Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Ái tình miếu

Ái tình miếu

CHƯƠNG 1
Bến Súc nằm dựa đường quản hạt số 14, là con đường chạy từ châu thành Thủ Dầu Một lên mấy sở cao su miệt Dầu Tiếng, bởi vậy ngày như đêm xe hơi chạy ngang qua chợ nầy dập dìu.
Bến Súc lại nằm trên một cái bưng lớn, ngó xuống phía mặt trời mọc, đất thấp lại được nhờ nước ngọt của ngọn sông Bến Nghé quanh co chan rưới, nên vườn tược thạnh mậu, hoa quả tươi tốt; còn dựa sau lưng, về phía mặt trời lặn, thì đất dốc cao, nên chỗ còn rừng bụi u nhàn, chỗ trồng cao su rậm rợp, chỗ làm ruộng rẫy chớn chở.
Nhờ địa thế như vậy, nên Bến Súc là một làng nhỏ nhỏ mà có cái thú lỡ chợ lỡ quê (1), và người sanh trưởng tại đó có cái thái độ nửa xưa nửa nay, về hình thức thì cư xử theo mới cũng như người chỗ khác, mà về tâm hồn thì chất phác theo cũ, không giống người chỗ khác. Địa thế ấy, người có chí ẩn dật hễ thấy thì yêu liền tâm hồn ấy, người còn trong luân lý hễ biết thì mến lắm.
Ở dưới Thủ Dầu Một đi lên, còn chừng một ngàn thước nữa tới chợ Bến Súc, phía bên tay mặt, gần ngả ba tẻ đường đi Thị Tính, có một toà nhà ngói lớn, kiểu vở giống như nhiều nhà khác ở miệt ấy, nghĩa là nhà vuông vức ba căn hai chái, nềnn xây đá cao ráo, cột bằng gõ láng lẫy, trước hàng ba (2) cửa cuốn bán nguyệt, trên mái lợp ngói móc đỏ lòm. Nhà cất chắc chắn, tiếc vì bề đứng không xứng với bề rộng, nên nhà coi không được khoảng khoát.
Trước nhà có một miếng đất chạy ra giáp mé lộ quản hạt. Đất tuy không rộng lớn cho lắm, song cũng đủ đào mương xẻ liếp (3) mà trồng những xoài, mít, sầu riêng, sa-bô-chê (4) chen lộn với nhau, có nhiều cây cao khỏi nóc nhà, bủa nhành lá sum sê che đất làm cho mặt đất mát rượi.
Sau nhà có một sở vườn rộng một mẫu, đất triền dốc, phía trong chạy lên giáp với đường ranh rừng cấm (5). Vườn xẻ mương ngang mương dọc, nhờ cái suối ở phía sau châm nước; nên mương có nước trong veo và đầy đủ hoài. Trên liếp dài theo mương thì trồng mỗi liếp một hàng cau thẳng băng, rồi trồng giậm với chỗ thì trầu vàng, chỗ thì thơm tàng ong, mà phần nhiều là trà, nhờ nước dưới mương tươm mát gốc, nên cây lên sởn sơ, lá đơm bùm sùm, tược đâm mạnh mẽ.
Cuộc nhà cửa vườn tược nầy thuộc của bà giáo Viễn là một bà sương phụ, năm nay mới 50 tuổi, ở đó mà an hưởng chớ không phải của một nông gia hay là của một dật sĩ nào hết. Bà giáo Viễn còn làm chủ một sở rẫy khác nữa, ở về phía bên kia lộ, mà cách đó chừng vài ngàn thước, rẫy lớn gần 15 mẫu, phần nhiều đương trồng mía, duy có ít mẫu đất thấp cấy lúa được mà thôi.
Đứng trước nhà bà giáo Viễn ngó thẳng ra thì thấy một cái cảnh tốt đẹp phi thường. Dài theo chơn trời xa xa có một giặng cây xanh xanh xem rất khỏe mắt. Ấy là vườn tược dựa theo ngọn sông Bến Nghé. Từ đó trở lại lộ quản hạt thì là một cái bưng rộng lớn, trải một màu xanh lặc lìa. Ấy là những ruộng lúa với bắp, rẫy mía của người trong xứ.
Ai đi ngang qua đây cũng tưởng người ở trong nhà nầy, hằng ngày được xem cảnh ấy chắc trong lòng sẽ thơ thới vui vẻ, không còn phải lo buồn về sự gì nữa mà cũng hết muốn thấy cái cảnh nào khác. Tưởng như vậy thì lầm. Bà giáo Viễn không được vui vẻ như mình tưởng. Bà không vui là vì ngày đêm bà cứ thương nỗi chồng dày công sáng nghiệp, song không Được sống lâu mà hưởng. Bà lại còn lo về nỗi con chưa có đôi bạn đặng sanh con đẻ cháu cho bà tưng tiu nựng nịu.
Ông giáo Viễn hồi trước dạy tại trường Bến Súc gần 20 năm. Ông không háo danh háo lợi, mà ông có tánh cần kiệm, có chí muốn lập nghiệp đặng an hưởng lúc tuổi cao. Trong lúc dạy học, ông cặm cụi lo mua đất khẩn rừng, mỗi ngày ông trồng tỉa thêm một mớ, mỗi năm ông khai phá thêm một khoảnh, bởi vậy cách hai năm trước, ông qua đời, thì ông để lại cái sự nghiệp nầy cho vợ con hưởng, huê lợi vườn rẫy mỗi năm tới năm ba ngàn đồng bạc.
Hiện bây giờ bà giáo Viễn chỉ có hai người con trai mà thôi. Người lớn tên Phúc, năm nay được 25 tuổi, hồi trước có qua bên Tây học được 4 năm, rủi lúc gần thi lấy bằng Bác vật Nông phố thì tiếp được tin cha mất, mẹ buồn, nên phải ép lòng bỏ học mà trở về liền đặng hủ hỉ với mẹ. Còn người nhỏ tên Thọ, 17 tuổi, học tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký dưới Sài Gòn 4 năm, thi lấy bằng Thành Chung (6) rồi mới đi Tây hôm tháng trước mà học thêm.
Một buổi sớm mai, Phúc thức dậy sớm. Thằng Biện là đứa ở phục sự riêng của Phúc, nấu nước chế cà phê cho Phúc uống rồi, thì Phúc mặc quần ống cụt áo sơ mi tay cũng cụt, đầu đội cái nón lợp vải vàng cũ xì, cỡi xe máy đi xuống sở mía, đặng coi chừng sắp bạn (7) làm vườn nó đánh lá mía (8).
Phúc đi được chừng một giờ, bà giáo Viễn đương ngồi uống nước trà, thì có một chiếc xe hơi ở phía Thủ Dầu Một chạy lên ngừng ngay cửa. Bà giáo dòm ra thì thấy ông Cử nhơn Trường bạn học của Phúc hồi ở bên Tây, đương làm giáo sư dưới Sài Gòn, đã có lên thăm Phúc hai ba lần rồi, ông xăng xớm (9) vô sân mặt mày vui vẻ, y phục đàng hoàng.
Bà giáo bước ra cửa tiếp chào, rồi dắt vô nhà mời ngồi. Trường liền hỏi:
- Gần một năm nay cháu mắc bận việc không lên thăm bác với anh Phúc được. Bác ở trên nầy mạnh giỏi?
- Tôi mạnh. Cám ơn ông Giáo sư. Ở dưới nhà ông cũng bình an há?
- Dạ, bình an... Thưa bác, anh Phúc đi đâu vắng?
- Nó mới đi xuống dưới sở mía, để tôi biểu bầy trẻ chạy kêu nó về.
- Gần đây hay xa?
- Gần. Ở dưới đây.
Bà giáo liền kêu thằng Biện mà biểu đi xuống sở mía, mời Phúc về và bà dặn phải nói có khách dưới Sài Gòn lên thăm nên Phúc phải về cho mau. Bà lại biểu người trong nhà coi nấu nước chế trà mới mà đãi khách.
(thiếu) - Không lẽ ngồi im mà đợi Phúc, đợi mãn tang rồi sẽ cưới. Vậy mà cưới rồi hay chưa vậy bác? Sao cháu không thấy anh Phúc gởi thiệp mời đám cưới?
- Ối! Vịêc đó đã không thành rồi, ông giáo sư à!
- Thưa bác, sao vậy?
- Tại họ xấu quá, họ thấy ông giáo tôi mất rồi, phận tôi góa bụa, còn thằng Phúc tôi thì học lỡ dở, không có bằng cấp chi hết, nên họ bội ước hồi hôn đặng gã chỗ khác cao sang hơn chớ sao.
- Cha chả! Ai ở đâu mà tệ quá như vậy?
- Để tôi nói chuyện rõ ràng cho ông giáo sư nghe. Hồi trước ông giáo tôi có làm anh em bạn với Hai Bình ở bên bến Bà Tang. Hồi đó Hai Bình cũng đủ ăn vậy thôi, chớ không phải giàu có gì bao nhiêu. Hai Bình có một đứa con gái mà thôi, con nhỏ tên con Hạnh, dung nhan coi được. Ông giáo tôi qua tại chơi với Hai Bình, ổng thấy con nhỏ ổng thương, nên ổng xin làm sui với Hai Bình. Vợ chồng Hai Bình bằng lòng gả, hứa chừng nào thằng Phúc ở bên Tây về thì cho cưới. Qua năm sau nhờ cao su phát giá lên cao, Hai Bình có vườn lớn, bực giàu to. Tuy vậy mà sự làm sui cũng vẫn bền chặt, chớ chưa thấy có mòi gì đổi ý. Khi ông giáo tôi mất, vợ chồng Hai Bình có qua thăm, ở tới tống táng xong rồi mới về. Chừng thằng Phúc tôi ở bên Tây về, tôi có biểu nó qua thăm. Vợ chồng Hai Bình không nói tới chuyện cưới gả. Cách ít ngày tôi cậy mai nhắc việc ấy. Hai Bình nói thằng Phúc còn tang cha mà tính cưới vợ nỗi gì? Tôi tưởng nói như vậy là biểu đợi mãn tang rồi sẽ cưới. Té ra cách tám chín tháng nay, thình lình tôi nghe vợ chồng Hai Bình gả con gái cho bác sĩ nào ở dưới Sài Gòn rồi, gả không cho tôi hay, mà đám cưới cũng không có mời, làm như gả lén vậy. Ông giáo sư thử nghĩ coi, người xử sự như vậy là người gì? Dầu có muốn hồi hôn, thì cứ nói minh bạch cho tôi biết, chớ làm cái gì kỳ cục vậy? Người có giáo dục, dầu họ giàu bao nhiêu đi nữa, họ cũng biết giữ lễ nghĩa luôn luôn. Còn người không có giáo dục, mà trời giúp vận cho họ làm giàu, thì họ cư xử thô lỗ, thiệt khó chịu quá.
- Thưa bác, bác chẳng nên phiền làm chi. Anh Phúc khỏi mang ông cha vợ đó là may cho ảnh lắm. Cháu chắc ảnh mừng, chớ không có buồn đâu.
- Úy, trời ơi! Chớ chi được như lời ông nói đó, thì tôi có phiền đâu. Ngặt vì thằng Phúc tôi nó thương lỡ con nọ, chừng nghe nói gả con nọ chỗ khác, thì nó thất tình thất chí, mấy tháng nay nó buồn bực quá, làm cho tôi bối rối không biết chừng nào.
- Hồi hứa hôn, anh Phúc ở bên Tây, ảnh có biết cô nọ đâu mà thương?
- Tại gởi hình gởi thơ với nhau sao đó tôi không hiểu rõ. Mà lúc nó mới về, có một lần nó qua thăm, không có vợ chồng Hai Bình ở nhà, nó có nói chuyện với con nọ, tại vậy nên nó mới có tình chớ.
- Có gởi thơ gởi hình, có nói chuyện với nhau mà cô nọ đành lấy chồng khác hay sao?
- Thì đành, nên người ta mới cưới đó chớ!
- Đời nầy có nhiều việc để làm cho người ta chán ngán quá.
- Bởi tại như vậy nên mấy tháng nay thằng Phúc tôi nó làm như người chán đời, không ham muốn việc gì hết. Nó không chịu đi chơi, ban đêm nó cứ đọc sách, ban ngày thì cứ lo làm vườn làm rẫy với bạn. Tôi tính dắt nó đi coi vợ chỗ khác đặng cưới cho nó, hoặc may nó hết buồn. Nó gạt ngang; nó xin tôi đừng có nói chuyện nói vợ cho nó nữa, bởi vì nó oán đờn bà con gái lắm, nó nhứt định ở độc thân cho tới già.
- Đương hồi thất tình ảnh nói như vậy, cớ có lẽ nào ảnh ở độc thân cho tới già.
- Thiệt a! Xưa rày nó không chịu nói tới chuyện vợ. Nó lo khẩn đất thêm trên Đường Long đặng khai phá mà trồng tiêu, trồng nghệ gì đó. Nó tính buôn bán cây, nó đương kiếm chỗ lập lò đường, nó làm lăng xăng, duy có sự cưới vợ thì nó không chịu nói tới. Phận tôi ít con quá, muốn cho con có vợ đặng tôi có cháu mà hủ hỉ cho vui; mà không chịu, thiệt tôi buồn hết sức.
- Xin bác đừng buồn. Bây giờ còn mới quá, nên anh Phúc buồn như vậy.
Trong một vài năm nguôi ngoai, ảnh quên tình cũ rồi thì ảnh cưới vợ chớ gì. Việc nầy cháu không hay chút nào hết. Để cháu dọ ý ảnh, rồi cháu lập thế mà khuyên lơn ảnh.
- Ừ, ông giáo sư làm ơn giát-đát dùm nó một chút. Ở trên nầy nó không chơi bời với ai hết, nên có ai thân thiết với nó đâu mà cậy họ nói.
- Lúc nầy bãi trường. Cháu tính vài bữa nữa cháu lên Đà Lạt nghỉ ít tuần. Để cháu rủ anh Phúc đi với cháu đặng giải khuây.
- Được a. Ông rủ nó đi với. Tôi muốn cho nó đi chơi hết sức, mà nó cứ lục đục ở nhà ngồi buồn hiu hoài, coi khổ quá.
- Cháu sẽ rán khuyên giải ảnh. Vì một người đờn bà thất ước mà đành ôm sự sầu thảm cả đời là nghĩa gì?
- Ông nói phải lắm. Thứ đồ bội ước mà còn thương nó nỗi gì. Ông làm ơn cắt nghĩa cho nó hiểu. Ông nói thế nào cho nó chịu cưới vợ thì tôi mang ơn ông lắm. Tôi không cần giàu, hễ nó đành đâu thì tôi cưới đó, dầu con nhà nghèo tôi cũng chịu, miễn nó có vợ con, có gia thất như người ta thì tôi vui.
- Lời bác nói đó cháu rất kính phục. Trong cuộc hôn nhơn điều cần nhứt là vợ chồng thương yêu nhau, còn sự giàu nghèo không quan hệ gì lắm. Đã biết cưới vợ may mà gặp chỗ giàu, thì vợ chồng khỏi cực thân nhọc trí về sự thiếu thốn tiền bạc. Mà vợ chồng nghèo hẩm hút nuôi nhau, thì tình lại càng mặn nồng, nghĩa lại càng nặng nề hơn. Theo ý cháu gia đình tuy nghèo, song chồng vợ yêu nhau, thì cũng hạnh phước được vậy. Cháu tưởng bác nên để cho anh Phúc thong thả đừng thèm ép ảnh nữa; chừng nào ảnh tỏ ý thương ai thì bác sẽ cưới người ấy cho ảnh.
- Tôi coi ý nó cứ thương con của Hai Bình hoài nó có chịu quên đâu mà thương người khác được. Hồi thầy nó còn sanh tiền, ổng thường nói con trai hay con gái cũng vậy, hễ lớn lên thì phải lập gia đình đặng gây dựng sự ngiệp với thiên hạ, chớ ở một mình rồi không biết lo, thì làm sao mà nên được. Bởi ý ổng như vậy nên ổng mới lo kiếm chỗ làm sui sớm đó. Tôi không dè căn duyên của thằng Phúc lỡ dở làm cho nó thất chí như vậy thiệt tôi buồn quá.
- Gia đình là nền tảng của xã hội. Ý của bác trai hồi trước muốn như vậy thì hiệp với luân lý lắm. Con người ai cũng phải tôn trọng bồi đắp gia đình. Có lẽ nào anh Phúc lại đánh đổ cái phong tục tốt đẹp ấy. Để cháu cắt nghĩa cho ảnh nghe...
Bà giáo dòm ra ngoài lộ rồi nói: "Nó về tới kia". Trường đứng dậy dòm theo thiệt quả thấy Phúc cỡi chiếc xe máy sơn xanh mà cũ xì đương thủng thẳng quanh vô cửa ngõ, sắc mặt tề tỉnh mà có vẻ ưu sầu lộ ra rõ ràng chớ không phải hăng hái hân hoan như hồi trước.
Bà giáo nói nhỏ: "xin ông rán khuyên giùm nó".
Trường gặc đầu đáp: "xin bác an tâm. Cháu sẽ rán hết sức mà đổi trí ý cho ảnh".
Trường bước lại cửa đứng chờ bạn.
Bà giáo thủng thẳng đi vô trong, vì tin lời hứa của Trường, nên sắc mặt vui vẻ hơn hồi nãy.
o O o
1. nửa chợ, nửa quê 2. phần sân trước nhà có nóc 3. khoảng đất được chia ranh giới bằng luống hay mương 4. (sapotier) giống cây được nhập từ Java, trái chín ngọt đậm 5. rừng bị nhà nước cấm khai thác.
6. (diplôme) bằng tài năng: bằng trung học theo chương trình cũ của Pháp 7. người giúp việc 8. lột lá mía đã khô
CHƯƠNG 2 -
P
húc đạp xe máy vô tới cửa mới chịu nhảy xuống, dựng xe dưới thềm, rồi thủng thẳng bước lên.
Trường đứng trên thềm, đợi Phúc lên tới mới bắt tay mà nói: "Toa (10) đã trở nên một chú nông phu đến 100 phần 100!"
Phúc ngó ngay bạn mà hỏi:
- Toa đến nhà một tên nông phu toa hổ thẹn hay sao?
- Nếu hổ thẹn thì mỏa đến làm chi?
- Toa lên trên nầy có việc chi?
- Đi thăm toa, chớ không có việc chi hết.
- Cảm ơn... toa đi với ai?
- Đi một mình.
- Sao không dắt Madame (11) Trường đi với?
- Mỏa (12) đi hồi khuya, mỏa có rủ ma femme (13). Nó nói bữa nay nó mắc việc gì đó không biết, nó đi không được. Mỏa bỏ nó ở nhà, mỏa đi một mình.
- Toa có con hay chưa?
- Chưa.
- Dở quá!
- Mỏa muốn thấy tài giỏi của toa.
Phúc rùn vai rồi nắm tay dắt bạn vô nhà, không thèm đáp câu khiêu khích ấy. Trường nói: "Trời còn mát, mỏa muốn đi xem vườn của toa chơi“.
Mấy lời ấy làm cho sắc ưu sầu trên mặt Phúc tiêu liền và thay vào nét mặt hân hoan rực rỡ. Phúc gặc đầu và đáp:
- Được lắm, được lắm. Mà toa phải ở lại ăn cơm với mỏa, nghe hôn. Vô nhà quê ăn cơm với rau chơi.
- Được, mỏa ở chơi với toa đến chiều cũng được.
- Ồ! tốt quá! Mỏa mừng lắm, mỏa mừng lắm. Mà toa đã có lót lòng hay chưa? Để mỏa biểu làm cà phê toa uống.
- Thôi, thôi.
- Ê! Có một trái sầu riêng chín cây, mỏa mới hái hồi chiều hôm qua, ngon lắm. Ăn sầu riêng uống cà phê thì chẳng có chi bằng.
- Cảm ơn, hồi nãy mỏa ghé chợ Thủ (14) mỏa lót lòng rồi. Đành để trái sầu riêng đó trưa rồi mình sẽ ăn.
- Cũng đựơc.
Phúc kêu thằng Biện mà dặn lo mua đồ thêm đặng trưa đãi khách một bữa, khuyên Trường cởi áo máng trong nhà, mặc sơ-mi đi chơi cho mát, rồi dắt nhau xuống thềm mà bước ra sân.
Trường thấy mấy cái mương đào ngay bót, thấy nước dưới mương trong veo, thấy đầu nầy có mấy con vịt lội trong mương mà tắm coi rất thong thả, thấy đầu kia có người xách nước tưới đám cải sa-lách lá non nhớt, thấy mấy cây sầu riêng trái sai oằn, thì trong lòng vui vẻ khỏe khoắn vô cùng.
Phúc dắt Trường đi xem giáp phía trước rồi mới đi ra phía sau. Sở vườn phía sau lớn bằng năm sở vườn phía trước, Trường thấy mấy hàng cau trồng ngay thẳng rang, thấy đám trầu phơi lá vàng khè, thấy rẫy thơm đơm trái lố xố, thấy vườn trà lúp xúp xanh um, thì càng khỏe mắt vui lòng hơn nữa.
Đi dọc theo rẫy thơm, Phúc thấy có hai trái thơm chín tươi, bèn móc con dao nhỏ trong túi quần ra mà cắt rồi xách đi.
Hai người đi giáp hết sở vườn gần tới đường ranh rừng cấm, Trường thấy có một cái mội nước (15) phun lên trong khe rồi rọ rẹ chảy xuống cái mương chứa. Khít một bên đó lại có một cái nhà bát giác nhỏ, cao cẳng, không vách, chung quanh đóng lan can (16), nóc lợp bằng tranh, đứng sừng sựng dưới tàn một cây xoài lớn gốc ôm hai tay không giáp. Trong nhà có giăng một cái võng bố và có để một cái bàn nhỏ với hai cái ghế.
Phúc chỉ cái nhà ấy mà nói: "đó là chỗ của mỏa đọc sách và ngủ trưa!" Trường gục gặc đầu mà khen: "Thanh nhàn quá! Thú vị biết bao nhiêu!"
Phúc chúm chím cười, mời Trường bước lên nhà và chỉ cái võng mà biểu nằm. Trường đương cảm hứng nên làm theo liền. Phúc nói: "để mỏa gọt thơm đặng ăn giải khát".
Trường nằm trên võng đưa cọt kẹt. Phúc để hai trái thơm trên bàn mà gọt. Bầy ve ve ở trong rừng cấm phát lên kêu ve ve rùm tai. Chim cúc đậu trên ngọn cây chẫm rải kêu cúc cúc. Phúc cười và nói: "Mu-sich (17) của mỏa đó đa! Nằm nghe mu-sich đó mà ngủ trưa thì có thú vị hơn là nghe giọng đờn oán, đờn nam, của thị thành nhiều lắm“.
Trường cảm xúc nhiều quá nên không trả lời, cứ lóng tai nghe tiếng cúc nhịp, tiếng ve đờn, cứ chong mắt ngó ruộng rẫy dưới bưng chớn chở.
Phúc gọt rồi trái thơm bèn đưa cho Trường mà biểu ăn thử. Thơm tàng ong chín cây nó ngon ngọt khác thường.
Trường nằm và ăn và ngó (18) Phúc mà hỏi:
- Toa nhứt định sống với cảnh đời ẩn dật, ăn trái chín cây, uống nước dưới suối, nhìn thảo mộc trước mắt, nghe ve đờn bên tai như vầy cho tới già, hay là toa còn tính thay đổi mà sống với cảnh đời nào khác?
- Cảnh đời nầy đã có đủ thú vị cho mỏa hưởng rồi, còn phải tìm cảnh đời khác làm chi?
- Xã hội phải tấn hóa, loài người phải sanh sản, ấy là luật tự nhiên của trời đất, toa quên rồi hay sao?
- Xã hội! Loài người!... Mặc kệ, mỏa không muốn biết tới nữa. Sanh ở giữa trần tục, mà mỏa khỏi nhiễm hồng trần, há không phải mỏa cao hơn thiên hạ hay sao?
- Vị kỷ! Tự trọng!
- Vậy chớ ai vị mình, mà mình phải vị họ? Nếu mình không biết trọng mình, thì làm sao mà mong người khác trọng được? Mỏa theo phận mỏa, thiên hạ theo phận họ. Ai khen mỏa không cần, mà ai chê mỏa cũng không lo!
- Ở trong đời, toa chẳng nên chán đời. Nếu toa chán đời thì sự sống của toa không có ý nghĩa gì hết.
- Đời không đáng chán hay sao?
- Dầu đáng chán đi nữa, mình cũng phải cứng trí vững lòng, đừng thèm chán, mới cao chứ.
Phúc liếc cặp mắt kiêu ngạo mà ngó Trường, rồi đưa trái thơm vào miệng mà cạp, không thèm cãi lẽ nữa.
Trường ăn hết trái thơm rồi, khen thơm ngon và bước ra cái mội bụm nước mà rửa mặt rửa tay. Trường đứng dưới gốc xoài, mắt ngó vòng trong vườn, ngọn gió chướng thổi hiu hiu đưa mùi lá cây tươi thơm ngát, làm cho trong mình rất khỏe khoắn.
Trường thấy Phúc ăn hết thơm rồi, mà vẫn còn ngồi trong nhà mát, tay chống lên bàn, cặp mắt ngó mông, thì trở vô kéo một cái ghế ngồi ngang với Phúc và nói: "Hồi nãy mỏa hầu chuyện với bác, mỏa có hỏi thăm toa. Bác nói lúc nầy toa không vui. Thiệt quả sắc mặt của toa có vẻ buồn bực mà hình dạng của toa coi cũng ốm hơn trước hồi. Toa có học triết lý, mà sao toa còn buồn việc đời? Ở đời có kẻ phải mà cũng có người quấy, có kẻ cao mà cũng có người thấp, thì tự nhiên việc đời phải có cái hay cái dở, cái tốt cái xấu, cái khôn cái dại. Mình thấy cái dở, cái xấu, cái dại, thì mình rùng vai rồi ngó lãng chỗ khác, để ý đến làm chi mà phải buồn“.
Phúc châu mày suy nghĩ một lúc rồi mới đáp:
- Thói đê tiện của thiên hạ, nếu nó không can hệ đến mình, thì có lẽ mình làm lơ rồi khỏi buồn được, ngặt vì thói đê tiện ấy nó làm cho mình phải thương tâm rủn chí, thì có thế nào mình làm lơ mà vui được. Toa nghĩ thử coi, mình biết sự chết là luật tự nhiên của trời định, không có một người nào tránh khỏi, thế mà trong thân tộc mình rủi có một người nào chết, mình cũng phải buồn rầu thương nhớ, không thể nguôi được... Mỏa buồn là vì mỏa có một vít thương-tâm đau đớn khó chịu hết sức. Mỏa chắc cái vít ấy nó sẽ hành mỏa trọn đời, chớ nó không lành được đâu.
- Mỏa biết chứng bịnh của toa rồi. Nếu toa chịu nghe lời mỏa thì mỏa trị được.
- Làm sao mà toa biết chứng bịnh của mỏa được?
- Hồi nãy ở nhà bác đã có nói sơ tâm sự của toa cho mỏa nghe rồi.
- A!... Má mỏa nói sao đó?
- Thì nói người ta đã hứa hôn với toa, rồi người ta mê danh vọng nên bội ước chớ sao.
- Thiệt má mỏa có thuật sự ấy cho toa nghe hay sao?
- Có. Tuy bác nói sơ, mà cũng đủ cho mỏa hiểu hết.
Nãy giờ Phúc nói chuyện giọng nghe buồn, nhưng mà êm ái. Bây giờ nghe Trường nói đã hiểu rõ tâm sự của mình thì Phúc nổi giận, trợn cặp mắt đỏ au mà ngó Trường, rồi co tay đập trên bàn mà nói lớn: "Ạ! Toa hiểu tâm sự của mỏa rồi! Toa đã hiểu sao toa còn khuyên mỏa đừng thèm buồn?... Không buồn sao được?... Con gái An Nam bây giờ ham vui sướng mà thôi, chớ không có tình nghĩa gì hết, toa thấy chưa?... Nó có thể giết mình được, chớ không phải chơi đâu! Chúng ta phải giữ mình... Cô Hạnh hứa hôn với mỏa, cổ viết mấy cái thơ mà tỏ tình với mỏa hồi mỏa còn học bên Tây. Mỏa tin bụng cổ nên mỏa cũng thương cổ. Bây giờ cổ phủi mỏa mà ưng làm vợ người khác. Cổ làm như vậy, không phải là cổ muốn giết mỏa hay sao?... May mỏa có trí cứng cỏi, lại nhờ mỏa thương má mỏa lắm nên mỏa mới còn sống đây... Ạ, nhắc tới cô Hạnh, mỏa giận, mỏa oán lung lắm. Mỏa oán cô Hạnh, mà mỏa cũng oán hết thảy đờn bà con gái An-nam; họ giả dối, họ độc ác, họ vô tình vô nghĩa... Phải lánh xa họ, phải trốn tránh họ chẳng nên gần họ, chẳng nên tin họ!“ Trường cứ ngồi nghe, miệng chúm chím cười mà thôi, chớ không can, mà cũng không cãi, để Phúc nói cho đã nư giận. Chừng thấy Phúc nói dứt, dựa lưng vào ghế mà thở, thì Trường mới chẫm rãi nói: "Mỏa hiểu tâm hồn của toa rồi. Vì tình của toa sâu quá, nên bây giờ oán mới nhiều như vầy; còn đối với toa, tình của cô Hạnh thể nào? Cô viết thơ cho toa, cô nói cô thương toa. Ấy là những câu cô ăn cắp trong mấy bộ tiểu thuyết tình rồi chép lại cho toa đọc chơi, chớ cô có tình gì đâu. Nếu thiệt cô có tình nặng với toa cũng như toa có tình với cô vậy, thì làm sao cô bỏ toa mà lấy chồng khác cho được. Nầy Phúc, ví như hồi toa ở bên Tây mới về, và cô Hạnh chưa bội ước với toa, bác biểu toa phải bỏ cô Hạnh mà cưới vợ khác, toa chịu hay không? Toa thương cô Hạnh quá, có bao giờ toa chịu vưng lời bác đâu. Cô Hạnh đành phụ toa mà ưng làm vợ người khác, thì cô có thương toa đâu, sự ấy rõ ràng dễ thấy quá. Người ta không thương toa, mà toa còn lưu tâm làm chi nữa?“ Phúc ngồi nghe Trường nói thì lần lần hết giận, mà rồi lại buồn hiu. Chừng nghe Trường cắt nghĩa sự cô Hạnh không có tình với mình, thì Phúc rưng rưng nước mắt mà đáp:
- Toa nói phải. Người ta không thương mỏa, nên mới bỏ mỏa mà lấy chồng khác được. Mỏa ngu dại lắm, mỏa còn thương người ta nữa làm chi...
- Toa quên phứt việc ấy đi, đừng thèm nhớ tới nữa.
- Có nhiều đêm buồn quá, mỏa cũng nhứt định quên phứt cô Hạnh, đừng thèm nhớ tới cổ nữa. Tuy đã nhứt định như vậy, mà không hiểu tại sao hình dạng cô Hạnh cứ vẩn vơ trước mắt mỏa hoài, không thể quên cổ được.
- Tại toa cứ ở nhà hoài trí tù túng, tự nhiên toa nhớ cổ. Toa phải đi chơi mới được, đi chơi cho trí xao lãng, rồi lần lần toa sẽ quên cổ.
- Mỏa đi chơi không tiện. Em mỏa ở bên Tây, có một mình mỏa ở nhà với má mỏa. Nếu mỏa đi chơi thì má mỏa ở nhà có một mình chắc buồn lắm. Đã vậy mà công việc vườn rẫy mê mê, mỏa đi chơi rồi ai coi làm.
- Đi chơi ít bữa mà hại gì. Mỏa tính mốt hoặc bữa kia mỏa lên Đà Lạt ở nghỉ vài tuần. Toa đi với mỏa đi đặng giải trí.
- Đi không tiện...
- Được mà. để lát nữa vô nhà, mỏa xin phép với bác rồi mỏa bắt toa đi. Toa đương buồn, toa phải đi chơi đặng giải khuây. Nếu toa lục đục ở nhà hoài, sợ e toa phải điên, hoặc toa phải mang chứng bịnh khác thì khổ cho bác lắm.
Phúc đứng dậy bước ra chỗ cái mội mà uống nước, không từ chối nữa, mà cũng không hứa đi. Trường đi theo ra rửa mặt lại cho mát. Ve-ve cứ đờn, chim cúc cứ nhịp, gió cứ thổi hiu hiu, cây cứ khoe màu xanh lét.
Hai anh em lần bước đi vòng qua vườn trà, tính theo phía đó mà trở vô nhà. Phúc và đi và nói:
- Vì mỏa nóng giận quá, nên hồi nãy nói chuyện với toa, mỏa có dùng nhiều lời quá đáng, xin toa đừng chấp mỏa.
- Anh em mà chấp nỗi gì. Huống chi toa là người có bịnh, tự nhiên toa nói như vậy, mỏa không lấy đó làm lạ.
- Phải. Mỏa có bịnh, bịnh tâm hồn. Nhờ nói chuyện với toa mà bây giờ mỏa nghe trong óc mỏa có mòi khỏe khoắn nhiều lắm.
- Mỏa đoán giỏi hay không? Toa phải đi chơi đặng có dịp nói chuyện với người nầy người kia mới hết buồn được. Toa phải nghe lời mỏa, để mỏa trị bịnh cho toa. Mỏa dám hứa chắc với toa, nếu toa đi chơi chừng hai lần, thì toa hết buồn rầu, mà toa tại vui vẻ hăng hái hơn hồi trước nữa.
- Ông lương y nầy kỳ quá! Trị bịnh mà ổng không cho uống thuốc, ổng lại ép đi chơi chớ.
- Thầy thuốc phải tùy theo chứng bịnh mà trị chớ sao. Thằng Biện ở trong nhà đi ra đón hai người và thưa cho Phúc hay rằng cơm đã dọn rồi nên bà giáo dạy mời khách về đặng dùng bữa trưa.
Hai người vô tới nhà thiệt quả đồ ăn đã dọn sẵn một bàn, có cháo vịt, có thịt kho, có gà quay, có sà lách lại có một chai rượu chát với một dĩa bàn (19) lớn đựng đầy trái cây là sầu riêng, đu đủ, mít tố nữ, sa-bô-chê để tráng miệng.
Bà giáo vui vẻ nói: "Con mời ông giáo sư dùng cơm đi con. Trưa rồi chắc ổng đói bụng“.
Trường bước lại bàn ăn và nói với bà giáo:
- Cháu làm rộn cho bác quá.
- Không, có rộn chi đâu, ông lên thăm, ông sẵn lòng ở ăn cơm tôi mừng lắm chớ.
- Cha chả! đồ ăn nhiều dữ.
- Gà vịt ở nhà, rau cải cũng ở nhà. Chợ nầy không có tôm cá, thịt bò cũng không có, bởi vậy có khách thiệt khó dọn cơm hết sức. Tôi xin ông giáo sư đạm bạc với tôi.
- Đồ ăn như vầy thì ngon quá rồi. Cháu thích sà lách nầy lắm... xin bác ngồi trước, rồi anh em tôi mới dám ngồi.
- Tôi ăn rồi. Ông giáo sư ngồi vô đi. Tôi quen ăn cơm sớm nên hồi nãy đói bụng tôi ăn trước.
Phúc nói: "Má ăn thêm, má".
Bà giáo đáp: „Con ăn với ông giáo sư đi. Má mới ăn hồi nãy đây, ăn nữa sao nổi. để má ngồi đây nói chuyện chơi“.
Bà giáo nhắc một cái ghế để phía trong mà ngồi, chỗ dĩa trái cây. Trường với Phúc ngồi ngang nhau mà ăn uống; bây giờ Phúc vui vẻ, chớ không phải buồn bực như hồi sớm mơi nữa.
Bà giáo ngó dĩa trái cây rồi nói: "Bầy trẻ bất nhơn quá, nó không thèm kiếm coi thơm chín nó hái ít trái cho ông giáo sư ăn tráng miệng chớ“.
Trường lật đật đáp:
- Thưa bác, hồi nãy cháu có ăn thơm rồi. Thơm tàng ong chín tươi thiệt là ngon.
- Ăn ở đâu?
- Hồi nãy cháu ăn ngoài vườn. Anh Phúc hái cho cháu ăn. Để chừng về cháu xin bác cho ít trái đem về Sài Gòn.
- Được. để tôi biểu bầy trẻ lựa thơm lớn nó hái đặng ông giáo sư đem về cho bà ăn thử.
- Con cháu mà bác kêu bằng ông bằng bà, thiệt cháu ái ngại quá. Bác coi cháu như anh Phúc, bác kêu bằng thằng Trường vậy thôi.
- Có chức phận mà kêu chỉ danh như vậy nghe sao được. Chớ chi ông dắt bà giáo sư lên chơi, tôi mừng lắm.
- Để lần sau rồi cháu sẽ biểu ở nhà cháu (20) lên cho biết bác. Cháu xin phép bác cho anh Phúc theo cháu xuống Sài Gòn rồi đi Đà Lạt chơi với cháu ít ngày.
- Được. Nếu nó chịu đi chơi với ông thì tôi vừa lòng lắm. Muốn đi bao lâu cũng được hết.
Trường ngó Phúc mà nói: "Bác sẵn lòng cho phép toa đi chơi Đó. Vậy xế mát toa phải đi với mỏa“.
Phúc dục dặc đáp: "Mỏa nghĩ đi không tiện. Đi chơi rồi bỏ vườn rẫy ai coi? Bà giáo chận nói: "Có má đây chi. Con đi chơi với ông giáo sư đi. Lúc nầy không có công việc gì lắm, má coi chừng cho bầy trẻ nó làm, được mà“.
Trường nói: "Bác cũng muốn toa đi chơi nữa, thấy hôn? Toa phải đi. đừng có dục dặc nữa“.
Phúc lặng thinh một hồi rồi nói với Trường:
- Mỏa không có áo quần mới, đi Sài Gòn hoặc lên Đà Lạt coi kỳ quá.
- Toa nói không có áo quần. Vậy chớ toa ở trần hay sao?
- Có, mà có mấy bộ hồi bên Tây đem về đó, chớ không có đồ mới. Từ hồi bên Tây về, mỏa không có xuống Sài Gòn một lần nào hết, bởi vậy mỏa không có đặt đồ. Áo quần của mỏa nếu bận đi ra đường thì coi kỳ cục lắm.
- Có gì thì bận nấy, có can chi mà ngại. Toa chê đồ cũ, thôi xuống Sài Gòn rồi toa đặt đồ khác. Thợ may Sài Gòn may khéo mà lại lẹ lắm.
Bà giáo nói tiếp: "Ừ, phải đa. Sẵn dịp xuống Sài Gòn, con may ít bộ đồ mới để bận đi chơi nghe con".
Phúc thấy ý mẹ cũng muốn cho mình đi chơi với Trường, thì không dám chối cãi nữa, phải chịu đi, song không được hăng hái.
Phúc biểu thằng Biện coi lượt sẵn hai ly cà phê đậm. Chừng ăn cơm rồi Phúc tách trái sầu riêng ra mời Trường ăn và uống cà phê. Sầu riêng tơ, múi nào múi nấy trưu trứu (21), tại nhờ chín cây, nên thơm tho ngọt béo khác thường, ăn một múi hớp vài hớp cà phê thì thú vị chẳng có chi bằng. Trường hứng thú nên nói: "Ở vườn có nhiều cái thú vị khả ái, hèn chi anh Phúc không chịu ra chốn thành thị nghĩ cũng phải".
Phúc cười mà đáp:
- Thú thanh nhàn của mỏa dầu ai đem cái địa vị cao sang cho mấy đi nữa đến xin đổi với mỏa, mỏa cũng không thèm.
- Phải. Mà thú thanh nhàn nầy nếu có được một người bạn tri kỷ chung hưởng với mình thì mới vui, chớ hưởng một mình thì không được vui cho lắm.
Phúc châu mày mà ngó chỗ khác, không muốn tiếp câu chuyện đó.
Bà giáo nói: "Ăn cơm rồi phải nghỉ trưa một chút, đợi lối 3 giờ trời mát rồi hai anh em sẽ đi với nhau. Có xe hơi riêng cần gì phải lật đật". Bà nói rồi liền đứng dậy đi vô trong. Trường với Phúc đi rửa tay rồi mỗi người nằm một cái ghế bố mà nghỉ lưng.
Hơi rượu chát ở trong nồng ra, gió chướng ở ngoài mát mẻ. Trường nằm nghỉ một chút rồi ngủ quên. Chừng Trường thức dậy, thì thấy Phúc đứng dựa cái bàn ăn mà sắp thơm tàng ong hơn một chục và sầu riêng bốn trái vô thùng, trái nào cũng bự cồ (22) tươi rói.
Trường hỏi:
- Toa không có ngủ hay sao?
- Mỏa ít ngủ trưa. Nãy giờ mỏa đi kiếm trái cây mà hái đặng toa đem về.
- Giỏi lắm.
Trường dòm đồng hồ rồi nói: "Ê! Hai giờ rưỡi rồi. Thôi, sửa soạn đặng đi cho sớm một chút".
Trường đi rửa mặt rồi bận áo vô. Bà giáo thôi thúc Phúc thay đồ. Phúc vô phòng một chút rồi trở ra, mặc một bộ đồ lỡ mùa (23) màu xám, tuy kiểu may khéo, song màu đã phai. Phúc lại xếp mà để vô va ly một bộ đồ nỉ đen thiệt dày, đồ bận mùa đông hồi ở bên Tây, với ít cái áo sơ mi, ít bộ đồ mát, thầm tính xuống Sài Gòn rồi sẽ mua khăn mu-soa với vớ.
Sắp đặt xong rồi, bà giáo biểu thằng Biện vác va ly và thùng trái cây đem ra xe. Bà đưa Trường với Phúc ra tới lộ, bà vui cười luôn luôn.
Trường từ giã lên xe, bộ cũng vui, duy có Phúc bịn rịn, dường như xa cách mẹ trong lòng không an, tạm lìa thú điền viên trong trí ái ngại.
o O o
10. (toi), anh 11. vợ 12. (moi), tôi 13. vợ tôi 14. chợ Thủ Dầu Một; chợ Bình Dương 15. nguồn nước từ dưới đất 16. hàng rào thưa chắn thềm nhà, sàn gác, hai bên cầu 17. (musique), âm nhạc 18. vừa ăn vừa ngó 19. dĩa lớn và trẹt 20. vợ cháu 21. độn phồng lên 22. thật to, lớn 23. (demi-saison), quần và áo không cùng một loại vải, không đúng điệu, không đúng cách.
CHƯƠNG 3 -
V
ợ chồng giáo sư Trường mướn một cái nhà lầu nho nhỏ mà ở tại đường Richaud, phía gần Chợ Đuổi.
Chiều bữa ấy, lối bốn giờ rưỡi, cô Mỹ, là vợ Trường, thay đổi y phục và trang điểm đàng hoàng tính kêu xe kéo mà đi một vòng hứng gió rồi ghé chợ Cũ mua trái cây luôn thể. Cô chưa kịp đi thì thấy có một chiếc xe hơi lớn và đẹp ngừng ngay cửa, cô Lý trên xe bước xuống tay ôm bóp xăng xớm đi vô nhà, tướng đi yểu điệu, hình dạng thanh bai, má ửng đỏ như đào non, mặt tốt tươi như hoa nở, lại nhờ áo quần xinh đẹp giúp cho nhan sắc của cô đẹp thêm một phần nữa.

Cô Lý là chị em bạn học của cô Mỹ hồi trước. Cô là con một của ông Thinh, một thương gia có danh tại Sài Gòn, có tiệm lớn ở đường Vienot, ngang chợ Bến Thành, lại có biệt xá ở Phú Nhuận, theo đường đi Bà Chiểu.

Cô Mỹ thấy cô Lý bước lên thềm, thì lật đật đi ra tiếp chào, chị em mừng rỡ, dắt nhau vô nhà. Cô Mỹ mời cô Lý ngồi và hỏi rất hữu duyên: "Hổm nay tôi nhớ chị quá. Chị đi đâu mất biệt vậy hử?"

Cô Lý nhích miệng cười, đóng hai đồng tiền trên hai má, còn miệng thì chúm chím đẹp đẽ dễ thương như hoa hường bán khai, làm cho cô càng thêm duyên hơn nữa.

Cô chậm rãi đáp:

- Tôi đi xuống Mỹ Tho thăm bà ngoại tôi. Tôi ở chơi trót tuần mới về hồi chiều hôm qua.

- Chị thong thả đi chơi hoài, sung sướng quá.

- Ở nhà buồn quá, chị à.

- Tại chị không chịu lấy chồng mà vui sao được.

- Chồng ở đâu mà lấy?

- Thiếu gì. Tại chị kén chọn quá, ai chị cũng chê hết, thì làm sao mà có chồng được.

- Không phải tôi chê. Ba tôi cứ theo an ủi khuyên tôi lấy chồng, tôi muốn làm cho vừa lòng ba tôi lắm chớ. Ngặt vì mấy người cầu hôn hoặc họ vì lợi quyền, hoặc họ vì nhục dục, chớ không phải vì tình tứ hay là vì tâm hồn mà họ xin cưới tôi, thế thì làm sao tôi ưng cho được. Sự lấy chồng là một điều quan hệ thứ nhứt của phụ nữ, nó có thể làm cho mình vui vẻ thơ thới, mà cũng có thể làm cho mình phải lóng đục gạn trong, chớ nhắm mắt mà đánh liều sao được.

- Chị dè dặt kỹ lưỡng quá, nên tới bây giờ mà vẫn còn ở một mình. Tôi tưởng nỗi người đều có mạng số của trời định trước, nếu mạng số của mình phải buồn rầu cực khổ thì mình chạy đi đâu cũng không khỏi.

- Chị nói như vậy thì hồi chị ưng anh Trường chị không có suy nghĩ dò xét gì hết hay sao?

- Không. Tôi nghe ba má tôi nói anh Trường tánh nết coi được, thì tôi ưng nhầu. Tôi làm như vậy mà bây giờ gia đình của tôi, nếu xét cho kỹ, thì cũng không phải vô phước.

- Gia đình của chị đầm ấm vui vẽ lắm chớ. Mà đó là cái may của chị, nên chị mới gặp anh Trường đứng đắn, cao thượng, biết trọng tình trọng nghĩa, không làm cho chị cực trí nhọc lòng.

- Tại mạng số, chớ không phải may.

- Chị muốn nói mạng số cũng được. Ừ, mà nãy giờ tôi quên hỏi, anh Trường đi đâu vắng?

- Đi thăm người bạn học ở trên Bến Súc.

- Sao chị không đi với ảnh?

- Đi sớm quá nên tôi không chịu đi.

- Lên miệt trên coi vườn tược rừng bụi chơi vui lắm chớ.

- Tôi chưa có đi lần nào.

- Ba tôi có dắt tôi lên Thủ-Dầu-Một chơi mấy lần. Vườn tược thạnh mậu (24), xem khỏe mắt lắm. Mà cái thú miệt trển không phải như thú dưới mình. Lâu lâu lên chơi thì vui, chớ ở đó chắc là buồn dữ.

- Hồi khuya anh Trường muốn đem tôi theo chơi, ngặt vì ảnh đi sớm quá, lại tôi mắc sửa soạn đặng có đi Đà Lạt, nên tôi không đi với ảnh được.

- Chị tính đi Đà Lạt hay sao? Chừng nào đi? đi một mình hay là đi với anh Trường?

- Tôi đi với anh Trường chớ. Lúc nầy bãi trường ảnh có viết thơ mướn được một cái nhà 15 ngày đặng lên ở nghỉ. Trưa mốt hoặc sáng bữa kia đi.

- Tôi muốn đi theo chị quá. Mướn nhà lớn hay nhỏ?

- Được a. Chị đi với tôi chơi. Nhà lớn mà, có 3 giường lận. Sợ ba chị không cho chị đi chớ.

- Tôi đi khỏi, ba tôi mừng lắm chớ. Có tôi ở nhà ba tôi không được thong thả.

- Nếu vậy thì chị sắp đặt rồi đi với vợ chồng tôi.

- Tôi sợ đi theo làm nhọc lòng anh Trường.

- Không có nhọc lòng đâu. Tôi chắc có chị đi thì anh Trường vui lắm. Xe rộng, nhà lớn, thì có chi nhọc lòng. Đi chơi với tôi, chị.

- Để tôi xin phép với ba tôi rồi ngày mai tôi sẽ trả lời...

- Tối nay chị xin phép rồi sáng mai trả lời sớm sớm cho tôi mừng.

- Chiều nay chị tính đi đâu mà sửa soạn vậy? Tôi ghé nói chuyện làm mất thì giờ của chị quá.

- Không. Tôi tính đi chơi một vòng hứng mát chớ không có chuyện gì.

- Vậy thì chị đi với tôi, có xe của tôi sẵn đây.

- Ừ, được. Hai chị em mình đi chơi một chút.

Hai cô đứng dậy, vừa đi lại cái kiếng soi mặt mà giồi phấn, thì liền nghe có tiếng xe hơi bóp kèn và quanh vô sân.

Cô Mỹ day mặt ngó ra cửa rồi nói: "Anh Trường về..., ý có người nào đi với ảnh nữa.... chắc anh Phúc..."

Xe dừng dưới thềm. Trường mở cửa xuống trước rồi Phúc theo sau. Hai cô đứng ngó trân trân.

Trường bước vô cửa, đưa tay xô cái lưng cho Phúc xơm tới rồi nói với vợ: "Tôi mời được anh nông phu xuống Sài Gòn chơi vài bữa rồi đi Đà Lạt với tôi... Người bạn thiết của tôi hồi ở bên Tây là anh Phúc đây".

Hai cô cúi đầu chào, vừa trúng phép lịch sự, vừa có duyên đằm thắm. Hơn hai năm nay Phúc không có dịp gặp được một người đờn bà sang trọng xinh đẹp, nay thấy nhan sắc và y phục của hai cô tự nhiên phải khớp, lại nhớ tới quần áo cũ kỹ, nước da nắng táp của mình thì thẹn thầm, nên đứng bợ ngợ, bộ tướng coi quê mùa cực điểm.

Trường thấy vậy thì tội nghiệp, không muốn bạn để trí khinh mình và trọng người thái quá, nên lật đật chỉ từ cô mà nói với Phúc: "Ma femme đây, tuy mới biết mặt toa lần nầy là lần thứ nhứt, nhưng mà đã thường có nghe mỏa khen ngợi tánh tình của toa; mỏa chắc từ nay biết nhau rồi, thì ma femme sẽ trọng toa và toa sẽ mến ma femme như anh em một nhà. Còn cô Lý đây là chị em bạn học của ma femme, tánh nết hai người giống nhau, nên thương yêu nhau như ruột thịt. Mỏa chắc hễ cô Lý được quen với toa rồi thì cô cũng sẽ trọng toa cũng như cô trọng mỏa thuở nay vậy".

Phúc cúi đầu chào từ cô, muốn dùng câu thanh nhã mà nói với mỗi cô cho ra vẻ mình là người biết phép giao thiệp và có giáo dục, ngặt vì Phúc khớp quá, rồi trong trí bối rối, kiếm không ra lời mà nói.

Cô Mỹ bải buôi bặt thiệp, cô cười và nói: "Anh Trường yêu và trọng anh lắm, hơn một năm nay thường nhắc nhở anh; mà hễ nhắc tới anh thì khen anh luôn luôn. Em có ý trông gặp anh đặng anh em biết nhau. Hồi khuya anh Trường đi sớm quá nên em đi với ảnh không được. May anh xuống đây, thiệt em mừng lắm, mà vợ chồng em được đi Đà Lạt với anh thì em càng vui hơn nữa“.

Mấy lời lễ nghĩa vui vẻ ấy làm cho Phúc dạn dĩ được chút nên gượng mà đáp:

- Từ ngày anh Trường cưới chị đến nay tôi không có dịp xuống Sài Gòn.

- Ồ! Sao anh kêu em bằng chị? Phải kêu bằng em chớ.

- Không nên. Tôi với anh Trường là anh em, nên tôi phải kêu bằng chị.

- Sao vậy? Em nhỏ tuổi mà.

- Lễ nghĩa buộc phải kêu như vậy mới phân biệt được. Xin chị vui lòng để cho tôi kêu bằng chị tôi mới khỏi ái ngại.

- Anh muốn thế nào cũng được, song phận em thì em cũng kêu anh bằng anh.

- Tự ý chị. Sớp phơ bưng vô một thúng, ở trên sắp 4 trái sầu riêng nằm nương nưởng. Cô Lý vừa ngó thấy liền bước lại rờ rẩm và hỏi: "Cha chả, sầu riêng ở đâu mà tươi chong lại lớn trái quá như vầy?... Ý, mà có thơm tàng ong nữa!... Anh Trường giỏi quá, đi lên vườn ảnh kiếm trái cây thiệt ngon đây nè!".

Cô Mỹ cũng bước lại gần rồi hiệp với bạn mà trầm trồ.

Cô Lý day lại nói với Trường: "Anh cho em một trái sầu riêng với vài trái thơm nghe hôn anh Trường?"

Trường cười và chỉ Phúc mà nói: "Của anh Phúc chớ không phải của tôi."

Cô Lý ngó Phúc, rồi bợ ngợ, nên chúm chím cười, chớ không dám nói như đã nói với Trường, Phúc chưa quen nên cũng ái ngại không dám pha lửng.

Cô Mỹ đương coi cho thằng bồi sắp sầu riêng trên tủ rượu, cô hớt mà nói với cô Lý: "Chị muốn xin mấy trái thì cứ lấy, của anh Phúc cũng như anh Trường, khỏi phải ái ngại."

Bây giờ Phúc mới tỉnh trí nên nói: "Tôi ở nhà quê chẳng có vật chi quí nên phải hái ít trái cây của tôi trồng trong vườn để tạm dùng làm lễ ra mắt chị Trường".

Cô Mỹ liền đáp gọn gàng: "Em coi thúng trái cây nầy quí hơn hết, chẳng có lễ vật nào bằng, quí là tại trái cây nầy chánh bởi tay anh Phúc vun phân tưới nước nên mới có, chớ không phải ảnh mua".

Bây giờ cô Lý mới dạn dĩ nên pha lửng với Phúc:

- Anh Phúc làm lễ ra mắt chị Mỹ mà ảnh không làm lễ làm quen với em chớ, em hổ quá.

- Xin cô tha lỗi cho tôi. Vì tôi không dè xuống đây được gặp cô, nên tôi mới thất lễ. Chớ chi tôi biết trước thì tôi sẽ đem hai thúng. Thôi, để lần sau rồi tôi lễ đền tội vô lễ lần nầy.

- Ừ, được. Lần sau anh phải nhớ đem cho bằng số trái cây bữa nay em mới chịu.

- Tôi không dám quên.

Cô Mỹ hỏi chồng:

- Đất Bến Súc tốt lắm hay sao, nên anh Phúc trồng thơm, trồng sầu riêng lớn trái dữ vậy?

- Tốt lắm, tốt lắm.

- Vườn của anh Phúc cây trái nhiều lắm hả?

- Ồ! Nói không được, bởi vì nói ra em không thể tưởng tượng cho trúng. Em phải lên đó rồi mới biết. Để qua nói tóm một câu nầy cho em nghe; ngày nay qua lên vườn của anh Phúc, thân qua hưởng được nhiều thú vị thanh cao, nhàn lạc chẳng khác nào như lọt vào cảnh tiên. Em không đi chơi với qua, thiệt uổng lắm vậy.

- Em có dè đâu. Sao anh không nói trước?

- Nói trước mất cái hay.

Cô Lý vỗ vai cô Mỹ mà nói: "Anh Trường vị kỷ lắm. Biết thú vui mà ảnh lén hưởng riêng một mình, ảnh không muốn cho chị em mình chung hưởng với ảnh".

Trường cười mà đáp với cô Lý:

- Không phải tôi vị kỷ. Trí ý của đờn ông khác hơn trí ý của đờn bà; cái tôi yêu, tôi sợ mấy cô không thích nên tôi phải dè dặt chút đỉnh.

- Đờn bà cũng có tâm hồn, cũng có gan ruột như đờn ông, thì có lẽ cũng biết thích cái lý thú của đờn ông thích chớ. Xin anh đừng khinh rẻ đờn bà nữa.

- Tốt lắm. Mấy cô muốn nếm cái lý thú nhà quê trên Bến Súc thì lần sau tôi sẽ dắt đi. Bây giờ có lẽ anh Phúc nực nội, thôi để tôi xin phép mấy cô cho hai anh em tôi đi tắm rửa thay đồ một chút rồi sẽ nói chuyện tiếp.

Cô Mỹ nói với chồng:

- Thôi, anh với anh Phúc tắm đi, để em với chị Lý đi chơi một vòng, nghe hôn.

- Được lắm.

- À, anh Trường, chị Lý nghe mình sửa soạn đi Đà Lạt chỉ tỏ ý muốn đi theo mình chơi. Tôi mừng lắm, tôi đốc chỉ đi, mà chỉ nói sợ nhọc lòng anh nên chỉ dụ dự chưa nhứt định.

- Ồ! Nếu cô Lý đi chơi với mình thì càng vui lắm, sao lại nhọc lòng. Cô Mỹ với cô Lý ngó nhau mà cười rồi từ giã Trường với Phúc ra xe mà đi. Trường hỏi Phúc muốn ở trên lầu hay là từng dưới. Phúc nói ở từng dưới cho tiện. Trường mới biểu bồi đem va ly của Phúc để trong phòng bên tay mặt rồi khuyên Phúc đi thay đồ đặng tắm cho mát. Trường lại dặn bồi đi mua nước đá cho sẵn đặng chừng tắm rồi uống rượu khai vị.

Tắm gội xong rồi, hai anh em mặc đồ mát ngồi ngoài hàng ba uống rượu nói chuyện chơi cho thong thả.

Trường hỏi Phúc:

- Có khi nào ngồi một mình, toa nhớ tới cái khoảng đời học sanh của chúng ta hồi ở bên Tây hay không?

- Mỏa nhớ luôn luôn, nhứt là trong khoảng mấy tháng nay mỏa càng nhớ nhiều hơn nữa. Cái khoảng đời ấy chứa đầy hy vọng, mà lại còn làm cho mình hăng hái làm sao, cứng cỏi làm sao, không thể nói được. Khoảng đời ấy đã qua rồi, không trở lại nữa, đáng tiếc hết sức.

- Mỏa cũng nhớ hoài, mà hễ mỏa nhớ thì mỏa tức cười thầm, không hiểu tại sao đã sống trong cái phong trào sôi nổi ầm ầm như vậy mà bây giờ cũng sống được với cái hoàn cảnh ấm áp im lìm như vầy.

- Tại trí tấn hóa rồi nó thay đổi cách quan niệm về việc đời. Như mỏa đây, hồi trước mỏa có cái óc xu hướng về sự ẩn dật bao giờ đâu. Tại hoàn cảnh nên bây giờ mỏa mới thành một tên nông phu chánh thức.

- Phải... Toa nói phải... Tại sự tấn hóa nó đổi trí con người. Ai dám chắc bây giờ toa thích ẩn dật mà toa sẽ ôm sở thích ấy đến già, chẳng bao giờ toa đổi ý mà thích sự phiêu lưu hay là thích mùi danh lợi.

- Tiền trình của mình làm sao mình biết trước được, đi tới khúc nào thì mình biết khúc ấy mà thôi.

- Ở đời mình thấy việc gì, vật gì cũng đổi dời hết thảy, ấy là tại sự tấn hóa mà gây ra, bởi vì hễ một việc được tấn hóa thì nó lôi cuốn mấy việc khác phải tấn hóa theo hết. Như trong xứ mình, vì sự học thức tấn hóa mà nó kéo luôn tâm hồn, luân lý, phong tục đều phải tấn hóa hết thảy.

- Mỏa không để ý khảo cứu về khoản đó. Mỏa chỉ biết luân lý và phong tục của người mình bây giờ đổi khác hơn xưa đến 100 phần trăm mà đổi ra xấu, chớ không phải đổi ra tốt.

- Có chỗ xấu mà cũng có chỗ tốt chớ.

- Hum! Tốt theo hình thức ở ngoài... Chánh cái khuôn khổ ở trong, là chỗ cần có ích hơn hết, thì suy bại lắm.

- Nhằm lắm... Hồi nãy toa tiếp chuyện với ma femme và cô Lý, toa có thấy đờn bà con gái bây giờ khác hơn hồi trước hay không?

- Khác xa lắm, khác như 1 với 10. Hồi trước người ta lấy cách sụt sè e lệ làm quí; bây giờ người ta lại thích cách lanh lợi lẳng lơ.

- Rõ ràng trí toa oán đàn bà!

- À! Phải... xin toa dung thứ... mỏa có bịnh.

- Mỏa hiểu. Mỏa cầu chúc cho toa mau trừ được bịnh của toa đặng thưởng thức cái nhan sắc xinh đẹp với cái giọng nói hữu duyên của hạng thuyền quyên bồ liễu kim thời một chút.

- Mỏa chắc mỏa không có cái mạng được hưởng sự ấy.

- Đờn ông phải cứng cỏi hăng hái, không nên thổ lộ những lời nhu nhược bi quan như vậy.

Trời đã tối rồi. Bồi vừa vặn đèn trong nhà cháy lên, thì xe của cô Lý và cô Mỹ về tới.

Cô Lý đưa cô Mỹ vô nhà, thấy Trường với Phúc Đương ngồi trước hàng ba thì nói: "Em ghé lấy sầu riêng với thơm. Không biết sầu riêng nầy ăn liền được hay chưa?"

Phúc lật đật trả lời:

- Bốn trái đều mới chín. Như muốn ăn gấp thì ăn liền cũng được. Nhưng mà để ngày mai sẽ ăn thì thơm hơn.

- Em muốn về ăn liền đêm nay. Anh làm ơn lựa dùm coi trái nào chín nhiều hơn hết đặng em xin.

- Trái nào cũng vậy. Chín rồi hết.

Cô Mỹ nói: "Anh Phúc cho mình, chớ bán chác gì đó mà đày ảnh lựa. Chị vô đây tôi lựa cho".

Hai cô đi vô trong. Cách một hồi, bồi xách một trái sầu riêng với hai trái thơm đem ra xe. Cô lý đi theo. Khi ra tới hàng ba, cô đứng lại mà nói: "Em xin từ hai anh. Em cảm ơn anh Phúc nhiều lắm“.

Phúc đáp: "Vật nhỏ mọn không đáng cảm ơn".

Cô Lý cười mà xuống thềm. Cô Mỹ nói với: "Chị nhớ sáng mai chị lại trả lời việc ấy nghe hôn."

Bồi dọn cơm rồi, cô Mỹ mời Phúc và Trường vô dùng bữa tối. Lúc ngồi ăn cơm cũng vậy, mà lúc ăn cơm rồi ngồi sa lông (25) uống trà nói chuyện cũng vậy, vợ chồng Trường vui vẻ, cứ kiếm chuyện mà nói đặng Phúc hết ái ngại sụt sè.

Nhưng mà Phúc vẫn dè dặt, ít nói ít cười, nhứt là cố ý không muốn nói dài với cô Mỹ, mà hễ nói thì ngó chỗ khác, không chịu ngó cô.

Mới 9 giờ rưỡi mà Phúc đã buồn ngủ, chịu lỗi rằng ở vườn ngủ sớm nên thành thói quen.

Cô Mỹ đích thân đi coi cho bồi dọn phòng giăng mùng rồi mới nói nhỏ với chồng đặng mời khách đi nghỉ.

Sáng bữa sau, vợ chồng Trường thức dậy ở trên lầu đi xuống thì thấy Phúc đã thay đồ rồi. Trường chưng hửng hỏi:

- Toa dậy hồi nào?

- Mỏa dậy hồi 5 giờ.

- Dậy làm chi sớm vậy?

- Mỏa quen dậy sớm nên ngủ nán không được.

- Toa muốn đi đâu mà thay đồ?

- Đi mua đồ chút đỉnh, mua giày, vớ, sơ-mi. Mấy năm nay mỏa không thèm sắm nên đồ tệ quá.

- Còn sớm lắm, nhà hàng chưa mở cửa đâu. Để lót lòng rồi sẽ đi. Mà toa muốn mua đồ thì lấy xe hơi mà đi chớ. Toa ở nhà quê mới ra chợ, toa đi lang bang lính bắt còn gì.

Cô Mỹ tức cười rồi kêu bồi thúc dọn đồ lót lòng cho mau. Ăn rồi Trường kêu sớp phơ biểu đem xe ra mà đưa Phúc đi chợ và dặn Phúc nếu muốn mua thứ gì thì nói với sớp-phơ nó sẽ chạy lại đó coi mà mua, vì sớp-phơ biết tiệm nào bán thứ nào tốt, thứ nào rẻ.

Phúc lên xe đi một hồi lâu, thì cô Lý lại nhà Trường, bữa nay cô đi xe kéo. Vừa bước vô cửa thì cô nói: "Ba tôi cho phép tôi đi Đà Lạt rồi, chị Mỹ à. Tôi vừa nói thì ba tôi chịu liền, sẵn lòng lắm. Vậy tôi lật đật lại cho chị hay và xin phép anh Trường cho tôi đi chung xe rồi lên Đà Lạt cho tôi ở đậu trong nhà".

Trường cười và đáp: "Tôi cũng sẵn lòng cho nữa. Người có sắc và có duyên như cô muốn xin việc gì cũng được hết, ai nỡ bắt bẻ cho đành".

Cô Lý ngồi và ngó cô Mỹ và nói: "Chị Mỹ, chị nghe hay không? Anh Trường cũng biết ve gái nữa chớ".

Cô Mỹ cười và đp: "Tập dượt lần đặng chạy độ hội“.

Trường hả miệng le lưỡi nói: "Cha chả, qua là ngựa đua hay sao mà em nói như vậy? đờn bà thượng lưu chẳng nên bắt chước lối văn "bàn ngựa" để dùng mà nói chuyện. Nói điệu đó nghe khiếm nhã".

Hai cô cười ngất.

Cô lý nói: "Tại anh dùng lời khiếm nhã mà nói với em trước, nên chị Mỹ phải lấy điệu ấy mà trả lại cho anh chớ sao."

Truờng chắc lưỡi nói: "Mới học chọc gái bị đòn nặng quá".

Cô Lý hỏi cô Mỹ:

- Anh Phúc đi đâu vắng?

- Ảnh đi mua đồ.

- Hồi hôm tôi ăn trái sầu riêng ngon quá, mà thơm tàng ong cũng ngon nữa.

Chị có ăn thử hay chưa?

- Tôi cũng có ăn rồi hồi hôm. Ngon thiệt.

- Tôi lấy làm tiếc không gặp anh Phúc đặng tạ ơn ảnh.

Trường chận mà đáp với cô Lý:

- Tôi tưởng tạ ơn người đi xin về cho mà ăn có lẽ cũng được mà.

- Ơn của anh thì chị Mỹ tạ, chớ không phải em. Nầy, anh Trường, anh Phúc có đi học bên Tây mà sao bộ ảnh thiệt thà quá há?

- Ê! Không phải thiệt thà đâu. Xanh vỏ đỏ lòng đa. Đừng có thấy bề ngoài quê mùa cà khu mà khinh khi ảnh. Lầm to đa cô.

- Em đâu dám khinh khi anh Phúc. Em thấy bộ ảnh thiệt thà thì em nói thiệt thà vậy thôi chớ.

- Anh Phúc hồi ở bên Tây ảnh lanh lợi bặt thiệp hơn tôi nhiều lắm. Tại bây giờ ảnh có bịnh nên ảnh lơ lửng chán ngán rồi thành chú nhà quê đó.

- Bịnh gì vậy? Tội nghiệp dữ hôn!

- Bịnh thất tình.

- Ạ!.... vợ chết hay sao mà ảnh thất tình?

- Không phải. Để tôi thuật sơ tâm sự của ảnh cho mà nghe. Hôm qua tôi lên, không có anh Phúc ở nhà, ảnh ở ngoài rẫy mía. Bà già mới nói chuyện với tôi như vầy; hồi ảnh ở bên Tây thì ông già ở nhà có hứa làm sui với Hai Bình, là chủ vườn cao su ở bến Bà Tang, là chỗ nào không hiểu. Người con gái hứa hôn với ảnh tên cô Hạnh. Ảnh với cô nọ có gởi hình cho nhau và có gởi thơ qua lại mà tỏ tình với nhau nữa.

- Chừng ông già mất, ảnh phải thôi học trở về nuôi mẹ, cô nọ thấy ảnh học lỡ dở không có bằng cấp chi hết, mới bội ước, bỏ ảnh mà ưng ông bác sĩ nào đó ở Sài Gòn đây. Tôi không rõ ông Bác sĩ đó tên gì, bà già không biết.

- Ối! Em biết mà. Thằng cha Khuyến nhổ răng đó, chớ bác sĩ gì. Phải, em có nghe M. Khuyến cưới con của chủ vườn cao su nào ở miệt Gia Định giàu lớn lắm; cưới chừng tám chín tháng nay phải hôn?

- Phải, có lẽ mông xừ đó. Vì anh Phúc có tánh đa sầu đa cảm, lại ảnh lỡ thương cô nọ, bởi vậy ảnh thất tình thất chí, hết biết ham muốn sự chi nữa. Mấy tháng nay lăn lóc làm vườn làm rẫy như cu ly (26) vậy, tính dùng sự mệt xác mà chôn cái uất vì tình. Tội nghiệp bà già buồn quá, xúi ảnh đi chơi cho khuây lảng ảnh không chịu đi, khuyên ảnh cưới vợ đặng quên người cũ ảnh không chịu cưới, tự quyết sống mãn đời với cảnh vườn tược, để ý oán hết thảy đờn bà con gái trong thế gian. Chừng kêu ảnh về đặng gặp tôi, tôi thấy nền cư xử của ảnh tôi nghe ảnh than thở việc đời, tôi thương ảnh hết sức. Ảnh có bịnh, bịnh nhiều lắm, bịnh về tâm hồn. Bà già cậy riêng tôi phải ráng làm thế nào mà trị bịnh dùm cho ảnh. Anh em thương nhau quá, tôi phải lo cứu ảnh, bởi vậy tôi ép ảnh phải đi với tôi xuống đây rồi lên Đà Lạt nghỉ ít ngày đặng giải trí. Ban đầu ảnh không chịu đi, bà già với tôi theo ép riết nên ảnh phải đi đó. Chuyện của anh Phúc như vậy, em với cô Lý phải dè dặt, đừng có khinh thị ảnh tội nghiệp, phải giúp với tôi mà làm cho ảnh vui lòng đặng ảnh quên tâm sự của ảnh hoặc may ảnh hết bịnh. Hồi trước ảnh là người đứng đắn lắm vậy, cang trực, nghĩa dõng, liêm sĩ, các tư chất tốt ảnh có đủ hết, không phải là bợm xỏ lá, đánh dóc như họ vậy đâu.

Nghe rõ rồi cô Lý ngồi suy nghĩ mà sắc mặt buồn hiu.

Cô Mỹ hỏi chồng:

- Anh Phúc chơi vơi trong cái cảnh thảm khổ như vậy, mà sao hôm qua, lúc anh mới về, anh lại khen bề ăn ở của anh Phúc có nhiều thú vị thanh cao nhàn lạc cũng như cảnh tiên? Anh muốn nói như vậy cho vui lòng anh Phúc hả?

- Không phải. Thiệt anh Phúc sắp đặt bề ăn ở thanh cao nhàn lạc lắm chớ.

Cảnh ấy thú vị lắm, song thú vị với bực già cả chán đời, hết muốn lợi danh gì nữa kìa. Anh Phúc còn thanh niên mà lại có viễn chí, nếu để ảnh nằm êm trong cảnh ấy thì uổng mà cũng tội nghiệp cho đời của ảnh quá. Sanh làm người mà trọn đời phải chịu buồn bực, không hưởng được chút vui sướng nào của đời hết, thì sự sống có ý nghĩa gì. Em hiểu hay không?

- Hiểu rồi... mà bây giờ mình phải làm thế nào mới trị bịnh cho anh Phúc được?

- Qua tưởng trước hết mình phải làm cho ảnh quên cô Hạnh. Hễ ảnh quên được, thì ảnh hết buồn bực, rồi lần lần ảnh sẽ ái mộ mùi đời, hết chán ngán nhơn tình thế thái nữa.

- Vấu (27) ái tình khắn chặt lắm, sợ khó mà gỡ được.

- Qua phải ráng thử coi.

Cô Lý nãy giờ lặng thinh, bây giờ cô mới vỗ vai cô Mỹ mà nói:

- Tôi nhớ rồi chị Mỹ à. Hai chị em mình biết cô Hạnh đó.

- Biết hồi nào?

- Hôm tháng trước hai chị em mình đi xem hát cải lương trong rạp hát Tây. Vợ chồng M. Khuyến ngồi 2 cái ghế trước mặt mình đó, chị nhớ hôn. Cô ngồi ngay chị, mặc áo xanh, đeo hột xoàn lớn, hai tay đưa lên vuốt tóc đặng khoe hột xoàn với mình đó là cô Hạnh đa!

- Tôi nhớ rồi. Cô đó nhan sắc tầm thường quá, mà sao lại làm cho anh Phúc thất tình thất chí được? Ạ, trái tim có nhiều cái lý, mình không thể nào dùng lý mà giải nghĩa được.

- Chị nói phải. Khối tình gây nên là bởi tại duyên cớ huyền bí nào khác nữa, chớ không phải tại nhan sắc và văn nói mà thôi đâu. Tâm sự của anh Phúc cũng là một bài học cho chúng ta. Thôi, anh Phúc vắng mặt, chúng ta không nên nói lén ảnh nhiều. Bây giờ hai ông bà phải cho tôi biết coi đi Đà Lạt bữa nào, giờ nào, đặng tôi có sửa soạn trước.

Vợ chồng Trường bàn tính rồi nhứt định ngày sau, đúng 7 giờ thì khởi hành và bời cô Lý 6 giờ phải lại đặng ăn lót lòng. Hẹn chắc rồi cô Lý mới từ giã đi về đặng rửa soạn hành lý.

Cô Mỹ đứng trong nhà ngó theo và nói nho nhỏ với chồng:

- Không biết chị Lý chịu hay không. Nếu chỉ chịu thì mình làm mai phứt cho anh Phúc cưới chỉ nghĩ tiện lắm.

- Có được đâu.

- Sao lại không được? Ba của chị Lý chơi bời ổng muốn gả chỉ lấy chồng đặng ổng thong thả. Hễ chỉ ưng thì ổng gả liền.

- Phúc không chịu cưới vợ.

- Sao lại không chịu? Mất cô Hạnh mà được cô Lý thì lời, chớ có lỗ đâu mà không chịu.

- Anh Phúc tâm tánh chất phác theo xưa, còn cô Lý thì tâm hồn lãng mạn theo nay, hai người làm vợ chồng với nhau sao được.

Hai vợ chồng Trường nói chuyện tới đó, thì xe Phúc về tới, nên phải dứt ngang câu chuyện.

Cô Mỹ nói với Phúc: "Hồi nãy chị Lý có ghé cảm ơn anh. Chỉ khen sầu riêng thơm ngon. Mai chỉ cũng đi Đà Lạt với mình".

Phúc chúm chím cười chớ không nói chi hết. Sớp-phơ kêu bồi ra phụ khiêng vô một thùng và ôm năm sáu gói nữa. Trường hỏi mua đồ gì mà nhiều vậy. Phúc nói mua giày, vớ, mu-soa, sơ-mi mà dùng.

Còn hỏi tới cái thùng, thì Phúc nói mua rượu chát với đồ hộp đặng đem đi Đà Lạt. Vợ chồng Truờng trách Phúc, nói rằng đồ đi Đà Lạt vợ chồng mình mua đủ dùng rồi. Phúc khoát tay nói: " Đa đa ích không thiện. Không hại gì".

Trường rùn vai rồi bỏ qua, không muốn cãi với bạn.

o O o

24 sung túc 25 nơi tiếp khách 26 (coolies, couli) 1. giai cấp thấp nhứt của người Ấn độ. 2. phu khuân vác ở Mỹ và ở các xứ thuộc địa.

CHƯƠNG 4 -

B

ữa sau, mới 5 giờ khuya, mà cả nhà Trường, chủ, khách, sớp-phơ, bồi, bếp, đều thức dậy hết đặng sửa soạn cuộc đi Đà Lạt.

Trường với Phúc mặc quần vắn, áo sơ-mi cụt tay, đầu đội bê rê (28), chơn mang giày vớ thể thao, đặng đi đường cho gọn gàng. Cô Mỹ mặc đồ đen thiệt dày, lại có mang hờ một cái áo măng tô nỉ đặng nếu có lạnh thì choàng thêm cho ấm.

Đúng 6 giờ, có xe hơi đưa cô Lý lại, sớp-phơ đem vô một cái va ly với 5 gói đồ. Cô Mỹ hỏi cô Lý:

- Chị đem theo mấy gói gì đây?

- Trái cây tươi, nho khô, bòn bon, đem lên Đà Lạt ăn chơi: Đồ đó ở trển mắc lắm.

- Anh Phúc lén mua đồ đem theo, chị bắt chước ảnh, chị cũng đem thêm nữa, chật xe hết, còn chỗ đâu mà ngồi. Anh Phúc với chị sợ đi rồi vợ chồng tôi bỏ đói hay sao nên lo cụ bị (29) dữ vậy?

- Đem đồ theo ăn chơi với nhau mà hại gì.

Phúc nói: "Chị Trường đừng lo. để tôi coi sắp đặt hành lý cho. Tôi làm thế nào miễn chị với cô Lý ngồi thong thả thì thôi".

Phúc biểu bồi với sớp-phơ đem hết hành lý ra xe rồi đích thân Phúc chỉ cho chúng nó sắp đồ, mấy va ly nhỏ, thùng rượu chát và một mớ gói thì chèn nhét vào thùng phía sau, va ly lớn với ít gói nữa thì để trong xe, đâu đó an ổn, có chỗ để chơn rộng rãi thong thả.

Đồ lót lòng dọn lên rồi, chủ mời khách dùng. Cô Lý cũng mặc y phục dày và màu sậm theo cách đi đường, và cũng đem áo nỉ xám hờ theo như cô Mỹ. Cô cũng vui vẻ như thường song bữa nay cô dè dặt lời nói, không lẳng lơ pha lửng như bữa truớc nữa.

Chừng ra xe mà đi, Trường mời Phúc ngồi sau với hai cô để mình ngồi trước với sớp-phơ. Phúc nhứt định không chịu, buộc phải để mình ngồi phía trước, Trường cười và hỏi:

- Toa quên hết lễ phép rồi sao? Hễ rước khách thì chủ xe phải nhượng chỗ tốt cho khách ngồi, sao toa lại giành chỗ của mỏa.

- Lễ phép của người Âu châu khác hơn lễ phép của người An-nam. Mình là An-nam, lại mình đương ở trong xứ An-nam, thì mình phải giữ theo lễ phép An-nam. Thà là mỏa xin lỗi với toa mà ở lại nhà, chớ mỏa không chịu trái lễ phép của tổ tiên mỏa.

Nghe mấy lời hẳn hoi như vậy thì hai cô nhìn nhau mà cười. Trường phải chịu thua mà để cho Phúc ngồi phía trước.

Xe chạy, Phúc cứ ngồi im lìm. Lúc nào Trường kêu mà nói chuyện, thì Phúc cũng cứ ngó ngay phía trước mà trả lời, chớ không chịu day lại.

Lần tới đèo Blao (30), xe nghẹt xăng, sớp-phơ ngừng lại mà lau bình xăng và coi chừng máy. Phúc với Trường leo xuống đi chơi cho giãn chưn một chút. Hai cô cũng xuống đứng trên lộ.

Trước mặt rừng núi chớn chở, tư bề quang cảnh u nhàn. Người có sẵn cái tâm hồn chán đời ghét tục như Phúc, trông thấy cảnh nầy tự nhiên thích lắm.

Phúc đương đứng ngó mông, thình lình Trường kêu mà hỏi:

- Ê! Phúc! Nếu người ta buộc toa phải ở chỗ nầy, toa chịu hay không?

- Ai có quyền buộc mỏa như vậy được?

- Nói ví dụ vậy mà.

- Nếu chẳng có sự gì ràng bụôc, và nếu không ai ép uổng mỏa, thì có lẽ mỏa chịu ở mấy chỗ núi cao rừng rậm như vầy lắm. Song phải có gạo ăn, phải có nước uống, thì ở mới được chớ.

- Ví như có một người đàn bà chán đời như toa, rủ toa lên đây cất nhà ở với nhau đặng quên hết thế sự, toa chịu hay không?

- Có đàn bà chán đời bao giờ?

- Ví như có?

Phúc suy nghĩ một chút rồi mới đáp: "Chán đời mà phải đồng tâm đồng chí thì ở chung với nhau mới được, chớ ở mà ngó nhau như cặp chó bằng sành, cứ gây gổ hoặc hờn giận nhau thì ở làm gì".

Xe sửa rồi, mấy người leo lên mà đi nữa. Tới Djiring (31), cô Lý than đói bụng, mà Trường cũng muốn cho xe nghỉ mát một chút, nên biểu sốp-phơ ngừng lại. Cô Mỹ dở giỏ lấy bánh mì, thịt nguội rồi ai nấy xúm lại ăn trên xe. Ăn rồi dắt nhau đi vòng trong châu thành.

Djiring đã cao hơn mặt biển trên một ngàn thước, bởi vậy khí trời mát lạnh, khác hẳn với không khí dưới đất bằng. Mà sự lạnh ở đây thì lạnh khô khan, lại nhờ có cây thông phưởng phất mùi thơm tho, nên làm cho con người khỏe khoắn lắm.

Cô Mỹ với cô Lý vui vẻ, nói nói cười cười, nhưng mà nói có ngần, cười có hạn, chớ không dám tỏ lời nghịch lý hay là trổ giọng lãng mạn.

Xe đi nữa, đi tới khúc nào có cảnh xinh đẹp thì ngừng lại mà thưởng thức. Tại đi từ chặng, và đi và chơi, nên 2 giờ chiều xe mới lên tới Đà Lạt.

Nhà của Trường mướn là một cái nhà trệt, ở phía nhà máy đèn, có nhà bếp, có phòng tắm, có chỗ để xe hơi rộng rãi. Nhà chia làm 4 phòng, một phòng để làm chỗ rước khách và ăn cơm, còn ba phòng kia thì đều có để giường làm phòng ngủ.

Truờng nhượng cho Phúc ở cái phòng phía trước, ngang với phòng ăn; còn hai cái phòng phía sau thì vợ chồng Trường ở một cái, cô Lý ở một cái. Trong nhà có sẵn một người bếp lãnh nấu ăn và một người bồi lo phục sự.

Đồ của ai dọn vào phòng nấy xong xuôi rồi, thì trời đã chiều, nên có hơi lạnh. Ai nấy đều rửa mặt chải đầu rồi thay đồ ấm mà mặc. Chừng vợ chồng Trường với cô Lý thay đồ rồi đi ra phòng khách thì không thấy Phúc. Trường kêu bồi mà hỏi thì nó nói: "Ông ở phòng ngoài đi chơi rồi. Ông có dặn con nếu ông ở phòng trong có hỏi thì thưa rằng ổng cần phải đi bộ một vòng, đến 6 giờ tối ổng sẽ về".

Trường rùn vai lắc đầu, biểu sớp phơ ở nhà nghỉ. Trường đích thân đem xe ra rồi cầm bánh chở hai cô đi một vòng, cố ý muốn kiếm Phúc. Đi hết phía duới chợ rồi đi lên phía nhà thờ, đi đến tối mà cũng không gặp Phúc. Chừng trở về nhà thấy Phúc đương đi bách bộ trước sân thì Truờng hỏi:

- Toa đi đâu mà mỏa kiếm cùng hết không gặp toa?

- Mỏa đi xem hoa chơi. Mỏa đi phía sở thuốc. Có một cái nhà trồng hoa đẹp quá.

- Sao không chờ mỏa đi với?

- Mỏa muốn đi bộ chơi cho thong thả.

Cô Mỹ muốn dọ thử coi Phúc lên Đà Lạt, thấy cảnh lạ, có đổi ý hay không, nên hỏi Phúc:

- Lên trên nầy anh thấy hoa đẹp anh vui hay không, anh Phúc?

- Thấy cái đẹp tự nhiên khoái mắt, chớ không phải vui.

- Lẽ khoái mắt thì vui lòng chớ sao.

- Không chắc. Có khi khoái mắt mà không vui lòng. Ví như mình có một sự buồn rầu, hoặc người yêu của mình chết, hoặc mình thất bại về một việc gì đó, mà mình đi nghe hát hay là đi xem hoa. Nghe hát thì êm tai, xem hoa thì khỏe mắt, lúc ấy bất quá mình tạm quên sự buồn rầu một chút, chớ có thế nào mà vui lòng được.

- Vậy chớ người buồn rầu phải làm sao mới hết buồn rầu được?

- Tôi tưởng sự buồn nhỏ thì có lẽ khuây lãng, chớ sự buồn lớn thì không thể giải được.

Cô Mỹ nghe nói như vậy thì liếc mắt ngó chồng rồi trề môi. Trường mời hết lên xe đi lại nhà hàng mà dùng bữa cơm tối, để sáng mai sẽ khởi sự đi chợ nấu ăn ở nhà.

Cô Lý nhờ Trường mà được biết tâm sự của Phúc. Nay nghe Phúc đàm luận, thấy rõ vít thương tâm của Phúc nặng lắm thì cô cảm xúc hết sức. Cô thầm nguyện sẽ tận tâm giúp Trường làm cho Phúc vui đặng quên tâm sự. Mà giúp bằng cách nào? Phải làm sao? Ấy là những câu cô Lý tự hỏi trong trí cô hoài, trong lúc ngồi ăn cơm tối. Cô tưởng không nên để Phúc đi chơi một mình, bởi vì đi một mình tự nhiên buồn, rồi trí phải suy nghĩ. Nội bọn phải đi chơi với Phúc luôn luôn, phải dắt Phúc đi xem những cảnh hữu tình, những cảnh nên thơ, đặng cho Phúc cảm, phải đàm luận với Phúc đặng bắt bẻ mấy cái lý thuyết chán đời của Phúc. Trong khoảng 15 ngày có lẽ làm cho Phúc dầu không hết buồn, song cũng giảm được nhiều ít.

Cô Lý tính như vậy nên hỏi cô Mỹ:

- Chị có đem quần Tây theo hay không?

- Không. Tôi không có quần Tây. Chị hỏi chi vậy?

- Có quần Tây đặng mình bận mà cỡi ngựa đi chơi. Không hại gì. Tôi có đem 2 cái, để tôi đưa cho chị một cái đặng chị bận.

- Không. Tôi không bận đâu. Việc trái đời, tôi không thể làm được.

- Sao mà trái đời? Để sáng mai rồi chị coi. Đàn bà con gái mặc quần Tây, áo cụt mà cỡi ngựa thiếu gì.

- Thói của bọn nhà giàu nầy hay bắt chước cái hư cái xấu của thiên hạ, sao chị lấy họ mà làm gương? Muốn bắt chước thì bắt chước cái tốt và chừa bỏ cái xấu mới phải chớ.

Phúc gặc đầu khen: "Chị Trường nói đúng đắn lắm. Người An-nam mình vì ham bắt chước thiên hạ nên làm cho phong tục dời đổi. Chớ chi bắt chước cái tốt thì phong tục thêm thuần mỹ. Tại bắt chước cái xấu nên phong tục mới tồi bại. Ấy vậy nếu muốn bắt chước thì phải nên lừa lọc, chẳng nên làm càn".

Gái nào khác nếu nghe những lời của cô Mỹ và của Phúc đó thì phải hổ thẹn lắm. Cô Lý nhờ có tánh biết kính phục lời phải, bởi vậy cô không hổ, không phiền mà cô lại đáp: "Em cám ơn chị Mỹ với anh Phúc dạy khôn cho em. Em được đi chơi với người phải, thiệt em có phước lắm“.

Phúc không dè cô Lý có can đảm mà nhìn nhận sự lầm lỗi đến thế, bởi vậy nghe cô Lý nói dứt lời thì Phúc ngó cô mà cười ngợi khen, gật đầu kính trọng.

Ăn cơm rồi bốn người lên xe trở về nhà mà nghỉ sớm.

o O o

28. (béret), mũ nồi 29. phòng bị 30. giờ gọi là Bảo Lộc 31. bây giờ là Di Linh

CHƯƠNG 5 -

Đ

à Lạt đã được 10 ngày rồi. vợ chồng Trường có bàn tính với cô Lý, nên bữa nào cũng vậy, sớm mơi thì đi chơi xa, buổi chiều thì đi bộ trong châu thành, mà đi đâu cũng rủ Phúc đi chung, chớ không chịu để Phúc đi chơi một mình.

Có bữa đi xe vô suối Cam-Ly, rồi dắt nhau đi bộ băng ngang Ái tình Lâm (bois des Amours), trở ra ngả Couvent des Oiseaux, biểu sớp-phơ đem xe qua nhà dù Robinson mà chờ. Có bữa đi vòng đường săn bắn (Tour de chasse) xem nai ăn cỏ non, rồi ngừng nơi hồ Than Thở (Lac des soupirs) mà ngắm phong cảnh im lìm thanh tịnh. Có bữa lên Dankia mà xem sở nuôi bò. Có bữa xuống Bosquet mà coi những sở trồng hoa, trồng rau cải. Có bữa lên Point de Vue, là trung tim cái nỗng (32) Lâm Viên, ngồi ngó núi non tứ phía cho phỉ lòng háo cảnh, rồi đi thẳng vô chơn núi Lâm Viên tìm đường lên đảnh coi bao cao. Đi chơi xa như vậy thì Phúc hăng hái, nhưng mà chẳng khi nào ngả ngớn vui cười, dường như vít thương tâm cứ ngầm ngầm châm chích ruột gan, dầu nếm thú nên thơ, dầu xem cảnh tuấn tú, cũng không hết đau đớn.

Buổi chiều đi trong châu thành, thì vợ chồng Trường ăn ý với nhau nên thường cụt thụt đi sau xa xa, để cho Phúc đi trước với cô Lý. Cô Lý vui vẻ, cứ kiếm chuyện mà nói với Phúc, song cô nói thì Phúc nghe, chớ Phúc không muốn đối đáp, dường như tai nghe nói chuyện ở đây, mà trí tư tưởng ngoài chơn mây, hoặc trên mặt biển.

Một buổi sơm mơi, vợ chồng Trường không muốn đi chơi, tính nằm nhà xem sách. Phúc đứng trước sân xem hoa, thấy sắp nhỏ cho mướn ngựa, dắt bốn năm con ngựa đi ngang. Phúc thấy có con ngựa ô cao lớn mập mạp, muốn cỡi con ngựa ấy đi chơi một vòng, nên kêu mà mướn.

Cô Lý thích cỡi ngựa lắm, ngặt vì hôm mới lên đây liền bị cô Mỹ kích bác sự đó. Nay cô thấy Phúc mướn ngựa đi chơi thì cô không thể dằng cái sở thích của cô được nữa, nên cô hỏi:

- Anh Phúc mướn ngựa đi chơi hả? Xin anh cho phép em đi với.

- Tôi đi bậy một vòng mà thôi.

- Em cũng đi một vòng như anh.

- Đờn bà con gái cỡi ngựa hiểm nghèo lắm.

- Em cỡi hoài, có sao đâu. Em cỡi giỏi lắm, xin anh đừng lo. Anh đợi em thay đồ rồi em đi với.

Cô Lý biểu mấy đứa nhỏ cho mướn ngựa chờ cô, rồi cô chạy vô phòng thay đổi y phục. Cách chẳng bao lâu cô trở ra sân, trên mặc một cái áo nỉ vằn màu nâu, dưới mặc một cái quần tây cũng bằng nỉ màu trứng gà, đầu choàn một cái khăn rằn ri, bộ coi gọn gàng lắm. Cô lựa một con ngựa nhỏ êm ái đằm thắm hơn hết mà mướn rồi so cương leo lên lưng lẹ làng như đờn ông con trai. Cô ngó Phúc mà nói: "Anh thấy hôn? Em biết cỡi ngựa mà. Anh lên lưng ngựa đi.“ Phúc leo lên ngựa, để cho cô Lý đi trước. Phúc theo sau.

Ngựa chạy lúp xúp, cô Lý day lại hỏi:

- Anh muốn đi đâu anh Phúc?

- Đi đâu cũng đựơc.

- Đi trong châu thành hay gặp xe hơi bất tiện. Hai anh em mình đi vòng Tour de chasse chơi nghe hôn?

- Tự ý cô.

Cô Lý cho ngựa chạy qua đường trước dinh quan Quản Đạo rồi quanh vô đường đi Tour de chasse. Phúc cứ chạy theo cô.

Hễ ngựa chạy một khoảng xa xa coi bộ mệt, thì cô Lý gò cương lại để đi thủng thẳng mà nghỉ. Phúc cũng làm như cô, mà cũng cứ đi sau chớ không chịu tới trước.

Vô tới khoảng đồng, khỏi ngả ba tẻ đường đi Point-de-Vue một chút, cô Lý thấy một bầy nai, có hai con mang chà-gạt (33) bùm sùm trên đầu, đương đứng chung quanh một cây thông già trơ trọi giữa nổng, nhánh vin lên, nhánh cong xuống. Phía trong xa xa nắng chói cỏ non trên nổng làm cho chỗ vàng vàng, chỗ xanh lặc lìa, xem như lụa phơi gấm trải trên mặt đất. Xa vô trong nữa là dãy núi Lâm Viên xanh xanh.

Sẵn có tâm hồn lãng mạn, cô Lý thấy cảnh xinh đẹp như vậy thì xao xuyến trong lòng, liền chỉ tay và la lớn: "Anh Phúc, anh Phúc, bức tranh tùng lộc rõ ràng đó, thấy hôn? đẹp quá, không bao giờ họa sĩ vẽ cho được như vậy! Em vui quá! Anh vui hôn?"

Phúc dừng ngựa một bên cô Lý mà ngó. Bầy nai vẫn đứng tự nhiên, con thì cúi đầu ăn cỏ, con thì vin mặt ngó mông, không sợ, không lo gì hết. Phúc nói: "Cảnh Đẹp thiệt". Cô Lý cười ngả ngớn mà nói: "Giữa cái cảnh đẹp đẽ như vầy, ví như em được ở mà xem tối ngày, em cũng chịu nữa".

Phúc không trả lời, thúc ngựa đi, con ngựa của cô Lý cũng đi theo. Cô Lý hỏi:

- Anh đói bụng hay không, anh Phúc? Hồi nãy em có lấy bỏ túi đem theo một hộp pâté (34) với hai ổ bánh mì nhỏ đây. Nếu anh đói bụng thì ngừng lại đây mà ăn.

- Tôi không đói.

- Em đói rồi. Mà thôi, để đi qua hồ Than Thở, rồi mình sẽ nghỉ mà ăn. Cặp ngựa lúc chạy lúp xúp, lúc đi thủng thẳng, nên 10 giờ rưỡi mới qua tới hồ Than Thở. Cô Lý rủ Phúc xuống ngựa mà nghỉ một chút, đặng ăn bánh mì dằn bụng rồi sẽ đi nữa. Phúc chịu. Hai người xuống ngựa, buộc cương vào cây thông bên đường rồi đi lại cái cầu ở mé hồ mà ngồi.

Mùi nhựa thông bay thơm ngát như xông trầm, nước dưới cầu chảy ro re như than thở. Chung quanh hồ rừng thông lố xố, chung quanh mình quang cảnh u nhàn. Cảnh đẹp mà có vẻ buồn, làm cho Phúc châu mày tư lự.

Cô Lý móc trong túi áo lấy ra hai ổ bánh mì nhỏ với một hộp pâté. Cô đưa hộp pâté mà cậy Phúc khui giùm, nhờ có việc làm Phúc mới tạm quên cái cảnh buồn trước mặt. Pâté mở ra được rồi, cô Lý đưa cho Phúc một ổ bánh mì mà mời Phúc ăn, Phúc vị bụng nên phải lấy ăn với cô, chớ thiệt không muốn ăn chút nào hết.

Cô Lý thấy Phúc buồn bực chừng nào thì cô càng vui vẻ thêm chừng nấy, tính làm vui cho Phúc hết buồn, chẳng dè cô càng vui thì Phúc càng buồn thêm, sự vui của cô đã không ích mà lại còn hại.

Một lúc Phúc ngồi ngó sửng trên mặt nước, tay cầm ổ bánh mì mà không ăn. Cô Lý thấy vậy cô lấy làm tức về sự dụng tâm của cô không được kết quả theo ý muốn, bởi vậy cô tính đổi cách nên nghiêm nét mặt mà hỏi: "Bộ anh sao buồn hoài, dầu thấy cảnh đẹp cho mấy đi nữa anh cũng không biết vui. Tại sao vậy anh Phúc?"

Phúc lặng thinh một chút rồi thở dài mà đáp:

- Tại sự vui không thế vào trong lòng tôi được.

- Tại sao mà sự vui không thế vào trong lòng anh?

- Tại tôi có tâm sự riêng nó ngăn đón không cho sự vui vào được.

- Tâm sự gì mà ác quá vậy? Em có thể được biết hay không?

Phúc ngó cô Lý, thấy cô đương chúm chím cười mặt ửng lòa hạnh phước, miệng khiêu khích tình duyên, thì lắc đầu mà đáp:

- Cô muốn biết tâm sự của tôi làm chi? Cô không nên biết.

- Tại sao vậy?

- Người vui vẻ không nên biết sự buồn rầu, người phấn chí không nên nghe chuyện thất chí.

- Anh cho em là người vui vẻ phấn chí hả?

- Phải.

- Nếu anh tưởng như vậy thì anh tưởng lầm. Nhiều khi người ta buồn rầu lung lắm, nên người ta phải làm vui bề ngoài đặng khỏa lấp nỗi buồn ở trong. Nhiều khi người ta chán ngán não nề lung lắm, nên người ta phải rán hăng hái hoạt động đặng trừ sự chán ngán não nề đó.

- Cô làm sao mà đến nỗi buồn rầu chán ngán?

- Đèn nhà ai nấy sáng, tâm sự của ai nấy biết.

Phúc thấy cô Lý bây giờ buồn hiu, hết vui vẻ như hồi nãy, thì ăn năn nói:

- Tôi phá cái vui của cô, tôi quấy nhiều lắm. Xin cô tha lỗi. Hễ mình mang chứng bịnh buồn thì mình không nên gần ai hết, gần rồi lây bịnh cho người ta. Sự ấy nay thí nghiệm đã rõ ràng, không còn nghi ngờ gì nữa.

Cô Lý suy nghĩ một chút rồi cô đáp:

- Nếu lây bịnh buồn cho người ta rồi bịnh của mình giảm được, thì có lợi chớ không phải hại mà sợ.

- So đo lợi hại như vậy sao được. Mà dầu lây bịnh cho người ta rồi bịnh của mình giảm được đi nữa, mình cũng không nên làm. Người có nhơn nỡ lòng nào mà làm như vậy cho được.

- Anh thiệt là quân tử. Em kính phục anh lắm... mà em tưởng nếu mình có bịnh buồn, mình kiếm người cũng có bịnh buồn như mình mà gần gụi, hai bịnh buồn chọi nhau rồi có lẽ sự buồn tiêu hết mà hóa ra sự vui không biết chừng.

- Sợ hai cái buồn nhập lại rồi nó lớn bằng hai mới khổ cho chớ. (thiếu) - Lập gia đình là có vợ con, có nhà cửa, nối nghiệp cho cha mẹ, nối dòng cho tổ tiên, làm đầm ấm cho xã hội, làm an ổn cho quốc gia. Con người phải làm cái nghĩa vụ ấy mới trọng đạo làm người, trí mới thơ thới, sự sống mới có ý nghĩa.

- Sao anh để ý đến gia đình mà anh lại khổ tâm?

- Vì tôi phải nhượng cái nghĩa vụ ấy cho người khác, tôi không thể làm được.

- Nếu mỗi người đều làm như anh, ai cũng trốn lánh không chịu lãnh cái nghĩa vụ lập gia đình, thì còn gì xã hội, còn gì quốc gia? Theo ý em tưởng con người trước hết phải lo làm cho tròn cái đạo làm người, không được viện lẽ gì mà thối thác nghĩa vụ ấy. Bữa nay nhờ có anh cắt nghĩa em mới thấu hiểu ý của ba em. Vậy thì em phải vâng theo ý ấy, em không dám cãi nữa.

- Ở đời có nhiều nghĩa vụ phải làm, nhưng vì vận hội xui khiến mà mình không làm được thì phải chịu. Cô chịu lập gia thất, ấy là một điều hiệp nghĩa. Tôi khuyên cô phải làm. Còn phận tôi, thì tôi chắc tôi không thể làm được.

Hết lời cãi nữa, cô Lý lắc đầu mà đứng dậy. Phúc thấy đã trưa rồi nên khuyên cô Lý về, kẻo vợ chồng Trường nhọc lòng chờ ăn cơm. Phúc nắm ngựa giùm cho cô Lý leo lên lưng rồi hai người song song trở về nhà.

Tối bữa ấy cô Lý vô phòng mà thuật chuyện đi chơi với Phúc cho vợ chồng Trường nghe, nhứt là thuật rõ các câu chuyện của Phúc nói, không bỏ sót một ý nào hết. Trường nghe rồi thì lắc đầu nói: "Bịnh của anh Phúc tôi tưởng không có thuốc gì mà cứu được. Ảnh thất tình đến nỗi thấy cảnh đẹp không biết vui, thấy gái đẹp không động lòng, thế thì mình phải chịu thua, đừng trông mong gỡ mối sầu cho ảnh nữa".

Cô Mỹ nói: "Anh Phúc đi chơi với mình hổm nay, em thấy tánh nết ảnh, em nghe ảnh nói chuyện thì thiệt quả ảnh là một người cao thượng đúng đắn, đáng kính trọng. Vậy mình phải ráng làm sao mà gỡ mối sầu cho ảnh, chớ bỏ ảnh khổ não trọn đời thì tội nghiệp lắm".

Trường hỏi: "Biết làm sao bây giờ?"

Cô Lý suy nghĩ rồi nói: "Em thấy có một thế khác nữa. Hổm nay mình muốn giải buồn cho anh Phúc mà mình cứ chăm lo làm cho ảnh cảm về tâm hồn mà thôi. Làm như vậy không cảm ảnh được. Thôi mình bỏ cách đó đi, lập thế làm cho ảnh cảm về hình thức thử coi có kết quả hay không. Chừng về Sài Gòn, anh Trường ráng cầm anh Phúc ở lại chơi ít bữa, rồi mình dắt ảnh đi xem hát, đi khiêu vũ, mình cho ảnh nếm các cuộc vui về hình thức, làm như vậy thử coi ảnh có biết vui hay không."

Trường lắc đầu đáp:

- Anh Phúc có bịnh về tâm hồn. Cái đẹp, cái vui tự nhiên của trời đất mà còn không làm cho ảnh cảm xúc, thì cái đẹp cái vui lạm xạm của loài người làm sao mà đổi trí ảnh được.

- Nếu mình cho ảnh nếm cuộc vui về hình thức mà ảnh không biết vui, thì em còn một phương thế khác nữa.

- Phương thế gì? Cô nói cho tôi nghe thử coi.

- Mình lập thế cho ảnh giáp mặt với cô Hạnh.

- Uý! Hiểm nghèo lắm! Sợ sanh sự không tốt.

- Anh Phúc cũng như người có mục ghẻ, đau đớn nhức nhối ngầm ngầm hoài. Mổ phứt mụt ghẻ ấy một lần cho rồi. Mổ thì chắc ảnh đau lắm, mà đau rồi lành bịnh thì không sợ gì.

Vợ chồng Trường đồng khen cô Lý tính hay và hứa chừng về Sài Gòn sẽ cầm Phúc ở lại chơi ít bữa.

Ở nghỉ trên đà Lạt đúng 15 ngày rồi bốn người mới lên xe trở về Sài gòn.

o O o

32. đồi 33. sừng nai có nhiều nhánh 34. dồi, chả

CHƯƠNG 6 -

Ở Đà Lạt đi về dọc đường, cô Lý ân cần mời vợ chồng Trường với Phúc chiều bữa sau lên nhà cô mà dùng một bữa cơm tối với cô rồi đi xem hát, muốn xem hát bóng, hát bộ hay là hát cải lương tùy ý Trường với Phúc định. Phúc nói đi chơi lâu quá sợ mẹ ở nhà trông, nên không dám nhậm lời của cô Lý mời, tính hễ về tới Sài Gòn thì đi liền về Bến Súc.

Cô Lý theo năn nỉ, nói anh em biết nhau mà không đến nhà thì tình lợt lạt, cô xin Phúc ráng ở thêm một vài bữa đặng lên ăn cơm cho biết nhà cô và biết ông thân của cô, rồi khi nào rảnh cô cũng sẽ đi với vợ chồng Trường lên Bến Súc mà thăm Phúc cho biết vườn rẫy và biết bà thân của Phúc. Vợ chồng Trường cũng tiếp với cô Lý mà cầm Phúc ở lại chơi vài bữa nữa, hứa rồi sau sẽ cho xe đưa Phúc về, ba người nói quá làm Phúc phải xiêu lòng không cãi nữa song cũng chưa chịu hứa lời.

Đến chiều xe về tới nhà Trường. Bồi đưa một phong thơ cho Phúc, nói thơ mới lại hồi sớm mơi nên để đó không gởi lên Đà Lạt cho Phúc. Phúc xé thơ ra coi thì là thơ của mẹ gởi, nói việc nhà bình an như thường và khuyên Phúc cứ vui chơi chẳng cần lo về gấp.

Vợ chồng Trường với cô Lý hay tin ấy thì vui mừng, theo ép riết Phúc phải ở lại. Phúc cùng đường, không còn mượn cớ nào mà cáo từ nữa được, nên phải chịu.

Hôm mới xuống Sài Gòn, Phúc đi mua đồ, có đặt may hai bộ đồ Tây trắng với một bộ tussor. Khi đi Đà Lạt có để giấy và để bạc lại cho bồi lấy áo quần ấy rồi bỏ giặt sẵn cho Phúc.

Bữa nay sửa soạn đi lên nhà cô Lý mà ăn cơm với vợ chồng Trường, Phúc mặc bộ đồ tussor mới, chơn mang giày da láng, cổ thắt cravate (35) màu tím có đốm trắng, nên hình coi không còn một điểm nhà quê nào nữa, giống hệt người Sài Gòn đến 100 phần trăm. Trường thấy vậy thì nói pha lửng:

- Ê! Phúc, toa mặc đồ đó thì phải ở luôn dưới Sài Gòn đặng ngồi nhà hàng, đi khiêu vũ, hoặc đi trường đua chớ toa về Bến Súc đi trong vườn coi không được.

- Mỏa đặt may lỡ rồi, nãy giờ mỏa bận thử mỏa ăn năn lắm.

- Tại sao mà toa ăn năn?

- Trong ruột đã khô khốc, mà ngoài vỏ trau chuốt cho láng nhuốt có ích gì.

- Không biết chừng nhờ cái vỏ láng nhuốt đó, nó làm cho cái ruột đượm nhuần hết khô nữa.

- Không chắc.

- Để thí nghiệm rồi sẽ biết.

Sửa soạn xong rồi, gần tối, vợ chồng Trường với Phúc mới lên xe mà đi lên nhà cô Lý trên Phú Nhuận.

Biệt xá của ông Thinh là một cái nhà lầu, tuy nhỏ song kiểu vở tối tân, trước có sân rộng để trồng bông, sau có vườn trồng xoài mít rậm rợp.

Cô Lý xin phép trước với cha mà rước khách. Ông Thinh có ý muốn con lấy chồng cho sớm, tưởng vợ chồng ông giáo sư Trường sắp đặt đặng chồng coi con mình, bởi vậy ông cho phép liền, mà lại dặn con phải sửa soạn cuộc tiếp khách cho xứng đáng, cho khỏi người ta chê cười.

Xe của Trường chạy vô sân thì thấy trong nhà đèn đốt sáng lòa, ghế bàn chưng dọn hực hỡ. Xe ngừng, vợ chồng Trường với Phúc bước ra, thì cô Lý mặc quần áo trắng lớp, mặt mày vui vẻ, miệng cười rất có duyên. Cô ngó Phúc, khen bộ đồ Tussor may khéo, rồi mời khách vô nhà.

Ông Thinh tóc đã bạc hoa râm mà ông chải gỡ láng nhuốt, răng đã rụng ba cái mà ông trám răng giả nên không ai dè; ông mặc một bộ đồ Tây nỉ xám, chơn mang giày vàng, cổ thắt cravate rằn ri, mép cạo râu láng bóng, bộ tướng coi sắc lẽm như trai mới lớn lên. Ông đương ngồi sa lông, thấy khách vô thì ông đứng dậy tiếp chào. Cô Lý trình diện mỗi người cho cha biết rồi mới ngồi và liếc mắt dạy bồi đem nước đá đặng dùng rượu khai vị.

Ông Thinh tưởng Phúc là người muốn xin cưới con mình nên cứ ngó Phúc rồi hỏi:

- Ông đây gốc gác ở đâu?

- Dạ, cháu ở trên Bến Súc.

- Ông bà cụ còn song toàn?

- Dạ, cháu mồ côi cha, chỉ còn có bà mẹ mà thôi.

- Ông làm việc chi ở đâu?

- Dạ, cháu làm vườn làm rẫy ở nhà.

Ông Thinh ngó hai bàn tay của Phúc rồi ông châu mày. Trường biết Phúc bị tra vấn thì bực mình lắm, tính kiếm thế cản ông Thinh cho hết nhọc lòng Phúc, nên hỏi ông:

- Năm nay cuộc buôn bán của bác phát đạt hơn mấy năm trước hay không?

- Dễ chịu.

- Đời nầy cháu coi duy có nghề thương mãi thì sung sướng hơn hết, có lợi nhiều mà lại khỏi ai kềm thúc.

- Phải. Nhưng mà buôn bán phải biết tráo trở mới được, chớ lù đù quá, thì đã không có lợi mà lại còn sợ phải bị hại.

Cô Lý nghe câu chuyện không vui, mà cô còn muốn ăn cơm cho mau đặng cô đi xem hát, bởi vậy cô hối bồi sắp đặt tiệc rồi mời cha với khách qua phòng ăn.

Câu chuyện ngoài phòng khách nãy giờ còn kéo luôn vô phòng ăn nữa, bởi vậy cái không khí buồn bực cũng không đổi được.

Ăn mới nửa bữa kế nghe có tiếng xe hơi vô sân. Hườn là một thương gia ở trong Chợ Lớn, tuy trẻ tuổi, song là bạn thiết của ông Thinh, thường ngày hay tới rủ ông đi chơi, đi lốp bốp vô phòng khách, đứng dòm qua phòng ăn, thấy có khách đông thì cúi đầu chào, rồi hỏi ông Thinh:

- Ông ăn cơm hay sao? Ăn gì sớm dữ vậy?

- Có khách nên ăn sớm.

- Vậy tôi tính ra rước ông đi ăn cơm rồi đi chuyện khác nữa.

- Tôi mắc có khách, đi không được.

- Mời ông bước qua bên nầy đặng tôi nói chuyện riêng một chút.

Ông Thinh đứng dậy đi qua phòng khách. Hườn nói nhỏ chuyện gì với ông đó không biết, mà ông trở qua cáo lỗi với khách đặng ông đi, vì có chuyện quan hệ lắm cần phải tính gấp. Hườn hớn hở ngó cô Lý mà nói: "Em Lý ăn cơm cho no nghe hôn. Tôi xin mấy ông bà tha lỗi".

Hườn cúi đầu chào chung, rồi ra cửa lên xe mà đi với ông Thinh.

Câu chuyện của ông Thinh không hạp với trí ý của Trường và Phúc nên cuộc hội hiệp đã mất thú vị rất nhiều, mà còn thêm Hườn đến làm lộn xộn phá đám nữa, thì bữa ăn cô Lý tính sẽ làm cho có vẻ thân mật mà long trọng hóa ra bữa ăn xao xuyến chẳng khác nào trong mấy tiệm cao lầu.

Cô Mỹ thấy cô Lý có sắc buồn thì hỏi:

- Không biết có việc chi quan hệ mà người ta mời bác đi gấp dữ vậy?

- Đi chơi chớ có việc chi đâu.

- Không lẽ.

- Anh Hườn là người thân thiết của ba tôi, ảnh tới rủ đi chơi thường, chớ phải với một lần đâu.

Cô Lý lại ngó Phúc mà nói tiếp: "Anh Phúc, em vui vẻ, em phấn chí luôn luôn là tại như vậy đó, anh hiểu hay chưa?"

Phúc gặc đầu hai ba cái, mà mắt ngó cái khuôn hình treo trên tường, không nói chi hết.

Ăn cơm rồi, chủ khách bàn tính với nhau rồi nhứt định xuống Sài Gòn xem hát cải lương. Cô Lý với vợ chồng Trường thì hăng hái, còn Phúc thì ép bụng đi theo, nên không vui chút nào hết.

Cô Lý mua 4 cái giấy hạng nhứt rồi mời khách vô. Hai cô ngồi giữa, Trường với phúc ngồi chận hai bên, cô Lý ngồi khít với Phúc.

Đào kép ca thì ăn rập với đờn lắm, tiếc vì tuồng đặt lớp lang không trúng luật, có lớp vô ích, có lớp lãng nhách, còn câu tuồng thì không văn chương, mà lại xen nhiều tiếng hoặc quá thanh tao hoặc quá thô tục, không phù hiệp với địa vị của vai tuồng. Tuy Phúc không phê bình hay dở, nhưng mà cô Lý biết Phúc không thích, nên còn hai màn nữa mới vãn hát, mà cô Lý than khát nước và rủ vợ chồng Trường ra, đặng đi kiếm đồ uống giải khát. Trường dắt hết lại một nhà hàng khiêu vũ, rồi bốn người chọn một cái bàn gần cửa, biểu bồi lấy hai ly nước cam tươi cho hai cô, còn Trường với Phúc thì uống la-ve (36).

Trong nhà hàng đèn bóng xanh bóng đỏ xen nhau làm cho sáng mà không chói mắt. Tiếng nhạc đánh khi phù khi trầm, khi khoan khi nhặt, nam thanh nữ tú vịn nhau mà nhảy theo nhịp đờn. Trường có tánh thích khiêu vũ, nghe tiếng nhạc thì không thể không nhảy được, nên đứng dậy mời cô Mỹ nhảy một chập.

Đờn dứt bản rồi, vợ chồng Trường trở lại bàn. Trường thấy Phúc ngồi trơ trơ, không mời cô Lý, thì nói:

- Ê, Phúc, sao toa không mời cô Lý nhảy chơi một cấp?

- Mỏa không thích nhảy.

- Sao hồi bên Tây toa thích lắm?

- Hồi đó mỏa thích, mà bây giờ mỏa không thích nữa.

- Dầu không thích toa cũng phải làm, bởi vì toa không nên để thất lễ với cô Lý.

Cô Lý cười. Phúc sợ thất lễ, nên nghe tiếng nhạc đánh lại thì liền đứng dậy cúi đầu trước mặt cô Lý. Cô Lý vui vẻ đứng dậy, rồi hai người cặp nhau mà nhảy. Vợ chồng Trường cũng ra nhảy nữa.

Phúc hồi ở bên Tây khiêu vũ thiện nghệ; tuy bỏ cách chơi nầy đã hơn hai năm rồi, nhưng mà nay cặp với cô Lý, mắt ngó mặt cô rất Đẹp, mũi phưởng phất mùi thơm tho, tai nghe đờn rập rình, khiến cho trong lòng khoan khoái, quên hết nỗi sầu bây giờ, nhớ tới nghề hay hồi trước, rồi nhảy với cô Lý một chập xuất sắc.

Tiếng đờn dứt. Phúc cúi đầu cám ơn cô Lý, bộ tịch thiệt là có duyên, chớ không phải quê mùa như hôm trước. Vợ chồng Trường đắc ý, nên ngó nhau mà cười. Bây giờ Phúc như mê như say, nên vừa nghe tiếng đờn trỗi lên lại thì liền đứng dậy mời cô Mỹ. Trường với cô Lý ngồi coi Phúc nhảy với cô Mỹ thiệt là nhẹ nhàng gọn ghẽ, nên trầm trồ khen hoài.

Chừng đờn dứt, hai người trở lại bàn thì cô Lý nói với Phúc: "Anh Phúc nhảy tài quá. Nhảy với anh dầu mấy hiệp em cũng không biết mệt".

Phúc cười mà đáp: "Bỏ đã hơn hai năm, tôi tưởng nhảy không được nữa, té ra cũng còn nhảy được".

Đờn đánh lại, Phúc mời cô Lý nhảy nữa. Hai người đương mê mẫn với điệu nghệ khiêu vũ, thình lình M. Khuyến cặp tay cô Hạnh ở ngoài bước vô, rồi lại cái bàn gần một bên bàn của bọn Trường mà ngồi. Phúc liếc thấy thì biến sắc, bủn rủn tay chơn, nhảy không được nữa, cứ kéo chơn xà lỉa (37), không còn nhẹ nhàng gọn ghẽ như hồi nãy.

Cô Lý lấy làm lạ.

Chừng dứt đờn, cô Lý cặp tay Phúc mà trở lại bàn, cô ngó thấy cô Hạnh, thì cô với hiểu tại có cô Hạnh nên Phúc mới bủn rủn. Cô Lý kéo ghế mà ngồi, còn Phúc thì đứng chống nạnh ngó cô Hạnh trân trân, mắt đỏ au, mặt tái lét.

Cô Lý ngó hai vợ chồng Trường rồi ra dấu chỉ cô Hạnh.

Trường hiểu được rồi, bèn bước lại kéo Phúc mà biểu ngồi. Phúc té ngồi trên ghế, cặp mắt cháng váng, trong lòng bâng khuâng, lấy tay đè cái ngực, dường như sợ trái tim nhảy mạnh quá mà phải bể.

Bây giờ Khuyến với cô Hạnh cặp nhau mà khiêu vũ. Phúc ngồi ngó lườm lườm. Cô Lý theo ngó chừng Phúc rồi mời Phúc nhảy nữa, tưởng làm như vậy đặng giải khuây cho Phúc. Phúc lắc đầu mà từ.

Trường thấy Phúc tức giận đau đớn quá, sợ ngồi trong nhà hàng nữa rồi có việc không hay, nên kêu bồi mà trả tiền rượu rồi đứng dậy cặp tay Phúc mà kéo ra cửa, hai cô theo sau. Ra tới cửa mà Phúc còn day đầu ngó lại và nói với Trường: "Cô Hạnh bội ước với mỏa là người đó; vô ngồi cái bàn gần bên bàn mình, rồi bây giờ đương nhảy kia, toa thấy hôn? Cô bận áo màu xanh lông két, nhảy với người mặc đồ trắng đó".

Trường cười và đáp: "Mỏa biết, nên mỏa mới kéo toa đi cho khỏi gai mắt". Cô Lý bước tới nói: "Anh Trường, vợ chồng M. Khuyến, bác sĩ nhổ răng, em nói với anh hôm trước, là người đó“.

Truờng gặc đầu đáp: "Biết rồi... không có gì hay..."

Phúc đứng lại hỏi Trường:

- Toa kéo mỏa đi đâu?

- Đi đâu cũng được, miễn ra khỏi chỗ nầy.

- Mỏa muốn ở đây.

- Ở đây làm gì?

Phúc rờ tay nơi trán mà suy nghĩ rồi đáp:

- Mỏa muốn nói chuyện với chồng cô Hạnh một chút.

- Ồ! Nói chuyện gì?... không nên... bỏ đi.

- Bỏ không được. Người ta giựt vợ mỏa, nếu mỏa lặng thinh thì khiếp nhược quá.

- Có lẽ không phải tại người ta.

- Vậy chớ tại ai?

- Tại cô Hạnh... hoặc tại cha mẹ cô... biết đâu.

Phúc tức giận, bộ hầm hầm. Trường kéo tay biểu lên xe rồi hối sớp phơ chạy vô Chợ Lớn.

Vì Phúc không có nói tâm sự của mình cho cô Mỹ và cô Lý biết, bởi vậy hai cô không dám xen vô nói tới việc cô Hạnh, chỉ liếc mắt dòm chừng cử chỉ của Phúc mà thôi, Phúc ngồi phía trước với sớp-phơ, cứ khoanh tay trên ngực mà ngó tới không nói chi hết. Xe vô tới Chợ Lớn, Trường không biết phải đi đâu nữa, hỏi Phúc muốn ăn mì ăn cháo hay không thì Phúc lắc đầu nói: "Không. Mỏa muốn về cho mau mà ngủ".

Trường biểu sớp-phơ chạy vòng ra Phú Nhuận mà đưa cô Lý về. Chừng xe ngừng, cô Lý bước xuống cô từ giã mà cô ngó Phúc với cặp mắt rất buồn thảm rồi cô nói với cô Mỹ: "Để mai tôi ra nhà chị chơi rồi chị em mình sẽ nói chuyện".

Cô Mỹ hiểu ý cô Lý muốn nói chuyện Phúc đối với cô Hạnh nên cô gặc đầu rồi biểu sớp phơ chạy trở về nhà.

Sáng bữa sau vợ chồng Trường thức dậy thì thấy Phúc đã thay đồ rồi và đương sắp y phục vào va ly. Trường hiểu ý Phúc muốn về, song cũng hỏi:

- Toa sửa soạn đồ đặng đi đâu? - Mỏa về Bến Súc.

- Về nhà làm gì mà gấp vậy? Ở chơi vài bữa nữa.

- Thôi, mỏa không nên ở chung một chỗ với cô Hạnh. Mỏa lân la đất Sài Gòn, sợ chẳng khỏi tội sát nhơn.

- Toa nói nghe ghê quá! Sá gì một con đàn bà vong tình bội nghĩa mà toa giận đến thế. Mỏa khuyên toa hãy coi người đê tiện ấy như một chiếc giày rách, toa quăng vô giỏ rác cho rồi, đừng thèm tiếc.

- Toa chưa bị uất vì tình nên toa mới nói như vậy được. Nếu toa ngồi cái địa vị của mỏa thì toa mới hiểu.

- Thiếu gì đàn bà con gái quí bằng mười người ấy. Thứ đồ bạc nghĩa, cần gì mà phải nhọc lòng?

Phúc lắc đầu, không cãi nữa.

Trường biết không thể cầm nữa được, nên hối vợ coi dọn đồ cho Phúc ăn lót lòng, rồi biểu sớp phơ đem xe ra mà đưa Phúc về Bến Súc.

o O o

35. cà vạt 36. bia 37. cách đi của người có tật một chơn không co được, phải kéo lết

CHƯƠNG 7 -

C

ách ba tuần lễ sau, cũng còn bãi trường, nên Trường rảnh rang. Một buổi sớm mơi, Trường ngồi tại bàn viết trên lầu mà đọc sách. Cô Mỹ ngồi gần cửa sổ mà thêu khăn mu soa (38). Hai vợ chồng mỗi người đều mắc chú ý về việc riêng của mình, nên không ai nói tới ai, làm cho trong nhà im lìm an tịnh.

Thình lình cô Mỹ kêu chồng mà hỏi:

- Anh, tại sao mà anh Phúc thương tiếc cô Hạnh quá như vậy, anh biết hôn?

- Tại ái tình.

- Em sợ không phải. Cô Hạnh là con một, mà cha mẹ cô lại có tiền nhiều, nghe nói cao su mỗi tháng bán tới năm sáu ngàn đồng. Tôi nghi anh Phúc cưới cô Hạnh không được, ảnh tức về sự hỏng mối lợi lớn, chớ không phải tại tình tự gì hết.

- Ồ! Em xem Phúc rẻ quá! Phúc tuy không phải con nhà giàu lớn, song cũng có huê lợi xài không hết, chớ phải nghèo khổ gì hay sao nên tham tiền.

- Vậy chớ cô Hạnh là gái nhà quê mới học làm tốt bộ như bà bóng, có duyên có sắc gì đó, mà anh Phúc thất tình thất chí gần cuồng trí.

- Cô Hạnh coi cũng được chớ.

- Được giống gì? Chị Lý chỉ nói tuần truớc chỉ đi xem hát bóng, chỉ gặp cô Hạnh, chỉ làm quen rồi nói chuyện chơi. Cô Hạnh nói chuyện nghe lôi thôi lắm, không có duyên dùng gì hết.

- Cô Lý tọc mạch quá! Làm quen chi vậy?

- Chỉ nói với em để chỉ ráng nghiên cứu coi cô Hạnh là người gì mà anh Phúc mê đến nỗi thất chí. Chỉ tính bữa nào rảnh chỉ sẽ đi thăm cô Hạnh rồi mời cô Hạnh lên nhà chỉ. Hễ cô Hạnh chịu, thì chỉ sẽ cho em hay đặng em lên cho giáp mặt nhau.

- Đàn bà bày chuyện quá.

- Anh không muốn cho em làm quen với cô Hạnh hay sao?

- Làm quen có ích gì, nhứt là làm quen với người như vậy; dầu họ giàu mấy mươi cũng chẳng nên gần họ.

- Xin anh đừng cản, để cho em với chị Lý làm quen đặng dọ coi tại cớ nào mà cô đành bỏ anh Phúc để ưng (39) người khác.

- Cô Lý có ý gì với Phúc hay sao mà cô lo lắng việc của Phúc quá như vậy?

- Có ý gì đâu. Tại hôm trước anh nói anh Phúc là người có bịnh, anh biểu phải giúp với anh mà chữa bịnh giùm cho anh Phúc, nên chị Lý mới lưu tâm như vậy chớ.

- Em thân thiết với cô Lý, em có thấy cô Lý có chút tình nào với Phúc hay không?

- Không có đâu. Chị Lý thấy anh Phúc thất tình rồi chán đời thì chỉ tội nghiệp giùm cho thân anh Phúc mà thôi, chớ chỉ không có tỏ lời nào để cho em thấy chỉ có tình.

- Qua coi Phúc cũng không có tình với cô Lý. Cô Lý có sắc đẹp, học thức rộng, văn nói hay, trí khôn ngoan. Phúc gần cô mà Phúc không động tâm, thì rõ ràng bịnh thất tình của Phúc không thể trị được.

- Ý kiến của chị Lý và của em cũng vậy.

- Hôm đi Đà Lạt về, mình tính để mượn những cuộc vui mà làm cho anh Phúc cảm, coi ảnh có bớt buồn hay không. Đi xem hát thì ảnh không vui. Mà chừng khiêu vũ coi bộ ảnh thích lắm. Chị Lý mừng, chỉ tưởng có lẽ cậy cuộc chơi ấy mà giải trí cho ảnh được; té ra vừa thấy mặt cô Hạnh thì sự vui của ảnh tiêu mất, rồi sự buồn lại nhiều thâm bằng hai. Hổm nay chị Lý phiền lung lắm. Hôm nọ chỉ có tính để chỉ lập thế cho anh Phúc gặp vợ chồng cô Hạnh, đặng ảnh chán ngán, hết mơ tưởng cô Hạnh nữa. Té ra chừng gặp rồi, tình anh Phúc còn đậm hơn nữa, thế thì hết phương giải cứu rồi.

- Hết phương!...

- Nầy, hôm qua chị Lý có tính một kế khác ngộ lắm, anh.

- Kế gì nữa?

- Chị tính làm chị em với cô Hạnh rồi chỉ dụ dỗ cô nọ bỏ chồng mà trở về với anh Phúc.

- Ồ! Mấy người phụ nữ nầy độc ác quá!

- Sao mà độc ác? Vợ của anh Phúc, mình đem trở về cho ảnh, ấy là mình làm phước, chớ có ác chỗ nào đâu.

- Mưu sự đặng phá gia cang của người ta, làm như vậy có nhơn lắm hả?

- Ác hữu ác báo. Trước kia Khuyên giựt vợ của Phúc, thì bây giờ mình lập thế cho Phúc giựt lại mà trừ, có ác chi đâu.

- Qua không muốn nghe chuyện đó.

Chị Lý nói: "Mất cô Hạnh, nên anh Phúc có bịnh; được cô Hạnh, chắc anh Phúc hết bịnh. Vậy nếu muốn cứu anh Phúc, thì phải làm cho anh Phúc được cô Hạnh..."

Trường lấy làm khó chịu, nên chắc lưỡi lắc đầu mà đứng dậy và khoát tay biểu vợ đừng nói nữa.

Lúc ấy người bồi lên lầu thưa cho Trường hay rằng có ông Phúc ở trên Bến Súc xuống thăm. Vợ chồng Trường đều chưng hửng, ngó nhau mà cười rồi lật đật xuống từng dưới mà tiếp khách.

Vợ chồng Trường thấy Phúc thì mừng rỡ, mời ngồi và hỏi thăm lăng xăng. Bữa nay Phúc mặc bộ đồ tây trắng mới tinh, chơn mang giầy da đen, bộ đàng hoàng lại nghiêm chỉnh.

Cô Mỹ nhậm lẹ hỏi trước: "Bác trên nhà mạnh hay không anh Phúc? Anh xuống Sài Gòn chơi hay là có việc chi?"

Phúc dụ dự một chút rồi đáp: "Cảm ơn chị, má tôi mạnh. Tôi xuống đây vì có chuyện một chút".

Phúc nói xuống có chuyện, nhưng mà không nói luôn coi có chuyện gì. Trường nóng nảy nên hỏi: "Toa tính xuống đặng kiếm chồng cô Hạnh mà đánh lộn hả?"

Phúc lắc đầu đáp cứng cỏi: "Không, toa đừng nhắc cô Hạnh nữa chớ. Mỏa muốn tưởng cô đã chết rồi, toa còn nhắc làm chi".

Cô Mỹ hỏi: "Anh có đem sầu riêng mà cho chị Lý hay không?" Nghe câu hỏi ấy, Phúc mới sực nhớ nên lật đật bước ra cửa kêu người kéo xe kéo biểu đem giùm cái bao vô rồi lấy tiền trả tiền xe, cô Mỹ cười và nói với Phúc:

- Hôm trước anh có hứa với chị Lý. Nếu bữa nay anh xuống mà không có trái cây cho chỉ, chắc chỉ phiền anh lắm.

- Sầu riêng có nhiều mà chưa chín, tôi kiếm được có hai trái. Nhưng mà tôi có đem thơm với sa-bô-chê nhiều đặng chị với cô Lý ăn chơi.

- Cảm ơn anh lắm.

Cô Mỹ kêu bồi biểu xách bao trái cây vô trong và nói: "Để lát nữa em chia hai rồi em biểu sớp-phơ đem phần của chị Lý lên cho chỉ ".

Trường cười và nói với Phúc: "Hồi nãy vợ chồng mỏa ở trên lầu đương bàn luận việc của toa kế toa vô đó“.

Phúc châu mày hỏi:

- Bàn luận việc của mỏa là việc gì?

- Toa biết ma femme với cô Lý họ tính làm sao hay không? Họ nói vì cô Hạnh phụ tình toa mà ưng Khuyến, làm cho toa thất chí nên toa buồn rầu. Họ tính cụ dỗ cô Hạnh bỏ chồng về ở với toa, đặng toa phỉ tình, toa hết buồn rầu nữa.

- Sao được!

Cô Mỹ xen hỏi Phúc:

- Sao lại không được? Anh cũng như anh Trường, không nỡ phá gia cang của Khuyến hả?

- Phá gia cang của người ta là một việc mình không nên làm. Mà còn điều nầy nữa: tấm gương đã bể rồi, dầu ráp lại cũng không lành như hồi trước được. Cô Hạnh đã phụ tình tôi mà lấy chồng khác, bây giờ dầu cô bỏ người chồng của cô đi nữa, người ấy cũng cứ đứng giữa mà ngăn tôi với cô hoài, làm sao tôi kết nghĩa vợ chồng với cô được. Vợ chồng thế ấy đã không xây nền hạnh phước cho mình được, mà lại còn làm cho tình mình đê tiện không tốt, không tốt.

- Nếu vậy thì anh hết thương cô Hạnh rồi hả?

- Cái tình của tôi đối với cô Hạnh tôi tưởng khó phai lợt được. Nhưng mà cô đã có chồng khác rồi thì không thế nào tôi bằng lòng đem cô về làm vợ tôi.

- Ý anh kỳ quá! Vì bội nghĩa mà lấy chồng khác nên không thế làm vợ anh nữa đựơc. Nhưng mà thương thì anh vẫn thương hoài, chẳng bao giờ anh quên. Phải như vậy hay không?

- Thưa, phải.

- Nếu vậy thì anh làm sao mà cưới vợ cho đựơc?

Phúc châu mày ngồi im lìm, không đáp nữa.

Trường hỏi: "Hồi nãy toa nói toa xuống Sài Gòn có chuyện một chút, là chuyện gì vậy?"

Phúc cũng cứ lặng thinh không trả lời. Cách một hồi lâu Phút vụt nói lớn: "Tôi xuống đây chẳng có chuyện chi khác, chỉ xuống đặng hỏi ý kiến hai ông bà coi tôi có thể nói mà cưới cô Lý được hay không; như được thì cũng phải cho tôi biết coi tôi có nên làm như vậy hay không?"

Vợ chồng Trường ngạc nhiên, nên ngó nhau, không biết phải trả lời thế nào cho hạp chân lý.

Cô Mỹ sợ nếu không trả lời liền, thì thất lễ với Phúc, nên cô hỏi:

- Hồi nãy anh nói tình của anh đối với cô Hạnh thì không bao giờ phai lợt được. Nếu anh vẫn thương cô Hạnh hoài, mà anh cưới chị Lý làm vợ, thì anh không sợ anh sẽ làm buồn cho chị Lý hay sao?

- Tại tôi ái ngại chỗ đó, nên tôi muốn hỏi ý kiến của chị và của Trường.

- Khó lắm! Mà anh muốn cưới chị Lý, vậy chớ anh có chút tình gì với chỉ hay không?

- Có lẽ có.

- Phải nói quả quyết mới được, không nên nói mơ hồ. Có tình hay là không có, chớ sao anh lại nói "có lẽ có"?

- Tôi được gần gụi với cô Lý mười mấy ngày, tôi có dịp đi chơi với cô, nói chuyện với cô, khiêu vũ với cô, thiệt trong lúc ấy tôi không động tâm mà cảm tình chút nào hết. Nhưng mà hổm nay về nằm một mình trên vườn tôi nghe ve kêu dế gáy rồi tôi suy nghĩ các việc quá vãng và tương lai của tôi. Tôi nhớ thái độ của cô Hạnh, tôi đem thái độ ấy mà so sánh với tánh nết của cô Lý rồi tôi sanh cảm trong lòng. Cô Hạnh là người yêu của tôi, mà sao cô phụ bạc tôi, đã lấy chồng khác rồi gặp tôi, cô lại làm mặt lạ. Còn cô Lý đối với tôi thì không có tình nghĩa gì hết mà sao trong mười mấy bữa gần nhau, hễ cô thấy tôi buồn, thì cô kiếm thế làm cho tôi vui. Tôi suy xét so sánh như vậy rồi tôi cảm tình cô Lý lung lắm. Còn một điều nầy nữa: hôm ở trên Đà Lạt tôi có đàm luận về gia đình với cô Lý. Cô có nói mấy câu làm cho tôi hiểu cô biết đạo làm người hơn tôi. Tôi tưởng nếu tôi có người vợ như cô Lý, biết trọng chủ nghĩa gia đình, lại biết chỗ buồn của chồng mà lo khuyên giải giùm, thì có lẽ đời của tôi còn có thú vị chút đỉnh.

- Anh mắc lo cho phận anh, nên anh quên lo cho phận người khác. Ví như anh cưới chị Lý về rồi mà anh cứ thương nhớ cô Hạnh hoài, chị Lý phải lo khuyên giải sự buồn đó cho anh, làm vợ như vậy thì vui sướng chỗ nào đâu? Có chồng mà chồng không thương mình, cứ thương người khác, cái đời như vậy đáng tội nghiệp lắm chớ. Anh nghĩ thử mà coi.

Phúc khoanh tay ngồi thở ra mà suy nghĩ.

Trường ngồi lóng tai nãy giờ thì đã thấu hiểu tâm hồn của Phúc. Phúc được gần gụi với cô Lý, rồi đem cô mà so sánh với cô Hạnh, thì đủ thấy Phúc đã để ý đến cô Lý rồi. Mà Phúc biết cô Hạnh đã có chồng, không còn hy vọng phối hiệp với cô nữa được, tức thị mối tình của cô Hạnh đã dứt. Nếu Phúc còn nhớ cô Hạnh và hễ nhớ thì buồn, ấy là vì chưa gây mối tình khác để thay thế cho mối tình trước. Còn Phúc biết cô Lý có ý chiếu cố nên theo giải buồn cho mình, tức thị đã bắt đầu có tình với cô Lý. Nếu tình ấy chưa phát hiện tỏ rõ, ấy là vì hai người không có dịp bày tỏ niềm riêng với nhau. Hễ hai người bày tình với nhau rồi, thì tình ấy sẽ dan díu nồng nàn không kém gì tình trước. Đã vậy mà Phúc có tánh đa tình đa cảm. Người dường ấy hễ lòng sanh cảm thì tình gắn chặt, chẳng còn phải lo ngại gì nữa. Có diều nầy đáng lo, là Phúc tánh tình chất phát, còn cô Lý tánh lãng mạn; Phúc ăn ở chốn thôn quê, còn cô Lý sanh trưởng nơi thành thị. Hai người tánh ý khác nhau, nền cư xử cũng khác nhau, nếu kết vợ chồng với nhau, thì có thể gây hạnh phúc được mà hưởng hay không?

Trường suy nghĩ như vậy rồi mới nói: "Phúc đã nhứt định kết nghĩa trăm năm với cô Lý, thì không có lòng nào để cho cô Lý phải chịu nhục nhã hay là buồn rầu. Việc ấy tôi không lo. Tôi lo là lỡ hai người tâm ý bất đồng, giáo dục bất đồng, mà tâm hồn cũng bất đồng, nếu bây giờ hăng hái ưng nhau, sợ ngày sau mấy sự bất đồng ấy sanh ra, thì ăn năn đã muộn."

Cô Mỹ nói: "Còn việc đó nữa! Phải suy nghĩ cho kỹ, chẳng nên làm bướng".

Phúc hỏi: "Tôi muốn biết điều nầy: cô Lý là con nhà giàu, mà cô lại lanh lợi mới mẻ lắm. Còn tôi là đứa quê mùa tánh ý thật thà ăn ở lam lũ. Ví như tôi cậy mối đặng xin cưới cô, có thể cô cho sự ấy là sự điên khùng rồi cô khinh bỉ ngạo báng hay không?"

Cô Mỹ cười ngất mà đáp:

- Ồ! Không lẽ có như vậy đâu. Tâm sự của anh nhờ anh Trường thèo lẻo (40) nên chị Lý dã biết rõ đầu đuôi rồi hết. Chỉ thấy phận anh thì chỉ tội nghiệp cho anh lung lắm. Từ ngày quen với anh, thì chỉ cứ lo phương giải giùm tâm bịnh cho anh. Sự ấy em biết rõ.

- Phải, chị Lý là gái tân thời, nên bộ chỉ lau chau (41), hay nói hay cười, tự cao tự đắc. Nhưng mà cái lòng của chỉ quí như vàng, trong như ngọc, không biết ỷ giàu như gái khác, lại dám làm nghĩa mà cứu người. Ấy vậy nếu anh nói mà chỉ không ưng thì thôi, chớ chỉ không khinh bỉ đâu mà anh sợ.

- Còn ông thân của cô?

- Cũng khỏi lo. Việc nhà của chỉ em cũng biết rõ lắm. Ông thân của chỉ trộng tuổi rồi, mà còn tánh ham chơi bời. Mấy năm nay goá vợ, ổng chơi lu bù, bè bạn với kẻ thanh niên, không có cuộc vui nào mà thiếu ổng. Em biết ổng trông cho chị Lý mau có chồng đặng ổng thong thả, vì có chị Lý ở trong nhà, ổng bị phận sự làm cha bó buộc, nên không được hoàn toàn tự do. Hơn một năm nay chỗ nào cậy thì ổng cũng đốc chị Lý ưng. Chị không ưng, coi bộ ổng buồn. Ông là người sẵn lòng gả con cho mau, gả chỗ nào cũng được, chớ không phải là người kén rể đâu mà anh ngại. Vậy chớ anh không thấy hay sao? Hôm chị Lý mời anh lên nhà ăn cơm, ổng tưởng anh muốn xin cưới chị Lý, nên ổng niềm nở quá. Ấy vậy ưng hay là không ưng đều tại chị Lý, chớ không phải tại ổng.

- Theo như lời chị mới nói đó, thì mấy năm nay đã có nhiều người muốn cưới cô Lý tại sao cô Lý không ưng chỗ nào hết?

- Chị Lý tuy bề ngoài bồng chành (42), song bề trong sâu sắc lắm. Chị thường nói với em: chữ trinh là cái tiết trọng nhứt của phụ nữ, mình không nên khinh rẻ, đụng đâu bán đó. Còn chồng là một người bạn trăm năm, mình phải lừa lọc đặng khỏi phú cái đời của mình cho một người tánh tình đê tiện.

- Cô Lý nói như vậy à?

- Phải... ấy vậy chỉ chưa ưng ai hết là tại mấy người muốn cưới chỉ đều không hạp với con mắt, chớ không phải tại cớ nào khác.

- Cao lắm! Cao lắm!...

Phúc than mấy tiếng rồi ngồi buồn xo. Cử chỉ ấy càng làm cho Trường thấy thêm bụng Phúc cảm mến cô Lý.

Phúc là bạn thiết của Trường, còn cô Lý là bạn thiết của cô Mỹ. Nếu Phúc kết tóc trăm năm với cô Lý, thì vợ chồng Trường vừa lòng lắm. Ngặt vì Trường sợ hai người tâm tánh bất đồng rồi không thể thuận hoà, còn cô Mỹ sợ Phúc cưới cô Lý rồi mà cứ nhớ thương cô Hạnh hoài, thì tội nghiệp cô Lý, bởi vậy hai vợ chồng không dám đốc vô.

Phúc ngồi suy nghĩ một hồi rồi nói: "Tánh cô Lý tuy lãng mạn, song trí của cô cao thượng. Trước khi cho cô biết ý tôi muốn xin cưới cô, tôi cần phải tỏ thiệt tâm sự của tôi cho cô rõ hết đầu đuôi mới được, không nên giấu cô. Tôi có thể gặp cô đặng nói chuyện riêng với cô hay không?“ Cô Mỹ lật đật đáp:

- Được chớ. Anh muốn gặp chỉ chừng nào cũng được. Anh muốn lên nhà thăm chỉ hay không?

- Tôi muốn gặp cô một mình đặng nói chuyện, sợ lên nhà cô không tiện.

- Ông thân chỉ thường hay xuống dưới tiệm, bỏ chỉ ở nhà có một mình. Anh muốn thăm chỉ, thì em dắt anh đi.

Trường cản rằng: "Không nên. Nhà của cô Lý không phải là chỗ để Phúc đến tỏ tâm sự được. Tôi muốn Phúc gặp cô Lý chỗ khác dễ nói chuyện hơn".

Cô Mỹ hỏi: "Chỗ nào? Anh muốn em mời chị Lý xuống nhà mình cho anh Phúc nói chuyện hay sao?"

Trường lắc đầu đáp: "Không. Tôi muốn Phúc mời cô Lý lên nhà trên Bến Súc chơi cho biết, rồi nhơn dịp ấy muốn nói chuyện gì với cô thì nói".

Phúc dụ dự một chút rồi mới nói với Trường:

- Mỏa sẵn lòng mời cô lắm, song không biết cô chịu đi hay không. Toa với chị Trường làm ơn mời dùm được hôn?

- Được. Để ma femme với mỏa mời giùm cho. Có vợ chồng mỏa đi, thì chắc cô chịu đi.

- Mà toa với chị Trường phải hứa chắc với mỏa một điều nầy; đừng nói trước cho cô Lý biết sự mỏa muốn xin cưới cô, nghe hôn.

- Nói trước làm chi. Sự ấy để cho toa nói chớ.

- Mỏa cũng chưa chắc mỏa phải nói hay không. Để mỏa tâm sự của mỏa cho cô hiểu, mỏa dọ dẫm ý cô, rồi mỏa sẽ nhứt định.

- Toa muốn bữa nào vợ chồng mỏa dắt cô Lý lên?

- Bữa nào cũng được, tự ý toa định.

- Bữa nay thứ ba, vậy bữa chúa nhựt tới đây tụi mỏa lên chơi được hôn? - 0ược. Lên sớm ở chơi tới chiều mát rồi sẽ về.

- Được. Cũng như mỏa lên hôm trước vậy.

Cô Mỹ mừng và nói: "Anh Trường bày chuyện đó hay lắm. Hổm nay chị Lý đòi lên thăm anh Phúc hoài, bởi vậy hễ em rủ thì chắc chỉ chịu liền. Để chiều nay em lên mời chỉ".

Hẹn hò xong rồi, Phúc từ giã vợ chồng Trường mà về liền, không chịu ở lại ăn cơm trưa.

o O o

38. (mouchoir) khăn tay 39. lấy làm chồng vợ 40. học chuyện người này với người khác 41. lăng xăng, vúc vắc 42. bồng bột

CHƯƠNG 8 -

P

húc đi Sài Gòn về, thì liền thưa cho mẹ hay rằng bữa chúa nhựt sẽ có vợ chồng giáo sư Trường với cô Lý lên chơi. Bà giáo Viễn hỏi cô Lý là ai, thì Phúc cắt nghĩa cô ấy là chị em bạn của vợ Trường, hôm đi Đà Lạt có cô đi nữa. Bà giáo thấy con trước kia không ưa đờn bà con gái, mà bây giờ lại rước khách phụ nữ, thì bà lấy làm lạ, song bà không nói ra, thầm tính để dọ ý con coi có phải nó đã đổi tánh hay không. Nếu thiệt quả nhờ giáo sư Trường khuyên giải mà con bà đổi ý, chịu cưới vợ, thì bà mừng lắm vậy.

Mấy bữa rày bà giáo Viễn biểu bạn, đứa quét trong nhà, đứa dọn ngoài vườn cho sạch sẽ. Bà lại sai người kiếm vịt mập gà tơ mà mua sẵn đặng để dành đãi khách. Còn Phúc mỗi ngày cứ đi rảo ngoài vườn, kiếm coi những trái cây nào chín, những trái thơm nào già rồi ghi nhớ đặng chúa nhựt hái mà đãi bạn Sài Gòn.

Phúc lại gia công dọn dẹp cái nhà mát ở phía sau vườn, là chỗ hôm nọ Trường thích hơn hết, biểu bạn lau bàn sạch sẽ, đem ghế thêm mà để cho đủ 4 cái, lại để ít cái ly đặng múc nước dưới suối mà uống hoặc rửa tay rửa mặt cho tiện.

Đến bữa chúa nhựt, mới tảng sáng thì Phúc đã thay y phục rồi, mặc quần kaki vằn, mặc áo sơ mi cũng kaki, chơn mang giày cao su xám, bộ coi gọn gàng lắm.

Tuy vậy mà bà giáo không vừa ý nên bà nói:

- Có khách Sài Gòn mà con mặc đồ như vậy coi sao được. Con có đặt may mấy bộ đồ Tây mới, sao con không lấy ra mà bận?

- Con ở chốn vườn rẫy thì phải mặc y phục theo vườn rẫy, chớ mặc đồ tốt sao được. Đồ tốt đó để khi nào đi xuống Thủ Dầu Một, hoặc xuống Sài Gòn sẽ bận.

- Có đờn bà con gái, con phải ăn mặc cho tử tế chớ.

- Người ta kính trọng mình là tại cái gì, chớ có phải tại y phục đâu. Nếu người ta vì y phục nên kính trọng thì con không màng sự kính trọng ấy.

- Tánh ý con khác hơn người ta quá. Thôi, con làm sao tự ý con, má không cãi nữa. Bây giờ má hỏi con vậy chớ con có coi rượu chát còn mà đãi khách hay không?

- Thưa còn. Rượu cũ ở nhà còn ít chai. Mà hôm đi Sài Gòn con có mua thêm một chục chai nữa, khách uống sao cho hết.

- Rượu tốt hôn?

- Thưa, tốt lắm.

- Đồ ăn má sắp đặt xong rồi hết. Má cũng đã có sai bầy trẻ lên chợ mua thịt heo sốt rồi nữa.

- Mình ở vườn, khách tới thì mình đãi đồ theo vườn, cần gì má phải lo lắm.

- Khách Sài Gòn mình phải đãi kha khá một chút, chớ đãi theo khách vườn họ ăn sao được, con.

- Anh em bạn của con, chớ phải quan quyền gì hay sao mà má ngại.

- Anh em bạn cũng vậy chớ, người ta tuởng mình nên lên thăm chơi, con phải tiếp đãi cho tử tế.

Hai mẹ con nói chuyện tới đó, kế nghe có tiếng xe hơi ở phía Thủ Dầu Một chạy lên. Phúc ngó ra ngoài lộ thì thấy xe của Trường. Vì Trường đã quen chỗ rồi nên chuyến nầy biểu sớp phơ chạy thẳng vô sân mà đậu.

Phúc bước ra tiếp chào. Truờng mở cửa xe leo xuống trước. Cô Mỹ với cô Lý tiếp theo sau. Hai cô mặc y phục sắc sảo, lại trang điểm đẹp đẽ, nhứt là cô Lý mặc quần trắng áo xanh, màu áo dọi nước da mặt của cô làm cho sắc cô càng thêm xinh đẹp.

Trường nói với Phúc:

- Hai cô muốn lên thiệt sớm đặng thừa trời mát đi dạo vườn chơi, nên bắt mỏa phải đi hồi 5 giờ khuya.

- Ồ! Tôi không dè hai cô ham vườn đến nỗi chịu cực thức dậy sớm mà đi như vậy.

Cô Lý nói: "Anh Phúc nầy, anh Trường gạt em, anh nói Bến Súc xa lắm, 6 giờ đi mười giờ mới tới, tại vậy nên em biểu phải đi khuya. Té ra gần quá, có xa đâu. Đường đi có dốc, mà lại có truông (43), phong cảnh xem thiệt là đẹp. Em vui lắm".

Phúc gặc đầu đáp: "Vui theo thú trên nầy. Cái vui ấy khác hơn cái vui ở thị thành; nếu cô biết vui với cái vui nầy thì có lẽ cô ở vườn ở rẫy được".

Cô Lý cười mà hỏi: "Sao anh lại nói như vậy? Người sanh trưởng ở chợ, thì phải ở chợ hoài, không thể ở vườn được hay sao?"

Phúc ngó vợ chồng Truờng mà cười rồi mới đáp: "Người quen thú chợ thì họ không ưa thú vườn. Tôi tưởng cô cũng như họ vậy chớ."

Cô Mỹ rước mà trả lời: "Chị Lý lãng mạn nên tuy ở chợ mà chỉ ưa thú vườn, chớ không phải như họ vậy đâu".

Phúc vui vẻ mời khách vô nhà. Lúc bước lên thềm, cô Lý ngó qua phía tay mặt, thấy có một cây sầu riêng đơm trái lòng thòng thì cô la lớn: "Ý! Sầu riêng kia kìa!" Truờng nói: "Thì sầu riêng chớ sao. Để vô nhà chào bác rồi sẽ đi coi, cô vội chi lắm vậy".

Bà giáo đứng sẵn tại cửa giữa chờ tiếp khách, Phúc tiến dẫn hai cô cho mẹ biết. Bà giáo vui vẻ nói: "Ông giáo sư dắt hai cô lên chơi thiệt tôi mừng lắm. Mời ông giáo sư và hai cô vô nhà". Bà thấy hai cô hình vóc yểu điệu, mặt mày tốt tươi, tướng mạo dễ thương, y phục lòe loẹt, thì bà nhìn không nháy mắt, nhứt là cô Lý vừa có sắc vừa có duyên, lại tai đeo hai hột xoàn trưu trứu, chói mặt cô sáng rỡ, thì bà mê mẩn muốn ngó cô hoài!"

Chủ khách ngồi yên thì cô Mỹ nói với bà giáo:

- Hôm trước anh Trường lên trên nầy thăm bác, cháu mắc có việc nên đi với ảnh không được, cháu tiếc hết sức. Bữa nay cháu theo ảnh lên chơi đặng biết bác. Ở trên nầy thanh tịnh mát mẻ quá.

- Phải. Ở trên nầy mát lắm. Thằng Phúc tôi về hổm nay nó cứ khen cô giáo sư vui vẻ tử tế, thiệt nó khen không lầm. Cô giáo sư năm nay được bao nhiêu tuổi?

- Dạ cháu được 21 tuổi.

- Còn cô đây?

- Chị Lý cùng một tuổi với cháu.

Bà giáo ngó hai cô rồi cười mà nói: "Hai cô lên nhà tôi chơi thiệt tôi mừng lắm".

Cô Lý nói: "Anh Trường đi lên trên nầy rồi về cứ khoe vườn của anh Phúc. Hôm đi Đà Lạt về, hai chị em cháu xin ảnh dắt dùm lên, trước thăm bác với anh Phúc, sau coi vườn chơi, mà ảnh không chịu dắt đi, đợi tới anh Phúc xuống mời ảnh mới chịu đi đây ".

Bà giáo đáp: "Hai cô lên bữa nay thì biết đường rồi. Vậy từ nay về sau, nếu hai cô có buồn muốn lên chơi, mà ông giáo sư mắc việc đi không được, thì hai cô đi với nhau. Có xe nhà, đi trên một giờ thì tới, có xa đâu."

Cô Mỹ nói: "Thưa phải. Đường không xa. Từ rày hễ buồn thì hai cháu đi, khỏi cậy anh Trường dắt nữa."

Cô Lý nói: "Trời còn mát xin phép bác đặng anh Phúc dắt đi coi vườn chơi". Bà giáo nói: "Được, được. Mà để tôi biểu bầy trẻ làm cà phê uống lót lòng sơ sịa rồi sẽ đi chơi."

Trường và hai cô lật đật cản, nói đã lót lòng hồi khuya rồi mới đi, nên không đói.

Bà giáo mới biểu con dắt khách đi dạo vườn chơi. Phúc dắt hai cô ra sân. Trường cởi áo máng trong nhà rồi theo sau.

Cô Lý phăng phăng đi lại cây sầu riêng cô thấy hồi nãy rồi đưa tay lên mà đếm trái. Đếm rồi cô nói: "Có 16 trái thiệt lớn, không kể trái nhỏ. Có trái nào ăn được hay không, anh Phúc?"

Phúc gặc đầu nói: "Có vài trái ăn được. Để chút nữa, ăn cơm rồi tôi sẽ hái cho cô ăn mà uống cà phê."

Cô Lý liếc ngó Phúc rất hữu duyên và hỏi:

- Anh để dành đợi em lên đặng anh đãi em đó hả?

- Phải tôi để dành cho cô với chị Trường đó.

- Còn mấy cây kia sao không thấy trái?

- Trái chín sớm đã hái hết rồi.

- Vườn anh hết thảy được mấy cây sầu riêng?

- Nội phía trước nầy được 20 cây.

- Có trái anh để ăn hết hay là có bán?

- Ăn sao hết. Họ mua tôi phải bán bớt chớ.

- Nếu em được làm chủ vườn sầu riêng thì em để dành em ăn, chớ em không bán.

Trường cười mà nói:

- Nếu cô muốn làm chủ vườn sầu riêng thì cô năn nỉ xin Phúc để lại cho, rồi chừng cây có trái mặc sức mà ăn.

- Sợ anh Phúc không chịu chớ. Nếu ảnh chịu để lại cho em, thì em xin phép ba em mà mua liền. Em là con sâu sầu riêng mà!

Cô Mỹ thấy dựa mương có một đám cải sà lách với một đám rau thơm, lá lớn đại mà non nhớt, thì kêu cô Lý mà trầm trồ. Cô Lý thấy dọc theo mé lộ có một giồng mía tây (44), cây suôn đuột lại vàng tươi, thì kêu cô Mỹ mà chỉ rồi tỏ ý muốn ăn thử.

Phúc kêu thằng Biện mà nói nhỏ, biểu nó đốn vài cây mía thiệt ngon rồi đem vô nhà róc vỏ cho sạch đặng hai cô dùng.

Trường đã có đi xem một lần rồi, nên bữa nay thấy nữa tuy trong lòng cũng vui song mắt xem không lạ. Cô Mỹ với cô Lý mới được thấy lần thứ nhứt, thấy tương đào thẳng băng chứa nước trong veo, thấy cây trồng ngay hàng sum sê nhành lá, thì trong lòng khấp khởi cứ trầm trồ với nhau hoài.

Trường nói: "Phía trước nầy không có chi lắm mà khen. Ra phía sau rồi thấy cảnh u nhàn, nghe đờn suối, nghe giọng hát ve kia mới khoái lạc. Phúc dắt ra phía sau chơi, toa, mỏa thích phía sau hơn. Bữa nay mỏa có con dao nhỏ theo đây."

Cô Mỹ hỏi chồng:

- Đem theo dao chi vậy?

- Có chỗ dùng. Để lát nữa rồi em sẽ biết.

- Bí mật quá! Đi, đi riết ra phía sau coi. Mấy người dắt nhau đi vòng theo chái nhà mà đi ra phía sau. Cô Lý thấy dài theo chái nhà có một hàng đu đủ, cây nào cũng có trái đầy cổ lại có ba bốn trái chín vàng khè, thì kêu Phúc mà hỏi:

- Anh Phúc, đu dủ chín nhiều quá, sao anh không hái, cho chim ăn hoặc rụng dập còn gì.

- Đu đủ đó tôi cũng để dành cho hai cô.

- Vậy hả?...Cảm ơn.

Trường lấy cây thọc rớt một trái đu đủ nhỏ mà chín, lượm đem để trên một hòn đá, rồi móc trong túi quần tây lấy dao nhỏ ra mà gọt vỏ. Hai cô lại đứng coi.

Chừng gọt rồi, Trường cắt chia cho mỗi cô một miếng. Đu đủ chín cây ngọt và thơm, lại vừa mới mềm, nên ăn ngon lắm. Hai cô khen nức khen nở, nói chừng về mỗi người xin một trái đem về Sài Gòn.

Phúc đem lại đưa cho cô Lý một chùm dâu mà nói: "Dâu miền dưới đây ngọt lắm, cô ăn thử mà coi?"

Cô Lý hỏi:

- Sao anh lại mời em ăn dâu?

- Tôi muốn cô ăn thử.

- Dâu ở đâu mà anh hái đây?

- Cây dâu đó.

Thuở nay cô Lý chưa biết cây dâu, bởi vậy ngó cây của Phúc chỉ cô lấy làm lạ hết sức. Cô lột một trái mà ăn thử còn bao nhiêu thì trao cho cô Mỹ. Hai cô đều khen dâu ngon cũng như khen đu đủ hồi nãy.

Ra tới phía sau rồi, Trường với Phúc để cho hai cô thong thả mà trầm trồ khen ngợi vườn cau, vườn trầu, rẫy thơm liếp trà. Hai cô dắt nhau đi xem trà.

Trường với Phúc xông vô mấy liếp thơm kiếm thơm chín mà cắt. Chừng hai cô ngó lại mới hay họ kiếm thơm, thì bương bả xông qua phụ kiếm với họ. Phúc chỉ cho Trường cắt 6 trái thơm chín rồi xách đem ra. Hai cô ráp lại mà xem rồi chia nhau mà xách.

Trường nói: "Thôi bây giờ đi kiếm chỗ nằm nghe mu-sich mà ăn thơm chơi. Trường ngó cái nhà mát rồi xâm xâm đi lại đó. Phúc với hai cô thủng thẳng đi theo sau. Phúc cắt nghĩa cách đốn trà, cách bán trà cho hai cô hiểu.

Chừng hai cô lại tới nhà mát, thì thấy Trường đã nằm ngửa trên võng, trong nhà có bàn ghế đủ hết. Phúc mời hai cô ngồi. Thằng Biện róc hai cây mía rồi, nên đem ra mà trao cho hai cô.

Trường cản không cho ăn, biểu để ăn thơm rồi mới ăn mía, bởi vì mía ngọt, nếu ăn mía trước rồi sau ăn thơm không ngon.

Phúc lo gọt thơm. Trường chỉ cái suối và chỉ các cảnh đẹp xa xa cho hai cô xem. Bầy ve trong rừng cấm cất lên kêu. Rồi chim cúc trên đầu nhành cũng tiếp mà kêu nữa. Trường nói: "mu-zích của Phúc đánh mừng hai cô đó, nghe chưa?"

Hai cô chưng hửng ngồi lóng tai nghe.

Trường nói tiếp: "Hôm trước tôi nói vườn của Phúc có nhiều thú vị thanh cao, nhàn lạc, chẳng khác nào cảnh tiên. Hôm nay hai cô lên tới đây, hai cô tin tôi hay chưa? Đây là chỗ Phúc nằm đọc sách và ngủ trưa. Nằm đây mà nhìn thảo mộc trước mắt, nghe ve đờn bên tai, đói thì hái trái cây kia mà ăn, khát thì múc nước dưới suối đó mà uống, cảnh đời của Phúc như vầy há chẳng phải là cảnh đời thần tiên hay sao? Người chán đời, hết ham lợi danh, hết trọng tài sắc, nếu thấy cảnh như vầy thì tự nhiên phải mê mẩn. Hôm trước lên đây rồi tôi muốn ở đây hoài, là tại như vậy đó."

Phúc gọt thơm rồi đưa cho hai cô với Trường mỗi người một trái. Cô Lý cầm trái thơm đứng dựa lan can mà ăn. Cô ngó cây xoài lớn, ngó xuống nước trong, ngó cùng trong vườn, ngó mông ra ngoài bưng, trong lòng cảm xúc quá, không muốn nói chuyện nữa.

Ăn thơm rồi ăn tới mía, thơm thì ngon mía lại ngọt, hai cô ăn thứ nào cũng khen dồi.

Trường muốn Phúc dắt đi coi sở mía của Phúc trồng. Phúc sẵn lòng, bèn mời khách lại suối mà rửa tay, rồi dắt trở vô nhà đặng lấy xe hơi mà đi, bởi vì sở mía ở xa, hai cô đi bộ không nổi.

Phúc trồng hơn 10 mẫu mía, nên coi minh mông, lại mía gần đúng lứa, nên xem rất đẹp.

Cô Lý không hiểu cuộc làm ăn trong thôn quê nên hỏi Phúc:

- Mía anh trồng để làm chi mà trồng nhiều dữ vậy anh Phúc?

- Để bán cho họ mua đem về ép nước làm đường.

- Sở mía nầy bán chừng bao nhiêu?

- Có người trả sáu ngàn rưỡi mà tôi chưa chịu bán.

- Cha chả! Bán nhiều tiền dữ há?

- Vốn tôi ra cũng nhiều. Về công làm, về phân, tôi tốn trên ba ngàn. Dầu tốn ba ngàn sở phí cũng còn lời nhiều.

-Thấy cảnh ở vườn em thích quá. Anh Trường nói lên đây rồi muốn ở đây hoài, nghĩ cũng phải lắm.

Phúc coi đồng hồ tay thì đã 11 giờ. Phúc sợ khách đói bụng nên mời trở về nhà đặng dùng bữa trưa.

Bà giáo đã coi cho người nhà sắp đặt bữa ăn xong rồi hết. Đồ ăn cơm thì dọn một bàn lớn ở phía trong, còn trên cái bàn tròn để ở ngoài thì có sáu bảy dĩa đựng đầy nhóc trái cây, nào thơm, nào mít, nào đu đủ, nào sa bô chê, nào vú sữa, nào dâu miền dưới, nào sầu riêng, thứ nào cũng nhiều và cũng tuơi.

Trở về nhà, Cô Lý bước vô cửa, cô thấy bàn trái cây để tráng miệng, thì cô nói lớn: "Chị Mỹ bữa nay tôi mất trí rồi tại sao vậy không biết! Tôi có làm một hộp bánh đem theo đặng cho anh Phúc. Hồi sớm mai lên tới tôi thấy ảnh tôi mừng tôi quên lửng. Hồi nãy lên xe đi ra sở mía, cái hộp bánh sau lưng chỗ mình ngồi đó chớ đâu, mà tôi cũng không nhớ. Tánh tôi tầm phào quá rồi. Chừng tôi có chồng chắc không khỏi bị mẹ chồng mắng chửi."

Nói dứt lời cô vội vã trở ra xe lấy hộp bánh tây bưng vô. Cô để lên trên bàn một chỗ với mấy dĩa trái cây rồi nói với Phúc đương lui cui mở nút ve rượu chát: "Anh Phúc, em lên thăm anh mà chẳng biết anh ưa vật chi, nên em làm đỡ ít cái bánh tây đặng đem theo để làm lễ đi thăm, xin anh vui lòng nhậm lễ ấy, gọi là anh chiếu cố hảo ý của em".

Phúc nghiêm chỉnh đáp: "Cô Lý, cô chẳng nệ đường xa, không khí thôn dã, cô dời gót đến tệ xá, cái ơn hạ cố ấy đã nặng lắm rồi, mà cô còn làm bánh đem theo đặng cho tôi thì nghĩa còn dài nhiều nữa, của cô cho tôi rất vui lòng thâu nhận và lát nữa tôi sẽ dùng mà tráng miệng liền, Tuy chưa ăn mà tôi chắc bánh của cô ngon, ngon hơn bánh của thiên hạ hết thảy."

Người nói người đáp đều có ý giễu cợt song cách giễu cợt ấy có lễ nghĩa, bởi vậy vợ chồng Trường cười ngất, mà bà giáo cũng tức cười, vì thuở nay ở Bến Súc bà chưa từng thấy gái dạn dĩ như vậy.

Cô Lý nói thêm: "Anh cho em trái cây tới hai lần. Anh cho trái thì em cho bánh chớ sao."

Bà giáo hối con mời khách đi dùng cơm, vì đã trưa rồi. Khách lại bàn ăn thấy có bốn chỗ ngồi. Hai cô không chịu, theo nài nỉ bà giáo phải ngồi chung mà ăn. Trường nhắc ghế để trên đầu bàn phía ngoài, rồi mời bà giáo ngồi. Bà giáo muốn vừa lòng khách, nên kêu thằng Biện biểu lấy thêm chén đũa rồi bà ngồi lại đầu bàn. Hai cô ngồi hai bên, rồi Trường với Phúc ngồi tiếp theo đó. Vợ chồng Trường ngồi một phía, cô Lý vói Phúc ngồi một phía.

Hai cô cứ xin lỗi về sự làm cực bà giáo. Bà giáo nói: "Không, không có cực chi hết. Tôi vui lắm, tôi mừng lắm. Nếu mỗi chúa nhựt được hai cô lên chơi luôn luôn thì tôi càng vui nhiều nữa."

Bữa ăn thân mật mà lại vui vẻ lung lắm, cô Lý cứ kiếm chuyện hỏi bà giáo, hoặc chọc ghẹo Phúc, cô nói không ngớt. Bà giáo gắp đồ ép hai cô ăn, bà cứ liếc ngó cô Lý, ngó mặt cô sáng rỡ, ngó miệng cô hữu duyên, ngó mắt cô long lanh, ngó tay cô dịu nhiễu, bà ngó rồi bà thương thầm, bà tưởng trong trí nếu bà được một con dâu như vầy, thì trong nhà bà chắc là vui vẻ lắm.

Ăn cơm rồi Phúc kêu thằng Biện biểu đem cà phê và mời khách ra bàn ngoài đặng ăn bánh tráng miệng. Phúc mở hộp bánh của cô Lý rồi lấy một cái mà ăn. Cô Lý rất vui lòng, cô lựa một cái mà đưa cho bà giáo và mời bà ăn. Bà giáo không từ, cô Lý càng mừng hơn nữa.

Trường nói: "Ê! Hai cô muốn ăn thứ trái cây nào cũng được, tôi xin trừ sầu riêng ra. Sầu riêng phải để dành đặng chừng uống cà phê mình chấm chút mà dống mới có thú vị. „ Bà giáo nói không sao đâu. Ông giáo sư cứ dùng đi. Còn hai trái ngoài cây cũng chín rồi. Ăn có hết, tôi biểu bầy trẻ hái thêm nữa."

Cô Lý cản: "Thưa bác, thôi, đừng biểu hái nữa. Nếu còn thì chừng về cháu xin đem về, chớ hái vô đây anh Trường ảnh ăn hết."

Ai nấy đều cười rộ.

Cô Lý ăn sầu riêng mà uống cà phê, cô cũng thích như Trường, bởi vậy cô khen Trường khéo tìm cách ăn phong lưu cao thượng.

Vợ chồng Trường quen thói ngủ trưa, nên ăn uống rồi Trường liền lại cái ghế bố mà nằm, còn cô Mỹ thì lại bộ ván cẩm lai phía bên nầy tính nghỉ một chút.

Cô Lý thấy cô Mỹ sửa soạn nằm thì hỏi:

- Chị tính ngủ trưa hay sao chị?

- Ăn cơm trưa rồi tôi phải nghỉ một chút.

- Lên vườn chơi mà ngủ trưa nỗi gì. Tôi muốn đi ra sau vườn chơi nữa.

- Chị muốn thì đi đi. Tôi ngủ.

- Thôi anh Trường đi với em.

Trường nói:

- Tôi buồn ngủ lắm. Bây giờ ông Trời biểu tôi cũng không đi được.

Phúc nói:

- Cô Lý còn muốn ra vườn hứng mát, thì tôi dắt cô đi. Ra sau nhà mát nằm nghỉ cũng được.

Cô Lý cười và đáp:

- Thôi, họ muốn ngủ thì để cho họ ngủ. Hai anh em mình đi.

Phúc với cô Lý ra cửa mà đi dạo vườn.

Cô Mỹ hỏi nhỏ bà giáo:

- Bác coi chị Lý tánh nết thế nào?

- Cô vui vẻ, lanh lợi, dễ thương lắm.

- Anh Phúc có thưa cho bác hay rằng ảnh muốn cưới chị Lý hay không?

- Không. Trời ơi! Nó muốn vậy sao được.

- Thưa bác, bác nghĩ sao mà bác nói không được?

- Cô Lý bộ sang trọng quá, có lẽ nào cô ưng thằng Phúc tôi.

- Việc đó không biết chừng. Nếu phải duyên nợ thì con vua cũng lấy thằng bán than được vậy. Mà chị Lý là con của một người buôn bán chớ không phải con vua. Còn anh Phúc là một vị điền chủ có học thức, chớ không phải thằng bán than. Hai người kết tóc trăm năm với nhau cũng vừa, có ai cao, ai thấp gì đâu.

- Thằng Phúc tôi nó có nói với cô nó muốn cưới cô Lý hay sao?

- Thưa, có. Hôm ảnh xuống lần sau, ảnh có tỏ ý đó cho vợ chồng cháu biết và ảnh hỏi coi có nên cưới hay không. Vợ chồng cháu khuyên ảnh phải suy nghĩ lại, bởi vì nếu ảnh cưới chị Lý mà ảnh còn thương cô Hạnh, thì tội nghiệp cho chị Lý. Đã vậy mà anh Phúc với chị Lý tâm tánh bất đồng, lại giáo dục cũng bất đồng, nếu kết vợ chồng thì sợ khó thuận hòa. Tại như vậy nên vợ chồng cháu không dám đốc vô, mà cũng không dám ngăn cản.

Bà giáo ngồi suy nghĩ một hồi rồi bà nói:

- Thằng Phúc tôi nó bị người ta bội ước nên nó thất tình rồi oán tất cả đàn bà con gái, nhứt định không cưới vợ. Nó gần hai ông bà, nhờ hai ông bà khuyên giải, nên bây giờ nó biết muốn vợ, thiệt tôi mừng lung lắm. Tôi thường nói với nó hễ nó đành ai thì tôi cưới nấy cho nó, tôi không kén chọn. Nếu nó cưới được cô Lý thì tôi mừng lắm, ngặt tôi sợ cô không ưng.

Cô Mỹ đáp:

- Việc nầy cháu nói lén cho bác biết, xin bác để bụng, đừng lộ cho anh Phúc hiểu. Bác giả bộ không hay biết việc chi hết, để cho hai người đó thong thả, họ tính lẽ nào tự ý họ.

Cô Mỹ nói tới đó, rồi buồn ngủ quá, nên cô nhắm mắt ngủ khò. Trường nằm trên ghế bố ngủ đã lâu rồi. Bà giáo sẻ lén đi vô cửa sau đứng ngó ra vườn. Bà thấy Phúc với cô Lý đương thủng thẳng đi dọc theo mấy liếp thơm, thế muốn ra chỗ nhà mát. Bà khấp khởi trong lòng, nhắm dạng cô Lý, rồi nhắm tướng con, miệng chúm chím cười.

Trời trưa nắng gắt, nhưng mà nhờ lá cây che phủ, nhờ nước chứa đầy mương, nhứt là nhờ ngọn gió chướng thổi lao rao, bởi vậy trong vườn mát mẻ, chớ không nóng nực.

Cô Lý đi trước bộ hâm hở gọn gàng. Phúc đi theo sau bộ nghiêm nghị suy nghĩ.

Cô Lý thấy một trái thơm lớn thì đứng lại chỉ mà nói:

- Trái thơm lớn quá kia. Ăn được hay chưa vậy anh Phúc?

- Được. Cô muốn ăn thì tôi bẻ cho.

- Thôi, em no quá, ăn hết vô rồi. Hồi sớm mơi mình cũng đi đường nầy phải hôn?

- Không. Hồi sớm mơi mình đi phía bên kia.

Cô Lý ngó quanh quất rồi nói nữa:

- Cái nhà mát kia kìa. Đường nầy cũng ra đó được chớ?

- Được. Cô muốn ra nhà mát hay là đi đâu?

- Đi đâu cũng được tự ý anh. Anh là chủ vườn, anh biết chỗ nào đẹp thì anh đem em đi xem chơi.

- Trong vuờn tôi duy có chỗ nhà mát đó là đẹp hơn hết, có suối chảy nước ro re, có cây soài lớn che tàn mát mẻ. Bên vườn trà thì nắng lắm, lại không có chỗ ngồi chơi.

- Thôi mình ra nhà mát.

- Tôi muốn như vậy lắm, song tôi chưa dám bày cho cô.

- Tại sao mà anh không dám?

- Vì hồi sớm mơi cô đã biết chỗ đó rồi, nếu mời cô ra đó nữa sợ cô không vui.

- Chỗ đó cảnh đẹp lắm, nếu nhà em có cảnh như vậy thì em ở đó tối ngày.

- Hứ! Cái cảnh chỗ nhà mát của tôi đó là cảnh tôi sắp đặt đặng nằm mà dưỡng trí. Cảnh ấy thì vui cho người chán ngán mùi đời, chớ không phải cho người đương hăng hái trong thế đạo. Cô là người phấn chí về cuộc đời, sao cô lại vui với cái cảnh ấy?

- Hôm ở trên Đà Lạt, anh em mình ngồi chơi tại hồ Than Thở, em đã có nói với anh rằng em không phải là người vui vẻ phấn chí. Anh quên rồi hay sao?

- Tôi nhớ lắm chớ nhưng tôi không tin những lời ấy.

Cô Lý ngó Phúc cười và đáp:

- Anh không tin thì thôi, em không có quyền bắt anh phải tin. Hai người và đi và nói chuyện, chừng nói tới đây thì đi cũng đã tới trước nhà mát.

Cô Lý đứng dòm tứ phía, rồi trong lòng cũng cảm xúc như hồi sớm mai nữa. Bây giờ ve với cúc không kêu nữa, mà một lát thì nghe tiếng gà rừng gáy te te phía sau xa. Cô Lý đứng tần ngần dựa gốc xoài, tâm hồn lơ lửng sắc mặt ưu tư.

Phúc thấy vậy mới nói:

- Mời cô vô nhà đặng nằm trên võng mà nghỉ một chút. Cô Lý riu ríu đi lại cái thang mà bước lên nhà rồi ngồi trên võng, không nói một tiếng chi hết.

Phúc kéo một cái ghế mà ngồi ngay mặt cô, song cũng không nói chuyện. Tư bề vắng vẻ, gió thổi hiu hiu, suối chảy ro re, lá cây lúc lắc. Cách một hồi lâu, Phúc thình lình kêu cô Lý mà hỏi:

- Cô Lý, tôi mời cô lên nhà tôi chơi cô biết tôi có ý gì hay không?

Cô Lý nhìn Phúc cười và đáp:

- Em không biết.

- Vợ chồng Trường không tỏ ý của tôi cho cô hiểu hay sao?

- Chị Mỹ rủ em đi thăm anh chơi thì em đi, chớ chỉ có nói chuyện chi khác đâu.

Phúc ngồi lặng thinh dụ dự một hồi rồi nói:

- Tôi mời cô lên chơi là có ý muốn giáp mặt cô đặng hỏi riêng cô một việc quan hệ lắm. Tôi muốn hỏi cô coi cô có thể kết nghĩa vợ chồng với tôi hay không?

Cô Lý chưng hửng, biến sắc. Cô ngó sững Phúc rồi thủng thẳng hỏi lại:

- Anh quên cô Hạnh được rồi hay sao? Trước khi hỏi em như vậy, anh có suy nghĩ kỹ lưỡng hay không?

Phúc châu mày, day chỗ khác rồi mới đáp:

- Về câu hỏi thứ nhứt thì tôi chưa dám trả lời quả quyết. Còn về câu hỏi thứ nhì thì tôi trả lời liền được. Việc tôi muốn xin cưới cô thì tôi đã suy nghĩ kỹ lắm. Còn việc cô Hạnh thì tôi xin cô cho phép tôi tỏ tâm hồn hiện thời của tôi cho cô nghe...Không hiểu tại ai xuôi khiến mà tôi với cô Hạnh tuy chưa có nghĩa vợ chồng, song đối với cô tôi có cảm tình nồng nàn, sâu xa không có tình nào bằng. Từ ngày cô phụ bạc tôi mà lấy chồng khác thì tôi thất tình thất chí, tôi chán ngán quá, hết muốn danh lợi, hết ham tài sắc, chán ngán đến nỗi ghét hết thảy đàn bà con gái. Tôi thệ tâm chôn cái đời của tôi trong chốn vườn rẫy, không thèm cuới vợ, mà cũng không thèm giao thiệp với anh em nữa. Ngày tôi gặp cô thì tâm hồn của tôi như vậy đó.

- Phải. Em biết anh có tâm bịnh nặng lắm.

- Vì tâm bịnh ấy mà tôi được gần cô mười mấy ngày, lại cô là gái xinh đẹp và thông minh, song tôi không lưu tâm đến cô một chút nào hết...Vì tôi trọng cô nên tôi phải tỏ thiệt. Xin cô tha cái lỗi khiếm nhã cho tôi.

- Em sẵn lòng tha. Anh cứ nói đi, chẳng cần phải ái ngại.

- Cho tới cái ngày tôi từ biệt cô mà trở về Bến Súc, thì tôi cũng chưa để ý đến cô. Chừng về trên nầy rồi, tôi nằm một mình mà chiêm nghiệm nhơn tình thế thái, tôi nhớ lại trong mười mấy ngày gần nhau, cô cứ chăm lo giải cái tâm bịnh của tôi luôn luôn, tôi nhớ cử chỉ của cô như vậy rồi tôi sanh cảm trong lòng. Tôi nói thiệt với cô, nhờ cô mà hôm nay bịnh của tôi tuy tôi không dám đoán chắc đã tuyệt hay chưa, song tôi biết đã giảm nhiều lắm vậy.

- Phải. Sự ấy em đã thấy rõ. Em lên hồi sớm mơi thì em liền thấy anh khác hôm trước xa lắm.

- Tôi tưởng nếu tôi được vinh hạnh được gần cô luôn luôn, đặng cô điều trị căn bịnh của tôi, thì có lẽ tôi sẽ mạnh được. Cô có can đảm, cô có thiện tâm, mà chịu lãnh trách nhiệm cải tử huờn sanh dùm cho một người bịnh trầm trọng, đem cái đời vui vẻ hữu dụng mà thay cái đời ảo nảo chán ngán dùm cho một sanh linh của tạo hóa hay không?

Cô Lý cúi mặt, thở ra và ứa nước mắt.

Phúc lật đật nói tiếp:

- Tuy tôi hỏi như vậy, song tôi xin cô đừng trả lời gấp. Cô hãy suy nghĩ cho kỹ, rồi trong năm mười bữa nữa, hoặc một vài tháng cô sẽ trả lời cũng được.

Cô Lý cứ ngồi trân trân, không nói một tiếng chi hết.

Phúc thấy sắc mặt cô thì biết cô bối rối lung lắm, nhưng mà Phúc sợ cô trả lời liền rồi câu trả lời ấy, hoặc vì cảm xúc, hoặc vì bất bình, mà không được chính chắn thành thật, bởi vậy Phúc lật đật nói tiếp:

- Tôi không muốn cô trả lời gấp, là vì việc hỏi cô đó là một việc quan hệ cho đời của tôi và đời của cô, bởi vì nó có thể làm cái lòng khô héo của tôi trở ra xanh tươi lại, mà nó cũng cò thể làm cho cái đời vui vẻ tốt đẹp của cô trở ra buồn rầu hư hỏng được. Vậy tôi xin cô hãy suy xét cái vấn đề ấy đủ các phương diện, hãy xem bề trong bề ngoài, hãy cân chỗ phải chỗ quấy, rồi sẽ trả lời. Tôi sanh trưởng nơi thôn quê, nên tâm tánh của tôi thật thà, cách ăn ở của tôi giản tiện, không thích hạp với đời mới. Cô sanh trưởng nơi thành thị, nên tâm tánh của cô lỗi lạc, cách ăn ở của cô sang trọng rực rỡ. Hai tâm tánh ấy có thể hiệp nhau rồi khắng khít cả đời được hay không? Hai cách ăn ở ấy có thể nhập nhau lại mà làm ra một cách ăn ở mới được hay không? Đó là những điều cần phải suy nghĩ...

Cô Lý cũng cứ lặng thinh hoài.

Phúc thấy cử chỉ mấy thì sợ Cô Lý hoặc hờn giận, hoặc khinh bỉ thái độ của mình, bởi vậy chậm rãi nói nữa:

- Tôi chẳng khác nào người mang bịnh trầm trọng tưởng đã chết rồi, may gặp lương y cứu chữa, mới cho uống thang thuốc đầu thì bịnh đã giảm, bịnh nhơn định tâm tĩnh trí, rồi quơ níu sự sống, nên cầu khẩn lương y. Cô cũng như vị lương y ấy. Ví như trong cách cầu khẩn của bịnh nhơn có lời nào không vừa lòng hiệp ý lương y, thì xin lương y nghĩ dùm tâm hồn tán loạn của bịnh nhơn mà dung thứ, chớ đừng có hờn giận hoặc khinh bỉ bịnh nhơn tội nghiệp.

Bây giờ cô Lý biết rõ lòng dạ của Phúc được rồi, bởi vậy cô chảy nước mắt dầm dề, nhưng mà mặt cô hớn hở, miệng cô chúm chím cười, cô ngó ngay Phúc mà đáp:

- Anh Phúc, anh hỏi em vậy chớ em có thể kết nghĩa vợ chồng với anh được hay không? Em xin trả lời liền: "Được."

Phúc vừa nghe đến tiếng "Được" thì biến sắc, Phúc nhướng mắt nhìn cô Lý trân trân và nói:

- Cảm ơn cô, cảm ơn một ngàn lần...Nhưng mà tôi ái ngại quá...

- Vì sao mà anh ái ngại?

- Vì cô trả lời gấp cô không suy nghĩ cho kỹ.

- Em suy nghĩ rồi.

- Cô có nghĩ nếu cô ưng làm vợ tôi thì cô phải bỏ cái đời cao sang rực rỡ của cô mà sống với cái đời quê mùa vườn rẫy của tôi hay không?

- Em có nghĩ chỗ đó. Cái đời cao sang rực rỡ là cái đời giả dối bề ngoài, còn cái đời quê mùa vườn rẫy là cái đời chơn chánh ở trong. Đổi cái giả dối mà lấy cái chơn chánh thì em không giục giặc gì hết.

- Cô có nghĩ nếu cô ưng làm vợ tôi thì cô phải chịu một nguời chồng có cái tâm hồn áo não nên không vui vẻ gì hết hay không?

- Em cũng có nghĩ chỗ đó. Em sẽ ra công sửa đổi cái tâm hồn áo não của chồng em ra cái tâm hồn hân hoan hỉ lạc.

- Cô có lòng từ thiện đến nỗi hủy bỏ cái cảnh đời vui vẻ để cứu tôi hay sao?

- Phải. Em nhứt định làm như vậy là vì em chắc em sẽ được hưởng hạnh phước tràn trề.

- Cô có lòng cam đảm đến nỗi dám ưng một người chồng có bịnh tâm hồn hay sao?

- Phải. Em dám làm như vậy là vì em chắc em sẽ trị bịnh cho chồng em được. Nghe những lời thâm tình ấy Phúc cảm động quá, không thể bình tĩnh nữa được, nên vùng đứng dậy bước lại đưa tay muốn nắm tay cô Lý, mà rồi Phúc ngừng lại, ngó cô Lý trân trân, nước mắt tuôn dầm dề. Phúc ngó một chút rồi nói lớn: "Người tánh tình cao thượng như vầy thì đáng kính đáng trọng lắm. Tánh tình như vầy lẽ nào không được thưởng. Tôi xin thảo mộc trong vuờn nầy, tôi xin nước suối chim rừng chung quanh đây hãy ráng giúp cho tôi xây nên cái nền hạnh phước hoàn toàn để cho vợ tôi hưởng, đặng tôi đền đáp cái tình cao thượng của vợ tôi."

Phúc phát hiện ái tình như vậy làm cho cô Lý vui lòng không biết chừng nào. Cô đứng dậy đối diện với Phúc rồi cười mà hỏi:

- Bây giờ anh còn sợ hai cái buồn nhập lại rồi nó lớn bằng hai nữa thôi?

- Tôi hết sợ rồi. Tôi hết sợ là vì tôi chắc tôi sẽ quên cô Hạnh...À cô Hạnh, cô chê tôi không đủ tài lực mà làm cho cô huởng được hạnh phước hả? Cô dại lắm, cô lầm to! Cô ráng chống mắt mà coi tôi. Cô sẽ ăn năn, cô sẽ tiếc cái hạnh phước của cô mà cô không biết, cô để cho người khác hưởng. Cô sẽ ganh ghét cô Lý cho mà coi...

Cũng còn nhắc cô Hạnh! Té ra chưa quên cô Hạnh được...

Cô Lý nghe Phúc nhắc cô Hạnh liền bước thối lui và la lớn:

- Anh Phúc, nín đi. Em không muốn anh nhắc cô Hạnh. Anh đừng đem cô Hạnh mà so sánh với em chớ.

Cô Lý nói mà sắc mặt cô giận lắm.

Phúc chắc lưỡi lắc đầu nói:

- Xin cô tha lỗi cho tôi. Vì tôi còn nhớ cô Hạnh, nên tôi giận rồi tôi nói bậy.

Đem cô mà để đứng ngang hàng với cô Hạnh thì nhục cô lắm. Tôi vô ý nên tôi nói điên.

Cô Lý hết giận mà rồi cô buồn. Cô ngó Phúc mà nói dịu ngọt:

- Em có thể kết nghĩa vợ chồng với anh được. Song em buộc anh một điều, nếu anh chịu thì em mới ưng.

- Cô buộc điều chi?

- Anh phải quên đứt cô Hạnh, anh không được nhớ đến người đó nữa.

Phúc do dự một chút rồi mới đáp:

- Tôi sẽ làm y lời cô buộc.

- Anh dám hứa chắc như vậy hả?

- Tôi hứa chắc.

- Vậy thì em nhứt định hiệp với anh mà sùng bái chủ nghĩa gia đình, cho tròn đạo làm người. Thôi bây giờ trở vô nhà coi chị Mỹ ngủ trưa đã thức vậy hay chưa.

Cô Lý thủng thẳng bước xuống thang. Phúc đi theo và nói:

- Chừng thành hôn rồi, tôi sẽ xin phép với má tôi mà cất cái nhà mát nầy lại cho đẹp.

- Cất lại làm chi?

- Cất lại để làm cái miễu đặng chúng ta sùng bái ông thần ái tình của chúng ta.

- Theo ý em thì nên để y nguyên như vầy đặng bảo tồn kỷ niệm về cuộc nói chuyện của chúng ta hôm nay.

- Đó là cái ý hay. Nhưng mà cái chòi lèo tèo như vầy không xứng Đáng với cái tình cao thượng của chúng ta.

- Tại cái chòi lèo tèo đó nên ái tình mới cao thượng chớ. Em đã quyết bỏ cái đời cao sang rực rỡ, sao anh còn tưởng tới làm chi?

- À phải. Tôi sơ sót chỗ đó...Hễ đôi ta được thành hôn rồi, cô muốn thế nào, tôi cũng sẽ làm y theo ý cô định.

- Em muốn anh đừng nhớ tới người phụ rảy anh nữa. Anh sẽ làm y theo ý em hay không?

- Tôi sẽ ráng.

Hai người vô tới nhà. Cô Lý thấy Trường với cô Mỹ, mỗi người nằm một chỗ, đương mê mang giấc điệp, thì cô la lớn:

- Trời ơi! Tính lên Bến Súc mà chơi, té ra lên đây đặng ngủ chớ! Chị Mỹ thức dậy nói chuyện chơi để tối rồi sẽ ngủ mà.

Cô Mỹ với Trường đều mở mắt. Trường ngồi dậy vung vai và nói:

- Cô có chuyện thì cô nói, còn người ta không có chuyện gì hết thì người ta ngủ, chớ nói giống gì bây giờ.

Cô Lý nói:

- Anh với chị Mỹ thức dậy đặng em nói chuyện cho mà nghe.

- Nói chuyên gì?

- Anh có biết nãy giờ anh Phúc dắt em đi đâu hay không?

- Người ta mắc ngủ, làm sao mà biết được.

- Ảnh dắt em ra sau vườn, vô ngồi chơi trong cái nhà mát chỗ mình ăn thơm rồi sớm mơi đó rồi ảnh nói chuyện ngộ lắm.

- Nói chuyện gì mà bộ cô vui dữ vậy?

- Ảnh hỏi em ví như ảnh xin cưới em, thì em ưng hay không?

Cô Mỹ nghe nói như vậy thì lồm cồm ngồi dậy mà hỏi:

- Anh Phúc hỏi như vậy rồi chị trả lời làm sao?

- Tôi trả lời tôi ưng.

- Ạ!...Chị có suy xét sự quan hệ của câu chị trả lời đó hay không?

- Có...Tôi suy xét đã lâu rồi...Tôi suy xét từ hôm anh Trường khuyên tôi với chị phải ráng giúp với ảnh mà cứu chữa tâm bịnh cho anh Phúc.

- Té ra chị đã biết trước sự anh Phúc xin cưới chị hay sao?

- Đường đi đến "Cực lạc thế giới" chỉ có một mà thôi. Anh Phúc tu theo đạo ái tình, tự nhiên sớm muộn gì ảnh cũng phải đi theo đường ấy, làm sao mà không biết trước được.

- Bà giáo Viễn nãy giờ đứng phía trong, bà nghe rõ hết các câu chuyện, bà vui mừng không kể xiết bởi vậy bà bước ra, miệng cười ngỏn ngoẻn.

Cô Lý thấy bà giáo thì cô nói:

- Áo mặc sao qua khỏi đầu được. Làm con dầu việc gì cũng phải do cha mẹ.

Anh Phúc muốn như vậy, để tôi thưa cho bác hay coi bác có bằng lòng hay không đã.

Bà giáo vừa bước lại bộ ván mà ngồi với cô Mỹ, vừa rước mà đáp với cô Lý:

- Tôi bằng lòng, tôi bằng lòng lắm. Cô ưng làm vợ thằng Phúc tôi ấy là cô gieo trong gia đình tôi một cái nghĩa lớn, dầu đến chừng nào tôi cũng không quên được. Cái ơn làm cho đời của thằng Phúc tôi được vui vẻ thì còn ơn nào lớn bằng. Còn tôi có một nàng dâu xinh đẹp, khôn ngoan, cao sang, vui vẻ như cô, thì làm sao mà tôi không bằng lòng.

Cô Lý ngó bà giáo mà cười rồi cô nắm tay Phúc kéo lại đứng trước mặt bà giáo và cô nói:

- Anh Phúc, anh hỏi em có thể kết nghĩa vợ chồng với anh hay không. Em nói được. Bây giờ bác nói bác cũng bằng lòng nhận em là dâu của bác. Vậy thì anh cậy mai nói với ba em mà xin cưới em đi. Anh muốn nói chừng nào cũng được. Để em về thưa trước cho ba em hay.

Trường nói:

- Vợ chồng tôi lãnh làm mai cho. Làm mai đặng ăn đầu heo chơi.

Cô Lý day lại nói với Trường:

- Tại anh gây chuyện thì anh phải lo chớ sao.

- Tại tôi làm sao? Tôi ngủ từ hồi trưa cho tới bây giờ tôi có biết chuyện chi đâu mà đổ thừa cho tôi.

- Tại anh tiến dẫn anh Phúc làm quen với em, rồi anh khuyên em ráng giúp với anh mà chữa tâm bịnh cho anh Phúc. Việc ấy có chị Mỹ làm chứng, anh chối sao được.

- Tôi giới thiệu đặng làm quen với Phúc, tôi cậy giải dùm tâm bịnh của Phúc, chớ tôi có xúi ưng làm vợ Phúc đâu?

- Nếu không ưng làm vợ anh Phúc, thì làm sao mà giải tâm bịnh cho ảnh được.

Bà giáo vui vẻ can rằng: "Thôi, con chẳng nên cãi với ông giáo sư. Đầu dây mối nhợ là tại nơi tôi trước hết. Tôi cậy ông giáo sư kiếm vợ dùm cho thằng Phúc tôi, nên mới có sự nầy. Tôi cám ơn ông bà giáo sư lung lắm. Để vài bữa rồi tôi biểu thằng Phúc tôi dắt tôi xuống nhà mà tạ ơn hai ông bà và cậy hai ông bà chịu khó làm mai dùm cho hai trẻ mau thành gia thất. Không biết chừng sáng mai tôi đi."

Cô Lý mồ côi mẹ đã lâu, nay nghe bà giáo kêu mình là con thì cô động lòng đứng ngơ ngẩn.

Cô Mỹ cười và hỏi bà giáo:

- Bác muốn tính gấp hay sao?

- Trong việc hôn nhơn hễ hai bên ưng thuận thì tính phức cho rồi, để dây dưa làm chi.

- Bác muốn có cháu nội cho mau đặng nựng nịu chớ gì.

- Bà giáo sư nói trúng ý tôi lắm. Tôi mong cái đó đa, mong thằng Phúc có gia đình theo như ý thầy nó muốn, đặng ổng vui lòng nơi âm cảnh. Cô Lý với Phúc nghe bà giáo nói như vậy thì ngó nhau mà cười chúm chím. Phúc kêu thằng Biện biểu múc nước cho khách rửa mặt.

Trường rửa mặt gội đầu, còn hai cô thì lại đứng trước tấm kiếng lớn soi mặt mà trang điểm. Bà giáo ngồi ngắm cô Lý, bà phỉ lòng đắc ý, nên sắc mặt hân hoan khác thường. Phúc cũng vui vẻ lo sắp đặt trà nước mà đãi khách.

Đồng hồ gõ 3 giờ. Vợ chồng Trường bàn tính đặng đi về. Bà giáo nói: "Khoan, trời còn nắng lắm, ở chơi một chút nữa dịu nắng rồi sẽ về. Để tôi đi kiếm trái cây tôi hái đặng tôi gởi cho bà giáo sư và con dâu tôi. Chuyến nầy bổn thân tôi đi kiếm mà hái mới có tình."

Bà giáo nói dứt lời, bà liền đứng dậy đi vô trong kêu người nhà đi theo bà mà hái trái cây.

Cô Lý với cô Mỹ biểu Phúc dắt đi vô trong đặng cho hai cô biết hết trong nhà từ trước ra sau. Phúc sẵn lòng dắt đi liền, rồi dắt luôn đi kiếm bà giáo đặng phụ mà hái trái cây với bà.

Cô Mỹ thấy bà giáo cắt thơm, hái dâu, hái sa bô chê, hái trái vú sữa cả thúng thì cô nói:

- Bác hái làm chi nhiều dữ vậy? Xin bác thôi, đừng hái nữa.

- Để tôi hái thêm một mớ nữa đặng tôi cho con dâu tôi.

- Bác hái hết vườn còn gì.

- Dễ hết đâu!

Cô Mỹ lắc đầu mà cười, Còn cô Lý cảm xúc nên không nói được một tiếng nào hết, chỉ ngó bà giáo với cặp mắt dan díu.

Hái trái cây xong rồi mới dắt nhau trở vô nhà. Khách đem đồ ra xe rồi từ giả mẹ con bà giáo mà lên xe. Bà giáo vịn vai cô Lý mà nói: "Ngày nào má được rước con về ở chung một nhà với má thì má vui lắm."

Mấy lời thân thiết ấy làm cho cô Lý động lòng, cô không suy nghĩ kịp, nên cô nói bướng: "Con cũng vui như má."

Được cô Lý kêu bằng má bà giáo hớn hở phỉ lòng, bà ngó cô Mỹ mà nói tiếp: "Chắc chắn sáng mai sẽ có tôi xuống."

Xe hơi chạy đã khuất rồi, mà bà giáo với Phúc vẫn còn đứng ngó theo.

o O o

43. vùng đất hoang có cây cỏ rậm rạp 44. mía đường do Pháp đem từ thuộc địa gây giống, thân màu vàng, khác với "mía đường ta"có màu mốc lóng dài.

CHƯƠNG 9 -

P

húc được gần cô Lý, rồi nhờ cô Lý nhen nhúm lại bếp lửa lòng đã nguội lạnh, nên chàng nhứt định quên cô Hạnh mà kết nghĩa vợ chồng với cô Lý.

Cô Lý vì chán ngán cảnh đời rực rỡ bề ngoài mà giả dối bề trong, lại vì cảm tánh tình chất phác mà thâm trầm của Phúc, nên đành xa lánh các cuộc vui sướng về hình thức để vùi thân trong chốn vườn rẫy mà cứu chữa dùm tâm bịnh cho Phúc rồi thưởng thức cái tình chơn chánh của Phúc.

Bà giáo Viễn hay con đã đổi trí nên chịu cưới vợ, thì bà mừng rỡ, lại thấy cô Lý vừa xinh đẹp, vừa lanh lợi, thì bà thương yêu, nên bà nong nả (45) muốn nói mà cưới dâu cho mau.

Ông Thinh sẵn lòng gả con gái lấy chồng đặng ông thong thả, hễ con ưng đâu thì ông gả đó, ông không kén chọn.

Vợ chồng giáo sư Trường vì tình bạn hữu với hai bên, nên vui lòng lãnh làm mai, đặng gây dựng cuộc gia thất nầy mà làm cho tình bằng hữu nọ càng thêm khắng khít.

Mọi người đều xuôi thuận hết, tự nhiên cuộc hôn nhơn tán thành rất dễ dàng.

Bữa trước vợ chồng Trường với cô Lý đi Bến Súc về, thì sớm mơi bữa sau bà giáo Viễn với Phúc xuống mà nói chánh thức cậy vợ chồng Trường làm mai. Vợ chồng Trường liền lên nhà ông Thinh mà tỏ việc Phúc muốn cầu hôn cho ông biết, rồi xin ông cho phép mẹ con Phúc đến nhà thăm. Ông Thinh hỏi con thì con chịu, nên liền cậy vợ chồng Trường mời mẹ con Phúc buổi chiều đó lên nhà uống nước trà đặng biết nhau và nhơn dịp nói chuyện hôn nhơn luôn thể.

Ông vui vẻ tiếp khách và nói với bà giáo rằng đời nay mình có con, trong cuộc hôn nhơn mình phải để cho con tự do lựa chọn, hễ con đành đâu thì mình định đó, không nên ép duyên con. Mà đã nhứt định gả rồi thì không nên làm khó, đòi đủ tục lễ, phải nhập các lễ lại mà làm một lễ cưới cho tiện. Bà giáo thấy suôi gái dễ như vậy bà càng thêm mừng, bà xin phép về chọn ngày tốt rồi bà sẽ cậy vợ chồng Trường cho ông Thinh hay đặng sắp đặt lễ cưới. Ông Thinh nhận lời, song xin hãy cho ông biết trước vài tuần lễ.

Mẹ con bà giáo về chọn ngày rồi cách ba bữa sau Phúc xuống Sài Gòn cậy vợ chồng Trường dắt lên nhà ông Thinh mà trình ngày cưới.

Đám cưới thì Phúc không chịu làm rình rang bề ngoài, mời khách thì chỉ mời bà con cô bác trong thân mà thôi. Nhưng mà Phúc lo lắng dọn nhà dọn vườn rất kỹ lưỡng, bổn thân coi sắp đặt cái chỗ để rước người yêu cho xứng đáng.

Còn ông Thinh là một nhà giàu mới, làm việc gì ông cũng muốn se sua. Ông gởi thiệp mời khách nhóm họ trên một trăm, ông cậy các nhựt báo đăng tin mà bố cáo đám cưới, ông dọn nhà cửa hực hỡ, ông đặt cỗ bàn ê hề.

Đến bữa cưới, họ đàng trai đi bốn xe hơi. Lúc làm lễ từ đường rồi, ông Thinh biểu Phúc cởi áo rộng đặng ra ngoài ngồi dự tiệc cưới với họ.

Phúc ngồi chung một bàn với Trường và sáu ông khách lạ Phúc chưa biết. Cô Lý mặc y phục thiệt quý, trang điểm thiệt đẹp, cô cũng ra ngoài ngồi ăn cơm với cô Mỹ và nhiều chị em khác.

Lúc tiệc gần mãn, Phúc nghe phía sau lưng có một người nói: "Ê, toa coi phải cô Lý đẹp hơn các cô hết thảy hay không? Mỏa tiếc quá, lúc mỏa quen với M. Thinh thì mỏa đã có vợ rồi. Nếu mỏa chưa có vợ, thì cô Lý làm sao mà lọt vào tay người khác được."

Phúc nghe ngưới ta khen nhan sắc vợ mình thì đắc ý, song muốn coi người khen ấy là ai, nên day mặt ra phía sau mà dòm. Phúc thấy người ấy còn trai, mặt mày sáng sủa, bộ tướng bảnh trai, mặc một bộ đồ nỉ xám rất đẹp.

Tiệc mãn rồi, họ đàng trai trình lễ rước dâu. Phúc mặc áo rộng lại, hiệp với cô Lý, cũng mặc áo rộng, mà bái từ đường rồi ra cửa đặng lên xe. Phúc cứ ngó người trai mặc đồ nỉ xám hồi nãy hoài, thấy người ấy Đi khít một bên cha vợ mình rồi cũng lên chung một xe với ông.

Chừng xe chạy, Phúc muốn biết coi người mặc đồ nỉ xám đó là ai, nên hỏi vợ:

- Ai đi chung một xe với ba đó?

- Em không thấy.

- Người đó còn trai, mặc bộ đồ nỉ xám.

- Người anh nói đó chắc là anh Huờn, bởi vì họ nhà gái có một mình anh Huờn mặc đồ nỉ xám. Anh hỏi chi vậy?

- Hỏi cho biết vậy mà!

- Anh biết anh Huờn mà.

- Qua biết hồi nào?

- Bữa mình đi Đà Lạt về, em mời anh lên nhà ăn cơm. Ăn được nửa bữa rồi anh Huờn ghé xe rước ba đi đó. Anh quên hay sao?

- À, qua nhớ rồi. Té ra người đó hả?

- Phải.

- Huờn có vợ phải hôn?

- Phải. Có vợ con rồi.

Rước dâu về tới nhà, mẹ con bà giáo Viễn đãi họ hai bên cũng hẳn hòi đúng đắn. Chừng mãn tiệc họ đàng gái cáo từ mà về. Bà giáo biểu con và dâu phải đưa họ ra tới xe.

Từ nay ông Thinh sẽ xa cách con, ông không biết cái đời tương lai của con sẽ ra thế nào nhưng mà lúc từ biệt nhau ông không cảm không buồn, mà bộ ông lại hân hoan mãn ý.

Huờn bắt tay từ giả Phúc, mà Huờn liếc mắt ngó cô Lý, miệng chúm chím cười và nói: "Em Lý bỏ cảnh vui sung sướng Sài Gòn mà về ở chỗ quê mùa như vầy, chắc em sẽ buồn lắm, Sài Gòn mất một gái xinh đẹp như em, Sài Gòn cũng hết vui, Sài Gòn sẽ trông đợi em, vậy dầu vui đạo vợ chồng xin em cũng đừng quên Sài Gòn nghe."

Phúc nghe những lời ấy thì châu mày tái mặt.

Cô Lý lấy làm bất bình về mấy câu diễu cợt trái mùa đó, song cô vừa muốn dạy Huờn một bài học về cách lịch sự ở đời, thì ông Thinh đã kéo Huờn lên xe, rồi xe tuốt chạy, làm cho cô Lý nói không kịp.

Xe của họ nhà gái chạy hết rồi, vợ vhồng Phúc ngó nhau mà cười, rồi thủng thẳng trở vô nhà, chồng chan chứa ân tình vợ ngại ngùng đời mới.

Đến tối trong nhà dọn dẹp xong rồi, bà con cũng đã về hết. Bà giáo Viễn ngồi trên bộ ván ngoài trước mà ăn trầu, bà thấy con với dâu ra vô nói chuyện vui vẻ, thì bà đắc ý, nên bà nói:

- Đến bữa phản bái, hai vợ chồng con lựa mua một chiếc xe hơi nghe hôn con.

Cô lý chưng hửng hỏi:

- Má biểu mua xe hơi mà mua thứ nào?

- Mua thứ nào tùy ý con. Lựa thứ nào đẹp mua để hai con đi chơi. Cô Lý day lại hỏi chồng:

- Anh muốn mua xe hơi đặng đi chơi hay không?

Phúc lắc đầu đáp:

- Không...Đi chơi ở đâu?...Chơi giống gì?

Bà giáo nói:

- Con hai ở Sài gòn từ nhỏ chí lớn. Bây giờ về vườn chắc nó buồn lắm. Vậy má muốn mua xe hơi đặng con đi xuống Sài Gòn thường thường mà chơi với nó cho nó vui. Hay là con muốn đem nó đi Đà Lạt, hoặc chỗ nào xa cũng được, đi chơi cho khỏi buồn vậy mà.

Cô Lý nghe nói như vậy thì cô cười mà đáp:

- Xin má đừng lo cho phận con. Về ở trên nầy con không buồn đâu.

- Con thương chồng nên con nói như vậy chớ sao lại không buồn. Ở vườn mà vui sao được.

- Khi con ưng anh Phúc, thì con đã biết con phải về ở chỗ nầy. Sài Gòn có thú vui theo Sài Gòn, Bến Súc có thú vui theo Bến Súc, nên con mới ưng anh Phúc. Xin má đừng lo cho con buồn.

- Anh sanh có một mình con. Anh gả con lấy chồng chắc anh nhớ lắm. Bề nào má cũng phải cho con về Sài Gòn thường thường mà thăm anh. Vậy phải có một chiếc xe hơi để vợ chồng con lên xuống cho tiện.

- Thưa má, bữa nào má muốn cho con về thăm ba con, thì con gởi thơ trước, rồi ba con cho xe dưới nhà lên rước vợ chồng con cũng được, chẳng cần phải sắm xe riêng cho vợ chồng con. Ba con mắc buôn bán, nên ít khi đi đâu xa. Xe dưới nhà nằm không hoài, ba con cho đưa rước được.

- Gái có chồng không nên làm nhọc lòng cha mẹ nữa.

- Thưa chẳng có điều chi nhọc lòng đâu.

- Phúc, vợ con nói như vậy, con nghĩ sao? Con muốn sắm xe hơi hay không?

Phúc suy nghĩ một chút rồi mới đáp:

- Vợ con không muốn sắm xe hơi thì thôi. Còn về phần con, thì hiện bây giờ con không cần dùng xe.

- Tùy ý con. Má sẵn lòng làm cho hai con hưởng chút sung sướng với thiên hạ. Như hai con không muốn sắm xe, mà muốn làm việc gì khác, thì cứ nói cho má biết, đừng ngại chi hết.

Sáng bữa sau, Phúc thức dậy rửa mặt, thấy vợ đã trang điểm rồi thì nói:

- Bữa nay chúng ta phải đi bái tạ ông Thần ái tình của chúng ta, không nên để trễ nữa.

Cô Lý ngó chồng với cặp mắt chứa chan ân ái và nhích miệng cười rất có duyên, mà hỏi:

- Ông Thần ái tình ở đâu?

- Ở ngoài cái miễu sau vườn, em quên rồi hay sao?

- À, em nhớ rồi. Anh lau mặt chải đầu đi. Để em đi bận áo.

- Em phải mặc cái áo xanh với cái quần trắng hôm trước mới đụơc.

- Đồ đó cũ rồi nên em để lại dưới nhà, em không có đem theo.

- Qua lấy làm tiếc lắm.

- Không hại gì. Em có đồ khác cũng giống như vậy.

Cô Lý vội vã trở vô phòng thay đồ, Phúc cũng đi thay áo và mặc đồ y như bữa tiếp khách hôm nọ. Cách một hồi cô Lý trở ra, cô mặc quần trắng áo xanh như hôm trước, song áo quần còn mới tinh, lại màu áo tươi hơn, nên làm cho sắc cô càng thêm đẹp.

Phúc ngó vợ mà gặc đầu. Vợ chồng dắt nhau vô trong cho mẹ hay rồi đi thẳng ra sau vườn.

Mặt trời vừa mới mọc, giọt sương chưa khô, nên ngọn cỏ lá cây còn đầm đầm oằn oại. Hoa ngâu đương nở rộ, mùi thơm phưởng phất, làm cho không khí vừa mát mẻ vừa ngọt ngào.

Phúc lựa đường trống mà dắt vợ đi đặng cho ngọn cỏ lá cây khỏi quất cô Lý ướt quần áo. Cô Lý lửng thửng đi theo chồng, chơn bước khoan thai, mặt mày hớn vở, cô ngó thấy vườn thơm thì cô chỉ mà nói:

- Thơm kia!

Phúc day lại nói:

- Phải thơm đó. Từ rày vườn thơm đó thuộc về của em, vườn trà nầy cũng của em, sở mía dưới kia cũng của em. Em làm chủ các cây trong vườn nầy hết thảy cũng như qua vậy. Qua rất tiếc, qua không có của quý nào khác nữa, qua chỉ có bao nhiêu đó mà thôi. Mà có bao nhiêu qua dâng hết cho em, mong rằng em sẽ vui lòng mà thâu nhận, rồi đôi ta chung lo trồng tỉa, vun phân tưới nước, đặng cộng hưởng hoa quả với nhau. Mấy năm nay qua vì lợi nên qua không trồng bông. Bây giờ có em, vậy đến mùa mưa, qua sẽ dọn liếp phía trước mà trồng huệ, trồng vường để em chơi.

Cô Lý cười mà đáp:

- Anh cưng em quá, em sẽ nhõng nhẽo cho mà coi.

Hai người mắc nói chuyện nên đi gần tới nhà mát mà cô Lý không hay. Chừng cô ngó thấy cái nhà bây giờ nóc lợp lại bằng tranh mới, cột và lan can đều sơn xanh như màu áo của cô, trong nhà để có hai cái ghế ngồi, song có để thêm một cái ghế canapé và giăng tới hai cái võng, còn chung quanh nhà thì quét dọn sạch sẽ, không có một cộng cỏ, không có một lá khô. Cô đứng chưng hửng rồi ngó chồng mà nói:

- Anh sửa soạn cái nhà mát lại đẹp quá!

- Qua muốn cất lại bằng ngói gạch cho đẹp đẽ chắc chắn đặng thờ Thần ái tình của chúng ta cho xứng đáng. Tại hôm trước em không chịu, nên qua không dám cãi. Qua có sửa sơ lại cho sạch sẽ mà thôi.

- Như vậy thì đủ rồi.

- Qua muốn cất một cái nhà nhỏ tại đây đặng vợ chồng mình ở riêng ngoài nầy.

- Ý! Không nên. Anh đừng có tính như vậy má nghe má buồn. Mình phải ở chung với má, lúc nào rảnh mình ra đây nằm chơi vậy thôi.

- Tự ý em.

Phúc nắm tay dắt cô Lý bước lên thang mà vô nhà, rồi mời cô ngồi tại ghế canapé. Phúc ngồi một bên vợ, rồi vợ chồng ngó mông trong vườn. Cũng như hôm trước, dưới suối nước vẫn chảy ro re, trong rừng cúc vẫn kêu từng nhịp.

Ngắm cảnh rồi động tình, cô Lý day qua ôm mặt chồng mà hun, chớ không nói chi hết.

Phúc khoái lạc tràn trề nên nói nhỏ nhỏ:

- Cám ơn em. Qua cám ơn em nhiều lắm. Nhờ em mà qua được biết ý nghĩa của sự sống, được hưởng chút hạnh phước của thế gian.

- Anh còn nhớ cô Hạnh nữa hay không?

Phúc đương hân hoan mãn ý, mà nghe câu hỏi ấy thì liền châu mày ủ mặt rồi thủng thẳng đáp:

- Cô Hạnh đã chết mất rồi. Chuyện cô Hạnh là chuyện thuộc về kiếp trước của qua. Em nhắc lại làm chi? Hôm trước em cấm qua không được nhắc tới tên đó. Em nhớ nghe hôn?

- Vưng. Em không dám nhắc tới nữa đâu. Lỡ lần nầy, Thôi em xin anh tha lỗi cho em.

- Qua tha.

Phúc ngồi lơ lửng khí sắc không còn hân hoan như hồi nãy nữa. Bây giờ cô Lý cũng buồn hiu, cô ăn năn sự cô nhắc cô Hạnh, mà nhứt là cô thấy cử chỉ của Phúc như vậy, cô nghi Phúc chưa dứt tình với cô Hạnh được.

Phúc ngồi lặng thinh ngó mông một hồi, rồi thình lình một tay thì nắm tay cô Lý, còn một tay thì choàng ôm sau lưng cô mà hỏi nhỏ nhỏ:

- Thiệt em thương qua hay không?

- Nếu em không thương thì có lẽ nào em ưng làm vợ anh.

- Tại sao mà em thương?

- Câu anh hỏi đó khó trả lời quá. Em không hiểu tại sao mà em thương anh.

Trái tim có nhiều lý luận, mình không thể dùng chánh lý mà giải được.

- Đó là câu sách.

- Phải. Tuy là câu sách, song hạp với thế tình lắm.

- Qua thương em là tại qua thấy em có sắc đẹp đẽ, có trí thông minh, mà lại có lòng tốt quyết chữa dùm tâm bịnh cho qua, nên qua thương. Qua thương em có cớ như vậy đó. Qua muốn biết em thương qua là tại cớ nào.

- Có lẽ tại em thấy anh bị tâm bịnh nên em thương.

- Đó là thương vì tội nghiệp, chớ không phải thương vì tình ái.

- Có lẽ tại em có cái tâm hồn chán đời mà em gặp anh có cái tâm hồn chán đời còn hơn em nữa, vì đồng bịnh tương lân, nên em thương anh.

Phúc gật đầu, nhưng mà ngẫm nghĩ một chút, rồi lại hỏi nữa:

- Tại sao mà em chán đời?

- Hôm trước đã có cắt nghĩa cho anh nghe rồi. Từ nhỏ em ở trong cảnh đời rực rỡ vui sướng. Chừng em lớn khôn, em dòm thấy cảnh đời ấy là cảnh đời giả dối nên em chán ngán.

- Phải hôm nọ em có tỏ ý ấy với qua...Qua xin em đừng chấp qua hỏi đon hỏi ren. Những câu qua hỏi nãy giờ đó chẳng có ý nghĩa nào khác hơn là muốn vợ chồng ta thấu hiểu tình nhau, chẳng nên nghi ngại chỗ nào hết. Qua tỏ thiệt với em qua nhờ có em, nên qua mới biết vui với sự sống. Qua cần dùng em lung lắm. Vậy xin em ráng thương dùm qua. Thương luôn luôn đừng bỏ qua. Nếu ngày nào qua dòm thấy em hết thương qua, thì ngày ấy là ngày cuối cùng của qua.

- Em sẽ thương anh cho tới mãn đời em. Mà chừng em chết em cũng còn đem sự thương ấy xuống cửu tuyền với em.

- Cảm ơn. Qua được người vợ như vầy thì hạnh phước của qua đầy đủ, chẳng còn thiếu chút nào hết. Qua vái ông Thần ái tình giúp qua làm cho em cũng được hưởng hạnh phước tràn trề như qua. Em muốn việc gì thì em cứ tỏ thiệt cho qua biết. Qua sẽ làm y theo ý em muốn.

- Hiện bây giờ em muốn có một việc mà thôi.

- Em muốn việc gì? Em nói đi em nói cho mau.

- Em muốn anh tập dùm cho em thông thạo cách làm vườn làm rẫy, đặng em giúp đỡ cho anh.

- Không nên. Làm vườn bị nắng mưa cực khổ lắm. Em cứ ở không mà chơi, đừng có làm theo qua.

- Ở không mà chơi thì em vui sao được. Ở vườn phải làm công việc theo vườn mới hưởng thú vui vườn được chớ. Để mai em về phản bái em, lấy hết áo quần cũ đem lên trên nầy đặng bận đi coi họ làm vườn làm rẫy với anh. Bây giờ anh dạy trước cho em biết hái trái cây, biết trồng rau trồng cải, dần lần rồi em sẽ học trồng thơm, trồng mía.

- Chắc má sợ em cực má không cho đâu - Em sẽ năn nỉ với má.

Phúc ôm mặt vợ mà hun và nói: "Ai dè gái đời nay, nhứt là gái sanh trưởng tại đất Sài Gòn, mà lại có gái như vầy! Tôi có phước lắm! Tôi có phước lắm!“ Cô Lý cười, mặt mày ửng lòa hạnh phước. Mặt trời lên đã cao, chói nắng vào vườn sáng trưng mà chào mừng cái ngày đầu của cuộc vợ chồng Phúc.

o O o

45. hăm hở

CHƯƠNG 10 -

Đ

ã gần hai tháng rồi, Phúc với cô Lý sống trong cảnh đời tiêu diêu đầm ấm, tuy phần xác thì lam lụ mệt nhọc, song phần trí thì vui sướng vô cùng.

Có bữa thừa trời mát Phúc dắt vợ xuống sở mía mà coi chừng cho sắp bạn làm việc và cắt nghĩa cách thức trồng tỉa cho vợ nghe, có bữa Phúc mướn xe ngựa mà đi với vợ lên Đường Long là chỗ phúc có khẩn 10 mẫu đất, đặng thăm chừng coi mình mướn người ta trồng tiêu, trồng nghệ mà họ có nong nả hay không.

Đi theo chồng, cô Lý thường đội một cái nón nan (46) cho mát, thường mặc đồ cũ đặng chịu bụi bặm đất cát, mà y phục lam lụ càng làm tỏ rõ sắc đẹp của cô, lại chịu nắng gió mà khí sắc của cô hân hoan, bởi vậy cô đi đứng trong chốn điền viên coi chẳng khác tiên nga mắc đọa.

Mà việc cô Lý thích hơn hết, không có ngày nào cô không thích làm, là hễ trời mát là cô ra ngoài vườn mà trồng rau trồng đậu, hoặc tưới cây tưới cải, hoặc kiếm trái chín mà hái. Cô làm việc gì cũng có Phúc theo một bên đặng chỉ cho cô hiểu cách giâm rau (47), cách tỉa đậu, đặng khuyên cô thứ nào nên tưới ít, thứ nào phải tưới thường, đặng cắt nghĩa cho cô biết trái nào mới già, trái nào gần chín.

Ăn cơm trưa rồi vợ chồng Phúc thường dắt nhau đi ra nhà mát, rồi mỗi người nằm một cái võng mà lóng nghe tiếng nước chảy, giọng chim kêu, hoặc nói chuyện chơi đặng trao đổi tình tứ với nhau, hoặc vợ đọc sách cho chồng nghe đặng thúc giục giấc ngủ.

Bà giáo Viễn thấy dâu biết yêu thú điền viên, thấy con hết âu sầu áo não, thì bà mừng thầm, bà thường vái van niềm vợ chồng dan díu ấy bền vững luôn luôn, cảnh trời thanh bạch ấy đừng có một khóm mây nào phưởng phất.

Bà là người tôn trọng lễ nghĩa, mà bà lại có trí lo xa, bà thầm lo dâu bà buồn rồi hư hỏng cảnh vui vẻ trong nhà bà, bởi vậy bà thường khuyên Phúc phải dắt vợ xuống Sài Gòn, đặng trước thăm cho trọn niềm phụ tử, sau thăm vợ chồng Trường rồi đàm luận vui chơi mà giải trí.

Cô Lý lại không muốn rời Bến Súc, bà giáo nhắc lại hai ba lần cô mới chịu viết thơ xin cha cho xe lên rước một lần. Mà hễ đi sớm mơi thì chiều tối vợ chồng Phúc trở về, không chịu ở đêm dưới Sài Gòn. Bà giáo hỏi tại sao không ở đặng coi hát chơi cho vui, thì cô Lý đáp rằng cô bỏ bà ở nhà một mình quạnh hiu nên cô không muốn ở. Nghe lời ấy bà giáo lấy làm cảm động, mừng thầm có con thảo lại gặp dâu hiền, hạnh phước nầy chẳng còn hạnh phước nào hơn nữa.

Tiếc thay ở trên thế gian có nắng mà cũng có mưa, có phước mà cũng có họa. Đã vậy mà kiếp của con người là kiếp khổ, nào có ai được hưởng hạnh phước hoàn toàn trọn đời.

Bà giáo Viễn rước hạnh phước về nhà mới được vài tháng, rồi coi mòi hạnh phước ấy lần lần muốn tan rã!

Tại ai phá cái hạnh phước của bà như vậy? Tại Phúc.

Phúc thấy rõ vợ không chê cái thú điền viên của mình, Phúc biết chắc vợ thương mình thiệt, bởi vậy Phúc quên cô Hạnh được, ngặt vì những lời pha lửng của Huờn nói hôm đám cưới, nó khắn vào trí rồi Phúc không thể quên đụơc. Hễ Phúc nhớ những lời ấy thì trí bắt suy nghĩ, suy nghĩ riết rồi sanh nghi. Tại sao cô Lý có chồng mà Huờn tiếc? Tại sao lúc từ giả mà về, mà Huờn lại dám nói Sài Gòn trông đợi cô Lý và xin cô Lý đừng quên Sài Gòn? Huờn là bạn thiết của cha vợ mình, tới lui chơi thường rồi có lẽ giao tình với vợ mình! Vì Huờn lỡ có vợ con, vợ mình không thể tính cuộc trăm năm với Huờn được, nên vợ mình mới ép bụng mà ưng mình. Có lẽ tại như vậy nên lúc ăn tiệc ở đàng gái, Huờn tỏ ý tiếc, rồi lúc từ biệt mà về, Huờn mới kín đáo mà bày tình như vậy chớ gì.

Cha chả! Mà sự nghi của mình nó can hệ đến danh giá của vợ mình nhiều lắm. Mình có nên tỏ thiệt với vợ mình, rồi buộc vợ mình phải giải nghi cho mình hay không? Nếu mình nghi trúng thì còn gì hạnh phước gia đình nữa. Còn nếu mình nghi lầm, thì vợ mình phiền muộn rồi hạnh phước ấy cũng giảm bớt. Khó nói ra lắm! Hễ nói ra thì tổn danh giá của vợ mình, mà cũng hại hạnh phước của mình nữa!

Bởi Phúc nghi mà phải ôm ấp trong lòng, không dám nói ra, nên nhiều khi đang dan díu vui vẻ với vợ, rồi Phúc nhớ lại sự ấy, thì trí lơ lửng, sắc hân hoan liền đổi ra sắc buồn bực.

Cô Lý tuy thông minh, tuy hiểu tâm hồn của chồng nhiều, song chỗ nghi của chồng, cô có dè đâu mà định phương giải phá được. Cô thấy chồng khi vui khi buồn, thì cô tưởng chồng nằm ngồi với cô mà vẫn còn nhớ cô Hạnh, là tình nhơn trước nhứt, khó quên được. Cô lo giữ lời hứa, quyết đổi tâm hồn áo não của chồng ra tâm hồn hỉ lạc. Hễ thấy chồng buồn thì cô mơn trớn, kiếm thế làm cho chồng vui. Bịnh một đường mà cho thuốc một ngã thì làm sao mà lành mạnh được. Cô Lý gia công làm hết sức, mà không phá nổi khối buồn ngầm ngầm của chồng. Lần lần rồi cô thất chí ngã lòng, bởi vậy hễ thấy chồng buồn thì cô ứa nước mắt, tức giận vì mình hết sức thương chồng mà chồng không đền đáp trọn tình, cứ nhớ cô Hạnh hoài.

Có bữa vợ chồng ngồi chơi ngoài nhà mát, rồi chồng nhớ việc Huờn nên buồn hiu. Vợ thấy vậy tưởng chồng nhớ cô Hạnh nên cũng buồn. Vợ chồng nhìn nhau mà mỗi người nghĩ một ngã, thành ra xác gần trong gang tấc mà trí cách xa muôn dặm.

Mùa mưa đã tới rồi. Nhiều khi trời mưa, cô Lý ngồi ngó giọt mưa trót giờ, không nói một tiếng chi hết.

Ban đêm Phúc thường chong đèn ngồi đọc sách, có bữa đọc tới gần rựng (48) đông mới đi nghỉ.

Tại thương nhau quá rồi sợ người ta chia cái thương của mình nên sanh ghen, chớ chẳng có chi lạ. Ghen mà không chịu nói ra, cứ ôm ấp trong lòng để nghi nhau, tự nhiên phải gây cái bầu không khí buồn bực trong nhà như vậy.

Bà giáo Viễn vì thương con thương dâu, nên bà để ý đến cách cử động của con dâu luôn luôn. Cái không khí buồn bực vừa phát hiện thì bà đã thấy liền, song bà tưởng dâu bà buồn là tại chán ngán thú quê mùa, bởi vậy lúc ăn cơm chiều với con và dâu bà nói: "Lúc nầy trời mưa gió, ở trên nầy bùn lầy dơ dáy lắm, mà lại ban đêm nhái ếch dưới bưng nó kêu thiệt là buồn. Vậy má muốn hai con xuống thăm anh rồi xin phép anh đặng ở dưới chơi ít tháng, chừng bớt mưa rồi sẽ trở về trên nầy."

Phúc nghe mẹ dạy như vậy thì châu mày, song liếc mắt ngó chừng coi vợ có vui mà vưng lời hay không.

Cô Lý bình tỉnh đáp với mẹ chồng:

- Con đợi trời mưa đặng con trồng bông chơi. Con đã có biểu thằng Biện kiếm củ huệ đặng con giâm mà trồng.

- Như con muốn trồng thứ bông gì thì con nói cho má biết rồi má kiếm giống mà trồng cho. Con về ở dưới chơi ít tháng, chừng nào con trở lên má trồng đủ hết.

- Con thấy họ trồng môn, họ mua củ bên tây, thứ nào lá cũng đẹp lắm. Con đã viết thơ mua 12 thứ khác nhau đặng con trồng thử. Nếu lên tốt thì con sẽ mua thêm nữa. Nội tháng nầy củ môn sẽ qua tới. Nếu con đi chơi, thì làm sao mà lãnh đồ đó.

- Má lãnh cho.

- Anh Phúc tính ít bữa nữa muớn cày đất đặng giâm mía lại. Nếu vợ chồng con đi rồi ai coi làm. Con nhắm đi chơi không tiện.

- Có má ở nhà mà con lo nỗi gì. Vậy chớ hồi thằng Phúc còn bên Tây, ai vô đây mà coi. Thầy con mắc dạy học, có một mình má mà cũng xong vậy.

- Bây giờ má già rồi. Có vợ chồng con thì vợ chồng con phải lo đặng cho má nghỉ chớ.

- Chỉ cho người ta làm, có mệt nhọc gì lắm mà phải nghỉ.

- Vợ chồng con không đành đi chơi mà để cho má làm việc.

Bà giáo ép dâu không được thì bà day qua nói với con:

- Tuy hai con nói vậy, song con cũng cứ dắt nó đi chơi. Ở trên nầy nó buồn, má chịu không được.

- Nó không muốn xuống Sài Gòn thì thôi, má ép làm chi. Con cũngkhông muốn đi đâu hết.

- Má coi lúc nầy sao bộ con cũng không vui như mấy tháng trước. Như không muốn xuống Sài Gòn, thôi thì dắt nhau đi Đà Lạt, hoặc đi Hà Nội mà chơi.

Phúc lặng thinh, ăn hết chén cơm rồi đi rửa tay, không trả lời mẹ nữa.

Sáng bữa sau Phúc đi Đường Long, vì sợ mắc mưa dọc đường ướt lạnh, nên không dắt vợ theo.

Cô Lý ở nhà cô biểu thằng Biện xúc phân đặng cô rải vô đám rau rồi cô dọn một liếp mà giâm huệ. Cô lui cui làm đến nổi nắng, cô mới đi rửa mặt rồi vô phòng nằm nghỉ. Cô nhớ tới tâm sự của cô thì trong lòng bát ngát, không vui chút nào hết. Mình thương chồng, mà chồng không thương mình, cứ nhớ người khác! Trước kia mình tưởng dùng thang thuốc ái tình mà giải tâm bịnh cho chồng được, té ra thang thuốc ấy không công hiệu.

Bây giờ phải làm sao? Vì mình có cái óc lãng mạn, nên ngày nay mới phải chịu vô duyên bạc phận như vầy, chớ nếu mình làm theo chị em, mình chọn người tâm hồn bình tịnh, tình ái trong sạch mà trao thân thì niềm vợ chồng dầu không được nồng nàn cho lắm, song cũng không đến nỗi phải chầm ngầm (49) ức uất.

Mình thấy anh Phúc thống khổ về tâm bịnh mình động lòng thương xót, mình tính làm quen với cô Hạnh rồi lập thế đem tình của cô mà trả lại cho anh Phúc ấy là kế hay quá. Mình đi lên trên nầy làm chi cho anh Phúc tỏ tình với mình và xin cưới mình mà dẫu ảnh muốn cưới, biết rõ ảnh nặng tình với cô Hạnh, thì mình từ phức đi, mình động lòng từ bi, mình làm mặt can đảm mà ưng ảnh làm chi rồi bây giờ mình bức tức.

Tại sao mình bức tức? Tại sao mình ghen....Phải. Tại mình ghen, nên mình mới phiền não. Sao mình phiền? Tại anh Phúc nhớ cô Hạnh. Tuy trước khi cưới mình, anh Phúc có hứa ảnh sẽ quên cô Hạnh, không thèm nhớ nữa, song sự quên hay sự nhớ không phải muốn được, nó xảy ra trong trí thình lình, không ai có tài nào mà ngăn cản. Ấy vậy anh Phúc không có lỗi gì hết, mình không nên phiền trách ảnh. Ảnh là người bịnh, mình vô duyên bất lực nên mình trị bịnh cho ảnh không được thì mình chịu, chớ mình trách ảnh thì không công bình...Lỗi tại mình chớ nào có tại ai. Tại mình muốn đoạt tình của cô Hạnh, mà tình ấy không chịu về tay mình, vậy mình phải trả lại cho cô Hạnh mới công bình...Làm sao mà trả?....Nhơn dịp má ép mình về ở Sài Gòn mà chơi ít tháng, mình xúi anh Phúc vưng lời má đặng mình đem ảnh xuống ở Sài Gòn cho ảnh gần cô Hạnh...Được...Cha chả! Mà nếu anh Phúc chấp mối tình xưa lại với cô Hạnh, rồi phận mình phải làm sao?...Khó lắm, khó hơn nữa!

Cô Lý suy nghĩ tới đó rồi cô buồn hiu, cô nằm im lìm mà nước mắt chảy dầm dề. Cô khóc một hồi rồi cô ngồi dậy, vói tay mở cửa sổ trong phòng cho sáng, lại bàn viết mà ngồi và lấy viết một bức thơ cho cô Mỹ, cô và viết và suy nghĩ, viết trót giờ mới rồi. Cô niêm lại kín đáo đề ngoài bao đặng gởi cho cô Mỹ, rồi kêu thằng Biện biểu đi bỏ dùm thơ.

Cô Lý vừa trao thơ cho thằng Biện thì Phúc về tới, Phúc bước lên thềm, gặp thằng Biện cầm phong thơ đi ra, Phúc chận lại mà coi ngoài bao rồi trả cho nó và khoát tay biểu đi.

Cô Lý thấy chồng thì đổi buồn làm vui, tuy vậy mà sắc mặt vẫn còn vấn vít nét tư lự nên Phúc thấy liền.

Ăn cơm trưa rồi Phúc một mình ra sau vườn đi thơ thẩn mà suy nghĩ, không quyết định đi đâu. Đi quanh quất rồi cũng ra nhà mát. Phúc lên võng mà nằm. Phúc nghĩ đến tâm sự rồi trong lòng cũng bồi hồi như cô Lý, không vui chút nào hết. Vợ mình có tình với Huờn hay không?...

Trước khi mình xin cưới, mình có dọ tình ý vợ mình. Vợ mình nói nhiều câu đáng quý đáng phục lắm. Mà từ ngày kết nghĩa vợ chồng với mình, thì cử chỉ của vợ mình cũng đúng đắn luôn luôn, không có chỗ nào để cho mình phiền trách được. Người cao thượng như vậy không lẽ gạt mình, người đúng đắn như vậy không lẽ có ngoại tình.

Mình nghi quấy cho vợ mình thì mình có lỗi nặng lắm... Mà nếu vợ mình không có ngoại tình, sao ở với mình mà lại buồn? Sao Huờn nói nhiều câu nghe trái tai như vậy? Mình quê mùa lam lụ, lại có tâm bịnh. Huờn lỗi lạc rực rỡ lại đẹp trai. Vợ mình ưng mình rồi bây giờ nó ăn năn hối hận nên nó buồn chớ gì...Mình quấy lắm, mình như vầy, mình không nên cưới một người vợ như vậy. Trèo cao tự nhiên té nặng. Mình đã thất vọng một lần rồi mà chưa tởn, còn đèo bồng nên mới khổ tâm...Phải...Chắc vợ mình hồi trước có tình với Huờn. Có tình mà không tính việc trăm năm với nhau được, nên phải kiếm nơi khác trao thân đặng tránh tiếng. Mình thật thà mới dễ gạt. Bến Súc là xứ quê mùa, lên đó mà trốn tự nhiên tiếng thị phi không theo được. Tại như vậy nên vợ mình vừa gặp mình thì chọc ghẹo liền. Tại muốn che đậy những tiếng không tốt, nên mình xin cưới thì cha vợ mình chịu gả liền, gả mà còn cho cưới mau mau, không đòi lễ vật nữ trang chi hết...Ạ! Đời nầy người ta khôn lanh quá! Mình giữ thói chơn chánh, nghĩ lại thiệt mình dại không biết chừng nào.

Phúc suy nghĩ tới đó kế thấy cô Lý ra gần tới nhà mát. Phúc đương bồi hồi bực tức, không muốn nói chuyện với vợ, nên nhắm mắt giả đò ngủ.

Cô Lý bước lên thang thấy chồng nằm im lìm, tưởng chồng ngủ thiệt, nên đi nhè nhẹ lại cái võng thứ hai mà nằm.

Cũng như mọi bữa, nước suối vẫn chảy ro re, gà rừng vẫn gáy te tét, lá cây gió đùa vẫn lúc lắc, quanh nhà nắng dọi vẫn sáng lòa.

Phúc đem những thói xấu xa đê tiện mà trút cho vợ rồi Phúc ăn năn, nên giả đò ngủ một giây lâu rồi Phúc mở mắt ngồi dậy ngó vợ mà hỏi:

- Em ra đây bao giờ qua không hay?

- Em mới ra!

- Ăn cơm rồi nực quá, qua ra đây nằm hứng mát té ra ngủ quên.

- Em ra em thấy anh đương ngon giấc, em không giám đi mạnh sợ anh giựt mình.

- Từ sớm mơi tới giờ qua bỏ em ở nhà một mình, chắc em buồn lắm há?

- Không. Anh đi, em ở nhà em vô phân đám rau, em giâm một liếp huệ, rồi em viết thơ thăm chị Mỹ. Em có công việc làm luôn luôn nên em không buồn.

- Trưa nay em không buồn ngủ hay sao?

- Hồi nãy nói chuyện với má rồi em buồn ngủ. Em tính đi ngủ, té ra vô phòng em không thấy anh. Em không biết anh đi đâu, nên em đi vòng ra vườn mà kiếm anh đây.

- Nếu vậy thì trở vô nhà đặng em nghỉ một chút.

- Bây giờ hết buồn ngủ rồi. Để em nằm đây chơi cho mát.

Phúc ngó vợ trân trân mà suy nghĩ. Người có tư cách ôn hòa khả ái như vầy không lẽ trắc nết. Người có nét mặt hiền lương chơn chánh như vầy không thể giả dối được. Ngặt vì gái đời nay khôn ngoan xảo quyệt lắm, làm sao mà mình dám tin.

Cô Lý liếc thấy bộ chồng lo ra, thì cô bát ngát trong lòng, nước mắt muốn tuôn ra cô phải ráng cầm nó lại, rồi cô mơn trớn rủ chồng với cô qua phía vườn trà mà thăm coi hàng mít Tố nữ mới trồng mấy bữa trước có héo hay không.

Phúc đi với vợ mà bộ không hăng hái, sắc không hân hoan. vợ chồng đi giáp vườn rồi trở vô nhà.

Chiều mát cô Lý đi tưới rau.

Phúc vô phòng ngồi tại bàn viết ngó ra cửa sổ mà suy nghĩ. Có tâm sự mà không tỏ bày ra được, cứ ôm ấp trong lòng, thiệt là khó chịu. Phúc không thể chịu nữa được, ngó trên vách thấy cái khuôn kiếng lộng hình vợ chồng Trường thì nhớ tới bạn nên cũng làm như cô Lý hồi sớm mơi, lấy giấy viết một bức thơ gởi cho Trường mà tỏ nỗi nghi ngờ áo não. Viết thơ rồi Phúc bỏ vào túi áo, bổn thân đi lên chợ mà gởi, chớ không sai ai hết.

Đến tối Phúc trở về nhà thì cơm dọn sẵn rồi. Có lẽ nhờ viết thơ bày tỏ được nỗi lòng rồi trong mình nhẹ nhàng nên ngồi ăn cơm với mẹ và vợ, Phúc vui vẻ nói chuyện không ngớt. Ăn cơm chưa rồi thì trời nổi giông rồi mưa một đám thiệt lớn.

Cô Lý nói: "Huệ mới giâm bị mưa lớn chắc ngã hết." Bà giáo Viễn cười mà đáp: "Sáng mai con phải trồng lại. Trồng rau, trồng bông kỵ mưa lớn, hễ mưa rồi thì phải sửa soạn lại hết thảy."

Mưa lớn một hồi rồi mưa nhỏ, song rỉ rả mưa hoài không dứt. Ăn cơm rồi Phúc coi chừng cho đứa ở đóng cửa rồi vợ chồng rút vô phòng.

Phúc nằm ngay trên giường và biểu vợ lấy bộ truyện "Nặng gánh cang thường" đọc nghe chơi. Cô Lý để cái đèn trên bàn viết rồi cô ngồi mà đọc truyện.

Phúc nằm ngó vợ một hồi, rồi trong lòng cảm xúc khó chịu. Phúc quyết định phải giải nghi mới đươc, dầu hư dầu thiệt cũng nên biết cho minh bạch, chớ không nên ôm ấp rồi phiền não ngầm ngầm.

Phải xuống Sài Gòn ở ít ngày cho vợ mình gần gụi Huờn đặng mình dọ tình ý hai người. Nếu hai người có tình với nhau thì dầu giấu giếm kín đáo thế nào cũng khó thoát khỏi cặp mắt quan sát của mình được. Ví như thiệt vợ mình có tư tình với Huờn thì mình lên án về tội gạt gẫm mình rồi mình trừng trị bọn giả dối đặng làm gương cho kẻ khác sợ mà tránh.

Phúc nghĩ như vậy rồi kêu vợ mà nói:

- Em đừng đọc nữa. Em ngừng lại đặng qua nói chuyện một chút. Cô Lý day qua ngó chồng mà hỏi:

- Anh nói chuyện chi?

Phúc dụ dự một chút mới đáp:

- Qua buồn quá. Qua muốn vợ chồng mình xuống Sài Gòn ở chơi ít ngày.

Cô Lý chưng hửng rồi chua xót trong lòng nên cô châu mày. Cô muốn hỏi: "Anh nhớ con Hạnh lắm chịu không nổi, nên anh muốn kiếm nó phải hôn?“ Nhưng mà cô dằn lòng, không nỡ hỏi như vậy, cô chậm rãi nói:

- Hôm qua má biểu đi, anh nói anh không muốn đi đâu hết. Sao bữa nay anh lại muốn đi xuống Sài Gòn mà ở?

- Qua đổi ý rồi.

- Em không hiểu tại sao mà anh đổi ý.

- Có lẽ xuống Sài Gòn ở ít ngày rồi em sẽ hiểu. Em không muốn đi hay sao?

Cô Lý muốn nói: "Nếu anh chắp mối tơ tình lại với con Hạnh thì chắc em phải chết. Vì em thương anh quá, nên em không muốn chết“. Nhưng mà cô cũng ráng dằn lòng nữa, cô gượng mà đáp:

- Em muốn ở trên nầy đặng trồng bông chơi. Nhưng nếu anh muốn đi thì em cũng phải làm cho vừa ý anh.

- Lúc nầy trời mưa ở nhà buồn quá. Phải xuống Sài Gòn ở chơi cho bớt buồn.

- Tự ý anh. Anh muốn bữa nào đi?

- Bữa nào cũng được. Em viết thơ xin ba gởi xe lên đi. Ba cho xe lên rước bữa nào thì mình đi bữa nấy.

- Để em viết thơ đặng sáng mai em gởi.

Phúc day mặt vô vách nằm im lìm.

Cô Lý lấy giấy mà viết thơ cho cha, cô ngồi viết mà hai hàng nước mắt rưng rưng.

Ngoài tường giọt mưa vẫn rỉ rả rớt hoài không dứt.

o O o

46. nón đương bằng nan tre 47. nhơn cây bằng cũ, cành hay thân 48. rạng 49. chầm vầm: cau có, buồn bực

CHƯƠNG 11 -

C

ách hai ngày sau.

Buổi sớm mơi, mặt trời mới mọc thì xe hơi của ông Thinh cho đi rước con rể đã lên tới Bến Súc.

Bà giáo Viễn muốn cho con dâu đi chơi đặng giải buồn, nên thấy xe thì bà rừng rỡ, hối con dâu sửa soạn hành lý mà đi cho sớm đặng khỏi nắng, biểu đem quần áo theo nhiều nhiều đặng ở lâu mà chơi, dặn đừng có lo việc nhà vì bà đủ sức coi hết vườn rẫy, than mùa mưa không có trái cây mà gởi cho anh sui và cho vợ chồng giáo sư Trường. Bà nói không ngớt, bà đi lăng xăng, vui vẻ dường như bà sắp đi chơi vậy.

Vợ chồng Phúc lại khác hẳn, sửa soạn đi chơi mà không hăng hái, dường như vị ai bắt buộc phải đi đến chỗ hiểm nghèo nên dụ dự không muốn đi.

Đồ hành lý sắp vào va-ly xong rồi, thay đổi y phục cũng đã xong, vợ chồng Phúc mới từ giả mẹ lên xe đi xuống Sài Gòn. Xe chạy gần tới ngã ba tẻ qua Bến Cát, bỗng có một chiếc xe hơi ở phía Thủ Dầu Một chạy lên. Sớp phơ day lại nói cho vợ chồng Phúc hay rằng chiếc xe chạy gần tới đó là xe của giáo sư Trường.

Phúc lật đật đưa cánh tay ra ngoài mà cản đường, còn miệng thì biểu sớp phơ (50) ngừng lại.

Thiệt quả chiếc xe lên đó là xe của Trường. Sớp phơ thấy cản tay, lại thấy xe của ông Thinh ngừng rồi, thì cũng thắng lại mà ngừng.

Vợ chồng Phúc thấy vợ chồng Trường thì lật đật mở cửa xe leo xuống. Vợ chồng Trường cũng xuống xe. Hai bên mừng nhau.

Trường hỏi Phúc:

- Hai ông bà đi Sài Gòn hay là đi đâu?

- Xuống Sài Gòn. Vợ chồng mỏa tính xuốn dưới ở chơi ít ngày.

- Vợ chồng mỏa lên thăm vợ chồng toa đây. Chớ chi mỏa hay vợ chồng toa xuống thì mỏa khỏi lên.

- Mỏa nhứt định đi thình lình nên không cho toa hay trước. Toa có được thơ của mỏa hay không?

- Có. Sao trong thơ toa không có nói toa sẽ xuống Sài Gòn.

- Vì mỏa gởi thơ cho toa rồi mỏa mới nhứt định đi. Thôi, bây giờ trở xe lại đặng về Sài Gòn.

Cô Mỹ cản và nói với Phúc: "Không được, đã lên tới đây rồi, trở về sao cho phải. Để vợ chồng tôi đi luôn lên Bến Súc đặng thăm bác một chút chớ, vợ chồng anh Phúc phải trở lại với chúng tôi."

Cô Lý tiếp nói:

- Chị Mỹ nói phải. Mình phải trở lại đặng anh Trường với chị Mỹ thăm má chớ.

Trường vỗ vai Phúc và nói:

- Khách muốn tới nhà mà toa ngăn cản, thì toa vô lễ lắm vậy, toa biết hôn.

Cô Lý kêu sớp phơ của cô mà biểu trở xe. Trường mời hai cô lên xe của Trường mà đi trước, để xe kia trở rồi Trường với Phúc sẽ đi sau.

Chừng Trường với Phúc lên xe rồi Trường mới nói:

- Toa quấy lắm.

- Quấy chỗ nào?

- Để tới nhà rồi mỏa sẽ nói cho toa nghe.

- Nói phứt đi mà. Toa cứ giữ thói bí mật hoài.

- Toa bí mật chớ phải mỏa đâu. Toa nghi việc bằng trời, có thể giết chết người ta được, mà toa giấu kín mấy tháng nay, không chịu nói cho mỏa biết. Toa làm như vậy không phải bí mật hay sao?

Phúc rùn vai không thèm trả lời.

Xe của cô Mỹ và cô Lý tới trước. Bà giáo Viễn ngó thấy thì chưng hửng.

Chừng cô Lý cắt nghĩa cho bà hiểu rằng xe cô mới đi được một khoảng đường liền gặp xe của vợ chồng Trường nên phải trở lại cho vợ chồng Trường thăm bà, thì bà mới vui mừng tiếp khách.

Xe của Trường và Phúc về tới nữa. Vợ chồng Trường thăm bà giáo một chút rồi cô Mỹ nói nhỏ với cô Lý biểu dắt ra sau vườn chơi. Hai cô đi rồi Trường mới đứng dậy bước ra ngoài và kêu Phúc biểu dắt đi coi cây phía trước.

Trường với Phúc thủng thẳng đi ra chỗ cây sầu riêng lớn, Trường liệu đã xa nhà rồi, mới đứng lại mà hỏi Phúc:

- Mấy tuần nay toa buồn dữ lắm phải hôn?

- Phải.

- Mỏa là bạn thiết của toa. Toa phải tin mỏa. Hễ trong trí toa có việc gì bối rối thì toa cứ tỏ thiệt cho mỏa biết chẳng nên giấu. Mấy tuần nay toa buồn là tại toa nhớ cô Hạnh, không thế quên cô được phải hôn?

- Không, không. Tình của moa với cô Hạnh đã dứt rồi. Từ ngày mỏa có vợ thì mỏa có nhớ đến cô nữa đâu.

- Vậy chớ tại sao mà toa buồn?

- Mỏa có nói rõ duyên cớ trong thơ rồi.

- Trong thơ toa nói toa buồn là tại toa nghi cô Lý, trước khi ưng toa, đã có tình với Huờn phải hôn?

- Phải.

- Toa có bày tỏ chỗ nghi đó cho cô Lý biết hay không?

- Không. Sự mỏa nghi đó can hệ đến danh dự của vợ mỏa. Mỏa nghi mà thôi, chớ không bằng cớ rõ ràng. Mỏa nói cho vợ mỏa biết sao được.

- Toa quấy là tại chỗ đó. Vợ chồng phải tin bụng nhau, có việc gì phải tỏ thiệt cho nhau biết thì ở đời với nhau mới được. Đã biết việc toa nghi đó can hệ đến danh dự của vợ toa. Nếu toa không thể nói ngay ra được thì toa lựa lời mà hỏi cho kín đáo, coi vợ toa cắt nghĩa thể nào. Sao toa không làm như vậy, để ôm ấp cái nghi trong lòng hoài, rồi buồn rầu. May toa viết thơ cho mỏa bằng không thì gia đạo của toa hư rồi. Bây giờ toa còn nghi vợ toa có tình với Huờn nữa hay không?

- Làm sao mà hết nghi được. Bữa nay mỏa đem vợ mỏa xuống Sài Gòn mà ở là mỏa có ý muốn cho vợ mỏa gần Huờn đặng mỏa dọ tình ý hai người. Nếu chỗ nghi của mỏa không lầm thì mỏa sẽ ra tay trừng trị cặp khốn nạn ấy rồi mỏa chết luôn theo cho rồi.

- Ồ! Toa tính bậy quá! Toa lầm to!...Toa có một người vợ đúng đắn cao thượng, người vợ ấy lại kính trọng thương yêu toa. Vì cái ghen nó che mắt toa, nên toa không thấy cái quý của vợ toa.

- Mỏa biết vợ mỏa có tư cách đúng đắn, có tâm hồn cao thượng. Nàng làm vợ mỏa đặng cứu chữa tâm bịnh cho mỏa. Thái độ như vậy thì đáng cho mỏa kính phục lắm. Ngặt vì cái nghi cứ khăn khắn trong trí mỏa hoài, làm sao mỏa trọn vui đạo vợ chồng cho được. Mỏa nhứt định rồi, bề nào mỏa cũng phải giải cái nghi đó, dầu hư dầu thiệt cũng mặc kệ.

Trường cười ngất mà nói: "Mỏa lên đây là lên đặng giải nghi cho toa. Toa khỏi đi xuống Sài Gòn. Toa có hay bữa toa gởi thơ cho mỏa đó, vợ toa cũng có viết một cái thơ cho vợ mỏa hay không?".

Phúc châu mày suy nghĩ rồi đáp:

- Phải. Mỏa thấy vợ mỏa gởi thơ cho chị Mỹ hồi trưa, rồi chiều mỏa mới viết thơ cho toa.

- Hai cái thơ tới một lượt. May quá, nhờ có như vậy nên vợ chồng mỏa mới biết rõ hết gia đạo của toa. Mỏa có đem bức thơ của cô Lý gởi cho vợ mỏa đây. Toa đọc đi, toa đọc rồi tự nhiên sự nghi của toa tiêu hết.

Trường móc trong túi áo lấy phong thơ của cô Lý mà trao cho Phúc. Phúc dựa vai vào cây sầu riêng lớn rồi mở thơ của vợ ra mà đọc như vầy:

Chị Mỹ ôi, Tôi vô duyên bạc phận lắm!

Đời của tôi đã hư hỏng rồi!

Tôi không dè tôi có cái mạng số khốn khổ như vầy.

Chị Mỹ ôi, chị quen biết với tôi đã bảy tám năm nay, chị hiểu gốc gác tâm hồn của tôi tỏ rõ. Tôi sanh trưởng giữa chốn phồn hoa, tôi gần gũi với đám nam thanh nữ tú tân tiến.

Từ ngày tôi khôn lớn, tôi dòm thấy bạn đồng thời, dầu trai, dầu gái cũng vậy, mọi người dầu chăm chú kiếm thế và hưởng cho ngoả nguê những cuộc vui sướng của đời, không thèm kể những đức tánh giúp làm cho con người đúng đắn cao thượng. Thấy như vậy thì tôi chán ngán quá, tôi coi hết thảy bạn đồng thời cũng như một đám hình nộm người ta bong mà để trong mấy tiệm may đặng rao bán áo quần tốt đó vậy. Vì tôi có cái óc khinh bỉ thiên hạ nên ngày trước gặp anh Phúc, tôi chẳng hề có cảm tình với chú trai nào hết, dầu có nhiều chú trai tân tiến họ xẩn bẩn chung quanh cái gia tài tương lai và cái nhan sắc khả ái của tôi.

Chừng tôi gặp anh Phúc, có lẽ tại tôi thấy tư cách của anh khác hơn tư cách của thiên hạ, nên tôi để ý, hoặc tôi hay ảnh đau đớn về tâm bịnh nên tôi tội nghiệp. Mà để ý hay là tội nghiệp cũng không phải thương yêu vì ái tình. Không. Tôi dám nói quả quyết rằng, cho tới lúc đi Đà Lạt về, trái tim của tôi vẫn còn bình tịnh như trước hoài, tôi chỉ mến anh Phúc mà thôi, tôi mến ảnh cũng như tôi mến anh Trường vậy.

Đi lên Bến Súc thăm anh Phúc, tôi muốn đi chơi đặng xem cảnh vườn rẫy và biết chỗ anh Phúc ở, chớ tôi chẳng có ý chi khác. Tình cờ ảnh bày tỏ ý muốn kết nghĩa vợ chồng với tôi. Ngồi giữa cái cảnh viên thanh tịnh, nghe những lời tha thiết chơn thành, cảnh tình ấy làm cho trái tim tôi không thể bình tịnh nữa được. Lúc ấy tôi mới biết cảm về ái tình lần thứ nhứt. Trước kia tôi mến anh Phúc mà thôi, bây giờ tôi thương ảnh, tôi thương thiệt. Nhưng mà tôi không dám hứa hẹn cuộc tóc tơ với ảnh liền, ấy là vì tôi rất ái ngại điều này: Tôi sợ ảnh cưới tôi về mà ảnh cứ nhớ thương cô Hạnh hoài thì khổ cho phận tôi lắm.

Tại anh Phúc hứa chắc chắn với tôi rằng ảnh sẽ quên người cũ, mà thiệt cũng tại tôi ỷ tài ỷ lực, tôi tưởng tôi đủ phương pháp làm cho ảnh hết tiếc người ấy, nên tôi mới ưng ảnh. Tôi ưng rồi thì lòng tôi rất hăng hái tràn trề hy vọng. Từ bữa hứa lời cho đến ngày cưới, tôi chẳng có tính việc chi khác hơn là tính hiệp với chồng tôi mà tạo thành cái hạnh phước đầy đủ, đặng chung hưởng với nhau cho tới ngày chết. Cưới rồi tôi về Bến Súc mà ở, vài tháng đầu, tôi vui mừng lắm, tôi sung sướng lắm, chị Mỹ ôi.

Tôi chắc tôi nắm được hạnh phúc trong tay rồi, chồng tôi sẽ thưởng cho tôi một khối ái tình hoàn toàn, không còn nhớ tình xưa nghĩa cũ nữa.

Chị Mỹ ôi, tôi không dè hạnh phước của tôi tráo trở quá, nó vũng vẫy không chịu để cho tôi nắm mà hưởng lâu dài. Hơn một tháng nay, chồng tôi nằm ngồi với tôi mà trí cứ lơ lững thương nhớ cô Hạnh hoài, không kể lời hứa với tôi khi xin cưới tôi. Thấy trí ý chồng tôi như vậy, tôi tận tâm lo chữa bịnh cho chồng tôi, lo kéo ái tình lại cho tôi.

Tôi làm đủ cách mà không được, hạnh phước gia đình tôi nhứt định bỏ tôi mà đi, không để cho tôi hưởng nữa. Lúc sau nầy, hễ tôi ngó chồng tôi thì tôi buồn lung lắm. Tôi muốn huỷ bỏ cái đời vô duyên bạc phận nầy cho rồi. Mình hết lòng thương chồng, mà chồng không thương lại, cứ nhớ thương người khác, mạng số gì mà khốn khổ quá như vầy!

Chị Mỹ ôi, tôi phải làm sao bây giờ? Vì buồn rầu quá chịu không nổi nữa nên tôi phải viết thơ nầy cho chị. Xin chị làm ơn chỉ dùm đường cho tôi đi.

Tôi có nên tự vận mà chết phứt cho rồi hay không?

Hay là dẫu thế nào tôi cũng phải giữ lời hứa với chồng tôi, nghĩa là ráng lo đổi tâm hồn áo não của chồng tôi ra tâm hồn hỉ lạc?

Hay là tôi phải có gan làm chuyện đại đức, nghĩa là dụ chồng tôi xuống ở Sài Gòn rồi lập thế làm cho chồng tôi sum hiệp với cô Hạnh, đặng chồng tôi hết áo não tương tư nữa?

Tự tử thì khiếp nhược. Mà đời đã hỏng rồi, còn tiếc sự sống làm chi?

Làm theo lời hứa thì tôi đã làm đủ cách rồi mà không thấy công hiệu, bây giờ biết làm sao nữa?

Còn nhượng người yêu lại cho kẻ khác thì khí khái thiệt. Cha chả, mà vì nghĩa đoạn tình là một cử chỉ tối cao, tôi có đủ can đảm mà làm hay không?

Chị Mỹ ôi, bữa nay trí tôi bối rối thái thậm, tôi hết biết đường nào là đường phải, đường nào là đường quấy nữa rồi. Chị bình tĩnh, xin đưa tay dìu dắt dùm cho tôi đi, xin chị chỉ dùm cho tôi biết trogn mấy đường tôi kể trên đó, đường nào là đường cao thượng chơn chánh tôi phải noi theo mà bước tới.

Xin chị trả lời mau mau. Tôi trông thơ chị lắm.

Theo tâm hồn của tôi bây giờ, thì tôi tiếc cái tình của chồng tôi hơn sự sống của tôi. Xin chị vì tâm hồn ấy mà liệu định dùm cho người bạn vô duyên bạc phận là LÝ. Lúc Phúc đứng đọc thơ thì Trường đi bách bộ dài theo hàng sầu riêng mà chơi. Phúc đọc dứt rồi thì nước mắt tuông dầm dề.

Trường thấy vậy mới đứng lại hỏi: "Toa đọc thơ rồi hả? Toa còn nghi tình cô Lý nữa hay không?."

Phúc lắc đầu đáp: "Trời cho mỏa một cục ngọc quý, mà mỏa không biết, mỏa tưởng là đá là sỏi, mỏa muốn quăng, muốn ném. May quá thiếu chút nữa cục ngọc quý của mỏa bể nát rồi."

Thấy bạn đã tỉnh ngộ, thì Trường mừng, nên cười mà hỏi nữa:

- Bây giờ toa phải làm sao?

- Mỏa phải thề thốt cho vợ mỏa tin rằng mỏa không cò thương nhớ cô Hạnh.

- Toa khỏi lo khoảng đó. Cô Lý đọc bức thơ của toa gởi cho mỏa tự nhiên cô không còn nghi toa nhớ cô Hạnh nữa.

- Ý! Toa đừng đưa thơ của mỏa cho vợ mỏa coi chớ.

- Không đưa thì làm sao giải cho cô Lý được. Mỏa giao bức thơ của toa cho vợ mỏa. Có lẽ nó đưa lại cho cô Lý rồi.

- Chết được! Trong thơ mỏa nói gian việc xấu cho vợ mỏa. Nếu nó đọc thì nó phiền mỏa, rồi làm sao nó thương mỏa nữa cho được.

- Toa phải xin lỗi cô Lý về khoản đó. Thôi đi vô nhà đặng kiếm cô Lý mà xin lỗi.

Trường vịn vai biểu Phúc đi. Phúc xếp bỏ thơ vào túi áo rồi đi theo Trường. Vô nhà không thấy hai cô, Phúc với Trường bèn đi ra phía sau mà kiếm.

Còn cô Lý với cô Mỹ lúc ngồi chung với nhau một xe mà trở lên Bến Súc thì cô Lý đã có than phiền về việc chồng cô thương cô Hạnh. Cô Mỹ cứ cười và nói cô Lý nghi lầm. Cô Lý cãi lại, nói rằng mình biết chắc chớ không phải nghi. Cô Mỹ nói để lên tới nhà rồi cô sẽ trưng bằng cớ về sự cô Lý lầm lạc.

Tại như vậy nên lên tới nhà rồi hai cô dắt nhau đi ra sau vườn, vừa ra khỏi nhà thì cô Lý hỏi cô Mỹ:

- Hồi nãy trên xe chị nói chị có bằng cớ chỉ rõ tôi nghi lầm. Bằng cớ gì đâu?

- Để ra ngoài nhà mát rồi tôi sẽ nói chuyện đó.

- Nói liền bây giờ lại hại gì hay sao?

- Chị nóng nảy quá!

- Làm sao mà không nóng cho được.

Ra tới nhà mát, cô Lý kéo ghế mời cô Mỹ ngồi. Cô Mỹ mở cái bóp lấy ra một phong thơ mà đưa cho cô Lý và nói:

- Thơ của anh Phúc gởi cho anh Trường đó. Chị đọc coi có phải chị nghi lầm hay không?

Cô Lý ngồi mở thơ ra mà đọc như vầy:

Mon cher Trường.

Niềm vợ chồng của moả bề ngoài coi thuận hoà lắm, nhưng mà bề trong rắc rối không biết chừng nào. Sự mâu thuẫn ấy làm cho moả khó chịu hết sức.

Hôm moả xuống thăm toa lần chót, moả muốn tỏ việc ấy với toa, ngặt vì việc ấy hễ nói ra thì phạm đến danh giá của vợ moả, bởi vậy moả muốn nói mà rồi không nỡ nói.

Bữa nay moả buồn quá, không thể nín nữa được, nên moả phải viết thơ nầy mà tỏ việc nhà của moả cho toa biết, moả nói cho hả hơi được hoặc may bớt buồn chút ít chăng?

Khi moả muốn cưới vợ, moả có hỏi ý kiến vợ chồng toa. Vợ chồng toa dụ dự, không cản mà cũng không dám đốc vô, toa sợ moả với cô Lý tâm tánh bất đồng, giáo dục cũng bất đồng, nên khó thuận hoà với nhau được, còn chị Mỹ thì chỉ sợ moả còn thương nhớ cô Hạnh, nếu cưới vợ, thì sẽ làm phiền cho vợ moả.

Ý kiến vợ chồng toa thật đúng đắn. Moả nghe vợ chồng toa luận như vậy, moả sanh ái ngại trong lòng, nên moả dụ dự. Té ra mấy bữa sau gặp cô Lý, moả tỏ ý bày tình với cô, thì cô ưng thuận làm vợ moả, cô lại chịu đổi tâm hồn cô mà theo tâm hồn moả, đặng cứu dùm tâm bịnh cho moả. Đạo đức và cao thượng quá! Nghe cô ưng làm vợ moả thì moả hết dụ dự nữa. Moả mừng rỡ, moả hứa chắc với cô, moả sẽ quên cô Hạnh để trọn sự yêu thương mà đền đáp ơn tế độ, đền đáp tình tri kỷ cho cô.

Từ ngày ấy cho tới ngày cưới, moả sống trong cảnh đời đầm ấm mơ mộng động Bồng Lai, mơ mộng mùi Cực Lạc. Moả chắc mấy ngày ấy là ngày khoái lạc hơn hết trong đời moả. Thiệt như vậy, mấy ngày ấy, sự khoái lạc bao trùm moả, khoái lạc từ mặt ngoài vô tới gan ruột.

Tiếc thay, moả khoái lạc có mấy ngày đó mà thôi, bởi vì tới bữa cưới thì sự mơ mộng hân hoan của moả liền bắt đầu tiêu tan lần lần, rồi ngày nay nó vỡ tan gần hết mà hoá thành sự khổ não của địa ngục!

Chắc toa không biết ai phá sự mơ mộng khoái lạc của moả. Bữa nay moả nói phứt cho toa biết.

Thằng Hườn...thằng Hườn là bạn thiết của nhạc gia moả, là một trai tân tiến lỗi lạc, rực rỡ, đẹp đẽ, giàu có, nó phá tan giấc mộng đầm ấm của moả!
Bữa cưới, lúc dự tiệc tại nhà nhạc gia moả, thằng Hườn ngồi tại bàn phía sau lưng moả, nó trầm trồ nhan sắc của vợ moả, rồi nó nói với chúng bạn như vầy: "Tôi tiếc quá, lúc tôi quen với M. Thinh thì tôi đã có vợ rồi. Nếu tôi chưa có vợ thì cô Lý làm sao mà lọt vào tay người khác được."
Moả nghe mấy lời ấy rõ ràng, dầu đến chừng nào moả chết cũng không quên được.
Đưa dâu về nhà moả rồi, chừng họ đàng gái về, vợ chồng moả đưa ra xe, thì thằng Hườn nó còn nói với vợ moả như vầy: Ëm Lý bỏ cảnh vui sướng Sài Gòn mà về ở chỗ quê mùa như vầy, chắc em sẽ buồn lắm, Sài Gòn mất một cô gái xinh đẹp như em, Sài Gòn cũng hết vui, Sài Gòn sẽ trông đợi em. Vậy dầu em được vui đạo vợ chồng, xin em cũng đưng quên Sài Gòn! "
Thằng Hườn nói mấy lời nầy trước mặt moả. Tuy nghe trái tai, song lúc ấy lộn xộn moả không chú ý đến cho lắm. Lần lần moả suy nghĩ lại rồi moả mới phát nghi. Moả nghi vợ moả có tình với Hườn, nhưng vì Hườn đã có vợ có con, không thể tính một cuộc trăm năm được nên vợ moả mới ưng moả. Nếu không có tình sao lúc ăn tiệc Hườn lại tiếc vợ moả, rồi lúc từ biệt lại nói kín rằng nó trông đợi vợ moả và xin vợ moả đừng quên nó.
Moả nghi trúng lắm. Từ ngày về với moả, vợ moả không chịu xuống Sài Gòn thường vì nó sợ gặp tình nhơn rồi đau đớn hoặc hổ thẹn. Còn ở với moả thì nó cứ buồn bực bứt rứt, moả chắc nó nhớ tình xưa nghĩa cũ. Phải lắm, có như vậy nên moả xin cưới thì chịu liền, có như vậy nên cho cưới mau dữ.
A! Loài người giả dối lắm, Trường ôi! Nuôi tâm hồn theo tân thời, nên phong tục mới tồi bại như vậy đó. Trước kia cô Hạnh, sau nầy cô Lý, cả hai đều là gái tân thời... A!
Gái tân thời!... Trai tân tiến!.... Moả sẽ cho bọn thất giáo nầy một bài học phong hoá đặng chúng nó đổi trí sửa mình mà làm cho xã hội sạch sẽ lại mới được.
Moả đương sắp đặt bài học ấy đây. Đợi chừng moả đem ra mà dạy rồi, toa sẽ biết...
Vợ chồng toa dụ dự không dám đốc moả cưới vợ, thiệt là cao kiến.
Moả phục trí sáng của vợ chồng toa lắm.
Chúc mạnh giỏi luôn luôn và chúc vui vẻ chớ đừng rắc rối như moả là.... PHÚC. Cô Mỹ ngồi một bên mà chờ cô Lý đọc thơ. Cô liếc mắt ngó chừng thì thấy cô Lý đọc khúc đầu cô châu mày xụ mặt, lần lần rồi cô biến sắc và ứa nước mắt.
Chừng đọc dứt rồi, cô Lý thở một hơi dài, cô cầm chặc bức thơ trong tay, miệng chúm chím cười và nói:
- Té ra tôi nghi lầm. May cho tôi lắm.
Cô Mỹ cười mà đáp:
- Tôi biết hễ tôi trưng bằng cớ ra thì chị phải chịu phép. Bây giờ chị còn buồn rầu nữa thôi?
- Tôi hết buồn rồi. Tôi được biết chồng tôi thương tôi, thì tôi còn cớ gì mà buồn nữa. Cha chả, mà anh Phúc coi tôi rẻ quá! Ảnh nghi bậy mà ảnh nói xấu cho tôi đáo để, tôi nghĩ lại tôi hổ thẹn lắm chị.
- Đờn ông hễ họ bị lửa ghen phừng lên đốt họ, thì họ như điên, còn biết phải quấy gì nữa đâu. Bởi thương nên mới ghen, xin chị đừng quên tâm lý ấy.
- Phải. Thương nên mới ghen...mà cũng tại thằng Huờn thất giáo đó, muốn làm mặt khôn lanh rồi nói bậy, nên mới có việc nầy. Hôm đám cưới tôi nghe nó nói mấy lời vô lễ ấy, tôi muốn cho nó một bài học và xô nó trở lại địa vị của nó, ngặt vì ba tôi kéo nó lên xe, tôi nói không kịp.
- Thứ hình nộm có giáo dục gì mà giận nó.
- Vì nó mà hạnh phúc gia đình tôi gần tan nát. Tôi sẽ trả thù.
- Bỏ đi không nên tích ác. Bây giờ tôi hỏi chị vậy chớ chị đã thấy cái đường chị phải noi theo hay chưa? Tôi khuyên chị hãy quên sự anh Phúc nghi lầm mà nói xấu chớ chị đừng thèm nhớ tới. Chị phải để lòng thanh bạch bình tịnh mà thương ảnh, thương cho hăng hái như lúc ban đầu, đặng cái hạnh phước gia đình của chị hoàn toàn đầy đủ.
Cô Lý ngồi suy nghĩ một hồi rồi cô chảy nước mắt mà nói chậm rãi:
- Bây giờ tôi biết chồng tôi buồn là vì ghen chớ không phải vì nhớ cô Hạnh.
Ngặt chứng bịnh ghen khó trị lắm. Nếu lửa ghen cứ ngún trong lòng hoài thì làm sao mà thương tôi được.
- Chị đừng lo về khoảng đó. Đọc thơ của chị biết rõ tính chị rồi thì làm sao mà ghen nữa cho được.
- Thơ đâu mà đọc?
- Tôi có biểu anh Trường đưa cho anh Phúc coi.
- Chị làm vậy hay sao?
- Chớ sao. Vợ chồng tôi lên đây là có ý đổi thơ cho chị với anh Phúc đọc đặng rõ biết lòng nhau rồi hết nghi nhau nữa.
- Anh Phúc gởi thơ hồi nào tôi không hay?
- Hai cái thơ tới một lượt. Vợ chồng tôi đọc rồi thì thấy rõ cái khối tình của chị với anh Phúc lớn lắm, vì tại thương nhau quá rồi sanh ghen, ghen rồi nghi quấy cho nhau, chớ không có chi lạ.
- Tôi sợ khối tình hễ tan rồi thì khó hiệp lại lắm chị.
- Sẽ hiệp lại. Tôi chắc như vậy. Chị đừng lo...Kìa, anh Phúc với anh Trường đi kiếm mình kìa. Để tôi hỏi anh Phúc, ảnh không thương chị hay sao mà chị sợ..
Thiệt quả Phúc với Trường đi ra gần tới nhà mát.
Cô Mỹ lật đật bước xuống thang rồi đi đón hai người ấy và nói: "Anh Phúc còn nghi tình chị Lý nữa hay thôi? Chỉ đọc thơ của anh rồi, chỉ giận chỉ ngồi chỉ khóc nãy giờ đây."
Phúc không trả lời, bươn bả đi riết lên nhà mát.
Cô Mỹ vừa đi theo thì bị chồng nắm tay kéo lại rồi dắt đi tẻ qua phía vườn trà.
Phúc thấy vợ đương ngồi bình tịnh, sắc mặt buồn hiu, cặp mắt ướt rượt, thì kéo ghế ngồi khít một bên, rồi nắm tay vợ mà nói: "Qua xin em tha lỗi cho qua. Vì qua thương em quá nên nổi ghen, rồi nghi bậy làm phạm đến danh giá trong sạch tiết tháo cao thượng của em. Từ rày anh sẽ thương em bội phần, thương dư như vậy đặng đền bồi cái lợt lạt của qua mấy tuần nay. Em sẵn lòng tha thứ cho qua hay không?“ Cô Lý nhích miệng cười chúm chím, sắc mặt sáng lòa. Cô đưa bức thơ của Phúc lên mà ngó rồi xếp lại, thủng thẳng xé to xé nhỏ mà quăng trước mặt.
Phúc thấy cử chỉ ấy thì biết vợ đã hết phiền mình, nên hớn hở nói: "Phải, em xé bức thơ khốn nạn của qua mà bỏ đi, để làm gì. Bức thơ của em mới đáng dể dành. Qua để trong túi áo đây. Qua sẽ cất kỹ để làm bùa trừ chứng bịnh cũ của qua và để kỷ niệm sự tái sanh ái tình của vợ chồng ta."
Cô Lý thơ thới trong lòng nên dựa đầu vào vai chồng. Phúc lấy khăn mu xoa mà lau nước mắt vợ.
Cô Lý hỏi nhỏ nhỏ:
- Thiệt anh hết nghi tình em rồi hả?
- Hết thiệt.
- Từ rày anh thương em hoàn toàn hả?
- Qua thương em hoàn toàn không thiếu sót chút nào hết. Qua thương yêu em mà qua kính trọng em nữa... Qua không biết nói lời nào cho em tin bây giờ... À, qua xin ông thần Ái Tình của mình chứng minh dùm mấy lời qua nói với em đây.
- Anh có biết ông thần Ái Tình của mình là ai không? Anh Trường với chị Mỹ đó.
- À, phải. trước kia nhờ có vợ chồng Trường đôi ta mới gặp nhau. Bây giờ cũng nhờ có vợ chồng Trường đôi ta mới giải nghi được. Thiệt vợ chồng Trường là ông Tơ bà Nguyệt của chúng ta. Để qua mời vô đây để qua tạ ơn. Phúc đứng dậy rồi bước ra cửa kêu Trường om sòm.
Vợ chồng Trường trở lại nhà mát. Trường lên thang thấy vợ chồng Phúc tươi cười thì hỏi: "Hết mưa rồi bây giờ tới nắng hả? Còn nghi nhau nữa hay thôi".
Cô Lý cười mà đáp: "Hết nghi mà lại thương hơn hồi trước nữa".
Trường nói: "Tốt lắm, tốt lắm. Tôi mừng cho hai ông bà".
Phúc nói: "Vợ mỏa nó kêu vợ chồng toa là Thần ái tình. Vậy mỏa xin mời ông thần bà thánh ái tình vào đây đặng mỏa tạ ơn tác hiệp lương duyên cho mỏa".
Cô Mỹ nghe mấy lời ấy thì cô cười ngất.
Trường nghiêm nét mặt, bước lại đứng giữa nhà mà nói lớn: "Ta nhận chức Thần ái tình. Vậy thiện nam tín nữ hãy lẳng lặng mà nghe thần ái tình mách bảo: Trong đạo vợ chồng phải lấy chữ Tình với chữ Tín mà làm gốc. Song có Tình mà thiếu Tín thì đạo vợ chồng không bền vững. Còn có Tín mà thiếu Tình thì niềm chồng vợ không nồng nàn.
Vậy phải có đủ Tình với Tín thì hạnh phước mới tràn trề, gia đình mới đầm ấm. Thiện nam tín nữ phải ghi nhớ mấy lời thần dạy đó. Thần còn mách bảo thêm điều nầy nữa: "Thần muốn giáng luôn trên cái miễu nầy mà phò hộ cho cặp vợ chồng của tên Phúc với thị Lý được hạnh phước trọn đời. Vậy từ rày phải đặt tên cái miễu nầy là "Ái tình miếu", trước miễu phải treo một tấm bảng đề ba chữ ấy cho lớn đặng thảo mộc chung quanh ngó thấy mà sùng bái Thần. Thôi, thần thăng“.
Cô Lý với cô Mỹ vỗ tay cười ngả ngớn.
Phúc nói: "Tôi sẽ làm y theo lời Thần mách bảo, Tôi sẽ cất cái miếu nầy lại cho tốt đẹp. Trước hiên tôi sẽ treo tấm bảng:"Ái tình miếu" để kỷ niệm sự vợ chồng tôi thấu hiểu tâm hồn nhau, không còn nghi nhau chút nào hết."
Trường vỗ tay mà cười rồi rủ mấy người kia trở vô nhà, song dặn đừng thổ lộ tâm sự của gia đình Phúc cho bà giáo hay, vì sợ bà hay rồi bà lo. Vợ chồng Trường tỏ ý muốn về. Bà giáo Viễn không cho, bà nói bà sắp đặt bữa cơm trưa rồi mà đãi khách. Vợ chồng Trường phải ở ăn cơm rồi mới về được.
Chừng ra xe mà về, Cô Mỹ thấy chiếc xe của ông Thinh thì cô hỏi cô Lý: "Chừng nào chị mới xuống Sài Gòn. Xe còn chờ kia. Thôi đi một lượt cho vui."
Cô Lý liền kêu sớp phơ của cô mà nói: "Thôi anh đem xe về đi. Anh thưa dùm lại với ông rằng vợ chồng tôi mắc có việc thình lình nên bữa nay về thăm ông chưa được. Để bữa nào đi được tôi cho hay rồi anh sẽ đem xe lên rước".
Cô Mỹ hỏi cô Lý: "Sao chị không đi bữa nay? Tôi muốn hai ông bà xuống Sài Gòn đặng vợ chồng làm tiệc ăn mừng".
Phúc rước mà đthế cho vợ: "Cảm ơn chị. Để ít bữa nữa rảnh rồi chúng tôi sẽ xuống. Bây giờ vợ chồng tôi mắc lo bồi đắp nền gia đình lại cho rực rỡ vững chắc, nhứt là mắc lo sùng tu "Ái tình miếu" nên đi chưa được."
Trường vỗ tay la lớn: "Gia đình vạn tuế!... Ái tình vạn tuế!" Bốn bạn bắt tay từ giã nhau, người về toại lòng, kẻ ở mãn nguyện.
50. người lái xe, tài xế.

6/6/2015
Hồ Biểu Chánh
Theo https://isach.info/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...