đó. Bằng cá tính và những trăn trở của một người nặng lòng với thế gian, có chăng anh chỉ gợi lên vừa đủ để ta tự nhìn lại mình và tự vấn lại bản thân.
Và thơ ca còn cần điều gì hơn nữa ngoài sức gợi?. 
25/5/2019
Thái Hà
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...