Thứ Năm, 30 tháng 11, 2023

Nguyễn Cường với Hành trình cô đơn

Nguyễn Cường với Hành trình cô đơn

Nhân đọc tập thơ Hành trình cô đơn của nhà thơ Nguyễn Cường, NXB Thế giới, 2019
Hành trình cô đơn gồm 108 bài thơ, đó là những cảm xúc tản mạn của nhà thơ Nguyễn Cường về con người, cuộc đời và thời cuộc. Sự tản mạn ấy nhưng nằm trong chỉnh thể, bức tranh đời sống với nhiều nhức nhối, đa đoan. Ở cái tuổi không còn trẻ nữa, nhà thơ chiêm nghiệm một cách sâu sắc về những gì đã và đang diễn ra quanh mình. Những năm tháng anh đã sống, đã tận hiến hết mình vì cuộc sống và tình yêu với bao dằn vặt, trăn trở và suy tư. Ý thức của một công dân luôn sống hết lòng bằng tinh thần trách nhiệm, sẵn sàng và mong muốn làm đẹp cho đời với một thái độ sống thiện lương, thuần khiết.
Đọc hết tập thơ, tôi thấy bài nào cũng buồn, có bài tôi phải dừng lại, đọc 2-3 lần, rồi bất chợt cũng gây cho tôi cảm giác buồn theo. Cái buồn khi mọi thứ hình như không theo ý muốn, cái nhận về phần nhiều là những thua thiệt, đau khổ, mất mát và tổn thương.
Bởi suy cho cùng, con người ta sinh ra, lớn lên, già cỗi và đến khi mất là một hành trình. Hành trình đó dài hay ngắn, thuận lợi hay trắc trở tùy vào từng con người, từng số phận cụ thể. Nhưng chung quy lại đó là một cuộc hành trình đầy gian nan, vất vả, trầy trật và cô đơn. Cái tôi cô đơn trong thơ Nguyễn Cường là cái tôi cô đơn trước sự xa vắng của thời gian, sự hoang hoải của không gian. Đôi lúc anh cảm thấy đơn độc giữa cuộc đời, cuộc người.
Cô đơn ngay chính nơi quê hương, cô đơn với người thân yêu ruột thịt, cô đơn với bạn bè, những người xung quanh, với đám đông và thậm chí cô đơn ngay với chính mình.
nhiều khi thấy mình đơn độc/ như ánh trăng trên phố/ như ngọn gió ngoài đồng/ như kẻ mộng mơ giữa đám đông ô trọc (Đơn độc giữa đám đông).
Nhân vật trữ tình “tôi” tự thú: từ khi biết làm người/ tôi khóc/ những giọt nước mắt chảy vào lòng đại dương/ những vụ nổ âm thầm cực nhọc
đêm không ngủ/ thu mình trong thế giới lặng câm đơn độc/ tồn tại hay không/ cát bụi phận người
đi tìm lẽ sống/ từng bước chân mối ngày/ ván cờ người đặt bày theo số mệnh/ vẫn mong chờ con tốt sang sông… (Tôi).
Sự cô đơn đã ăn mòn trong đời sống, nó đeo bám dai dẳng và hình như đã ăn sâu vào trong huyết mạch đến độ “tôi” phải trầm cảm.
tôi trầm cảm/ trong chính ngôi nhà của mình/ như một kẻ thất tình/ đen bạc

bao đêm không ngủ/ giấc mơ thành bãi chiến trường/ cối xay gió gầm gừ những vòng quay giận dữ/ không biết mình đang sống cùng ai
(Trầm cảm)
Nhà thơ Nguyễn Cường
Hành trình tìm kiếm khám phá bản thể cá nhân phần nào hiển lộ sự đa chiều, đa diện, phức hợp trong đời sống con người thời hiện đại. Và nó như một sự mặc định.
suốt cuộc đời sau cỗ xe nặng nhọc/ làm cái bóng đen dằn xóc dưới mặt đường/ và cứ mãi cúi đầu thầm lặng/ mặc trên vai màu nắng vô thường (Đơn độc giữa đám đông).
Với sự nhạy cảm và trải đời nhà thơ cảm nhận thế giới xung quanh bằng cả bề rộng lẫn chiều sâu, những âm vang từ cuộc đời khúc xạ qua lăng kính trải nghiệm của chính anh…
phận người nhỏ bé chênh vênh/ trong cơn bão táp đầu ghềnh cuối mom/ bạn là ai – hạt sỏi tròn/ tôi là ai – hạt cát mòn lăn xa
về đâu chẳng phải riêng ta/ ngập chìm trong đám phù sa chập chồng/ đôi bờ sao chẳng đi chung/ bạn và tôi đến tận cùng vẫn chưa… (Tận cùng vẫn chưa)
Nhà thơ Nguyễn Cường lúc nào cũng trong tâm thế thấp thỏm, hoài nghi. Hầu như anh hoài nghi tất cả.
mỗi sáng trước bàn phím nhỏ/ muốn luận bàn những chuyện nhân gian/ chợt nghĩ cánh hoa tàn/ trước gió
con đò nhỏ/ làm sao xoay chuyển được dòng nước trôi/ nói chi chuyện đất trời/ xuôi ngược
khi nước mắt ngừng rơi/ nỗi đau thấm đến tận cùng xương tủy/ kẻ bất chí quay mặt vào vách đá/ mặc sau lưng một lũ ma vầy
thời vận đổi thay/ tất cả đã phơi bày trước mắt/ ta cũng phơi bày/ sự vô vọng khiến ta thành câm điếc… (Vô vọng).
Nhà thơ không ngần ngại bày tỏ sự bất lực của bản thân trước bao điều nhức nhối đang diễn ra và cuối cùng “ta” cũng trở thành kẻ câm điếc. Câm điếc trong sự vô vọng, cay đắng.
Chính sự hoài nghi vì anh tiên đoán trước mọi điều có thể xảy ra ở thì tương lai. Dẫu ngày càng lắm kẻ xênh xang mũ áo/ nhâng nháo khắp nơi buôn thánh bán thần/ họ có thể dối người dối đời và dối cả bản thân/ nhưng dối sao được ánh mặt trời (Những kẻ lỡ tàu).
Thôi, đành tự ru lòng mình vậy, tự an ủi chính mà sống mà yêu bằng chính tấm lòng, sự bao dung của một con người tử tế, đau cho mình và cả những nỗi đau nhân thế. Bởi Nguyễn Cường tinh tế nhận ra sự tồn tại những điều vô lý nhưng lại có lý, những thứ lý thuyết sáo rỗng, những lời nói vô hồn…
lời nói xảo biện/ phán xét bầu trời qua miệng giếng/ nghiến răng kèn kẹt/ chỉ là con cóc ngóng mưa
anh hùng xưa nay phân định/ phải đâu trò quỷ ma lộn sòng sáng tối/ nghênh ngang đắc chí một thời
cây cỏ bên đường/ gồng mình dưới bánh xe lịch sử/ luận anh hùng đâu phải bằng con chữ/ cứ nâng lên thành đường (Luận anh hùng).
Nỗi cô đơn dường như cứ hiện hữu mọi lúc mọi nơi. Tuy vậy nhà thơ không hề bế tắc bởi anh luôn nhận thức rất rõ về nhân cách và hoàn cảnh. Nhà thơ đã sâu sắc nhận ra sự tồn tại của những bi kịch cá nhân, bi kịch xã hội. Sự thành bại, được mất, ở đỉnh cao quyền lực/đỉnh cao danh vọng hay một kẻ bụi trần đều cũng là con người. Rồi trải qua những dâu bể thăng trầm, những thật giả lộn nhào trong vòng quay nhân thế đã có câu trả lời ở ngày hôm nay.
tôi họ Nguyễn – ông cũng là họ Nguyễn
ông là vua – tôi hạt bụi trần
triều đại ông long đong lận đận
khi cơn lũ thực dân tràn ngập bốn phương trời…
 
bao nhiêu năm mở mang bờ cõi
bao nhiêu năm dưới ách ngoại xâm
bao nhiêu năm để lại bao lăng tẩm
những ông vua cuối cùng yên giấc đã bao năm…
 
tôi đến thăm cố đô sau bao cuộc thăng trầm
nửa vàng son nửa còn hoang phế
thật giả lộn nhào trong vòng quay trần thế
những ông vua và những hạt bụi trần…
(Những ông vua nhà Nguyễn)
Nỗi buồn, sự cô đơn trở thành dòng chảy chủ đạo và xuyên suốt trong thơ Nguyễn Cường. Nỗi buồn và sự cô đơn “tinh khiết” trong sâu thẳm tâm hồn người nghệ sĩ như anh thì đó cũng là một điều đáng trân trọng. Bài thơ trả nợ đời/ chẳng mấy khi viết nổi/ bởi làm người rất tội/ càng sống càng nợ thêm// Nên đành xin khất lại/ bài thơ cuộc đời tôi/ mãi mãi còn dang dở/ như nụ cười trên môi… (Bài thơ dang dở).
Cái tôi ý thức và cái tôi vô thức đan xen, khó phân định rạch ròi nên đôi lúc tạo thành một mớ hỗn độn khó hiểu, không lý giải được. Khi đời thực bế tắc, con người ta thường tìm đến một đức tin tôn giáo, nương nhờ nơi cửa Phật nhưng rồi đó cũng chỉ là niềm tin “hành khất”. Nghe có gì đó ngậm ngùi.
những ngôi chùa to/ những pho tượng khổng lồ/ ồn ào chuông mõ/ phủ khói nhang lên vô số phận người
đám đông như đàn kiến bò quanh miệng chén/ cầu xin mọi sự trên đời/ mọi thế lực cao siêu huyền bí/ dẫu chỉ là bày đặt mà thôi
Bao câu hỏi lại đặt ra về những sự thật đang tồn tại và tiếp diễn ở thời hiện đại, “mượn áo thánh thần che lốt ma ranh” (Nguyễn Duy).
Con người trở nên khủng hoảng niềm tin, những gì gọi là lý tưởng đều trở thành méo mó, đáng thương, các giá trị thang bậc bị phá vỡ.
sáng nắng trưa nắng chiều cũng nắng/ ra phố làm chi/ ngoài phố nhiều khí thải/ đánh cãi chửi nhau đâm xe cướp giật/ thêm bớt một ta chẳng thiếu cũng chẳng thừa
Rồi sau đó nhà thơ lại chiêm nghiệm: nhưng cuộc đời đâu chỉ nắng mưa/ còn có đủ chín chiều nhân thế/ lại ra phố hòa vào dòng người đang tấp nập bán mua/ ngày mai sẽ ra sao/ ai kẻ thắng thua… ai kẻ thiếu thừa… (Ngày mai ai kẻ thiếu thừa).
Thơ Nguyễn Cường là loại thơ diễn giải cảm xúc nên đa phần anh sử dụng thể thơ tự do để chuyển tải thuận lợi hơn. Nhà thơ dễ đi vào chiều sâu bên trong tâm hồn để bày tỏ, luận giải vấn đề.
Giấc mơ quê nhà là một bài thơ đọc lên nghe có gì đó xót xa, bởi tất cả những gì của quá khứ hôm qua giờ chỉ còn trong ký ức. Giấc mơ được trở về lại quê nhà, trở về với những gì bình dị, thân thương nhất, trở về với những giá trị tinh thần nhân văn luôn thôi thúc nhà thơ: ngày mai tôi lại tiếp phần đời dang dở/ tiếp những cơn mơ chưa tới đích bao giờ… Nhà thơ Nguyễn Cường luôn có cảm giác bất an trước những biến động của cuộc đời sẽ làm tan vỡ chút hạnh phúc, chút niềm vui của quá khứ.
Nhìn chung thơ anh không phải là thơ được viết bằng những kỹ thuật, kỹ xảo hay chú trọng trau chuốt câu từ một cách cẩn thận nhưng nó chân thật và dễ làm người đọc đồng cảm. Bởi ở đó, độc giả nhận ra có cái gì đó giống mình, đâu đó là bóng dáng, là suy nghĩ, là nỗi đau, sự dằn vặt, suy tư, trăn trở giống mình. Suốt cả cuộc đời, nhà thơ luôn kiếm tìm những gì chân thành nhất, nhân văn nhất, ngay cả việc tìm kiếm chính khuôn mặt mình.
Tôi đi tìm thế giới riêng tôi/ giải thoát khỏi giấc mơ truyền kiếp/ những lời nguyền đè nặng lên thân phận/ phấn son nào che nổi nỗi đau// Cuộc trả giá muộn màng/ lớp lớp giả trang lần lượt rụng rơi/ cuộc đời đầy vết thương năm tháng/ khuôn mặt này đâu phải riêng tôi… (Khuôn mặt tôi).
“Nghệ thuật luôn có những đòi hỏi khắt khe đối với người nghệ sĩ. Kẻ sáng tạo sẽ bị đào thải nếu không cho mình những quan niệm đúng đắn về đời và nghề. Trong vô vàn những quan niệm cần có của nghệ thuật, quan niệm hạnh phúc và quan niệm cuộc đời giữ vai trò hạt nhân. Nó chi phối, định hướng và quyết định sự thành bại trong vai trò làm người và sáng tạo của người nghệ sĩ”. Với Nguyễn Cường, anh đã chọn cho mình một lối sống thuần khiết theo kiểu riêng anh. Đến với thơ bằng tình yêu chân thật nhất, bởi ở đó anh ký thác tất cả mọi nghĩ suy, trăn trở thao thức của mình. Thật đáng trân quý!
anh lặng lẽ làm thơ/ lặng lẽ chờ trong niềm vui khờ dại/ mỗi con chữ một chút gì lưu lại/ ai là người giãi mã ước mơ
đêm dài mất ngủ/ anh mộng du qua những cung bậc đời/ rơi xuống đáy/ rồi bay lên bằng ánh lửa ma trơi
những bài thơ gan ruột/ anh trả nợ đời/ nhưng không phải ai cũng đều nhận được/ ai cũng đều ưng thuận luật chơi
rồi mai đây trở về cát bụi/ thế giới cũng chỉ là cát bụi trong anh/ chút ánh sáng cuối cùng vụt tắt/ câu thơ vẫn còn xanh… (Thơ và nhà thơ).
Sáng tạo là nỗ lực nhọc nhằn của người nghệ sĩ nói chung, thi sĩ nói riêng. Họ kiếm tìm cái đẹp, cái thanh cao trong sự gắn kết giữa cái cũ với cái mới, cái  mang tính nhân văn nhân ái và luôn đặt trong mối tương quan giữa cá nhân với cộng đồng. Đó là con đường đầy chông gai, nhiều bất trắc nhưng với sự nỗ lực, niềm đam mê, sự dấn thân quên mình như Nguyễn Cường thì có lẽ anh sẽ có đủ dũng khí và hành trang để bước trên hành trình cuộc đời. Cho dù đó là Hành trình cô đơn!.
6/5/2020
Nguyễn Văn Hòa
Theo https://vanchuongphuongnam.vn/

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Mang mùa xuân về

Mang mùa xuân về Máy bay từ từ hạ cánh. Dòng chữ “Cảng Hàng không Phù Cát” in lồng lộng nổi bật trên bầu trời đêm khiến lòng tôi nôn nao k...