Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Nguyễn Ngọc Hạnh - Phơi nỗi buồn lên thơ

Nguyễn Ngọc Hạnh
Phơi nỗi buồn lên thơ

Tôi quen Nguyễn Ngọc Hạnh từ những năm tám mươi của thế kỷ trước. Gần 40 năm qua, anh có thơ đều đặn xuất hiện trên hầu hết các báo chí văn nghệ ở trung ương và địa phương, nhưng cho đến nay ngoài mấy tập thơ in chung, anh mới xuất bản hai tập thơ riêng cho mình: Khi xa mặt đất (1979) và Thơ tình Nguyễn Ngọc Hạnh (2012) và được biết tập thứ ba Phơi cơn mưa lên chiều của anh đang chuyển vào nhà in.
Có thể hình dung Nguyễn Ngọc Hạnh viết rất chậm. Anh có ý thức trách nhiệm với từng câu chữ và rất cẩn trọng với mỗi nhịp điệu, gieo vần. Có lẽ nhờ vậy, thơ anh giàu nhạc điệu, có đến gần 40 bài thơ của anh được phổ nhạc, trở thành những ca khúc được khán giả quan tâm. Anh không lấy thơ ca làm sự nghiệp ở đời, nhưng bản lĩnh của thi nhân vẫn cứ vẫy gọi anh đi về phía cái đẹp: “Thơ tôi không làm thêm nhan sắc/ Em cứ lặng thầm mà chín vào trong” (Nhan sắc). Chỉ có thi nhân mới cảm nhận được, tri nhận được cái thế giới bên trong đó, rồi bằng các thao tác mỹ cảm “lộn trái” ra bên ngoài cho mọi người cùng chiêm ngưỡng cái chân trời nhan sắc vừa gần gũi vừa xa xôi, vừa cụ thể như bày ra trước mắt, vừa trừu tượng, mơ hồ chỉ có thể chiêm nghiệm bằng con mắt tâm cảm.
Chữ viết, theo các nhà cổ học, xuất hiện với loài người vào khoảng thiên niên kỷ từ thứ IX đến thứ IV trước công nguyên. Dù viết bằng bút, bằng máy chữ hay máy tính, chữ đều phải qua tay người. Chữ qua tay ai đều mang hơi ấm, mang hồn cốt của người đó, để làm nên hồn chữ. Hồn chữ được tổ chức sắp xếp có vần, có điệu, trở thành những sinh thể nghệ thuật của Nguyễn Ngọc Hạnh là hồn quê, hồn làng. Tình yêu hằn nổi lên giữa những dòng thơ như những đường gân trên chiếc lá là tình yêu làng quê, bản quán, nơi anh sinh ra có dòng sông chảy qua, dù “Đời bao nhiêu dòng chảy/ Sông chỉ một dòng thôi” (Sông tôi). Chỉ nhìn vào tiêu đề của các bài thơ cũng có thể nhận ra hồn quê, sông quê thao thiết chảy vào thơ anh như một nỗi ám ảnh khôn nguôi: Làng, Quê mẹ, Về quê, Hoa ven sông, Hoa và dòng sông, Sông tôi, Lục bát qua sông, Chạm đáy song đầy… Ở đời, không thiếu người chối bỏ làng quê của mình, nhưng Hạnh thì ngược lại. Chàng trai quê mang cả làng quê ra phố, không chỉ đầy ắp những ký ức về quê hương cố quận, mà còn thể hiện bóng dáng của nó một cách chân chất trong cả con người và đời sống tâm hồn một cách vẹn nguyên không hề thay đổi:
Làng tôi ở ven sông
Bốn bên núi bốn bề yên ắng
Chưa hiểu hết mưa nguồn
Tôi đi về phía biển
Qua bao nhiêu phường phố
Thuộc hết những tên đường
Người trên phố hàng cây và gió
Đều nhận ra tôi dáng dấp làng quê
Cái làng ấy ra đi cùng tôi
Mà tôi nào hay biết
Chỉ mỗi điều giữa câu thơ tôi viết
Con sông quê bóng núi cứ chập chờn
Xưa tôi sống trong làng
Giờ làng sống trong tôi
(Làng)
Thơ tình, dĩ nhiên chiếm phần lớn trong tập là tình yêu đôi lứa, được thể hiện bằng nhiều cung bậc khác nhau, nhưng đều hòa quyện, gắn bó – một kiểu tư duy nghiệm sinh hiện đại – với những cảm xúc mạnh mẽ về đời sống, làng quê, bản quán, nhất là với tha nhân. Đối tượng trữ tình là một em nào đó, bủa vây chung quanh em là cái tôi trữ tình của nhà thơ đứng ở vị trí thượng tôn đối với cảm xúc trữ tình, trùng khớp với hình tượng tác giả trong tác phẩm. Từ “em là bốn mùa hạnh phúc/ đã cho tôi đắm say, mật ngọt” (Hạnh phúc), nên đến lúc phải “tìm em, tôi đi tìm em/ chưa kịp nhớ đã quên đường rồi” (Tôi đi tìm em). Sự nhớ sự quên trong tâm tưởng thi nhân không thể nào nói hết. Đôi khi “bỗng thấy mình chẳng nhớ nổi một con đường” (Trương Quý Hải), nhưng em thì vẫn nhớ. Thường trực trong không gian, miên man trong thời gian là nỗi nhớ trước sự trống vắng bơ vơ, đến mức cảm giác rằng “mới thôi/ mà đã một ngày/ tôi bơ vơ/ giữa đắm say nhớ người” (Một ngày), hoặc “đôi khi nhớ hoài tiếng khóc/ và những giọt nước mắt / rồi thương em mà đâu biết làm gì/ tôi một mình, lặng lẽ, đôi khi…” (Đôi khi). Trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh ít xuất hiện các địa danh. Nhưng ở bất cứ đâu đều có thấp thoáng bóng dáng một người nào đó. Ngoài những biểu tượng thường xuyên choáng ngợp tâm hồn anh như làng quê, cố quận, dòng sông, dáng núi, con đường, ruộng lúa, anh chỉ nhắc đến ba địa danh xa: Mưa Bình Dương, Mưa ở Huế, Gửi Hà Nội. Nói đến Huế là nói đến mưa. Điều đó không có gì mới. Nhưng trong cơn mưa ở sân ga, Hạnh “bỗng dưng/ đi nhớ một người/ nhớ câu thơ cũ/ của thời mộng mơ”; ngược lại, dưới cơn mưa Bình Dương lại “cháy giữa lòng tôi cơn khát”, hoặc đến Hà Nội vào mùa đông mà anh vẫn “đóng” hồn mình ở lại với bao lời bóng gió yêu đương thật lãng mạn đến mức hồn nhiên:
Bây giờ xin được ngỏ lời yêu
Xin gửi lại tâm hồn tôi ở đó
Nơi mẹ ru em thời thơ ấu
Là nơi tôi ngồi hát ru mình
Có ai ngờ một sắc trời xanh
Mà tràn ngập hồn tôi mây trắng
Cuộc đời em còn đâu tĩnh lặng
Ngọn gió đi qua lay động hồ đầy
Đến một lần rồi ở lại nơi đây
Ngõ phố ngày xưa em tan học
Để tìm lại cô bé ngồi kẹp tóc
Để mà yêu Hà Nội đến nao lòng
Thế giới hình tượng trong thơ Nguyễn Ngọc Hạnh sinh động, lấp lánh, lung linh không chỉ nhờ sự giàu có về cảm xúc, mà còn có sự lay động được chi phối một cách năng động bởi hình tượng tác giả. Ngoài những hình tượng về sự vật, đồ vật, loài vật là những người em, người mẹ, người bạn…, thậm chí có cả người Nông dân tay lấm chân bùn, đều được chi phối bởi hình tượng tác giả thông qua cảm xúc. Một trong những bài thơ hay, chợt hé lộ nghề nghiệp khi mới vào đời của tác giả, là bài Điểm danh, và cũng chính vì sự bắt đầu bằng nghề dạy học này, đã quy định lối sống, lối yêu đương cảm xúc, sự vận hành tư duy và cách hành ngôn luôn chừng mực, mạch lạc, có sự tham gia của lý trí và lúc nào cũng có vẻ như đang “ướm thử” hoặc lấy đời sống làm thước đo cho mình của thi nhân:
Tôi cầm ngọn lửa trên tay
Ngọn lửa âm thầm cháy đỏ
Soi cho các em để sáng cho mình
Mỗi giờ đến lớp điểm danh
Thừa một chỗ ngồi thiếu người chia lửa
Đêm về khoảng trống cháy khôn nguôi
Lớp học nào lớp học đời tôi
Vắng một giây thôi sẽ không là tôi nữa
Đâu chỉ các em cả người giữ lửa
Cũng sợ tàn rơi rát bỏng tay mình
Đi qua chưa hết cuộc đời
Nói sao cạn tỏ
Ngọn lửa thức cùng tôi thế đó
Đã bao lần tôi tự điểm danh tôi
Cho dù anh chỉ dạy học một thời gian ngắn rồi chuyển sang làm công tác văn hóa văn nghệ, làm báo, làm thơ nhưng cái chất nhà giáo như một ngọn lửa “cháy khôn nguôi”, chi phối cả tư duy thơ Nguyễn Ngọc Hạnh, từ cách chọn cấu tứ đến cách tổ chức, trình bày từng khổ thơ, từng câu thơ và ngôn từ nghệ thuật, nhằm biểu hiện ý tưởng nghệ thuật. Đặc điểm dễ nhận ra là dường như nhà thơ muốn đi đến cùng thi pháp sáng tạo của các nhà thơ mới trước đây, luôn có khát vọng muốn phá vỡ những quy phạm truyền thống, từng trói buộc câu thơ, giam hãm cảm xúc, cố tìm tự do trong việc tổ chức câu thơ số chữ không đều nhau, câu thơ rớt hàng, tạo dựng những khổ thơ chỉ có hai hoặc ba câu, đặc biệt là khổ thơ cuối thường chỉ có hai câu, và đó là hai câu triết lý, là ý tưởng được khái quát trên cái nền của một tư tưởng – nghệ thuật đã được triển khai và dẫn dắt rất kín đáo trước đó, tạo nên những sinh thể nghệ thuật đặc sắc. Có nhiều bài có khổ cuối chỉ hai câu: Trong đêm Giao thừa người thơ nhập tâm trạng mình vào dòng chảy của thời gian, nhẩm tính điểm nút giao giữa đêm và ngày, tôi và em, thời gian và không gian, mà miên man nghĩ rằng “rồi ngày qua đêm sẽ trôi/ mình tôi ngồi lại cùng tôi giao thừa”; một mình Về quê nhìn dòng sông xưa, bến cũ, con đò trong tâm trạng đơn lẻ hoang vắng, đành phải chấp nhận thực tế là “không còn thì thôi xin đành/ người ơi tôi cúi hôn mình trên sông”; sau bao nhiêu thăng trầm, tan hợp, luận về Hạnh phúc trong nỗi cô liêu, thi nhân buông một lời kết “chưa đi qua hết đò ngang / làm sao hiểu đời sông dọc”… Quanh đi quẩn lại, những triết lý anh rút ra đều là nỗi cô đơn hiu quạnh của phận người, kiểu “một mình tôi về với tôi” (Trịnh Công Sơn). Đọc thơ Hạnh, tôi có cảm giác hầu như những bài thơ của anh đều được sáng tác vào những đêm khuya vắng lặng, là lúc anh trở về với cái ái ngã của chính anh, tự lục tung những ô ngăn trong ký ức tâm hồn, tìm đâu là nỗi ấm nóng, là hơi thở lung linh hiến dâng cho người / tha nhân, đâu là sự lạnh lẽo quạnh hiu, nỗi suy tư trĩu nặng dồn chật tâm hồn riêng mang để khổ đau, bởi lẽ, ngay cả “cỏ cây / và chỗ em ngồi / là sân ga nhỏ / giữa đời quạnh hiu” (Mưa ở Huế).
Tôi chưa có may mắn được thưởng thức những bài thơ được phổ nhạc của Nguyễn Ngọc Hạnh. Nhưng cứ đọc qua những bài thơ giàu nhạc điệu như Hoa ven sông, Hoa và dòng sông, Đôi khi, Mưa Bình Dương, Quê mẹ, Sông tôi, Khi xa mặt đất, Qua đò nhớ mẹ, Làng…  cũng đủ chứng tỏ rằng anh rất có ý thức trong việc giữ gìn nhịp điệu cho ngôn từ, để tạo sức sống âm vang cho câu chữ, dường như có bài, có đoạn đôi khi đọc lên là thơ, hát lên là nhạc. Tuy nhiên, đôi khi quá chú trọng đến giai điệu, mà quên chăm chút cho giọng điệu, dễ dẫn đến sự nghèo nàn về hình tượng – là cái bản chất của sự vật hiện tượng mà do hiệu ứng thẩm mỹ người thưởng thức có thể hình dung ra, chứ không phải cái mà nhà thơ nói hết ra. Bên cạnh đó, cũng vì quá chú ý đến cấu trúc của chỉnh thể nghệ thuật, vận dụng tư duy như một nhà khoa học đã làm suy giảm sức mạnh của cảm xúc, không tạo được những lay động, thậm chí những chấn động mãnh liệt, trong tâm hồn người đọc.
Cố nhiên, không phải đợi đến tập thơ này, mà từ những bài thơ in báo, Nguyễn Ngọc Hạnh đã tạo được một giọng điệu tâm hồn nồng ấm nội dung mỹ cảm, mang hồn cốt văn hiến của làng quê, ký ức bãi bồi. Trong tâm hồn anh dường như lúc nào cũng ủ sẵn những hình tượng mỹ cảm, đẹp mà buồn, chờ mỗi khi có nắng lên, anh đem hong phơi theo một trật tự liên hoàn trên dây phơi của ngôn ngữ, không phức hợp, cầu kỳ, mà giản đơn, chân chất. Đó chính là thơ, là Phơi cơn mưa lên chiều, là giọng điệu tâm hồn Nguyễn Ngọc Hạnh.
7/8/2018
Phạm Phú Phong
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...