Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

"Thế giới xô lệch" và những góc tiếp cận

"Thế giới xô lệch"
và những góc tiếp cận

Đến nay (2019) Thế giới xô lệch của nhà văn Bích Ngân đã xuất bản được 10 năm (tháng 12.2009) và được tái bản nhiều lần. Đó là quãng thời gian đủ để một tác phẩm văn chương sống trong lòng người đọc thế nào, cũng là quãng thời gian để tác phẩm có còn nói được tiếng nói của hôm nay hay đã trở thành tiếng nói một thời quá vãng. Tôi chú ý đến các hướng tiếp cận tác phẩm và xem những góc nhìn nào khả dĩ đọc được tác phẩm?
Sự ngộ nhận của một góc nhìn
Cuộc tọa đàm 17/3/2010 về tiểu thuyết Thế giới xô lệch có mặt nhiều nhà văn, nhà nghiên cứu với những góc nhìn khác nhau, soi rọi khá toàn diện về nhiều vấn đề. Đó là các nhà văn Trung Trung Đỉnh, Dạ Ngân, Lý Lan, Hoàng Phủ Ngọc Phan, Khôi Vũ, Mai Sơn, Trần Thùy Mai; các dịch giả Phạm Viêm Phương, Nguyễn Lệ Chi; nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên; nhà nghiên cứu văn học Nhật Chiêu; và các nhà văn nhà thơ trẻ như: Trần Nhã Thụy, Dương Bình Nguyên, Vũ Đình Giang, Phan Hồn Nhiên, Trương Trọng Nghĩa…
Nhà văn Trung Trung Đỉnh cho rằng tiểu thuyết Thế giới xô lệch nằm trong
luồng tiểu thuyết mới viết về thế sự. Nhà văn Dạ Ngân nhận xét: “Xô lệch như vậy là còn ít, là chưa thấm tháp gì so với hiện thực hay so với sự chưng cất nếu người đọc đòi hỏi cao hơn… tác giả dường như vẫn còn hơi chần chừ, do dự, rón rén trong sự triển khai. Đáng lẽ ra những nhân vật, số phận trong tiểu thuyết cần phải “xô lệch” hơn nữa thì tuyệt vời biết bao” Nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên: “Thế giới xô lệch” chỉ mới “xô” chứ chưa “lệch”. Bích Ngân đã chọn được ý tưởng hay, đặc sắc để triển khai nhưng chưa đẩy đến tận cùng”. [1]
Nhà văn Bích Ngân, tác giả, nói về chất liệu sáng tác: “Chất liệu viết nên cuốn tiểu thuyết này được tôi manh nha sau những lần đến thăm một quân y viện, lúc đó tôi là phóng viên của một tờ báo. Khi thăm hai trại thương binh (một trại dành riêng cho người mất chân trái và một trại dành cho người mất chân phải), tôi nấn ná thật lâu ở trại thương binh toàn người trai trẻ bị mất hết hai chân do vướng bom mìn. Nhìn gương mặt trẻ măng và cặp mắt trong veo của họ, lòng tôi đau nhói, rồi tôi không sao cầm được nước mắt khi nghĩ, nếu họ là anh trai, em trai hay là người yêu của tôi. Hình ảnh và ý nghĩ đó ám ảnh tôi và nhân vật của tôi dần hình thành.”
Chủ đích của tác giả là: “Điều tôi muốn viết về thương binh không phải là chiến tranh, thứ đã cướp đi một phần thân thể họ mà là cuộc sống sau đó, cuộc sống vốn dĩ bình thường lại trở nên bất thường vì sự thay đổi của chính người lính… Với thương binh, chiến tranh vẫn còn đó, một cuộc chiến khác, cuộc chiến của sự hòa nhập, cuộc chiến của sự tồn tại…”[2]
Có thể nhận thấy những ý kiến tôi vừa dẫn ra ở trên đều xuất phát từ góc nhìn “văn học phản ánh hiện thực”. Vì thế có ý kiến yêu cầu tác giả cần phải “xô lệch hơn nữa”, nghĩa là đòi hỏi nhà văn phải phản ánh cho được hiện thực xô lệch lớn lao hơn nữa, triệt để hơn nữa của cuộc sống hôm nay.
Tôi cho rằng đây là một ngộ nhận. Bích Ngân viết Thế giới xô lệch không phải là để “phản ánh hiện thực”, đành rằng chất liệu tiểu thuyết là hiện thực.
Câu truyện chỉ gói gọn trong một gia đình, không có những quan hệ xã hội chằng chịt. Gia đình ấy có nhân vật Tôi, cha mẹ, anh chị, cùng với ký ức về ông nội, bà nội, người chú vượt biên mất tích, người em chết non. “Những nhân vật ấy xét cho cùng, đều thẳng thớm và lành lặn…”(Dạ Ngân). Chính tác giả cũng xác nhận: “Các thành viên của gia đình trong Thế giới xô lệch, nhìn ở một góc hết sức bình thường thì đều là những con người tử tế, thậm chí họ còn có lối sống mẫu mực. Họ đều có chữ nghĩa, biết đọc sách, biết thưởng thức âm nhạc, biết lưu giữ ký ức, biết phản biện, biết tự vấn và biết thương yêu nhau.”[3]
Những gì gọi là “hiện thực” được miêu tả chỉ là những “hiện tượng” được nhìn thấy và nhận thức qua con mắt của nhân vật Tôi, người ngồi trong xe lăn, ở một góc nhà. Đó là “hiện tượng” chị gái ngoại tình bị anh rể tra vấn, nhưng thực hư người đàn ông của chị là ai, ở đâu, Tôi không biết. Sau này Tôi hỏi chị, chị chỉ nói người tình ấy “chết rồi”. Đó là “hiện tượng” anh trai làm ăn thế nào mà có cửa nhà khang trang, xe hơi bóng loáng, Tôi cũng không biết. Đó là “hiện tượng” người vợ đua đòi, mua xe Honda trả góp, rồi học nhảy, Tôi cũng chỉ nghe vợ nói. Tôi không biết sự việc cụ thể sinh hoạt của vợ như thế nào. Những chuyện về người chú, về ông nội cũng chỉ là nghe kể lại. Nhân vật Tôi như một người bị bịt mắt mà mãi về sau mới được “tháo ra tấm băng che mắt.”(tr.276. Thế giới xô lệch, Nxb HNV 2009).
Người đọc không tìm thấy địa chỉ cụ thể của gia đình này ở đâu. Hình như đâu đó ở miền tây. Trong truyện có một địa danh duy nhất là kênh Dừa, cũng không rõ ở tỉnh nào. Nhân vật người cha cũng chỉ được hé lộ vài nét. Ông là một quan chức liêm chính. “Ba tôi giống ông nội, gương mặt vuông, vầng trán cao, mắt sâu, mũi thẳng. và đôi tay nữa” (tr.43 sđd). Ông sắp tuổi hưu (tr.44 sđd). Ba tôi biết đàn, biết hát, biết viết kịch, biết làm thơ (tr. 59 sđd). “Ông tin hoa thơm lấn dần cỏ dại. Ông tin cái thiện luôn thắng cái ác. Ông tin con đường ngắn nhất để con người đến với nhau là con đường từ trái tim đến trái tim. Và ông tin vào sự trong sạch, trước hết là của chính mình”(tr.183 sđd). Đó là nhận thức của Tôi về cha. Còn ông ta làm việc gì, cơ quan của ông ở đâu, nhân thân xã hội của ông thế nào không được tác giả nói đến.
Nhân vật Tôi, trong gia đình gọi là Út, sinh ra ở vùng sông nước miền tây. Từng đậu Đại học Hàng hải, ước mơ chỉ huy con tàu hiện đại, con tàu đưa Tôi tới những xứ sở mới (tr.136, sđd). Tôi đầu quân sang Campuchia. Chuyến ra quân đầu tiên tôi đã vướng mìn, dù chưa một lần ra trận. Tác giả không cho biết Tôi ở đơn vị nào, bị mìn ở chiến trường nào bên Campuchia. Trở về đời thường, Tôi là một thương binh cụt hai chân, có sổ thương binh, nhưng Tôi không hề có bất cứ quan hệ xã hội nào, không sinh hoạt trong hội thương binh. Nhân vật Tôi chỉ ở trong nhà, phụ má việc may quần áo. Có đi xem kịch với má và lăn xe đến chỗ chị ở để chia sẻ tâm sự. Những lần như thế Tôi qua phố, nhìn vu vơ.
Với một nội dung truyện như thế, người đọc muốn tìm xem nhà văn Bích Ngân phản ánh hiện thực gì, thì đó sẽ là phiến diện, và nói đến “giá trị phản ánh hiện thực”của tác phẩm là không thể.
Đành rằng, văn học luôn phản ánh hiện thực. Thế nên, người đọc mơ hồ thấy có bóng dáng những chuyện tiêu cực xã hội như chuyện ăn cắp điện của người chú, tài xế ăn cắp xăng và kê không tiền sửa xe, người anh chiếm hữu tài sản công nhờ đó giàu lên rất nhanh, và ngay chính sự liêm chính của người cha cũng trở thành mối lợi cho nhiều người khác… Đúng như nhà văn Dạ Ngân nhận xét, những chuyện tiêu cực như thế là chưa thấm tháp gì so với hiện thực hôm nay. “Giá trị hiện thực” không phải là giá trị của Thế giới xô lệch, càng không phải là yếu tố cuốn hút người đọc.
Có ý kiến cho rằng trong Thế giới xô lệch, Bích Ngân viết về thương binh, viết về đời sống của họ sau chiến tranh, và thông qua đó viết về chiến tranh (tức là phản ánh hiện thực), điều ấy cũng nằm ngoài ý nghĩa của cấu trúc tác phẩm. Bởi nhân vật Tôi, thương binh cụt hai chân, không được miêu tả nhân thân xã hội, tức là những phẩm chất của người lính cách mạng, có lý tưởng, căm thù giặc, gắn bó với nhân dân, chiến thắng gian khổ, không sợ hy sinh… Trong tác phẩm, Tôi có gặp người bạn đào ngũ giờ làm chủ tịch phường. Đó là một hình ảnh tương phản với Tôi và có hàm nghĩa, Và khi Tôi lăn xe trên phố, nhìn xe cộ chạy qua, “Tôi không ngăn được ý nghĩ hằn học tối tăm là, chính bánh xe của những chiếc ô tô bóng loáng như chiếc xe anh tôi đang đi đã cán nát, đã lấy đi đôi chân tôi”(tr. 256 sđd) Những chi tiết như thế không thể được coi là viết về thương binh hay viết về chiến tranh được.
Vậy nếu Thế giới xô lệch không phản ánh hiện thực, không nằm trong dòng văn chương thế sự, không viết về chiến tranh thì tác phẩm thuộc dòng văn chương nào? TS Trần Hoài Anh trong bài viết “Từ cảm thức hiện sinh nghĩ về quan niệm sáng tác của Bích Ngân trong Thế giới xô lệch” (24/3/2016)[4] cho rằng Thế giới xô lệch là một tác phẩm có tính triết luận sâu sắc, nhưng ông cũng nhìn tác phẩm qua góc nhìn “phản ánh hiện thực”. Ông cho rằng với Bích Ngân, “cái nhìn hiện thực đa chiều, đa diện như nó vốn có. Thế giới xô lệch chính là một cuộc “giải phẫu” khá sâu sắc và tinh tế về tâm thức và tâm cảm của con người Việt Nam thời hậu chiến.”
Tôi cho rằng Thế giới xô lệch là sự chưng cất những vấn đề của hiện thực để thành một tác phẩm tư tưởng. Sự thành công của tác phẩm tùy thuộc vào tài năng nghệ thuật của tác giả. Nhưng nếu gọi Thế giới xô lệch là một tác phẩm tư tưởng (kiểu triết luận), thì tôi e rằng ngòi bút của Bích Ngân chưa vượt qua được giới hạn. Điều này tôi tin rằng Bích Ngân “nhận ra được những giới hạn, đặc biệt những giới hạn không thể vượt qua của mình” (tr.274, sđd)
Những vấn đề thú vị của lý luận phê bình
Tác phẩm là một cấu trúc, một thế giới nghệ thuật. Nghĩa của tác phẩm là nghĩa do cấu trúc ngôn ngữ nghệ thuật tạo ra, không phải là nghĩa do người đọc gán cho nó. Tác phẩm cũng là một sinh mệnh biệt lập với tác giả, thế nên nếu tác giả có chủ đích đặt vào tác phẩm một nghĩa chủ quan nào đó thì cái ý nghĩa chủ quan ấy, nhiều khi trở thành một bộ phận lắp ghép bị hoại tử. Và ngày nay, “Thuyết Người đọc” chú ý đến nghĩa của “cộng đồng diễn dịch”, nghĩa của “tầm đón đợi”. Thế nghĩa là văn bản tác phẩm trở thành nguồn tạo nghĩa, và sự đa nghĩa của tác phẩm xuất phát từ góc nhìn. Và những lớp nghĩa này nhiều khi không trùng khớp với nhau. Đọc Thế giới xô lệch, tôi không thấy tác giả thực sự hướng ngòi bút của mình về việc phản ánh đời sống thương binh hay có ý thức khám phá chiến tranh như góc nhì văn học phản ánh hiện thực.
Nói nghĩa của tác phẩm nằm trong cấu trúc là nghĩa được tạo ra từ sự tương quan giữa các yếu tố của cấu trúc. Đó là lớp vỏ ngôn ngữ, là hình tượng nhân vật, là tình huống, là cốt truyện, là bút pháp, là tư tưởng thẩm mỹ… Trong Thế giới xô lệch, nghĩa của tác phẩm trước hết xuất phát từ nhân vật Tôi, nhân vật trung tâm, trong tương quan với các thành viên gia đình, trong những tình huống mà Tôi can dự vào, trong thái độ miêu tả và cả trong mục đích diễn ngôn của tác giả…
Bởi vì, trước hết, Tôi là nhân vật trần thuật. Tôi kết nối các nhân vật khác. Tôi phát hiện ra các vấn đề của Tôi và của tha nhân, Tôi tra vấn hiện thực. Tôi cũng là kiểu nhân vật được tác giả chọn lựa, để thực hiện một cách viết và Tôi là diễn ngôn của chính tác giả (tác giả hóa thân vào Tôi).
Nhân vật Tôi là kiểu nhân vật kẻ tật nguyền. “Người tật nguyền (do chiến tranh, tai nạn, bệnh tật hay bẩm sinh), theo tôi, thường là những người có thế giới nội tâm không ngừng xê dịch với giằng xé âm thầm và họ chiếm một số lượng không nhỏ trong cộng đồng…”(Bích Ngân, đd). Nhân vật Tôi quan sát hiện tượng và nhận thức để đi đến ý thức. Trong Thế giới xô lệch, nhân vật Tôi là nhân vật ý thức, kiểu nhân vật tư tưởng. Có một dòng tậm trạng luôn trôi chảy trong Tôi, và nhiều khi ngòi bút của Bích Ngân tiếp cận được với cách viết “dòng ý thức” của văn chương Hiện sinh. Tôi ý thức về Tôi, tôi ý thức về tha nhân, ý thức về sự sống, đau khổ và hạnh phúc.
Đối chiếu với mọi người, tôi ý thức sâu sắc về sự tật nguyền, sự đau khổ cả về thể xác và tâm hồn. Hình ảnh chỗ hai ống quần bùng nhùng, hình ảnh về đôi chân bị mất và sự tương phản với những đôi chân lành lặn là điều ám ảnh nhất đối với tôi. Tôi ý thức mình là “con thú tật nguyền” (tr. 6, Sđd). Đoạn văn này cực tả thảm trạng của sự tật nguyền: “…những đứa bạn bị tàn phế mà không chết như tôi, ngoài mấy đứa còn cưới được vợ có con, số còn lại đều mắc thêm một vài tật xấu nào đó. Thằng làm càn, đập phá. Thằng chửi rủa, la hét. Thằng cạy miệng không nói lời nào.Thằng nằm ngửa hát nghêu ngao. Thằng hứng lên tuột quần khoe “của quý”. Thắng mân mê hình cố nhân rồi tru lên như chó dại…” (tr. 88, sđd).
Và giấc mơ về những đôi chân của Tôi thì thật là khủng khiếp: “…Khi đến gần, tôi nhận ra đó là những hình thù không đầu, không mình, chỉ có chân. Những đôi chân. Vô số những đôi chân./ Những đôi chân trần trụi máu me, những đôi chân trắng lốp vòng băng, những đôi chân lùng nhùng trong ống quần màu cỏ úa./ Chúng hung hăng xô lấn. Chúng lăn xả vào bất kể thứ gì cản trở đường đi của chúng./ Chúng bườn lên người tôi, khiến tôi hét lên./ Tôi toát mồ hôi đầm đìa…” (tr. 90, sđd)
Và tôi ý thức về tôi như một con vật bản năng: “Tôi thấy mình cũng chẳng khác gì con Phèn. Cũng sợ đau, sợ đói, sợ lạnh, sợ bị bỏ rơi và cũng sục sạo tìm cái ăn cái uống khi đói khi khát cũng lùng tìm một cái lỗ để sục vào đó tất cả tinh lực khát thèm, trút vào đó tất cả nỗi uất ức tuyệt vọng để rồi gào lên trong thú đau sung mãn trong cạn kiệt, trong hấp hối, trong loay hoay không lối thoát để rồi lại tự nguyện cột chặt vào cái thói quen khốn khổ khốn nạn của bản năng. Thói quen ấy đã biến gã tật nguyền thiếu hụt thành một kẻ tôi đòi, bạc nhược kéo lê cái sự sống nửa người nửa ngượm” (tr.243-244, sđd).
Ý thức về sự mất mát đôi chân kéo Tôi về thân phận một con thú tật nguyền kéo lê cuộc sống “nửa người, nửa ngợm”. Nhưng cái phần “người” mới làm cho tôi đau khổ. Người anh bế Tôi vào phòng tắm, nơi ấy, tôi quan sát và ý thức về sự tật nguyền rõ nhất: “Tôi nhìn xuống cái bụng đang đói của mình. Tôi cầm cục xà bông thơm của anh xát khắp bụng, khắp người, rồi cổ, vai, tay, hai khúc đùi còn lại và sau hết chà nhẹ nhẹ vào chùm sinh dục nhão nhẹo./ Đó là chỗ tôi luôn kỳ cọ kỹ lưỡng nhẹ nhàng và âm thầm nhận ra sự khỏe mạnh nguyên vẹn trong cái thân thể tật nguyền của mình… tôi lại cúi xuống, đưa tay nâng đỡ rồi vuốt ve cái bộ phận đàn ông của mình./ Tôi vuốt ve cho đến khi “thằng nhỏ” ấm lên, săn lại, nóng hổi sinh lực… khát khao một thân thể lành lặn. Khao khát một thân thể…khác mình…”(tr. 33, sđd).
Sự khát khao ấy trở thành thách thức cái phẩm chất “người” của Tôi khi người chị nói: “Khi nào em thành một người đàn ông thực sự, khi ấy em sẽ hiểu chị” (tr.120, sđd). Tôi phải trở thành một người đàn ông, bất luận đó là loại đàn ông nào. Có vậy Tôi mới là Người. Tôi biết, “điều kiện để một thàng con trai to xác, tật nguyền nhưng còn nguyên vẹn cái sinh lực giống đực, trở thành một gã đàn ông, đương nhiên phải có sự chung đụng với một sinh thể khác giống. Là giống cái…”(tr. 122, sđd). Thế nhưng, khi có được vợ, Tôi lại để cô dâu nằm co ro bên cạnh, “tỉnh dậy, Tôi biết Tôi đã chưa làm được cái việc của một người chồng trong đêm động phòng”(tr. 172, sđd).
Từ đây, Tôi ý thức sâu xa về nỗi bất an, sự bơ vơ, sự xa cách, sự bất lực của một con thú tật nguyền. Tôi không thể giúp vợ đóng nổi một cái đinh để móc mùng. Vợ tôi “lia mắt từ đầu tóc, mặt mũi tôi đến thân thể tôi và dừng lại chỗ khúc đùi lùng nhùng sẹo vết, mở miệng: Đàn ông…” rồi bỏ lửng câu nói (tr. 194, sđd). Và “Tôi không ngờ mình lại cam chịu như một người câm và còn khốn khổ hơn một người thiếu khả năng nói...”(tr.220, sđd).
Tôi ý thức về Tôi và nhận ra Tôi chỉ là con thú tật nguyền với tất cả nỗi khốn khổ tủi nhục, bất lực và tuyệt vọng, thì khi Tôi ý thức với tha nhân, Tôi nhận ra Tha nhân là những “kẻ xa lạ”. Miêu tả điều này, Bích Ngân đặt nhân vật Tôi vào bóng dáng của A.Camus (“Kẻ xa lạ”) và của J. Sartre: “Tha nhân ấy là địa ngục”[5]. Tôi là “kẻ xa lạ” ngay cả với con Phèn, một con chó trung thành trong nhà. “Không ai biết tôi là ai. Mà tôi có là ai thì cũng chẳng đem lại một ý nghĩa nào cho ai”(tr.252, sđd). Ngay cả lúc ở bên vợ, “Lúc bên nhau mà không thể chạm được vào nhau tôi bứt rứt không yên…”(tr.187, sđd), “Vợ tôi đã biến thành một người đàn bà mà tôi chưa từng biết” (235, sđd). Trong mắt tôi, mối quan hệ của anh rể tôi với chị tôi là một mối bất hòa không thể hàn gắn, họ chỉ gây đau khổ cho nhau, và cả người đàn ông chị yêu, cũng không đem lại hạnh phúc cho chị. Ấy là tha nhân. Chị tôi có nỗi đau âm thầm, nỗi đau từ một kẻ kiếm tìm, chơi vơi và vấp ngã (tr.254, sđd). Còn anh tôi, “sự hãnh tiến hời hợt của anh không chỉ là chất cồn sát thương mà còn như trêu ngươi, cười cợt đối với kẻ tật nguyền… Anh và tôi cũng không có cùng một niềm vui và cả nỗi đau.” (tr.255, sđd). Thằng bạn đào ngũ giờ là một Chủ tịch phường, “khó tìm được một thứ ngôn ngữ chung giữa hai kẻ không di chuyển cùng một phương tiện” (tr.256, sđd). Cũng vậy, tôi, anh chị tôi, người tài xế và vợ tôi, đều trở thành “địa ngục” cho cha tôi. Những gì ông yêu thương, những gì ông giữ gìn xây dựng, ngay cả niềm tin của ông, cũng bị tha nhân làm cho sụp đổ. Chương 15, phần V (tr.284, sđd) miêu tả khá hay một cảnh “tha nhân ấy là địa ngục”. Trong căn nhà đóng kín cửa, người cha đã không thể chịu đựng được nỗi đau khi phải đối mặt với những đổ vỡ do tha nhân gây ra là thằng con “bất hiếu”, người tài xế phản chủ, đứa con dâu xấc láo. Đến nỗi ông phải đuổi tên tài xế về và đuổi đứa con dâu ra khỏi nhà.
Xây dựng nhân vật Tôi có ý thức Hiện sinh với ý tưởng của A.Camus và của J.Sartre (?), nhưng Bích Ngân vượt qua những triết gia hiện sinh này. Nhà văn để cho nhân vật tự tháo cái miếng bịt mắt mình ra mà tự cứu rỗi. Anh tôi nhất quyết xin thôi việc Nhà nước để tự khởi nghiệp, để không còn ăn cắp của công hoặc dựa dẫm vào uy tín của cha. Tôi tự lăn xe đến nhà chị, không cần nhờ đến má, tự thoát khỏi thân phận nô lệ (tr.189, sđd). Và nhờ việc đi tìm mộ của bà nội, cả gia đình xích lại gần nhau. “Cái thế giới xô lệch chực ngả nghiêng chao đảo, bất ngờ được kéo lại, được vực dậy và được giữ thăng bằng bởi sức mạnh của sự chia sẻ” (tr.302, sđd).
Để cứu nhân vật thoát khỏi tình cảnh bi đát Hiện sinh, Bích Ngân để các nhân vật đồng cảm, chia sẻ, bao dung lẫn nhau và sự trở về với truyền thống, giữ gìn những truyền thống của cha ông. Người cha đã chăm sóc bà nội nuôi khi bà cụ bị ung thư giai đoạn cuối. Ông cho gọi cả nhà tiễn bà. Anh Tôi thuê một chiếc vỏ lãi và đích thân cõng bà xuống ghe, ngồi với bà đưa bà về. Anh trai Tôi cũng đã chủ động trong mọi công việc đi tìm và bốc mộ bà nội. Ba và anh chị em bốc từng nắm đất xương cốt của bà “cũng tìm kiếm, cũng hy vọng được chạm vào, được lưu giữ những gì từng thuộc về bà” (tr.308, sđd) “Tôi lại nhớ lời nói đều đều vô cảm của vị linh mục về thứ ánh sáng nơi thiên đường./ Và tôi nhận ra thứ ánh sáng ấy, có lẽ không chỉ có ở thiên đường mà đang tràn ngập ở đây, nơi những con người lạc mất nhau đã tìm thấy nhau” (tr.309, sđd).
Văn chương Bích Ngân
Những trang miêu tả “dòng tâm trạng” của nhân vật Tôi là điều đặc biệt gây chú ý trong Thế giới xô lệch. Có lúc Bích Ngân tiếp cận được với cách miêu tả “dòng ý thức” của văn chương Hiện Sinh. Và vì thế, có những câu văn rất dài, bởi mạch ý nghĩ của nhân vật trôi đi miên man. Những câu văn như thế chuyển tải được sự say mê của ngòi bút Bích Ngân cùng với những gẫm suy giàu chất triết lý. (Tất nhiên Bích Ngân không phải là nhà văn tư tưởng).
Đọc Thế giới xô lệch, cái đọng lại là tư tưởng. Xin đọc: “Con vật nào càng dễ thỏa mãn với miếng ăn, con vật đó càng trung thành”(tr.261, sđd). “Cuộc đời này, có lẽ giống như một bản nháp khổng lồ. Một bản nháp không ngừng tẩy xóa”(tr.269, sđd). “Khi thật sự trưởng thành là lúc họ nhận ra được những giới hạn, đặc biệt những giới hạn không thể vượt qua” (tr.274, sđd). “…đôi khi thói quen cũng là một thứ giới hạn khiến con người hèn yếu và vô tâm” (tr.275, sđd)…
Vì cách miêu tả gần với cách viết “dòng ý thức” của văn chương Hiện sinh nên ngòi bút của Bích Ngân soi vào hiện tượng đến từng chi tiết rất nhỏ, như thể cách soi hiện thực của Hiện tượng luận. Nhân vật Tôi nhìn ngắm rất kỹ, rất lâu và suy nghĩ rất sâu về một chi tiết nào đó như khám phá một hiện thể.
Hình ảnh cái ống quần bèo nhèo chỗ mất cặp chân luôn là một ám ảnh của Tôi. Lúc tắm, Tôi nhìn ngắm, nâng niu bộ phận sinh dục của Tôi và đánh thức cái khát khao một thân thể lành lặn. Con đường Tôi đi qua, sợi tóc của vợ vương trên gối, cái mùi người già và cái mùi hôi hôi của thịt ươn nơi bà nội nuôi được Tôi cảm nhận với tất cả sự ngạc nhiên của lần đầu tiên Tôi nhìn thấy.
Trước một “hiện tượng” nào đó, Tôi cũng lặng im quan sát, nhận thức và ý thức về nó như một tồn tại trong tương qua với tha nhân. Chẳng hạn, việc người chú xoay đồng hồ ăn cắp điện được nhắc đến 3 lần trong những hồi tưởng của Tôi về Chú (Chương 3 phần I, Chương 2 phần II, chương 6 phần II, chương 15 phần V…). Đó là những trải nghiệm của Tôi về sự tồn tại của một con người, dù rằng con người ấy có thể đã chết trên đường vượt biên nhưng nó không được quyền chết trong tương quan với người sống (cha Tôi, ông Tôi, má Tôi, anh Tôi, chị Tôi và Tôi). Nó phải sống, cả trong hai chiều kích trái ngược, tình thương yêu của gia đình, để kết nối mọi người lại, và để làm gương cho tha nhân không được chết vì những sai lầm!
Chẳng hạn, việc ba chỉ ngồi ở cái ghế riêng của ông ở trong nhà, là sự kiên định không đổi của một tính cách, một nguyên tắc sống, một lý tưởng sống, dù sóng đời có thể làm xô lệch đi mọi thứ.
Chẳng hạn, việc cả nhà Tôi tìm chuỗi tràng hạt và bức chân dung Đức Mẹ của ông nội, hình như là một ẩn dụ cho việc tìm kiếm một niềm tin đã mất mà không thể tìm lại; hoặc bản Sonat Ánh trăng của Beethoven mà người cha hay mở như là một ẩn dụ cho sự cứu rỗi khỏi những tình huống hiểm nghèo làm mất đi nhân tính. Và lời giảng của vị linh mục về ánh sáng thiên đường tưởng chỉ là vu vơ lại chợt sáng lên cả chủ đề tư tưởng của tác phẩm khi người đọc gấp cuốn sách lại…Tất cả những sự việc ấy được Tôi ý thức nhiều lần như ý thức về tồn tại của Tôi trong tương quan với tha nhân.
Màu sắc thẩm mỹ của trang văn Bích Ngân khá phong phú. Độ say của ngòi bút tạo nên chất thơ của câu chữ (chương 9, phần III, tr.142, sđd). Những gẫm suy trải nghiệm sâu sắc tạo nên những trang viết giàu tính triết luận (chương 13, phần V, tr 265, sđd). Ngòi bút mổ xẻ hiện thực về bà nội nuôi khía vào trái tim người đọc những vết đau nhói (Chương 6, phần V, tr. 228, sđd) có sức mạnh làm thức tỉnh những tâm hồn vô cảm. Và viết về sex, Bích Ngân chứng tỏ một bản lĩnh văn chương vượt trội. Sex trong Thế giới xô lệch được soi ở góc nhìn trần trụi bản năng nhục thể của con vật giống đực và con vật giống cái; nhưng sex cũng là nhân tính, là khát khao hạnh phúc, là phẩm chất đàn ông mà Tôi “đang kiệt sức…vì không thể trở thành người đàn ông như chị nói”(tr. 273, sđd)…
Vì miêu tả “dòng tâm trạng” của nhân vật Tôi nên tiểu thuyết của Bích Ngân làm mờ nhòe thời gian và không gian. Nhưng Bích Ngân có cách nối kết các chương, cách kiến tạo tác phẩm rất chặt chẽ. Kết nối liền mạch của tình huống giữa các chương, hoặc dùng ký ức kết nối quá khứ với hiện tại; hoặc nhắc lại một lời thách đố, một sợi tóc, một bản nhạc, như một chất keo làm liền mạch truyện. Đặc biệt có sự tái hiện quá khứ đồng thời với hiện thực đang diễn ra. Những người, những việc của quá khứ (người chú, ông nội, bà nội) cùng sống với con cháu ở hiện tại. Trên chuyến xe chở cô Tôi về, mọi người cùng nhắc đến chú. Anh Tôi nói: “Lần cuối cùng con cũng đi cùng với chú út trong một chuyến xe gặp mưa gió dai dẳng như vậy”. Cô Tôi nói: “Bữa cơm cuối cùng cô nấu cho chú út con ăn chỉ có mắm kho chấm rau luộc, vậy mà chú ăn sạch cả nồi cơm”. Má Tôi nói: “Còn chị, chị đã không kịp làm một bữa cơm đãi chú”. Còn Tôi, “Tôi nhận ra anh tôi cũng giống chú. Cũng mái tóc dày hất ngược ra sau. Cũng cái trán vừa rộng, vừa cao. Cũng gương mặt vuông chữ điền. Gương mặt của ông Tôi, gương mặt ba Tôi và gương mặt Tôi”, “hình như chú cũng đang hiện diện” (tr. 70, sđd)… Tôi còn có thể nói đến những điều thú vị khác trong nghệ thuật tiểu thuyết của Bích Ngân, nhưng xin để dành bạn đọc thưởng lãm khi đọc tác phẩm.
Xin chia sẻ với nhà văn
Dù Thế giới xô lệch có những thành công đáng trân trọng về tư tưởng và nghệ thuật, song tôi vẫn thấy sự chênh vênh của ngòi bút tác giả. Đó là sự chênh vênh giữa ý thức về Hiện sinh của nhận vật Tôi và những “hiện tượng” xã hội mà Tôi ý thức về. Những “hiện tượng” này chưa đủ sức để nâng ý thức của Tôi lên thành tư tưởng thẩm mỹ. Hiện tượng chị Tôi ngoại tình, hiện tượng chú Tôi ăn cắp điện, hiện tượng vợ Tôi đua đòi khiến Tôi bất an, hiện tượng người tài xế của cha Tôi khéo xoay sở, hiện tượng anh Tôi phất lên bằng cách làm ăn mờ ám (nói cách khác, đó là những “hiện tượng” tiêu cực của xã hội), những hiện tượng này chứa đựng tư tưởng gì trong tác phẩm?
Và vì thế dẫn đến cách kết thúc phần nào có thể gây ra sự hụt hẫng nơi người đọc. (Cũng có thể tác giả chọn cách kết có hậu như văn chương truyền thống). Các vấn đề của hiện thực chưa được giải quyết triệt để. Vấn đề chiến tranh cho đến nay vẫn còn nhiều trăn trở không nói thành lời: “Chẳng ai được cả, kể cả người thắng cuộc. Tổn thương và mất mát…Mất mát hiện diện mọi nơi”(tr.74, sđd), Cuộc tìm kiếm tình yêu của chị tôi vẫn vô vọng. Nỗi bất an của Tôi về việc người vợ có nhiều nhu cầu khác mà tôi không thể đáp ứng vẫn còn nguyên đó. Vợ Tôi vẫn tiếp tục đua đòi lối sống thực dụng và ngày càng coi thường gia đình Tôi, xấc láo với ba Tôi. Chú Tôi mất tích vẫn chưa tìm thấy. Chuỗi tràng hạt và bức ảnh Đức Mẹ của ông tôi vẫn không tìm thấy. Ba Tôi sẽ làm gì để mẹ Tôi đỡ phải gò lưng ngồi may, và Tôi sẽ phải làm gì để có thể là một người đàn ông như mong mỏi của người vợ (trước đó Tôi vẫn chưa hoàn thành việc đánh máy thuê tập bản thảo do chị đưa cho, thay vào đó Tôi chỉ chơi game). Nếu vợ Tôi bỏ, Tôi biết đi đâu khi “Tôi biết tôi sẽ không chịu nổi khi phải sống trong cái trại thương binh với sái chiếc giường sắt đặt trong cùng một căn phòng ba chục mét vuông cùng với sáu chiếc xe lăn, sáu cái cà mèn, sáu cái chén ăn cơm, sáu đôi đũa, sáu cái ly uống nước, sáu cái bô có nắp đậy… và một cái phòng vệ sinh chật hẹp”(tr 93, sđd).
Sự chênh vênh này của ngòi bút Bích Ngân là có thể hiểu được bởi vì đây là tiểu thuyết đầu tay của chị, chị lại viết về một đối tượng khó (người tật nguyền), lại chọn lựa một cách viết đòi hỏi trình độ tư tưởng và trải nghiệm nào đấy.
Vì thế, tác phẩm cũng treo lơ lửng giữa bờ hiện thực với những đòi hỏi tích cực của một sứ mệnh văn chương, và giữa bờ Hiện sinh là một cuộc tra vấn tư tưởng. Làm thế nào để chữa lành Con Người Tật Nguyền giữa thế giới còn sự hiện diện của cái ác (tr. 268, sđd).
Cả hai bờ vực này ngòi bút Bích Ngân chưa vượt qua được.
Tôi tin rằng các nhà phê bình sẽ còn nói đến tác phẩm này nhiều nữa, bởi Thế giới xô lệch còn nhiều khoảng trống đòi buộc người đọc phải lấp đầy, và tác phẩm này có khả năng đáp ứng những “tầm đón đợi” mới ở tương lai.
Tôi nghe được tiếng kêu bi thiết của con người tật nguyền trong Thế giới xô lệch, ngay cả khi họ còn đủ tứ chi. Nhân vật người anh nói: “nhiều lúc con thấy mình còn què quặt, tật nguyền hơn cả thằng út nữa” (tr.290, sđd). Và người chị, “Chắc cũng không khác gì tôi, chị cũng mang thương tích, cũng cắn răng chịu đau. Và, có lẽ chị cũng đang sống cùng với nỗi đau” (tr.254, sđd). Khi nào những “con người tật nguyền” trong xã hội này chưa được băng bó vết thương, được chia sẻ nỗi đau, được yêu thương chăm sóc thì người ta còn phải tra vấn về sự tồn tại của kiếp người. Thế giới xô lệch là một chia sẻ giàu tính nhân văn, chia sẻ về “thứ ánh sáng… không chỉ có ở thiên đường mà đang tràn ngập ở đây, nơi những con người lạc mất nhau đã tìm thấy nhau” (tr.309, sđd).
Tiếp cận được kiểu loại tác phẩm tư tưởng, Thế giới xô lệch là một đóng góp có giá trị cho văn chương Việt Nam đương đại, bởi kiểu loại tác phẩm này còn thưa thớt (Cùng thời với Thế giới xô lệch có tiểu thuyết Song Song của Vũ Đình Giang. 2007, tiểu thuyết Giữa dòng chảy lạc của Nguyễn Danh Lam, 2010). Điều này giúp ta hiểu được, dù đã được xuất bản 10 năm trước đây, Thế giới xô lệch vẫn mang nguyên vẹn hơi thở của thời đại.
Chú thích:
[1] Thế giới xô lệch nhưng Bích Ngân vẫn hiền lành:
http://toquoc.vn/.
[2] Nhà văn Bích Ngân viết về cuộc chiến thời bình của thương binh
http://sankhau.com.vn/.
[3] Bích Ngân trả lời phỏng vấn
https://vnexpress.net/.
[4] Tham luận Hội thảo khoa học quốc gia Thế hệ nhà văn sau 1975,
do Trường Đại học Văn hóa Hà Nội, tổ chức 28/4/2016
https://trieuxuan.info/.
[5] trong vở kịch No Exit, nhân vật Garcin đã thốt lên: “Tha nhân là địa ngục.”
“Hell is other people” (Jean-Paul Sartre, No Exit, translated by Stuart Gilbert). 
12/6/2019
Bùi Công Thuấn
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...