Thứ Ba, 31 tháng 10, 2023

Nỗi nhớ đầy vơi đọng chín miền lục bát

Nỗi nhớ đầy vơi
đọng chín miền lục bát

Người thơ ơi, còn có thể trích dẫn ra nhiều hơn nữa những bông lục bát đã chín từ cánh đồng thơ của anh, nhưng với thơ mọi sự đủ đầy đều trở nên thừa thãi. Dẫu biết đến với thơ là để tìm cái hay cái đẹp, nhưng còn đôi chút “lăn tăn” về những hạt non, hạt lép trong cánh đồng lục bát mùa này của anh thiết nghĩ cũng nên tỏ bày cùng tác giả và bạn đọc để nuôi cái hy vọng cho những mùa sau.
Sau những năm dài tháng rộng tung tẩy cùng nhiều thể loại thơ, mùa thu năm Nhâm Thìn này, người thơ Ngô Văn Cư hóa thân vào miền lục bát qua tập thơ Chỉ còn nỗi nhớ. Lục bát Ngô Văn Cư vẫn là những thanh chữ đều đặn mang khuôn thước tự ngàn xưa mà trở trăn bao nỗi niềm từ thẳm sâu mấy cõi: Tiếng chuông lấm láp bụi đường/ Sân chùa xước những vết thương cõi người/ Gió mây lệch một cuộc chơi/ Lưng trời chiếc lá tự rơi lạnh lùng (Ngộ 2).
Giữa ồn ã chợ đời, thơ của thánh thần và ma quỷ lẫn lộn, thơ Ngô Văn Cư lặng lẽ tỏa hương bằng chính cái “chất Người” qua những dòng lục bát. Không gian của lục bát thì vô cùng vô tận, vấn đề là người thơ được trời cho cái duyên, cái ngộ với lục bát bao nhiêu để có những câu thơ thực sự làm lay động lòng người.
Trong tập thơ Chỉ còn nỗi nhớ của Ngô Văn Cư đã thấy những bông lục bát thấp thoáng nét tài hoa đang vào mùa chắc hạt. Mấy nhành lục bát đầu tiên mà ta hái được từ miền nhớ của anh là những câu thơ nặng đầy tình cha, nghĩa mẹ: Mẹ nhòa vào núi xa mờ/ Con như sông vắng một bờ buồn trôi/ Lẫn trong cát bụi mồ côi/ Mà nghe gió vẫn chưa thôi miệt mài (Chưa thôi). Và đây nữa, hai mươi tám chữ mang nỗi nhớ dành cho những đấng sinh thành, đang nương náu khói nhang bay về miền cực lạc: Xưa qua sông mẹ làm đò/ Đời mênh mông có bến bờ của cha/ Bây giờ lạy bóng ngày qua/ Liêu xiêu vàng mã, nhạt nhòa khói hương (Muộn màng). Những câu lục bát của Ngô Văn Cư cứ dịu dàng đưa ta về miền nhớ. Miền nhớ ấy mang những kỷ niệm, những hồi ức vừa cá thể, cụ thể của riêng anh, nhưng nó lại mang cái tình chung, cái đa đoan chung của kiếp người. Có lẽ nhờ điểm này mà thơ Ngô Văn Cư sẽ dễ dàng được người đọc đón nhận. Hỡi ôi, Trong sự phát triển của văn chương hôm nay, đã có biết bao nhiêu cuộc cách tân, thử nghiệm… dành cho thơ đã được triển khai, nhưng kết quả là bạn đọc của thơ cứ ngày một vơi dần.
Lục bát Ngô Văn Cư vừa quen vừa lạ. Cái quen là ở mạch thơ, nhịp thơ và vần điệu. Cái lạ là sự cô đọng của ngôn ngữ thơ, là sự hàm ngôn của câu chữ nơi anh, là cách xử lý tình huống gọn ghẽ, hợp lý để khi bài thơ khép lại mà bóng chữ còn tạo ra nhiều chiều liên tưởng cho người đọc.
Bây giờ nửa nắng nửa mưa/ Nửa phố thị nửa quê mùa cũng tôi/ Người xưa thắt bím xưa rồi/ Tôi còn tìm nhặt hương đời đoan trang/ Chắp tay cầu nguyện muộn màng/ Rằng thưa tôi đã đa đoan làm người! (Vì em tôi sống đời hơn)
Có được làm người mới được đa đoan, có đa đoan thế mới có những lúc sống hết mình cho phần người trong cả hai chiều thực, ảo:
Giữa trăm ngàn nỗi ngổn ngang/ Hồn còn vương vấn hai bàn tay êm/ Tình nồng ở phía có em/ Chiếu chăn ở phía êm đềm trống huơ/ Chiều nay mây trắng vật vờ/ Nhớ ngày yêu đến dại khờ mà đau! (Mây trắng vật vờ)
Kìa, sau mấy câu thơ hiện lên mái đầu người thơ vừa chạm mùa sương tuyết, những buồn vui nhung nhớ của ngày xưa dâng trắng trên từng sợi bạc giữa ngàn nỗi tảo tần. Lục bát Ngô Văn Cư có những bài gợi nhiều sự liên tưởng thú vị cho người đọc bởi sự trải nghiệm của anh:
Khi yêu ghét, khi vui buồn/ Lênh đênh trong cõi vô thường một tôi/ Dấu chân in khắp nẻo người/ Mới hay mình vẫn còn ngồi với đêm (Đối diện với đêm)
Câu kết của bài thơ: “Mới hay mình vẫn còn ngồi với đêm” thật độc đáo, nó thuộc miền “ngộ năng” của thơ. Những câu thơ trước nó là sản phẩm của lý trí, của tư duy, còn câu kết là của trời cho.
Vâng, phải là có cái trời cho thì mới nhìn được ngày xưa và hôm nay rưng rức trong màu phượng đỏ: Tuổi thơ chợt đã khói sương/ Nhặt hoa phượng thắm sân trường rưng rưng(Chợt đã khói sương). Phải có cái trời cho để đưa hồn vía ngày xưa đọng vào câu chữ giữa phút bình lặng mong manh: Sớm nay trời đất bình yên/ Nghe bồi hồi gió xuân mềm ru mưa/ Vội vàng nghiêng nón tuổi thơ/ Miên man hồn vía ngày xưa dỗi hờn (Một thoáng tuổi thơ)…
Người thơ ơi, còn có thể trích dẫn ra nhiều hơn nữa những bông lục bát đã chín từ cánh đồng thơ của anh, nhưng với thơ mọi sự đủ đầy đều trở nên thừa thãi. Dẫu biết đến với thơ là để tìm cái hay cái đẹp, nhưng còn đôi chút “lăn tăn” về những hạt non, hạt lép trong cánh đồng lục bát mùa này của anh thiết nghĩ cũng nên tỏ bày cùng tác giả và bạn đọc để nuôi cái hy vọng cho những mùa sau. Trong tập thơ thi thoảng vẫn gặp những câu thơ nhàn nhạt, nặng tính hình thức và khẩu hiệu: “Cầu trời ta nhận ra ta/ Sợ mình chưa đủ thật thà với ai”(Lời sám hối cho ta). Lại có những câu to tát, mạnh mẽ quá mà cái tình chả gợi được bao nhiêu: “Vấp vào vũng mắt em hồng/ Tình anh ngã giữa môi hồng tháng Giêng” (Vấp ngã). Rồi nữa: “Mừng em tình thắm duyên ưa/ Trăm năm viết một bài thơ tuyệt vời” (Mừng duyên). Thơ ơi, Nghiệt ngã lắm cái miền huyền ảo nhưng chất chứa cái tình chân thật đằng sau bóng chữ, bởi vậy những thật thà, dễ dãi của câu chữ hiển lộ dù có dịu dàng vần điệu chắc đâu đã là của miền thơ đích thực phải không anh?
Lục bát ơi, vài điều nho nhỏ chia sẻ cùng người thơ Ngô Văn Cư và bạn đọc xa gần khi chạm miền lục bát của anh. Cái hay, cái đẹp, cái tình xin người giữ lại. Chút chưa hoàn thiện xin gửi vào những tập thơ sau của anh. Kìa, vầng trăng cổ tích đang chín vàng giữa trong trẻo trời thu sau vạn ngàn giông bão. Dẫu chợ đời, chợ thơ trong cái cuộc người này đang ồn ã bán mua, thật giả… thì những câu thơ mang hồn cốt dân tộc Việt vẫn luôn đập cùng trái tim của bạn đọc xa gần.
Hà Nội, 14/6/2019
Nguyễn Thế Kiên
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...