Thứ Hai, 30 tháng 10, 2023

Trần Dần - Thi sĩ đầu ô tím

Trần Dần - Thi sĩ đầu ô tím

Trong những bài thơ mi-ni mà Trần Dần ghi vào “Sổ bụi”, tôi thích nhất bài: “Tôi tên nô lệ vàng/ Tôi ở đầu ô tím”. Thích đến nỗi ám ảnh.
Dù bây giờ, Trần Dần đã đi xa dương thế tròn 20 năm, nhưng cứ mỗi lần đi qua căn nhà số 7 Vũ Lợi, Hà Nội tôi lại tưởng tượng ra cái góc ngồi của ông, cái khoảng tường mà Trần Dần từng ngồi trên chiếc ghế tựa lưng vào để ngẫm nghĩ và sáng tạo qua bao nhiêu năm, đã in lại tấm lưng màu đen như cái bóng của ông để lại với nhân gian, thường chợt hiện lên trên nền vôi trắng. Cái khoảng đen ấy là góc Trần Dần. Từ cái góc này, ông thường cùng tôi đi sang quán bia ở ngã tư Khâm Thiên dẫn tới Ô Chợ Dừa.
Những năm đầu Hải Phòng giải phóng. Ngày ấy, tôi còn bé quá. Nhưng không hiểu sao những câu thơ mà một thời dài làm bao người né tránh như né tránh một kiếp nạn lại nhanh chóng nhập vào trí nhớ của tôi: “… Tôi bước đi/ Không thấy phố/ Không thấy nhà/ Chỉ thấy mưa sa/ Trên màu cờ đỏ…”.
Nghe nói đó là những câu thơ bị phê phán rất nặng trong vụ Nhân văn – Giai phẩm và tác giả của nó, nhà thơ Trần Dần bị kỷ luật. Từ đấy, những câu thơ ấy cứ bất chợt làm tôi suy nghĩ. Nếu cứ suy luận từ mấy câu thơ này thì có lẽ lỗi của ông Trần Dần nào đó quả là rất nặng.
Tôi lớn lên, qua đại học rồi gia nhập quân đội: Tuổi thanh xuân cuốn theo chiến tranh. Cờ đỏ trong thơ tôi lại thực như đời lính của tôi: “Ra đi một thời khốc liệt gian lao/ Hy sinh như người lính mới/ Tấm bằng đỏ thay cho lời nói cuối/ Ghép nên những lá cờ”. Bởi thế, có lúc, tôi đã quên câu thơ trên của Trần Dần. Nhưng từ ngày thống nhất đất nước, nhất là những năm cuối cực kỳ khó khăn của thời bao cấp, những câu thơ trên của Trần Dần lại hiện về trong trí nhớ.
Cũng chính với những băn khoăn như thế, sau ngày đổi mới, tôi đã gặp Trần Dần và mới hiểu ra tận tường mọi nhẽ. Lúc này, Trần Dần đã bị tai biến nên méo mồm, nói rất khó, đi phải chống gậy.
Trần Dần sinh ở Nam Định. Cụ thân sinh lấy ngay năm sinh Bính Dần 1926 đặt tên cho cậu con trai. Hai mươi tuổi Trần Dần cùng Đinh Hùng, Vũ Hoàng Chương, Vũ Hoàng Địch (em trai Vũ Hoàng Chương) và Hoàng Lộc đã ra “bản tuyên ngôn tượng trưng” với ước muốn “Chôn Thơ Mới” và công bố những bài thơ đầu tiên của nhóm trên Báo Dạ Đài ở Hà Nội tháng 11.1946. Nếu không có cuộc chiến tranh chống Pháp, có thể Trần Dần và nhóm của ông mà người ta quen gọi là nhóm Dạ Đài sẽ trở thành những thi sĩ tượng trưng. Bước vào cuộc chiến tranh cùng dân tộc, họ đã bẻ ngoặt lối đi nghệ thuật của mình theo lịch sử. Vũ Hoàng Địch làm lời cho “Ba Đình nắng” của Bùi Công Kỳ rất hoành tráng. Hoàng Lộc hy sinh sau bài thơ “Viếng bạn” nổi tiếng, còn Trần Dần thì dấn thân cùng những đoàn quân khắp các chiến trường Việt Bắc, Tây Bắc và cuối cùng là chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ. Chính sự dấn thân này cho ông một suy nghĩ mới về thơ và tiểu thuyết. Tiểu thuyết “Người người lớp lớp” đã đưa cái tên Trần Dần vào văn học Việt Nam thời chống Pháp.
Cũng như thế, ông đã nghĩ về thơ như sau: “Vào chiến tranh, tôi muốn thơ tôi thế nào?… Lúc tôi muốn một thứ thơ dễ dãi. Lúc một thứ thơ không có vần. Lúc một thứ thơ như một hạt ngọc. Lúc một thứ thơ kể chuyện. Lúc một thứ thơ gồ ghề. Lúc một thứ thơ hiền lành có cái khỏe của một bắp thịt hồng. Lúc một thứ thơ na ná như của anh lính, nó mát mà lành, nó hiền mà khỏe, nó thực tế. Lúc một thứ thơ na ná như bài nói của anh cán bộ, nó đả thông, nó giục giã, nó lý luận… tôi muốn một thứ thơ không có vần, không có kỷ luật – người ta thích thơ dễ đọc, có vần. Vì vậy tôi muốn một thứ thơ nào đó rất tự do nhưng rất có nhịp chắc chắn…”. Suy nghĩ này của Trần Dần thêm một lần cho thấy cuộc tranh luận “thơ không vần” vẫn chưa có kết luận chính đáng. “Thơ không vần” vẫn đòi phải có đời sống của nó. Giống như Hữu Loan, Trần Mai Ninh, Trần Huyền Trân…, Trần Dần tìm đến thơ bậc thang kiểu Mayakovski nhưng với nhịp và ngôn ngữ thuần Việt. Khi Tố Hữu rất thành công với “Việt Bắc” như một bài lục bát dài, Trần Dần viết hùng ca “Đi! Đây Việt Bắc”. Một hùng ca mà ông gọi là “hùng – ca – lụa” giống như kiểu gọi “tranh lụa” được vẽ nhiều lần, nhàu nát hoặc thấm nước, màu vẫn khó phai.
Trong khi viết hùng ca này, Trần Dần có in bài thơ dài “Nhất định thắng” có mấy câu thơ trên trong tập san Giai phẩm số xuân 1957 do Nguyễn Hữu Đang làm chủ nhiệm và Hoàng Cầm làm chủ biên. Bài thơ đã làm cho những người lãnh đạo văn nghệ không vui. Nhưng sau đó, do là văn nghệ sĩ quân đội mà cứ đòi được tự do đi lại chứ không muốn tuân thủ kỷ luật ở doanh trại như mọi người lính, lại thêm chuyện kiểm điểm văn nghệ ở Thái Hà Ấp, nhất là khi bài Hoàng Cầm viết về Trần Dần mang tên “Con người Trần Dần” in trên báo Nhân Văn số 6 – số cuối cùng trước khi đình bản, thì Trần Dần cùng với Hoàng Cầm, Lê Đạt, Phùng Quán đã bị khai trừ ra khỏi Hội Nhà văn Việt Nam và sống như người dân thường ở ngoài biên chế. Nhưng dù phải sống trong một thực tế như vậy, Trần Dần vẫn lặng lẽ sáng tạo theo đúng những gì mình đã nghĩ. Tác phẩm cuối cùng mà Trần Dần in chung cùng Hoàng Cầm, Văn Cao, Lê Đạt đã khép lại một thời kỳ sáng tạo. Ở những sáng tạo thời kỳ sau của ông có các trường ca “Đi! Đây Việt Bắc!”, “Cổng tỉnh”, “Mùa sạch”, “Những ngã tư và những cột điện”. Đặc biệt là những bài thơ mi-ni ghi trong các “Sổ bụi” như: “Có những chân trời không có người bay/ Có những người bay không có chân trời”, hay “Mưa không cần phiên dịch”… Tất cả những tác phẩm này, sau khi ông được phục hồi hội tịch đã được ấn hành trong đó có “Cổng tỉnh” (thơ tiểu thuyết) xuất bản năm 1994 đã được trao giải thưởng Hội Nhà văn năm 1995.
Từ khi được gặp ông và được ông quý mến tôi hay ngồi uống rượu với ông khi thì ở quán Nguyễn Thượng Hiền, khi thì ở ngã tư Khâm Thiên. Và nhất là được ông cho đọc những bản thảo và được tặng những cuốn sách của ông vừa ấn hành. Tôi hay đùa ông: “Hóa ra các bác đều là tay tổ mác-xít cả. Có khi vì thế cho nên các bác cứng rắn, không chịu lùi nên mới xảy ra chuyện…”. Trần Dần cười nhếch mép. Cái miệng méo càng cười nhìn càng đau đớn. Bệnh tật cũng là do những năm tháng lao động sáng tạo trong chật vật mà sinh ra. Hồi ấy, sau sự việc “Nhân văn Giai phẩm” xảy ra, Trần Dần âm thầm lui về cái góc của mình. Những năm tháng nhọc nhằn giữa Hà Nội là chất liệu tốt và quý hiếm cho Trần Dần chắt chiu để mài luyện phong cách riêng cho thơ mình. Bao nhiêu trường ca, tiểu thuyết được hoàn thành ở góc Trần Dần này. Rồi cả cuộc đời chơi thơ mi-ni. Ông từng nói: “Những nốt mi-ni rồi sẽ qua đi. Như thơ mi-ni còn mãi”. Với một bản thể mạnh của “ông ba mươi”, cho dù bệnh tật làm cho bước chân Trần Dần chuyển động khó nhọc, thơ ông vẫn chuyển động liên tục qua các động từ. Chơi động từ là cá tính sáng tạo của thơ Trần Dần. Có lần báo Văn Nghệ in bài thơ dài của ông về chuyện đám cưới. Không một câu thơ nào là không có động từ. Và các động từ trong bao nhiêu câu thơ như thế đều không giống nhau. Cũng ở góc ngồi này, ông đã hoàn thành xuất sắc bản dịch “Ống sáo đốt sống lưng” của Mayakovski qua bản tiếng Pháp. Rồi dịch “Những người chân đất”, “Chú bé”, “Cậu tá”, “Chú nhóc đen”, “Giết người là nghề của tôi”… Cũng ở góc ngồi này, ông và bà Khuê đã phải bao ngày bàn bạc về sự “tồn tại hay là không tồn tại” của thai nhi mà giờ đây đã tạo ra họa sĩ Trần Trọng Vũ đầy tài năng với những nét vẽ như muốn rơi ra khỏi tranh, những nét vẽ như có gì nối tiếp và phát triển từ tranh mi-ni Trần Dần. Cũng ở góc ngồi này, cũng ở góc ngồi này… tuổi tác Trần Dần đã trôi qua.
Một lần ngồi uống với ông ở Ngã tư Khâm Thiên, sau giải thưởng Hội Nhà văn 1995 cho cuốn “Cổng tỉnh” tôi trở lại với “Nhất định thắng”. Tôi nói: “Đọc xong toàn bộ bài thơ, em có cảm tưởng bác nhắc đi nhắc lại cái câu thơ ấy bốn lần trong đoạn hai như muốn chỉ ra đích thực những khó khăn mà cách mạng phải vượt qua. Nếu đọc bài thơ này như nghe một bản nhạc dùng hình thức xô-nát, thì đây là chủ đề tương phản với chủ đề chính và nhờ vậy, làm rõ chủ đề chính hơn, khiến tác phẩm có sức thuyết phục hơn”. Trần Dần lặng im. Một tiếng còi tàu rít qua đầu Khâm Thiên, tôi lại nói: “Nếu người ta nhắc thêm cả câu đầu Những ngày ấy bao nhiêu thương xót thì có lẽ đoạn thơ được nhìn khác hơn. Nó có giới hạn của vấn đề hơn. Nhưng có khi đó cũng chỉ là nêu ra thế”. Trần Dần cạn hết một chén bia. Ông không uống bia bằng cốc vại mà bằng chén. Nhớ hôm nhận giải thưởng ở Hội Nhà văn, cậu con trai phải cõng ông lên gác. Còn lúc này ngồi cùng tôi, thấy ông đã yếu nhiều, nói càng khó khăn. Chỉ có đôi mắt vẫn sáng rực như mắt hổi là nói mọi điều. Nhưng cuối cuộc, dù khó khăn mấy, tôi vẫn nghe ông nói rất chậm: “Cuối cùng, từ “Nhất định thắng”, Trần Dần đã thắng được Trần Dần. Đó là sự đổi mới, sự cách tân của thơ”. Ông đã đúng và mãi mãi đúng.
Sau lần ngồi với ông, không ngờ là lần cuối cùng, tôi vào Sài Gòn công tác và được tin ông đã tạ thế ngày 17.1.1996. Từ đó đến nay đã 20 năm. Nhiều tác phẩm của ông đã được ấn hành. Bề thế nhất là tập “Trần Dần – Thơ” do Nhà xuất bản Đà Nẵng liên kết cùng công ty Nhã Nam xuất bản năm 2008, sau khi ông được truy tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học và Nghệ thuật năm 2007. Năm 2008 cũng là năm Hội Nhà văn Hà Nội truy tặng ông giải “Thành tựu trọn đời”. Năm 2009, tập “Trần Dần – Thơ” được trao Giải thưởng Văn học Nghệ thuật Thủ đô.
Viết bài nhớ ông sau 20 năm xa, mà cảm thấy sau lưng, Tết âm lịch đang tới gần. Lại nhớ những câu thơ độc đáo của ông về Tết trong hùng ca “Đi! Đây Việt Bắc!”: “Tết/ ơ thế, thêm một Tết/ Tôi quẳng nó/ vu vơ/ vào một xó lòng/ Nơi đó/ là kho đồng nát/ Một đống Tết xa nhà/ đã gỉ han lên…”.
Nhưng đấy là những Tết xa nhà đi chiến đấu thời thanh xuân. 20 Tết qua, ông cũng xa nhà. Nhưng không ngày giỗ nào là anh em, bè bạn không tụ quần bên bàn thờ ông. Và rồi từng Tết qua, Tết qua. Lại có những người theo ông về cõi bên kia như Hữu Mai, như Vũ Hoàng Địch… Càng thêm Tết xa nhà hôm nay, tên ông càng sáng lên cùng ký ức.
1/7/2018
Nguyễn Thụy Kha
Nguồn: LĐO 2016
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

  Bùi Việt Phương và những vần thơ lạ từ miền núi Bùi Việt Phương thuộc thế hệ 8X. Phương sinh ra và lớn lên ở miền núi, học xong khoa Ngữ...